Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

DẪN VÀO THẾ GIỚI THƠ


DẪN VÀO THẾ GIỚI THƠ CỦA DỊCH GIẢ KHỔNG ĐỨC  
- NGỌC ANH -

Việt Nam từ trước đến giờ luôn tự hào là một đất nước yêu thơ, đến nổi: “người người in thơ nhà nhà in thơ”, ra ngỏ gặp “nhà thơ”, đọc thơ trên bàn nhậu phải trả tiền bia...là sự thật trong giới văn nghệ sĩ giang hồ Sài Gòn. Nhưng để hiểu một bài thơ như thế nào là hay? lại không hề là chuyện đơn giản. Nhà phê bình Hoài Thanh trong quyển Thi nhân Việt Nam tự nhận không dám bình thơ Hàn Mạc Tử vì không thể hiểu được thế giới lạnh lẽo, u tối và cô độc của thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền là một trong những nhà thơ khai mạch nguồn thơ tự do thế nhưng luôn bị hiểu lầm, và không được tưởng thưởng xứng đáng với tiếng tăm mà một nhà thơ lớn đáng lẽ phải thế…

DẪN VÀO THẾ GIỚI THƠ là tác phẩm dịch-nghiên cứu của dịch giả Khổng Đức, có tham vọng giúp người đọc khám phá phần nào cái tuyệt diệu, đẹp đẽ u sầu, sâu kín của thơ và thế giới. Quyển sách là những mẫu đối thoại, những tiểu luận về thơ hết sức trí tuệ, sắc sảo của Cao Hành Kiện, J.M.Maulpoix, Edgar Morin, Vương Đức Phong… như: Ngôn ngữ của thơ, Tìm thơ ở đâu, Nơi cư trú của thơ, Sự xung động trong sáng tác, Vấn đề linh cảm hay cảm hứng trong sáng tác, Thần tứ, Cội nguồn của thi ca, Vấn đề của minh trí, Phê bình nghệ thuật…
Kính mời anh (chị) đến tham dự ra mắt sách “Dẫn vào thế giới thơ” sẽ được giới thiệu tại quán cà phê Sống Chậm của nhà thơ Lynh Bacardi vào lúc 9h sáng, chủ nhật ngày 04/08/2013 tại số 63B Trần Quốc Thảo (góc ngã tư Điện Biên Phủ- Trần Quốc Thảo). 

Nhận sách từ tác giả với giá ủng hộ ấn phí tùy tâm.

Một số trích dẫn trong “Dẫn vào thế giới thơ”
Làm thơ hay sống với thơ là sự kiện đốt cháy ngọn lửa nội tâm (đốt cháy ở đây là tiêu xài phung phí một phần của sự điên cuồng trong đời, nhưng có thể đó là sự minh trí (sagesse); và minh trí đúng nghĩa là có pha lẫn điên cuồng – G.Bataille
Trong tất cả hoạt động của con người, làm thơ là chân thật nhất; vì vậy con người có một thứ của cải nguy hiểm nhất là ngôn ngữ, nhưng chính điều đó lại chứng thực sự tồn tại của nó (Holderlin)
Cái làm cho nghệ thuật tồn tại là máu và nước mắt (J-P.Sartre)
Sự điên khùng của con người bắt nguồn từ sự căm ghét, hung dữ, man rợ, đui mù. Nhưng không có tình cảm hỗn độn, sự tưởng tượng vượt mức, không có sự điên khùng, thì cũng có thể không có đà xung động, sự sáng tạo, sáng kiến, tình yêu và thi ca (Edgar Morin)

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Từ một bản luận văn

Đó là bản luận văn thạc sĩ văn học mang đề tài Vị trí của kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa.
Tác giả luận văn là Đỗ Thị Thoan, còn được biết đến trong văn giới với bút danh Nhã Thuyên. Người nghiên cứu này còn trẻ (sinh 1986), đề tài lại về một hiện tượng của văn học đương đại rất mới mẻ nhưng đã được bộ môn Lý luận văn học của khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội chấp nhận cho làm. Luận văn đã hoàn thành, đã được hội đồng chấm cho điểm 10 cách đây ba năm. Bây giờ một làn sóng phê phán bản luận văn đang được dấy lên bằng những bài viết chỉ trích người làm, người hướng dẫn, người chấm và cả cơ quan chủ quản trong việc này. Giọng điệu các bài viết rất gay gắt, phẫn nộ, đòi xử lý trách nhiệm của tất cả những ai có dính líu đến bản luận văn. Và thông tin nghe được cho biết Nhã Thuyên đã bị chấm dứt hợp đồng giảng dạy ở khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, giáo viên hướng dẫn cô cũng bị thôi chức trưởng bộ môn và bản luận văn sẽ bị đưa ra phanh phui, mổ xẻ.
Để sang một bên nội dung các bài viết phê phán bản luận văn của Nhã Thuyên đúng sai thế nào, ta hãy xét sự việc dưới góc nhìn pháp luật. Khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội là một cơ sở đào tạo sau ĐH có pháp quy. Các học viên cao học, nghiên cứu sinh muốn được đào tạo tại đây đã phải trải qua các kỳ thi tuyển. Đề tài của họ đã được thẩm định. Người hướng dẫn được phân công và hội đồng chấm luận văn được thành lập đều phải theo đúng quy trình của Bộ GD&ĐT ban hành và phải được cấp trên quyết định. Cuộc chấm luận văn được tiến hành theo đúng các thủ tục quy định. Biên bản cuộc chấm cũng như các phát biểu của thành viên hội đồng, các điểm số đều được lưu lại hồ sơ khoa học của khoa. Nghĩa là quá trình làm luận văn và chấm luận văn, bậc thạc sĩ cũng như bậc tiến sĩ đều được tiến hành và giám sát bằng một quy trình đã được chuẩn hóa về pháp quy của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Do đó, khi có yêu cầu xét lại bản luận văn thì đòi hỏi đầu tiên là phải tuân thủ đúng quy trình đã có. Bộ hoặc trường, hoặc khoa phải có quyết định thành lập một hội đồng chấm lại luận văn, hoặc giả là hội đồng phúc tra luận văn. Hai hội đồng cũ và mới phải được đối thoại, tranh luận với nhau trên cơ sở khoa học. Kết luận của hội đồng cũ và mới phải được coi trọng ngang nhau trên bàn của cấp ra quyết định cuối cùng. Bản thân người làm luận văn là chủ thể chính của văn bản bị đưa ra mổ xẻ, phê phán, phải được quyền có tiếng nói trình bày, bảo vệ và phản biện công trình khoa học dưới dạng luận văn của mình. Các ý kiến trên dư luận chỉ là thông tin bên ngoài, không thể coi là chứng cứ khoa học, càng không thể coi là áp lực số đông làm ảnh hưởng, thậm chí xuyên tạc bản chất khoa học của vấn đề. Trong khoa học, tiếng nói của nhà khoa học phải được coi trọng và đề cao. Hiện tại, việc “xử lý” Nhã Thuyên và giáo viên hướng dẫn cô là đã sai quy trình pháp luật, quy trình khoa học. Hội đồng thẩm định lại luận văn chưa có, cuộc họp xét lại luận văn chưa diễn ra, bản luận văn chưa được xem xét lại, người làm và người chấm luận văn chưa được tranh luận lại, thế thì lý do nào để cắt hợp đồng giảng dạy của Nhã Thuyên và cắt chức của người hướng dẫn khoa học bản luận văn đó?
Không ai có tội trước khi bị tòa kết tội. Nguyên lý cơ bản đó áp dụng trong trường hợp này là: bản luận văn Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa và tác giả của nó, người hướng dẫn làm nó và hội đồng chấm nó chưa thể bị quy kết tội phạm gì khi chưa có một đánh giá khách quan, khoa học từ một hội đồng thẩm định bao gồm các chuyên gia của ngành. Bởi vì đây là một đề tài khoa học, một luận văn khoa học nên chỉ chịu sự giám định về mặt khoa học. Nhất là khoa học văn học đòi hỏi rất lớn sự tinh tường và tử tế.
PHẠM XUÂN NGUYÊN

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Sách nhận được và giới thiệu

 



 Tiểu thuyết “Tương tác” của nhà thơ Triệu Từ Truyền. NXB Hội Nhà Văn
sách dày 320 trang khổ 13 x 20 cm, đề giá 80.000 đ.





Tuyển tập “Triệu Từ Truyền - Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức & tâm thức” gồm 35 tản văn và bình luận của 26 tác giả “có tâm và có tầm gần xa các vùng miền đất nước, yêu mến soi rọi từ nhiều phía tri thức, nhiều chiều thấu cảm về 50 năm - hành trình thơ Triệu Cung Tinh - Triệu Từ Truyền”. 
Sách dày 276 trang khổ 13 x 20 cm, được in ấn mỹ thuật trên giấy tốt 
NXB Trẻ

 
Tập thơ đầu tay của nhà thơ Lê Nho Quế Sơn - 96 trang
NXb Hội Nhà Văn  

TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU 

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

CHIA BUỒN với nhà thơ Đồng Chuông Tử

Được tin thân mẫu của nhà thơ Đồng Chuông Tử từ trần lúc 14h30 ngày 26.07.2013 tại Pajai (thị trấn Ma Lâm - huyện Hàm Thuận Bắc - tỉnh Bình Thuận), hưởng thọ 76 tuổi.
Bạn bè thân hữu thành thật chia buồn cùng nhà thơ và gia quyến
Cầu chúc Cụ Bà sớm được bình an chốn vĩnh hằng

nguyễn tiến văn - nguyễn thị hậu - từ hoài tấn - nguyễn miên thảo - lê thánh thư - vũ trọng quang - nguyễn xuân hương - linh phương - trần hữu dũng - bùi chí vinh - nguyễn viện - nguyễn đình bổn - phạm thiên văn - nguyễn minh chí - vũ hà nam - chiêu anh nguyễn - lynh bacardi - hồ liễu - trần tiến dũng - tuấn khanh - lê vĩnh tài - huỳnh lê nhật tấn - đình nguyên - ...

HUỲNH PHAN ANH: "Thơ hiện hữu chống lại thơ"




   Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh




NVTPHCM- Nhà phê bình Huỳnh Phan Anh quan niệm: “Thơ không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ. Như vậy trong chính danh của lời nói, trong chính danh của thơ, người ta phải nhìn nhận một điều: Không được phép nói về thơ. Niềm im lặng của thơ biến mọi lời nói, mọi lời thuyết giảng hay chú giải về thơ thành thừa thãi, ngụy biện ngây ngô”.

Kể từ khi được ấn hành trong tập tiểu luận “Văn chương và kinh nghiệm hư vô” (xuất bản năm 1968) đến nay, Thơ hiện hữu chống lại thơ của ông Huỳnh Phan Anh vẫn còn là nỗi ám ảnh, day dứt đối với những ai đã làm thơ, đang làm thơ, hay nuôi ý định sẽ làm thơ, và cho những ai muốn định nghĩa, cắt nghĩa về thơ. Ông Huỳnh Phan Anh cùng tiểu luận của ông đã rất đúng khi cho rằng, bất cứ ai trong chúng ta đang ra sức khẳng định thơ là thế này hay thơ là thế khác, hoặc suy tư về thơ hay, thơ dở thì cũng đều là mang thơ ra để phủ nhận chính thơ, là thơ chống thơ theo nghĩa bản chất. Ứng với suy tư ấy của ông Huỳnh Phan Anh trong thực tiễn phê bình thơ ngày hôm nay, ta thấy, mọi sự phân định thơ dở thơ hay, thơ ngoại biên hay thơ trung tâm, thơ “rác” hay thơ “linh thiêng” đều là những cách thức suy diễn chống lại bản chất của thơ. Bởi vì “thơ” là miền im lặng, và cũng là vì, thi sĩ khi làm thơ thường không định nghĩa thơ phải thế này hay thơ phải thế kia.
Thơ cũng như người làm ra nó là một cõi im lặng và hồn nhiên với chính nó. Nó hướng về hiện hữu để hỏi và chiêm nghiệm về hiện hữu, chứ không phải là hướng về hiện hữu rồi quay trở lại nghi vấn về sự tồn tại của mình. Người thơ cất bút làm thơ như một thoáng nghiệm sinh, phiêu lưu cùng hiện hữu, để hiện hữu ấy qua thơ có thể tự lý giải về sự có mặt của mình trong cõi đời. Do đó cách tốt nhất để chúng ta hỏi về thơ là hãy im lặng trước thơ, để nó tự trôi chảy theo ý nghĩ và tuôn trào theo con tim đến với cuộc đời nhiều đau khổ; hướng con người tới sự xoa dịu êm ái của ngôn từ như ông Huỳnh Phan Anh từng thông điệp tới các thi sĩ và thế giới thơ của họ, rằng, “đừng tìm những cuộc hóa thân đâu xa xôi. Hãy nhìn trở lại con người, và bắt đầu bằng cái nhìn nó gửi lên sự vật, những cảm xúc của nó, những mơ mộng của nó, những niềm tin của nó, để thấy sự thay đổi cả một thời đại. Có thể chúng ta bi thảm vì, nói một cách đơn giản, chúng ta đã đánh mất thơ ngây. Và bi thảm hơn, chúng ta không thấy điều đó” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
Nếu như trong phần 1 của tiểu luận Thơ hiện hữu chống lại thơ, ông Huỳnh Phan Anh đã chỉ ra đặc trưng mơ mộng từ căn tính thơ, rằng, thơ là một hiện hữu không thể cắt nghĩa, không thể khái niệm và không thể ban bố thang bậc xác định thế nào là thơ, thì tới phần 2 của tiểu luận, tác giả của nó đặt thơ vào một vị trí chơi chữ nửa như bông đùa nửa như mời gọi những nhà phê bình thơ nóng tính hạ bút phê phán mình.
Thơ có chân lý không? Một câu hỏi đau đầu cho những nhà bình luận. Câu hỏi ấy đặt ra có nguy cơ lật nhào những quy ước “thang bậc lý luận” cho các ý niệm thơ hay, thơ dở. Và bởi vì thơ là một hiện hữu im lặng, cho nên ngôn ngữ dẫu có trác tuyệt, diệu vợi như thế nào thì nó cũng không thể giải phóng tuyệt đối bản chất mơ mộng, phiêu bồng của tâm hồn người làm ra nó. Cũng bởi lẽ, ngôn ngữ là phúng dụ của nghĩa, nó mang bản chất siêu hình học như cuộc vượt biên, trốn chạy đầy mơ hồ trước thực tiễn sống của thi nhân, cho nên mọi chân lý đặt ra với thơ cũng đều là hành động chống lại chân lý thơ. Ông Huỳnh Phan Anh với kinh nghiệm phản tư triết học đã đặt thơ vào tình thế chống lại những nhà phê bình thơ, chống lại thói quen thẩm định thơ cảm tính, chống lại một hệ thống giáo điều thơ theo kiểu luân lý, thơ hay phải thế này, thơ hay phải thế kia.
Thơ cũng giống như người làm thơ chẳng thể nào chỉ gói gọn tâm hồn mình trong sự nghèo nàn của ngôn ngữ cộng đồng, nó vượt thoát những giới hạn luật lệ khiến thi nhân phải ngột thở, để oằn mình vươn tới cái khác, cái bên ngoài, cái phóng khoáng của tưởng tượng. Người thơ với tâm hồn thơ phiêu bồng, khi thì cưỡi trăng, lúc thì hạ thủy, đêm xuống bầu bạn cùng mây gió, chẳng thể đậu yên một chỗ như con thuyền trước bóng thì làm gì có chân lý chuẩn mực của thơ. Chân lý của thơ là sự im lặng. Cõi lòng thi nhân là cõi lòng không thể dàn trải trong giới hạn của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ chỉ là cái cớ để những tâm hồn đồng điệu sát lại gần nhau trong sự im lặng bất tận của tâm hồn. Sự im lặng ấy sẽ đốt cháy tâm thức của họ thành cuộc phản kháng chống lại hiện hữu theo nghĩa mời gọi, rủ rê những ngọn lửa khác bên ngoài đang đi tìm “bóng lửa” của mình. Cuộc đoàn viên, tụ họp của những bóng lửa ấy sẽ mở ra viễn tượng bùng cháy bất tận của ngọn lửa thơ, sẵn sàng thiêu đốt mọi giới hạn, mọi quy tắc áp đặt lên bản chất phóng khoáng, tự do của thơ và người thơ: “lời nói thơ, ngôn ngữ thơ, là bí ẩn là bóng tối, nó chỉ hứa hẹn, mời gọi mà không bao giờ là sự thật nền tảng, chân lý sau cùng, vật thể đích thực. Cho nên thơ không khẳng định cái ở đó. Thơ khẳng định cái ở ngoài, ngoài lời nói, ngoài ngôn ngữ. Cho nên sự khẳng định thơ không quá rõ ràng, sáng sủa cố định như một mệnh đề luân lý hay một phương trình toán học” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
Qua phần 1 và phần 2 của Thơ hiện hữu chống lại thơ, chúng ta thấy, cốt tủy trong lý luận của ông Huỳnh Phan Anh nằm ở “cái im lặng” của thơ, từ sự khai minh ý nghĩa của việc nên định nghĩa về thơ (Câu hỏi về thơ - phần 1) như thế nào?, cho đến Khẳng định của thơ (phần 2) là một sự vận động tĩnh lặng trong cái cõi thơ siêu việt. Giờ đây, trong phần 3 này, ông Huỳnh Phan Anh không chỉ dừng lại ở việc chiêm ngưỡng, nghi vấn, khẳng định cái cõi im lặng ấy, mà còn là cảm giác vượt thoát khỏi chính ý niệm về sự im lặng. Một sự im lặng dường như tuyệt đối trước thể tính của thơ. Và cũng có lẽ vì, khởi thủy của thơ vốn là một miền im lặng thuộc về cõi riêng của thi sĩ, cho nên mọi sự bàn luận về thơ từ ngàn năm nay của loài người đều là những cách thức chống lại cái nguyên khởi mơ mộng ấy của thơ, là chống lại vận mệnh thơ, chống lại sự hiện hữu của thơ và người thơ.
Và có lẽ chính vì thơ là một cõi siêu việt không thể giải quyết được bằng lời, cho nên, chân lý của thơ là chân lý của suy niệm và cảm nghiệm hơn là giải thích và chứng minh. Và vì bản thân thi nhân khi Hắn khai mở ý niệm về thơ thì cũng là lúc Hắn tự đẩy mình vào những giới hạn của thơ, bởi lẽ, mọi ý niệm đều là những cách thức mô tả dựa trên các biểu tượng có giới hạn chứ không phải là một cuộc chuyển động toàn diện về tâm thức.
Thơ trong quan niệm của ông Huỳnh Phan Anh, theo đó không phải là kết quả của kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn sống trải, mà là một dự phóng đón đầu và chỉ đạo kinh nghiệm sống trải của thi nhân - điều mà ông gọi là “sự chờ đợi của kinh nghiệm”. Vì vậy mà, đa phần thi nhân đều là những người sống không theo quy luật thường nghiệm. Họ có chút lập dị của kẻ coi thế giới hữu hình chỉ là cõi tạm, mơ mộng, phiêu bồng, lấy trăng mây gió núi làm bạn đường. Tư tưởng của họ là tư tưởng của một kẻ không tuân theo bất cứ tư tưởng nào, lối sống của họ là lối sống của kẻ không theo thước đo chuẩn mực. Cách nghĩ, cách làm của họ không phục vụ hay làm vui lòng bất cứ ai hoặc bất cứ giai tầng xã hội nào. Có lẽ vì họ là những người tự sáng tạo ra lối sống của mình, tự mình làm nên kinh nghiệm sống và tự mình gánh vác các chuẩn mực do mình đề ra, thế nên, thơ là cõi lặng của chỉ riêng thi sĩ làm ra nó. Nó không lẫn, không hòa, không trộn vào làm một với bất cứ thi phẩm nào và của bất cứ thi nhân nào bên ngoài nó. Nó là miền im lặng của chính nó và của người làm ra nó, đúng như ông Huỳnh Phan Anh quan niệm: “Thơ không là kinh nghiệm. Thơ là sự chờ đợi của kinh nghiệm. Làm thơ, nói về thơ… là tìm tới kinh nghiệm thơ. Như vậy trong chính danh của lời nói, trong chính danh của thơ, người ta phải nhìn nhận một điều: Không được phép nói về thơ. Niềm im lặng của thơ biến mọi lời nói, mọi lời thuyết giảng hay chú giải về thơ thành thừa thãi, ngụy biện ngây ngô” (Huỳnh Phan Anh - Thơ hiện hữu chống lại thơ).
____________
Trích dẫn từ nguồn: Huỳnh Phan Anh, Văn chương và kinh nghiệm hư vô, Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr.93-115.

NGÔ HƯƠNG GIANG

http://nhavantphcm.com.vn/ 

Sài Gòn Sài Gòn

Từ Bắc bay nhanh nối vòng tay Nam
lướt qua báo quốc doanh trong lòng máy bay — vào Sài Gòn
từ miền Trung tàu suốt ngày đêm
mơ màng giấc ngủ xình xịch — đi Sài Gòn
từ cao nguyên phóng tầm mắt đường đèo
ngoằn ngoèo quanh co chóng mặt — xuống Sài Gòn
từ Lục Tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long chen vai vé xe đò
tê chân dừng võng trưa — lên Sài Gòn
Sài Gòn muôn năm Sài Gòn
từng cây số một
ngay cả khi bên rìa vực
 
Coi hát đoàn cải lương Sài Gòn 1 Sài Gòn 2 Sài Gòn 3
du lịch a lô công ty du lịch Saigontourist
ghé quày báo ngó sơ Sài Gòn Tiếp Thị Doanh Nhân Sài Gòn
xuống Cảng tàu khách Cảng Sài Gòn
lên công ty xe khách Sài Gòn
vào sân cuồng fan đội Sài Gòn Xuân Thành đội Navibank Sài Gòn
thi tuyển chen chân Đại học Sài Gòn
dân chơi lựa xế hộp Ô tô Sài Gòn
chọn quần chọn áo công ty may mặc Sài Gòn
Sài Gòn muôn màu Sài Gòn
ngay cả lúc không bình yên
 
Thành đô còn nhớ mãi nhớ mãi[*]
Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi![**]
 
Yêu nước — yêu Sài Gòn
yêu tổ quốc — yêu Sài Gòn
Sài Gòn Sài Gòn
trong trái tim & cân não
luôn luôn
 
VŨ TRỌNG QUANG
_________________________
[*]Lời trong ca khúc “Nhớ thành đô” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
[**]Lời trong ca khúc “Sài Gòn đẹp lắm” của nhạc sĩ Y Vân.

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Phê bình kiểm dịch



TRẦN ĐÌNH SỬ

NVTPHCM- Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực…

Theo quan điểm của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874-1936) trong sách Sinh lí học phê bình (1922) thì phê bình chuyên nghiệp đối lập với phê bình tự phát. Phê bình tự phát là loại phê bình tự nhiên của người đọc. Đọc xong một cuốn sách hay thì vỗ đùi khen, nếu đọc cuốn sách dở, buột miệng chửi một tiếng, hay khi trà dư tửu hậu, hoặc lúc dạo chơi với bạn bè, bàn bạc mấy câu về cuốn sách nào đó… Đó là phê bình tự phát. Loại phê bình này chủ yếu là phê bằng miệng, bằng động tác, như phẩy tay, dẫu miệng…đều là tự phát cả. Sau này trong các xa lông sang trọng của các bà quý tộc, các bà mệnh phụ sau cuộc chơi bài, đàm đạo mấy cuốn sách vừa xem, đó vẫn là phê bình tự phát. Anh Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, khi nghe vợ đọc Tam quốc diễn nghĩa, đến chỗ hay, vỗ đùi đánh đét khen: “Tài thật, Tài thật. Tài đến thế là cùng. Tiên sư anh Tào Tháo!”, “Tiểu thuyết thì nhất anh Tàu”. Đó cũng là phê bình tự phát. Phê bình tự phát có mọi nơi, mọi lúc, đồng hành cùng sinh hoạt văn học của con người. Dù cho phê bình chuyên nghiệp có chết hết đi thì phê bình tự phát vẫn sống. Phê bình tự phát khi thành dư luận mạnh mẽ buộc phê bình chuyên nghiệp phải nhào vô giải thích. Phê bình tự phát thường có ba nhược điểm. Một là thường nói theo, nói leo. Người đã đọc sách nhận xét đã đành, người không đọc cũng nghe rồi nói theo, bàn tán, thực ra là nói mò. Hai là phê bình tự phát dễ biến thành ý kiến nhóm, có thói quen riêng, thiếu cái nhìn toàn bộ, dễ thiên lệch. Ba là dễ chạy theo thời thượng, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế, thiếu bền vững, hôm nay vừa khen, ngày mai thấy nói khác, lại nói theo, số phận ngắn ngủi. Có một thời, sách xuất bản xong liền có cán bộ đi thu thập ý kiến bạn đọc các giới, kết quả thu được chỉ là các dư luận như thế, rất ít tính khoa học. Tất nhiên phê bình chuyên nghiệp cũng góp phần định hướng cho phê bình tự phát, giúp nó sâu sắc hơn.
Phê bình văn học phát triển đến một lúc nào đó thì nảy sinh ra sự phân công, và thế là xuất hiện các loại phê bình, trong đó có loại phê bình kiểm dịch. Nhà tư tưởng Khai sáng Pháp là Voltaire (1694 – 1778) có lần nói: “Chúng ta nhìn thấy, trong các nước hiện đại, khi người ta ra sức phát triển văn học thì có một số người trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp, cũng giống như người ta muốn kiểm tra các loại lợn đem ra thị trường có bệnh hay không, người ta đã thiết lập những người chuyên môn kiểm tra lưỡi lợn. Những người kiểm tra lưỡi lợn trong văn học không phát hiện được một nhà văn nào là lành mạnh cả” (Sách đã dẫn của Thibaudet, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, năm 2002, tiếng Trung, tr. 74). Xin chú ý mấy chữ này của Voltaire: phê bình kiểm dịch trong văn học không phát hiện được ai là lành mạnh cả. Nó là nghệ thuật phát hiện bệnh của văn học. Như thế, có thể coi nhà phê bình chuyên nghiệp đầu tiên là người có chức năng giống như nhân viên thú y kiểm dịch ngoài chợ, thấy có bệnh thì kêu lên, để mọi người tránh xa, không mua hàng đó. Cứ theo chức năng ấy thì nhà phê bình chuyên nghiệp kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến Đức Khổng Tử bên Tàu. Khổng Tử đã lựa hàng vạn bài ca dao, dân ca của các nước trong lãnh thổ Trung Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí “tư vô tà”, tức là tư tưởng không có gì sai trái, lệch lạc, đồi trụy, có thể lưu hành. Còn các bài khác “có tà” đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết. Nhưng Khổng Tử là nhà kiểm dịch lỗi lạc, bởi trong tư tưởng của ông, lấy ngôn chí, tải đạo làm gốc, có sự thống nhất giữa mĩ và thiện, chấp nhận thi ca có thể hứng, quan, quần, oán, văn chất thống nhất với nhau, cho nên 305 bài vẫn bao hàm đủ các tác phẩm xuất sắc, đa dạng. Platon, người Hi Lạp (427 – 327), sống sau Khổng Tử 100 năm (552- 479) cũng là nhà phê bình kiểm dịch. Nhưng khác với Khổng Tử, Platon quá cực đoan, ông coi thi ca (văn học) đều là ôn dịch, nên ông đuổi tất ra khỏi nước Cộng hòa lí tưởng của ông.
Nhìn theo lịch sử như vậy ta sẽ thấy từ khởi thủy phê bình chuyên nghiệp, phân biệt với phê bình tự phát, trước hết là loại phê bình kiểm dịch mà Voltaire đã nói.  Ở phương Tây sau thế kỉ XVII, phê bình kiểm dịch chuyển sang thành phê bình học thuật, hàn lâm, đưa phê bình văn học lên các đỉnh cao thế giới. Còn ở các nước phương Đông ta thì chuộng kinh nghiệm, và vẫn lẹt đẹt đi sau người ta, đặc biệt là phê bình kiểm dịch ngày một hoành hành lợi hại. Nó chỉ quan tâm tới sự lành mạnh của văn học theo tiêu chí hình thức, hay tiêu chí đạo đức hay chính trị quốc gia, mà không hề quan tâm đến giá trị nghệ thuật đích thực. Các nhà quản lí quốc gia bao giờ cũng ưu tiên phát triển loại phê bình kiểm dịch này.
Theo Thibaudet, thế kỉ XVII Tể tướng của vua Louis XIII là Richelieu đã đem phê bình kiểm dịch áp đặt cho Viện Hàn lâm Pháp. Bất đắc dĩ Viện Hàn lâm Pháp phải chấp nhận, nhưng cũng chỉ sử dụng có một lần duy nhất rồi thôi. Phê bình kiểm dịch Pháp chỉ đơn giản là đem tác phẩm văn học ra đối chiếu với các quy phạm thể loại, tuy nó thấy tác phẩm nào cũng không hợp chuẩn, nhưng văn học “lệch chuẩn” không bị nó đem ra đốt, văn sĩ không mấy người bị đem đi chôn.
Ở Trung Quốc xưa kia phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng phát hiện các vụ án văn tự ngục khiến bao nhiêu văn sĩ rơi đầu. Đó là lối đọc văn cắt xén, suy diễn để quy tội phản lại triều định, phản loạn, nhằm khép đối tượng vào tội chết. Vụ án văn tự ngục đầu tiên của Trung Quốc xảy ra vào thời Chiến Quốc, quyền thần nước Tề gian ác, giết vua, sử quan ghi đúng sự thật, bị khép vào tội chết, đem chém đầu. Suốt lịch sử Trung Quốc, đã có hàng chục vạn người chết vì văn tự ngục. Riêng đời Thanh văn tự ngục giết chết 200 người, liên lụy trên ba nghìn người.  Thời phong kiến nước ta cũng thế. Trong các cuộc đấu tranh tư tưởng ở Trung Quốc suốt thời kì Mao Trạch Đông thống trị, đến cách mạng văn hóa, phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng chỉ ra đâu là dấu hiệu của tư tưởng phong kiến, đế quốc, tư sản, xét lại, đồi trụy, chống đảng, chỉ ra ai là kẻ thù, đẩy hàng chục vạn người đi lao động cải tạo, bức hại, nhiều người tự tử. Diêu Văn nguyên, một trong lũ bốn tên là nhà phê bình kiểm dịch khét tiếng nhất, gian ác nhất. Chu Dương suốt đời trung thành với Mao, thế mà cuối cùng bị Diêu Văn Nguyên tố cáo chống lại tư tưởng của Mao, phải đi lao động trong chuồng lợn. Ở nước ta, trong thời kì bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình chuyên nghiệp cũng thực hiện nhiệm vụ kiểm dịch, chỉ ra các biểu hiện tư sản, phản động, đồi trụy, xét lại, bôi đen chế độ... Ở nhiều giai đoạn, loại phê bình kiểm dịch này cũng thịnh hành ở nước ta. Thế cho nên, hàng loạt tác phẩm, ví như Vào đời, Sắp cưới, Mùa hoa dẻ, Sương tan, Phá vây, Chuyện kể năm 2000, Miền hoang tưởng, Cây táo ông Lành, Sẹo đất, Vòng trắng, từng bị phê bình chuyên nghiệp phanh phui, lên án, xem đó là những tác phẩm “có vấn đề”, dù sau này nhìn lại hầu như chẳng có vấn đề tư tưởng quan trọng nào cả. Lấy tác phẩm Vào đời (1963) của Hà Minh Tuân làm ví dụ. Người đầu tiên “có công” phát hiện Vào đời “có vấn đề” là Nguyễn Phan Ngọc, người kết luận nặng nề nhất là Hồng Chương, giữa thời gian đó, theo thông tin trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 3 - 1963, trong hơn một tháng đã có 43 bài phê bình lớn nhỏ đăng trên hầu hết các báo “Nhân Dân”, “Quân Đội nhân dân”, “Tiền phong”, “Cứu quốc”, “Thống nhất”, “Độc Lập”, “Thủ đô Hà Nội”..., hầu hết đều ghi tên biệt hiệu, không ghi tên thật. Kết quả là Hà Minh Tuân bị cách chức Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, điều chuyển sang Bộ Thủy sản, làm chuyên viên cá nước lợ, mãi đến năm 90 ông mới đuợc phục hồi.
Các dẫn chứng nói trên cho thấy, phê bình kiểm dịch có lịch sử lâu đời và có chức năng đảm bảo cho văn học được lành mạnh theo quan điểm nhà nước. Ngày nay ở Trung Quốc phê bình kiểm dịch cũng thịnh hành. Các tác phẩm như Phế đô, Báu vật của đời, Búp bê Thượng Hải,… đều bị cấm, nhưng Báu vật của đời lại được giải Nobel. Điều này cho thấy phê bình kiểm dịch tuy có tính chuyên nghiệp, đúng hơn là tính nghiệp vụ, song chất lượng thực tế có nhiều vấn đề đáng bàn, có những sai sót và nhiều khi gây hậu quả không thể sửa chữa được. Phê bình kiểm dịch thường có mấy đặc điểm chung như sau:
Thứ nhất: Vì văn học là hiện tượng phức tạp, nên phê bình kiểm dịch không thể làm thí nghiệm, khó tìm được những tiêu chí khách quan để kiểm dịch văn học giống như bác sĩ thú y kiểm dịch lưỡi lợn ngoài chợ. Nguyên tắc “phương pháp luận” mà phê bình kiểm dịch thường dựa vào để phát hiện “dịch bệnh” là cắt xén, suy diễn, quy chụp, cốt rút ra cho được cái mục tiêu tư tưởng của mình.
Thứ hai: Phê bình kiểm dịch thường tố lên tác hại nghiêm trọng của ổ dịch, kích động xã hội cảnh giác, gieo rắc niềm lo lắng sợ hãi, gây không khí bất an trong đời sống xã hội.
Thứ ba: Sau khi phát hiện ổ bệnh trong văn học, các nhà phê bình kiểm dịch rất hồ hởi, tự hào về công lao phát hiện luận điệu sai trái, chỉ tên kẻ thù địch trong nội bộ để xử lí. Đặc biệt không mảy may quan tâm số phận những người hữu quan. Hình như, đã là kẻ thù của chế độ thì còn tiếc thương gì nữa?! Đối với họ văn học chỉ có một nghĩa là nghĩa xấu, các nghĩa khác đều bị giản lược.
Nhưng nhìn lại sản phẩm phát hiện của các vụ kiểm dịch om sòm trên văn đàn, ví như những bài báo của các tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai phẩm, hoặc các bài báo của Trương Tửu, hay tác phẩm Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến, tôi cứ băn khuăn tự hỏi, không hiểu họ chống Đảng, đồi trụy ở chỗ nào? 
Phê bình kiểm dịch là một tồn tại khách quan. Nó cũng là phê bình chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình kiểm dịch này. Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực.
 Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học.
17.7.2013
 Trích lại từ http://nhavantphcm.com.vn/

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Giới thiệu thơ 6 nhà thơ nữ Sài Gòn hiện đại



KHƯƠNG HÀ BÙI
Chúng mình đừng dậy nữa


mở vai em trần dưới tuyết
thêm một lần
nỗi nhớ gì đâu mà nhẹ nhàng
đổ xuống dốc mùa đông
bậc tam cấp, căn nhà, hàng hiên
hộp thư, ô cửa cũ
em về đây rồi nè
anh

chúng ta sẽ nhìn nhau mỉm cười
và ngồi trong nâu trầm quen thuộc
ngụm trà êm như một bản nhạc jazz
bếp lửa, con mèo tam thể
ánh sáng, sự im lặng
lấp lánh

không kể lể, không hỏi han
không lo âu, trách móc
chỉ những ngón tay chậm rãi siết chặt
em nhớ mình từng nhớ mùi mồ hôi trên lưng anh
muội tro, vỏ cây, cỏ mục
đưa em về ấu thơ
và giấc ngủ gì đâu mà dịu dàng

em đã quên sa mạc
quên vị máu từ cổ con lạc đà trong cơn khát
cơn bão quét qua
và mọi thứ trở về hỗn độn
cát rơi khỏi giày
em
không chắc mình còn sống

có thể chúng ta chỉ là giấc mơ của ai đó
trong buổi chiều chạng vạng
nhưng có hề chi
anh nghe không
con ốc sên bò trên bậu cửa
vết chân rất dài
đàn kiến tha mồi
bước đi nặng nhọc
mặt trời đã xuống bậc tam cấp cuối cùng
thời gian bắt đầu có hình dạng

và mọi thứ vẫn chảy trôi quanh mình
"số phận đã an bài
nhưng cuộc đời đẹp quá"

ngủ đi anh
chúng mình
đừng
dậy
nữa!

29.11.2012



LYNH BACARDI
Để ngỏ chốn bình yên


Có nỗi buồn ngấp nghé nơi chân tóc
Em để ngỏ nỗi buồn
để bóng tối trườn vào
oà sáng
Thử để ngỏ niềm thương
Biết đâu nỗi đau có nơi trú ngụ
Tôi để ngỏ đêm
giả lơ em sẽ đến
khép lại
một cơn nhói
một tin vui

Muộn xuống
Thiên thần về tắm gội
để ngỏ hương
Tôi nghe vết xăm trên dái tai em trở mình
mở tối
ngỏ tối
Để bào thai khóc chào đời
Để người sống khóc đòi cõi chết
Để cơn mưa trốn mình vào đất
hoài thai
dòng suối cuộn nơi mạch ngầm
Sinh linh nào để ngỏ chốn bình yên

29/05/2013


LƯU MÊLAN
Những định nghĩa còn lại


Khi họ nói.
Tôi cố gắng nhìn vào miệng họ
Nhưng tất cả những gì tôi thấy là một lỗ hổng
Nơi tôi đang rơi vào, đứng đó

Tôi không thể viết chính xác điều này
Điều này thì không nên là thực
Cái tôi cần là loại bỏ họ ra khỏi họ
Cái vết đen của lỗ đạn này
Cái mà trước đó họ nghĩ đến
Cái mà trước đó mọi thứ đã xảy ra
Rồi để cho nó bước đi

2.

Những bước chân tôi nhắc tôi tồn tại
Từng ngày
Khi thời gian qua, nó tiêu dần viên kẹo đắng
Của đứa trẻ màu vàng

Tôi không tồn tại
Lúc này là một cái bóng
Lúc kia là những tiếng nói
Nhưng không có gì là thực

3.

Họ cắn lấy bàn tay tôi đôi mắt họ mở ra một khung trời tối
Đó là gia đình tôi
Bờ môi họ đỏ
Gắn vào những mạch máu
Cái gì đã dẫn tất cả
Xuống nấm mồ này

4.

Khi tôi còn nhỏ
Tôi không biết thời gian và không gian sinh ra như thế nào:
Giống như chính tôi
Càng lớn lên
Càng cô độc

Và cái chết thì cứ đứng đó
Như một góc đèn
Với nguồn ánh sáng gọi tôi quay về trang giấy.

5.

Tôi viết khi tôi buồn
Ngôn ngữ là trò chơi càng lặp lại thì càng tiến hoá
Được chơi trong không gian và thời gian không thực
Tất cả những cái đó
Đều là kí hiệu
Chỉ có một sự thực
Hình ảnh chứa âm thanh và cảm xúc

6.

Bạn thấy gì khi bước qua khỏi cánh cửa
Căn nhà bạn nơi mọi thứ khép lại,
Với tất cả những gì xa lạ nhất
Và không ai nắm lấy tay bạn
Dù họ đang nói cái ngôn ngữ bạn nói.

7.

Khi họ nói về bạn
Họ dùng ánh mắt bạn, màu da bạn, ngôn ngữ bạn
Cái tất cả đã được phơi bày
Như họ có thể lột trần bạn ra và trưng bày bạn
Trước một thời gian giới hạn như khung tủ kính

Bạn là một thứ để trầm trồ
Hay bỏ qua
Không phải bởi vì bạn đã sống
Mà vì ai cũng đã chết.

8.

Xuyên qua ngôn ngữ này
Tôi thấy tôi tồn tại
Trần truồng
Như con vật và tôi bước đi
Cái tiến hoá ban đầu này
Sẽ không có ai thấy.




CHIÊU ANH NGUYỄN
Ký ức muộn

Em đi tới đầu nguồn
Tìm lại...
Mùa này
Ngã ba sông
Thông lô nhô khấp khởi
Sim chín rục dậy mùi
Những nấm mồ nâu trống hoác
Ngọn đồi rực hoa vàng

Giấc mơ anh cõng em bay trên ngọc lan sau căn phòng chúng ta đánh rơi chiếc chìa khoá duy nhất
Đành yêu nhau bên hàng hiên giữa gạch ngói ngổn ngang
Đêm như dài, sâu hơn chìm trong đáy ly vang uống dở
Anh rót vào em ngày chóng vánh
Tất cả còn treo trên mười ngón tay anh
Em buộc vào đấy một nụ hôn
...
Tháng mười
Của nhiều mùa yêu trước
Cánh ngọc lan sót lại trên chiếc đệm trắng
Rùng mình

Chuyến bay cuối cùng đưa em rời khỏi anh
Lại khởi đầu một dụ ngôn
Chúa giờ này cũng thở dài
Những khải huyền không còn rượt bắt
Chúng ta chạy về hai phía

Giấc mơ triền miên
Lũ mèo hoang tha con đi khắp hẻm chợ
Rao bán suồng sã
Chúng nói tiếng người và cười nhạo hỉ hả
Em còn nghe rõ những thanh âm
Đến tận khi giật mình thức giấc

Chúa thì xa, Phật cũng xa
Chỉ những nỗi đau là thực
Đen thẫm như cánh ngọc lan nằm lại
Căn phòng
Khi chúng ta
Quay đi...

8.2012


NGUYỆT PHẠM
Phức cảm que que

Những con ngựa trời xinh đẹp
Lạ thay, một cảm xúc bất lực khi nói về chúng
Có sự khác biệt mơ hồ

Trên đỉnh cao đầy nắng, dư thừa hơi lạnh
Tôi khoái những con que que chân tay dư thừa màu thân củi
Hào hứng vui sướng lạ thường
Quên hỏi nó tên gì, đặc tính sinh dục, sở thích, kích thước tối đa
Tôi chỉ biết nó rất đặc biệt
Lần đầu tiên
Trong phòng tắm lạnh ngắt không nước nóng
Nó nhúc nhích như con ma trinh tiết cố tình chọc phá tôi
Thế thôi

Ngựa trời,
Có thể cùng tổ tông nhưng trông xinh xắn
                                                            và thu hút hơn nhiều
Điều mờ ám thiên vị?
Để bảo vệ bí mật
Chúng sẵn sàng nuốt trọn cái đầu của những tên bọ đực bẻm mép
Ăn năn vì trót được sinh ra trong hình hài bảnh bao
Suốt ngày sám hối tội đồ tổ tông

Tôi quí những con bọ ngựa – loài vật đầy cá tính
Nhưng luôn cảnh giác nghi ngờ giai thoại và động cơ lí giải
Tôi thích những con que que
Mơ hồ và công khai chơi trò quái
Tôi gặp nó chỉ một lần
Trong căn phòng thiếu sáng và nó thiếu màu sắc

Giấu đôi mắt
Không biết que que nhìn tôi từ bộ phận nào
Thích và sợ...

                                                                      Highland, 27.9.2005



NGUYỄN THỊ ÁNH HUỲNH
Cáp Treo Bà Nà

em rơi ngược lên trời
rơi năm cây số
ớn quá
lên tới đỉnh Bà Nà
mới dám mở mắt
cáp treo dài nhất thế giới

em còn phải rơi xuống đất
bằng cáp treo nghiêng nhất thế giới
đừng ớn
em đang học cách tin tưởng vô sắt thép

như em đã tuyệt đối tin tưởng vô một đống sắt thép
một đống sắt thép trôi trên trời
trôi không có dây cáp
máy bay

anh ơi
đừng để em hồ nghi anh
anh hãy phấn đấu bằng sắt thép
để em tuyệt đối tin tưởng
rằng anh là sợi dây cáp
không đứt
sợi dây cáp vô hình
kéo em lên đỉnh
hạnh phúc
như cáp treo Bà Nà

kìa trái đất
không buộc vô sợi cáp nào
vẫn bay
trái đất chỉ rớt vô lỗ đen
nếu sợi cáp vô hình giữa đôi ta
đứt.