Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Đặc biệt thận trọng



Từ mệnh đề giản đơn, thậm chí giải quyết gọn gàng: thi ca là một khoảng không gian cảm xúc của ngôn ngữ. Cảm xúc như người ta nói đó là cái dây: cái dây của  thơ, in lên thi ca cái trương lực, ngay cả khi nó được viết thành tản văn. Cái dây căng thẳng tắp ấy không phải đơn độc mình nó, mà là cả dải bện những từ chặt chẽ,  ở đây đảm bảo  chắc chắn là những sức lực đối lập căng thẳng ở hai đầu, vũng như sức nặng - chất liệu, sức lo âu, bản chất hay sự cảm xúc – tất cả như móc nối vào nhau. 

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

'Mê mệt' với những món bánh Huế

Đến Huế mà chưa thưởng thức hết những món bánh bèo, bánh nậm, lọc, ít, ram, khoái... thì quả là đáng tiếc.
 'Mê mệt' với những món bánh Huế
Bánh ram ít Huế
Ở Huế, những món bánh này có thể tìm được ở khắp mọi nơi, nhưng theo chỉ dẫn của người bạn “thổ địa”, nếu chọn nơi ăn hợp khẩu vị với mọi thực khách, thì nên đến khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm. 
Khu phố trên có một dãy quán bán những loại bánh này để phục vụ thực khách, ngon trứ danh, đã thưởng thức thì không dễ gì quên được.

Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

KHỔNG ĐỨC : Thơ hôm nay…


Thơ hôm nay có thể là gì? Chắc chắn không phải là cái gì to lớn. Mà là một túp lều nhỏ, tác phẩm ra rất it, quần chúng chẳng có mấy người, nó ít lưu ý đến sự tiếp xúc. Người ta đáp ứng một cách đơn giản, với giọng giễu cợt: “thi ca không có gì là vĩ đại”, nghĩa là có thể thí dụ, nó ngược lại với truyền hình, là cái mà mọi người đều xem, là cái mà mọi người đều nói đến, hay điều là chuyện khắp thế giới… Bài thơ có thể là vật khác, sự khác, lại lạ lùng. Nó khác biệt là sự sắp đặt cho mình, tự luân lưu, có quyền lực, có thể nó là cái khác biệt riêng rẻ và xác thực: một sự xa xôi thuộc về chúng ta, được đào bới, bới đào mãi, và dùng ngôn ngữ vẽ thành đồ bản, càng lùi lại tận khoảng không nội tại.

Thệp mời ra mắt Quán Văn 22


9 giờ sáng ngày Chủ Nhật 25/5/2014

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

CAO THOẠI CHÂU : THAY NÉN HƯƠNG THẮP CHO LINH HỒN BẠN


TTT
  


Trần Áng Sơn 

1937- 2014


      Tối có tiếng chuông báo có tin nhắn, đang mệt vì bị cúm tôi tính lơ luôn như vẫn thường bỏ qua những tin nhắn mà thường là quảng cáo. Nhưng không hiểu sao lại bò dậy, thì ra tin nhắn của Nguyễn Liên Châu, người thường không nhắn tin mà chỉ gọi cho tôi. Trần Áng Sơn vừa qua đời trước đó vài giờ.

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

TIN BUỒN : NHÀ VĂN TRẦN ÁNG SƠN QUA ĐỜI



NHÀ VĂN TRẦN ÁNG SƠN

QUÊ QUÁN THANH HÓA
SINH QUÁN : HẢI PHÒNG
LỚN LÊN Ở HUẾ, TRƯỞNG THÀNH Ở SÀI GÒN

ĐÃ TỪ TRÂN HỒI 14 GIỜ NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2014
TẠI NHÀ RIÊNG Ở QUẬN BÌNH THẠNH
HƯỞNG THỌ 78 TUỔI

XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ TRẦN ÁNG SON VÀ GIA ĐÌNH
CẦU NGUYỆN ANH THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

hồ thanh - trương đạm thủy - cao thoại châu - viêm tịnh - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn - văn viết lộc - nguyễn liên châu - phù hư - bảo cường - võ quê - bùi đức long - hải trung - nguyên quân - hồ đăng thanh ngọc - phạm nguyên tường - trầm hòa - nguyễn vân thiên - lê nho quế sơn - ngô đình hải - miên đức thắng - triệu từ truyền - trần dzạ lữ - hồ văn hậu - nguyễn đình bổn - nguyễn viện - vũ hà nam - vũ trọng quang - chiêu anh nguyễn - lynh bacardi - phạm thị cúc vàng - trương nam chi - và bằng hữu ...


Một vài hình ảnh kỷ niệm với nhà văn Trần Áng Sơn
Hai người bạn đã mất :
Họa Sĩ KIm Long - Nhà Văn Trần Áng Sơn
Cao Thoại Chầu - Trần Áng Sơn


Têt 2009 ở 81 TQT
Trần Hữu Lục - Trần Áng Sơn
Từ Hoài Tấn - Nguyễn Tôn Nhan - Bảo Cường


Trần Áng Sơn - Chu Trầm Nguyên Minh = Phan Kim Thịnh - Viêm Tịnh

Nguyễn Liên Châu - Trần Áng Sơn - Trầm Hòa - Bảo Cương - Miên Đức Thắng - Nguyễn Vân Thiên


Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

Sơn Nam, Việt Nam - Đặng Tiến


 




tượng Sơn Nam

Sơn Nam nhà văn, tác giả hàng đầu trong nền văn học Việt Nam đương đại, qua đời trưa xế ngày 13 tháng 8, 2008, hưởng thọ 82 tuổi. Báo chí loan tin thường gọi ông là nhà văn Nam Bộ, vô hình trung, giới hạn tầm cỡ của một tác gia lớn; cách gọi như vậy, là ưu ái, vô hình trung khoanh vùng văn hóa, tạo nên một thứ văn học da beo da báo, trên một đất nước đã hao xương tổn máu nhiều để đi đến thống nhất.

Sơn Nam sinh ngày 11.12.1926, tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là Kiên Giang. Tên thật là Phạm minh Tài, nhiều tài liệu ghi Tày, có lẽ vì trên khai sinh ghi Phạm Anh Tày. Chữ Tài đúng hơn vì ông có người em tên Trí. Bút hiệu Sơn Nam là do kỷ niệm người vú nuôi gốc Miên, họ Sơn. Còn là một địa danh lịch sử, có từ đời Trần.

Ông học tiểu học tại quê, đến trung học  lên Cần Thơ. Gia đình là nghiệp chủ khá giả, ông sống tuổi trẻ thong dong ; giàu óc quan sát và trí nhớ, ông đã ghi tạc nhiều nếp sống thổ ngơi : hình ảnh nông thôn Nam Bộ trong truyện ngắn Mùa len Trâu, nổi tiếng vì được dựng thành phim, là những kỷ niệm ấu thời trong tâm cảnh Sơn Nam.

Tham gia kháng chiến Nam Bộ suốt chín năm chống Pháp, ông di chuyển nhiều, có thêm cơ hội thâm nhập sâu vào thiên nhiên và đời sống nông thôn, nhất là Miền Tây, như Miệt U Minh. Ông giữ nhiều chức vụ từ cấp tỉnh, đển quân khu và xứ ủy. Làm báo, viết văn, ông được giải thưởng của Ủy Ban kháng chiến Nam Bộ 1951-1952, với truyện Bên rừng cù lao Dung, nay thất lạc, và ký sự Tây đầu đỏ được giải nhì 1953-1954.








Sau hiệp đình Genève 1954, Sơn Nam tự ý ở lại Miền Nam, rời quê Rạch Giá lên sinh hoạt tại Sài Gòn. Tại đây ông sống vất vả bằng ngòi bút, viết cho bốn nhật báo, và viết truyện, phần nhiều đăng trên tuần báo Nhân Loại, thân kháng chiến, tồn tại được hai năm 1956-1958. Sơn Nam xuất hiện như là một nhà văn mới, và được chú ý ngay, như tập truyện Chuyện xưa tích cũ, 1957. Cùng năm đó nhà Trùng Dương của những người kháng chiến cũ có in mấy tập truyện mỏng, Chiếc ghe Ngo, Đóng gông ông thầy Quít, trong loại truyện tin yêu đất nước, ngoài bìa không ghi tên tác giả, nên giới biên khảo không để ý và trích dẫn.

Ông bị chính quyền Sài gòn bắt giam tại Phú Lợi trong non hai năm, 1960-1961. Ông rất sợ chuyện chính trị và thường né tránh. Ra tù ông tập hợp 18 truyện thành tập Hương Rừng Cà Mau, đưa in ở nhà Phù Sa, 1962, là cơ sở xuất bản do ông và Ngọc Linh chủ trương. Thời đó, các tác giả thường có nhà xuất bản.

Tập truyện được nhiệt liệt hoan nghênh. Tạp chí Bách Khoa, Sài gòn, số 130, ngày 1.6.1962, có bài giới thiệu nồng hậu :
« giọng kể chuyện của tác giả thường khi rất giản dị, không có chút gì trau chuốt (…) nhưng chỗ tài tình của Sơn Nam là sau cái bề ngoài giản dị như vậy, ông vẫn tỏ ra là người hóm hỉnh, và sắc bén, diễn tả được sự thực tâm lý tế nhị ».

Tác giả lời bình này , một nhà văn nỗi tiếng, không phải là « đồng chí » với Sơn Nam – nếu quả là ông này là cán bộ nằm vùng.

Đến 1975, vấn đề lại được nêu ra : Sơn Nam được đề cao, hay bị nghi kỵ, phê phán, vì chuyện này

*

Sơn Nam là nhà văn điệu nghệ. Trong Văn Minh Miệt Vườn, 1970, ông có nói ở chương cuối : điệu nghệ là do chữ đạo nghĩa. Ở Sơn Nam hai chữ này đồng hóa.

Đạo nghĩa là nhân ái, thủy chung. Nhân ái không những với đồng hương Miệt Vườn, đồng bào Việt tộc, đồng loại nhân sinh, mà còn nhân ái với cảnh vật, kể cả con cá sấu khó thương.

Truyện Sông Gành hào kể việc chú Tư Đức phải gian nguy mới triệt hạ được con cá sấu vô cùng hung hiểm, tu luyện hằng trăm năm ; nhưng triệt nó rồi thì Tư Đức tha cho con thứ hai đi đôi, vì giết một con đủ rồi, giết hết mình có tội với Trời Đất.

Ông Năm Hên có tài Bắt sấu rừng U Minh hạ : bắt hằng năm mươi con, lấy dây cóc kèn trói thúc ké hai chân sau, chừa hai chân trước để nó bơi tiếp với mình … Con này buộc nối con kia, đen ngòm  như khúc cây khô…
Năm Hên vừa bơi xuồng vừa hát, giọng nghe ảo não, rùng rợn :

Hồn ở đâu đây
Hồn ơi ! hồn hỡi…
(…) U Minh đỏ ngòm
Rừng tràm xanh biếc !
Ta thương ta tiếc
Lập đàn giải oan

Loài cá sấu cũng là chúng sinh, giết nó rồi thì giải oan, thờ cúng. Nhưng đến chiếc xe đò cũ, cà tàng cà rịch cà tang, cũng được ưu ái, người lái xe già nua than vãn : con ngựa này già quá rồi. Vài năm nữa cho nó vô nhị tì xe hơi của Chệt ve chai. Còn tôi thì về vườn xuống lỗ (…) nhưng khách bộ hiền sẽ về đâu ? Họ cúi đầu nhìn xuống, hình dung cái lúc mà xác chiếc xe này hóa ra quỉ vô thường, từng bộ phận của nó sẽ trở thành những mảnh sắt vụn, cái đục, con dao yếm, như khi con trâu chết thì phân thây ra làm con cờ, lược chải đầu, mặt trống… Sanh kế sẽ đưa đẩy họ về đâu ? (…) Hoặc họ lê gót khắp đô thành, ăn gởi nằm chờ, nhìn lá me rụng bên vệ đường, nhìn bóng mát cây trứng cá nhà ai, rồi hững hờ dang tay hái trộm thử một trái để tự an ủi







Truyện Đường về quê này, Sơn Nam viết, và Võ Phiến đọc, vào năm1955, khi cả hai mới từ kháng chiến về thành. Bốn mươi năm sau, 1993, Võ Phiến từ Los Angeles còn vọng về quê cũ : « chao ôi, bùi ngùi thương cảm biết chừng nào cái hình ảnh bàn tay dang ra hững hờ hái thử một trái trứng cá « nhà ai ».  Xin thú thực là ngót bốn chục năm xa làng xóm quê nhà, tôi vẫn bị hình ảnh nọ ám ảnh dai dẳng » (Văn học Miền Nam, 1999, tr. 1353).

Trong văn chương, độc giả tri kỷ và lý tưởng là người đồng cảnh, đồng thời, đồng tuổi, cũng viết văn gần nhau.
Sau đó, tác phẩm mới tìm đến giới độc giả xa xôi, rộng lớn, trong hay ngoài nước.
Gặp chăng hay chớ.

*

Tinh thần đạo nghĩa ở Sơn Nam vượt địa giới Nam Bộ rất xa. Nội dung chính trị trong Hương Rừng Cà Mau, những chuyện xảy ra khoảng 1930-1940, chủ yếu là tinh thần chống thực dân Pháp. Nhưng người Pháp, trên tư cách cá nhân, không phải ai ai cũng xấu. Thậm chí có người thật tốt, nhân hậu như ông Tây kiểm lâm tên Rốp trong Sông Gành Hào.

Ca ngợi phong cảnh, phong tục quê hương, dĩ nhiên là hoài cổ. Quê hương, nơi nào cũng vậy, là cái đang tàn phai. Nhưng đặc điểm của Sơn Nam là, trong  mộng tưởng và hồi tưởng, ông không níu kéo dĩ vãng. Chống Pháp, không thể múa roi đi quờn như chúa Đảng Cánh buồm đen. Ông tin vào khoa học, lịch sử, cộng đồng và hướng về tương lai.

Sơn Nam kết luận Văn Minh Miệt Vườn : văn hóa là sức sống luôn luôn hiện đại hóa (tr. 218). Về mặt này, ông khác với Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Tô Hoài. Trên cơ bản, sự khác biệt nằm ở bản chất : ba tác giả kể trên có tinh thần hoài nghi, chất hoài nghi này không có, hoặc ít có hơn nơi Sơn Nam. Nhưng kết với Sơn Nam, họ họp thành bộTứ Linh trong địa đồ văn học Việt Nam.

Sơn Nam là nhà văn Việt Nam, không  riêng cho Nam Bộ. Dù cả đời ông mới nhích từ Cà Mau lên tới Sài Gòn ; phong cảnh và tâm cảnh của ông chỉ xê dịch trên sông nước Miệt Vườn. Trong Người Việt có dân tộc tính hay không (1969) Sơn Nam « khẳng định  »: không có người Việt Miền Nam mà chỉ có người Việt Nam.








Sơn Nam dung dị, từ tốn. Ông có viết : Thái độ ôn hòa khiến nhiều người lầm tưởng rằng dân Miệt Vườn quá bở, không sâu sắc. Bất cứ đạo nào, triết lý nào đem phổ biến thì cũng có người theo. Nhưng người Miệt Vườn chỉ theo với thái độ « ba phải » cầu vui.

Nhìn dưới một góc độ nào đó, nhất là bề ngoài, thì Sơn Nam cũng thuộc dạng ba phải cầu vui. Điều này khiến ông không dấn thân vào một cuộc đấu tranh chính trị dài hạn. Trên dòng lịch sử ông như một mảng lục bình bập bềnh bấp bênh vào cơn nước lũ, nhưng trước sau vẫn thủy chung, sống chết với một lòng sông. Đọc lại, đọc kỹ văn ông suốt nửa thế kỷ, ta sẽ gặp niềm chung thủy đó. Mà thương cho những oan khiên.

Thoạt kỳ thủy, dường như dòng đời đẩy đưa ông trôi dạt đến văn chương, chứ ông không cao vọng. Bút hiệu Sơn Nam dựa trên tên họ người vú nuôi gốc Khmer, họ Sơn. Bút hiệu từ tốn, không tham lam như Phú Đức, không cao đạo như Biểu Chánh, không bay bổng như Phi Vân, không thâm thúy như Bình Nguyên Lộc. Nhưng ông vẫn là khách tài hoa bậc nhất.

Đạo nghĩa, Sơn Nam là tay điệu nghệ. Có những đoạn văn ông viết thật hay. Như trong Gia Định Xưa, 1984, sách nghiên cứu, nghiêm túc, uyên bác, viết đều tay, văn nghị luận  xen vào hình ảnh thi vị :

Mùa lụt, cá nước ngọt trôi theo nước ra khá xa vàm biển. Ngược lại, tới mùa khô, cá biển và cá nước lợ lại theo thủy triều mà vào sâu trong lòng sông. Cá rô với vảy cứng có thể lóc đi trên bùn đất khô. Cá trê, rùa, lươn có thể sống trong bùn mà không ăn uống trong vài ba tháng nắng. Cá sặt đẻ trứng trên khô, mùa nắng trứng bay tung theo gió rồi đáp xuống như hạt bụi để nở ra trong vùng nước đầu tiên của cơn mưa đầu mùa. Con cò quắm, nhan sen, trích ré, trích cồ là chim trời nhưng đậu và ngủ trên bùn. Chim bồ nông, già sói ở mũi Cà Mau quen bay từng đàn đến tận Biển Hồ đất Campuchia để ăn cá mùa lụt rồi trở về rừng cũ (tr. 11).

Sơn Nam đã sống thấm thía ý văn rồi mới viết ra được một câu súc tích như vậy. Rung cảm phải sâu lắng lắm, câu văn – tình cờ – mới đưa đến chữ cuối cùng : rừng cũ. Lời văn dài tả cảnh, đọng lại hai chữ cuối cùng, trìu trĩu tâm tư. Tấm lòng Sơn Nam, đâu đó, là rừng đợi chim về như đâu đó, trong thơ Nguyễn Trãi.








Sơn Nam ưa nhắc những món ăn quê kiểng, cá dứa nấu với trái bần chín : vùng nước lợ, gần cửa sông, cá dứa lớn lên nhờ ăn trái bần chín rụng xuống, rồi khi làm canh chua người ta lại hái trái bần chín mà nấu trở lại (tr. 83).

Không biết món canh bần cá dứa này ngon đến mực nào, nhưng nó chứng tỏ cấu trúc thi pháp trong Sơn Nam, cái ngôn ngữ thơ tiềm ẩn trong tư duy. Không có tư duy thi nhân thì không viết được Hương Rừng Cà Mau, ví dụ như truyện Con Bảy đò đưa.

Balzac (1799-1850) là nhà văn Pháp, lừng danh về sự nghiệp tiểu thuyết đồ sộ. Gần đây, các nhà dân tộc học còn nhận ra nơi ông một đồng nghiệp đi tiên phong. Bậc thầy của ngành dân tộc học thế giới, Claude Levi-Strauss đã tham chiếu Balzac để dẫn nhập cuốn La Pensée Sauvage, Tư duy Hoang dã (1962) kinh điển. Giới dân tộc học lắp ráp những dữ kiện rời rạc – những văn liệu rải rác – đưa đến kiến thức tổng quát và hữu cơ về xã hội, về văn hóa một dân tộc, chủng tộc, như Sơn Nam mong ước khi viết  khảo luận về phong tục, nếp sống trongVăn minh Miệt Vườn ,

Nghiên cứu về xã hội, về văn hóa, đòi hỏi một tinh thần rộng rãi, khách quan, gạt ra ngoài những thành kiến chánh trị vụn vặt)(tr99)
 Khổ nỗi, cái anh chàng thành kiến chánh trị, đã là thành kiến, đã là chánh trị, thì mấy khi chàng tự biết mình là…vụn vặt !

Ở Việt Nam, Tô Hoài  từng được một nhà phê bình Nga đề cao những đóng góp vào dân tộc học.

Mai kia mốt nọ, sẽ có người khai thác được giá trị xã hội, văn hóa mà Sơn Nam lưu trữ qua khoảng 300 tác phẩm và hằng vạn trang bản thảo chưa được in ấn.








Một nhân vật của Sơn Nam , ông Từ Thông, sống một mình trên hoang đảo, hòn Cổ Tron, trong vịnh Xiêm La ; một hôm nhớ cảnh nhớ người, ông về đất liền, bị bắt giam vì không có giấy tùy thân ; được thả, ông trở về đảo. Người lục địa thỉnh thoảng nhớ ông già quái dị – như người hôm nay, và mai sau dù có bao giờ,  biết đâu sẽ có người còn  nhớ Sơn Nam :

Chiều khi ra bờ biển câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Từ Thông như nhớ một cái vỏ ốc xa cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong Thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải.

Câu văn này, trong truyện Hòn Cổ Tron, Sơn Nam viết năm mươi năm trước, tiên tri cho một văn nghiệp.

Và một kiếp người. Không nhất thiết là người Việt, miền bắc hay miền nam.









Nhân ngày giỗ Sơn Nam

Đặng Tiến

(từ: vanchuongviet.org)

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2014

Đinh Cường : Modigliani, người họa sĩ lẫy lừng bi thảm nhất thế kỷ hai mươi


 
Modigliani - chân dung tự họa


Còn nhớ, một buổi sáng thật tình cờ, Bạch Thái Quốc, người bạn thời còn làm trưởng ban Việt ngữ đài R.F.I tại Paris gọi qua Virginia hẹn phỏng vấn. Nói là nhân vừa xem triển lãm tranh Modigliani ( Triển lãm mang tên  Modigliani, L’Ange au visage grave  tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Luxembourg từ 23-10-2002 đến 2-3-2003 ) nhớ đến những tranh thiếu nữ của tôi vẽ ngày trước, cũng hai bàn tay dài, chiếc cổ dài, đôi mắt sương khói. Quả thật vậy, nhớ lại đầu thập niên 1960 ở Saigon, chúng tôi, những họa sĩ trẻ, đang hăng say vẽ, tìm tòi, sáng tạo ... đã tìm thấy ở Chagall, Modigliani, Klee ... một không khí hư thực, thơ mộng, gần thẩm mỹ phương đông, với thiếu nữ, ngựa, đồi, và trăng, bàng bạc khói sương, một tình yêu phơi phới :

"Trong vườn tôi hoa phù dung đã nở
  ngày rất hồng và chim hót rất xanh"
 (Nguyễn Xuân Thiệp)

Bức tranh cô gái cổ dài bị Lục Hà ( ca sĩ Hà Thanh ) cười đầu tiên là "Biển Nhớ" theo bản nhạc của Trinh Công Sơn vừa viết xong năm 1963. Cô gái ngồi rủ buồn trước biển, với con dã tràng màu đỏ thắm. Bị mê hoặc lúc nào không hay bởi những chân dung thiếu nữ của Modigliani, với chiếc cổ dài như con thiên nga, mà người họa sĩ đã phát hiện, như tìm được chân lý. Những năm đầu tiên khi đến Mỹ, có dịp đi các viện bảo tàng Mỹ Thuật, tôi đều tìm đến phòng có treo tranh Modigliani mà đứng lặng nhìn, xúc động :

"... như sáng mai nào trong viện bảo tàng
đứng cạnh những tranh Modigliani
chất sơn dầu cũ kỹ hàng trăm năm
như còn ám ảnh ta
màu đỏ sậm, màu vàng chết
và những đường viền đen run rẩy
những khoả thân nằm ... "
( Đinh Cường )

Phải chăng, Modigliani người họa sĩ có mái tóc bồng, khuôn mặt u buồn, đôi mắt sâu, dáng cao sang, luôn quấn chiếc foulard màu đỏ sậm, quần velours nâu, xuất hiện ở cái xóm nghệ sĩ nổi tiếng Montmartre hồi đầu thế kỷ hai mươi, nơi tụ họp các họa sĩ tứ xứ kéo đến... Cuộc đời mà tôi được đọc qua nhiều sách, một cuộc đời bi thảm, ngắn ngủi. Tranh thường vẽ đơn độc một người. Đến Paris năm 22 tuổi. 36 tuổi chết vì bệnh lao tại một nhà thương thí. Làm nhớ Quách Thoại :

"Thoại ơi Thoại ơi không biết khóc
  nhưng giòng nước mắt ướp mặn môi"
 (Thanh Tâm Tuyền)

Làm nhớ Thạch Lam, cũng chết vì lao phổi năm 33 tuổi tại làng Yên Phụ, ven Hồ Tây Hà Nội :

"Chiều mưa bụi đã bay
 à ơi cơn gió ẩm ngày
 sao lòng con ấm những ngày năm xưa"
 (Nguyễn Tường Giang)

Ngoài những bài tập và những tranh vẽ khi theo học ở các trường Mỹ Thuật Florence, Venice tại Ý, kể từ 1906 cho đến gần lúc cuối đời, có thể Modigliani đã vẽ hàng ngàn bức , từ dessin chì, mực, đến những tranh nhỏ trên giấy bằng màu nước, sơn dầu. Một số xé bỏ, một số thất lạc khi âm thầm dời nơi trú ngụ. Modigliani vẽ rất nhanh, bất cứ lúc nào, ở đâu, trong cơn đói rã, trong cơn ho rũ rượi. Đổi từng dessin lấy rượu uống, chếnh choáng say... nói chuyện văn chương, triết học. Ông mê Nietzsche. Năm ông sinh ra là năm Nietzsche đã cho in Ainsi parla Zarathoustra (1883). Ông còn nói về Oscar Wilde, về Dante ... đọc thơ Baudelaire ... Đầu óc có khi hoang tưởng về một thế giới xa xăm nào.

Năm 1907, gặp bác sĩ Paul Alexandre, là người mê thích, khách hàng đầu tiên mua tranh ông. Năm kế tiếp ông gởi bày 6 bức tại Salon des Indépendants. Với chất qúi phái , trữ tình. Bắt đầu gây huyền thoại. Modigliani được nổi tiếng là họa sĩ có sức thu hút bởi đôi mắt rực lửa, dáng dấp hào hoa ... được mấy cô gái giang hồ vây quanh. Nhưng ông đã kính trọng họ chân thật .

"...một đời em mãi lang thang
lòng lạnh băng giữa đau thương
em về đâu hỡi em ?
hãy lau khô giòng nước mắt
đời gọi em biết bao lần ..."
( lời ca Trịnh Công Sơn )

hoặc :

Ớ các quận miền Bắc
Có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính
                      
Các cô gái nhà lành được người đời chìều chuộng
Còn gái điếm được người đời khinh khi …
( Nguyễn Bắc Sơn )

Khi Modigliani bị đau nặng, kiệt sức, chính những cô gái giang hồ và những người bạn nghệ sĩ nghèo đã góp tiền mua cho ông chiếc vé tàu để về Ý với mẹ, sau 3 năm xa cách. Về lại Livorno, suốt mùa hè năm đó, được mẹ chăm sóc, sức khỏe được hồi phục, Modigliani hăng say vẽ lại. "Người Hành Khất", còn gọi là "Người Hành Khất Ở Livorno" , bức sơn dầu như lột tả được sự cùng khổ của một người ăn xin mù. Trở lại Paris, ông mang theo bức tranh này, vẽ thêm "Người Chơi Đàn Violoncelle" mà mẫu chính là người nhạc sĩ bất hạnh, nghèo khổ, với cây đàn cũ, sống cạnh phòng ông tại phố Falguière.

Tháng 3/1910, ông bày 6 bức tại Salon des Indépendants, có 2 bức gây xúc động mạnh này. Từ chỗ ở mới, ông kết thân với Brâncusi, nhà điêu khắc người Rumani, qua Paris trước ông 2 năm, sau này được xem là "nhà điêu khắc quan trọng nhất của thời hiện đại" (Jean Couteau). Năm 1911, Modigliani bày 7 tác phẩm điêu khắc và những tranh nhỏ vẽ bột màu, những dessins, tại xưởng vẽ người bạn : Soura Cardoso. Modigliani yêu thích Toulouse Lautrec, ngợi ca Douanier Rousseau, Picasso và Cézanne... trước khi gặp Van Dongen, Vlaminck, Soutine ...

Năm 1915, ngưng làm điêu khắc, tiếp tục vẽ những bức sơn dầu cở lớn : những bức khỏa thân tuyệt tác còn để lại đến nay. Trữ tình, mãnh liệt, trên những đường lượn ngọt ngào, giai điệu thần tiên, đôi mắt như không tròng, buồn xa xăm. Chất sơn dầu dày, sẫm, có thể sờ mó đến tận miền xa xôi của xúc cảm.


- Modigliani tại studio
Bateau- Lavoir, Montparnasse, 1915-16

1914, chiến tranh thế giới lầm thứ nhất bùng nổ, cả xóm nghệ sĩ Montmartre, nơi cái nôi được xem là "Trường Phái Paris" , thất tán, quạnh hiu ... Modigliani bắt đầu tìm cảm hứng từ nghệ thuật Châu Phi. Phác thảo vô số hình vẽ để làm tài liệu ... Thời gian này, Modigliani đã gặp Beatrice Hastings, một nữ thi sĩ người Anh. Sống với nhau 2 năm, đầy sóng gió. Vẽ nhiều chân dung. Từ năm 1915 đến 1917, Modigliani gặp thêm nhiều người bạn qúi, nhà thơ Max Jacob, nhà thơ người Ba Lan Léopold Zborowski, André Salmon, Jean Couteau ... Có thể nói, vợ chồng Zborowski là những người bạn đã cưu mang, lo lắng cho Modigliani ân cần nhất. Tìm cách bán tranh , tổ chức bày tranh ... Tháng 12, 1917, Zborowski giúp Modigliani triển lãm tranh tại Galerie Berthe Weil. Lần này bày thêm các bức "khỏa thân" lớn, tuyệt đẹp, nhưng lại bị dư luận còn nghiêm khắc lúc bấy giờ chống đối, cảnh sát phải can thiệp, không cho trưng bày trước tủ kính galerie ...

Mùa hè 1917, Modigliani gặp Jeanne Hébuterne, 19 tuổi, đang học hội họa tại Académie Colarossi, trẻ hơn Modigliani 14 tuổi. Mối tình mãnh liệt nảy nở. Gia đình Hébuterne ngăn cản không được. Hai người tự làm đám cưới, với hai người bạn ký tên làm chứng : Zborowski và Czechowska. Jeanne Hébuterne dáng người thon thả, dịu dàng, trầm tư, Modigliani đã vẽ rất nhiều tác phẩm đặc sắc về nàng, với nhiều tư thế, với tất cả yêu thương ... Cũng từ đó, hai kẻ thanh xuân trải qua với nhau một cuộc sống lang thang, nghèo đói khắp phố Paris. Dời từ chỗ ở này đến chỗ ở khác, không có tiền để thuê nơi làm xưởng vẽ. Sống trong "La Ruche", toà nhà xiêu vẹo, đổ nát trên đường Dantzig. Chagall, Kisling, Soutine và nhiều nghệ sĩ nghèo cũng đang ở nơi này.


 
 - Jeanne Hébuterne tại studio, 1919

Trong khi ấy bệnh lao không tha. Ngày trước, khi mới đến Paris, trong những cuộc trao đổi, có người đã tỏ vẻ thương xót, nhưng Modigliani nhất định nói : không, tôi hoàn toàn hạnh phúc. Hạnh phúc vì được vẽ, dù chịu đói, nghèo. Ước muốn của Modigliani là đưa Jeanne Hébuterne về thăm mẹ ở Livorno đã không thực hiện được. Sức khỏe suy sụp nhanh chóng. Vẫn lang thang một mình với cơn ho rũ rượi, uống rượu càng nhiều hơn.

Cuối năm 1918, Modigliani bắt đầu ho ra máu, vợ chồng Zborowski gom góp được ít tiền, gởi vợ chồng Modigliani về Côtes d’Azur , miền Nam nước Pháp để tịnh dưỡng trong vòng một năm, từ Nice qua Cagnes. Thời gian này có mấy bức nổi tiếng : "Thiếu Nữ Áo Xanh", "Đàn Ông Với Áo  Choàng Xanh", và 4 bức phong cảnh hiếm hoi.

Ngày 29.11.1918 tại nhà bảo sanh Nice, Hébuterne sanh con gái : Jeanne Modigliani, sau này là tác giả cuốn sách đầy đủ, trung thật nhất về người cha : "Modigliani, sans légende" (Jeanne Modigliani mất năm 1984). Tháng 5.1919 vợ chồng Modigliani bồng con trở lại Paris. Thời gian này, tên tuổi ông đã được nhiều người biết đến, có nhiều người tìm mua tranh. Nhưng ngậm ngùi thay, đó là lúc ông đang cảm nhận gần đến cái chết. Tuần cuối 1.1920, Modigliani nằm liệt giường, sốt cao độ. Bác sĩ ký giấy đưa ông vào nhà thương thí . Sáng hôm sau, 24.1.1920 Modigliani trút hơi thở cuối cùng. Trước khi nhắm mắt còn thều thào : "Cara, cara Italia!" như nuối về quê hương nước Ý thân yêu, nuối về Mẹ ...

Sáng sớm ngày hôm sau, Jeanne Hébuterne, đang có mang đứa con thứ hai, nhảy từ lầu 5 nhà cha mẹ, xuống đất, tự tử chết theo chồng. Còn gì bi thiết hơn, người họa sĩ với cuộc tình chung thủy này đã trở nên huyền thoại ...

Mộ Modigliani và Jeanne Hébuterne sau đó được nằm chung cùng nhau tại nghĩa trang Père La Chaise ở Paris. Trên tấm đá bia mộ khắc ghi những giòng chữ :

"Amedeo Modigliani, họa sĩ , sinh tại Livorno ngày 12.7.1884 . Chết tại Paris ngày 24.1.1920. Cái chết đã đến vừa khi ông đạt đến đỉnh danh vọng.

Jeanne Hébuterne , sinh tại Paris ngày 6.4.1898. Chết tại Paris ngày 25.1.1920. Cặp tình nhân này đã chung thủy với nhau ngay cả trong cõi chết."

Năm 1921, Zborowski tổ chức một cuộc triển lãm tại Paris để tưởng nhớ Modigliani. Báo chí đã đăng những bài ca ngợi nồng nhiệt. Các nhà sưu tập bắt đầu tìm đến. Trong số này, có bác sĩ Albert C. Barnes, nhà sưu tập người Mỹ ở Pennsylvania, đã mua rất nhiều tranh của Modigliani. Một bộ sưu tập tranh nổi tiếng, như đã thấy các viện bảo tàng bày tranh gần đây, mượn từ bộ sưu tập của gia đình bác sĩ Barnes.

Khi đã chết, cũng như Van Gogh, tên tuổi của Modigliani mới được trọng vọng. Liên tiếp các cuộc triển lãm tranh ông tại Zurich, London, Geneve, New York , ... Bắt đầu 1950, các viện bảo tàng lớn ở Mỹ, Anh, Pháp , Đức ... đồng loạt tìm mua tranh Modigliani.

Không được may mắn như Picasso, người bạn cùng thời. "Picasso, tia mặt trời không bao giờ tắt", tựa đề một quyển sách đẹp khi Picasso vừa qua đời (8.4.1973). Picasso đã ở lâu đài, và chết cũng tại lâu đài của mình.


 - Modigliani - Picasso - André Salmon
Montparnasse, 1916

Modigliani đã chết quá trẻ, buồn thảm trong cảnh đói nghèo, cùng cực , không được nhìn thấy cái hạnh phúc lớn lao sau này khi tranh mình thành vô giá. Và có phải như Modigliani đã thấy trước cái chết và sự bội bạc trên trần gian. Trước đó, trong bức thư viết cho người bạn, bác sĩ Paul Alexandre, ngày 6.5.1913, với câu cuối thư : "Le bonheur est un ange au visage grave."

Hạnh phúc là được vẽ tranh, Modigliani luôn khẳng định như vậy. Nhưng phải chăng "Hạnh phúc là một thiên thần mang vẻ mặt sầu muộn."

Đôi mắt muộn sầu trong tranh thiếu nữ của Modigliani còn mãi ám ảnh tôi.

Virginia 2003, chỉnh lại 5, 2014
Đinh Cường



Sách tham khảo

- Modigliani sans légende (Jeanne Modigliani, éd. Grund , 1962)
- Modigliani, Figures (Jean Dalevèze, éd. B. des Arts, 1971)
- Modigliani (Christian Parisot, éd. Terrail, 1992)
- Tout l'oeuvre peint de Modigliani (Ambrogio Ceroni, éd. Flammarion, 1972)
- Amedeo Modigliani, La Poésie du regard (Doris Krystof, éd. Taschen, 2000)



TRANH MODIGLIANI


 - Chân dung thi sĩ 


- Bé gái áo xanh



- Thiếu nữ với robe đen


- Người chơi đàn violoncelle


- Khoả thân nằm


- Khỏa thân ngồi 



- Chân dung Jeanne Hébuterne


Dessin Modigliani


Béatrice Hastings









Chép lại từ : http://phamcaohoang.blogspot.com/