Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

20 NĂM GẶP LẠI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN TẠI THÀNH PHỐ BẢO LỘC - NGUYỄN MIÊN THẢO

Ảnh 1     : (từ trên xuống) Sơn Núi và Nguyễn Miên Thảo gặp lại sau 20 năm tại đồi Vạn thông, Bảo Lộc ngày 27.11.2012
Ảnh 2     : Viêm Tịnh, Sơn Núi và Nguyễn Miên Thảo
Ảnh 3     : Viêm Tịnh, Sơn Núi , Nguyễn Miên Thảo và Sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Cõi Xưa thành phố Bảo Lộc
ãnh 4 , 5 :  Sơn Núi, Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tĩnh, Sư Nguyễn Đức Vân ở quán cơm chay thành phố Bảo Lộc

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 4

TRẦN NGỌC BẢO
 
Rời nhà thờ họ Lê Quang, nhóm lãng du trở ra tỉnh lộ 6 đi về hướng đông nam, gần đến Ngã Ba Xã (gần trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã Phong Chương). Sau đó, rẽ trái vào thôn Trung Thạnh. Chúng tôi nhận ra đền thờ Trung Hiếu nhờ các trụ biểu và bên trong có một đài kỷ niệm, có lẽ  mới xây, nhưng trong khuôn viên có tới hai đền thờ. Một nằm ngay trước đài kỷ niệm, một xa hơn, nhưng kiến trúc kiểu xưa hơn, mặc dầu có dấu vết trùng tu cũng rất mới.
Tuy nhiên, một điều lạ , cũng như lăng mộ, đền thờ không có biển hướng dẫn khách tham quan; ngoài ra, cổng vào bị chặn bởi một hàng rào gỗ và cột bằng dây sắt. Tần ngần một chốc anh lái xe leo vào và tháo dây, kéo hàng rào vào trong một chút cho mọi người bước vào . 



Cổng gỗ đóng và bị cột bằng dây sắt. Bên trong là đền thờ xây theo kiến trúc xưa, có bình phong.



Quang cảnh từ trong đền thờ nhìn ra. Cửa đền đóng kín.



Đài Kỷ  Niệm ba vị anh hùng



Không vào bên trong điện thờ được, khách hành hương đành tượng niệm tiền nhân trong lòng.
Dũng Silk phát hiện một nhà vệ sinh mới xây, lon ton chạy tới, nhưng rồi chạy lui vì cửa cũng bị khóa.
Đi loanh quanh một chút rồi du khách đành bái biệt.

Khi lùi xe để trở đầu thì một sự cố nhỏ xảy ra: một bánh sau bị sụp hố ngay trước đền.



Cả bọn loay hoay tìm gạch, đá kê bánh để kích lên. May sao, khi trùng tu đền người ta bỏ lại mấy thanh gỗ và vài tảng bê tông. Khoảng 20 phút sau thì xe leo lên khỏi mương nước, tiếp tục cuộc hành trình.

Chúng tôi đi về Ngã Ba Xã, rẽ trái sang hướng Ngũ Điền, đi ngang qua chợ Phong Chương. Sau khi đi qua cầu Hòa Xuân (vượt qua sông Ô Lâu) một đoạn chúng tôi lại rẽ trái, đi ngược ra hướng tây bắc để thăm làng Kế Môn. Sở dĩ nhóm ghé qua Kế Môn là vì Đặng Hữu Hùng, khóa 7, thường hay nhắc đến với lòng tha thiết và tự hào, thứ đến, đây là quê hương của danh sĩ Nguyễn Lộ Trạch, người đã dâng cho vua Tự Đức những bản điều trần  cách tân đất nước (giống như Nguyễn Trường Tộ); đây cũng là quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Oai, người được ghi tên trên bia đá ở Văn Miếu (1843), làm quan đến chức Thượng Thư bộ Hình, và đặc biệt là quê của ông tổ nghề kim hoàn : hai cha con ông Cao Đình Độ và Cao Đình Hương. 

Thật ra quê ông Cao Đình Độ là làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, năm 1783,  ông  di cư vào Phú Xuân, nhưng trên đường đi, ngang đập Cửa Lát trên phá Tam Giang, ông gặp sóng to gió lớn nên lui về tạm trú ở một mảnh đất trống làng Kế Môn. Ông được dân làng giúp đỡ cho nên quyết định định cư lâu dài và truyền nghề làm kim hoàn cho dân làng. Ông được cả nhà Tây Sơn lẫn nhà Nguyễn mời về Phú Xuân sung vào đội Ngân tượng phục vụ triều đình. Hai cha con đã dạy nghề cho rất nhiều người trong và ngoài làng Kế Môn. Hiện nay ở các thành phố lớn như Huế, Đà Nẳng, Sài Gòn, và thậm chí ở California, Texas (Hoa Ky) đều có tiệm vàng của người Kế Môn. Nhà thờ tổ kim hoàn ở đường Chùa Ông được xếp loại di tích văn hóa. Đặc biệt, người quê Kế Môn sống xa xứ đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng quê hương như xây đắp đường sá, cầu cống, thư viện làng, đình chùa, miếu vũ.


Làng Kế Môn trải dài theo hướng tây bắc - đông nam. Phía tây bắc giáp làng Vĩnh Xương cùng thuộc xã Điền Môn và phía đông nam giáp làng Đại Lộc (hay Đại Lược). Đoạn quốc lộ 49B chạy qua làng Kế Môn, xã Điền Môn, huyện Phong Điền, dài khoảng 2,4 km. Con đường này dân làng gọi là "đường quan". Nhìn qua đám ruộng có thể thấy một con đường khác chạy song song, ven đường là những ngôi nhà khang trang. Đường ấy người địa phương gọi là "đường ngang". Gần biển có một đường song song nữa, gọi là "đường rú", hay "đường cấy", ngăn cách làng với đụn cát ven biển. Ngoài ra có nhiều đường xóm thẳng góc với cả ba con đường này. Con sông Ô Lâu chạy dọc theo ranh giới phía Nam của làng, cho nên ở đây đồng ruộng tươi tốt. Cánh đồng từ đường quan ra đến sông Ô Lâu mới được gọi là "ruộng", còn cánh đồng từ đường quan đến đường ngang (trong hình) được gọi là "trưa". Tuy nhiên, diện tích đồng ruộng không nhiều vì đụn cát trắng mà làng chia sẻ với những làng khác ven biển có chiều rộng khoảng 1 km chạy dài đến cửa Thuận An. 

Trên độn có rừng cây thấp, và cây bụi gọi là "rú". Dân làng cũng trồng thêm phi lao và keo tai tượng để chắn gió. Đây cũng là vùng đất xây lăng mộ. Nhưng nếu người dân nói "đi độn" thì có nghĩa là lên đó để "bỏ thư" (người ở gần sông thì "đi sông", gần đồng ruộng thì "đi đồng"). Người ở đây gọi sông là "rào". Do đó ăn hột mít thì sau đó thường chạy lên độn hoặc chạy xuống rào, như trong bài hò mà dũng Silk thích hát nghêu ngao: "Ăn hột mít địt tầm phào, ra ngoài rào địt cái ộn, vô trong độn địt cái rầm, . . ."



Đình làng Kế Môn



Miếu thờ trước đình trông giống như chùa Một Cột ở Hà Nội



Nhà lưu niệm tổ nghề kim hoàn

Trên đường về xe đi qua các xã Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, thuộc huyện Phong Điền, và khi sang xã Quảng Ngạn, thuộc huyện Quảng Điền thì nhớ lại lúc làm ký sự "Rong chơi Quảng Điền" có đoạn mô tả bến đò Cồn Tộc- Vĩnh Tu, Dũng Silk có hỏi khi nào đi sang Vĩnh Tu xem bên ấy có chi, cho nên lão Trần đề nghị dừng lại nơi đây để xem "có chi không". 



Bến đò Vĩnh Tu. Khách có thể đưa xe máy lên đò.



Hai nữ du khách ra ngắm bến đò vượt phá Tam Giang



Thấy có một chiếc võng trên bến, lão Trần nằm ngả lưng một chút thì giật mình vì có người ném tiền vào ngực. Hóa ra khách qua đò, "tự động" trả tiền đò bằng cách ấy. Vậy thì đây là võng của "ông cai bến đò". Xếp tiền vào dưới một cục đá, lão Trần đứng dậy vì đụng tới tiền và tình có thể nảy sinh nhiều rắc rối! 

Không rõ Dũng Silk có thấy ở đây "có chi không". Lão Trần thì thấy ở đâu cũng có những con người vất vả làm việc để mưu sinh, ai cũng mang trong lòng những nỗi buồn dai dẳng và niềm vui chóng qua. Nhà cửa, ngựa xe có thể khác nhau, nhưng ở đâu cũng có trời, đất, sông, biển, núi, đồi, cây cối gần như nhau.

Xe đi qua xã Quảng Công của huyện Quảng Điền rồi đến Hải Dương của huyện Hương Trà, băng qua cầu Tam Giang, mà dân gian gọi là cầu Ca Cút.



cầu Tam Giang (vượt qua phá Tam Giang) từ xã Hải Dương sang xã Hương Phong



Phá Tam Giang từ trên cầu nhìn xuống. Một vùng trời nước mênh mang. Tấm lòng đối với quê hương và con người cũng mở rộng mênh mang.
Xe tiếp tục đi qua cầu- đập Thảo Long (cuối dòng sông Hương), gần cửa biển Thuận An , rồi qua một cầu ngắn không tên bắc qua sông Phổ Lợi (biển ghi cầu 0km 148, 73), rẽ phải rồi trở về trên đường từ cửa Thuận lên phố.

Cuộc lữ nào cũng đến hồi kết thúc. Cuộc chia tay có ít nhiều lưu luyến vì vài hôm nữa hai cư dân Sài Gòn sẽ trở lại "mái nhà nay", những người còn lại trở về "mái nhà xưa". Hợp rồi tan là qui luật tự nhiên thôi.

Nhóm phiêu lãng Đồng Khánh-Kiểu Mẫu tháng 11, 2012.


BẢN DO TÁC GIẢ GỞI

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 3

TRẦN NGỌC BẢO
 
Trên đường về xã Phong Chương, nhóm lãng du nhận được hai tin nhắn, một của Đặng Hữu Hùng, K7, nhờ thắp nhang ở ba ngôi mộ trước mặt lăng cụ Nguyễn Tri Phương, tin nhắn kia là từ thầy lang Lê Quang Khanh, nhờ thăm nhà thờ họ Lê Quang ở một làng Phú Nông gần đó. Vì thế, nhóm dừng xe ở một quán bên đường để mua nhang. Trần Ngọc Bảo xuống xe và nhìn thấy bên trái một cây cầu nhỏ cao cao, băng qua một con hói trông quen quen. Hình như hơn 10 năm trước mình đã đi qua. Hỏi chủ quán thì đúng là con đường dẫn đến lăng mộ cụ Nguyễn.

Vừa đi vừa nhìn đường và kiểm tra bộ nhớ, lão Trần mô tả lăng của cụ Nguyễn và con trai nằm trên một cồn đất cao giữa đồng ruộng, xung quanh có một lùm cây. Thế là o Hạnh đưa tay nhéo tai đại ca vì tưởng lão Trần chơi trò nói lái. O ni sinh sống trên cồn hay bị lụt cho nên nghe ai nói chi đụng tới "cồn" là o "cảnh giác" liền!



Lăng mộ cụ Nguyễn kia rồi, quả là nằm trên một cồn cao giữa đám ruộng bên dưới lùm cây



Lăng cụ Nguyễn Tri Phương



Sau khi dâng hương, nhóm chụp hình lưu niệm



Mộ Phò Mã Nguyễn Lâm, con trai cụ Nguyễn, nằm phía trước, bên trái

Nguyễn Tri Phương (1800-1873) là tướng chỉ huy quân đội chống Pháp ngay từ lúc liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh phá Đà Nẳng năm 1858 đòi triều đình mở cửa giao thương và cho phép tự do truyền đạo Thiên Chúa. Tuy vũ khí tốt hơn nhưng trước sự chống cự mạnh mẽ của quân nhà Nguyễn, và hệ thống nhiều đồn lũy liên kết, hỗ trợ nhau, liên quân không chiếm được đất Quảng. 

Đạo quân đi tìm kiếm thuộc địa chuyển địa bàn tấn công vào Gia Định năm 1859. Với kinh nghiệm ở Đà Nẳng họ dùng đại bác bắn cấp tập và hạ được thành. Tướng giữ thành là Võ Duy Ninh tự vẫn. Vua Tự Đức điều Nguyễn Tri Phương vào Nam tìm cách chiếm lại. Ông chia quân làm ba đạo, một đạo đóng ở Tân An (Long An bây giờ), một đạo ở Biên Hòa, một đạo ở Phú Thọ. Ba đạo xây đồn lũy rồi đánh lấn dần về Gia Định. Ông xây một đồn lớn, gọi là Đại Đồn Chí Hòa, người Pháp gọi là Kỳ Hòa. Nhưng thành lũy ấy không chịu nỗi sức công phá của súng đại bác của quân Pháp. Đồn bị hạ vào năm 1861. Em của ông là Nguyễn Duy tử trận. Ông bị giáng chức. 

Lúc ấy, miền Bắc bị các dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc bên Trung Hoa thất trận trong cuộc nổi dậy chống nhà Thanh, kéo sang cướp bóc. Nào là Ngô Côn, nào là Lưu Vĩnh Phúc (giặc cờ đen), Hoàng Sùng Anh (giặc cờ vàng), Bàn Văn Nhị (giặc cờ trắng). Các tướng như Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết được điều ra đánh giặc, nhưng vẫn không yên. Vua Tự Đức lại phái Nguyễn Tri Phương làm Khâm Mạng Đại thần ra Bắc lo đánh dẹp bọn phỉ Tàu.

Một thương gia người Pháp là Jean Dupuis sang miền Bắc thăm dò mua bán với Trung Hoa bằng đường sông Hồng. Nhà cầm quyền trục xuất Jean Dupuis. Soái phủ Nam Kỳ phái đại úy Francis Garnier đem quân ra Bắc để giúp Jean Dupuis thương lượng. Ngày 5 tháng 11 năm 1873 Garnier ra Hà Nội gửi thư đòi quân Nam phải cho người Pháp dùng  sông Hồng để hoạt động thương mại và đòi trả tiền phí tổn cho tàu của Pháp từ Nam Kỳ ra giải quyết tranh chấp với Jean Dupuis. Nguyễn Tri Phương không nhượng bộ. Ngày 19, Pháp bất ngờ đánh úp thành Hà Nội. Phò Mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết ở cửa Nam. Nguyễn Tri Phương bị thương. Quân Pháp bắt được ông và cứu chữa, nhưng ông nhịn đói chịu đau đến chết vào ngày 20 tháng 12.

Vua Tự Đức cho người đưa thi hài về Huế. Vua đích thân làm bài văn tế Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy và Nguyễn Lâm và cho xây đền Trung Hiếu tại quê nhà làng Đường Long (sau đổi thành Chí Long) tổng Chánh Lộc (bây giờ là xã Phong Chương), huyện Phong Điền. Ông cũng được thờ tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa ở Hà Nội. Người Pháp còn giữ quan phục của Nguyễn Tri Phương và trưng bày tại Bảo Tàng Quân Sự Les Invalides (theo Wikipedia).



quan phục Nguyễn Tri Phương ở Pháp (nguồn: Wikipedia, Internet)



đền thờ Trung Liệt, gò Đống Đa (nguồn: Wikipedia, Internet)



Tượng Nguyễn Tri Phương ở đền Trung Liệt (nguồn: Wikipedia, Internet)

Theo Đặng Hữu Hùng, K7, từ lăng mộ hai vị anh hùng nhìn ra khoảng 30m có ba mộ đất mà tên tuổi gắn liền với lịch sử (và tình sử) mà Hùng sẽ 
cho biết sau. Nhưng bây giờ thì nước trong cánh đồng đang dâng cao, không ra thắp hương được nên nhóm chỉ bái vọng.




Không rõ đây có phải là những nấm mộ mà Đặng Hữu Hùng đề nghị thắp hương?



Bữa trưa: ăn tiệc buffet trên con đường bê tông dẫn vào lăng Nguyễn Tri Phương (có bánh chưng, bánh mì, chè đậu ván đặc)



Xe chạy một đoạn rồi mà anh phó nhòm còn yêu cầu anh tài chạy chậm để chụp ảnh cái cồn. Hà Thúc Phú nói hễ thấy cái cồn nào lạ là anh Sum ưa chụp.

Theo hướng dẫn từ xa (qua điện thoại) của thầy lang Khanh, nhóm quay lại đường cũ một đoạn gần thôn Lương Mai, hỏi làng Phú Nông. Khi rẽ vào một cổng

đề thôn Phú Lộc thì gặp một anh trung niên đi xe máy, DũngSilk hỏi to: "Anh có biết nhà thờ họ Lê Quang ở đâu không?" "Ở đằng tê tề." Anh ta đưa tay chỉ rồi nói, "Tui họ Lê Quang đây." "Nhờ anh dẫn đường giúp." Nhưng chàng ta làm như không nghe thấy. Không sao. Cuối cùng cũng thấy được bức tường và cổng cửa rất "hoành tráng".



Cổng nhà thờ họ Lê  Quang. 
(Bích Vân bình luận: Hay ông đốc tờ muốn khoe nhà thờ đẹp đây?)

 

Cổng trước đóng, nhưng cổng bên thì mở



Bảo và Bích Vân thắp nhang rồi cùng Hạnh đứng chụp hình



Bức bình phong cũng cầu kỳ "ác liệt"!



Ngôi điện thờ khá bề thế, nhưng để tương xứng với cổng cửa, la thành, theo Bích Vân thì ông đốc ráng xây lớn hơn nữa.

Trong sân có một khoảnh đất trồng sắn. Bích Vân định nhổ một cây, nhưng kéo hoài không lên. Thế mới biết rễ củ nhà họ Lê ni vững chắc như thế nào!
Ngoài ra còn có nhiều bụi cỏ gà làm o Hạnh nhớ lại trò đá gà ngày thơ. O Hạnh kể nhờ uống cỏ gà mà chữa được bệnh sỏi thận. 



Cây cỏ gà còn có công dụng lợi tiểu, trị ho. 
Làm xong "nghĩa vụ" hành hương chiêm bái, đồng thời đóng vai trò "Sơn Đông mãi võ" quảng cáo thuốc "cao cỏ gà" cho thầy lang Khanh ( biệt hiệu cụ Cu Năng), nhóm phiêu lãng lại trở ra đi tìm đền thờ Trung Hiếu.

(còn tiếp)

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

PHIÊU LÃNG MÙA ĐÔNG, PHẦN 2

TRẦN NGỌC BẢO
 
Rời lò gốm, nhóm lãng du đi bộ tà tà dọc theo bờ sông Ô Lâu. Nhìn thấy một cây bông màu đỏ, Dũng Silk chụp hình bằng iphone và gửi liền cho hộp thư KMH và đố là cây chi. Không ngờ nhận được lời giải rất nhanh của Nguyễn Văn Thảo ở tận Mỹ Quốc. Đó là cây bông lẹo.
Vậy thì những bụi cây ở hậu cảnh tên gọi là gì đây?



Câu đố này dĩ nhiên là dễ nhưng đưa ra lời giải hay mới khó.



Câu đố thứ hai: bông này được người ở Huế, Bắc, Nam gọi tên khác nhau thế nào?



Giữa đường gặp một cây vươn cành ra ngoài hàng rào, rụng trái xuống đường - trái to bằng nắm tay, hình trái soan, vỏ và cơm màu vàng rực, nhiều bột, rất ngọt, hột to màu nâu. Anh Dũng tiếc của trời, dùng dù khèo xuống 1, 2 trái. Trái này ở Huế gọi là chi? Miền Bắc gọi là gì?



Nhẩn nha tới bến Cây Thị tức là gần đầu làng, nhóm lãng du ra bến sông chơi.



Bên kia sông có người cất rớ (miền Bắc gọi là . . . ?)



Bờ sông có nhiều lau trổ cờ

 

Đến bến Cây Thị 2, Phú ra sông cất rớ



Bích Vân cũng ra kéo rớ, nhưng sau đó kêu oai oái vì rớ nặng quá dù kéo lên không có con cá nào mà lại có nguy cơ bị rớ kéo xuống sông. Hiệp sĩ Phú vội ra tay kéo phụ.



Làm ngư phủ không được thôi thì bỏ bến lên bờ



BV làm người mẫu giữa ngàn lau


Ngồi chơi trên bến Cây Thị, nhìn sông nước Ô Lâu



WC dành cho du khách, một ngôi nhà gạch, lợp ngói đỏ cạnh dòng sông, giữa một vùng cây cỏ sum sê trông thật thơ mộng.

Lên xe, du khách còn ngoái lại nhìn con đường làng lát gạch tinh tươm, phủ bóng cây xanh và dòng sông nước đang dâng cao cuồn cuộn.Ngôi làng thật yên tĩnh, vắng lặng.

Cách cổng làng Phước Tích không xa là làng Mỹ Xuyên, nổi tiếng về nghề mộc mỹ nghệ. Sản phẩm của làng này gồm có tượng gỗ, hoành phi, đối liễn, trường kỷ, sập gụ, trang thờ, v.v. nhưng hình như không tổ chức nơi trưng bày sản phẩm như ở làng Phước Tích. Thợ của làng có lẽ đều đi làm ăn xa. Họ đi đến các thành phố, nơi có thị trường rộng lớn. Trên đường Điện Biên Phủ, Huế, cũng có một cơ sở mộc Mỹ Xuyên.

Đi tiếp khoảng 4km là làng Ưu Điềm. Tên này là đọc trại của chữ Ưu Đàm, theo truyền thuyết Phật giáo, là tên loài hoa Udumbara, được phiên âm là Ưu đàm bát la, ba ngàn năm mới nở một lần. Hoa chỉ nở vào thời của một vị vua anh minh, gọi là Chuyển Luân Pháp Vương, là một vị vua đạo đức cao vời, truyền bá chánh pháp, hoặc nở trong thời có một Đức Phật xuất hiện. Theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1553) thì làng này có cây hoa ưu đàm và chùa Ưu Đàm. Chùa và làng có từ khi nào không ai biết, nhưng chùa làng còn lưu giữ  tượng Phật và Bồ Tát Quan Âm làm bằng đất sét, cốt tre, sơn son thếp vàng. Cạnh chùa có am còn những di chỉ khảo cổ của người Chàm, như tượng thần Shiva (nhưng được gọi lầm là tượng Phật Lồi (Lồi hay Hời có nghĩa là Chàm, hay Chăm, hay Chiêm Thành), tượng linga, phù điêu.
Nhóm phiêu lãng không dừng ở Ưu Điềm mà khi đến ngã ba, giao lộ gữa đường 49B và tỉnh lộ 4 thì rẽ phải theo tỉnh lộ 4 để về xã Phong Chương thăm lăng Nguyễn Tri Phương.

(còn tiếp)

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Một bài thơ tình yêu



Sáng nay ngồi trong ngõ
Em đến lúc mười giờ
Chiếc quần jean nhàu bạc
Áo trễ ngực  ơ hờ

Đôi mắt em làm thơ
Đôi môi em là nhạc
Thơ và nhạc nên lời
Yêu em không giờ giấc

Yêu em không hề biết
Ngày thu tàn ngoài sân
Đông về hay xuân đến
Thời gian cứ lâng lâng

Hẹn hò em cứ đã
Âu yếm cứ ân cần
Tình ngắn dài cứ mãi
Xa cũng lại thành gần

Không biết làm bài thơ
Này có hay em đọc
Trong một lúc tình cờ
Khi ngồi trong quán cóc

Yêu em cứ yêu em
Bao nhiêu lâu chẳng biết
Ngày nào không thấy em
Tự nhiên buồn muốn chết

Yêu em để làm gì
Không làm gì cũng được
Phút nào không nhớ em
Tự nhiên lòng trống hốc

Nhiều năm rồi nhiều năm
Tình yêu rồi tình yêu
Không yêu rồi không yêu
Hay yêu rồi lại yêu
Ta quay rồi ta quay
Em và ta cùng quay
Tình yêu quay cùng quay

TỪ HOÀI TẤN