Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Cà phê vỉa hè Sài Gòn



Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng tuỳ bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới.  Nhiều lần lang thang quán xá tôi chợt nghĩ có thể dùng lối ví von như thế để nói về cà phê ở Sài Gòn. Này nhé: Sài Gòn có muôn vàn quán xá khác nhau, quán nào cũng đẹp, quán nào cũng mát… nhưng thân thuộc nhất vẫn là quán cà phê. Cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê salon văn hoá… Đâu đâu ta cũng có quán cà phê làm bạn. Quá được, phải không?

Nói đến cà phê Sài Gòn đầu tiên phải nói đến cà phê vỉa hè vì nó có mặt khắp nơi, từ người bình dân đến công chức, từ già đến trẻ hay sồn sồn trung niên, từ đàn ông đến đàn bà… đều có thể tạt vô mua một ly mang đi, hoặc kéo ghế nhựa ngồi uống một mình hay trò chuyện chốc lát cùng bạn bè, có thể sáng ghé rồi trưa lại ghé, có thể chiều đi làm về cũng ghé, ngồi lề đường nghe ngọn gió trên cao lùa về mát rượi, thấy lòng thanh thản sau một ngày vất vả mưu sinh.

Bất cứ quán “Cà phê vỉa hè” nào cũng có “không gian địa lý” là vỉa hè một con đường nào đó, dưới tán cây cao hay cạnh bức tường loang lổ vôi bạc màu, hay sát lề con hẻm nhỏ xe cộ ra vô thường xuyên… Cà phê vỉa hè ở gần công sở, cửa tiệm, khu dân cư, trường học, có khi ở ngay những con hẻm toàn biệt thự sang trọng… vậy nên “không gian xã hội” của mỗi quán là dân văn phòng, công chức, có quán chủ yếu là sinh viên học sinh, có quán chỉ bán cho bà con trong hẻm, quán lại phục vụ khách qua đường là chính… Nhưng mọi quán đều giống nhau: thức uống chính là cà phê, dĩ nhiên, cà phê “vợt”, cà phê phin đen như than, cà phê sữa nâu sẫm, và cà phê nào cũng rất đắng! Vài chai nước ngọt, sữa đậu nành, có khi có thêm vài trái cam hũ chanh muối… rồi tủ thuốc lá với mấy cây kẹo Singgum. Dù là khách quen hay lạ thì chủ quán cũng đón tiếp vui vẻ, chiều theo sở thích, có quán còn khuyến mãi ly trà đá… Bình dân và bình đẳng là cà phê vỉa hè. 

Ở cà phê vỉa hè có thể bắt gặp ai đó yên lặng một mình, mở laptop xài ké Wifi của công sở gần bên, hay nhóm đông bạn bè “tám” chuyện trên trời dưới đất chuyện quốc nội quốc ngoại…; có những người đến đó gặp nhau bàn công chuyện, uống ực cái hết ly cà phê thì chuyện cũng xong, lại lao ra đường đi làm ăn tiếp. Lại có khi nhìn thấy anh chị kia ngồi rù rì chốc lát rồi lên xe chở nhau đi đâu mất…  Ở cà phê vỉa hè giải trí có, làm ăn có, lãng mạn có, chuyện thế sự có, và chẳng làm gì, ngồi “giết thời gian” cũng có… 

Bạn là một nhà thơ, nói: nhiều tác phẩm văn chương đã ra đời từ những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn. Tôi chẳng phải dân văn thơ nhưng cũng đồng ý với bạn: cà phê vỉa hè Sài Gòn luôn mang lại cho người Sài Gòn những ý tưởng và sức sống mới. Hơn thế, nó làm cho ai một lần đến Sài Gòn, ngồi cà phê vỉa hè sẽ không quên ấn tượng về nó, bởi mỗi quán cà phê vỉa hè là một Sài Gòn thu nhỏ.
 NGUYỄN THỊ HẬU
 http://haukhaoco2010.blogspot.com/

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Từ Hoài Tấn thương Huế mà đi






VỀ HUẾ

Xa ròng mười năm
Nay vửa trở lại
Chuyến tàu nửa đêm
Xập xình khó ngủ

Bên ngoài cửa song
Núi rừng đồng ruộng
Chạy qua miền Trung
Nỗi buồn cây lúa

Những sân ga ấy
Ngày xưa ngày xưa
Ai lên phố học
Ai chờ giữa khuya

Mười năm sách đèn
Mười năm xe đạp
Thân thiết đường quê
Mưa dầm tháng lụt

Bỏ Huế mà đi
Bỏ đời thương khó
Bỏ mối tình si
Dưới chân Thành Nội

Nhiều năm xa vậy
Thiếu nữ có còn
Người mong phương ấy
Một mùa hư không

Cũng như em đã
Qua hết mùa hồng
Chồng con bận bịu
Khép mình bên song

Bạn cũ chờ ta
Nhiều năm lâu quá
Mê mãi miền Nam
Lạc loài bến lạ

Thương Huế mà đi
Xa người để nhớ
Thức giấc xuân thì
Mộng về như ngỡ

Chào Huế ta về
Ngày hương đã dậy
Một mùa xa kia
Như là mơ vậy

Chào Huế ta về
Bạn ơi đừng hỏi
Người ơi đừng hỏi
Mười năm hôn mê

Huế ơi Huế ơi
Đừng hỏi đừng hỏi
Lời nghẹn với lời
Vì sao vì sao

Vì sao ngày ấy
Đã là chiêm bao


Ở HUẾ

Mặt trời dậy sớm
Lúc năm giờ
Nhìn qua bên kia sông
Gia Hội còn mờ
Cầu nghiêng bóng nước sông Hương
Chìm bao năm tháng

Nhà Viêm Tịnh ở Hàng Bè
Đường bờ sông im vắng
Những con đò xuôi đâu
Đêm không còn lao xao sóng lặng
Bao cuộc đời
Đã tắp bến nơi nao
Hay vẫn long đong cùng mây trắng       

Cà phê Bon ngồi dăm ba người bạn
Lê Ngọc Thuận ở Mỹ Chánh vào
Buổi xuân thời qua từ nhiều năm
Nhiều năm ấy bao buồn vui
Những ngày tang trắng thất lạc nhau
Mùa binh biến năm xưa không bao giờ phai kỷ niệm
Những cuộc đời những con người  và những bí mật không hề khai quật
Bởi tiếng gọi của lương tri
Huế năm ấy u buồn
Những người con không trở lại

Về Túy Vân sơn
Qua cầu Trường Hà
Quê hương người mẹ già 96 tuổi
Có thấy người con phương xa về
Huỳnh Ngọc Thương
Một chút tình phơi bên hàng chè tàu
Những năm thơ ấu như huyền thoại
Cuộc đua tranh của đời sống
Đã mất đi tình người tình bà con chòm xóm
Chỉ còn là tiền là lợi lộc ẩn mình dưới vỏ bọc ngụy trang
Làng quê dầu có nhiều thay đổi
Những con đường bê tông
Đã bịt kín những lối về ngày xưa hương thơm mùi đất ẩm của ngày hè
Nhìn thấy cửa Tư Dung
Núi Mu Rùa – nơi dừng chân của huyền thoại công chúa nhà Trần
Một trang lịch sử bồi hồi của cuộc tình đất nước 

Chiều ghé tháp Chàm Phú Diên
Được xây từ thế kỷ thứ tám của dân tộc Chiêm
Khi chưa là sính lễ cầu hôn của Chế Mân
Khi đất phía Nam chưa khai phá
Công trình còn dở dang
Dấu vết một thời biến loạn

Cháo thơm mùi gạo đỏ
Bên lề đường sớm mai
Trước gallery anh Vĩnh Phối
Đường Bạch Đằng
Cô bán hàng xinh tươi thơ ngây trước câu đùa vui của khách
Cũng ngon như bún Mệ Kéo
Khách không ngớt ra vào chờ đợi

Ngày của Huế bắt đầu
Bên cà phê trước tòa soạn báo Sông Hương
Những người bạn của thời xưa vừa gặp lại
Những ngày áo trắng sân trường
Với tình yêu mơ màng người bạn gái cùng lớp
Bài thơ theo chân người dọc đường về bao nhiêu năm tháng
Mãi mãi chỉ là lời tỏ tình âm thầm của giấy trắng        

Thăm người em gái chợ Đông Ba
Mới hôm nào nay đã ba con
Miệng vẫn cười xinh giữa rừng hàng nhôm nhựa
Những ngày vui chung dưới một mái nhà
Năm một chin bảy mốt trong phủ Gia Hưng
Tôi đã ra đi về phía Nam để lại một mối tình trong sáng
Đẹp ngời cung điện cố đô xưa

Về làng Chuồn
Quê hương thơ ấu
Tuổi mười hai mười ba
Mỗi chiều đi dạo dọc con đường làng với Quảng
Cuộc tình của dì Lạc
Những ngày nắng Huế cùng dì đạp xe đạp đi học ở Bồ Đề hữu ngạn
Làm bao nhiêu bài thơ về người bạn gái cùng lớp
Không nhớ hết những kỷ niệm
Như hai cây vú sữa vườn nhà Ngoại đã không còn
Và cây ổi trước sân nhà ông bà Nội đã biến mất
Mang theo vị hương dịu ngọt của thằng bé thuở xưa
Khúc hát êm đềm của đồng quê ngày ấy
Chỉ còn lại ngôi mộ song thân nằm đây
Trên cánh đồng làng bát ngát
Qui cố hương – bài ca muôn thuở của cuộc đời

Những con đường thành phố Huế nhiều cây xanh hơn
Nhưng không khuất lấp được những kỷ niệm quá khứ
Những cửa Thành được trùng tu xây mới bê tông
Nhưng không sao làm quên được màu rêu phong cũ
Khu Đại Nội đông vui rất nhiều đoàn du khách nước ngoài
Không dễ có khoảng trống lặng im âm trầm hoàng triều cố cựu

Những buổi trưa tìm đến hàng cơm Chị Tẹo
Ăn cá bớp kho xấp
Hay dĩa thịt luộc tôm chua
Canh cá kình
Hương vị Huế thấm dần trong da thịt    

Ở Huế mà như không ở Huế
Những mối tình ở trên mây
Như sự yêu đương phù phiếm của Nguyễn Miên Thảo
Hay cuộc tình hai vợ của Nguyên Quân
Như chàng thanh niên Huế ngày xưa tự làm ảo thuật với mình
Bằng những hẹn hò hoang tưởng
Tội nghiệp những quán cà phê bên bờ sông Hương
Làm chứng nhân cho lời tỏ tình của những chàng thi sĩ mơ mộng

Ở Huế mà như không ở Huế
Tôi lướt qua ngày và đêm trên đôi cánh giữa trời mây
Lâng lâng ngày trở lại



RỜI HUẾ

Lên xe
Ngày sẽ vơi dần
Con đường phía trước
Lời chia tay
Ngại ngần nửa cuộc
Thấp thoáng chiếc khăn thêu
Vẫy theo chiều tắt nắng
Loài chim trời có nhớ thương nhau
Hẹn một ngày hè ấm áp
Bốn phương hề nhớ một phương
Mắt hoài xa xứ
Mười năm cơn mộng tàn tro
Bay phất phơ mùa gió nổi
Thăm người sau trước xưa nay
Thời gian còn ghi dấu
Khi về cùng Huế mơ say
Chất ngất những ngày hội lễ
Khi đi cùng Huế ngây ngây
Mùa vui thoáng chốc

Xe qua đèo dốc miên man
Xa dần nơi yêu dấu ấy
Mười năm bỏ lại bên lưng
Một trời âm vang vời vợi
Sớm nghe tiếng bước của ngày mai
Ngày mai ngày mai
Xốc lên vai hành trang vội
Theo với dòng đời

Tạm biệt Huế như chưa bao giờ nói thế
Đã bao giờ quên Huế được phút giây
Đất trời có khi dời đổi
Nhưng ta vẫn cứ như lòng
Xe đi xa dần nơi chốn ấy khuất rồi sau một khúc quanh
Mà tình ta vấn vương ngậm ngùi ở lại
Thêm chút phấn hương cho ngày đã hết
Thêm tiếng ngân lòng cho mênh mông 

Hẹn về mai mốt nọ
Trăm năm một mối tình nồng

Huế 01 - 08.8.2013
TỪ HOÀI TẤN

 http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/

Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

NS Tuấn Khanh: “Đàm Vĩnh Hưng mượn khán giả làm rào chắn”

Nhạc sĩ Tuấn Khanh trả lời phỏng vấn báo xung quanh vụ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phê bình nhiều ngôi sao nhạc pop VN và phản ứng gây giận dữ của Đàm Vĩnh Hưng.

Điểm rơi của nền giải trí son phấn
Thưa anh, câu chuyện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với phê bình của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang trở thành một ví dụ điển hình trong văn hóa ứng xử của những người được gọi là ngôi sao trong làng giải trí hiện nay. Quan điểm của anh về sự kiện này thì sao?
Đây không phải là lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với ai đó về chuyện phê bình, cũng như không phải nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người đầu tiên nói thật về những bất cập trong làng giải trí VN nhưng câu chuyện hôm nay là sự bùng nổ ngẫu nhiên, và cũng đúng thời điểm mà giới chuyên môn cũng như khán giả đã quá mệt mỏi với một nền giải trí son phấn, kèm nhiều sự giả tạo bao trùm đời sống.
Trên thực tế, nếu phân tích bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, cũng có vài điều chưa phải là hoàn toàn đúng trong nhận định của ông. Chỉ tiếc là cách phản ứng của Đàm Vĩnh Hưng thì lại hoàn toàn sai về lý luận cũng như phá vỡ môi trường đạo đức nghệ thuật VN vốn có truyền thống tôn trọng người lớn tuổi cũng như người đi trước trong nghề nghiệp.
NS Tuấn Khanh: “Đàm Vĩnh Hưng mượn khán giả làm rào chắn” | Nguyễn Ánh 9,Đàm Vĩnh Hưng,Nhạc sĩ Tuấn Khanh
- Những biểu hiện nào của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong lý lẽ là sai, thưa anh?
Chỉ tập trung phân tích cách phản biện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thôi, thì thấy Hưng đang sử dụng lối tam đoạn luận ngụy biện rất thấp: mượn khán giả làm rào chắn cho mình trong các cuộc tranh luận. Chẳng hạn như lối nói “nếu chê Đàm Vĩnh Hưng tức coi thường hàng triệu khán giả đang nghe nhạc của Đàm Vĩnh Hưng”. Trên thực tế, nếu ca sĩ gọi là có người nghe đến hàng triệu khán giả trên đất nước này, tính từ giọng ca dễ thương của bé Xuân Mai đến nhiều người khác, Hưng chỉ là một trong những số đó chứ không có gì đặc biệt hơn, nhưng không ai trong số đó lại đi kéo lê khán giả khắp nơi như một công cụ để bảo vệ, che chắn cho mình như vậy.
Và chẳng hạn như Hưng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” thì có lẽ Hưng không hiểu được danh từ này. Ông Nguyễn Ánh 9 thực tế là chưa bao giờ sống hai mặt chỉ trích Hưng, nhưng muốn sử dụng Hưng. Tôi được biết là ông luôn đánh giá thấp Hưng và phát biểu công khai từ lâu. Ngay cả trong câu chuyện ông kể về mẩu đối thoại giữa Hưng và ông về việc không muốn Hưng hát nhạc của ông, Hưng cũng không thể phủ nhận.
Thời đại của truyền thông giật gân
- Nhưng riêng người phê bình, ở đây là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, có nên cân nhắc hoàn cảnh phát ngôn trước khi đưa ra lời nhận xét, hay chỉ cần thành thật và trách nhiệm với suy nghĩ của mình là đủ?
Chiếu theo ngôn ngữ được viết lại trong bài phỏng vấn đang gây tranh luận, tôi cho rằng ai đã từng viết báo cũng có thể nhìn ra đây không hoàn toàn là một cuộc phỏng vấn. Người viết bài đã ngồi đặt ra những câu hỏi tương đối và lắng nghe nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể chuyện. Văn phong kể chuyện vẫn chân thực và đôi khi là thứ chỉ để chia sẻ, nhưng khi bị chuyển thành ngôn ngữ phỏng vấn, trở thành phát ngôn và dễ dàng gây nên sự kiện.
Tôi tin là có thể về mặt chuyên môn, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không thích tiếng hát của Đàm Vĩnh Hưng - đây là chuyện bình thường của nhận xét - nhưng chính người viết bài cũng không thích Đàm Vĩnh Hưng nên sử dụng chuyện kể này thành vũ khí tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Và vào một thời điểm khá là không may mắn khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vốn đã gây quá nhiều tai tiếng, nay lại phát ngôn đáp trả vội vã, trở thành giọt nước tràn ly trong dư luận.
Nhưng dù sao đi nữa, đã nói thì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải chịu trách nhiệm về quan điểm của mình. Chẳng hạn như trong cách ông nhận xét chung là ca sĩ Thanh Lam hát tệ, thông qua bài Cô Đơn của ông, thì có lẽ không công bằng. Vì không có nghĩa hát không hay bài Cô Đơn mà Thanh Lam trở thành hát tất cả các bài khác đều tệ. Nhưng ở đây tôi muốn nhấn mạnh là giữa thời đại truyền thông vội vã và giật gân mà chúng ta đang sống, câu chuyện kể được chuyển thành phát ngôn là điều mà bất kỳ ai cũng nên dành thêm thời gian ngẫm nghĩ một chút.
- Sự ủng hộ mạnh mẽ bất ngờ từ phía công chúng về lời phê bình nói chung của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 này đang phản ánh điều gì, thưa anh?
Như tôi đã nói trên, rất nhiều người đã mệt mỏi với nền giải trí Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc. Hãy nhìn xem các gameshow và những lời tung hô giả trá. Những danh hiệu “ông hoàng”, “bà chúa” được giành nhau, ganh ghét và vơ vào một cách vô nghĩa. “Diva” hay “hoàng tử” được phong tặng hay đeo bám đều ngớ ngẩn, thấp kém hơn cả ổ bánh mì 10 ngàn đồng buổi sáng mà người lao động vất vả mới có được.
Truyền thông lá cải và âm nhạc như một vở kịch dài đáng chán và ấu trĩ không bao giờ hạ màn. Và rồi phải có một ai đó giật mình hô hoán lên rằng những thứ này đang chắn lối của một cuộc sống bình thường lành mạnh. Vào thời điểm này, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ngẫu nhiên trở thành người bắt đầu cho một cuộc hô hoán như vậy, mà bất kỳ ai tỉnh táo cũng đều thấy đó là một điều cần thiết.
Cơn ảo giác về quyền lực
- Bức thư khiến dư luận nổi giận vì lời lẽ được cho là bất kính và ngạo mạn, dường như cho thấy Đàm Vĩnh Hưng đang tin vào quyền lực của mình trong làng giải trí. Đây là điển hình của một dạng ảo tưởng trong giới ca sĩ hay sự chi phối của nó, ở mức độ nào đó, là có thật?
Một chút thành đạt sẽ dễ gây ảo tưởng, và một chút ảo tưởng sẽ dễ gây ảo giác về quyền lực. Không chỉ Đàm Vĩnh Hưng, mà rất nhiều người tham gia vào làng giải trí Việt Nam đang mắc phải như một thứ bệnh trầm kha, chỉ có thể được chữa theo thời gian và sự hoàn thiện nhân cách của người đó. Chỉ đáng buồn là chính bởi rất nhiều phóng viên mới vào nghề thiếu bản lĩnh, những tờ báo đuối hơi về nghề nghiệp… là thủ phạm nhân giống và nuôi trồng những loại nấm độc đó trong làng giải trí Việt nhiều năm nay, đôi khi biến những ảo tưởng thành những giá trị có thật tạm thời.
Mỗi ngày chúng ta đều nhìn thấy các tít lớn giật lên về các phát ngôn ba trợn của nhiều ngôi sao, diễn viên… như thể họ vừa xài ectasy vừa nói chuyện, nhưng ngôn ngữ được loan báo trân trọng như lời một nguyên thủ quốc gia. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi Đàm Vĩnh Hưng là nạn nhân điển hình trong trường hợp này.
- Cũng có ý kiến cho rằng có sự ganh tị nào đó với danh tiếng hay thành đạt của người khác, nên mới có sự chỉ trích như vậy. Chẳng hạn, anh có thấy mình như vậy không?
Tôi tin là có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng trên đất nước này. Tôi ngưỡng mộ các giá trị đó. Nhưng phải nói rõ là cũng có rất nhiều người không cần danh tiếng hay thành đạt mới có thể cất lời phê bình. Và bên cạnh đó, cũng có rất nhiều kiểu thành đạt và danh tiếng mà tôi cũng như nhiều người khác luôn thấy vô cùng kinh hãi khi phải dây vào.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Theo Vietnamnet.vn

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 ‘mổ xẻ’ Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ

Với sự am hiểu sâu sắc, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không ngần ngại ‘mổ xẻ’ các gương mặt đình đám nhất làng nhạc Việt như  Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ.


-
 Có thâm niên 60 năm trong nghề, ông đánh giá thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?
Việt Nam hiện tại chỉ có giải trí, không có nghệ thuật. Bây giờ, nhạc để xem nhiều hơn là để nghe. Người ta làm giải trí kiếm tiền, coi qua rồi bỏ chứ hiếm người tâm huyết làm nghệ thuật. Điều này khiến tôi buồn lắm vì con đường nghệ thuật của mình không có những người chung chí hướng để làm tốt vai trò nghệ sỹ.

So với thế hệ trước như ông, giới ca - nhạc sỹ Việt hiện nay có gì khác biệt đáng nói?

Hồi xưa, người nhạc sỹ viết ca khúc từ những cảm xúc thật của họ, họ viết ra để chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cho mọi người chứ họ không viết nhạc để bán. Còn bây giờ, nhạc sỹ viết nhạc theo yêu cầu đơn đặt hàng nên âm nhạc không có hồn, không có cảm xúc thật của người sáng tác.
Ca sỹ bây giờ đa số chỉ chú trọng ăn mặc, make-up cho đẹp và lên sân khấu hát thì sau lưng có một đám múa. Nhưng ít chú trọng đến xúc cảm âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát.

Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9



Hồi xưa, có những giọng ca còn để tiếng đến bây giờ như Lệ Thu, Thanh Thúy, Thái Thanh… nhưng bây giờ những ca sỹ hát giọng tốt đếm trên đầu ngón tay, đã vậy lại bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi nói có lẽ sẽ đụng chạm đến những người học thanh nhạc. Người ca sỹ học thanh nhạc hát phải phát âm cho tròn chữ, và cố gắng đưa giọng mình cho tròn trịa, giọng ngân cao vút… nhưng quá mải lo kỹ thuật nên hát không có cảm xúc!
Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm...

Những ca sỹ được phong hàng diva như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh, Trần Thu Hà có bị vướng vào kỹ thuật thanh nhạc?

Thanh Lam, Mỹ Linh giọng hát rất đẹp, cái gì cũng tốt nhưng đều bị vướng kỹ thuật thanh nhạc nên nhiều lúc nhạc cảm không có, tâm hồn bài hát không có. Hồng Nhung hát tốt hơn Mỹ Linh, Mỹ Linh tốt hơn Thanh Lam.
Đơn cử, nghe Thanh Lam hát bài Cô đơn của tôi, tôi buồn lắm! Nó không ra cái cô đơn,không có hồn dù giọng đẹp thiệt! Thanh Lam hát những bài sâu lắng nhiều khi đóng kịch nhiều hơn là hát.
Mà đóng kịch phải như người diễn viên, người ta nhập hồn vào vai diễn đó, ví dụ Kim Cương trong Lá sầu riêng, cô là nhân vật cô gái đau khổ tên Tâm chứ không phải là nghệ sỹ Kim Cương, phải quên Kim Cương đi! Ca sỹ cũng phải hát 'nhập vai' như vậy mới ra ca sỹ.
Trần Thu Hà thì khôn hơn, biết cách lợi dụng kỹ thuật để áp dụng. Nhưng mấy người được như Trần Thu Hà? Người nào cũng phô trương, tôi phải hát giọng cao tới nốt đó tôi mới là ca sỹ, còn hát chưa tới thì chưa phải là ca sỹ. Cái đó là sai lầm tai hại vô cùng và không ai chấp nhận.

Hai nữ ca sỹ đang nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay là Mỹ Tâm và Hồ Ngọc Hà, ông đánh giá tài năng của họ ra sao?

Mỹ Tâm chỉ hát nhạc Pop bình thường thôi, nhưng được cái là sáng sân khấu, xử lý bài hát chính xác. Mỹ Tâm cũng có những ca khúc hát không tới, gặp bài nào hát tới mới hay, như Cây đàn sinh viên, Ước gì...
Mỹ Tâm hát chỉ hợp với tuổi trẻ. Về tính nghệ thuật thì Hồng Nhung, Trần Thu Hà hát xong có để lại ấn tượng, còn Mỹ Tâm chỉ nghe vui mắt, vui tai, nghe qua xong rồi thì thôi, không để lại ấn tượng gì hết.
Mỹ Tâm được cái là may mắn rơi vào đúng thời điểm không có ai cạnh tranh, từ đó nổi tiếng và khi nổi tiếng rồi thì rất khôn khéo đầu tư vào hát, múa, sắc đẹp để giữ vị trí.
Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Hồ Ngọc Hà và Mỹ Tâm


 Hồ Ngọc Hà hát chỉ nghe chơi thôi! Giọng Hồ Ngọc Hà yếu lắm, khều khào không à! Hồ Ngọc Hà đẹp, có vóc dáng sân khấu, chịu khó múa… cái gì cũng đẹp nhưng giọng hát thì lại không được.
Khi diễn tả nội tâm, Hồ Ngọc Hà diễn kịch tính nhưng đóng kịch chứ không thật. Ca sỹ hát phải biến mình thành nhân vật trong ca khúc mới hiểu nỗi đau làm sao. Không lẽ, ngoài đời mình buồn là phải hét, gào thét? Đâu phải vậy!

- Với các giọng ca nam đang nổi tiếng như Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Quang Dũng… ông đánh giá thế nào?

Bằng Kiều cũng giọng tốt như Trần Thu Hà nhưng sau này khoe giọng quá, cố hát lên cao vút để không ai bắt chước được. Thành ra, Bằng Kiều hát bài Buồn ơi chào mi của tôi khiến khán giả ở dưới sững sờ luôn! Tính lại thì hiệu quả sân khấu có nhưng tôi mở băng ra nghe thì phải nghe Tuấn Ngọc hay Xuân Phú, Trọng Bắc hát.
Quang Dũng hát được vài bài của Trịnh Công Sơn chứ không phải là tất cả. Còn Đàm Vĩnh Hưng chỉ được bề nổi vậy thôi, tôi không cho là ca sỹ đúng nghĩa. Tôi chỉ cho Đàm Vĩnh Hưng là một người hát. Đàm Vĩnh Hưng cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu!

Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm
Nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 không thích Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc của ông


Đàm Vĩnh Hưng hát bài Ai đưa em về của tôi, tôi bảo ‘con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm’. Tôi không thích, tôi nói thẳng luôn. Đàm Vĩnh Hưng nói ‘nhưng con thích hát nhạc bố…’, tôi nói ‘nhưng con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn’.
Thật ra, giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sỹ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sỹ chính của phòng trà đâu!

Ngoài danh ca Tuấn Ngọc thì những giọng ca nào khiến ông hài lòng nhất?

Giọng nữ thì tôi thích Ngọc Anh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết, Trần Thu Hà… Nguyên Thảo nếu tiếp tục hát như ngày xưa thì rất hay. Ngày xưa, Nguyên Thảo hát cho thỏa đam mê còn sau này, bị gò bó vào kỹ thuật như Mỹ Linh để khoe giọng và vô tình giết chết tình cảm.
Vừa rồi làm đĩa than của tôi có 2 bài Nguyên Thảo hát. Cách đây 6 năm, Nguyên Thảo hát Buồn ơi chào mi xuất thần luôn, nhưng giờ Nguyên Thảo để tâm đến kỹ thuật nhiều nên tình cảm không còn, so ra khác hẳn.
Giọng nam thì ngoài Tuấn Ngọc còn có Trọng Bắc, Lê Hiếu… Tuấn Hiệp lúc trước hát tốt, tôi thích nhưng giờ chạy theo hát nhạc vàng bị mất chất.

Nhưng rõ ràng trên thị trường, những giọng ca này không phải nổi tiếng nhất, được khán giả ưu ái nhất. Theo ông vì sao có nghịch lý này?

Nhiều ca sỹ hát hay nhưng chưa nổi được, tại vì bây giờ còn phụ thuộc vào công nghệ lăng xê. Khán giả cũng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh Hàn Quốc nhiều quá, 10 cái clip của Hàn Quốc thì 11 cái có nhảy rồi! Cái đó gọi là âm nhạc giải trí, nghe qua rồi bỏ, khác xa với nghệ thuật.
Tôi thấy giới trẻ bây giờ nghe nhạc vô tội vạ, nghe theo phong trào, chạy theo lai căng ngoại quốc nhiều quá nên không còn bản chất.

Mong có nhiều nghệ sỹ ‘tử tế’ và người nghe ‘tử tế’

Với những đánh giá này, phải chăng gu thưởng thức âm nhạc bây giờ của khán giả quá khác với ông, bởi đơn cử, Đàm Vĩnh Hưng đang được phong là ‘ông hoàng nhạc Việt’?

Không phải! Nếu đem so sánh Tuấn Ngọc với Đàm Vĩnh Hưng, người ta vẫn thích nghe Tuấn Ngọc hát nhiều hơn, đúng không?
Nghe Tuấn Ngọc hát thấy nó khác liền, hát ra là cảm xúc đến với người nghe chứ không phải gắng gượng. Tại vì Tuấn Ngọc đã sống trong bài hát đó, khi hát Tuấn Ngọc để tâm trạng vào bài hát, nói lên tâm trạng của nhiều người. Ví dụ khi mình bị người yêu bỏ, nghe Tuấn Ngọc hát Buồn ơi chào mi, nghe nó đã lắm!
Tuấn Ngọc vẫn là giọng ca số một dù tuổi tác, thời gian làm cho giọng của Tuấn Ngọc không còn được đẹp như ngày xưa nữa, nhưng cái xúc cảm vẫn là Tuấn Ngọc và xúc cảm càng ngày càng sâu hơn.

- Vậy theo ông, thị trường nhạc Việt sẽ đi về đâu?

Đây là vấn đề lớn, cả một thế hệ chứ không phải đơn giản, ăn thua là cách giáo dục của gia đình với con em làm sao. Nếu trong một gia đình chỉ có tối ngày đi kiếm tiền thì tinh thần nghệ thuật của họ chết rồi, bị tiền bạc chi phối hết.
Thành ra, họ cũng không chăm sóc con cái, cứ cho tiền là xong. Họ cũng ỷ lại tiền, đưa con vào trường này trường kia, mặc con muốn làm gì thì làm.
Theo tôi, thị trường nhạc Việt vẫn đang nằm yên. Rồi từ từ, nhạc thị trường sẽ rớt dần và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại. Tôi tin tưởng như vậy. Đời tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này.

Sau 60 năm cống hiến cho nghệ thuật, điều ông mong muốn nhất là gì?

Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sỹ tử tế và người nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì vàng cũng vẫn là vàng. Mình hãnh diện là người Việt Nam không thua ai hết!

Xin cảm ơn ông!


Theo VTC

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

BẠN BÈ VỚI HỌA SĨ KIM LONG TRƯỚC KHI NHẬP VIỆN


Bạn bè thân hữu Họa sĩ Kim Long bàng hoàng khi nghe tin anh  trở về Huế chữa bệnh. Nhưng cũng rất mừng vì khối u thực quản của anh chỉ mới bắt đầu giai đoạn 1. Ngày mai thứ năm,22.8.2013 sẽ thực hiện ca mổ. Mấy hôm nay anh vừa lo những thủ tục ở bệnh viện vừa cùng anh  em văn nghệ sĩ Huế và bạn bè bù khú cà phê cà pháo rất lạc quan yêu đời.
               Dưới đây là những hình ảnh ghi lại tại nhà HS Kim Long đường Ngô Đức Kế, quán cà phê Bình An và quán cà phê tại tạp chí  Sông Hương.



 
Trích lại từ nguyenmienthao.blogspot.com

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

RỜI HUẾ



Lên xe
Ngày sẽ vơi dần
Con đường phía trước
Lời chia tay
Ngại ngần nửa cuộc
Thấp thoáng chiếc khăn thêu
Vẫy theo chiều tắt nắng
Loài chim trời có nhớ thương nhau
Hẹn một ngày hè ấm áp
Bốn phương hề nhớ một phương
Mắt hoài xa xứ
Mười năm cơn mộng tàn tro
Bay phất phơ mùa gió nổi
Thăm người sau trước xưa nay
Thời gian còn ghi dấu
Khi về cùng Huế mơ say
Chất ngất những ngày hội lễ
Khi đi cùng Huế ngây ngây
Mùa vui thoáng chốc

Xe qua đèo dốc miên man
Xa dần nơi yêu dấu ấy
Mười năm bỏ lại bên lưng
Một trời âm vang vời vợi
Sớm nghe tiếng bước của ngày mai
Ngày mai ngày mai
Xốc lên vai hành trang vội
Theo với dòng đời

Tạm biệt Huế như chưa bao giờ nói thế
Đã bao giờ quên Huế được phút giây
Đất trời có khi dời đổi
Nhưng ta vẫn cứ như lòng
Xe đi xa dần nơi chốn ấy khuất rồi sau một khúc quanh
Mà tình ta vấn vương ngậm ngùi ở lại
Thêm chút phấn hương cho ngày đã hết
Thêm tiếng ngân lòng cho mênh mông  

Hẹn về mai mốt nọ
Trăm năm một mối tình nồng

Huế 8/8/2013
TỪ HOÀI TẤN