Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

R. M. Rilke và thơ hài cú

Thi hào Rainer Maria Rilke - Ảnh: internet
LGT: Lần đầu tiên khi tiếp cận với thể thơ Hài cú (Haiku) của Nhật Bản, R. M. Rilke (1875 - 1926) đã lập tức bị lôi cuốn vì vẻ đẹp dung dị và thuần khiết của thể thơ nhỏ bé, ngắn ngủi, ít lời nhất trên trường văn chương quốc tế.

Trong thư gửi cho bà Guidi Noelke ngày 4. 9. 1920, Rilke viết về khám phá đầy ngạc nhiên và thú vị này: “Bà có biết loại đoản khúc thơ (ba dòng) nho nhỏ của Nhật Bản, gọi là Hay Kay?... Tờ “Nouvelle Revue Francaise” vừa mới đăng bản dịch của những bài thơ ấy, trong vẻ dung dị mà chín muồi, thuần chất không thể tả…”(1)

Chạm mặt đầu tiên với những vần Hài cú, trực cảm thi ca của nhà thơ về “khoảng trống”, “sự im lặng”, “cái rỗng không quá thực” như thứ “rỗng của tấm gương hay của một ví đựng tiền” đã từng bàng bạc trong ngôn thi của ông, trở nên tri giác rõ rệt về cách thể nghệ thuật đến từ tĩnh không, khổ hạnh ngôn ngữ, đến từ chiều kích đảo ngược, từ bỏ âm thanh, sắc màu:

…“Đó là một câu hỏi lớn về nghệ thuật, về tất cả mọi nghệ thuật… bao nhiêu quằn quại để cảm nhận được mảnh im lặng chen giữa những âm thanh trong một nhạc phẩm, một thứ im lặng thế tục… Và trong thi ca, biết bao nhiêu khoảng trống thực sự bàng bạc khắp nơi, giữa những chữ, giữa những đoản khúc cấu kết nên bài thơ...; sự thành công hiếm có và diễm tuyệt trong cách đưa một sự vật (chose) tưởng tượng vào trong một không gian thích hợp, có nghĩa hội nhập nội tại, như bà đã thực hiện, làm cho tôi nhớ đến những bài thơ Hay Kay, những hợp thể nhỏ bé thi vị đã được những người Nhật Bản sáng tạo từ thế kỷ thứ 15. Bà hãy tự mình phán xét về nghệ thuật này, mà người ta gọi là “một chấn động ngắn ngủi”, tuy nhiên nó bắt người gặp nó dừng lại lâu hơn (…)”
(2)

Dĩ nhiên “Hay Kay” đã là một thử nghiệm ngôn thi thú vị cho nhà thơ đang ở trên bước đường sáng tác mang tính toàn hoàn vũ không ngừng nghỉ với bất cứ một ngôn ngữ nào. Ba bài thơ “ba dòng” “Hai Kai” của R. M. Rilke được xem như là những bài thơ đầu tiên trong lịch sử nghệ thuật thơ Hài cú tiếng Đức. Với chúng, thơ của Rilke thường đem lại những chấn động bất ngờ làm người đọc dừng lâu.


Một số bài thơ Hài cú của R. M.Rilke

gồm những bài bằng tiếng Pháp và tiếng Đức


I. Những bài có tựa đề “Hai-Kai”

1.
Hừm, mang trái nặng hơn hoa
Nhưng đó không phải cái cây nói
Mà một người đang yêu

C’EST pourtant plus lourd de porter des fruits que des fleurs
Mais ce n’est pas un arbre que parle
C´est un amoureux
(R.M.Rilke, SW I I, S. 638)

2.
Thiêu thân chập choạng huyên thiên từ bụi cây
Chúng chết chiều hôm nay và sẽ không bao giờ biết
Rằng xuân chưa đến

Kleine Motten taumeln schauernd quer aus dem Buchs
Sie strerben heute Abend und werden nie wissen,
daß es nicht Fruhling war

3.
Giữa hai mươi thứ phấn
Nàng tìm một lọ đầy:
đã hóa đá

ENTRE ses vingt fards
Elle cherche un pot plein: devenu pierre
(R.M.Rilke SW I I, S. 745; viết vài tháng trước khi mất)


II. Những bài thơ ba dòng theo thể Hài cú

1.
Tôi họa mi, tôi, mà em đang hát
đây. Tận trong tim tôi, giọng đó thành bạo lực
Không sao tránh khỏi
Ich bin Nachtigall, ich, den du singst,
hier. Mir im Herzen, wird diese Stimme Gewalt
nicht langer vermeidlich
(R.M.Rilke, SWI I, S. 61)

 2.
Chúng đã muốn nở hoa
Và nở hoa là đẹp; nhưng chúng ta muốn chín
Có nghĩa thành tăm tối và khổ công

Sie wollten bluhn,
und bluhn ist schon; doch wir wollen reifen,
und has heißt dunkel sein und sich bemuhen
(R.M.Rilke, SW I, S. 521)

3.
Sao, suối, hoa hồng, nhà,
và như luôn biết, càng nhiều tên
càng
không tên nào
nói đủ nghĩa hồng hoa

Stern, Quelle, Rose, Haus,
und wie er immer weiß, je mehr der Namen
kamen
es reicht kein Name je fur ihr Bedeuten aus
(R.M.Rilke, SW I I, S. 477)

4. Những dòng thơ trên mộ của nhà thơ
được xem là những dòng Hài cú huyền diệu
 
Hồng hoa, ôi mâu thuẫn trong veo, khoái lạc,
Là giấc ngủ của không ai dưới bao nhiêu
Bờ mi

Rose, oh reiner Widerspruch, Lust,
Niemandes Schlaf zu sein unter soviel
Lidern
     (R.M.Rilkes Grabspruch)

THÁI KIM LAN
(giới thiệu và chuyển ngữ)

(SH274/12-11)



----------------------
1. R. M. Rilke, thư  gửi bà Gudi Nolke ngày 4. 9. 1920 trong Những bức thư gửi bà Gudi Nolke trong những năm ở Thụy Sĩ, Paul Obermuller chủ biên, Insel-verlag, Wiebaden 1953, S. 63
2. Briefe aus den Jahren 1914-1926, thư gửi bà Sophy Giaque (một nữ họa sĩ người Pháp-Thụy Sĩ) ngày 26. 11. 1925

http://tapchisonghuong.com.vn

PHÂN ƯU

ĐƯỢC TIN
THÂN PHỤ NHÀ THƠ PHAN LỆ DUNG
(Nhạc phụ của cố nhà thơ THÁI NGỌC SAN)

VỪA QUA ĐỜI TẠI HUẾ
HƯỞNG THỌ 86 TUỔI

THÀNH THẬT CHIA BUỒN CÙNG CHỊ PHAN LỆ DUNG VÀ TANG QUYẾN
CẦU NGUYỆN HƯƠNG HỒN CỤ THANH THẢN Ở CÕI VÔ THƯỜNG


Nguyễn Tịnh Đông - Trần Vàng Sao - Viêm Tịnh - Huy Vĩnh - Nguyễn Văn Trai
Nguyễn Miên Thảo -Thái Nguyên Hạnh - Phạm Tấn Hầu - Lê Ngọc Thuận
Từ Hoài Tấn - Hồ Trọng Thuyên - Văn Viết Lộc - Trần Dzạ Lữ - Hồ Đăng Thanh Ngọc 
Lê thị Ngọc Quý - Bùi Ngọc Long - Nguyễn Hải Trung - Nguyễn Đông Nhật
Trần Phá Nhạc - Đức Phổ - Lê Hùng Vọng và các bằng hữu Huế , Sài Gòn ...

NGUYỄN LƯƠNG VỴ : CUỐI NĂM NHỚ NGUYỄN TÔN NHAN


Bồng bềnh bồng bềnh như u mộng ảnh
Đêm cuối năm sóng sánh một trời thơ
Chữ biệt tích ý biệt tăm quá lạnh
Nhớ bạn hiền ngồi độc ẩm bơ vơ

Tay gõ phím vu vơ chờ tiếng vọng
Tiếng cười năm xưa giọng nói vang trầm
Hất mái tóc nhắc Lão Đam lồng lộng
Đạo khả Đạo… phiêu bồng cao hứng ngâm

Thi khả Thi…cười khì em quá mượt
Quá huyền vi say khướt nụ xuân thì
Giọt khuya thấm rầm rì đầy ơn phước
Thơ cũng say mèm vì em đã đi

Thánh Ca rất xanh dưới trời Tượng Số
Lá tương tư tự vẫn dưới chân đồi
Thi sĩ để tang cùng mây vạn cổ
Rồi trầm mình trong huyệt mộ mồ côi

Tay gõ phím tìm nhau nơi đất lạ
Mà trời rất quen Lục Bát Ba Câu
Câu lục cuối nhẹ thênh mà buốt quá
Khều cái mênh mông sấm động gió đau

Tiếng chuông trên đồi xưa nở tím ngát
Bóng mây điên kia trổ nhạc khóc òa
Ta uống thêm một ly nghe âm ngất
Nghe đá rền đỏ mắt hát bi ca

Hãy dựng sẵn ngôi nhà mây Ngu Cốc
Chờ ta về cùng đọc thơ huyền âm
Lạnh lạnh lạnh trầm trầm trầm tán dóc
Huyền chi hựu huyền nhậu với sương câm…

12.2011

NGUYỄN LƯƠNG VỴ

http://www.gio-o.com

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

NHÀ VĂN VÀ BỐN TRÙM "MAFIA" - NGUYỄN HUY THIỆP

Người xưa cho rằng văn chương là gốc lớn của sự lập thân, là việc lớn của sự "kinh tế" (kinh bang tế thế). Song, cũng thấy rõ tính chất phiêu lưu hiểm nguy của văn chương, bởi thế người xưa cũng hết lời khuyên răn đe nẹt nó.
Kinh thánh bắt đầu bằng câu: "Khởi thủy là lời". Câu ấy đi kèm với cái lắc đầu của Chúa. Chúa cũng sợ rằng những hành động tiếp theo Lời không khéo chẳng hay ho gì.
Vậy sau khởi thủy là gì?
Không phải tự dưng mà trong văn chương người ta đề cao chữ tâm. Tôi sẽ nói về điều này sau khi đã trình bày một vài điểm có vẻ như ít siêu hình hơn.
Trong việc làm văn, yếu tố quan sát giữ vai trò tích cực hàng đầu. Những nhà văn nhạy cảm và có tài năng, sau khi quan sát xong sẽ mệt khủng khiếp. Sự lãnh cảm dửng dưng của thói đời, tính chất vô nghĩa của những việc làm, sự đểu giả trong nhân cách và chi chít những hình ảnh thối tha trong xã hội đập vào giác quan họ, họ không mệt sao được?
Sau khi quan sát, nhà văn ngẫm nghĩ để xử lý những lời nói dối và những lời nói thật, xử lý những hành động bất nhẫn và những cử chỉ cao thượng, xử lý của cải vật chất có thật và tinh thần lãng mạn mang màu sắc huyền ảo giống như cách ta lựa chọn thực đơn. Rất ít khi người ta chọn được thực đơn hợp vị. Tôi không tin là nhà văn nào cũng biết phân biệt chính xác tuyệt đối các dữ kiện mà anh ta thu lượm được sau quan sát. Hơn lúc nào hết, đây là lúc nghề nghiệp đòi hỏi trái tim nhà văn lên tiếng, tức là đòi hỏi chữ tâm trong lòng.
Việc ngẫm nghĩ về các dữ kiện thu lượm được sau quan sát đọng lại trong lòng nhà văn thành một thứ kiến thức rời rạc, lỏng lẻo. Chính Lê Quý Đôn đã nhận thấy điều này và điều ông thấy cũng chỉ mờ nhạt chẳng đáng tin cậy chút nào. Ông viết: "Kiến thức do thanh khí sinh ra; bản nguyên của thanh khí có gốc ở trời và cũng liên quan đến thời, từ đó tan vào lòng người, rất kỳ diệu và sinh động. Cảm thấy, ứng thấy, rất lạ lùng, tinh vi, không hình dung được". Trong điểm lưu ý này của Lê Quý Đôn, chứa đựng một phát hiện tài tình, đấy là quy luật "văn đẻ ra văn". Nếu không gọi là quy luật, ta cũng có thể gọi đó là tình trạng phổ biến.
Hầu hết các nhà văn đều chịu ảnh hưởng của người đồng nghiệp đi trước. Tính chất truyền lửa hết sức khó chịu này của trí thức làm cho tất cả các nhà văn khi mới bắt đầu cầm bút đều ngượng chín người. Họ lố bịch lặp lại tư duy, cách xây dựng hình ảnh, thậm chí bố cục của ai đó. Guy de Maupassant cũng đã từng ca hát theo kiểu Flaubert, Gogol thì phải làm theo Puskin, còn Nguyễn Du ở Việt Nam thì dựa theo Thanh Tâm Tài Nhân là một người gần như không có tên tuổi gì ở mãi Trung Quốc.
Trong tác phẩm của nhà văn thiên tài, chứa đựng một số câu văn nào đó làm mồi cho bọn hậu sinh. Việc đọc tác phẩm của họ hết sức quan trọng. Song, nếu đọc họ mà chỉ dừng ở hình thức nghĩa là không đọc. Lê Quý Đôn cũng lại nhận ra điều này nữa. Ý kiến sau đây của ông rõ ràng và minh bạch hơn ý kiến trước nhiều: "Vô luận cổ văn hay kim văn, tuy thể loại và câu văn có khác nhau, nhưng đại để đều phải có nội dung là đạo. Có nội dung ấy thì văn chương phát đạt, không có thì hỗn loạn. Phải viết có nội dung thì văn chương thịnh, không như thế thì suy".
Vậy thế nào là đạo? Và đạo là gì?
Ở phương Đông người ta coi sự kết hợp âm dương là Đạo, sự kết hợp ấy được hình dung như con đường. Ta cũng có thể coi đạo như một mạch sống. Cảm nhận được mạch sống của thời, thể hiện được bằng con chữ, đấy là văn chương thần thánh.
Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, sống cách đây hơn trăm năm, người từng được nhân dân coi là "thần nhân" giải thích về đạo rất kiêu ngạo: "Đạo là cái tâm mà ta sẵn có". "Ta" ở đây không phải là mọi người mà chỉ là một thiểu số cá nhân siêu việt có "lời đạt" (đây là chữ của Tô Đông Pha) mà thôi. Phương Đình coi "lời đạt" bởi "có gốc". Ông giải thích: "Ví như nước vậy. Nước ở biển khơi, tuy gò đảo chắn ở phía trước nhưng dòng không rối loạn. Ao vịnh rất xa, nhưng nguồn mạch thường thông. Được thế, là vì biển chất chứa sâu dày vậy. Tĩnh thì thể nghiệm nó ở thân, động thì tham cứu nó ở sự. Nó là cái mà ta nắm được, để làm trọn vẹn cho "cái vốn có" ở mình. Sau đó, tiếp xúc với sự vật thì nó bật ra. Không một ý nào là không ngân vang..."
Tất cả những điều trên đều đưa đến hệ quả sau đây: "Văn chương hay là có "lời đạt", "lời đạt" là bởi có "đạo", "đạo" xuất phát từ "tâm" tức là từ trái tim người viết". Đã không viết thì thôi, chứ đã viết ắt phải có tâm, phải có tấm lòng. Nhưng vì sao người ta cứ phải cảnh tỉnh văn chương, vẫn cứ phải khuyên răn đe nẹt người viết. Trong văn chương chất chứa sự hiểm nguy gì?
Ở Trung Quốc người ta kể rằng khi xuất hiện chữ viết, thứ chữ viết trên mu rùa của vua Phục Hy thì Quỷ cốc tử nhảy ra ôm mặt khóc ba ngày ba đêm rồi than rằng: "Thiên hạ từ đây đại loạn". Trong chữ viết, trong văn chương, chứa mầm mống loạn. Điều ấy là một thực tế và thực tế ấy đã được chứng minh từ xưa đến nay.
Chúng ta hãy thử hình dung một người sinh ra, làm lụng, ăn uống, sống hoàn toàn mê man trong những phép tắc lề luật, những khuôn khổ đạo đức tù đọng, "hết ngày dài lại đêm thâu", thời gian cứ thế trôi đi, rồi chết. Tất cả những điều ấy diễn ra vô nghĩa, tầm thường, quanh quẩn, không so sánh, không đối chiếu... như thế sẽ kinh khủng như thế nào. Văn chương không cho phép người ta sống thế, văn chương thôi thúc, đánh thức tất cả tiềm năng con người trong họ và cảnh tỉnh rằng: "Này! Sống thế nào thì sống, sống như thế khổ lắm, nhục lắm, sống như thế đểu lắm, khốn nạn lắm... Mau mau lên, sắp hết đời rồi". Sự thôi thúc của văn chương dựng người ta dậy...
Sự thức tỉnh con người ở văn chương có ba bảy đường. Thường các nhà văn xoàng xĩnh lại đặt lòng tin ở ý nghĩa xã hội của văn chương nhiều hơn các thiên tài đặt lòng tin vào nó. Các nhà văn kém cỏi, không tự tin ở tài năng cá nhân mình nên ra sức ráo riết "hoạt động xã hội" để "phản ánh xã hội". Họ lớn tiếng và tin chắc rằng chỉ riêng mình mới có "ý thức công dân", riêng mình mới có lương tâm mà thôi. Tôi đã thấy chuyện ấy xảy ra ở Hà Nội và ở các thị xã tỉnh lẻ. Thường "các hoạt động xã hội" của loại nhà văn này bao gồm việc tụ tập ở quán cà phê, salon và các cuộc hội thảo có nội dung chính là "vấn đề nhân sự". Họ lảng vảng quanh các hội trường, nơi các nhà chính trị bàn bạc và liếc nhìn với ánh mắt lườm lườm. Việc "phản ánh xã hội" của họ trong tác phẩm thường sốt sắng nhưng cũng thường sai be bét. Làm sao mà không sai be bét được? Ngay các nhà chính trị khi định ra "chế", định ra chính sách, hướng dẫn chúng thực hiện chính sách đó, phấp phỏng theo dõi hàng ngày cũng còn không tin sự sai đúng, nữa là một người đứng ngoài cuộc?
Vấn đề "ý thức công dân" và "lương tâm", tôi không muốn đề cập ở đây. Chúng ta đều có ý thức công dân và lương tâm cả thôi, nó có chạy đi đâu mà phải lo lắng sợ hãi.
Ở Việt Nam từ xưa đã lưu truyền một bài ca dao mà tất cả các lời giải thích về nó đều chết cười:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi một xâu cá mè
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi ba bè gỗ lim
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi cục xôi Bờm cười...
Người viết bài ca dao kia vui tính diễn đạt tư tưởng "ăn ngay", "nuốt được vào bụng" của mình hết sức tài tình. Tư tưởng "ăn ngay", "nuốt được vào bụng" có thể ví dụ như tinh thần hiện sinh trong triết học phương Tây. Người viết bài ca dao đó quá hiểu xã hội phương Đông, một xã hội đầy thành kiến nặng nề, chất chứa nhiều ràng buộc, rất nhiều hứa hẹn thề nguyền nên chẳng tin gì hết. Nhà văn Nguyễn Văn Bờm chỉ tin ở mình, chỉ tin hiệu quả ăn ngay và những tri thức anh ta có thể tiêu hóa được.
Tinh thần hiện sinh giúp con người nhận thức ra bản ngã mình. Song tai hại của việc nhận thức ra bản ngã mình là dẫn đến những hành động bất nhân, bất lương, vị kỷ. Hơn lúc nào hết, ở đây "văn" đóng vai trò quan trọng. Vậy "văn" là gì? Phải chăng đấy là việc tự mình quan sát, xử lý dữ kiện, hành động ra sao hợp với mình và hợp với thời. Chu tử, tức Chu Hy đời nhà Tống Trung Quốc quan niệm: "Uy nghi đúng mực, nói năng phải lẽ, đều là văn". Quan niệm ấy hết sức chính xác, Lê Quý Đôn cũng quan niệm như thế nhưng văn hoa hơn: "Mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú là văn của bầu trời - Núi, sông cây cỏ là văn của đất - Lễ nhạc, pháp độ là văn của người". Lê Quý Đôn cũng lưu ý "đừng nhầm lẫn đức với văn là hai". Như thế, văn hay tức là đức tốt, chẳng có gì mà bàn bạc, đấy là xét về phương diện người viết.
Tính chất hết sức cá nhân trong các tác phẩm văn học lừng danh cảm động bởi chính bởi chính tấm lòng người viết. Khi người viết không sợ ngượng, bày tỏ mình và thông cảm được với mọi người thì gì thì gì, chúng ta cũng phải kính nể anh ta. Tại sao anh ta nói được điều mọi người không nói được, hơn nữa "không một lời nào không bình dị, không một ý nào là không ngân vang" thì chắc chắn ở đấy không phải có cái gì siêu phàm, ở đấy chắc chắn phải có ánh sáng.
Song, tôi vẫn cứ quay lại câu hỏi ban đầu: "Vì sao người ta cứ phải cảnh tỉnh, đe nẹt văn chương?"
Khi đề cập đến tính chất cá nhân của những tác phẩm văn chương lừng danh tức là đề cập đến tính chất người của nó. Nó ở đây là hai: Tác giả và tác phẩm. Ở tác phẩm, độ lớn của nhà văn tính bằng khả năng đẩy tính cách nhân vật và các vấn đề nêu ra đến hết, thậm chí đến cái chết. Không phải tự dưng Dostoevski lý giải sự thành công của ông là ông đã đẩy hết "điều mà các ngài chỉ đẩy nửa chừng". "Các ngài" đây, tôi cũng không hiểu Dos muốn ám chỉ đồng nghiệp của ông (tức là các nhà văn Nga cùng thời), ám chỉ các nhà chính trị hay là nhân dân Nga? Song, tôi biết rõ Dos cũng sẽ gọi con người công chức trong ông là ngài, ông chồng chung thủy trong ông là ngài, thằng người nô lệ trong ông là ngài, tất cả con người đạo đức trong ông là ngài.
Việc đẩy hết, đẩy đến cùng nhân vật cũng như những vấn đề nêu ra trong tác phẩm đòi hỏi nhà văn phải trung thực với mình đến tận đốt xương sống. Việc trung thực đến mức dám "thổi sáo bằng xương ống" như trường hợp Maiakovski đã khiến ông trở nên vĩ đại, dù rằng tài năng biểu hiện nghệ thuật còn hạn chế. Ta biết cách dùng từ ngữ và cách văng tục trong thơ của Maiakovski chẳng hay hớm và sang trọng gì, nhưng không phải vì thế mà ông không phải là nhà thơ vĩ đại. Hành động tự dí súng vào trán bóp cò của ông hết sức nên thơ. Trước một tấm lòng như thế thì những người cầm bút khác chỉ còn cách lắc đầu, phải công nhận ông ta là thiên tài cho yên chuyện.
Dầu khâm phục Maiakovski, thâm tâm nhiều người cầm bút cũng chẳng muốn noi gương ông. Ở phương Đông, người ta coi danh toàn thân vẹn mới là anh hùng kỳ tài. Ngày xưa, Triệu Tử Long cũng là một anh hùng như thế: lập chiến công, không hề bị thương tích, sau đó chết vì già. Song, Triệu Tử Long hành nghề võ. Còn nghề văn phức tạp hơn nhiều, không phải khỏe cơ bắp là đã chiến thắng.
Khi đọc cổ văn, tôi sợ nhất câu: "Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn"  tức là có làm dư sức thì mới học văn. Rất ít người có khả năng như thế, điều mà Maxim Gorki diễn đạt có phần nào lỗ mãng và không lường hậu quả để lại. Ông nói: "Nhà văn phải cao hơn điều mình viết". Nói như thế, nhà văn bị đẩy vào thế buộc phải chứng minh, phải chứng tỏ điều gì đấy (nhất là phải chứng minh, chứng tỏ với trí tưởng tượng của chính mình thì rất mệt, rất dễ quá sức). Phật Thích Ca cao siêu hơn nhiều khi Ngài truyền giảng: "Ngươi đừng tin vào văn của ta, đừng tin vào cái tâm mà ta mong muốn, ngươi hãy tin vào lòng mình". Đến như thế là tuyệt đối, là đến hư không. Phật trường tồn bởi rất nhiều những lời truyền giảng như thế này.
Trong việc thức tỉnh con người, văn chương buộc phải đụng chạm đến dục vọng. Lý do hết sức đơn giản: bạn đọc không phải ai cũng đã biết đạo, hiểu đạo, hành đạo. Chất thú, chất bản năng trong con người nhiều vô kể. Mối hiểm nguy của nhà văn là khi đối mặt với dục vọng, không khéo anh sẽ thất bại ngay từ "cú ra quân" đầu tiên. Phật Thích Ca là đàn ông, khi biết đạo của mình có các tín nữ tham gia, Ngài hiểu rằng có sẽ mất đi 50% màu nhiệm, 50% thời gian tồn tại, kiểu như nếu đạo tồn tại 10.000 năm thì thực tế chỉ còn 5.000 năm thôi. Thật đúng là Phật. Ngài vừa độ lượng nhân từ lại vừa hào phóng. Có tín nữ tham gia đạo mất 50% màu nhiệm Ngài vẫn như không, mất 50% thời gian tồn tại mà Ngài vẫn chịu được.
Dĩ nhiên, thể hiện dục vọng trong văn chương không phải chỉ có chuyện nam nữ. Nó còn là chuyện tiền bạc, là quyền lực, thậm chí là tôn giáo. Chính trị, ái tình, tôn giáo và tiền bạc là bốn lĩnh vực khi đề cập đến, dấn sâu vào, nhà văn không khéo rất dễ ăn đòn. Mức độ hiểm nguy của bốn khu vực trên là ngang bằng nhau và bốn trùm "mafia" ấy chơi với nhau thân thiết, luôn tìm cách cứu độ lẫn nhau.
Cuộc đấu tranh của nhà văn là nhằm hướng con người thoát khỏi những mê man về quyền lực chính trị, ái tình, tiền bạc và cuồng vọng hóa thánh chính mình. Ở đây, nhà văn là kẻ phải một mình chống bốn "mafia". Có thể nói, chọn nghề văn là chắc chắn chọn sự thất bại về mình, bởi vì trong mỗi con người ai cũng phải dính dấp đến bốn phạm trù này, không sao thoát được. Vừa chấp nhận nó, vừa thoát được nó, vẫn giữ được đạo, đấy là mơ ước của người cầm bút.
Đời sống con người hết sức đa dạng. Người viết cũng thế, hết sức đa dạng. Chỉ rất ít nhà văn vượt qua được biển cả chông bút rồi cắm được ngọn cờ ghi tên mình vào một mô đất nhỏ nhoi nào đó. Đa số đến nơi thì đã kiệt sức, trên người cắm chi chít bút chì, bút bi, bút mực, bút kim, các vũ khí đủ loại sang trọng và bỉ ổi, thậm chí cả đạn. Vậy thì ai đến đích? Ai không đến đích?
Số đông nhà văn, có lẽ chiếm đến 99,99% người viết vướng vào những hóc hiểm của đường đời, lúng túng trong các mê lộ của lòng người và trong các mê lộ của từ ngữ, không sao thoát ra được. Số này không biết rũ bỏ sự kiện để tìm đến bản chất. Đặc điểm nghệ thuật của những nhà văn này là sự hoa mỹ ngôn từ, sự rườm lời. Họ không bắt mạch được tính cách nhân vật và thường để cho nhân vật cư xử nói năng nhầm lẫn. Các nhân vật đó yêu đương nhăng nhít, không biết kiếm tiền và tiêu tiền sai, chẳng biết gì về chính trị và tất nhiên sẽ vô đạo. Bản thân nhà văn vấp phải chông gai trong đường đời sẽ mắc phải chông gai trong ngôn từ và làm cho độc giả cũng bị thiệt mạng nốt. Rất nhiều nhà văn tưởng như lý giải được điều gì đó nhưng thực ra lại làm rối vấn đề thêm.
Dĩ nhiên, trong tác phẩm của 99,99% số nhà văn đó không phải vứt đi hết cả, lấp lánh ở đâu đó vẫn có vài hạt vàng bé nhỏ. Người đọc tinh ý biết cách thâu lượm những hạt vàng đó sẽ có được một số vàng kiến thức đáng kể, có điều như vậy sẽ phải mất công sức và thì giờ. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ngẫm nghĩ về sự đời đã nói về điều này rất gan ruột:
Không có gì hiểm bằng đường đời
Nếu không biết cắt bỏ thì toàn là chông gai cả.
Chữ "cắt bỏ" này trong nghề văn Maxim Gorki gọi là "vặt lông gà" tức là biết cách rũ sạch các sự kiện không bản chất, rũ sạch các hư từ, hình dung từ, phiếm từ... Trong đời sống, ta có thể coi nó là việc cắt bỏ những ràng buộc của thể chế xã hội tiến tới tự do cá nhân tuyệt đối, giấu mình vào thế giới nội tâm chính mình.
Khi giấu mình vào thế giới nội tâm chính mình, đối mặt với khoảng không tự do cá nhân tức là lúc con người đối mặt với quỷ. Viết đến đây, tôi nhớ đến chuyện kể về hai người phụ nữ. Một bà hỏi: "Bạn thân mến, nếu chết bạn sẽ chọn thiên đường hay địa ngục?". Bà kia trả lời: "Kể ra thiên đường thì khí hậu tốt thật, nhưng ở địa ngục thì nhiều chuyện vui hơn". Giai thoại này chứa ẩn một nụ cười khúc khích. Những nhà văn cao thủ mà tôi cho là chiếm tỷ lệ 0,001% số người cầm bút đã thể hiện tài tình đời sống tự do cá nhân của mình và nhân vật. Đọc họ rờn rợn, ghê ghê là phải. Nhưng thích. Hơn nữa thỉnh thoảng lại được cười tủm. Loại văn chương này ngày xưa gọi là "văn trung hữu quỷ". Ngay Tú Xương cũng thuộc loại này. Thậm chí cả Nguyễn Khuyến nữa. Khi Nguyễn Khuyến trách Tú Xương:
                  Rằng hay thì thật là hay
      Đem "Trời" đối "chó" lão này không ưa
Thì thật ra cũng là chuyện "chó chê mèo lắm lông". Khi rơi vào hoàn cảnh hỏng thi như Tú Xương thì Nguyễn Khuyến cũng phải viết như thế chứ còn viết thế nào.
0,001% số nhà văn hiếm hoi trên chắc chắn từng trải, tốt bụng, uyên thâm. Ở họ ranh giới tốt xấu có khi nhòe vì họ chỉ quen làm điều tốt chứ có làm điều xấu bao giờ đâu mà biết điều xấu là gì. Song, những nhà văn này bao giờ cũng bị búa rìu dư luận phang vào không thương tiếc. Lỗi duy nhất của họ là họ quá thật với mình và với bạn đọc. Đây là thứ văn chương nổi loạn. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã suy nghĩ về điều này rất gan ruột:
"Không gì nguy bằng lòng người. Nếu không biết giữ gìn mà buông phóng ra thì thành quỷ quái cả".
Trong lời sấm ấy của Trạng Trình chứa ẩn chân lý sau đây: đấy là tính mức độ, tính hữu hạn của thiên tài.
Đến đây, chúng ta sẽ gặp khái niệm "hài hòa" của mỹ học hay tình trạng mà ta vẫn quen gọi là đắc đạo. Số nhà văn đắc đạo chiếm tỷ lệ ít đến kinh người, nó chỉ chiếm 0,001% số người cầm bút mà thôi. Họ là những thiên tài và bao giờ họ "cũng lấy điều chí thiện làm tiêu chuẩn tuyệt đối". Việt Nam may mắn đã có Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, còn sau Nguyễn Du thì hình như chưa thấy ai cả.
Có thể có người sẽ phản đối tôi về việc chia tỷ lệ ba loại văn chương kia. Ở đây tùy quan niệm về "người cầm bút". Cách chia tỷ lệ của tôi là từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, từ Tư Mã Thiên trở xuống chứ không phải là từ dưới lên trên.
Tóm lại, dù ở loại văn chương nào, cũng phải lấy chữ tâm, lấy điều chí thiện làm gốc. Cảnh tỉnh, đe nẹt người viết là cảnh tỉnh, đe nẹt loại nhà văn chiếm số đông kia. Đối với 0,001% nhà văn đắc đạo, cảnh tỉnh đe nẹt họ là thừa.
Đến đây bật ra câu hỏi: ai sẽ là người có quyền cảnh tỉnh đe nẹt văn chương? Chẳng ai hết cả, đấy chính là bốn trùm "mafia" tồn tại hết mọi thời: chính trị, ái tình, tiền bạc và tôn giáo. Bốn thế lực này giăng bẫy khắp nơi, hành hạ con người. Văn chương giúp cho con người nhận thức về mình, nhận chân sự hiểm nguy trong đường đời. Cuộc chiến tranh nhận thức diễn ra liên tục, khi quyết liệt, khi hòa hoãn và thường người cầm cờ ở mọi thời bao giờ và cũng chỉ có kẻ ấy mới có khả năng này. Đấy là nhà văn bất hạnh.
Gã đang đi trên con đường kia, bút và giấy trong túi, tiền bạc cũng không, chẳng có bổng lộc gì, trái tim tan nát...
Nguồn: Sông Hương, Huế, số 46-1991

http://www.viet-studies.info 

Trần Ngọc Bảo: SỢ VÀ ĐAU

Thiền sư Ajahn Brahm
 
 
SỢ VÀ ĐAU

Sợ và đau
Sợ là thành phần chính của cái đau. Nó làm cho cái đau trở thành bức bối. Buông bỏ được cái sợ thì chỉ còn cảm giác đau mà thôi.
Vào cuối thập niên 1970, khi đang sống trong một tu viện trong rừng ở một vùng xa xôi hẻo lánh miền đông bắc Thái Lan tôi bị đau răng. Ở đó chẳng có nha sĩ, chẳng có điện thoại, và cũng chẳng có điện. Chúng tôi chẳng hề có lấy một viên aspirin hay tylenol trong tủ thuốc. Đã làm thầy tu trong rừng thì phải chịu đựng thôi.
Vào khuya hôm đó, dường như bệnh tật thường trở nặng vào giờ ấy, cơn đau răng trở nên càng lúc càng khó chịu. Tôi tự đánh giá mình là một ông thầy tu khá vững vàng rồi, ấy thế mà cơn đau ấy đã thử thách trình độ tu hành của tôi. Một bên miệng của tôi cứng ngắc vì đau. Từ trước tới nay tôi chưa từng có một cơn đau nào ghê gớm như thế. Tôi cố thoát khỏi cái đau bằng cách chú tâm vào hơi thở. Tôi đã học cách tập trung vào hơi thở khi bị muỗi đốt; thỉnh thoảng tôi đếm có tới bốn mươi con đậu trên thân tôi cùng một lúc, và tôi đã vượt qua cảm giác bị đốt bằng cách chú tâm vào hơi thở. Nhưng cơn đau răng ấy quả là hết sức đặc biệt. Trong tâm tôi đã cảm nhận được hơi thở ra vào nhưng chỉ được hai ba giây, rồi cơn đau đột nhập vào mặc dầu tôi đã cố đóng cánh cửa tâm, và rồi nó bùng lên với một sức mạnh khủng khiếp.
Tôi đứng dậy, bước ra ngoài đi thiền hành. Nhưng rồi tôi cũng bỏ cuộc. Tôi không “đi” thiền được mà “chạy” thiền thì đúng hơn. Tôi không thể nào bước chậm rãi được. Cơn đau điều khiển tôi: nó đẩy tôi chạy. Nhưng chẳng có nơi nào để mà chạy đến cả. Tôi chỉ còn biết là mình đang đau. Đau như điên như dại.
Tôi chạy về lại thất, ngồi xuống và bắt đầu tụng kinh. Tôi thường nghe nói là việc tụng kinh có năng lực kỳ diệu. Kinh Phật có thể đem lại điều lành, xua đi ác thú và chữa lành bệnh tật – đại loại là thế. Nhưng tôi không tin. Tôi đã được đào tạo để trở thành nhà khoa học kia mà. Những khả năng mầu nhiệm đó đối với tôi chỉ là trò huyền hoặc dành cho những người dễ tin mà thôi. Nhưng tôi cũng bắt đầu tụng, hy vọng một cách mơ hồ là sẽ có hiệu quả. Nhưng cuối cùng tôi cũng tuyệt vọng và bỏ cuộc vì tôi thấy mình không phải đang tụng kinh mà đang hét kinh thì có. Lúc đó đã khuya rồi nên tôi sợ tôi sẽ đánh thức mấy thầy khác vì kiểu tụng kinh bất thường ấy. Với kiểu tụng như la như hét ấy thì tôi có thể sẽ làm cho cả làng ở cách xa hàng mấy ki-lô-mét thức dậy hết. Cơn đau nhức làm cho tôi không thể nào tụng một cách bình thường được.
Khi ấy tôi hoàn toàn cô độc, cách xa quê nhà hàng ngàn dặm, trong một khu rừng sâu, chẳng có chút tiện nghi, mà lại chịu một cơn đau khủng khiếp không có lối thoát. Tôi đã cố gắng bằng mọi cách mà tôi biết, ấy thế mà không chịu nổi. Tình trạng là như thế.
Giây phút tuyệt vọng như vậy khai mở cánh cửa vào tuệ giác, cánh cửa mà bình thường không hề thấy. Một cánh cửa như thế đã mở cho tôi và tôi bước vào. Thành thật mà nói là tôi chẳng còn lựa chọn nào khác.
Tôi nhớ có hai chữ ngắn ngủi mà thôi : “Buông bỏ” . Tôi đã được nghe những chữ ấy nhiều lần. Tôi cũng đã thảo luận với bạn bè về ý nghĩa của hai từ ấy và tôi cho rằng tôi đã hiểu được: đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Tôi đã sẵn sàng thử hết mọi cách, thế cho nên bây giờ tôi chỉ còn một cách là thử buông bỏ một trăm phần trăm. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thật sự buông bỏ.
Những gì xảy ra kế tiếp làm tôi chấn động mạnh. Cơn đau khủng khiếp ấy biến mất ngay lập tức. Thay vào đó là một niềm vui sướng vô bờ. Từng đợt sóng hạnh phúc dâng trào trong người tôi. Tâm trí tôi chìm vào một trạng thái bình yên sâu lắng, khỏe khoắn. Tôi thiền định một cách dễ dàng, không cần một chút gắng sức. Sau khi ngồi thiền cho đến sáng sớm, tôi nằm xuống nghỉ ngơi một lát. Tôi ngủ thật sâu, thật ngon lành. Khi thức dậy vừa kịp để làm những việc thường ngày của một tu sĩ, tôi nhận ra là mình bị đau răng. Nhưng không gì có thể sánh với tối hôm qua.

 
Buông bỏ sợ hãi

Trong câu chuyện ấy, tôi đã buông bỏ cái sợ đau. Tôi chào đón cơn đau và ôm ấp nó, cho phép nó ở cùng với tôi. Đấy là lý do vì sao nó bỏ đi.
Nhiều bạn bè của tôi trong khi đau cũng đã thử cách này nhưng không có hiệu quả. Họ đến bảo tôi rằng cơn đau răng của tôi chẳng thấm gì so với cơn đau của họ. Điều đó không đúng. Vì cơn đau mỗi người đều cảm thấy nhưng không làm sao đo đạc được. Tôi giải thích cho họ vì sao buông bỏ không có kết quả qua câu chuyện của ba người đệ tử của tôi.

Người đệ tử thứ nhất, khi đau, đã thử buông bỏ bằng cách như sau:
“Buông đi,” sư chú nói một cách nhẹ nhàng, và chờ đợi.
“Buông!” chú lặp lại và chẳng thấy điều gì xảy ra cả.
“Hãy buông đi!”
“Nào nào, hãy buông bỏ.”
“Tôi ra lệnh: Hãy buông bỏ!”
“BUÔNG BỎ!”
Chúng ta có thể thấy điều này là buồn cười, nhưng đó lại là điều mà ai cũng thường làm. Chúng ta buông bỏ không đúng cái cần buông. Chúng ta nên buông bỏ cái người ra lệnh buông ấy đi. Chúng ta nên buông bỏ cái con người “điều khiển” kỳ quặc trong chính chúng ta, mà ai cũng biết người đó là ai rồi. Buông bỏ có nghĩa là “không có người điều khiển”.

Người đệ tử thứ hai, khi đau, nhớ tới lời khuyên này và buông bỏ người điều khiển. Chú ngồi yên với cơn đau, và cho rằng nó sẽ ra đi. Sau mười phút cơn đau vẫn như cũ, thế là chú phàn nàn là buông bỏ chẳng có hiệu quả gì. Tôi giải thích cho người đệ tử ấy rằng buông bỏ không phải là buông bỏ cơn đau mà là làm hòa với cơn đau. Sư chú này đã cố điều đình với cơn đau và nói : “Tôi sẽ buông trong mười phút, còn anh, cơn đau, sẽ biến đi. Được chưa?”
Như vậy chưa phải là buông bỏ mà là cố buông bỏ cơn đau.

Người đệ tử thứ ba, khi bị đau đã nói với cơn đau như thế này: “Này đau, tôi mở cánh cửa lòng tôi ra đây, anh cứ vào mà làm gì cũng được. Xin mời.”
Người đệ tử thứ ba này sẵn lòng cho phép cơn đau tiếp tục đến chừng nào cũng được, suốt cả quãng đời còn lại cũng được, tệ hại hơn cũng được. Chú cho phép cơn đau hoàn toàn tự do. Chú buông bỏ mọi sự chống cự. Thật sự buông bỏ. Dù cơn đau có ở lại hay ra đi cũng chẳng có gì quan trọng. Chỉ lúc đó cơn đau mới biến mất.
 
Trần Ngọc Bảo
trích dịch từ cuốn “Who Ordered This Truckload of Dung?
http://art2all.net/chantran/chantran_tho/tranngocbao

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

Thơ Trần Hữu Dũng

Tác phẩm 'Xuôi dòng' của họa sĩ Lại Thanh Dũng


Đà Lạt


Khi tôi leo ngược dốc lên nhà thờ Con Gà
Buổi tối Đà Lạt
Thấp thoáng ô cửa kính lên đèn
Như đôi mắt em rưng rưng dõi theo

Gương mặt sương mù luôn mờ ảo
Linh cảm núi, đồi, rừng thông
Vẻ đẹp lãng mạn tự nhiên của gió

Dãy phố quen thuộc được tân trang
Vài cửa hàng mới mở
Mải mê lạc vào vườn hoa ly trắng
Tôi như chú hươu hoang mang
Cảnh giác nhận ra hương thơm gây mùi nhớ cao nguyên.


Từ biển em về


Từ biển em về
Mang theo nắng / gió / rong / san hô
Những thứ có mật mã ngôn ngữ xanh
Căn nhà mình học thêm cách nhẫn nại
Rùng mình đong đưa

Từ lâu anh hóa thạch với cơn mộng dữ
Kêu gào đêm rỗng không
Building vây bủa, bóng ma công sở nuốt chửng
Chiếc cầu vồng thời đại bắc vào giấc mơ
Dòng sông quê chảy ngược lên bầu trời

Từ biển em về mang gương mặt ráng chiều
Tuyệt như núi tự tình với núi
Reo lên niềm vui tung cánh
Em như con cá kình tự nhiên bơi lội
Trong bể kính thành phố huyên náo trong suốt
Một lần nữa hạnh phúc thắp sáng...

http://tapchisonghuong.com.vn

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 97 – 26.12.2011
971 - Bùi Minh Kiểm
HAI VỢ CHỒNG CÙNG LO CHO LIỆT SĨ
Bộ đội về hưu sinh 1940 tại Hải Phòng. Sống ở Đà Nẵng (2011).
Năm 18 tuổi tình nguyên đi bộ đội đặc công vào Nam chiến đấu ở mặt trận Quảng Đà ròng rã gần 12 năm.
Sau 1975 ở lại luôn Đà Nẵng, lấy vợ cũng là đồng đội trong đơn vị pháo binh.
Dù hoàn cảnh gia đình 2 cựu chiến binh còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng theo đuổi việc đi tìm hài cốt đồng đội còn mất tích trong đó có nhiều bạn cũ quê Hải Phòng, có người tự tay mình chôn.
Từ năm 1992 lặn lội về các chiến trường cũ tìm được di hài của khoảng 50 đồng đội  đưa về nghĩa trang liệt sĩ hoặc thông báo cho gia đình vào nhận đem về quê.
Trong trường hợp thân nhân không có điều kiện vào thì bà vợ nhận nhiệm vụ đưa hài cốt về cho thân nhân ngoài Bắc.
Tuy mắc bệnh cao huyết áp và chảy máu dạ dày nhưng vẫn tiếp tục hành trình tìm mộ liệt sĩ: “Bom đạn không giết nổi thì ba cái bệnh này với mưa rừng gió núi bây giờ có sợ gì…”

972 - Đặng Sỹ Ngọc
CHẠY XE ÔM LẤY TIỀN IN NHẬT KÝ CHIẾN TRƯỜNG
Lao động nghèo sinh 1948 tại Hà Tĩnh. Sống ở Nghệ An (2011).
Dù là con trai duy nhất được miễn nghĩa vụ quân sự nhưng năm 1966 lúc 18 tuổi vẫn làm đơn tình nguyện đi bộ đội vào chiến trường Quảng Trị năm 1967.
Trên chiến trường này chỉ trong vòng 6 tháng đã 3 lần bị thương nặng, lần cuối vết thương bị nhiễm trùng nên phải đưa về hậu phương miền Bắc chữa trị. Điều trị hơn một năm đến 1969 xin quay lại chiến đấu, được chuyển qua đơn vị pháo cao xạ.
Ở chiến tuyến mới lại trúng bom Mỹ bị thương thêm 4 lần nữa, lần sau cùng năm 1972 lủng bụng lủng ruột nên một lần nữa phải chuyển về Hà Nội qua 8 lần giải phẫu chữa thương. Được xác định thương tật 81% (tai điếc vì sức ép của bom) nên được cho về trại điều dưỡng thương binh Quân khu 4 ở Nghệ An chờ xuất ngũ.
Vốn từ nhỏ đã có năng khiếu và say mê văn chương nên trong suốt thời gian đi chiến đấu hễ có thời gian rảnh là tranh thủ cắm cúi ngồi ghi chép lại “nhật ký chiến trường” của riêng mình, hết tập vở này qua tập vở khác. Tất cả may mắn vẫn còn lưu giữ được qua bao khói lửa đạn bom.
Thế rồi khi nằm trại an dưỡng số mệnh đưa đẩy cho gặp lại cô bạn học ngày xưa nay là y tá, tình cảm được vun đắp lại tiến tới hôn nhân năm 1975. Sau đó giải ngũ cùng vợ ở lại luôn Nghệ An sinh sống cho tiện vợ làm việc.
Cuộc sống sau chiến tranh vô vàn khó khăn nhất là khi phải nuôi 3 con nên bản thân chấp nhận chạy xe ôm để kiếm tiền thêm xoay xở cho gia đình. Ngoài ra rảnh rỗi xem lại, bổ sung “nhật ký chiến trường” ngày xưa nay đã lên tới con số 19 tập với hy vọng sẽ có ngày được in.
Năm 2006 một nhà xuất bản đã biên tập lại 3 cuốn trong số đó in thành cuốn “Trời xanh không biên giới”. Còn lại 16 tập còn để đó chờ dành dụm tiền chạy xe ôm in tiếp.
Cũng chính nhờ những ghi chép trong bộ nhật ký chiến tranh đó đã giúp tìm được 6 ngôi mộ đồng đội cũ mất dấu vết từ lâu. Khi đó tạm nghỉ chạy xe ôm lên đường cùng thân nhân liệt sĩ đi tìm mộ.  
    
973 - Đỗ Nam Cao

Nhà thơ Đỗ Nam Cao - Ảnh Nguyễn Đình Toán
HAI DÒNG THƠ
Nhà thơ tên thật Đỗ Sơn Cao sinh 1948 tại Hà Tây – Mất 2011 ở TPHCM (64 tuổi).
Tốt nghiệp khoa ngữ văn ĐH Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 tình nguyện mang ba lô vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Nhận nhiệm vụ ở Ban VHVN Trung ương Cục miền Nam, thường hoạt động ở vùng Sài Gòn và miền đông Nam bộ.
Bắt đầu làm thơ chủ yếu ca ngợi quê hương, làng quê yêu dấu với phong vị đồng quê trong sáng hồn hậu (thơ “Ngọn gió làng”).
Năm 1973 gặp mối tình đẹp lý tưởng, kết hôn với một nữ tù cộng sản tuổi đôi mươi được trao trả bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Sau ngày hòa bình, tiếp tục ở lại TPHCM làm đài phát thanh rồi Nxb Văn hóa – Thông tin. Có mối quan hệ giao hảo chân tình giúp đỡ giới văn nghệ sĩ trẻ đô thị miền Nam kể cả thuộc chế độ cũ.
Nhưng nhiều năm sau bỗng nhiên rút vào sống tách biệt, xa cách bạn bè, chuyển qua làm kinh doanh nhà hàng. Vẫn còn làm thơ nhưng ít công bố và đặc biệt bây giờ chuyển hướng qua dòng thơ nội tâm mang màu sắc tâm sự u uất nặng nề khác hẳn trước đây. Như bài “Thơ tôi” (1987):
     “… Thơ tôi đè nặng ngọn bút
     Nặng đè ngực nhứt buốt tim  
     Vụt chói lòa mất hút
     Ngẩn ngơ em sợ hãi tìm…
     Thơ tôi khổ qua mướp đắng
     Xù xì gai góc sầu riêng một nỗi
     Thơ tôi đọc nổi da gà
     Mượt mà mướt mà cỏ gấu
     Đắng cay giấu dưới tầng sâu…”
Thơ đổi khác có lẽ từ cảnh đời riêng gặp cú sốc tinh thần khi người vợ cựu nữ tù sau này làm cán bộ khá lớn liên quan một vụ án tham nhũng ở Sở Lương thực TPHCM nổi cộm thời đó khiến phải ra tòa lãnh án tù - tù 2 chế độ!
Tuy sau này người vợ được chiếu cố giảm án đã ra tù nhưng dường như vẫn khiến cho nhà thơ thành “con người luôn cười to để quên những nỗi đau thầm lặng”.
Qua đời lặng lẽ do mắc bệnh nan y.    
      
974 - Lê Thị Hằng
BỆNH XƠ CỨNG BÌ
Học sinh sinh khoảng 1995 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2011).
Cha là bộ đội trên chiến trường miền Nam.
Sau 1975 cha xuất ngũ về quê làm ruộng. Bản thân bị nhiễm CĐDC mà không biết nên vẫn lấy vợ sinh được 4 con thì 2 chết yểu, một bị bệnh tâm thần từ nhỏ.
Đến con gái út ngay từ nhỏ mắc chứng bệnh kỳ lạ hiếm có là bệnh xơ cứng bì cũng do hậu quả CĐDC. Đây là loại bệnh làm da người bệnh dần xơ cứng như vảy nến, càng ngày da càng căng ra rồi chảy máu bong tróc ra.
Vì thế khắp cả mặt em da xù xì sần sùi, da mí mắt cũng xơ cứng lại khiến không khép mắt lại được, không ngủ được mà khóc cũng không được! Làn da đầu căng lên không mọc tóc nổi làm đầu nhẵn thín to bất thường. Đi đâu em cũng phải trùm mũ áo dày cộm, đeo mắt kinh đen to để che mặt.
Không đi học được song ở nhà mê nhạc được cha dạy đàn khuây khỏa đôi chút nhưng rồi làn da tay căng  lên làm cả cánh tay, bàn tay cứng đơ không còn đàn được nữa.
Cả 2 cha con phải ra tận Hà Nội cầu cứu bệnh viện chữa trị chưa biết kết quả thế nào.  

975 - Nguyễn Thị Huỳnh
“CHỊ TƯ HẬU”
Cán bộ về hưu sinh 1920 tại Khánh Hòa – Mất 2003 ở Nha Trang (83 tuổi).
Học trường Tây ở Nha Trang nhưng đã sớm theo cách mạng đánh Pháp. Lấy chồng có 3 con, chồng là cán bộ lãnh đạo cộng sản khu vực miền Trung này.
Sau 1954 đưa các con tập kết ra miền Bắc, chồng vẫn ở lại bám trụ gây dựng cơ sở chuẩn bị đánh Mỹ.
Tại Hà Nội tái phát bệnh từ thời bị Pháp bắt cầm tù tra tấn nên phải vào bệnh viện giải phẫu 4 tiếng đồng hồ gặp lúc thiếu thốn thuốc men nên mổ mà không có thuốc gây mê khiến mổ xong xỉu luôn.
Trường hợp này được nhà văn trẻ Nam bộ tập kết Bùi Đức Ai (tức Anh Đức sau này) lấy nguyên mẫu làm nhân vật chính “chị Tư Hậu” để viết nên cuốn tiểu thuyết “Một chuyện chép ở bệnh viện”. Tác phẩm lập tức đoạt giải văn chương miền Bắc rồi sau đó được chuyển thành phim truyện nhựa “Chị Tư Hậu” (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Trà Giang đóng vai chính) cũng được trao giải lớn Liên hoan phim VN lần thứ hai năm 1973. Cả truyện lẫn phim đều được xem như tác phẩm nổi tiếng điển hình cổ vũ miền Nam đánh Mỹ.
Sau 1975 cùng các con trở về Nha Trang gặp chồng bấy giờ làm lãnh đạo cao cấp tỉnh. Vừa giúp việc cho chồng vừa lo nuôi con ăn học thành tài.
Năm 1990 vừa nghỉ hưu, chồng lâm bạo bệnh nằm liệt một chỗ. Thế là hơn 10 năm chỉ một tay mình lo chăm sóc chồng để con cái yên tâm công tác.
Tuổi già sức yếu nên năm 2003 khi chồng vẫn còn nằm trên giườøng bệnh thì bản thân lại suy sụp bị tai biến qua đời.
Trước đó đã xin trả lại khuôn viên căn nhà được cấp rộng hơn 3.000m2 “đất vàng” ở thành phố biển đang nổi lên là trung tâm du lịch phát triển nhất nước để Nhà nước xây ngân hàng, chỉ giữ lại mảnh đất nhỏ 100m2 làm nhà ở. Nhiều người hỏi sao “dại” vậy thì trả lời “Lúc đi làm cách mạng, đất bị mất nhà bị đốt hết, bây giờ có nhà mà ở đã là tốt lắm rồi. Chỉ tiếc vẫn còn nhiều người nghèo mà má không có gì để giúp họ, giá như má còn sức để làm…”.

976 - Nguyễn Thị Loan
CÔ GIÁO VỚI VIÊN “BI” TRONG ĐẦU
Giáo viên về hưu sinh 1949 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2008).
Mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, 18 tuổi vào thanh niên xung phong ở địa phương làm nhiệm vụ mở đường, thông đường bảo vệ đường cho xe bộ đội vào Nam chiến đấu.
Năm 1968 trúng bom bi Mỹ oanh tạc làm liệt một nửa người phải nằm viện cả năm trời. Cố gắng gượng dậy tập đi từng bước dần dần tương đối hồi phục. Nhưng trong đầu còn một viên “bi” bom Mỹ vẫn nằm nguyên  mà lúc đó bác sĩ lẫn phương tiện y khoa không đủ để gắp ra.
Ra viện được cho về nhà với thương tật 51%.
Không chấp nhận sống đời thương binh vô dụng mới xin xã cho làm giáo viên mẫu giáo dù chỉ mới học tới lớp 10 mà cũng chưa hề qua trường lớp sư phạm nào.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, vận động mở được lớp mẫu giáo làng lợp tranh tre như vậy là cả một nỗ lực lớn. Chấp nhận dạy không lương, thỉnh thoảng chỉ được phụ huynh trả công góp cho vài “hiện vật” ký gạo, rổ khoai sắn… Dù vậy vẫn mày mò tự tìm tài liệu học hỏi thêm để dạy khá tốt, dạy cả học sinh câm điếc cũng có kết quả không ngờ.
Sau 2 năm dạy tự phát như vậy mới được cử đi học trung cấp sư phạm rồi về chuyển lên dạy cấp 1 luôn được trò thương bạn mến. Chỉ có điều không ít lần trái gió trở trời viên “bi” bom Mỹ trong đầu lại “chớp lửa”  làm ngất xỉu ngay tại lớp hoặc ôm đầu đau nhức hàng tiếng đồng hồ.
Không chỉ thế sau đó còn phát hiện bị ung thư vú phải mổ 3 lần cắt phía bên vú đó. Vì thế không dám nghĩ tới chuyện lấy chồng sinh con nữa. Thay vào đó xem vô số học trò – 38 năm dạy cả hàng ngàn học trò tiểu học, học trò đến 2 thế hệ cả cha lẫn con đều từng ngồi lớp 1 của cô – đều là con của mình.
Năm 2008 về hưu trồng vườn rau sân nhà để giữ niềm vui tuổi già đồng thời kiếm thêm ít tiền còn lo nuôi người mẹ kế đã trên 80 tuổi.

977 - Nguyễn Thị Lợi
MẸ CÕNG CON ĐI HỌC TRƯỜNG KỲ 6KM
Nông dân sinh 1947 tại nghệ An. Sống ở Nghệ An (2007).
Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ được ông bà ngoại đem về nuôi.
Năm 1969 đi thanh niên xung phong phục vụ chiến trường Đường 9 Nam Lào.
Năm 1972 bị thương trong một trận B52 được cho xuất ngũ về quê. Năm 1973 mới lấy chồng cùng quê thì chồng lên đường qua chiến trường Lào.
Sau ngày giải phóng miền Nam chồng vẫn biệt tích. Mãi đến năm 1977 mới sống sót trở về, bấy giờ mới sinh con.
Từ đó 2 chồng bốc vác ở cảng, vợ làm ruộng nuôi con 2 trai 1 gái. Không may đứa con trai thứ hai mới một tuổi bị sốt bại liệt nằm một chỗ.
Tai ương lại tiếp nối với người chồng gian khổ thời chiến tranh cộng thêm công việc bốc vác lao lực ngã bệnh tắt mạch máu não qua đời để lại vợ và 3 con còn bé dại.
Thế là một mình người mẹ đảm làm đủ công việc ruộng nương, dệt chiếu, chạy chợ… để lo cho 3 con. Không chỉ lo cái ăn cái mặc mà còn việc học hành nữa, nhất là với đứa con bị bại liệt lớn lên một chút cũng đòi đi học.
Mẹ thương con phải chiều ý con nhưng đi học nhà xa trường mà chẳng có xe đạp nên hàng ngày đành cõng con trên lưng đến trường cả đi về 6km. Cõng con đến trường rồi tất tả chạy ra đồng chạy ra chợ kiếm việc làm kiếm tiền, chiều đến thì quay về trường cõng con về.
     Vậy mà con đến trường trên lưng mẹ học cũng tốt nghiệp THPT loại khá. Rồi thi đậu vào trường Sư phạm Kỹ thuật Vinh làm lớp phó học tập mới là giỏi!

978 - Nguyễn Thị Ngụ
MẸ LIỆT SĨ 102 TUỔI BỖNG DƯNG HẾT MÙ!
Lao động nghèo sinh 1905 tại Hà Tĩnh. Sống ở Hà Tĩnh (2007).
Lấy chồng sinh được 5 con nhưng chỉ nuôi được 3 gồm 2 gái 1 con trai út.
Năm 1947 chồng mất, còn lại một mình buôn bán lẻ ở chợ nuôi 3 con.
Năm 1964 con trai út dù là con trai duy nhất vẫn tình nguyện đi bộ đội vào miền Nam đánh Mỹ.
Năm 1968 cùng lúc 2 tai họa ập tới: Căn nhà nhỏ ở quê bị bom Mỹ san thành bình địa và con trai hy sinh trên chiến trường miền Nam.
Không có vốn liếng để dựng lại nhà (mà có xây lại cũng sợ còn bị bom Mỹ thả nữa) nên đành theo con gái đầu làm chị nuôi ngành giáo dục tỉnh sống cảnh tạm bợ không nhà nơi này nơi nọ.
Năm 1992 lúc đã 88 tuổi bỗng nhiên sau một đêm ngủ dậy 2 mí mắt của cả 2 mắt tự nhiên dính trít vào nhau không mở ra được khiến rơi vào cảnh không nhìn thấy gì nữa không khác gì bị mù bẩm sinh. Có lẽ do bệnh già song nhà nghèo không có tiền đi bệnh viện chạy chữa thuốc men.
Bấy giờ chỉ còn ngồi một chỗ nhờ cháu chắt (9 cháu ngoại, 16 chắt) lo cho miếng cơm manh áo đỡ đần.
Thế rồi bỗng nhiên năm 2006 cũng sau một đêm ngủ dậy mí mắt của 2 con mắt tự động… giãn ra mở ra cho mắt sáng nhìn lại cuộc đời sau 14 năm bị mù bất đắc dĩ. Như một phép lạ đền bù cuối đời cho người mẹ già cả đời lận đận vất vả gánh chịu biết bao tang thương thời chiến (cũng có thể do tuổi già có sự chuyển hóa sinh lý bão hòa nào đó?).
Từ đó đã 102 tuổi vẫn chống gậy đi đứng bình thường, mỗi sáng đi 6 vòng sân tập thể dục, tối ngồi xem ti vi, còn cả chống gậy đi bầu cử Quốc hội nữa!
      
979 - Nguyễn Thị Nhi
NỮ ANH HÙNG CHỐNG “GIẶC DỐT” THỜI BÌNH
Nông dân sinh tại Cà Mau. Sống ở Cà Mau (2001).
Trong chiến tranh vào năm 1969õ là tổ trưởng tổ du kích nữ lập chiến công vang dội vùng sông nước đánh tan cụm tàu sắt địch, được thưởng Huân chương Chiến công.
Sau ngày giải phóng cùng chồng thương binh cựu huyện đội trưởng vẫn ở lại vùng quê nghèo khó hẻo lánh làm ruộng làm vườn. Sinh 5 con, chồng lại bệnh trầm kha nên cuộc sống quá khổ ngóc đầu không nổi.
Dù vậy vẫn không lúc nào không quên nhắc con phải cố gắng học hành thật tốt mới mong vươn lên được, lấy từ kinh nghiệm bản thân mình: “Trong chiến tranh dốt vẫn còn có thể đánh giặc nhưng hòa bình rồi thì dốt là nghèo đói, bần cùng.”
Vì thế năm 1988 thấy sống trong vùng sâu vùng xa khó cho con học hành gì được nên quyết định ra thị xã Cà Mau muợn một miếng đất nhỏ dựng một… cái chòi cho 3 con ở đó ăn học. Một cái chòi mái tranh vách lá giống hệt thời còn ở chiến khu chống Mỹ với 3 đứa học trò nhỏ chân quê (1 trai 2 gái) rách rưới lê thê lếch thếch không khác gì tích xưa “Trần Minh khố chuối”! Sau đó thêm đứa con trai út cũng từ chân lội sình kênh rạch lên thị xã tham gia nhóm “khố chuối tân thời” này.
Cứ thế mà anh em bảo ban nhau lo học, còn mẹ quay về bưng biền lau lách lo làm vườn làm ruộng vài ba ngày lại chèo xuồng chở cây trái rau ráng ra thị xã bán (đi từ lúc 2 giờ sáng) lấy tiền mua gạo cơm mắm muối cho con tự nấu mà ăn. Kiểm tra việc học của con xong lại tất tả chèo xuồng về, cả đi cả về như thế trên 50km.
“Trường kỳ kháng chiến” lần thứ hai như vậy suốt 13 năm trời cuối cùng cũng đạt thành quả chiến thắng “giặc dốt”. Con trai đầu theo chân cha vào ĐH Quân sự ra sĩ quan, 2 em gái kế vào ĐH Sư phạm ngoại ngữ sắp tốt nghiệp, con trai út cũng là sinh viên ĐH Công nghệ thông tin như ai.

980 - Nguyễn Thị Ni
LỜI HỨA VỚI NGHĨA TRANG HÀNG DƯƠNG
Cán bộ về hưu. Sống ở Côn Đảo (2007).
Hoạt động cộng sản nên năm 1972 bị bắt đưa ra giam ở Côn Đảo.
Năm 1973 được trao trả tù binh theo Hiệp định Hòa đàm Paris.
Sau 30.4.75 được bố trí công tác ở TPHCM nhưng cùng chồng cũng là cựu tù cộng sản tình nguyện chuyển ra nhận công tác ở Côn Đảo vì nhớ lời hứa trước đây với bạn tù Côn Đảo rằng sau này hòa bình rồi ai còn sống phải lo chăm sóc mộ phần những đồng đội đã hy sinh tại đây.
Từ đó mỗi tuần đều đặn đến nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương trên đảo thăm viếng thắp hương cho bao nhiêu ngôi mộ của đồng chí một thời gian khổ đấu tranh vì lý tưởng.
Cả đến khi về hưu vẫn vậy, dù con cái đã vào đất liền học hành, sinh sống nhưng mình vẫn ở lại đảo bán quán hàng nhỏ để có điều kiện tiếp tục gần gũi với hương hồn bạn tù cũ năm xưa.
(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky97