Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Ngày cuối năm

Buổi sáng hơi sương lạnh
Ngày cuối năm ra đường
Tìm người không hẹn trước
Hong nỗi nhớ ấm lòng

Tình như chim tháng nắng
Bay lượn với khung trời
Người như mây ngừng lặng
Êm ái ngỏ thành lời

Bốn mùa rồi qua hết
Mùa mới lại bắt đầu
Xuân vừa về chạm đất
Hoa nở ngập tinh cầu

Phố phường như vẫn thế
Người xe không ngừng qua
Cuộc đời không dừng lại
Dòng chảy cứ miệt mài

Chỉ còn ta nghĩ ngẫm
Cuối năm nghe lòng khô
Như có em ngần ngại
Mở lời dâng tràn bờ

Ta vẫn chờ cuộc hẹn
Với ai đó dọc đường
Sông vẫn theo về biển
Tình vẫn thắm đóa bông
Trong ngày Xuân thấp thoáng

TỪ HOÀI TẤN

Năm mới không năm mới

Năm mới rên rỉ Blời ơi phục sinh năm cũ
năm mới tra tấn lời chúc
năm mới lạm phát hình thức phiến diện lừa
năm mới bịt mắt đôi mắt ngựa
năm mới đi từ ngựa đến lừa từ hổ đến tiểu hổ
năm mới ngậm địa cầu tiến hóa từ tròn đến bẹp bầu dục

Năm mới khởi động chấn động đêm trừ tịch trừ tà
năm mới nuốt chửng màu sen
năm mới chỉ hiện hữu nơi túi tiền mừng tuổi trẻ thơ
năm mới phiền to phình to nhân mãn
năm mới huyễn hoặc chữ nghĩa chủ nghĩa
năm mới dễ dàng “không có việc gì khó”
năm mới dễ dàng phóng mũi tên đâm thủng chính nó

Năm mới đi trên đường cũ kỹ
chồng lên dấu chân mình
gặp nụ cười thiếu nữ dắt chó sủa sớm mai
có hên không
chắc ăn phải thêm lời khấn nguyện

Năm mới năm mới năm mới
có thực không có thực không
(hay năm mới lâm chung)
buồn thiu buồn hơn năm cũ
không biết có còn trần truồng trên mình Em

Năm mới nhiều năm mới trôi nhanh
trái đất chậm lại quỹ đạo ellipse
cứ tin vị trí này ném đá vào vũ trụ
sẽ trúng đích phi thời gian

“Các ngươi nói thời gian đang trôi qua
không
thời gian không trôi qua
chính các ngươi trôi qua” (*)


Vũ Trọng Quang

(*) Một câu trong Thánh Kinh

Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Quỹ Tình thơ hỗ trợ nhà thơ Ngô Cang


NVTPHCM- Sau khi nhà thơ Phan Hoàng nhận tin từ nhà thơ Phan Trung Thành về hoàn cảnh nhà thơ Ngô Cang, ban điều hành Quỹ Tình thơ ngay lập tức quyết định hỗ trợ cho nhà thơ xứ Huế bị nạn 10 triệu đồng.
Sáng ngày 29.12, tại toà soạn báo Công An TP.HCM, hai nhà thơ Lâm Xuân Thi và Hồ Thi Ca đại diện ban điều hành Quỹ Tình thơ đã trao số tiền nói trên cho hai nhà thơ Nguyễn Miên Thảo và Phan Trung Thành. Nhận tiền xong, hai nhà thơ gốc Huế đã đi thẳng ra ngân hàng chuyển tiền ngay cho người thân của nhà thơ Ngô Cang đang nằm viện.
Được biết, chiều ngày 24.12, trên đường từ Huế về nhà ở làng Mỹ Xá, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, nhà thơ Ngô Cang đã bị ngã xe và chấn thương sọ não rất nặng, bị hôn mê. Ngay đêm ấy, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã nỗ lực mổ cấp cứu cho anh...
Ngô Cang sinh năm 1948, hiện sinh sống ở quê nhà làng Mỹ Xá, vừa làm thơ vừa cày ruộng nuôi 5 người con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thơ Ngô Cang xuất hiện trên thi đàn ở miền Nam từ trước năm 1975.
Nghe tin nhà thơ Ngô Cang gặp nạn, nhiều bạn bè văn nghệ ở Huế, TP.HCM đã và đang quyên góp để giúp đỡ cứu chữa anh.
Ban biên tập Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh cầu mong nhà thơ Ngô Cang sớm tai qua nạn khỏi để trở lại với trang viết.

Thơ Ngô Cang


TẾT NHÀ TA


Chiều ba mươi
bên nồi xôi nếp mới
bát canh thơm tôm cá tát ao đìa
các con khen, cải ngồng chưa chín tới
vị men đời đắng ngọt vợ chồng chia...


Nhuận bút thơ
lì xì con mừng tuổi
còn riêng ta cút rượu đón giao thừa
cúng ông bà, cả nhà vui như tết
dẫu có tiền, chưa chắc dễ gì mua!

Sáng mồng Một
quê hương xanh màu lá
cúc, mai vàng nở thắm lối xuân qua
khăn áo dắt con thăm nội ngoại
xông đất thơm mùi mới lạ tứ thơ ta!

Xong Tết
chuyện mùa màng toan tính
chồng nói rồi, vợ bảo có chi mô
chỉ cần, đầy ắp tin yêu đời là được
để tết nào cũng có
tiếng vợ con cười rộng mở những trang thơ...!

NGÔ CANG

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

GIÁNG SINH VUI VẺ


thơ nhớ Huế

HOÀNG LỘC

gần bốn mươi năm chưa về Huế
sáng nay bỗng nhớ Huế vô cùng
nhớ những người thơ rất đáng nể
như Trần Vàng Sao, Thái Ngọc San...

ta một thời đi làm lính kiểng
đóng quân Tây Lộc để làm vui
bạn Huế ta, nhiều ông nổi tiếng
nhưng ta có em là em thôi...

ôi em đi học trường Kiểu Mẫu
áo xanh nước biển, tóc đuôi gà
một lần ta thấy em bước vội
mới biết em tránh lính xa nhà

em tránh hoài mà ta cũng gặp
dắt em đi coi bói Thanh Ròn
bà thầy coi kỹ bảo không được
em nói không và ta cũng không...

ta đã dắt em vào đại nội
chỉ ngai vàng, biết chỗ ngồi xưa
hỏi em, hãy ráng mà nhớ lại
phải kiếp nào, em của nhà vua ?

những bốn mươi nằm rồi Huế ơi
em ra răng, em ra răng rồi ?
có nhớ anh những ngày lính kiểng
và một nhà vua đã hết thời...

12-2010

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Hai Bài Thơ

Một đoạn nhỏ tháng chạp

Tháng chạp
Mùa khô
Lòng đường nhớ những vòng xe quay
Một ngày trống rỗng nỗi nhớ
Đi lại trên con đường này bao nhiêu lần
Vẻ bình thường nhàm chán
Người đi, kẻ đi, nàng đi
Những khuôn mặt ám ảnh tưởng tượng
Ôi nỗi hoang vu của trí tuệ

Tháng chạp
Lặng lẽ đón mùa lễ hội lớn trong năm
Bình thường như những kẻ
Lao mình vào cuồng điên
Những vì sao lấp lánh trên chiếc thập tự ngày giáng sinh
Màu sắc của sự thay đổi được báo trước

Tôi đi dưới đường
Ngày tháng chạp
Không buồn vui


Cảnh tượng cuối năm

Những ngọn nến thắp lên
Rồi bấc tàn
Chiều xanh sẫm
Em bước qua chiều cũng như ngọn nến cháy lên lòng ta
Đêm vần vũ quay
Kẻ nô lệ êm ái

Một ngày cuối năm chờ người đưa thư đến vào chiều muộn
Nỗi mong ngóng ngập tràn đôi mắt
Tin tức về một người
Trong khoảnh sâu hồi tưởng
Sự ràng buộc của trí nhớ
Không còn thấy gì bóng ảnh lướt qua
Một người biến mất

Em bước qua chiều ngọn bấc lụn tàn
Người đưa thư biệt tích
Niềm mong nhớ tháng năm đi

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

MÙA GIÁNG SINH KHÔNG CÒN AI

Hãy gởi lời chúc phúc lên núi non
Những gió của ngàn năm vách đá
Cây của rừng lực lưỡng ngàn xanh
Chim sãi bay trong gió lộng
Em cười quên chưa ngày vui ấy
Ta thắp nến buồn thiu một mùa đau

Chiều hôm qua bên giáo đường nghe ai hát
Những lời thiên ân
Vỗ vào lòng ta biển nhạc lũ

Đứng dậy, tay chào
Thức mình cho mắt sáng
Chúa sẽ ra đời vào giữa đêm nay
Dựng một trần gian mới
Và em sẽ ngồi trắng đêm nay
Trên núi non kia, một mình chờ đợi
Ai không về cho gió mênh mông
Chiếu chăn xô lệch chờ mong giữa hai phương
Lời yêu trong sách ước
Chúa sẽ ra đời giữa đêm nay
Mọi người đều đã biết
Em đã biết
Ta đã biết
Nhưng bao giờ ta được gặp nhau
Vào giữa giờ sinh của Chúa

Mùa đã không còn ai
Tâm hồn ta nhuốm bệnh
Khói thuốc buồn bay nhớ một người
Hát âm thầm trong đêm tối
Ta gởi lời chúc phúc lên núi non
Thuở rừng cao cây trái đã qua
Những chim biếc những suối xanh thời hẹn hò
Chỉ còn lời hoài niệm

Ta mừng em xa xôi
Giữa đời sớm tối
Chúa sẽ ra đời giữa đêm nay
Hãy tạ ơn
Những tội lỗi với người
Tạ ơn em xa xôi
Ta gởi câu chúc vội

Mùa giáng sinh không còn ai
Quẩn quanh niềm cô độc

(25.12.73)

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Vấn Đề Khuynh Hướng Trong Tiểu Thuyết Miền Nam 1954 Đến 1973

CAO HUY KHANH

(Đã đăng trên Thời Tập ngày 15-4-1974)

Thời tiền chiến khi viết bộ Nhà Văn Hiện Đại Vũ Ngọc Phan đã tổng cộng được số nhà văn thời đó làm 78 người (1). Con số này được chia một cách không đồng đều cho khoảng thời gian văn học sử trên 30 năm ( từ Trương Vĩnh Ký trở đi cho đến những Nguyễn Tuân, Ngọc Giao, Tô Hoài… nghĩa là từ khoảng 1913 đến 1945). Tuy nhiên cần lưu ý mợt điều quan trọng là Vũ Ngọc Phan đã dùng chữ “nhà văn” theo một nghĩa rộng bao gồm luôn các nhà biên khảo, các thi sĩ, các nhà viết kịch lẫn các nhà viết phóng sự chứ không chỉ giới hạn vào giới tiểu thuyết gia mà thôi (Nhà văn theo nghĩa tôi dùng đây là những người viết văn xuôi hay văn vần…sđd..,quyển 1, tr.13). Ngày nay chữ nhà văn thường được hiểu và chỉ định những nhà viết tiểu thuyết mà thôi ( trong khi đối với các ngành khác thì đã có những từ chỉ định riêng biệt khác ). Do đó xét kỹ lại người ta thấy trong 78 người, Vũ Ngọc Phan chọn thực sự chỉ còn lại khoảng trên 30 tiểu thuyết gia ( số nhà văn này hầu như được tác giả Nhà Văn Hiện Đại tập trung trong hai tập IV và V ).
Bây giờ so sánh con số tổng kết đó với công việc đang được theo đuổi ở đây, người ta dễ dàng ghi nhận một sự kiện trái ngược lại: chỉ trong một khoảng thời gian văn học sử ngắn hơn ( 20 năm so với 30 ) – từ 1954 tới 1973 – chúng ta có một con số kinh khủng: xấp xỉ 200 nhà văn đang hiện diện trên văn đàn ( chưa kể đến vấn đề đánh giá “nhà văn lớn” hay không mà chỉ kể một cách tổng quát tất cả những nhà viết tiểu thuyết cóp sách xuất bản) trong đó có trên dưới 60 nhà văn xứng đáng có giá trị cần phải được đề cập đến kỹ càng hơn cả, dĩ nhiên là vẫn còn theo một thứ tự giá trị nào đó ( Đó cũng là con số phỏng định mà chúng tôi dự định chọn lựa để nghiên cứu ). Sự kiện nổi bật này dĩ nhiên chứng tỏ sự phong phú của nền tiểu thuyết Miền Nam nhưng đồng thời cũng biểu lộ tính chất cực kỳ phức tạp của nó trong vòng 20 năm qua với trên dưới 200 nhà văn ( chưa kể đến số lượng khổng lồ về tác phẩm: con số hàng nghìn!) Tiểu thuyết chúng ta có quá nhiều sắc thái, nhiều tính chất, nhiều đặc điểm khác biệt. Nói rõ hơn tiểu thuyết Miền Nam trong Thời Hiện Đại có quá nhiều khuynh hướng dị biệt chứ không phải chỉ giới hạn trong 10 khuynh hướng chính như sự phân chia của Vũ Ngọc Phan (2). So với ngày nay, trong 10 khuynh hướng do Vũ Ngọc Phan mệnh danh, thì có đến 5 khuynh hướng hầu như không còn dùng được nữa đối với việc nghiên cứu ở đây: đó là những khuynh hướng tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết truyền kỳ, tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết hoạt kê, tiểu thuyết trinh thám. Đến những nhà văn học sử gần đây hơn như LM. Thanh Lãng hay GS.Phạm Thế Ngũ, cũng trong phạm vi nghiên cứu Tiểu Thuyết Tiền Chiến, các ông vẫn chỉ xử dụng một số khuynh hướng có hạn như trên mà thôi. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ dù phương pháp nghiên cứu tuy có đổi khác nhưng đề tài nghiên cứu vẫn còn bị giới hạn vào Thời Tiền Chiến vốn là lúc mà tình trạng sinh hoạt văn học vẫn còn tỏ ra nghèo nàn so với bây giờ, hay nói cho đúng hơn thì tình trạng sinh hoạt đặc biệt về bộ môn Tiểu Thuyết lúc đó không thể nào phong phú và phức tạp như đối với Thời Hiện Đại.
Thực vậy, quan niệm về khuynh hướng nhắc ở trên có thể nói là một quan niệm theo nghĩa rộng chỉ áp dụng được đối với những thời kỳ văn học có nếp sinh hoạt tương đối giản dị, còn riêng đối với những thời kỳ văn học phức tạp ( đôi khi phức tạp quá đến chỗ hỗn độn ) như Thời hiện đại thì không thể dùng được một cách có lợi. Do đó bắt buộc ta phải tìm kiếm một cách giải quyết nào thích ứng và hữu ích hơn. Để cho vấn đề được thong suốt dễ dàng hơn chúng ta đi sâu vào một vài chi tiết sau đây.


Vấn đề phân chia nhóm:
Đây là cách phân chia dễ dãi nhất, nhưng cũng là cách phân chia đứa đến chỗ sai lầm nhất bởi các lý do sau đây:
1/ Trước tiên, áp dụng vào thực tại văn học của Thời Hiện Đại, việc phân chia theo Nhóm ( nói rõ hơn là các Nhóm tạp chí chuyên về văn học nghệ thuật ) chỉ miễn cưỡng áp dụng được đối với thời kỳ đầu. Trong thời kỳ này nếp sinh hoạt văn học còn đơn giản, số nhà văn còn giới hạn nên thường qui tụ nhất định chung quanh một số ít tạp chí nào đó, tạo nên một số ít Nhóm nhà văn cùng lập trường và đặc biệt là đa số cũng cùng một địa phương tính ( yếu tố địa phương tính này phát sinh bởi những điều kiện hiện tại của thời cuộc sẽ có dịp nói rõ sau ). Có thể nói đây là một tình trạng sinh hoạt khá lý tưởng về phương diện văn học nói chung và về phương diện báo chí nói riêng vì như vậy các Nhóm tạp chí dễ dàng đạt tới sự thuần nhất, một cách tương đối trong lập trường cũng như trong quan niệm sáng tác với sự cộng tác thường xuyên của một số nhà văn “cơ hữu” độc quyền. Đó là trường hợp các Nhóm Sáng Tạo, Bách Khoa, Quan Điểm, Nhân Loại, Văn Nghệ..v..v..trong buổi đầu . Nhưng qua đến thời kỳ sau vấn đề không còn giản dị như thế nữa vì bây giờ, một phần nào ảnh hưởng bởi yếu tố thời cuộc, nếp sinh hoạt văn học trong nước trở nên quá hỗn độn: dù lúc này số tạp chí có nhiều hơn nhưng vẫn không đủ để thâu nhận một số lượng nhà văn đang trên đà tăng gia nên cuối cùng sự thâu nhận đó trở nên dễ dãi để rồi từ đó mọi hình thức kết hợp thành nhóm cũng chỉ còn một giá trị tạm thời. Sự kết hợp giờ đây chỉ có tính chất gượng ép và đôi khi chỉ là sự tình cờ. Có một số nhà văn chỉ cần có báo nhận đăng bài mình, bất kể là báo nào cũng được, họ tỏ ra không quan tâm một cách thái quá đến vấn đề chủ trương và lập trường của tờ báo đó. Chẳng hạn trường hợp những nhà văn nữ như Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng tuy xuất than từ “lò” Bách Khoa nhưng thực sự giữa tác phẩm của họ và những nhà văn nồng cốt trong nhóm, về mặt khuynh hướng, có một khoảng cách khá xa.
Những nhà văn như thế rất dễ bị ghép thành một Nhóm mệnh danh là nhà văn độc lập nghĩa là cùng một lúc họ có thể hiện diện trên nhiều tạp chí có chủ trương hay lập trường dị biệt và đôi khi chống đối lại nhau nữa (3). Cho nên nhóm nhà văn gọi là độc lập chẳng những tỏ ra độc lập ngay chính mỗi cá nhân họ với nhau: Như thế khó mà chấp nhận sự gán ghép dễ dãi và vô ích của sự phân chia theo nhóm vì đây hoàn toàn không phải là một thực tại hiểu theo đúng nghĩa của Nhóm. ( có một chủ trương và lập trường nhất định đã được tuyên bố công khai, có riêng một tạp chí làm nơi quy tụ và làm diễn đàn dung để trình bày và phát huy lý tưởng ). Mặt khác do nhiều lý do còn có một số Nhóm Tạp Chí tuy có chủ trương và lập trường vững nhưng vẫn mau chóng bị tan rã hay biến thái để không còn giữ được bản sắc độc đáo như buổi đầu. Đó là trường hợp các Nhóm Ngàn Khơi, Tiếng Nói, Văn Học ( trong giai đoạn đầu đều do sự điều khiển của Dương Kiền ), Thái Độ. Ngoài ra nên ghi nhận thêm một yếu tố khác đưa đến sự tan rã hoặc làm mất sự thống nhất ban đầu của các nhóm, ấy là thái độ khá ( hay rất thực tế ?) của một số nhà văn vì sự thúc bách cùng quẫn của hoàn cảnh nên không còn hoàn toàn giữ đúng thái độ lý tưởng về cái sứ mệnh ( ôi thiêng liêng ) gọi là làm văn hóa của mình nữa. Một phần nào bởi lý do đó mà trong thời kỳ sau này, đối với đa số nhà văn vấn đề tập họp lại thành một nhóm thuần nhất, dưới một bản hiệu duy nhất, trên một tạp chí cố định để cùng nhau tranh đấu cho một lý tưởng một lập trường văn học đầy ý thức tiến bộ và cao quí như điều mà họ đã từng làm được một cách khá thành công trong thời kỳ trước, đã không còn được đặt ra một cách can đảm và có ý thức, hoặc nếu có thì cũng chỉ được đặt ra một cách yếu ớt mà ít thấy ai hưởng ứng ( ngoài các lý do trên còn một lý do khác khiến người ta không thể dễ dãi chọn lối phân chia tiểu thuyết theo Nhóm được là dù cùng ở một nhóm với nhau, các nhà văn vẫn có thể có những khuynh hướng sáng tác khác biệt nhau nhiều. Các nhà văn cùng nhóm thường được kết hợp trên một căn bản tư tưởng, quan điểm và thái độ, tổng quát nghĩa là họ chỉ đồng ý với nhau về mặt lý thuyết, còn nếu đi sâu vào chi tiết sẽ có khá nhiều điểm khác biệt được lôi ra, nhất là đối với công việc sang tác tiểu thuyết. Họ có thể dễ dàng đồng ý với nhau về những vấn đề văn hóa, xã hội hay chính trị nhưng chưa chắc đã có những ý kiến giống nhau về cách xây dựng một cốt truyện về cách hành văn hay về một thứ luân lý tiểu thuyết nào đó. Do đó mà người ta thấy ngay trong nhóm BÁCH KHOA chẳng hạn, một trong những nhóm được kết hợp tương đối thuần nhất và vững bền nhất trong thời kỳ đầu, vẫn có những khác biệt sâu xa giữa ý nghĩa và giá trị hai loại tiểu thuyết của Võ Phiến và Vũ Hạnh vốn là hai nhà văn nồng cốt của nhóm này. Trong khi đó thì một trường hợp trái ngược lại có thể xảy ra: tuy không cùng một nhóm nhưng một vài nhà văn lại có nhiều điểm tương đồng về lãnh vực sang tác tiểu thuyết hơn là đối với những người bạn cùng nhóm như trường hợp đặc biệt của Duy Lam, một nhà văn xuất thân từ nhóm VĂN HÓA NGÀY NAY nhưng sau đó xem như đã hoàn toàn ly khai ra khỏi nhóm này, ( dĩ nhiên là nói về nghệ thuật viết tiểu thuyết mà thôi ) và từ đó tỏ ra gần gũi hơn với những nhà văn khác không cùng nhóm: ví dụ Duy Lam có vẽ gần gũi với Dương Nghiễm Mậu hơn là với Nhật Tiến chẳng hạn.
Như thế đã rõ rang quan niện phân chia và xếp loại tiểu thuyết theo Nhóm tạp Chí không thể dung được ở đây.


Quan niệm phân chia theo loại văn hay khuynh hướng.
Đây là quan niệm mà Vũ Ngọc Phan cũng như hầu hết các nhà văn học sử V.N thường dùng. Quan niệm này chia tiểu thuyết ra thành một số khuynh hướng có hạn và mượn tạm một số từ ngữ triết học của thế kỷ 18 Tây phương để định danh chúng như các loại tiểu thuyết Tả chân, Hiện thực, Luân lý, Luận đề, Xã hội…tương đương với những thứ chủ nghĩa Duy thực, Duy lý, Đạo đức, Xã hội, Duy nhiên.v.v..bên triết học.
Quan điểm này đến nay vẫn đáng được xem là đúng nhưng chỉ có điều bất tiện là ngày nay xem chừng nó không còn đáp ứng đủ với những đòi hỏi của thực tế nữa, một thực tế ngày càng tỏ ra phức tạp gấp bội. Thực vậy, thực trạng phát triển cực kỳ phong phú của bộ môn tiểu thuyết ngày nay dường như đã vượt qua cái giới hạn thể loại quá ít ỏi (khoảng 10 khuynh hướng) đã được giới phê bình gia thế kỷ 18 và 19 ở Tây phương định đặt sẵn. Chắc chắn với một số khuynh hướng có hạn mà lại được xem như những khuôn mẫu cố định như vậy người ta khó lòng phân biệt được những nét đặc sắc, những điểm khác biệt, những sắc thái riêng, những cá tính độc đáo của một số lượng tác giả và tác phẩm quá nhiều. Bởi vì một khi số lượng tác giả gia tăng tất nhiên số lượng tác phẩm cũng gia tăng theo mà hễ số lượng tác phẩm càng nhiều thì những tính chất những sắc thái những đặc điểm của tác phẩm cũng biến hóa theo để cuối cùng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Đối với một thực trạng tiểu thuyết phong phú và phức tạp như vậy mà chỉ dùng vỏn vẹn có một số ít khuynh hướng kiểu mẫu cố định để mong gói trọn ý nghĩa và giá trị của chúng thì quả thực đó là một việc làm quá dễ dãi và tỏ ra cố tình giản dị hóa sự việc một cách thái quá.
Nói tóm lại những khuynh hướng hay còn gọi là loại văn đã được ấn định sẵn và được áp dụng đúng trong những thế kỷ trước là vì chúng tỏ ra thích ứng với tình trạng sinh hoạt tiểu thuyết còn phôi thai hoặc còn chậm phát triển của những thế kỷ đó; còn riêng đối với tình trạng phát triển mạnh mẽ như hiện tại thì chắc chắn chừng đó khuynh hướng vẫn chưa đủ để phân định những ranh giới cần thiết dùng để phân biệt một tác giả với một tác giả hay phân biệt được những tác phẩm này với những tác phẩm khác. Trong trường hợp hiện tại những khuynh hướng này có ý nghĩa quá rộng rãi nếu đem áp dụng để tìm cách xác định tính chất và thể loại của bất kỳ một cuốn tiểu thuyết nào. Nói cách khác có một số khuynh hướng rất gần gũi nhau khiến khó lòng dùng chúng được, chẳng hạn làm thế nào để phân định hai loại tiểu thuyết, Tả chân hay Hiện thực Xã hội, tiểu thuyết Luận đề và Luân lý tiểu thuyết Phong tục và Xã hội tiểu thuyết, Tâm lý và Tình cảm v.v…Ngoài ra còn trường hợp có những cuốn tiểu thuyết kết hợp lung tung cả những khuynh hướng đó thì làm sao giải quyết ? Hoặc có tác phẩm không nêu lên được một khuynh hướng nào trổi bật cả hay tỏ ra không chịu ép mình tuân theo những khuôn mẫu về khuynh hướng đã vạch sẵn thì sao ? Những vấn nạn này rút cục có thể thu về hai điểm chính sau đây: Một là trong tình trạng hiện tại có thể có nhiều tác phẩm không tìm thấy được cái khuynh hướng thích hợp vừa vặn với mình trong những cái khung đã có sẵn như trường hợp lọai tiểu thuyết mới của Huỳnh Phan Anh hay Nguyễn Quốc Trụ hay trường hợp loại tiểu thuyết có pha trộn đủ màu sắc triết lý khoa học lẫn chính trị của Nguyễn Mạnh Côn. Hai là nếu có tìm được cho mình một khuynh hướng nào đó thì ngay cái khuynh hướng này cũng dường như chưa nói hết được bản sắc độc đáo của tác phẩm, chưa nêu lên được cái giá trị tiêu biểu đặc sắc của mỗi tác giả, không giúp ích cho người ta phân biệt được giá trị chính của các tác phẩm và tác giả mà đôi khi còn gây nên những nhầm lẫn tai hại thí dụ giữa những loại tiểu thuyết cùng có thể gọi là thuộc về khuynh hướng tình cảm của một Võ Hồng và một Ngọc Linh, loại tâm lý của một Võ Phiến và một Túy Hồng, loại luân lý của một Vũ Hạnh và một Lê Tất Điều. Trước những khó khăn nan giải này có lẽ người ta nên xét lại cái phạm vi ý nghĩa quá bao quát của những loại khuynh hướng này.
Ngoài ra còn có một khuyết điểm rất quan trọng nữa, về mặt văn học sữ, của lối phân chia theo loại văn, lối phân chia cố định và cứng nhắc này vô tình đã làm mất đi tính chất sống động cần thiết của một dòng văn học sử quốc gia luôn luôn biến chuyển liên tục, linh động và sống thức. Thực vậy, dòng văn học sử chúng ta, cũng như mọi dòng văn học sử của những quốc gia khác, trong quá khứ đã luôn luôn có những nổ lực vận động để tiến tới hướng về tương lai với những cố gắng liên tục để mỗi ngày mỗi đổi khác mỗi ngày mỗi mới hơn. Đó là lí do giải thích sự kiện những cuộc vận động những trào lưu đổi thay, những vụ bút chíên, những cuộc thoát xác, những hình thức bíên thái, những tranh đấu cách mạng, những đòi hỏi tiến bộ đã không ngớt xãy ra trên mảnh đất văn học của dân tộc chúng ta trong vòng 20 năm gần đây: luồng gió mới Sáng Tạo; chủ trương đem chính trị vào văn chương của các nhóm Quan Điểm và Chỉ Đạo, vụ án Nhất Linh, cuộc hồi sinh của thể văn phóng sự qua ngòi bút Hoàng Hải Thủy (để rồi sau này biến thành loại văn viết "phim" đã từng một thời thịnh hành trên nhật báo) sự xâm lăng ồ ạt của trào lưu triết lý hiện sinh, những "xì căng đan văn nghệ" (!) qua những hoạt động của một Thế Phong, phong trào xã hội cấp tiến phát xuất từ các ảnh hưởng tôn giáo (cả Phật giáo lẫn Thiên Chúa giáo), sự tràn ngập của các loại sách dịch và truyện chưởng trên thị trường chữ nghĩa, cuộc tranh luận gay gắt về "Dấn thân và Viễn mơ"…
Với những biến chuyển lớn và nhỏ, mạnh hay yếu, đôi khi nhiều ít tùy theo hoàn cảnh và thời thế đó, riêng loại văn tiểu thuyết cũng chịu nhiều ảnh hưởng nghĩa là tiểu thuyết chúng ta trong 20 năm qua cũng đã có rất nhiều thay đổi, những hình thức biến thái hay lột xác, về mọi phương diện bút pháp, tư tưởng, kết cấu, thể tài v.v…Nói tóm tắt là ngày nay nhữngn khuynh hướng tiểu thuyết đã không còn giống như trước kia nữa. Vậy mà trên thực tế khi nghiên cứu người ta cũng chỉ có quanh quẩn lui tới chừng ấy khuynh hướng không hơn không kém khiến người ta dễ có cảm tưởng rằng thời nào lúc nào nhà văn ta cũng chỉ có chừng đó chuyện để xào đi xào lại hoài. Thời Tiền Chiến có mấy khuynh hướng thì thời Hiện Đại cũng chỉ lập lại từng đó mà thôi chứ không thấy có gì khác lạ cả.
Tóm lại quan niệm dùng những loại văn tức là những khuynh hướng theo nghĩa rộng để phân chia và sắp loại tiểu thuyết cùng lắm là chỉ có thể dùng để nghiên cứu và phê bình từng tác giả một mà thôi, tuyệt đối không thể áp dụng được trong ngành nghiên cứu Văn học sử. Bởi vì nếu làm như vậy tất nhiên người ta vô tình đã làm một việc mâu thuẫn với chính ý nghĩa đích thực của công việc nghiên cứu mà họ đang theo đuổi tức là đã bỏ quên và đánh mất tính chất sống động trường cửu của bất cứ dòng văn học sử nào. Đấy mới chính là mục đích chính yếu nhất của mọi công trình nghiên cứu loại này: Văn học sử trình bầy lại cho thấy, một cách đầy đủ và chính xác, nếp sinh hoạt vận động và sống thực về mặt văn học của một quốc gia, từ đó cũng là đồng thời khám phá và mô tả cho thấy cái tiềm năng sáng tác, cái sinh lực sáng tạo về đường tinh thần của một dân tộc. Mà chính cái nếp sinh hoạt văn học đó là cái gì phản ảnh cuộc sống xã hội củ quốc gia đó cũng như chính cái tiềm năng và sinh lực sáng tạo kia cũng là cái gì đã góp phần biểu dương lên được sức mạnh tinh thần, sức sống của dân tộc đó vậy.
______
(1) Vũ Ngọc Phan: Nhà Văn Hiện Đại, quyển 4 tập hạ, xb Vĩnh Thịnh, Hà nội 1951, trang 248.
(2)Nói về các khuynh hướng tiểu thuyết, Vũ Ngọc Phan gọi là những “ Loại tiểu thuyết” và lúc đần ông chia làm 8 loại ( quyển 1- Lời Nói Đầu ) nhưng về sau khi áp dụng thực sự vào sách thì ông lại thêm vào 2 loại khác nữa ( quyển IV và V), tổng cộng là “10 loại” tiểu thuyết tất cả. ( CHK)
(3) Ví dụ trường hợp Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ có truyện đăng trên Vấn Đề, Văn lẫn Bách Khoa và cả trên Trình bày, Đối Diện nữa.
(Chú thích của TQBT: Nhà văn THT không hề viết cho Đối Diện. Xin nói lại cho đúng).


(Trích lại từ www.damau.org)

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Thơ Trần Hoài Thư

Cuối năm bên dòng Hudson


Trở lại dòng sông này mấy bận
Bên kia thành phố đã lên đèn
Cơn mưa nhoà nhạt hoàng hôn lạnh
Chiều cuối năm trời mau tối thêm

Mưa phủ trường giang không thấy bến

Nơi này, nơi ấy như hôm qua
Con sông vẫn một vùng sương khói
Vẫn buồn theo lau lách bờ xa

Sông vẫn hắt hiu con phà đậu
Vẫn bầy chim biển tiễn chiều đi
Sao sông không thấy con đò cũ
Chở người về bên nớ bên ni

Sông vẫn mênh mông và mênh mông
Đây là đâu hay dòng sông Hương
Thèm ơi, một chuyến phà năm cũ
Một chuyến phà chở hết quê hương

Thèm ơi một chuyến phà Thừa Phủ

Chở những người áo trắng qua sông
Có bao cô gái qua Đồng khánh
Để tôi còn đốt thuốc chờ mong

Thèm ơi bếp lửa đêm trừ tịch
Chiều cuối năm rồi, anh nhớ em
Nhà em bên ấy giòng sông nhỏ
Bông cải mùa xuân vàng rộ sân

ừ nhỉ, cuối năm nơi đất lạ
Mưa mênh mông và sông mênh mông
ừ nhỉ, hình như lòng rướm lạnh
Tiếng còi phà u uẩn hoàng hôn


Tiếng còi phà đã dục từ lâu
Phà ơi, phà ơi cho ta một góc
Ta sẽ đứng yên như người Từ Thức
Và cô đơn như cùng tận cô đơn
Như một người không có quê hương

TRẦN HOÀI THƯ
(Ô cửa)

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

CHIA BUỒN


ĐƯỢC TIN HIỀN THÊ CỦA NHÀ THƠ VÕ QUÊ
ĐÃ QUA ĐỜI TẠI HUẾ

XIN THÀNH TÂM CHIA BUỒN CÙNG GIA ĐÌNH


viêm tịnh - phạm tấn hầu - nguyễn miên thảo - từ hoài tấn
văn viết lộc - trần dzạ lữ - trần hữu dũng - vũ trọng quang

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

HỒI ỨC MỘT NGƯỜI

Gởi về thành phố ấy những năm tháng có một người và niềm cô độc
Năm 1968
Từ giã Đập Đá
Ngày hai buổi đi về trên chiếc xe đạp cũ
Có các chị lớn cùng chung sống dưới một mái nhà
Chị Hương mười ba tuổi nhổ giò cao như một cô gái
Và cậu Nghị mỗi tuần từ Quảng Trị về vào chiều thứ bảy
Bữa cơm cuối ngày sảng khoái tiếng cười vui
Từ giã Đập Đá
Ngày mùng hai Tết năm ấy băng qua dưới làn đạn mù
Tờ khai gia đình bảy người trong khu Kiểu Mẫu
Sống qua hết một tháng đau thương và loạn lạc
Từ giã Đập Đá
Những ngày đi học thơ mộng dưới mái trường phía Hữu Ngạn
Uống cà phê và ăn xôi thịt hon ở Bưu Điện
Đi dạo trong chiều xám mùa thu cố đô
Tưởng tượng những người yêu nhau tay trong tay tình tứ

Gởi về thành phố ấy năm tháng dài quần xanh áo trắng
Con sông trầm lặng âm ỉ những lớp sóng ngầm
Bao nhiêu người lớn lên và đã ra đi tìm chân trời khác
Những người ở lại chìm đắm trong quá khứ
Ngày từng ngày vẫn nhịp lăn không hề thay đổi
Một vẻ đẹp của sự cam chịu

Gởi về thành phố ấy cả những kỷ niệm đầu đời
Không thể quên lãng
Tình yêu tuổi mười ba
Những vần thơ lục bát tỏ tình viết vào trang lưu bút

Từ giã Đập Đá ngày xưa và thành phố ấy
Như từ giã tuổi trẻ tôi

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Thơ Từ Hoài Tấn

CÀ PHÊ SÁNG


Buổi sáng ngồi đung đưa trên cốc
Một hai ba bốn
Sài Gòn không có mùa
Hôm nay trời bỗng dưng đẹp
Mười giờ ba mươi trốn việc xách xe ra ngồi tụ
trần hữu dũng và vũ trọng quang thường trực
Ngày nào cũng họp với chiếc bàn nhựa sù sì
Ngày nào cũng hội với mấy cái ly lanh canh
Anh em có khi ở nước ngoài về có khi trên cao nguyên xuống
Và đôi lúc ở miền Tây lên
Trò chuyện với thời tiết thế sự
Có khi vui và cũng có khi buồn
Ở đây một vài người đã mất đi
Và một vài người chỉ ghé qua một lần
Chỉ còn những chiếc ghế nhớ hơi hướm cũ và những người còn lại đôi khi nhắc về
Những buổi cà phê sáng

Sài Gòn không có mùa
Nhưng hỡi bạn ta hãy tưởng tượng
Trong mỗi ngày gặp nhau nơi đây
Là mùa xuân của tuổi



Ngày đẹp trời

sáng nay
trong nắng xanh
mùa thu còn vướng lại chút tàn hương
bằng làn gió nhẹ
bằng tiếng lá nhẹ nhàng thoang thoàng rơi xuống
bằng ly trà ấm đầu ngày
bằng tiếng chào vui một buổi sớm mai đẹp

em ngồi đó
hãy im lặng
và nghe
tiếng thở dài mùa thu chia tay
qua
và qua đi
những ngày mưa miên man trầm cảm

sáng nay
đừng nói gì nhé
khi gặp nhau
hãy cứ để mùa màng đang tới
là mùa gì
thì vẫn có hai ta
chiều hôm sớm tối

TỪ HOÀI TẤN