Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

Võ Công Liêm : PAUL ELUARD - NHÀ THƠ KHÁT VỌNG

     Xưa nay chúng ta chỉ biết Eluard là nhà thơ trữ tình, một nhà thơ siêu thực của Pháp; ông là một trong những thi sĩ đương đại thời bây giờ, bên cạnh những giòng thơ lai láng đó ông tiếp nhận một biến thiên xã hội, đẩy ông vào một trạng huống bức xúc, chôn vùi hoài bão mộng mơ của nhà thơ, nhưng không phải tất cả tác phẩm của Eluard dễ cho ta tiếp cận lối vào con đường thi tứ của ông. Có chăng chỉ là cảm nhận đơn phương hoặc một vài khiá cạnh khác trong thơ Eluard. Thấy ở đó những lời thơ mộng mị, những trau chuốt nhẹ nhàng trong thơ của ông chứ không thể thấy những uẩn khúc, tiềm ẩn trong đó hay có thể đây là một lối biến thể, một phá cách mới của nhà thơ(?). Mà lâu nay chúng  ta có một ý niệm nhầm lẫn cho Eluard; nhờ những luận cứ trong ’siêu thực’của ông mà nẩy sinh  ở giai đoạn cuối với những câu thơ bất hủ và được xem như văn thơ hàn lâm dành cho học đường ngày hôm nay.
Thi ca của Paul Eluard chứa đựng một chất liệu năng nổ và sáng tạo, được chia ra làm hai hoàn cảnh khác nhau: những tác phẩm của ông người ta khám phá được đặc chất của trường phái đa-đa (dadanist) và trường phái siêu thực (surrealist), hai thứ nêu trên hoà nhập vào nhau ở những năm 1919-1938 và hầu như chứa đựng truyền thống chất hiện đại và hậu-siêu-thực, tiếp nối sau 1938-1952. Thời kỳ cuối cùng của Eluard là thời kỳ xót xa với tình yêu và cạnh đó lại vướng vào con đường chính trị cao độ đưa ông vào một tâm thần bất ổn, choán phá một tư duy khát vọng của thi nhân. Thật như thế! Tập thơ đầy kinh ngạc và kỳ diệu ’Last Love Poems / Derniers poèmes d’amour’. Đó là những Tình Thơ Sau Cùng được sáng tác trong những năm 1946-1951, cho chúng ta một ý tưởng mới, một kỹ thuật điêu luyện, tài tình của một nhà thơ dày dạn, giàu kinh nghiệm, đem lại cho chúng ta một khả năng tham dự vào vũ trụ thi ca và hiểu được phần nào  tại sao Paul Eluard* nắm được niềm tin yêu của ông khắp toàn cầu.

Thơ là cõi phi, không thể định nghĩa, không thể giải bày; nó nằm trong dạng thức siêu nhiên, nó đầy đủ nhân tố để phát nguồn từ tâm thức, nó lay chuyển tư duy, nó khuấy động trí năng để từ đó thơ trở thành huyền nhiệm của thi ca, một đam mê ma túy thơ và rồi thơ biến thái qua nhiều ngôn từ, qua nhiều trường phái, tất cả nằm trong qui trình của thơ. Chẳng mấy ai có thề biết được tôi / Tốt hơn người biết lấy tôi(thơ).  On ne peut me connaitre/ Mieux que tu me connais (trong Poeme 1935-36) Và từ đó thơ trở thành một thứ ngôn ngữ của tiếng hát, một thứ ngôn ngữ được chấp nạp với hoài vọng, dù cho trong khi đó có một ít tuyệt vọng.”Language that sings, language charged with hope even when it is desperate” (trong Eluard, ’Oeuveres complètes’). Lời lẽ đó chính là lời yêu cầu tha thiết của Paul Eluard mà ông đã trút vào đó những lời ca vang vọng trong tập Tình Thơ Sau Cùng. Đối với Eluard, thi ca có thể là tiếng nói của nhân loại: ”con người, kĩ nữ, con chim cô độc”. Vậy thì ai đã mở màn những trang thơ tình như thế? Hay đã có trong tay chúng ta! Tiếng hát của thơ sản sinh ra thế giới. Tiếng nói của nhà thơ không thể dập tắt, vì đó là cột trụ chung cho những người viết và làm thơ. Để đồng lòng với Eluard; thi ca luôn luôn là: ”kẻ chuyên chở một tri thức uyên thâm mẫn cán, một mầm mống bản năng thiên bẩm, một lòng trắc ẩn trong nhu cầu của đời sống” (the bearer of a profound intelligence, of reason rooted in instinct, in sensitivity, in the need to live).(trong Oeuvres complètes/ Complete work). Nếu nhà thơ van xin cái chết thì đó là lối thoát cho họ ra khỏi cái đau đớn, ra khỏi hiểm nguy trong thực tại đang sống.
Tình yêu được soi rọi trong những vần thơ sau nầy của Eluard là những thể thơ khó hiểu trong lúc thi sĩ phải đối đầu với những bi kịch cá nhân, sau thế chiến II (1946) mà phải dựa qua ngôn ngữ thi ca để kiếm sống. Thơ của Eluard chứa ’nhạc ngữ’ nhiều hơn, mỗi bài thơ có ý nhạc đi theo nhưng cũng có những bài thơ mang theo nỗi buồn, nỗi đau đó như đôi chân trần vượt qua lằn biên của ngôn từ, như diễn từ kêu gọi, mà mỗi lần được trút ra từ uất nghẹn tận đáy lòng, hiện diện của thi nhân là tiếng thơ nhưng không là tiếng nói giản đơn của một cá nhân, ở đây là tiếng nói của con người đang đứng trước cảnh ngộ đau thương và được coi như sự đè nén, ép buộc trong những vần thơ bi thảm cổ lỗ sĩ -ancient tragic verse- Paul Eluard tìm thấy tình yêu một lần nữa trong đời ông. Eluard chuyên chở đến chúng ta những cảm thức vững vàng và thích đáng ở một tấm lòng đầy ngạc nhiên và kỳ diệu.
Trong  4 tập thơ sau cùng đều nói lên cá tính của con người đối diện với bi thảm :
 Eluard sống êm đềm hạnh phúc bên vợ (Nusch), tưởng đời đối đãi cho họ cuộc tình thơ mộng, nhưng không bao lâu vợ chết đột ngột, một cái ’sốch’ và nỗi đau đến với ông, Eluard rơi vào tuyệt vọng như rơi vào lò luyện ngục. Paul Eluard phục hồi cuộc đời qua tình bạn và tình yêu. Eluard tái sinh đời mình bằng một cuộc hôn nhân mới (Dominique). Một kiểu thức lãng mạn cổ điển, thể hiện dưới cái nhìn chân phúc đi từ nỗi đau vô biên để rồi được cứu nguy trong một sức mạnh không cùng. Nhưng kiểu thức đó không phải là định mệnh mà chính Eluard muốn điều đó với lòng dục vọng để làm mới cuộc đời đang sống. Trong lúc ấy; ông không tìm thấy nỗi đau khổ và cô đơn vây quanh đời ông. Eluard chấm dứt tất cả để bắt đầu trở lại với ’đôi mắt tinh tường’ hơn sau những lần chạm trán với đời cũng như chạm trán với tình yêu.
Paul Eluard tin thơ có nhiều dấu hiệu của niềm tin, những bài thơ như thánh ca ở nơi thờ phượng, thơ còn là hoài niệm, thơ là những kỷ niệm khó quên về những tàn phá của chiến tranh. Giống như Blake trong ’Lời  Ca Vô Tội / Songs of Innocence’ Eluard có những bài thơ tương tợ trong ’Niềm Khao Khát Vững Lòng Chịu Đựng / The Firm Desire to Endure’ chứa đựng cả một sự đánh đổi và triệu chứng mà thế giới đã trải qua sự tàn phá và hủy hoại. đó là nguyên nhân của cuộc chiến thế giới II.
Dù cho tiếng hát của Eluard đơn thuần vang vọng vẫn không bao giờ là tiếng hát u hoài trong quần chúng mà ngược lại ngời sáng. ’firm desire to endure/ le dur désir de durer’ âu cũng là điều khó đạt được qua sự chịu đựng; bởi nó quá khó để duy trì niềm hy vọng giữa lúc nầy trong khi quá nhiều những hủy hoại.
Vì vậy Eluard muốn một điều; thơ của mình được mọi người nghe, hát, vẽ, múa, và được thưởng thức một cách cực độ đến với độc giả khắp nơi.

Những giòng thơ của Eluard sau nầy là một tiếp cận gần gũi với độc giả. Thơ của ông không quay về như những lần trước đây với thể thức tôn thờ hay thần tượng hóa, nhưng ngày nay Paul Eluard  làm một dáng thơ có tình nghĩa với độc giả. Mục đích chính là thơ tình, một loại thơ gần như truyền thông, một sứ điệp hòa bình, một cảm xúc chung, một cảm nhận và niềm hân hoan xuyên qua một tri thức nhạc điệu. Eluard thường xử dụng  ngôn từ ’mình trần / nu / naked’ trong thơ của ông -giống như thể xác của người yêu- đó là thứ ngôn ngữ riêng của nhà thơ, cái bình thường giản đơn như tự có ’simplifies itself’- một cái trơn tru, trần trụi của chất thơ. Eluard thường dựa vào ngữ pháp trong thơ , một cách thông thường. Do đó chúng ta không bối rối bởi những ngôn từ trong thơ của ông, tuy nhiên; xuyên qua những vần thơ hổn hợp vẫn cho chúng ta một cảm giác thoải mái, lời thơ tợ như phản phất một ít thần chú, hiện hình hóa thân (incantatory). Andre Gide có lần nhấn mạnh như sau:
”Có thần chú trong thơ của Eluard là một cái gì đạt được độc quyền và trong một cái gì đó mặc dầu vẫn đầy đủ nghĩa lý của ngôn từ... Eluard chỉ giữ lại cái năng lực thần thông đó...” (Incantation in the poems of Eluard is obtained exclusive of and in spite of the meaning of words…Eluard retains only their incantatory power…)
Nghệ thuật thi ca của Eluard trong sáng rõ ràng và thanh thoát với hồn người là thể chất liên kết trong một đức tính của thi ca và xã hội. Eluard cho ra tập thơ đầu tay với tựa đề “Bầy Súc Vật và Đám Chủ của Chúng / The Animals and Their Men” (1920) được xem như những lời thơ chân tình cùng sự trở về của những nhà thơ, một chuyển thể của ngôn ngữ thơ, một phản ảnh trung thực chất liệu thơ, một trao đổi giữa nhà thơ với nhà thơ. Đó là mục tiêu của Eluard, biết xử dụng ngôn ngữ để trao đổi và dung hoà với quần chúng. Một lợi điểm khá tốt đẹp cho Paul Eluard.
Trong bài nhận định Eluard đã lấy câu châm ngôn của Lautréamont mà lập lại rằng: “Thi ca phải làm nên tất cả. Không riêng một ai” (Poetry must be made by all. Not by one). Cách mạng về thi ca là những gì đến với chúng ta và chia sẻ cùng chúng ta trong một ngôn ngữ thế giới, Đối với Eluard thơ không thực chất, không xác thịt, không huyết lệ, nó chỉ đến trong giây phút tương giao nào đó; mỗi khi giữa độc giả và nhà thơ có cùng một trạng thái tương đồng với nhau trong cuộc sống.
Suy tư của Eluard không bao giờ tìm thấy cái biến dạng ngôn ngữ trong thơ của ông, kể cả thời gian đầu với trường phái ĐaĐa và Siêu thực là những tác phẩm chỉ nói lên những gì kinh nghiệm về thiên nhiên và về sau ít nói đến trong tập thơ “Những Bài Tình Cuối / Last Love Poems”. Những tình thơ được cô đọng trong sự nghiệp của Eluard, tất cả là kết quả làm thành thơ, một thể thơ tiến bộ, chiếm lĩnh suốt ba mươi năm. Hoàn cảnh lịch sử là một kinh nghiệm lâu dài và bền bỉ của thơ và củng cố  một điạ vị lớn lao trong thơ của Eluard, một ủy nhiệm về thi ca, đó là điều có thể bưng bít phần nào thể thơ siêu thực của ông trước đây.
Năm 1919 Eluard bắt đầu hợp tác với André Breton, Louis Aragon va Phillipe Soupault để cùng nhau hoạch định đường lối chủ thuyết đa-đa, làm việc chung với nhà thơ Lỗ Ma Ni Tristan Tzara bắt đầu đưa phong trào đa-đa đến Zurich (Đức) 1916.  Tzara và chủ nghĩa đa-đa thực sự bùng dậy và bỏ rơi chủ nghĩa siêu thực vào năm 1922. Eluard tiếp tục hoạt động với nhóm siêu thực; ông là một trong những người hăng hái và ảnh hưởng trường phái nầy cùng một số thành viên cho mãi đến 1938. Có thể là tình thân hữu và bè bạn đám văn nhân mà Eluard còn tiếp nối với trường phái siêu thực, tha thiết đó đã đi vào thơ của Eluard. Tình bạn đã in sâu vào lòng Eluard như Réne Char, Max Ernst và Picasso  cho đến những ngày cuối đời.
Với lối viết máy móc nhanh nhẹn, trường phái siêu thực động viên Eluard qua thể cách chất liệu lỏng (fluidity of style) phương cách đó đưa đến động tác thanh thản của người mộng du. Đối với Eluard coi như đây là bạn đồng hành; siêu thực có nghĩa là khám phá những gì chưa biết tới, quật khởi (to mine) cái vô thức và cái thế giới mộng mơ. Eluard cho đây là nguồn gốc mới và được dùng để xây lên một ngôn ngữ đầy tính cách thẩm mỹ, một thứ ngôn ngữ đi tới cái tận cùng tự nó nếu cái đẹp đó chạm đến con người.
Eluard không mấy hài lòng để tiếp tục dựa lưng vào ‘bức tường ảo vọng’ trong thơ của ông. Siêu thực là một thể thức hiện đại, có nghĩa một biểu thị tư tưởng trong thơ của Eluard ngày hôm nay, ông đã tạo cho minh con đường để đi, rèn luyện để có những lời thơ khác người trong phong cách vừa hiện sinh vừa siêu thực. Qua những tác phẩm của Paul Eluard được các nhà phê bình đánh giá cao, khởi từ năm 1936 tên tuổi của ông được ghi nhận khắp Âu châu và mọi nơi; từ đó thơ văn được coi là tiếng nói của lương tâm và phổ thông với quần chúng, nó không còn là cõi riêng của những người viết văn hay làm thơ, liên hợp những khuynh hướng chính trị và cuộc đời ‘vượt thoát ngoài kia’ với những giòng thơ tình trong một ngôn ngữ ‘hồ lốn’ amalgam mới mẻ hơn. Mà có lần Eluard nói ở Handrail vào năm 1936; lời thơ của ông thu hút mãnh liệt vì bên trong nó có một cái gì để làm nên:’Này đây/hởi mọi người đoàn kết lại’ attentive/to the people whom he reunites (trong Oeuvres compl).
Cùng năm đó Eluard quyết định từ bỏ ‘siêu thực’, đoạn tuyệt người bạn André Breton và bên cạnh đó ông giả từ những gì không cần thiết đối với ông lúc nầy. Paul Eluard bị một sức ép mãnh liệt, ném ông đến gần với đảng Cộng Sản 1926 và rồi cách ly mọi lý thuyết 1930, qua năm 1940 ông là đảng viên đảng Cộng Sản. Trong một bài thơ Eluard dùng chữ ‘người/hommes/men’ ý rằng ‘người’ là ‘nhân dân’.Tư tưởng Cộng Sản đã phản ảnh ít nhiều trong tập ‘Những Bài Thơ Tình Cuối/Last Love Poems’ một tư duy trong sáng và hàm chứa qua những lời thơ tha thiết như một khát vọng mà Eluard mong muốn từ lâu.

                          Thi Ca Không Gián Đoạn / Uninterrupted Poetry
Trong cuốn: ‘Le prière d’insérer de Poésie Ininterrompue’ có nói rằng: tập thơ Uninterrupted Poetry chứa đựng cả tinh hoa quan trọng của nhà thơ Eluard; chắc chắn ở đó chúng ta có một xác quyết rõ ràng cho một điều gì nghịch lý, bởi vì có một sự chuẩn mực có thể cho chúng ta tìm thấy. Thí dụ; thơ Eluard có nhiều ý tưởng quan trọng hơn ý tưởng tự do? Nhưng nếu thơ là vấn đề để lãnh hội và cảm nhận là quan trọng trong cảm thức định lượng, thì chúng ta có thể nói có ảnh hưởng hay hậu quả gì đó ‘consequence’; thế thì đó là sự thực cho bài thơ mà hầu hết bảy trăm thể thơ là có một cái gì khác thường trong những tác phẩm của Paule Eluard và chính cái sự cớ đó Eluard bắt tay vào năm 1946, một liều lĩnh thử nghiệm trong việc đương đầu với một thời buổi hiện đại hóa. Eluard thành công! như vậy không có gì để bao che cho một mẫu thức của cái gọi là importance của tám-dòng-thơ trong ‘Couvre-Feu in Poésie et Verité’ 1942 và cho tất cả những gì chú ý tới sự tiến trình của một tinh thần tự do; ở đây chưa bao giờ tự do cho Eluard. Điều nầy vẫn còn nằm dưới đáy tuyệt vọng của đo lường về sự quan trọng của tập thơ mà điều đó chưa đánh giá hay thẩm định cụ thể.
Thi ca là ngôn ngữ và chính lý do nầy không phải là cần thiết cho một nhà thơ hơn là  khởi đầu cho một ngôn ngữ; không ai biện chứng để có thể tin phục một cách sâu xa như Eluard trong thời gian bắt đầu cuộc chiến. Trong một góc độ nào đó, dữ kiện nầy sẽ đạt tới, ngày mai sau cuộc chiến; thì cái gì cho một họa sĩ gọi tên cho họa phẩm ‘la grande composition’(?); có thể coi đây như dấu hiệu đã giải quyết xong sự khó, một thông điệp cho một trạng huống của tư tưởng thi ca mà điều đó không bao giờ nhượng bộ một cách dễ dàng hoặc một thích nghi thỏa đáng cho chính nó.  

Tóm lại; hơn nữa thế kỷ qua, sau cái chết của Paul Eluard, bây giờ chúng ta đã thấy những gì ‘siêu thực’ là những gì hoàn toàn không có đổi mới hay sửa sang đường lối siêu thực cả, nhưng không phải vì thế mà làm mất giá trị tuyệt hảo nguồn thơ của Eluard; đó là con đường sáng cho ông, một giao thông giữa người và đời.
Eluard là một nhà thơ tình, một nhà thơ mơ mộng, một khát vọng ấp ủ, tất cả cô đọng trong một tâm hồn vượt thoát của đời ông qua những đấu tranh đòi bình đẳng, thù ghét chiến tranh phá hủy nguồn sống của con người, Eluard đứng bên cạnh những kẻ khốn cùng, chống lại xã hội bất công, hoạt cảnh đó xâm chiếm Paul Eluard qua tình thơ. Đó là đam mê của ông để sáng tạo ra một ngôn ngữ đại đồng. Eluard dàn trải để chia sẻ. Không còn thân tình với Breton nhưng ông nhất trí với Pablo Neruda, kẽ đồng hành. Neruda ngưỡng mộ và khâm phục Eluard coi ông như một ‘cảm xúc trong sáng’ của nhà thơ vĩ đại.
Bên trong con người của Eluard chúng ta tìm thấy giòng thơ bất tận, một cái gì của ‘firm desire to endure’ một ước ao chắc nịch với lòng kiên nhẫn. Tuy nhiên; lời nhắc nhở với chúng ta: ’ngôn ngữ chấp nạp niềm tin và hy vọng dù trong lúc đó có một ít tuyệt vọng’. Dẫu gì Paul Eluard vẫn là nhà thơ đương đại nhất của chúng ta hôm nay và mai sau. Khát vọng đó trở thành hiện thực cho thi sĩ thiết tha với tình người.
                                                                  *
                                 Đơn Cử Vài Ba  Bài Thơ của Paul Eluard

CƯỜI ĐỘC

Tranh nhau một nụ cười
Như đêm sao mọc trên trời
Một nụ cười cho nhau

Mắt cười thích thú xanh xao
Dựa vào khối bóng đêm đen
Ngọn lửa bừng lên trong mắt tôi

Tôi đã thấy xuyên qua điều muốn biết
Đêm lắng sâu ngày tái tạo
chẳng thay lòng đổi dạ chúng tôi.(1)

UN SEUL SOURIRE

Un seul sourire disputait
Chaque étoile à la nuit montante
Un seul sourire pour nous deux

Et l’azur en tes yeux ravis
Contre la masse de la nuit
Trouvait sa flamme dans mes yeux

J’ai vu par besoin de savoir
La haute nuit créer le jour
Sans que nous changions d’apparence.

BÊN NGOÀI

Đêm . lạnh . hoang vu độc chiếc
Coi chừng giá buốt khóa chân tôi
Nhưng cành nhánh rì rào tìm đường chỉ lối thoát ngục tù
Quanh  tôi cỏ cây dựng cảnh không gian
Then cài cửa đóng cả bầu trời
Tù ngục tôi sụp đổ
Sống lạnh . đốt lạnh .có tôi. ấm đôi tay.(2)

FROM The OUTSIDE

The night the cold the solitude
Carefully they locked me in
But the branches sought their way in the prison
About me grass found sky
They bolted out the sky
My prison crumbled
The living cold the burning cold had me well in hand (1942)

NGƯỜI TÌNH TÔI Hay TÌNH NGƯỜI ĐÀN BÀ

Nàng đứng trong mí mắt tôi
Và tóc nàng là của phần tôi
Nàng dáng vẻ xinh xắn trong tay tôi
Nàng là muôn sắc trong mắt tôi
Nàng là chìm đắm trong bóng hình tôi
Tợ như phiến đá dựa lưng trời
Đôi mắt nàng mở rộng
Nàng không cho tôi ngủ
Giấc mơ nàng tỏa rộng sáng như ngày
Trời xanh quen thói phì hơi nước
Làm tôi nực cười, cười rủ rượi cười
Và nói không thành lời.(3)

L’AMOUREUSE

Elle est debout sur mes paupières
Et ses cheveux sont dans les miens
Elle a la forme de mes mains
Elle a la couleur de mes yeux
Elle s’engloutit dans mon ombre
Comme une pierre sur le ciel
Elle a toujours les yeux ouverts
Et ne me laisse pas dormir
Ses rêves en pline lumière
Font s’évaporer les soleils
Me font rire, pleure et rire
Parler sans avoir rien à dire. (1924/1926)

VÕ CÔNG LIÊM  (ca.ab. cuối 6/2012)

*  Paul Eugène Éluard (1895-1952) sanh  tại Paris. Pháp quốc.Chết tại Charenton. Pháp quốc.

SÁCH ĐỌC :
- Uninterrupted Poetry by Paul Eluard. trans : Lloyd Alexander. New Directions Pub. Corp.NY.USA 1975.
- Le Dur Desir De Durer. by Stephen Spender. New Directions. 1950. USA 1977.
- Introduction Notes by L. Aragon  
- (1) (2) (3) Phỏng dịch bởi VCL.

Ngày làm việc cuối

Hôm nay vào Vp chuyển một số hồ sơ lưu lại công ty, kiểm tra hộp thư - mail của Toàn ở Mỹ, Liêm gởi bài về ...
10 giờ về ghé qua 58 ngồi cùng các bạn, có anh Khổng Đức ghé đưa bài viết về tranh Cù Nguyễn đang trưng bày ở Hội Mỹ thuật. Có Nguyễn Hòa VCV hỏi sao không thấy làm thơ ?
Sinh hoạt này sẽ thường nhật trong những ngày sắp tới.
Dù sao cũng đã "ra khỏi vòng cương tỏa", bắt đầu những tháng năm thư nhàn.
Chào 20 năm làm công chức - sáng vác ô đi tối vác về - và biết bao nhiêu vui buồn cùng năm tháng.

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

Trần Ngọc Bảo dịch - Thương yêu và Cam kết

Tình thương vô điều kiện

Một hôm khi tôi gần tròn mười ba tuổi cha tôi kéo tôi ra một chỗ và nói riêng với tôi một điều mà sau này sẽ thay đổi cả cuộc đời tôi. Lúc đó chỉ có hai cha con ngồi trên chiếc xe hơi cà tàng của ông đậu trên một con đường nhỏ trong một khu ngoại ô nghèo nàn của Luân Đôn. Cha xoay người về phía tôi và nói rằng: “Con à, dù con có làm bất cứ chuyện gì trong đời thì hãy nhớ rằng cánh cửa nhà ba luôn luôn mở rộng với con.”
Vào lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ. Tôi không hiểu rõ điều cha tôi muốn nói, nhưng tôi biết đó là một điều quan trọng, vì vậy tôi ghi nhớ câu nói ấy. Ba năm sau đó cha tôi qua đời.
Khi tôi trở thành một tu sĩ ở vùng đông bắc Thái Lan, tôi suy đi nghĩ lại những lời nói ấy của cha tôi. Nhà của chúng tôi dạo ấy là một căn hộ nhỏ do chính phủ trợ cấp trong một khu phố nghèo ở Luân Đôn – không phải là một căn nhà có cửa ra vào đàng hoàng để mở rộng. Nhưng tôi nhận ra rằng đó không phải là điều cha tôi muốn nói. Điều ẩn đằng sau câu nói ấy, giống như một viên ngọc quí bọc trong một mảnh vải, là cách diễn đạt tình thương rõ ràng nhất mà tôi từng được nghe: “Con à, dù con có làm bất cứ chuyện gì trong đời thì hãy nhớ rằng cánh cửa trái tim của ba luôn luôn mở ra với con.”
Cha tôi đang ban tặng cho tôi tình thương vô điều kiện. Không có một điều kiện ràng buộc nào kèm theo. Tôi là con trai của ba, thế là đủ. Tình thương đó rất đẹp. Rất thật. Cha tôi muốn nói như vậy.
Phải có can đảm và trí tuệ mới có thể nói những lời như thế với một người khác, để mở cửa trái tim của bạn cho người khác, mà không có từ “nếu”. Có người e ngại rằng nếu họ làm như vậy thì người khác sẽ lợi dụng, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, thì không có chuyện ấy. Khi bạn được một người trao tặng tình thương như thế thì giống như được tặng món quà quí giá nhất. Bạn sẽ trân quí nó, giữ gìn nó ở trong lòng để khỏi bị mất đi. Mặc dầu vào lúc ấy tôi chỉ hiểu được một phần lời nói của cha tôi, tôi không bao giờ dám làm tổn thương một người như thế. Nếu như bạn nói những lời như thế với một người thân, nói bằng tấm lòng chân thật, thì người ấy sẽ bước lên chứ không bao giờ bước xuống để tiếp nhận tình thương của bạn.

 
Mở cửa trái tim của bạn

Cách đây mấy thế kỷ, có bảy nhà sư sống trong một hang động trong rừng đâu đó ở châu Á. Họ đang thiền quán về tình thương vô điều kiện mà tôi đề cập trong câu chuyện vừa rồi. Các nhà sư gồm có một sư cả, người em trai của vị ấy, và người bạn thân nhất của sư. Người thứ tư là một người thường chống lại sư, một người rất khó gần gũi. Người thứ năm là một vị sư già, già đến độ có thể ra đi bất cứ lúc nào. Người thứ sáu là một người đang bị bệnh – nặng đến nỗi cũng có thể chết bất cứ lúc nào. Và người cuối cùng, người thứ bảy, là một người vô dụng. Khi ngồi thiền thì ông sư này ngáy, khi tụng kinh thì lại quên trước quên sau, nếu nhớ thì tụng lạc điệu. Sư mặc áo cũng không đúng cách. Nhưng những người khác cũng chịu đựng, và cám ơn sư vì nhờ sư mà họ tập được hạnh kham nhẫn.
Một hôm có một băng cướp phát hiện ra hang động. Nó rất xa xôi và kín đáo cho nên bọn cướp muốn dùng để làm nơi trú ẩn. Họ quyết định giết hết mấy vị sư. May thay, vị sư cả là một người có tài ăn nói. Sư thuyết phục được bọn họ - đừng hỏi tôi sư nói cách nào – bằng lòng để cho các sư ra đi, chỉ giết một người nhằm cảnh cáo những người khác đừng tiết lộ vị trí hang động. Sư không thể yêu cầu họ làm gì tốt hơn.
Họ cho sư cả ít phút để suy nghĩ và đưa ra quyết định ai sẽ là người hy sinh cho những người khác được tự do.
Khi tôi kể câu chuyện này cho thính chúng, tôi thường ngừng lại và đặt câu hỏi: “Theo bạn thì sư cả chọn người nào?” Những câu hỏi như thế làm cho những người đang buồn ngủ khỏi thiếp đi, còn người ngủ rồi phải tỉnh dậy. Tôi nhắc lại rằng có vị sư cả, người em sư, người bạn thân, người ghét sư, vị sư già, vị sư bị bệnh gần chết, vị sư vô dụng. Bạn nghĩ xem sư cả chọn ai.
Có người nêu ý kiến cho rằng sư chọn người ghét sư. Tôi nói, “Không phải.”
“Người em.”
“Sai.”
Vị sư vô dụng luôn luôn được thính chúng nhắc đến – chúng ta thật thiếu độ lượng biết bao! Sau khi đùa vui một chút tôi cho họ biết rằng sư cả không thể nào chọn ai.
Tình thương của sư dành cho người em cũng không hơn, không kém tình thương dành cho người bạn thân, cũng ngang với tình thương dành cho người ghét sư, cho vị sư già, vị sư bệnh, và cho cả vị sư vô dụng. Trong lòng sư đã chan hòa tình thương vô điều kiện. Lúc ấy sư cũng đang diễn đạt thông điệp: “Cánh cửa trái tim tôi luôn luôn mở ra với tất cả các bạn, dù các bạn làm gì, dù các bạn là ai.”
Cánh cửa trái tim của sư cả rộng mở cho tất cả mọi người, với một tình thương vô điều kiện, không phân biệt, tuôn chảy mênh mang. Và điều đáng chú ý là tình thương dành cho người khác cũng ngang với tình thương sư dành cho chính mình. Cánh cửa trái tim sư cũng rộng mở cho chính mình. Vì vậy sư không chọn ai được.
Tôi nhắc nhở những người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo trong số thính chúng rằng sách của họ có nói “hãy yêu thương người hàng xóm như yêu chính mình.” Không yêu mình nhiều hơn, mà cũng không ít hơn, yêu người ngang với yêu mình. Có nghĩa là yêu người như yêu mình, yêu mình như yêu người.
Tại sao hầu hết các thính giả của tôi đều nghĩ rằng sư cả nên chọn mình làm người bị giết? Tại sao trong nền văn hóa của chúng ta lại luôn khuyên nên hy sinh mình cho người khác và xem đó là điều tốt? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi ở mình, tự phê bình hay trừng phạt mình nhiều hơn bất cứ ai khác? Tất cả vì một lý do thôi: chúng ta chưa học cách làm thế nào để yêu thương chính mình.
Nếu bạn thấy khó mà nói với người khác, “Cánh cửa trái tim tôi luôn mở rộng với bạn, dù cho bạn làm gì đi nữa,” thì lại càng khó khăn gấp vạn lần khi tự nói với mình rằng, “Mình ơi, người thân thiết nhất đời của tôi – cánh cửa của trái tim tôi luôn mở rộng ra với mình, với toàn bộ con người mình, bất kể mình đã làm gì đi nữa. Xin mời vào.”
Đó là điều tôi muốn nói khi nói hãy yêu thương chính mình; nó được gọi là sự tha thứ. Đó là cất bước ra khỏi nhà tù của mặc cảm tội lỗi; đó là hòa giải với chính mình. Và nếu bạn đủ can đảm để nói những lời ấy với chính mình, một cách thành thật, trong thế giới riêng tư của chính mình, thì bạn sẽ vươn lên để đón nhận tình thương cao quí. Một ngày nào đó, tất cả chúng ta phải tự nói với chính mình những lời ấy, hay những lời tương tự, với lòng thành, không hề đùa giỡn. Khi làm như thế, một phần trong con người chúng ta, phần bị khước từ, phần sống trong ghẻ lạnh bấy lâu, sẽ như được trở vê nhà. Chúng ta sẽ cảm thấy được đoàn tụ, được trọn vẹn, được tự do hưởng hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta yêu thương chính mình theo cách như vậy chúng ta mới thật sư biết yêu thương người khác, không hơn, không kém.
Và xin hãy nhớ rằng bạn không cần phải hoàn hảo, không tỳ vết, thì mới ban tặng cho mình tình thương như thế. Nếu bạn chờ cho tới khi hoàn hảo thì việc ấy không bao giờ đến. Chúng ta phải mở cửa trái tim mình để đón nhận chính mình, cho dù mình đã làm bất cứ chuyện gì đi nữa. Một khi vào bên trong rồi, chúng ta mới hoàn hảo.
Người ta thường hỏi tôi chuyện gì xảy ra cho bảy nhà sư đó khi sư cả nói với băng cướp là không thể lựa chọn ai.
Câu chuyện mà tôi nghe cách đây đã lâu không cho biết rõ đoạn kết. Nó ngừng ở đó, ở chỗ tôi ngưng lại. Nhưng tôi biết chuyện gì xảy ra tiếp theo; tôi hình dung rất rõ kết quả. Khi sư cả giải thích cho băng cướp lý do vì sao sư không thể chọn lựa giữa sư và người nào khác, và nói rõ ý nghĩa của tình thương và sự tha thứ mà tôi vừa trình bày với các bạn thì băng cướp rất cảm kích và hứng khởi đến độ không những họ để cho các nhà sư được sống mà chính họ cũng trở thành các nhà sư!


Hôn nhân

Kể từ khi tôi trở thành một nhà sư sống độc thân tôi đã làm đám cưới với nhiều phụ nữ.
Một phần công việc của một nhà sư Phật giáo là làm lễ cưới. Theo truyền thống Phật giáo của tôi thì người Phật tử tại gia mới là người chủ hôn, nhưng nhiều cặp coi tôi là người đi cưới họ. Thế cho nên trong thực tế tôi cũng làm đám cưới với nhiều người đàn ông.
Người ta thường nói trong hôn nhân có ba loại nhẫn:
nhẫn đính hôn
nhẫn cưới
nhẫn khổ (n.d. tạm dịch như vậy vì trong tiếng Anh, suffering, nghĩa là khổ có chứa chữ ring nghĩa là nhẫn)
Thế cho nên trong hôn nhân thế nào cũng có rắc rối. Khi rắc rối xảy ra những người tôi đi cưới thường chạy đến tìm tôi. Là một nhà sư, thích cuộc sống thoải mái, cho nên tôi thường kể ba câu chuyện sau đây trong khi làm lễ, nhằm làm cho cả ba chúng tôi tránh được rắc rối càng lâu càng tốt.

 
Cam kết

Quan điểm của tôi về những mối quan hệ và hôn nhân là như thế này: khi một cặp trai gái mới đi chơi với nhau thì họ mới chỉ có mối quan hệ với nhau mà thôi; khi họ đính hôn thì họ vẫn thuộc loại có mối quan hệ với nhau có thể là sâu đậm hơn; khi họ công khai trao đổi lời thề ước hôn nhân thì khi đó mới có sự cam kết.
Ý nghĩa của lễ cưới là sự cam kết. Trong buổi lễ, để truyền đạt ý nghĩa đó theo một cách để cho mọi người nhớ suốt đời, tôi thường giải thích rằng sự khác nhau giữa việc có mối quan hệ và cam kết cũng ví như sự khác nhau giữa thịt heo xông khói với trứng.
Tới lúc này thì bà con hai họ và bạn bè mới bắt đầu chú ý. Họ bắt đầu thắc mắc: “Thịt heo xông khói và trứng thì có liên quan gì đến hôn nhân?” Tôi nói tiếp .
“Với thịt heo xông khói và trứng, con gà chỉ có mối quan hệ, nhưng con heo thì có sự cam kết. Hãy làm sao để đám cưới này trở thành hôn nhân kiểu con heo.”


Gà và vịt

Đây là một câu chuyện mà thầy tôi , ngài Ajahn Cha ở vùng đông bắc Thái Lan rất ưa ý.
Một cặp vợ chồng mới cưới nọ một hôm đi dạo trong rừng sau bữa ăn chiều vào một tối mùa hè. Họ có một quãng thời gian tuyệt diệu bên nhau cho đến khi thình lình có một âm thanh từ xa vọng lại: “Cạp, cạp.”
Chị vợ nói, “Hãy nghe kìa, có tiếng gà gáy.”
Anh chồng nói, “Không phải đâu, đó là tiếng vịt kêu.”
Chị vợ cãi, “Không mà, rõ ràng là tiếng gà.”
“Không phải đâu, gà thì gáy ò ó o ò, vịt thì kêu cạp cạp. Đó là con vịt em à!” Giọng chồng có vè hơi giận.
Lại có tiếng kêu vang lên “Cạp, cạp.”
“Thấy chưa? Đó là con vịt.”
“Không phải anh à. Đó là con gà. Rõ ràng mà.” Chị dậm chân khẳng định.
“Nghe đây này! Đó là c-o-n v-ị-t. V-ị-t, v-ị-t! Hiểu chưa?” Anh chồng nói một cách giận dữ.
Chị vợ cãi, “Nhưng đó là con gà!”
“Đó là một con vịt trăm phần trăm, đúng là cái đồ, đồ . . .”
Đúng lúc đó con vật kêu lên,”Cáp, cạp” trước khi anh chồng buông ra lời không nên nói.
Chị vợ nước mắt lưng tròng, “Nhưng đó là con gà mà!”
Anh chồng thấy nước mắt chị vợ đã tràn mi mới nhớ lại lý do vì sao lấy chị. Sắc mặt anh dịu đi và anh nói một cách nhỏ nhẹ, “Anh xin lỗi. Có lẽ em nói đúng. Đó là con gà.”
“Cám ơn anh.” Chị vợ bóp mạnh tay chồng.
“Cạp, cạp.” Âm thanh vang vọng cả khu rừng khi cặp vợ chồng tiếp tục đi dạo trong tình yêu thương.

Điều mà anh chồng cuối cùng nhận thức được là như thế này: Bận tâm làm chi chuyện con vật là gà hay vịt? Cái quan trọng hơn là sự hòa thuận giữa hai người, và nhờ thế họ hưởng được một cuộc đi dạo êm đềm trong một buổi tối mùa hè đẹp đẽ như thế này. Bao nhiêu cuộc hôn nhân đã tan vỡ vì những chuyện nhỏ nhặt như thế này? Có bao nhiêu vụ ly hôn vì những chuyện vịt gà?
Khi chúng ta hiểu câu chuyện, chúng ta sẽ nhớ những ưu tiên của mình. Cuộc hôn nhân quan trọng hơn là chuyện đúng sai về con vật là gà hay vịt. Ngoài ra, biết bao lần chúng ta đã tin tưởng một cách chắc chắn, tuyệt đối là chúng ta đúng – chỉ sau này mới nhận ra là mình hoàn toàn sai? Ai biết được? Đó có thể là một con gà bị biến đổi gene cho nên có tiếng kêu giống như con vịt!

(Để đảm bảo nam nữ bình đẳng và để cho nhà sư khỏi bị quấy rầy, khi kể chuyện tôi thường thay đổi khi thì nói anh chồng nói gà, khi thì kể cô vợ nói.)
 

Biết ơn

Cách đây một vài năm tại Singapore, sau lễ cưới, cha cô dâu kéo chú rễ mới ra riêng để đưa ra vài lời khuyên giúp cho cuộc hôn nhân được bền vững và hạnh phúc.
Ông nói với chàng thanh niên: “Chắc là con yêu con gái của ba lắm.”
“Dạ, vâng ạ.” Chú rễ thở dài đáp.
“Chắc con nghĩ rằng nó là người tuyệt vời nhất thế giới,” ông già nói tiếp.
“Dạ, em là người hoàn hảo về mọi mặt.” chàng trai tán dương.
Ông già nói: “Tình hình là như vậy khi con mới cưới. Nhưng sau một vài năm con sẽ bắt đầu thấy một vài khuyết điểm ở con gái của ba. Khi con bắt đầu thấy thiếu sót, ba muốn con nhớ điều này. Nếu như nó không có các thiếu sót đó, thì con à, nó sẽ lấy một đứa tốt hơn con nhiều.”
Bởi vậy chúng ta nên biết ơn về những khuyết điểm ở người hôn phối, bởi vì nếu như họ không có những khuyết điểm đó, thì họ đã cưới người nào đó tốt hơn ta nhiều.

 
Chuyện tình lãng mạn

Khi chúng ta đang yêu chúng ta chỉ thấy “những viên gạch tốt” trên bức tường của người bạn đời. Đó là điều mà chúng ta muốn thấy, thế cho nên đó là tất cả những gì chúng ta thấy. Chúng ta không muốn thấy điều mình không thích. Sau đó, khi đi đến luật sư để nhờ giúp nạp hồ sơ xin ly dị, chúng ta chỉ thấy “những viên gạch xấu” trên bức tường của người bạn đời. Chúng ta nhắm mắt trước những phẩm chất cao vời. Chúng ta không muốn thấy, cho nên cũng không thấy các phẩm chất ấy. Một lần nữa chúng ta từ chối thấy những điều mình không muốn.
Tại sao chuyện tình lãng mạn thường diễn ra ở trong một câu lạc bộ đêm đèn mờ hay tại một bữa ăn tối thân mật bên ánh nến lung linh, hoặc vào ban đêm dưới ánh trăng? Bởi vì trong những tình huống ấy bạn không trông thấy những mụt mụn của nàng hay chiếc răng giả của chàng. Bởi vì dưới ánh sáng mờ ảo, trí tưởng tượng của chúng ta được tự do vẽ vời biến cô gái ngồi đối diện thành một siêu mẫu hoặc chàng trai mang dáng dấp của một ngôi sao điện ảnh. Chúng ta yêu thích mơ mộng và chúng ta mơ mộng yêu đương. Chúng ta nên ý thức một chút mình đang làm gì.
Nhưng các tu sĩ Phật giáo thì không tham gia vào các cuộc tình lãng mạn dưới ánh nến. Họ bật sáng những ngọn đèn soi rõ thực tại. Nếu bạn muốn mơ mộng thì đừng viếng thăm một tu viện.
Một hôm, vào năm đầu tiên xuất gia ở vùng đông bắc Thái Lan, tôi đang ngồi ở băng sau của một chiếc xe hơi cùng với hai nhà sư người phương Tây khác nữa, cùng đi có Ajahn Chah, thầy tôi, ngồi ở ghế trước. Ajahn Chah chợt ngoái đầu lui nhìn sư chú người Mỹ ngồi cạnh tôi và nói một câu gì đó bằng tiếng Thái. Nhà sư phương Tây thứ ba, rất giỏi tiếng Thái phiên dịch cho chúng tôi rằng, “Ajahn Chah nói là chú đang nhớ đến cô bạn gái ở quê nhà L.A.”
Hàm của sư chú người Mỹ há ra gần đụng sàn xe. Ajahn Chah đã đọc được ý nghĩ của chú – một cách chính xác. Ajahn Chah mỉm cười nói tiếp và lời ngài được dịch ra là: “Đừng có lo. Chúng ta có thể xử lý chuyện đó. Lần tới khi viết thư cho cô ấy, hãy yêu cầu cô gửi một cái gì đó riêng tư, một cái gì đó rất gần gũi, mà chú có thể mang ra khi nhớ tới nàng, để nhắc nhở chú về nàng.”
Sư chú ngạc nhiên hỏi: “Một nhà sư cũng được phép làm như vậy sao?”
Qua phiên dịch Ajahn Chah trả lời: “Được chứ.”
Cuối cùng các nhà sư có lẽ hiểu được thế nào là chuyện tình lãng mạn.
Những lời của ngài Ajahn Chah vị sư kia phải mất nhiều phút mới dịch được. Nhà sư phiên dịch phá ra cười ngất và phải cố nín lắm mới có thể nói được.
“Ajahn Chah nói . . .” Ông sư đấu tranh dữ lắm để nói ra những từ ấy, lau vội nước mắt chảy vì cười. “Ajahn Chah nói chú hãy nhắn cô ta gửi một lọ cứt. Khi nào chú nhớ tới cô nàng thì lấy lọ ra và mở nắp.”
Cứt là một cái gì đó riêng tư. Phải chăng khi bày tỏ tình yêu chúng ta thường nói anh yêu tất cả mọi thứ thuộc về em? Lời khuyên tương tự cũng nên được đưa ra cho một tu nữ đang nhớ tới bạn trai.
Như tôi đã nói, nếu bạn thích mơ mộng yêu đương, hãy tránh xa tu viện của chúng tôi.

 
Tình yêu chân thật

Cái rắc rối của tình yêu lãng mạn là khi ảo tưởng vỡ tan, nỗi thất vọng tiếp theo sau đó làm chúng ta bị tổn thương nặng nề. Trong tình yêu lãng mạn (trái ngược với tình yêu chân thật) chúng ta không thật sự yêu người kia, chúng ta chỉ yêu cái cảm giác họ đem lại cho ta. Chúng ta yêu thích cái cảm giác hưng phấn khi có sự hiện diện của họ. Đó là lý do tại sao khi họ không có mặt chúng ta cảm thấy thiếu vắng và nhắn gửi cho ta một lọ . . . (xem câu chuyện trước). Nhưng cũng giống như bất kỳ cảm xúc nào khác, cảm xúc ấy rồi cũng phôi pha.
Tình yêu chân thật là tình yêu không có sự vị kỷ. Chúng ta chỉ quan tâm đến người khác. Chúng ta nói với họ: “Cánh cửa trái tim tôi luôn rộng mở ra với anh, dù anh làm gì đi nữa, “ và chúng ta nói với lòng thành thật. Chúng ta chỉ muốn họ hạnh phúc. Tình yêu chân thật rất hiếm hoi.
Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng mối quan hệ đặc biệt của chúng ta là tình yêu chân thật, không phải là tình yêu lãng mạn. Đây là một bài kiểm tra để cho bạn xem thử tình yêu của mình thuộc loại nào:
Hãy nghĩ đến người yêu của mình. Hãy hình dung ra người ấy trong đầu. Hãy nhớ lại ngày các bạn đến với nhau và những ngày tháng các bạn vui vẻ bên nhau. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn nhận một bức thư từ người yêu ấy nói rằng đã phải lòng người bạn thân nhất của bạn. Hai người đã đi xa để sống bên nhau. Bạn cảm thấy thế nào?
Nếu là tình yêu chân thật thì ắt là bạn phải rất vui vì bây giờ người ấy đã tìm được một người tốt hơn bạn và hiện đang sung sướng hơn. Bạn ắt phải vui mừng vì cả người yêu và người bạn thân đều đang cùng nhau vui hưởng hạnh phúc. Bạn ắt là vui mừng vì họ yêu nhau. Phải chăng hạnh phúc của người yêu là điều quan trọng nhất trong tình yêu chân thật?
Như tôi vừa nói, tình yêu chân thật rất hiếm hoi.

Ngày xưa có một vị hoàng hậu nhìn qua cửa sổ và thấy Đức Phật đi khất thực ngang qua. Nhà vua nhìn hoàng hậu và nổi cơn ghen khi thấy ánh mắt sùng kính của hoàng hậu dành cho vị Sa Môn vĩ đại. Nhà vua hạch hỏi hoàng hậu rằng giữa ta và Đức Phật khanh yêu ai nhiều hơn. Hoàng hậu là một đệ tử thuần thành của Đức Phật, nhưng vào thời ấy người ta phải cẩn thận khi chồng là một vị hoàng đế. Nếu không tỉnh táo thì có thể mất đầu. Hoàng hậu giữ được cái đầu của mình bằng một câu trả lời hết sức thành thật: “Thiếp yêu quí bản thân thiếp hơn cả hai ngài.”

Trần Ngọc Bảo
 trích dịch từ cuốn “Who Ordered This Truckload of Dung?

Thiền sư Ajahn Brahm
 


Thứ Tư, 27 tháng 6, 2012

MỘT THỜI KỲ MỚI

Đã quyết định làm việc đến hết tháng này là chính thức nghỉ.
20 năm trở lại Sài Gòn và đi làm thuê.
Đến lúc phải thư giản và làm những công việc cho riêng mình.
Như bạn Sơn đã rút về ở ẩn ở Quận 2 cùng hoa lá và kinh sách.

Sẽ lại sắp xếp thời gian cho những dự định.
Những dự án văn học còn ở phía trước.
Cần phải làm việc - ngày tháng rồi cũng sẽ bề bộn những ước vọng.
Như thời trẻ

Sẽ bắt đầu một thời kỳ mới.

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

Nguồn gốc địa danh Sài Gòn - Bình Nguyên Lộc

Ngay từ đầu thế kỷ hai mươi, người Pháp đã nỗ lực để tìm biết nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, tên của một thành phố mà qua phong cách lãng mạn tây phương họ biến nó thành “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrêm Orient), một cái tên đã được thông dụng từ lâu nhưng họ, và cả ta nữa, đều không biết nghĩa.


Vì thiếu tài liệu, tôi không thể trích dẫn tên của nhà học giả tiên phong đó, chỉ biết đại khái các đều sau đây. Ông ấy cho rằng Sài Gòn, người Cao Miên, chủ đất cũ của miền Nam nước Việt, gọi Là Prây Nokor. Prây là Rừng, Nokor là Quốc gia. Có thể Sài Gòn do âm của Prây Nokor mà ra chăng? Đây chưa hẳn là giả thuyết đáng tin cậy. Prây cũng có thể biến thành Sài. Nhưng Nokor có hơi khó biến thành Gòn lắm.

Riêng tôi thì tôi thấy giả thuyết này không đứng vững. Tôi biết cơ cấu của ngôn ngữ Cao Miên (tức Cam Bu Chia), nó không có khác cơ cấu Việt Ngữ, trừ một chi tiết nhỏ. Ta nói “ba con cá” thì họ nói cá ba con. Theo cơ cấu đó thì “Quốc Gia rừng” phải là “Nokor Prây”, chớ không thể là Prây Nokor được. Mặt khác, người Chàm gọi Sài Gòn của ta là Prây Kor, chớ không hề là Prây Nokor. Prây Kor, cũng cứ là tiếng Cao Miên mà người chàm vay mượn, có nghĩa là Rừng Bò. Có lẽ xưa kia ở đó người ta nuôi bò nhiều, trong rừng, hoặc là ở đó nhiều bò rừng.

Một ông Tây thứ nhì, cũng biết cơ cấu ngôn ngữ Cam Bu Chia như tôi, xác nhận rằng địa danh phải là Prây Ko, hoặc Prây Kor, chớ không thế nào mà là Prây Nokor được hết. Rừng quốc gia là cái gì? Người Cao Miên xưa đâu có biết khoanh rừng để tạo ra những cái National Forest như người Mỹ ngày nay. Nhưng cũng có đưa vào thuyết một điều mới lạ. Ông ấy cho là Ko, hoặc Kor, không phải chỉ có nghĩa là Bò, mà là có nghĩa là cây gòn, một thứ cây có công dụng y hệt như cây gạo của Bắc Việt.

Cambuchia: Ko(r); Lào: Gòn; Phù Nam: Gòn; Nam Kỳ xưa nay: Gòn.

Và ông ấy kết luận rằng Sài Gòn do Prây Kor biến ra. Prây biến ra Sài thì có thế chấp nhận được, nhưng Kor, sao không biến ra Cò, mà biến ra Gòn. Dịch chăng? Khó lòng mà có lý. Nếu dịch, thì dịch cả hai từ, chớ sao lại chỉ lấy âm từ thứ nhứt thôi, còn từ thứ nhì thì lại dịch?

Thế nên thuở ấy các nhà học giả ta mới xía vào, cho rằng xưa kia ta chặt cây gòn ở đó để làm củi chụm, mà Củi thì chữ nho là Sài. Thuyết của ta là cố gắng giúp cho thuyết thứ nhì của Tây có lý mà thôi, tức ta dịch cả hai từ, từ đầu Rừng, gượng gọi củi dịch ra chữ nho là Sài, còn từ sau Kor thì dịch ra tiếng Phù Nam là Gòn mà Nam Kỳ vay mượn.

Thiên hạ làm thinh sau thuyết của ta, vì không ai biết phải giải thích cách nào cho ổn hơn hai ông Tây và vài ông Việt nói trên. Nhưng nửa thể kỷ sau, sau năm 1954, thì có Vương Hồng Sển lên tiếng, không phải bằng một bài báo, mà bằng một quyển sách, quyển “Sài Gòn năm xưa”. Cụ Vương bác bỏ ba thuyết không vững trên kia. Theo cụ thì mọi việc xảy ra như sau, và có lấy tài liệu ở bộ sử địa Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức:

Trịnh Hoài Đức viết rằng sau khi Tây Sơn tàn phá thành phố lớn Nông Nại Đại Phố, ở Biên Hòa, thì người Tàu sống sót, trong đó có họ Trịnh, người Tàu lai, chỉ mới lên tám, chạy xuống phía dưới để lập ra một thành phố khác, nay truy ra là thành phố ấy là vùng Chợ Lớn ngày nay. Đa số người Tàu sống sót là người Quảng Đông. Họ đặt tên thành phố mới ấy là Đề Ngạn Thành. Đề Ngạn có nghĩa là “Nắm (vững) bờ sông”. Sông ở đây, chỉ là sông con, trỏ tả ngạn của con rạch Cầu ông Lãnh, đoạn nằm ở đại lộ Đồng Khánh ngày nay. Người Quảng Đông phát âm Đề Ngạn là Thầy Ngồl, và Thầy Ngồl bị Việt Hoá ra là Sài Gòn.

Đây là thuyết hữu lý nhất, so với ba thuyết trên, nhưng mà rồi lại sai, khi ta nghiền ngẫm sâu vấn đề. Những gì mà cụ Vương Hồng Sển nói ra đều đúng cả, chớ không phài là nói liều, bằng chứng là mãi cho đến ngày nay, người Tàu vẫn tiếp tục gọi Chợ Lớn là Thầy Ngồl, viết ra chữ là Đề Ngạn.

Nhưng tại sao rồi thì địa danh Sài Gòn, đáng lý gì chỉ trỏ Chợ Lớn thôi, mà lại trỏ Sài Gòn. chớ không trỏ Chợ Lớn bao giờ ? Đồng hóa chăng vì hai thành phố đó chỉ là một ? Không, không có vấn đề đồng hóa. Dưới đây là những gì mà kẻ viết bài nầy đã thấy vào năm 1928. Xin nhắc lại vài chi tiết về đời sống cá nhân riêng tư của người viết bài.

Cha mẹ tôi làm nghề buôn gỗ. Thể nên từ năm lên bảy (1920) tôi đã được dịp theo cha mẹ để đi chơi Sài Gòn. Nhưng chưa biêt rõ Sài Gòn đâu. Mãi cho đển năm 1928 tôi mới rời làng, sống hẳn ở Sài Gòn để theo học Trung học (Làng của tôi là làng huyện lỵ nhưng dưới thời Pháp thuộc, trong làng chưa có trường trung học như dưới thời ông Ngô Đình Diệm).

Vào năm 1928 thì tôi đã lớn xác và biết thật rõ về Sài Gòn. Sài Gòn và Chợ Lớn là hai thành phố khác nhau, cách biệt nhau bằng một vùng đất gần như là hoang vu, bề rộng của vùng đất hoang ấy ước đến sáu miles chớ Không phải ít. Sài Gòn chỉ tiến đến cái nơi mà nay là rạp hát Nguyễn Văn Hảo. Đại lộ Trần Hưng Đạo đã có rồi, tên cũ là đại lộ Galliéni. Có đường xe điện nối liền hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn. Từ rạp Nguyễn Văn Hảo (thuở ấy chưa xây cât) đi mãi cho tới chợ Hòa Bình (thuở ấy cũng chưa xây cất) là đồng không mông quạnh, thỉnh thoảng mới thấy một nhà gạch nằm giữa đồng. Trường Trương Vĩnh Ký mà tôi theo học, cũng cho nằm giữa đồng trống minh mông.

Thế thì làm sao mà có sự đồng hóa hai thành phố làm một trước năm đó được, vì trước năm đó hằng trăm năm, Sài Gòn đã được gọi là Sài Gòn rồi, mà khoảng cách thì lại còn xa hơn là vào năm 1928 nữa.

Đành là không thể biết sự thật, và tạm chấp nhận thuyết Vương Hồng Sển vậy.

Sau khi sách của cụ Vương Hồng Sển ra mắt độc giả thì một quyền sách khác được xuất bản, đó là quyền “Lịch sử xứ Đàng Trong” mà tên của tác giả tôi đã quên mất, nhưng còn nhớ khá nhiều những chương sách đó. Tác giả của quyển sử này bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển bằng luận cứ sau đây, mà tôi chỉ nhớ đại khái thôi, và đây là nhắc lại chớ không phải là trích sách: “Có người cho rằng địa danh Sài Gòn là do địa danh Đề Ngạn, đọc theo Tàu là Thầy Ngồl. biến ra. Nhưng tôi chỉ tin theo tài liệu Cổ thôi là sử Trào Nguyễn, sử này viết tên của Sài Gòn là Sài Côn vậy Sài Gòn do Sài Côn mà ra.”

Thuyết này quá yếu về các điểm sau đây:

A) Nhưng còn Sài Côn thì do cái gì mà ra chớ ? Sài Côn, chữ nho có nghĩa là Cây gậy bằng củi? Sao vua chúa ta lại đặt tên một thành phố kỳ khôi đến thế chớ ?

B) Sử trào Nguyễn viết dưới thời Tự Đức, trong khi đó thì danh xưng Sài Gòn đã cò rồi hằng trăm năm trước Tự Đức. Thế sao dùng Sài Côn thời Tự Đức để làm căn bản được? Còn Sài Gòn đã có rồi trước Tự Đức thì do cái gì mà ra? Ta nên nhớ rằng vua Tự Đức là một ông vua Việt Nam mê Tàu nhất nước. Ông vua ấykhông bao giờ cho quan của ông đặt tên một thành phố là “cây gậy bằng củi” đâu, trừ phi tên đó là tên phiên âm mà ông vua ấy đành phải chấp nhận.

Thế thì Sài Côn chỉ là phiên âm của Sài Gòn, chớ không phải Sài Gòn là phiên âm của Sài Côn. Vã lại Sài Côn đã có âm Hoa Việt là âm rất quen tai với dân ta, thì dân ta mắc chứng gì mà lại đi phiên âm Sài Côn ra là Sài Gòn?

Ta đành chịu bí (chỉ tạm chịu bí thôi) và còn một điều khó hiểu nữa: Người Tàu gọi Sài Gòn của ta là Xi Cống viết ra chữ thì là Tây Cống. Tây Cống do cái gì mà ra đây? Có phải Sài Gòn bị Hoa hóa thành Xi Cống không? Nhứt định là không, vì Tàu Quảng Đông vẫn có âm Sài, họ không mắc chứng gì biến Sài ra là Xi. Nếu họ không có âm Gòn thì họ cũng gọi Sài Gòn là Sài Cống, mà không bao giờ là Xi Cống cả đâu.

Tôi tạm dẹp vụ Sài Gòn lại để làm việc khác nhưng không phải là đầu hàng vĩnh viễn. Sang tới đất Huê Kỳ này thì sự thật mới chịu lòi ra, mà lại lòi nhờ sự hiểu biết của người Hoa Kỳ này thì thật là oái oăm không thể tưởng được. Số là tôi có một người láng giềng, một vị bác sĩ y khoa trước kia ở Sài Gòn, sang đây ông ấy giúp cho tiểu bang Cali tiếp coi về Á Đông sự vụ. Ông ấy góp nhặt tất cả những gì mà người Mỹ viết về Á Đông, để nghiên cứu thêm, vì ông ấy thấy rằng người Mỹ biết nhiều hơn ông ấy, nhưng ông ấy chỉ nghiên cứu lịch sử, chủng tộc học, phong tục học, tôn giáo thôi mà bỏ sót ngôn ngữ học. Chính tôi, khách láng giềng, hưởng được các sách ngôn ngữ học mà ông ấy không dùng tới.

Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang. Tây Giang là một con sông khá lớn bắt nguồn từ xứ ta, nhưng chảy lên Quảng Đông để rồi đổ ra biển, cũng trong tỉnh Quảng Đông.

Tôi có kiểm soát lại sách đó, và thấy rằng tác giả có sai ở một điểm. Trong sách có nói đến phương âm Màn, Màn là Mân-Việt đó, và chắc chắn là sách ấy trỏ bảy phủ Triều Châu. Xin nhắc rằng nước Mân-Việt thời Tần Thủy Hoàng gồm bảy nhóm Mã Lai tất cả, gọi là Thất Mân, nhưng về sau nhà nước Tàu lại đặt một trong bảy nhóm ấy là nhóm Triều Châu, vào tỉnh Quảng Đông (sáu nhóm kia là Phúc Kiến) mà như thế thì âm Mân không phải là một phương ngữ Quảng Đông, mà là một ngôn ngữ riêng biệt.

Quan Thoại: Xữa là Ăn; Quảng Đông: Xực là Ăn; Phúc Kiến: Lim là Ăn; Triều Châu: Cha là Ăn.

(Chỉ có Quảng Đông là nói Ăn bằng tiếng Tàu, các nhóm Tàu Hoa Nam khác nói Ăn bằng tiếng Mã Lại). Nhưng diểm sai của quyển sách đó, không liên hệ đến việc tìm tòi của ta nên tôi chỉ nói qua vậy thôi, và trái lại muốn khen tác giả sách ấy là người biết nhiều, vì chỉ sai có một điểm nhỏ trong một quyển sách. Như vậy là giỏi lắm rồi.

Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối) Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang.

Thế nên tôi xin trình ra một thuyết mới, mặc dầu sự phát hiện địa danh Sài Gòng (tên tàu) cũng đã khá rõ ý nghĩa rồi, khá rõ đối với một số người, nhưng còn chưa rõ đối với đa số. Trước hết xin bác bỏ thuyết Vương Hồng Sển, không, theo luận cứ của quyển “Lịch Sử Đàng Trong”, mà theo luận cứ khác. Thầy có thể biến thành Sài, nhưng Ngồl biến thành Gòn thật khả nghi, mặc dầu cha tôi, mẹ tôi đều gọi Sài Gòn là Thầy Gòn, có thể xem đó là cái móc không gian giữa Thầy Ngồl và Sài Gòn. Nhưng cũng không chắc chắn lắm về vụ âm trung gian đâu. Cha mẹ tôi buôn bán với Chợ Lớn chớ không với Sài Gòn vì thuở ẩy người mình chưa lập vựa gỗ quí tại Sài Gòn như từ sau này, tại đường Hồng Thập Tự, có thể sau hai vị sanh thành ra tôi đã lấy âm Thầy của Thầy Ngồl, nhập lại với Gòn của Sài Gòn cũng nên.

Ta có thể nghĩ rằng Trịnh Hoài Đức không biết hết sự thật. Trịnh Hoài đức đã thú nhận rằng ông chạy về vùng dưới sau khi Tây Sơn tàn phá vùng Biên Hòa. Nhưng rồi ông không sống với người Tàu, mà theo mẹ, vốn là người Việt sống riêng ở làng Hòa Hưng (vùng khám Chí Hòa nay) và học với thầy Việt là cụ Võ Trường Toản, nhờ thế mà về sau họ Trịnh mới thi hội đỗ đạt và làm quan ở Huế, chớ học với thầy Tàu thì không sao mà đỗ được, cho dầu ông thầy ấy là Khổng Tử đi nữa, vì các cuộc thi của ta có cách thức khác Tàu, chỉ giống Tàu ở điểm thi cử văn chương nhiều hơn là thi cử thực tiễn. Năm chạy loạn, họ Trịnh chỉ mới lên tám, chưa biết gì cho thật rõ lắm. Ngày nay, đi từ khám Chí Hòa vào chợ Lớn, chỉ tốn có một cuốc tắc xi, nhưng vào năm Trịnh Hoài Đức - năm 1775 - thì hoàn toàn không phải như vậy.

Chắc bạn đọc ai cũng biết chợ Trương Minh Giảng, một vùng thương mãi trù mật. Ấy thế mà vào năm 1941 tôi tên đó chơi, để hóng mát thì nơi đó đồng không mông quạnh. Tôi hỏi một ông cụ nông dân ở đó về đời của ông cụ, ông cụ kể rõ một việc, trong đó có chi tiết sau đây. Từ bé đến lớn, ông cụ chưa hề đi Sài Gòn hay đi Chợ Lớn, vì cái lẽ giản dị là con đường Trương Minh Giảng với cây cầu Trương Minh Giảng chỉ mới có từ cuối năm 1938. Trước đó. không đi đâu được hết. Hòa Hưng còn xa hơn chợ Trương Minh Giảng nữa, thì có thể chú bé Trịnh Hoà Đức chẳng biết gì về Đề Ngạn đâu.

Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ. Ta lại không đặt tên cho khu Bolsa là tiểu Sài Gòn hay sao? Và đặt như thế, có phải chăng để mà nhớ Sài Gòn của ta hay sao chớ ?

Và Đề Ngạn, chỉ là tên thứ nhì do người Quảng Đông đến sau, họ không có gốc Sài Gòng (bên Tàu) nên họ thấy Sài Gòn vô nghĩa, họ phải đặt tên lại vậy. Và họ rất có lý mà đặt tên lại, vì bấy giờ thành phố đó đã phồn thịnh phần nào rồi nên mới mang tên là “Nắm Vững Bờ Sông” chớ thuở mới lập, nó chỉ là vài trăm nếp nhà lá, có nắm vững gì đâu mà đặt là Thầy Ngồi.

Vậy địa danh đầu, bị bỏ mấy chục năm, không dùng tới, đến khi Trịnh Hoài Đức lớn lên thì ông chỉ còn biết Thầy Ngồi (Đề Ngạn) thôi nên không hề nói đến Sài Gòn bao giờ.

Sau đó non một trăm năm thì Pháp chiếm cái nơi mà nay là Sài Gòn, nhưng thuở ấy được gọi là Gia Định kinh, vì Nguyễn Ánh không chắc mình sẽ lấy lại được Huế, nên xây thành ở đó và xem nơi đó là Kinh Đô của miền Nam, và miền Nam thuở ấy mang tên là xứ Gia Định. Thế rồi người Tàu ở Thầy Ngồl tràn ra đó để hợp tác với Pháp và Pháp đang cần người mà dân ta thì bỏ đi (xin xem tiểu sử Nguyễn Đình Chiểu, và các bạn sẽ thấy là dân ta bỏ Gia Định Kinh mà đi nhiều lắm). Người Tàu tràn ra đó, họ có tật đặt tên, bất kể tên của người bổn xứ. Sáng tác thì mất công lắm nên họ cứ lấy tên đầu tiên của Thầy Ngồl là Sài Gòng để gán cho thành phố thứ nhì mà họ tràn tới đông đảo và cũng thành công về sanh kế.

Tới đây thì ta cứ tưởng mọi việc đều xuôi chèo mát mái, vì thuyết này có vẻ ổn hơn thuyết Vương Hồng Sển.

Còn rắc rối ở cái điểm. Thế rồi tại sao Sài Gòn của ta không được Tàu chợ Lớn gọi là Sài Gòng, mà sao lại gọi là Xi Cống ?

Quá dễ hiểu. Khi Tàu ở Thầy Ngồl thành công rồi thì đồng bào của họ hay tin nên lại sang đây từng đợt, mà các đợt sau không đọc Tây Giang là Sài Gòng mà đọc khác, như quyển sách Hoa Kỳ đã cho ta biết khi nãy là ở tỉnh Quảng Đông có sáu phương âm (mà chúng tôi vừa loại bớt một). Họ đọc Tây Giang như sau:

a/ Sài Gòn; b/ Tsi Kiang; c/ Tsi Kang; d/ Xi Cống.

Ấy có thể nhóm sang đây đông đảo là cái nhóm đọc hai chữ Tây Giang là Xi Cống.

Nhưng vẫn chưa hết phiền đâu. Nay họ không còn viết ra chữ là Tây Giang nữa, mà là Tây Cống. Tại sao lại thế? Cũng dễ hiểu thôi. Cống là từ đồng âm dị nghĩa củ họ. Cống là sông, mà cống cũng lại trỏ nhiều thứ khác nữa. Đối với người đến sau, không có gốc ở Tây Giang. thì nói về Cống tức là Sông là chuyện vô lý, nhưng nói đến những Cống khác thì hay. Chẳng hạn, đất đó là đất mà người Tây Phương “cống” cho họ để họ nhờ đó mà làm giàu. (Thật ra thì chữ Cống về sau cũng chẳng phải là Cống sứ đâu, và nếu không có biến cố 1975, có thể Cống sẽ bị viết khác nữa, vì có rất nhiều Cống).

Tôi không còn gì dể nói về Sài Gòn nữa, nên xin phép bạn đọc viểt lạc đề vài câu. Trong quyển sách “Thời Đại Hùng Vương” của Hà nội (đây là sách hợp soạn), một tác giả đã viết đại khái: Chữ Giang của Tàu là vay mượn của dân phương Nam (ý tác giả muốn trỏ Đông Nam Á, bằng chứng là họ viết bằng chữ Công với bộ Thủy. Công có nghĩa là Sông). Tác giả ấy không hề cho biết Công là danh từ của dân tộc nào. Tôi xin trình ra danh từ của các dân tộc lớn ở Đông Nam Á thử xem sao:

lndonesia: Kali; Phù Nam: Ka-i; Nam Kỳ xưa nay: Cái (sông thật nhỏ trong Cái Mơn, Cái Thia, Cái Nhum, Cái Tàu vv… )

Mã Lai: Sungai; Việt Nam: Sông; Cam Bu Chia: Stưng; Lào: Nặm (sông nhỏ); Lào: Thađai (sông lớn, tức sông Cửu Long Gíang); Thái: Maê (sông nhỏ); Thái: Mê (sông lớn. tức sông Mênam): Chàm: Krong; lndonesia (riêng đảo Sumata): Kroeneng; Phù Nam: Bassac (sông lớn có bùn phù sa)

Chẳng thấy dân tộc nào có danh từ Công hay Kông mang nghĩa là sông. Các dân tộc nhỏ như Mạ, Sơ Đăng, Bà Na thì dùng danh từ Nước để trỏ Sông, mà cả dân tộc Lào, dã dựng nước rồi, cũng làm như thế, vì trong Lào Ngữ Nặm có nghĩa là Nước. Tác giả của quyển “Thời đại Hùng vương” có thể cải: “công” do Cống của Quảng Đông mà ra. Nói như thế thì có lý đó. Nhưng than ôi, khi đưa ra cái thuyết Công là Sông, thì tác giả ấy chưa biết rằng người Quảng Đông đã dọc Giang là Cống. Đó là điều mà tôi mới ra hôm nay, lần thứ nhất, trên quả địa cầu. Và sự thật thì Công trong tên con Sông Mê Kông, không hề có nghĩa là Sông đâu. Chính Mê mới là sông, đó là tiếng Thái, còn Kông là To, Lớn. Mà tác giả thì lại nghĩ đến MêKông .

Bình-nguyên Lộc

Theo INTERNET

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Thơ Võ Công Liêm

HUẾ MƯA

mưa nam ai nam bằng
mưa câu hò mái đẩy
mưa điếu mộ hồn ai?
thuở nớ
em lụa là nắng đục mưa trong
ta thênh thang một trời gió lộng
bóng núi che vành nón con sáo lội sang sông răng rứa hè
hoàng hôn tôi trở giấc
một chiều cô liêu huế
con đò
chở những linh hồn du mục
về lại chốn hoang đường
nằm phơi cành lá chết
một mùa xuân hương khói chia xa nhớ không mồng một tết
sông khóc
huế mưa ngày chợt nhớ huế vội vàng ra đi
tôi xa lạ tôi
con nước lên khi nào mà cái cò lặn lội bờ ao ui chao tội tình
hoàng thành rêu phong tỏa
nằm lịm dưới chân mây

em trong trắng trăng vàng nhụy thắm
ta ngất ngư hồ thỉ một cung đàn
ôi nghìn trùng mắt lệ
xin một lần và mãi mãi ngàn sau

thiết mộc nhỉ sâm cầm mình họa
ngữ chi gian đoạ ngọa khúc tương cầu

huế mưa thành nội mưa ra
huế xa phố thị huế buồn khóc ai ?
mưa ai oán
mắt nhung sầu vạn đợi
tím một trời
em vẫn tím trong tôi ./.

VÕ CÔNG LIÊM (huế.Vn 5/2012)

BẢN DO TÁC GIẢ GỞI