Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2010

Trò chuyện với nhà phê bình Nguyễn Hòa

Quá nhiều cây bút trẻ đang sản xuất fastfood
(Phong Điệp trò chuyện cùng nhà phê bình Nguyễn Hòa)


Sự quá đà của PR đã và đang đẩy tới tình trạng loạn chuẩn trong việc đánh giá tác phẩm văn học mới xuất bản. Một cuốn sách ra đời kèm theo một buổi ra mắt long trọng hôm trước, y như rằng hôm sau báo chí la liệt bài giới thiệu giống hệt nhau từ câu chữ đến chấm phảy, chỉ vì người ta cùng viết dựa theo “thông cáo báo chí”, hoặc tác giả diễn giải như thế nào thì nói theo thế ấy.
- Sự im ắng của anh trên văn đàn lâu nay, có thể giải thích như thế nào nhỉ?

Tôi vẫn làm việc, vẫn đọc, vẫn quan tâm đến những gì tôi vốn quan tâm. Chỉ có điều là tôi ít viết, chủ yếu do bận làm báo, và đôi khi vì... lười. Hình như vào lúc tuổi tác đã kha khá, tôi cũng có dấu hiệu suy giảm nhiệt huyết nghề nghiệp; dù gần đây, tôi vẫn được một người bạn xếp vào nhóm cây bút “lý luận, phê bình trẻ”!

- Sở dĩ tôi đặt câu hỏi như vậy bởi lẽ lâu nay nhiều người vẫn đánh giá anh là một nhà phê bình “xung kích”, bởi tinh thần “nhập cuộc” của anh với đời sống văn học nước nhà. Phải chăng anh không còn quan tâm đến văn học nữa, đặc biệt là văn học trẻ?

Được đánh giá là “xung kích” cũng chẳng thú vị lắm đâu. Về nghề nghiệp, hăng hái nhập cuộc là luôn có khả năng “dính đạn”. Mà thời buổi này, “đạn sạch” thì ít, “đạn bẩn” thì nhiều, đại loại như gièm pha, xiên xẹo, “ném đá giấu tay”. Vừa rồi, có một ông gặp tôi góp ý rất chân thành: “Chú đánh ghê quá, viết gì thì cũng để anh em người ta còn viết tiếp chứ!”. Tôi hỏi lại: “Bác đọc em viết cái gì mà nói em đánh?”, ông ta ấm ứ không trả lời được, rồi bảo: “Nghe người ta nói thế!”. Tuy vậy, tôi vẫn quan tâm tới văn học, có điều là lâu nay tôi hay ngẫm ngợi, mà viết từ sự ngẫm ngợi thì khó nhanh chóng, khó cập nhật, khó “xung kích”...

- Theo anh, văn học trẻ hiện nay đang nghỉ giải lao, đang tụt lùi hay đang phát triển?

Từ việc đọc và đánh giá, tôi cho rằng, văn học của những người viết trẻ đang dậm chân tại chỗ, và nhìn chung, văn học Việt Nam cũng vậy. Báo chí đã và đang trở thành bệ phóng cho mọi loại tác phẩm nghệ thuật, từ nhếch nhác đến tầm tầm; và dường như nhiều người trong chúng ta cũng bằng lòng với tình trạng ấy? Hàng chục năm nay, thi thoảng lại thấy các gương mặt văn chương mới xuất hiện, rồi một số bỗng dưng mất hút, một số không mất hút thì hầu như... đi ngang, vì không thấy họ viết được cái gì khả dĩ hơn cái đã có. Nếu được phép ví người viết văn giống như người đầu bếp, tôi liên tưởng tới tình trạng quá nhiều cây bút trẻ ở Việt Nam đang sản xuất fastfood hơn là chế biến tinh xảo, kỹ lưỡng để làm ra món ăn buộc thực khách phải nhớ.

- Sự khác biệt lớn nhất giữa các tác giả thế hệ 7X và 8X là gì, theo đánh giá của anh?

Tôi không thích ứng với cách phân chia X X, vì với tôi, già hay trẻ thì vẫn là người viết văn, và văn học có tiêu chí chung để đánh giá mọi tác phẩm, bất kể tác giả là người trẻ hay người già. GS Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, có thấy ai gọi anh là “nhà khoa học 7X” đâu? Tôi coi cách phân chia X X là một “giả vấn đề” hơn là thực tế văn học, và đôi khi còn được sử dụng để biện hộ cho sự hời hợt, nông cạn hoặc phát ngôn ngông nghênh của vài người viết trẻ. Tham gia sáng tạo văn học, mọi người đều bình đẳng và cần chấp nhận “luật chơi” chung, không có “luật chơi” nào chỉ dành riêng cho người trẻ hay người già. Do vậy, tôi không quan tâm đến sự khác biệt giữa họ, mà quan tâm tới hạn chế chung, mà hầu như ai cũng có. Đó là sự thiếu thốn, hỗng huễnh của “phông” văn hóa, là sự trải nghiệm nghèo nàn, là sự lấn lướt của cố gắng ngoài văn chương để khẳng định, hơn là nghĩ đến hình ảnh, dấu ấn tác phẩm trước đồng nghiệp và công chúng. Muốn biết một số người viết văn trẻ là ai, cứ theo họ đến các “bãi bia” và chịu khó ngồi nghe sẽ thấy họ đích thị là tín đồ Narcissisme, vì họ say mê bản thân đến mức thái quá. Họ văng tục. Họ gọi người viết văn khác là thằng là con, bất kể già trẻ. Họ chê văn ông này, bỉ beo thơ bà kia. Họ làm như giải Noben đã ở trong tầm tay. Tôi không đặt tương lai văn học nước nhà vào các cây bút như vậy, vì tôi nghĩ, người viết văn là người sáng tạo văn hóa.

- Tác giả trẻ nào hiện nay khiến anh quan tâm, thích thú?

Tôi chú ý đọc tác phẩm của khá nhiều tác giả trẻ, như: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Dương Bình Nguyên, Di Li, Trần Nhã Thụy, Đoàn Văn Mật, Trang Thanh, Lê Vĩnh Tài... Thơ của nhà thư pháp trẻ Trần Trọng Dương tôi cũng đọc. À, phải kể cả... Phong Điệp nữa chứ. Tôi đọc và lý giải từ góc nhìn của tôi, cố gắng không để bị ảnh hưởng từ người khác. Riêng tác phẩm của một nhà thơ nữ trẻ thì càng gần đây tôi càng ít đọc, thậm chí còn quyết định không đọc nữa. Vì tác giả này liên tục “tra tấn” tôi bằng tin nhắn quảng bá từ việc cô mới tái xuất trên thi đàn tới mới đăng thơ ở báo này báo kia. Đến khi cô ta đăng một bài báo con con cũng nhắn tin phải đọc ngay thì tôi không còn chịu nổi, phải nhắn để “xin tha”. Cô ấy trả lời: nhắn để báo cho biết cô ấy vẫn lao động. Khổ quá, mọi người lương thiện ai mà chẳng lao động, có gì đáng khoe. Còn thơ thì “hữu xạ tự nhiên hương”, sao phải chờ nhắc nhở thì mới đọc. Tương tự như thế, tôi lấy làm khôi hài khi mỗi dịp hội họp nào đó lại gặp một nữ nhà thơ phấn son nhòe nhoẹt, xúng xính áo váy dân tộc, líu lo như người trên núi xuống đồng bằng. Hội họp xong, váy áo mất tiêu, thay thế bằng quần bò áo “phông” và líu lo như người đồng bằng lên núi! Sự kệch cỡm, lố lăng, các trò diễn và cả “cái giả” nữa, đang làm đảo lộn một số giá trị văn hóa của đất nước này, văn chương cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

- Anh từng phát biểu rằng, nếu chỉ có sách giải trí thì “một nền văn học đang đi trên con đường tự sát”. Hiện nay có những thái cực khác nhau thế này: có người bảo “sách của tôi không phải là sách giải trí, đó là văn chương nghiêm túc”. Có người lại bảo “ờ, sách của tôi là giải trí, thì đã sao”. Vậy cần nhìn nhận thế nào về cái gọi là “sách giải trí”, thưa anh?

Rất ít khi tôi tin vào việc tác giả tự định tính tác phẩm của mình. Tác giả viết nghiêm túc hay không thì sau khi ra đời, tác phẩm vẫn có đời sống riêng của nó; nên dẫu có muốn, tác giả cũng không thể quyết định người đọc phải coi tác phẩm là thế này chứ không phải thế kia. Cuộc sống hối hả, tất bật, tác phẩm giúp một số người đọc thảnh thơi đầu óc thì cũng tốt, nhưng nếu văn học chỉ có thế thì cũng chán, văn học đích thực phải hướng tới những điều lớn hơn sự thảnh thơi. Văn chương nghiêm túc sẽ tồn tại cùng thời gian. Còn tác phẩm chỉ rổn rảng lúc mới ra đời, đến tháng sau chẳng còn ai nhớ, thì tác giả nên xem lại các tiêu chí xác định thế nào là văn chương nghiêm túc.

- Theo dõi đời sống văn học thời gian qua tôi thấy sự PR thái quá đang làm nhiễu đời sống văn học của chúng ta đến mức đáng báo động. Nhiều nhà báo chẳng buồn đọc tác phẩm, học viết tin bài theo bản PR của đơn vị xuất bản. Anh nhận xét thế nào về tình trạng này?

Bạn nói rất đúng. Sự quá đà của PR đã và đang đẩy tới tình trạng loạn chuẩn trong việc đánh giá tác phẩm văn học mới xuất bản. Một cuốn sách ra đời kèm theo một buổi ra mắt long trọng hôm trước, y như rằng hôm sau báo chí la liệt bài giới thiệu giống hệt nhau từ câu chữ đến chấm phảy, chỉ vì người ta cùng viết dựa theo “thông cáo báo chí”, hoặc tác giả diễn giải như thế nào thì nói theo thế ấy. Tại một số buổi ra mắt còn khiếp hơn, cử tọa không tiếc lời tâng bốc, cứ như tuyệt phẩm. Có mặt ở đấy, tôi thường quan sát chứ không nói gì, vì e điều tôi nói ra sẽ làm “bữa tiệc tụng ca” mất ngon! Đôi khi nhìn tác giả nói cười oang oang, đi ra đi vào đầy vẻ tự mãn, mà thấy tội nghiệp. Đôi khi ngồi nghe mấy bác cao niên “hát tụng ca” tặng tác giả - tác phẩm mà thấy buồn. Không biết sau vài ngày rộn ràng rồi lại trở về với “chiếc máng của vợ ông lão đánh cá”, họ sẽ hụt hẫng như thế nào. Sự háo danh đang làm nhiều người trong chúng ta loáng quáng về màu sắc. Sự nghiệp văn học của mỗi người là một hành trình dài hơi và đầy nhọc nhằn, đừng vội sớm thỏa mãn.

- Sau Bàn phím và... “cây búa”!, bạn đọc chờ tiếp một cuốn kiểu “quả tạ” tiếp theo đó. Thực hư thế nào, anh tiết lộ cho bạn đọc biết được không?

Cuốn Bàn phím và... “cây búa”! xuất bản năm 2008 là tập 1, tôi đã hoàn tất bốn bản thảo nữa để có Bàn phím và... “cây búa”! các tập 2, 3, 4, 5. Lẽ ra đã xuất bản rồi, nhưng vì một vài lý do nên tôi “câu dầm”! Dự định sẽ là série gồm bảy tập, kích thước và bìa giữ nguyên như họa sĩ Phạm Tuấn trình bày, nhưng từng tập có thay đổi về màu sắc. Những tập tiếp theo liệu có phải là “quả tạ” hay không là tùy thuộc vào bạn đọc, tôi không thể quyết định. Tuy nhiên, chắc cũng sẽ được để ý, ít nhất cũng là từ cách tiếp cận, cách đánh giá và cách viết của tôi.

- Xin hỏi, chuyên luận Chuyển dịch văn hóa và cuộc khủng hoảng lựa chọn mà anh dự định ra mắt có “chống chỉ định” gì không ạ?

Đó là chuyên luận tôi viết về văn hóa, nên văn chương - nghệ thuật chỉ giữ một phần nhỏ. Nghề nghiệp ban đầu của tôi là văn hóa học, nên dù có hơn hai chục năm chú tâm với văn học, tôi vẫn bị nghề cũ ám ảnh. Văn hóa học cho phép tôi nhìn nhận vấn đề trên bình diện rộng hơn và bản chất hơn. Trong chuyên luận, tôi định nghĩa, sử dụng khái niệm “khủng hoảng lựa chọn” để khảo sát văn hóa, trong đó có văn học. Theo đánh giá của tôi, văn học chúng ta đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lựa chọn, với cả người sáng tác lẫn người đọc. Còn chuyện “chống chỉ định”, chắc là cũng có đấy. Cái “tạng” của tôi thế rồi, có muốn cũng khó sửa!

Bài đã đăng VNT

Phongdiep.net

Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2010

Thơ Võ Công Liêm


ĐÔNG PHƯƠNG HÀNH


con đường ngút ngàn xa

tôi người cô độc

du thân dặm trường ngủ trọ dọc đường mây

mưa sông Hương thổn thức

ngụm chén hổ phách tàn

đông phương hành!

đông phương

khao khát một mùa trăng phiêu lãng

mái tây hiên trắng đầu nghiêng cánh núi

ta hụp lặn giữa biển đời vô ngại

tìm thấy em tim nhẹ dạ vô biên

trong cơn mê

trăng xuôi mái đẩy

mộng ban sơ đâu còn nữa

hởi bờ lau sậy xin yên nằm

con đường ngút ngàn xa

ngụm chén hổ phách tàn

ta hụp lặn giữa biển đời vô ngại

trong cơn mê

đánh thức người cô độc

hồn đông phương đâu rồi ?


(23 tháng giêng canh dần 2010)

Thứ Tư, 26 tháng 5, 2010

Lục bát Hoàng Lộc


CÒN LẠI CÂU THƠ


đã không còn của nhau rồi
biển xanh có phải đã đồi nương kia ?
em đi không thể còn về
anh đi không thể còn nghe xế tà

em rồi em sẽ người ta
còn anh thì đã quê nhà mù tăm
nhớ nhau đụng mối đau lòng
có khi đời cạn nhánh sông lạc loài

đã không ngừng kịp tàn phai
chỉ câu thơ rớt bên ngoài thời gian ?


Hoàng Lộc
5-2010

Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

4 thế hệ nhà văn và một quán cà phê vỉa hè



Có lẽ cũng khá lâu rồi mới thấy một tập sách văn chương có cái tên nghe nghộ nghĩnh: Bông & giấy (NXB Lao động, 5/2010), gồm “30 tác giả hôm nay” - như tiêu chí của tuyển tập này đề ra.


Ban đầu những người chủ trương chỉ định mời những tác giả thường ngồi ở quán cà phê có cái dàn bông giấy phía trước (53bis Trần Quốc Thảo, TP.HCM), nhưng sau thì mời luôn các tác giả từng ngồi hay từng biết đến quán cà phê vỉa hè này - thành ra 30 tác giả, chủ yếu là các nhà thơ.


Họ, có người từ thế hệ 4X như Nguyễn Đạt, Lê Văn Ngăn, Từ Hoài Tấn, Vũ Trọng Quang...; 5X như Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Phùng Tấn Đông, Mai Văn Phấn, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Khương Bình...; đến 6X như Trần Tuấn; 7X như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Phan Trung Thành, Liêu Thái, Trúc Ty, Chiêu Anh Nguyễn...; và cả 8X như Đoàn Minh Châu, Đồng Chuông Tử, Nguyệt Phạm, Khương Hà, Lưu Mê Lan, Tiểu Anh, Bỉm...


Đặc biệt trong tập sách này còn sự xuất hiện của nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, với mấy tạp bút được viết như thơ, nên khiến cho nhiều người đọc lầm tưởng là thơ. Nguyễn Thị Hậu cho biết mình tham gia tập sách này chỉ với lý do duy nhất: “là khách ruột của cà phê bông giấy”; nếu chị không tham gia, thì tuyển tập này sẽ có tên là 29 nhà thơ hôm nay, chứ không phải là “30 tác giả”.

(TT&VH)

Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

Thơ Trần Hữu Dũng


LỮ KHÁCH


Lữ khách, ồn ã đi giữa luồng giao thông ùn tắc nắng xối
mơ tưởng đến tiếng chim hoạ mi hót rừng xa,
mơn man cơn gió vuốt ve, gợi nhớ cơn sóng biển trào dâng đột hứng, cố quên cơn giận dữ tranh cãi nhân sinh.
Hắn luôn mang cảm giác mất mát điều gì cao quí, thiêng liêng
vào ngày đầu mùa hè ảm đạm.

Mặt trời bơm thêm lượng máu cho thành phố,
đảo lộn những giấc mơ phù phiếm cư dân.
Em gái nhỏ nhắn, váy ngắn, cất cao tiếng hát,
rót mê đắm niềm ẩn ức vào bầu trời đầy sao.
Trong ngôi nhà nhỏ, ánh đèn đêm
chờ đợi bạn trở về.

Lữ khách, bỏ lại mớ kỷ niệm hiu hắt sân ga,
ướt đẫm tâm hồn sương giá.
Đôi khi tiếng lóng của đám đông hỗn loạn làm bạn nhói đau.
Hình dung, thế giới mở ra bao cặp mắt trẻ thơ
vòi vĩnh món quà thần tiên mà bạn không bao giờ biết được.
Các đường phố đan chéo nhau, mê lộ thời đại mới.
Bật ti vi, xem những vở kịch.
đóng hộp tiếng cười giả trá
Bạn thấy mình giống chiếc thuyền
tấp vào cảng bến vô định.

Lữ khách, bước qua vùng ánh sáng,
đến chợ phiên cuộc đời,
rồi biến vào không trung mất dạng.



Trần Hữu Dũng

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2010

RA MẮT TẬP “BÔNG & GIẤY_ 30 TÁC GIẢ HÔM NAY”


Tập sách “Bông & Giấy _ 30 Tác Giả Hôm Nay” được tổ chức ra mắt vào lúc 18 giờ ngày 14/05/2010 tại cà phê Ami (thuộc Khu du lịch Văn Thánh - 48/10, P22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), sách trên 300 trang trình bày mỹ thuật trang nhã, được tập hợp bởi các tác giả quen thuộc của như: Nguyễn Khương Bình, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Inrasara, Mai Văn Phấn, Chiêu Anh Nguyễn, Huỳnh Thúy Kiều, Phùng Tấn Đông, Huỳnh Lê Nhật tấn, Tiểu Anh, Đồng Chuông Tử, Nguyễn Thị Hậu, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Từ Hoài Tấn, Lưu Mêlan, Phan Trung Thành, Nguyễn Đạt, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh…NXB Lao Động ấn hành.


Cà phê Ami là một địa diểm sinh hoạt văn học nghệ thuật tọa lạc trong khuôn viên Khu Du lịch Văn Thánh, do họa sĩ Lê Triều Điển đảm trách với sự cộng tác của nhà thơ Lưu Vân. Nơi đây là chỗ gặp gỡ thường xuyên của giới văn nghệ sĩ thành phố, cũng là nơi giới thiệu ra mắt những cuốn sách văn chương và triển lãm hội họa điêu khắc. (Nhị K)

Thứ Sáu, 7 tháng 5, 2010

Thi sĩ Hoàng Cầm - Nghĩ lúc nằm im

Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống năm 2002 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán


trò chuyện với
Nguyễn Thị Ngọc Hải

Hoàng Cầm – người thơ mang vị thuốc đắng ấy bây giờ lúc ngồi lúc nằm. Nếu không, phải chống tay thế này. Ngã gãy mất xương đùi trái. Đã 86 tuổi, bây giờ chàng thi sĩ đa tình và tài hoa xứ Kinh Bắc nằm yên một chỗ. Nhưng hễ có bạn bè lên thì vẫn nụ cười “ như mùa thu toả nắng”.

Bây giờ chắc ông khó mà đưa em nào buồn về bên kia sông Đuống như ngày xưa nữa rồi?
(Cười) Gãy chân đã 5 năm. Bác sĩ bảo mổ. Không. Thôi, què thế cũng được rồi. 24/24 giờ xoay xỏa mãi một kiểu nằm ở cái giường. Đám Thuỵ Kha, Trọng Tạo bảo thơ nó vận vào đó. Suốt đời “nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” như sông Đuống. Vậy mà tôi vừa về quê năm ngoái đấy.

Đi đứng thế nào ạ?
Ngồi xe lăn. Ô tô thuê. Về làng Lạc Thổ - Đông Hồ, còn một ông anh con bác ruột. Vài người bạn cũng thành cụ cả rồi. Yếu. Gặp nhau mừng lắm. Tôi về cùng các con dự giỗ tổ họ Bùi.

Bên kia sông Đuống vẫn xanh bãi mía bờ dâu, những cô hàng xén, những nàng dệt sợi đi bán lụa màu, những em sột soạt quần nâu.. giờ thay đổi nhiều lắm phải không ạ? Có còn “dấu vết” gì không?
Làng ấy nửa buôn bán nửa nông nghiệp, xưa nay vẫn thế. Đi chợ này chợ khác, không hẳn thuần tuý là cái làng Việt Nam. Tranh Đông Hồ thì xóm bên cạnh Tết vẫn làm. Vẫn con lợn con gà, đám cưới chuột.

Vậy làng còn đẹp như trong thơ không?
Nó đẹp hay không tự mình. Lúc nào tôi cũng thấy nó đẹp. Nhưng bến đò không còn cảm giác quê hương. Hai bên bờ đã khác. Văn minh hơn. Bến đò nay xây cầu sắt hẳn hoi, tiện cho dân. Mất thơ mộng, chả có cảm xúc gì. Chỉ thấy văn minh.

Thưa, thấy văn minh là cảm xúc…
Trước bến đò không nhà tầng bên sông, chỉ đi bộ xuống. Bây giờ thông thống cả. Mất đi không khí quê cũ. Chỉ cần một ngôi nhà ngói chen vào là hỏng rồi. Mất cái gì không biết, chỉ thấy mất. Đã gọi là bến mà, phải chờ phải đậu. Xưa có quán tạm để người chờ vào đó uống nước. Bây giờ có cầu, tất nhiên bến đò mất đi không phải chờ, vào đó uống nước làm quái gì. Văn minh phá không khí. Trẻ không có kỷ niệm. Càng già kỷ niệm càng gay gắt.

Trẻ lại có kỷ niệm khác chứ thưa ông. Nói họ không có kỷ niệm e là họ không đồng ý?
Kỷ niệm là cái đã qua, bao giờ cũng trôi về thuở ấu thơ ấy chứ. Bọn trẻ có kỷ niệm giống nhau hết cả. Thí dụ một anh 20 thì kỷ niệm của anh ta hồi 7-8 tuổi làm gì có nữa. Lúc đó bắt đầu đổi mới rồi. Không có thời gian, lấy đâu ra kỷ niệm. Mà họ giống nhau: Cùng được bố mẹ nuôi, sống ở thành phố, đi học…

Nhưng bây giờ tâm tưởng họ khác, phong phú nhiều bề, bận rộn, căng thẳng lắm chứ đâu có thong dong suy ngẫm kỷ niệm?
Cứ lấy thí dụ con cái thân thiết của gia đình mỗi nhà mà xem. Tâm tưởng thì chúng nó nghèo lắm đấy. Con tôi chẳng hạn, ngoan giỏi, yêu kính bố. Nhưng tập thơ tôi in ra. Sáng dậy nó còn ngủ. Tôi để cuốn thơ đầu giường, ngay mang tai nó, dậy nhất định thấy liền. Nó: Ờ, hay quá. Bố mới xuất bản ạ. Rồi giở lướt ra: In đẹp đấy nhỉ. Rồi để lại chỗ cũ, không cầm đi theo. Không có gì nó quý.

Vậy nó “quý” gì?
Bố có khách, nó quý người khách lắm. Họ nói chuyện thơ là nó thích, dù nó bận không nghe. Nó quý bạn thơ của bố mà chưa biết quý thơ. Đứa nào cũng phải tính làm ăn. Có tiền nuôi vợ con khá lên. Thời đại nó thế mất rồi. Giỗ vợ tôi mà đông khách khứa, bạn bè thăm bố, nó phấn khởi. Nhưng nghĩ ít. Hay là nó nghĩ gì không biết.

Con cháu có thuộc thơ ông không – cả nước phải học, vừa rồi cũng lại “Bên kia sông Đuống” là đề thi Văn mà?
Con cháu tôi đều đức độ, không phải loại vô học nhưng nó không quan tâm lắm dù cũng đã học qua rồi, bài của bố nó là tác giả. Nhưng đứa cháu lại thuộc, con chị học bên Hà Lan thì sưu tầm cẩn thận lắm.

Bài “Bên kia sông Đuống” dài lắm, đọc lên khi nào cũng nao lòng. Ông còn thuộc khômg?
Đây này, tôi sẽ đọc …(Ông đọc liền tới hơn 100 câu thì ngừng), như thế là mệt rồi. Giọng bây giờ nó cũng hỏng rồi. Hay gì. Trước sang sảng, nay có lúc khản hẳn.

Mặc dù có nhiều tác phẩm, ông có thể kể lại những cảm xúc nao lòng em oi buồn làm chi, anh đưa em về sông Đuống… làm rung động nhiều thế hệ?
Chuyện này nghiên cứu văn học có phân tích nhiều nhưng tôi vẫn sẽ nói thêm cái cảm giác của một đêm khuya năm 1948 ở khu 12 Phú Bình Thái Nguyên. Mấy anh cán bộ Nam sông Đuống lên báo cáo tình hình Pháp chiến. Tư lệnh Lê Quảng Ba mời tôi sang nghe.
Lúc đó tôi thành lập một đội văn công nhỏ. Tôi nghe họ báo cáo ở Thuận Thành, Lang Tài, La Lương, nó bắt bao người, bắt bao nhà. Đêm về nghe rõ ràng giọng chính mình vang lên mấy câu đầu “Em ơi buồn làm chi…” nó trào ra rất nhanh. Không phải nghĩ nữa. Âm điệu chữ nghĩa cứ tuôn ra. Thương quê mình quá.

Nghe nói hồi đó ông cứ phải ngồi đọc cho các cán bộ ở Côn Đảo, Phú Quốc, Campuchia về hội nghị ở Việt Bắc chép bài thơ đó. Sau nó được in ở báo Cứu Quốc. Ông còn giữ tờ báo đó không?
Chiến tranh loạn lạc, làm gì còn.

Theo ông, cái gì làm cho khung cảnh một làng quê ông sống mãi trong mọi tâm hồn?
Gắn lòng với dân tộc, thương quê. Cái gì nói lên được quê hương và những người quê hương sẽ trường tồn. Đó là một quy luật.

Nhưng có thời hình như nó bị cấm?
Lúc đó tôi nghĩ: cứ cấm đi, chỉ 10 năm nó sẽ sống lại… Ai không gì dìm cho nó “chết” được.

Ông sống rất lâu ở Hà Nội, nhưng lại không làm thơ về Hà Nội?
Tôi ở từ năm 1941-1942 khi diễn vở “Kiều Loan”. Lúc đó mới biết Hà Nội nó ở chỗ nào. Không biết thích gì ở Hà Nội. Vì nó ít kỷ niệm, hoặc kỷ niệm không đáng nhớ lắm. Cũng đi học, đi thi…

Bây giờ những tứ thơ còn đến với thi sĩ nữa không?
Thơ đầy bụng nhưng không viết được. Chỉ 3 phút là tư tưởng loãng, rối dần. Biết thôi hết rồi.

Thì ghi âm, hoặc gọi con cháu ghi giùm, không thì phí quá.
Phải nhớ, là rắc rối rồi.

Vậy phải nằm suốt ngày, nhà thơ nghĩ gì?
Không có một việc gì để làm cả. Nghĩ về dĩ vãng, công việc, vợ con, bạn bè. Chỉ thoáng thôi. Nhớ giờ không sâu nữa.

Kể cả nhiều mối tình đã từng say đắm, thi sĩ đa tình cũng quên hết sao?
13 người gia nhân – kể những người có “thành tích” tên tuổi. Linh tinh không dễ. Hầu như họ ở Sài Gòn hoặc tản mạn đi đâu hết.

Ông nằm trên tầng lầu cao nhất của ngôi nhà gần sát nhà thờ lớn. Hàng ngày nghe tiếng chuông có gợi nhiều buồn vui, dĩ vãng?
Chuông nhà thờ ở thàmh phố không thể nào sánh với chuông chùa vùng quê. Xâm xẩm chiều buông, tiếng chuông chùa quê Việt Nam nó ghê lắm. Từng tiếng một, tắt hẳn dư âm mới tiếp tiếng khác, chìm dần, đưa vào cõi không. Vời vợi rồi chìm hết. Nghe tiếng chuông chùa ở nhà quê mới hay. Chùa Quán Sứ cũng có, nhưng nó ở thành phố, không thực không khí Việt Nam. Muốn hưởng cái hay phải ở nhà quê yên tĩnh. Mà phải nghèo.

Sao vậy ạ?
Nghèo – cảm thấy hư vô không còn gì cả. Tiếng chuông chùa lên là thôi, tan dần, mới thật là Phật. Chuông nhà thờ buồn chiều một tí, nhưng chuông chùa ở nhà quê đưa người ta hiểu đúng thế nào là hư vô.

Nằm “trên trời” thế này ông có theo thời sự không ạ?
Đọc báo. Xem TV cả ngày phát chán. Giá lên. Có cảm giác nhân loại này TV Việt Nam nói nhiều nhất thế giới. Thấy nói thừa nhiều quá. Mà các ông đi thăm chỗ này chỗ kia, chả thấy nói ông ấy làm gì, bàn gì không biết.

Cuộc sống sinh hoạt hiện nay của ông thế nào ạ?
Ăn cháo với thịt băm. Củ cải dầm ăn được. Còn thuốc lào thì không kể được. Anh Nguyễn Đình Toán còn nhớ đấy. Năm 1993 vào Huế, ông Hải Bằng về nhà chặt tre làm điếu đem đến không kịp. Chúng tôi ra đến Quảng Trị nhờ trẻ con đi mua điếu không có. Một lần ra sân bay, Toán uống bia xong đục cái vỏ lon bia làm điếu.

Hút vậy hại sức khoẻ lắm.
Câu ấy ai cũng nói. Nhưng nó theo cả đời rồi. Mình phải cầm đóm lấy mới ngon, Để người châm hộ không ngon.
Thật ra sống đủ rồi, không muốn sống đau ốm, thế nên cho trách giời một tí.

Nguyễn Thị Ngọc Hải.

http://viet-studies.info/HoangCam_NTNgocHai.htm

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2010

Nhà thơ Hoàng Cầm qua đời

Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

9h30 sáng nay (6/5), thi sĩ "Lá diêu bông" đã nhẹ bước vào cõi hư không, để lại một di sản tinh thần độc đáo, tài hoa, in dấu ấn riêng biệt vào lịch sử văn chương Việt Nam.

Hoàng Cầm sinh năm 1922. Ở tuổi xấp xỉ 90, vì một cú ngã dẫn đến bại chân, nhiều năm qua, ông hoàng thơ tình Việt Nam chỉ còn quanh quẩn nằm ngồi trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư. Tối 2/5, bệnh trở nặng, ông được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu. Hơn 3 ngày sau, tác giả Bên kia sông Đuống qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hôm 3/5, ông cùng Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và một số bạn văn nữa vào viện thăm Hoàng Cầm. "Lúc này, nhà thơ không nói được nữa, tuy ánh mắt vẫn còn tỏ vẻ nhận ra mọi người. Tay ông dường như đã lạnh".
"Tôi đã lường trước được chuyến đi cuối cùng của Hoàng Cầm. Nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng, đau xót. Đối với tôi, Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn với những tác phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, nhưng lại có đóng góp rất quan trọng trong công cuộc cách tân thơ ca Việt Nam. Thơ ông ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thi sĩ Việt Nam", Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.
Hiện tại, thi hài nhà thơ đang được quàn tại phòng lạnh Bệnh viện 108. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Hội và gia đình nhà thơ đang bàn bạc về ngày giờ và địa điểm tổ chức tang lễ cho Hoàng Cầm. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức với nghi thức cao nhất của Hội Nhà văn. Ông không chỉ là tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước mà còn là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại".

Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936 - 1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.
Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.
Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)...
Năm 2007, Hoàng Cầm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học Nghệ thuật.

Lá Diêu Bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời...
ới Diêu Bông!

Hoàng Cầm

Tập Thơ : BÔNG & GIẤY đã phát hành



Tuyển tập thơ Bông & Giấy: 30 Tác Giả Hôm Nay là nỗ lực “góp gạo nấu chung” của :

Tiểu Anh, Bỉm, Nguyễn Khương Bình, Đoàn Minh Châu, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Đạt, Phùng Tấn Đông, Khương Hà, Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Inrasara, Huỳnh Thúy Kiều, Lưu Mê Lan, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Văn Ngăn, Chiêu Anh Nguyễn, Nguyệt Phạm, Mai Văn Phấn, Vũ Trọng Quang, Lê Vĩnh Tài, Từ Hoài Tấn, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Liêu Thái, Phan Trung Thành, Nguyễn Quang Thiều, Đinh Thị Như Thúy, Phan Huyền Thư, Trần Tuấn, Đồng Chuông Tử và Trúc Ty

do Nguyễn Khương Bình biên tập
NXB Lao Động ấn hành vào tháng 4 năm 2010
315 trang
bìa: Mộc

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2010

Thơ Chiêu Anh Nguyễn


VỌNG TƯỞNG



Không chờ nữa
những tàn cây trơ lá
Mùa đi nghiêng héo một nụ cười
Người bước vội
qua vùng hoa cỏ mật
Để bên đời
trái đắng riêng thôi…
Ngày nắng thắp
mầm xanh nhú ngọn
Vừa cúi mình đêm trước
rã rời
Nhỏ từng giọt xuống thềm rêu lạnh
Sương vô vi từng hạt trong khơi

Không níu nữa những nốt âm
lặng ngắt
Treo lửng lơ
khung nhạc rối bời
Bàn phím trắng
đeo tang mười ngón
Trả thon gầy về với xa xôi
Không đợi nữa
nụ cười xưa cũ
Ngày đi qua và đêm cũng qua
Chiều tắt nắng sương sõng soài trên cỏ
Thả nồng nàn
Gục xuống bao la


Chiêu Anh Nguyễn