Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

Thư ngỏ về đặc san “LÀNG CHUỒN”

Kính gởi bà con đồng hương Làng Chuồn – Thừa Thiên Huế

Chúng tôi là những con em của Làng Chuồn vì sinh kế sống tha hương, thương nhớ quê nhà. Hằng năm, đối với những người có điều kiện cũng có về quê chạp giỗ hay quan hôn tang tế nhưng đa phần vì kinh tế khó khăn đành phải ngậm ngùi nhìn về quê làng xa khuất. Mối dây liên lạc từ đó cũng dần phai nhạt. Chúng tôi lo ngại rằng qua hết thời của chúng tôi rồi, thế hệ kế tiếp không biết có còn tình quê nguồn cội của mình không?
Cũng vì lẽ ấy, chúng tôi muốn làm một cái gì đó để liên kết lại những người xa quê cùng nhau hướng về quê bằng những hành động thiết thực, đồng thời nhắc nhở con cháu luôn nhớ về cội nguồn và gìn giữ truyền thống cho đời sau. 
Trước tiên chúng tôi có kế hoạch làm một đặc san văn hóa hàng năm dự kiến sẽ phát hành vào dịp Thu Tế của làng (16 tháng 7 Âm lịch). Đặc san này sẽ lấy tên là LÀNG CHUỒN, được biên tập bởi những con em của làng, nghiên cứu sưu tầm có giá trị về đất nước và con người của Làng Chuồn, về địa dư chí của vùng đất đã sản sinh những danh nhân đất nước trong nhiều lĩnh vực trong quá khứ cũng như thời hiện đại. Có thể kể rất sơ lược một số nhân vật xưa và nay như Tướng quân Hồ Hồng đời Trần (lăng mộ hiện ở làng), nghĩa sĩ Đoàn Trưng, Đoàn Trực (nổi dậy triều Tự Đức nhà Nguyễn), Hòa thượng Thích Tiêu Diêu (Thánh tử đạo 1963) Thích Thiện Châu (danh tăng) Sư bà Thích nữ Diệu Không, Hòa thượng Thích Thiên Ân (sáng lập chùa Việt Nam đầu tiên ở Mỹ), Thượng thư Hồ đắc Trung (người có công dạy lễ nghi cho làng) và các hậu duệ nổi tiếng Thượng thư Hồ Đắc Hàm, Bác sĩ Hồ Đăc Di, Ông Bộ Bàng (khai sinh gánh hát bội gia đình ở làng và họ Đoàn cũng đã hiến đất làm chùa An Truyền nay) … cùng những tác giả văn nghệ thời nay như các nhà văn nhạc sĩ được nhiều người biết là con em dâu rể của làng hay có quan hệ gắn bó với làng Chuồn như : Hòa thượng Minh Tâm, Cao Thoại Châu, Mường Mán, Từ Hoài Tấn, Võ Quê, Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Liên Châu, Hồ Đắc Duy …
Chúng tôi kêu gọi quý đồng hương quan tâm tham gia hợp tác với chúng tôi, đóng góp bài vở cho đặc san này. Nội dung bài vở gồm các đề tài: lịch sử, nguồn gốc, phong tục lễ hội truyền thống của làng, nhân vật tiêu biểu có công lao khai sáng quê làng, thơ văn, hồi ký …vv.. Xin gởi về càng sớm càng tốt theo địa chỉ email bên dưới. (Bài viết đánh máy vi tính sử dụng Unicode, word 97 trờ lên, không nhận bản viết tay)
Nếu bài vở tập trung đầy đủ chúng tôi sẽ xin phép in ấn phát hành vào dịp Tết Bính Thân năm nay. Rất mong được sự ủng hộ của quý đồng hương thân hữu.
Về tài chính, chúng tôi cũng xin thông báo đã có một số con em của làng Chuồn tài trợ in ấn. Tuy nhiên chúng tôi cũng không ngại kêu gọi quý đồng hương trong và ngoài nước có lòng hảo tâm đóng góp thêm để nếu được chúng ta sẽ làm một quỹ học bổng hàng năm cho con em chúng ta.
Đặc san in offset nhiều màu giấy tốt khỗ lớn (A4) khoảng ngoài 100 trang nhiều hình ảnh màu được trình bày chuyên nghiệp.
Thư từ bài vở gởi qua emai: tuhoaitan@gmail.com – Liên lạc cell phone: 0908809405
Tiền bạc chuyển qua tài khoản Hồ văn Hiền số TK 0109056378 tại ngân hàng Đông Á – Việt Nam
Phụ trách biên tập nội dung: Từ Hoài Tấn. Với sự cộng tác của:Hòa thượng Minh Tâm, Cao Thoại Châu – Mường Mán - Nguyễn Phú Yên - Võ Quê – Nguyễn Liên Châu - Hồ Đắc Duy – Hồ Đắc Thiếu Anh - Nguyễn Miên Thảo - Viêm Tịnh … và một số thân hữu khác
Thư ngỏ này sẽ được phổ biến trên mạng internet và phương tiện thông tin hoặc trang web, blog cá nhân của quý đồng hương nếu được. Hàng tháng chúng tôi sẽ thông tin đầy đủ về tình hình thực hiện . 
Trân trọng.

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Lấy chồng miền Nam

Bút ký của ĐẶNG THÚY NGẦN 
(PL)- Miền Nam với mẹ tôi là một vùng đất xa xôi lạ lẫm lắm. Khi tôi mở miệng xin lấy chồng miền Nam, mẹ thoáng sững sờ.
Sau bốn năm xa nhà học tập, tôi lê bước về gặp mẹ mình với tâm trạng của một tội đồ!
Vừa đặt chân vào nhà là tôi đã lao tới ôm chầm lấy mẹ mình. Không ngờ chưa đầy một năm xa cách mà mẹ lại nhanh già đến vậy. Mẹ đang ngồi trên chiếc chõng tre, trời vừa chớm thu, gió heo may chưa về mà khăn đã trùm kín đầu. Thấy tôi, mẹ cất lên mấy tiếng “Con về đấy ư…” rồi ôm ngực ho sù sụ… Hôm sau tôi ra đồng làm việc, bà con lối xóm xúm lại chia sẻ, nhắn gửi: “Mừng cho u mày quá, trồng cây đã đến ngày hái quả rồi” hoặc “Trông mẹ mày như con cá mắm, ra đồng làm việc chúng tao ái ngại quá…”. Những câu thân tình ấy đã như ngọn lúa cứa vào tim tôi. Để rồi sau đó cứ định mở miệng nói với mẹ cái điều đang làm mình ưu tư thì cảm giác bất nhẫn lại dâng lên ngập lòng. Vậy là im bặt. Chỉ khi gần đến ngày trở lại trường, lúc ấy trời sẫm tối, cả nhà vừa ăn cơm xong, mấy đứa em bưng bê bát đũa ra cầu ao rửa, chỉ còn hai mẹ con, tôi cố lấy hết can đảm nói lên điều đó: “Mẹ, cho con… lấy chồng miền Nam và… vào trong ấy làm việc nhé?”.
Mẹ nhìn tôi thoáng sững người. Tuy chưa nói gì nhưng cái chõng tre mẹ nằm đêm ấy nghe èo ẹo suốt.
Bỏ mẹ theo anh thì bất nhẫn
Ngày tôi trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp. Tiễn tôi ra đến cổng làng, cầm tay tôi giọng mẹ tha thiết: “Phận đàn bà sướng khổ từ chuyện chồng con. Mẹ không cấm việc con lấy chồng xa chồng gần nhưng hãy suy xét cho chín chắn con ạ!”. Nửa ngày đường ngồi trên xe mà nước mắt tôi cứ chực trào ra. Đã bao lần rồi, cứ tiễn người thân ra đến cổng làng là giọng mẹ trở nên trầm buồn, rồi khi về nhà ngồi tựa cửa mà lấy lai quần chậm nước mắt. Cha đi biền biệt hết kháng Pháp rồi lại chống Mỹ, mẹ quanh năm lẻ bóng nuôi đàn con thơ mà sinh lao lực. Cuộc chiến cơm gạo ở hậu phương với mẹ xem ra còn cam go hơn ngoài mặt trận của cha nhiều. Cha có thể yên lòng cầm súng xung phong rồi nằm xuống. Còn mẹ, nuôi cả đàn con dại lúc nào cũng như chim non háu đói. Mẹ không được gục ngã, ốm đau cũng phải lê lết ngoài đồng. Lặng lẽ nuôi con, lặng lẽ mang khát vọng hết chiến tranh rồi chồng sẽ trở về chung vai xây tổ ấm với mình nhưng mơ ước của mẹ đã không thành. Cha đã mãi mãi không trở về với mẹ nữa! Ngày tôi đỗ đại học, mẹ không ngớt động viên hãy lên đường nhập học để rồi càng oằn vai với bao công việc ở quê nhà. Gần đây sức khỏe mẹ trở nên sa sút, việc đồng áng phải cậy nhờ vào đôi vai nhỏ nhắn của đứa em gái mới lớn, vậy mà tôi lại nỡ…
Bốn năm xa nhà học tập, chuyện yêu đương tôi dặn lòng khép lại. Nhưng tình yêu thì như tơ trời vương vấn lòng người trăm nẻo. Quả là nan giải khi mới nghĩ đến chia tay với anh ấy là lòng tôi đã đau vời vợi rồi. Biết tìm đâu ra người hòa hợp cả tâm hồn và lẽ sống với mình như anh ấy. Một thoáng suy tư thoáng qua mắt tôi là anh đã tìm cách chia sẻ. Hài hước mà lại sâu sắc, bên anh tôi luôn có cảm giác nhẹ nhàng và bình yên hơn. Bỏ mẹ theo anh thì bất nhẫn, tôi không đành. Biết lòng tôi đang dậy sóng, anh ấy nói: “Hãy đưa anh về thăm gia đình em cái đã, rồi tùy hoàn cảnh mà tính…”.
Khách đến chơi nhà
Xóm nghèo quê tôi nằm chơ vơ ven bờ sông Bôi, Thái Bình. Tin tôi đưa người yêu là người miền Nam về ra mắt gia đình chẳng mấy chốc lan nhanh khắp xóm. Tối ấy vừa ăn cơm xong thì bà con đã đốt đèn đến thăm nhà tôi nườm nượp. Mẹ tôi làm mặt tươi tắn, luôn miệng mời bà con ăn bánh, hút thuốc nhưng lại khéo léo từ chối “cái anh kia” chỉ là khách đến chơi nhà thôi mà! Khuya, khi bà con đã về, điền vào cái khoảng lặng ấy là tiếng giọt mưa rơi tí tách ngoài hiên nghe mồn một. Qua đi cái giây phút vui rộn ràng “giả tạm” đó thì cái chõng tre mẹ tôi nằm lại nghe èo ẹo! Giường bên kia không biết anh ấy nghĩ gì mà ngồi rít thuốc lá đỏ rực. Tâm tư tôi cũng bắt đầu xao động. Có phải mẹ tôi đang buồn vì câu “Có phúc gả con chồng gần...”? Còn anh ấy chắc đã nản trước thái độ khước từ khéo léo chuyện rể con của mẹ? Trời về khuya rét đậm. Có lẽ do hít nhiều khói thuốc của bà con ban nãy hoặc quá rét mà mẹ tôi ho liên tục, rồi lên cơn hen nặng, mặt tím tái do bị co thắt phế quản. Bệnh đã thành mãn tính mấy năm nay rồi, tiêm cho mẹ là việc của đứa em gái tuổi 15, nó được tập huấn kỹ và đã quen việc. Biết tôi toan lấy chồng xa, nó căm hờn lắm. Trước khi bỏ sang nhà hàng xóm ngủ, nó ngúng nguẩy liếc anh ấy thiếu đường rách mắt rồi chu miệng vào tai tôi mà nói: “Đồ phản bội”! Biết tìm con bé đỏng đảnh đâu trong lúc cấp bách này? Tôi làm liều, cầm xi lanh và ống thuốc adrenalin mà run tay vì chưa tiêm cho mẹ lần nào. Giữa lúc ấy thì anh ấy bước tới, nhanh chóng sát trùng, rút thuốc vào xi lanh và tiêm cho mẹ tôi khá thuần thục. Mấy phút sau da dẻ mẹ hồng hào trở lại, hỏi anh: “Cháu biết tiêm thuốc từ lúc nào mà giỏi vậy?”. “Dạ, trước cháu được đào tạo làm lính cứu thương ở biên giới phía Bắc ạ”.
Quê tôi ăn tết thật muộn. Những ngày cuối năm, chiếc loa phóng thanh hợp tác xã cứ ra rả câu khẩu hiệu: “Xuân không nồng khi ngoài đồng chưa xuống hết giống” làm ai cũng nóng ruột. Ngay hôm sau là tôi đã đi làm đồng với bà con rồi. Anh ấy thấy cảnh nhà dột cột xiêu, sau mấy ngày ra vườn chặt tre chẻ lạt, che chắn, dọi chỗ dột rồi cũng cương quyết theo tôi ra đồng. Tối đến anh lại cùng đứa em trai tôi ra bờ sông úp cá. Là dân đồng trũng anh có tay sát cá thật. Mẹ tôi vốn thảo ăn đem biếu khắp xóm…
Thấu hiểu chuyện phận đàn bà chồng chết trận
Ngày trở lại trường đã gần kề, vậy mà anh chưa có kế hoạch gì ráo làm tôi sốt ruột quá. Đã thế lại còn dại miệng làm tình hình tồi tệ hơn. Bữa ấy, sau khi đem cá biếu hàng xóm về, giọng mẹ cởi mở hỏi anh: “Nghe nói nhà trường giữ lại cả hai đứa làm giáo viên, sao cháu không ở lại mà về quê làm cho cái Ngần khó xử?”. “Dạ, hoàn cảnh cháu ngặt lắm, mùa gặt vừa rồi má cháu gánh lúa ngã cầu khỉ bị liệt nửa người, hai em thì còn quá dại…”. “Vậy cha cháu đâu?”. “Dạ, cha cháu mất ở chiến trường Quảng Trị...”. Mẹ tôi lặng người. Cha tôi cũng hy sinh ở chiến trường ấy vào mùa hè năm 1972. Có khi nào họ là đồng đội của nhau không nhỉ? Mẹ gấp gáp hỏi: “Cháu có biết tên đơn vị cha không?”. “Dạ, cháu không biết nhưng cha cháu là lính… Cộng hòa”. “Hả!”. Mẹ tôi buột miệng thành tiếng rồi mặt mày tái mét như bị trúng gió. Tôi biết cái định kiến xưa nay ngự trị trong lòng mẹ vẫn còn đó: “Chính những người lính Cộng hòa đã chĩa súng vào cha, biến mẹ thành cô phụ!”. Không nói thêm nửa lời, mẹ lặng lẽ lên giường nằm. Cái chõng tre đêm ấy lại nghe èo ẹo.
Tôi đã không còn gì để hy vọng. Chuyện tình duyên hai đứa đã bị anh ấy vô tình dẫn ra pháp trường rồi. Đụng đến vết thương lòng của mẹ thì chỉ có trời cứu! Sau mấy ngày buồn rười rượi, mẹ dục tôi sang thăm quê ngoại. Anh ấy cũng bộ mặt đưa đám, lẽo đẽo theo sau. Tối về, vừa ăn cơm xong mẹ bảo hai đứa ngồi lại để nói chuyện. Nghe thế tôi lo lắm. Ngồi một chập, mẹ nói với anh ấy: “Mấy đêm không ngủ được bác đã thấu hiểu chuyện phận đàn bà chồng chết trận, dẫu ở bên nào thì nỗi đau mất mát cũng giống nhau. Bác ngẫm mình còn may, còn đi lại được, em gái con tuy còn nhỏ nhưng cũng cậy nhờ được rồi. Tội nghiệp má con trong ấy, nằm liệt giường mà phải nhìn đàn con dại không ai chăm sóc, chắc đau lòng lắm!”. Lại lấy cái lai quần chậm nước mắt, mẹ nói tiếp: “Cho con gái đi lấy chồng xa là mẹ đứt cả núm ruột nhưng yên dạ phần nào vì con rể là đứa tảo tần, biết sống. Đám cưới các con vì sức khỏe mẹ không vào được, thôi thì có chút tiền gọi là cho con gái đi lấy chồng. Hãy cầm lấy cho mẹ yên lòng…”. Hai đứa tôi không thể ngờ, cái định kiến sâu thẳm trong lòng mẹ vì thương con mà được khỏa lấp nhanh đến thế. Lại còn tiền đâu mà mẹ có nữa chứ? Đang phân vân thì đứa em gái đứng ngoài nói chen vào: “U vừa bán lợn đấy”. Tôi tức tốc chạy ra chuồng lợn thì hỡi ơi con lợn đang sức ăn sức lớn, là món tài sản duy nhất để cứu đói cho gia đình đã không còn!
“Con đến đất khách quê người nhớ giữ gìn sức khỏe mà còn có ngày về thăm mẹ nghe…”. Vẳng bên tai tiếng mẹ thì thầm, nước mắt tôi cứ thế trào ra ào ạt.

Bút ký của ĐẶNG THÚY NGẦN
Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2015

Giáo sư Trần Văn Khê qua đời

Rạng sáng 24/6, người nghệ sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu của làng nhạc dân tộc Việt Nam qua đời tuổi ở 94 sau gần một tháng chữa trị tại bệnh viện.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê qua đời vào khoảng hai giờ sáng 24/6 tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TP HCM. Trước đó, ông trở bệnh nặng vào ngày 27/5 vì suy tim, viêm phổi nặng, thận hư. Ông bị suy hô hấp khiến không thể tự thở và tim bị rối loạn nhịp chậm. Giáo sư được các bác sĩ đặt nội khí quản cho thở máy và tiến hành đặt máy tạo nhịp tim từ khoảng một tháng nay.
Theo đúng bản di nguyện do Giáo sư lập ra vào ngày 5/6, thi hài ông được quàn tại tư gia đường Huỳnh Đình Hai, Bình Thạnh. Tang lễ của ông cũng diễn ra ở ngôi nhà này.
Theo di nguyện của Giáo sư, khi ông qua đời, con trai trưởng của ông là Giáo sư Trần Quang Hải sẽ là chủ tang. Tuy vậy, do Giáo sư Hải đang ở Pháp, chưa trở về kịp, một tiểu ban tang lễ được lập ra gồm những người thân thiết của ông như: nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, ông Trần Bá Thùy (chồng của nữ thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương)... Ngoài ra, có các thành viên trong gia đình, môn sinh và bạn bè cùng chung lo hậu sự cho giáo sư.
giao-su-khe-Tet-At-Mui.jpg
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê khai đàn dịp Tết Ất Mùi 2015 tại tư gia.
Từ tháng tư, cảm nhận về việc mình sắp ra đi, Giáo sư Khê liên lạc với bạn bè thân thiết, trong đó có nhà văn - nhà báo Nguyễn Đắc Xuân ở Huế để gửi gắm về việc lo giúp mình hậu sự. Ngay khi nghe tin Trần Văn Khê nhập viện nguy kịch, ông Nguyễn Đắc Xuân bay từ Huế vào TP HCM và sát cánh bên gia đình giáo sư đến ngày ông mất.
Từ ngày 9/6, khi hay tin cha đang hấp hối, Giáo sư Trần Quang Hải cũng từ bay Pháp về Việt Nam. Trong giai đoạn này, sức khỏe Giáo sư Khê nhiều lúc rơi vào nguy kịch khiến gia đình, người thân lo lắng. Ban tang lễ dự kiến được lập ra từ lúc này để Giáo sư Hải kịp họp bàn chuyện hậu sự cho cha.
Trong một tháng nằm viện, có lúc tưởng như Giáo sư Khê có dấu hiệu hồi tỉnh khi sau nhiều ngày hôn mê. Ngày 18/6, ông mở mắt nhìn con trai và có phản ứng tỏ vẻ hiểu khi nghe trò chuyện. Ngày 21/6, do bận việc, Giáo sư Hải bay về Pháp. Tuy vậy, chỉ ba ngày sau, Giáo sư Trần Văn Khê tiếp tục rơi vào hôn mê và không vượt qua được thử thách về sức khỏe lần này. Ông mất khi chỉ còn đúng một tháng nữa là đến ngày mừng thọ 94 tuổi. Giáo sư Khê sinh ngày 24/7/1921.
Giáo sư muốn tang lễ thực hiện theo nghi thức Phật giáo. Thượng tọa Thích Lệ Trang là người chủ tế cho các nghi thức. Sau thời gian quàn tại tư gia để bạn bè, môn sinh và khán giả đến tưởng nhớ ông lần cuối, Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được hỏa táng. Di nguyện, tro cốt của Giáo sư được đặt dưới bàn thờ ông bà ở tư gia đường Huỳnh Đình Hai. "Nếu vì một lý do gì không cho để hũ tro ở tư gia của tôi được thì các con tôi cùng ban tang lễ quyết định nơi nào lưu trữ thuận tiện nhất", Giáo sư bày tỏ mong ước cuối đời.
Tại tang lễ, sẽ có một ban nhạc đờn ca tài tử gồm những người bạn thân và môn sinh của ông hòa tấu một buổi đặc biệt. Về khoản tiền phúng điếu cho tang lễ, giáo sư bày tỏ mong muốn dùng số tiền này lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng mang tên ông để hàng năm trao cho người được giải về nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam.
dang xem lai cac dia than cua minh voi nhac su vinh bao -  anh nguyen a'
Giáo sư bên các đĩa than ông từng thực hiện, trong đó có đĩa than ông hòa đàn cùng nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (trái). Ảnh: Nguyễn Á
Giáo sư - Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp. Sau đó, ông trở thành giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc, UNESCO... Ông là người có bề dày trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, có công trong quảng bá âm nhạc Việt Nam nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.
Trong hơn nửa thế kỷ sống và nghiên cứu, giảng dạy âm nhạc dân tộc ở Pháp, Giáo sư Khê luôn tranh thủ những chuyến về nước ngắn ngủi để tìm hiểu và giao lưu với các nghệ nhân trong nước về nhạc truyền thống. 
Năm 2004, ông chuyển về nước hàng nghìn cuốn sách, những công trình nghiên cứu, băng video... Tất cả tư liệu được ông tích góp trong hàng chục năm nghiên cứu âm nhạc được đóng gói trong hơn 460 kiện hàng đi theo đường biển chở từ Pháp về Việt Nam. Khối lượng tư liệu này được lưu trữ tại Viện Bảo tàng TP HCM. Tháng 10/2005, Ủy Ban Nhân Dân TP HCM bàn giao căn biệt thự nhỏ nằm trên đường Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh làm nơi lưu trú cho Giáo sư Khê. Ngôi nhà này còn là nơi lưu trữ toàn bộ hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiệp của ông. 
Trong bài phỏng vấn với VnExpress vào năm 2006 - thời điểm ông đón cái Tết đầu tiên ở ngôi nhà mới - Giáo sư Khê tâm sự: "Tôi luôn mong ước được về Việt Nam, có một ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là nơi để làm việc. Đó là nơi tập trung và giữ gìn những tư liệu mà cả đời tôi gom góp được, để sau này cho thế hệ trẻ Việt Nam đến xem, để các bạn có thể đối thoại với các nền văn hóa âm nhạc trên thế giới".  
Giáo sư Khê quay về nước định cư từ năm 2003 ở tuổi 82. Từ đó đến nay, ông nhiều lần phải vào ra bệnh viện cấp cứu vì sức khỏe yếu. Từ trẻ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng lần nào ông cũng kiên cường chiến đấu với bệnh tật và hồi phục sức khỏe ngay sau đó để trở lại với công việc quảng bá, giảng dạy âm nhạc. Lần nhập viện cuối cũng là lần nằm viện lâu nhất của ông. Ông chống chọi với bệnh tật cho đến phút cuối cùng.
Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận nhiều giải thưởng quốc tế về đĩa hát và hoạt động nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc. Các giải thưởng ông đạt được:
- Năm 1949: Giải thưởng nhạc cụ dân tộc tại Liên hoan Thanh niên Budapest.
- Năm 1975: Tiến sĩ âm nhạc danh dự (Docteur en musique, honoris causa) của Đại học Ottawa (Canada).
- Năm 1981: Giải thưởng âm nhạc của UNESCO ở Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (Prix UNESCO - CIM de la Musique).
- Năm 1991: Huy chương về Nghệ thuật và Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (Officier de l'Ordre des Arts et des Lettres, Ministère de la Culture et de l'Information du Gouvernement français).
- Năm 1993: được cử vào Hàn lâm viện châu Âu về Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật; viện sĩ thông tấn.
- Năm 1995: Giải thưởng quốc tế về Dân tộc nhạc học KOIZUMI Fumio (Nhật).
- Năm 1998: Huy chương Vì Văn hóa Dân tộc của Bộ Văn hóa Việt Nam.
- Năm 1999: Huân chương Lao động hạng nhất do Chủ tịch Trần Đức Lương trao. Cũng trong năm này ông được Đại học Moncton (Canada) trao bằng Tiến sĩ danh dự nhờ học vị và công trình nghiên cứu về âm nhạc học.
- Năm 2011: Giáo sư Khê được trao giải thưởng "Thành tựu trọn đời trong âm nhạc" do Ủy ban kết nghĩa Việt - Mỹ của hai thành phố San Francisco và TP HCM trao tặng. Cùng năm này ông được trao Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu.
- Năm 2005: Giải thưởng Đào Tấn do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc trao tặng.
- Năm 2013: Ủy ban Nhân Dân TP HCM trao tặng Huy hiệu TP HCM cho Giáo sư Khê.
Ông là thành viên danh dự suốt đời của hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO.
Thoại Hà
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/trong-nuoc/giao-su-tran-van-khe-qua-doi-3233090.html

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Diễm tình Sài Gòn tào lao ngoài lề ngôn tự

Cả một bức tranh minh họa đời sống văn chương bề nổi của cả miền Nam xưa cũ: náo nhiệt tào lao nhưng rôm rả thật thà. Tất cả, từng dấu tích thăng trầm thượng hạ, từng bức thơ, chiếc hình bất ngờ rơi ra từ những trang sách đã hàng chục năm khép chặt, những dòng thủ bút lưu niệm, cho đến những lớp bồi nhằng nhịt chữ số của những khúc hẩm hiu cũng đủ để món vật vượt ngoài tầm văn chương...
Những từ-ghép-có-dấu-gạch-ngang
Tình cờ tôi tìm được một cuốn sách đã rất cũ rồi, ghi tựa là Yêu trong mùa ly loạn của tác giả Thương Hoài Phương. Bìa họa một cô gái mái tóc dày uốn lượn cầu kỳ, đôi mắt tô thật đậm. Nàng mặc một chiếc váy cổ có đính ren đủ để gợi ý về kiểu áo ngủ huê tình của đàn bà Sài Gòn hồi xưa.
Người ta có thể bất chợt nhìn thấy lối minh họa vẽ bìa như vậy rất phổ biến với những cuốn sách xuất bản trước 1975. Lối vẽ chịu ảnh hưởng pop art ngô nghê của hoạt hình Siêu nữ Hoa Kỳ, tung hê mọi nguyên tắc cơ bản về anatomy với những cái đầu quá to, những đôi bàn tay quá bé, những đôi mắt tô quá đậm và rèm mi quá dài - như những phiên bản nảy nở hồi xuân của nhân vật Betty Boobs. Lối minh họa cartoon và áp phích cine này được các họa sĩ thời đó áp dụng cho bìa sách, những cuốn kiểu giựt gân, diễm tình, hay những tập báo định kỳ dành cho tuổi thiếu nhi.
ViVi tự họa

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Giới thiệu tác giả TRẦN BẢO ĐỊNH

Tuần này, tác giả Trần Bảo Định gởi tặng 4 tác phẩm do NXB Văn hóa Văn Nghệ xuất bản:
- Ngao du sơn thủy - Thơ
- Vợ tôi - Thơ
- Làng tôi - Thơ
- Kiếp ba khía - Tập truyện ngằn

Trân trọng cám ơn tác giả và xin giới thiệu với quý độc giả


ĐỌC TẬP THƠ ''Vợ tôi'' CỦA NHÀ THƠ TRẦN BẢO ĐỊNH


MỘT GIỌNG THƠ HỒN HẬU CỦA NGƯỜI ĐẤT PHƯƠNG NAM

 Nhà thơ Đoàn Thạch Hãn


          Nếu thơ Trần Bảo Định không đủ sức gợi cho tôi những cảm xúc tuyệt vời trong tâp thơ ''Vợ tôi'', thì chắc chắn tôi không bao giờ viết những dòng chữ nầy, dẫu cho có thân tình đến mấy. Bởi lẽ, trước hết rằng, tôi viết bằng tất cả sự rung động của trái tim và cho chính mình đọc, như một người đi tìm cái thú thưởng  ngoạn trong trò chơi chữ
nghĩa. Xếp lại tập thơ ''Vợ tôi'' sau khi đọc xong, lòng tôi thẫn thờ và tràn  đầy cảm  xúc, một thứ cảm xúc chân  thực mà từ lâu lắm  rồi, tôi  tưởng  đã  mất. Thật ra, tập thơ ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định đã thuyết phục được tôi và buộc tôi phải viết.
               Một điều rất thú vị, trong suốt dòng chảy  sinh động của thi ca Việt Nam  khi viết về vợ, thì ngày xưa cụ Tú Xương  cũng từng có  bài thơ ca ngợi sự tần tảo ngược xuôi của người vợ hiền yêu dấu, Đến thời thi sĩ Đông Hồ, ông được người đời biết đến với bài thơ ''Khóc vợ''.Rồi trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Yên Thao
nổi tiếng với bài thơ ''Nhà tôi'', với những câu nói về người vợ trẻ hết sức tuyệt vời ...
Và, còn nhiều những người làm thơ, thuộc nhiều thế hệ cũng đã viết về người bạn đời đầu ấp tay gối của mình,bằng tất cả thương yêu một cách trân trọng và tài hoa.Nhưng, tựu trung chỉ có năm ba câu hoặc giả vài ba bài  mà  thôi.  Còn như cả tập thơ chỉ viết về một con người - Người vợ - với 78 bài  và lấy  luôn  cái tựa đề ''Vợ tôi'', thì xưa nay 
chỉ duy nhất có nhà thơ Trần Bảo Định.
         Sẽ không ít người cho rằng, tình yêu đối với một nàng thơ kiều diễm nào đó mới thực sự là chất liệu mộng mơ, làm thăng hoa chữ nghĩa đến vô tận. Còn như ''vợ'' nhà cũ rích - xưa như trái đất - có gì hứng thú, mà sáng tác đến  78 bài thơ?  Ắt hẳn, Trần Bảo Định là một tay khéo''nịnh vợ''và như thế, sẽ không tránh khỏi gượng ép sáo mòn
Nghi vấn đó,chắc chắn sẽ được xóa tan nếu ai có trên tay tập thơ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định và chỉ cần chịu khó đọc một số bài, sẽ bị cuốn hút ngay - một thứ cuốn hút say say và kỳ lạ - không thể từ chối.
       Cái hay của tác giả là rất khéo bố cục một tập thơ với những bài thơ riêng lẻ được sáng  tác ở những  khoãng thời gian và  không gian  khác nhau, theo  trình tự một câu chuyện tình có trước có sau, để rồi từ đó, gửi gắm hết những yêu thương, trăn trở bên người bạn đời thủy chung, lúc son trẻ đến buổi bạc đầu.
        Hồn cốt câu chuyện được xâu chuỗi xuyên suốt qua diễn tả từng bài, đã làm cho ''Vợ tôi'' trở nên hấp dẫn,  không gây sự  nhàm  chán ở  người đọc, đó là chưa tính đến chất giọng thơ hồn hậu,  đặc thù âm điệu và  nguồn cảm hướng phương Nam, làm cho nó càng thêm độc đáo và đắc giá.
         Giờ thì, chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ Trần Bảo Định bắt đầu tập thơ ''Vợ tôi'' với bài thơ ''Gặp em''. Ở đây, chúng ta dễ nhìn thấy rất đời thường, hai vợ chồng trong tuổi về chiều, ngồi bên nhau trìu mến, nhắc lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy:
                                        '' Ngập ngừng anh ngỏ ý thương
                                          Rụt rè, em rút tay buông, thẹn thùng
                                          Kể từ hôm ấy nhớ nhung
                                          Bóng hình anh chạm tận cùng cõi yêu ''
             Ba câu đầu chân quê lắm, nhưng đến câu thứ tư thì không - lời thơ bóng bẩy và  sâu sắc. Khi hình  bóng đã  chạm -  tác giả dùng chữ ''chạm'' ở đây,  rất đắc địa - đến''tận cùng cõi yêu'' rồi, thì xin thưa, không còn chữ nghĩa nào đủ để diễn đạt nữa.
                   Bài ''Nhận lời cầu hôn'', Trần Bảo Định tỏ ra một chút ''lém lĩnh'' đáng yêu của người lính trong thời binh đao khói lửa,  đem sự sống chết nay còn  mai mất làm lợi thế với người mình yêu:
                                         ''  Chiến tranh vui ít, lo nhiều
                                            Biết còn sống sót mà chìu chuộng nhau
                                            Thôi thì, năm miếng trầu cau
                                            Một chai rượu lễ có nhau trọn đời''
      Thế rồi, ''Tiệc cưới'' cũng được tổ chức, đã có tiệc cười thì phải có ''Đêm tân hôn'' Một đêm tân hôn thời chiến nơi chốn bưng biền nào đó,không có pháo đỏ rượu nồng, không ánh đèn màu hoa chúc,chỉ có ngàn sao trời lấp lánh cùng ánh lửa bập bùng, đủ để nhìn khuôn mặt khốn khó quê hương, nhìn  khuôn mặt tinh khôi vào độ xuân thì
vừa nở, với bao hẹn thề son sắt.  Có lẽ,  đó là chất liệu , thôi thúc  Trần Bảo Định viết lên những câu thơ xuất khởi tiếng lòng:
                                           '' Gối đầu, mình gối chung lòng
                                              Màn trời chiếu đất động phòng tân hôn''
        Rồi cũng chính tình yêu, đã gia cố thêm cho niềm tin vững mạnh ở ngày mai.
                                             '' Bên anh, em nở hoa cười
                                               Tin ngày mai xán lạn trời bình yên''
                                                                    ( Đêm tân hôn )
        Cứ thế, Trần Bảo Định trong tập thơ ''Vợ tôi'' trở thành một người  dẫn  chuyện khá nhuần nhuyễn, rất thực và chân thành.Càng đọc và đi sâu, người đọc càng thấy anh khai thác chất hồn hậu rất tự nhiên như vốn có sẵn trong máu,  mà anh không thể làm khác đi cái tính chất của mình.
         Điều thành công lớn của tác giả là, đã bồi đắp cho cái hồn hậu đó những ý tứ thơ vượt qua rào cản lý tính. để hoàn toàn đến với cảm tính tâm hồn:
                                            '' Trời mù chưa kịp bình minh
                                               Tôi còn quanh quẩn bờ kinh, vạt rừng
                                               Bấm tay, đếm đốt áng chừng
                                               Bây giờ có lẽ vợ mừng sinh con ''
                                                                  ( Vợ sinh con đầu lòng )
        Có thể nói rằng, thông qua những bài thơ trong tập thơ ''Vợ tôi'', tác giả là một người chồng mẫu mực, sống có thủy có chung và hẳn nhiên rất thương vợ. Nhưng, nói đi thì cũng cần nói lại, tác giả cũng là người đàn ông hạnh phúc vì được trời ban cho một nửa đời mình quá tuyệt. Không hết mình yêu thương và ngợi ca  mới là lạ!
        Điểm đáng nói thêm ở tập thơ, ngoài thơ lục bát, thơ bảy chữ, một số  bài thơ năm chữ của Trần Bảo Định cũng đạt đến độ chín mùi và điêu luyện trong  câu chữ vần điệu. Theo tôi, nếu không lầm, Trần Bảo Định đã làm thơ  từ rất sớm  và có tay nghề, nên mới gặt hái kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Vẫn chất giọng mộc mạc không cần trau chuốt, khoe chữ hay làm dáng, Trần Bảo Định rất dung dị đi vào thơ.
                                              ''  Mình ôm con sưởi ấm
                                                 Trong vòng tay mẹ hiền
                                                  Nơi đất trời sâu thẳm
                                                  Có lòng mẹ vô biên ''
                                                            ( Đêm bịnh viện )
        Dường như ở thơ năm chữ, thơ tự do, Trần bảo Định  mới hé mình bộc lộ cái chất triết lý của người có nền tảng sở học và nhiều trăn trở:
                                            ''  Con đi tìm hạnh phúc
                                                Hạnh phúc đâu con tìm
                                                Hạnh phúc từ trái tim
                                                Từ nơi con đang sống ''
                                                            ( Nói với con trai )
       Hoặc khi nói với con gái, nhà thơ như tự sự với chính mình:
                                               '' Tiếng mẹ ru đầu đời
                                                  Dưỡng hồn con sáng tươi
                                                   Cho con tình mẫu tử
                                                   Yêu đất nước, yêu người

                                                   Lớn lên con sẽ hiểu
                                                   Vì sao mẹ yếu gầy
                                                    Ngày qua ngày túng thiếu
                                                    Dìu con vào tương lai!
                                                               ( Nói với con gái )
        Ở một số bài khác, tác giả viết với một tâm thế đầy ẩn dụ, như:
                                                 '' Nắng tự do
                                                   Sau buổi chiều gió bụi
                                                   Ngày về.
                                                   Mình đơm khuy nút
                                                   Buộc ràng nhau
                                                  Thống thuộc
                                                     ............
                                                     Con đường thẳng thớm
                                                     Không tương lai
                                                     Vô nghĩa
                                                     Lầu son gác tía
                           Không đổi được cái bàn máy may tay mình 
                                                     Hạnh phúc!
                                                                         ( Nói với vợ )
        Thời chiến, chồng ở chốn sa trường, vợ ở quê nhà vò võ nhớ thương, lắm lúc:''Chiều xa thăm thẳm nhớ người / Cò bay lạc xứ tôi thời lạc anh'',hoặc có khi người vợ ngồi tựa cửa:''Nhâm nhi lệ mặn tình yêu/Lăn dài trên má bóngchiều mênhmông''mà tác giả đã thố lộ trong bài thơ ''Bến xưa''.Chiến tranh đã làm bao chinh phụ chết lần mòn trong đợi chờ thương nhớ? Nhà thơ Trần Bảo Định đã nói thay nỗi đợi chờ thương nhớ ấy, bằng những câu thơ xuất thần, rất thơ và rất cảm.
      Đọc tập thơ ''Vợ tôi'' của Trần Bảo Định, tôi đọc nhiều lần nhiều lượt và tôi cũng dừng lại suy ngẫm nhiều lượt nhiều lần.Tôi chẳng hiểu vì sao? Có lẽ,sau những câu thơ, bài thơ Trần Bảo Định viết về vợ, là cả cái phong nền lồ lộ một thời của sự hiện thực xã hội từ chiến tranh chuyển sang hòa bình muôn vàn khốn khổ trong thiên tai, địch họa, bao cấp và nhiều thứ ..mà tôi đã sống và chắc tất cả chúng ta cũng đã sống.
 Thơ Trần Bảo Định mang chỉ dấu và chứa nội hàm tính nhân văn rất cao, rất dày đặc. Anh là ngừơi có tấm lòng. Đọc kỹ, mới nhận ra thơ anh bình dị chứ không  bình dân.
                  Rất thiếu sót, nếu không nói về anh. Năm nay, anh đã bước vào tuổi 70, cái tuổi ''thất thập cổ lai hy''.Lẽ ra nghĩ ngơi,thì anh lại bắt đầu viết.Bằng hữu hỏi anh tại sao đợi đến bây giờ mới viết?Anh nói rằng chưa bao giờ anh có ý định viết, nhưng bây giờ anh phải viết những gì cần viết, vì '' bất bình tắc minh''.
              Thương anh tuổi cao,sức yếu và đang mang căn bịnh hiểm nghèo, anh viếtnhư một nhu cầu bài tiết, viết như  liệu pháp trị bịnh  và  làm giảm những cơn đau. Tuyệt nhiên, anh không có ý định tham dự vào ''trường văn trận bút''.
            Từ cuối năm 2012 đến nay, anh đã cho những người thân và bằng hữu đọc những tác phẩm đã in và xuất bản : Ngao du sơn thủy (2012) Mẹ.Tiếng lòng(2013)Thầy tôi (2013) Thơ lục bát (in chung Hoàng Yên Dy 2013) Vợ tôi(2014) Làng tôi (2014).
              Tôi không cầm được nước mắt, khi đọc những câu thơ trong bài thơ cuối của tập thơ ''Vợ tôi'', bài ''Dặn vợ''  sau khi anh vĩnh biệt trần gian:
                                  ''  Đừng báo tin buồn, đừng tiếc thương
                                     Ngủ yên, mình ngủ giấc vô thường
                                     Chiều trăng tiễn biệt anh về đất
                                      Một cõi nhân gian thế đã xong! ''
         Rồi anh dặn vợ mình không điếu tang, không nhận vòng hoa, không kèn trống, tử là táng, đưa anh về nơi chôn nhau cắt rốn, đắp mộ đất, trồng cỏ và hoa, để:
                                    '' Sáng rạch Bà Tàu nghe gió hát
                                       Chiều sông Bảo Định sóng tình ca

                                       Vĩnh biệt mình, vĩnh biệt các con
                                       Khói sương giăng kín phố Sài Gòn
                                       Thân tâm thanh thản rời dương thế
                                        Rũ sạch việc đời, việc nước non!
                                                                   ( Dặn vợ )

                                        
                   Nhưng thôi, Trần Bảo Định là Trần Bảo Định. Bạn trẻ gọi anh là '' ông lão yêu thơ,làm thơ''. Còn tôi, anh là đứa con miền châu thổ, là hạt phù sa bồi lắng - bồi lắng - và bồi lắng mãi cho ruộng đồng màu mỡ. Anh là chiếc xuồng ba lá, bơi qua từng con kinh  cái rạch  chằng chịt, nghe  câu  vọng cổ  mà ai đó  ngẫu hứng hát giữa  đêm trăng ở chốn quê nhà.Thơ anh buồn, một cái buồn chưa đủ độ quặn sâu, nhưng cũng đủ men làm cho người đọc chạnh lòng bâng khuâng, man mác. Chất thơ như hương  hoa đồng cỏ nội, thở bằng hơi thở vừa tha thiết ân tình, vừa ngang tàng khí phách còn sót lại từ thời ông cha đi mở cõi.
                 Tập thơ ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định, biểu tượng cho dòng thơ rặc Nam Bộ, không vay mượn mà chính là nguyên chất, dám làm cái chuyện mà xưa nay chưa ai dám làm: Thể hiện sự yêu thương vợ qua 78 bài thơ thành tập thơ ''Vợ tôi'',
rất dễ thương, rất ''xịn'', và đặc biệt rất hồn hậu Theo tôi, Trần Bảo Định dũng cảm - cái dũng cảm vốn có của người lính - dứt khoát mở cánh cửa riêng - rất riêng - chững chạc bước vào thi ca Nam Bộ bằng chính sự độc đáo của mình.
            Tôi tin tập thơ ''Vợ tôi'' của anh, sẽ sống mãi với thời gian trong sự độc đáo ấy !

ĐOÀN THẠCH HÃN
Giồng Ông Tố, tháng 7.2014                                   
Bài do tác giả Trần Bảo Định gởi