Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Sông Hương tháng 9/2015: Êm đềm những ngày cuối thu

10:17 | 31/08/2015
Số báo này xuất bản cũng nhằm vào những ngày Liên hiệp Hội tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập. Bài “70 năm, một dòng chảy văn học nghệ thuật nối tiếp văn mạch của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa sẽ điểm lại diễn trình 70 năm đáng tự hào của văn nghệ xứ Huế. 
Sông Hương tháng 9/2015: Êm đềm những ngày cuối thu
Những truyện ngắn không hẹn mà gặp, đều đậm đặc tính huyền ảo, trong đó những tính chất của lịch sử, của quá khứ không dễ phát lộ sau những đám sương mờ. Phải quy hồi về quá khứ bằng cái tâm tĩnh lặng, thật sự trân trọng và tôn kính, may ra mới hiểu được những lưu dấu âm ba tinh tế, ý nhị của người xưa.
Và những bài thơ, khởi đi từ lục bát thuần khiết giữa thế kỷ 21, vẫn đong đầy nỗi mặn mà từng nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Việt hàng ngàn năm qua.
Trong những bài lý luận phê bình, tiểu luận “Ai đã giết thơ?” rất nổi tiếng của Joseph Epstein, viết từ 1988, nay được dịch giả Phạm Kiều Tùng chuyển ngữ, giới thiệu trên Sông Hương số này. Đọc tiểu luận, chúng ta sẽ hình dung các vấn nạn của thi ca trên toàn thế giới trong bối cảnh cuộc sống đương đại toàn cầu hóa, và những lý do vì sao lại thế.
Dòng chảy văn hóa Huế đem đến một thông tin hết sức đáng lưu ý: bao nhiêu du khách đã từng chiêm ngắm Cửu vị Thần công ở Đại Nội - Huế, mấy ai được giới thiệu tường tận lai lịch cả một hội đồng, đội ngũ thợ lành nghề đã rót hết cả tâm tư, trí tuệ cho các tác phẩm này được hoàn mỹ? Và ai nữa, biết đến một trong những người quan trọng trong số đốc công chế tạo súng là ngài Cẩn Tín hầu Phan Tấn Cẩn, một người con đất xứ Thần kinh?...
Sông Hương vẫn êm đềm những ngày cuối thu, kính chúc quý bạn đọc một dòng sông thu nhiều hương sắc.
Dưới đây là mục lục tạp chí Sông Hương tháng 9/2015:
Thư Tòa soạn
- TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TỪ GÓC ĐỘ TU TỪ HỌC VÀ NGUYÊN LÝ ĐỐI THOẠI - Phan Tuấn Anh
- TẬP TRUNG HƯỚNG ĐẾN NHỮNG TÁC PHẨM TRÍ TUỆ, BẢN SẮC, CÓ GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG - TS. Nguyễn Ngọc Thiện
- 70 NĂM, MỘT DÒNG CHẢY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NỐI TIẾP VĂN MẠCH CỦA VÙNG ĐẤT THUẬN HÓA - PHÚ XUÂN – HUẾ - Nguyễn Xuân Hoa
- HỘI VĂN NGHỆ - NƠI KẾT BẠN VÀ GÂY MEN SÁNG TẠO - Nguyễn Khắc Phê
VĂN:
-  LỐI TRONG RỪNG - Đức Ban
- VỆT CHÀM - Nhụy Nguyên
THƠ:
MIÊN DI- TRẦN XUÂN TRƯỜNG - NGUYỄN ĐÔNG NHẬT - TỪ HOÀI TẤN 
TRẦN HOÀNG PHỐ - PHAN TRUNG THÀNH - PHÙNG SƠN - LÊ HỒ NGẠN 
ĐÀO DUY ANH - TRẦN TỊNH YÊN
NHẠC:
- GIÁC NGỘ - Nhạc: Trương Pháp & Thơ: Hàn Giang
- LỜI RU CỦA MẸ - Nhạc: Phan Văn Nhi & Thơ: Xuân Quỳnh
HUẾ - DÒNG CHẢY VĂN HÓA:
-  NGÀI CẨN TÍN HẦU PHAN TẤN CẨN VỚI CỬU VỊ THẦN CÔNG - Đỗ Minh Điền
- NHÀ BÁO NGUYỄN CỬU THẠNH - CHỦ NHIỆM BÁO SÔNG HƯƠNG TỤC BẢN - Hồ Vĩnh
CỬA SỔ NHÌN RA VĂN HỌC THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI:
- HỒI ỨC MỘT NGƯỜI BÁN SÁCH - George Orwell - Ngô Thanh Tuấn dịch
NGHIÊN CỨU & BÌNH LUẬN:
- CẢM QUAN VÀ CẢM QUAN NGHỆ THUẬT - Nguyễn Thị Tuyết
- TỰ DO SÁNG TÁC VÀ CHÂN THỰC NGHỆ THUẬT - Lê Thành Nghị
- AI ĐÃ GIẾT THƠ? - Joseph Epstein
TÁC GIẢ - TÁC PHẨM & DƯ LUẬN:
- NHỮNG HÉ LỘ KÌ LẠ VỀ SÓI TRONG TÔTEM SÓI - Dương Hoàng Hạnh Nguyên
- ĐỌC TIỂU THUYẾT ĐƯỜNG VẮNG - Nguyễn Hiệp
Thư tín Sông Hương
 Bìa 1: “Sau cuộc chiến”  - Tranh: ĐẶNG MẬU TRIẾT
Những khoảnh khắc đẹp: “Nắng tháng Chín” - Ảnh: PHẠM BÁ THỊNH
 Minh họa:  ĐẶNG MẬU TỰU, NHÍM
Bia 2: MINH PHONG
Theo BAN BIÊN TẬP
T.G
tapchisonghuong.com.vn

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Chào Huế


 
khi cô Phạm Quỳnh Anh cất lên tiếng hát
Hello Vietnam *
máy bay lượn những vòng cuối
trước khi đáp xuống sân bay Phú Bài
Huế
trở lại
gặp ngày hè
Huế trầm mặc nhưng dữ dội cơn sóng ngầm
Huế mùa hè
nhưng không nắng
vắng ngọn gió Lào hanh khô thường năm
chỉ có những ngày mưa nhỏ
trời vẻ chớm thu
khi ấy
những người yêu nhau tỏ tình
trong buổi hẹn đầu

tôi về
như năm trước
đi trên những con đường xưa
mùa phượng đang dần qua hết
vắng những tà áo trắng đường Lê Lợi
thưa thớt tiếng ve lạc lỏng
người yêu xưa không còn trẻ
và chiếc xe đạp đã treo ở quá khứ
không thể hình dung lại khuôn mặt cô thiếu nữ chung lớp tuổi học trò
thời gian không còn để
vụng dại một lời yêu
của thời lãng mạn

nhưng vẫn ước mong về
chào Huế
Tell me all about this name, that is difficult to say
It was given me the day I was born …
 
TỪ HOÀI TẤN
Huế tháng 7/2015
_____

*(Lời bài hát Hello Vietnam của Phạm Quỳnh Anh. Hãng VietJet Air thường bật bài hát này khi máy bay hạ cánh)

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Thành nhà Hồ

Khám phá tòa thành cổ kỳ vĩ nhất Việt Nam

Thành nhà Hồ là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn nguyên vẹn trên thế giới, là chứng tích về sự tồn tại của kinh đô nước Đại Ngu.

alt
alt
Nằm trên địa phận xã Vĩnh Long, huyện 
Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô, thành 
An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là chứng tích về sự tồn tại 
của kinh đô nước Đại Ngu - quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ - từ năm 1400 -
1407. Ảnh: Cửa Nam thành nhà Hồ.
alt
Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc 
độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo
nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành 
lũy bằng đá còn nguyên vẹn trên thế giới. Ảnh: Cửa Bắc thành nhà Hồ.
alt
Theo sử sách, thành Tây Đô được xây vào 
năm 1397 dưới triều Trần trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 3 tháng. 
Các cấu trúc khác bên trong tòa thành như các cung điện, la thành phòng 
vệ bên ngoài, đàn Nam Giao... còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện 
cho đến năm 1402. Ảnh: Cửa Đông thành nhà Hồ.
alt
Người quyết định chủ trương xây dựng 
thành là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền
lực thực tế của triều đình lúc đó. Ông cho xây thành làm kinh đô mới 
với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đó trong mục tiêu phế bỏ
vương triều Trần. Ảnh: Cửa Tây thành nhà Hồ.
alt
Năm 1400, vương triều Hồ thành lập, và 
Tây Đô là kinh thành của vương triều mới. Thành Thăng Long đổi tên là 
Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô 
được dân gian quen gọi là thành nhà Hồ. Ảnh: Bên trong thành nhà Hồ.
alt
Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở,
có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và 
văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có 
núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được
ưu thế giao thông thủy bộ. Ảnh: Một đoạn tường thành nội.
alt
Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao 
gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất, trên trồng 
tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao
quanh. Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật 
chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Ảnh: Cận cảnh 
một đoạn tượng thành nội còn nguyên vẹn.
alt
Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng 
bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp 
đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các 
cổng tiền - hậu - tả - hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn
gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai). Ảnh: Một đoạn tường đã 
sụp đổ.
alt
Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp 
múi bưởi, trong đó to nhất là cửa Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 
9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5
m, nặng chừng 15 tấn). Ảnh: Cửa Nam của thành nhà Hồ.
alt
Theo sử liệu, trên thành còn xây tường 
bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch 
còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ảnh: Mặt 
trên của tường thành nội.
alt
Trải qua nhiều thế kỷ, các cung điện, 
dinh thự trong khu vực nội thành đã bị phá huỷ. Trong các phế tích đáng 
chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.
alt
Thành nhà Hồ thể hiện một trình độ rất 
cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 
20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn 
không có bất cứ một chất kết dính nào. Trải qua hơn 600 năm, những bức 
tường thành và cổng thành vẫn đứng vững. Ảnh: Phía trên một vòm cổng của
thành nhà Hồ.
alt
Đây cũng là một khu khảo cổ quan trọng, 
nơi rất nhiều hiện vật quý giá của nhà Hồ đã được tìm thấy, như những 
viên đạn bằng đá, đồ gốm sứ, tượng điêu khắc... có giá trị thẩm mỹ cao.
alt
Được xây dựng và gắn chặt với một giai 
đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương 
triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, thành Nhà Hồ 
còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không 
dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao.
alt
Tháng 6/2011, thành nhà Hồ đã được 
UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là Di sản văn hóa thế 
giới thứ 5 của Việt Nam sau phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn 
và Hoàng thành Thăng Long.

Theo KIẾN THỨC

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Viết sách là một lối thoát

TS Phan Việt Lâm, giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn:

Viết sách là một lối thoát

[142945]phan_viet_lam
Nhiều nhà khoa học cho rằng động vật chỉ sống theo bản năng và phản xạ. Tôi thì lại biết rằng, hầu hết những người làm việc nơi vườn thú đều đã thấy những nụ cười và cả những giọt nước mắt ở nhiều loài vật, nhận ra sự yêu mến, cử chỉ biết ơn và tôn trọng của chúng…
Anh đánh giá sự kiện cọp trắng quý hiếm sinh ba con tại Thảo cầm viên như thế nào?
Việc cọp trắng sống tốt và sinh đẻ thành công ba cọp con chứng tỏ loài cọp trắng quý hiếm đã thích nghi với khí hậu miền Nam Việt Nam. Sự kiện Thảo cầm viên (TCV) Sài Gòn làm lễ đầy tháng cho cọp trắng mới sinh là một hoạt động giáo dục vườn thú bình thường nhằm thu hút sự chú ý của công chúng, chủ yếu là các em thiếu nhi.
Cọp trắng là động vật có sức hấp dẫn lớn đối với du khách ở các vườn thú nước ta và trên khắp thế giới vì màu lông đặc biệt của nó. Tập thể TCV Sài Gòn rất vui mừng và cảm động nhận được sự tán thưởng của nhân dân và sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu chính quyền thành phố về sự kiện này.
Trong lời tựa một cuốn sách của anh, anh có tiết lộ rằng hồi nhỏ anh thích mình trở thành một kiến trúc sư hay nhà kỹ thuật gì đó, nhưng sau này lại rẽ sang ngành thú y rồi nhà động vật học linh trưởng, chuyên làm việc với động vật hoang dã, “một nghề mà hồi bé có mơ cũng không nghĩ mình lại gắn bó đến thế”. Anh có thể cho bạn đọc biết vì sao lạ có ngã rẽ kỳ lạ đó không?
Tôi sinh ra ở Hà Nội, nhưng ba tôi là người Bến Tre tập kết ra Bắc nên nghiễm nhiên tôi được xếp vào nhóm học sinh miền Nam. Khi thi vào đại học tôi đã đỗ điểm cao, được Nhà nước cử đi du học. Năm ấy, phía nước bạn xếp học sinh miền Nam vào học những ngành nông nghiệp như thổ nhưỡng, thuỷ lợi, trồng trọt, thú y… để sau này về phục vụ nông nghiệp miền Nam. Và tôi được phân vào học thú y. Đấy là ngã rẽ bất ngờ trước ngưỡng cửa đại học.
Những cuốn sách viết về muông thú, cây cỏ của anh đọc rất thú vị. Làm thế nào anh có thể viết được như vậy? Theo anh, giữa công việc chăm sóc động vật ở vườn thú và viết lách, cái nào khó khăn hơn?
Trước đây tôi vẫn viết sách khoa học, nói về nghề nuôi động vật hoang dã. Đấy là điều bình thường của một nhà khoa học, làm và viết lại những kinh nghiệm và hiểu biết của mình về nghề. Cho đến một hôm anh Cao Xuân Sơn bên nhà xuất bản Kim Đồng đến chơi và khuyên tôi nên viết sách cho thiếu nhi. Kiểu như kể chuyện rỉ rả cho trẻ em trong nhà nghe. Thế là tôi bắt đầu viết và đến nay đã xuất bản được bốn tập sách nhỏ cho thiếu nhi. Đầu tiên là các con, cháu của đồng nghiệp gọi điện cảm ơn vì đã tặng sách và nói rằng cảm thấy yêu quý những con thú, cây cỏ hơn qua những trang sách ấy. Đấy chính là mục đích khi tôi viết những câu chuyện đó.
Nhiều nhà khoa học cho rằng động vật chỉ sống theo bản năng và phản xạ. Tôi thì lại biết rằng, hầu hết những người làm việc nơi vườn thú đều đã thấy những nụ cười và cả những giọt nước mắt ở nhiều loài vật, nhận ra sự yêu mến, cử chỉ biết ơn và tôn trọng của chúng…
Chăm sóc động vật là nghề chính của tôi còn viết sách chỉ là phụ. Tôi vẫn tự nhận rằng mình là nhà khoa học, không phải nhà văn. Nhưng đôi lúc người ta cảm thấy có những việc không được như ý muốn, có những việc buồn phiền, nặng nề thì viết sách là một lối thoát. Viết xong một câu chuyện thì người bỗng nhẹ tênh. Ít ra là điều đó đúng với bản thân tôi.
Những câu chuyện tôi viết ra đều có thật. Tôi đã làm theo lời khuyên của người bạn là cứ kể ra nhẹ nhàng và trong trẻo, không có thủ pháp gì đặc biệt. Như là kể chuyện với những người thân trong nhà. Tất nhiên chúng trở nên thi vị và lãng mạn hơn theo cách nhìn của cá nhân tôi. Rất mừng là chúng đã nhận được sự đồng cảm của nhiều người. Có lẽ tôi sẽ vẫn viết tiếp theo phong cách ấy vào những lúc thuận tiện, đưa nhiều thông tin khoa học với hình thức nhẹ nhàng cho độc giả tuổi nhỏ.
Năm 2015 là năm TCV Sài Gòn tròn một thế kỷ rưỡi. Một số loài động vật quý hiếm đã được nhân giống thành công tại đây như trĩ sao, cá sấu nước ngọt, nước mặn… và gần nhất là cọp trắng. Anh có thể cho biết công việc bảo tồn đó có ý nghĩa như thế nào và giá trị của nó đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung của thế giới?
Nguyên tắc ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học là dành cho khu vực địa lý bản địa trước rồi đến những khu vực rộng lớn hơn. TCV Sài Gòn đương nhiên phải ưu tiên bảo tồn các loài của quốc gia, rồi đến khu vực châu Á và các vùng địa lý khác. Các loài động vật nguy cấp của Việt Nam đã được tập trung nhân giống thành công bao gồm trĩ sao, vượn má vàng, voọc bạc, beo lửa, cá sấu nước ngọt, cọp Đông Dương… Vai trò của vườn thú như một cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đóng vai trò quyết định trong bảo tồn chuyển vị. Các cá thể hậu duệ được sinh sản trong vườn thú đảm bảo duy trì được nguồn gen, có thể được đưa tái thả để phục hồi những loài động vật đã tuyệt chủng trong điều kiện thiên nhiên. Một ví dụ rất thành công là phục hồi cá sấu nước ngọt ở vườn quốc gia Cát Tiên, cá sấu nước mặn ở Lâm viên Cần Giờ…
Có tất cả sáu phân loài cọp hiện còn trên thế giới, bao gồm: cọp Đông Dương, Nam Trung Hoa, Ấn Độ, Mã Lai, Siberia và Sumatra. Theo thứ tự ưu tiên bảo tồn trên thì đối với người Việt Nam đương nhiên cọp Đông Dương là quý nhất, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam cao nhất. Các cá thể cọp trắng của ta nhập về thuộc phân loài cọp Ấn Độ. Cọp trắng tuy có giá trị bảo tồn không cao như cọp Đông Dương của ta nhưng là đối tượng phục vụ giáo dục và trưng bày hấp dẫn trong các vườn thú.
Nghề chăm sóc và bảo tồn động vật hoang dã cần những tố chất gì?
Cần cù, chịu khó, chu đáo và nhất là sự nhiệt tình và tình yêu đối với động vật.
Từ câu chuyện của chính mình, anh có thể có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường và chuẩn bị tìm lối đi vào đời hiện nay?
Mỗi người có một hoàn cảnh và một cách suy nghĩ riêng, điều quan trọng là cần có lòng đam mê và sống hết lòng với nó. Tức là phải có tình yêu thật sự với công việc mình đang làm thì nhất định sẽ thành công. Ít ra thì cũng được hài lòng và toại nguyện với chính mình. Tôi khuyên các bạn và cũng là lời tự nhủ là đã làm cái gì thì phải làm đến nơi đến chốn. Làm ra làm.
Diệu Thuỳ (thực hiện) – Hoàng Tường (hoạ chân dung)
http://thegioitiepthi.net

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Trần Bảo Định : Thơ MÙA VU LAN

MẸ ƠI!
Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho mẹ sống đời đời với con!
(ca dao)

còn mẹ, xin đừng vô tâm
một ngày nào đó, mẹ thầm lặng đi
cả đời mẹ chẳng cần chi
áo cơm tất bật xuân thì tàn phai
vì con, mẹ cực trần ai
đã quên tuổi tác, quên ngày tháng qua
xa quê, con bỏ mẹ già
kinh kỳ quyến rũ, phồn hoa níu người
giật mình, con gọi mẹ ơi!
cho lòng đỡ thẹn, cho vơi nỗi buồn
lần hồi đánh đĩ tâm hồn
thấy người bề thế, cúi lòn phất phơ
xin đừng thương mẹ bằng thơ
bằng ngôn ngữ giả, bằng hư cấu lời
giờ thì, thui thủi cuối đời
nắng chiều bóng xế mẹ tôi một mình!
trần bảo định
Vu Lan, 2015

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

NGHĨ VỀ MỘT THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ

Trần Văn Chánh
 
     Nhân vật lịch sử thường được hiểu là những đã người sống trong quá khứ từng có tham gia nhiều ít và về mặt này mặt khác trong quá trình diễn tiến của lịch sử, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân hay lý lịch tốt xấu (“trung/ nghịch, chánh/ ngụy”, “yêu nước/ phản quốc”, “tiến bộ/ lạc hậu”, “cách mạng/ phản động”…). Nhân vật lịch sử vì thế không nhất thiết phải là danh nhân, đều là con người nên có mặt tốt mặt xấu, có những lúc yếu mềm lầm lỗi, nhưng tất cả đều có vai trò riêng trong một bối cảnh lịch sử nhất định.
     Ở nước ta đã có một vài công trình biên soạn tổng hợp về nhân vật lịch sử, với sự xuất hiện trong đó đủ loại nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực hoạt động và khuynh hướng tư tưởng, chính trị khác nhau. Vì không phân biệt lý lịch tốt xấu, có công đóng góp xây dựng hay gây hại cho dân tộc, nên sách viết về nhân vật lịch sử, nhất là ở thể loại từ điển, cần có sự trung thực, mô tả khách quan tiểu sử, hành trạng của từng nhân vật dựa trên càng nhiều càng tốt những tài liệu xác thực còn có thể kiểm chứng được, rồi có sao kể vậy theo một trật tự logic mạch lạc, và nếu có thể, diễn tả một cách hấp dẫn, chứ không nên và cũng không cần đưa ra những nhận định đánh giá gắt gao này khác theo nhận thức chủ quan hay định kiến giáo điều của người biên soạn. Những công trình biên soạn về nhân vật lịch sử vì thế tuyệt đối tránh óc đảng phái, “bài xích dị kỷ” (công kích loại trừ những kẻ khác mình), đơn giản chỉ vì hoàn cảnh quá khứ khác hoàn cảnh hiện tại, mà nhận thức, hành vi của từng nhân vật lịch sử thì luôn không thể tách khỏi hoàn cảnh độc đáo cá nhân cũng như bối cảnh lịch sử cụ thể mà nhân vật đang sống.

PHAN CHU TRINH: MƯỜI ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

Mỗi người Việt nên nghe Chí sĩ Phan Chu Trinh và hành động !


 Hơn 100 năm trước, chí sĩ Phan Chu Trinh, người đã từng sang Nhật, Pháp có dịp nhìn lại xã hội VN, ông đã viết ra những lời tâm huyết này.

100 năm sau, VN đã thay đổi được những gì? Mời các bạn cùng suy ngẫm. 


MƯỜI ĐIỀU BI AI CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM - PHAN CHU TRINH:

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.

2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.

3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.

4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.

5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.

6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.

7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.

8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.

9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.


10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v…


Sưu tầm từ Internet

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

'Nổ" để nâng 'giá trị', thật nguy hiểm!

Thethaovanhoa.vn) - Văn hóa là cái phân biệt con người với loài vật. Con người tương tác với môi trường tự nhiên, với xã hội và với tự thân vì có ý thức, nên tạo thành văn hóa.
Văn hóa là thuộc tính của cả loài người nên không cộng đồng nào, cá nhân nào là không có văn hóa. Văn hóa là dấu ấn của sự sinh tồn, là tập tính do thói quen, do sự tập nhiễm của hành vi và ý thức từ khi sinh ra đến lúc chết đi; từ bản thân, đến gia đình và xã hội.
Đó gọi là tập quán, là nếp nhà (gia phong), và dân tộc tính đặc trưng của một tộc người có trải nghiệm chung về phong thổ và lịch sử. Vậy thì, cái mà ngày nay chúng ta hay gọi “văn hóa nổ” cũng khó đứng ngoài sự tập nhiễm đó.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn: “Nổ” là một phức cảm tự ti
Điều quan trọng chúng ta không được quên, rằng văn hóa là nhân tạo, có quy trình thành, trụ, hoại, không. Cho nên nói đặc trưng văn hóa chỉ là nhấn mạnh, đề cao hoặc phê phán một số những nét đặc thù do nhân tạo và cũng có thể chuyển hóa. Văn hóa nào cũng là những chọn lựa mang tính lịch sử và có thể giải thể bằng những quyết định và thay đổi trong hành vi.
Chẳng hạn cái gọi là “văn hóa nổ” chỉ là sự khoa trương, tự đánh bóng, tự đề cao bằng lời nói về tự thân. Nổ có nghĩa là bùng lên, phá bung ra và gây tiếng động lớn. Nổ là văn hóa nói. Người Việt có những thành ngữ nói khoác, nói phét, nói dóc, nói láo, nói trạng, nói như khướu, nói như vẹt... Hàng trăm cách diễn tả, rất tế nhị và rất tinh vi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn
Nổ là gây ồn ào, gây tiếng động quá đáng để khoa trương một cái rất ít thực chất. Nguyên nhân là do phức cảm tự ti, cảm thấy mình thua kém người khác nên biểu hiện bằng bề trái của nó là muốn hơn người, đè người (phức cảm tự tôn).
Hình ảnh tiêu biểu của nổ là cái pháo, tiền thân của thuốc súng và là một trong bốn phát minh vĩ đại của người Trung Quốc. Pháo đặc biệt dùng trong dịp Tết để đuổi ma quỷ, tức là nổ lớn cũng đủ đe dọa các các loài yêu tinh quỷ quái.
Văn hóa nổ của Việt Nam có thể tiêu biểu là bài thơ của Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-1788) làm khi mới 9 tuổi, lúc theo cha tới mừng tuổi thầy đồ. Bài Vịnh cái pháo như sau: “Xác không vốn những cậy tay người/Bao nả công trình, tạch cái thôi!/Kêu lắm lại càng tan tác lắm/Thế nào cũng một tiếng mà thôi”.
Chỉnh là trí thức Bắc Hà, bỏ nhà Lê và chúa Trịnh để vào Nam phò anh em nhà Tây Sơn nhưng sau cũng bị vua Quang Trung cho tướng là Vũ Văn Nhậm giết phanh thây và ném cho chó ăn.
Pháo nổ là bản thân cũng tan tành. Bạo phát đi liền với bạo tàn. Bạo động với người khác chính như việc bạo hành với bản thân. Hình ảnh của những thành viên bạo động cuồng tín đeo bom cảm tử là hình ảnh đương đại của việc này, muốn hành động gây sức ép với đối phương và dư luận.
Từ ngoài gây nổ gọi là bộc phá (explosion), tuy nhiên cái giá phải trả chính là sự nội phá (implosion), tức là hủy diệt tự thân. Nhà Phật dùng chữ nghiệp (karma) để chỉ về luật nhân quả. Karma chính là hành động tạo ra hậu quả. Nguyễn Du trong Truyện Kiều có một câu như một định luật mang tính khoa học: “Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi: Trong nghiên cứu khoa học cũng “nổ”
“Nổ” là cách nói dân gian để chỉ những điều nói sai/nói quá sự thật, tức nói những điều không có. Nói năng kiểu đó vào những lúc trà dư tửu hậu, trên bàn nhậu, bên bạn bè, người thân chỉ để nhằm mục đích mua vui, gây sảng khoái thì cũng không chết ai. Nhưng “nổ” còn để tăng “uy tín”, tăng “giá trị” của mình, để đạt được những mục đích khác nhau thì quả là rất nguy hiểm.
Ngày nay có nhiều thành ngữ hiện đại để chỉ ra hiện tượng đó, như “Nổ banh nhà lầu”, “Nổ văng miểng”, “Nổ banh xác”... Trong nghiên cứu khoa học xứ ta cũng thường gặp hiện tượng này, dưới muôn hình vạn trạng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi
Có vị tiến sĩ sử ở một trường đại học nọ, khi viết sách, ở tay gấp bìa 4 kê thật nhiều... những cuốn sách viết chung, mà sách viết riêng không hề có mấy. Thiên hạ nhìn vào bảng liệt kê đó cũng muốn chóng mặt. Hay một ông tiến sĩ ngôn ngữ khác, khi khai công trình để làm hồ sơ phó giáo sư cũng cố liệt kê ra đến 5 cuốn sách mà mình hiệu đính vào một mục riêng.
Ngay cả luận án tiến sĩ của vị này cũng được ghi đầy đủ các “thông số” như cơ quan bảo vệ, năm, số trang ở mục Tác giả và chủ biên; mà về nguyên tắc luận án chưa xuất bản thì không đưa vào đây.
Lại có người chỉ mới viết được vài bài báo, vài tham luận ở địa phương, in vài cuốn sách dạng du ký nhưng lại rất thích tham gia vào cuốn sách dạng “danh nhân” nhằm quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, tên tuổi. Và đi đâu họ cũng nói năng, ứng xử tựa hồ như những nhà nghiên cứu lớn. Có cả ông viện sĩ khoe mình thật nhiều trong cuốn sách đó, được viết dưới dạng “tự thuật”.
Có những tác giả khi in sách rất khoái ký tên là “lưỡng” tiến sĩ - viện sĩ... trong khi danh hiệu “viện sĩ” này thực ra chỉ mang tính hữu nghị như kiểu tiến sĩ danh dự ở các trường đại học nước ngoài, bỏ tiền ra cũng có thể mua được, nhưng rồi cũng được dùng để lòe thiên hạ.
Một hình thức “nổ” khác là chủ biên các kỷ yếu hội thảo hay sách dạng tập hợp các bài viết. Có vị tiến sĩ “chủ biên” đến vài cuốn kỷ yếu hội thảo, mà có cuốn không hề có bài nào của mình trong đó. Theo thông lệ khoa học, không hề có chuyện “chủ biên” kỷ yếu, nhưng giờ đã thành chuyện rất phổ biến ở xứ ta.
Hoặc có vị nhân danh chủ tịch hội, hiệu trưởng, trưởng khoa mà cứ thoải mái “chủ biên” bài tập hợp của các hội viên, giảng viên trường mình, trong khi giỏi lắm họ chỉ đứng ra ở vai trò tổ chức bản thảo, hoặc đã có người làm giùm tất cả.
Khá phổ biến là khi làm đề tài khoa học, mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu đề ra rất lớn lao, to tát, nhưng khi nghiệm thu thì không đạt yêu cầu hoặc chỉ thực hiện được một phần. Do năng lực nghiên cứu có hạn nên phải sử dụng cây đa, cây đề chống lưng để tìm kiếm đề tài và xây dựng mối liên kết giữa người đứng tên làm chủ nhiệm, nhưng thực tế là do người khác làm.
Tôi đã không ít lần chứng kiến những buổi bảo vệ luận án tiến sĩ hay nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, có những vị ngồi hội đồng nhưng lại không đưa được nhận xét hữu ích, có căn cứ khoa học, mà chỉ biết “ăn theo nói theo” người khác, hoặc nói những điều vòng vo không liên quan gì đến hội đồng mình đang ngồi, theo kiểu vô thưởng vô phạt, thậm chí sai phạm về kiến thức.
Những kiểu “nổ” trong nghiên cứu khoa học đã nhiều như vậy, thì việc “nổ” trong cuộc sống làm sao ít, nó đã thành căn bệnh trầm kha. Nếu chừng nào còn chưa “bắt mạch” và có bài thuốc hiệu nghiệm, thì đừng mong có một nền học thuật lành mạnh, đừng mong đạo đức xã hội được chấn chỉnh.
Trong dân gian có nhiều thành ngữ diễn tả các cách nói không bám víu vào thực chất, vào sự khả tín như: “Một tấc đến Trời”, “Thùng rỗng kêu to”, “Ba que xỏ lá”, “Ăn đằng sóng nói đằng gió”, “Ăn xuôi nói ngược”, “Ăn cò nói leo”, “Ăn ốc nói mò”, “Mười voi không được bát xáo”…
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

tháng 7, mưa Huế


 
mùa hè sao không có những ngọn nắng thiêu đốt
cơn gió Lào từ phía tây
ngày lâm râm mưa
không lên nổi màu nắng
như tháng Giêng xưa
nhắc nhớ lại một mùa Xuân thảm khốc
ngày ấy như vẫn còn hiện ra
mối oán thù bất tuyệt
nhắc lại để làm gì
có được ghi lại như một trang sử
hay nhạt nhòa lãng quên
có phải như thế
hay không phải như thế
gọi là lịch sử
hay có phải như thế là
một cuộc bể dâu

thôi bỏ đi
hãy đón niềm vui chào Huế mới về
nhiều năm bỏ xứ
quăng quá khứ ngoài bờ bụi

mưa nhỏ nhưng sẽ tan đi
hãy phai tàn
ngày tháng ấy

tháng 7 mưa Huế như
tháng Giêng mùa Xuân
chút se lạnh sớm thu
để lòng ai đau nhẹ
một đoạn tình đầu

con trai Huế nào ra đi không mang theo
bóng hình một người con gái
và không quên
những mùa mưa Huế buồn tênh

Huế 30/7/2015

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Ra mắt tập thơ Gửi... xinh tươi của cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San.

Chiều 3.8, tại Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên-Huế, Tạp chí Sông Hương  phối hợp với Văn phòng Báo Thanh Niên tại Huế cùng gia đình cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày mất (25.7.2005 - 25.7.2015) và ra mắt tập thơ tình của ông mang tên Gửi... xinh tươi.
Ra mắt tập thơ Gửi... xinh tươi của cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San.
Tập thơ Gửi... xinh tươi của cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San.
Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San là thế hệ nhà thơ trưởng thành qua phong trào đô thị, là nhà thơ tranh đấu của Huế một thời. Tên tuổi ông gắn liền với những bài thơ xuống đường lưu hành trước năm 1975, lẫm liệt và ngạo nghễ của một lớp thanh niên khát khao hòa bình, thống nhất. Ông nổi tiếng là nhà thơ khí phách, ngay buổi đầu đã xác định lí tưởng rõ ràng của cuộc đời. Thái Ngọc San có bút danh Ngọc Thảo Nguyên, ông đã từng là  Thư ký tòa soạn Tạp chí Sông Hương và là một trong những người đứng tên thành lập Tạp chí Sông Hương và góp công đưa tạp chí đến đỉnh cao những năm 1983-1989. Từ năm 1990 - 2005, ông làm đại diện Báo Thanh Niên tại Huế.  
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương phát biểu tại buổi ra mắt sách
Tập thơ Gửi...xinh tươi  tuyển chọn 37 bài thơ tình của Thái Ngọc San do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành. Đây là những sáng tác của nhà thơ qua nhiều thời kỳ, trong đó nhiều bài anh đã in trên các báo, tạp chí văn học trước và sau năm 1975, cùng nhiều bài thơ anh viết trong sổ tay được gia đình lưu giữ và chưa từng công bố.
      
        
           Bà Phan Lệ Dung bên chân dung cố nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San
Gửi xinh tươi là gửi trái tim yêu nồng cháy cho những người yêu, những nàng thơ, những mối tình, những người bạn và cả những miền đất mà anh từng đi qua... đã để lại dấu ấn trong đời và trong thơ của anh. Xinh tươi ấy cũng chính là những mối tình dù sâu đậm hay thoáng qua mà trái tim yêu thương nồng nàn của anh đã rung cảm, như anh từng viết:
“Những mối tình dẫu đắng cay vẫn đẹp
Nhưng những mối tình đã qua đi
Hãy đừng nhắc lại
Bởi cuộc sống luôn luôn bắt đầu
Và tình yêu bao giờ cũng là tình yêu thứ nhất”
PV
http://tapchisonghuong.com.vn

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn từ trần

TTO - Nhà thơ từng đi qua cuộc “Chiến tranh Việt nam và tôi” Nguyễn Bắc Sơn vừa giã từ bạn bè và người yêu thơ để ra đi ở tuổi 72 sau một thời gian nằm bệnh.

Theo tin từ nhà thơ Nguyễn Như Mây - một bạn thơ đồng hương Bình Thuận, nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trong 2-3 năm nay bị bệnh suy tim, gần đây trở nặng và đã ra đi vào 9g sáng nay, 4-8, tại nhà riêng (43/17 đường Trần Lê, Phường Đức Long, TP. Phan Thiết).
Hiện linh cữu nhà thơ quàn tại nhà, gia đình đang chuẩn bị tang lễ và chưa có thông tin lễ viếng cụ thể.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tên thật Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, nổi tiếng từ trước 1975 với những vần thơ lãng tử mà khốc liệt như chính cuộc chiến tranh đang tràn qua quê hương của ông.
Năm 1972, ông xuất bản tập thơ “Chiến tranh Việt Nam & Tôi”, được nhiều người mến mộ, tạo được tiếng vang trong làng thơ miền nam lúc bấy giờ.
Nhà văn Đoàn Thạch Biền khi nhắc về những nhà thơ tâm đắc vẫn không quên những vần thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “Vì người đàn bà  nào cũng như người nấy/ Nên ta bảo mình thôi hãy quên em/ Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy/ Nên suốt đời ta nhớ nhớ quên quên…”
Năm ngoái, nhóm bạn thơ ở tập san Quán Văn có ra một chuyên đề về thơ Nguyễn Bắc Sơn và tổ chức chuyến về Phan Thiết giao lưu thăm ông. Nay, trái tim nhà thơ quê Bình Thuận đã ngừng đập ngay trên chính quê hương của mình - mảnh đất từng được ông gửi vào thơ những dòng trĩu nặng mà tha thiết: “Dù đen bạc là nơi cố xứ/ Nhưng đi biền biệt cũng không đành”.
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Ảnh: từ blog La Văn Tuân
Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn. Ảnh: từ blog La Văn Tuân
   
Thông tin tang lễ nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn
Theo tin từ gia đình, 19g ngày 4-8 sẽ làm lễ nhập quan nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn, lễ viếng bắt đầu ngay sau đó đến hết ngày 5-8.
6g ngày 6-8 sẽ di quan nhà thơ hỏa thiêu tại Vũng Tàu.


LAM ĐIỀN
tuoitre.vn



THÀNH THẬT CHIA BUỒN

NHỮNG NGƯỜI BẠN VĂN NGHỆ XIN THÀNH THẬT CHIA BUỒN VỚI GIA ĐÌNH NHÀ THƠ NGUYỄN BẮC SƠN
CẦU CHÚC BẠN AN LẠC Ở CÕI VÔ CÙNG

Nguyễn văn Trai - Đoàn Phạm Túy Linh - Phạm Tấn Hầu - Hồ Đăng Thanh Ngọc - Nguyên Quân - Ngàn Thương - Viêm Tịnh - Trần Hữu Thục - Nguyễn Miên Thảo - Nguyễn Quốc Thái - Nguyễn Sông Ba - Từ Hoài Tấn - Hạ Đình Thao - Đức Phổ - Hoàng Lôc - Hạc Thành Hoa và các băng hữu văn nghệ