Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

THƠ TRẺ HUẾ - BÁO HIỆU SỰ CHUYỂN DÒNG


HOÀNG THỤY ANH

Gọi thơ trẻ Huế, có nhiều cách hiểu. Ở bài này, người viết chọn cách hiểu thơ của những người trẻ, cụ thể là từ độ tuổi 7x trở về sau. Có thể khẳng định, ở Huế, có một đội ngũ thơ trẻ. Xin được liệt kê các gương mặt trẻ: “Hoa cúc mùa thu”, “Lá tháng Chạp”, “Quang gánh và những bài thơ khác” của Phạm Nguyên Tường; “Người đi chăn sóng biển” của Văn Cầm Hải;“Điệp ngữ tình” của Nguyễn Lãm Thắng; “Linh Ngọc”, “Vông vang” của Lê Tấn Quỳnh; “Thơ đá”, “Mưa kim cương”, “Người đàn bà che mặt” của Đông Hà; “Truồi” của Ngô Công Tấn; “Khúc đêm”, “Miền yêu” của Châu Thu Hà; “Kí ức xanh”, “Ngày không nhớ” của Lê Vĩnh Thái; “Người ngủ muộn” của Fan Tuấn Anh; Hải Trung; “Bốn mùa yêu”, “Gọi em ở cuối thiên đường” của Lưu Ly; “Lập Thiền”, “Khi người ta cúi mặt” của Nhụy Nguyên; “Tái tạo” của Luân Nguyễn… Ngoài đội ngũ thơ trẻ có sản phẩm, Huế còn nhiều cây bút khác như: Nguyễn Anh Dân, Tạ Xuân Hải, Lê Trà Linh, Hoàng Thị Thiều Anh… Những sáng tác của các tác giả này chưa in thành sách nhưng cũng ít nhiều đã góp phần bổ sung lực lượng sáng tác thơ trẻ ở Huế.

Đội ngũ khá hùng hậu, nhưng chưa mạnh, chưa có những danh thơ như thời Ngô Kha, Trần Quang Long, Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm và thế hệ tiếp nối từ sau 1975.

Sự thành công của người viết trẻ bao gồm sự tác động của cả hai yếu tố: chủ quan và khách quan. Về yếu tố chủ quan: bầu nhiệt huyết, lòng đam mê của nội lực trẻ; thích tìm tòi, khám phá, nhanh nhạy tiếp cận cái mới, có ý thức sáng tạo, chịu được làn roi của dư luận trước vấn đề mà mình thể nghiệm; vốn ngoại ngữ; ý thức được vai trò của mình đối với sứ mệnh thi ca; mong muốn khẳng định cá tính của mình. Về yếu tố khách quan: sự chuyển hướng, vận động của thơ ca trong xu thế toàn cầu hoá, ngôi nhà thơ trở nên đa dạng về mẫu mã (thơ hậu hiện đại, thơ trình diễn, thơ tân hình thức,...); sân chơi thông thoáng, cởi mở; thời đại của công nghệ thông tin; hình thức PR. Những yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng, chi phối đến quá trình sáng tác của các cây bút trẻ. Người theo trường phái này, người theo trường phái khác, người ảnh hưởng kiểu sáng tác của nhà văn này, người ảnh hưởng sáng tác của nhà văn khác… Cách xuất phát điểm có thể khác nhau nhưng họ đều giống nhau ở một điểm: khát khao cống hiến sức trẻ của mình vào công cuộc làm mới thơ. Thơ trẻ Huế có nhiều điểm riêng chung so với các vùng miền thơ ca khác. Những điểm riêng chung ấy cũng hệ luỵ đến những mặt tích cực và hạn chế của thơ trẻ Huế.

Thứ nhất, đặc trưng của vùng đất cố đô, nếp sống và nếp nghĩ của người Huế đậm nét trong các sáng tác của các nhà thơ trẻ. Có người cho rằng, thơ trẻ Huế ít viết về đất Thần kinh, nhưng nếu khảo sát kĩ các tập thơ của họ, chất thơ mộng của Huế vẫn là nguồn cảm hứng của nhiều cây bút. Họ gửi gắm tình cảm của mình với quê hương, với con người nơi đây. Bản sắc văn hoá Huế không hề trộn lẫn với các vùng miền khác, từ điệu nói, điệu nghĩ, điệu cảm của con người nơi đây. Những bài thơ: “Mùa” của Hải Trung, “Huyền khúc sông Hương” của Phạm Nguyên Tường; “Nhớ”“Ru mưa” của Lê Vĩnh Thái; “Truồi”, “Gánh cơm hến”“Mưa hoàng thành” của Ngô Công Tấn; “Huyền thoại dòng Hương” của Nhuỵ Nguyên; “Gởi người rời Huế”, “Trở lại Hoàng cung” của Đông Hà, “Trong tình yêu anh”“Khoảng lặng” của Châu Thu Hà… Không chỉ mang dấu ấn của vùng đất thơ mộng mà trong thơ của các tác giả trẻ Huế, ngôn từ cũng rất riêng, đặc trưng. Những từ ngữ: gởi, chi, chừ, …. vẫn được sử dụng ở một số bài thơ, ở một số tác giả.

Thứ hai, thơ trẻ ở Huế xuất phát điểm từ thơ truyền thống đến thơ tự do. Buổi đầu, đa phần họ chọn thể thơ truyền thống để chuyển tải các chủ đề về quê hương, tình yêu, tình bạn như: Phạm Nguyên Tường, Lê Tấn Quỳnh, Đông Hà, Ngô Công Tấn, Nhuỵ Nguyên, Nguyễn Lãm Thắng, Châu Thu Hà, Lưu Ly… Thơ còn ít đụng chạm đến các vấn đề bức xúc của cuộc sống, ít hướng đến chiều dài văn hoá, lịch sử. Tiếng nói trong thơ còn nhẹ, ngại sự đụng chạm, vì thế, chiều kích của cuộc sống chưa mở được hết biên độ. Lúc này, sáng tác của họ chưa đủ sức vang, đang còn lẫn vào bạt ngàn dòng chảy của thơ. Sau này, những năm gần đây, các cây bút trẻ có sự chuyển mình trong sáng tác rất rõ rệt. Họ mạnh dạn cởi tấm áo thơ chật hẹp và gò bó bấy nay, nhiều tác giả tự làm mới thơ mình. Những vấn đề nóng bỏng, thế sự ít nhiều được cài vào thơ. Nhờ thế, thơ giàu tính triết lý hơn. Nguyễn Lãm Thắng “nói nhiều về điều không thể nói”; Lê Tấn Quỳnh đớn đau trước thảm cảnh “nơi cái nhìn nhau cũng nhón mình tất tả”; Nhuỵ Nguyên tê tái lòng trước “những mảnh vỡ tội tình” trong thời bình; Fan Tuấn Anh “đi xa xăm về phía lãnh thổ của nỗi buồn và sự đớn đau trong trái tim loài người thơ dại”. Lưu Ly sống với “thế giới của những trò đùa, ngọt ngào và giả dối”. Đông Hà “cứ vương máu chảy” trước nỗi đau da cam của con người…

Thứ ba, cuộc sống khắc nghiệt của miền Trung cùng với đặc điểm kín đáo, tế nhị của người Huế ảnh hưởng đến tư duy thơ của lớp trẻ. Vì thế, thơ ca của họ luôn có sự thâm trầm, sâu lắng, phảng phất nét buồn cố đô. Đây là điểm khác biệt lớn so với thơ ca của các vùng khác. Phải chăng, vì thế mà phong cách táo bạo, dấn thân như Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Lưu Mêlan không hợp lắm đối với vùng đất này ? Thay vào đó người đọc có thể kì vọng vào những con đường đi khá “biệt” và lạ “Nơi hơi thở nhân gian chùng áp thấp/ Nơi đụng độ nơi đọa đày/ Nơi quật ngã không tiếc thương/ Nơi giật nổ/ Ớn rung/ Nguồn khởi động”(Quang gánh) của Phạm Nguyên Tường, nơi Hải Trung với cơn mê loang lổ chân đê/ gió tung rơm điểm tô chân trời/ kim thời gian xoắn nguợc nụ cười/ đêm sâu vẹt mòn tiếng khóc” (Gọi những giấc mơ), nơi Nguyễn Lãm Thắng có đôi mắt quắc sáng nhìn xuyên thủng huyền thoại” “thấy từng miếng thời gian gãy khúc trên chiếc lưỡi dối lừa”, nơi Văn Cầm Hải “…bước vào căn nhà bằng đôi chân cháy mòn hộ khẩu/ một tiếng ho choáng mùa/ nẩy màu đêm dậy” (Cánh cửa đỏ), nơi Lê Vĩnh Thái “buộc tên mình ném vào tháng ngày cũ rích để cô đơn nhú lộc khắp phòng”, nơi Fan Tuấn Anh – “người mục đồng đi chăn thả nỗi buồn” kiến tạo, đối sánh tình yêu trong lớp trầm tích của thời gian-văn hóa, nơi Nhuỵ Nguyên “vén mặt kiếp người”, nơi Lê Tấn Quỳnh “lấy nỗi buồn thắt chỉ sông”… Sự biệt và lạ ấy chưa thật sự là một xu hướng của thơ trẻ Huế, chưa làm nên chất trẻ riêng có của Huế, nhưng có thể coi đó là dấu hiệu báo trước sự chuyển dòng.

Vẫn còn nhiều cây bút trẻ Huế sử dụng thể loại truyền thống (thơ lục bát, 5 chữ, 6 chữ…) như: Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Nhụy Nguyên, Đông Hà, Châu Thu Hà, Ngô Công Tấn… nhưng họ biết thổi vào thơ lối tư duy mới: “Tôi xin một chút hương thừa/ đem về đốt lấy lập chùa tu riêng/ Tu rằng một chút tình duyên/ Cũng đem hương khói qua miền gian truân” (Nhan sắc – Đông Hà); “Tôi ngồi đối bóng giấc mơ/ thấy mình như một câu thơ… liệm rồi” (Chiêu hồn - Nhuỵ Nguyên); … Xu hướng hiện đại, cách tân dần dần được nhiều cây bút trẻ như: Nguyễn Lãm Thắng, Fan Tuấn Anh, Lê Tấn Quỳnh, Luân Nguyễn, Lưu Ly…tìm đến. Linh hoạt hai trục: trục lựa chọn và trục kết hợp, các nhà thơ trẻ Huế sắp đặt, cát dán, lắp ghép ngôn từ rất hiệu quả. Văn Cầm Hải tinh tế trong từng mũi chỉ đường khâu của con chữ: “Mùi quế hương lưu vong/ tấm lưng trần liệm nắng/ ngọn râu khoai lườm nguýt mặt đất/ những bầu vú ra khơi vắt sữa mặt trời!” (Hoe chân lời). Hải Trung khảo cổ ngay trên nền phế tích loang từ ngực thiếu phụ” để tìm: “từng lớp một.../ mảnh bom, mảnh đạn/ chiến tranh đi- những vết xước thân mình/ này bật lửa zippo/ này thắt lưng hoen rỉ/ mùi thuốc súng khét giữa bình minh” (Khảo cổ). Lê Vĩnh Thái “nuốt vào ngực quãng vắng đời mình” “để hiểu thêm tật nguyền tiềm ẩn. Nguyễn Lãm Thắng tập mở mắt nhìn thế giới phía giác độ người mù: “trong khối óc chứa nhiều gai nhọn/ những tế bào tê liệt bởi thời gian hoen ố/ lại bới đào để tìm thấy nhau trong từng miếng sứt cổ vật/ sự bành trướng đang nuốt một cách tham lam từng giọt muối biển/ thương dòng sông toát mồ hôi mấy ngàn năm” (Có thể nói nhiều về điều không thể nói)… Và/với một Nguyễn Lãm Thắng hiện đại, táo bạo trong cách viết: những đám mây xám toa rập/ chúng có thể cười toang hoác dưới bầu trời ngột/ và tự đứt ra từng khúc nhão nhoẹt/ có một con đường chúng đã chọn/ và bay không lối thoát/ có những lúc chúng bay giật lùi mơ hồ/ có những lúc chúng quần nhau che giấu sự dối trá/ có những lúc chúng nâng đỡ nhau tiếp sức nhau bằng những bàn tay lọc lừa ánh sáng/ chúng đã tìm ra cái rốn của sự đoàn kết đó là vòng xoáy có thể nhận chìm những hạt bụi nhẹ dạ/ và đến lúc chúng tự cấu xé hạ bệ nhau trong vòng xoáy lạnh lùng khát máu ấy” (Những đám mây xám). Nguyễn Lãm Thắng đã và đang đưa cái mới, cái khác, giọng điệu riêng cho thơ trẻ Huế.

Tuy bước đầu đã làm nên cái lạ, cái biệt, đang đẩy những vấn đề thiết thực của đời sống vào trong thơ thay vì mải miết kiếm tìm ở những đề tài cũ, quen thuộc, nhưng bệ phóng của thơ trẻ Huế chưa thực sự trở thành làn sóng. Những cây bút triển vọng thường tham gia sân chơi ở các trang mạng, ít hội tụ ở báo viết và in thành sách để bạn đọc rộng đường tiếp cận. Điều này cũng tác động hai chiều đến sự phát triển và diện mạo thơ trẻ Huế.

Thực ra, con đường mà các tác giả trẻ Huế đi cũng không lạ, mới so với những cây bút trẻ của cả nước. Khuynh hướng tự do, ấn tượng, lập ngôn ngay từ lúc cầm bút, như ở hai đầu đất nước, thì thơ Huế chưa trội. Hai xu hướng thơ truyền thống và thơ hiện đại vẫn tồn tại song song trong đội ngũ thơ trẻ Huế tạo nên diện mạo riêng: vừa cổ kín, thâm trầm vừa tươi trẻ, mạnh bạo. Khi chất sống, nhựa sống, hơi thở của thời đại đi vào thơ, thơ trẻ Huế đang dần dần vươn đến cái mới, có những tìm tòi, thể nghiệm về mặt nội dung lẫn hình thức. Dẫu chưa có hiện tượng gây xôn xao thi đàn như thơ trẻ Bắc, Nam, song những gì mà thơ thơ trẻ Huế đã và đang có đã khẳng định/đại diện sức trẻ của thơ miền Trung. Những nét riêng và chung của thơ trẻ Huế vừa góp phần vào sự phát triển của thơ Việt Nam, vừa minh chứng tiếng nói riêng của vùng đất nắng gió.

Đồng Hới, 15-10-2011

H.T.A

Nguồn: Văn nghệ Trẻ

Trích từ phongdiep.net


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

THƠ LỤC BÁT - VIÊM TỊNH

NẮNG VÀ MƯA

Sài Gòn có chút nắng mưa
Sài Gòn có giấc ngủ trưa Sài Gòn
Em thì xanh biếc đọt non
Còn anh hái mộng vàng son xế chiều.

BỌT TĂM

Em đang gối mộng bên trời
Nơi đây xa quá lời mời trăm năm
Giữa tàn cuộc rượu bọt tăm
Còn ai ngồi lại ăn năn phận người.

SỞ TỪ

Rượu uống từng ngụm có say
Rượu uống một chặp đắng cay phận người
Thôi em cuộc hẹn một lời
Vỗ tay nghe khúc nhạc đời tuyết phai.

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Thơ Lê Ngọc Thuận

NHỮNG BẬC CHÂN TU * THẬP TAM LÃNG TỬ

NGUYỄN MIÊN ĐẠI SƯ

Một trong tứ dị trần gian
Đại sư mang cả hồn nàng theo kinh
Hèn chi chuông mỏ gập ghềnh
Dồn lên dập xuống lênh đênh xác phàm.

VÕ CÔNG TỬ

Đơn thân độc chiến quần hùng
Tả xung hữu đột nội công ngất trời
Khuya về mộng rã mồ hôi
Tham thiền nhập định thế ngôi cô đơn.

CAO THÁM HOA


Phủi tay về giữa bụi đời
Rượu khơi giỡn chén vô thưòng cạn chơi
Đã quên danh phận trong đời
Khi say chửi tới Thiên Lôi cũng gờm.


VĂN TƯ MÃ

Giọng ngâm xuyên suốt xiêm y
Hương da thịt thấm xuân thì ngả nghiêng
Rong chơi ròng rã đâm ghiền
Môi ai mọng nước ngoài hiên địa đàng.

THÁI TINH QUÂN

Đ.M. âm vọng nghênh ngang
Bỗng dưng tim đập oanh vàng run môi
Một mình thở chẳng ra hơi
Nửa đêm xuất cuộc tình rơi giọt buồn.

PHẠM NGỰ SỮ

Thân đã rời xa Truyền Thanh Tự
Cân đai áo mão trả cho đời
Về đây rượu vời xưa bè bạn

Cạn chén buồn vui ai nhớ quên.

TÂN ĐẠO SĨ

Chùa Lão Tử một mình hương khói
Dấu giang hồ ẩn trong men cay
Thôi thế sự nhân sinh hề! Cạn
Phố khuya về vô ưu bước chân.

THẠCH CẦM ĐẶNG NGỌC

Khúc thạch cầm âm thầm tiếu ngạo
Thì sá chi Bất Bại Đông Phương
Tay vẫn cứ búng giây huyền hoặc
Rượu theo cung nốt vọng phong trần.

TRẦN VÀNG TIÊN SINH

Môi bí mật không ai biết được
Lưỡi tiên sinh chạm phải răng ai
Đêm Vỹ Dạ vẫn còn hư ảo
Rượu với trăng tàn chưa? Chưa tàn!

LÃNG TỬ HỒ THUYÊN

Tây hay Đông trời cũng có mây
Rượu phương nào anh vẫn cứ say
Kệ cha thiên địa tình nhất xứ
Bằng hữu ngàn ly cạn rồi đầy.

TỪ HOÀI BÁ TƯỚC

Một Nam Trân cũng đủ vàng da
Huống hồ còn B-C-G-S
Tim bá tước nhiều ngăn chưa rõ
Hãy thâu vào sách sử thời xanh.

HUỲNH ĐẠI SỸ

Tóc Huỳnh Ngọc khi vàng khi đỏ
Phải chăng theo mấy quẻ càn khôn
Tay đường chỉ rằn ri phiêu bạt
Rượu ngậm ngùi cây lá Quê xưa.

LÊ NGỌC THẤT PHU

Lòng gã trong như nước lọc
Qua bao cát sạn đá than
Gã ngồi ngẫm kinh vô tự
Trăng rơi những giọt sương tàn.

LNT.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 90 – 17.10.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

901, 902 - Bé Ký & Hồ Thành Đức

TÌNH THƯƠNG CHO TRẺ MỒ CÔI

Vợ chồng họa sĩ Việt kiều Mỹ: Vợ sinh 1938 tại miền Bắc; chồng sinh 1940 tại Đà Nẵng. Sống ở Mỹ (2011).

Lấy nhau năm 1964, cả 2 là họa sĩ nổi tiếng miền Nam trước 1975.

Vợ chuyên vẽ lụa với phong cách ký họa đơn giản nhưng độc đáo đầy tính dân tộc bán thị trường rất đắt khách. Chồng chuyên sơn dầu mang phong cách hội họa Tây phương hiện đại.

Sau 1975 không chấp nhận tiếp tục vẽ theo yêu cầu của chế độ: “Tôi không thể vẽ theo lối đó vì như thế là không trung thực… Chúng tôi có thể làm mọi thứ để mà sống còn nhưng khi vẽ tranh thì chúng tôi cần thể hiện cảm nghĩ của riêng mình.” (Bé Ký).

Bởi vậy năm 1977 vượt biên bị bắt, chồng nằm tù 2 năm còn vợ được cho về nhà nuôi con (4 con).

Sau khi chồng ra tù cả 2 vẫn kiên quyết không cầm cọ vẽ nữa, tìm cách khác kiếm sống qua ngày.

Đến năm 1989 mới được bảo lãnh theo diện ODP đi Mỹ.

Trên đất Mỹ 2 vợ chồng bắt đầu vẽ lại, triển lãm nhiều ở Mỹ lẫn các nước ngoài như Pháp, Ba Lan, Nhật Bản, An Độ…

Vợ vẫn vẽ về đề tài con người, đất nước quê hương mộc mạc: “Vì thời thế tôi phải giã từ nơi chốn thân yêu nên lòng tôi vẫn luôn nhớ quê hương. Từ trước tới nay tôi vẫn vẽ tất cả hình ảnh mang bóng dáng sinh hoạt quê hương…”

Riêng chồng bây giờ còn vẽ nhiều về thân phận trẻ mồ côi trong chiến tranh như chính cảnh ngộ cả 2 vợ chồng từ thủa nhỏ.

Cũng vì thế thường xuyên góp tranh góp tiền tặng các quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo, khuyết tật. Từ đóng góp đó năm 2010 cả 2 được một tổ chức từ thiện vì trẻ em ở Mỹ trao tặng Giải thưởng “Cảm thông” cống hiến cho sự nghiệp săn sóc trẻ thơ bất hạnh.

903 – “Chà Và” Hương

TRÙM DU ĐÃNG THÀNH VÕ SƯ

Võ sư võ dân tộc tên thật Ngô Văn Hương sinh 1940 tại Long An. Sống ở TPHCM (2011).

Trước 1975 là trùm du đãng Sài Gòn cùng thời với những Đại “Cathay”, Tín Mã Nàm, Sơn “Đảo”, Minh “Cầu Muối” từng tiếng tăm lừng lẫy một cõi. Biệt danh “Chà Và” Hương do lai Aán Độ, có ngón tuyệt chiêu là đòn đánh cùi chỏ chết người.

Lấy vợ người Huế gốc hoàng tộc nên gia đình vợ không bằng lòng. Vì vậy trước 30.4.1975 nhân tình hình lộn xộn gia đình vợ đã ép người vợ di tản đi Mỹ một mình. Sau đó cắt đứt liên lạc luôn giữa đôi bên, nói với chồng là vợ mất tích và nói với vợ là chồng đã chết.

Còn lại một mình sau 75 trong tình hình chế độ mới bài trừ tệ nạn xã hội nên đành tìm cách trốn tránh, rút lui quay về nhà mẹ ở Hóc Môn mở lớp dạy võ. Một thời gian sau chuyển qua Củ Chi làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, nghề học được từ hồi luyện võ.

Bây giờ đã toàn tâm toàn ý quyết tâm rời bỏ chốn giang hồ mưa máu gió tanh trở về làm người lương thiện nên khi băng nhóm tội phạm Năm Cam biết danh mời gia nhập làm ăn đã thẳng thắn từ chối.

Khi Liên đoàn Võ Cổ truyền VN được thành lập đã được mời nhận chức võ sư cố vấn.

Bất ngờ năm 2005 mới biết được sự thật về cuộc chia tay với vợ ngày xưa liền tìm cách liên lạc. Và năm 2005 đôi vợ chồng cũ đã được trùng phùng khi cả 2 đều đã gần thất thập cổ lai hy.

904 – Dương Thiệu Tước

VĨNH BIỆT “NGỌC LAN”

Nhạc sĩ sinh 1915 tại Hà Đông – Mất 1995 ở TPHCM (81 tuổi).

Thuộc dòng dõi danh gia văn nghệ đất Bắc từ 2 nhà thơ cổ điển Dương Khuê, Dương Lâm đến Dương Quảng Hàm, Dương Tường, Dương Thiệu Tống, Dương Thu Hương, Dương Thụ sau này…

Có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, học cả đàn nguyệt, đàn tranh lẫn đàn dương cầm, ghitar, ghitar hawai. Từ đó đã sớm nổi danh từ những ca khúc vang vọng âm hưởng dân tộc theo ý hướng kết hợp âm nhạc cổ truyền với tân nhạc phương Tây như “Tiếng xưa”, “Chiều”, “Thuyền mơ”…

Năm mới 19 tuổi đã lấy vợ con nhà quyền quý, sinh 3 trai 2 gái.

Nhưng năm 1951 mới gặp mối tình “sét đánh” Minh Trang tại Hà Nội để đến 1954 di cư vào Nam lấy làm người vợ thứ hai hợp thành một đôi uyên ương văn nghệ tài danh một thời.

Đây là một mối tình gần như “tiền định’ bởi trước khi gặp nhau, nhạc sĩ từng làm nên bài “Đêm tàn Bến Ngự” 100% chất Huế trong khi Minh Trang lại xuất thân con nhà quý tộc đất thần kinh. Đã có một đời chồng cũng dòng hoàng tộc nhà giáo địa vị cao quý xứ cố đô, sinh được 2 con. Sau khi chồng mất mới vào Sài Gòn trở thành ca sĩ Minh Trang vang danh miền Nam sánh ngang hàng với 2 “Minh” khác ở 2 miền lúc đó là Minh Đỗ (miền Bắc) và Minh Diệu (miền Trung).

Từ mối tình định mệnh đó đã khai sinh ra 2 bài hát để đời nữa là “Ngọc Lan” (ám chỉ tên thật của vợ là Ngọc Trâm, nghệ danh Minh Trang là ghép tên 2 con đời chồng quá cố) và “Bóng chiều xưa”.

Vợ chồng DT Tước - Minh Trang sinh được 1 trai 4 gái, chồng đàn vợ hát đài phát thanh (đến đầu thập niên 60 vợ nghỉ hát do mắc bệnh suyễn). Con gái Quỳnh Dao đời chồng trước của vợ lớn lên hợp cùng 3 em gái đời chồng sau thành một ban tứ ca nữ rất trình độ, duyên dáng được khán giả yêu thích thời này.

Đến 30.4.1975 vì có người con trai duy nhất sĩ quan VNCH đã bị bắt làm tù binh ở Chu Lai (Quảng Nam) nên 2 vợ chồng phải ở lại chờ tin con.

Sau đó chồng bị cho nghỉ việc đài phát thanh khiến cả nhà lâm vào cảnh khốn khó như bao gia đình “Ngụy quyền” khác thời này chạy ăn từng ngày, bán đồ đạc trong nhà để đong gạo, hết đồ bán thì ra ngồi chợ trời.

Năm 1978 con trai (chịu chế độ tù binh chứ không phải chế độ cải tạo) được thả về. Khi đó vợ mới quyết tâm đưa con đi vượt biên nhưng chồng lại không muốn đi. Năm 1979 vợ cùng các con – cả 2 con đời trước – vượt biên đến Thái Lan sau đó nhập cư Mỹ.

Bản thân ở lại một mình, may mà được 2 con đời vợ trước vẫn lui tới chăm sóc (bà vợ trước cũng vào Nam từ 1954 vẫn ở vậy nay cũng qua Đức sống với con trai).

Năm 1980 có thêm mối tình an ủi cuối đời với một cô học trò trường nhạc, thêm được một con trai nữa.

Còn người tình Ngọc Lan thì mãi đến 15 năm sau khi tác giả của nó mất mới qua đời trên đất khách quê người mà không còn thấy đâu “dòng suối tơ vương mắt thu hồ dịu ánh vàng… nhành liễu nghiêng nghiêng tà mây cánh phong nắng thơm ngoài sân…”

905 - Đan Thọ

CHIẾC KÈN LƯU VONG

Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Đan Đình Thọ sinh 1924 tại Nam Định. Sống ở Mỹ (2011).

Di cư 1954 vào Nam trở thành nhạc sĩ có tiếng với ca khúc được nhớ nhiều “Tình quê hương” (phổ thơ Phan Lạc Tuyên), “Chiều tím” bên cạnh khá nhiều bài hát nhớ Hà Nội như “Vọng cố đô”, “Bóng quê xưa”, “Xa quê hương”…

Với 2 nhạc cụ ruột vĩ cầm và kèn saxophone mang từ Hà Nội vào đã chơi nhạc tại đài phát thanh và phòng trà. Là người đầu tiên biểu diễn saxophone ở các nhà hàng, vũ trường Sài Gòn.

Sau 75 vẫn ở lại TPHCM, gặp lại bạn cũ nhà thơ Phan Lạc Tuyên từ miền Bắc vào.

Đến năm 1985 mới đi Mỹ, không quên đem theo 2 bạn tri âm violon và saxophone.

Trên quê người trở lại chơi nhạc ở California. Đến năm 1994 tổ chức buổi diễn cuối cùng chia tay bạn bè và người đồng điệu để chuyển về sống ở TP New Orleans thuộc bang Lousiana gần con cái.

Năm 2005 xảy ra trận bão dữ Katrina càn quét New Orleans khiến cả 2 vợ chồng phải chạy nạn. Trong cơn bão cả 2 nhạc cụ thiết thân – đàn vĩ cầm và kèn saxophone – không may bị… rơi xuống nước bị sóng nước cuốn đi. Cây saxophone trôi mất dạng, còn cây vĩ cầm may vớt lên được song về sau không chữa được, âm thanh kéo lên vẫn rè không ra tiếng!

Cuối cùng đành treo cây vĩ cầm lên tường phòng ngắm cho đỡ nhớ xem như một kỷ vật lịch sử 2 lần tha hương may mà còn sống sót như chính chủ nhân nó.

906 – Đinh Cường

HỘI HỌA CỨU RỖI

Họa sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Đinh Văn Cường sinh 1939 tại Bình Dương. Sống ở Mỹ (2011).

Tự xem là một “người con của Huế” tuy sinh ở miền Nam nhưng ông nội người Nam bộ từng ra làm việc ở Huế thời nhà Nguyễn lấy vợ Huế. Vì vậy năm 1959 đã ra Huế học trường Cao đẳng Mỹ thuật rồi ở lại Huế dạy vẽ và lấy vợ Huế.

Tại đây gia nhập nhóm văn nghệ sĩ Huế nổi tiếng thời này gồm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Trịnh Cung, Lê Thành Nhơn, Đỗ Long Vân… Bản thân trở thành họa sĩ tiếng tăm (sơn dầu) nhiều lần triển lãm trong nước và quốc tế, đoạt giải thưởng quốc gia.

Sau trận chiến Mậu Thân 1968 ở Huế, nhóm này xem như tan rã khi HP Ngọc Tường ly khai vào chiến khu theo cộng sản, Ngô Kha bị mật vụ Huế thủ tiêu, Trịnh Công Sơn bỏ vào Sài Gòn. Nhưng bản thân vẫn ở lại gắn bó với Huế chứng kiến những biến cố lịch sử tang thương của Huế từ Mậu Thân 68 đến Mùa hè đỏ lửa 1972 lẫn làn sóng chạy nạn vào Đà Nẵng tháng 3.1975.

Và sau 30.4.1975 lại có dịp chứng kiến sự xuất hiện của chế độ mới – chế độ cộng sản kiểu sơ khai mang danh Cách mạng – trên đất cố đô.

Tuy bạn thân HP Ngọc Tường trở về song mình vẫn bị chế độ mới nghi kỵ – cũng như Trịnh Công Sơn – bắt “kiểm điểm” tội “hợp tác với chế độ Ngụy” và đưa đi tham gia lao động sản xuất để lấy cảm hứng sáng tác. Nhưng cũng nhờ vậy cùng TC Sơn quen biết với giới văn nghệ sĩ trí thức tiến bộ miền Bắc đồng cảm như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Phùng Quán, Thái Bá Vân, Hoàng Ngọc Hiến…

Vài năm sau đưa gia đình vào TPHCM – cũng là lúc Trịnh Công Sơn “trốn” vào đây - bản thân làm báo Tin Sáng phụ trách khâu trình bày, còn vợ nguyên cô giáo nay ngồi bán thuốc lá lề đường nuôi con ăn học.

Tuy nhiên cuộc sống chưa khá được thì báo Tin Sáng bị đóng cửa phải quay qua làm đủ thứ nghề tạm bợ đại khái để kiếm sống. Nhưng vẫn cố gắng không bỏ cọ vẽ: “Tôi đã vẽ trong mọi hoàn cảnh, mọi nơi chốn. Có những lúc gần như tuyệt vọng nhưng tôi vẫn tiếp tục vẽ…”

Năm 1989 mới cùng gia đình đi Mỹ định cư.

Bấy giờ mới có nhiều thời gian, điều kiện tiếp tục sự nghiệp hội họa, vẽ nhiều, triển lãm nhiều vẫn hướng về mảng đề tài quen thuộc người phụ nữ Huế trang nhã trên nền phong cảnh lãng mạn sương mù gió sớm Huế.

May mắn thay bao nhiêu gió bụi cuộc đời trần ai khổ ải, bao nhiêu cảnh vật đổi sao dời, bao nhiêu người qua đây rồi bỏ đi mất hút vẫn không làm mờ phai đi bản chất người nghệ sĩ trầm lặng giàu nội tâm luôn gắn bó thiết tha với Huế với quê hương, bạn bèø. Dù phải trải qua, trả giá cho một phần đời mất mát.

Kỷ niệm quê hương bạn bè đậm đà thúc giục thường xuyên về nước. Về TPHCM, ra Huế thăm bạn bè, triển lãm (thêm mảng chân dung Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn) như một lời cảm ơn cuộc đời cho mình ân sủng còn được “tiếp tục vẽ, tiếp tục suy nghiệm để thấy mình được cứu rỗi.”

Đó cũng là con đường cứu vớt dành cho người nghệ sĩ & nhân chứng thời đại – một nhân chứng thầm lặng sống qua cả thời chiến tranh đến hòa bình, cả 2 chế độ từ bao cấp đến bắt đầu Đổi Mới - tồn tại bằng cách tự mình tìm kiếm một cách cân bằng giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại và tương lai, giữa thực tế và mộng mơ, giữa cuộc đời và ảo tưởng… Tất cả dựa trên niềm tin vào tình người – bắt đầu từ bản thân biết cảm thông, bao dung tha thứ -- để tránh khỏi bị rơi vào vòng xoáy của chính trị lạnh lùng tàn nhẫn.

Như chiêm nghiệm của Paul Klee ứng vào chính bản thân mình: “Lạ lùng thay cho phần số tôi: Quân bình giữa cuộc đời này và một cõi đời khác, giữa ranh giới những gì đã qua và những cái nhãn tiền”.

907 – Đỗ Lễ

“SANG NGANG” BẾ TẮT

Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Đỗ Hữu Lễ sinh năm 1941 tại Hà Nội – Mất 1997 ở TPHCM (57 tuổi).

Di cư 1954 vào Nam trở thành nhạc sĩ có tiếng trong trào lưu nhạc tình ủy mị, được biết nhiều qua ca khúc não nùng “Sang ngang” sáng tác 1956.

Là một con người nhiều mâu thuẫn nội tâm, từng đi thi đoạt giải… Lực sĩ Đẹp năm 1965 song bản chất lại yếu đuối bi lụy dễ chán nản buông xuôi khi gặp nghịch cảnh. Như thất tình một nữ ca sĩ tài danh thời đó mới làm nên bài “Sang ngang”.

Sau đó lấy vợ cũng là một nữ ca sĩ, có 3 con. Bắt tay làm sô ca nhạc truyền hình ăn khách “Thời trang nhạc tuyển”.

Nhưng gặp biến cố 30.4 gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, vợ bỏ đi lấy chồng khác vượt viên qua Mỹ.

Còn một mình ở lại mở lớp dạy nhạc tại nhà đắp đổi sống qua ngày. Rồi lấy vợ mới.

Năm 1994 được anh trai bảo lãnh cả 2 vợ chồng đi Mỹ định cư tại Philadelphia.

Đột ngột năm 1997 một mình quay về nước thuê nhà trọ ở trong hẻm TPHCM rồi đang đêm… uống thuốc ngủ tự tử để lại 2 lá thư tuyệt mạng cho vợ và người bạn thân!

Một trường hợp nghệ sĩ tâm hồn quá nhạy cảm không chịu đựng nổi sức ép thực tế cuộc đời phũ phàng khi bị đẩy đến hoàn cảnh sống không mong đợi không thích nghi – kể cả đã qua Mỹ – về không được ở không xong.

908 – Hà Nguyên Thạch

“CHẠY QUANH ĐỜI”

Nhà thơ tên thật NguyễnVăn Đồng sinh 1942 tại Đà Nẵng. Sống ở Vũng Tàu (2011).

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Huế môn văn ra đi dạy ở Quảng Ngãi.

Tại đây lấy vợ mở ra con đường hoạn lộ thênh thang thăng chức phó giám đốc Sở Giáo dục tỉnh. Song song làm thơ đã in một tập “Chân cầu sóng vỗ” được đánh giá cao.

Nhưng là tập thơ có một tựa đề mang tính chất định mệnh bởi đến 30.4.75 thuộc diện quan chức “Ngụy quyền” phải đi cải tạo đến 7 năm. Trở về thì vợ đã ôm con vượt biên cắt đứt luôn liên lạc. Đúng là chỉ mới đây thôi mà bao nhiêu nước đã chảy qua cầu!

Muốn vượt biên tìm vợ con thì không có tiền, có được cho đi cũng bất thành. Thế nên một thân một mình bơ vơ 2 bàn tay trắng đành bỏ vào TPHCM sống nhờ bạn bè.

Làm đủ thứ lao động chân tay phụ bán cà phê, bán bún bò, đi bỏ mối hàng lặt vặt… Suốt ngày đạp chiếc xe đạp ọp ẹp cọc cạch chạy loanh quanh thành phố hang cùng ngỏ hẹp, tối về ngủ ké nhà bạn bè, có khi ngủ lang vỉa hè cù bơ cù bất như dân bụi đời chính cống.

Từ đó tức cảnh sinh tình:

“Còn chén rượu sầu lòng chưa uống cạn

Nên làm thơ còn có nghĩa chờ say.

Khi say khướt sẽ quay cuồng hoài vọng

Chạy quanh đời nghe hồn nhẹ như mây…”

May sao cuối cùng trời cũng ngó lại khi lưu lạc xuống Vũng Tàu tìm được mối tình cưu mang từ đó nâng mình đứng dậy vượt qua khó khăn tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm cuộc đời. Được mời dạy đại học nghề ruột môn văn ngày nào sống cũng tạm ổn còn có dịp vui vầy với bạn bè qua thời cùng khổ…

909 – Hoài Linh

CHẾT ĐÚNG NGÀY 30.4

Nhạc sĩ tên thật Lê Văn Linh sinh 1925 tại miền Bắc – Mất 1995 ở TPHCM (71 tuổi).

Năm 1954 di cư vào Nam.

Trở thành nhạc sĩ tên tuổi trong làng nhạc tình ướt át – “nhạc sến” – với các ca khúc ăn khách ”Quán nửa khuya”, “Nỗi buồn gác trọ”… Có biệt tài đặt lời nhạc nên còn đặt lời cho nhiều bài hát khác của bạn bè.

Nhờ khả năng sáng tác nhạc nên được nhận vào đoàn văn nghệ cảnh sát quốc gia đóng lon trung úy.

Cũng vì vậy mà sau 1975 đương nhiên phải đi cải tạo.

Sau khi được trả tự do, trở về sống với gia đình trong cảnh nghèo khó mặc cảm. Từ đó sinh ra bệnh nặng tai biến nằm liệt giường một thời gian mà không tiền chạy chữa thuốc thang.

Cuối cùng ra đi đúng ngày lịch sử 30.4… đúng 20 năm sau!

910 – Hoàng Ngọc Biên

MƠ LÀM “NGƯỜI KHÔNG CÓ TRÁI TIM”

Nhà văn, họa sĩ Việt kiều Mỹ sinh 1938 tại Quảng Trị. Sống ở Mỹ (2011).

Thuộc dòng họ Hoàng nổi tiếng ở Quảng Trị (Hoàng Thi Thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường…).

Tài hoa, đa năng, vào Sài Gòn làm Bộ Giáo dục vừa viết văn, dịch truyện dịch thơ, vẽ tranh, trình bày báo… Tất cả đều theo khuynh hướng cấp tiến hiện đại kể cả trong quan điểm sống và hành động cảm tình thiên tả (trong ban biên tập tạp chí Trình Bày có xu hướng chống chế độ Sài Gòn).

Bởi thế sau 1975 vẫn ở lại TPHCM thể hiện ý hướng hợp tác hòa hợp dân tộc xây dựng lại tất cả sau chiến tranh. Cộng tác với nhật báo Tin Sáng (phụ trách trình bày) của nhóm trí thức nhân sĩ tiến bộ miền Nam được Nhà nước cho phép xem như tạo một đầu mối trung gian với chế độ mới cộng sản với lớp thị dân chưa “quen” với cộng sản.

Nhưng được vài năm thì Tin Sáng bị đóng cửa “hoàn thành nhiệm vụ” buổi giao thời cộng sản.

Dù vậy vẫn cố tiếp tục có những đóng góp về mặt cải tiến trình bày báo, sách, cộng tác với báo Thanh Niên, báo Tuyến Đầu của lực lượng Thanh nhiên Xung phong TPHCM… Giúp đỡ, hướng dẫn cho thế hệ văn nghệ trẻ miền Nam, là thầy của Nguyễn Nhật Aùnh, Đỗ Trung Quân vừa trở về từ TNXP…

Tuy nhiên, cuối cùng cũng hết trụ nổi với niềm tin xã hội chủ nghĩa nên năm 1991 đành dứt áo ra đi qua Mỹ theo diện bảo lãnh (còn để lo cho tương lai 2 con trai).

Tại Mỹ càng tiếp thêm sức sáng tạo, tiếp tục viết, dịch, vẽ rất nhiều, phong phú đa dạng… Vẫn theo chủ trương cấp tiến với hoài bão đem lại cái mới, nét mới cho văn chương nghệ thuật. Lập lại Nxb Trình Bày như một lưu niệm thời trẻ tuổi nhiệt tình cống hiến cho đất nước, dân tộc đi lên.

Đã về nước 2009 thăm bạn bè, học trò vẫn với một tâm tư nặng lòng với quê nhà nhưng cảm thấy dằn vặt bất lực trước thực tế không như mong đợi. Như một câu chuyện viết khi trở về:

CHUYỆN MỘT NGƯỜI KHÔNG CÓ TRÁI TIM”

Tôi đứng trên cầu, thơ thẩn nhìn ra phía sông nước cuối dòng. Chân trời nhuộm một màu đỏ chói chang. Mây không tím không hồng.

Tôi bỗng nghe một tiếng động nhỏ sau lưng, tưởng có người bạn loanh quanh đâu đó nhìn thấy mình, tò mò ghé lại thăm. Tôi quay người và nhận một cú đấm long trời lở đất vào ngực, bất thần, ngay trái tim.

Bàn tay xuyên vào bên trong ngực, đẩy trái tim tôi ra khỏi lưng, rơi xuống sông, Trước sau tôi chỉ nghe một tiếng nước bắn tung toé, tiếng nhỏ và ngọt như tiếng một hòn sỏi rơi, từ dưới sâu vọng lên.

Mọi việc tiếp tục như không có gì xảy ra. Bàn tay biến mất. Tôi rảo bước qua bên kia cầu, trong người nhẹ nhõm, vì không còn ôm trái tim trước ngực, để lúc nào cũng phải thấy lòng nặng trĩu.

Saigon, 4.2009”

Chỉ một người có trái tim lớn đầy thương yêu thiết tha quá nhạy cảm mới có thể viết nên câu chuyện như vậy.

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky90

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Bùi Giáng với Hoàng tử bé


Ngày 20.10, NXB Văn hóa Văn nghệ kết hợp với cơ sở Quỳnh Na phát hành tác phẩm dịch được xem là bay bướm và truyền cảm nhất của thi sĩ Bùi Giáng:Hoàng tử bé (nguyên tác: Le Petit Prince của nhà văn Pháp Saint Exupéry).


Sách ấn hành nhân dịp tác phẩm trên được xét chọn để trao Giải thưởng sách hay 2011 về lĩnh vực dịch thuật. Mặc dù trải qua gần 50 năm kể từ ngày xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn nhưng đến nay văn phong và thần sắc trong Hoàng tử bé vẫn đầy sức quyến rũ. Trước hết vì tính cách nhân bản có sức lan tỏa lạ lùng trong nguyên tác của Saint Exupéry với mấy dòng mở đầu: “Tôi xin lỗi các bé con, vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn (...) Tôi rất muốn đề tặng cho đứa bé con mà xưa kia người lớn nọ vốn đã từng là (nó) vậy. Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con (nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia). Vậy tôi xin sửa chữa lời đề tặng: Gửi Léon Werth thuở ông ta còn là bé con”.

Một lẽ khác, về phía người dịch: Bùi Giáng - đã không ngần ngại hạ bút xác định: “Le Petit Prince là tác phẩm thơ mộng nhất và u uẩn nhất trong những tác phẩm của Saint Exupéry” viết về một thiên thần đi về trần gian để “dấn thân” và sau đó “chia tay bụi hồng không một lời oán hận”. Vậy tác phẩm có gì lạ mà Bùi Giáng dịch và giới thiệu trân trọng như thế. Lạ vì, trong tập sách mỏng chỉ chừng 125 trang mà đã chuyển đến bạn đọc cả “một thế giới ở ngoài trái đất”. Lạ nữa, thế giới “ở ngoài” ấy lại được kể và thể hiện bởi một hoàng tử đang “ở trong” mặt đất, trên sa mạc Sahara. Chú hoàng tử cô độc đến từ một tinh cầu xa thẳm đã gặp một phi công cũng một thân một mình đáp xuống sa mạc khi máy bay của ông ta gặp nạn, bị hỏng hóc. Thế là họ, một người lớn và một chú bé hoàng tử, đã “sống” bên nhau những thời khắc tuyệt vời và tâm cảm, nhất là chuyện chú bé thao thức vì một con cừu nào đó đã ăn mất của chú một đóa hoa hồng: “Cái điều xui ta cảm động nhất nơi Hoàng tử bé đang ngủ này, ấy là sự trung thành của chú đối với một đóa hoa, ấy là một hình ảnh một đóa hoa hồng vẫn sáng ngời ở trong người chú như một ngọn đèn, ngay cả khi chú ngủ... Và tôi nhận thấy chú còn mỏng manh hơn nữa. Phải bảo vệ những ngọn đèn: Một cơn gió có thể làm cho tắt mất”. Tắt mất đây không chỉ “tắt” sự sống ngoài thể xác, mà là “tắt” nguồn ánh sáng ban sơ trong tâm hồn của những người đang hiện diện trên “mặt đất trầm trọng và đau thương” này.

Lần tái bản này có in kèm những ký họa màu nước của tác giả Saint Exupéry và các chú thích của dịch giả Bùi Giáng.

Theo Giao Hưởng - TNO

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2011: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 89 – 17.10.2011 (Trích đăng từ 1.1.2010, xem MỤC LỤC DANH SÁCH ở Kỳ 75)

891 – Hoàng Công Thức

“ANH LÀ LÍNH ĐA TÌNH”

Nghệ sĩ khiêu vũ sinh 1948 tại Huế. Sống ở Huế (2011).

Thuộc dòng họ Hoàng nổi tiếng ở Quảng Trị (Hoàng Thi Thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường…) nhưng sinh ở Huế khi cha vào đây dạy học.

Từ nhỏ đã có cơ duyên được học khiêu vũ với một bậc thầy nhưng lớn lên không phát triển được năng khiếu đó do đất thần kinh nặng về lễ nghĩa gia giáo không cởi mở với thể loại ôm nhau nhảy múa trình diễn – dance gọi nôm na là “nhảy đầm” - có vẻ gợi tình “lai căng” này!

Năm 1965 bị gọi đi lính trường sĩ quan Thủ Đức. Ra trường về lực lượng thủy quân lục chiến, một trong 3 binh chủng bộ binh loại đặc nhiệm chủ lực của chế độ Sài Gòn (còn nhảy dù và biệt động quân). Trực tiếp chiến đấu làm sĩ quan đơn vị trinh sát.

Chính trong thời gian này có cơ hội phát huy tài năng khiêu vũ của mình qua nhiều dịp về phép Sài Gòn (nơi đặt đại bản doanh binh chủng) gặp lúc Sài Gòn đang rộ lên phong trào tuyên truyền ca ngợi “lính Cộng hòa”. Thể hiện qua hình ảnh được tôn làm thần tượng là ngườøi lính chiến mặc áo rằn ri (quân phục đặc biệt của 3 binh chủng trên) vừa chiến đấu dũng cảm vừa tài hoa bay bướm, vừa anh hùng trận mạc vừa đẹp trai lãng mạn, hát hay nhảy giỏi như qua một loạt ca khúc ăn khách của Trần Thiện Thanh hay qua phong cách biểu diễn của Hùng Cường.

Từ đó trên thực tế lớp sĩ quan này sau chiến trận trở về thành phố thường tìm quên bằng cách đi phòng trà, quán ba, vũ trường vui chơi nhậu nhẹt với các “em gái hậu phương”. Từ đó gắn liền với trào lưu khiêu vũ cặp kè giới vũ nữ (“ca ve”) thành một mốt thời thượng.

Chính nhờ đó mà bản thân – một sĩ quan binh chủng thứ dữ lăn lộn chiến trường thứ thiệt còn trẻ lại độc thân – được rèn “chân nghề” ngày càng điệu nghệ ngon lành hơn. Trở thành một ngôi sao trong làng khiêu vũ người hùng lính Cộng hòa về thành phố.

Nhưng thời vàng son không kéo dài được lâu, năm 1973 bị thương được cho giải ngũ theo cha về dạy học ở quê nhà Quảng Trị. Đành trở lại đời sống, phong thái nhà giáo mẫu mực.

Sau 30.4.1975 bị cho nghỉ dạy phải quay về nhà cha mẹ ở Huế đượïc một thời gian thấy khó sống quá nên tình nguyện đi kinh tế mới ở vùng rừng núi Thừa Thiên – Huế. Tại đây gặp và lấy vợ một cựu thanh niên xung phong Nghệ An.

Đến khi chương trình kinh tế mới phá sản, cả 2 vợ chồng lại lếch thếch kéo nhau về Huế sống nương nhờ nhà cha mẹ. Chồng thất nghiệp, vợ bày hàng buôn bán lẻ vỉa hè.

May sao đến thời Đổi Mới mới tìm được đường sống tưởng không bao giờ ngờ tới được: Nuơng nhờ vào phong trào tập “khiêu vũ thể thao” (lành mạnh!) được cho phép đã mở lớp dạy khiêu vũ tại nhà dần dà trở nên nổi tiếng là vũ sư bậc nhất Huế! Một món quà của số phận từ một phần đời văn nghệ “lính Cộng hòa” may mà còn sống sót.

Nhờ vậy giải quyết được phần nào kế sinh nhai, nuôi con ăn học thành tài trong đó có 3 con gái cũng học nghề cha có tiếng vũ công giỏi đất cố đô thời mở cửa.

Không chỉ dạy mà còn để tâm suy nghĩ nghiên cứu, tổng hợp và chọn lọc những điệu nhảy khiêu vũ thể thao nước ngoài phù hợp với thể hình, cách di chuyển vận động của người VN.

892 - Lê Văn Thưa

CỰU BỘ ĐỘI HẢI QUÂN VỀ LÀNG

Nông dân sinh 1952 tại Quảng Bình. Sống ở Quảng Bình (2006).

Năm 1972 vào bộ đội hải quân chiến đấu ở Campuchia và Phú Quốc.

Về hưu về làng làm nông dân.

Năm 2005 sau cơn bão Số 5 tàn phá quê hương mới mày mò từ kinh nghiệm lính hải quân cộng tìm hiểu sách báo, tự học vi tính – cả kỹ thuật photoshop nữa - lên mạng tìm kiếm thông tin giúp bà con chống bão.

Từ đó làm ra một bản đồ chống bão, theo dõi đường đi của các cơn bão rồi nhờ xã thông báo trước cho bà con trong làng và ngư dân đi biển biết mà đề phòng.

Ngoài ra, còn tự làm thêm công trình “đóng gói nước sạch” và khai thác nước sinh hoạt cho cư dân vùng này khi bị lũ lụt..

893 - Madison Nguyen

NỮ PHÓ THỊ TRƯỞNG MỸ

Quan chức Việt kiều Mỹ tên cũ Nguyễn Thị Phương Tú sinh 1975 tại Nha Trang. Sống ở Mỹ (2011).

Năm 1986 theo bố mẹ và 8 anh chị em đến Mỹ.

Thời gian đầu phải theo cha mẹ (không biết tiếng Anh) đi làm lao động chân tay vất vả (hái trái cây thuê) để kiếm sống. Gặp cảnh người Mỹ đối xử kỳ thị xem dân nhập cư như “công dân hạng hai” nên quyết chí đeo đuổi việc học mới mong đổi đời được.

Tốt nghiệp ĐH California ngành lịch sử ra đời lao vào hoạt động xã hội trong cộng động người Việt. Năm 2002 làm giám đốc Trung tâm Cộng đồng người Việt ở TP San Jose.

Từ đó làm cầu nối tham gia hoạt động chính trị với mục đích tìm cách xóa bỏ những thành kiến, mặc cảm phân biệt chủng tộc ở Mỹ mà mình từng chứng kiến trong thời hàn vi đi làm lụng tại các nông trại của dân bản địa: “Tôi muốn tìm hiểu xem tại sao họ (dân Mỹ) làm thế, đối xử với người khác tồi tệ chỉ vì trông người khác khác với mình.”

Năm 2005 đắc cử ủy viên Hội đồng TP San Jose một trung tâm của dân Việt nhập cư (khoảng hơn 100.000 người). Đến cuối năm 2010 được bầu làm phó thị trưởng thành phố này.

Năm 2004 đã có dịp về thăm quê. Đến năm 2011 về lần nữa với tư cách tân phó thị trưởng ủng hộ Việt kiều San Jose về nước tìm cơ hội hợp tác làm ăn.

894 - Mai Hồng Mã

CẢ 3 BỐ CON ĐỀU CHẠY THẬN NHÂN TẠO

Bộ đội về hưu sinh 1934 tại Hà Tây. Sống ở Hà Nội (2011).

Vào Nam chiến đấu, năm 1971 nhân một lần về phép mới lấy vợ cùng quê,

Sau 1975 trở về Hà Nội rồi được điều lên dạy quân sự ở miền núi. Vợ vẫn ở Hà Nội buôn bán qua ngày, sinh được 2 trai 1 gái.

Năm 1998 đã về hưu bỗng nhiên mắc bệnh thận nặng cần chạy thận thường xuyên khiến sau đó phải thuê phòng ở trọ gần bệnh viện Bạch Mai cho tiện việc ra vào chạy thận hàng tuần (nơi đây dần nổi tiếng là “Xóm chạy thận”).

Nhà nghèo nên chồng nằm phòng trọ chờ chạy thận, vợ phải đi bán khoai lang và nước chè kiếm thêm tiền dù bản thân bà cũng mắc đủ thứ bệnh viêm khớp, dạ dày.

Không chỉ thế, ở nhà 2 người con trai cũng bị bệnh giống bố đều phải chạy thận sống ngắc ngoải. Cuối cùng người em mới 27 tuổi đành nhắm mắt xuôi tay trước mà bố đi đứng không nổi không thể về đưa đám con!

Không hiểu cả 3 cha con đau thận như vậy có phải vì di chứng bệnh CĐDC từ thời chiến tranh?

895 - Mai Trung Tĩnh

KẾT THÚC BUỒN CHO “DẠ LAN”

Nhà thơ Việt kiều Mỹ tên thật Nguyễn Thiệu Hùng sinh 1937 tại Hà Nội – Mất ở Mỹ 2002 (65 tuổi).

Di cư 1954 vào Nam, đi lính VNCH.

Trở thành nhà thơ (có bài “Lâu đài tình ái” nổi tiếng qua ca khúc do Trần Thiện Thanh phổ nhạc) cùng lúc lên lon đại úy tâm lý chiến phụ trách “Chương trình Dạ Lan” trên đài phát thanh. Đây là chương trình văn nghệ tuyên truyền kêu gọi Việt Cộng bỏ ngũ chiêu hồi khá hiệu quả.

Đương nhiên sau 30.4.75 đi cải tạo ra Bắc 7 năm. Trở về TPHCM đã làm một số bài thơ giãi bày tâm sự điển hình cho một thế hệ “Ngụy quân” lạc loài ngay trên quê hương sau chiến tranh:

“Đã bảy năm trời ta trở lại

Nhìn xem thành phố ấy ngày xưa.

Đã bảy năm trời ta sống lại

Ngẩn ngơ nghe quá khứ mơ hồ…”

(Sau 7 năm đi cải tạo về Sài Gòn)

Và:

“Thành phố như là vẫn náo động

Xe qua người lại vẫn theo dòng

Sao ta đứng ngẩn người ra mãi

Ừ phải hồn xưa đã diệt vong…”

(Hồn Sài Gòn ở đâu?)

Đến 1995 mới đi H.O qua Mỹ.

Ở Mỹ chưa được bao lâu thì ngã bệnh nặng phải mổ não vẫn không đỡ phải nằm liệt luôn trong viện một thời gian rồi qua đời. Trước khi mất bạn bè đã in gấp cho tập “Thơ Mai Trung Tĩnh” gồm 73 bài.

896 – Mai Văn Huy

“NGƯỜI COI TRỜI BẰNG NỬA CON MẮT”

Doanh nhân sinh tại Đồng Tháp. Sống ở Cần Thơ (2011).

Mới học lớp 3 trường làng đã bỏ đi tham gia cách mạng đánh Mỹ.

Vì thế sau ngày giải phóng được đề bạt làm cán bộ nồng cốt, lấy vợ là em gái phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp. Từ đó năm 1991 được cử làm giám đốc Cty Thương mại và Dầu khí Đồng Tháp.

Với chức vụ mới làm ăn rôm rả lên như diều được lãnh đạo hết lời biểu dương khen ngợi. Bắt đầu nổi tiếng “đại gia đời mới” ăn chơi xài tiền như rác, “coi trời bằng nửa con mắt” (tựa đề cuốn sách viết về vụ án mình là can phạm chính sau này). Lấy vợ bé một người đẹp tiếng tăm có một con riêng (vợ chính đã 2 con).

Nhưng công việc kinh doanh thực chất bên trong toàn là buôn lậu, hối lộ, tham nhũng tùm lum dính dáng đến nhiều quan chức cao cấp trong tỉnh từ bí thư đến chủ tịch ủy ban tỉnh trở xuống!

Vì vậy năm 2002 nội vụ vỡ lở bị bắt giam rồi ra tòa lãnh án chung thân, là án “tổng hợp” 2 án chung thân tội buôn lậu và tham ô cộng án 20 năm tù tội cố ý làm trái và án 15 năm tù tội đưa hối lộ. Nhiều cựu lãnh đạo tỉnh cũng lãnh án dính chùm theo.

Vào tù hết sức tích cực lao động cần cù mong xóa tội: Tự nguyện vẫn đi lao động bình thường thay vì làm đội trưởng được miễn, tình nguyện lao động cả ngày nghỉ lễ hoặc nghỉ cuối tuần… Vợ bé đã bỏ đi lấy chồng khác, chỉ còn vợ chính lo thăm nuôi.

Nhờ “thành tích” lao động đới công chuộc tội, đầu tháng 9.2009 được giảm án cho về sau khi chỉ nằm tù 9 năm 21 ngày.

Lập tức đầu năm 2010 trở thành… giám đốc Cty CP Đầu tư Thương mại Dầu khí Nam sông Hậu hoạt động tại Cần Thơ, một công ty gần giống hệt công ty trước kia đã đưa mình vào tù!

897 - Mẹ Yến

HIẾN RUỘNG LÀM NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Nông dân sinh 1921 tại Long An. Sống ở Tiền Giang (2003).

Theo chồng về quê xã Quơn Long ở Tiền Giang, sinh được 3 con trai.

Chồng tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, 2 con trai cũng đi du kích và 1 con trai vào bộ đội đánh Mỹ.

Năm 1961 chồng bị chế độ Sài Gòn bắt, vợï phải vừa bôn ba khắp các nhà tù thăm nuôi chồng vừa tiếp tục lo tiếp tế cho con và đồng đội ở chiến khu.

Năm 1968 chồng được thả ra nhưng không bao lâu thì qua đời do hậu quả thương tích bị địch tra tấn hành hạ nhiều năm trời. Tiếp liền đó là tin 3 đứa con trai cũng hy sinh trong 2 năm liền đó! Chỉ để lại một đứa cháu gái nhỏ lủi thủi 2 bà cháu sống với nhau.

Sau 1975, chỉ tìm được hài cốt 2 con trai còn một vẫn mất tích.

Hài cốt đưa về xã không chỉ của 2 con mà cả hàng trăm người con đất Quơn Long, Chợ Gạo nhiều quá mà lúc đó thời mới sau giải phóng nhiều chuyện bề bộn chưa biết giải quyết chôn cất thế nào, ở đâu. Thế là mình tình nguyện hiến khoản ruộng sau nhà làm nghĩa trang liệt sĩ cho con mình và cho cả con em trong vùng nữa. Với lý do đơn giản đây là ruộng dành cho các con trai hòa bình rồi trở về cày cấy nhưng giờ đâu có ai trở về nữa, giờ nhà đâu còn đàn ông nữa để lo ruộng nương cày sâu cuốc bẫm?

Không chỉ thế, mẹ xin làm luôn chân quản trang để tiện việc sớm hôm lo hương khói cho con và đồng đội nó. Lo suốt ngày đêm không quản mưa nắng tuổi tác với đồng lương hồi đó… 10.000 đồng mỗi tháng!

Năm 2003 thấy mẹ già quá rồi, xã khuyên thôi mẹ nghỉ đi nhưng dứt khoát không nghỉ (giấu luôn chìa khóa mở cổng nghĩa trang!), la rằng nếu cần sẽ làm… không công không lương! Và đặt điều kiện chỉ nghỉ khi tìm được di hài đứa con trai út còn lưu lạc nơi đâu đem về đây cho mẹ.

898 - Michael Phan

SỐNG ĐỜI THỰC VẬT MỚI… GẶP CHA!

Công nhân Việt kiều Canada sinh 1972 tại VN. Sống ở Canada (2011).

Cha là lính Mỹ thời chiến tranh đã bỏ về nước từ lâu mà không biết rằng đã để lại hòn máu của mình ở VN.

Con lớn lên cùng vợ con nhập cư vào Canada, làm công nhân một trại nấm ở TP Langley thuộc bang British Columbia.

Năm 2008 trại nấm xảy ra sự cố rò rĩ khí độc làm 3 công nhân gốc Việt thiệt mạng và 2 công nhân Việt kiều khác bị nhiễm độc nặng. Trong đó có mình não bị tổn thương nghiêm trọng hết phương cứu chữa phải chịu nằm một chỗ sống đời thực vật suốt đời.

Oái oăm thay trong thời gian nằm viện đó cô con gái 15 tuổi thông qua Internet đã tìm ra tông tích ông nội mình hiện sống ở bang Texas, Mỹ.

Thế là người cha cựu phi công trực thăng trong chiến tranh VN vội vã bay qua Canada lần đầu tiên gặp đứa con trai lâu nay mình không hề hay biết. Nhưng cha chỉ nhìn thấy mặt con mà con thì chỉ ngước mắt nhìn cha vô hồn!

899 - Miranda Du

NỮ CHÁNH ÁN MỸ

Nữ luật sư Việt kiều Mỹ sinh 1969 tại Cà Mau. Sống ở Mỹ (2011).

Cha là sĩ quan VNCH nên năm 1979 cùng gia đình vượt biên đến Malaysia rồi vào Mỹ một năm sau.

Năm 1991 đậu bằng cử nhân nghệ thuật ở California nhưng sau đó chuyển qua học luật tốt nghiệp tiến sĩ 1994.

Ra trường hành nghề luật sư đồng thời tham gia hoạt động cộng đồng tích cực.

Năm 2011 được Tổng thống B. Obama – theo giới thiệu của Đảng Cộng hòa – đề cử làm thẩm phán liên bang ở TP Las Vegas thuộc bang Nevada. Nhờ thành tích cống hiến “dấn thân trong cộng đồng” thời gian qua đồng thời còn là tấm gương điển hình cho “câu chuyện di dân thành công” theo đánh giá của Tổng thống Mỹ.

Là chánh án liên bang đầu tiên gốc Châu Á tại bang này và là chánh án gốc VN thứ hai trên đất Mỹ (sau chánh án cũng là nữ Jacqueline Nguyen đượïc Quốc hội bổ nhiệm năm 2009 làm chánh án liên bang tại tòa Los Angeles). Với nhiệm vụ hàng đầu tự đặt ra cho mình: “Tôi có lòng tin trong việc bảo vệ những người bị đối xử bất công -- những người gốc Châu Á và những người lao động lớn tuổi.”

900 - Mộng Tuyền

“NỮ HOÀNG SCANDAL” VỀ NƯỚC LÀM TỪ THIỆN

Nghệ sĩ sân khấu Việt kiều Pháp tên thật Kim Loan sinh 1947 tại Cần Thơ. Sống ở VN – Pháp (2011).

Trước 1975 nổi tiếng là nữ nghệ sĩ thanh sắc vẹn toàn vừa ca cải lương vừa hát tân nhạc lẫn thể loại mới tân cổ giao duyên ăn khách thời này, cả trên sân khấu lẫn thu đĩa và còn tham gia đóng phim nữa.

Cũng vì vậy được báo chí săn đuổi đánh bóng tên tuổi qua nhiều tin tức giật gân câu khách, mệnh danh là “Nữ hoàng scandal”!

Nhưng trên thực tế trong đời riêng là một người phụ nữ hiền lành lấy chồng trung tá VNCH năm 1968 được 2 năm thì ly dị rồi ở vậy (không con) lo đi hát lấy tiền nuôi đến 9 người em.

Sau 1975 vẫn ở lại Sài Gòn đi hát, đóng phim tiếp tục. Sau khi Thanh Nga bị ám sát chết, được đưa lên đóng thay các vai chính, vở diễn nổi tiếng của Thanh Nga.

Năm 1980 gặp người bạn học cũ từ Pháp về rồi lấy làm chồng thứ hai, sau đó qua Pháp sống với chồng từ năm 1988. Ở Pháp hầu như bỏ nghiệp diễn viên, thay vào đó cùng chồng mở cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm tại vùng ngoại ô thủ đô Paris.

Suốt thời gian dài 20 năm lưu lạc xứ người lòng vẫn luôn đau đáu nhớ về quê nhà nơi còn em út, con cháu đang vật lộn với cuộc sống khó khăn thời hậu chiến. Vì vậy 20 năm đã không ngưng về thăm đến 31 lần – một kỷ lục!

Năm 2000 lại ly dị vẫn không con.

Bấy giờ mới nghĩ đến việc về nước định cư luôn. Trước mắt năm 2007 đã về ra đĩa CD ca diễn đầu tiên sau bao năm chia tay sự nghiệp nghệ thuật đồng thời tham gia đi biểu diễn từ thiện, nhất là ở các vùng quê Nam bộ ruột thịt vẫn được bà con còn nhớ tới…

(Còn tiếp)

http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky89