Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Gặp lại Triệu Từ Truyền

Một vài hình ảnh ở quán cafe 64 Trần Quốc Thảo:

 Triệu Từ Truyền - Nguyễn Quốc Nam - Bảo Cường - Trần Áng Sơn

 Triệu Từ Truyền - Nguyễn Quốc Nam

Nguyễn Miên Thảo - Triệu Từ Truyền

 
 Nguyễn Miên Thảo - Từ Hoài Tấn - Triệu Từ Truyền - Nguyễn Quốc Nam

 Nguyễn Miên Thảo - Triệu Từ Truyền - Nguyễn Quốc Nam - Bảo Cường

Nguyễn Miên Thảo - Nguyễn Liên Châu

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

NHỮNG NHẠC SĨ GỐC HUẾ (2/2)

Kỳ 2

(Tiếp theo và hết)

6/- NHẠC SĨ LÊ MỘNG BẢO

Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo  sinh năm 1923 tại Huế trong một gia đình nho giáo gốc Minh Hương. Năm 1940 lúc lên 17 tuổi ông đã bắt đầu sống tự lập. Ông ra Bắc làm việc cho tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ông học chữ Hán với cụ Phan Bội Châu, học nhạc với  nhạc sĩ  Đặng Thế Phong và Nguyễn Văn Thương. Năm 1944  ông trở về Huế  và làm việc tại Sở Bưu điện Huế .
Năm 1945 ông thôi việc và mở một tiệm bán sách trên đường Trần Hưng Đạo. Ông xuất bản nhạc phẩm “Quảng đường mai ” của Nguyễn Hữu Ba và từ đó ông đi luôn vào ngành xuất bản âm nhạc. Vì công việc làm ăn nên ông thường hay đi Hà Nội, do đó ông quen biết nhiều nhạc sĩ sống ở miền Bắc như Văn Cao, Phạm Duy, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Công Kỳ, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đình Phúc  vv…Trong thời gian này, theo phong trào chống Pháp ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Không làm nô lệ”.
Năm 1948 ông cộng tác với nhà xuất bản Tinh Hoa của ông Tăng Duyệt và chính ông đã giúp ông Tăng Duyệt phát triển thành nhà xuất bản nhạc phẩm uy tín nhất VN. Năm 1952  ông Tăng Duyệt cử ông vào Saigon lập chi nhánh nhà xuất bản Tinh Hoa 2  để xuất bản những nhạc phẩm của các nhạc sĩ miền Nam .
Năm 1956 nhà xuất bản Tinh Hoa Huế ngưng hoạt động vì tình hình chính trị thay đổi. Tại Saigon một mình Lê Mộng Bảo khai trương nhà xuất bản lấy tên là Tinh Hoa Miền Nam. Ông có tài kinh doanh nên ngoài việc xuất bản ông còn phân phối nhạc phẩm đến tận các nhà sách và các nhà dù bán nhạc trên các lề đường Saigon. Nhà xuất bản nhạc phẩm của ông là nhà xuất bản VN đầu tiên có tên trong danh mục các nhà xuất bản nhạc quốc tế “Worldwide music trade directory ” .
Ông có nhiều nhạc phẩm sáng tác như  “Đổi thay ”, ”Mùa ve sầu”, “Phận nghèo”, “Thân phận”, “Bọt bèo”, “Xa anh rồi”, “Không hiểu tại sao”, “Sao lừa dối em”.  Ông có sáng tác chung với  các nhạc sĩ khác như Văn Phụng, Mạnh Phát, Tô Kiều Ngân , phạm Mạnh Cương … Ông cũng có bài tân cổ giao duyên  “Thân phận” soạn chung với soạn giả cải lương Quế Chi. Bản này được thu thanh vào dĩa qua giọng ca của Minh Vương và Thanh Kim Huệ.
Ông cùng các nhạc sĩ Lê Thương, Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Xuân Phát … thành lập Hội nhạc sĩ VN .
Năm 1973 ông cùng với nhac sĩ Văn Giảng, các ca sĩ Mộc Lan, Kim Tước  phụ trách lớp nhạc lý  tại Viện khoa học giáo dục. Ông cùng với nhạc sĩ Song Ngọc phụ trách chương trình “Hoa tình thương” trên  Đài truyền hình VN và đi lưu diễn tại các tiền đồn xa xôi. Ông cũng là chuyên viên báo chí thời Hoàng Đức Nhã làm Bộ trưởng Thông tin và Dân vận. Ông phụ trách tờ báo “Lẽ sống” ở Saigon.
Sau 1975 ông đi học tập cải tạo đến 1981. Năm 1993 ông sang Hoa Kỳ theo diện HO và đang định cư tại Cali.

7/- NHẠC SĨ  LÊ MỘNG NGUYÊN  

Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sinh năm 1930 tại Huế trong một gia đình trí thức và yêu văn học, nghệ thuật.
Ông có người anh tên Lê Mộng Hoàng là một ca sĩ có giọng ca Ténor nổi tiếng trong thập niên 40 của Đài phát thanh Huế. Nhưng ông anh thích làm diễn viên điện ảnh hơn làm ca sĩ. Sau khi du học ở Pháp về ngành điện ảnh, ông trở về VN đạo diễn phim  “Bụi đời” và Lê Mộng Nguyên viết nhạc cho phim.
Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên sáng tác nhạc hồi còn rất trẻ  nhưng mãi đến năm 1948 ông mới cho ra mắt nhạc phẩm “Mừng Khánh Đản” nhân dịp khánh thành chùa Từ Đàm Huế , “Vó ngựa giang hồ” , “Mùa lúa mới”, “Trường ca quân tiến” …
Khi ông 19 tuổi ông yêu tha thiết một cô gái Huế tên M. và chính người đẹp này là nguồn cảm hứng để ông viết bài “Trăng mờ bên suối” (1949). Sáng tác xong, ông gởi ngay cho nhạc sĩ Thu Hồ  lúc ấy đang là một ca sĩ nổi danh của đài phát thanh Pháp Á, mặc dù trước đó hai người chưa hề quen biết nhau. Thu Hồ đã thu thanh bản nhạc này với ban nhạc Trần Văn Lý. Từ Huế nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên nghe giọng hát cũa Thu Hồ trình bày nhạc phẩm của mình với cái radio của người hàng xóm qua làn sóng điện của đài Pháp Á. Từ đó ông tiếp tục gởi thêm những bài khác cho Thu Hồ và hai người trở nên đôi bạn thân cho đến cuối cuộc đời.
Năm 1950  ông sang Pháp du học về ngành luật. Sau khi đỗ tiến sĩ ông dạy tại Đại học Paris về Luật hiến pháp, Khoa học Chính trị  và kinh tế.  Năm 1996  ông về hưu và được bầu vào Hàn Lâm Viện Khoa học hải ngoại Pháp.
Những nhạc phẩm của Lê Mộng Nguyên gồm có :
1948 -  Mừng Khánh Đản, Mùa lúa mới, Vó ngựa giang hồ.
1949 - Trăng mờ bên suối, Một chiều thương nhớ, Trọng Thủy Mỵ Châu, Chiều thu, Mưa Huế.
1950 - Hoàng Hoa Thôn, Nhớ Huế, Bài thơ Huế, Cô gái Huế, Về chơi thôn Vỹ Dạ, Đôi mắt nhung, Mơ Đà Lạt, Ly hương.
1956 - Bên dòng sông Seine, Xuân tha hương, Lá thư cho mẹ, Trời Âu.
1957- Bụi đời, Người đã trở về. 1980 – Xuân về nhớ mãi quê hương. 1988 – Chiều vàng trên chợ Đông Ba.  1991 – Quê tôi. 1992 – Kiếp giang hồ.

8/- NHẠC SĨ  THU HỒ

Nhạc sĩ Thu Hồ tên thật là Hồ Thu sinh ngày 14/10/1919 tại làng Tân Mỹ (gần Thuận An), tỉnh Thừa Thiên. Ông có khiếu về âm nhạc và thơ lúc mới 12 tuổi. Ông là ca sĩ đầu tiên đưa những bài hát VN đầu tiên đến với thính giả, là gạch nối giữa những bài hát Pháp lời Việt do cô Kim Thoa, Thanh Tùng, Tư Chơi khởi xướng và các bài hát hoàn toàn VN. Thời gian theo học tại trường trung học Pellerin, ông ở trọ tại nhà ông bác của nhạc sĩ Trần Văn Lý và được nhạc sĩ truyền dạy cho nhạc lý Tây phương. Ông rất thích hát những bài mà Tino Rossi hay hát. Ông cũng là ca sĩ đầu tiên hát trước công chúng tại Hội Chợ Huế bài “La chanson du gondolier”.
Năm 1943 ông làm trưởng ga xe lửa Dầu Giây. Xa quê, xa gia đình, ông nhớ nhà, rồi nhớ đến hai câu ca dao “Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều” khiến ông nhớ đến mẹ và viết nên bài “Quê mẹ”. Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng lại là bài hát tiêu biểu trong sự nghiệp âm nhạc của ông.
Năm 1947 ông tham gia vào ban “Thần Kinh nhạc đoàn với ban nhạc của nhạc sĩ Trần Văn Lý và các ca sĩ như Châu Kỳ, Mộc Lan, Minh Diệu, Minh Tần, Kim Nguyên, Mạnh Phát, Thu Thu, Vĩnh Lợi  vv …
Năm 1948 đài Pháp Á mở thêm chương trình tân nhạc VN và mời ông cộng tác. Từ đó tiếng hát cũng như tên tuổi của ông đã vang đi khắp nước. Ngoài đài Pháp Á sau này đổi tên thành Đài phát thanh Saigon ông còn hát cho đài Quân Đội. Thu Hồ không chỉ là ca sĩ mà còn là nhà soạn kịch và diễn viên sân khấu. Ông đã soạn trên một trăm vở kịch và cũng là diễn viên trong các vở kịch như “Hai chàng một áo”, “Thầy lang bất đắc dĩ” vv… Thẫm Thúy Hằng đã mua những kịch bản của ông để diễn trên Đài truyền hình.
Năm 1954 ông đi quân dịch, làm Trưởng ban tuyên truyền lưu động Đệ I Quân khu  đi ủy lạo binh sĩ ở các tiền đồn biên giới. Trong dịp này ông làm bài “Khúc ca Đồng Tháp”.
Năm 1957 mãn hạn quân dịch, ông gia nhập ban văn nghệ  “Vì dân” của Tổng nha Cảnh sát Quốc gia .
Từ 1959 đến 1970  ông là giáo sư âm nhạc các trường trung học ở Saigon như  Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Bá Tòng, Thiên Phước, Thánh Thomas… Ông là thành viên của SACEM, hội âm nhạc của Pháp, trụ sở đặt tại Paris. Thu Hồ còn là nhà thơ đưọc nhiều người mến mộ. Ông cho ra mắt tập thơ mang tên “Ánh bình minh” năm 1965 .
Sau năm 1975 ông kẹt lại ở Saigon. Năm 1990 Mỹ Hà con gái lớn của ông và chồng là tài tử điện ảnh Trần Quang bảo lãnh gia đìng ông sang Hoa Kỳ. Ông sống tại Santa Ana với người con thứ là ca sĩ Mỹ Huyền cho đến cuối đời.
Năm 1993 ông và nhà thơ luật sư Ðỗ Đức Hậu được Hội Thi sĩ quốc tế  (International Society Of  Poets) bầu là “Đại sứ thi ca hòa bình” trong hội nghị thi ca họp tại Hoa Thịnh Đốn. Để đánh dấu nhạc phẩm “Quê mẹ” tròn 50 tuổi, một đêm ca nhạc mang tên “Đêm quê mẹ” được tổ chức tại vũ trường  Ritz  tối 14/10/1993 tại Anaheim. Trong dịp này ông cho ra mắt tuyển tập nhạc “Hoa bốn mùa” gồm 22 bản nhạc ưng ý nhất của ông  như “Quê mẹ”, “Tiếng sáo chiều quê”, “Sầu ly biệt”, “Nhớ nhau”, “Tím cả rừng chiều”, “Cô nữ sinh Đồng Khánh”, “Tà áo Trưng Vương”, “Mái tóc em gái Gia Long”, “Trăng huyền diệu” vv…
Một tuần trước khi ông từ giã cõi đời, các bạn bè đã tổ chức một đêm dạ vũ tương trợ dành cho ông tại Vũ trường  Ritz. Theo ý nguyện của ông các bạn trích ra  567 $ góp vào quỹ tượng đài Chiến sĩ tự do. Ông mất ngày 19/05/2000, hưỏng thọ 81 tuổi.
9/- NHẠC SĨ  ĐỖ KIM BẢNG
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng gốc Quảng Nam, sinh năm 1932 tại Huế. Ông là bạn đồng khoá với nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương từ trường trung học Khải Định cho đến trường Cao đẳng Sư phạm và Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông học đàn với nhạc sĩ  Lê Quang Nhạc, học lóm nhạc lý Tây phương với nhạc sĩ  Văn Giảng và học thêm cổ nhạc với nhạc sĩ  Nguyễn Hữu Ba. Những năm học trung học ông tham gia sinh hoạt văn nghệ trong trường và trong Gia đình Phật tử với các bạn như Phạm Mạnh Cương, Hồ Đăng Tín, Hoàng Nguyên, Kiêm Đạt, Diên Nghị, Tạ Ký (thơ), Minh Tuyền (nhiếp ảnh), Lữ Hồ (văn học) …
Năm 1949 ông sáng tác ca khúc  “Mục Kiền Liên” và trình bày trong mùa Vu Lan tại Huế. Năm 1951 ông làm bài  “Mùa thi” được ban hợp ca Thăng Long  dựng thành nhạc cảnh và trình diễn nơi ở trong nước.
Hôm nay mùa thi, bao nhiêu người đi
Xe rộn ràng, lớp ồn ào, niềm vui vấn vương .
Thi ơi là thi, sinh mi làm chi,
“bay” nghẹn ngào, “bám” ồn ào, buồn vui vì mi” .
Sau đó được ban Gió Nam của nghệ sĩ Trần Văn Trạch cùng ban Thăng Long trình diễn “Mùa thi”  tại Hà Nội năm 1954. Ban Thăng Long đã làm bài hát này nổi tiếng và đưa tên tuổi ông đến giới hâm mộ nhạc VN.
Năm 1953 ông ra Hà Nội học tại Đại học Văn khoa và Cao đẳng Sư phạm. Trong thời gian này ông học thêm âm nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân. Cuối năm 1954 ông  di cư vào Saigon. Năm 1955 ông tốt nghiệp Cao đẳng Sư Phạm, được bộ Giáo dục biệt phái sang  bộ Quốc phòng và dạy tại trường Võ bị Quốc Gia  Đà Lạt  từ 1955 đến 1960. Trong thời gian này ông sáng tác bản “Khúc hát ngày mai” được ban Thăng Long trình bày trên đài phát thanh Saigon và đài Quân đội.
Năm 1960 về lại bộ Giáo dục  ông dạy tại trường Trần Lục rồi Nguyễn Du. Trong năm này ông cho ra đời bài “Mưa đêm ngoại ô” và năm 1963 bài “Bước chân chiều Chủ nhật” do Thanh Thúy hát.
Năm 1965 ông nhập ngũ khóa 21 trường Võ bị Thủ Đức. Ra trường với cấp bậc chuẩn úy, ông làm việc dưới quyền của thi sĩ Tô Kiều Ngân, lúc ấy là  đại úy Trưởng phòng và thi sĩ Tô Thùy Yên, trung úy phụ tá Trưởng phòng  của Phòng Văn nghệ  Cục Tâm lý chiến. Tại đây ông cùng làm việc với các nhạc sĩ khác như Lam Phương, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Phạm Minh Cảnh, Anh Việt Thu  vv… Cùng phục vụ trong Cục Tâm lý chiến ông cũng đã gặp và quen biết các nhạc sĩ cùng các văn, nghệ sĩ như  Trần Trịnh, Trần Thiện Thanh, Mai Trung Tỉnh, Tường Linh, Du Tử Lê, Phạm Lê Phương, Tạ Tỵ…. Cũng trong thời gian này ông viết bản trường ca  “Những người đi giữ quê hương  được Ban hợp ca Quân đội trình bày tại rạp Thống Nhất  nhân ngày Quân lực VNCH năm 1969, dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Vũ Minh Tuynh và Ngô Mạnh Thu.
Năm 1969 ông được biệt phái về lại bộ Giáo dục và tiếp tục dạy học cho đến tháng  4/1975. Sau đó ông đi học tập cải tạo đến năm 1978. Năm 1980 ông vượt biên rồi được định cư tại Hoa Kỳ. Ông đi học lại nghề cũ và dạy học ở Boston cho đến 1999 về hưu. Trong thời gian ở Mỹ ông phổ nhạc bài thơ “Tháng ba đi hành quân” của Trần Hoài Thư.
Ngoài những nhạc phẩm nêu trên ông còn những sáng tác khác như : Mưa đêm ngoại ô, Sương đêm, Vòng tay giữ trọn ân tình, Vui dựng gia đình, Xin dìu nhau đến tình yêu.

10/- NHẠC SĨ  HOÀNG NGUYÊN

Nhạc sĩ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc sinh ngày  03/01/1932 tại Quảng Trị, nhưng lớn lên và học hành tại Huế. Ông mất ngày  21/08/ 1973 tại Saigon  trong một tai nạn xe cộ  lúc  ông  41  tuổi  là lúc tài năng sáng tác đang lên .
Ông học trung học tại trường Quốc Học Huế, đậu Cử nhân Anh văn tại Đại học Saigon, dạy anh văn và âm nhạc tại Đà Lạt, Vĩnh Long, Saigon. Ông phụ trách ban nhạc đại hòa tấu “Hương thời gian” trên Đài truyền hình VN và chương trình “Tiếng thời gian” trên Đài phát thanh Saigon .
Ông có nhiều kỷ niệm với Đà Lạt và hai nhạc phẩm nói về miền cao nguyên này là “Ai lên xứ hoa đào”, “Bài thơ hoa đào” trở thành tác phẩm tiêu biểu của ông. Hai tác phẩm này hiện nay được nữ ca sĩ Ánh Tuyết trình bày rất thành công, đã làm rung động những tâm hồn yêu nhạc. Nhạc đã hay mà lời lại như thơ.
 
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dặt dìu như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước chuyện Đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa…
Về xứ Huế ông đã để lại cho đất Thần Kinh nhạc phẩm “Tà áo tím” một bài hát trữ tình lãng mạn, êm đềm, thơ mộng và đã được ca sĩ Hà Thanh ru vào lòng người :
Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím sao luyến thương , màu áo tím sao vấn vương
Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy , màu áo tím hôm nào
Tình quyến luyến ban đầu, chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao …
Những ca khúc khác của  Hoàng Nguyên gồm có  :  Anh đi mai về, Anh đi về đâu, Bài Tango riêng cho em, Cho người tình lỡ, Đường nào em đi, Đường nào lên Thiên thai, Duyên nước tình trăng, Em chờ anh trở lại, Lá rụng ven sông, Lời dặn dò, Sao em không đến, Thuở ấy yêu nhau .
11/- NHẠC SĨ LÊ CAO PHAN
Nếu không có bài hát “Phật giáo Việt Nam” được dùng làm bài ca chính thức cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất  thì rất ít người VN biết đến nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc, Nam, Trung  từ đây
Một lòng chúng ta tiến lên vì Đài Sen…
Trước đây ông chỉ sáng tác những ca khúc vui tươi dành cho thiếu nhi, cho học sinh nên thường những ai làm nghề nhà giáo mới biết đến ông. Các bài hát vui của ông dành cho thiếu nhi gồm có : Bài ca tình bạn, Ca mùa học vui, Hai chú gà con, Nhi đồng múa ca, Ra chơi, Tập tầm vông, Tiếng còi đánh thức, Vui đi học.

12/- NHẠC SĨ  PHẠM MẠNH CƯƠNG

Nói đến nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, người yêu nhạc nhớ đến “Thu ca”, một trong  những ca khúc được thu thanh nhiều nhất từ trong nước đến hải ngoại và cũng là nhạc hiệu quen thuộc của những chương trình ca nhạc của ông tại các Đài phát thanh và truyền hình Saigon trước năm 1975.
Nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương sinh quán tại Huế, tỉnh Thừa Thiên. Ông theo học bậc trung học tại trường Khải Định, đỗ Tú tài 2 năm 1953. Sau đó ông ra Hà Nội tiếp tục việc học, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và Cử nhân Văn khoa  1955.
Từ 1955 đến 1958 ông là giáo sư  tại trường trung học  Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.
Từ 1958 đến 1975 ông là giáo sư môn triết và môn văn tại trường trung học công lập Pétrus Ký và các trường tư thục lớn ở Saigon như Văn Học, Nguyễn Văn Khuê, Bồ Đề, Hưng Đạo, Văn Lang, Lê Bảo Tịnh, Huỳnh Thị Ngà, Thượng Hiền…
Từ 1960 đến 1975 ông vừa dạy học vừa hoạt động âm nhạc. Ông là trưởng ban các chương trình “Hoa thời đại” của Đài Phát thanh Saigon, “Tiếng hát hậu phương”,  “Nghệ sĩ và chiến sĩ ” của Đài Tiếng nói Quân đội, “Chương trình Phạm Mạnh Cương” của Đài truyền hình. Ông còn là giám đốc trung tâm “Tú Quỳnh”, một trung tâm băng nhạc quy mô đầu tiên tại Saigon.
Năm 1980 ông rời Việt Nam và định cư  tại thành phố Montreal, tỉnh Quebec, Canada. Ông tiếp tục hoạt động văn nghệ : thành lập ban nhạc Phạm Mạnh Cương với hai người con là nhạc sĩ Phạm Mạnh Quỳnh và Phạm Lê Diễm Phúc. Đồng thời ông là chủ biên nguyệt san Thẩm Mỹ từ năm 1994 đến nay.
Một số nhạc phẩm nổi tiếng của ông đã xuất bản và thu thanh tại VN trước 1975 :  Thung lũng hồng, Mắt lệ cho người tình, Tóc em chưa úa nắng hè, Thương hoài ngàn năm, Tình yêu đã mất, Giã từ cố đô, Về thăm cố đô  Loài hoa không vỡ, Tháng bảy mưa ngâu, Sầu ly biệt, Nhạc khúc mừng xuân, Thu về trong mắt em…
Tháng 04/2003  nhạc sĩ  Phạm Mạnh Cương đã được trung tâm Thúy Nga mời xuất hiện trên băng Vidéo “Paris By Night 70”, chủ đề “Thu ca” cùng với hai nhạc sĩ Lê Dinh và Trường Sa.

13/- NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh ngày 28/02/1939 tại Lạc Giao (cao nguyên miền Trung) trong một gia đình trung lưu gốc Thừa Thiên. Ông lớn lên tại Huế và đỗ Tú tài ban triết học ở trường Chasseloup Laubat Saigon. Ông tự học nhạc, học sáng tác không qua một trường lớp nào cả. Trong thập niên 60 nhạc của ông xuất hiện như một ngôi sao sáng trong vòm trời âm nhạc VN. “Ướt mi” là tác phẩm đầu tay được sáng tác năm 1958. Ông mất ngày 01/04/2001 tại Saigon.
Mỗi bài hát của T.C.Sơn có một nét độc đáo riêng. Ngay cả lời ca trong nhạc T.C.S. cũng có một sắc thái riêng không giống với các nhạc sĩ khác. Lời ca của TCS không sống sượng theo lối tả chân, không văn chương theo lối mòn sáo rổng hay rập khuôn theo những qui ước có sẵn. TCS có lối sử dụng ngôn ngữ một cách khéo léo, mới lạ để diễn tả một thứ tình cả m lang lâng, mơ hồ phải nhờ cảm tính người ta mới hiểu được. Ví dụ TCS nói đến tình yêu đôi lứa mà không dùng đến chữ “yêu” vì đã có bàn tay, mái tóc, đôi mắt … nói hộ cho rồi :


 
Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đưòng dài hun hút cho mắt them sâu …
(Diễm Xưa)
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xanh xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em …
(Nắng Thủy Tinh)
Mỗi bài ca là một bài thơ. Ngoài chất thơ ra trong nhạc TCS còn mang chút triết lý về thân phận con người , hạnh phúc , khổ đau , lẽ vô thường của kiếp sống :
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày …
(Cát Bụi)
Có điều gì gần như niềm tuyệt vọng
Sông bao lần sông đã ra đi
Những ngàn năm trôi đến bây giờ
Sông ra đi hay mới bước về …
(Gần Như Niềm Tuyệt Vọng)
Ôi tiếng buồn rơi đều
Nhìn lại mình đời đả xanh rêu …
(Tình Xa)
TCS đã từ giã cõi đời, ông đã trở về với  “Cát bụi”, “Một cõi đi về” của kiếp con người vì ông cũng chỉ là một  “Đóa hoa vô thường”. Đường trần ông đã đi qua, “Dấu chân địa đàng” ông để lại là một gia tài âm nhạc gồm có các tuyển tập :
1967 – Ca khúc Trịnh Công Sơn - Tình Khúc Trịnh Công Sơn - Ca khúc da vàng.
1968 – Kinh Việt Nam
1969 – Ca khúc da vàng 2 - Ta phải thấy mặt trời .
1972 – Như cánh vạc bay - Cỏ xót xa đưa - Khói trời mênh mông - Tự tình khúc -  Phụ khúc da vàng.
1973 – Lời đất đá cũ - Nhân danh việt Nam .
1989 – Một cõi đi về.
1991 – Em còn nhớ hay em đã quên - Cho con.
1992 – Lời của dòng sông -  Khói trời mênh mông 2 .
1993 – Bên đời hiu quạnh - Trong nỗi đau tình cờ - Thuở ấy mưa hồng.
1995 – Những bài ca không năm tháng.
1999 – Tuyển tập ca khúc Trịnh Công Sơn  1, 2, 3, 4, 5, 6.
Ngoài các nhạc sĩ chào đời ở Huế hoặc lớn lên và học hành tại Huế còn có những nhạc sĩ tuy không sinh ra ở Huế nhưng có một thời gian sống hoặc làm việc ở đây, rất nặng lòng với đất cố đô và đã sáng tác  nhiều ca khúc bất hủ dành cho xứ Huế. Trong số nhạc sĩ này ta có  Duy Khánh, Hoàng Thi Thơ, Dương Thiệu Tước  vv…
 Yên Huỳnh post

Trích lại từ http://cafevannghe.wordpress.com

NHỮNG NHẠC SĨ GỐC HUẾ

Kỳ 1

Một bài viết về Các Ca Nhạc Sĩ đất Thần Kinh trước 1975 tương đối đầy đủ. Vẫn còn một số tên tuổi không thể thiếu : Dương Thiệu Tước , Hoàng Thi Thơ… Còn … sau này ? Vẫn là một dấu hỏi để trống không biết đến bao giờ !
Đa số người VN biết Huế không chỉ vì Huế có nhiều cảnh đẹp, có nhiều di tích lịch sử như đền đài, lăng tẩm, thành quách cổ kính mà còn vì những bài thơ trữ tình của các thi nhân nổi tiếng, những câu hò êm ái đượm tình quê hương và nhất là những bản tân nhạc ca tụng xứ Huế thơ mộng đã được phổ biến đến khắp mọi miền trên đất nước. Có những người chưa bao giờ đặt chân đến Huế nhưng qua các bài hát lại thuộc lòng tên những danh lam thắng cảnh của đất cố đô như sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, đài Nam Giao, thôn Vĩ Dạ vv… Huế là cái nôi văn hóa của miền Trung, là nguồn cảm hứng của các văn nhân, nghệ sĩ, là nơi dừng chân của các tao nhân mặc khách. Người ta biết đến Huế nhiều nhưng ít ai biết đất cố đô đã sản sinh ra bao nhiêu nhạc sĩ sáng tác tài hoa. Khi người Pháp đặt chân lên đất nước VN họ mang theo vào cả nền âm nhạc Tây phương và đem truyền bá trong dân chúng. Những nhạc sĩ của đất Thần Kinh cũng dần dần làm quen với ký âm pháp phương Tây và từ đó các nhạc sĩ sang tác tân nhạc đầu tiên ra đời .

1/- NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN THƯƠNG 

Người nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc VN ở cố đô Huế là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Ông sinh ngày 22/05/1919 và mất ngày 06/12/ 2002 tại Saigon, hưởng thọ 84 tuổi. Ông sinh ra trong một gia đình yêu thích âm nhạc. Năm lên 9 tuổi ông bắt đầu học đàn nguyệt sau đó qua sách vở của người Pháp ông tự học ký âm pháp. Năm 1936 ông tốt nghiệp bậc trung học tại trường Khải Định Huế và cũng năm này ông sáng tác bản nhạc đầu tay “Tiếng sông Hương” là bài tân nhạc đầu tiên của xứ Huế. Lúc ấy ông mới 17 tuổi nhưng tên của ông đã bắt đầu đi vào làng âm nhạc VN.

Năm 1939 ông lại cho ra đời bản “Đêm đông” là một kiệt tác của tân nhạc VN thời bấy giờ. Bài hát với nét nhạc trữ tình êm ái tiềm ẩn một nỗi buồn man mác, lời ca trau chuốt, mượt mà, đã đi vào lòng người VN qua bao thế hệ. Nữ ca sĩ Bạch Yến là người hát bài “Đêm đông” hay nhất. Bài ca này lúc đầu được viết theo thể điệu Tango nhưng khi Bạch Yến trình diễn thì chuyển qua Slow Rock nghe hay hơn.
Trong thập niên 60 cô cũng đã trình bày nhạc phẩm này trong sô Ed Sullivan của Mỹ. Năm 1942 nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác thêm ca khúc “Bướm hoa” cũng được nhiều người ưa thích nhưng không bằng “Đêm đông”.
Sau đó ông theo kháng chiến tập kết ra Bắc. Ở ngoài Bắc trong thời gian chống Pháp ông viết bản “Bình Trị Thiên khói lửa”, soạn nhạc cho các điệu múa của các vở kịch “Chim gâu”, “Tấm Cám”, “Múa ô”, “Chàm rông”. Nhạc phẩm “Bài ca trên núi” ông viết cho phim “Vợ chồng A Phủ”.
Sau một thời gian tu nghiệp tại CHDC Đức ông trở về nước làm giám đốc Nhạc viện Hà Nội và tiếp tục sang tác. Ông có những tác phẩm về khí nhạc như “Lý hoài nam”, “Buôn làng vào hội”, “Quê hương”. Trong thời gian ở Đức ông có sáng tác khí nhạc như “Ngày hội non sông”, “Rhapsodie 2”, “Trở về đất mẹ”. Bản giao hưởng “Đồng khởi” của ông được trình diễn ở Leipzig (CHDC Đức) năm
1971.
Cho dù các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương có uyên bác đến đâu đi nữa rất ít người biết đến. Đa số người VN chỉ biết đến ông qua nhạc phẩm “Đêm đông” mà thôi.
Đêm đông xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông bên sông ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Đêm đông ta lê bước chân phong trần tha hương
Có ai thấu tình cô lữ đem đông không nhà .
Hoàn cảnh đưa đẩy nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác bài ca bất hủ này đã được chính tác giã kể lại cho nhạc sĩ Trương Quang Lục như sau :
“Sau khi đỗ Thành Chung ở Huế tôi ra Hà Nội học để thi Tú Tài. Dịp Tết Nguyên đán năm 1939, không có đủ tiền để về quê ăn Tết, đêm giao thừa tôi đi lang thang khắp phố phường Hà Nội dưới trời mưa phùn lạnh buốt, không một bóng người qua lại trên đường. Qua ga Hàng Cỏ nghe tiếng còi vang lên trong đêm khuya càng thêm nhớ nhà da diết. Dọc phố Khâm Thiên một vài căn nhà vẫn còn sáng đèn. Nghe tiếng chân qua đường, một cô gái bước ra nhìn, thất vọng quay vào, ghé mình soi gương treo cạnh cửa, đưa tay vuốt mái tóc. Trời đã khuya, tôi trở về phòng trọ, gió lùa qua khe cửa rít lên từng hồi suốt đêm. Tôi trăn trở không ngủ được, nghĩ đến cuộc đời bất hạnh của những người nghèo khổ, tha hương trong đêm đông lạnh lẽo. Và bài hát “Đêm đông ” ra đời trong đêm ấy.

2/- NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU BA 

Ông sinh năm 1914 tại làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị và mất năm 1997 tại Saigon, hưởng thọ 83 tuổi. Tuy sinh ra tại Quảng Trị nhưng suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với cố đô Huế.
Với bút hiệu Đạo Tâm, ngoài tân nhạc ra ông là một nhà nghiên cứu, một nhạc sư cổ nhạc VN. Ông biết sử dụng nhiều loại nhạc khí cổ truyền khác nhau, là người có công phát triển và bảo tồn nền cổ nhạc miền Trung. Năm lên 8 tuổi ông bắt đầu học đàn. Năm 16 tuổi ông đã hòa nhạc cổ thu vào dĩa Beka của Đức.
Năm 1932 ông áp dụng ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc VN ở Huế. Công trình của ông rất được nhiều người tán thưởng. Năm 1938 ông đậu thủ khoa đàn nhị. Tháng 8 năm 1945 sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền ông về quê Quảng Trị. Nhưng cuộc đời của ông chỉ có duyên nợ với đất Thần Kinh nên năm 1950 ông trở lại Huế. Cũng năm này ông thành lập Viện Tỳ Bà nhằm phục hưng quốc nhạc VN, bảo tồn nhiều loại nhạc khí cổ truyền, tàng trữ sách vở về âm nhạc cũng như những tài liệu thu thanh quí giá . Chỉ cần vào cửa Thượng Tứ, rẻ trái khoảng một trăm thước ta sẽ thấy Viện Tỳ Bà của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Ông được triều đình Huế tặng thưởng huy chương Long Bội Tinh và vinh tặng chức Hàn lâm viện Đãi chiếu.
Sau 1954 ông vào Nam, dạy tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon, làm khoa trưởng lý thuyết các trường đại học Vạn Hạnh, Saigon, Huế. Sau đó ông trở về làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Sau biến cố Tết Mậu Thân (1968) Viện Tỳ Bà bị tàn phá, gia đình ông dời vào Saigon. Sau năm 1975 gia đình ông thành lập một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất các loại đàn cổ rất tinh vi ở quận Phú Nhuận, đồng thời ông cùng người con gái lớn là nhạc sĩ Tuệ Quang mở lớp dạy đàn tranh, học sinh theo học rất đông.
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba là người có công truyền bá cái tinh hoa của nền quốc nhạc về nhiều phương diện như trình diễn, khảo cứu , cổ động và giáo dục. Ông đã đào tạo được nhiều học trò nổi tiếng trong ngành cổ nhạc như Phạm Thúy Hoan (Saigon), Phương Oanh (Paris), Quỳnh Hạnh (Paris).
Tác phẩm ông để lại cho hậu thế cũng khá nhiều .
Về tân nhạc gồm có các nhạc phẩm như : “Quảng đường mai (1940)”, “Xuân xuân (1947)”, “Lửa rừng đêm (1947)”, “Thu khói lửa (1950)”, “Tiếng hát quân Nam (1950)”, “Ánh dương trời Nam (1951)”.
Về các tác phẩm nghiên cứu và giáo dục gồm có : “Tự học đàn nguyệt (1940)”, “Vài thiên kiến về âm nhạc (1950)”, “Bản đàn tranh (1951)”, Nhạc pháp quốc học (1960)”, “Đàn tỳ bà (1962)”, “Đàn độc huyền (1962)”, “Đàn nhị huyền (1962)”, “Bài ca Huế (1962)”, “Phương pháp học đàn tranh (1962)”, “Dân ca VN (1961)”.
Năm 1966 thu thanh tài liệu nhạc Huế (nhạc Cung đình và nhạc Phật giáo) cùng với Ca Huế cho cơ quan UNESCO vào dĩa 33 vòng đặt tên là VIETNAM 1.
Năm 1971 thu thanh VIETNAM 2 do ông cung cấp tài liệu với sự trợ giúp của nhạc sĩ Trần Văn Khê. Năm 1998 cả hai dĩa VN1 và VN2 được hãng đĩa Rounder Records ở Mỹ tái bản dưới hình thức CD.

3/- NHẠC SĨ VĂN GIẢNG

Nhạc sĩ Văn Giảng sinh ngày 12/05/1924 tại Huế trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ nhạc. Lúc còn nhỏ ông học đàn mandoline. Khi lên trung học thấy người ta đàn guitare ông rất thích.
Có giai thoại kể rằng thuở đó trong khu phố của ông có một người biết đàn guitare, ông đến xin học nhưng ông thầy này ra điều kiện là phải mua tặng cho ông ta một cây đàn guitare mới. Nhà nghèo làm sao có tiền mua đàn để tặng, ông phải đành ở nhà tự học. Nhưng sau môt thời gian tài nghệ sử dụng đàn guitare cùng kiến thức về âm của ông đã vượt qua ông thầy và chính ông này lại đến nhờ ông chỉ bảo thêm.
Năm 1949 ông sáng tác bài “Thúc quân” một bản nhạc hùng rất được nhiều người ưa thích. Cùng năm này ông cho ra đời bài “Ai về sông Tương” với bút hiệu Thông Đạt. Nhạc phẩm này được thính gìả cả nước tiếp đón một cách nồng nhiệt qua các đài phát thanh, riêng đài Pháp Á chọn làm bài hát hay nhất trong năm 1949 và được tái bản 6 lần không kể những lần in tại hải ngoại sau 1975. Hiện nay nhạc phẩm này được đánh giá là một trong 10 bài hát hay nhất trong âm nhạc VN.
Có một giai thoại khác về nhạc sĩ Văn Giảng với bài Ai về sông Tương” như sau : “Trong các thập niên 40, 50 ở Huế có nhà xuất bản Tinh Hoa nổi tiếng chuyên xuất bản các nhạc phẩm của các nhạc sĩ trong nước. Một hôm ông Tăng Duyệt, giám đốc nhà xuất bản, nói với nhạc sĩ Văn Giảng đại khái rằng ông chỉ biết làm nhạc hùng chứ không biết làm nhạc trữ tình như các nhạc sĩ khác vì trước đó Văn Giảng chỉ sáng tác nhạc hùng mà thôi. Ông im lặng không nói gì cả. Về nhà ông lặng lẽ sang tác bài “Ai về sông Tương” và gởi đến các đài phát thanh trong nước. Ông Tăng Duyệt nghe bài hát hay quá muốn xuất bản nhưng không biết Thông Đạt là ai. Một hôm nhạc sĩ Đỗ Kim Bãng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, thấy bản thảo của bài hát này và nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này liền lái xe chạy đến nhà nhạc sĩ thương lượng ký hợp đồng xuất bản. Thời đó các thanh niên đều thuộc bài này và thường hay hát nghêu ngao :
“Ai có về bên bến sông Tương, nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương ….” .
Trong hai thập niên 50-60 ông là giáo sư âm nhạc tại các trường trung học ở Huế như Quốc Học, Hàm Nghi, Trường đào tạo giáo viên tiểu học và trưởng ban nhạc đài phát thanh Huế. Trong thời gian này ông cho xuất bản tập nhạc “Hát mà học” gồm 10 bài hát dành cho thiếu nhi. Ông được học bổng du học ngành nhạc tại Hawai và Bloomington.
Năm 1956 ông thành lập ban hoà tấu Việt Thanh gồm các nhạc cụ cổ truyền như tỳ , nhị, độc huyền, nguyệt ,sáo vv… và ông sáng tác cho ban này bản hòa tấu “Ai đưa con sáo sang sông” dài 60 phút. Ngoài ra ông còn cho xuất bản sách “Kỹ thuật hòa âm” dày 350 trang .
Năm 1969 ông vào Nam, dạy tại trường QGAN Saigon và soạn hòa âm cho hai hãng dĩa Asia và Sóng nhạc. Ông dược Bộ Văn Hóa cử làm Trưởng phòng học vụ Nha Mỹ thuật, đảm trách học vụ các trường âm nhạc Saigon, Huế và các trường Cao đẳng Mỹ thuật .
Năm 1970 ông được Huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật của Tổng thống VNCH với bản “Ngũ tấu khúc” (Quintet for flute and strings). Ông còn được dề cử làm giám đốc nghệ thuật điều hành Đoàn văn nghệ VN gồm 100 nghệ sĩ tân, cổ nhạc và vũ do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách cùng ban vũ cổ truyền do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba đảm trách tham dự Hội Chợ Quốc Tế ở Osaka Nhật Bản .
Ngoài tên Văn Giảng với các bài ca hùng tráng như “Thúc quân” , “Lục quân VN” (bài hát này dược các quân trường ở miền Nam chọn làm bài ca nhịp bước cho các tân binh mới nhập ngũ), “Đêm Mê Linh”, “Quân hành ca”, “Qua đèo”, “Nhảy lửa”, ông còn có bút hiệu Thông Đạt với các nhạc phẩm trữ tình như “Ai về sông Tương” , “Đôi mắt huyền”, “Hoa cài mái tóc”, “Thương tà áo bay”, “Tình em biển rộng sông dài”, “Xin đừng bỏ nhau”, “Xin đừng chờ em nữa”, “Năm nay em mấy tuổi” và bút hiệu Nguyên Thông với các ca khúc Phật giáo như “Từ Đàm quê hương tôi”, “Mừng Đản sanh” , “Ca Tỳ La Vệ”, “Vô thường”, “Hoa cài áo lam”, “Bao la vô tận”, ”Bờ mê bến giác”, “Buông xả”, ”Dòng sinh diệt ”, “Đời sống Đức Phật” , ”Giả hợp”, “Hãy tự giác”, “Mong tỉnh ngộ”, “Tâm bệnh”, “Tìm đâu xa” , “Vũ khí chơn tâm” .
Sau 1975 ông kẹt lại ở Saigon và có mở lớp dạy nhạc tại đường Phạm Văn Hai, gần chợ Ông Tạ, quận Tân Bình. Năm 1981 ông vượt biên đến đươc Natuna của Nam Dương và để cám ơn hòn đảo đã cho ông dừng chân trên đường đi tìm tự do ông sáng tác bản “Natuna người tình đầu”. Hiện giờ ông đang định cư tại Thành phố Foolscray , bang Victoria, nước Úc. Ông là một nhạc sĩ có tài, nhạc phẩm của ông phong phú đa dạng. Ông đã đóng góp nhiều cho nền âm nhạc VN nhưng không hiểu tại sao các Trung Tâm sản xuất DVD ca nhạc lại nỡ quên đi không làm DVD về sư nghiệp âm nhạc của ông .

4/ – NHẠC SĨ ƯNG LANG

Người nhạc sĩ đầu tiên của đất Thần Kinh mang dòng máu hoàng tộc là Ưng Lang. Ông tên thật là Nguyễn Phước Ưng Lang, sinh năm 1919 tại Huế. Ông chuyên về Hạ uy cầm (guitare hawaienne) một loại đàn rất thông dụng thời bấy giờ. Ông là tác giả những nhạc phẩm như “Chiều về thôn Vỹ” , “Nhạc lòng” , “Chiều tiễn biệt và nhất là ca khúc “Mưa rơi” viết chung với Châu Kỳ đã đưa tên tuổi ông đến với những người yêu nhạc VN.
Tác phẩm “Mưa rơi” là kết quả của mối tình đầu đau thương của tác giả . Sau khi tốt nghiệp Trường Công chánh Huế ông được bổ nhiệm về Sở Lục Lộ tỉnh Nghệ An đặt ngay tại thị xã Vinh. Lúc ấy ông 21 tuổi. Ông được gia đình bà chị có cửa hàng buôn bán tại Vinh cho một căn phòng để ở. Phòng ông có cửa sổ nhìn sang dãy nhà đối diện bên kia đường. Chiều chiều sau khi đi làm về ông thường mở cửa sổ cho mát và lấy đàn ra lả lướt vái bài cho đỡ buồn. Không ngờ tiếng đàn Hạ Uy cầm du dương của ông lại lọt đến tai của các nghệ sĩ của thị xã. Họ mời ông gia nhập “Ban Nhạc Mang Hưng” mà đa số nhạc sĩ là người Việt gốc Hoa. Nhưng đối với ông tiếng đàn lọt vào tai các nhạc sĩ của thị xã không quan trọng bằng lọt vào tim của một hoa khôi sống với cha mẹ trong căn nhà đối diện với nhà chị ông.
Ta hãy nghe nhạc sĩ Lê Hoàng Long nói về giai nhân, người yêu đầu tiên của nhạc sĩ Ưng Lang như sau : “Ưng Lang đưọc biết mỹ danh người đẹp là Ch.L. tuổi vừa đôi chín. Từ đó, hàng ngày khi màn đêm buông xuống, Ưng Lang lại lấy đàn ra nắn phím buông tơ. Tiếng đàn Hạ Uy cầm réo rắt , ngân nga vọng sang tận bên kia đường rồi vang trong nhà người đẹp. Ngày nào như ngày ấy, đúng giờ là tiếng đàn lại nỉ non, thánh thót khiến mỹ nhân nhẹ nhàng thướt tha, uyển chuyển, lúc ẩn, lúc hiện sau tấm màn cửa đong đưa như đang uốn lượn trong vũ khúc trước làn gió nhẹ. Tay nắn phím, tay buông tơ nhưng mắt Ưng Lang vẫn kín đáo nhìn nên thấy cảnh đẹp như Hằng Nga trong vũ khúc Nghê Thường. Tức cảnh sinh tình, tiếng đàn Ưng Lang lại càng thêm thánh thót và nghe thấy buồn man mác hơn. Nếu ai nhìn thấy được cảnh ấy, khách quan cũng nhận định giai nhân và nghệ sĩ tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Ưng Lang mừng thầm cho rằng đây là mối lương duyên tiền định nên ngày ngày chải chuốt từ y phục đến tiếng đàn”.
Sau đó hai người yêu nhau bằng một mối tình thật đằm thắm và thơ mộng. Họ cùng thề non hẹn biển sống với nhau đến hết cuộc đời. Nhưng có ai biết được chữ ngờ. Đôi tình nhân đâu biết cuộc tình nồng thắm của họ sẽ phải tan vỡ vì chiến tranh. Tháng 3 năm 1945 Nhật đảo chánh Pháp và ra lệnh cho tất cả các công chức phải trở về nguyên quán. Ưng Lang cũng không thoát khỏi cái lệnh quái ác ấy nên phải khăn gói trở về làm việc tại Sở Công Chánh Thừa Thiên. Buổi tiễn đưa đôi tình nhân bịn rịn chia tay lòng đau như cắt. Về đến quê nhà lại gặp cảnh mưa rơi rả rich suốt ngày, bầu trời u ám, nỗi buồn càng thêm da diết. Trong hoàn cảnh đó Ưng Lang sang tác nhạc phẩm “Mưa rơi” và bài hát này đã trở thành ca khúc vượt thời gian :
Mưa rơi, chiều nay vắng người
Bên thềm gió lơi, mơ bóng ngàn khơi
Mưa rơi, màn đêm xuống rồi
Mây sầu khắp nơi, thương nhớ đầy vơi
Mưa rơi , đìu hiu giữa trời
Đêm dài vắng ai, thương nhớ nào nguôi .
Sau ngày chia tay hai người thường xuyên viết thư cho nhau và chờ ngày sum họp. Nhưng tháng 8 năm 1945 chiến tranh nổ ra, không biết gia đình của Ch.L. trôi giạt phương trời nào và từ đó đôi tình nhân mất hẳn liên lạc. Vài năm sau Ưng Lang lập gia đình, sống và làm việc tại Huế. Trước 1975 ông là giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Mãi đến 20 năm sau ông mới được tin Ch.L., người yêu cũ, đã chết trong chiến tranh.

5/- NHẠC SĨ CHÂU KỲ

Nhạc sĩ Châu Kỳ sinh ngày 05/11/1923 tại làng Dưởng Mong, tỉnh Thừa Thiên trong một gia đình sống bằng nghề cổ ca nên ông rất am hiểu về cổ nhạc miền Trung. Học xong chương trình tiểu học tại trường Tiểu học Dưởng Mong, ông lên Huế học tại trường Pháp Việt. Ông có giọng hát rất hay nên bạn bè rất thích nghe ông hát. Thấy ông hay hát những bài do Tino Rossi ca trong các dĩa của Pháp nên ông đưọc sư huynh Pétrus Thiều dạy cho nhạc lý Tây phương.
Khởi đầu ông học đàn mandoline. Câu chuyện vui ông kể trên sân khấu Thúy Nga là mối tình đầu lãng mạn của lứa tuổi dậy thì thiếu suy nghĩ khi ông muốn dùng tiếng đàn mandoline để chinh phục trái tim người đẹp Kim Anh, con gái của vị thượng thư, để rồi bị giai nhân từ trên lầu tạt nước xuống khiến ông phải ôm đàn chạy trốn. Nhưng thế sự thăng trầm, cuộc đời dâu biển, mười mấy năm sau ông gặp lại người đẹp tại Saigon trong cảnh nghèo khổ, xác xơ trong khi ông đang là một ca,nhạc sĩ nổi tiếng. Sự gặp gỡ mang nhiều kịch tính này làm ông ngậm ngùi nghĩ đến những đổi thay của đời người và ông viết nên nhạc phẩm “Giọt lệ đài trang ” .
Lúc ông còn theo học bậc trung học thì chị của ông là Châu Thị Minh thành lập đoàn ca kịch Huế lấy tên là Hồng Thu. Đoàn rất cần ca sĩ trẻ nên bà chị tha thiết yêu cầu ông giúp. Vì gia đình nghèo ông do dự không biết nên tiếp tục học hay là đi giúp chị. Cuối cùng ông bỏ học đi theo chị, trước là để giúp chị trong lúc khó khăn, sau là có tiền giúp cha mẹ. Từ đó ông theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi.
Thoạt đầu đoàn sang Lào trình diễn tại Savannakhet đến Thakhet rồi thủ đô Vạn Tượng. Sau khi gặt hái đưọc kết quả tốt đẹp ở Lào, doàn làm một vòng lưu diễn các tỉnh VN. Đoàn ra Bắc xong trở lại Huế rồi vào Nha Trang. Tại đây trong số khán giả thường trực có một nữ sinh tuyệt đẹp, con nhà tử tế được nhiều chàng trai trong tỉnh theo đuổi, cô vẫn dửng dưng như không. Nhưng khi thấy chàng ca sĩ Châu Kỳ đẹp trai với giọng hát trầm ấm, quyến rủ, tim cô rung động rồi si mê chàng ca sĩ. Châu Kỳ cũng ngất ngây trước vẻ đẹp của cô nữ sinh lãng mạn và hai người yêu nhau.
Nhưng thuở ấy cái thành kiến “xướng ca vô loại” vẫn bám rễ trong đa số gia đình VN nên cha mẹ của Đoàn Thị Sum, tên cô nữ sinh, cấm không cho cô gặp Châu Kỳ nữa. Thất vọng vì tình cô uống thuốc độc tự tử và chết ngày 10/12/1942. Ông quá đau khổ muốn chết theo người yêu nhưng các nghệ sĩ trong đoàn ra sức an ủi, can ngăn, nhắc cho ông biết còn bổn phận đối với cha mẹ và gia đình nên ông mới khuây khỏa phần nào. Do đó ta mới biết được chút ít tại sao những bản tình ca của ông hồi đó đều là nhạc buồn như “Khúc ly ca”, “Xin làm người tình cô đơn” vv… Nghe tin Huế bị bão lụt , ông trở về Huế thăm gia đình. Nhưng khi về đến quê mẹ Thanh Hà ông thấy quang cảnh xác xơ, ruộng đồng bị tàn phá, ngôi nhà cũ đã bị san bằng và mẹ ông bị lũ lụt cuốn trôi đi mất. Hoàn cảnh khổ đau này khiến ông viết lên bài “Trở về”, bài hát tiêu biểu cho sự nghiệp âm nhạc của Châu Kỳ :
Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lung ngắm trời mây ….
Năm 1947 ông vào Saigon hát cho đài phát thanh Pháp Á trong ban “Thần Kinh” của nhạc sĩ Mạnh Phát với các ca sĩ thời đó như Minh Diệu, Minh Tần, Mộc Lan, Linh Sơn, Phan Đức… và ban “Tiếng Thùy Dương” do chính ông làm trưởng ban. Trong thời gian này ông và ca sĩ Mộc Lan yêu nhau và trở nên vợ chồng. Cặp danh ca Mộc Lan – Châu Kỳ rất nổi tiếng thưòng xuất hiện trong các chương trình đại nhạc hội và chương trình phụ diễn tân nhạc tại các rạp chiếu bóng .
Cuối năm 1949 cặp ca sĩ Châu Kỳ – Mộc Lan được ông Thái Văn Kiểm lúc ấy là Giám đốc Thông tin Huế mời về hát cho Đài phát thanh Huế. Tình nghệ sĩ thường hay mong manh, năm 1952 cặp vợ chồng Châu Kỳ – Mộc Lan chia tay nhau. Ông buồn bã một mình trở lại Saigon. Đây cũng là thời gian buồn khổ khác của Châu Kỳ và ông đã viết lên những bản nhạc buồn như “Từ giã kinh thành” , “Mưa rơi” (viết chung với Ưng Lang)… và ông định cư tại Saigon cho đến ngày nay. Ông tiếp tục hát cho các Đài phát thanh Quốc Gia, Pháp Á và đi trình diễn trong các đại nhạc hội khắp nơi trong nuớc. Sau đó ông bị động viên và phục vụ trong đoàn Văn nghệ quân đội.
Năm 1955 Châu Kỳ kết hôn với Kha Thị Đàng, một cô gái miền Nam. Hôn lễ được cử hành tại nhà hàng Trương Ký ở Chợ Lớn. Trong số khách tham dự có rất nhiều ca, nhạc sĩ như Phạm Duy, Phạm Dình Chương, Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Dương Thiệu Tước, Trần Văn Trạch, Thu Hồ, Văn Phụng, Châu Hà, Hoàng Trọng, Thẩm Oánh… Đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc và có bốn người con, ba trai, một gái. Tất cả đều lập gia đình .
Ngoài những bản nhạc nêu trên Châu Kỳ còn có những nhạc phẩm sau : Khi ánh trăng vàng lên khơi, Chiều trên đồi thông, Cố đô yêu dấu, Đừng nói xa nhau, Em không buồn nữ chị ơi, Khuya nay anh đi rồi, Lá vàng khóc lá xanh rơi, Miền Trung thương nhớ, Giữa lòng đất mẹ, Tôi chưa có mùa xuân, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Sao chưa thấy hồi âm, Cánh nhạn hồi âm, Con đường xưa em đi, Cuối đường kỷ niệm, Nước mắt quê hương, Em sắp về chưa, Vào mộng cùng em, Được tin em lấy chồng …
Sau 1975 ông bán căn nhà cũ và chiếc xe Vespa dọn qua Tân Qui, Nhà Bè trong căn nhà ọp ẹp với chiếc xe đạp cũ. Tại đây ông đã sáng tác bài “Bóng mát Tân Qui” lời ca của nhà thơ Kiên Giang, “Một mình với ghi-ta”, “Giọt đàn với giọt lệ”, “Bỏ phố lên rừng”, “Đôi dép ngược” …
Yên Huỳnh post

Trích lại từ http://cafevannghe.wordpress.com

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Tính hấp dẫn của nghệ thuật


                        Khổng Đức dịch
        (từ Triết học nghệ thuật của Vương Đức Phong)

Tính hấp dẫn của tác phẩm thường được bảo trì là tính kín đáo, người Trung quốc hay gọi là “mê ngữ” (riddle), tức là thách đố độc giả phải tự tìm hiểu. Thú vị của thẩm mĩ là ở đó. Đến Adorno phải nói:” Toàn bộ tư tưởng và chủ trương của tác phẩm mà không có “mê ngữ” thì thật sự đó không phải là tác phẩm nghệ thuật”. Sức hấp dẫn của tác phẩm là ở chỗ gọi là thần bí của tác phẩm. Hiểu được điều đó là hiểu tất cả.
Theo Furer thì: “Thiên tài là kĩ xảo tinh thâm cọng với sự vật có cái gì khác thường”. Cái khác thường ấy có thể chúng ta nhận thức được ngay, nhưng có cái nói ra được, có cái không nói ra được. Thế nhưng đối với nhu cầu phê bình nghệ thuật là thủy chung nói về sự tồn tại, thế tất nó phải chỉ ra được cái điểm khác thường đó, thì mới đúng là phê bình hữu ích.
Xuyên qua tác phẩm nhà nghệ thuật trình bày cho chúng ta “cái sự vật khác thường đó”, chính là cái mà nghệ thuật triết học phải nỗ lực thông qua sự vật đó. Furer cũng phải thừa nhận, đối với sự vật khác thường đó chung qui lại là chỉ cho cái gì, nhất thời không sao hiểu được, muốn hiểu cho rõ ràng thật vô cùng khó khăn. Nhưng chính vì điểm khó khăn đó mà nghệ thuật thành ra có sức hấp dẫn mãnh liệt, nó khiến con người phải nỗ lực giải đáp cái chân tướng của nó.
Furer mới cho rằng sức hấp dẫn của nghệ thuật không phải từ kĩ xảo uyên thâm, mà chính là từ tính chất “khác thường của sự vật”. Lời ấy ít ra đã nói rõ cái nghĩa lí là phải phân biệt tác phẩm nghệ thuật với những phẩm vật công nghệ. Kĩ xảo của sản phẩm công nghệ dù có uyên thâm khéo léo đến đâu, giá trị thẩm mĩ của nó là đạt được sự thỏa mãn thú vị. và cũng chỉ đạt được sự thỏa mãn đó thôi, chứ không thể chỉ ra được bộ phận tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng chính là sự khác biệt khiến cho việc nghiên cứu triết học nghệ thuật thành điểm xuất phát. Triết học nghệ thuật không phải là công nghệ học, giống như nghệ thuật gia không phải là công nghệ nhân. Vấn đề hình thành của triết học nghệ thuật là như sau đây:
Đối với tác phẩm nghệ thuật chúng ta không có một mục đích thực dụng, cũng như giá trị thực dụng. Chúng ta chỉ muốn hỏi: đâu là ý nghĩa của tác phẩm nghệ thuật? Lý do sự tồn tại của nó là gì? Như bức vẽ đôi giày nông phụ của Van Gogh (1853-1890), nó không có công dụng gì hết, không phải để xỏ chân vô, hay là đồ thị để cho nhà sản xuất chế tác, nói chung không phải là hình tượng của khái niệm, vậy thì ý nghĩa tồn tại của tác phẩm là gì? Đó là mối quan hệ sinh hoạt của con người mà tác phẩm nghệ thuật như phơi bày ra: nỗi gian truân khốn khổ của nông phụ.
Sau đây thêm một thí dụ trong thi ca mà Hegel từng dẫn chứng trong tác phẩm mĩ học của ông: Lich sử Hi lạp từng kể rằng: 4000 quân Ba Tư tràn vào xâm chiếm thành Sparta, trong khi đó chỉ có 300 chiến sĩ Sparta anh dũng chiến đấu đến cùng, kết quả họ phải hi sinh hết. Để tưởng nhớ hành động hào hùng đó, nhà thơ Hi Lạp Simonides đã viết hai câu thơ khắc lên mộ bia của họ: “ Hỡi khách qua đường, xin truyền lại cho dân Sparta câu sau đây .
                Để họ nhắc nhở cho nhau, chúng tôi đều nằm tại nơi này!
Do hai câu thơ vừa nêu mà chúng ta trực quan được cái chết anh dũng của những chiến sĩ Sparta. Câu thơ được khắc lên vì nó thể hiện được tínhtồn tại. Nếu đem sự kiện lịch sử ấy kể lể dài dòng dễ hiểu, thì đó là khái niệm lí tính, chúng ta không cần phải thể nghiệm. Nhưng đối với vận mệnh và anh hùng thì phải thể nghiệm mới thấy rõ được tính tồn tại. Muốn thế thì chỉ có ngôn ngữ thơ mới dẫn chúng ta đến trạng thái trầm tư mặc tưởng (yên lặng mà suy tư) tức thể nghiệm. Và cũng chính từ sự tĩnh quan mặc tưởng mà  tiến được vào thế giới siêu thoát vượt bỏ thế tục.
Để hiểu rõ hơn chúng ta tiếp tục thảo luận phương thức tồn tại của tác phẩm nghệ thuật. Mỗi bộ môn nghệ thuật tự nó đều có một thứ ngôn ngữ: như điêu khắc có ngôn ngữ của điêu khắc, âm nhạc có ngôn ngữ âm nhạc, hội họa có ngôn ngữ hội họa. Muốn thưởng lãm một bộ môn nghệ thuật nào đến nơi đến chốn thì phải am tường ngôn ngữ nghệ thuật của môn đó.
Tác phẩm nghệ thuật là hướng đến người tiếp thụ trình bày một thứ thể nghiệm và tình cảm sinh tồn, đó là sự trần thuật.Và bất cứ một thứ trần thuật cơ bản nào, đơn vị của nó đều là phù hiệu, sự liên quan của các phù hiệu kết hợp thành hệ thống, mỗi bộ môn nghệ thuật đều có hệ thống phù hiệu của nó.
Dùng ngôn ngữ hằng ngày làm thí dụ, thì phù hiệu là từ hối, còn hệ thống là ngữ pháp (từ pháp và cú pháp). Ngôn ngữ nghệ thuật cũng có ngữ pháp, chúng ta có thể nghiên cứu cách sử dụng chuyên môn của nó, như trong âm nhạc có nhạc lí học. Ở đây chúng ta cần quan tâm đến là ngôn ngữ nghệ thuật và đặc trưng của chúng.
Để tiện việc thảo luận, chúng ta hãy tiến hành so sánh ngôn ngữ hằng ngày với ngôn ngữ văn học. Nếu chỉ căn cứ theo từ hối và ngữ pháp của ngôn ngữ thường dùng hằng ngày và ngôn ngữ văn học thì không có gì sai biệt. Thế nhưng tác phẩm văn học với tác phẩm văn tự có sự khác biệt, nhìn qua là biết ngay; như tình cờ đọc câu ca:
              “Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo cho chồng tiếng khóc nỉ non”(1)
Thì đó là thơ chứ không phải tiếng nói thông thường. Có người cho rằng phương thức trần thuật của ngôn ngữ nghệ thuật là trần thuật mang tính tổng hợp, còn ngôn ngữ thường dùng là trần thuật mang tính phân tích. Phương thức ấy tiện cho việc thảo luận, chúng ta hãy mượn đó mà dùng vậy.Trần thuật mang tính phân tích như câu:“ Băng tuyết tại xuân thiên  dung hóa”, ý nghĩa quá rõ là băng tuyết trong ngày xuân là tan rã, phù hiệu trong câu có ý nghĩa cố định nên nói ra là hiểu ngay. Nhưng cũng mấy từ đó mà đảo lại: “ Xuân thiên dung hóa liễu băng tuyết” thì nó lại thành thơ vì không còn mang ý nghĩa cố định, mà nó có thể đưa độc giả liên tưởng  rộng rãi; như “xuân thiên” không phải chỉ có ý nghĩa khí hậu thời tiết, mà có thể chỉ một thời đại mới mẻ đầy sức sống đột ngột kéo đến; và sự tan rã của băng tuyết cũng không phải chỉ là hiện tượng vật lí, mà có thể khiến chúng ta liên tưởng đến sự đau khổ liên miên đến hồi chung kết. (Nôm na chúng ta có thể nói phù hiệu trong thơ thường mang tính hình ảnh và biểu hiện đa nghĩa Như câu: Phương Nam tràn cả nắng/ Bao giòng sông quên nguồn của Ng. Đình Bổn mang một ý nghĩa vô cùng kín đáo. Hay hai câu của Trần Hữu Dũng: Cây vĩ cầm đỏ tấu khúc cầu hồn/Hoa loa kèn rung hồi chuông báo tử là câu thơ mang tính sex mà vô cùng kín đáo – chú thích thêm của người dịch).
Ngôn ngữ nghệ thuật mang tính tổng hợp trần thuật, không phải là báo cho biết quan điểm hay một sự thực, mà là khải phát hay ám thị những cái gì đó. Phù hiệu trong loại trần thuật này đạt được công dụng là biểu tượng hay tượng ý. Tượng ý là từ do chúng ta hư cấu để biểu hiện trong trần thuật tổng hợp, tái hiện sự tồn tại phi thực thể tính ở bên ngoài sự vật. Tính trần thuật tổng hợp không phải dùng để biểu thị những cái tồn tại tự thân, mà là để biểu thị những thứ tồn tại trong tự thân của sự vật. Như vậy sự tồn tại ấy cũng gọi là tượng ý, tượng ý là từ ý đến tượng. Ý ở đây là chỉ sự uẩn hàm trong tượng, tượng nhân đó mà không dừng lại làm tượng, mà hiển thị làm ý. Ý cũng không rời khỏi tượng, mà là cùng sinh một cơ duyên trước sau. Do đó mà bảo trì được cảm tính. Khiến cho bên ngoài sự vật thành tượng ý tồn tại, là do nghệ thuật trần thuật của sự vật tạo thành hay một thứ tưởng tượng có tính liên quan. Do đó trong khi tả tác thi ca, chúng ta không phải nhắm vào logic của mệnh đề, mà là đưa ra một sự trần thuật mang tính tổng hợp.
Đại đa số tác phẩm nghệ thuật đều có tính tự sự hiện thực, đó cũng là  sự tồn tại của tính hiện thực. Núi sông trong bức họa sơn thủy tức là tự sự hiện thực; điêu khắc biểu hiện cơ thể con người cũng là tự sự hiện thực; kiến trúc cũng có tự sự hiện thực, tức là nhắm vào việc thực hiện công dụng hiện thực. Nói chung, tự sự là phương thức cơ bản biểu hiện nghệ thuật và bảo tồn tình cảm. Sự biểu hiện nghệ thuật đối với tình cảm, không phải đơn thuần là bộc lộ tình cảm ra; mà cần phải đặt vào những hình tượng (images) mang tính cảm xúc, mới có thể biểu hiện và bảo tồn một cách chính xác. Do đó mỗi khi chúng ta sáng tác tác phẩm, chúng ta phải thực hiện một thứ tự sự. Nói một cách khác, chỉ cần đưa ra hình tượng mang tính xúc cảm tức là tự sự xong rồi. Không bao hàm tình cảm bộc lộ trong tự sự thì tác phẩm khó mà hình thành. Đau khổ nước mắt ràn rụa, cao hứng dồi dào, vui cười hả hê, dù là buồn khóc hay vui cười đều không phải là tác phẩm.
Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta đều có tự sự. Tự sự của con người không ngoài 3 mục đích như sau:
1- truyền đạt tin tức, như trên đường đi thấy có sự gì lạ, kể lại cho người khác nghe.
2.- Biện luận đạo lý, như tôi giảng giải một sự việc, không phải là đem một sự việc của bản thân báo cho anh biết, mà chỉ là dùng sự kiện ấy để bày tỏ cái đạo lí, như thế sự việc ấy chỉ có tác dụng là chứng cứ thí dụ.
Hai thứ tự sự vừa kể không thể sanh ra là tác phẩm nghệ thuật.
Chỉ có mục thứ 3 tức truyền đạt thể nghiệm, tự sự ở đây là trình bày những thể nghiệm đối với sự việc. Thí dụ chúng ta gặp một sự việc khó quên, sự khó quên đó nếu không kể lại cho người khác nghe thì không chịu được. Và trong khi kể đó bạn không hề nghĩ là để viết thành một bài báo, cũng không hề có ý đồ tìm hiểu rõ ngọn nguồn của sự việc, chú trọng đến sự liên hệ lí luận mạch lạc hợp lí, mà chỉ vì sự kiện ấy làm cho bạn xúc động , không kể cho người khác nghe thì khó chịu. Nếu đó là mục đích của tự sự thì so với hai sự kiện trên hoàn toàn khác nhau. Chính trong mục đích tự sự thứ 3 này mới mang tính văn học do thiên phú.
Nội dung tự sự phải là phương thức tự sự mới lạ, mới có thể biến thành tác phẩm nghệ thuật. Và chỉ sau khi biến thành tác phẩm nghệ thuật, nó mới được thừa nhận là nhiệm vụ truyền đạt thể nghiệm. Phương thức tự sự mới lạ đó là gì, chính là ngữ điệu. (CT của dịch giả: ngữ điệu là intonation - theo từ điển ngữ học - là mang những yếu tố thông tin tình cảm mở rộng, đầy mĩ học, trong đó những cảm xúc và tình cảm quyện vào nhau trong sự biểu hiện ý tưởng).
Thực chất của sự chế tạo tác phẩm là đem sự thể nghiệm nhập vào hình tượng cảm tính; do sự chế tạo mà gốc gác của phần thể nghiệm vốn được bảo tồn nơi nào đó mất đi. Nhân đó sự tồn tại của tác phẩm là phần đầu tiên được qui định, nó là sự tồn tại của tính chế tạo. Nôm na là đem tài liệu thực sự chế tạo ra thế giới thể nghiệm. Chế tạo như thế nào? Tức là dùng phương thức “tự sự ngữ điệu”. Sao gọi là tự sự ngữ điệu? Muốn biết vai trò tự sự ngữ điệu, hãy xem lại truyện Hồng Lâu Mộng; đó không chỉ là câu chuyện của một dòng họ quí tộc cổ đại của Trung quốc. Bản thân câu chuyện chỉ là tài liệu, cái mà Hồng Lâu Mộng muốn truyền đạt lại là một thứ thể nghiệm, và sự thể nghiệm ấy chỉ có  trong tự sự ngữ điệu mới bộc lộ ra mà thôi .
Phần chính trong một tác phẩm vĩ đại không phải là mĩ học mà chính là nội dung, mà muốn thấu triệt nội dung chân chính là phải nghiên cứu tự sự ngữ điệu. Phải qua sự nghiên cứu đó chúng ta mới phát hiện Hồng Lâu Mộng là cả vận mệnh văn hóa Trung quốc mà tác giả đã lãnh hội. Như trong đoạn tả Sử Tương Vân cùng Lâm Đại Ngọc làm thơ tại Ao tinh quán, đưa hai nữ tài tử văn học trình diện cho độc giả. Cái ngữ điệu tự sự ở đây thật tuyệt vời, hai cô là hai tài tử cùng làm thơ liên vận mỗi người đọc hai câu tả phong cảnh ở trước mặt, ở đây chúng ta chỉ trích một đoạn: “…Nhờ có con hạc bay qua ao gợi thi hứng , Tương Vân đọc thành thơ :
          “ Song đăng diễm dĩ hôn         Tạm dịch : Bên cửa  đèn mờ nhạt
             Hàn đường độ hạc ảnh                            Bóng hạc bay qua ao
Đại Ngọc vừa khen hay vừa giậm chân kêu trời: Con hạc tạo hứng cho chị, nhưng tôi biết lấy gì đối lại đây. Nói xong chỉ biết nhìn trời, trầm ngâm giây lâu mới đọc tiếp:
            Lãnh nguyệt táng hoa hồn     Tạm dịch : Hồn hoa chìm nguyệt lạnh
Hai câu thơ ngoài những hình ảnh đẹp còn ám thị cuộc đời của hai nữ tài tử.

Điều mà nghệ thuật biểu hiện không phải là đối tượng khách quan của thế giới mà là thế giới sinh tồn, chúng ta hằng trở về trong gốc gác đó – trong sự trình bày cái thế giới đó: chân lí nguyên thủy phát sinh.
Vấn đề bản chất nghệ thuật, đối với con người ngày nay mà nói, đặc biệt khó khăn. Một khi nghĩ đến nghệ thuật là chúng ta nghĩ ngay đến một thứ phi lí tính, một thứ tình cảm, có cảm giác là nó không có liên hệ gì đến chân lí. Nhưng thật ra nghệ thuật lại là nơi nguyên thủy phát sinh chân lí. Bình thường chúng ta đều cho rằng, con người suy tư phát hiện được chân lí là do lí tính. Thế nhưng chính Marx lại bảo cho chúng ta biết rằng nguồn gốc của chân lí là ở trong cuộc sống của chúng ta. Trong tập bản thảo viết tay thời trẻ về triết học kinh tế năm 1844, Marx từng viết: “ Nói rằng trong sinh hoạt có một thứ cơ sở gì ngoài khoa học không có gì khác – đó là lời nói sai từ xưa tới nay…Cảm tính mới là cơ sở của tất cả khoa học”. Nói về sự sinh hoạt, ở đây là chỉ cho sinh hoạt cảm tính của con người, tự nhiên trong đó có bao hàm nghệ thuật.
Cơ sở lí tính là sinh hoạt cảm tính của con người, nói theo ý nghĩa chân thực của mệnh đề ấy, nếu trong suy tư lí tính của con người có phát sinh ra lời lẽ của chân lí, thì thật ra đó là sự tìm lại được cái chân lí do cảm tính của con người trong sự sinh hoạt đưa vào trong sự vật. Cho nên trong hình thức lí luận cái chân lí ấy không phải là nguyên thủy. Vì vậy nên Heidegger mới nói: “Khoa học quyết không phải là nguồn gốc sinh ra chân lí, khoa học chỉ là lãnh vực chân lí mở rộng; trong lãnh vực chân lí được mở rộng ấy, trước sau nghệ thuật là một trong những phương thức căn bản được mở rộng”.
Ngoài ra sinh hoạt cảm tính cũng là một thứ phong trào lịch sử, trong đó có liên quan đến sinh hoạt trọng đại của dân tộc, là sự quyết định vận mệnh trọng đại của lịch sử. Nghệ thuật tham dự vào việc quyết định ấy, không phải chỉ là việc biểu hiện sự quyết định, mà nghệ thuật đối với việc tham dự quyết định lịch sử có phát sinh nguyên thủy chân lí.
Heidegger đối với vấn đề này nói rất rõ ràng, dù có vẻ cực đoan: “Nghệ thuật là xây dựng nền tảng lịch sử, nghệ thuật có ý nghĩa mang tính căn bản của lịch sử”. Ông nêu ra sự kiện bi kịch của cổ Hi Lạp từng tham dự vào việc lựa chọn vận mệnh của dân tộc Hi Lạp; vì nó dùng phương thức nghệ thuật  bi kịch tham dự vào cuộc đấu tranh của dân chúng, cùng dùng sự đấu tranh làm quyết định. Ông nói: “Trong bi kịch không biểu diễn và khai triển cái gì mà là tiến hành sự đấu tranh phản kháng giữa thần mới và thần cũ. Do ngôn ngữ của tác phẩm sinh ra ngữ ngôn của dân chúng, bởi vì nó không hề bàn luận thứ chiến tranh ấy, mà chỉ nói là dân chúng đổi thay, khiến cho từ ngữ mang tính của một thứ đấu tranh quyết định: Thần thánh là cái gì? Phàm tục là cái gì? Cái gì là vĩ đại, cái gì là nhỏ nhen? Dũng cảm là gì? Nhu nhược là gì? Cái gì là cao quí cái gì là thô tục? Chủ nhân là gì, nô lệ là gì?”
Dĩ nhiên tác giả và diễn viên của bi kịch không phải là kẻ chiến đấu trên quảng trường của một thành phố. Thực tế người chiến đấu là dân chúng. Nhưng trong thực tế chiến đấu chưa chắc là có chân lí. Khả năng đấu tranh hoàn toàn là đui mù, ý nghĩa tự thân của nó chưa hề được giảng giải. Do sự gia nhập vào nghệ thuật con người thể nghiệm được vận mệnh mới gia nhập đấu tranh. Ở đây đề ra những sự việc trong bi kịch, tức là gia nhập vào văn học, cũng tức là đối với ngôn ngữ của vận mệnh thể nghiệm gia nhập vào đấu tranh. Ngôn ngữ văn học cố nhiên là sinh ra từ dân chúng, nhưng mối quan hệ của nó đối với ngôn ngữ dân chúng không phải là quan hệ biểu hiện, khái quát, trau luyện. Ngữ ngôn của dân chúng là ngữ ngôn đấu tranh. Ngữ ngôn văn học trong bi kịch giống với ngữ ngôn đấu tranh, mà ngôn ngữ đấu tranh là biến đổi từ ngôn ngữ kịch; từ đó khiến cho sự đấu tranh thành đấu tranh tự giác. Đấu tranh tự giác là sự lãnh hội và thể nghiệm vận mệnh cùng tại cơ sở đó mà thành ra có khả năng quyết định. Cho nên Heidegger nói:  “Ngôn ngữ trong tác phẩm bi kịch, mỗi từ ngữ đều có mang bản chất từ sự việc của các thứ tranh đấu đưa ra quyết định”. Từ ngữ đưa ra quyết định tức là quyết định phát sinh từ nghệ thuật. Trong sự quyết định của nghệ thuật phát sinh nguyên thủy chân lí.

Bây giờ hãy nói qua về giá trị nghệ thuật hay trọng tâm phê bình một tác phẩm nên đặt vào đâu? Không phải nhắm vào quan điểm chủ đề, cũng không phải quan niệm kĩ xảo diễn tả; mà phải chú ý đến tính chất nội dung của tác phẩm, nhưng nội dung đây không phải là trung tâm tư tưởng, mà là hình thức hoàn thành tính ngữ cảnh – (ngữ cảnh đây là từ contexte với ý nghĩa dài dòng của ngôn ngữ học). Chúng ta hãy lấy bài Đăng Cao của Đổ Phủ làm thí dụ . Nguyên văn bài thơ:
Phong cấp thiên cao viên kiếu ai    -   Chữ thanh sa bạch điểu phi hối
Vô biên lạc diệp tiêu tiêu hạ           -    Bất tận trường giang cổn cổn lai
Vạn lí bi thu thường tác khách       -    Bách niên đa bệnh độc đăng đài
Gian nan khổ hận phồn sương mấn-     Lạo đạo tân đình trọc tửu bôi.
Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch:  Lên cao
                        Trời gió cuộn kêu buồn vượn núi
                        Bến nước trong chim bãi??? lượn vòng
                        Lào rào lá rụng khắp cùng
                        Tận đâu cuồn cuộn dòng sông đổ về
                        Từng làm khách buồn thu muôn dặm
                        Bước lên đài già bệnh một thân
                        Gian lao tóc đã trắng ngần
                        Tạm ngừng chén rượu đỡ phần khổ đau
Ở đây chúng ta không phải cọng minh với cảnh bi khổ cổ đại lạc phách của thi nhân, đã được đặt vào trong cảnh hùng tráng, khoát đạt mênh mông đầy bi thương lạnh lẽo. Ý cảnh ấy hiển hiện cảnh trí của văn nhân Trung quốc hàng ngàn năm trước mà họ phải cam chịu cái thế giới cộng đồng đó. Bài thơ đã tạo nên những hình ảnh của một nền văn hóa đầy bi kịch, đó là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là trong ý cảnh hữu hạn nhỏ bé củacon người, đối diện với trời đất mênh mông, lịch sử sản sinh những cảm xúc cô đơn, con người đã kí thác vào đó những nỗi niềm đau thương…Đó chính là ma lực bất hủ của tác phẩm, nó vượt xa cái phạm vi bi khổ của cá nhân.
Do đó tính chất nội dung của tác phẩm là hình thức hoàn thành ngữ cảnh; phê bình là phải nắm cho được điểm chủ yếu đó, chứ không  phải quan niệm là chủ đề của tư tưởng .
Qua sự thảo luận vừa rồi mới thấy rõ, điểm quan trọng trong phê bình nghệ thuật là phải nhận thức được ngữ cảnh nước đôi (song trùng ngữ cảnh) trong tác phẩm. Về phương diện sáng tác nghệ thuật mà nói, nếu trong tác phẩm không có ngữ cảnh nước đôi, thì không phải là tác phẩm chân chính, tác phẩm tồn tại. Nên trong khi thảo luận về ngữ cảnh nước đôi chính là thảo luận phương thức tồn tại của tác phẩm.
Tóm lại những điều vừa trình bày cho thấy sự hoàn thành hình thức cấu tứ của tác phẩm nghệ thuật. Không phải chỉ là phương thức chế tác tác phẩm, mà thực là bản chất nội dung của tác phẩm. Do đó, việc tiến hành phân tích hình thức kĩ xảo của tác phẩm cũng rất quan trọng. Nhưng đồng thời cũng phải minh xác, mục đích của việc phân tích không mang ý nghĩa tính công nghệ học, mà phải nhắm vào việc trình bày bản chất nội dung của tác phẩm. Cái gọi là “thủ pháp biểu hiện nghệ thuật”, ý nghĩa của nó thực ra không phải ở nơi thủ pháp, mà là ở nơi cảnh giới tư tưởng của tác phẩm, nó thuộc ở cảnh giới phát sinh chân lí.
Đối với vấn đề “tác phẩm làm sao tồn tại’ đã nói qua ở các tiếttrên, giờ đây có thể khái quát như sau:
1.- Căn cứ theo quan điểm linh hóa sự vật, chúng ta bài xích vấn đề liên quan đến tính vật chất của tác phẩm nghệ thuật. Cùng theo quan điểm đó, chúng ta cũng bài xích cách nhìn thông thường cho rằng sự tồn tại của tác phẩm nghệ thuật là cái đẹp hình thức.
2.-Xem lại thực tính tồn tại của tác phẩm, thông qua  sự thảo luận ngữ cảnh song trùng, thấy rõ tác phẩm mà chỉ nhắm biểu hiện hiện thực thì không phải là tác phẩm tồn tại chân chính. Về phương diện biểu hiện hiện thực ấy chỉ có tác dụng tài liệu trong tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm phải thông qua tính tổng hợp trần thuật, phải có cơ cấu liên quan đến tính tưởng tượng, hình thành sự tượng ý. Tượng ý là biểu hiện tính chất đặc biệt của sự vật do sự thể nghiệm sinh tồn của con người thành được hiển linh hóa.
3.- Trong tác phẩm tự sự tiến hành ngữ điệu song trùng, tức nơi đối tượng ngữ điệu và tình cảm ngữ điệu được tiến hành gia tăng giá trị. Trong khoảng  bình giá ngữ điệu và tình cảm có sự quan hệ hỗ tương, tạo thành sự hoàn thành hình thức ngữ cảnh của tác phẩm. Sự hình thành hình thức ngữ điệu hoàn thành đại biểu cho tính tồn tại toàn thể của tác phẩm.
Nhưng sự “tồn tại tác phẩm” không phải kết thúc ở đây, mà phải tìm đến. Do đâu mà nghệ thuật được coi như là nơi phát sinh chân lí nguyên thủy? Chỉ thông qua sự giải đáp được vấn đề đó, cuối cùng mới xác nhận “tác phẩm tồn tại”. Và như trên đã nói: tượng ý là vật tượng được linh hiển hóa; nhưng sự biểu hiện của nó chỉ là mảnh vụn của thể nghiệm sinh tồn.
Do đó sự tồn tại tác phẩm phải vượt qua tượng ý; mà muốn vượt qua tượng ý phải có một lực lượng cao hơn tượng ý, chính lực lượng đó mà khiến cho tượng ý thành khả năng, cùng bảo trì được ý tượng và tạo thành sự tồn tại của tác phẩm.
Mà lực lượng ấy là gì? Vấn đề rất khó nói, hãy lấy bài khúc của Mã Trí Viễn làm thí dụ:        Khô đằng, lão thụ, hôn nha
                          Tiểu kiều lưu thủy nhân gia
                           Cổ đạo, tây phong sấu mã
                  Tịch dương tây hạ, đoạn trường nhân tại thiên nhai.
Dịch xuôi: Trời chiều trên cây khô có tiếng quạ kêu.
                   Dưới cầu nhỏ dòng suối chảy qua
                  Trên đường gió tây hiu hắt với bóng ngựa gầy
              Mặt trời đã lặn về tây, lữ khách ở chân trời như đứt từng đoạn ruột.
Dịch thơ :           Cây khô tiếng quạ trời chiều
                     Bên dòng nước ngược tiểu kiều người qua
                           Đường mòn gió thổi ngựa già
                     Hoàng hôn đòi đoạn câu ca chân trời.
 Bài thơ đọc đến làm ta xúc động vì hình ảnh các vật đều có tính hấp dẫn đặc biệt; cho nên từ đó sinh ra một thứ tình cảm ăn sâu tha thiết, tiến đến cảnh giới lẻ loi của con người. Tất cả đều do câu cuối của bài thơ. Chính câu ấy bao hàm cái lực lượng mà chúng ta vừa đề cập, lực lượng đến từ “Tịch dương tây hạ, và đoạn trường nhân” thống nhiếp liên hệ tất cả.
Sự thống nhiếp và liên hệ ấy là một thứ lực lượng trình hiện sự thể nghiệm sinh tồn. Nhờ vào lực lượng ấy thực hiện cuối cùng mà tác phẩm tồn tại. Lực lượng ấy là lực lượng tính linh tối cao của con người, nó là sự tưởng tượng nghệ thuật tối cao, nó là hiện tượng không thể nói ra được mà lại rất chân thực, nó tạo thành sự tồn tại của tác phẩm. Vì không nói thành tên được nên tạm gọi là tính thần bí của nghệ thuật, hay gọi là “thị vức nội tại” (internal vision).
                                                                         Khổng Đức dịch

(1) mượn câu ca dao thay thơ Trung quốc cho dễ hiểu. CT người dịch

Thơ tình Hoàng Lộc

bài gửi tặng Hội An

hai mươi năm anh đi xa nhà
gió vẫn cứ bồi hồi trên bến phố
em thì đã phôi pha thời con gái
và chọn đời-ở-vậy-nuôi-thơ

hai mươi năm anh bỏ ngày xưa
rất nhiều chuyện trở thành chuyện cũ
gió vẫn thổi không cùng trên bến phố
để bên trời nghe mãi tiếng vi vu
(và lòng anh không bội bạc bao giờ)

ngày tứ xứ đã ra chiều phiêu lãng
biết quê ai không thể quê mình
anh đã gặp bao nhiêu dòng sông lớn
mà sông Hoài cứ thăm thẳm trong anh

em cuối phố và ngọn đèn thức ngủ
vẫn nhọc nhằn chép giữ những câu thơ
có nhiều thứ vẫn bình thường thế đó
để trong em hơ hãi một tình đầu

hai mươi năm quê nhà trăng soi
mỗi nhắc nhớ chắc đau từng kỷ niệm ?
anh biết anh không là dĩ vãng
của em và của phố mờ rêu...

7-2012

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2012

Thơ Nguyễn Miên Thảo

TỰ BẠCH 1 

Năm anh ba mươi tuổi
Ngở mình đi đúng đường
Giờ sắp tuổi lai hi
Mới biết mình lạc lối

Mười hai năm làm quan
Lòng luôn sao bức bối
Mười tám năm làm dân
Mới biết mình có tội

Mười tám năm làm thinh
Mười tám năm không nói
Em tặng một ngày xuân
Cuộc đời anh tươi rói

Chỉ cần nụ cười em
Cuộc đời anh đã khác
Chỉ cần được yêu em
Anh không con đi lạc.

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

Thơ Nguyễn Lương Vỵ

Gửi vu vơ
I.
Mần bài thơ gửi vu vơ
Tặng những ai trong mịt mờ
Lô xô sóng xô ghềnh đá
Vi vu gió thổi bụi bờ
Âm tro bay chờ nhau nhé
Sắc chiều phai nhắn bậu nờ
Lão trời già cứ ấm ớ
Sống hò lơ chết hò lờ…

II.
Chết hò lờ ơ rỗng không
Mà sao ướt hết mênh mông
Cỏ nội chìm sương tưởng nhớ
Bến ngoài lắng gió ngóng trông
Cúi nhặt bóng ai lá rụng
Ngước ôm dáng bậu mây lồng
Mắt chữ lim dim chìm khuất
Ruột gan vũ trụ quá nồng…
III.
Mần bài thơ gửi ngẫu nhiên
Ý thơm rướm máu lam điền
Ta gọi người mưa cửa mộ
Người gọi ta nắng cỏ biền
Lanh canh hòn than ríu lửa
Leng keng viên cuội tham thiền
Rờ sau ót hú một tiếng
Ngẫu nhiên hay là tất nhiên?!…
IV.
Nhiều khi chẳng cần hỏi nữa
Đợi thơ về mần thả cửa
Mửa mật trào máu lắm phen
Sống ngất chết ngây nhiều bữa
Ý có thiêng thì cứ nhen
Chữ có linh thì cứ cựa
Tim ta bắt nhịp môi đèn
Bàn phím gõ ngàn ô lửa…
V.
Mần bài thơ gửi vu vơ
Tặng những ai trong phút giờ
Vẫy bàn tay chào một bận
Hất mái tóc bẩm đôi bờ
Bờ nào cũng đều lận đận
Bến mô cũng rặt bơ thờ
Lão trời già cứ giả dại
Bày trò sống chết con…cờ!!!…
VI.
Con cờ cái lờ thiện tai
Cơn điên vũ trụ rống dài
Một hai ba ồ động cỡn
Bốn năm sáu ố mãn khai
Xương núi người ma dấm dớ
Máu sông ngợm quỷ dông dài
Trọn đời ta ngồi đấm ngực
Thiện tai thiện tai thiện tai!!!…
VII.
Mần bài thơ gửi tất nhiên
Tặng ngẫu nhiên một tiếng kèn
Một âm xanh trên nẻo lạ
Một nét huyền giữa lối quen
Gãi đầu bứt sợi tóc bạc
Xoa tay vén liếp đêm đen
Bóng người ngã trên ghềnh đá
Tất nhiên hay là ngẫu nhiên?!…
09.2011

Gửi bóng hình
I.
Mần thơ trao gửi bóng hình
Chữ hồn nhiên khóc lung linh
Bóng ơi sao mà cũ rích
Hình ơi sao mà mới tinh
Nụ tầm xuân trời chuyển dạ
Giọt đàn thu đất trở mình
Tìm nhau đỏ con mắt đá
Âm khuya gót máu lặng thinh…
II.
Âm khuya gót máu chiêu hoa
Piano Sonata!!!
Giọt mưa trăng bông khế rụng
Trận gió trời bóng nhện sa
Lẩm nhẩm đôi câu vừa tỏ
Lầm bầm vài ý mới ra
Chờ nhau vắng chìm tâm sự
Âm rền buốt hết xương da…
III.
Âm rền tóc dựng vĩ thanh
Beethoven Beethoven!!!
Giao hưởng thương đời mệnh bạc
Hòa âm xót kẻ đầu xanh
Trời chẳng nói đất chẳng nói
Sống cũng tanh chết cũng tanh
Thế kỷ buồn như chó ngáp
Liếm đuôi sủa gió bạo hành…
IV.
Gió bạo hành mây bạo liệt
Bờm rung thống thiết giang đầu
Bóng đi đâu dâu xanh ngất
Hình về đâu mây trắng phau
Chữ ứa cơn sầu cỏ mật
Thơ ghìm tiếng nấc vực sâu
Lời muốn tỏ mà quên mất
Tìm nhau chớp mắt đêm thâu…
V.
Mần thơ trao gửi bóng hình
Hài nhi khóc ré vô minh
Thưa tử cung bẩm cửa mộ
Xá sanh môn lạy cửa mình
Hươ hai tay tìm sau trước
Đạp hai chân khều tử sinh
Sớm mai chim chuyền bụi ớt
Bờ tre khóm trúc rung rinh…
VI.
Rung rinh lá động gió đưa
Vạt áo đường thu gọi mưa
Bóng ơi đừng tan chi vội
Hình ơi khoan biến nghe chưa
Câu hát nao lòng bến cũ
Nụ cười tươi máu hiên xưa
Chiều hôm chim kêu rát cổ
Rừng âm thổ huyết dâng mùa…
VII.
Rừng âm trổ lộc tuyết băng
Chữ hồn nhiên cất tiếng rằng:
Bóng huyễn mưa trăng khắc vợi
Hình hư gió ruộng cầm bằng
Thơ chắc gì đâu nghe thấu
Đời mong chi nữa nói năng
Bóng quên hình hình quên bóng
Cống xang hò xự xê xang…
10.2011

Gửi Quoảng Nôm
I.
Chưa mưa đất đõa thấm rồi
Chưa nhấp rượu đõa mềm môi
Câu hoát hay kinh thiệt hỉ
Bừa thơ lọa gướm rứa thôi
Đứa nồ ưng núa thì núa
Thèng mô thích cười thì cười
Núa cho hung cười cho sướng
Tồ lô thiên tẹc đõa đời…
II.
Đõa đời rồi cũng ngay đơ
Trời néng cực đất mệt khờ
Gứa méc tịt móa đỏ lưỡng
Trưa dị òm tưa đỏ lơ
Lồm cứa chi mô rứa hỉ
Hủa tựa sô reng ri nờ
Bóa lốp bá xồm giỡn miết
Boa nhe núa lứa ỡm ờ…
III.
Núa lứa ỡm ờ cho vui
Chồn lui chồn lủi chồn lùi
Đoàn bòa thì thích nấu nướng
Đoàn ông thì thích đông d[v]ui
Ngẫm nghĩ bốn lần bấn loạn
Cù cưa sáu mẹc hên xui
Bòn coa xứa lụm quên trớt
Côm lưa khổ tận vỗ đùi…
IV.
Vỗ đùi lồm một cứa trót
Rượu gộ ưa uống nấy rót
Mưa thúi đất chẻng roa reng
Lụt beng đồng thôi trớt huớt
Rứa đó biết lồm sô chừ
Ri nề chẻng núa chi được
Lủm một miếng lồm một ly
Ực một hơi nghe cứa ót…
V.
Đất Quoảng Nôm cổm thương nhiều
Chưa mưa đõa thấm… núa liều
Thương cho lắm rồi phọt phẹt
Nhớ cho hung rồi đẹt điều
Sân tâm hèn chi lứa dủm
Si tình nên phửa lộn lèo
Toang thương gió vùi mưa dập
Chiều chiều lựa nhớ chiều chiều…
VI.
Chiều mô rứa đó quê nhòa
Niên thiếu bây chừ trôi xoa
Cuống rốn còn rung đất mẹ
Mứa đầu vẫn rợp trời choa
Gụa mữa trên đường thiên lý
Kêu hùa giữa chốn người moa
Rứa đó hơn nửa thế kỷ
Sô còn khờ khộ rứa toa!!!…
VII.
Sô còn quay quét chiêm bô
Câu thơ ứa máu cứ trồ
Bông bụt đỏ lè trước ngõ
Hoa em tréng hếu ngùa ô
Rứa đó ngó hùa rứa đó
Lồm sô dòm miết lồm sô
Bây chừ vẫn còn ú ớ
Tiếc hùa một giấc chiêm bô…
10.2011
Chú thích: Bài thơ nầy, lấy hứng từ hai câu ca dao:“Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm/Rượu hồng đào chưa nhấm đã say…” Toàn bộ bài thơ được viết theo âm, giọng Quảng Nam (âm, giọng nầy, người viết đã ngấm sâu trong xương tủy, dù đã xa quê từ buổi thiếu thời,) để riêng kính tặng người xứ Quảng Nam, xem như ân tình sâu nặng của tác giả đối với nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Ở đây xin phép không chú giải âm, giọng Quảng Nam để đối chiếu với âm, giọng Việt Nam chuẩn. Bạn đọc nào không phải là người xứ Quảng Nam thử tự “dịch” bài thơ nầy sang âm, giọng Việt Nam chuẩn thử xem! Nếu “dịch” không được thì nhờ người xứ Quảng Nam “dịch” giúp, sẽ có thêm hiểu biết, kinh nghiệm về âm, giọng của người Quảng Nam.
Ngoài ra, người xứ Quảng Nam còn có biệt tài nói lái thuộc hạng đệ nhất cao thủ Việt Nam. Nói lái là cách đảo chữ, đảo ngữ, đảo âm thành một nghĩa khác, thông thường là lắc léo những chữ, câu, tục mà thanh, có tính cách bông lơn, vui đùa mà thâm thúy, tạo ra những tràng cười sảng khoái, quên đi những cơ cực, nhọc nhằn trong cuộc sống đã vốn dĩ. Đảo chữ, đảo ngữ, đảo âm có khi phải “dịch” đến ba bốn lần mới ra nghĩa nói lái. Trong bài thơ nầy có 2 từ kép: Đông d[v]ui, nấu nướng, bạn thử “dịch” bốn lần bấn loạn thử xem?! Tất nhiên là “Vui thôi mà!” Như ý kiến của đại huynh Bùi Giáng.
Nguyễn Lương Vỵ

Trích lại từ sangtao.org