Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

THƠ CUỐI NĂM

TỪ HOÀI TẤN
thơ cuối năm

Buổi chiều mưa bất chợt trái mùa
Khúc trầm bên chén trà
Người phụ nữ bước qua bên kia đường đón xe búyt
Dưới tàng cây che phủ vệ đường núp mưa những cô gái nhỏ xì xầm
Cảnh tượng chiều xám
Một vì sao trên cao và con mắt dõi tìm
Ngày cuối tháng, tháng cuối năm
Những chiếc xe vội vã
Lời nói gửi theo nụ hôn gió
Giã từ giã từ
Cơn mưa cuối của ngày
Cơn mưa cuối cùng năm
Bên người em gái gặp lại sau một thời gian dài
Đốt lên ngọn lửa ấm
Tình bắt đầu một năm



NGUYỄN MIÊN THẢO
Giáng sinh của riêng Anh

khi Chúa ra đời anh còn trên sạn đạo
giữa đêm đông hoang lạnh đến vô cùng
anh đi tìm em đêm dài vô tận
ơn Chúa lòng lành ,Người hiểu được anh không

Chúa mãi mãi là hài nhi mà anh thì bạc tóc
Chúa ấm áp trong hang anh lạnh lẽo trong hồn
em giáng sinh anh giữa ngày xuân muộn
anh tự đóng đinh mình không một chút ăn năn

và từ đó anh thành con chiên ngoan đạo
Chúa là em em là Chúa khác gì
đêm thánh vô cùng hoá thành giông bão
chiếc hang đời giam lỏng cuộc tình si

giờ phút Chúa ra đời anh nhớ em da diết
đêm giáng sinh xa cách đến muôn trùng
anh vẫn đi tìm em trong dư âm tiếng hát
lời Thánh buồn cứ đuổi riết sau lưng...

(Đêm Giáng sinh 24 rạng sáng 25.12.2008,Sài Gòn)

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2008

CUNG TÍCH BIỀN : Bùi Giáng, nhà thơ của ngày tháng ngao du

buigiang0 Thi sĩ Bùi Giáng đã ra đi. Cuộc rong chơi rất đỗi tài tình của ông rồi cũng tạm ngưng. Ngưng phần hình. Phần hồn hãy tiếp tục tồn sinh cùng sử lịch qua tác phẩm của ông và chính cái sống rất mực Bùi Giáng nơi ông. Bùi Giáng giờ đây đã thong dong bỏ chân xuống tháng ngày một cuộc lữ tao nhã khác, cho riêng một đời thiêng Hoàng hạc.

Bùi Giáng đã trải một cánh bay dài mênh mông chiếc bóng trong bầu trời Thi ca Việt Nam nửa thế kỷ qua. Có thể mai kia, khi thần thái xã hội bình an hơn, việc thẩm định những giá trị được công bằng, trường hợp Bùi Giáng sẽ lại được lật qua lộn về tự do, nghiêm túc hơn.

Tôi viết bài này như một tri ân đối với những gì Bùi Giáng lưu dấu nơi tôi.

* ĐÔI LỜI PHÂN VÂN THƯA TRƯỚC

Hiểu về Bùi Giáng là khó; viết về ông thật vô cùng khó; nhất là Cõi Thơ riêng ông. “Làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác”. Bùi Giáng từng nói như thế. Nhưng tùy nghi vào thể điệu rong chơi ngôn ngữ của Bùi Giáng thì nó không hẳn thế. Ba đào, chân trời? Hay Ba chân trào đời? Ba đời trào chân? Hay chân, trời, ba, đào? Hay chân-trời-ba-đào? Dìu ba đào về chân trời? Hay làm thơ là dìu chân trời về ba đào? Một trôi giạt đến mênh mông, ngay từ thế sự ngữ ngôn. Thật khó cho cách thở và cách nghĩ của người viết về ông - dù thở đủ kiểu và nghĩ ngợi ngay trong lúc chiêm bao.

Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay(1)

Ðây là câu thơ đẹp ở nhiều góc độ, nhưng nó rất có… vấn đề. Với một số não trạng thì nó rất mông lung, người đọc sẽ không nắm rõ chủ đích của tác giả như khi đọc câu: “Nếu anh sản xuất tăng gia, là em thu hoạch bò gà sắn khoai”. Cái gì là áo mù sa? Và ta vào supermarket nào để tìm cho ra cái phong nhụy quần? Do vậy, viết về Bùi Giáng không phải cho quan nào cũng đọc.

Trong Lễ Hội Tháng Ba Bùi Giáng chỉ ra một con đường không có bốn bên mép rìa: “Ðó là tiếng nói Tinh Thể Uyên Nguyên của thơ. Thy Sỹ đã bước vào Vòng Tay Rộng Rãi của Thiên Nhiên, và cuộc tiến nhập đó đã đặt người Thy Sĩ trong Cõi Nguồn Tinh Thể của mình”. Ðây là một đoạn viết hoa gấm nhưng dễ hiểu về mặt trực nhận. Nó hãy còn xôn xao dưới lớp từ ngữ kia những ẩn nghĩa rất cần thiết tìm ra để lý giải cho tận ngọn nguồn. Nó lại đòi hỏi một song trùng tĩnh luận về Thiên Nhiên - Nhà Thơ, Tinh Thể - Tạp Ngoại Thực Tại, Biến, Dịch… sau cùng là mối “liên hệ, phân hủy, lập dựng”, giữa Những-Cái-Tôi trong một Vũ Trụ Riêng Tôi.

Quả thật, viết về Bùi Giáng là tôi làm cái việc chỉ vào cục gạch mà bảo rằng đây là Như Lai phu nhân

1. BÙI GIÁNG- VÀI NÉT CHÂN DUNG

Bùi Giáng sinh thời có một khuôn mặt kỳ dị với một cặp mắt của rắn. Nó tròn vành vạnh, sắc sảo; khi Bùi Giáng nhìn tự nhiên là rất thông minh hiền từ; khi trừng trừng chú mục nó biểu lộ một tinh lực rực lửa, kỳ bí; nó có hai màu đen trắng quặn nhau, như cái hình vẽ biểu tượng cho thái cực; đôi mắt ấy luôn rực sáng, như hai vì sao; nó là cái lò luyện đan để tất cả lời thơ phi phàm bốc khói mây.

Ông có nụ cười khá bảng lảng, tha thứ; một giọng nói hiền hòa, không phân tranh. Hai đặc trưng này họa ra một Bùi Giáng trọn một đời phiêu bồng, ngoài Cõi, không tơ hào đến mảy may danh vọng quyền lực, không vợ con, không mái nhà; ông sống tha thiết với cuộc đời nhưng thường trực ngay ngã ba ngã tư những con đường lem luốc bụi giang hồ; dù thơ ông rất trang trọng, trí huệ.

Lý Bạch xưa đã từng uống rượu của triều đình, Ðào Tiềm đã lỡ ra làm quan sau mới Qui khứ lai từ. Bùi Giáng không hẳn đã hơn Ðào Tiềm, Lý Bạch nhưng ông không giải quyết bế tắc như Khuất Nguyên mà ông thanh thản rong chơi, kịch liệt đùa rỡn; luôn thông thái đổi mới cách chơi ngày ngày; nguy nga tạo dựng một nhân sinh quan rộng tỏa trên mọi nẻo đường tư tưởng; mãi tràn lan cuộc vui cùng nhân gian tháng rộng năm dài.

Như chúng ta, ông vẫn có nỗi buồn, vẫn nghe trong hương thời gian hắt hiu nỗi đau, vẫn sống vào một thời đạn bom [đạn bom tiếng nổ và đạn bom của Lời; đạn bom thảm họa hiểm nghèo và đạn-bom-thương-nhớ] nhưng ông đã gởi cuộc đời mình vào cái thế giới huyền nhiệm của Thi ca, đã “tàn dưới nguyệt” cho trò chơi riêng của mình.

Ông cũng đã, như chúng ta, được ân sủng và cùng lúc chịu tác hại từ thánh nhân, sách vở, tư tưởng, đạo lý, nhưng ông đã minh triết hóa giải nó vào một cuộc Ðiên. Một thế giới điên của nung nấu lửa tam muội, của bên kia bĩ ngạn. Một lẽ Trung Dung trác tuyệt, trong cái Ðiên. Bỏ nhầm cuộc đời xuống nhân loại buổi ấy chỉ có tả và hữu, ta và thù, chiến tranh là thường trực, hòa bình chỉ là một nhịp thở ngắn ngủi, Bùi Giáng đã có một thần thái đĩnh đạc để ngắm về nó, xem như bóng mây.

Sống giữa đời, ông có khả năng lấy mật đắng ớt cay làm ngọt. Ăn cơm để thiu nguội rất nhiều ngày. Ông ăn chè ngọt nấu cả với tương chao, nêm vài con mắm. Ông nổi tam bành lúc người đời lẽ ra nên cười, được phúc đắc lợi. Ông rất vui với những ngày chói lòa ánh dương trong một thị thành mà nhìn xe cộ tưởng hươu nai: Buồn phố thị cũng xa bay như gió/ Cộ xe nhiều cũng nhảy bổng như hươu/ Bờ cõi dựng em xuân xanh còn đó/ Bến đào nguyên anh khoác áo khinh cừu. Ông lạ sinh hoạt đời thường, lạ trong thi ca, tư tưởng. Ông rất đỗi cô đơn tự đọa đày; vầy cuộc chơi múa hát chỗ vô thanh, đùa giỡn quỷ thần, tương đắc với kẻ trong mộ, nhớ nhung người sẽ tới. Ông trào lộng tuyệt cùng giữa bi đát, siêu thoát ngay giữa một tồn sinh tinh mật. Nói chung cuộc sống của ông khá bí ẩn và kỳ dị.

2. BÙI GIÁNG –NHỮNG GIAI THOẠI TIÊU BIỂU

Ðã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông; vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thực hư. Xin lai rai vài chuyện tiêu biểu.

Chuyện thứ nhất. Xưa kia ở Quảng Nam, quê chúng tôi, người ta kể rằng khi còn trẻ Bùi Giáng đã có vợ. Vợ sớm qua đời. Hôm tẩm liệm, ông nhờ người hàng xóm làm thịt 21 con gà. Ông thành tâm bỏ thịt con gà còn sống vào quan tài tẩm liệm người vợ thân yêu. Họ hàng thấy quái. Bèn can ngăn. Ông bảo: “Vợ tôi ưa ăn thịt gà, nay có thể lên thiên đường hoặc xuống địa phủ chi đó, thịt gà đâu ăn”.

Câu chuyện trên là hoàn toàn khó tin. Bịa đặt, phao tin đồn nhảm, gia đình người ta kiện cho. Nhưng cái tuyệt hảo ở đây là người đời đã rất đỗi yêu ông, giai thoại trên như một phóng họa phần nào những quái ảnh kỳ tâm nơi một Bùi Giáng lắm điều xem ra bất khả tư nghị. Bà đi thể điệu bước ra/ Tay khăn tay áo là hoa thêu thùa/ Bà về cỏ rậm dậu thưa/ Đêm tàn cấm nguyệt chiều trưa lâm tuyền.

Chuyện thứ hai. Vào đầu thập niên sáu mươi có lúc ông đi dạy Việt văn ở trường trung học tỉnh lỵ. Một hôm giảng Truyện Kiều, đến chỗ nàng Kiều phải hồng trần lưu lạc, thầy Giáng khóc òa. Khóc vỡ tan. Nhảy phóc qua cửa sổ lớp học, băng bộ ra bến xe, về Sài Gòn. Học trò nam nữ ngồi chờ mãi, tưởng thầy đi đâu đó sẽ trở lại. Trên bàn sách vở, bao thuốc lá hãy còn. Hóa ra thầy “bay” luôn, bỏ lớp bỏ trường, bỏ cả tỉnh lỵ nhiều năm sau. Hỏi hà cớ. Thầy ngậm ngùi nói mần răng trở lại nơi Em Kiều đã một lần hy sinh cho cái trò chơi nhân gian kỳ ảo chỗ liên tồn.

Nguyễn Du xưa kia đã một lần than thở “Ðịa địa xứ xứ giai Mịch La”(2). Bùi Giáng hôm nay cũng có thể.

Sau này, đọc Mùa Thu Thi Ca, đoạn nói về Ðoạn trường tân thanh, ta thấy ông viết:

“Nguyễn Du không kinh hoàng nhảy lui. Cũng không bị tẩu hỏa nhập ma rú lên một tiếng như Zarathustra also sprach. Ông đạm nhiên làm Nam Hải Ðiếu Ðồ. Kẻ câu cái gì tại Nam Hải?

Ðáp cho câu hỏi ấy, ta mượn một câu thơ Phùng Khánh:

Con làm Nam Hải Ðiếu Ðồ
Ngồi câu con Cá Hư Vô Tâm Hồn.

Tựu trung mỗi phen sờ mó vào Kiều nhi, vừa chạm tới những tuyệt diệu từ lãng đãng phù động kia, chớm gặp Xuân đã ngộ phải Thu, vừa ướm hỏi ra Thu đã vấp phải Ðông Phong Thanh Hạ, vừa tân thanh ngâm bãi đã trường đoạn thê nhiên, chợt mới hội thương tình đã hốt bách cảm sinh, mới vừa mơ màng nhìn Hồng Lĩnh vân phong đã giật mình nghe ra Tiền Ðường triều tiêu, chưa kịp qui ẩn kinh, đã bàng hoàng với phiến oan thanh. Bỏ ra Nam Hải buông câu chỉ bắt được Hư Vô Con Cá…”

Chuyện thứ ba. 1975. Thời của thu vàng một loáng hóa rừng phong hoang hồng, xao xác đến muôn trùng số mệnh con người hoa cỏ. Tôi có dịp lai rai sống với Bùi Trung Niên Thi Sĩ. Thưở ấy đói kinh. Người người tăng gia, nhà nhà sản xuất. Cuốc đào cả lề đường hè phố, vườn biệt thự, trồng luống khoai hàng sắn. Cày xới nát bộ não vì cái ăn, cái Ði - Ở. Tâm linh màu chì.

Một hôm chúng tôi đang đi long nhong gần nhà thờ Ba Chuông kiếm vài chung quốc lủi, Bùi Giáng bỗng nói: nè cha, ta về nhà chút đã. Tôi hỏi về mần chi. Ông bảo cho heo gà ăn chớ không tụi nó chết. Hóa ra thi sĩ cũng tăng gia sản xuất. Về nhà - trong hẻm, gần cổng xe lửa số 6 - đã thấy ngay trước hàng hiên có mấy con… heo đất, mấy con vịt nhựa - loại được khoét một đường rãnh trên lưng, để bỏ tiền tiết kiệm. Chúng được đặt trong rọ, hoặc úp bằng những cái rổ đàng hoàng, như heo gà thật. Bên con heo đất hãy còn mấy cọng rau tươi, nơi gà vịt nhựa có dăm hạt gạo vung vãi. Hỏi. Một người bà con nói nhỏ với tôi: “Phải chăm sóc cẩn thận, ảnh về thấy heo gà không có thức ăn ảnh khóc”.

Trên đây, ba giai thoại tiêu biểu về mỗi thời kỳ Bùi Giáng.

Giai đoạn đầu, thuở liệm vợ bằng thịt gà sống đã phôi pha hoang đường, định mệnh chỉ ra ông sẽ là một hiện tượng kỳ vĩ, khác người. Một cái Ðiên đang hăm he cái Tỉnh. Một Muôn Ðiệu Tài Hoa sẽ vùi chôn người Bùi Giáng thường tình. Cuộc điêu linh sẽ gạn lọc, phiên dịch, phơi bày ông ra giữa trận đồ hoang vu nồng cháy của Phố Thị Ðìu Hiu, của Mù Sa Cố Quận. Sông ơi em bỏ sa mù/ Đi thiêm thiếp cõi quân thù gọi nhau/… Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi.

Giai thoại thứ hai nhằm vào thời ông rời quê nhà - xứ Trung Việt nơi ông đã từng chăn dê; đã lùa bò vào đồi sim trái chín - để vào Sài Gòn; là khởi nguyên nơi ông mùa tinh hoa tụ hội: Thi tập Mưa Nguồn chào đời. Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.

Sau đó là những tuyệt phẩm: Lá Hoa Cồn, Ngàn Thu Rớt Hột, Mùa Thu Thi Ca, Ðường Ði Trong Rừng, Sương Tỳ Hải, Sa Mạc Phát Tiết, Sa Mạc Trường Ca, Trăng Châu Thổ, Lễ Hội Tháng Ba, Sương Bình Nguyên, Biển Ðông Xe Cát, Lời Cố Quận, Ngày Tháng Ngao Du v.v… Ông dịch vô số tác giả từ Đông chí Tây, cổ kim; dịch rất tài hoa thông suốt, như Hoàng Tử Bé, Ngộ Nhận, Khung Cửa Hẹp, Kim Kiếm Ðiêu Linh, Hòa Âm Ðiền Dã v.v…

Sức điên, sức rong chơi, sức đọc, sức làm việc của Bùi Giáng là vô cùng tận. Ông là tượng trưng cho sự nhạy cảm, sự thông minh thoáng đạt, và sự bất định, bay bổng. Ðây là tai họa tự chính ông - tự đọa đày trực diện. Lúc này ông đã là một hấp lực kỳ vĩ với người đọc. Ðọc ông là si mê mơ màng, là lơ đãng tìm ra thuốc chữa cho một cần thiết thoát ly, đối kháng, chối từ, tái thẩm định. Là dìu dặt vào hương vị đắng cay mật ngọt thời hoang hóa hòn đạn làm nổ trái bom, điêu linh giữa tồn sinh phân hủy, giữa gươm đao đang thừa mà hụt hao nhân ái. Là chiến đấu thoát vượt cuộc khổn vây công bằng tự do; một xô bồ rừng rú tư tưởng; một trần gian xanh đen đến tiêu hao, phân ly chính mình. Bờ Lúa của Bùi Giáng:

Em chết bên bờ lúa
Ðể lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con

Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Ðêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya cuốn gió

Mười năm sau xuống ruộng
Ðếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn rỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội

Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang.

Giai thoại thứ ba là hiển thị cuộc hí lộng đã dắt díu thi sĩ chơi với đồ nhựa vô tri. Ký gởi sự sống trên những “con-vật-không-có-sống-không-có-chết”, là lúc ông xấn tới tột đỉnh đất trời đổ lộn nguyên khê. Ông tỉnh táo trong một trạng thái đặt biệt của người điên. Ông sắp xếp cái Ðiên theo cách người tỉnh. Cái điên phần nào giúp ông siêu thoát. Nhưng cũng đặc biệt đọa đày cho ông là chính ông ý thức về cái điên của mình: Xuống sông xuống biển hãi hùng/ Mà không thể giết được linh hồn mình/ Trải bao nhiêu trận bất bình/ Cuồng điên tôi tự giết mình tôi chơi. Là tự hiểu: Tôi từ khởi sự cuồng điên/ Tôi từ uống rượu triền miên tháng ngày/ Hét la tháng rộng năm dài/ Tình yêu tiêu diệt từ ngoài tử sinh.

Khoảng đầu thập niên 70 có lần người ta đưa ông vào nhà thương Biên Hòa chữa cái bệnh đứng ngã ba nhìn ra ngã bảy. Từ nhà thương điên trở ra, bữa gặp nhau thấy ông rất tỉnh, tôi bèn hỏi một câu thường tình: “Nhà thương điên Biên Hòa trị cái tẩu hỏa hay hỉ!”. Ông trả lời tỉnh queo: “Chữa trị quái gì đâu. Chẳng là ở ngoài mình thấy mình điên số một, khi vô nhà thương điên mới hiểu ra mình là đồ bỏ, điên nhí, điên tiểu thủ công nghiệp; trong nhà thương điên nhiều cha điên thượng thừa, điên vĩ đại hơn mình nhiều. Do vậy mà mình tự động thôi điên”.

Có thể Bùi Giáng chẳng điên. Thiên địa nó tẩu hỏa nhập ma; chính thái cực lưỡng nghi nó lôi ông vào trận địa gây cấn tà huy. Hãy đọc một đoạn nhỏ trong Mùa Thu Thi Ca, sau khi nhà thơ đứt phèo phổi được tin Marilyn Monroe đang lộng-lẫy-một-tòa lại tự động chuyển-sang-từ-trần bên trời Tây:

"Mọi Nhỏ - Tại sao chị tự tử
Monroe - Tại vì chị là người da trắng. Huống hồ nữa là…
Mọi Nhỏ - Là sao huống nữa?
Monroe - Huống nữa là màu da trắng của chị còn trắng hơn tất cả màu da của mọi người da trắng khác.
Mọi Nhỏ - Thế nghĩa là màu da trắng của chị đã đạt quai nhai cảnh giới của lô hỏa thuần thanh thánh thần thiên tiên liên tồn tố bạch?
Monroe – Nhiên
Mọi Nhỏ - Sao gọi là liên tồn tố bạch?
Monroe - Tố bạch là tách bộ.
Mọi Nhỏ - Còn liên tồn? Cũng đồng nghĩa với tồn liên chăng?
Monroe - Nhiên”.

Sau, chết rồi mà em Monroe lại gặp tình cờ em Mọi Nhỏ. Mọi Nhỏ lúc này đã dấn mình một cách nhiệt huyết vào trung tâm điểm lửa đạn chiến tranh Việt Nam. Monroe ngậm ngùi hỏi:

"Monroe - Chị tự tử đã đành. Sao em cũng tự tử? Em ở trong rừng mát mẻ, em tự tử làm gì cho phí mất màu da bồ quân bánh mật của em như thế?
Mọi Nhỏ - Em đâu có tự tử. Chính là thật ra cái hòn đạn nó tự tử em.
Monroe - Hòn đạn nào như thế?
Mọi Nhỏ - Hòn đạn hoặc trái bom gì đấy. Nó nổ một trận tam bành. Nó tự tử mất em, đồng thời với cái truông đèo thơ mộng chiều hôm qua.
Monroe - Sao em không dời đi nơi nào ẩn trú, lại ở yên một chỗ mà chờ đợi đạn bom mà làm gì như thế?
Mọi Nhỏ - Dời đi nơi khác thì đồng thời phải dời cái truông đèo đi nơi khác. Em sức mấy mà làm cho xuể sự đó. Kể ra lúc bấy giờ em cũng định lặn xuống ở dưới đáy nước cái khe kia thì thật là bảo đảm nhưng không kịp. Cái bom nổ còn chớp nhoáng hơn cái ý định nảy ra trong đầu óc em.”

Ðâu phải con người không chuẩn bị kịp cho một trái bom nổ chớp nhoáng. Trong kiếp người chúng ta có những cái vô-cùng-không-kịp. Ðã vô cùng từ bỏ vườn cũ truông đèo không mang theo, trong hun hút máu xương. Ðã một phương trời gom nhặt từng phút sống, mà vắng mất nắm đất bên đàng chỗ cổng làng khe nước rẫy nương. Bây giờ ta hỏi lại thu/ Khu vườn lá ngọc sao thu phiêu bồng. Nơi hải giác thiên nhai, anh hay tôi, Em Mọi hay Ðêm Nguyệt Cầm Ca - Li, đã thức giấc nỗi lòng Nhật mộ hương quan hà xứ thị(3). Và đâu phải anh tự do hân hạnh được quyền có hay không cái tẩu hỏa nhập ma. Trái bom nó - tự - tử - em kia mà.

3. BÙI GIÁNG- TỀ THIÊN NGÔN NGỮ.

Thơ Bùi Giáng còn với người đọc bây giờ hay không? Với thời gian, hiện thực luôn bị xé rách, cầy xới, đào thải. Lỗi thời ngay khi còn là bây - giờ. Mỗi sát na, nghệ thuật mỗi chuyển dịch, thay áo, vì cái kỳ cùng tốc độ thế kỷ. Nhưng ngay hôm nay vẫn có một số đông người thưởng ngoạn say mê Bùi Giáng. Vẫn thấy lạ ý tưởng. Vẫn thấy mới ngôn ngữ. Vẫn nhận ra ở đó một thế giới giàu mộng tưởng, đôi khi sầm uất những linh cảm xuất thần. Người đọc rất đỗi hoang mang bay bổng, kỳ thú, dù có chỗ khó thể hiểu thấu đạt thơ Bùi Giáng, nhưng cảm được. Ðọc qua mắt, bằng đầu, với trái tim, từ hồn. Một hồn rất nhẹ, rất bơ vơ, rất rộng xanh của biển trời, và rất khắc nghiệt trí tuệ của thời đại. Từ đó, tiếp cận thơ Bùi Giáng người ta nghiêm chỉnh bâng khuâng, và được dịp rong chơi trong một não trạng bấy lâu khô hơn nhựa, cần thiết phải thích ứng bon chen.

Bùi Giáng không hề cực nhọc hô hào nhiệm vụ giáo dục quần chúng, văn dĩ tải đạo mà là những phóng mình đỉnh điểm tự do cho riêng người thưởng ngoạn. Nhưng rõ ràng Cái Ðẹp cần nó, và Ðạo không thể thiếu nó: tự do viết, tự do đọc, tự do tư tưởng.

Với Bùi Giáng, tuy Ðau, nhưng tất cả là Rỡn là Rong Chơi, trò chơi, cuộc chơi. Hí trường này bảng lảng mà không thiếu xót đau một quá trình khổn bách kiếp người. Nếu Ông Trời Xanh và Bà Trời Trắng nói được, nếu Như Lai và Như Lai Phu Nhân hạ cố, nếu Phó Như Lai và Phó Như Lai Ái Nữ mà trả lời được, sẽ trả lời mệt nghỉ, với những Ðiều Rỡn mà Bùi Giáng lót đường huyền ẩn như kinh. Khi còn nói Xử thế nhược đại mộng/ Hồ vi lao kỳ sinh(4) là còn so bì, chẳng là chơi. Ðiên chơi cho bớt điên đầu/ Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi/… Buồn vui ai biết đâu ngờ/ Nằm trong tử diệt nhớ giờ tái sinh… Rỡn, Chơi, có thể là hình thái sinh động nhất, rất mực nghiêm chỉnh cho một săn đuổi thực tế, làm chủ những trò ảo hóa mà tự nhiên xã hội cùng thiên nhiên kim cổ hãy còn tàn nhẫn giấu mặt.

Ðầu tiên là Bùi Giáng chơi ngôn ngữ thiên tài. Ông xài chữ một cách hào phóng, phung phí. Ông tự thân thoát khỏi ý nghĩa ngôn tự, ngữ cảnh nhào lộn, đu bay, không gốc rễ, như cảnh ráp nối người giữa không trung cuộc nhảy dù biểu diễn. Như cái pháo hoa xòe cánh trong đêm Hội, thể hiện cái rực rỡ rất đỗi đánh thức, lại rất đỗi phù du. Do bản thân sự ngao du rong ruổi trong sa mạc chữ nghĩa, trong thế giới ảo hóa này, thơ Bùi Giáng tạo cho người đọc một giá trị cảm thức sâu sắc, bàng hoàng, đẩy tới những hoài cảm, tưởng vọng mênh mông hơn chính ý lực của bài thơ, mà từ đầu tác giả muốn hàm gởi.

Bùi Giáng giàu ngôn ngữ như cát bãi biển. Mỗi chữ lại ẩn tàng nhiều mặt biểu hiện, đa dung mạo, đa nội lực. Nó có khả năng biểu thị rộng lớn cái Tận Cùng Ý Nghĩa, không phải Ðã - Nói, mà là Sẽ - Nói. Ðầu khe lá cỏ phai rồi/ Đã vang tiếng ngựa bên lời ước mong/… Em nhìn nhé giờ đây ta trở lại/ Nghe giậy hồng một mùa cũ tái sinh.

Ông dùng từ Hán Nôm đến mức tuyệt hảo, và đảo lộn, nói lái, trá hình, ngẫu hứng, ẩn dụ lại rất mực tài tình. Ðôi khi chữ dùng của ông tuồng vô nghĩa nhưng là một mật ngữ, mật mã. Ông phóng khoáng, rất coi thường hạng người mà ông cho rằng bọn hương Nho, Nho nguyện, mọt sách, bỏ câu chữ lên bàn cân xem bao lạng rồi mới dùng; ông khinh bỉ bọn viết lách cứ tả núi phải có đỉnh, tả con bò phải có hai lỗ tai. Vì chỗ tế nhị này mà rất nhiều người - hàm cả người làm thơ viết văn - đã dị ứng, đố kỵ, không hiểu, rồi không chịu được Bùi Giáng. Họ không muốn đọc, hoặc có đọc mà thiếu khả năng thẩm thấu thứ chữ nghĩa nhảy múa, bay lượn như gió, biến hóa của mây. Họ từ khước ông khi ông còn đi trên mặt đất. Họ cư xử với ông bằng thái độ trong “nội ô của nhà thương Biên Hòa”.

Chỉ hôm ông qua đời, đột nhiên - nhưng không đáng ngạc nhiên - tất cả môn phái “ngũ nhạc”, không kể chính tà, hữu chiêu vô chiêu, nhà văn thượng thư cùng nhà văn vỉa hè, đều tề tựu trước quan tài Bùi Giáng đầy đủ. Phàm nhân của hai chân lý đối nghịch bên này và bên kia Pyréneés đã may mắn có một dịp nhịp nhàng, thầm lặng nghiêng mình dưới chân Núi.

Toàn bộ thơ Bùi Giáng không có cái cách làm dáng trí thức, gây nhiêu khê đến rắc rối hoặc làm loãng cuộc chữ nghĩa đẹp đẽ trong tiếng Việt nghìn xưa vốn có. Ông là một nhà thơ triết nhân nhưng không hàm nghĩa thơ phải nêu chí cao trí cả như quan niệm cổ điển hằng mong đợi ở thi nhân. Trừ những thơ văn xuôi triết luận - và những bài thơ ông dịch tam bành qua một trận thấu triệt đến ngọn nguồn, mà khó nói ra cặn kẽ khi đương đầu cùng Heidegger, Rilke, Hoelderlin, Shakespeare, Neitzche… thơ Bùi Giáng hầu hết hình thành qua ngôn ngữ thông thường, xã hội càng ngày càng dùng nhiều hơn, rặt nôm, lại lắm khi những ngữ từ rất lem luốc bụi giang hồ. Nó đã nhẹ tênh, gần gũi, tự nhiên như nói chuyện, giản dị đầm ấm như ca dao. Nó rất kỳ cục, thường hằng, nhưng tinh tế. Nó rất đơn sơ như là một chứng minh cho kĩ thuật thượng thừa của Bùi Giáng.

Trong lịch sử văn học nước nhà ít thấy thi nhân nào - kể cả thi nhân ta rất mực mến yêu thờ phụng như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tản Ðà - bày cuộc vui chơi chữ nghĩa đó đây một cách đơn giản nhưng thâm thúy, trù phú và thiết tha ngộ nghĩnh như Bùi Giáng. Ghì môi cơn mộng la đà/ Tiêu dao suốt cõi mù sa bên rừng/ Nửa vời trăng rộng mông lung/ Đường xa nghi hoặc tháp tùng ni cô/… Tôi chấp nhận trăm lần trong thổn thức/ Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm/ Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt/ Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em.

Bùi Giáng có một não trạng khá đặc biệt; giật mình mơ hoang có thể mỗi cánh chuồn chuồn bay chiều; mỗi dặm hài hôm nay không còn động vang của Thúy Kiều; bắt gặp màu xanh trong sắc tím; nghe ra hơi thở của Lão Trang từ nghìn dặm phả về. Con nai vàng ngơ ngác đạp lên lá vàng khô? đã là một sự quá ư nặng nề, giày xéo đối với ông. Phải nhẹ hơn nữa kia. Nhẹ hơn cả hư không rỗng trống.

Vì cái não trạng vọng viễn phi biên giới kia mà khi tiếp cận với những Khổng Tử, Hoelderlin, Heidegger, Homère, Empédocle, Nerval, Whitman, Lão Tử, Nguyễn Du, Khuất Nguyên, Vương Bột… là cùng lúc Bùi Giáng phải chịu đựng một sự công phá chính tâm hồn mình. Ông băng băng dong ruổi trong mông lung tri tuệ rất mực uyên bác, sầm uất tưởng tượng, chói lọi cái bãi hoang vô thức từ im lìm bấy lâu giấc ngủ. Ông bất trắc dẫm lên một mặt đất rạn vỡ, bất nhẫn và vô tình trùng phùng một định mệnh tùy ngẫu, trói buộc. Lại bất trắc bị trùng vây bởi một trận đồ ngôn ngữ của thơ, của hồn thơ. Của Ðiên. Và của Ý Thức Về Cái Ðiên. Sự thể ấy làm ông rất đỗi sáng suốt trong điên đảo, chưa nói một đã lộ lồ mười, đi trên đường độc đã thấy muôn nghìn ngã ba ngã bảy, chưa kịp nhớ Mẫu Thân Phùng Khánh đã hoài Nam Phương Hoàng Hậu, vừa sớm mai tươi sáng bình sinh đã chợt tồn vọng cơn thảm đạm đêm Xiêm La Hy Lạp; thế rồi ông viết tràng giang, bằng cả vô thức, ông cuồng ngây tẩu hỏa dịch bừa sang thơ Việt cả những đoạn triết luận chằng chịt; ông khai triển Nguyễn Du bằng cách hợp lực làm thơ ký chung Nguyễn Du - Bùi-Trung-Niên-Thi-Sĩ.

Ông củng cố, ông dịch, ông chuyển tải tư tưởng bằng cách bá láp [chữ của Bùi Giáng] triệt hạ nguyên bản; khuynh đảo chữ nghĩa bằng cách lạ thường; biến những chữ cụ thể, những nghĩa đã chết trong sự củng cố để trở thành một hiện trình khác hơn, lại rất thơ, tinh diệu, biến hóa hơn. Ông làm giầu nghìn lần tiếng Việt. Một số nhà thơ, nhà sáng tác ở miền Nam trong nhiều năm, không chối bỏ rằng mình đã xài, đã từ lâu tự nhiên sâu thẳm bị ảnh hưởng cách dùng chữ nghĩa từ thiên tài Bùi Giáng.

Những địa danh quê hương – Trung Việt, Vĩnh Trinh, Quế Sơn, Bình Thạnh, Gò Vấp, Cửu Long, Cà Mau, Huế, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Bạc Liêu, v.v… - đã hiện ra trong thơ Bùi Giáng rực rỡ gấm hoa, êm đềm màu núi, thổn thức như suối nguồn. Ðêm thưa Vĩ Dạ về gần/ Đã từ lâu lắm thiên thần nhớ em/… Ngồi đây tưởng nhớ xa xăm/ Nhớ nhung Lục Tỉnh trăng trằm Long Xuyên/ Ba mươi năm trước hiện tiền/ Hình về hiện tại bóng nghiêng nghiêng đầu.

Có lúc ông tiên tri giỡn chơi một cách lạ lùng - mà sau này lúc đời sống cô đơn ngột ngạt - ta đọc lại đến ứa nước mắt:

Tôi gọi Bình Dương là Bình Dưỡng
Dượng dì ơi thương nhớ cháu nhiều không
Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở
Cần Thơ ơi… cần thở đến bao giờ?

Bình? Dưỡng? Thở. Không hề là chơi chữ. Mà là tiếng kêu thống thiết của tâm linh trước một thế giới người đã kiệt cạn nhân tính, đánh tráo bình đẳng tự do; đã phơi phới những lừa mị, tàn nhẫn cùng nhau; đã tinh vi biến những đòi hỏi nhân sinh cần thiết thật sự trở thành trừu tượng trêu người trên khẩu hiệu giấy tờ.

Khác với tất cả thi nhân Đông Tây kim cổ, Bùi Giáng động đậy bay lượn với đủ sinh vật côn trùng. Chuồn chuồn châu chấu, con nai rừng chú dê nội, bươm bướm bò gà, cả… vi trùng sâu bọ cũng trùng trùng mộng ảo yêu thương. Ấy mộng đời đi với mộng rồi/ Trời ơi trăng rớt ngó trăng rơi/ Con ruồi con kiến con châu chấu/ Bươm bướm chuồn chuồn cũng thế thôi… Còn yêu mãi yêu và yêu nhau mãi/ Trần gian ôi cánh bướm với chuồn chuồn/ Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại/ Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.

Bùi Giáng dùng cả những loại chữ nghĩa “thép-đã-tôi” như hạ quyết tâm, chỉ tiêu, gia tăng, bổ sung, khu vực,… Hãy xem ông bùa phép vung vãi, lắm xót xa mà đậm đà hài hước: Ngày nay hạ quyết tâm rồi/ Về trần thế bốc lột người thế gian/ Tình yêu đã lỗi muôn vàn/ Chỉ còn bốc lột vạn ngàn máu tim… Mỗi năm mồng một ra giêng/ Con dẫn ông dạo suốt miền vực khu/ Khu này Bình Thạnh quận khu/ Khu trên Gò Vấp tuyệt trù lưu phong/ Dưới kia Bà Chiểu Lăng Ông/ Lên xe buýt thẳng dông chơi Sài Gòn.

Chính thế giới ngôn ngữ Bùi Giáng bày cuộc lập nhiên như thế nên khi đọc thơ ông ta không nên vô ích cưỡng lại, cho đẳng cấp suy nghĩ, cho trí tuệ làm việc, mà hãy thong dong trôi theo cái bá láp, tà tà thơ thẩn, rất mực vô tình như nhìn con tầu chiều không có bóng hình ai trên ấy. Ta sẽ bắt gặp một thần thái thanh tao hơn, một tổng thể bát ngát hơn, bởi vì đó chính là Thơ. Nó rộng rãi và thơ thới hình thành từ một thiên tài chung qui chỉ vì thơ mà điên, mà sống để điên cùng thơ.

4. BÙI GIÁNG –NGAO DU TƯ TƯỞNG.

Nói đến nhà thơ là nói tới rượu và mỹ nhân. Lý Bạch một đời sống chết cùng rượu. Ông làm thơ tặng vợ thú nhận một năm ba trăm sáu mươi ngày mình túy lúy như con nê hóa bùn: Tam bách lục thập nhật, Nhật nhật túy như nê (Tặng nội). Apollinaire một đời ngắn ngủi, nhưng đã rất nhiều nàng, cô Linda, nàng Annie Playden, Marie Laurencin, nàng Louise de Coligny Châtillon, Madeleine Pagès… Các nàng của thi nhân này duy chung một mẫu số: Tình Yêu. Nhưng ở Bùi Giáng là khác thể điệu, rất nhiều …mẫu số.

Ông có Mẫu Thân Phùng Khánh, mẹ Trí Hải /tuy hai mà một, Mẹ về đứng ở đầu sân/ Cuối cùng Mẹ bước vô ngần Mẹ đi/ có Kim Cương Kỳ Nữ, Nường Monroe, Gái Xiêm La, Gái Tô Châu, Hà Thanh Ca Sĩ /Ði về phố rộng mà ra/ Đi tu giản dị cô Hà Thanh ôi)/ có mấy em Da Đen Phi Châu, Em Mọi, Nàng Ðạm Tiên, Thúy Vân, Thúy Kiều, Bé Con Bình Thạnh, những chị miệt quê, Thiếm Năm Sáo xã Tân Phong/ Thiếm về chín suối long đong thế nào… Ôi người thục nữ Long Xuyên/ Tìm đâu thấy lại thuyền quyên một lần.

Những con người hữu hình, những em vô hình, những nàng sương bóng, Bây giờ em ở nơi đâu/ Cỏ trong mình mẩy em sầu ra sao/ đã mang mác thị trùng trong một Bùi Giáng tha thiết đến tê điếng, điên ngây. Một Bùi Giáng ngoại thế bằng hồn mà lòng đau kiếp người truyền động đến nguyên sơ. Bàng hoàng đuổi bắt một bản lai diện mục ẩn huyền. Mỗi Phùng Khánh Trí Hải, mỗi Kiều Nhi, mỗi Em Mọi là mỗi trận địa cuồng mê đến đằm đìa phủ chụp người thơ trong bàng hoàng nương náu. Bàng hoàng thể phách, mộng hoài đêm Da Ðen tới Rú Rừng Da Trắng, Apollinaire tìm người yêu có thật, dấn mình trong một diễm ảo nhu cầu. Bùi Giáng hư vô hóa tất cả trong miên trường vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương

Mỹ nhân? Cái Ðẹp? Lý Tưởng? Một Phương? Hãy tìm chỗ Mù Sa Cố Quận? Ðảo lên nguyên khê, lộn về phố thị, chỗ sân ga bến tầu, trên chiếc giường hoan lạc, giữa bàn hội nghị, lúc ngâm vịnh, khi nhảy disco; ở đâu? nơi nào? trong Cõi Tồn Sinh rất nhiều Ðánh Mất này một đúng nghĩa Lý tưởng? rõ mặt Cái Ðẹp? Vả, trong tuyệt trù ngóng vọng còn chăng một thiên nhất phương để mà ký gởi? mà vọng mỹ nhân hề?…Em còn ở với sơn hà/ Anh còn mất hút gần xa mất hoài… Hỏi rằng người ở quê đâu/ Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.

Tuy nhiên, với những người con yêu dấu, cuộc bám trụ mang nặng tổn thất này xem ra vẫn là một giềng mối đạo lý mãi mãi tươi xanh đạo lý. Nó hoài hoài thơ mộng khi quê nhà đã là một hiện trường có thật - trần trụi từ khi tôi ở truồng chào đời đến lúc tôi không còn khả năng bận mỗi bộ áo quần để chui vô quan tài - là thế; không nên giải thích nữa, tuy chưa hóa đá nhưng quanh tôi vốn vậy; nên diễn dịch nó bằng cách nói đương nhiên cạn cợt, mà tất nhiên sâu thẳm, như nói về một cục gạch, về mỗi bếp lò. Dạ thưa xứ Huế bây giờ/ Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Một câu hỏi cần thiết tôi muốn hỏi: “Quê nhà Bùi Giáng nơi đâu?” Ðã hẳn là quê nhà ông “thưa rằng” đó không? Bùi Giáng chưa hề định nghĩa một quê nhà rộng hẹp, thước tất, kiểu Quốc văn giáo khoa thư; mặc dù ông từng tha thiết yêu, và khẩn thiết, kêu gọi vi trùng, chuồn chuồn châu chấu, tập-thể-bò-dê trong đồi sim trái chín hãy rộng lòng để cùng ông hòa mình cuộc thương yêu.

Ðã không hề giam mình trong định nghĩa, lại càng không giam mình trên một mặt đất dù nó khá mênh mông, vậy Bùi Giáng có một quê nhà nào trong cái vũ trụ mà ông đọa đày khắc khoải gọi tên?

Có thể, hiển nhiên là có thể thôi, Bùi Giáng có một mái nhà trong một quê hương rộng dài: Cõi Thơ. Trên quê hương không chiều kích không gian và thời gian đó, Bùi Giáng là đứa con trung thành rất mực dưới mái nhà Thơ, và là một tay kịch liệt tung hoành, mặc tình dâng hiến, thỏa dạ cuồng si trong quê thương Thơ. Ở đó ông trùng phùng những công dân thế giới, những con người ưu tú từ nhân loại cổ kim.Hãy đọc một trong những bài thơ sau cùng của ông:

Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời

Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Ðà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài

(Uống rượu)

Thường tình thì hẹn là để gặp lại, nhưng Bùi Giáng hẹn là để “quên nhau muôn đời”. Lời di chúc cho Em trước một Ra Ði. Nó buồn tênh nhưng sáng ngời cái khí phách thanh sạch, ngời sáng của một Thi Sĩ. Giã từ phương này trùng phùng được Lý Bạch Tản Ðà đầu kia. Uống ly rượu cuối cùng trong thần thái đầu tiên. Không hề là Vĩnh Biệt, chỉ có Ra Ði, là Ðược Về.

Ðặt biệt ở đây mọi hình tượng hiện tồn vọng viễn chỉ tinh mật góp lại một từ, đó là Em. Không phải Bùi Giáng hôm nay mệt mỏi, hóa ra hiền từ, không còn bay phá trong thế giới chữ nghĩa muôn điệu của ông, mà Em chỉ là Một Tiếng Kêu. Là Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim(5) Em là Ai? Người ta đã từng gọi Tự Do là Mi kia mà. Tây cầm cung bậc xô ngang/ Nửa chừng dâu biển lấp ngàn ước mong. Tuy nhiên Anh suốt suối vàng, Vẫn mong Em còn suốt cõi trần vui chơi. Một chia biệt buồn bã vẫn tràn đầy tự nhiên, hò hẹn, hy vọng; một cuộc đùa vui trong sáng, tự tại. Mây rừng tháng chạp bổ sung/ Mộng đi theo mộng cuối cùng cho mai.

***

Sau cùng, một điều nên đề cập tới - không thể tách rời khi viết về một Bùi Giáng thơ - đó là phong cách đặc biệt của ông trong khảo luận, dịch thuật và những bài tạp luận. Vì đây cũng chính là thơ.

Bùi Giáng đề cập đến tất thảy các nguồn triết học Đông Tây cổ kim (hàng trăm thi sĩ triết nhân nhà tư tưởng đã được đề cập), ông ca ngợi, ùng lúc cũng phê phán tất thảy từ Khổng, Trang, Lão, đến Socrate, Platon, Heidegger, Kant, Sartre… nhưng cái nhìn của ông - qua văn xuôi – là thơ, lẫn thơ mộng, lẫn mộng mị. Do vậy ta nên đọc Búi Giáng theo cách chịu chơi, như một thưởng ngoạn lấy cái thi vị.

Trong bài Ðạo Ðức Kinh ông đề cập tới Ðạo như vầy: “Không tin tưởng vào bất cứ gì mà vẫn yêu đời, ấy là đạo vậy. Tin tưởng tất cả mà vẫn chán đời, ấy là đạo vậy… Không đi lính mà mặc áo nhà binh ấy là đạo vậy. Ði tu mà cứ ăn mặn hoài, ấy là đạo vậy…”

Trong Ði Vào Cõi Thơ là thế này: “Thế nghĩa là gì? Có một cõi và một cuộc đi. Cuộc đi có nhiều thể thái. Có thể đi theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi im không rục rịch suốt bao nhiêu diên trường tuế nguyệt dưới gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín”…

Trong Ðường Ði Trong Rừng, Bùi Giáng làm thơ lý luận về học thuật một thôi rồi quay ra “tả cảnh” các triết gia thi sĩ thế này: “Ôi đìu hiu con chim nhạn Hoelderlin! Ôi con ngỗng trời bất tuyệt Nguyễn Du! Con hạc vàng huyền ảo Nervar! Con sư tử hống thời phương thảo lục Nietzsche! Con tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng Heidegger! Con du hí thần thông tam muội tận Shakespeare! Con phiêu bồng hồng nhạn tuyết trung khan Homer Sophocles! ôi con gà rừng con nai rú!…”.

Những phạm trù tư tưởng được ông đùa chơi đề cập, thường là thông qua chiều kích của ngôn ngữ hình tượng, biểu trưng, hơn là Ðáp - Giải bằng Lý. Ông bày ra trên bàn tiệc hình nhi thượng là những cô em phương trời, ông phó Như Lai, bà Trời Trắng; bằng một kỹ thuật dựng hình lổn ngổn, lý luận không biết đâu là Hỏi ra Ðáp vào. Bởi, bày ra câu hỏi cũng chính là một Trả Lời. Trả lời chính là một nan vấn, khẩn thiết một khởi đầu cho một tra vấn mới. Giải mã được: “Vì sao hôm nay đã đánh mất Nguyên Sơ” có nghĩa là “vì sao Sơ Nguyên không là hôm nay”, như thế là ta đã đẩy đưa một sự vụ thật ra đơn giản trở thành ảm đạm rối rắm; ngay lúc ấy ta đắm chìm trong một tưởng mộng sơ nguyên khi đang sống trên một mặt đất trầm trọng với đạn bom thương nhớ, Tại ni hằng thể là ta tự tình. Dưới mái lợp ngàn ngàn tinh tú này luôn hồi vọng những tiếng kêu xanh đen, lạc loài. Và bao nhiêu lời giải đáp là ngần ấy nhân lên những nan vấn kế thừa. Vậy thì, hãy nghe bằng vô ngôn thông vậy.

***

Vì sao có sự thể vừa tinh mật vừa phồn tạp trong một Bùi Giáng. Chúng ta nên hiểu thêm một con người khác trong ông. Ðó là một Bùi Giáng thông tuệ hãy còn lưu dấu sâu xa cái gốc gác thánh thiện một trẻ thơ lớn lên từ luống cày nương rẫy. Cái thật thà hài thơ ấy đã trở thành bản chất, đã nằm trong bịt bùng tầng tầng vùi lấp của cõi thời gian đời người. Nó được nén chặt, đè kín, được lay-out kỹ càng nơi vô thức nhưng nó có sức bật dậy và phóng bủa mông lung khi được thực tại click vào nó.

Nó đã giúp ông bao năm lang thang giữa phố thị mà vẫn vô tình gắn chặt với hương đồng cỏ nội, với nương rẫy vườn rau lối ngõ quê mùa - cả thơ văn lẫn con người. Phát biểu của ông lắm khi dân dã thật thà, thể hiện một cái Ðẹp trần trụi, khật khùng, thô, không hào nhoáng son phết. Ngôn ngữ Bùi Giáng là mặt bằng của tranh lụa, của tranh sơn dầu, của cả hốc hang một tượng điêu khắc.

Bùi Giáng cũng là người rất mực tình cảm, rất mực thiết tha với bất cứ cái đẹp nào. Sống ở đâu ông cũng lưu lại một nỗi nhớ, một kỷ niệm, một nhắc nhở. Nhưng cái nhớ ấy không cạn cợt mà đã hóa thân là mơ màng, tưởng vọng, bay bổng tiếng kêu chung của phận người. Ông điên giữa phố thị nhưng Mỹ Tho Sài Gòn vẫn là nơi thuận tiện ngắm trời mây, dễ dàng hà tiện, dễ dàng bê bối, không cần thiết nhân danh tháng ngày để tiết kiệm thời gian. Ở đời sáng uống cà phê/ Quán trong hẻm nhỏ như quê quán nhà/ Ngoại ô thành phố phồn hoa/ Ấy Sài Gòn ấy thiết tha bấy chầy.

Tóm lại, cuộc phiêu bạt của Bùi Giáng qua cuộc đời này là hình ảnh của một thiên thần trên chốn lưu đày. Nơi đây ông đã tự thân bày cuộc ngao du, minh triết hí lộng. Ðể chi vậy? Ðể viên mãn: “Cuộc - đời - ờ - nơi - tạm - cư” ; và đánh trả cái nhân danh thiên đàng, lãnh địa của mọi nguồn gốc lưu đày.

Bùi Giáng đã có một đời thơ năm mươi năm sáng tác; hơn hai mươi năm ông đã cùng các nhà thơ lỗi lạc Phương Nam mở ra một vận hội Muôn Màu cho Văn Hóa Phương Nam. Nhưng nhìn ở bất cứ gốc cạnh nào ông mãi mãi là một thi hào riêng Cõi, độc lập, một bát ngát tượng đài. Do đó, tôi thấy không nên - không thể qui kết định đặt Bùi Giáng vào một trường phái khuynh hướng, một tổ chức nào cả. Mọi nhãn hiệu có lẽ chỉ vô tình khoanh tròn, thu hẹp, công thức hóa cái thế giới Thi Ca dài rộng mênh mông của Bùi Giáng.

LỜI TẠM BIỆT

Anh Bùi Giáng! Hôm nay anh đã thật sự có ngày tháng ngao du. Anh để lại đây một tượng đài trong lòng người đọc giữa bạn bè anh em; một tượng đài không cần thiết phải xây bằng bê-tông cốt thép mới đời đời bền vững.

Hôm kia tôi ghé Bình Thạnh để thắp anh một nén nhang. Con đường mưa, đầy vườn lá rụng. Tôi nhớ anh Những Ngày. Ngày ở Ðại học Vạn Hạnh. Ngày ngồi cà phê Nắng Mới. Ngày của những Ðêm-Ðen Giữa-Ban-Ngày. Mỗi chúng ta bị thời gian nghiền nát mỗi cách, nhưng anh luôn là một khuôn mẫu tự nghiến nát đặc biệt. Tôi rất khoái cuộc tự hủy mang tính nhiệm mầu tỏa bóng của anh.

Tương lai sẽ nói gì? Đó là quyền của tương lai. Nhưng tương lai sẽ có một thái độ rất trung thực, thanh sạch, và tích cực lưu giữ những gì là tốt đẹp Hôm Nay. Chúng ta không ích kỷ kỳ vọng tương lai nhớ mình, nhưng Ngày Mai sẽ có trách nhiệm lưu giữ anh, soi sáng những gì anh để lại. Chúng ta chưa hề đi vào những con đường hầm không có đầu kia.

Sau cùng, tôi nghiêng mình xin lỗi anh vì đã quá ngớ ngẩn bàn luận về thơ anh, điều mà anh rất ghét kỵ. Anh chẳng bảo: “Thơ chẳng có gì để bàn ra tán vào. Muốn, hãy cứ làm một bài thơ tương phùng nọ để đáp vào tận địa một bài thơ kia”.

Nếu anh trách giận, tôi sẽ cười như niềm vui nhắc bảo và đầm ấm thưa rằng: “Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm/ Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng”.

Mong thượng giới hãy dành một suất tự do để Con Người Chịu Chơi được tiếp tục cuộc tràn lan phiêu bồng.

CUNG TÍCH BIỀN


Ghi Chú

(1) Thơ văn Bùi Giáng được trích từ Mưa Nguồn, Ðường Ði Trong Rừng, Mùa Thu Thi Ca, Lễ Hội Tháng Ba, Sa Mạc Trường Ca, Biển Ðông Xe Cát, Trăng Châu Thổ. Ngày Tháng Ngao Du, Rong Rêu, Ðêm Ngắm Trăng, và những bài thơ sau cùng chưa in thành thi tập.

(2) Trên mặt đất này đâu đâu cũng là dòng Mịch La.

(3) Lúc trời chiều đứng ngắm cảnh tự hỏi đâu là quê nhà – Hoàng Hạc Lâu, Thôi Hiệu.

(4) Sống ở trên đời như giấc mộng lớn, Làm chi cho vất vả thân mình – Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Lý Bạch

(4) Sống ở trên đời như giấc mộng lớn, Làm chi cho vất vả thân mình – Xuân nhật túy khởi ngôn chí, Lý Bạch

(5) Một tiếng sóng lạnh tiễn đưa kim cổ - Nguyễn Du

(Theo damau.org)

Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2008

Thơ Trần Hữu Dũng


CHỮ ĐÀN
*Tặng V.T.Q.

Ngày xuân chim sầu nhớ bạn
Hót dăm điệu huê tình
Sông nước mênh mang
Bông mù u rụng
Thương nàng phương xa

Bốn bề rừng đước lô xô

Người dân tứ xứ câu hò nên duyên

Tình tang hơi bén tình lang

Duyên ai nấy đặng song lang nhịp rồi
Chiếu này anh chẳng bán đâu
Tìm em không gặp gối đầu mỗi đêm*


Nhạc tài tử - năm cung bướm lượn

Khúc thương hồ - xuôi ngược bến đời

Thâm kim nỗi buồn

Lổ đổ nụ cười
Say gằn chén
Chồn chân vó ngựa

Ngửa mặt hát
Cười rưng rưng lệ

Chữ đàn, chữ nghĩa, chữ nhân

Còn đây ơn sâu nghĩa lớn
Còn đây câu vọng cổ la đà
Nương theo bờ bãi, nương theo cánh cò, vuông tràm
Nhịp cong cong dáng cầu tre
Hơi ngọt lịm trái chín vườn nhà
Sênh phách gõ tiếng lòng

Vò võ chong đèn nhớ bóng em

Phương Nam hề phương Nam

Hành tráng ca lang bạt
Ôm đàn giữa chợ anh hát nghêu ngao
Ôm tình nhỏ máu chim phụng hoàng nhớ tổ
Thất lạc nhau, sáu dây tơ tức tưởi
Cầm thương mượn câu lý lắt lay

Nhạc tài tử, xênh xang sông nước

Bông khế rụng buồn buồn tím ước mơ

Xuống câu đàn, anh bấm nhẹ

Khúc xuân tình, ai nhớ, ai quên !

* Bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu, do nghệ sĩ Út Trà Ôn ca.




MÙA XUÂN

Tại sao vĩnh cửu lại màu xanh lá cây ?
* Pierre Emmanuel *


Chiếc lá non tơ mùa xuân

Run khẽ khúc nhạc đồng nội


Giọt giọt nước mắt tình yêu
Ẩn chứa bóng đêm tịch mịch

Chim sẻ nhẩn nha mổ thóc
Sống trườn qua ngày gian khó

Hương em thấm đẫm vị đời

Lúc nào anh chợt nhận ra?

Nụ hoa ẩn chứa trọn vẹn
Sắc trời mênh mông lan tỏa


Vô ích thôi
Ngợi ca, cầu nguyện làm gì
Tự mình hiểu lấy

Cuộc sống ngày ngày
Ngưng đọng và dịch chuyển
Tự mình hiểu lấy

Em, chim sẻ, giọt nước mắt, nụ hoa...
Mùa xuân

Vĩnh cửu màu xanh lá cây



(Lá thông non & Em – Trăng – Sương Mù)

Thơ Vũ Trọng Quang

Tháng chạp


Tôi đợi đất trời trở dạ

đêm cao nguyên âm tính dữ dội

sớm mai nở một đồi cúc dại

rực rỡ niềm vui khóc được


Xin một lần phạm tội

hái đóa vàng

nhớ ngày nào nụ hôn đỏ thật

không dám ném tàn phai xuống lòng thung lũng
sợ màu môi trở thành đáy vực


Trở lại trở lại chỉ mình tôi

chỉ mình tôi giấu mãi đồi hoa trong mù sương

áo vàng đã chân đèo bước xuống
chỉ mình tôi giấu mãi mùa đông trong tay ôm
giá rét đã chia lìa hơi ấm



CON ĐƯỜNG


Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua
trở lại làm gì con đường mòn xưa cũ

hối tiếc làm gì lời nhàm chán của con ngựa chân mỏi

nhiều bàn tay trăm tuổi kéo từ phía sau lưng

không chùn bước tới

Tôi chào mừng tôi hôm nay
cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới

ngôn ngữ quay trong không gian nhiều chiều

vẫn còn hai hàng cây

nụ hôn ban ngày bình thường

vẫn còn em


Tôi đợi tôi suốt chiều dài

ví dụ ai đó mai này mở nhiều đại lộ hơn
nhiều ngả đường giao nhau hơn
xin giữ lại xin giữ lại

hai hàng bóng mát

tôi muốn vậy


Vũ Trọng Quang

thơ LA QUỐC TIẾN

Lục Vân Tiên thọ nạn giữa rừng

Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên
trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu
Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu
Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình
cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga
"Trước đèn xem truyện Tây Minh..."
Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ
Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng... đường lầy... gạo đắt
Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su
Có những chị bạn hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối
nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"
để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa
Tôi móc gói thuốc ra
tôi hút
điếu thuốc đen tắt ngóm nửa chừng
mẹ nó! Thuốc dỏm
Phà vẫn chạy
máy vẫn nổ
sóng vẫn vỗ
tôi dựa vào ghế ngủ gà ngủ gật
khi giật mình mở mắt
lại nghe:
“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng”
Rừng ở đâu mà dày thế nhỉ?
trên chuyến phà tôi đi
dường như cũng có một khóm rừng
mà những cái cây sao mà trơ trọi
những cái cây đã phai mất hơi rừng
Phà vẫn chạy khàn giọng
lão già mù vẫn ngân nga
gã thanh niên say rượu vẫn càm ràm điều gì như là oan ức
cô gái vẫn tiếp tục soi gương
như cố khám phá một điều gì đang lẩn trốn trên khuôn mặt
đứa bé gái đã ngủ
chiếc chong chóng vẫn xoay
bà già thọt chân vẫn ngồi than thở
gã trung niên vẫn làu bàu với kẹo cao su
những con gà tơ vẫn ngủ gà ngủ gật
sau khi nuốt xong bữa tiệc chiêu đãi cuối cùng...
Không có ai
cam đoan là không ai hay tin
"Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng"



QUÀ TẶNG VỢ

Rượu ngà say anh đi chợ Tết
Cũng chen chân mua chiếc lược sừng
Tóc thiếu phụ sợi dòn chải rụng
Đưa anh gợi nhớ thuở tình nhân.



ĐƯA MẸ ...

Hai đường ray cỗ xe goòng
Quến người hớp đóa lửa hồng về tro
Hóa thân qua ải cửa lò
Sắc - không cậy nhát củi khô bạch đàn
Con lần gậy trúc hoang mang
Mai lên nhúm MẸ tro tàn kẽ tay...
Cỏ chát còn luống heo may
Lòng con quặn biển xót ngày đồng chung
Luân hồi bon cỗ xe rung
MẸ khăn san phất phập phồng khói nâu.



HOA THÁNG 13

Tháng chạp tháng giêng hoa nở rộ
Miền ngực tôi cây lá chẳng theo mùa
Hồn hoa quả tôi bày mâm tĩnh vật
Mà tay dao em đã bén lòng chưa?
Tạ thu rồi bông trang mới hé
Hồn hoa ai cắm được trong bình
Hoa - cuộc hành trình trong xứ đẹp
Hồn nép khuỷu tay em - tôi mút nụ hoa quỳnh
Như đóa hồng nhung ngày giáp hạt
Bông hoa nào có chỉ thay cơm
Nhưng Đốt tìm gì mà lao mình ra đêm băng tuyết
Cái đẹp hắt hơi trong trạm xá nỗi buồn
Của đáng tội những bông hoa thổn thức
Canh ba - canh tư gió vẫn se mình
Răng ngô non có nhớ thời lưu ngọc
Em có tin một đóa quỳnh sẽ nở trong đêm?
Bông hoa tháng 13 rồi sẽ tạ
Hồn hoa em biết tử và sinh
Cái đẹp cuối cùng mà hoa mong tới được
Hãy mở tim em làm chiếc độc bình.


La Quốc Tiến

Tưởng niệm La Quốc Tiến


NHỚ “LỤC VÂN TIÊN”…PHÀ RẠCH MIỄU

Võ Tấn Cường


Nhà thơ La Quốc Tiến ra đi về cõi vĩnh hằng cách đây hơn 4 năm. Căn bệnh ung thư gan quái ác đã quật ngã La Quốc Tiến khi anh đang khát khao sống và khát vọng sáng tạo vẫn còn mãnh liệt trong tâm hồn anh. Những ngày cuối đời, linh cảm về cái chết, La Quốc Tiến muốn tìm không gian tĩnh lặng để lắng dịu tâm hồn. Anh không muốn người thân và bạn bè chứng kiến nỗi đau đớn, vật vã về thể xác của anh do chứng bệnh ung thư gan hành hạ. Anh đã thanh thản ra đi về với hư vô không một lời trăn trối. Ở độ tuổi 55, nhà thơ La Quốc Tiến vĩnh viễn mang theo nỗi hoài vọng cái đẹp về thế giới vĩnh hằng….

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Đức Thọ từng gọi nhà thơ La Quốc Tiến là “Lục Vân Tiên”… phà Rạch Miễu. Nguyễn Đức Thọ gọi như vậy bởi hai lẽ: Thứ nhất, vào năm 1988, La Quốc Tiến có bài thơ “Lục Vân Tiên thọ nạn” đăng trên báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn VN gây xôn xao dư luận. Thứ hai La Quốc Tiến là nhà thơ mang đậm cốt cách con người Nam Bộ và sống bằng nghề bỏ mối bánh kẹo nên thường phải qua lại phà Rạch Miễu. Bạn bè và người yêu thơ La Quốc Tiến biết anh là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm và giàu tình nghĩa nhưng cũng bộc trực, thẳng thắn đến độ cực đoan. Sống và sáng tạo đối với La Quốc Tiến là sự bộc lộ rõ ràng quan điểm và thái độ yêu, ghét. Nhà thơ La Quốc Tiến sống chân tình, hết mình với người thân và bạn bè. Anh không chấp nhận thái dộ sống bàng quan, nửa vời và toan tính, dùng nghệ thuật để trục lợi cho bản thân.

La Quốc Tiến yêu thơ đến độ mê dại. Đối với La Quốc Tiến, sáng tác thơ chính là sự tự khám phá cõi thẳm sâu của bản ngã con người và hướng đến sự tự hoàn thiện về tâm hồn, nhân cách. Mỗi lần sáng tác một bài thơ, La Quốc Tiến đều sống tận cùng với khát vọng sáng tạo và những buồn vui của đời người. Anh thường đọc cho bạn bè văn nghệ nghe và sửa đi sửa lại nhiều lần trước khi công bố với người đọc. La Quốc Tiến là nhà thơ có sự lao động nghệ thuật công phu và nghiêm túc. Để tìm một hình ảnh độc đáo, một “nhãn tự” trong bài thơ mới viết, La Quốc Tiến có thể thức trọn đêm hoặc trăn trở, suy tư cả ngày.Chính vì nhập tâm đến độ tận cùng như vậy nên hầu hết những bài thơ của mình La Quốc Tiến đều nhớ mà không cần lưu giữ bản thảo.

La Quốc Tiến chưa từng xuất bản một tập thơ nào. Thế nhưng anh có hàng trăm bài thơ sống trong trí nhớ của người yêu thơ. Những bài thơ của La Quốc Tiến thường viết về tình yêu, sự chìm nổi của đời người, thân phận của con người trong các mối quan hệ với xã hội với vũ trụ và viết về cái đẹp của đời thường. Người yêu thơ thường nhắc đến một số bài thơ của La Quốc Tiến như: “Hòn cuội và bông sứ”, “Bà mẹ đập đá núi Bửu Long”, “ Nụ tầm xuân”, “Cây gậy của anh mù”, “Dây phơi hạnh phúc”, ”Gò Công”, “Nợ bút nghiên”, “Ngày xuân đọc thơ Chế Lan Viên”…vv…. Hầu hết thơ La Quốc Tiến đều viết theo thể thơ tự do, câu thơ co duỗi linh hoạt và khỏe khoắn. La Quốc Tiến thường phát hiện những tứ thơ độc đáo với hình tượng thơ vạm vỡ, giàu tính nhân văn. Mạch cảm xúc trong thơ La Quốc Tiến tự nhiên như hơi thở, cảm hứng thẩm mỹ dồn nén và thanh thoát tạo nên sự bùng vỡ trong cảm hứng tiếp nhận của bạn đọc…

Nhà thơ La Quốc Tiến đã rời xa cõi đời hơn 4 năm. Chàng “Lục Vân Tiên” đã không còn qua…. phà Rạch Miễu. Nhớ về La Quốc Tiến người yêu thơ chợt nhận ra khoảng trống trong cuộc đời và trong nghệ thuật không gì có thể bù đắp. Tâm hồn La Quốc Tiến đang phiêu diêu cùng mây trắng về với cõi vô cùng nhưng những bài thơ của anh thì vẫn thổn thức hồn người và vẫn sống giữa cuộc đời.


theo phongdiep.net


VỀ MỸ THO viếng LA QUỐC TIẾN


Mười năm về lại Mỹ Tho

người đi. Còn mỗi bến đò xôn xao

Lục Vân Tiên ở trời nào

tiếng kêu thọ nạn rơi vào thinh không

cánh cò Vương Bột đằng vân

sắt se lớp lớp ráng hồng tiễn đưa

trước nhà gọi chẳng ai thưa

câu thơ gởi lại gió mưa làm quà

cúng thời cũng chẳng có hoa

khóc không nước mắt

hóa ra khóc mình

con phà Rạch Miễu rung rinh

lạy La Quốc Tiến thôi mình đi đây


Trần Thiên Thị

Mỹ Tho 2007


vĩ thanh thơ La Quốc Tiến

" có con cò ma lụy câu thơ Vương Bột

cứ chấp chới bay về phía ráng chiều "


theo http://giaocam.saigonline.com

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2008

Tình Xuân

ngày đến cuối một năm
tháng mười hai dập dồn những lễ hội
em đã đi theo những lời dối trá kia
cũng như đám mây phụ bạc trên trời
không bao giờ hợp lại

chiều vàng như một lần trễ hẹn
nhìn mọi người qua đây
không ai biết ta đang chờ mong ai
bữa tiệc đã tàn
người phục vụ cuối cùng cũng nhẹ nhàng nói lời từ giã

những ngọn đèn đêm nay trên bầu trời là những ánh sao lấp lánh tình chúng ta
vẫn muôn đời như thế hỡi em
cho dù trái đất sẽ tan đi chúng ta rồi cũng sẽ tan đi
nhưng hạt bụi vẫn còn
và cuộc sống vẫn tái hiện
như tình yêu còn mãi sự bất diệt
cho những người yêu nhau

cho dẫu ngày hôm nay sự cô đơn cũa một người là hạnh phúc của tình yêu
được nhớ nhau trong xa lìa
được tha thiết trong ngăn cách
cho dẫu ngày hôm nay là dấu chấm của một năm
cũng là bước khởi đầu của muôn trùng mới lạ

ngày đến cuối một năm
trên mọi ngã đường và trên các góc phố
những nụ cười là cành hoa xuân mời gọi
hãy yêu nhau khi ta còn tuổi trẻ
hãy thương mến nhau khi ta còn hiện hữu giữa cuộc đời
và em, hãy quay về với tình yêu tôi chờ đợi
ta sẽ vẽ một trang tình
mừng mùa xuân nhân loại

TỪ HOÀI TẤN

Nguyễn Hòa: Về thơ, và không chỉ về thơ (trích)

7. Nhà thơ ơi, đừng “diễn” nữa!

Trở lại với thơ, theo những gì một số nhà thơ lớn kể lại và tôi đã đọc, thì ý tưởng giữ vai trò là điểm xuất phát cho bài thơ và có khả năng đọng lại trong người đọc thường nảy sinh một cách tự nhiên, thậm chí bất chợt. Điều tưởng chừng ngẫu nhiên ấy là sự tích tụ, thăng hoa của rất nhiều yếu tố mà ngay bản thân người làm thơ cũng khó lường hết. Diễn biến phức tạp trong sự ra đời của những bài thơ như vậy là hoàn toàn đối lập với sự sáng tác của một số người làm thơ hôm nay, thiếu ý tưởng, họ chạy gằn theo người khác. Thiên hạ làm thơ tân hình thức thì cũng đua nhau làm thơ tân hình thức. Thiên hạ viết hậu hiện đại thì cũng đua nhau viết hậu hiện đại. Thiên hạ ném rác rưởi vào thơ thì cũng đua nhau ném theo. Thiên hạ trình diễn thơ thì cũng đua nhau trình diễn,… nghĩa là cái riêng của họ rất mờ nhạt. Cho nên, dù là người dành nhiều ưu ái đối với thơ trẻ, gần đây Inrasara vẫn phải viết bài để lưu ý một số cây bút thơ đang lặp lại của nhau. Và tôi lại buồn cười khi thấy anh nhà văn kiêm nhà thơ đã nhắc tới ở trên nói như đinh đóng cột nhưng không mảy may chứng minh việc: “Tinh thần hậu hiện đại, khi vào với cộng đồng người viết tiếng Việt, đã và đang được Việt hoá” như thế nào. Đọc tới chỗ anh tự quảng bá về sáng tác của mình, tôi nhận ra anh cũng chẳng hậu hiện đại gì: “Với tiểu thuyết, tôi quan tâm đến giọng điệu. Thường thì trong đầu tôi có một số thứ, như nhân vật, câu chuyện, một không khí nào đó, thậm chí là vấn đề nọ kia… nhưng tôi chỉ có thể viết khi giọng điệu đó cất lên chắc chắn”. Tôi nghĩ anh nói cho oai thế thôi chứ mấy chữ hậu hiện đại trong quan niệm của anh xem ra cũng lỏng lẻo, đơn cử: “tôi đặc biệt muốn nhắc tới Bút Tre. Hình như sinh thời ông không tự nhận mình sáng tác theo phong cách gì, và nếu giờ vẫn sống tôi tin ông cũng chẳng nhận mình là “hậu hiện đại”, nhưng tinh thần giải thiêng và thủ pháp giễu nhại của ông thật tuyệt vời. Đó chính là một nhà thơ hậu hiện đại rất tiêu biểu, hơn nữa lại đi tiên phong, ít ra là ở phía Bắc”. Nếu chỉ bằng vào tinh thần giải thiêng và sử dụng thủ pháp giễu nhại trong sáng tác để đánh giá một tác giả là hậu hiện đại hay không thì xem ra hậu hiện đại đã có mặt ở nước Nam ta từ lâu rồi đấy nhỉ. Như thế thì khác gì ngày trước, có người mau mắn phát hiện sân khấu tự sự biện chứng từng có mặt ở Việt Nam từ thời xa xưa, bằng chứng là câu “Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ” trong sân khấu chèo! (Viết ra điều này, tôi đồ rằng anh nhà văn kiêm nhà thơ nọ sẽ dễ lại phản ứng bằng cách đưa tôi lên blog của anh. Không sao cả, là người đàng hoàng, tôi chấp nhận, và không bận lòng với kiểu phản ứng ấu trĩ như thế!).

Thêm nữa, cũng nên nhắc tới sự khác nhau giữa chín chắn với hiếu thắng, tự thị trong khi đón nhận sự đánh giá của dư luận đối với tác phẩm được gọi là cách tân. Tác giả chín chắn sẽ giữ thái độ im lặng, tiếp tục sáng tạo để chứng minh họ đã lựa chọn đúng. Người hiếu thắng, tự thị sẽ phản ứng theo những kiểu lối đại loại như: coi bạn đọc dốt nên không biết đọc thơ mình, bảo nhà phê bình kém cỏi nên không hiểu, hoặc lấy nước ngoài ra làm tiêu chuẩn để đo lường năng lực cảm thụ thơ ca của… nước ta. Cổ nhân bảo “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, song người ta lại cố đi tìm các lý do ngoài mình chứ không xem xét lại chính bản thân mình. Như thế thì làm sao mà “lớn” lên được. Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, bàn tới tình huống hậu hiện đại có mặt trong thơ Việt Nam muộnchậm, nhà thơ Inrasara viết: “Với người viết, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ, nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác. Một, một vài hay tất cả mọi thủ pháp thích hợp”. Tôi lại nghĩ khác với Inrasara, nếu người làm thơ thật sự có cảm thức hậu hiện đại, cảm thức ấy sẽ chi phối việc anh ta tìm ra hình thức biểu đạt, sáng tạo thủ pháp nghệ thuật cho riêng mình, không nhất thiết phải biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại. Và nhà thơ có tài năng hay không cũng từ đó mà ra.

Lâu nay, chúng ta đã nói quá nhiều về vai trò của tri thức, song trong thực tế, nhiều người trong chúng ta lại hành xử theo thói quen coi thường tri thức. Nghĩ mà buồn cười, một thời ở Hà Nội, đến nhà một số vị, tôi thấy có giá sách rất to bày ở phòng khách, như là muốn đưa ra thông điệp rằng chủ nhân là người hay chữ. Nhìn những cái gáy sách phẳng lỳ, chưa có nếp nhăn, tôi biết tỏng là chủ nhân chưa đọc. Để kiểm tra, có lần tôi giả vờ hỏi về một cuốn sách trên giá, và chủ nhân nói về nó rất say sưa, nhưng đó lại là nội dung cuốn sách khác chứ không phải cuốn tôi muốn hỏi. Có lần tôi vừa mua được một cuốn sách, một ông nì nèo mượn bằng được để đọc trước, hai ngày sẽ trả ngay. Nể quá tôi đưa ông. Sau hai ngày, chưa thấy tin tức gì, tôi gọi điện hỏi. Ông bảo cuốn ấy phải đọc kỹ, và đề nghị mượn thêm vài ngày. Đến khi ông trả thì tôi phát hiện ông chưa đọc vì cuốn sách còn mới tinh và có vài trang vẫn dính liền, chưa rọc! Còn bây giờ, với một số người, tri thức lại là tập hợp một mớ hổ lốn các bài báo đọc trên internet. Người ta khoe tri thức bằng cách thi thoảng trịnh trọng thông báo nghe nói trên mạng thế này, nghe nói trên mạng thế kia. Internet đang trở thành “mốt” trí tuệ của một số vị khoa bảng nước nhà. Tôi đã từng gặp mấy vị, mùa đông cho chí mùa hè, lúc nào cũng thấy đeo USB lủng liểng cạnh ca-ra-vat. Tôi nghĩ là người ta diễn, vì ngồi họp cạnh mấy vị đeo USB, nhưng cả ngày chẳng thấy dùng máy tính, vậy đeo USB để làm gì nhỉ? Bên cạnh việc tỏ ra là người tiên tiến, theo kịp công nghệ thông tin, lâu nay lại thấy một số vị có xu hướng trở về với minh triết phương Đông, bằng cách trang bị khả năng vẽ vài ba chữ Hán, thuộc dăm ba lời Khổng Tử, Mạnh Tử… để đôi lúc diễn tiểu phẩm thâm thúy, trầm ngâm. Chỉ ngồi bàn trà với nhau, nhưng tôi vinh dự được một vị là tiến sĩ - nhà phê bình văn học kiêm nhà thơ “dạy” cho không dưới 10 lần cái mệnh đề “phương Tây là phân tích, phương Đông là tổng hợp”. Còn một ông là Phó giáo sư Tiến sĩ thì bảo: “chữ trong tiếng Hán có nghĩa là sửa chữa, tu bổ. Các anh chị đi trên đường, thấy tấm biển đề lý trình thì đoạn đường ấy đang sửa chữa”. Nghe thầy nói, tôi hỏi luôn: “Thưa thầy, theo thầy thì thiên lý có nghĩa là sửa trời phải không ạ?” và ông thầy… mần thinh! Lười đọc nhưng thích diễn, đó là một trong nhiều nguyên nhân đẩy tới sự trì trệ tri thức, trong đó có sự trì trệ của tri thức văn học.

Tình trạng mạnh ai nấy nói và đã nói là tự coi mình thủ đắc chân lý đã làm cho văn đàn đôi khi trở thành “sân chơi” của não trạng hoang tưởng, nông hẹp tri thức, trở thành “sàn diễn” của thói tự đắc. Đưa ra ý kiến về một (nhiều) vấn đề văn học là quyền của mọi người, nhưng điều đó liệu có đồng nghĩa với việc muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, kể cả nói và viết những điều hợm hĩnh, lố lăng? Tôi ngại nhất là chuyện quảng bá tác phẩm, hình như người ta không lăn tăn trước khi đưa ra các thông tin đại loại như tác phẩm đang được săn lùng, tác phẩm được hồ hởi đón nhận… bất chấp sự thật là cuốn sách chẳng mấy người đọc, cũng chẳng mấy người mua. Tôi coi đó là đánh lừa, là thiếu tôn trọng công chúng. Buổi sáng ngày báo X có bài kể về sự tấp nập, rộn ràng của bạn đọc kéo nhau tới phố Đinh Lễ để mua cuốn Trần Dần - Thơ, tôi liền mò đến xem sao. Hơn hai tiếng đồng hồ, mắt không rời các giá sách có bày Trần Dần - Thơ ở vỉa hè, tuyệt nhiên không thấy ai cầm sách lên xem chứ chưa nói là mua. Cuối cùng, tôi là người duy nhất sáng hôm ấy đã mua 2 cuốn, một cho mình, một cho bạn. Tới hôm nay, tôi vẫn băn khoăn: Hay là hôm đó đúng phải ngày bạn đọc đã cạn sạch tiền, hay là người ta quảng bá ba xạo, hay là ở Hà Nội còn một phố Đinh Lễ nào khác mà tôi chưa biết? Kể với một anh bạn, hóa ra cũng thế. Anh đến ngõ Tràng Tiền, gặp chị “đầu nậu” là người quen, chị bảo mua ngay kẻo sắp cấm rồi, bạn tôi dùng dằng. Ra phố Đinh Lễ thì thấy sách bán la liệt, mua quá dễ. Người ta cố biến tập thơ thành một vụ sự chính trị - xã hội, rút cục cố gắng ấy đã biến thành trò cười với sự “khép lại” bẽ bàng của một bức Thư ngỏ. “Khép lại” rồi song người ta còn cố vớt vát theo tinh thần AQ: “bảo vệ được tập sách Trần Dần - Thơ, ít nhất khỏi bị thu hồi hay tiêu hủy”! Tôi lấy làm tiếc là trong những người ký tên vào bức thư, lại thấy có tác giả mà tôi vẫn ngỡ là chín chắn hơn nhiều.

Định viết chơi chơi vài dòng, đâu ngờ tôi lại hăng hái đến mức đã biến một bài báo nhỏ thành một tiểu luận (mà gọi là tiểu luận có khi lại không đúng, vì xem chừng bài viết gần với một ghi chép tản mạn!). Nhìn đời sống tinh thần như một hệ thống, thơ sẽ không phải là một lĩnh vực loại biệt. Tương tự như cuộc khủng hoảng của văn xuôi Việt Nam đương đại, muốn đi tìm nguyên nhân khủng hoảng của thơ, cần coi nó là một bộ phận trong tổng thể các yếu tố mà đôi khi một số nhà nghiên cứu - phê bình hình như chưa quan tâm (hay không muốn quan tâm?). Với nhà thơ cũng vậy, đừng tự coi mình thuộc về “lớp người đặc tuyển”, đừng tự nghĩ bản thân đứng cao hơn, hay đứng ngoài các quan hệ xã hội. Là chủ thể sáng tạo, họ có phần trách nhiệm khi thơ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nếu nhiệt tâm muốn giúp thơ vượt qua tình trạng trì trệ, xin đừng “diễn”, a dua hay đánh lừa người đọc. Hãy khảo chứng chính mình để cùng tìm ra phương cách đổi mới thơ ca. Không có điều gì khác, “sức khỏe của thơ” phụ thuộc vào “sức khỏe tinh thần” của nhà thơ, chứ không phụ thuộc vào bạn đọc, không phụ thuộc vào giới nghiên cứu - phê bình. Vì thế, hãy trang bị một nội lực tinh thần thật sung mãn, dồi dào và hãy sáng suốt để đi trên lộ trình của thơ, cho dù lộ trình ấy có thể còn nhiều gian nan, trắc trở!

NH – viết xong 7.2008, bổ sung và hoàn chỉnh 9.2008.

Đọc tòan văn trên: http://viet-studies.info/NguyenHoa/NguyenHoa_VeTho.htm

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2008

Huế xưa

Netcodo sưu tầm và giới thiệu chùm ảnh các hoạt động và phong cảnh của Cố đô Huế xưa kia.

Cảnh toàn thành của cố đô Huế khi xưa

Bên dòng sông Hương

Quan cảnh sau cổng thành

Nhìn từ trên cao

Một cổng vào

Một lối đi trong điện Cần Chánh

Nơi trưng bày những lễ vật của quan khách

Những lễ vật

Những lễ vật

Những lễ vật

Ðoàn hát Nam-Ðịnh

Nhóm nhạc sĩ của một dân tộc thiểu số

Ðoàn vũ công miền Nam

Ðoàn vũ công của Vinh và Thanh Hóa

Phía bên trong cửa Ngọ Môn

Bá quan lạy khi vào tới điện Cần Chánh

Bá quan lạy khi vào tới điện Thái Hòa

Vua Khải Ðịnh đang dùng cơm trưa ở điện Cần Chánh

Vua đãi cơm chiều cho bá quan ở điện Cần Chánh

Ðiện Thái Hòa

Thuyền của Thái Hậu và các bà phi coi đua thuyền

Ảnh: Ngô Văn Ðức (Bordeaux, Pháp)
http://www.hue.vnn.vn/vedephue/thuvienanh/2008/10/301311/

Xứ Huế, người Huế

Vùng đất này là lợi địa của một thế kỷ rưỡi vương triều và như vậy đã xây đắp những giá trị tập truyền, hình thành những nếp gấp trong suy nghĩ, đời sống, phong cách ăn và mặc, nói năng, ứng xử...

Ảnh minh hoạ

Các vương tôn công tử, do giáo dục trong hoàng tộc hoặc từ trong gia đình, thể hiện một phong cách sống lắm lúc không thật sự tự nhiên mà phải luôn giữ kẽ, nhất là khi ra mắt công chúng, phải giữ một vẻ bề ngoài phần nào xa cách, hay cao cách, tối thiểu là kín đáo, ung dung, không bộc trực, bộc phát, và ngay cả đến thời thất thế, sa cơ vẫn “giấy rách phải giữ lấy lề”.

Kinh đô Huế làm nảy sinh nơi người dân một phong cách mà người ta nương tình gọi là “đài các”, tức là một vẻ cao sang mơ hồ nào đó, nhưng cái đài các này không khu biệt trong vòng hoàng thành mà còn lan tỏa trong dân gian. Từ cái đài các ấy còn rẽ riêng một nét tinh mà người tại chỗ gọi là tính “đài đệ”, có nghĩa là một sự giữ kẽ, giữ ý, và luôn cả một tính cách mà người ta gọi là “đế đô”. Khi người mẹ mắng con gái “đừng có đế đô!” thì có nghĩa là đừng có đòi hỏi, đừng với cao, đừng học làm sang.

Cái tính “đài đệ” được thể hiện rộng rãi, tràn lan, chẳng hạn ở chiếc áo dài mà có lẽ Huế là nơi được mang mặc nhiều hơn cả. Cho đến những năm 1970, người nữ ở Huế ra khỏi nhà là mặc áo dài, kể cả chị tiểu thương ở chợ hoặc bà bán hàng rong. Thậm chí nhiều bà danh giá đi ngủ vẫn mặc luôn áo dài.

Thiếu nữ Huế thường là kín đáo, không bộc lộ tâm tình cho người khác biết, có khi là e ấp, cũng có khi là ỡm ờ. Trong hai câu thơ của Đông Hồ nhắc đến cô gái Huế: “Gió chiều vương áo nàng Tôn Nữ, quai lọng nghiêng vành chiếc nón thơ”, ta cảm thấy các món trang sức như tà áo, chiếc nón, bài thơ trong nón đều góp phần tạo nên nét duyên e ấp của “nàng Tôn Nữ” và nàng Tôn Nữ ở đây dùng để chỉ chung các thiếu nữ Huế. Một tác giả Pháp chấm phá dung nhan này như sau: “... Các cô gái Huế kiêu sa và dễ làm ra vẻ khinh khỉnh, họ là đám hậu sinh của các phi tần không bao giờ quên rằng một giọt máu thiên tử đang chảy truyền trong huyết quản của mình” (Jean Hougron, Soleil au ventre, trang 67).

Trong khi sông Hồng và sông Cửu Long đi vào địa lý và hiên ngang đi vào kinh tế, thì sông Hương êm đềm đi vào thơ nhạc. Văn hóa nghệ thuật là một cõi mênh mông, rất ít tính chất thực tế, nhưng làm đẹp cho đời, giống như bông hoa trong đời sống.

Sông Hương hiển nhiên như đóa hoa tô điểm cho thành phố. Không có con sông nào làm hao tốn giấy mực cho bằng sông Hương. Không có con sông nào làm tuôn trào suối nhạc cho bằng sông Hương. Và cũng chính nó là nguyên ủy cho sự ra đời của bao nhiêu hiệp hội ái hữu, đồng hương với nó ở trong nước cũng như ở hải ngoại.

Như ta vừa nói, sông Hương đã khơi nguồn cho nhiều suối thơ. Nó cắm được nhiều điểm lưu khách, nhiều bến sông hữu tình dễ neo thuyền. Một số lớn các chúa, các vua, các vương, các hoàng thân công nữ đã chấm bút vào nghiên thơ. Các thi xã, hội thơ, thi đàn nối tiếp nhau ra đời.

Về lĩnh vực thơ của các tôn thất, hãy khoan nói đến chất lượng có cao như lời khen tặng của vua Tự Đức chăng, hay là ngược lại, có thấp như lời phê nghiêm khắc của Cao Bá Quát, ta chỉ cần ghi nhận rằng thi ca trở thành một sinh hoạt tinh thần rộng khắp, cho già trẻ trai gái, cho mọi nghề, mọi nhà, như thể là một sinh hoạt bình thường hằng ngày, giống như người ta hít thở không khí vậy.

Tuy nhiên, cũng chính con sông Hương mà người ta dễ tưởng là suốt đời lặng lẽ ngoan hiền ấy hằng năm vùng dậy quẫy nước tràn bờ. Bởi Huế không những nổi tiếng nắng nóng mùa hè, nó còn nổi tiếng về lụt lội nhiều lần trong năm và những lúc ấy nước sông đục ngầu, dữ dội, có khi chảy ngược dòng. Nước sông cuồn cuộn ấy, dù là trái ngược hẳn với thường ngày, vẫn đúng là hình ảnh của sông Hương, là lòng dạ sâu thẳm của nó đã lộ diện, là bộ mặt bổ túc vào bộ bộ mặt thường bắt gặp của nó.

Tóm lại, nắng cháy với mưa dầm bão lụt, ấy là Huế. Nước chảy lờ đờ và nước phăng phăng cuồn cuộn, ấy là sông Hương. Người thiếu nữ nghiêng nón dạ thưa nhưng yêu thương say đắm, dữ dội, ấy là con gái Huế.

Người Huế thường phản ứng chậm. Vẻ bề ngoài và hành động không hô ứng tiếp liền nhau. Hay nói cách khác, giác quan tiếp nhận cảm giác và nội tâm cứ hành hai nhịp khác nhau và giữa hai nhịp đó là một khoảng dành cho nụ cười, tiếng dạ thưa, sự e dè, cân nhắc. Đó là một loại “phản ứng hẹn giờ”, nhưng một khi phản ứng phát ra, nó có tính cách dứt khoát, không vãn hồi. Đó là nét tinh Huế mà người ta gọi là “thâm trầm”, “thâm thúy”.

Nếu không có lịch sử sẵn chực những bằng chứng cụ thể, hùng hồn thì ít ai ngờ rằng cái đất Huế trầm mặc này lại có thể là sân khấu phát động, châm ngòi những biến cố lớn của đất nước từ trong lòng những học sinh sinh viên chăm học hoặc những chị tiểu thương hiền lành tần tảo. Hóa ra đất Huế là đất nuôi trồng những thái cực, và con người xứ Huế để ra cả một đời mình để gỡ rối mớ bòng bong tâm lý và mâu thuẫn nội tâm này.

Con người Huế làm nên Huế là những con người đi ngược lại những thuộc tính ban đầu của vùng địa lý. Nó vật lộn thường trực với những mố giằng co tâm lý.

Trịnh Công Sơn trong ca khúc Diễm xưa có nói tới một loài chim di. Chim di là một loài chim di trú, không định cư tại một nơi chốn, tùy theo mùa xoải cánh đi tìm nơi khí hậu ôn hòa.

Người dân Ô Lý chất chứa trong tâm khảm mình một món nợ tinh thần đời đời với công chúa Huyền Trân ngày xưa đã vùi quên tuổi thanh xuân của mình mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Đó là một sự lưu đày biệt xứ nhưng tự nguyện và vị tha.

Nó đã ghi dấu sâu đậm vào ca nhạc của xứ sở này. Cái hơi “ai” của ca Huế không hẳn là sầu bi nhưng đầy hoài bão, vừa tự sự mà vừa khơi dậy mạch tình bắt nguồn từ xa xưa, hòa tan vào huyết mạch, hầu như khó lòng truy cứu, khó lòng giải mình. Nó như thể một loại tình cảm nguồn cội, lắng sâu, dằn lòng xuống kết tạo thành một trọng lượng của tâm hồn. Sợi dây tình cảm này trói buộc bước chân con người, níu kéo con người không cho nó rời xa cái phố đẻ của nó.

Người ta bảo đất Thừa Thiên này vừa là vườn ươm vừa là bệ phóng nhân tài, cũng có nghĩa nơi đây vừa là địa điểm đào tạo, rèn luyện con người vừa là môi trường thiên nhiên hun đúc bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp để rồi sau đó đàn chim rời tổ bay xa.

Người con của Huế cảm thấy khó lòng rời xa bàn thờ tổ tiên hoặc cõi nhà vườn của mình. Tuy nhiên vẫn có cảm nghĩ chưa bỏ nhà ra đi vẫn chưa viên thành vận số của mình. Và một khi xa xứ, bắt đầu nảy nở trong tâm thức kẻ ly hương một loại tình cảm mới: tình cảm hoài hương. Loại tình cảm này có tính cách siêu hình, thâm sâu như tình con với mẹ, nó âm ỉ như mạch ngầm, như than hồng vùi dưới tàn tro. Xin đừng xem đó là một thứ tình cảm nhi nữ thường tình, ủy mị. Nó vừa giúp con người không quên nguyên quán của mình, vừa thôi thúc con người sống chẳng phải cho bản thân , mà cho một vận hội chung, có tính vị tha, hướng thượng. Trong nhận thức ấy, con người lưu vong gầy dựng hội đoàn, tập thể ái hữu hướng vọng về quê hương, xem đó như những ốc đảo tình cảm giữa đời sống mênh mông.

Người Pháp thường tự hào về văn hóa văn minh của mình. Sự tự hào này thường là kín đáo, nhưng cũng có khi bộc lộ, đặc biệt khi họ đề cập đến tiếng Pháp, nền giáo dục của họ với những đại học cổ kính và các văn bằng, các giải thưởng văn học nghệ thuật, các thiết chế văn hóa (các viện hàn lâm, viện bảo tàng, nhà bi kịch, kịch nghệ...), các công trình phúc lợi xã hội (công viên, giao thông...), các nghệ thuật ẩm thực...

Các quốc gia khác cố tìm ra những điểm nhược trong văn hóa văn minh ấy để cười cợt cái mà họ gọi là sự “khác người” ấy (exception francaise) của người Pháp.

Hình như người Huế cũng đang mắc bệnh này và có xu hướng tự cho mình là “khác người” hay “hơn người” ở mặt này mặt khác, và luôn cả trong sự tụt hậu, hay luôn cả trong sự nghèo thiếu. Cái câu mà ai nấy thường nghe là “không nơi nào có được” thường bày ra hai mặt mà, khổ nỗi, mặt tiêu cực thường lấn lướt.

Vậy cho nên, vấn đề còn lại đối với người Huế là chữa cho được bệnh này hoặc làm cho căn bệnh lạm vào bên trong không nguy hiểm, và muốn được vậy, hơn lúc nào hết, cần có nội lực thâm hậu.

Tóc thề xứ Huế buông dài và tóc xoã bờ vai

Theo Tuổi trẻ

http://www.hue.vnn.vn/vedephue/connguoihue/2008/12/308119/