Thứ Năm, 24 tháng 6, 2010

Tình ca

Em gửi tôi tấm giấy thông hành
vào miền miên du của ký ức
ở đó, đôi ta
trên chiếc xích đu của năm tháng
đong đưa cuộc sống ngọt ngào
lời hát em
dịu nhẹ bên tai
những ngày ắp đầy tình ái

Em gửi tôi tấm vé tương lai
trăng soi miền viễn xứ
ở đó, đôi ta
dưới hàng hiên mờ tỏ
bóng lá dập dềnh
lời tình trao không kịp hơi thở

Em gửi tôi cả cuộc hành trình không nơi đến
của tình yêu

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Hai bài thơ

LÀ KHI EM RA ĐI

Mùa mưa đến
San sẻ niềm cô độc với ai
Em lên cao nguyên
Lang thang cùng đám bụi đất đỏ
Buổi chiều về qua ngõ
Không nghe tiếng dương cầm
Vị mặn ở đầu lưỡi
Mưa và em

Đánh thức khoảng không vắng
Nỗi lặng im ngạt ngào
Tiếng âm vọng
Lời ai sửng ngất trên cao nguyên
Mùa bạt ngàn gọi
Chim xa
Rừng biệt mù
Hình bóng

Mùa mưa đến vẻ cô đơn sáng
Khung lụa trống
Ẩn hình một nỗi buồn
Không vẽ lên tiếng gọi
Người về chưa về chưa

Khi em đi xa
Mùa mưa cũng vừa đến

Yêu giấu lòng hiu quạnh sâu



VẺ ĐẸP CỦA MÊ LỘ


Không một ai từ chối đã từng lạc vào cõi hạnh phúc của mê lộ
Tình yêu – cuộc sống – sự nghiệp
Tôi đã từng đi ra đi vào cõi em
Hơi đau một chút nhưng sung sướng
Bởi vì em cứng và khô như cây
Nhưng đồng thời cũng mềm như cỏ

Không một ai phủ nhận đã từng một lần yêu
Một người nữ hoặc người nam nào đó giữa đám nhân loại đông đúc kia
Hơi đau một chút nhưng êm ái
Cho dù được yêu hay không được yêu cũng vậy

Không một ai trên cõi đời này lại không có những lúc cô đơn
Ngay cả khi đang hạnh phúc
Tự cảm thấy vui và buồn một mình cũng sướng như khi cùng với kẻ chung quanh

Chính là vẻ đẹp hằng cửu
Của mê lộ


TỪ HOÀI TẤN

Thứ Ba, 22 tháng 6, 2010

Thơ Từ Hoài Tấn

Khúc từ biệt

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Câu hát ngậm trong miệng
Trái tim hòn bi lăn
Kẻ dối trá quay ngoắc người lại
Toác miệng nhe răng
Loài quỉ dữ

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Tiếng chuông đổ rục xuống thềm
Gã tu sỹ cởi áo bỏ lại
Câu kinh buồn như dòng cổ tự trên bia đá
Một loài hoa không sắc

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Người đàn ông của em có hàm râu quai nón
Phũ phàng và nồng nàn sự thật
Một đóa hồng đâm vào môi
Con dao cắm lên ngực

Em sẽ đi sẽ đi sẽ đi
Sẽ đi
Đi



Kỷ niệm

Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Trong tầm nhìn của dĩ vãng
Sự chia tay ngọt lịm và đau đớn như vết dao cắt trên ngực

Tháng mười hai năm ấy
Mưa trở lại
Trong hẻm nhỏ có quán cà phê
Bà chủ bốn mươi tuổi
Em trở lại ngồi bên ta
Lời tình ái dài và đều như mưa ngoài cửa

Ta kiệt sức trên lối mòn
Cuộc sống như những vòng kẽm gai buộc
Tìm cơn mộng hằng đêm
Cười trong cõi khác

Gió mát như một lần em đi ngang qua đây
Chỉ một lần trong cuộc đời
Gió mát
Cuộc hội ngộ trí tưởng
Êm ái như một nỗi buồn

Giới thiệu: Tạp văn Võ Công Liêm




Tạp văn
Võ Công Liêm


NXB Hội Nhà Văn


Gồm 15 bài viết thể hiện sự nghiên cứu tìm tòi của tác giả về các tác gia văn học thế giới và Việt Nam.
Sách phát hành trong tháng 6 - 2010

Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2010

Một thoáng thơ tình thời chiến

Tạp bút CAO THOẠI CHÂU

Mãi đến ngòai hai mươi tuổi- chính xác là lâu hơn thế- tôi mới có bài thơ tình đầu tiên cho mình. Đúng ra, trước đó cũng có được đôi bài nhưng là thơ tình “cóc gặm” của một cậu học trò thích lang thang hơn bám trường bám lớp. Tôi nói thế là tôi tìm ra được nguyên nhân vì sao thơ tình của bản thân lại đến muộn màng. Không ham học thì sao có bạn gái, con gái thời đấy họ ham học hơn ham chơi, cũng rất ham yêu nhưng mọi cuộc tình thường có lối đi chung là xuyên qua sân trường. Tôi nghĩ như thế là rất hay và tôi không cho phép những “nhà nghiên cứu” về thơ miền Nam trước 1975 khi họ bảo văn chương thời ấy thể hiện nếp sống “yêu cuồng sống vội”.Thơ tình miền Nam trước 1975 là một mảng của tấm lụa là gấm vóc chứ không phải “hiện sinh chủ nghĩa” hiểu một cách bệnh họan là “yêu cho gấp và yêu bất kể chết ” kia đâu.Say đắm một cách đắm say, mới mẻ và kinh thánh, và khổ nỗi cũng có nhiều nỗi buồn thời đại quá, tôi vẫn nghĩ thế khi nhớ lại một thời thơ tình miền Nam mà mình vừa là người góp vào đó một cách nhỏ nhoi vừa là người đọc thơ chuyên nghiệp của cái thời xưa mà không xa đó
Khi nhà thơ và cũng là người thầy của tôi, Nguyên Sa, tung ra hình ảnh này “Hôm nay Nga buồn như con chó ốm/ Như con mèo ngái ngủ trong tay anh” là ông đã tham gia vào lớp người mở một khu vườn mới cho thơ tình giai đọan đất nước vừa chia cắt, mà theo tôi là nhà thơ mang ở bên Tây về nóng hổi. Hình ảnh “chó ốm” trong hình dung thi ca là sự làm nũng của một cô gái được yêu và “ngái ngủ” phải chăng là chú mèo nấn ná không muốn ra khỏi vòng tay đầy hơi ấm của người vuốt ve nó? Và đó là hình tượng mới, “đời” hơn những gì cách điệu ước lệ trước kia.Có điều là khi gieo xuống Sài Gòn nó lại rất Việt Nam, nghĩa là rất thơ và rất…người! Trong trí nhớ tôi - một người đọc thơ mẫn cán và chuyên nghiệp- vẫn còn sự bồi hồi của một cảm xúc như tiếng gió reo nhè nhẹ rồi vù vù không thiếu phần cổ trang trong mô tả một nhan sắc “Em đi như vẽ trên đường nắng / Em nói như đàn trong miệng ai” của Hòang Trúc Ly, thì hai người thi sĩ này bên tám lạng bên nửa lí lô gram! Người con gái ấy chuyển động theo hướng “đi, nói” sao mà diễm lệ đến thế, không xao lòng nhận lấy những ba động mà được chăng? Mấy câu khác “Em giấu đi những nỗi lòng vỡ rạn / Anh cũng thề giấu hết gió mưa đi/ Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi tái tê/ Những ngõ vắng tối tăm anh giấu hết” ( thơ Hoàng Anh Tuấn) thì cũng là gió mới ở Tây về , nghe trái tim nhân bản vô cùng.
Sài Gòn những năm sau 1954 đang có một làn gió văn chương hiện sinh thổi vào, qua ngả giảng đường đại học hoặc do các tiệm sách lớn, và nơi tiếp nhận chính là văn chương tại chỗ. Người ta bắt đầu làm quen với cảm xúc mới mẻ này “Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ” ( Nhã Ca), thì đấy, không đấu tranh, không cuồng vội, chỉ là thơ và người thôi! Thơ tình miền Nam chào giã biệt một thời đại thi ca - thường gọi là Thơ Mới- mà không cần đến lễ lạt hoặc một sự hủy diệt nào,để ra riêng cho mình một cơ ngơi hiện đại.Đất nước bị chia cắt thì than ôi, có những cuộc tình bị chia thành hai nửa “ Hai đứa mình hai bến sông sâu/ Dây thép gai giăng mắc ngang cầu/ Đôi tay anh cuốn tròn thương nhớ / Đôi mắt em buồn như mưa ngâu/ ”. Nếu tôi không quán xuyến được hết, thì “dây thép gai” lần đầu tiên có mặt trong thơ miền Nam là ở mấy câu này của Hoàng Khanh đăng trên báo khoảng năm 1958.

Chẳng bao lâu thì chiến tranh bùng phát ngày một khốc liệt và dai dẳng. Nó động đến từng gia đình và thanh niên bị cuốn vào cơn lốc đó, không có ngọai lệ cho những người cầm bút. Một cuộc chiến tranh mà cả những người không thích nó cũng phải mặc áo lính như một bổn phận công dân. Nguồn xúc cảm của thi ca không thể ở nhà khi tác giả ra đi và những lo âu, thậm chí những đổ vỡ trong các cuộc tình hiện dần trên báo.Những nhà thơ thời ấy họ rất thật tình và ngay thẳng, bom đạn và chết chóc đe dọa những mối tình đẹp và họ đã không nói khác đi- họ ngay thẳng và thật tình. “Anh trở về hàng cây nghiêng ngã/Anh trở về hòm gỗ cài hoa/Anh trở về bằng chiếc băng ca/Trên trực thăng sơn màu tang trắng” (…) “Mai anh về em sầu thê thiết/Kỷ vật đây viên đạn màu đồng/Cho em làm kỷ niệm sang sông/ Đời con gái một lần dang dở” ( thơ Linh Phương) như một tâm trạng chung của nhiều thanh niên cùng thời với tác giả. Có thể về trong hai cách đấy và có thể ( nay gọi là nhiều khả năng) người ở nhà nhận một kỷ niệm như viên đạn bắn cho không chết nhưng ngắc ngỏai tan hoang! Tình yêu và hạnh phúc thường xuyên trong tình trạng khẩn cấp như một thành phố nào đó bị thiết quân luật!Còn không thì lối về cũng chẳng hanh thông gì “ tôi về ngơ ngác đôi tay/chân đi hồn rã áo bay lạ người/vẫn mình trên phố ngược xuôi/nghe trong cơn rộn tiếng đời héo hon /mai đây bỏ lại phố phường/bụi se cát mỏi trên đường tôi đi” ( thơ Lâm Chương) - ở đâu về và rồi đi đâu trong những năm tháng dang dở mộng chưa thành ấy?Khi 26 tuổi tôi mất một mối tình cũng trong tình cảnh chung đó, nên tôi hiểu và trọng sự vội vã và cái quyền bị lung lay này “... em hỡi em/người anh yêu/anh có quyền hôn em lúc này/bởi ngày mai anh trở ra mặt trận/ở đó, anh không thiếu một thứ gì/kể cả máu/chỉ duy có thứ này/hãy viện trợ cho anh/đó là giọt lệ em xanh biếc...” nhà thơ bị mất một chân vì mìn nổ Luân Hóan đã viết như tiên tri thế ấy. Không thiếu một thứ gì, máu thì nhiều không kể xíêt giống như cái chết lởn vởn xung quanh, trong cảnh tượng đó, những “giọt lệ em xanh biếc” bỗng trở thành một thứ khát khao dù rằng lệ hay máu thì cũng là bi thương thôi. Tôi nghe một sự lẩn quẩn giữa hai dòng nước này của con người.Thời chiến tranh là nền cho nhiều bài thơ tình mang dấu ấn của nó , có điều là tính hùng tráng hay bi tráng mà thôi.”Tặng cho em trái lựu đạn cay/Hạch nước mắt của thời đại mới/Thứ nước mắt không buồn không vui/Đang ràn rụa trên mặt anh chờ đợi/Tặng cho em cuộn dây thép gai/ Thứ dây leo của thời đại mới/ Đang leo kín tâm hồn ta hôm nay/ Đó là tình yêu anh, em nhận đi đừng hỏi/ Tặng cho em cuộc chiến tranh đang tàn/ Trên quê hương của bao nhiêu bà mẹ/ Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm/ Nơi vải xô không đủ để chít đầu con trẻ”. ( thơ Trần Dạ Từ). Những thứ dùng để hạ sát được nhà thơ mang làm tặng vật như tặng cho nhau một tâm trạng thừa mứa những vô vọng nghịch lý của một thời. Bài thơ này dường như thay lời muốn nói cho cảm quan nghệ thuật trước cuộc sống bị đắp bờ bao của phẫn nộ.“Tặng vật tỏ tình” không hùng tráng mà bi tráng thấy rất rõ- và chắc hẳn không ít người có thời đã coi như bài thơ viết cho mình, thậm chí “ứng” vào mình.Mấy câu khác của Hồ Minh Dũng “Còn ba năm nữa anh sẽ về/ Anh biết chắc không còn quê hương để ở/ Em gắng sắm cho anh một cây đàn bầu Làm bằng nắp hòm người lính nghèo/ Chết ngoài mặt trận” nghe có vẻ như báo động một tương lai khi nhà thơ hết hạn kỳ đối diện với chết chóc, nhưng sao đó lại không là thơ tình viết bằng trái tim người làm thơ bị cuốn vào cuộc chiến ?Chiến tranh là hòa bình bị dán đè lên một mảnh giấy, ai cũng biết thế và ai cũng nuôi trong lòng một hy vọng ngày mảnh giấy rơi xuống. Nhà thơ vốn là người bén nhạy hơn “ Và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng/Không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm/ Ba giờ sáng xuống Ngã tư quốc tế / Ăn một tô mì thơm ngát bình yên” ( Phạm Cao Hoàng). Thật tuyệt vời cho tô mì ăn vào phút đầu tiên của hòa bình! Nó như một niềm hân hoan bé mọn không ít lần bị hụt hẫng.Phải đã từng có mặt ngòai phố , đứng ở một gốc cây, sau một tảng đá, trong giờ giới nghiêm mới hình dung ra được ảo ảnh một phút giây hòa bình là thế nào.Thơ tình thời chiến không phải là mảng chủ đạo trong thơ tình trước 1975 của thành thị miền Nam, nhưng tràn ngập trên các báo là thơ lọai ấy. Những bài thơ đấy như một sự bột phát cá nhân, không một định hướng nào, một sự khích lệ cũng không. Người đọc thơ nhận ra cái đáng yêu của những nhà thơ phải ra trận, họ không là tráng sĩ ra biên cương, chỉ là những thân phận người thời chiến, một đôi khi chịu nhận thiệt thòi- một cuộc tình như nói ở trên, chẳng hạn- và họ chuyển hóa thành thơ với nguồn cảm hứng, những hình tượng còn tươi ( thay vì chế biến) là họ có lòng tự trọng và chân thật. Rồi “đời đã bắt kẻ làm thơ đi làm lính/ mang trong đầu những ý nghĩ trong veo / xem cuộc chiến như tai trời ách nước” (thơ Nguyễn Bắc Sơn). Thơ tình thời chiến ở miền Nam trước 1975- hiểu gọn là thơ “Sài Gòn”- không có không khí hào hùng nhưng đó là một nét đẹp bởi nó chân thật, làm nên một giai đọan thi ca đáng lưu giữ và trân trọng, nó có tính lịch sử rõ ràng. Tuy nét đó là một nỗi buồn có phần bị động, khó lòng nói hết.

6-2010

Thứ Năm, 17 tháng 6, 2010

Võ Công Liêm - NHỮNG DÒNG THƠ ĐƯƠNG ĐẠI

“Những sáng tác có giá trị,thực chất có ít nhiều vô đề”(Lê Đạt)

Trong những năm gần đây, làn sóng thơ văn nở rộ trên những mạng (web) văn học cũng như rải rác trên một số báo giấy ở trong và ngoài nước. Tung hô những ngôn từ như một sân khấu trình diễn văn chương; tạo những cái lạ mắt, gây chú ý tài năng và thiết lập một hiện tượng văn học (?) Thơ đã sản xuất quá nhiều, biến những vần thơ đặc trưng trở thành chợ-thơ-tiểu-tư-sản; liệu những thứ “văn nghệ” đó có giữ được tâm hồn thơ, đúng nghĩa chất thơ hay là một thứ thơ hiện diện với đời như một nhu cầu tiêu thụ? Những điều như thế làm cho thơ trở nên tạp nham và thương tổn đến thơ, gây ô nhiễm đi tới căn bệnh thời đại “virus” khó ngăn được!
Nhưng ở đây; đặc biệt chú ý những dòng thơ đương đại (contemporary poetry) mang nặng tính chất thơ trình diễn đúng nghĩa mà mỗi câu thơ hay bài thơ chứa đựng một ngôn từ hiện thực realistic chủ đích mô tả sự trung thực giữa tâm hồn và sự vật phản ảnh thực chất nhịp-sống-đời bằng mọi hình thức khác nhau của thơ: từ Siêu thực (surrealistic), Dã thú (fauvism) hay Đa đa (Dadaism)…đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, những dòng thơ được sáng tạo qua những thể cách khác nhau, chữ nghĩa đan kết vào nhau, lắp ráp hình ảnh trong bài thơ với một hình thức canh tân như giọng điệu của thơ, thơ trắng, thơ không vần (blank verse), thơ tự do (free verse), thơ hình thức (formalism), tân hình thức (new-formalism, thơ lắp-ráp poetry installation,thơ nghệ thuật trình diễn (poetry art-performance), thơ không gian (poetry air-space), thơ nhảy vọt (iambic-foot); tất cả đi tới một sự hội nhập đẹp mắt của bóng dáng nghệ thuật thơ (body-art) và biến thơ thành một không gian lý tưởng cho một sân khấu trình diễn nhạc kịch hay một phòng tranh đầy màu sắc lập thể giữa vật và cảnh trí bài thơ. Đó là những lời thơ mà nhà thơ gởi gắm tất cả tâm hồn mình vào bài thơ một cách xuất thần và vi diệu trong cùng một cảm xúc, bởi nhà thơ đã sống đầy đủ từng chữ, từng câu thơ, nhất thiết không bị vướng mắc một hoàn cảnh nào làm chi phối dòng phát tiết tư tưởng trong thơ. Do những tư duy mới trong thơ chớ không gò gẩm hay nặn chữ để thành thơ, ấy là điều đáng lưu ý vì ngôn ngữ là một phương tiện cho thơ chớ thơ không phải là phương tiện của ngôn ngữ; đó là giá trị đích thực của người làm thơ,cho nên; bản chất của thơ là sáng tạo đó là nhận thức và cảm xúc của người làm thơ hôm nay, là một hoạt động về tâm linh (soul of mind) của con người, một hoạt động có tính sáng tạo, chính nhờ những sáng tạo đó làm mới lại những dòng thơ do sự vận hành của bài thơ qua ngôn từ để những thể thơ được sinh tồn với trào lưu thơ hôm nay. Cho nên chi thơ trở nên một thứ nghệ thuật cần thiết, những nối tiếp đó hầu như sống dậy qua những nhà thơ trẻ có một ý thức mới trong tư tưởng sáng tạo cũng như những nhà thơ khác vốn đã có những khuynh hướng mới, chiều sâu và bề dày của họ qua tác phẩm, họ sáng tác như khám phá khả năng thơ để tìm thấy thể chất thơ trong sáng tạo, có như vậy mới thoát ra khỏi những cố hữu, những kiềm tỏa, giới hạn mà xưa nay xem như định lệ. Những nhà thơ đương đại ngày nay coi việc sáng tác của mình như một sự khai phóng, như bức phá, như giải thể để làm nên một cuộc cách mạng tâm thức revolution in consciousness, canh tân thơ mới để thơ có địa vị và chức năng sáng tạo, ngoài sự sáng tạo, bản chất thơ còn mang tính nghệ thuật như những nghệ thuật khác, đôi khi còn vượt xa hơn thế nữa. Đó là lý do dành cho nghệ-thuật-thơ có một ngôn từ để tạo hình ảnh và mô hình cho thơ. Người ta đang thiết kế thơ dưới một dạng kiến trúc tân kỳ đầy màu sắc để trở thành những thể thơ mới thời thượng.
Cho nên giữa ý thức thức tỉnh của nghệ thuật thơ khác với ý thức thức tỉnh của khoa tâm lý triết học. Đó là động lực làm cho ý thức mãnh liệt hơn để sáng tạo nghệ thuật; vì đó là ”tâm thức và trí tưởng của ta đủ khả năng để giúp ta sáng tạo những gì mà ta nhận thức” (G.Bachelard) cũng từ đó nảy sinh ra dòng thơ sáng tạo nghệ thuật, người làm thơ đối diện với cái “đẹp” và trong lúc mơ về với cái đẹp thì lúc đó ý thức chỉ còn lại sự thưởng ngoạn cái đẹp trong thơ. Hình tướng sự vật hoàn toàn chế ngự tâm hồn người làm thơ, quên hết ngoại giới xung quanh và nhường chỗ cho thi ca. Chính trong lúc thưởng thức cái đẹp trong tâm tưởng để xây dựng bài thơ thì đó là trạng thái tâm lý thuần-trực-giác và mất hẳn ý thức ngoại giới trong trạng thái xuất thần cho một bài thơ. Thi ca còn khám phá ra một nhân tố khác đó là ý thức tiềm ẩn, biết tìm tòi trong cảm hứng để khởi lên những”nguồn chưa ai khởi và sáng tạo những gì chưa ai có”(Nam Cao). Vì thế mà những nhà thơ mới hôm nay đã phát sinh những dòng thơ đầy tính sáng tạo làm nên những lời thơ, bài thơ tuyệt cú. Đó chính là thơ đương đại!
Thơ hôm nay là đổi mới, thơ phải khác đời mới là thơ hay; nguồn thơ mới chất chứa tính sáng tạo, đó là vấn đề tiên quyết, giải phóng những tàn tích xưa cũ, nhai lại, thơ đổi mới có nghĩa là không quay ngược thời gian, cho nên tiến trình của thơ là tiến trình của xã hội; ngày nay hiện đại hoá cuộc đời cũng là hiện đại hoá bài thơ, đó là bước tiến hoá trong thơ; kết hợp giữa người làm thơ và người đọc thơ có một tư duy sáng tỏ hơn. Người làm thơ phải nhận thức hoàn cảnh để thích nghi hoàn cảnh bởi vì ngày nay mọi sự thay đổi không ngừng, thay đổi và khám phá từng giờ phút cho nên đời sống tinh thần cũng thay đổi và phát huy. Vì vậy người làm thơ hôm nay qua những thể thơ khác nhau họ đã tìm thấy trong cảm xúc một sự bộc lộ cần thiết, đó là cách riêng cho mỗi nhà thơ. Nói chung tất cả mọi tiến trình diễn đạt bài thơ có những ngôn từ khác biệt mang tính chất thời đại trong đó, hội nhập giữa tâm thức và sáng tạo để bài thơ đậm nét đặc thù cho dòng thơ đương đại hôm nay. Dù vô thức hay hữu thức thì cách tạo hình của sự đổi mới thơ hoàn toàn khác với cách tạo hình trong thơ cổ điển ngay cả khuynh hướng tân cổ điển (neo-classicism) đã xuất hiện ở thế kỷ XVIII là thời kỳ rực rỡ và mới lạ nhất, được coi là thời kỳ” ánh sáng” enlightenment. Cho nên lập luận nầy có tính siêu thực của dòng thơ đương đại đi từ thời gian ý thức và vô thức để tạo nên một cái nhìn khác đời bao gồm giữa hai thực tế Vô và Hữu, Có và Không thì lúc đó mới toàn diện một cách đích thực của tư tưởng; nhờ yếu tố đó mà tác giả của bài thơ vượt thoát ra khỏi cái mặc cảm cố hữu, ra khỏi mọi kiềm tỏa của lý trí, ra khỏi sự lập khuôn, sáo ngữ để bước vào một tâm linh siêu việt trong thơ. Cái đó là một thực tại tổng hợp giữa thực và hư mà những nhà thơ trẻ hôm nay cố gắng xây dựng để trang điểm cho một bài thơ trở nên siêu thoát và cũng chính vì thế mà họ tạo ra được một dòng thơ riêng biệt, một cảm nhận riêng, một cảm quan riêng, nhất là thể loại siêu thực và trừu tượng đều nằm trong cái gọi là nhạy cảm của cảm giác (the age of sensibility) kể cả các loại thơ khác như :thơ-lắp-ráp (poetry installation), thơ-đúc (poetry concrition), thơ lập-thể (cubist poetry), thơ-rờ (tangible poems) được phổ biến rộng rãi ngày nay ở các nước Tây phương; mà tất cả các thể loại kể trên đều có cảm giác mới lạ và chủ kiến riêng mình; đó là cõi riêng của nhà thơ. Paul Valery: ”Nhìn thơ mình như một nghĩa riêng cho mình, còn với người khác thì có nghĩa khác”. Hình thức như thế được tom góm như một thứ nghệ-thuật-trình-diễn-thơ (poetry art performance), hoàn toàn cách riêng. Vì vậy chủ nghĩa tượng trưng symbolism là chủ nghĩa hoà hợp giữa lãng mạn và hiện thực cho rằng; ”Thế giới hữu thức chỉ là hình ảnh của thế giới vô thức”. Đó là bản thể của thơ mà giới làm thơ ngày nay chủ xướng một ý thức thơ bằng cảm giác chứ không còn là hình thức miêu tả trực cảm như những trường phái thơ trước đây. Vì thế mà thơ đi từ cảm nhận nầy đến cảm nhận khác như dòng thác tuôn chảy một cách bất ngờ và đột xuất qua cảm quan của người đọc qua từng câu, từng chữ trong bài thơ. Một tiến trình thơ mới đầy sáng tạo, đẩy tất cả các thể thơ đi về phía trước của hiện thực. Một thứ hiện thực mới, tạo nét thơ riêng vừa mới, vừa sáng tạo để phá vỡ những ám ảnh, qui ước của thơ xưa, đã xen vào tâm tư họ, ngay cả tiềm thức subconscious mỗi khi họ có cảm hứng trước sự thể. Những nhà thơ đương đại, họ muốn cho mình một chỗ đứng riêng không-giống-ai, một chứng tỏ khác; nghĩa là không ngoại lai, không ảnh huởng một ”giáo điều” hay qui luật nào khác hơn, hoàn toàn độc lập trong sáng tác kể cả thơ hậu-hiện-đại (post-modern poetry), lãng mạn romanticism, siêu thực surrealism hay trừu tượng biểu hiện (abstract-empressionism)… Nietzsche nói: ”Con người luôn luôn vươn tới, đầy tính sáng tạo đừng để mất mình, cái tôi hôm nay phải hơn cái tôi hôm qua và kém cái tôi ngày mai” Vì vậy mà thơ hôm nay chúng ta thường bắt gặp những câu thơ ẩn dụ trừu tượng (metamorphic abstraction) hoặc những tu từ khác để tạo hình và tạo tính chất phiến định. Đó là sự kết tinh trong cách biểu đạt tư tưởng bằng ngôn từ.Nietzche nói thêm: ”Nghệ thuật là đạp đổ cái cũ để xây lên cái mới” Tuy nhiên không phải chú trọng ngôn từ mà quên đi yếu tố quan trọng khác là CHỮ bởi chữ chính là lời. ÂM là âm tiết của nhạc điệu thơ, cho nên; Chữ và Âm là yếu tố chính cho một bài thơ.
Đọc thơ đương đại ngày nay cho ta một cảm giác vừa siêu-lý vừa cực-hiện-thực hyper-réaliste, ngoài ra có những bài thơ đọc lên thấy vô duyên, vu vơ, vô nghĩa nonsense thể thơ đó gọi là thơ “hồ lốn” fatrasie, vì nhà thơ làm ra trong cảm hứng bất biến, tùy hứng trong cảm xúc lý trí cho nên câu thơ không ăn nhập vào đâu cả tợ như câu-văn-lạc-đề. Thể loại như thế chú trọng đến ngữ thuật (jeu du langage) hơn là ý nghĩa và làm cho người đọc có cảm nhận một bài thơ vô nghĩa, nhưng ngược lại thấy thú vị hơn bình thường, nên chi không còn cái gọi là hình thức hay tân hình thức, hiện đại hay hậu hiện đại mà ”Làm thơ là sự kết hợp giữa trí tuệ và ngôn ngữ” (Mallarmé) Ai đọc thơ Mallarmé đều cho khó hiểu. Nhà thơ cho rằng: ”Chữ nào được tôi dùng trong thơ trước hết chữ đó phải có tính chất thơ. Thơ tôi không phải khó hiểu chẳng qua những người yêu thơ, đọc thơ không chịu suy nghĩ để cảm nhận đấy thôi!”. Nhưng xét cho cùng dù thơ được xây dựng dưới thể nào đi nữa hay trường phái nào đều để lại dấu ấn đời mình vào hồn thơ. Cho nên đọc thơ của những nhà thơ hôm nay, ta phải hiểu một điều; dù thơ nằm dưới dạng thức nào, tất cả đều ở trong cõi phi của nó, cõi phi đó chính là cõi”vô ngôn” cái mà không-nắm-bắt-được nhưng phải khởi đi từ cõi thực; chính là sự chạm mặt với hư vô để vượt khỏi hư vô tìm đến ngôn ngữ của thi ca, tìm đến năng lực sáng tạo trong dòng thơ đương đại và loại đi cái giả tạo không chất thơ làm mất tính đam mê của ngôn từ. Nói rõ hơn là làm cho thơ mất hồn mà xưa nay đã xẩy ra như định lệ cố hữu. Do đó những dòng thơ hôm nay như một kết quả được soi sáng từ sự thức tỉnh bên trong của người đọc, sự tưởng tượng giàu có của nhà thơ và những quan điểm thông thường mà họ chia xẻ và đồng hành với trào lưu thế giới. Sự diễn đạt ấy được coi như là phương cách chính yếu để làm nên tác phẩm, mục đích là tạo nên cá tính và phong cách riêng cho mỗi nhà thơ, xử dụng tâm thơ của mình một cách độc đáo và độc sáng. Nhờ những kinh nghiệm đó, khả dĩ; áp dụng và làm nên cái riêng của ngôn ngữ thơ.
Thời đại chúng ta đang sống là thời chúng ta đang giao thoa giữa hai trào lưu văn hoá cũ và mới là một nhận biết thực tại giữa những dòng thơ đang phát triển. Và cho dù xây dựng một bài thơ dưới một dạng thức nào hay một điều kiện biểu tượng nào, hẳn; những nhà thơ như hội nhập vào dòng tư tưởng sáng tạo cho một ngôn từ của thơ mới. Cho nên chi tái diễn hay lập lại ngôn ngữ thơ, sự thật giữa ảo và thực, vắng mặt hay có mặt tất cả đều nằm trong cái toàn cảnh hiện thực của thi ca.
Kể từ thời gian đất nước đổi mới, cởi trói, thơ văn trong nước cũng được chuyển hướng, số lượng người làm thơ cũng như làm văn mỗi lúc mỗi dâng cao, lằn biên định hướng không còn nữa, cho nên vung tay múa bút, lao vào viết lách như cơn bão, quên mình là nhà thơ, nhà văn chân chính; phá lệ, thả dàn trút hết vào cho thơ văn. Charles Bukowski: ”Ôi!thượng đế sinh ra quá nhiều nhà thơ nhưng lại ít thơ” Thơ đến dể và đi dể. -Dạ thưa ông. Một bài thơ hay khó kiếm ở lúc này. Thật như thế; bởi thời điểm tung hô, thời điểm mở cửa thị trường trình diễn vi tính cho nên đón nhận thoải mái từ mọi phương hướng của văn chương vì thế phát sinh ra lập ngôn và đẻ ra nhiều trường phái khác nhau để rồi chen lấn nhau sáng tác và cảm hứng cho có thơ với đời! Song le; bên cạnh những ào ạt thi hứng đó cũng có một số thơ thành hình của những nhà thơ mới (không phải phong trào thơ mới của thập niên 30 ở nước ta). Những nhà thơ hôm nay có đất dụng võ để phát tiết, một điều kiện thuận lợi về kỷ thuật cũng như môi trường xã hội thả cửa phát huy. Tuy nhiên những nhà thơ mới hôm nay có một trình độ kiến thức sâu rộng, tìm học những khía cạnh văn chương hay những đối tượng của thơ văn. Họ tháo gở toàn bộ những tàn tích cũ để thay thế và đó một thứ nhiên liệu mới cho một bộ máy mới của thi ca, một tư tưởng vượt thoát hầu phá vỡ bức tường đố kỵ thơ văn. Họ làm thơ trong chiều hướng nghệ thuật của thơ, biến đổi mọi thi pháp khác nhau để canh tân một trường phái có chiều sâu, đó là tư duy nghệ thuật và thi pháp.
Những nhà thơ đương đại thổi vào thơ luồng gió mới để tiếp tay với những dòng thơ khác như thơ tự do, thơ không vần, siêu thực, trừu tượng, phá cách từ hình thức đến tân hình thức, hiện đại hay hậu hiện đại thành những dòng thơ cực kỳ sáng tạo vượt cả không gian và thời gian, vượt luôn cả bức tường âm thanh để thơ trở nên không chết (immortality) .
”Sống là vi vu theo tiết nhịp vần xoay”(Bùi Giáng).Những trường phái thơ kể trên được liệt kê là dòng thơ khó “tiêu thụ” đối với quần chúng đông đảo. Nó trở thành cái thứ thơ-bác-học chỉ dung nạp cho thành phần có trình độ rộng rãi về văn hoá, tiếp cận nền văn hoá nước ngoài thường xuyên, cho nên lớp quần chúng còn lại đó chỉ thưởng ngoạn loại thơ nhân gian, phổ thông có vần, có vè cái loại thơ đó gọi là thơ-bình-dân. Nói cho ngay dù thơ diễn tả dưới hình thức nào, lắc léo tới đâu ngôn ngữ Việt Nam cũng dể dàng đả thông đối với người thưởng ngoạn trong cũng như ngoài nước, dần dà trở nên quen với người đọc hay người diễn ngâm. Có đôi khi thơ biến dạng như chuyện kể, truyện kể, loại thơ suông nhưng vẫn là thơ.
Thơ không đòi hỏi sự giải thích mà hiểu nó như nghệ thuật của thơ art without consolation. Thí dụ: Khi đọc hai câu thơ của Bùi Giáng:
Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa
Nghe bình thường, giản đơn nhưng rất biểu tượng của thể phái neo-expressionist. Vậy có cần giải thích ? tự nó đã giải thích trong thơ rồi! Cho nên làm thơ lục bát hôm nay phải là như thế, còn bằng không…
Câu thơ khác, làm theo thể thơ tự do không vần xen lẫn giữa hiện thực và siêu thực của Thanh Tâm Tuyền; đọc lên ta nghe được nhạc điệu của thơ:
Tôi ghì đau đớn trong thân thể
Những dòng sông những đường cày núi nhọn
Những biệt ly rạn nứt lòng đường
Đọc những vần thơ 7 chữ của Tô Thùy Yên để thấy cái vô ngôn trong thơ ông và của những nhà thơ đi trước; nghe vẫn vi vu gió mát:
Kỷ niệm buông tay rú ngất chìm
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ
Có cần giải thích ? Không! Đó là 2 câu thơ mang nhiều hình ảnh siêu thực rất tuyệt đối.
Đi xa hơn một chút; đọc lại bài thơ nầy của Trần Dần xử dụng chất liệu tân hình thức (new formalist poetry) và chất liệu nhảy vọt (iambic-foot) trong thơ ông một cách tài tình và nhuần nhuyễn:
Bước lặng
tôi về cõi lặng?
một trời
tôi vẫn lạc quan đen
tôi bước lặng bên tôi
không một ai-mà vẫn bước
đều
cho đến lúc- say nâu
tôi rẽ vào phố lặng.
Đọc lên nghe như chuyện kể nhưng rất thơ. Đúng là nghệ-thuật-thơ-trình-diễn.
Cho nên thơ không phải muốn nói một cái gì mà hiện hữu A poem should not mean but be.
***
Đơn cử một số nhà thơ đương đại với khuôn mặt trẻ và những nhà thơ ”dày dạn” có sẳn những thể thơ này, họ âm thầm sáng tác nhưng ít ai thấy được chất thơ của họ. Xin điểm qua đây: Huỳnh Thúy Kiều, Ngô Thị Hạnh, Cát Du, Chiêu Anh Nguyễn, Vi thùy Linh và Ly Hoàng Ly. Bên cạnh đó còn có: Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Linh Phương, Lê Vĩnh Tài và Từ Hoài Tấn. Những nhà thơ trên đây đã vận dụng ngôn ngữ và “chất liệu” để làm nên những bài thơ hiện thực siêu thoát. Đó là những dòng thơ đương đại.
-HUỲNH THÚY KIỀU: Có những bài thơ mang tính thơ siêu thực, ngôn ngữ thơ đọc lên nghe mới, cái lối vận hành như thế là cả một khối óc sáng tạo, có nhiều câu đưa người đọc vào cõi mơ hồ giữa ảo và thực, đào sâu vào nội tâm bài thơ. Nhiều bài thơ khác; tác giả xây dựng thể thơ theo lối ẩn dụ trừu tượng (metamorphic abstraction) và tượng trưng (symbolization) trộn lẫn, đan kết vào nhau làm cho bài thơ có một không khí tân kỳ trong ngôn từ và giải tỏa được một tâm tư đè nặng!
Thơ HTK chú trọng trình diễn nội tâm trong sự ẩn tàn của chữ và lời, cho nên dòng thơ không dứt được. Tìm đọc một trong những bài thơ của thi sĩ họ Huỳnh để thấy được nhân dáng nghệ thuật của chất thơ .
CHỈ MỘT ĐIỀU RẤT CŨ…
con ong bầu khoét thủng vách thời gian
tôi giữ chặt bóng mình trong buổi chiều cựa quậy tiếng chim run run
mài gió
xin đừng xếp khoảng phong ba vào ngổn ngang ảo giác
chưa bật mầm sao hoa héo nhụy khuyết thềm xuân…

thời gian rơi rách tươm từng nhịp thở bổng trầm
ai cất vó nghiêng dáng người lệch bóng?
tôi thả giọng tôi chen giữa làn nước nhẹ tênh mấy tầng cảm xúc
trên mặt ruộng đầy lao xao hơi khói đốt đồng thơm

màu thời gian nhẫn nhịn đếm bước gần
tôi nhẫn nhịn đứng im đợi bờ tường dựng âm thanh khuếch bão
sông khoả bùn vẫy sóng nằm nghe mặn mòi biển gọi
ken thật dày triệu hạt cát lắng lòng sâu…

dưới những vì sao huyền bí là đêm nhiệm mầu
ta khâu lại và rải cho đều từng mẫu trăng non vàng lép
cám dỗ thời gian hư vô miên viễn
độc thoại một mình với khái niệm mãn tính sự hoài nghi… (*)

-NGÔ THỊ HẠNH: Trong tập thơ Rơi Ngược,toàn tập lời và âm mang một phong cách hiện thực . Đọc qua từng bài thơ, lối xây dựng chữ, nghiã như thơ của nhà thơ nữ Hoa Kỳ Sylvia Plath, một thể thơ được gọi là nhạy cảm của cảm giác; dưới dạng thơ tự do không vần có một vài bài đọc lên thấy được sự diễn trình của thơ tân-hình-thức; bởi thơ tự do và tân hình thức gần nhau với lối trình bày nhưng vẫn tạo được nhịp điệu trong thơ. Cho nên từ khi khởi nghiệp làm thơ cho đến nay, giọng điệu đó không thay đổi nghĩa là lối thơ hiện thực tả tình mang một cấu trúc dị biệt khác với lối thơ tả tình như đã có. Đọc bài thơ nầy hồi thi sĩ mới ra “trường thơ”:
MÊ SẢNG MƯA
đôi tay em nắng hanh hao trong suốt
đành để tình trôi tuột cùng mưa

mùa ướt đẩm từ chân cho đến tóc
hơi thở anh vẫn khóa chặt u hoài

em chắp nhặt từ đắng cay anh đánh mất
kết hoa dâng những nấc thang đời

đêm di mộng
đêm nồng nàn mê sảng
sáng nghe mưa chảy xiết xuống đáy buồn

sáng nghe mưa dự báo mầm xanh ấy
ngỡ chính em đương là…
Cái âm vang trong thơ NTH là một âm vang hiếm hoi và tân kỳ, đọc sâu thấy được cái xa xưa của thơ cũ không còn vướng mắc; họ thật sự lột xác!

-CÁT DU: Nhà thơ chuyên xử dụng một loại thi ca ngẫu hứng không suy tư (It is poetically Irrational) đọc đi đọc lại,tìm thấy được ngữ điệu như văn xuôi (prose) và đến gần với thể thơ đếm bước (iambic-foot) đọc nhiều lần cho ta một cảm giác hào sảng của loại thơ mới hôm nay,chủ đích miêu tả trung thực hiện tại; rất là “realism”. Đọc 2 bài thơ dưới đây của Cát Du để thấy dòng thơ mới đầy sáng tạo của nghệ thuật làm thơ mới:
CHIỀU

Chiều sắp khóc mà anh chưa về
Thấy không?
Con mắt chiều đỏ hoe!

Bửa nay trời lập đông
Chiều một mình
Chiều run
run lắm!
Em hôn lên má chiều ram rám
Nước mắt chiều chảy quanh
Như chiều
rưng rức!


NỤ CƯỜI TÁI SINH
Người đàn ông cho em nụ cười vào buổi chiều nhá nhem
Cái chiều mà ngỡ nụ cười sẽ vĩnh viển tắt trên môi em
Một người đàn bà đang ngã rạp
Anh-Người đàn ông đã thổi thốc vào em bằng cái nhìn cháy
lửa
Tê dại loãng ra
Nghi hoặc loãng ra
Nụ cười tái sinh từ lửa
Nụ cười ấm áp
lúc rạng đông ./.

-CHIÊU ANH NGUYỄN: Thơ Chiêu Anh Nguyễn mang nặng chất tư duy nghệ thuật về thi pháp, một biến trình thơ, đưa thơ vào những giai điệu khác nhau, nhiều bài thơ làm theo thể thơ tân-hình-thức, mặc dù thiết kế một bài thơ theo thể thơ tự do không vần. Bài thơ “Chông Chênh” một lối thi pháp của thơ nhảy vọt và tân hình thức ”trá hình” đọc rồi mới thấy thơ CAN chứa đựng cái dáng nghệ thuật thơ (body art) của loại thơ- trình- diễn nhiều hơn là thể loại thơ bình thường. Xem sự sắp xếp thơ của Chiêu Anh Nguyễn như sau:
CHÔNG CHÊNH
trên triền dốc
tôi
âm thầm đá cuội
vội vàng lăn

trong khe hở tạo hoá
linh hồn hằn vết
rách toang…

nơi chỗ trống…
cựa mình
lách cô đơn

lặng lẽ
nhận về thanh thập tự
không ngắn, không dài
đủ một chiếc cầu
nối miền tội lỗi
bờ kia
một tình yêu
ảo ảnh

trên triền đồi
thả những giọt nước mắt
lăn theo hoài nghi
đam mê…

niềm đau
như vô vàn nụ hôn
sau cuồng nộ
tình yêu
mang hình pha lê
tan chảy
giữa bầu ngực dịu dàng
em.(*)

Nếu bài thơ nầy viết theo thể thơ xuôi của tân hình thức ta đọc như thế nầy, khỏi phải nhảy vọt. Tuy nhiên giữa hai biến trình đó vẫn tạo được nét đặc thù của thơ Chiêu Anh Nguyễn trong vóc dáng hậu hiện đại.
(trên triền dốc tôi âm thầm đá cuội vội vàng lăn.
trong khe hở tạo hoá linh hồn hằn vết rách toang…
nơi chỗ trống cựa mình lách cô đơn
lặng lẽ nhận về thanh thập tự
không ngắn, không dài đủ một chiếc cầu nối miền tội lỗi một tình yêu ảo ảnh
trên triền dốc thả những giọt nước mắt lăn theo hoài nghi đam mê…
niềm đau như vô vàn nụ hôn, sau cuồng nộ tình yêu mang hình pha lê tan chảy giữa bầu ngực dịu dàng em.)
Dưới dạng iambic-foot hay new formalism poetry đều là những bài thơ hay và mới đúng như dòng thơ đương đại được trình bày.

-VI THÙY LINH: Thường làm thơ theo thể tân-hình-thức,trong một tâm thức hiện thực(realism) thơ tân hình thức là loại thơ mới hơn thơ mới;VTL nằm trong môi trường ấy,tiếng thơ của tân hình thức lan tỏa dể dàng,loại thơ này làm cho tốc độ đọc nhanh hay chậm tùy theo câu thơ dài hay ngắn,thường hay vắt giòng(enjambment) để làm nên nhịp lạ như thường thấy ở loại thơ-không-vần.Một sáng tạo có ý thức,nghĩa là biến dạng thơ theo thể nầy thành thơ-văn-xuôi của thơ tự do hay thơ không vần chỉ có khác về nhịp điệu của thị giác.Trí tuệ của VTL là một sáng tạo mới và biết chọn “con chữ”trong thể thơ tân hình thức một cách tuyệt diệu; đọc lại xem có phải như VTL đã làm như thế không?

ĐÊM CỦA TÍM.
Thế là chúng mình có ngôi nhà xinh với giàn hoa đậu biếc
Giấc mơ tím lan toả không ngừng, nhuộm đôi môi em
Nhuộm những đêm hoan say
Vì đôi môi mở đón Anh, mà nụ hoa khắp nơi hé cánh
Mùi thơm của lũ trẻ bụ sữa phủ ngập không gian

Anh- em cùng các con hoá thành những giọt tím bay giữa ba chiều sự sống.

TAN BIẾN

Cám ơn Anh đã dám đón nhận một tình yêu lớn và tặng tình yêu lớn cho em
Thế giới còn rất ít người dám coi tình yêu là tối thượng, sống kiệt sức và tái sinh cho tình yêu bằng vị tha dâng hiến

Tiết tấu chậm
Đôi ta
tan biến
vào nhau .
Vi Thùy Linh làm đúng chức năng của người làm thơ tân-hình-thức. Đọc lên cho ta một cảm nhận về thơ mới hôm nay; không sáo ngữ, không trau chuốc, thể thơ ăn-chắc-mặt-bền mà chúng ta thường gặp ở loại thơ này. Điều đó không phải là loại thơ dể dàng xử dụng. Nếu thiếu vắng ngôn từ dành cho tân-hình-thức.

-LY HOÀNG LY: Nhà thơ trẻ nhưng đa dạng trong bộ môn nghệ thuật, vừa thi sĩ, họa sĩ và tạo hình (điêu khắc). Thơ LHL làm bằng thể thơ siêu-hiện-thực cho nên không dẫn nhập cụ thể; nó có tính chất trừu-tượng-biểu-tượng abstract-empressionism chính vì thế mà thơ làm theo kiểu nầy cốt là tạo được sự thưởng thức nghệ thuật thơ (art appreciation) và đã làm cho người đọc thấy được cái vô nghĩa (nonsense) trong thơ nhưng không lạc khuynh hướng, tợ như văn của Anton Tchekhov (Nga) và Katherine Mansfield (Anh) viết truyện không có câu chuyện mà vẫn là truyện hay. Thơ LHL nằm ở tụ điểm đó, có màu sắc của thể thơ nghệ thuật trình diễn (the poetry atr-performance) nhờ những sáng tạo nghệ thuật, LHL đem thơ trực diện với thể loại thơ-lắp-ráp (Installation-art poetry) mà thi sĩ đã thực hiện những năm trước đây. Thơ và tạo-hình-thơ (thơ lắp ráp) của LHL là một sáng tạo mới cho thi ca ngày nay. Đọc bài thơ nầy của người nghệ sĩ trẻ để thấy được chân tướng của dòng thơ đương đại hôm nay:

ĐÊM TRONG VƯỜN
Vườn co vào lá
Hoa ôm đêm đến rũ xác
Em đi nhặt xác hoa
Bước vào vùng trăng
Toàn thân lấp lánh dịu dàng
Cả một ước mơ gởi vào vườn đêm
Cây hoàng lan chìa cánh mềm
Buốt ánh mắt em
Hương hoàng lan xanh óng dưới trăng
Buốt hơi thở em
Vườn co vào lá
Đợi đêm lên tới ngọn
Lên tới ngọn của đêm
Lấy xác hoa
Xoa vào trăng
Trên ngọn đêm.

ĐÊM và ANH

Đêm đã tràn vào từng sợi thủy tinh của chiếc đền vàng
Và khe khẽ hát
Để em không thể nhìn thấy anh
Bằng thính giác.

NGƯỜI ĐÀN BÀ và CĂN NHÀ CỔ

Mắt tròn trong vắt
Đi một vòng ngơ ngác
Sờ tay lên lò sưởi và cửa sổ và tường và mọi thứ ẩm mốc
Thấy tay đầy vi khuẩn

Những bài thơ trên được xây dựng theo thể siêu-hiện-thực surrealism mà có đôi điều nằm trong tiềm thức gợi nhớ,khó mà mô tả tuờng tận something that is ineffable chỉ còn cách lấy ngôn từ thay ý nghĩa của thơ. Đó là sinh thái mới của ngôn ngữ thơ đương đại.
Song hành với nữ phái, thơ nam phái thường có những lời thơ ẩn dụ để che cái tình yêu sâu kín trong lòng dù họ diễn tả dưới mô hình nào đều chứa ít nhiều tình cảm nồng nàn trong thơ tình yêu, tình người, tình quê hương và tình yêu thiên nhiên luôn luôn dính liền trong thơ của họ, bởi qua mấy mươi năm không chiến tranh lòng người dịu xuống, tính phẩn nộ trong thơ văn cũng mờ nhạt theo thời gian chỉ còn lại trong ký ức như hoài niệm và mượn hoạt cảnh đó để làm nhân chứng cho tình yêu và nhờ đó mà sáng tác được nhiều đề tài khác nhau, tạo được một ngôn ngữ mới cho thơ, những bài thơ sau nầy có chất lượng của các trường phái thơ nhưng hoàn toàn độc lập theo cảm quan của riêng mình, sáng tạo được cả âm và lời để bài thơ trở nên độc đáo, chân phương hơn, những nhà thơ hôm nay nhìn thơ là một thực thể; như để biện minh một thứ tình yêu hiện hữu trong đời sống hằng ngày mà họ đã đối diện với thực tại. Đó là nguyên nhân để cho nhà thơ thể hiện một sự đúc kết hiện thực trong thơ mình, một sáng tạo vượt mức. Vì sáng tạo của thi ca là một ý thức thức tỉnh, do từ cái nhìn của nhà thơ, đó là cái nhìn khám phá, khám phá nội tâm qua sự khám phá ngoại gìới, hai yếu tố đó đã đưa bài thơ đến tuyệt đỉnh của cảm thức. Nhưng bên cạnh đó họ vẫn giữ được tính đa cảm sentimental trong thơ, dù dưới thể loại khác nhau nhà thơ luôn luôn sống từng chữ thơ của mình để có phong cách riêng chớ không phải lấy thơ để trang điểm thơ hay tạo hiện tượng. Nói cho ngay; những nhà thơ nam giới đã đưa hồn thơ của mình vào một thế giới riêng tư đầy sáng tạo với chất liệu substance đó làm cho thơ trở nên mới, nhưng trong cái mới chính là ngôn từ thơ; đó là yếu tính nghệ-thuật-thơ-mới hôm nay.

-VŨ TRỌNG QUANG: Thường xử dụng ngôn ngữ ”lập ngôn” trong thơ có nghĩa là chữ đối chữ ngay cả tựa đề bài thơ tác giả vẫn dùng cái lối tu từ đó. Mới đọc thơ VTQ thường làm cho thị giác khó chịu bởi thơ dựng theo thể cực-hiện-thực (hyper-réaliste) làm cho những bài thơ của VTQ đi vào thể thơ-vô-nghĩa (nonsense) chính thể thơ nầy đã xuất hiện vào thế kỷXII, XIII ở Pháp, một thể thơ được gọi là thơ-hồ-lốn (fatrasie) chính cái hồ-lốn, tạp-lục như thế biến mỗi bài thơ có giọng thơ bâng quơ vô nghĩa; đây không phải là thể thơ dể thiết lập hay làm nên, nó đòi hỏi một sự sáng tạo vô cùng của nhạy cảm để đủ năng lực đuổi theo “con chữ”. Gần đây Anh, Pháp lập ra phong-trào thơ VÔ NGHĨA, họ cho rằng những câu thơ, bài thơ có ý nghĩa chẳng ăn nhập vào đâu cả mà trở thành sáo ngữ; họ chỉ chú trong vào ngữ thuật. VTQ tài tình trong ngữ thuật đó và tạo được cái riêng của ngôn ngữ thơ hôm nay. Cho dù có những vần điệu mơ hồ, tối nghĩa (ambiguous) nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu sắc của cái lạ trong bài thơ. Đi sâu vào loại thơ nầy để thấy chất liệu của nó:

SÁNG TẠO
Vô vàn bước đi không vạch hết con đường
phía trước sương mù trắng xóa hiện thực
sỏi đá có chịu trách nhiệm về mình
trên gồ ghề biến đôi chân đau đớn & chai sạn

Dự định phải vượt vị trí thời gian
khởi từ chồi non khởi từ tro than
sứ mạng ánh sáng truyền ba động không nơi trú ngụ
lẽ nào đền đài cổ kính truyền cấu trúc trước giờ động thổ

Nếu hạnh phúc của tia mặt trời
chỉ khúc xạ và sáng rực ở lăng kính
nếu cảm xúc hoa giả sung sướng mọc dài trên đường đi tới
tôi thách đối với chính tôi

Tôi sợ lập lại với chính tôi
không thoát được.(*)


ĐỘ NGHIÊNG BÓNG TỐI
Anh thấy hình con tàu thơ em mắc cặn cao nguyên
tự do nghiêng
vị đắng cà phê ban mai ban mê thất bại

đầu tàu cố vận mình vận hành không mất phương hướng
lớp lớp hoa hướng dương che màu mắt mặt trời
ngôi nhà trung tâm trên bờ không thèm nghe thấy (*)

Từ thể thơ vô-nghĩa đó, thơ VTQ đúng là thể thơ siêu nhiên (supernatural) cho một trong những dòng thơ đương đại hôm nay. Quả không ngoa!

-TRẦN HỮU DŨNG: Xây dựng một thể thơ khám phá vào thơ hiện thực ,bằng những cách trở khác nhau;bằng những hình ảnh khác nhau; người ta cho đó là chủ nghĩa hình tượng (imagism). Trong thơ THD có bài trộn lẫn giữa những thể khác nhau như siêu-thực (surrealism) và trừu tượng biểu tượng (abstract empresssionism) làm cho bài thơ ngắt giòng đột ngột và làm cho bài thơ trở nên siêu-lý của những thể loại thơ như thế nầy. Thơ THD mang nặng tính chất ẩn dụ và trình-diễn-nghệ-thuật đó là sáng tạo của ngôn từ (art is a metaphor of the creation). Tạo cho mình một dáng thơ có chiều sâu và tiềm ẩn. Nhờ những biến thể đó thơ THD trở thành thể loại thơ xuôi, xuôi hơn cả thơ tân-hình-thức (!). Trích đoạn những bài thơ tượng trưng để tìm thấy thể loại mới nầy trong thơ Trần Hữu Dũng.

THANH TẨY
Chỗ em nằm, những vết lõm gợn đường cong bất tuyệt
Và hơi thở gió rướn mình
Trườn qua đồi, núi, hẻm vực đê mê

Vây bủa các toà buynh duynh ngất nghểu
Đôi tình nhân chọn căn phòng nhỏ làm tổ ấm
Gù nhau suốt mùa hè đỏ lửa

Ráng chiều soi gương mặt em hồng rạng rỡ
Hàng cây bên đường xoè bung tàn lá
Thủ thỉ lời phủ dụ chết người

Khúc hát tình yêu ban đầu trở lại
Thanh tẩy mạch nguồn tình cảm tuôn trào
Dạy anh cách sống mới-tình yêu&khát vọng.(*)

Ở SAPA

nhiều lần anh lãng mạn
Hái tặng em
Cành hoa tuyết
Đính hàng chuỗi ngôn từ yêu em, yêu em
Lấp lánh.
(Trong THD.Hai Bài Thơ Mới)(*)

TẮM TRĂNG
Trộm nhìn ngực trần em lúc tắm trăng-thuở xuân thì chưa ong bướm dập dìu quyến dụ
Mùa trái chin căng tròn,thơm thơm hương thiếu nữ đến giờ cơn xoáy động luôn làm anh run rẫy
Vị ngọt bất ngờ đằm đằm ngày tháng,khiến anh ngây ngất nhớ
Suối khe nguồn nước mát lành chảy tràn qua giấc ngủ,khi lúc đầu vào bức tường gai góc cuộc đời toé máu vẫn mơ hoài
Chỉ một đêm em tắm,trăng bên vườn nhà tròn vành vạch suốt đời anh.
(Trong: Thơ Tháng Năm) (*)

Nhà thơ đã diễn tả trọn vẹn chức năng của thơ mới hôm nay;mặc dù “thơ tân-hình-thức là thơ mới hơn thơ mới” (Khế Iêm). Trần Hữu Dũng đã chứng minh điều đó một cách trung thực của dòng thơ đương đại.
Vào vườn thơ ta bắt gặp nhà thơ xử dụng nhiều thể loại khác nhau: thơ tự do không vần, thơ xuôi đều luồng vào một sinh khí siêu thực, trừu tượng đem lại nhiều ấn tượng cho bài thơ, tạo được lời, âm của bài thơ thành một thi pháp mới lạ .

-LINH PHƯƠNG: Mang nặng tính thơ nghệ thuật trình diễn (poetry art- performance) mặc dù nhà thơ duy trì thể thơ lục bát và thơ bảy chữ, có nhiều bài thơ 6/8 đã biến thể thành thơ đếm bước (iambic-foot) nghe có duyên lạ! Dù xây dựng dạng thơ tân cổ điển (neo-classicalism) hay thơ cũ có niêm luật, bằng trắc chặt chẽ nhưng vẫn giữ được phong vị của thơ mới. Thơ LP một thời đi vào thời thượng của thi nhạc điều ấy chứng tỏ dòng thơ trữ tình của Linh Phương luôn được đón nhận và được sắp xếp như một loại thơ hiện thực (realism) và lãng mạn (romanticism) một thể thơ được gọi là nhạy cảm của cảm giác (the age of sensibility) là những thể thơ ưa chuộng dành cho những tâm hồn đa cảm, chính cái tồn tại đó đưa tác giả vào trào lưu đương đại. Có nhiều tác giả làm thơ lục bát, ngủ ngôn, thất ngôn, bát cú (ngôn) rất sành sỏi nhưng LP được cái biết dụng ngôn làm cho thơ đi vào cõi siêu thoát. Một thể thơ thông thường nhưng phải có cảm xúc mạnh mới phản ảnh được những dòng thơ như thế. Đọc những bài thơ vần điệu mới thấy được chất thơ-tình-lãng-mạn của thi sĩ, mới thấy được cái vượt thời gian mà LP để lại.

NÍU MÂY NHÌN XUỐNG
Níu mây nhìn xuống ngực gầy
Nghe thơm hương tóc những ngày thanh xuân
Dẫu mai vãn lục phai hồng
Mơ ba vạn kiếp tình nồng chưa tan.

THẬT GẦN BÊN NHAU
Nghiêng vai mà thấy thật gần
Bên nhau nắng xế đã tàn chiều hôm
Một vòng tay-một nụ hôn
Ái ân ngày cũ vẫn còn thiên thu.

KỶ VẬT CHO EM
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về

Mai trở về chiều hoang trốn nắng

Anh nhìn em-anh cố sẽ quên
Tình nghĩa cũ một lần trăng trối.
(1970)

HƯƠNG ÁO TÍM
Một thời sau nữa xa vời vợi
Chim hót bên song tiếng ngậm ngùi

Mới hiểu quê người em vẫn đợi
Mùa thu biền biệt phấn thu vàng

Sóng sánh tình yêu thuở dại khờ.(*)
Ngôn từ và chữ nghĩa trong thơ LP là một hợp chất đầy sáng tạo của lối dụng ngôn thơ.

-LÊ VĨNH TÀI: Làm thơ theo cách riêng của mình, không đứng vào hàng ngủ thơ, không trường phái, không chủ nghĩa, không thi tứ, không vần điệu; tác giả gọi đó là thơ của thơ. Tưởng rằng lạ, nhưng không; thơ của LVT là thơ hiện sinh chủ nghĩa (existialism) có những bài thơ tác giả làm như “thơ-truyện”, trong thi ca gọi là thơ xuôi nghĩa là thơ bị lôi cuốn bởi cảm xúc tri giác, một phần đưa sự vật hiện hữu vào tri thức, đi thẳng vào nhận định thơ. Vì vậy nhà thơ đang muốn truyền hưởng lẽ sống trong sự tiếp xúc sự vật ngoại giới để xâm nhập vào thơ. Thể tạng đó được khám phá đồng thời với khám phá vũ trụ mơ về thực tại của hiện sinh tức mơ về với hiện hữu, vì chính cái hội nhập giữa hai trạng thái nội giới và ngoại gìới để phát tiết những dòng thơ vừa mang tính siêu thực vừa mang tính hiện sinh. Descartes nói: ”je pense, donc je suis” cái suy tư của tác giả là hiện hữu, đó là cái nhìn tâm thức để tạo nên nguồn thơ do chính mình nghĩ tới, là ngôn từ của thi ca mà Lê Vĩnh Tài đã xử dụng một cách triệt để. Trong tập thơ THƠ HỎI THƠ, ròng rã 50 bài thơ như 50 thể “truyện ngắn”. Trích đoạn trong tập Thơ Hỏi Thơ để giảo nghiệm ý thức của nhà thơ hiện sinh nầy muốn cảm xúc gì với thơ, để có được dòng thơ mới hôm nay:

THƠ I
có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @%^&#$$$ và được gọi là thơ cụ thể
trên lý thuyết con người ta có thể không có miệng (câm), không có tai (điếc), không có mắt(mù) và cũng là những con người cụ thể
chỉ những người không có tự do (tù) thì không thể là người cụ thể, vì ngoài việc hít thở ra, ta không còn biết gì về họ.(*). Đỡ lo
(*)xanh xanh lá thuộc bài ơi
từ em áo trắng rong chơi không về
(tức là chưa biết khi nào về)

VIẾT CHO NGƯỜI
ngày tháng đã chiêm bao chưa
quay lưng còn chưa gì nữa
dốc vẫn còn dốc chưa dài
đi về chưa trong cõi nhớ

chưa đốt điếu thuốc đầu ngày
khói vẫn chưa làn khói trắng
lặng lẽ như mây bay chưa
ta ngồi như chưa câm lặng

tít tắp một nụ chưa cười
xa thành xa chưa thăm thẳm
nước mắt hòn đá lăn chưa
đêm thành đêm chưa thức trắng

đã xa thành chưa thăm thẳm
người đã thành mù khơi chưa.(*)

Nói tóm lại thơ Lê Vĩnh Tài có cách riêng của Lê Vĩnh Tài nhưng rồi nó cũng nằm trong âm vận của thơ xuôi và thơ vô thức tức chủ-nghĩa-vô-nghĩa (nonsenselism) mà rất thịnh cho ngày nay. LVT có thực sự đại diện chủ nghĩa này cho thơ đương đại Việt Nam?

-TỪ HOÀI TẤN: Làm thơ ở tuổi mới lớn với tâm thức tràn đầy hiện thực, lớn dần với thời gian thơ; THT chuyển sang siêu thực và tượng trưng. Tác giả xử dụng ba thể loại trên một cách nhuần nhuyễn giữa ý và lời tạo một không gian ngôn ngữ đa dạng không khác gì thơ của Emily Dickinson và Elizabeth Bishop(Hoa kỳ) thường hay xử dụng những thể loại như thế và chính trong cái formalist, surrealism và symbolism đã đưa nhà thơ thấy được sự nhiệm mầu của siêu hình; cho dù THT làm thơ lục bát, thơ 5 chữ, thơ 7 chữ hoặc thơ xuôi vẫn để trong thơ những ngôn từ mới lạ, những dòng thơ đó là ý thức sáng tạo của ngôn ngữ thơ, nhờ vào sự vận hành chữ nghĩa mà tạo nên những thi pháp trong thơ của Từ Hoài Tấn.
Đọc lại những bài thơ của THT để tìm thấy chất liệu (substance) mà nhà thơ dùng trong thơ của mình dưới những góc độ khác nhau:

HOÀNG HÔN NHỚ NẮNG

Nắng chiều chia nửa cho tôi
Một phương là tiếng môi cười vô thanh
Một phương là nỗi ngọn nghành
Âm vang ngày mới nắng hanh lối về
Ráng chiều nửa ngọn mân mê
Mai về dầu có phương quê đợi chờ

Tôi chia nửa nắng cho người
Hơ tình cho ấm một thời rét băng
Tôi chia tôi chút nắng tàn
Một ngày xa bước chân nàng mù khơi

Nắng chiều chia hết cho tôi
Ngày mai nữa lại chờ người ấy chăng?(*)

HUẾ CỦA NHỮNG MUÀ XUÂN

Hàng phượng đỏ ở Nội thành thường vẫn nở sớm trước ngày hè
Những người yêu nhau thường có lý do để gặp nhau trong một ngày xuân muộn
Con đường dài và cuộc tình chung
Những lời nguyền khắc trên vách tường thành xanh rêu


KHÚC SINH CA

Vác thanh gươm tình ái
Vòng đấu trường cô đơn
Ta cùng ta địch thủ
Mão vinh hiển ta tròng

Ba thể thơ ghi trên của Từ Hoài Tấn có ấn tượng đậm nét trong thể hiện thực, siêu thực và tượng trưng cũng đủ nói lên sự góp mặt trong những dòng thơ đương đại ngày nay.

***

Thơ nằm dưới dạng nào, trường phái nào, thể thức nào, nhất thiết phải là sáng tạo, đó là vận hành của trào lưu thi tứ hôm nay cũng như bất cứ ở thời đại nào, dù rằng thơ tập trung trong mảng xuất thần của trí tuệ (mind) và từ đó biến đổi ra thi pháp (versification) mới cho thơ và phát tiết những ngôn từ vốn đã nằm sẳn trong tiềm thức, gây nên khi giao hợp với cảm hứng giữa ngoại quan và nội quan tạo được một tâm thức sống động, cái sống động đó biến thể thơ qua những dạng thức khác nhau của các trường phái khác nhau… Đó là bản thể tồn tại trong trào lưu thơ đương đại hôm nay. Do đó muốn hội nhập vào dòng tư tưởng nầy người làm thơ đòi hỏi một cảm nhận trực giác để thơ đi vào nguồn mạch của sáng tạo một cách đích thực như thể đóng vai trò bảo vệ thơ góp mặt giữa đời này một cách phong phú và mầu nhiệm bởi thời đại chúng ta đang sống là thời đại của tung hô, trình diễn, thách đố giữa những tiến bộ kỷ thuật mà làm hư hoá vẻ “lộng lẫy”của thơ và liệu thơ có còn chức năng thơ để “nhâm nhi”cái tuyệt vời của nó ? hay là nhu cầu làm thơ cho có mặt với đời mà đánh mất đi bản thể của thơ. Bởi nhà thơ sống với “con chữ” của mình, họ cân nhắc, đắn đo từng câu, từng giòng để thành thơ chớ không phải thơ là những tạo vật để trang trí hay thời trang của phấn son! Sợ những tạo vật đó làm mất chất thơ và “sản xuất” ào ạt thơ làm cho thơ trở nên tạp nham, hồ đồ giữa một thị trường văn hóa không có chứng từ; một thứ phi-văn-hoá không còn tính siêu thoát của thơ và tính đương đại thời thượng.
Giới thiệu một số nhà thơ đã xuất hiện trong những năm gần đây cũng như những nhà thơ kỳ cựu trước và sau thời gian đổi mới văn hoá; nghĩa là họ “được phép” phát huy dòng sáng tạo của họ, nhờ đó nhiều nhà thơ vượt ra khỏi khuôn phép của ngôn ngữ thơ cũng như ngôn ngữ văn chương, họ không còn ngại những ước lệ cũ đã làm suy thoái nguồn sáng tạo của họ; đó là khuynh hướng đổi mới tư duy toàn diện kể cả sự đổi mới cho chính mình. Chúng tôi đưa ra hai thế hệ, một thế hệ trẻ nữ phái và một thế hệ “lão thành” nam phái để độc giả khắp nơi nhận định những trường phái khác nhau với cách vận dụng khác nhau của mỗi nhà thơ và thấy được những dòng thơ đương đại hôn nay sánh vai ngang ngửa với văn đàn thế giới nói chung và văn thơ Việt Nam nói riêng.
Bài viết nầy chỉ là nhận định hạn hẹp trong một suy tư hạn hẹp. Mong vậy!

VÕ CÔNG LIÊM ( c.ab cuối 5/2010)
_____________________________

Sách tham khảo:
-(*)http://www.vanchuongviet.org
-Tân Hình Thức.Khế Iêm.NXB Văn Mới USA 2003
-Tạp chí Hợp Lưu#91.2006
-Writing Metrical Poetry (Contemporary poetry) by William Baer. Writer’s Digest Books USA copyright.2006
-Three Genres by Stephen Minot. Pearson Prentice Hall.USA 2007
-La poétique de la Rêverie .Gaston Bachelard.P.U. de France 1960
-La poétique de l’Espace. Gustave Flaubert P.U.France 1960

Thơ viết bên Hộ Thành hào - Nguyên Quân





Viết tặng con ngựa đua

Tặng tôi

những con ngựa đua hết thời
uể oải bước qua ngày thật chậm
thành phố buổi sớm mai nặc nồng bụi khói
ký ức cánh đồng ướp thơm mùi cỏ
và cuộc tình hoang dại thảo nguyên
bỗng dưng buồn nôn tiếng hý

có thể những con ngựa đua hết thời
đang cúi đầu đi xuyên suốt qua tôi
từ suy tưởng của ngày – ác mộng của đêm
đến lạc loài thân phận
sự dự báo cuối cùng mang hình hài ủ rũ
của những chiếc bờm rách nát
trên tấm lưng đời trần trụi

có thể những con ngựa già chạm vó thời gian
cũng hằn sâu nhiều vết roi bội bạc
đặc quánh lời tung hô ma mị
nhưng đừng buồn ngựa ơi !
dù bầu trời trên đầu không còn xanh
thảo nguyên ký ức úa vàng màu cỏ
ngày trôi thật chậm qua cơn đau
của những chiếc móng sắt…


Sài Gòn và cơn giông khô

nhiều khi anh thật nhớ em
dù biết chắc mình chỉ là chiếc đinh gỗ mục
bám hờ trên mảng đời đầy tham vọng
như những con chữ nguỵ trang nỗi buồn
trên lớp xiêm y loè loẹt của hư danh

hôm qua uống thật say bên giòng kênh đen
với những gã ăn mày từ tâm nhân loại
anh tự vuốt ve mặt mình
bằng những giọt nước mắt trong suốt
những ngón tay mòn bật máy lên
ngồi nhìn cái màn hình tinh thể lỏng
màu xanh- buồn nôn- say xỉn
những con chữ đi qua nhiều tần số
u mê- mệt nhoài- gian trá

Sài Gòn buổi chiều
bầm tím những cơn giông khô
và những con người nhếch nhác
nhiều khi anh thật nhớ em
để uống thật say
và ném tất cả những lời sáo rỗng
xuống giòng kênh lều bều rác rưởi
bầu trời nghèn nghẹn tiếng cười khan
của thằng bé đánh giày
cố cúi lưng thật thấp
đánh bóng mặt mình những giọt mồ hôi


NGUYÊN QUÂN

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2010

ĐÊM THƠ GIỚI THIỆU TÁC PHẨM 1000 NHÀ THƠ HUẾ ĐƯƠNG THỜI


Thơ ca lên ngôi


Từ trước Festival Huế 2010, hàng trăm nhà thơ đã tụ hội về Huế. Trong khuôn khổ festival, có ít nhất tới 5 diễn đàn, hội thảo, trình diễn và giới thiệu thơ, cuộc nào cũng thu hút đông người tham dự.
Cuộc thứ nhất do nhóm sưu tập biên soạn 1.000 nhà thơ Huế đương thời tổ chức ra mắt tập thứ 3 (lúc 19 giờ ngày 6.6, tại Phương Nam Books, 15 Lê Lợi, TP Huế).

Vượt qua tất cả những gièm pha, cuộc chơi tao nhã của những người yêu thơ vẫn đều đặn song hành cùng festival. Và bây giờ tập 3 đã ra mắt đúng hẹn tại Festival Huế 2010, hoàn thành con số hơn 1.000 tác giả, hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cuộc thứ hai là Không gian thơ Bảo Cường tổ chức ngay tại vườn nhà của nhà thơ (số 310 Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ, TP Huế), được Hội Nhà văn Thừa Thiên - Huế bảo trợ. Người nghệ sĩ quê gốc chiến khu Dương Hòa (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) sau hơn 40 năm lưu lạc xứ người, năm nào festival cũng về Huế. Thơ của anh mộc mạc chân chất, được đông đảo bạn bè, người yêu thơ trân trọng vì lòng tâm huyết với quê hương, như một bài thơ anh viết: “Tấm lòng kẻ ở phương xa/Tìm về quê mẹ, chút quà nhỏ nhoi”. Ở đó, người ta thấy có mặt các nhà thơ tên tuổi như Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Võ Quê, Nguyễn Miên Thảo, nhà văn Trần Thùy Mai, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, cùng các nhà thơ trẻ Huế như Phạm Nguyên Tường, Đông Hà, Lãm Thắng...

Cuộc thứ ba là tọa đàm Thơ đến từ đâu? diễn ra chiều 6.6, tại Tạp chí Sông Hương, số 5 Phạm Hồng Thái, TP Huế. Với cách đặt vấn đề gợi mở, diễn đàn thơ cũng đã sôi động với hàng trăm ý kiến của các nhà thơ, nhà phê bình và người yêu thơ.Tối 6.6, tại Công viên 3 Tháng 2 trước trường ĐH Sư phạm Huế, cũng đã diễn ra cuộc trình diễn thơ của các tác giả 3 miền. Ở đó có nhiều hình thức trình diễn: ngâm thơ, họa thơ, thư pháp thơ, thơ phổ nhạc...


Bùi Ngọc Long.(TNO)

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010

1000 Nhà thơ Huế đương thời - tập 3


1000 NHÀ THƠ HUẾ ĐƯƠNG THỜI
CUỐN 3
( Sưu tầm & Tuyển chọn )
Chủ biên
CAO HUY KHANH – VIÊM TỊNH - NGUYỄN MIÊN THẢO

Với sự cộng tác :
PHAN HỮU DẬT * TRẦN PHƯƠNG TRÀ * VÕ THỊ XUÂN HÀ
(Hà Nội)
TỪ HOÀI TẤN * NGUYỄN ĐỨC NHUẦN * VĂN VIẾT LỘC *TRẦN DZẠ LỮ
(Tp. Hồ Chí Minh)
LƯƠNG TÚY VÂN
(Đồng Nai)
NGUYỄN MAN KIM
(Buôn Ma Thuột)
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN * LÊ NGỌC THUẬN * NGÀN THƯƠNG * NGUYỄN THIỀN NGHI * BẠCH LÊ QUANG * NGÔ THIÊN THU * CHÂU THU HÀ * VÕ THỊ QUỲNH * NGUYỄN NGỌC TẤT * NGUYỄN PHÚC VĨNH THỌ * XUÂN DÂN * CAO ĐĂNG NGỌC PHƯỢNG * NGUYỄN NỮ ÁNH HỒNG * LÊ ĐÌNH DŨNG * LÊ CÔNG HOÀNG
(Huế)

Nhà thơ Huế trải lòng nhân mùa Festival
Thất Sơn

Độc giả có dịp gặp gỡ những nhà thơ trực tiếp biên soạn tập '1000 nhà thơ Huế đương thời' như: Cao Huy Khanh, Viêm Tịnh, Nguyễn Miên Thảo... và nghe các thi sĩ trải lòng về công việc sáng tác.
Đêm thơ giới thiệu tác phẩm 1000 nhà thơ Huế đương thời diễn ra vào 19h ngày 6/6.
Tập thơ tuyển chọn các sáng tác tiêu biểu của nhà thơ Huế đương thời.
Tác phẩm 1000 nhà thơ Huế đương thời tập 1, tập 2 đã ra mắt trong dịp Festival Huế 2006 và 2008. Năm nay, tập thứ ba của bộ thơ này xuất bản vào đầu tháng 6, góp một phần vào các hoạt động ở sân thơ cùng với chuỗi sự kiện văn hóa nghệ thuật của Festival Huế 2010.
Trong đêm giới thiệu tác phẩm 1000 nhà thơ Huế đương thời, các nhà thơ trải lòng với khán giả về những cảm xúc khi sáng tác và còn trực tiếp ngâm những tác phẩm của mình. Ngoài ra, khán giả còn được mời lên ngâm thơ cùng với các thi sĩ để tạo nên sự cộng hưởng thú vị trong thưởng thức thơ ca.
Bên cạnh đó, nhân dịp sinh nhật 3 tuổi của báo Áo Trắng, văn phòng đại diện của báo này tại Huế phối hợp cùng công ty văn hóa Phương Nam tổ chức buổi giao lưu giữa cộng tác viên Áo Trắng với các nhà văn.
Đây là dịp để khán giả giao lưu và gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền, Lê Minh Quốc, Trần Thùy Mai. Cuộc hội ngộ giữa các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng hai miền Trung, Nam này diễn ra vào 16h ngày 5/6.
Các hoạt động trên do Trung tâm văn hóa Phương Nam ở Huế tổ chức. Trung tâm văn hóa này sẽ khai trương tại số 15, Lê Lợi, thành phố Huế, vào ngày 4/6.
Festival Huế 2010 mang chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển", diễn ra từ ngày 5 đến 13/6.

http://evan.vnexpress.net/News/Tin-tuc/

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Ra đi từ trạm cuối văn chương


NHÀ VĂN NGUYỄN KHƯƠNG BÌNH:
Ra đi từ trạm cuối văn chương

(TT&VH) - Cuộc đời Nguyễn Khương Bình có thể phác họa sơ qua như sau: Lúc nhỏ, ở quê nhà; thời trai trẻ: đi bộ đội; sau 30 tuổi: làm báo ở TP.HCM; sau 45 tuổi: làm xuất bản và trở lại với văn chương. Văn chương là trạm cuối của một đời lao đao, ít niềm vui.

Nguyễn Khương Bình (tháng 5/2010). Ảnh: T.H.D.
Làm thơ từ rất sớm, in rải rác đây đó. Năm 2007, anh có thơ in chung với Nguyễn Thành Nhân, Trương Đạm Thủy, Vương Kiều trong tập Chia tay mùa Hạ (NXB Lao động).
Năm 2009, khi lâm bệnh hiểm nghèo, anh gom góp những truyện ngắn cũng đã viết từ lâu, in thành tập Khóc chẳng để làm gì (NXB Lao động).
Gần đây nhất, quý 2/2010, những bài thơ mới viết của anh cũng góp mặt trong tập thơ Bông & giấy (NXB Lao động), tuyển của 30 tác giả hôm nay.
Cũng trong quý 2/2010, Nguyễn Khương Bình là người biên tập tuyển thơ tân hình thức (new formalism) đầu tiên của Việt Nam, dày 280 trang, gồm 22 tác giả.
Trong bài thơ Rồi sẽ một ngày, viết giữa hai cơn đau, Nguyễn Khương Bình khá bình thản khi nhìn mình, nhìn đời: "Biết rằng tử sinh là chuyện bình thường/ Nhưng một ngày sẽ không còn tôi ngồi đây/ Bạn bè ta có thể nhiều người cũng không còn ngồi đây/ Ngọn gió hoang vu phơ phất buồn tênh/ Một ngày như thế bình thường mà em/ Như một lần ghé lại rồi đi - một đời người/ Có gì đâu/ Rồi sẽ một ngày".

Nay thì cái ngày ấy đã đến với anh, lúc 13h30 ngày 31/5, tại một bệnh viện ở TP.HCM, gia đình và bạn bè văn nghệ đưa anh về quê nhà yên nghỉ. Làng Đại Bường quê anh rất đặc biệt và thơ mộng, nổi tiếng vì du lịch; một cù lao lưng dựa núi, được bao bọc bởi sông Thu Bồn, suốt thời chiến tranh chẳng ai chết vì bom đạn; ngày nay trái cây bốn mùa trĩu quả, trong đó có những loại ‘đặc chủng’ của miệt vườn Nam bộ như xoài, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm... Mảnh đất ấy đang đón anh về an nghỉ.

Văn Bảy

Nguyễn Khương Bình (10/4/1960- 31/5/2010)
tên thật là Nguyễn Ngà, quê ở làng Đại Bình (còn gọi Đại Bường), xã Quế Trung, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Anh là đại diện chi nhánh phía Nam của NXB Lao động.

Nhà thơ Nguyễn Khương Bình đã từ trần

Do bệnh nặng, Nhà thơ Nguyễn Khương Bình đã từ trần lúc 13 giờ 30 ngày 31 tháng 5 năm 2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện di hài của anh đã đưa về nhà người thân gần Nhà thờ Trung Chánh, đường Nguyễn ảnh Thủ, quận 12. Tối nay liệm khỏang 20 giờ,sau đó gia đình đưa về quê ngay trong tối nay 31/5/2010).

Nhà thơ Nguyễn Khương Bình tên thật Nguyễn Ngà sinh năm 1960,
Làm việc tại Nhà xuất bản Lao Động (Phía Nam).

quê Làng Đại Bình, Xã Trung Phước, Huyện Nông Sơn, Tỉnh Quảng Nam,hưởng dương 51 tuổi

Thành kính chia buồn cùng gia đình nhà thơ Nguyễn Khương Bình và quí quyến. Xin cầu chúc hương hồn anh sớm về chốn vĩnh hằng.

Một số thi hữu báo tin và cùng chia buồn:
Phạm Chu Sa ,Ngô Nguyên Nghiễm, Vũ Trọng Quang,Huỳnh Thuý Kiều ,Bảo Cường ,Trần Hữu ,Dũng,Nguyễn Hoà (vcv),Cao Quảng Văn,Nhật Quỳnh,Nguyễn Đình Phư,Chiêu Anh Nguyễn,Phan Trung Thành, Đoàn Vị Thượng, Nguyễn Đông Phương, Nguyễn Đình Bổn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Tam Phù Sa,Trương Văn Dân, Vương Kiều, Trần Áng Sơn, Văn Viết Lộc, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn ...


(Tin: P. Trung Thành)

Rồi sẽ một ngày

Tặng : Hùng

Rồi sẽ một ngày tôi không còn ngồi đây
Em nghĩ gì về ngọn nắng trên kia
Nắng vàng tươi trên lá xanh
Hồn tôi đậu ở đó

Rồi sẽ một ngày em chưa về dù đúng ngọ
Mặt trời dường như dừng lại
Như níu kéo chút gì của quá khứ
Thói quen-ngọn gió-chỗ ngồi-tình yêu

Rồi sẽ một ngày em thôi không còn do dự
Đứng lên ra về có chờ đợi gì đâu
Đứng lên về nhanh không khéo em khóc
Khoảng trống vắng như sa mạc

Biết rằng tử sinh là chuyện bình thường
Nhưng một ngày sẽ không còn tôi ngồi đây
Bạn bè ta có thể nhiều người cũng không còn ngồi đây
Ngọn gió hoang vu phơ phất buồn tênh

Một ngày như thế bình thường mà em
Như một lần ghé lại rồi đi-một đời người
Có gì đâu
Rồi sẽ một ngày

NGUYỄN KHƯƠNG BÌNH
20/3/2010


Một người vừa bay qua ánh sáng

CHIÊU ANH NGUYỄN

Cho KB

Những người bạn nói cười
Những buổi sáng líu ríu niềm vui
Li café sóng sánh
Gói thuốc truyền tay
Cười bằng mắt
Chiếc bàn nhựa quay quần
Chia từng câu chuyện
Nối từng vòng tay
Có anh có tôi có những con ngừoi trẻ thơ đến vô cùng kì lạ
Những câu chuyện nối dài đến vạn buổi sáng
Đến sáng nay…
Tin nhắn sau cùng là một tin vui
Anh mạnh mẽ đến tận khi tàn lụi
Sáng mai ..sáng mốt…và những sáng nào tôi không còn biết
Chỗ anh ngồi sẽ trống
Cái đập tay đắc ý khi kết thúc một truyện cười nho nhỏ
Sẽ vắng …
Từng người bỏ nhau đi
Nở nụ cừoi tiễn biệt
Những con ngừoi vẫn mãi trẻ thơ hiền hòa như tôi từng gặp
Sẽ chấp chới bay về nơi ánh sáng
Và mỉm cười thanh thản

SG 31-05-2010


Nguồn : Vanchuongviet.org