Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

CHÀO MỪNG NĂM MỚI 2010



CHÚC MỪNG NĂM MỚI


AN KHANG THỊNH VƯỢNG


VẠN SỰ NHƯ Ý

Từ Hoài Tấn : CHÀO NĂM

Chào năm, năm bước qua đi
Những vui hội ngộ những gì ly tan
Từ khi mây bỏ lìa ngàn
Sông hồ bạn hữu trăng vàng đáy soi
Từ khi em nói yêu tôi
Ngàn năm thoảng nhẹ một lời thủy chung
Tình dài bờ bến trôi không
Tặng em một nửa đời hồng mai sau
Sao sa rụng xuống cồn lau
Đêm tình sáng ánh nhiệm mầu phù du
Chào năm, năm nói rất nhu
Em ơi hãy nở nghìn thu nụ cười
Chào năm, năm bước qua rồi
Sông nương theo bãi ngân lời yêu thương

TỪ HOÀI TẤN

Đường thiền sen nở” cuốn sách quý về một nữ tu danh tiếng - NGUYỄN CƯƠNG


Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (tục danh Hồ Thị Hạnh) sinh năm 1905 viên tịch năm 1997 hưởng thọ 93 tuổi. Lúc sinh thời Sư Bà trụ trì tại Chùa Hồng Ân, một ngôi chùa nữ tu nổi tiếng ở TP Huế, đã một thời là trung tâm Phật giáo ở miền Nam.

Trong giới tu hành ở miền Nam không ai không biết đến danh và công lao đóng góp cho đạo, cho đời của Sư Bà. Sư Bà Diệu Không là người đã xây dựng và sáng lập ni tự Hồng Ân vào khoảng năm 1949 và có nhiều hoạt động xã hội khác.Quyển “Đường thiền sen nở” do hai tác giả Lê Ngân và Hồ Đắc Hoài biên soạn do Nxb Lao Động và Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây ấn hành 6/2009. Quyển sách gồm 3 phần: Gia tộc và thân thế, hồi ký của Sư Bà Thích Nữ Diệu Không và Diệu Không thi lục.

Sư Bà Diệu Không là con của cụ Hồ Đắc Trung (1861 - 1941) quê ở làng An Truyền (Phú Vang - Thừa Thiên Huế). Cụ Hồ Đắc Trung nhận chức thượng thư Bộ Học kiêm Bộ Hộ dưới triều vua Duy Tân, uy quyền rất lớn nhưng cụ là người tôn trọng nghĩa khí, tính thanh liêm ngay thẳng, xuất thân từ Nho học, nhưng sớm có tư tưởng cách tân. Cụ có 10 người con (6 trai, 4 gái). Những người con của cụ sau này đã có nhiều người có công đóng góp cho đất nước như Tiến sĩ luật khoa Hồ Đắc Điềm nguyên phó Chủ tịch UBHC TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP Hà Nội; Giáo sư Bác sĩ Hồ Đắc Di nguyên Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Y Khoa Hà Nội; kỹ sư Hồ Đắc Liên nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất; tiến sĩ dược khoa Hồ Đắc Ân, Sư Bà Diệu Không (con gái út) nổi tiếng trong giới Phật giáo.

Trong phần gia tộc còn giới thiệu nhiều chi tiết “những dấu ấn lịch sử” liên quan giữa cụ Hồ Đắc Trung và gia đình với vua Duy Tân, với cụ pho bảng Nguyễn Sinh Huy (Nguyễn Sinh Sắc). Phần này cũng đã nêu khá rõ tiểu sử của Sư Bà những đóng góp cho đạo, cho đời gắn bó với phong trào Phật giáo miền Nam những năm 1960 đấu tranh chống Mỹ - Diệm và những năm tiếp theo cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau năm 1975 Sư Bà Diệu Không với cương vị đứng đầu giới nữ tu miền Nam đã góp phần tích cực vào quá trình thống nhất tổ chức Phật giáo toàn quốc gắn với sự phát triển cua cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Phần hồi ký của Sư Bà là phần chính cuốn sách. Phần này được ghi chép lại vào năm 1992, tác giả biên soạn không thay đổi thêm bớt, sửa chữa chỉ bổ sung phụ đề, chú thích và ảnh minh họa. Trong phần hồi ký người đọc bị cuốn hút với lối kể chuyện giản dị, dễ hiểu theo dòng lịch sử đôi khi pha chút dí dỏm về cuộc đời của mình xuất thân trong một gia đình đại thần triều Nguyễn Hồ Đắc Trung cho đến khi xuất gia theo đạo Phật. Trong phần hồi ký, chúng ta lại bắt gặp những gương mặt nữ tiêu biểu ở Huế hồi đầu thế kỷ trước như nữ sử Đạm Phương, bà Trần Như Mân, bà vợ Phan Bội Châu…

Các phong trào Duy Tân, Đông Du đều được nhắc đến. Có một số chi tiết thuộc về “thâm cung bí sử”, chuyện “hậu cung” dưới triều Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại với Bà Từ Cung, Nam Phương hoàng hậu đều được kể lại khách quan.

Phần Diệu Không thi lục đã giới thiệu trên 110 bài thơ trong sự nghiệp thơ của Sư Bà từ thập niên 20 cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước và khá nhiều bài chưa tìm được thời gian sáng tác. Những bài thơ này đã được đăng trên một số tạp chí của Phật giáo ở miền Nam trước đây và một số bài do các đệ tử nhớ ghi lại. Năm 2007, Nxb Thuận Hóa (Huế) cũng đã xuất bản quyển “Diệu Không thi tập”.

N.C
tapchisonghuong.com.vn

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2009

Nguyễn Thị Hậu : Gặp bác Tạ Chí Đại Trường

Lần đầu tiên tôi “gặp” bác Tạ Chí Đại Trường là vào năm 1992, tại nhà thầy Trần Quốc Vượng. Năm ấy thầy mới đi Mỹ về. Tôi từ Sài Gòn ra ghé thăm thầy. Ngắm nghía những giá sách đầy chật nhà thầy, tôi nhận ra ngay những cuốn sách mới. Có một cuốn mà vừa nhìn thấy tôi đã cầm lấy xem ngay bởi cái tựa sách và cả tên tác giả đều lạ. Đó là cuốn “Thần, người và đất Việt” – cuốn sách mà cho đến giờ tôi vẫn nhớ nhầm tựa sách, luôn đảo thứ tự 3 thành phần trên như “Người, đất và thần Việt” hay “Đất, thần và người Việt”… vì tôi thấy để kiểu gì cũng hay và… có lý.

Tất nhiên sau đó tôi xin phép thầy Vượng photo lại, và nó trở thành một trong số ít những cuốn sách nghiên cứu tôi rất thích, thường đọc đi đọc lại.

Bẵng đi rất lâu, tôi cũng không biết gì thêm về tác giả Tạ Chí Đại Trường và những công trình mới của ông. Cho đến vài năm gần đây mạng Internet phát triển, nhớ đến tên tác giả “là lạ” tôi vào Google tìm kiếm. Thiệt là may, tôi đã tìm thấy nhiều bài viết của ông trên một số Website, rồi sau đó tìm thấy trang Tachidaitruong.com. Bèn copy tất cả các bài viết của ông xuống và xem… từ từ.

Năm ngòai năm kia có 2 cuốn sách của ông được xuất bản trong nước, đó là cuốn sách nói trên “Thần, người và đất Việt”, và “Lịch sử một cuộc nội chiến”. Rồi năm nay thêm một cuốn nữa “Những bài dã sử Việt”… Thế là tôi có thêm cơ hội được “gặp” ông qua các công trình nghiên cứu lịch sử rất thú vị.

Biết bác Tạ Chí Đại Trường mới về Sài Gòn, tôi đã nhờ bạn giới thiệu cho tôi được gặp bác. Bác đã tặng tôi mấy cuốn sách của bác in bên Mỹ, lại còn chỉ dẫn cẩn thận những chỗ in lỗi làm tôi thật vui và cảm động, vì tôi không phải là người nghiên cứu chuyên về lịch sử, và chỉ là 1 trong số hàng trăm độc gỉả của bác. Được gặp và nói chuyện với bác, nghe bác kể về một số công trình của bác in trong nước và nhiều công trình khác, tôi hiểu rõ hơn vì sao mình lại quan tâm và thích thú như thế khi đọc những cuốn sách của ông.

Đầu tiên là giọng văn của ông: nghiêm túc, khúc chiết nhưng không hiếm khi hóm hỉnh, có khi mỉa mai khi châm chọc, có lúc “cực đoan” thậm chí đầy vẻ định kiến khi chê/ phê một ai đó. Nhưng giọng văn ấy cũng rất “có duyên”, lôi cuốn người đọc, có khi làm cho người đọc thầm tranh luận lại. Người đọc không chán, cứ xem đến cùng, xem đi xem lại, như trò chuyện với ông nhiều lần vậy. Giọng văn ấy lôi cuốn còn vì người đọc thấy được “lập trường” khoa học của chính tác giả. Tôi nhận thấy những cuốn sách nghiên cứu lịch sử, sách giáo khoa lịch sử được viết hay, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc thì sẽ làm cho người đọc quan tâm, tìm hiểu và yêu thích lịch sử nói chung và sử học nói riêng.

Thứ hai, quan trọng hơn, đó là vấn đề tư liệu trong các công trình của ông. Ông tiếp cận các vấn đề, sự kiện lịch sử đầu tiên từ chính nguồn sử liệu vốn/ sẵn có. Và cách đơn giản nhất nhưng cũng là cơ bản và khoa học nhất là: Đọc kỹ sử liệu, không chỉ từng câu từng từ mà còn đọc trong sự liên hệ, liên kết các sự kiện, con người mà sử đã ghi chép lại. Để nhận ra, nhìn thấy những gì mà sử gia thời trước không viết ra bằng câu chữ, tức là đọc lịch sử như người cùng thời để hiểu những gì diễn ra đằng sau những câu chữ. Như ông bảo, tất cả những “phát hiện mới” của ông đều đã được ghi chép trong ĐVSKTT cũng như trong các bộ chính sử khác. Những phát hiện “tư liệu mới” của ông làm cho nhiều vấn đề, nhân vật lịch sử trở nên sáng tỏ hơn – nhất là làm ta hiểu hơn bối cảnh xã hội của sự kiện lịch sử - cái nhìn biện chứng hơn. Các vấn đề ông phát hiện, nêu ra liên quan đến những nhân vật, những triều đại lịch sử mà trước nay ta thường chỉ nhìn thấy mặt chủ đạo (ưu điểm hay hạn chế cơ bản, nổi bật, quan trọng nhất…) của nó. Nói cách khác là ông cho chúng ta một góc nhìn khác về lịch sử. Vẫn là những nhân vật sự kiện triều đại đó, nhưng gần gũi, dễ hiểu và cũng có những khiếm khuyết, hạn chế, sai lầm… rất đời thường, rất con người. Lâu nay ta hay nhìn các nhân vật lịch sử chỉ qua lăng kính chính trị. Nhưng họ còn là những con người “xã hội”, con người “gia đình”, con người “cá nhân”. Khi nhìn nhân vật lịch sử trong “tổng hòa các mối quan hệ xã hội” như vậy sẽ hiểu hơn những hành động hành vi, những thành công thất bại, quan trọng hơn là hiểu nguyên nhân nào dẫn đến những sai lầm của họ. Có như vậy mới thấm thía bài học kinh nghiệm từ lịch sử.

Thứ ba: Các công trình của ông thực sự là những công trình liên ngành: tiếp cận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ nhiều ngành nhiều tư liệu khác nhau, để tìm ra bản chất vấn đề. Nếu những góc nhìn ấy đều đi đến bản chất của vấn đề thì kết quả nghiên cứu là đúng. Còn nếu như mỗi góc nhìn cho thấy những “bản chất” mâu thuẫn với nhau thì hoặc, phải kiểm tra lại tòan bộ tư liệu, hoặc cách đặt vấn đề của mình là sai! Như vậy phương pháp liên ngành đòi hỏi người nghiên cứu phải thực sự khách quan (và dũng cảm) khi sử dụng kết quả, phương pháp của các ngành khác, bởi vì nó có thể làm phá sản ý đồ nghiên cứu của mình. Có lẽ vì vậy mà lâu nay có những công trình nghiên cứu luôn ghi rằng “sử dụng phương pháp liên ngành” nhưng thường là chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu nào phù hợp/ ủng hộ ý tưởng của tác giả mà né tránh, thậm chí lờ đi những gì ngược với suy nghĩ của mình.

Phương pháp liên ngành luôn đòi người nghiên cứu phải đặt những câu hỏi Tại sao, như thế nào với ngay những suy luận của mình… Trong nghiên cứu lịch sử biết đặt câu hỏi đúng là đã thành công được hơn một nửa? Nắm vững tư liệu lịch sử đó là chiều sâu, sử dụng tài liệu liên ngành đó là chiều rộng. Như vậy lịch sử sẽ hiện lên tòan diện hơn. Các công trình nghiên cứu lịch sử VN của bác Tạ Chí Đại Trường xuất phát từ góc nhìn rộng nhất: từ văn hóa Việt Nam, các thành tố của văn hóa như ngôn ngữ, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa dân gian, huyền thọai, truyền thuyết… đều được bác sử dụng, miễn là nó cung cấp một cái gì đó để ông có thêm cứ liệu để hiểu đúng, giải thích một cách hợp lý về một sự kiện, một con người lịch sử, trên nền tảng nguồn Sử liệu mà ông đã khảo cứu vô cùng tỉ mỉ. Lịch sử là đời sống, đặt lịch sử trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, do đó khi đọc tác giả Tạ Chí Đại Trường ta nhận thấy “sử học” và “sự thật” khá gần gũi nhau.

Lẽ dĩ nhiên không phải vấn đề nào tôi cũng đồng tình với cách hiểu của ông, nhưng đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi và tôi thường chia sẻ với các sinh viên của mình. Bởi vì tôi nghĩ, kinh nghiệm quý báu của người đi trước trong nghiên cứu chính là cách thức tiến hành công việc, là phương pháp chứ không chỉ là việc tích lũy tri thức được bao nhiêu, nhất là hiện nay với mạng Internet tòan cầu. Tuy nhiên nếu có phương pháp đúng ta sẽ tự trang bị cho mình những kiến thức tốt, cần thiết cho công việc cũng như đáp ứng sự yêu thích của mình./.

Nguyễn Thị Hậu

KHỔNG ĐỨC : Đọc thơ Vũ Trọng Quang


Đọc thơ Vũ Trọng Quang :
Hôm qua Hôm nay Hôm sau

Đến tuổi này 86 - cái tuổi gần đất xa trời, đáng lẽ nên ngưng bút , ngừng nói, chỉ nên nghe và đọc, mà nghe nào có rõ, thấy cũng lờ mờ; nói chung cơ thể suy yếu, giác quan hao mòn, trì óc đâu còn nhạy bén minh mẫn nữa. Thế mà cứ phải viết, cần viết chỉ vì lũ trẻ con cái mê muội quá tệ…Không viết thì thấy xốn xang mà viết ra mấy ai đã đọc.

Đề tài ở đây lại viết về thơ Vũ Trọng Quang (VTQ): tập thơ Hôm qua hôm nay hôm sau. Tập thơ ra đời từ năm 2006, tôi được tặng muộn 9-2008. Gần một năm rưỡi gối đầu tập thơ của cả một đời. Phải ôm người đẹp thì đỡ biết mấy; đằng này cũng đẹp vậy ”thư trung hữu nữ nhan như ngọc”. Nhưng người đẹp bằng xương bằng thịt còn trao đổi qua lại, thích thú thì có chắc, mà hiểu nhau phải nói là chưa. Còn người đẹp bằng sách bằng thơ thì chỉ có lặn hụp, độc thoại, độc khan, mình nói mình nghe, đâu dám bảo là đã hiểu, đã thấu triệt …Hơn nữa bài thơ là một tư duy không thể tư duy; nhưng nó là sự thể hiện của tư duy, như A. Badiou đã viết :“ Le poème est une pensée impossible! Le pòeme est un devoir de la pensée.” Tôi đã đọc tập thơ được tặng không biết bao nhiêu lần, cảm thẩm thía (chứ không phải như Hoài Thanh đoc thơ Bích Khê nhiều lần mà không hiểu gì cả, nhưng vẫn bình thơ giảng thơ thành sách gối đầu cho bao thế hệ mới là chuyện lạ đời, có biết đâu đó là bờ lũy cản ngăn làm cho thơ Việt không tiến lên được.)

Cuộc đời Vũ Trọng Quang tự nó cũng đã là thơ rồi. Mồ côi cha quá sớm, mẹ góa không nuôi nổi con thơ nên phải tái giá. Tuổi thơ của Quang cũng đầy dẫy bụi đời : lớn lên ở dưới chân cầu, thở mùi tanh của cá, tắm dòng sông nước đen, lớn lên từ tiếng rao bán báo, từ tiếng gõ vào thùng đánh giày. Hôm qua của Quang là dấn thân là đánh mất, dấn thân không phải cho thơ mà vẫn có thơ trong tiềm thức : Em dậy thì bên kia sông Tôi tỏ tình bằng im lặng.

Nhưng chính nhờ sự đánh mất đó, chắc chắn với bao nước mắt và máu đã đổ ra…, để cuối cùng vẫn là kẻ được, ít ra cũng thành công trên đường đời, là kẻ có học thức, có sự nghiệp … Quang chia thơ mình ra theo hệ thời gian : hôm kia, hôm qua, hôm nay, hôm sau…nôm na là dĩ vãng, hiện tại tương lai; nhưng ngày nay thời gian và không gian đã hòa lẫn thành một, thì dĩ vãng, hiện tại, tương lai cũng thành hỗn hợp; trong hiện tại có ẩn ý tương lai, trong tương lai vẫn mang mầm mống dĩ vãng. Leibniz, triết gia của Đức cũng từng nói : Le présent est chargé de passé et gros de l’avenir. Trong thơ lại càng khó phân biệt, cuộc đời, ngay trong tâm tư của VTQuang cũng đầy giằng co mâu thuẫn, điều đó lại càng thể hiện rõ trong thơ với tính tương phản (contraste) :

Cha về ngủ lại trên trời
Mẹ còn đang thức trên đời chúng con

Tôi cởi áo ngồi lại trên cầu – Thức giấc mơ người xa lạ
…Tôi bước xuống chạm mặt mình đang bước lên
Con đường mòn mất dấu cho lần trở lại….

Chân lý không thể nào nói được tất cả, may lắm nó chỉ nói được một nửa thôi.

Tàu qua mau chỗ ngồi chậm rãi
Vội vã xuống ga quá khứ …
( Trở lại)

Ý nghĩa của câu thơ hay là bất khả tri; nhưng cái vô nghĩa có thể mang lại một hồi âm vĩ đại (Le sens de ce beau vers est impossible,,,Un non- sens peut donc avoir une résonnance magnifique – P. Valery).

Nhưng tìm đến thơ là tìm đến cơ sở sinh hoạt chân thật nhất, tìm đến chân lý, nói như Heidegger, nó nằm ở trong nghệ thuật, vì nghệ thuật là cảm tính, từ đó mới phát sinh chân lý nguyên thủy, mà chân lý nguyên thủy là tâm linh tồn tại. Mở đầu tập thơ Hôm qua Hôm nay…chúng ta gặp ngay hình ảnh “Song thân” : Mẹ khi khóc hết lá rừng Chân buông thân phận xuống đường trầm luân…Cha về ngủ lại trên trời…Cha bỏ xác trên rừng..... Mẹ ngồi đan thời gian thành chiếc áo sông dài núi cao biển vô tận……con…đi tìm vô ảnh từ tiếng kêu chim cú mèo…..mở cửa tâm linh tôi khai quật những cuốc đất kinh động đùn lên….

Tính tồn tại của bài thơ là “ý cảnh” thê lương bi thảm “đi tìm hài cốt của cha”, có phải của một Vũ Trọng Quang đâu mà là hàng ngàn hàng vạn cảnh tình con mất chá, vợ mất chồng trong cuộc chiến đầy thảm khốc. Cái chân lý thương đau nầy còn mãi hàng trăm, hàng ngàn năm sau. Nỗi đau không phải của kẻ đã đi về thiên cổ, mà nỗi đau cho người ở lại, cho vợ, cho con…Dấn thân vào thơ, không phải để biết nó nói cái gì, mà là để nghĩ cái gì đã xảy ra, đã phát sinh. Vì bài thơ là một cuộc phẫu thuật, nó cũng là một hiện tượng, cái ẩn ngữ trên bề mặt là dấu hiệu của sự phát sinh…chim cú mèo đã vỗ cánh đưa chiếc áo năm mươi năm …bay về trời thêm một lần Mẹ rưng rưng đội mang khăn sáng Cha ơi con yêu tro bụi vô cùng Đúng là phiến ngôn minh bách ý ( một mảnh ngôn từ mà chứa cả ý nghĩa bao la.)

Cuộc nhân duyên đầu đời của VTQ cũng đổ vỡ. vì đâu ai biết (?); nhưng mãi mãi vẫn để lại trong lòng trai sự sám hối…thành “ người cũ” : Nỗi nhớ rủ tôi tìm lại dấu vết cơn địa chấn lâu rồi tiếng dương cầm mùa đông ngủ triền miên……chiều tím ấn tôi ngồi xuống vỉa hè với chai rượu cùng đợi chờ sám hối tiếng cầu kinh quanh đây nặng nề.

Tiếng chim ríu rít vây quanh
Tiếng lòng thửa ấy lặng thinh bây giờ
Bao la từ chỗ ngơ ngơ. Giảng đường bui mới góc chờ đã qua.
Em đã xa và xa thật chuyến bay mang một lời thề
Nửa trời trái đất không quay ngược nửa trời còn lại hòn vọng thê

Hình như đụng đến thơ là đụng đến tình yêu, theo tôi là cửa ngõ hãm vây chôn chặt đời ta. Mặc cho các nhà bình luận tuyên xưng:” Tình yêu làm cho cuộc đời nên thơ, hay chính thơ làm nên tình yêu cho đời . Hay tình yêu và thi ca khi nó đã trở thành cứu cánh và phương tiện của cuộc đời, thì nó sẽ mang lại ý nghĩa viên mãn “ sống vì sự sống”. Tóm lại, thi ca là mỹ cảm, là tình yêu, ý nghĩa của nó chính là ý nghĩa cao cả trong đời (Le sens de l’amour et le sens de la póesie, c’est le sens de la qualité suprême de la vie). Thật ra thơ đúng nghĩa của thơ là sự chân thành, nên nó cũng là chân lý, cái chân lý tự động phát sinh, và nói như Heidegger, chân lý xuyên qua sự sáng tạo thi ý phát sinh, nên dễ làm cho chúng ta xúc động, tác phẩm tồn tại hay không cũng là ở đó. Và từ tình yêu cá thể lan rộng đến quê hương, đến trở về, ngày về, bước về… sự trở về là nôi dung cơ bản của tâm hồn (Pascal Quignard tùng nói: le nostos est le fond de l’âme- nostos là tiếng Grec có nghỉa là” trở về”) Từ tâm trạng đó mà có “ Hè cháy”,“Tháng chạp”,“ Thủy tinh” v..v…Chúng ta hãy đọc bài ngắn nhất Thả trôi giữa giòng sông cơn thịnh nộ của mùa lòng cạn lời hẹn hò mắc cạn…tôi hạn hán cả giấc mơ khát mây đen. Bài thơ chỉ có bốn câu, đúng ra là 26 chữ mà nghĩa vô cùng rắc rối, đó là tính chất của thơ hiện đại, là khung dệt những ngôn từ nhiêu khê; nhưng nếu chịu khó truy tầm từng chữ trong thơ thì sẽ giải mã được tư tưởng của nó. Đọc Hè cháy lại nhớ đến các câu thơ của Nguyễn Bính: Xếp lại chăn bông cùng áo dạ Mở toang bốn cửa cất then cài. Nắng lên mất thú ngồi bên lửa Mùa hết hoa rồi bạn với ai.

Hay nói như Paul de Man (1919 – 1983) phép tu từ ở đây mang tính thần bí ( nghĩa là vừa ẩn dụ vừa hàm súc, lại còn mang ý cảnh..) nghĩa là phải tìm hiểu ở phía sau ngữ pháp chặt chẽ của văn bản; cũng không khác quan điểm mỹ học của Trung Quốc là Ý tại ngôn ngoài là ý ở ngoài lời hay là “ vị ngoại vị”, “huyền ngoại huyền tức là chỉ vào dư âm dư vị…Để giúp cho bạn trẻ chóng hiểu chúng tôi xin giải mã một đôi từ, như cơn thịnh nộ của mùa có thể là cơn hạn hán; lời hẹn hò mắc cạn, chính là lời hẹn hò đủ thứ mà rồi kết quả chẳng có gì cả. Ngay từ mắc cạn cũng đã có người viết : Có ai ngờ được nước chẳng về xuôi cho thuyền mắc cạn bao kẻ ngậm ngùi.

Hạn hán cả giấc mơ là cho đến giấc mơ cũng không hiện về. Tôi cũng không ngờ là VTQ lại rất sở trường về loại bí hiểm này, như bài “Tháng chạp” : Tôi đợi đất trời trở dạ Trời trở dạ là trời thay đổi thời tiết, nhưng từ này là từ của thôn dã, ít người nói đến từ điển VN cũng không có.…chỉ mình tôi giấu mãi mùa đông trong tay ôm Mùa đông phải hiểu là trái lại với thứ mùa hè đỏ, mùa hè nóng bức thiên hạ sợ chạy re. Nhưng đến Áo vàng đã chân đèo bước xuống thì lại không phải nắng hè nữa mà là hình ảnh tượng trưng…, một lũ bất tài chạy tán loạn. Hay nói như ai đó, nhà thơ chống lại sự khó nói bằng sự đa nghĩa của ngôn từ, hay thay vào ý nghĩa bằng cách làm rối loạn tầt cả ý nghĩa. Bài thơ không phải là một sự miêu tả, cũng không phải là sự biểu hiện…Bài thơ là một cuộc giải phẩu, nó dạy cho chúng ta rằng thế giới không tự hiển hiện như sự sưu tầm đồ vật, thế giới không phải cái gì đề xuất trong tư tưởng . Mà với công cuộc giải phẫu bằng thi ca nó là sự tồn tại độc đáo. Trình tự của nó mang tính gián tiếp, nó đòi hỏi sự thẩm thấu dấn thân hơn là tìm hiểu. Tí dụ như đọc những câu thơ trong bài “Cuối đường” : Xin lỗi vầng trăng khuyết vẫn đợi hai ta ở cuối đường về cả khu vườn tàn phai những cành hoa trộm hái cả lời thề khắc trên cây cao hơn tầm tay với Chỗ nằm động đất bao lâu rồi giấc ngủ ngược đầu nhau…Có người bày dại là cứ đọc thuộc lòng nó đi, rồi đến lúc nào đó ta sẽ thẩm thấu lãnh hội được thôi. Hay muốn hiểu một bài – nhất là loại thơ như của VTQuang – phải xuyên qua một cơn bốc cháy (tức bốc đồng cuồng nhiệt). Bài thơ hướng về ánh sáng nhưng chỗ cư trú của nó vẫn liên đới đến bóng tối (La póesie cherche à savoir à travers une inflammation. Elle tend vers la clarté, mais demeure solidaire des ténèbres).

Thành công của VTQ là luôn luôn hướng về phía trước: Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua…..Tôi chào mừng tôi hôm nay cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới ngôn ngữ quay trong không gian nhiều chiều vẫn còn hai hàng cây……. Xin giữ lại xin giữ lại hai hàng bóng mát…Chung quy cũng chỉ là âm dương , là đối thoại, là tình yêu đó thôi. Hơn nữa nghệ thuật là phài tạo cho cá nhân sự chống đối, sự chết chóc phổ cập, căn cơ nghèo nàn, sự bất công…

Tìm lại ly cà phê không đường nhỏ giọt đen xanh như xưa xanh chiều đặc quánh thường trực điếu đen đầu lọc xanh ngực tối, thái độ Ngực tối …tôi cho là hình ảnh tuyệt đẹp, vì đó là tâm tư thầm kín. Đúng như Novalis từng nói : Tôi hiện hữu không phải trong phạm vi tôi bày tỏ, mà chính là trong phạm vi tôi vượt qua….Cái vượt qua chỉ có thể đến bằng ngôn ngữ. Trong bài “ Trương Chi khác” có những câu cực thú :

Lẽ nào sống thường xuyên bằng nghi vấn phải chăng chính từ đôi môi hình trái tim kia mãi mãi màu huyết dụ bao lâu rồi từ đôi mắt khép hờ kia tiếng hát còn nhỏ lệ…..Khổ nỗi mấy ai hiểu được màu huyết dụ. đó là màu máu bầm, màu bordeau… Và trong bài “ Nhã ca khác” với các câu “ Mặt trời mọc khủng khiếp một lần không tắt nắng ở phương tây Làm gì có hạnh phúc lứa đôi hai đường thẳng song song con trăng mộng mị ngàn ngàn xưa không có thật

Dấn thân vào thơ ngày nay- tôi xin nhắc lại, không phải để biết nó nói cái gì mà là để nghĩ cái gì đã xảy ra, cái gì đã phát sinh, cái ẩn ngữ trên bề mặt là dấu hiệu của sự phát sinh. Nhưng thôi hảy cùng với VTQ trở về với thực tại phũ phàng , “ Ở công viên” hay ở đâu đó cũng được:
Mặt trời thản nhiên ánh sáng lạ là vẫn chưa có gì là lạ Người đàn ông bán thân bất toại chào sớm mai câu Biết mà không nói dược

Tiếng dế gõ vào tai đứa bé bước chân quá khứ người vũ nữ cô gái đẹp ngẩn ngơ quét đường Trộn lẫn mọi người chia ra đáp số Đó là Tôi của VTQ, là thực tại phải trải qua đau khổ mới biết đau khổ là gì, mới biết thương người. Hay như ai đó đã nói:“la ligne de force d’une sagesse moderne serait la compréhension (con đường đưa đến sự minh triết hiện đại. có lẽ là sự thông cảm.) Cũng từ đó mà có những Câu hỏi, Sáng tạo, Những Xuân Hương, v…v….Ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ của nghịch lý. Bài thơ luôn luôn cố gắng bẻ gãy những kết hợp, những gì được coi như là thông lệ, bài thơ là môt cử chỉ thân thiết trong ngôn ngữ, sự tả tác đào sâu sự chí thiết và lui về trong xó xỉnh của bóng tối.

Thơ của VTQ phải nói như G. Bataille (1897-!960) là sự kiện đốt cháy ngọn lửa nội tâm, ông cũng gọi đó là sự tiêu hao (consumation) đối lại với sự hoang phí (consommation), nó thuộc hiện tượng của chợ búa siêu thị. Nhưng phải chấp nhận sự tiêu hao “ vì thơ là tiêu xài, phung phí, một phần của sự điên khùng trong đời….Nhưng có thể đó là sự minh trí, vì minh trí đúng nghĩa là pha lẫn với điên khùng…

Về thơ… của VTQ là cả cuộc đời làm sao nói hết được, vậy hãy tạm ngưng ở đây, để trả lời thắc mắc của Quang mà cũng là của chung mọi người : Tìm thơ ở đâu? Vấn đề cũng đã có người đặt rồi : “ Ngày nay thơ phải đi về đâu?” (vấn đề đã được đặt ra và được E. Morin giải đáp trong một bài diễn văn đọc tại đại hội thi ca ở Yougoslave mùa kè 1990) xin trích dịch như sau:”Thơ cũng như mọi địa hạt khác, không phải chỉ tiến về phía trước, với ý nghĩa đội ngũ tiền phong phải mang lại cái gì mới hơn cái đã có từ trước. Cái mới không nhất thiết phải là tốt hơn, và đó có thể chính là chân lý của ý tưởng hậu hiện đại, làm cái mới vì cái mới là vô nghĩa. Vấn đề không phải là sản xuất thành hệ thống và cuồng nhiệt tạo ra cái mới, mà cái mới chân chính luôn luôn sinh ra trong sự trở về nguồn…”( nguồn đây không phải là học lại cái cũ) Đó là sự quan tâm đến nhân ái, đến cội nguồn của tính năng, đến nền văn minh…có thể ở đó có hiện tượng hậu-hiện-đại, hậu- hậu- hiện- đại. Nhưng tất cả đều là thứ yếu, cứu cánh của thi ca mới là vấn đề nền tảng, chính chúng ta đang ở trong trạng thái thứ yếu, giờ hãy đưa trạng thái ấy lên hàng đầu, hàng chính yếu. Cứu cánh đó là đặt chúng ta vào trạng thái thi tính (l’état poétique).Mà theo chúng tôi nôm na là sống thơ, là hướng về cuộc sống tình cảm và tình yêu bao la. Hay nói như VTQ Rồi sẽ có thiên đường nơi trái tim không hối thúc mai sau thôi phán xét (Nhã ca khác)./.

KHỔNG ĐỨC

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Tình Thư Cuối Năm

Cuối năm lòng lặng, tức thì
Chiều buông mái lợp trước khi sang đèn
Ngày ròng nước lớn chưa lên
Lao xao bóng đổ tây hiên vạt dài
Xuân mùa sớm tới chờ ai
Bên cầu phơ phất mảnh mai dáng người
Cuối năm một chút nhớ rời
Ngày xưa thấp thoáng tình ơi nàng về


Từ Hoài Tấn

Thơ Đynh Trầm Ca


RƯỢU CUỐI NĂM BÊN BỜ KINH PHƯƠNG NAM


Rượu cuối năm rót cuối bờ kinh
ngọn gió chướng thổi se lòng nước
ta và bạn làm sao biết được
bởi vì đâu so đũa nở trắng bông ?
bởi vì đâu rượu đắng ở cuối lòng
cứ nồng ấm nhưng hồn lãng bạt
bèo bữa trước vì sông mà trôi giạt
chợt nở hoa về rợp bến quê nhà
thì sá gì cuôc nổi trôi ta !

Rượu cuối năm gõ chén hát xuân ca
nghe cuối bãi tiếng doi đất lở
nghiêng mé nước gốc mai già vẫn nở
bạn và ta còn thua cỏ cây nhiều
mới mười năm theo chim vịt kêu chiều
mà gió thổi muốn rách hồn kiêu bạt

Rượu cuối năm cất không lên tiếng hát
khúc xuân ca hiu hắt giọng trầm ca
nâng chén hoài hương gục nhớ mộ cha
gió thổi miết chắc chẳng còn thấy nấm
nâng chén tình quê thương mẹ già lận đận
sinh con ra chất thêm lấy lượng sầu

Nhà trống tàn năm chằng thấy con đâu
gió hú mãi trên tháp Hời (*) u uất
gió chi thổi năm mươi năm không dứt
xô ta trôi, tới rạch cuối, kinh cùng
ôi lục bình vừa trôi vừa trổ bông
ta và bạn có lẽ nào chìm rã !

Rượu cuối năm lòng say mà chưa đã
thêm một ly để cảm tạ đất này
thêm một ly gửi tới những tảng mây
để cuối kiếp ta trôi lên thường trú
thêm ly nữa để thương bờ đất lở
mai lở thêm nhà ta cũng trôi luôn
đời biển dâu hề, dâu biển là đời
đừng chửi tục! (…) giao thừa sắp đến !
chín nhánh rồng thiêng có trăm nghìn bến
đời thơ ta cứ - tấp, cứ - đi !…

Rượu cuối năm gió lọt lòng ly
vọng tiếng hú ma Hời buồn quê cũ
đêm viễn xứ vang vang pháo nổ
giao thừa giao thừa hề ta lăn quay
rượu hết rồi làm sao chết giữa cơn say !…


ĐYNH TRẦM CA
Miền Tây, cuối tháng 12.1991


(*) Hời : từ địa phương Nam Trung Bộ gọi dân tộc Chàm (dân tộc Chăm, Chăm-pa)

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

THANH HẢI : "Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh"




















Thi sĩ Bùi Giáng (Ảnh: Lâm Ngọc Duy)


Chàng "trung niên thi sĩ" ra đi đã lâu nhưng đây đó vẫn còn những giai thoại. Hình ảnh một "thi sĩ lập dị" vẫn không phai mờ trong lòng các độc giả. Nhiếp ảnh gia Lâm Ngọc Duy kể về "niềm hạnh phúc nhất của cuộc đời" khi gặp Bùi Giáng.

Giấc mơ thành hiện thực
Vì hoàn cảnh nhưng cũng là một cơ duyên, năm 1980 ông Duy rời Đà Lạt xuống Sài Gòn, đem theo đứa con gái nhỏ sống vất vưởng dọc vỉa hè. Hai cha con tứ cố vô thân, không nhà cửa, hằng ngày ông Duy phải đi chụp ảnh dạo dọc đường phố Sài Gòn tìm miếng cơm, bát cháo lay lắt sống qua ngày.
Một thời gian sau, ông Duy may mắn gặp được nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh. Hai người trở thành bạn thân, từ đó ông Duy thuê phòng trọ và được nhận vào làm trong Ảnh Viện Đống Đa trên đường Trương Minh Giảng.
Một hôm ông đi qua bùng binh Trương Minh Giảng, thấy một ông già đang nhảy múa, xung quanh con nít vây xúm rất đông. Cũng hiếu kì nên ông chạy lại xem, ngó chừng dung mạo thấy giống Bùi Giáng được nghe qua lời kể của bạn bè, ông Duy liền hỏi: "Xin lỗi! Có phải ngài là Bùi Giáng không?". Ông già nhướng mắt nhìn và hỏi lại: "Sao anh biết ta?". "Dạ, con là độc giả của ngài đây, hâm mộ ngài đã từ lâu nay mới được gặp, thật là một cơ duyên!".
Bùi Giáng rẽ đám trẻ con ra, cầm tay ông Duy kéo vào một con hẻm nhỏ trên đường Trương Minh Giảng. Tại đó hai người chuyện trò và Bùi Giáng đã chép thơ lên vỏ bao thuốc lá tặng ông Duy. Bài thơ chỉ có một câu: "Chép lời bờ cỏ ra hoa".
Nhìn câu thơ mà ông Duy vui mừng khôn tả, thấy thơ lạ nên ông Duy hỏi: "Thơ ngài quả là siêu phàm, con không hiểu được ý thơ?", nghe Bùi Giáng giải thích ông Duy lại càng kính nể và vui mừng hơn (nhưng vì lí do cá nhân nên ông Duy không kể lại lời giải thích của Bùi Giáng).


Theo dòng ký ức
Nghe Bùi Giáng giải nghĩa câu thơ xong, ông Duy chở "ngài" trên xe đạp dạo quanh Sài Gòn". Lúc nào bên mình ngài cũng có bầu rượu và túi thơ như thế. Và cứ khoảng 200 mét, Bùi Giáng lại bắt ông Duy dừng lại, tạt vào lề đường làm mấy hớp rượu rồi mới chịu đi tiếp. Đến ngã ba, ngã tư có khi ngài lại xuống đường làm cảnh sát giao thông, chỉ đường cho xe cộ đi lại! - ông Duy kể".
Sau cả ngày "du ngoạn" Bùi Giáng cho ông Duy địa chỉ nhà và dặn: "Anh muốn tìm ta thì đến đường Lê Quang Định, cứ hỏi nhà của ông già điên thì ai cũng biết, đến mà thấy ta bệnh thì ghé chơi, còn ta khỏe thì im lặng mà về, ta không tiếp" (những lúc bệnh là lúc ông ca hát, nhảy múa, làm cảnh sát...). Chiều tối ấy, hai người từ giã nhau ra về, ông Duy còn vui mừng lắm khi kể với chúng tôi ngày kỷ niệm đó.
Cách ít lâu sau, ông Duy có đến tìm nhà Bùi Giáng mấy lần, nhưng không lần nào gặp được. Người ta bảo: "Hôm nào ông cũng đi từ lúc 3 giờ sáng, có khi cả nửa tháng mới về nhà". Rồi một bận ông Duy đi sớm. Lần đó ông mang theo bộ tách trà nhỏ với hai cái bánh pía và gặp được ngài trong một quán cà phê ở cuối con hẻm. Thấy ông Duy, Bùi Giáng lên tiếng hỏi: "Sao anh biết ta ở đây?", "Dạ, con đi tìm ngài mấy bữa nay mà không gặp, hôm nay đi không ngờ lại tìm được ngài".
Tại quán cà phê đó, ông Duy pha trà mời, Bùi Giáng cúi xuống rồi đưa tay cao quá đầu nhận trà một cách lễ phép, còn húp cả những giọt trà rơi xuống bàn. Cử chỉ của thi sĩ Bùi Giáng làm ông Duy nhớ mãi không quên. Bộ tách trà uống cùng Bùi Giáng hôm đó, đến bây giờ ông Duy vẫn giữ và trân trọng.
Rời quán cà phê, hai người dắt nhau qua chùa Liên Ứng, tại đây ông Duy đã chụp những bức ảnh đầu tiên về Bùi Giáng.
Ngài lại làm thơ tặng ông Duy.

Bài thơ không đề có đoạn viết: "Tăng thanh đầu ngọn yêu đào/Hắc phong hải ngoại tự trào hoàng hôn/Chẻ hai mảnh giấy vô hồn/Lầm sương lạc tuyết là cồn điếu tang/Còn nguyên phố thị hội đàm/Với trăng châu thổ muôn vàn dưới kia". Phía dưới có ghi "Thân tặng Lâm Ngọc Duy, người bạn Quảng Ngãi (tôi bạn Quảng Nam), kí tên Bùi Giáng".
Vào cuối câu chuyện, Bùi Giáng đề nghị: "Anh đưa ta về thăm nhà anh, ta ở lại một đêm mai đi chơi tiếp". Ông Duy ở trọ trong căn nhà lá nhỏ, chỉ có một chiếc giường, đêm hôm ấy ông Duy mời thi sĩ lên giường ngủ. Bùi Giáng không chịu: "Ta nằm dưới đất quen rồi, anh để ta ở đây thoải mái hơn".
Bùi Giáng tiếp: "Anh có làm thơ không? Cho ta coi?". Đọc xong, Bùi Giáng khen hay và nói: "Hay anh in chung với ta một tập đi?", ông Duy khiêm nhường trả lời: "Tôi chỉ đáng xách dép cho ngài sao lại ngồi chung chiếu với ngài được".

Hai lần gặp "một đời" nhớ!
Sau đêm đó, Lâm Ngọc Duy không được gặp lại cho đến khi Bùi Giáng qua đời. Thế nhưng những kí ức về thi sĩ Bùi Giáng đến nay và suốt đời sẽ còn in đậm trong tâm trí ông. Những bài thơ ghi trên giấy vụn, những tách trà xưa uống chung nhau, những bức hình Bùi Giáng, những tập thơ, truyện dịch của Bùi Giáng đến nay ông Duy vẫn còn lưu giữ, tất cả được ép, được đóng khung và trưng trong tư gia một cách trang trọng.
Ai đó có dịp qua Đức Trọng (Lâm Đồng) nhớ ghé nhà Lâm Ngọc Duy. Một căn nhà gỗ nhỏ nép giữa vườn cây cảnh và hoa, hằng tháng ở đây vẫn có những đêm thơ, hằng năm vẫn có những lần giỗ Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn và đặc biệt là được nghe ông kể về những kỉ niệm của ông với "Trung niên thi sĩ", "Trịnh nhạc sĩ".
Cuối cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi ông Duy về những nhận xét riêng của ông đối với Bùi Giáng (về cuộc đời, con người cũng như thơ của ông), ông Duy trả lời: "Ngài là một Bồ Tát nghệ Sĩ, người ta cứ nói là Bùi Giáng điên, nhưng tối thấy ngài không điên, họ nói vậy vì họ không biết, Bùi Giáng điên vì ông quá tỉnh!".


http://www.tuanvietnam.net/

Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Trần Đình Sơn - Tùy bút

Trần Đình Sơn - Hà Vĩnh Tường

Lòng như sắt đá


Mùa hè năm 1968, sau khi thi đậu tú tài II tôi nghe bạn bè rủ rê quyết tâm “thoát ly” vào Sài Gòn học Đại học. Lứa tuổi chúng tôi thời đó ở Huế, đa số bị trầm uất, chán chường sau biến cố Tết Mậu Thân…
Mộng làm thầy thuốc giúp đời không thành tôi ghi danh học Luật khoa, hy vọng sau này làm thầy cãi cho sướng miệng. Trường Luật đông đúc, bát nháo đủ mọi khuynh hướng, tôi có thêm nhiều bạn mới, Hà Vĩnh Tường là một.
Cùng tuổi trâu cày (1949) đứa sinh ở Ninh Bình, đứa đầu thai ở Huế. Thỉnh thoảng giúp nhau giành chỗ ngồi trong giảng đường hay kéo nhau ra ngồi nhâm nhi café bụi quanh hồ con rùa ca bài “ hành phương nam”. Giựt được một chứng chỉ Luật, rủ nhau thi vào khóa Đốc Sự XVII-QGHC. Ai ngờ có số làm quan, Tường đậu thứ 47, phần tôi 78. Mùa thu năm 1969 nhập học, nhìn quanh thấy nhiều khuôn mặt quen biết nhau hồi học Luật, thêm một số đồng hương “nước Huế” vào như Thanh, Nghĩa, Hòa, Ngữ, Như Nguyệt, Thị Vinh…nên “hết sức phấn khởi”.
Tôi xin vào nội trú, từ đó như chim sổ lồng, mặc sức được liền anh, liền chị hướng dẫn, giúp đỡ đi tìm hiểu chuyện đời…Đặc biệt Tường hay vào ký túc xá ở chui, để tham gia cuộc vui. Đầu tháng lãnh học bổng cùng nhau thưởng thức đầu cá lóc hấp ở Cao Thắng, nghêu sò ốc hến trên Nguyễn Tri Phương…Cuối tháng, ngày hai bữa kéo nhau qua “ Thanh Lạc Trai” tạm thời chay lạt ghi sổ.
Năm thứ hai, nhóm gốc “Thần kinh” xin về Thừa Thiên tập sự. Dịp Tết Tường ra thăm, chúng tôi chiêu đãi đủ món đặc sản cố đô “vật chất lẫn phi vật chất”. Mấy o Huế nghe chàng trai Bắc Kỳ miệng tán gái dẻo quẹo, khôi hài có duyên nên ưa lắm. Một hôm tôi rủ Tường đến nhà Nguyễn Trình bên sông An Cựu đánh xì phé chơi. Vốn cao thủ nổi tiếng ở ký túc xá, ai ngờ bị tổ trác hai đứa cháy túi thơ thẩn về nhà nhếch mép không nổi. Xong tập sự, quay về học viện, chúng tôi càng thân thiết hơn. Lúc này, Tường và tôi có chung điểm hẹn trên đường Phù Đổng Thiên Vương nằm cạnh đại học Y khoa, nhà của bạn Nông Thị Trưởng. Tường say đắm
đoá lan rừng Lâm Đồng, Vi Thị Thủy. Về sau mới biết hai bạn vượt qua mọi trở ngại để được chung sống với nhau.

Cuối năm 1972, khóa XVII tốt nghiệp. Từ đây bạn bè mỗi người đi một phương từ Quảng Trị cho đến Hà Tiên. Riêng Tường quyết định về Bộ Nội Vụ rồi khăn gói lên nhận nhiệm sở ở Phước Long. Tôi, cái duyên nghiệp mê đồ cổ từ nhiều kiếp nên lòng cứ đắn đo đi xa sợ “ bể đồ”. Vòng vo đưa đẩy được ngồi chơi xơi nước ngay trước Viện Bảo Tàng trong Thảo Cầm Viên. Tha hồ vượt rào qua lại ngắm nghía, nghiền ngẫm, tôi thích thú tìm lại cái hồn những thứ muôn năm cũ.
Một dịp về Sài Gòn Tường ghé thăm và kéo tôi ra Tự Do uống café kể chuyện vui buồn hoạn lộ. Biết Bác tôi viết chữ Hán đẹp, trước khi rời Sài Gòn Tường đến xin Bác viết cho bốn chữ “TÂM NHƯ THIẾT THẠCH”. Bác cười, hỏi Tường sao mới ra làm việc mà có ý bi phẩn thế. Tường giải thích, cháu làm việc trên vùng đất dữ dằn nếu lòng không như sắt đá thì e không trụ nổi. Cháu muốn treo bốn chữ này để tự nhắc nhở mình thôi. Đó là dịp chúng tôi gặp nhau lần cuối. Đầu năm 1975, tôi được tin buồn Tường đã hy sinh ở Phước Long. Xương máu
hoà chung vào mãnh đất định mệnh đó để tồn tại như lời nguyền của Tường : lòng như sắt đá. Thuỷ, hồng nhan trong cơn gió bụi ôm con quay về Lâm Đồng nương náu người thân. Vượt qua biết bao gian truân, khổ ải cố gắng hết sức nuôi dạy con thành người. Cháu Hà Vĩnh Thuận tốt nghiệp Đại học Đà Lạt rồi chuyển về sống làm việc ở Sài Gòn. Năm 2007, Thùy giã từ thế gian về sum họp với Tường miệng mỉm cười mãn nguyện.
Nay tròn hoa giáp, trải qua khúc quanh lịch sử của đất nước tôi nghĩ lại mà rùng mình, Bạn bè người còn, kẻ mất lưu lạc khắp nhân gian. Thành bại, nhục vinh, hạnh phúc, khổ đau… lứa tuổi 60 nếm mùi tạm đủ. Xin cảm tác bài thơ gửi đến bạn bè


Sáu chục Xuân Thu giữa chợ đời
Nổi chìm ba bảy, chín chơi vơi
Mơ màng hồn mộng thăm quê cũ
Lồng lộng Hương Giang nguyệt rạng ngời

Rạng ngời bóng nguyệt toả dòng Hương
Đỉnh Ngự thông reo khúc đoạn trường
Vương Đế Công Hầu nằm thổn thức
Bân sơn(*), Thiên Thụ(*) giấc hoàng lương(*).


Trần Đình Sơn
Phú Xuân


GHI CHÚ:
- Bân sơn: núi Bân gần bên núi Ngự Bình nơi vua Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế
- Thiên Thụ: Lăng Vua Gia Long
- Hoàng lương: giấc mộng kê vàng ngắn ngủi

Thơ Cao Thoại Châu

CHỦ NHẬT


Chủ nhật nhớ em buồn vỡ mắt
Thấy con sáo đứng ở trong lồng
Ở cõi xa nào em có thấy
Đất trời chao đảo dưới chân không

Giờ này chắc hẳn chuông vừa đổ
Chúa gọi chiên ngoan của Chúa về
Đã bỏ mấy tuần không xem lễ
Cuộn mình trong những cánh thư xa

Thư tình đọc thích hơn kinh Chúa
Đó là đời trộn với văn chương
Là con sông nước ròng nước lớn
Khi buồn vật vã lúc thênh thang

Lớn nhanh lên lớn thật nhanh lên
Đừng quên lớn cả trong ngày chủ nhật
Trong mỗi trang thư trong từng chữ viết
Có một ngày lớn kịp theo anh

Chủ nhật anh thành người mất bóng
Lơ ngơ như con sáo đứng trong lồng
Em không hiểu nhưng mà Chúa biết
Vì em là chiếc bóng đời anh

CAO THOẠI CHÂU

Thơ Trần Dzạ Lữ





Ở CHỢ


Mười năm ở chợ không tri kỷ
Ta đứng thu thân một nỗi buồn
Sáng bảnh mắt ra ngồi độc ẩm
Chiều về tra vấn lấy lương tâm

Mười năm ở chợ, ơi trần trụi
Em ạ, em xa ở kiếp nào?
Có thấy ngày xanh ta chuốc mộng
Không thành nên đắp chiếu thương đau

Ở chợ đông, sao hồn cứ lạnh
Đốt thuốc hoài không ấm nửa chiều
Thiên hạ đùn nhau đi kiếm sống
Nhân ái? Tang - thương - ngẫu - lục nhiều

Ta bán rau xanh ngày mệt lử
Đêm còn ngồi đọc sách thánh hiền
Cố quên cơm áo - Vòng danh lợi
Sao đời nỡ hối thúc bên lưng?

Mười năm ở chợ không thay đổi
Tâm tánh ta xưa vốn thật thà
Đâu ước công hầu mơ khanh tướng
Bạc tuổi thanh xuân mong có nhà!

Hồn ta ở chợ thương quê cũ
Nhớ áo nâu xưa, nhớ mẹ già
Nhớ bông bưởi rụng đêm mười sáu
Thơm ngát môi em trước hiên nhà

Mười năm ở chợ không tri kỷ
Gác chuyện văn chương thấy chẳng đành
Nên ta độc thoại - Ta đây nhỉ?
Thương nhớ xa xăm một bóng hình.


1989

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Hai bài thơ Xuân

Cùng với mùa Xuân

Gởi chào cô vài câu thơ nhẹ
Gió mùa xuân sẽ ấm những ngày
Dặm ngàn như có bàn chân khẽ
Bước qua đây nâng chén rượu đầy

Gởi chào cô đôi lời chúc tụng
Nắng tràn Xuân rộn rã cùng mùa
Đường hoa lay gió mừng xuân nữ
Nhắc nhớ lòng ai ngơ ngác xưa



Xuân trên sông Vàm Cỏ Đông

Một ngày nọ khi đi xuống phía nam
Chào đón Xuân
Bên biền sông
Chiếc ghe bập bềnh dưới vòm lá
Ở bờ kinh tắc bên kia chiếc xuồng ba lá cặp bờ
Câu hò của người thiếu nữ vừa rảo chợ về
Mái dầm buông lã
Em ơi mùa xuân tới
Má lúm đồng tiền cười nụ ngọt vào môi

Một ngày nọ khi đi về phía nam
Chào xuân nức nở tiếng chim bầy
Mộng cầu ngàn đêm ước thấy
Cõi lòng di trú đã neo bến nước này
Em ơi mùa xuân tới
Đừng để lỡ xuân qua

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2009

Nhà thơ Nguyễn Trung Bình qua đời


Hôm qua (10/12/2009), lúc 17h15 tại bệnh viện 115 (Sài Gòn) Nguyễn Trung Bình đã qua đời đột ngột do bạo bệnh. Hưởng dương 42 tuổi, theo Âm lịch. Linh cữu sẽ được chuyển về quàng tại quê nhà, làng Long Phước, Nam Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam; an táng tại nghĩa trang quê nhà.


Nguyễn Trung Bình sinh ngày 10/5/1968 tại thị xã Hội An, 15 năm sau này anh sống chủ yếu tại Sài Gòn.

Nguyễn Trung Bình (hội viên Hội Nhà văn TP.HCM) làm thơ và viết báo rất cá tính; là tác giả đồng kịch bản lời thoại với Trần Anh Hùng trong phim Cyclo - giải Sư tử Vàng tại liên hoan phim Venise, nhân điện ảnh thế giới tròn 100 năm (1895-1995).

Tác phẩm chính: Miền mây trắng (thơ 4 tác giả, NXB Đà Nẵng,1994), Bài của trẻ dáng nâu (thơ, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1996), Thánh địa Mỹ Sơn (đồng biên soạn, NXB Lao động, 2005)… Các phim tài liệu: Cao su Đồng Nai (Hãng phim TSTL TP.HCM,1997), Rối nụ cười (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, 1998).


Các bạn hữu văn nghệ xin chia buồn cùng gia đình và cầu chúc hương linh nhà thơ Nguyễn Trung Bình được an vui nơi cõi vĩnh hằng.

Vũ Trà My - Vũ Trọng Quang – Trần Hữu Dũng – Chiêu Anh Nguyễn – Trương Văn Dân – Từ Hoài Tấn – Nguyễn Miên Thảo - Phù Hư - Trương Đạm Thủy - Đồng Chuông Tử - Nguyễn Minh Phúc – Nguyễn Hòa VCV – Phan Ngọc Thường Đoan – Nguyễn Thị Hậu- Mang Viên Long – Linh Phương - Đoàn Quỳnh Như - Nguyễn thị Ánh Huỳnh . . .




THƠ NGUYỄN TRUNG BÌNH

Mùa chuyển

cơn gió lạ tràn qua phố buổi sáng bạn ngồi
mơ với nắng mùa về của cánh chim lâu rồi di cư lên mạn Bắc
chị thong thả gấp từng đồng lẻ cho vào túi áo bà ba đã sờn rồi
đứng lên quảy gánh trái cây đi trên lề ngược dòng xe dưới đường
đông nghịt
thằng nhóc đánh giày đang rảnh vừa nhảy hithop vừa trổ tài nhặt
lá rụng
em nheo mắt nhìn trời trong bất chợt cười một mình như thể mới
phát hiện ra điều thú vị
cảm giác bình yên bị phá vỡ lúc xe cấp cứu chạy qua còi hú
ngày bỗng rần rần chuyện trên trời dưới đất
xăng tăng giá / vàng leo từng phút / máy bay giá rẻ luôn bị trễ /
tàu lửa đụng ô tô / bì heo thối
ngâm hóa chất xuất ra thị trường hàng tấn…
đài FM thông báo những con đường kẹt xe & nhắc người lưu thông
đề phòng cành cây gãy vì có lốc
đám thanh niên hiếu kỳ bu quanh chiếc xe thể thao mới nhập tán chuyện
đứa bé bưng mì rẽ vô hẻm thản nhiên gõ cốc…cốc
dửng dưng bụi bốc lên không gian cùng gió cuốn
xé toang kịch bản đầu ngày
mùa chuyển…

lâu rồi mới thấy sương mờ giăng tràn ngõ phố
bàn tay người đan nhau chờ chuyến xe đầu ngày ghé bến
những bước chân vội vàng đi / về các lối rẽ
quen thuộc đến mức nhàm
người bạn quay quắt với căn bệnh ung thư trong bệnh viện từng
phút
em liên tục nhắn tin vào bầu trời mây thấp kia hỏi trái tim
yêu thương còn nóng
nhà thơ trẻ vò đầu bứt tai sao chậm chân hơn cuốc xích-lô hai nhịp
các nhà thơ amateur ở đâu ra ngồi đầy quán tâng bốc nhau hý
hoáy ký tặng sách
trong ánh mắt chuyển mùa ông già ngồi bệt ở góc ngã tư quấn
lá thuốc đam mê sót lại
không biết ông hay đất trời này thản nhiên như chẳng có lối trở lại
mùa chuyển…

Sài Gòn,ngày trở lạnh 11.2009

Thứ Ba, 8 tháng 12, 2009

Thơ Lê Ngọc Thuận

NGUYỆT NHẬT

một cuộc tình túng quẩn thiếu tháng hụ ngày
mà thời gian không chịu cho vay - cho mượn
hắn đi - hắn nhảy - hắn chạy
vẫn trong vòng bát quái
hắn đành giở cái cảnh bể hụi - mất trâu
nhịp rượu trong lòng phố chợ
có những chiếc lá vàng không phải tại mùa thu
có những kẻ yêu nhau không nhập đề - thân bài - kết luận
hắn vươn bờ vai trượng phu
ngựa không có để cầm gươm rong ruổi
dao không còn để ra chiều dọc ngang
ngồi với ngọn lửa đời cơm áo
ngó khói bay trắng toả phù vân
tội cho đôi môi mỏi mòn hảo hán
tội cho nụ hôn thất trận hàng binh
tội cho bàn tay trần truồng sự nghiệp
ôi! người đời của tạm
nhưng tình thì không thể ăn gian
chợt nhớ câu thơ chữ hán Đặng tiên sinh gửi
“nguyệt dã vô thương như nguyệt mộng
nhật lai nguyệt khứ - nguyệt phiêu bồng”
là trăng? là hằng? là nga? Là nguyệt?
đã là duyên thiện ác đâu cần
hắn nạp rượu và đợi tới trăm năm
chờ tóc vương phi xưa dài trở lại.

2009


PHẢI GIÓ

buồn cũng bị rình mò theo dõi
vui cũng bị xét hỏi điều tra
ngán ngẩm thay tháng tư ở Huế
trời cứ mưa như mưa tháng mười
tội sông Hương ngây thơ trong trắng
đâu biết ma quỷ ở đôi bờ
nước vẫn cứ vô ưu dòng chảy
trời với trăng vẫn cứ tà tà
trái tim người dụng công nghệ cao
nên nhịp đập lẫn lộn chiêm bao
mộng với thực như mây với gió
mây tan rồi gió lại về đâu?
Ta một mình tự do hơi thở
ngắn hay dài em mãi xa xôi
đâu đó giữa phố xưa đường cũ
tay em còn giỡn với mưa không?
rượu ta uống như kẻ tu hành
nhớ em theo chuông mỏ từng canh
mơ hồ thấy kiếp xưa mình đã
cởi áo nâu sòng theo bóng ai

2009

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Tưởng nhớ NH. TAY NGÀN




NH. TAY NGÀN
và bài thơ
NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG


Nh.Tay Ngàn không phải là một tác giả quen thuộc đối với người yêu thơ vì thơ ông ít xuất hiện trên báo chí. Ông qua đời đã lâu , để lại cho đời một bài thơ tuyệt vời: NỖI LIÊN ĐEN TỐI VÔ CÙNG. Bài thơ được đăng trên báo Quê Mẹ ở Pháp vào thời gian sau 1975. Đây là một bài thơ tự do dài 255 câu, trong đó tên của người thiếu nữ, Liên, đã được ông nhắc đến trên 50 lần. Có lẽ đây là một trong những bài thơ tự do dài nhất trong thi ca Việt Nam.

Tôi có mười hai điệu Liên sầu
Mấy ngày thơ em hẹn tôi như ánh trăng
Đùa quanh tà áo em
Tôi có mười hai năm đi qua trên hơi thở
Run đau khi tiếng vạc buồn hư không
Ngày thơ Liên chờ tôi buổi nắng
Trí nhớ giống mỗi con cánh cam thương yêu
Biết kêu và biết tình ru lòng tơ mộng
Biết những bài trầm ca giấu trong quyển sách vô vi
Có là chữ Như trong đầu bồ tát
của nền không bị lãng quên
Tôi có mười hai mùa thu bị điên trong trí nhớ
Bằng kẻ đời giấu hết đồ ăn
Trong những thành phố Âu Châu đèn đổ
Nước mưa chiều cùng trận bão nội tâm
Khi Liên qua đời tôi là hình thân ảo ảnh
Khóc rất đau rồi khóc cho riêng tôi

Có nhiều điều lạ lùng nơi người thi sĩ này: cách chọn bút hiệu, cách đặt tựa đề bài thơ, số câu trong bài thơ. Ngay cả cuộc sống và cái chết của Nh. Tay Ngàn cũng lạ lùng. Ông sang Pháp du học vào thập niên sáu mươi, và một ngày kia người ta tìm thấy ông nằm chết đã hai ba ngày trong một căn gác trọ ở Paris.

Đoàn Thị Thư


Nỗi Liên Đen Tối Vô Cùng

Rồi mùa thu rủ tôi đi xa
Tôi đi xa mãi tôi rồi
Nhằm đêm hoa rụng như ánh trăng
Tan mù mù trên miệt hải ngạn
Và lớp sương mốc đổ liên hồi
Tận viễn khơi những con thuyền sôi nỗi
Lướt qua màn đe dọa khi ly hương
Giữa tôi và Liên hôm nay
Ánh trăng không thành như cơn huyễn mộng
Của tôi và Liên hôm nay
Khi mười hai năm xuống dần nói nhỏ
Một mùa thu trước Liên xa
Không còn gì nhớ lại nữa đâu
Những hàng sao im nguyên ngày ấy
Của con đường Trà Vinh sớm hôm
Không còn gì ru nhớ làm chi
Những đốm hoa tím tan nhoè
trước cổng nhà Liên đó
Mười hai năm thành điệu gió ngày mùa
Trên hình bóng Liên xa và xa
Như hiện thân tôi trôi và trôi
Mãi mãi với muôn ngàn ánh sao giá lạnh

Tôi có mười hai điệu Liên sầu
Mấy ngày thơ em hẹn tôi như ánh trăng
Đùa quanh tà áo em
Tôi có mười hai năm đi qua trên hơi thở
Run đau khi tiếng vạc buồn hư không
Ngày thơ Liên chờ tôi buổi nắng
Trí nhớ giống mỗi con cánh cam thương yêu
Biết kêu và biết tình ru lòng tơ mộng
Biết những bài trầm ca giấu trong quyển sách vô vi
Có là chữ Như trong đầu bồ tát
của nền không bị lãng quên
Tôi có mười hai mùa thu bị điên trong trí nhớ
Bằng kẻ đời giấu hết đồ ăn
Trong những thành phố Âu Châu đèn đổ
Nước mưa chiều cùng trận bão nội tâm
Khi Liên qua đời tôi là hình thân ảo ảnh
Khóc rất đau rồi khóc cho riêng tôi
Trong số cái chết chập chờn các dãy phố đói
Mười hai năm tôi đốt bằng que diêm
Để ném hai diêm đầu về tử hận
Khi Liên rụng sợi tóc quê hương
Trong những năm chiến tranh dân tộc
Còn lại mười ngón tay buồn
Tôi giấu lửa như tên lùn giấu mưu mẹo
Cho Liên cho Liên cho Liên tôi
Dù đầu thu con chim Việt bay mất
Sau buổi chiều Liên chết bơ vơ
Sau con đường Trà Vinh ngày ấy đổ tối
Những mộng tưởng về phượng hoàng đất dương gian
Trở thành cỏ hoang trên lâu đài nến cháy
Buồn ơi khi khóc đủ trăng trong
Có riêng mình hỏi mình trên bi kịch
Của lá hoa và của tim máu loài người
Vào đợt phù du chảy u mê
Tới mấy tầng xoè móng
Có những hoạn cơn tôi không thấy trong đời
Từ khi Liên nhỏ mỗi đêm lệ xót
Khi mình chờ đợi những mặt trời xa
Mà mùa thu chính giữa đảo hoang thái cổ
Rú hoài hoài các giọng bọn khờ vay
Chính giữa chợ đời đeo bóng u ám
Những điềm linh của không hôm qua
Chỉ hiểu công đời là ăn gian sự sống
Trên của thừa tự thêm nhân gian
Những vết chim khi trời vừa sáng
Bảo nhỏ tôi và con mắt Liên xưa
Trông nhạt mù tít tắp thời gian
Để thở rồi thở như trăng đơn
Để nhớ rồi thở mau
Như dòng đời chiều tối
Một con cánh cam vàng mỗi đêm rưng
Những gì không còn dù tiếng Tâm trong uyên thức
Cho mãi mãi về sau

Rồi mùa thu đốt lá để quên tôi
Than ôi mùa thu nào tôi không là kẻ vô tội
Giữa đám đông hôm hôm
Những kỷ niệm Liên sầu đã rơi cùng lệ khúc
Trong mười hai điệu sầu thu xa
Và mùa thu đem tôi xa bến đậu
Của những thiên tài cõi đông
Giữa tôi và Liên bây giờ reo thê thảm
Ngày thơ bom lửa đã nhiều
Lớn lên để hớp toàn bệnh cuồng trí
Trong buổi muốn yêu quê hương
Như thương hoài giọng đàn sai nhịp
Đu đưa cuối bãi Cà Mau
Giữa tôi và bàn tay Liên xa xôi
Chỉ còn lại màu đèn xám trơ nơi gác trọ
Và ngày thu báo mười hai thu
Đi qua bãi dâu của Tố Như ngày rộng gió
Sau cỏ Khâu nhớ chết từng sao
Không đọng lại gì trên đất Trạng Trình nữa

Tôi có những bầu trời để giết hồn ma trơi
Nơi xa đoàn thuyền giương buổi tối
Khi chim Việt đầy mày khói đen
Tiếng hận sầu tiễn thu trên đồng thời gian đứng
Tiếng sóng cuồng đổ ập phương Tây
Tôi giấu một con rồng trên bãi không gian mun
Chờ những đoàn trẻ thơ bay qua ốc đảo
Ngày thơ Liên ước gió trời say
Lúc Liên ngủ hai tay che lấy ngực
Gió ấy cứ mùa loà đêm đêm
Than hoài những tình duyên dang dở
Ngày thơ Liên sợ bóng dừa
Đùa gió Tháp Mười sang Cửu Long đầy máu
Nhưng lửa ở tại quê nhà
Đến hôm nay gió đùa thành trò lửa mệnh
Có khi mình khóc một lần thôi
Để cả triệu lần sau kẻ thù của mình chỉ là lời vô bổ
Trong khuôn diện trả vay
Bằng muôn điều bùng đau như mộng yểu
Liên và con cánh cam đầu chớp linh hồn
Buổi mai con bọ rầy say sương nắng
Liên và bầu trời tôi ngất đi
Khi tất cả ngón tay đeo mù giây kẽm
Ngày thơ hoa tím không đòi mộng vàng
Như cơn điên Bao Tự kêu trong tiếng lụa
Liên và ngây thơ bị mưa
Đau ôi khi mặt trời đen lấm
Những hư vô vào buổi lên đèn
Có lần tôi giữ một sầu khúc không tên
Tôi nhớ cố hương khi tiếng gà réo rít
Liên và cánh dơi Trà Vinh
Xuống mịt mùng đời tôi khi con thuyền chìm trong bão
Giữ mấy phút hư vô reo lên
Lâu đài đầy qụa khoang bên vàm liêu tịch

Tôi có làm gì đâu giữa đất bọn thạo đời này
Tay tôi bỏ rơi từ tâm từ vũng nhỏ
Chợt tiếc đau ở những chiều không thần tượng
Tôi có làm gì đâu cho bản thân tôi
Chỉ còn trái tim tôi tâm sự
Ngày thu đang rụng lá nhiều hơn
Bản sầu ca không còn nàng ca sĩ cũ
Lá và nắng rơi mau
Lá và hoa mùa này đều thẫn thờ đau đớn
Tôi có lạy một chữ danh nào đâu
Trên hoạn tâm con cờ khua như chẳng cần định mệnh
Ngày thu lá cứ vàng rừng
Đoàn trẻ nhỏ say hương con rắn lục
Mai kia sợ rỗng bóng dư đồ


Rồi mùa thu áo cưới Liên đâu
Có phải chim Việt bay hoài trên màu hư không tắt
Mỗi chiều đông cuối chân mây
Gợi quê hương mình bằng đêm móng nhọn
Đổi màu trên những hình hài
Một mai lội ngang cánh hồn hoả ngục
Và muà thu may trí nhớ cho Liên
Luạ nhung hay tơ vàng Kim Tự Tháp
Với cái chết đếm rừng đêm
Heo may lùa ngang mặt cỏ
Tôi theo đó thiếp mê
Thầm gọi Liên như tóc ngày thơ tối ám
Chim Việt không về bến xuân đâu
Bởi vòng quay đổ tan lúc hư không chuyển động
Cùng mỗi vì sao giăng màn
Qua hết thảy thủy chung chẳng còn nghe thấy
Rồi mùa thu hoa rụng trên bóng Liên
Tôi độ chừng đôi bàn tay tôi là lệ ướt
Bởi lệ là lệ của Liên
Bởi lệ hồng là lệ của tình Liên
Khóc dưới vai tôi đêm nào sông Cửu vừa dứt thở
Lệ sầu tôi giấu cho tháng năm
Trời ơi lệ mình lúc ngày thơ là lệ mẹ
Rồi lệ cứ xanh xao
Rồi Liên rồi Liên rồi Liên ôi
Lệ lòng từ đây trở thành biển máu
Trong mỗi ngày mai không còn gì
Trên nỗi nhớ quê hương câm
Trong thành phố tôi đòi chỉ ca ngợi tiền bạc
Có những đời tình bị xóa vào đêm đen
Dưới con cờ và một nghìn bào thai lịch sử
Lệ rời tôi để nhớ Liên
Khi mùa thu may đầy cho Liên áo ly hương một thuở
Nhớ Liên bằng muôn hình ác mộng đóng băng
Môi se lại tơ tằm dưới đầm lầy họp mộng
Những từ tâm phượng hoàng đắp biển dư
Hôm hôm mộng tôi cùng hoang vắng
Sẽ nghĩ rất lâu bằng tình ca
Như Đạt ma rùng mình trong Phạn Ngữ
Cùng sầu điệu cửa tu Tây Tạng hống
Sẽ nhớ mỗi lần hồn Liên xanh như lục thủy
Cửa những từ tâm bay qua đất trời vàng
Nơi tiếc thương cũng là sầu vọng
Đến mái tây rêu mờ
Có hôm tôi rùng mình nhớ xác
Đã nhuốm mấy trận cuồng dương gian
Những bầu trời tôi còn lửa cháy
Kêu ran tim lúc công chúa đội đèn
Tôi ám ảnh con cánh cam trên đầu chim Việt
Nhưng lửa rủ tôi cầm lại sầu thu
Có những oan hồn nhắn tôi cuộc gặp gỡ
Nơi Liên đã khóc đêm ngày
Trong mười hai năm Trà Vinh đầy quạ
Thôi rồi Liên ơi
Có những ngày thơ Liên ao ước
Quạ trời lợp ổ đầy không gian
Chính phút đớn đau tôi chỉ là cơn gió độc
Quên luôn một sớm trở về
Có Liên và có Liên giữa nắng
Nhưng hôm nay hoa nổ móng tay
Khi con người mình bắt đầu nơi Tam Tạng
Rằng biển dư chẳng thể mộng bao giờ
Nơi đất tâm linh để lại toàn sắt thép
Bởi động huyền vi lún lúc mùa thu rơi
Sau cánh bay rũ riệt
Tôi và Liên một ngày dài
Cánh cửa quê hương đầy vết đạn
Năm nào tối mịt ba mươi
Hoa mai trên cổ Liên thành mùi gió vọng
Xa xa đảo lạ vô hình rồi
Tôi chúc Liên như mặt trời vừa nhận ra tuổi tác
Ngày sau mùa thu bị chết với lá vàng
Bước Liên về bảo rằng tình hoài hương ở trong trí tưởng
Một xưa tôi mong đợi phượng hoàng về đời
Nẻo tình ca cỏ non làm hơi thở
Nhưng đèn vừa rủ xuống mê
Tôi thấy con trăng không cần nói ra ngày giao thừa đất mẹ
Trên mấy phương Tây hao mòn
Tôi còn gọi ra hình ảnh Liên lúc mê man
Tiếng đập cửa dầu là tử thần cuồng nộ
Đêm đêm trăng xẻ đời lệ châu
Tưởng lệ huỳnh bắt đầu lên bóng
Tôi con trăng đêm đêm mùi sa đoạ
Mà mùi quê hương con nít ré đau
Giữa khuya con cánh cam lo buổi mai cơn đói khổ
Trong tim trong não trong hồn
Trong trận huyền bí bắt đầu bằng định mệnh
Và mùa thu làm thành bọng tối loài người

Mộng ngày rũ rượi đó Liên
Ước áo vàng sẽ về đây thành cội rễ
Mấy phôi pha làm lại nước huyễn châu
Tôi có mười hai năm bỏ đi như diêm quẹt
Để hồn Liên là bóng Liên tôi
Để ngày thu tôi đợi chờ Liên viết thư bằng mực tím
Nói thương nói nhớ nói nhớ nhớ anh
Trên giải đất đầy mùi chuột chết
Và tình Liên là mối lặng im chờ
Mộng người đổ máu như tôi thôi
Đến chiều hôm con qụa Tây Phương kêu kêu mờ mịt
Trên mối sầu viễn lưu
Tôi đốt tôi ru tôi buồn tôi khóc
Tôi âm thầm tôi cháy nám riêng tôi
Ngày tôi đi Liên ôi tôi đi để chết
Với một mặt trăng tôi giấu đợi tuổi già
Như cánh tay Châu Âu nện mòn nước nhược tiểu
Bằng hư vô bằng vô nguyên với hôn mê
Những mộng đời tôi xé vừa tan
Con trăng từ đây chỉ hiện hình hoang cổ
Cho phút sầu ca bi lệ làm đau
Ngày tôi đi tới hôm nay Liên chết
Đất Trà Vinh mưa xuống mãi tận đầu
Có hay không lúc mình chỉ cầm bằng vô vọng
Mộng đời xưa cũ ấy Liên ơi


nh tay ngàn

Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Thơ Nguyễn Ngọc Tư

Hỏi đường

Những ngày lang thang trên đất lạ, với tấm bản đồ rách rã, đôi khi tôi phải dừng lại hỏi đường. Ông ơi, lối đi này dẫn tới đâu, cháu muốn tới những thung sâu những bãi cỏ buổi sáng từng là chợ, ông già im lặng và ngón tay gầy quắt, vẽ cho tôi một con đường

Những ngày hoang mang trên đất lạ, một mình, tôi hỏi những em bé gầy gò, lem luốc
em ơi, đi lối nào tôi sẽ đến đỉnh ngọn núi kia, để nhìn dòng sông kẻ một chân mày nơi đáy vực. Những em bé ngó nhau, lời ngọng ngịu trên môi vạch cho tôi một con đường.

Những ngày phiêu lưu trên đất lạ, tôi hỏi những cô gái tỉa bắp bên đường, chị ơi ngã nào thì tới cánh đồng, bầy dê nhỏ vùi mặt vào cỏ rối, bên lối đi nhiều hoa dại, lúa xỏ mầm qua đất, xanh non. Những cô gái gạt mồ hôi, ánh mắt cười lung linh trao cho tôi một con đường.

Những ngày rong ruổi trên đất lạ, tôi một lần dừng chân lại hỏi con đường, lối nào sẽ dẫn đến người.
Đường im lặng đi lên đồi mải miết, người ngốc ơi, chỉ cần dừng chân lại, sẽ thấy người.
Khúc hát rời Nho Quế

Sông chiều
nhiều nắng mỏng
giang hồ ngồi nhớ xa xăm quê nhà…
*
Cầu nát
Tôi ở bên bờ ngơ ngác
Lòng đục nghẹn ngào trước nước quá trong
Lũ trẻ chăn dê thản nhiên qua sông
*
Em vớt củi giữa dòng
váy em ướt đẫm
phơi củi bằng nắng,
váy lay gió rồi khô,
em hong phận người thương khó bằng gì?
*
Người lẻ bảy ngày ngồi đây muốn khóc
Sông chảy một mình giữa đá, buồn không?




Về quê…

Thằng bạn tôi, thằng bạn bụi bậm, thằng bạn giang hồ của tôi về nhà.
Tôi không biết nhà nó ở đâu, nghe nói có một ngọn đèo, có cây, có cỏ, có khói toả lên từ những mái nhà dưới thung.
Đứa tinh quái, nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng nói về quê mình thì cũng chỉ ba từ “đẹp mà buồn”.
Giống cái cách người đời khi kể về quê của họ.
ở quê nó có một bầy em nhỏ. Đứa ngoan đứa không ngoan. Về quê là nghe mẹ trách ba, ba trách mẹ, em này méc em kia. Ngơ ngác xử phân mà đằng nào đúng cũng xốn xang.
Về quê thấy có bầy dê mới, góc cột thêm một ổ mối, cây ổi vườn sau bị gãy mất nhánh rồi. Không có vẻ gì chờ đợi người lang bạt.
Chái sau nhà đã lợp thêm mà không đợi.
Cỏ trên đồi không đợi, mịt mùng xanh.
Hoa bên rào không đợi, đã nở, cũng vừa xong nát rữa
Láng giềng không đợi, đi mua rượu cho chồng, chân rối vào chân. Tay níu chặt cái chai và chiếc nón loay hoay nửa như giấu đôi má rám nửa muốn che vồng ngực chảy não nề. Bên xóm có người về…
Trẻ con không đợi, cứ lũ lượt ra đời, khóc rạn cả một vạt chiều lơi nắng.
Chỉ mẹ đợi bạn về để nói: “ba mầy lúc này suốt ngày say…”.
Chỉ ba đợi bạn về để hỏi: “mẹ mầy đã cạn tình yêu…”.
Chỉ những đứa em đợi bạn về để khoe vết chém còn mới trên vai, “Thù này quyết trả…”
Đứa em gái níu tay anh thầm thì, “anh ơi, môi chạm vào môi thì có con không?”
Bạn tôi mỉm cười.
Cỏ trên đồi đã từng qua mùa cháy.
Xanh xanh.



NGUYỄN NGỌC TƯ