Thứ Ba, 18 tháng 7, 2017

Khởi nghĩa Yên Bái: Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử

 LÃNG QUÂN (THỰC HIỆN)

  Khu lăng mộ và tượng đài về Khởi nghĩa Yên Bái tại TP Yên Bái.

 Lịch sử Việt Nam mãi mãi khắc ghi hình ảnh bị hành hình mà vẫn ngút trời dũng khí “chấn động địa cầu” của các người anh hùng vị quốc vong thân trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái chống lại thực dân Pháp vào năm 1930. Các cánh quân đã đồng loạt tấn công giặc Pháp ở một loạt các tỉnh trọng yếu của Bắc Kỳ, như: Hà Nội, Yên Bái, Sơn Tây, Hưng Hóa, Lâm Thao, Phả Lại, Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An... 
    Đến nỗi, ở bên kia đại dương, nhà thơ Louis Aragon của Pháp viết: “(Khởi nghĩa) Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ”.
    Những dòng này được dựng thành bia đá lừng lững trong khu công viên - tưởng niệm lãnh đạo KN Yên Bái, cụ Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các vị anh hùng bị hành quyết sau khi việc lớn không thành. 17 cột đá lừng lững vòi vọi, dòng chữ khổng lồ “Không thành công cũng thành nhân” trên một vòng tròn khuyết đã thành điểm nhấn tuyệt vời của khu tưởng niệm.
    Cai ngục lễ sống người sắp bị đưa ra hành quyết
    Mỗi lần đọc bài thơ “Ngày tang Yên Bái” từng in trong sách giáo khoa, bất cứ ai cũng thấy xúc động nổi da gà. “Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang/ Thong thả tiến đến trước đài danh dự (...) Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn/ Trên khóe mắt đã từng khinh đau đớn/ Của những trang anh kiệt sắp lìa đời (...) Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến/ Sau cái nhìn chào non nước bi ai/ Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài/ Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng/ “Việt Nam muôn năm”, một đầu rơi rụng/ “Việt Nam muôn năm”, người kế tiến lên/ Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên/ Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc”.
    Khởi nghĩa Yên Bái: Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử ảnh 1
    Câu thơ nổi tiếng của Aragon viết về KN Yên Bái được khắc vào đá, trưng bày trang trọng tại khu vực tưởng niệm.
    Giữa trung tâm TP Yên Bái hiện nay, có một không gian hồ nước mênh mông và khu tưởng niệm xúc động để nhớ về cuộc KN Yên Bái lừng danh. Nhà thơ Ngọc Bái, nguyên Giám đốc Sở VHTT (nay là Sở VHTTDL) tỉnh Yên Bái, người đã nhiều năm tâm huyết với từng kiến trúc, từng hạng mục và từng câu thơ được “dựng tượng khắc bia đá” ở nơi này. Tại nhà mình, ông Ngọc Bái bắt đầu câu chuyện với PV Báo Lao Động:
    “Ở Hà Nội có phố Phó Đức Chính ở gần hồ Trúc Bạch ấy. Tôi vừa ở Vĩnh Phúc ít ngày, sắp hoàn thành một kịch bản phim tài liệu về lãnh tụ cuộc KN, cụ Phó Đức Chính, tên sách chính là câu nói lừng danh của cụ: “Đại sự không thành thì chết là vinh”. Tỉnh Vĩnh Phúc nghe tin tôi viết cái tiểu thuyết “Ngang trời mây đỏ” về KN Yên Bái, cũng đã đặt mua mấy trăm cuốn rồi. Vĩnh Phúc cũng là quê cụ Nguyễn Thái Học. Cụ Chính là người duy nhất không chống án trong số hơn ba chục người bị án tử hình vì tham gia KN Yên Bái. Vì, như lời tuyên bố của cụ: “Đại sự không thành thì chết là vinh”, nên cụ đã không việc gì phải chống án.
    Về sau chúng giảm án, 26 người xuống khổ sai chung thân, còn 13 người thì nó vẫn xử tử tại Yên Bái này. Lúc 1h30 phút hôm đó, tàu đến ga Yên Bái. Giặc đưa cụ lên ngay trại giam chỗ khách sạn Công đoàn bây giờ. Có một chi tiết như thế này, tôi có viết vào trong tiểu thuyết của mình là: Tay cai Công là đao phủ của cuộc hành hình đó, khi cụ Phó Đức Chính và cụ Nguyễn Thái Học lên đến đây thì hắn đã lễ sống 2 ông ngay trong buổi sáng đầu tiên và xúc động nói: “Xin hai ông xá tội cho tôi vì đây là việc tôi buộc phải làm”. Thì cụ Nguyễn Thái Học khuyên hắn: “Ông làm nghề này thất đức lắm, về sau ông giải nghệ đi nhé”. Và về sau ông cai Công có giải nghệ thật. Khi bị hành hình, cụ Phó Đức Chính yêu cầu được nằm ngửa cổ về phía lưỡi dao khủng khiếp của máy chém. Cụ bảo, ta nhìn lên trời xanh, “cho ta nằm ngửa để nhìn thẳng vào lưỡi dao tội ác của giặc Pháp”.
    Khởi nghĩa Yên Bái: Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử ảnh 2
     Nhà thơ Ngọc Bái.

    PV: Xin hỏi, chi tiết này ai với ông kể vậy?
    Nhà thơ Ngọc Bái: Được cung cấp trong một cuộc hội thảo về KN Yên Bái khoảng năm 1997 do tôi và ông Trần Đức Cường hồi đó là Viện trưởng Viện Sử học chủ trì.
    Thưa ông, được biết ông về quê của cụ Nguyễn Thái Học rất nhiều lần, gia đình dòng tộc của vị lãnh đạo cuộc KN chấn động đó ra sao?
    Em trai cụ Nguyễn Thái Học là Nguyễn Thái Nho. Cụ Nho bị xử tử cùng với vài đồng sự nữa ở Hỏa Lò. Còn cụ Nguyễn Thái Lâm thì bị địch nó bắt về đình Thổ Tang rồi nó dẫn giải về trước cửa nhà cụ nó bắn để thị uy. Còn cụ nữa là Nguyễn Thái Nỉ (em trai cụ Nguyễn Thái Học) về làm thuốc thì mới mất quãng sau năm 2012. Khi địch xử chém cụ Học thì Nguyễn Thái Nỉ mới có 6 tuổi và bà mẹ phải gánh con đi để lánh nạn. Tôi cũng có làm phim về tài liệu về chuyện này, bây giờ vẫn còn giữ, phim có lời em trai Nguyễn Thái Nỉ kể về anh Nguyễn Thái Học.
    Trong sách giáo khoa ngày xưa có bài thơ viết về vụ xử tử những người anh hùng vệ quốc tuyệt vời trong vụ Khởi nghĩa Yên Bái. “Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than/ Từ lưng trời sương trắng phủ màu tang”. Rồi “Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ/ Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi/ Ngất người sau tiếng rú “Ới con ơi!”. Tiếng rú đó là người thân của các liệt sỹ, ví như người mẹ già của cụ Nguyễn Thái Học?
    Khởi nghĩa Yên Bái: Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử ảnh 3
    Hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Thái học và ngôi đền tri ân công đức của cụ.
    Có một chi tiết như thế này, bà bá (bác gái) ruột của tôi tên là Tùng, lúc đó có 15,16 tuổi thôi, bà ấy đã chứng kiến chém cụ Nguyễn Thái Học ngay trước cửa nhà thờ ở khu trung tâm Yên Bái này. Ấy là khu bãi tập của lính khố xanh. Thì bá ấy có kể chuyện như này: Lúc đó có biết gì đâu thì cũng đến xem, lúc đó thấy cụ Nguyễn Thái Học ngậm điếu xì gà to lắm, lúc đó ông phì ra đọc mấy câu thơ tiếng Pháp ấy, bá thì không biết tiếng Pháp, chỉ biết là đọc thì về sau này mình biết đó chính là câu: “Chết vì Tổ Quốc chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng trí ta nhẹ nhàng”. Có một chi tiết ám ảnh, đó là: Lúc mà cụ đang hô Việt Nam vạn tuế thì lưỡi máy chém sập xuống đầu cụ, máu vọt ra rất xa, hình ảnh đó bi tráng lắm, miệng cụ lúc đó đang hô dở “Việt Nam vạn tuế”, phải lắp bắp thêm một lúc nữa thì mới khép lại. Chi tiết đó mình thấy quá là rùng rợn và bi tráng.
    Địch mang máy chém đó từ Hỏa Lò lên, đúng không ông?
    Máy chém chở từ Pháp sang. Ngày 16.6.1930, nó đem máy chém từ Hỏa Lò, ra ga Hàng Cỏ để đi Yên Bái. Trên tàu gồm 2 viên cha cố, một số mật thám, giám binh và máy chém. Tất nhiên là cả 13 tử tù. Khi bước ra khỏi Hỏa Lò thì cụ Nguyễn Thái Học cùng các nghĩa sĩ hô vang: “Chúng tôi đi đền nợ nước đây”. Dọc đường các cụ ấy còn đùa nhau, và cụ Phó Đức Chính còn nói là: “Anh Tiếp, anh Thuyết, anh Hoằng, anh Lương... đang chờ chúng ta”. Đó là 4 ông bị xử chém trước đó, hôm 8.5. Và họ còn bảo nhau hát vang.
    Xin được hỏi, ông bắt đầu quan tâm nghiên cứu sâu cuộc KN Yên Bái này từ bao giờ?
    Từ lâu lắm, nhất là khi làm Giám đốc Sở, tôi thấy cần phải làm thế nào để dựng lại hình ảnh của những người vĩ đại đã hy sinh vì đất nước tại đất Yên Bái này. Cụ thể, là làm thế nào có được một khu lưu niệm Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các nghĩa sĩ xứng với tên tuổi của những liệt sĩ đáng kính ấy.
    Có chi tiết: Khi ông Phạm Gia Khiêm lên làm Phó Thủ tướng Chính phủ thì ông Khiêm có lên Yên Bái. Ông vào chính lăng mộ của cụ Nguyễn Thái Học cùng các nghĩa sĩ, tại đó, ông Khiêm hỏi ông Ý (bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy): “Ở đây có ai am tường sự kiện KN Yên Bái, xin làm “hướng dẫn viên”? Thì ông Ý gọi mình đến nói khoảng 5 phút. “Anh Khiêm ạ, lòng yêu nước không bao giờ cũ cả, lòng yêu nước là bình đẳng, không phải hôm nay chúng ta yêu nước hơn những người trước đó. Thế cho nên anh giúp chúng tôi là tạo điều kiện để tôn tạo khu lăng mộ cho nó xứng tầm”.
    Sau này cấp trên duyệt kinh phí là 6 tỉ 991 triệu đồng. Các công trình rất có ý nghĩa được xây: Thứ nhất là làm lăng mộ các vị tử sĩ. Với ý tưởng “trời tròn đất vuông”, gồm một vòng tròn không khép kín. Nền vuông. Và 17 liệt sĩ là 17 cái cột “chống trời” rất lớn bằng ximăng cốt thép. Với cái vòng tròn không khép kín nghĩa là cuộc khởi nghĩa dang dở không thành công. Còn chỗ miếng vỡ, ném xuống đất vừa là trang trí về mỹ thuật nhưng ý nghĩa ngầm là lòng yêu nước vẫn được đất mẹ nuôi dưỡng.
    Đặc biệt là khu tượng đài có người phụ nữ chính là bà Nguyễn Thị Giang. Tuy bà không chết ở đây nhưng các chuyên gia vẫn muốn có tượng bà ở đây, vì bà cũng có đóng góp lớn, là linh hồn của cuộc KN. Khi sự không thành, bà tự tử bằng chính khẩu súng mà chính chồng/ người yêu Nguyễn Thái Học đã tặng.
    “Đắp tượng” hai câu thơ của Louis Aragon tại Yên Bái
    Họ chém các vị tử sĩ của non sông xong, thi thể và thủ cấp của các vị được “để” ở đâu?
    Thi thể các vị thì chúng chở bằng xe trâu đưa xuống nghĩa địa ta (phân biệt với nghĩa địa Tây), chôn chung vào chỗ, đó là khu giáp với ga tàu hỏa Yên Bái ngày nay. Khu vực các vị ấy bị chém, giờ bà con lập một cái miếu thờ, gọi là miếu Nguyễn Thái Học. Sau này thì bà con ta đắp mộ cho các cụ. Bấy giờ còn sơ sài lắm. Lúc tôn tạo, chúng tôi cho xây hai ngôi mộ tập thể lớn. Mộ thứ nhất là có 4 người gồm: Ông cai Hoằng, ông cai Thuyết, ông cai Lương, ông cai Tiệp. Mộ thứ 2 gồm 13 người. Sau khi khánh thành khu lăng mộ rồi, lúc đó là năm 2002, mình mới nghĩ phải nhắc lại câu thơ của Aragon (người Pháp) viết rất trứ danh về KN Yên Bái. Một câu thơ hay như thế mà không được ghi lại vào một tấm bia ở “Công viên Nguyễn Thái Học” thì thật đáng tiếc.
    Khi nhà văn Nguyễn Đình Thi lên đây thì chúng tôi đưa nguyên văn câu thơ tiếng Pháp viết về Khởi nghĩa Yên Bái cho ông “hiệu đính”, thì ông bảo: Họ dịch tương đối chuẩn nhưng đề nghị bỏ chữ “cong” trong câu thơ thứ nhất đi, còn câu thơ thứ 2 thì thay cho mình một chữ. Ông nói tại lăng mộ Nguyễn Thái Học, câu đó như này: “Yên Bái, đây là điều nhắc nhở ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ”. Theo ông Thi thì không cần chữ “cong”.
    Câu thơ trên được đưa vào “văn bia”, đến tháng 6.2016 thì có bổ sung thêm nguyên bản Tiếng Pháp. Để người hành hương hiểu rằng nhà thơ Aragon đã cảm xúc và viết bài đó rồi in trong tập san “Công hội đỏ” ở Paris ra sao. Nhiều người bảo, câu thơ trên không chỉ đúng với KN Yên Bái, mà còn đúng với cả nước.
    Những “nhân vật” của KN Yên Bái thật kiêu hùng, bi tráng và ám ảnh, họ là những đấng tinh anh của non sông Việt. Đã có một thời gian dài, những câu chuyện dạng này ít được người ta đề đề cập đến?
    Đấy là một điều mình trăn trở. Cuộc đời của các vị ấy đầy sóng gió, đầy sự tích anh hùng, mà không được đề cập xứng tầm thì rất đáng tiếc. Đã là lịch sử phải trả lại đúng cho sự thật lịch sử.
     http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khoi-nghia-yen-bai-da-la-lich-su-phai-tra-lai-dung-cho-su-that-lich-su-683584.bld

    Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

    Tiền thân của Nhà thờ Đức Bà là một ngôi chùa nhỏ

    Tiền thân của Nhà thờ Đức Bà là một ngôi chùa nhỏ

    Chủ Nhật, 16/07/2017 20:46 GMT+7
    Mời độc giả cùng ngắm lại hành trình 140 năm của Nhà thờ Đức Bà, và của cả tiền thân nhà thờ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam này:
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ bằng gỗ - một trong hai tiền thân của Nhà thờ Đức Bà ngày nay
    Ngày 28/3/1863, linh mục Lefebvre đã động thổ xây dựng nhà thờ bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Sài Gòn tại kinh Lớn (còn gọi là kinh Charner, nay là tòa nhà Sun Wah, đường Nguyễn Huệ). Tiền thân của nhà thờ này ở đường số 5 (nay là Ngô Đức Kế), vốn là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh, linh mục Lefebvre tu sửa thành nhà thờ cho người Pháp đi lễ.
    Chú thích ảnh
    Đến năm 1880, Nhà thờ Sài Gòn tại kinh Lớn thành tòa tạp tụng
    Tháng 8/1876, do Nhà thờ Sài Gòn làm bằng gỗ tạp nên sớm hư hại, Thống đốc Nam kỳ là Guy Victor August Duperré quyết định tổ chức thi thiết kế mẫu Nhà thờ Sài Gòn mới. Cuối cùng kiến trúc sư J.Bourad đã được chọn, và đó cũng là hình dáng của Nhà thờ Đức Bà ngày nay.
    Chú thích ảnh
    Nơi xây dựng Nhà thờ Đức Bà ngày nay
    Ngày 7/10/1877, Đức cha Isodore Colombert (Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong) đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà thờ Sài Gòn.
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 1880, chuẩn bị khánh thành
    Ngày 11/04/1880, dịp Lễ Phục sinh, thánh lễ làm phép và khánh thành Nhà thờ Sài Gòn được cử hành long trọng. Lúc ấy nhà thờ được gọi tên là Nhà thờ nhà nước, vì 2.500.000 francs xây dựng là do nước Pháp chi trả. Sau đổi tên thành Nhà thờ chính tòa Sài Gòn.
    Chú thích ảnh
    Việc xây tháp chuông năm 1895 được nhiều báo chí đưa tin
    Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông cao 57,6 m và có 6 chuông đồng lớn nặng tất cả 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 1900, lúc chưa có bức tượng phía trước
    Năm năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc) và hoàng tử Cảnh (Nguyễn Phúc Cảnh, con trai trưởng vua Gia Long). Năm 1945, tượng này bị chính phủ Trần Trọng Kim phá bỏ, trơ lại bệ đài bằng đá hoa cương đỏ.
    Chú thích ảnh
    Tượng Giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh
    Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy) đã đặt tạc tượng Đức Mẹ hòa bình bằng cẩm thạch trắng từ Italia về đặt trên bệ đài đó. Chiều ngày 17/2/1959, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn đã làm phép cho bức tượng này.
    Chú thích ảnh
    Tượng Đức Mẹ hòa bình bằng cẩm thạch trắng hiện diện từ năm 1959
    Ngày 5/12/1959, Tòa thánh Vatican cho phép làm lễ xức dầu, tôn phong Nhà thờ chính tòa Sài Gòn lên hàng Tiểu vương cung thánh đường. Từ đó, tên gọi chính thức là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 1965
    Năm 1960, Tòa thánh Vatican thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa tổng giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám mục Sài Gòn.
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà ngày 13/7/2017 - đang rào chắn để tu sửa
    Từ sau năm 1975 đến nay, dù cảnh quan xung quanh thay đổi chóng mặt, dù xuống cấp, nhưng căn bản Nhà thờ Đức Bà vẫn giữ được hồn cốt cũ của mình.
    Một số hình ảnh khác về Nhà thờ Đức Bà qua các thời kỳ:
    Setup Timeout Error: Setup took longer than 10 seconds to complete.
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1920
      
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1930
      
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà khoảng năm 1940
      
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 1970
      
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 1990
      
    Chú thích ảnh
    Nhà thờ Đức Bà năm 2010
      Văn Bảy
    http://www.thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/tien-than-cua-nha-tho-duc-ba-la-mot-ngoi-chua-nho-n20170716120810232.htm

    Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

    Tạp chí Trình bầy: cái chết báo trước của một tiếng nói phản kháng


    08/07/2017 - 00:04 AM
    Cùng với Hành trình, Đất nước, Đối diện... tạp chí Trình bầy như mảnh gương soi rọi tiếng nói phản kháng trong sinh hoạt tinh thần giai đoạn 1954 - 1975 tại miền Nam.
    Trình bầy là bán nguyệt san văn hóa chính trị xã hội ra ngày 1 và 15 mỗi tháng (đôi khi xê dịch chút ít). Số 1 ra mắt ngày 1.8.1970, số đình bản 42 ra ngày 2.9.1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút: Thế Nguyên Trần Gia Thoại. Tổng thư ký: Diễm Châu. Quản lý: Tăng Hoàng Xinh. Ban biên tập gồm Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, Đỗ Long Vân, Phạm Cao Dương, Nguyên Sa, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Tuấn Nhậm, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Tôn Thất Lập, Thế Nguyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng, Nguyễn Nguyên, Trần Đỗ Dũng, Hoàng Ngọc Nguyên, Du Tử Lê, Cao Thanh Tùng, Thuận Giao.
    Báo quán và nhà in đặt tại 291 Lý Thái Tổ Sài Gòn. Tờ báo quy tụ nhiều cây bút đến từ nhiều chân trời, khuynh tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Ngọc Biên..., thiên cộng như Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Tôn Thất Lập... và có cả cán bộ hoạt động nội tuyến như Nguyễn Nguyên Nguyễn Ngọc Lương - từng giữ chức chủ sự phòng Kiến thức Phổ thông Đài Phát thanh Sài Gòn nhưng lại từng chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Tin văn (1966 - 1967), cơ quan ngôn luận công khai và hợp pháp do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trực tiếp chỉ đạo.
    Ê kíp Trình bầy còn chủ trương tờ Làm dân (nhật báo tranh đấu cho công bằng xã hội, là tiếng nói chống áp bức tại miền Nam Việt Nam) nhằm “cung cấp đầy đủ những tin tức và làm sáng tỏ những sự thật đã bị cái hệ thống chiến tranh lạnh xuyên tạc”.
    Trình bầy Xuân Tân Hợi 1971 (số 12 - 13) và Xuân Nhâm Tý 1972 (36 - 37)
    Trình bầy ngang nhiên tuyên chiến với nhà cầm quyền. Dồn dập những bài viết ”đảo thiên nghịch địa” trên số 28 (21.9.1971) là bằng chứng. Một, tuyên cáo kêu gọi hủy bỏ cuộc bầu bán tổng thống (3.10.1971). Hai, lên án máy bay Mỹ oanh tạc Bắc Việt. Ba, cho chạy bản dịch bài hát Những chủ nhân ông của chiến tranh của nhạc sĩ phản chiến Bob Dylan (Nguyễn Đăng Thường dịch)...
    Và không chỉ một lần, chủ nhiệm kiêm chủ nhiệm Thế Nguyên bị Tòa Sơ thẩm Tiểu hình Sài Gòn tuyên phạt 120.000 đồng vạ treo và bồi thường cho Bộ Nội vụ một đồng danh dự (phiên xử ngày 11.6.1971).
    Chiếm lĩnh trên mặt báo là thông điệp về hòa bình và chiến tranh, độc lập và tự do, cách mạng và dân chủ... Khi thì tùy bút Ngày tự do hòa bình đang tới của Trùng Hư/Huỳnh Như Phương (số 26, 18.8.1971) hay truyện ngắn Những ô lưới sắt của Nguyễn Sa Mạc/Nguyễn Hoàng Thu (số 30, 22.10.1971). Khi thì Đói gạo, no bom: Những ngày buồn của mùa thu chết của Trần Trọng Phủ/Thế Nguyên (số 33, 7.12.1971) hay truyện ngắn Mặt trận ở Sài Gòn của Ngô Thế Vinh (số 34, 18.12.1971). Và thường xuyên bị cáo buộc tội trạng “phương hại đến trật tự công cọng, an ninh quốc gia” hay ”đề cao đối phương, xâm phạm tình thân thiện, hợp tác với đồng minh” thì cũng phải thôi.
    Mà cũng lạ, cảm hứng tụng ca vẻ bi tráng và oai hùng phía bên kia, Hà Nội ăn bao nhiêu bom rồi/Sơn Tây ôm ngực rách tả tơi (...) Hà Nội ngoan cường Hà Nội ơi/Hồng hà trôi cát mãi chưa nguôi. Mà cũng kỳ, âm điệu hững hờ nhuộm màu tang tóc phía bên này Sài Gòn cúi xuống bên xác chết/Một phút rồi thôi – quên rất nhanh (Mường Mán, số 14, 15.2.1971). Tất cả nằm ngay trên tờ báo giữa Sài đô chứ không phải ở R hẻo lánh hay ngoài Hà thành xa xôi.
    Còn đây, thi sĩ tình yêu Nguyên Sa nghiêng xuống thao thức trong khói lửa điêu tàn, sự sống hốc hác giữa cái chết: “(...) bài dài này quấn vội chiếc khăn tang cùng kích thước lên đầu người quả phụ, bài ngắn kia gồm tổng số chữ trên một tấm bia, cơn phẫn nộ ở dòng trên là phẫn nộ của hàng triệu người, nỗi buồn bã dưới chữ kia là nỗi ngậm ngùi ngủ cũng không hết, chết cũng không quên (...)” (Bài tựa cho tập thơ bị kiểm duyệt, Xuân Tân Hợi, số 12 - 13). Bộ Thông tin “không cho in trên nền long ly quy phượng” thì Trình bầy nhân danh “quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản” được ghi nhận long trọng trong Hiến pháp 1967 mà quay ronéo 200 bản Những năm sáu mươi (1971) này để gởi tặng thân hữu trong giới văn nghệ “nhờ giữ hộ”.
    Bìa lưng Trình bầy số 24 (20.7.1971) và 35 (15.1.1972) giới thiệu Làm dân
    Luật 019/69 (30.12.1969) về quy chế báo chí phản chiếu một ít biến động đời sống, biến đổi chính trị ngày ấy. Nhờ (hay là vì) quy chế này mà tự do ngôn luận sáng sủa hơn (hay tối tăm hơn)? Một đằng, nhờ vậy mà bãi bỏ chế độ kiểm duyệt và chỉ giới chức có thẩm quyền mới ký lệnh tịch thu, chỉ có cơ quan tư pháp mới ra lệnh đóng cửa tòa báo. Một đằng, vì vậy mà làng báo đối diện với nạn tịch thu, gây thiệt hại tài chính, đe dọa sự sống còn của tờ báo, đi đến phá sản. Lằn ranh nghiệt ngã thật khó phân định. Ngó trước nhìn sau, dẫu sao quy chế ấy cũng tạo không gian pháp lý mà báo giới và dư luận tận dụng để lên tiếng đối thoại và phản biện chính sách đường lối của nhà cầm quyền.
    Trong khảo luận Nạn tịch thu báo tại Việt Nam (Ban Báo chí, Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1972), Trịnh Văn Thi tổng kê được những con số giật mình. Năm 1971, liên miên đến 1.175 vụ tịch thu, có thời điểm trên dưới 10 tờ một ngày. Riêng nhật báo Tin sáng của dân biểu Ngô Công Đức đến 154 lần, có lúc đạt kỷ lục rung rinh làng báo: 37 số liên tiếp. Và nó dồn dập quanh mùa bầu cử tổng thống (10.1971), chẳng hạn, tất cả các số Điện tín phát hành tháng 12.1971 đều bị chiếu cố tận tình.
    Với Trình bầy, 21 số đầu tiên có đến bốn số không đến tay quý độc giả (2, 4, 17 và 21). Mười số mở màn năm thứ hai thì chỉ ba được yên ổn (số 25, 31, 32) còn lại đều được chính quyền khai tử. Và loạt cuối cùng số 34, 36 - 37, 38, 41... cũng vậy. Một cái chết được báo trước. Thêm nữa. Sắc luật 007/TT/SLU (4.8.1972) buộc tờ báo phải ký quỹ tại Tổng nha Ngân khố một số tiền khá lớn, nếu không sẽ bị rút giấy phép. Và Trình bầy tự đình bản ở số 42.
    Bóng dáng Trình bầy chùng lại ý niệm tự do ngôn luận, luôn là khắc khoải của đa số kẻ cầm bút. Có phải đó là nguyên tắc cơ bản mà học giả Nguyễn Hiến Lê dự cảm trong Hồi ký (1993): “Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải nghề tự do thì không thể gọi là một xã hội tự do được”?
    Trần Trọng Cát Tường
    http://www.nguoidothi.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/8898/tap-chi-trinh-bay-cai-chet-bao-truoc-cua-mot-tieng-noi-phan-khang.ndt

    Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp

    06/07/2017 21:53 GMT+7
    TTO - Sau hơn 2 năm kiểm định, khảo sát hiện trạng, với sự tham gia của nhiều công ty, chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, công trình nhà thờ Đức Bà bắt đầu được khởi công trùng tu tổng thể. 
    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp
    Mái chính ngói bị hở rất nhiều chỗ - Ảnh: TL chụp lại
    TTO điểm qua một số hạng mục sắp được trùng tu:
    Mái ngói
    Trong suốt lịch sử tồn tại, mái nhà thờ đã được sửa chữa, chống dột nhiều lần.
    Hiện nay vùng mái ngói chính của nhà thờ có khoảng 6 loại ngói khác nhau, mà nhiều nhất là ngói Phú Hữu (một địa danh ở quận 9 hiện nay). Số lượng ít hơn là ngói Đồng Nai (thường gọi là ngói Biên Hòa) và ngói của thương gia Vương Đại với thương hiệu Wang Tai-Saigon.
    Số ngói nhập từ Pháp về khi xây dựng nhà thờ do Marseille st. André France sản xuất thì chuẩn mực cao hơn nhưng hiện chỉ còn lại 4.900 viên.
    Đặc biệt là phần ngói âm dương, một loại ngói Việt Nam trăm phần trăm vốn được sản xuất để lợp mái nhà của người Sài Gòn xưa, nay không còn nơi nào sản xuất.
    Gần 140 năm tồn tại, các vùng mái ngói bị cũ mục, bể gãy. Trời mưa, nước đổ từ mái xuống gây thấm dột, khiến tường nứt, gạch mục bể. Hư mục nặng nhất là năm vòm phía sau đối diện trung tâm thương mại Diamond.
    Đợt trùng tu này, để lợp lại mái, ban trùng tu nhà thờ tìm kiếm mua hơn 27.000 viên ngói mũi tên (Marseille) tại hãng ngói Monie (Pháp). Đây chính là hãng sản xuất ra số ngói nhập từ Pháp được lợp trên mái nhà thờ Đức Bà hiện nay.
    Ngoài ra, ban trùng tu cũng tìm mua được loại ngói vảy cá và ngói âm dương tại hãng Meyer-Holsen (Đức).
    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp
    Phần tôn kẽm hai chóp tháp chuông đã bị hư hại, có những chỗ rớt cả tấm xuống đường Ảnh: TL chụp lại
    Hai chóp tháp chuông
    Năm 1895, theo thiết kế bổ túc của kiến trúc sư Fernand Gardes, hai tháp thép dạng chóp nhọn được lắp dựng thêm bên trên gác chuông, phần tháp thép này cao khoảng 20m, cùng thánh giá cao 3,5m được lắp đặt trên đỉnh tháp.
    Kết cấu khung bên của hai chóp tháp làm bằng sắt được gắn vào tháp với một hệ thống đã được tính toán rất chính xác. Bên ngoài tháp được lợp bằng tôn kẽm giả ngói màu xám trắng, khi đứng nhìn lên tháp ta cảm nhận được sự thanh thoát, hòa mình vào thiên nhiên.
    Hiện nay, phần tôn kẽm đã bị hư hại, có những chỗ rớt cả tấm xuống đường, nguy hiểm cho người đi đường.
    Trong đợt trùng tu, toàn bộ hai mặt tháp nhọn phía trước nhà thờ sẽ được bọc lại bằng tấm tôn kẽm Azengar của Công ty VMZINC (Pháp). Bốn chân tháp gạch bị mục được gia cố lại cho chắc. Những họa tiết trang trí rất đẹp, tạo nên hồn tháp cũng được bảo tồn nguyên tác.
    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp
    Một trong những quả chuông thuộc bộ chuông 6 chiếc trong tháp chuông nhà thờ Đức Bà - Ảnh: Nguyễn Công Thành
    Bộ chuông
    Bộ chuông 6 chiếc được thiết kế và vận hành bằng điện ngay từ lúc khánh thành nhà thờ. Hoa văn được chạm khắc trên mỗi quả chuông rất tinh xảo và không giống nhau, duy có điều trên tất cả 6 quả chuông đều có tên của KTS thiết kế nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là J. Bourad.
    Có một điều rất lý thú là bộ chuông tạo ra tiếng đàn của chiếc đồng hồ cổ (đồng hồ vẫn còn hoạt động) báo giờ trước mặt tiền nhà thờ, cũng chính là bộ chuông này.
    Chiếc đồng hồ được lắp đặt sau bộ chuông. Có một hệ thống cần trục gắn liền bộ cơ của đồng hồ với 4 quả chuông lớn.
    Hệ thống này được thiết kế tự động. Khi báo giờ hệ thống này vận hành, 4 búa sắt gõ nhẹ vào mặt ngoài của 4 quả chuông tạo ra tiếng đàn trong khoảng 30 giây. Khi báo giờ (đúng giờ) thì có búa gõ vào chuông Sol tạo ra âm thanh báo giờ vang xa trong nhiều phút.
    Năm 1978, hệ thống âm thanh báo giờ bị hư.
    Hiện ban trùng tu đã chọn Hãng Bollée (Pháp) trùng tu lại tháp chuông. Điều tình cờ, chủ hãng này chính là “hậu duệ” của những kỹ sư đã đúc 6 quả chuông cho nhà thờ Đức Bà vào năm 1878.
    Qua khảo sát, Hãng Bollée đề xuất lắp thêm hai chuông nhỏ. Hai quả chuông này kết hợp với sáu quả chuông hiện nay tạo thành bộ hợp âm, giúp tái lập hệ thống chuông đệm. Khi tới giờ đồng hồ gõ sẽ phát ra từng bản nhạc.
    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp
    Hệ thống kính màu được thiết kế rất đặc sắc và phối sáng hài hòa trong nhà thờ Đức Bà - Ảnh: TL chụp lại
    Thay những bức tranh kính màu
    Trên tường, phía dưới và trên cao có các cửa cổ được lắp đặt các tác phẩm nghệ thuật bằng kính màu, có nội dung diễn tả hình tượng các vị thánh và sự kiện trong kinh thánh, phúc âm. Nhưng thú vị là cũng xen kẽ rất nhiều họa tiết và hình tượng phương Đông. Hệ thống kính màu được thiết kế rất đặc sắc và phối sáng hài hòa, tạo nên một hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời.
    Trong lòng nhà thờ, một làn ánh sáng nhẹ nhàng, tạo bầu không khí trang nghiêm, an bình. Ánh sáng huyền ảo cũng làm cho các chi tiết kiến trúc, nội thất bên trong thánh đường nổi bật và đẹp hơn. Toàn bộ các ô cửa kính màu do Hãng Lorin (Pháp) sản xuất.
    Tuy nhiên qua thời gian, chiến tranh, nhiều mảng kính màu bị bể, nhà thờ phải thay thế bằng bông gió. Hiện ban trùng tu cũng đã liên hệ với các hãng kính màu bên Pháp để đặt thay thế những bức tranh kính màu bị bể.
    Nhà thờ Đức Bà trùng tu 5 hạng mục với nhiều choáng ngợp
    Một số mảng tường gạch bị phong hóa - Ảnh: TL chụp lại
    Phần tường gạch
    Tường nhà thờ Đức Bà được xây trên những khối đá vững chắc và được xây bằng gạch thẻ. Chất liệu gạch rất đặc biệt nên tuy đã trải quả hơn một thế kỷ mà màu sắc của gạch vẫn hồng tươi. Hầu hết bề mặt tường không bị đóng rêu.
    Gạch được xếp theo thứ tự: một viên nằm ngang xen kẽ một viên nằm dọc. Gạch sử dụng để xây mặt ngoài của tường có in tên thương hiệu lò gạch, nơi và năm sản xuất: WT 1878-Saigon.
    Gạch sử dụng trong các lớp kế tiếp của tường là loại gạch thẻ thường được sản xuất trong nước thời bấy giờ (trên gạch không có ghi thương hiệu).  Tường được thiết kế khá dày để giúp cách âm và cách nhiệt cho không gian bên trong nhà thờ.
    Hiện nay theo khảo sát, có những viên gạch bị bong tróc, khuyết sâu. Nhiều chỗ nước mưa chảy xuống mọc rêu, mục. Ban trùng tru đang nhờ nhóm công ty Pháp và Đức hỗ trợ khảo sát, tìm phương án trùng tu.
    TIẾN LONGhttp://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170706/nha-tho-duc-ba-trung-tu-5-hang-muc-voi-nhieu-choang-ngop/1344487.html

    Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

    Tản mạn với Võ Chân Cửu[*]


    HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

           Với nhan đề 22 tản mạn, cuốn sách đầu tiên trong bộ sách ba tập của Võ Chân Cửu về văn chương miền Nam đã góp phần biến “tản mạn” vốn là một tính từ thành một danh từ, và vốn là một thể báo chí – gần với nhàn đàm, tạp bút – trở thành một biến thể của phê bình văn học.
           Trong tập hợp những bài tản mạn của Võ Chân Cửu, có thể thấy sự hiện diện và cộng sinh của bình thơ, tiểu luận, tùy bút, tư liệu văn học… khiến cho mỗi cuốn sách là một hợp thể, và cả bộ sách là một hợp thể lớn hơn, giúp ta hình dung được bối cảnh của văn học miền Nam thời chiến cũng như tâm thế của những nhà văn cầm bút trong bối cảnh đó.
           Nói “hợp thể” là một cách nói để dễ nhận diện, chứ thật ra bộ sách này không phải là một hệ thống có chủ đích nhất quán, cho nên ta không nhất thiết phải đọc nó như một thiên khảo luận có trật tự lớp lang, mà có thể - và rất nên – đọc như một cuốn sách với những đoản thiên rời, đọc ngẫu hứng, không cần theo trình tự trước sau, vì tác giả có vẻ như cũng ngẫu hứng mà viết ra. Giống như ta ngồi bên ô cửa toa tàu mà nhìn phong cảnh hiện ra trước mắt: có lúc tàu chạy nhanh chỉ kịp thấy cánh đồng và dòng sông vừa lướt qua, có lúc tàu leo dốc chầm chậm cho ta chiêm ngưỡng từng bụi cây ngọn cỏ của vạt rừng dưới chân đèo. Nhưng tất cả hòa kết trong tâm trí ta một cảnh tượng văn chương bỗng thức dậy sau những giấc ngủ dài tưởng đã phôi pha cùng năm tháng.
            Giới sáng tác văn học ở miền Nam thời chiến mỗi người mỗi vẻ, những phân loại khái quát về khuynh hướng chỉ có ý nghĩa tương đối, có khi dễ thành phiến diện. Mỗi tờ báo quy tụ một nhóm nhà văn gần nhau về cảnh ngộ sinh hoạt tinh thần nhưng không hẳn cùng chia sẻ hoàn toàn một quan niệm văn chương hay lý tưởng xã hội. Chính điều đó gây khó cho người nghiên cứu về sau, đồng thời cũng là thử thách gợi hứng thú cho họ. Nó cho thấy yếu tố dân chủ của một đời sống văn học nhiều phân hóa.
            Nói về thế hệ cùng thời với Võ Chân Cửu, cách phân loại vừa quen thuộc vừa dễ dãi được một số người chấp nhận lâu nay: khuynh hướng “dấn thân” và khuynh hướng “viễn mơ”. Nhưng ranh giới giữa hai khuynh hướng đó đâu dễ phân định. Chỉ cần đặt câu hỏi: dấn thân về đâu mới là dấn thân đích thực? Và người ta có thể dấn thân mà không cần viễn mơ? Thậm chí, người dấn thân có thể cũng là người mơ tưởng hão huyền nhất!
            Dù sao, trong văn cảnh miền Nam thời đó, Võ Chân Cửu dễ được xếp vào nhà thơ “viễn mơ”, căn cứ vào thi hứng, thi tứ và cả nhan đề tác phẩm của ông: Tinh sương, Đại mộng, Tà huy, Bóng trăng ngàn, Đường vô núi, Sáng thinh không, Ngã tư vầng trăng, Quẩy đá qua đồng, Chùa cổ bên sông… Con đường “viễn mơ” đó bao đời nay đã là một dòng lớn của thi ca Việt Nam. Đâu phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Lương Vỵ nhớ đến thơ Thiền đời Lý – Trần khi đọc Một ngày bộ hành của Võ Chân Cửu: Sớm về phía mây tụ/ Chiều đến nơi mây tan/ Phải nơi này chốn cũ/ Trên mặt đất còn hoang/ Trời rộng đau gió hú/ Ôi hư không tràn lan.
             Thật là dễ hiểu, trong ba tập sách “tản mạn” này, Võ Chân Cửu nhớ nhiều đến những bạn văn một thời cùng ông lao đao lận đận đuổi theo những giấc mộng  dài giữa những cảnh đời thực dữ dội của chiến tranh. Ta có thể gặp ở đây những số phận long đong của Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định…; những dự phóng văn chương dang dở của các tập san Trước Mặt ở Quảng Ngãi, Nhân Sinh ở Nha Trang, Khai Phá ở Châu Đốc, Văn Chương ở Sài Gòn… Long đong, dang dở, nhưng họ để lại cho đời những tác phẩm văn chương trọn vẹn, trong đó có những bài thơ hay ít người biết mà Võ Chân Cửu không ngần ngại chép lại nguyên văn cho bạn đọc thưởng thức, chẳng hạn những bài thơ của Lưu Vân, Nguyễn Tôn Nhan, Phan Nhự Thức…
              Không dừng lại ở vai trò người chứng hay người cung cấp tư liệu về một thời văn học, nhưng Võ Chân Cửu cũng không đi quá xa trong những bình luận và đánh giá về các hiện tượng. Ông chỉ miêu tả những gì hiện ra trước ý thức văn nghệ của ông. Phần còn lại ông dành cho bạn đọc tự rút ra kết luận của mình. Chẳng phải vì ông sợ trách nhiệm mà có lẽ vì ông tin rằng bạn đọc có thước đo thẩm mỹ công minh của riêng họ. Đôi khi, ông cũng bộc lộ thiên kiến nghệ thuật  “có phần cực đoan”, như Chu Ngạn Thư nhạy bén nhận ra trong lời tựa “Cùng theo dấu nhà thơ”.
              Đặt tên cho cuốn sách thứ ba - mà tác giả nói là cuốn cuối cùng trong bộ sách về văn chương miền Nam – là Vén mây, ý hẳn Võ Chân Cửu muốn gợi ra hình ảnh “vén mây… nẩy trăng”. Nói theo Milan Kundera, sáng tác văn chương là một cách vén màn, những bức màn của ảo tượng và ma thuật, cho người đời nhìn thấy thực tướng của thế giới từng bị che phủ, như mặt trăng khuất sau làn mây. Dù sao, hành động “vén mây” đó cũng chỉ mở ra một cái nhìn trắc diện về đời sống văn chương, vốn cần đến nỗ lực của nhiều người để có thể xóa đi phần nào tấm màn đan dệt bởi thiên kiến và ngộ nhận trong sự giải thích và phán xét.
    HUỲNH NHƯ PHƯƠNG


    [*] Nhân đọc 22 tản mạn, Theo dấu nhà thơ, Vén mây của Võ Chân Cửu, NXB Hội Nhà văn – Phương Nam Book, 2013-2017.


    Tác giả gởi cho viet-studies ngày 3-7-17