Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

Mùa mưa 2009

Những giọt mưa rơi mãi vào quá khứ
Nơi ấy, tuổi trẻ của tôi
Nơi ấy, tình yêu của tôi
Dịu dàng và rực rỡ
Bao nhiêu năm cuộc đời tôi
Mềm dịu vẻ đắng cay
Đằm thắm nỗi đau sự sống

Chiều mưa mãi như những ngày ở quá khứ
Con đường trắng xóa cùng những vài cầu
Mùa đông của tuổi trẻ tôi ngoài ấy
Nơi của những đền đài lăng miếu cũ
Nơi ấy, tuổi trẻ của tôi
Nơi ấy, tình yêu của tôi
Nỗi thương nhớ sắc nhọn
Cứa nát những đêm dài chốn xa xôi

Chiều mưa những giọt mưa của mùa
Chảy tràn vào quá khứ
Tôi ngồi câm lặng với tàn phai
Không dứt

Từ Hoài Tấn

Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

Thơ Từ Hoài Tấn

TÌNH THU ƯƠM NẮNG

Ngày tháng êm êm chiều vui tháng chin
Mưa ướt áo em khi đến thăm đây
Ngồi lại một chút cho lòng thêm ấm
Những thời xa xưa buồn rơi rụng đầy

Tâm hồn thơ đã lâu bỏ quên
Ngăn kéo thời gian ai đã khóa
Đi tìm ảo mộng bấy nhiêu năm
Thất lạc bóng mình sau mù sương tỏa

Một chút tình thơm hương mùa thu
Nắng rất ít len nhẹ vào cửa sổ
Ửng sáng mái tóc dài em trinh thơ
Tuổi hai mươi vô vàn nguồn mạch sống

Chiều vui vì một tà áo ngang qua đây
Lòng vui nô nức vì rộn rã của ngày
Ngồi giữa mùa thu trời tháng chin
Tâm hồn thanh thoát ở trên cây

Em đến hay dù em không đến
Vẫn một mình ta nỗi vui đầy
Bởi tháng năm nhẹ êm không hẹn
Vẫn qua đây chút nắng ngọt cuối ngày

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Thơ Lê Văn Ngăn


MỞ RA MỘT CÁNH CỬA



Trong bất tận của dòng thời gian, tôi có một buổi chiều nắng vàng
buổi chiều em đã đến với tôi nơi căn nhà trọ
đặt bàn tay lên tâm hồn tôi để mở ra một cánh cửa.

Mấy mươi năm rồi, tôi vẫn ngồi nhìn qua cánh cửa
đợi em trở về dưới nền trời sao khuya
đợi nhìn thấy lại tất cả vẻ đẹp của quê hương đều hiển hiện trên người em năm hai mươi tuổi.

Dọc con đường đời xa tắp ngoài kia
tôi đã nhìn thấy em đi bên cạnh người sống ngược xuôi người chết nằm im lặng
Trên sự sống và sự chết
chúng ta may mắn được đời dành cho một mối tình không thể tìm thấy ở các thương trường.

Tôi sẽ không bao giờ khép lại cánh cửa tâm hồn đã mở
Mai sau, nếu em có dịp trở về lúc tôi đã đi xa
xin đừng quên nhìn vào bên trong ký ức
Nơi ấy,
tôi còn giữ nguyên vẻ đẹp thuở ban đầu

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Lặng lẽ Thái Ngọc San - PHẠM PHÚ PHONG



Nhà thơ Thái Ngọc San - Ảnh: vanchuongviet.org

…Làng em đây, núi rừng Trung Việt cũng là đây/Xưa kia đã hùng dũng đánh Tây/Giờ lại hiên ngang xây thành chống Mỹ/Đường Trường Sơn là đường chân lý/Đã cùng quê em kết nghĩa hẹn hò… (Quê em, 1971)


1. Tôi thuộc thế hệ đàn em, đã quen thân Thái Ngọc San hơn ba mươi năm nay. Nhưng đến khi anh đột ngột ra đi, qua bạn bè anh, tôi mới biết thêm rằng, trước khi anh có một tuổi trẻ không yên ổn dễ dàng với ba lần bị bắt đi lính, ba lần đào ngũ vẫn kiên trì chọn con đường dấn thân đến với phong trào đấu tranh chống Mỹ của lực lượng trí thức ở miền Nam, anh đã có một tuổi thơ đầy gian truân bất trắc. Điều đó phần nào giải thích vì sao sinh ra ở Lệ Thủy, Quảng Bình, chưa đầy mười tuổi anh đã vào Huế để rồi suốt đời gắn bó với Huế, trở thành dân Huế rin; giải thích vì sao anh đã từng lang thang trên hầu khắp các đô thị lớn ở miền Nam và đã từng trốn khỏi dòng tu… Tất cả những khó khăn cay cực đó không thể ngăn cản mà góp phần tạo nên những cảm xúc cường tráng, đầy nhiệt huyết của hồn thơ tranh đấu:
Làng em đây, núi rừng Trung Việt cũng là đây/Xưa kia đã hùng dũng đánh Tây/Giờ lại hiên ngang xây thành chống Mỹ/Đường Trường Sơn là đường chân lý/Đã cùng quê em kết nghĩa hẹn hò… (Quê em, 1971).
Cuộc đời nổi trôi, sóng gió, lang bạt kiếm sống và trốn lính của anh, từ Huế đến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Thủ Dầu Một, Sài Gòn, Bảo Lộc, Kon Tum, Đắc Lắc… đều in dấu vào thơ anh, và “càng đi ta càng thấy thiết tha, ăn bát canh bầu nhớ trái khổ qua, tắm nước sông Hương mơ trời Hoàn Kiếm” (Ngợi ca đất nước). Anh đã đi qua Những con đường khô cây, Một buổi chiều trở về căn nhà ở khu Sáu Quy Nhơn; sống trong Những ngày Sài Gòn với nỗi buồn “của kẻ đi tìm quê hương mất dấu”… Đó là những rung động chân thành, người viết rút ruột mình ra chuốt thành những câu thơ bốc lửa của phong trào tranh đấu. Bị bắt vào trại giam Ghềnh Ráng, trại lính Tam Kỳ, trại lính Đắc Tô, có khi rơi vào tình trạng bế tắc nhưng anh vẫn giữ cho mình khát vọng, dù rất nhỏ nhoi:
Tôi thèm có một lần được qua bên kia/Vắt nắm cơm cho người bạn cũ/Những hy vọng nào xanh mái tóc/Mắt dù đã sâu ngày chờ đợi/Tôi vẫn nhớ bạn bè tôi (Những con đường khô cây, 1968).
2. Khác với nhiều người cùng thời, thơ tranh đấu của Thái Ngọc San tuy vẫn hô hào Đã đến giờ chúng ta hành động nhưng rất kiệm lời, với sự điềm tĩnh, vẻ lì lì rắn rỏi của một người đã chọn hướng đi cho mình một cách tự tin. Có lẽ vì thế mà cái mốc 1975 không hiện ra một cách rạch ròi phân định ranh giới trong thơ anh. Ngay cả trong những bài báo sau này, Thái Ngọc San vẫn là sự nhất quán của một cảm xúc nồng nàn về lẽ phải, tình người lắng đọng thành chiều sâu suy tưởng, được vuốt nhọn trong tâm hồn lắm nghĩ suy, khao khát. Không nên coi tất cả các cây bút trưởng thành trong vùng tạm chiếm đều “không có cái nhìn và chỗ đứng vững vàng ở tư thế mới để viết ngay những tác phẩm có trình độ tư tưởng và nghệ thuật mới” (1) như có người đã vơ đũa cả nắm. Cái vạch nối cùng một chất giọng trong thơ anh vắt ngang qua hai giai đoạn là cảm xúc ra đi - trở về: Gửi lại bé thơ, Tình ca để lại, Lòng ngưỡng mộ và Tôi sẽ trở về, Ngày hội tháng năm, Đêm mưa ở Vỹ Dạ: Đứa con mười năm trở về/Úp mặt trong áo mẹ/Đứa con trở về đã bằng tuổi cha/Ngày nằm xuống/Bằng tuổi cây hải đường/Trước ngõ/Bằng tuổi quê hương/Ba mươi năm khốn khổ (Đêm mưa Vỹ Dạ, 1975).
Trở về sau cuộc chiến tranh với bao tai ương mất mát, cả người nằm xuống cũng không được yên thân, “ngôi mộ cha tôi còn ở đâu đây, bom đã cày mất dấu, cồn cát cứ phôi pha theo năm tháng, nhưng vết thương còn ẩn náu” (Đồng Hới của tôi). Hòa bình. Không còn những “ngày rắp tâm bắn vào đêm những liều thuốc nổ” để Thái Ngọc San có thể đốt cháy cảm xúc thành ngòi nổ xuống đường, đẩy cảm xúc đến cao trào để phát ra tiếng nổ, thành “tiếng loa vang khắp mọi nẻo đường”. Đồng hành cùng với đất nước, người làm thơ lại bước vào một hành trình mới, đến với Buổi sáng trong rừng cao su, Buổi chiều trên vùng đất mới, với Đêm Cửa Tùng, trở lại với Thành phố bên dòng sông xanh, về với Hà Nội của tôi, Đồng Hới của tôi… Tuy cảm xúc không còn cháy bỏng nồng nàn như thời làm thơ tranh đấu, nhưng những bài thơ hay của Thái Ngọc San trong thời gian này là những bài viết về Huế, thành phố có dòng “Hương Giang xanh in bóng tháp chùa”, về Hà Nội với “chuyến tàu điện leng keng gõ vào tâm thức”, với “mùi hoa sữa lưu lại tì vết trong tâm hồn”. Anh chuyển thời gian sinh hoạt thường ngày thành thời gian nghệ thuật, chuyển không gian địa lý thành không gian nghệ thuật, không gian tâm tưởng tồn tại bền vững choáng chật tâm hồn người đọc.Điều đáng quý ở Thái Ngọc San là ở những cảm xúc bình thường lại ẩn chứa chiều sâu của ý tưởng. Cứ khi nào anh lên giọng, đi vào những triết lí sâu xa thì lại dễ thất bại (Thơ rời trên đường Trường Sơn, Rất bình thường, Thơ dán trên bàn làm việc, Điều tôi muốn nói,… là những ví dụ). Chỉ khi nào anh khảm những cảm xúc chân thành vào cái tôi trữ tình đầy nhiệt huyết, neo tâm trạng lắng lại trước những biến đổi của mỹ cảm, anh mới có những hình tượng thơ có sức khái quát sáng hẳn lên:
Tôi biết thời gian sẽ chẳng đợi tôi/Nên tôi cứ đi và đi mãi/Sợ mai kia đôi chân mỏi/Những buồn vui sẽ chết với cuộc đời (Khát vọng, 1983)
3. Cả quãng đời tuổi trẻ ném vào chiến tranh, khi ngoảnh lại thấy hốt hoảng, nên sau ngày hòa bình, Thái Ngọc San tập trung cho công việc viết lách, ngoài thơ anh còn viết truyện ngắn và làm báo. Vài chục truyện ngắn in rải rác trên các báo, đã có lần được anh gom lại thành tập Bầy thú hoang dã (nghe đâu đã được một nhà xuất bản nào đó từ chối không in, theo kiểu eo sèo của ngành xuất bản). Trước đây, khi đọc một vài truyện trên báo, quả thật tôi không mấy chú ý. Giờ có dịp đọc lại một cách hệ thống, bỗng hiện ra một thế giới nhân vật độc đáo, những con người có đời sống không bình thường, lững thững đi về tập hợp đứng chật tâm hồn anh, thể hiện những ý tưởng khác nhau, thành một vệt đậm của cuộc đời qua bút pháp khô lạnh, có khi đến mức nhói đau.
Thái Ngọc San chỉ có một truyện hồi ức chiến tranh, về thân phận cô Mai, người phụ nữ thác cuộc đời ngắn ngủi của mình vào cuộc chiến tranh dai dẳng như Chuyến tàu không dừng lại, hầu hết những truyện còn lại anh đều chăm chú quan sát và miêu tả cuộc sống hôm nay, truy tìm bên trong sự bình lặng của đời thường, trong thế giới đơn lẻ nhưng đầy những góc cạnh dữ dội của tâm hồn con người. Hùng thọt, một Gã kéo chuông nhà thờ, là nạn nhân của chế độ cũ, cô độc đứng bên tượng thờ Chúa, từ trong sâu kín tâm hồn vẫn giữ được phẩm hạnh, vạch trần bản chất của kẻ chăn dắt con chiên; một bà Phán tính khí thất thường trong Câu chuyện một ngã ba sống cô độc trong quá vãng vàng son; một ông Lâm tự giam hãm đời mình và buộc vợ con sống tách biệt với xã hội loài người như một Bầy thú hoang dã; một thanh niên nhiệt thành tin tưởng một cách trong sáng vào lý tưởng như Bửu bỗng rơi vào tình trạng bi kịch của sự nhận thức dẫn đến cái chết bi thảm trong Bản tường trình về một cái chết… Là người nắm giữ thế giới nội tâm của nhân vật, anh đã tạo cho mỗi nhân vật đều là quá trình tự ý thức và đều trở nên sống động, đi lại nói cười. Ở những truyện nào anh thể hiện ý tưởng từ bản thân nhân vật thì truyện ấy thành công, còn truyện nào anh gài ý tưởng vào nhân vật sẽ dẫn đến sự sáo mòn thiếu sức hấp dẫn. Đó là những truyện hướng theo chủ đề thời sự có tính chất thông tấn như Người khách ôm chiếc cặp da, Một trăm trang… mặc dù tác giả đã cố gắng nâng cao ý nghĩa xã hội nhưng không neo chắc vào cội nguồn của hệ tư tưởng nhân văn sẽ không tạo nên đời sống riêng cho nhân vật. Những truyện hay của anh bao giờ cũng chuyển hóa giữa nhiều lớp nghĩa, một tầng mang ý nghĩa xã hội phổ biến, một tầng hàm chứa tư tưởng nhân ái, đặt nhân vật ở thế lưỡng đối gay gắt giữa phẩm chất làm người và bản năng dục vọng, các bản năng mà như thuộc tính nó vốn có.
4. Thái Ngọc San là người có lý tưởng xã hội, lý tưởng thẩm mỹ sáng rõ, sống có bãn lĩnh, có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình. Có lẽ chính vì thế mà cách đây hơn hai mươi năm, trên hành trình đi tìm cái đẹp, anh đã lặng lẽ rời Tạp chí Sông Hương nơi anh đang làm Thư ký Tòa soạn, chuyển sang làm phóng viên báo Thanh Niên, với thái độ quyết liệt giống như trước đây đến với phong trào rồi thoát ly lên rừng, cũng giống như sau năm 1975 rời cơ quan theo đoàn thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Phú Xuân, Đắc Lắc. Chuyển từ lý tưởng thẩm mỹ sang lý tưởng công dân, Thái Ngọc San có thể dễ dàng góp phần đấu tranh cho lý tưởng bác ái, dân chủ, công bằng xã hội hơn. Tên tức là người. Như chính cái tên của anh, quá trình làm báo là sự tiếp tục hành trình lặng lẽ đi san sẻ những ngọc ngà quý giá mà anh có được tự tấm lòng, đem cho mọi người, những con người nhỏ bé trong xã hội, cần có sự giúp đỡ, sẻ chia. Những gì mà Thái Ngọc San để lại, còn có cả mấy trăm bài báo, trong đó có nhiều phóng sự văn học có giá trị, tiếc rằng tôi chưa có điều kiện đề cập ở đây.
Khi đánh giá đóng góp của một nhà văn, không nên căn cứ vào số trang được viết ra mà phải căn cứ vào hiệu ứng tư tưởng - nghệ thuật được thể hiện trên trang giấy. Nhìn lại số trang chưa lấy gì làm nhiều nhặn cho lắm của Thái Ngọc San, có thể thấy, những mặt mạnh và mặt yếu của anh hiện ra từ đó. Đây đó trong thơ vần điệu chưa được chú ý lắm, nhưng nó tự nhiên, gần gũi với ngôn ngữ đời sống, không làm duyên, trau chuốt để trở thành món ăn tinh thần cấp cao theo kiểu “đặc sản”. Thơ anh sau năm 1975 bớt đi cái khát vọng tung phá, sự phẫn nộ đến cuồng nhiệt, nhưng vẫn giữ được sự cường tráng của cảm xúc. Có người cho rằng, thơ Thái Ngọc San tiêu biểu cho Huế cổ kính và thơ mộng (2), nhưng theo tôi, sự nhất quán trong thơ anh là chất giọng rắn rỏi, gân guốc mạnh mẽ. Phải chăng điều này phù hợp đối với văn xuôi hơn là với thơ? Vì vậy, tôi cho rằng đóng góp về văn xuôi, trong đó có truyện ngắn và hàng trăm phóng sự văn học chưa có điều kiện khảo sát như đã nói ở trên, là đáng ghi nhận. Văn xuôi của anh ít có những trang trữ tình mượt mà mà là lối kể chuyện bình dị. Anh hay kể ở ngôi thứ nhất, làm nhân chứng để dẫn chuyện. Anh ít sử dụng đối thoại, mà thiên về tự sự và độc thoại để khơi dậy dòng đối thoại ngầm trong nội tâm nhân vật. Một vài truyện có kết cấu độc đáo, như sự lắp ráp các mảng cùng một bảng màu để làm nền cho đời sống nhân vật - những con người được miêu tả ngoại hình và ngôn ngữ phù hợp đến sắc nét… tất cả như đã khẳng định Thái Ngọc San đang trên đường hình thành một văn cách riêng, một chân dung đang dần dần hiện ra giữa đời sống văn học, nhưng bỗng nhiên anh ngừng viết…
Quả thật là, trong những năm gần đây, khi thấy anh hầu như không sáng tác văn học mà miệt mài với những chuyến đi, những bài báo nóng hổi đời sống, tôi lấy làm mừng vì nghĩ rằng anh đang trầm tích trữ lượng cho một bút lực văn xuôi trong tương lai, và tin rằng có lúc “tôi sẽ trở về lặng lẽ như một ngôi sao, và bất ngờ như một cơn bão” (Tôi sẽ trở về), nhưng sao anh không thực hiện lời hứa ấy, mà vội vã ra đi, anh San ơi!…
P.P.P
(246/08-09)
(1) Lê Dục Tú, Một vài nét về thơ miền Nam từ sau 1975, Tạp chí Văn học, số 5.1984
(2) Võ Văn Trực, Lực lượng trẻ trong đội ngũ thơ hôm nay, tạp chí Văn học, số1. 1986

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2009

Hoàng Ngọc Hiến : Phê bình thơ trong tập sách "thơ" của Đặng Tiến


Tôi viết bài này để nhắn những bạn trẻ làm thơ và phê bình thơ đọc tập chuyên luận của Đặng Tiến về Thơ [1], chí ít đọc 6 chương đầu: Thơ là gì? Roman Jakobson và thi pháp, Claude Lévi-Strauss - Bách niên giai lão, Nguyễn Tài Cẩn trên nền thi học Việt Nam, ý thơ và lời thơ, Thơ và khoa Ngôn ngữ học Tây phương, qua những chương này độc giả có thể nắm được lý thuyết của R. Jakobson về ngôn ngữ thơ, lý thuyết này đối với người làm phê bình thơ có khi còn quan trọng hơn chủ nghĩa duy vật biện chứng đối với người nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi cũng muốn nói lời nhắn này với cả những bạn trẻ viết văn xuôi và làm phê bình văn xuôi, vì tính nhạc, yếu tính của lời thơ, cũng được đặt ra cho câu chữ văn xuôi, trong văn xuôi, câu chữ trước hết phải chính xác, mà “từ chính xác là từ có tính nhạc” (Gustave Flaubert). Cả những bạn trẻ làm khoa học xã hội và nhân văn cũng nên đọc, các bạn không thể nào bỏ qua những cách tiếp cận cấu trúc luận về dân tộc học cũng như về văn chương của Lévi-Strauss được tác giả trình bày tinh tế và thoáng gọn ở chương 3. “Vả chăng Thơ được sử dụng như một phòng thí nghiệm của nhiều khoa học khác: ngôn ngữ học, ký hiệu học, dân tộc học... Thơ là con chuột bạch cho nhiều ngành khoa học nhân văn đương đại" (Đặng Tiến).Cách đây gần nửa thế kỷ, tôi đương học ở Nga thì một nghiên cứu sinh người Pháp đưa tôi đọc tiểu luận của R. Jakobson “Linguistique et Poétique” (Ngôn ngữ học và Thi pháp), ý tưởng mới lạ, tinh khôi và tư duy rành mạch của tác giả đã hấp dẫn tôi nhưng tôi đọc khó nhọc lắm, lủng củng nhiều thuật ngữ lạ hoắc… tôi chỉ mong sao có người nắm thật vững lý thuyết này và “nói vo” trình bày lại cho tôi, thay vì những khái niệm trừu tượng là những “ví dụ cụ thể” thật đích đáng. Đặng Tiến chính là người tôi chờ đợi, tập sách thơ của ông đã giúp tôi ôn lại và nắm được lý thuyết thơ của Jakobson trong không đầy một tiếng đồng hồ.Qua cách trình bày của Đặng Tiến (tác giả thấy trước có “nguy cơ giản lược và thiên lệch lập luận” tr.58) [2] mà cũng rất có thể tôi hiểu không đúng thuyết trình của ông, tôi cảm thấy như Jakobson hiểu rất trúng ngôn ngữ của thơ nhưng đâu đó chưa hiểu thấu đáo thơ. Trước sau tôi vẫn cho rằng Paul Valéry hiểu thơ hơn cả: “Bài thơ - cái sự dùng dằng (hesitation) kéo dài này giữa âm thanh và ý nghĩa” [3] (có thể tôi dịch từ hésitation chưa sát). Trong khi trong quan niệm của Valéry, cả “âm thanh” và “ý nghĩa” đều quan trọng trong việc tạo ra thi tính thì trong sơ đồ của Jakobson, đặc tính của ngôn ngữ thơ “không nằm trong thông điệp được truyền đi” (tức là trong ý nghĩa) “mà nằm trong vỏ âm thanh của từ ngữ được sử dụng” (tr. 11, 12). Trong khi trong quan niệm của Valéry, thi tính được tạo ra bởi “sự dùng dằng giữa âm thanh và ý nghĩa” (tôi hiểu “dùng dằng” như một sự tương tác cực kỳ phức tạp, không suôn sẻ chút nào, tạo ra sự ngân nga giao thoa giữa “thẩm âm” và “tạo nghĩa”, sự ngân nga giao thoa này tạo ra “không khí” và “tâm trạng” bàng bạc trong bài thơ, tắm trong môi trường đó, từ mang những sắc thái biểu cảm mới và những hàm nghĩa sâu xa, bất ngờ và “âm thanh”, “tiết điệu” có khi hàm chứa những rung động “siêu hình” vượt siêu thế giới “khả niệm”). Còn trong sơ đồ của Jakobson, một khi tương quan giữa “ý nghĩa” và “âm thanh” được thay bằng tương quan giữa “chức năng thông tin” và “chức năng thẩm mỹ” thì chức năng thông tin chịu tác động một chiều của chức năng thẩm mỹ (“tăng sức hấp dẫn, sức thuyết phục cho thông tin” [tr. 23]) còn chức năng thẩm mỹ tự thân nó là một “chức năng độc lập”, không dính dáng gì đến ý nghĩa (xem tr. 24). Trong quan niệm của Jakobson, ý nghĩa trong câu thơ có một vai trò hết sức vớ vẩn:nghĩa chẳng qua chỉ là làm cho người ta “chú ý” đến câu thơ (xem tr. 16) còn câu thơ hay đâu phải “vì ý nghĩa mà hay vì hơi nói, giọng nói” [xem tr. 16] (chúng ta đều biết sự tham gia của âm thanh và tiết điệu vào việc tạo ra giọng nói).Tư duy của con người thường xuất phát từ sự đối lập những trái ngược: nóng và lạnh, cao và thấp…, âm và dương… Tư duy Hy Lạp, đầu nguồn của tư duy phương Tây có xu thế “dựng những trái ngược lên thành những “vật tự nó”, biến những “vật tự nó này” thành những bản chất loại trừ nhau”. Jakobson tư duy về thơ xuất phát từ sự đối lập giữa ý nghĩa và âm thanh, ngữ nghĩa và ngữ âm, ngôn ý và ngôn hiệu, chức năng thông tin và chức năng thẩm mỹ… Trong lý thuyết thơ của ông những trái ngược có xu thế trở thành những thực thể độc lập, lấn lướt nhau: đặc biệt âm thanh và chức năng thẩm mỹ có xu thế độc quyền tạo tác thi tính, trở thành những thực thể áp đảo ý nghĩa và chức năng thông tin, thậm chí vô hiệu hóa khả năng góp phần tạo ra thi tính của chúng, xem ra chúng bị lép vế và bị động so với âm thanh và chức năng thẩm mỹ. Tư duy về thơ của Valéry cũng xuất phát từ hai mặt đối lập của thơ: ý nghĩa và âm thanh, nhưng ông đã “không trừu xuất chúng khỏi dòng chảy của những quá trình” thơ, ông đã “duy trì chúng trong một thứ liên can với nhau”, ông không bị cuốn vào “thao tác cắt đứt và loại trừ mà tư duy Hy Lạp đã khai thác để kiến tạo một cõi lý tưởng tính không có trên đời này” [4]. Valéry định nghĩa bài thơ như là “sự dùng dằng” giữa âm thanh và ý nghĩa, đây là một quá trình kéo dài, trong đó chức năng “thẩm âm” và chức năng “tạo nghĩa” hợp đồng, hỗ trợ nhau, những sắc thái âm thanh và ý nghĩa được lựa đi, lựa lại, được ướm thử đủ chiều, do đó mới dùng dằng, dĩ nhiên luôn luôn có những sáng tạo và khám phá bất ngờ. Tôi thấy trong định nghĩa của Paul Valéry về thơ sự đòi hỏi kết hợp cân bằng âm thanh và ý nghĩa, quan điểm này càng rõ nếu được đặt vào một quan niệm rộng lớn hơn của ông về viễn cảnh phát triển của văn học, nghệ thuật. Đánh giá những sự cách tân sáng giá của những trường phái chủ nghĩa hiện đại ông viết: “… tất cả những sự cách tân này cần thiết cho sau đó một chủ nghĩa cổ điển mới có thể xuất hiện...”. Mà chúng ta biết thi pháp mọi chủ nghĩa cổ điển đều bao hàm nhu cầu kết hợp cân bằng, hài hòa… Chủ nghĩa cổ điển mới đặt ra sự kết hợp cân bằng những trái ngược vốn có trong văn học nghệ thuật: cái phải là và cái thực là (Aristote), cái “chính xác” và cái “mơ hồ” (Verlaine), “siêu thực” và “hiện thực” (Aragon), “hư “và “thực” (Tề Bạch Thạch), “âm thanh” và “ý nghĩa” (Jakobson), cái “phôi pha” và cái “hằng hữu” (Đặng Tiến)… Sự cân bằng trong văn học, nghệ thuật vốn mong manh. Sự cân bằng trong chủ nghĩa cổ điển quá khứ thiên về sự cố định, do đó dễ cứng nhắc. Trong “chủ nghĩa cổ điển mới”, sự cân bằng “hoạt ứng” hơn, biến hóa linh động, không “trung dung” một cách “rẻ tiền”, không nhất thiết là cứ phải 50/50, có khi lệch về phía đối cực này hoặc đối cực kia thì mới là cân bằng!Đặng Tiến là một “fan” của Jakobson. Ông có sự ráo riết trong đầu óc phân tích, sẵn sàng đẩy tới mọi sự trừu xuất nhưng mặt nào đó ông gần với minh triết của Valéry trong tư duy về thơ. Thuyết trình lý thuyết của Jakobson ông luôn có sự tỉnh táo. Khẳng định luận điểm cơ bản của Jakobson: “Thơ là một ngôn ngữ tự lấy mình làm đối tượng” ông có sự rào trước: ở đây có “sự nói quá đi một chút” (tr. 12). Về việc đưa luận điểm này vào sự phân tích thi ca ông có lời dè chừng: “… chúng ta phải dè dặt, vì bài thơ là một mô hình phức tạp. Cái nhìn khoa học… là cần nhưng chưa đủ để nắm bắt câu thơ” (xem tr. 16) Cần có sự “tổng hợp nhất quán” nhiều ngữ cảnh, nhiều quan hệ mà trực giác mách bảo, trong thao tác này tư duy suy lý xem ra bất lực.Đáng quý nhất trong tập sách này là những ý kiến riêng của Đặng Tiến về thơ và phê bình thơ.– “Nguồn thơ nào mà không mang ít nhiều nhan sắc của phôi pha, nếu bản chất của thơ không phải chính là di tích của phôi pha…” (tr. 135)– “Yêu văn là yêu người, Yêu thơ là yêu mình. Cảm thơ, hội ý với thi nhân, ta trở thành "tri âm" với nàng thơ, "ta bình đẳng với tác phẩm", câu nói được truyền tụng từ họa sĩ Raphael... (tr. 62)– “Thi nhân dùng những vì sao cũ để làm nên ánh sáng mới trong một tinh hệ mới, do mình cố ý hoặc tình cờ tạo dựng”… (tr. 61)– “Tôi đi tìm một Tản Đà nào đó, không nhất thiết phải là Tản Đà duy nhất hoặc chân chính. Cũng không nhất thiết là Tản Đà của tôi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ nghĩ mình có cái nhìn nhất quán và dứt khoát về Tản Đà, cũng như về bất cứ một nhà thơ nào khác".…Tập sách Thơ của Đặng Tiến có gần bốn trăm trang bàn về những tác gia và tác phẩm thơ Việt. Tác giả đề cập đến “Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi, Tập thơ Việt Nam đầu tiên”, "Nữ tính trong thơ Bà Huyện Thanh Quan", "Tản Đà, thi sĩ của phôi pha", "Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử", "Những đóng góp của Thế Lữ vào phong trào thơ mới", "Hành trình Xuân Diệu", "Thơ thời kỳ kháng chiến chống Pháp", "Quang Dũng, Một thoáng mơ phai", "Văn Cao, Lá khát vọng". "Lê Đạt và Bóng chữ", "Hoàng Trúc Ly - Nụ cười trong và đôi mắt sáng", "Thi giới Đinh Hùng", "Bùi Giáng nguồn xuân", "Đồng chí" của Chính Hữu, "Núi Đôi" của Vũ Cao, "Trường Sơn" của Phạm Tiến Duật… và nhiều thi sĩ, thi phẩm khác. Mỗi độc giả hẳn là có những chân dung riêng của mình về những tác gia nói trên, chắc chắn là khác những chân dung Đặng Tiến phác họa. Thi giới của Đinh Hùng – tôi muốn nói Đinh Hùng của Đặng Tiến – là một “thế giới hư ảo” “hoàn toàn độc lập với thực tại” được “hư cấu” bằng “vật liệu-ngôn từ” (xem tr. 381), nhà thơ vùng vẫy trong cõi hư ảo ấy bằng những câu thơ đẹp (hầu như câu nào cũng đẹp), những câu thơ “vẽ sự thật lên mộng”, biểu lộ “tình thật trong một thế giới không thật” (xem tr. 399). “Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên nhiên huyền bí, bằng dị thảo kỳ hoa, biển Giáp, non thần…, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt – hay mạch sầu bất diệt – đã nở thành những đóa hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam…” (tr. 395). Đây là cách nhìn của Đặng Tiến… Riêng tôi, nhìn vào cõi hư ảo Đinh Hùng, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Tề Bạch Thạch định nghĩa thi pháp (tức họa pháp) của ông: “Hư quá thì dối đời / Thực quá là mị tục”. Tài năng của Đinh Hùng trước hết là ở chỗ đến cấm chỉ vượt quá thì “dối đời” ông biết dừng lại. Hay là ông đã vượt quá mà mỹ cảm dung tục của tôi không nhận ra được. Thơ Đinh Hùng là “cơn mê trường dạ” (Tạ Tỵ). Với tiêu chí của một Valéry xác định “phẩm cách đích thực của một nhà thơ đích thực là ở những gì khác hẳn với trạng thái giấc mê” [5] thì chắc chắn tư cách thi sĩ của Đinh Hùng, cả tư cách phê bình thơ của Đặng Tiến nữa bị nghi ngờ. Tôi không lấy tiêu chí của Valéry làm chuẩn. Tôi xem đây là những “gu” khác nhau. Tề Bạch Thạch có “gu” của Tề Bạch Thạch, Valéry có “gu” của Valéry, Đặng Tiến có “gu” của Đặng Tiến… Và Hoài Thanh có “gu” của Hoài Thanh. Đi vào thi giới của một Đinh Hùng, Hoài Thanh thấy “đi trong đó, mới đầu thì cũng thấy hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở”. Tôi không khỏi ngạc nhiên thấy Đặng Tiến trước việc Hoài Thanh chê thơ Đinh Hùng bèn đắc ý như muốn nói với bạn đồng nghiệp của mình: “Tôi mới là người có trong tay chìa khóa đi vào thi giới Đinh Hùng, bác cóc có…” (xem tr. 396). Có thể tôi không hiểu hết ý của Đặng Tiến, có khi ông nói chuyện chìa khóa để nói chuyện khác.Cách phê bình thơ của Đặng Tiến chung quy lại vẫn là “diễn nghĩa”, “bàn góp”, “tán rộng”… (những phân tích âm pháp, tiết điệu khá tinh tế của tác giả vẫn là những điều quá giản đơn so với những điều tinh vi hơn rất nhiều mà những độc giả bình thường cảm nhận được bằng trực giác của họ, tuy nhiên tôi vẫn cho rằng những phân tích đó không phải là thừa). Số phận của những người viết phê bình ở nước ta là trở đi trở lại vẫn là ba cái trò: “diễn…”. “bàn…”, “ tán…”. Hơn nhau là ở chỗ biết “diễn…”, biết “ bàn…”, biết “tán…”. Không biết “diễn” thì thành “diễn thuyết” dạy tác giả, độc giả, không biết “bàn” thì thành “bàn suông” hoặc “nói leo”, không biết “tán” thì thành “tán phét” (đành rằng biết tán phét không phải là dễ). Đặng Tiến có một nền văn hóa, kiến văn rất tốt, thuận cho sự “hoạt ứng” của tác giả trong sự “ diễn…,bàn…, tán…”, tất nhiên nhân tố quyết định vẫn là cái “gu” của tác giả. Thế nào là biết “diễn…, bàn…, tán...” Tôi chỉ nêu lên ở đây mấy điều kiện:Điều kiện thứ nhất, đúng hơn căn bản thứ nhất do Đặng Tiến khẳng định: “Những câu chữ bao giờ cũng đặt trên một nền chung: niềm tin vào văn học, lẽ phải, tình người, dân tộc và đất nước” (tr. 8). Lẽ phải, tình người bao giờ cũng đẹp và thật. Đã đẹp và thật thì không thể không lương thiện. Nghệ thuật cũng như tình yêu không thể sống được ngoài cõi “đẹp và thật”. Bắt chước Lão tử tôi nói rằng: đến lúc cảm thấy không đẹp nữa, không thật nữa thì người ta bắt đầu nói đến cái “thiện”.Ngoài ra phải tin ở chủ quan của mình, chủ quan này càng phong phú, sâu sắc càng tốt, nhưng trước hết nó phải “vô tư” (hiểu theo nghĩa câu “vô tư đi!” tuyệt vời của người Hà Nội), “vô tư” còn có nghĩa là không vướng mắc những món nợ “lần khân”: không mắc nợ những ý đồ ngoài văn học của chính mình, không vấn vương những hệ lụy của “ngụy tín”, không mang nợ những lý thuyết triết học, mỹ học, nhân học, văn học… “thời thượng”: phân tâm học, ký hiệu học, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hậu hiện đại, cấu trúc luận, chủ nghĩa “tân hình thức”... kể cả lý thuyết thơ của Jakobson.Câu văn phê bình thơ cũng phải có thi tính. Những câu văn có hoạt tính thơ đã phả tươi mát vào cuốn sách Thơ dày cộp của Đặng Tiến:– “Vũ trụ thơ của Ức Trai là một áng mây bên suối, một ánh trăng trong khoang thuyền, tiếng chim kêu trong rặng hoa, là giọt sương trên chồi cúc” (tr. 113).– “Thế giới của Đinh Hùng nghe như lúc nào cũng xôn xao; thiên nhiên đợi đổi mùa, tình yêu đến giờ gặp gỡ hay lúc chia phôi, nắng chiều đợi tàn phai, tiếng dương cầm hắt hiu lời vĩnh biệt, hoặc vàng thu sắp sửa làm thương nhớ, Gió mùa thu sớm bao dư vị, Soi mầu trăng cũ lẫn vào đêm (tr. 385).– “… Quang Dũng đã đến giữa lòng cuộc đời, dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi anh lại đi nhẹ nhàng như một thoáng mơ phai” (tr. 241).– “Niềm tin Văn Cao đi từ những giấc mơ thét gào thực tại, là những rạn vỡ đòi lại toàn bích, là chiếc lá gào gọi trời xanh” (tr. 285).– “Và Quang Dũng không phải… là người duy nhất, ba mươi năm sau còn ngất ngây trong một cơn say, còn sống chưa tàn một đêm hóa mộng” (tr.247).…Phê bình thơ…, họa chăng còn lại trong ký ức độc giả là những câu thơ hay được trích dẫn, những câu chữ có thi tính của người viết, cái sáng trong vô tư trong chủ quan người viết,... phần còn lại là… “phôi pha”.

Hoàng Ngọc Hiến
Bản tác giả gửi Diển Đàn
Đã đăng Tạp chí nhà văn việt nam,19/06/2009.

1.Đặng Tiến - Thơ. Thi pháp & Chân dung. Nxb Phụ Nữ, 2009.
2 Số trang sách đã dẫn
3 le poème - cette hésitation prolongée entre le son et le sens.
4 Ba câu in nghiêng vừa dẫn là tóm tắt những ý kiến của F. Jullien xác định phương thức tư duy của Trung Hoa cổ đối lập với phương thức tư duy của Hy Lạp cổ.
5 La véritable condition d’un véritable poète est ce qu’il y a de plus distinct de l’état de rêve, Paul Valéry.

Nguồn: Diển Đàn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Thụy Long - Vương Trùng Dương


Nhà văn Nguyễn Thụy Long bị bệnh tiểu đường khá nặng, sau thời gian bị “stroke” tai biến mạch máu não, phải dưa vào bệnh viện, đã qua đời lúc 2 ngày giờ chiều, ngày 3 tháng 9 năm 2009 vì nhiễm trùng đường tiểu, tại Sài Gòn, hưởng thọ 71 tuổi.
*
Nhà văn Nguyễn Thụy Long hoàn thành truyện dài Thìn Ma vào tháng Giêng 2007, khi ông bước vào tuổi thất thập. Trong tuổi già, sức khỏe yếu kém, đời sống khó khăn, Nguyễn Thụy Long biết rằng ngòi bút không nuôi được bản thân như trước kia nhưng cái nghiệp vẫn còn và viết lách để vơi đi bao ưu phiền trong cuộc sông.
Từ “Tác phẩm đầu tay của tôi là Loan Mắt Nhung ra đời và làm nên văn nghiệp của tôi được xuất hiện trên tờ báo Sống, do sự khuyến khích của ông Chu Tử… Tôi chính thức là ký giả của báo Sống, nhưng cũng đánh lẻ cho nhiều báo như một số anh em ký giả khác. Thành nghề hầu hết do kinh nghiệm, sự học hỏi lẫn nhau” (Hồi Ký Viết Trên “Gác Bút”, nxb Văn Nghệ, California, 1999 – trang 166) đến Thìn Ma cách nhau hơn 4 thập niên.
Trước năm 1975, tác phẩm Loan Mắt Nhung được mọi người đón nhận. Loan Mắt Nhung phác họa hình ảnh cậu học sinh lương thiện trong thập niên 60 ở Sài Gòn, bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Từ cuộc sống cù bơ cù bất, khốn khổ, Loan phải đương đầu với bao nghịch cảnh để sinh tồn và trở thành đàn anh trong làng dao búa trong xã hội đen. Là tay anh chị, dưới trướng có đàn em nhưng Loan lại cảm thấy cuộc đời cô đơn và muốn hoàn lương, nhưng hoàn cảnh thôi thúc, lôi kéo vào chốn bùn nhơ, gió tanh mưa máu, tội ác… Và, Loan tự giải quyết cho lối thoát bằng hành động giết người rồi nộp mình cho cảnh sát, hối hận vì đã đánh mất một thời trai trẻ.
Loan Mắt Nhung được đạo diễn Lê Dân và hãng Cosunam Film dựng thành phim, được thành công, khản giả ái mộ, vì vậy tên tuổi Nguyện Thụy Long gắn liền với Loan Mắt Nhung.
Sau bốn thập niên, Thìn Ma ra đời, cậu bé tên Thìn, sinh trước năm 1975 nhưng rơi vào hoàn cảnh “lớn lên trong thời gạo châu củi quế, thời bao cấp và triệt để thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản, gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, toàn miền Nam đói, tuy nhiên chưa có ai chết đói vì còn có khoai, có bắp, mì sợi, bán cho những hộ gia đình có sổ lương thực mua ở Hợp Tác Xã” (Thìn Ma)ï. Biệt danh Thìn Ma do lối xóm đặt cho anh vì không biết mỗi khi lên cơn, bị ma nhập hay không, Thìn la hét và trông rất bất thường. Từ chàng trai hiền lành, khù khờ sống trong khu lao động nghèo nàn ở chợ Bà Chiểu, bán khô mực nướng, đạp xích lô để nuôi mẹ già, con dại kiếm miếng cơm độ nhật nhưng cũng bị trấn lột và bị “lừa” vào đường dây phân phối ma túy rồi trở thành tay anh chị giết người trong xã hội đen… Cầm đầu tổ chức trong đường dây nầy được bảo vệ và che đậy bởi “gia đình văn hóa”!… Và Thìn cũng được núp dưới bóng gia đình đó để lao vào chuyện làm ăn phi pháp. Tên sát thủ Thìn Ma cũng không thoát khỏi quy luật của xã hội như Loan Mắt Nhung!
Nhà văn Nguyễn Thụy Long sở trường về cái nhìn cuộc sống của lớp người rơi trong hoàn cảnh đen tối và đầy dẫy cạm bẫy, bởi mưu sinh thời thế xô đẩy. Cuộc đời ông cũng trải qua bao thăng trầm, hàm oan nhưng ông phó mặc cho đời. Ông bày tỏ: “Trong đời cầm bút của tôi chưa bao giờ viết lên được một nhân vật đẹp đẽ, tôi chỉ chuyên tìm con đường gai góc mà đi, những nhân vật ma chê quỉ hờn đã được thể hiện trên giấy” (Hồi Ký sđd – trang 273).
Sau hồi ký Thuở Mơ Làm Văn Sỹ, Hồi Ký Viết Trên “Gác Bút” được ấn hành ở hải ngoại. Ông đã hoàn thành Hồi Ức 40 Năm Làm Báo vào tháng 12 năm 2002.
Tác phẩm đầu tay là tập truyện ngắn Vác Ngà Voi (bút hiệu Lan Giao), xuất bản năm 1965, tạo tiếng vang cho ông. Ông có năng khiếu chuyên viết feuilleton cho nhiều tờ báo. Ông viết nhiều thể loại nhưng đã được ấn hành một số tác phẩm: Chim Trên Ngọn Khô, 1967 – Trong Vòng Tay Đàn Ông, 1967 – Vết Thù, 1968 – Bà Chúa Tám Cửa Ngục, 1968 – Đêm Đen, 1968 – Gái Thời Loạn, 1968 – Nữ Chúa, 1969 – Nợ Máu, 1969 – Ven Đô, 1970 – Sầu Đời, 1970…
*
Nguyễn Thụy Long sinh ngày 9 tháng 8 năm 1938, ở ngõ Hòa Mã Hà Nội. Thân phụ, họa sĩ Nguyễn Thụy Nhân, thân mẫu cụ bà Phạm Thị Miên.
Vào Nam năm 1952, sinh sống tại Sài Gòn. Ông theo học Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu nhưng muốn theo nghiệp hội họa của thân phụ nên nhảy sang trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Thân phụ qua đời, ông phải sống tự lập nên vào đời rất sớm. Bị đi quân dịch, bị tù vô cớ rồi trải qua tháng ngày đầy nghiệt ngã và đó cũng là chất liệu để ông thể hiện qua ngòi bút.
Nguyễn Thụy Long là Hạ Sĩ Quan Tiếp Vận trong binh chủng Không Quân. Tưởng đã yên phận nhưng tai họa lại đến: “Tháng 11 năm 1960, Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông đảo chính Ngô Đình Diệm thất bại chạy vô phi trường Tân Sơn Nhất được Phan Phụng Tiên đưa lên một chiếc C47 chuẩn bị đưa qua Nam Vang tỵ bạn; Nguyễn Thụy Long đang trong phiên trực nhận được lệnh phải đổ đầy xăng cho chiếc C47 chạy trốn”(HN). Trong cuộc truy lùng nầy, Nguyễn Thụy Long bị vạ lây vì An Ninh Quân Đội bắt rồi đưa vào nằm khám Chí Hòa…
Giai đoạn đó được Nguyễn Thụy Long ghi lại trong Hồi Ức 40 Năm Làm Báo:
“Sau một phùa đi tù lãng nhách một năm tại khám Chí Hòa, thuở ấy gọi là Trung Tâm Cải Huấn Chí Hòa, từ vừa thối vừa giả dối, mà đời tôi từng được thấy na ná nhau đến hai lần qua hai chế độ mà tôi đã sống qua. Tôi mang tội đào ngũ sau chính biến 11-11-1961, thêm tội du thủ du thực vì không nhà, không cửa. Để kiếm sống qua ngày tôi sống những ngày tận cùng xã hội miệt Cầu Ông Lãnh trên Con Kinh Nước Đen. Một đời sống dễ sợ của những con người bị coi là cặn bã của xã hội. Những con người dám ăn thịt nhau, cấu xé nhau để sống, sẵn sàng khống chế, ăn thua đủ với nhau bằng bạo lực. Tôi làm cu li ở kho 5 Khánh Hội trên đường Trịnh Minh Thế sau này là đường Nguyễn Tất Thành, rồi làm phụ thợ hồ ở quận 8, chuyên đổ ống cống xi măng và làm cọc rào ấp Chiến Lược. Kể cả nghề giặt quần áo thuê trong xóm chơi bời. Nói ra kinh tởm vô cùng, nên tôi không nói hành nghề giặt thuê ở những nơi đó như thế nào, tôi để dành chi tiết ấy cho một tác phẩm khi làm nhà văn”.
“Một ngày kia tôi khăn gói quả mướp về báo Ngàn Khơi. Với điều kiện không lương chỉ được nuôi cơm, không chức vụ nên không nề hà bất cứ công việc gì của tòa báo. Tôi yêu nghề báo, tôi chấp nhận, không phải nhắm mắt chấp nhận mà mở mắt chấp nhận. Một công việc vác ngà voi, cái ngà voi đẹp đẽ, nghề văn, nghề báo mà tôi từng ao ước mê say, như tất cả bạn bè anh em tôi vậy. Một tờ báo không có khoản chi lương, tiền nhuận bút bài vở cho những người cộng tác. Nhưng tất cả cật lực làm việc, mà làm việc với lương tâm và lòng nhiệt tình để xây dựng tờ báo trong lúc khó khăn”.
Từ những hình ảnh ghi nhận được trong khám Chí Hòa, Nguyễn Thụy Long viết lại Bà Chúa Tám Cửa Ngục, đăng tải trên tờ Ngàn Khơi và ông cộng tác với anh chị em trong nhóm Ngàn Khơi chỉ được “tiêu chuẩn” kẻ vác ngà voi.
Sau Cách Mạng tháng 11 năm 1963 “Người thầy đầu tiên khi tôi bước chân vào nghề báo (nhật báo), nói chính xác ra, là nhà văn Chu Tử. Tại nhật báo Sống, tôi cộng tác từ ngày đầu đến ngày cuối cùng, tôi đã trở thành phóng viên, ký giả rồi nhà văn”. Và đến thời điểm đó “Tôi run lên vì lần đầu tiên tôi được lãnh lương do nghề làm báo. Ngay ngày hôm sau chúng tôi tới tòa soạn làm việc để lo cho số ra mắt đầu tiên”. (Hồi Ức sđd).
Nhà văn Chu Tử có nhiều con nuôi, ông gả con nuôi cho Nguyễn Thụy Long, sau ngày 30 tháng Tư, 1975, Nguyễn Thụy Long chứng kiến thực tế rất phũ phàng: vợ bỏ, mất con, mất nhà! và từ đó, ông trở thành con người lang thang khắp nơi, mọi xó xỉnh… Ngay nơi chốn xóm Mả Đen, ấp Đông Ba, ông về sinh sống từ thuở đôi mươi nhưng cũng không được thừa nhận! 24 năm sau ông mới có hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Căn nhà số 156/3 (25/12) đường Nhiêu Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận hiện nay là nơi chốn đã sống được 50 năm.
Ông trải qua vài đời vợ và cuối đời cũng còn niềm an ủi.
Sau tháng ngày ra tù vào khám, ông cầm bút để mưu sinh nhưng rồi trắc trở và thất bại. Ông sống trong hoàn cảnh cơ cực, mong tìm lối thoát nhưng cũng bị hoài nghi và tai tiếng.
“Tôi trở thành thằng xạo xự. Giải thích, cải chính thế nào cho họ tin được. Mà cải chính làm chi cho phí lời. Điều họ nhận xét cũng đúng thôi, nhưng với những ai kia, chớ không phải tôi. Mẹ ruột tôi đã viết thư về nói: “Đồng đô la bên nầy quí hiếm lắm, không ai giúp được ai đâu, đừng mong chờ…” một cô em dâu của tôi ở bên Mỹ cũng nhắn tin về cho biết: tôi không nên trông chờ gì ở hai đứa con lớn đã thất lạc lâu năm vì mẹ đẻ ra chúng cấm chúng liên lạc với tôi, sợ tôi lại giở giọng xin tiền chúng nó. Hai đứa con nhỏ thì còn đi học nhờ vào tiền cấp dưỡng. Họ hàng anh em bà con tôi thì khỏi nói đến làm chi, tất cả đều khác, đều là người xa lạ”. (Hồi Ký sđd trang 260-261).
Tiếp nối Hồi Ký Viết Trên “Gác Bút”, bốn năm sau, Hồi Ức 40 Năm Làm Báo được hoàn thành, trong Lời mở đầu, ông cho biết:
“Tôi gia nhập làng báo, làng văn từ năm 1962, có thể trước đó một vài năm, nhưng chẳng kể làm gì, thời trước đó là thời của Văn Nghệ Học Sinh. Thuở tôi mơ làm văn sĩ… Thuở đó mới chỉ mơ thôi chứ chưa có thật, một cái gì còn xa vời lắm với một cậu học sinh tài thô, trí thiển, nhưng tôi yêu nghề viết văn làm báo từ ngày đó. Người ta mơ gì thì mơ, tôi mơ một cách quái gở, mơ làm văn sĩ, một tương lai sự nghiệp không lấy gì làm sáng sủa cho lắm thời bấy giờ…
… Trong đời cầm bút của tôi, đến nay đã vào tuổi 65 (tính theo thời điểm 2002). Nhưng lúc cầm cây bút lên viết điều gì đó có thể hại cho an ninh bản thân. Bạn bè khuyên tôi nên từ bỏ đi, hay đốt bỏ cho mất tang tích.
Tôi không gặp được một may mắn nào… Điều mơ ước duy nhất của tôi, làm nốt những gì mình còn bỏ dở dang, tôi sẽ nói lên hết, nếu sức khỏe tôi còn cho phép. Tôi tự cho tôi quyền tự do trên căn gác bút cô đơn.
… Tôi theo đuổi nghề suốt 40 năm trời, hình như không lúc nào ngừng nghỉ, làm việc cả trong lúc bị gác bút, chân tay bị cùm, nhưng còn cái đầu, tôi vẫn làm việc, vẫn suy nghĩ và thầm viết trong đầu. Để lúc nào thuận tiện thì thành văn chương, tác phẩm. Kể chuyện nôm na chơi.
Trong đời sống hỗn mang hai mươi mấy năm trời qua, tôi sống thử qua rất nhiều nghề. Trong đó có cả nghề cầm bút. Nó ra làm sao, đó là do sự tò mò của một nhà báo mà cái gì cũng muốn biết. Tôi chấp nhận những cái không may sẽ đến với tôi…
… Tôi không mất vì chẳng còn gì mà mất, cứ coi là việc rong chơi qua ngày trong bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
Trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút của ông có vài chương đã được đề cập trong Hồi Ký Viết Trên “Gác Bút”, khi viết, ông không che dấu thói hư tật xấu của mình, viết thật, sống thật, nghĩ sao viết vậy, có bao ngọn roi quất vào mặt ông và cũng có bàn tay đỡ đần, ông không ngại ngần đề cập khi viết nên có người vin vào để đả kích ông.
Mơ ước nào khi trở thành hiện thực thường mang lại ánh hào quang và niềm hạnh phúc nhưng ở Nguyễn Thụy Long, mơ ước hóa thân thành chữ nghĩa trong văn nghiệp thì ngược lại, vinh nhục đạp lên nhau và khốn đốn trong bão táp của cuộc đời với bao hệ lụy vây quanh. Ông phó mặc cho đời vì theo ông “Từ xưa đến nay tính chất của tôi vẫn là tưng tửng trong đời sống”.
*
Năm 2005, nhà văn Viên Linh tổ chức trao giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp của báo Khởi Hành cho Nguyễn Thụy Long. Điều đáng tiếc xảy ra khi có bài viết ở hải ngoại đả kích Nguyễn Thụy Long và ông ta phản pháo lại. Hai cây bút đã một thời thân tình với nhau nhưng có lẽ vì phản ứng tự vệ, cú đá “hồi mã thương” của ông trong cơn tức giận như cái tát đau điếng… ! Bút mực vẫn còn đó “lúc cầm cây bút lên viết điều gì đó có thể hại cho an ninh bản thân. Bạn bè khuyên tôi nên từ bỏ đi, hay đốt bỏ cho mất tang tích”.
Khi tôi viết về ông và sự việc đáng tiếc xảy ra, có email cho ông và nhận được hồi âm: “Đọc lại bài anh viết về tôi, tôi rất cảm động… Tôi và ông bạn… tuy có giận nhau nhưng thật lòng tôi vẫn quý mến vợ con ông ta, vì sự quen biết và thân tình đã mấy chục năm”!. Trong cuộc sống, ông đã gặp biết bao nghịch cảnh, oan trái… với đao, tên bằm nát thân xác, thêm một mũi tên trong lúc xế tà nơi xó xỉnh trong cơn bỉ cực, ông chỉ oán cho số phận mình còn lắm chông gai!
Khi liên lạc với ông, tôi biết ông sống trong hoàn ảnh khó khăn nhưng vẫn giữ sự tự trọng nên khi nhận được tác phẩm Thìn Ma, tôi liên lạc với nhật báo Viễn Đông đăng tải vào hạ tuần tháng Tư năm 2007 và trả tiền nhuận bút tác phẩm 500 mỹ kim. Về cuốn Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút tôi nói với ông, sẽ tự nguyện giúp layout tác phẩm nếu có ai chịu trả tác quyền để in và phát hành, còn họ in, bán sách rồi gởi tiền về… sẽ trông đợi dài cổ! Sau đó tôi đưa cho nhật báo Viễn Đông và đã trả tiền nhuận bút 500 mỹ kim nhưng cho đến nay chưa đăng tải.
Nhật báo Viễn Đông trả tiền nhuận bút để đăng feuilleton, không liên quan đến vấn đề ấn hành. Nay nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra người thiên cổ, vợ và 3 đứa con nhỏ sống trong cơ cực. Nếu có vị mạnh thường quân nào nhã ý giúp cho phần bia mộ và đời sống người còn lại để ấn hành hai tác phẩm trên. Tôi sẽ giúp cho vấn đề layout miễn phí – từ trước đến nay, tôi chưa dính dấp bất cứ bất cứ đồng tiền nào giữa tác giả và tác phẩm mà chỉ làm công việc trung gian dể hỗ trợ cho nhau với tấm lòng trong sáng, thẳng thắn.
Trước đây, tôi gởi cho nhà văn Nguyễn Thụy Long bài viết về Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945) và được anh cho biết bài Hồ Trường anh thường ngâm mỗi khi cô đơn cùng cực, bà nội anh là chị em ruột với hiền thê của Nguyễn Bá Trác. Nguyễn Bá Trác là con rể Nguyễn Bá Học (1857-1921).
*
Thân mẫu Nguyễn Thụy Long được con gái bảo lãnh định cư tại Nam California. Ngày 26 tháng 9 năm 2004, cụ bà qua đời. Nơi căn nhà cũ, Nguyễn Thụy Long viết Hồi Ức Về Mẹ:
“… Căn nhà xưa của gia đình, mẹ tôi gìn giữ nó, không để cho bị tịch thu, vì anh em tôi đều bị đưa đi học tập cải tạo hết rồi. Mẹ ở một mình trong căn nhà ấy, đồ đạc trong nhà có gì bán dần, bán mòn đi để ăn và thăm nuôi hai anh em chúng tôi trong trại học tập. Cụ lặn lội vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến với con, những đứa con tù tội khốn khổ của bà. Tới trại tù, trước khi được thăm nuôi người ta dạy mẹ tôi và những thân nhân thăm tù, gặp mặt phải khuyên bảo và giáo dục những người tù như chúng tôi câu: "Con ráng học tập tốt rồi nhà nước nhân đạo, khoan hồng tha cho về xum họp với gia đình".
Bây giờ đã mấy chục năm qua, khi ai nhắc hoặc nghe lại câu này tôi vẫn có cảm giác muốn buồn nôn. Tôi biết sau khi phải học vẹt như thế thì họ mới cho thăm nuôi con mình, không biết cụ đã nghĩ gì. Nhưng có lẽ mẹ tôi rất là đau khổ, tôi chỉ biết thương mẹ và cảm ơn mẹ, khi mẹ gầy hốc hác ngồi trước mặt tôi. Không chừng mẹ đã phải nhịn đói, nhịn khát để mang miếng cơm vào cho con. Một chút gạo, quí giá như những hạt châu ngọc. Vậy mà tôi từng bị tịch thu những hạt gạo ấy, bỏ vào kho, hoặc cho ai ăn không biết, có thể là mấy thằng khốn nạn, có thể lợn gà. Với mẹ, tôi vẫn là đứa con nhỏ bé, dù tôi đã lớn, đã trưởng thành, nhưng những hạt cơm của mẹ cho, tôi coi quí giá như những hạt châu ngọc. Vào thời tù tội đó, mỗi khi ra cổng trại để đi lao động và thoáng gặp những bà mẹ tay xách, nách mang đi thăm con. Tôi lại giấu những giọt nước mắt của mình, lúc đó tôi rất nhớ mẹ tôi…
… Hai giờ rưỡi sáng, tôi đạp xe đạp vào phi trường tiễn mẹ. Phi trường đêm ấy lồng lộng gió. Tiễn mẹ đi đêm ấy, tôi linh cảm thấy không bao giờ còn được gặp mẹ nữa. Dáng cụ xiêu xiêu đi vào phòng cách ly, cụ lại dúi cho tôi những đồng tiền Việt Nam còn sót lại trong túi, như hồi mấy chục năm về trước…
… Tất cả chúng con đều nhớ mẹ, bàng hoàng khi nhận được tin mẹ qua đời. Cụ thọ vào bậc nhất rồi nhưng sao tôi vẫn buồn. Cụ mất ngày 13 tháng 8 âm lịch bên Mỹ, còn hai ngày nữa là tết Trung Thu ở Việt Nam. Hôm nay ở đây tôi làm lễ phát tang cho mẹ, đúng vào ngày rằm Trung Thu, tôi e rằng trời lại mưa, như nhiều năm tôi ở miền Nam không bao giờ tôi được ngắm trăng rằm.
… Tuổi thơ ấu không bao giờ trở lại với tôi nữa. Tôi muốn khóc vì nhớ mẹ, nhưng còn nước mắt nữa đâu. Một đời mẹ gần một thế kỷ nổi trôi theo vận nước. Những đau thương này thay cho những giọt nước mắt của đứa con nay đã già.
(Rằm tháng Tám năm Gíáp Thân – Nguyễn Thụy Long)
Sau nhiều năm sống lang bạt nơi nầy chốn nọ cho đến khi được trở về với căn nhà cũ số 156/3 (25/12) đường Nhiêu Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận… Với thời giá hiện nay, căn nhà cũ nầy có giá nhưng không biết chủ nhân có “sổ đỏ” hay không về chủ quyền?. Nhưng, cuối đời, sống vẫn bất an, gặp phải cảnh tượng đau lòng, có kẻ bên cạnh lấn đất nhà ông, bất chấp pháp luật, ngang nhiên bảo thợ đập phá nhà ông và còn đe dọa thanh toán, tháng 6 và tháng 7 năm 2007, ông làm đơn gởi đến các cơ quan hữu trách nhưng chẳng nơi nào giải quyết. Trong hai năm qua, Nguyễn Thụy Long đành cam chịu tình cảnh oái oăm đó cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay!
*
Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Thụy Long! Ông vĩnh biệt cõi trần, để lại vợ (Nguyễn Thị Thúy) và 3 con còn nhỏ ở Sài Gòn, 4 đứa con lớn của đời vợ trước sống ở hải ngoại.

Vương Trùng Dương
Tháng 4-2007 – viết lại 04 tháng 9-2009

vanchuongviet.org

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2009

VÕ QUÊ - Mình về trời Huế đang thu

Mình về trời Huế đang thu
Lặng thầm rớt hạt sương mù ban khuya
Phượng kim ửng nụ vườn xưa
Hương rằm thơm tiếng chuông chùa xa ngân

Mình về đâu bóng tri âm
Vầng trăng thay áng nguyệt cầm đón đưa
Lời ca bặt khúc giao mùa
Lá đào úa rụng chơ vơ sân đời

Mình về Huế cũng rứa thôi
Biết làm răng chỉ sông trôi xa nguồn
Cái tình chi lạnh mà buồn
Sầu tê mình gởi chút hồn về mô...

Huế, 25. 8. 2009