Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Sài Gòn tôi yêu - Nguyễn thị Hậu


So với hơn 300 năm Sài Gòn - Gia Định được thiết lập nền hành chánh, so với hơn 3000 năm vùng đất này in dấu tích những con người cổ xưa nhất, 35 năm tôi sống ở Sài Gòn chỉ là chớp mắt! Chớp mắt tuổi thanh xuân qua đi, tuổi mùa thu đến, nhìn lại những năm tháng qua chợt nhận ra dường như mình chưa một lần nói lời yêu với thành phố này, nơi mình đã sống những tháng năm dài, và có lẽ là cả cuộc đời.
Nhiều người đã yêu, rất yêu Sài Gòn. Có thể đối với họ đây là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi họ đã rời xa quê nhà vào kiếm sống và được Sài Gòn rộng rãi sẻ chia. Có thể là nơi để lại mối tình đầu đau đáu nỗi chia ly, là nơi họ rời bỏ mà luôn mong một ngày quay lại… Nhưng cũng với nhiều người tình yêu Sài Gòn thật khó có thể bộc lộ thành lời, phải chăng vì Sài Gòn không như một cô gái đẹp dịu dàng, yểu điệu kiêu sa làm người ta dễ cảm mến để rồi thốt vội lời yêu? Sài Gòn mang dáng vẻ của cô gái hiện đại, năng động và bình dị, một vẻ đẹp mà người ta thường ngại ngùng khi muốn ngỏ lời yêu… Nhiều năm trước tôi cũng vậy, mải mê nhớ về thành phố êm đềm đẹp đến nao lòng của thời thơ ấu, để rồi đến một ngày thu tôi mới nhận ra mình đã yêu Sài Gòn từ khi nào không rõ…
Ấn tượng của tôi lần đầu gặp Sài Gòn là bến Bạch Đằng sông rộng nước đầy với những con tàu lớn nằm sát đại lộ Nguyễn Huệ đẹp nhất Sài Gòn. Đường phố thênh thang luôn tấp nập, hàng cây xanh cao vút trong ánh nắng chói chang, những cô gái đạp xe mini tà áo dài trắng bay bay trong hơi gió biển mát lành. Những ngôi biệt thự sang trọng kín đáo ẩn hiện sau tường rào cây xanh, những ngôi chùa rực rỡ đèn điện vôi màu… So với Hà Nội hay Huế có vẻ như Sài Gòn thiếu sự lắng đọng “hồn núi sông ngàn năm” vì đây là thành phố hiện đại kiểu Âu – Mỹ. Nhưng Sài Gòn mang hình hài đặc sắc một đô thị phương Nam “trên bến dưới thuyền”. Khởi thủy, thành Gia Định dựng bên góc sông Sài Gòn và sông Thị Nghè. Kéo dài về phíá tây nam vài cây số, là Chợ Lớn, thành phố của đa số người Hoa, nằm trên những mối giao nhau của kinh rạch chằng chịt, nối ra sông Sài Gòn bằng rạch Tầu Hũ hay còn gọi là rạch Bến Nghé. Nhắc đến Sài Gòn người ta nhớ ngay đến hai cái chợ nổi tiếng: chợ Bến Thành – bến sông thị tứ buôn bán quan trọng nhất của thành Gia Định; và Chợ Lớn – đầu mối giao thương lớn nhất Đàng trong. Rạch Bến Nghé hay rạch Tàu hũ nối liền hai khu vực trung tâm của thành phố. Thành Gia Định nằm ở khu vực trung tâm cao nhất, khoảng từ Dinh Độc Lập cho tới gần Thảo Cầm Viên. Từ đó dốc thoai thoải đều ra chung quanh cho tới kinh rạch và sông Sài Gòn. Phiá tây Sài Gòn lúc ấy vườn ruộng kéo dài nối vào Chợ Lớn, khu vực này có nhiều kinh rạch chảy vào Kinh Bến Nghé hay Tầu Hũ, kinh Đôi. Sông rạch là con đường thông thương của Sài Gòn – Chợ Lớn với miền Đông, miền Tây Nam bộ. Ngã ba Nhà Bè nơi sông Đồng Nai gặp sông Sài Gòn hòa dòng đổ ra biển tại Cần Giờ - cửa ngõ cho Sài Gòn vươn ra biển đông. Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn cũng là giai đọan tụ cư nhanh chóng của những cộng đồng người từ nhiều nơi, nhiều nguồn gốc đến đây. Quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… lưu dân đã duy trì những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng 300 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của các cộng đồng cư dân và sinh hoạt tinh thần của người Việt, người Hoa, Khmer, Chăm.
Cũng như nhiều nước Đông Nam Á, kiến trúc thời thuộc địa cuối thế kỷ 19 nửa đầu thế kỳ 20 đã để lại cho Sài Gòn nhiều di sản kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao. Không những thế những công trình này còn thể hiện vị trí quan trọng của Sài Gòn trong từng giai đoạn lịch sử. Những di sản kiến trúc nằm trong tổng thể quy hoạch Sài Gòn từ một đô thị chính trị - quân sự thành một thương cảng, trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa. Những con đường ngang dọc lấy sông Sài Gòn làm chuẩn chia thành phố thành những ô vuông. Trên những đường chính là các công sở, khu buôn bán, khách sạn nhà hàng… Những đường nhỏ là khu cư trú của giới công chức nhân viên, những biệt thự xinh xắn mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc với người Sài Gòn, rồi những dãy nhà phố, sâu hơn trong hẻm là xóm “nhà lá” của người lao động… Cứ vài ô vuông lại có nhà thờ làm trung tâm sinh hoạt tinh thần. Có thể thấy 3 đỉnh của tam giác trung tâm thành phố chính là 3 nhà thờ: Đức Bà – Tân Định - Huyện Sĩ (thuộc quận 1, quận 3 ngày nay). Đây cũng là 3 khu vực địa hình cao nhất của thành phố, vì vậy xây dựng nhà thờ ở vị trí này là sự kết hợp tuyệt vời giữa hình thức kiến trúc và chức năng tôn giáo của kiến trúc.
Những kiến trúc công sở hay tôn giáo, bên cạnh yếu tố hài hoà, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, phù hợp với đường phố theo quy hoạch, phù hợp với công năng của công trình còn có một đặc điểm đáng chú ý là có nhiều các chi tiết trang trí mang yếu tố của mỹ thuật Việt, Champa, Khơmer… Sự kết hợp giữa kết cấu, kiểu dáng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đề tài trang trí, giữa phương Tây và phương Đông – bản địa và ngoại sinh, làm cho các công trình kiến trúc ở Sài Gòn thời thuộc Pháp có một phong cách kiến trúc khá đặc biệt, được gọi là phong cách kiến trúc Đông Dương, thể hiện xu thế “chủ nghĩa văn hoá” của kiến trúc đô thị phương Tây trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 ở nhiều nước châu Á. Cho đến nay những yếu tố về quy hoạch, kiến trúc, đặc trưng, trang trí… của các công trình kiến trúc này vẫn được xem là “chuẩn mực” cho việc quy hoach - xây dựng một thành phố lớn.
Tính đến tháng 4 năm 2010 toàn thành phố có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó: 1 di tích quốc gia đặc biệt (Dinh Thống Nhất); 53 di tích quốc gia (25 di tích lịch sử, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, 2 di tích khảo cổ), 70 di tích cấp thành phố (29 di tích lịch sử, 41 di tích kiến trúc nghệ thuật). Hệ thống di tích trong cảnh quan chung của một “Sài Gòn xưa” làm nên “bản sắc Sài Gòn”. Nhưng giờ đây “bản sắc Sài Gòn” đang mai một, vì một nghịch lý nhưng lại rất phổ biến ở các thành phố nước ta: những gì đã từng đem lại bản sắc độc đáo cho một Sài Gòn ngày xưa và còn tồn tại đến ngày nay, thì đang dần bị phá hỏng bởi các công trình cao tầng hiện đại có lối kiến trúc và trang trí vô cảm với khung cảnh lịch sử xung quanh. Con đường Đồng Khởi là một trường hợp như thế. Đây có lẽ là con đường nổi tiếng nhất trong những con đường đẹp, buôn bán sầm uất và có tuổi đời xưa nhất của Sài Gòn.Nằm ở
quận 1 và dài gần một km, bắt đầu từ ngã tư với Nguyễn Du ngay trước mặt Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và kết thúc là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn, con đường này tập trung nhiều khách sạn sang trọng, cửa hàng, tiệm cà phê, hiệu sách… là địa chỉ văn hóa quen thuộc và in đậm dấu ấn trong tâm trí nhiều thế hệ người Sài Gòn và những người từng đến, từng ở Sài Gòn. Hình ảnh những khách sạn, cửa hàng như thế đã trở thành biểu tượng văn hóa của con đường. Khu hành lang Eden với rạp chiếu phim, các cửa hàng tơ lụa, đồ lưu niệm, nhà sách Xuân – Thu, đối diện Nhà hát thành phố là tiệm cà phê Givral nổi tiếng, nhưng gần đây nó nổi tiếng hơn bởi ca khúc “Vĩnh biệt Givral” – C’est fini Givral. Ca khúc này làm ta nhớ đến bộ phim lãng mạn “Mùa hè cuối cùng ở Capri” đã làm rung động biết bao trái tim, còn bây giờ nó làm nhiều người rưng rưng nước mắt. Một phần quá khứ của Sài Gòn, một phần quá khứ của nhiều người không còn nữa. Givral và những di tích khác mất đi, Sài Gòn có nguy cơ là một thành phố không còn ký ức, những thế hệ con người sau này sẽ không có ký ức lịch sử… Tôi cũng như mọi người, chẳng ai muốn phải nghe “C’est fini…” đối với những di sản văn hóa còn lại của Sài Gòn.
Nhưng Sài Gòn không chỉ có “mất đi” mà những năm gần đây thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày. Kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng dày rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, không lâu nữa sẽ là những “con kênh xanh xanh” chảy giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Một dự án con đường trên cao dọc theo hai con kênh này với hàng chục cây cầu bắc ngang sẽ trở thành “điểm nhấn” cho vùng trung tâm cũ của Sài Gòn. Khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời, giờ có lẽ nhiều người sẽ không nhận ra nơi này. Những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những con đường rộng rãi, những ngôi nhà khang trang đã hiện lên, và gương mặt những con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước đất vàng phèn mặn, giờ nơi này là đại lộ 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ! Những làng xóm ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hốc Môn, Củ Chi cũng đã thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn trong cảnh quan đô thị, việc xây dựng tự phát, sự tùy tiện phát triển các khu dân cư trú xen lẫn thương mại, khu công nghiệp… là rất rõ. Có thể dùng cụm từ “làng trong phố” để hình dung về cảnh quan văn hóa nhiều khu đô thị mới. Nhiều đường phố xưa êm đềm với hàng cây cao cao nay vào giờ tan tầm bỗng biến thành “hẻm nhỏ” bởi nhà cao tầng đã xây kín mặt đường, bởi dòng xe như nước chảy tràn không dứt.
Sài Gòn bây giờ dân số đã hơn 7 triệu dân mà phần lớn là người tứ xứ từ các tỉnh miền Tây lên, miền Trung miền Bắc vào. Bằng sức lao động cần mẫn họ đã góp phần tạo nên sức sống trẻ trung năng động của thành phố đồng thời cũng được nơi đây nuôi dưỡng, cưu mang. Qua nhiều năm khó nhọc mưu sinh, nhiều người đã hiểu nơi ta sinh ra là nơi để gửi nhớ gửi thương mỗi dịp năm hết Tết đến, còn Sài Gòn là nơi mỗi ngày ta có thể được sống hết mình trong suốt cuộc đời … Nếu đừng quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm của ta đối với Sài Gòn sẽ công bằng hơn, vì đó là thành phố của mình, vì ta cũng đã là người Sài Gòn! Hiểu người Sài Gòn hơn, ta sẽ nhận ra tấm lòng nặng tình đầy nghĩa của những con người bộc trực phóng khóang nơi đây.
Ba mươi lăm năm sống ở Sài Gòn, sống với Sài Gòn liệu tôi có thể nói “Sài Gòn của tôi”? Của tôi, như một quê hương. Của tôi, như một nơi đã cho tôi trưởng thành. Của tôi, như một mối tình nồng nàn mà lặng lẽ thủy chung suốt cả cuộc đời…
“Dù đến rồi đi tôi cũng xin Tạ ơn người…” với Sài Gòn đó là điều mà nhiều người muốn nói.

Sài Gòn 8/12/2010

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Thơ Hoàng Xuân Sơn


TỊCH MỊCH CUỒNG


trôi giữa biển nghe lòng vòng nhớ biển
ở lâu năm trên đất hóa điên khùng
cây trụi nắng thổ vàng ra quận huyện
cạn điêu phù nên ngấn lệ hồng chung

ngân tiếng khẽ suốt dặm hành tất bật
rồi ca xang như một kẻ vô nghề
cho miệng đắng nuốt tinh ròng môi mật
của trân kỳ thơm buổi ấy hồng nghê

khi thấm mệt luồn theo người vô rú
cuối hang dơi sẽ đụng bóng chiều tà (*)
cành nhan rỗi treo biển cuồng sông lú
con mắt chìm khúc mặc niệm trường ca

bơi hết đảo nhóm một phường vô vọng
từ chim hoang còn giọng khản trên đồi
cứ nổi lửa cho người về mong ngóng
một bếp hồng xuân vạn đại trùng khơi

jan.2011
(*) ý Nguyễn Đức Sơn


Trích lại từ damau.org

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Một vài kỷ niệm về tạp chí Văn



Văn số 132 tháng 6 năm 1969

Hoàng Xuân Sơn: Ghi chú



Ghi chú: một đoạn viết ngắn nhằm bổ túc tư liệu về một giai đoạn văn học trước 1975

Ghi chú? một cái tựa đề không giống con giáp nào. Thật ra, đây chỉ là một đoạn viết ngắn nhằm bổ túc tư liệu về một giai đoạn văn học trong nước trước 1975 qua những bài viết của Nguyễn Xuân Hoàng trên trang blog này (Tủ Sách Của Trần Phong Giao 1&2) và của các tác giả khác như Trần Hoài Thư, Trần Doãn Nho v.v. trên mạng Da Màu.
Ảnh : Tạp chí Văn, số cuối cùng.
Ngoài những tạp chí tiên phong như Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Hiện Đại (?), Tân Phong . . ., phải công nhận Trần Phong Giao rất có công trong việc xây dựng tờ Văn thành một mảnh đất văn học nghệ thuật uy tín với nhiều hạt giống tốt. Thập niên 60 là thời kỳ cực thịnh của các diễn đàn văn nghệ : Văn [ Nguyễn Đình Vượng - Trần Phong Giao; kế thừa là Mai Thảo - Nguyễn Xuân Hoàng ], Văn Học [ Phan Kim Thịnh và nhóm anh em miền Trung, Quảng Nam, Quảng Ngãi . . .], Bách Khoa [ Lê Ngộ Châu, Võ Phiến . . .] .

Tờ Bách Khoa có vẻ thiên về chính trị hơn là văn học, tuy nhiên cũng quy tụ đươc. nhiều khuôn mặt văn nghệ trẻ khá nổi bật : Trần Huiền Ân, Hoàng Đình Huy Quan, Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác v.v. . Tờ Văn Học đứng đầu sào là Phan Kim Thịnh, quy tụ một số anh em gốc miền trung Huế , Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín v.v. như Luân Hoán, Thành Tôn, Khắc Minh, Hà Nguyên Thạch, Phan Nhự Thức, Đynh Hoàng Sa, Vĩnh Điện, Phùng Kim Chú, Viêm Tịnh v.v. . Riêng tờ Văn với khẩu hiệu “ tập san của những người ham đọc, hiếu học, ưa suy nghĩ “đã gầy dựng nên một lực lượng hùng hậu người viết ở khắp ba miền - thời đó được mệnh danh là Những Cây Bút Trẻ hoặc Những Người Viết Mới – như Hạc Thành Hoa, Lương Thái Sỹ, Ngụy Ngữ, Phan Tấn Uẩn, Lưu Vân, Tần Vy, Từ Hoài Tấn v.v. đông đảo không sao kể xiết. Những tạp chí này đã góp sức làm nên bề dày của tác phẩm Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam VN Toàn Thư đồ sộ.

Sau 1975 chủ xướng bởi những thành phần vô văn hóa, có nhìn lại mới thấy tiếc nuối công trình tim óc của hàng trăm cây bút tự do miền Nam. Sau hơn ba mươi năm cuộc đổi đời, đã có nhiều ngòi bút một thời tung hoành bị cưỡng bách hoặc tự nguyện chôn vùi tên tuổi, chấp nhận thân phận lưu đày thân và tâm ngay trên phần đất quê nhà. May thay, mảng văn học khai phóng và nhân bản của miền nam VN trước 75 vẫn được tiếp nối và nuôi dưỡng ở nước ngoài bởi những người viết tự do khắp cùng năm châu bốn bể sau cuộc tan hàng rả ngũ bi thương. Viết đến đây xin mở một dấu ngoặc để hoan nghinh công trình tim óc của nhà văn Trần Hoài Thư và nhóm anh chị em Thư Quán Bản Thảo đã bỏ nhiều công sức, thì giờ và tiền bạc để sưu tập và in ấn một phần nào giá trị tinh thần của văn học miền nam trước 75 qua các tác phẩm Thơ Lục Bát Miền Nam (?), Thơ Miền Nam Thời Chiến . . .

Lúc còn cộng tác với tờ Thư Quán Bản Thảo, kẻ này có gợi ý cùng nhà văn Trần Hoài Thư về việc thực hiện một số kỷ niệm với bài vở của những cây bút đã từng cộng tác với tờ Văn, hiện đang sinh sống tại nước ngoài. Tiếc thay, sự việc này chưa được thực hiện như lòng mong muốn. Giờ đây, nhân đoạn viết này, với trí nhớ cùn nhụt ( mà chắc đã thập phần tồi tệ ), thử ghi lại danh tính của những người có bài vở đăng trên Văn trước kia, nay vẫn còn tiếp tục sáng tác ở hải ngoại. Xin chư quân vui lòng bổ sung (nếu thiếu tên) và đính chính (nếu ghi nhầm) . Mong thay!

Danh sách những cây bút một thời của tờ Văn, nay đã vào hàng ông mệ mà vẫn còn múa . . . bút khắp nơi gồm :
- Ở Pháp có Trần Thiện Đạo, Trần Công Sung, Kiệt Tấn, Đặng Tiến . . .
- Ở Úc Đại Lợi có Hoàng Ngọc Biên, Phạm Công Thiện, Phan Việt Thủy . . .
- Ở Gia Nã Đại có Lâm Hảo Dũng, Đỗ Khánh Hoan, Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn . . .
- Ở Hoa Kỳ đông đảo nhất, có Nhã Ca, Lâm Chương, Đinh Cường, Hoài Ziang Duy, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Bạch Dương (đã khuất), Trùng Dương, Nghiêu Đề (đã khuất), Lê Tất Điều, Nguyễn Tịnh Đông (Trần Bang Thạch), Nguyễn Mộng Giác, Thái Tú Hạp, Nguyễn Xuân Hoàng, Túy Hồng, Khê Kinh Kha, Nguyễn Chí Kham, Du Tử Lê, Trần Vấn Lệ, Hoàng Ngọc Liên, Viên Linh, Bình Nguyên Lộc (đã khuất), Hoàng Lộc, Đào Mộng Nam, Thanh Nam (đã khuất), Nguyễn Văn Ngọc, Hoàng Ngọc Nguyên, Nguyễn Thiếu Nhẫn, Trần Doãn Nho, Nguyễn Minh Nữu, Võ Phiến, Hải Phương, Nguyễn Quỳnh, Nguyên Sa (đã khuất), Hà Thúc Sinh, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo (đã khuất), Trần Hoài Thư, Trần Mộng Tú (?), Hoàng Anh Tuấn (đã khuất), Thanh Tâm Tuyền (đã khuất), Nguyễn Tuyển, Trần Dạ Từ, Huỳnh Hữu Ủy, Ngô Thế Vinh, Kinh Dương Vương, Nguyễn Vũ Đan Vy (Đặng Tường Vy – đã khuất), Nguyễn Lương Vỵ, Phạm Ngũ Yên . . .

Xin nhắc lại : ai sót tên, thừa tên, vui lòng ới cho một tiếng .

Đa tạ,
Hoàng Xuân Sơn
décembre/2009

Tựa đề của tác giả chỉ có 2 từ Ghi chú, đọan thêm do tòa sọan, Riêng LVT chỉ ở VN nên không đưa vào ở Hoa Kỳ, và nếu được xin các bạn bổ sung. VCV sẽ cập nhật thêm.

Nguồn: Trích lại từ vanchuongviet.org



Ghi thêm:
Có lẽ bạn HXS nhầm chăng !
- Nguyễn Bạch Dương ở Việt Nam - đã qua đời
- Nguyễn Tịnh Đông vẫn ở Việt Nam (Khu Thanh Đa - TPHCM)

Thứ Ba, 15 tháng 2, 2011

Tiết lộ độc: Sự khác nhau Hà Nội - Sài Gòn

Mỗi vùng, miền đều có nét sinh hoạt, tính cách... đặc trưng riêng. Chúng ta cùng xem Hà Nội và Sài Gòn khác nhau những điểm nào?

Ăn mặc
Ở Hà Nội, bạn dễ dàng thấy các bác xe ôm mặc đồ vest, giày bóng loáng đứng chờ khách bên Bờ Hồ!
Đến Sài Gòn, bạn hoàn toàn có thể mặc quần short, dép lê đàng hoàng đi vào một khách sạn sang trọng!

Hình thức
Ở Hà Nội, cho dù trong túi bạn không có tiền nhưng ra đường vẫn muốn “xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần, đầu tóc bóng loáng”!
Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy nhiều người đi xe 67 của bảo tàng, điện thoại đời đầu, áo phông cũ, nhưng nếu ai hỏi tiền sẽ trả lời: “Cần nhiêu?”.

Giao thông
Ở Hà Nội, nhiều xe máy lấn phần xe hơi, nhưng luôn phải quan sát phía sau nếu muốn dừng lại khi đèn đỏ!
Đến Sài Gòn, bạn có thể thấy người ta vượt đèn đỏ, nhưng không ai dám đi vào phần đường của xe hơi!

Gọi điện ngoài đường
Ở Hà Nội, bạn có thể đứng giữa ngã tư tấp nập người qua để nói chuyện điện thoại “cho cả thế giới biết bạn là ai”!
Đến Sài Gòn, bạn hãy dắt xe lên vỉa hè nói chuyện nếu không muốn chiếc điện thoại của bạn “cuốn theo chiều gió”!

Cơn mưa
Mưa Hà Nội giống như tính tình các cô gái Hà Nội, âm ỉ dai dẳng và làm cho bạn nhớ mãi!
Những cơn mưa Sài Gòn giống tính tình của các cô gái Sài Gòn, đỏng đảnh nhưng mau quên!

Con gái
Con gái Hà Nội, da trắng, nói năng nhỏ nhẹ, gọi người yêu là anh yêu. Khi bạn đã yêu thì khó bỏ!Con gái Sài Gòn da rám nắng, nói năng ngọt ngào, gọi người yêu là ông xã. Khó tán nếu muốn yêu!

Hai cô gái cùng thích một món đồ
Con gái Hà Nội sẽ nói với bạn: “Tớ với ấy cùng mua nó nhé?”.
Con gái Sài Gòn thủ thỉ: “Ấy mua rồi à? Vậy tớ sẽ chọn thứ khác”.

Khách sạn
Ở Hà Nội, khi dừng xe trước cửa khách sạn, có thể bạn sẽ phải gọi rát cả cổ mà chưa thấy lễ tân đâu!
Đến Sài Gòn, xe vừa dừng, xuất hiện ngay người chạy tới mở cửa và giúp bạn bê đồ vào khách sạn!

Thái độ phục vụ
Ở Hà Nội, chắc hẳn bạn sẽ xúc động đến lăn đùng khi thấy người phục vụ nói lời cảm ơn!
Đến Sài Gòn, dần dần bạn sẽ thấy “bình thường thôi” khi cô lễ tân cúi gập người chào bạn!

Quán cà phê
Ở Hà Nội bạn sẽ quen mắt với quán cà phê chen chúc, hai đôi tình nhân chung một bàn!
Đến Sài Gòn bạn sẽ lạ mắt khi thấy những hàng ghế xếp thẳng hàng như trên xe bus!

Gọi cà phê
Ở Hà Nội khi bạn gọi “cà phê nâu” sẽ được cà phê sữa.
Đến Sài Gòn nếu gọi câu đó chủ quán sẽ mang cho cà phê đen!
Ở Hà Nội, nếu bạn gọi “bạch sửu” họ tưởng bạn là người Tàu!
Nhưng đến Sài Gòn họ sẽ mang cho bạn ly cà phê sữa!

Sau khi gọi cà phê
Ở Hà Nội, bạn được một cốc cà phê có ít sữa và vài cục đá lạnh nhỏ. Nếu muốn có cốc nước lọc bạn phải gọi vài lần.
Đến Sài Gòn, bạn sẽ thấy cốc cà phê có sữa và đá lạnh đầy ú ụ. Cùng với đó là cốc trà đá to đùng và nước lọc đủ để tắm!

Uống Cafe
Ở Hà Nội thường có thói quen uống cà phê khi đi chơi vào buổi tối, hoặc trước khi... đi ngủ!
Đến Sài Gòn bạn sẽ thấy thiên hạ uống cà phê có nhiều đá vào buổi sáng, và uống trước khi đi làm!

Uống bia
Ở Hà Nội chắc chắn gã đàn ông nào cũng quen cảnh “bia hơi, lạc rang, 9 giờ đã lên xe về”!
Đến Sài Gòn bạn cần làm quen cảnh “chai lạnh xếp hàng, đá to, nồi lẩu, quá khuya mới dzìa”!

Khi có người rủ bạn ăn sáng
Ở Hà Nội: Hoặc là bạn đủ tiền cho hai người, hoặc là chẳng cần đồng nào!
Đến Sài Gòn: Nếu bạn nhận lời đi ăn sáng cùng, ăn xong tiền ai nấy trả!

Ăn sáng
Có thể bạn quen với bát phở Hà Nội không thể thiếu mì chính và quẩy, được bưng ra trong khi ngón tay người phục vụ nhúng cả vào đó!
Đến Sài Gòn bạn đừng ngạc nhiên khi phở phải có rau, giá và tương, được bưng ra với cái tô được đặt trên chiếc đĩa!

Chùa chiền
Chùa chiền ở Hà Nội khi bước chân vào là thấy lòng nhẹ bẫng, hỉ nộ ái ố đã để lại ở phía ngoài cửa!
Đến Sài Gòn bạn sẽ không quen với không gian ồn ào, không tịnh, khách đến chủ yếu là tham quan!

Đi hát Karaoke
Đi hát ở Hà Nội chủ yếu hát vui là chính, hát sai tông cũng kệ. Hát xong quên luôn vừa hát bài gì!
Đến Sài Gòn nhớ hát hay là chính vì thế phải gắng hát rất tình cảm. Nhỡ mà sai tông sẽ quê một cục!

Đi sắm đồ
Ở Hà Nội, sáng ra bạn vào cửa hàng quần áo chọn hàng mà không mua, bạn sẽ được nghe người bán hàng văng một tràng tiếng Đan Mạch và họ còn đốt vía sau khi bạn đi!
Đến Sài Gòn, không kể sáng trưa chiều tối, nắng mưa gió bão, bạn chọn thoải mái, nếu bạn không mua, người bán hàng nói: “Cám ơn anh. Lần sau lại ghé em nha”!

Ngôn ngữ
Ở Hà Nội, trước khi đi Sài Gòn, bạn chào họ hàng: “Cháu chào cô cháu đi!”.
Từ Sài Gòn, bạn về Hà Nội, bạn chào hàng xóm: “Con thưa dì con dzìa!”.

Theo Japtiensinh
Nguồn: thethaovanhoa.vn

Thứ Bảy, 12 tháng 2, 2011

Bài Thơ Năm Mới - HOÀNG LỘC


năm mới - em còn không áo mới ?
có nghe trời lạnh cóng, tàn đông ?
khi thêm một tuổi buồn một tuổi
ngày xưa xin cất giấu trong lòng

em vẫn như thời ta quen biết
ưa chăm hoa cỏ đón xuân về
cây ngọc anh đầu sân đã chết
em bắt đền kẻ cuối trời kia...

cuối trời - ta cũng vào năm mới ?
trắng đêm ngồi ngó mặt phong trần
ta như cây mùa cây hết lá
dang đời mình chờ cạn trăm năm

có lẽ chỉ còn em biết được
bài-thơ-năm-mới cũ mà thôi ?
nhiều khi những gì sâu kín nhất
không thể nào che giấu một người...

HOÀNG LỘC
3-2-2011

http://hoangloc.vnweblogs.com/

Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn: "Văn học Việt Nam đang phải trả giá"



(TT&VH) - Trong một bài viết năm 2009 về hi vọng cho một giải thưởng lớn của văn học Việt Nam, nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã viết “Tư duy về văn học ở ta còn loanh quanh ở mức như thế này, văn hóa nghề nghiệp ở những người viết còn dừng lại như thế kia, thì hi vọng làm gì cho mệt. Gần đây một vài người thích nêu ra những câu hỏi vui vui kiểu như bao giờ Việt Nam có những người đoạt giải Nobel văn chương. Tôi nghĩ câu trả lời không có gì khó khăn lắm: đại khái bao giờ người Việt có những phát minh khoa học lớn được cả thế giới áp dụng; hoặc có những nhà hóa học tìm ra những nguyên tố mới; hoặc gần gũi hơn, bao giờ bóng đá Việt Nam ở vào tốp 10 tốp 20 trong bảng xếp hạng bóng đá thế giới thì lúc ấy thơ văn tiểu thuyết chúng ta trước sau sẽ có Nobel”. Nếu nói như ông Vương Trí Nhàn, Việt Nam vừa có Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields rồi, thì có lẽ đã đến lúc, chúng ta có cơ sở để hi vọng vào một giải Nobel văn học chăng?
- Ngô Bảo Châu được giải Fields thì bạn có nghĩ rằng toán học Việt Nam có thành tựu hay không? Giả sử như văn học Việt Nam, anh Nguyễn Huy Thiệp được giải Nobel thì bạn cảm thấy như thế nào? Theo tôi, giải thưởng không có nhiều ý nghĩa. Giải Nobel văn học chỉ trao cho tác phẩm, tác giả chứ không phải là thước đo để đánh giá một nền văn học. Vì thế tôi nghĩ có đoạt giải Nobel hay không cũng không phản ánh đúng thực chất của nền văn học Việt Nam. Cũng giống như việc Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields, nó cũng không nói lên điều gì về nền khoa học Việt Nam. Nền khoa học Việt Nam như thế nào mọi người đều biết, điện ảnh Việt Nam, văn học Việt Nam như thế nào, mọi người đều biết rồi. Nó đang như thế nào thì kể cả một giải như giải Nobel cũng chẳng nói lên điều gì. Anh Nguyễn Huy Thiệp hay một ai đó mà đoạt giải Nobel, thì tôi nghĩ rằng sau cái sự tự hào, có lẽ nhiều người sẽ thấy xấu hổ. Giải thưởng đó, nếu có, hoàn toàn không nói lên được thực chất của văn học Việt Nam.
* Vậy theo anh, thực chất vấn đề của văn học Việt Nam hiện tại là gì? Liệu có những giá trị chưa được phát hiện từ cái gọi là “văn học ngăn kéo” như một số người lâu nay vẫn nghĩ?
- Tôi nghĩ điều đó là nhảm nhí. Cái gọi là văn học trong ngăn kéo ấy là không có. Lấy đâu ra. Nếu có thì bây giờ người ta đã xuất bản rồi. Bây giờ người viết hoàn toàn tự do. Chỉ trong một tích tắc, người viết hoàn toàn có thể xuất bản tác phẩm của mình ở bất cứ một blog nào hoặc gửi cho các trang mạng văn chương khắp nơi. Tại sao tôi nói rằng văn học trong ngăn kéo là không có bởi vì nó không tồn tại. Bây giờ mọi người đổ lỗi cho không có tự do sáng tác, không có tự do nghệ thuật. Điều đó không hẳn. Hãy nhìn thử xem, văn học hải ngoại, sau bao nhiêu năm, được xem là hoàn toàn tự do, tại sao họ không có tác phẩm lớn?
Văn học Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, chúng ta không có tài năng. Sức sáng tạo trong văn học của chúng ta trong giai đoạn này rất yếu. Một trong những lý do quan trọng nhất là văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị. Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X là thế hệ không có giá trị. Họ không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào. Họ không xác định được giá trị cho họ. Chính vì thế nên bây giờ nền văn học phải trả giá.
Cơ chế tự kiểm duyệt của họ quá lớn. Viết lúc nào cũng lo có được in hay không, viết như thế này có độc giả hay không. Nhà văn trước tiên là viết cho mình. Nếu người viết cứ lo lắng như vậy thì đến bao giờ Việt Nam mới có tác phẩm lớn. Bạn thử đọc lược qua các nhà văn khoảng 30, 40 tuổi đi, họ viết về cái gì, họ viết về cuộc sống của họ, một cuộc sống rất tẻ nhạt và nhàm chán, mệt mỏi. Họ không có bất cứ một sáng tạo nào đột phá về mặt văn chương.
* Người đọc - nhà văn là mối quan hệ hữu cơ trong văn học, nếu người viết để công chúng qua một bên thì…?
- Người viết luôn phải cô độc. Công chúng là một từ rất trừu tượng. Người viết phải hướng đến những người đọc có khả năng chia sẻ những giá trị, đồng điệu chứ không phải đám đông ngoài đường. Cái áp lực lớn nhất, theo tôi, vẫn là tác phẩm. Các nhà xuất bản, các công ty làm sách gần đây, như Nhã Nam chẳng hạn, họ cũng muốn xuất bản lắm nhưng chẳng có tác phẩm nào.
* Quay lại chuyện người viết 8X, tại sao anh gọi thế hệ người viết 8X là thế hệ mất niềm tin?
- Đơn giản thôi, các thế hệ trước chịu ảnh hưởng sâu rộng và nhận sự giao thoa văn hóa lớn của văn hóa Trung Quốc, Pháp, Nga nhưng đến một giai đoạn, Việt Nam bị cắt ra khỏi dòng giao lưu của văn hóa thế giới. Mọi người đọc rất ít và chịu ảnh hưởng của một chủ nghĩa đế quốc mới, bị xâm lăng bởi văn hóa tiêu dùng. Không đủ khả năng hiểu về văn hóa tiêu dùng nên rất nhiều người đã bị văn hóa tiêu dùng thôn tính, viết ra những thứ rất là nhảm nhí. Họ bỏ giáo quy hàng rất nhanh. Họ không xác định được giá trị của văn học. Vậy nên trong giai đoạn hiện nay mà nói về giải Nobel văn học thì rất là tức cười. Tôi nghĩ rằng, các bạn trẻ thế hệ 9X sau này khá hơn nhiều…
* Vì thế hệ 9X tiếp cận với internet sớm hơn, mọi thứ cởi mở hơn…?
- Tôi nghĩ như vậy. Có một giai đoạn, chúng ta giống như bị chặt ra khỏi đời sống văn hóa của thế giới, mãi những năm gần đây, chúng ta nối lại được. Các bạn trẻ bây giờ có internet, những tác phẩm văn học hay được dịch nhiều hơn. Nhưng tất cả những thứ đấy đều cần thời gian, để xây dựng một thế hệ mới.
* Tác giả Việt Nam nào anh thích trong thời gian gần đây? Nhà văn Linda Lê gần đây có về Việt Nam và đâu đó công chúng văn học lại hi vọng vào một tiếng nói gốc Việt trên văn học thế giới, anh nghĩ gì về điều này?
- Những người mà tôi thích, hiện tại cũng đang gặp những vấn đề, họ đang phải đấu tranh để nghĩ xem họ phải sáng tác như thế nào. Ví dụ như Nguyễn Bình Phương chẳng hạn. Nguyễn Bình Phương là một nhà văn mà tôi đánh giá rất cao. Nhưng anh ấy đã im lặng độ 10 năm nay. Nguyễn Bình Phương có nhiều cuốn hay, nhưng tôi thích Những đứa trẻ chết già. Văn học hải ngoại, lúc trước có Trần Vũ, nhưng độ 10 năm nay, Trần Vũ cũng không viết gì cả. Rồi như Linda Lê là một tác giả rất xuất sắc, một người rất “classic”, một tác giả rất tuyệt vời nhưng khó có thể gọi là nhà văn Việt Nam, ngay cả gọi là nhà văn hải ngoại cũng không phải. Linda Lê là một nhà văn Pháp, gốc Việt. Khác với Ngô Bảo Châu, Ngô Bảo Châu hoàn toàn là một người Việt Nam, có thể sinh sống, làm việc tại Pháp nhưng vẫn là một người Việt Nam, vẫn là nhà toán học Việt Nam. Ngoài ra, tôi không có hi vọng gì, nhất là các thế hệ sau này, thế hệ nhà văn 8X.
* Anh có đọc các cây bút 8X đó không, ví như Văn học tuổi 20?
- Trong một năm gần đây, tôi đọc vài tác giả trẻ nhưng không thấy ấn tượng gì lắm. Văn học tuổi 20 tôi vẫn đọc, nhưng không thấy ấn tượng. Nói thì có vẻ hơi sáo, nhưng nói thật, văn chương phải phấn đấu vì một điều gì đó cao quý. Văn chương phải lớn hơn cuộc sống. Văn học và nghệ thuật cứ chăm chăm photocopy lại cuộc sống hiện thực xung quanh thì nó không còn là văn học nữa. Văn chương hay nghệ thuật nói chung phải xây dựng một thế giới khác của người đọc, giúp người đọc tái tạo một thế giới khác. Văn chương, nếu cứ sao chép hiện thực, một hiện thực rất chán, người viết chỉ nhìn thấy bề mặt hiện thực mà không nhìn thấy ẩn dưới bề mặt đó là gì thì chỉ là những tác phẩm trượt dài trên bề mặt.
Văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990. Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980 nhưng đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị.
* Nhiều người phân tích văn học Việt Nam khó đến với thế giới được là vì rào cản ngôn ngữ?
- Thế nào là văn học không đến được với thế giới? Không có tác phẩm thì làm sao đến được với thế giới. Chắc chắn rằng khi có tác phẩm hay, người viết sẽ có được độc giả của mình. Vấn đề là tác phẩm không đủ tầm. Hãy nghĩ đến người viết đã mang lại điều gì đến bạn đọc trong nước, trước khi nói đến chuyện thế giới. Nhà văn Việt Nam chưa làm gì được cho người đọc Việt Nam thì đừng hi vọng làm gì được với thế giới. Ngay cả những người cùng chung ngôn ngữ, chung môi trường mà còn không phát triển được thì lấy gì ra bên ngoài. Cũng như chuyện hàng hóa Việt Nam ấy thôi, sản phẩm không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước thì lấy gì ra quốc tế. Đấy là quy luật.
* Một số nhà văn hải ngoại như Thuận, Đoàn Minh Phượng, anh đánh giá như thế nào?
- Tác phẩm của Thuận thì tôi không thích lắm. Chị Thuận chơi rất thân với tôi, là cùng ở Nga về, nhưng mà… “xảo quá hóa vụng”. Nhà văn phải ngây thơ như một đứa trẻ, nhìn mọi thứ như một đứa trẻ, giữ cho mình sự ngây thơ, trong sáng, tin vào những điều tốt đẹp là rất quan trọng. Chị Phượng thì làm được chuyện ấy. Chị ấy viết ít, cũng không phải xuất sắc nhưng giữ cho mình được sự chân thành và trong trẻo. Thuận thì vẫn là hiện thực, mặc dù xô lệch hiện thực đi và thiếu những chất nhân văn đậm đặc trong đấy. Thuận thiếu cái sự an nhiên như trẻ con.
Văn học Việt Nam thiếu tiếng cười. Sau Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, không ai viết hài hước, sâu sắc, chua cay. Cái cười nó giúp chúng ta vượt lên cao và chiến thắng nhiều thứ. Trong đau khổ, vẫn thấy sự hài hước. Nguyễn Việt Hà thì tạm, nhưng cũng không phải là cái cười của người vượt lên. Bùi Ngọc Tấn, có lúc làm được chuyện ấy…
Nghệ nhân và Margarita của Bulgacov nói về thời kỳ đen tối nhất nhưng vẫn hài hước với hình ảnh con mèo to đùng ôm bếp dầu đi đi lại trong thành phố. Cái trống thiếc, Đôn ki sốt… đã tạo được cái cười nhạo báng xã hội. Khi nhân vật Oskar cười đã tạo ra sự sụp đổ những rường cột của xã hội. Xã hội bây giờ, có ai cười cợt những điều ấy được đâu. Không có ai cười được một cách thông minh, dí dỏm, kể cả cay độc.
Văn chương Việt Nam vừa không có tiếng cười vừa thiếu vắng tình yêu. Trong tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh có tình yêu… Thế hệ sau này không có ai làm được chuyện ấy ngoài Nguyễn Bình Phương. Thế nhưng thế hệ của Nguyễn Bình Phương cũng đã 40 và hơn rồi. Các bạn trẻ gần đây thì không thấy ai…


Châu Á 5 lần được tôn vinh Nobel Văn học Từ 1901 (năm ra đời của Nobel Văn học) đến 1955, chỉ một nhà văn châu Á là Rabindranath Tagore người Ấn Độ được trao giải Nobel, chỉ một nhà văn Mỹ la-tinh (Gabriela Mistral, Chile) và chẳng có nhà văn châu Phi nào. Hầu hết những người đoạt giải là người châu Âu. Từ năm 1956, các giải thưởng đã về tay người châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh 13 lần. Người châu Á được tôn vinh 5 lần: Rabindranath Tagore (Ấn Độ - 1913), Shmuel Yosef Agnon (Israel, được tính cho châu Á, 1966), Yasunari Kawabata (Nhật Bản - 1968), Kenzaburo Oe (Nhật Bản - 1994), Cao Hành Kiện (Trung Quốc - 2002). Người châu Phi cũng đã có 4 lần nhận giải: Wole Soyinka (Nigeria - 1986), Naguib Mahfouz (Ai Cập - 1988), Nadine Gordimer (Nam Phi - 1991), John Maxwell Coetzee (Nam Phi - 2003).

Nguyễn Trâm Anh (Thực hiện)
Nguồn: thethaovanhoa.vn

Thứ Ba, 8 tháng 2, 2011

Mùng 6 Tết

Hôm nay trở lại với công việc bình thường.
Cúng khai trương, lì xì đầu năm.
Một năm mới lại bắt đầu.

Đọc bài thơ của Bằng hữu:

TRẦN HOÀI THƯ
Gặp Em Sài Gòn

Gặp em trong chuyến xe về muộn
Trăng đã lên trên khu Hàng Xanh
Đường qua Gia Định chia trăm ngả
Có ngả nào em hiểu tình anh ?

Có phải anh ngồi không nói năng
Lòng anh như đã nói trăm lần
Mắt em là cả trời Lê Lợi
Mái tóc em: Thoảng gió Bạch Đằng

Có phải em là Gia Long
Để anh về không ngủ
Cho lòng anh hạ đỏ
Sân trường thêm bâng khuâng

Có phải em là Trưng Vương
Để anh về trước cổng
Thèm màn mưa rất mỏng
Mềm sợi tóc nhớ nhung

Có phải em là lan
Trong vườn cây Bách Thảo
Có phải em là trầm
Ngải bắt hồn điên đảo
Có phải em Saigon
Kiêu sa và hoa lệ
Hồn nhiên và tươi trẻ
Mùa rộn ràng chim non

Gặp em trong chuyến xe về muộn
Trăng đã lên trên khu Hàng Xanh
Sàigòn Tân Định trăm ngàn ngã
Có ngả nào em hiểu tình anh ?

(Trích Ô Cửa, Thư Ấn Quán tái bản 2008). Bản gửi từ tác giả.
Trích lại từ vanchuongviet.org

Thứ Năm, 3 tháng 2, 2011

KHAI BÚT

Hôm nay mùng Một Tết năm Tân Mão.
Một ngày đầu tiên của Năm Mới.
Cùng vợ đi lễ chùa Vạn Phước
Ghi lại tấm hình với Hòa Thượng Thích Phước Trí trụ trì - người bạn học Bồ Đề Huế những năm 60 thế kỷ trước

MỪNG NĂM MỚI

CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

CUNG CHÚC TÂN XUÂN


CUNG bái gia tiên ấm nếp nhà
CHÚC mừng sức khỏe bạn gần xa
TÂN niên thịnh vượng, khương - ninh - cát
XUÂN mới an khang, phước - thọ - hòa
VẠN nẻo gập ghềnh luôn tiến tới
SỰ đời gian khó sẽ đi qua
NHƯ mai, đào, cúc luôn tươi thắm
Ý đẹp tình thâm, nghĩa đậm đà
.

(
http://vanthang.vnweblogs.com)