Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Hải Vân Quan hoang phế bởi phận 'một vợ, hai chồng'

(Thethaovanhoa.vn) - Nằm trong tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, ở vùng giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, cụm kiến trúc cổ Hải Vân Quan, nơi từng được gọi là đệ nhất hùng quan trên đỉnh đèo Hải Vân giờ đây đang rơi vào cảnh hoang phế, không được bảo tồn và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.
Trở lại chốn này, chúng tôi không khỏi xót xa cho một cụm di tích không được quan tâm vì cảnh “một vợ, hai chồng” - nằm ở địa giới mà Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng chưa phân giải chủ quyền!
Hải Vân Quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 năm 1826, ở độ cao 490 mét so với mực nước biển. Hệ thống phòng thủ quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công...Với vị thế nằm trên một thắng cảnh nổi tiếng, Hải Vân Quan là báu vật lẽ ra cần phải được gìn giữ cẩn thận.
“Trơ gan cùng tuế nguyệt”
Một ngày cuối tháng 10 chúng tôi chạy xe máy thăm Hải Vân Quan. Đường lên đỉnh Hải Vân sương giăng bảng lảng. Những cung đèo thoắt ẩn thoắt hiện, này lau, hoa đỗ quyên, cỏ dại, này tiếng chim hòa tấu vào núi rừng khiến Hải Vân đẹp đến sững sờ.
Không gian vỡ òa khi đệ nhất hùng quan hiện ra trước mắt. Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi bắt gặp rất đông du khách đang tham quan tại đây. Có cả một số cặp đôi chụp ảnh cưới.
Di tích xuống cấp, nhiều người leo lên để chụp hình
Như một lẽ tự nhiên, khi thấy cảnh thiên nhiên hùng vĩ hẳn ai cũng muốn lựa cho mình một vị trí đẹp mắt để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Bởi, từ di tích Hải Vân Quan nhìn về phía Bắc có thể ngắm bãi biển Lăng Cô tuyệt đẹp của Thừa Thiên - Huế và ngoái lại hướng Nam là thành phố Đà Nẵng xinh đẹp.
Di tích lịch sử là để tham quan và tìm hiểu, tất nhiên không thể không chụp hình. Thế nhưng, hình ảnh một số người dân Việt Nam lẫn du khách nước ngoài thản nhiên trèo, ngồi lên di tích, ăn uống và xả rác ngay tại chỗ, mặc dù đã được bố trí thùng rác xung quanh đã cho thấy ý thức tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ các di tích lịch sử đang bị con người xem nhẹ.
Lối nhỏ lên cổng thành sỏi đá lởm chởm, cỏ dại mọc um tùm và ngổn ngang vỏ chai nước. Tình trạng di tích không ai quản lý; không có người trông coi giữ gìn cảnh quan; không có một tấm biển nhắc nhở giữ gìn văn hóa, di sản; không có bãi đậu xe và thậm chí không có cả WC… nghiễm nhiên đã khiến di tích vô cùng đáng “thương cảm”!
Tất nhiên, không thể trách du khách bởi một khi chẳng ai giám sát, xử phạt nếu vi phạm, thì việc kêu gọi khách ý thức bảo vệ tối đa cho di sản là không thể.

Hải Vân Quan “trơ gan cùng tuế nguyệt” trên đỉnh đèo Hải Vân 
Chờ ngã ngũ địa giới di tích đã thành hoang phế?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng di tích bị bỏ bê và không ai chịu trách nhiệm quản lý là bởi cụm kiến trúc Hải Vân quan nằm ở vùng giáp ranh địa phận, bị tranh chấp dai dẳng giữa TT- Huế và Đà Nẵng hàng chục năm nay.
Nhìn từ góc độ địa lý, bia đánh dấu “Địa phận Thừa Thiên - Huế” và Đà Nẵng phân chia Hải Vân Quan thành hai phần. Trong đó, một phần nhỏ là bậc thang lên xuống di tích và cổng Hải Vân Quan nằm về phía Nam Đà Nẵng, và còn phần còn lại nằm ở địa phận Thừa Thiên - Huế.
Trước tình trạng di tích bị bỏ hoang nhiều năm liền, lãng phí tài nguyên văn hóa lịch sử, cả Thừa Thiên - Huế lẫn Đà Nẵng đều khao khát được chính danh địa phận để trùng tu di tích này. Cũng không ít tập đoàn, doanh nghiệp du lịch làm việc với lãnh đạo hai tỉnh để xin được cấp phép đầu tư, rốt cuộc nguyện vọng không thành vì đấy là của chung hai tỉnh.
Trước đó, ngày 17/9, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký Quyết định 6573/QĐ-UBND phê duyệt một số chỉ tiêu cơ bản cho công tác đấu thầu, để mời gọi các nhà đầu tư triển khai phát triển du lịch trên đỉnh đèo Hải Vân.
Tuy nhiên, đại diện Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết tất cả những vấn đề liên quan đến khu vực đỉnh đèo Hải Vân thì phải do Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (Đà Nẵng) và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 (Thừa Thiên - Huế) có trách nhiệm kiểm tra xác định, triển khai xây dựng, phát triển ở địa điểm đó, có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng hay không. Sau khi kiểm tra, xem xét xong thì phải có báo cáo ra Bộ Quốc phòng, khi đó mới quyết định dự án đó có được làm hay không.
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Hồ Tấn Tuấn - Giám đốc Trung tâm quản lý Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Về mặt di tích, Hải Vân Quan chưa thuộc thành phố Đà Nẵng quản lý nên chúng tôi không có ý kiến gì. 
Giờ mà thành phố hay Bộ VH,TT&DL xếp hạng và giao cho Đà Nẵng quản lý thì mình mới có nhiều biện pháp như giữ gìn, tôn tạo, phát huy giá trị. Còn Hải Vân Quan cứ đứng giữa trời như vậy, hai tỉnh thành cứ giằng co chuyện ranh giới không biết tỉnh nào quản lý tỉnh nào không thì mình có muốn cũng phải chịu chung số phận như thế chứ không thể quản lý được”.
Thật ái ngại khi mùa mưa bão đang đến mà nhiều hạng mục ở đệ nhất hùng quan đã quá mỏng manh. Đến lúc phân định rõ cụm di tích Hải Vân Quan thuộc Thừa Thiên - Huế hay Đà Nẵng, e rằng di tích có nguy cơ đã trở thành phế tích!
Những hình ảnh về Hải Vân Quan:

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Vĩnh biệt Nhà thơ Trần Từ Duy

NHÀ THƠ , NHÀ BÁO TRẦN TỪ DUY ( ĐÔNG KI RÉT)
ĐÃ TỪ TRẦN VÀO LÚC 9 GIỜ 55 NGÀY 28.10.2015 TẠI SÀI GÒN
LỄ VIẾNG  8 GIỜ NGÀY 29.10.2015 TẠI NHÀ RIÊNG 44 TRẦN VĂN DANH, P 13, QUẬN TÂN BÌNH, SÀI GÒN.
LỄ ĐỘNG QUAN 6 GIỜ  NGÀY 31.10.2015 
AN TÁNG Ở TÂN THÀNH, BÀ RỊA-VŨNG TÀU  

XIN CHIA BUỒN ĐẾN CHỊ BÌNH, CÁC CHÁU VÀ GIA ĐÌNH
CẦU NGUYỆN BẠN THANH THẢN RONG CHƠI CÕI KHÁC

nguyễn miên thảo - viêm tịnh - từ hoài tấn - nguyễn văn trai -phạmchu sa - phù hư - rừng -  lê ký thương - lê thánh thư - đức phổ - nguyên quân - triệu từ truyền - trần vàng sao - phan lệ dung -nguyễn tịnh đông - hạ đình thao - hoàng lộc - uyên hà - ba vân - nguyễn văn hải - trần phá nhạc - hoàng thị thiều anh - lê thị ngọc quý - trần dzạ lữ - nguyễn liên châu - ngô đình hài - lê nho quế sơn - hoàng kim oanh - hồng nga và bằng hữu

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Trần Bảo Định :HỐ THẲM



Thắp nén hương, 
thương nhớ ký giả Hoàng Sơn
người chịu đau khổ suốt đời 
người có tấm lòng bao dung vô hạn!

*
Tặng Nguyễn Miên Thảo, nhà báo
 
1.
Hoàng Sơn rạo rực, mình mẩy nóng rang, cố hết sức nhưng không thể. Anh úp mặt lên ngực vợ.Từ hố mắt, những hạt nước kết tụ thành từng giọt lăn qua khe khóe mắt, rơi xuống bụng Sáu Hồng, chảy xuôi theo dốc về lỗ rún. Vợ anh thương lắm, hai tay ôm đầu anh và dùng những ngón tay xỉa vào tóc chồng, như một thứ ngôn ngữ đồng cảm. Anh vĩnh viễn không thể thực hiện được nghĩa vụ mần chồng và, chị thì cũng vậy, cho đến chết cũng không thể mần được thiên chức của người vợ.
*
Nồi cháo cóc, mẹ tiễn cha con anh đi phu vào Nam, cả nhà chẳng ai buồn ăn. Trong căn nhà trống hoác và đầy ổ rơm trốn cái rét về đêm đó, đã theo anh suốt những chặn đường đời gian truân, nghiệt ngã. Anh không ngờ buổi chiều quê ấy, là buổi chiều định mệnh:Anh vĩnh biệt mẹ và đàn em nhỏ.
Quê anh Chương Mỹ, làng Tốt Động-cái làng nghèo khó và đầm lầy, từng vùi trên hai vạn quân xâm lược nhà Minh mà Nguyễn Trãi đã nhắc trong Bình Ngô Đại Cáo:'' Tốt Động phơi thây đầy nội, để thối ngàn năm!''-Đêm đất khách, ngày quê người; anh nhớ nhà, nhớ làng khôn xiết.
Cha và anh trở thành phu đồn điền Suối Máu, Bà Rịa. Rừng thiêng, nước độc đã quật ngã người phu già ở bìa rừng Cẩm Đường. Bà con phu nghèo thương tình cho anh manh chiếu để chôn cha. Anh đắp nắm mộ đất và làm bia mộ bằng cây rừng. Anh đứng chết lặng và không còn nước mắt để khóc tiễn đưa cha.
Chiến tranh mỗi ngày ác liệt và lan rộng. Những người phu đồn điền có thể bị bắt, bị giết bất cứ lúc nào nếu, tên ''cọp rần''(Cai đồn điền)nghi là phần tử Việt Minh.
Một đêm trời tối đen như mực, anh trốn lán trại đồn điền, băng đường rừng ra bãi tha ma, ôm mộ và thì thầm từ giã cha. Anh gia nhập bộ đội Miền Đông, Chi đội 10, dưới trướng tướng quân Huỳnh Văn Nghệ.
Từ đây, chàng thanh niên bản quán làng Tốt Động khác nào chim sổ lồng, mang chí nam nhi diệt thù cứu nước.
Anh tham gia trận đánh đoàn xe quân sự Pháp ở La Ngà trên Quốc lộ 20 vào buổi chiều 1.3.1948. Viên Đại tá Talles, Chỉ huy khu vực Đồng Nai Thượng bị giết.
Sau chiến thắng La Ngà vang dội, Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ được ba quân phong tặng Thi tướng, thấy rằng:Bộ đội Miền Đông cần có tờ Nhựt trình (báo) để tuyền truyền và phát động phong trào yêu nước tòng quân. Tướng quân Nghệ chọn những chiến binh có tâm hồn nghệ sĩ, yêu văn chương và thích báo chí để gửi về trên học lấy tin, viết tin. Riêng anh và một vài anh em khác, cải và hóa trang, được đưa bí mật vào cơ sở nội thành Sài Gòn học việc tổ chức một tờ báo.
*
Sau ngày đình chiến (1954) Hoàng Sơn về thành, tham gia vào làng báo Sài Gòn cùng lượt với Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Trần Tấn Quốc, Trúc Chi, Thiên Giang...Đặc biệt, rất thân Nguyễn Bảo Hóa tức Tô Nguyệt Đình. Anh cộng tác với báo Dân Chúng của Trần Nguyên Anh, do Phi Vân làm Tổng thư ký tòa soạn; báo Dân Chủ của Vũ Ngọc Các, báo Ngôn Luận của Hồ Anh...Một thời gian sau, Trần Tấn Quốc-bậc thầy về tổ chức tờ báo- kêu anh sang làm báo Tiếng Dội-một tờ báo có uy tín thời bấy giờ- nơi ông đang đảm trách Thư ký tòa soạn. Anh trở thành trợ thủ đắc lực cho nhà báo lão thành Trần Tấn Quốc. Và, tại đây anh có dịp thân quen các cây bút chủ lực của tờ báo Tiếng Dội, như:Ngọc Hồ, Ngọa Long, Triệu Võ, Triệu Công Minh...Bấy giờ, anh như cá gặp sông dài biển rộng.
Nhưng, cái sự đời đâu dễ dàng yên ả thế! Người xưa thường nói:Họa đơn vô chí, phước bất trùng lai. Biết vậy, nên ông bà mình dặn:Lúc an cư phải lo tư nguy. Hoàng Sơn chủ quan, gặp đại nạn.
*
Thằng S.T, hồi trước ở chung đơn vị với anh bị Đoàn công tác đặc biệt Miền Đông(PSE Gia Định) đóng ở bót Hàng Keo. S.T. chịu không nổi những đòn tra tấn, khai ra anh. Thiệt ra, từ ngày anh về thành đến giờ chưa có ai hoặc tổ chức nào đến móc nối anh. Vả lại, anh chẳng phải đảng viên vì lý lịch chưa rõ ràng. Hoàng Sơn bị bắt trên đường Trương Tấn Bửu khi đạp xe đạp về căn gác trọ.
Hai tháng trôi qua, anh thưởng thức ''đủ món ăn chơi'' và ''đủ mùi vị địa ngục trần gian'' ở bót Hàng Keo, Gia Định. Anh thừa chết thiếu sống không nhớ nổi bao lần.
Viên thẩm vấn muốn biết ai là Tổng Tào Lao(1) ở báo Buổi Sáng?Mối quan hệ và biết gì về tên Trần Tấn Quốc?Anh chấp nhận chết. Bởi, anh chẳng có gì để luyến lưu sự sống. Mỗi lần như vậy, anh im lặng, không khai. Chúng đánh vào thân anh, khác chi đánh vào cục đất. Anh quằn quại, chúng cũng vả mồ hôi và ê ẩm cả mình!
Lần tra tấn cuối cùng, anh bị buộc dính vào cái ''bọ ngựa'', thân thể trần truồng, con c...anh nó thụt tuốt luốt chỉ còn núm da nhầy nhầy hôi thúi. Có lẽ, nó khiếp sợ nên trốn?Cũng có thể nó ''đấm con c...''ngó cái lũ đầu trâu mặt ngựa trong cái tổ quỷ? Một thằng đen như Miên, to con như trâu đực cổ, nó dùng bàn tay ''hộ pháp'' lôi đầu con c...của anh kéo nhẵng ra. Tội nghiệp, cái đầu con c...lòi khất, muốn chui trốn đâu cũng vô phương. Chúng hì hụp dùng dây thung cột con c...của anh dính cứng ngắc vào mặt khúc cây láng o như mặt tấm thớt me.
Viên thẩm vấn cầm cây đinh loại đóng ván cầu dài hơn 1 tấc, dí vào mặt anh:
- Đ.M, tau hỏi mầy lần cuối, thằng Tổng Tào Lao trốn ở đâu?Không khai, tau cho tụi nó xỏ cây đinh nầy qua khất con c...mầy, đầu c...lìa khỏi khất. Mầy không theo ông theo bà, nhưng vĩnh viễn mầy chẳng mần nổi thằng đờn ông.
Nó đi tới đi lui, huơ huơ cây đinh cái mũi nhọn liễu, rợn người. Bất chợt nó quay lại, vỗ mạnh vai anh, diễn bộ tịch thân tình:
- Khai đi bạn-người chiến binh của Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ-Mầy giữ khí tiết để đánh đổi mất khả năng tình dục?Mầy chưa phải đảng viên, cần chi hy sinh như vậy?
Nó cầm chai rượu Ballantine's chiêu một ngụm, phun phèo phèo vào mặt anh. Anh nhắm nghiền đôi mắt, im lặng như im lặng bao lần trước. Tai anh nghe mơ hồ như tiếng chó sủa ma:
- Bọn nằm vùng ở các báo, các tổ chức văn nghệ trá hình đã bị bọn ông hốt sạch sành sanh. Chắc mầy biết:Trang Thế Hy, Viễn Phương, Lê Văn...và vài chục mạng khác đã vào nghỉ dưỡng ở Tân Hiệp, Phú Lợi, Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc...Chẵng lẽ, mầy ''mình đồng, da sắt, cặt xi măng?''
Hoàng Sơn bị đày ra Côn Đảo với con c...đã mất đầu!

2.
Người Sài Gòn đón Giáng Sinh năm 1964 trong không khí nghi kỵ và buồn tẻ. Hoàng Sơn thì khác, anh như cánh chim lữ thứ đã có tổ để về. Anh vui như chưa bao giờ được vui. Đi bên anh, Sáu Hồng-người vợ không lễ cưới-bạn tù Côn Đảo, cùng được thả ra sau ngày ông Diệm, ông Nhu bị giết. Gái nhà quê, bước những bước chưn quê trên đường phố Thành đô, Sáu Hồng tràn trề hạnh phúc.
Nắng chiều đẩy bóng những dải nhà rớt xuống lòng đường Lê Lợi, vợ chồng anh thư thả bách bộ và cảm thích lời chào mời mua hàng bán tụm năm, tụm ba dọc lề đường.
- Em, thôi mình vào Mai Hương uống nước, nghỉ chưn.
*
Vừa múc muỗng kem lạnh đưa vào miệng, Sáu Hồng cảm giác ê răng, tê buốt tận óc. Chuyện cũ chợt thoáng về, Sáu trầm ngâm hồi tưởng:Từ một đứa bé gái mồ côi, lớn lên thành thôn nữ Gò Cát, theo dì đi sớm về tối bán hàng bông ở chợ Mỹ Tho. Tụi lính đồn thấy Sáu trổ mả đẹp dáng, đẹp mặt, thường thả mồi dê...thả miết, mồi rã mà cá chẳng đoái hoài, chúng đâm ra quê...rồi, quê hóa tức...tức trở nên ghét và hại cho bỏ ghét!Trời đất, Sáu đâu ngờ một chút hồng nhan thành phận bạc. Cả xóm Gò Cát, chẳng hiểu lý do gì Đoàn Dân Ý Vụ Định Tường bắt Sáu?
Thiệt tình, Sáu biết gì mà khai, chỉ có thác thôi! Gần một năm bị giam tại Trung Tâm thẩm vấn thuộc Ty Cảnh Sát Định Tường, Sáu từ một cô thôn nữ thơ ngây chưa dám chạm vào tay con trai, trở thành đờn bà lỳ lợm...thằng nào muốn đập, muốn đánh; muốn chơi kiểu, chơi cách gì...
cái thân xác vô cảm đó thí cô hồn cho bọn ''mặt người dạ thú'' tùy nghi sử dụng. Tưởng vậy đã xong, không ngờ có mấy đứa chơi đểu, bắt lươn chui vào cửa mình...Sáu nổ đom đom mắt, chết giấc chết giả mấy lượt mấy lần...máu ri rỉ từ cửa mình cả tháng trời chưa dứt.
Lần đó, độ nửa đêm, Sáu bị dẫn lên phòng thẩm vấn. Bốn thằng quỷ ở trần, đeo mặt nạ, nặc nồng mùi rượu...đứng chờ đợi con mồi ốm tong teo, da xanh xao vàng vọt, không đứng vững phải có người kè, chưn lê từng bước một.
- Đĩ cái, lươn đ...sướng hỉ?
Âm giọng nhừa nhựa như lời của quỷ từ địa ngục vọng về. Sáu rùng mình, sỡn tóc gáy.
- Tui nói rồi, tui hổng biết hầm hố, hổng biết ''ông tối trời'' nào...
Tẹt!Tẹt! Te...âm thanh khô khốc dội ngược trần nhà. Cái áo che thân đẫm mùi ẩm mốc mồ hôi lẫn máu khô, rơi từng mảnh xuống sàn xi măng lạnh ngắt. Sáu chúi nhủi té dập đầu vô tường.
- Nọc Trưởng, không nhiều lời, chơi nó đi. Đại úy lệnh, nếu nó ngoan cố không khai, thì...
Thằng khác hình như nôn nóng.
- Lẹ lên Nọc, còn nhậu tiếp, kẻo mồi nhậu nguội!
Sáu nghe tiếng được tiếng không, lũ chúng dựng Sáu đứng dậy, buộc từng nuột dây vào cây cột dùng chơi trò ''đi tàu bay''.
- Đĩ cái, tau hỏi lần chót:Mầy khai không?
- Tui biết gì khai với mấy ông?
Cái thằng nhỏ thó, dáng nhóc con, tiếng the thé; tay cầm cái kềm răng bén ngót, tay nâng nâng bóp bóp vú. Sáu bị chúng buộc cứng ngắt, chẳng cựa quậy né tránh vào đâu được. Chợt nó vò vò, se se hai đầu núm vú.
- Mẹ mầy, cho mầy được phép ngó hai đầu núm vú của mầy lần chót, con đĩ!Đời mầy tàn rồi con, tới chết mầy cũng chẳng thể làm mẹ.
Thằng khác chen vô:
- Khí tiết! Khí tiết, cái con mẹ mầy!
*
Ly kem tan thành nước, phố bắt đầu thắp đèn. Những tà áo dài đủ sắc màu lộng lẫy của thiếu nữ Sài Gòn ken nhau theo chiều gió. Khung cảnh thanh bình, bởi bom đạn chưa về đến Đô thành. Hoàng Sơn ngồi im, tôn trọng nỗi đau của vợ; đến lúc phát hiện dòng nước mắt chảy lên khuôn mặt đôn hậu, thiệt thà của Sáu, anh cầm lòng chặng đặng.
- Về nhà thôi mình!
Khách trong bar Mai Hương tưởng vợ chồng có chuyện cãi nhau. Họ nhìn theo, bĩu môi!?
*
- Cậu em(2), sớm mai xuống xưởng in phụ sắp bản kẽm, sửa bản in.
- Thưa anh, em học việc chưa biết gì, sao dám phụ sửa sắp?
- Rồi cậu sẽ biết!
Ký giả Hoàng Sơn nói câu chắc nịch.
Thời gian, sợi dây ràng buộc tình thân giữa vợ chồng Hoàng Sơn và cậu em. Họ làm việc chung, cùng ăn ngủ chung nhau trên căn gác xép tòa soạn báo Cứu Dân, Dân Kêu, số 261.đường Phạm Ngủ Lão, Sài Gòn, cặp hai bên là báo Tiếng Vang, Độc Lập.
Hàng ngày, Sáu Hồng đi chợ, lo cơm nước; cậu em chịu khâu săn tin, lấy tin và làm mọi việc được phân công, Hoàng Sơn vừa Quản trị, vừa viết bài...đồng thời, quán xuyến tờ báo. Hoàng Sơn là một trong rất người tổ chức hiệu quả tờ báo. Nhưng, anh giấu mặt, giấu tên, âm thầm và mê công việc báo chí. Một số anh em chí cốt với anh trong làng báo Sài Gòn thời đó, thắc mắc
thì anh tâm sự: Mình bỏ việc báo Dân Ý chẳng khác chi tên tội phạm chạy trốn. Chúng tức, lùng sục kiếm tìm, biết mình làm báo ở đâu chúng đến phá ở đó. Muốn yên, mình lặn. Vậy thôi!
Ngủ chung sàn gác với vợ chồng anh, cậu em ái ngại; xin ngủ chỗ khác, vợ chồng anh giận và không cho. Đôi khi anh uống chung rượu theo cơm, cười khà khà rồi bảo:
- Tau với chị cậu mầy có làm được trò khỉ chi, cậu mầy ngại.
Rồi, anh nói một hơi tuốt tuồng tuột:
- Cậu em mầy, biết con Lu Lu ngủ chung với anh chị cậu mầy bao lâu chưa?Còn 1 tháng 21 ngày nữa chẳng 3 năm. Có đêm chị cậu mầy ôm nó ngủ, có đêm anh mầy. Nhiều đêm, giành con Lu Lu mà vợ chồng hờn mát. Nầy, Lu Lu có ngại bao giờ?
Chị nói khi trời trái gió, chị đau nhức và có cảm giác hàng triệu triệu con kiến, con bọ dòi...lúc nhúc bò thấu ruột gan trong người chị. Anh kể, mỗi lần chị rờ con c...anh tù vù đứt đầu, chị ngó đầu núm vú mình đứt lìa bầu vú. Vợ chồng phá lên cười rung rinh sàn gác, cậu em thức giấc nằm im. Chị nói như đùa: Mình c...đứt đầu, em vú đứt núm. Có lẽ, ý trời cho tụi mình muốn thành chồng vợ thì phải như vậy chăng?Nói xong, vợ chồng anh cười khúc khích!
*
Thời đó, Sài Gòn báo phát hành buổi chiều. Đường Phạm Ngũ Lão từ đầu chí cuối có nhiều tòa soạn báo nên chộn rộn tiếng người; đông ken xích lô máy, xích lô đạp chờ chực nhận báo đi giao mối. Một hôm, tự dưng có người đậu xích lô đạp trước tòa soan Dân Kêu cạnh tòa soạn báo Tiếng Vang, bỏ xích lô, vụt chạy trối chết về hướng chợ Thái Bình. Bà con tưởng cướp giựt, chận bắt và dẫn về tòa soạn báo Dân Kêu. Ông ta sụp lại như tế sao ký giả Hoàng Sơn. Trời đất, quỷ thần, chẳng ai hiểu ất giáp gì cả.
Hoàng Sơn tỉnh rụi, bảo cậu em ghi sổ giao báo, còn mình nắm tay ông đạp xích lô chỉ ngõ trèo lên gác.
- Mình ơi!Có bạn đến chơi.
Ông đạp xích lô vịn cầu thang, bước từng bậc, chưn run như cầy sấy, mồ hôi vả ra ướt áo.
- Chào Thẩm vấn!Ông khỏe không?
- Lạy ông, đừng gọi con như vậy!
Kẻ đóng đinh đứt đầu c...ngày xưa, giờ đương quỳ trốn mặt trên sàn gác. Cuộc hội ngộ không hẹn và lạ lùng. Sáu Hồng bưng nước trà mời bạn chồng, thấy chuyện kỳ cục nhưng chẳng tiện hỏi.
- Mời anh dùng nước.
Tên Thẩm vấn ngước đầu lên.
- Thưa bà, con không dám!
Sáu Hồng hốt hoảng:
- Chết!Sao anh nói vậy!

3.
Kể từ lúc gặp lại viên thẩm vấn bót Hàng Keo-họ tên đầy đủ là Hoàng Đình Tư-Anh thường đứng lóng ngóng trước cửa Tòa soạn báo vào giờ báo phát hành, như có ý chờ đợi cố nhân. Đã nhiều buổi chiều như thế!
Hoàng Sơn buồn dàu dàu, nét mặt thường đăm chiêu:Mình nói với Đình Tư rồi, những chuyện cũ mình liệng vào lòng biển, khi con tàu đưa tù nhân-trong đó có mình-đến Côn Đảo. Thiệt lòng, mấy năm đầu anh nuôi thù trả oán, mỗi lần ngó con c...đứt đầu, trái tim anh khó thở, khí huyết trào ngược lên não, hận thấu xươngg. Anh thề sẽ trả mối thù bất cộng đáy thiên nầy!Chẳng phải thời gian xoa dịu mối thù mà, thời gian giúp anh chiêm nghiệm thiện ác trong cuộc sống của con người. Đất nước, gió mây, mưa nắng... tạo nên cái đẹp thiên nhiên tuyệt trần, nó tích tắc biến đổi theo thời gian trong cái đảo tù địa ngục. Với anh, thiên đàng ở nơi địa ngục và ngược lại. Rồi những đêm thanh vắng, chưn bị xiềng, anh nằm nghiêng nghe sóng đại dương quất từng chập vào bờ biển đảo âm thanh ghê rợn. Anh tự hỏi, ai quất vào ai?Sóng đại dương hay bờ biển đảo?Anh ngộ ra, thiên hạ bày trò, anh em đổ máu và thù hận. Thiệt lãng xẹt! Những ngày đốn cây rừng Ma Thiên Lãnh, nhìn bầu trời xanh, khói sóng nối biển tận chưn mây, anh thắc mắc:Cái hố thẳm nào sinh, cái hố thẳm nào diệt?Diệt-Sinh ẩn núp trong cái lỗ đen hay, cái lỗ đen đẻ ra Sinh-Diệt?Lần hồi, thâm tâm anh nhạt dần thù hận và nó chết trong tim anh lúc nào anh cũng không rõ.
Anh gọi kẻ thù cũ bằng bạn khi giới thiệu viên thẩm vấn với vợ là, anh tự xóa thù. Vả lại, tuyệt nhiên, anh không muốn cơn đại hồng thủy thù hận tràn ngập vào người thân; đồng thời, anh không ''xỏ lá'' trước sau một mực thiệt tình giữ thể diện đẹp cho bạn.
Tại sao, Đình Tư không đạp xích lô đến lấy báo Tiếng Vang chở đi bỏ mối?Anh bồn chồn trong bụng. Cố lánh mặt anh hay có chuyện?
- Cậu em, trưa mai sẵn đi lấy tin, cậu ghé dọc theo đường Phạm Ngũ Lão thử dò hỏi mấy đứa đạp xích lô coi Đình Tư cả tuần nay sao vắng, không chở báo.
Trước khi trở lên gác, anh còn dặn, sợ cậu em quên.
*
Viên thẩm vấn Hoàng Đình Tư theo gia đình di cư vô Nam, tham gia Đảng Cần Lao và được tuyển chọn vào ngạch Thẩm sát viên thuộc Đoàn công tác đặc biệt Miền Đông (PSE Gia Định).
Sau ngày Đệ nhất Cộng Hòa bị lật đổ, Đình Tư bị bắt, hứng những trận đòn thù từ phe đảo chánh và bị đày ra Phú Quốc, đến giữa năm 1967 mới được thả ra trong cảnh ngộ thân tàn ma dại, vợ con ly tán. Ở nhà thuê khu Hàng Xanh, mướn xích lô đạp kiếm sống đắp đổi qua ngày.
Anh bâng khuâng nhớ lại những gì Đình Tư thố lộ cùng anh trong chiều hội ngộ. Trôi theo dòng suy nghĩ, Hoàng Sơn không để ý cậu em đang đứng bên cạnh.
- Thưa anh, em nhờ chú Hai Néo chở báo Chính Luận bên đường Hai Bà Trưng nhắn Đình Tư đến tòa soạn gặp anh, có chuyện cần gấp.
Anh mừng ra mặt, nhét 50 đồng vào túi áo cậu em, thưởng công.
*
- Tôi đã nói với bạn rồi, chẳng ai chặn và níu thời gian chậm hoặc dừng lại được. Chuyện qua thì tự nó đã qua. Giờ tôi với bạn là người với người, chớ nào người với thú!Tôi không thù bạn, mắc mớ gì bạn tạo tâm lý ức chế giả mạo thù để sợ thù. Quên đi bạn.
Hai anh em ngồi lề đường Lê Lai uống La de Con Cọp với dĩa nghêu luộc nóng hổi. Anh không muốn tiếp Đình Tư tại tòa soạn, ngại vợ nghe chuyện.
Khuôn mặt nhăn nheo già trước tuổi của Đình Tư, hứng những giọt nước mắt muộn màng hay đúng lúc thì anh không biết; chỉ biết rằng, tất cả chuyện đời từ cái tâm mà ra. Anh không oán trời, trách người; anh không nãn chí ngã lòng khi phải trực diện cái đau khổ, cái chết...Anh đã quá rồi, đã đến đổi đó là niềm vui để sống. Nói vậy, anh chẳng có ý triết lý ''ba xu'' dạy đời, chỉ là thực cái bụng đối với kẻ hôm qua là thù, hôm nay là bạn.
- Thưa anh, tôi không xứng...
Anh khoác tay, chặn:
- Không xứng với xứng cái con mẹ gì trong cái cuộc đời hối hả và ngắn ngủi.Ta biết sống cái đã. Mọi thứ chỉ thực khi là mộng.
Anh nhận Đình Tư vừa một chưn bảo vệ tòa soạn, một chưn tiếp tục lấy báo Tiếng Vang bỏ mối
để có thêm thu nhập. Sáu Hồng vô tư, không biết hai người đờn ông đó từng có''kỷ niệm đối đầu trời sầu đất thảm''. Nếu biết, chắc gì Sáu Hồng để Đình Tư yên?
Hoàng Sơn là con chim rừng đại ngàn lạc giữa đồng loại. Anh đi và về lủi thủi một mình cô độc. Anh thương quê nhà và yêu lẽ phải. Anh là nạn nhân cái bình thường nhất của đời người, đôi khi trở thành lực cản kẻ háo danh và tham vọng. Anh chạy trốn với chính mình vì, anh sợ mình có chữ nhưng thiếu nghĩa; anh sợ người quyền cao chức trọng vì,người quyền càng cao chức càng trọng, dễ trỗi dậy thú tính nếu cái tâm thiếu tu dưỡng.. Anh cô đơn giữa Đô thành Sài
Gòn, lạc loài giữa rừng tòa soạn báo chí đường Phạm Ngũ Lão. Tờ báo Dân Kêu không là tờ báo ''lá cải'', tờ báo của người ''áo rách khố ôm'', nhưng thiếu tiền, không thế lực, mỗi số phát hành ít ỏi nên chìm trong rừng sách báo Sài Gòn.
Do vết thương cũ hành hạ, Hoàng Sơn ngày một đau yếu. Tờ báo Dân Kêu bị quy luật thị trường ''Cá lớn đớp cá bé'' ngày càng suy sụp theo sức khỏe của Hoàng Sơn. Một hôm, anh kêu cậu em lên gác nói chuyện:Anh em mình đến lúc chia tay. Hợp tan, lẽ thường khi trong cái trời đất mênh mông nầy. Cậu còn quá trẻ, hãy tự chọn cho đời mình một con đường với hành trang ''Dân Kêu''.Đừng buồn cậu em, đừng bịn rịn nhục chí nam nhi.
Đêm nằm chờ sớm mai chia tay, Hoàng Sơn nói rất nhiều chuyện đời, chuyện người...cốt truyền kinh nghiệm để cậu em nghe và suy nghĩ khi độc hành vào chốn ''trường văn, trận bút''.
Anh kể rằng, lúc ở tù Côn Đảo về, anh bơ vơ trên đất Sài Gòn, may nhờ có Trần Tấn Quốc rồi sau đó, Văn Lương, Tô Nguyệt Đình và một số bằng hữu thương giúp đỡ.
Đầu năm 1964, anh ngã bịnh một trận thập tử nhất sinh, anh chị em Hội Ái Hữu Ký giả tổ chức quyên góp được một số tiền, giao cho ông PVĐ Chủ bút một tờ báo nổi tiếng ''lá cải'' ở Sài thành thời đó, thay mặt Hội chuyển đến anh. Nhưng, gặp phải tay ''trời thần'' cỡm hết số tiền.
Khi anh hết bịnh, ông ta dàn dựng rũ một số ký giả trong Hội đến thăm và trao bao thư dán kín cho anh trước mặt mọi người, gọi là tiền của Hội gửi. Khách về, anh xé bao thư tiền chẳng có, toàn giấy vụn. Anh cười ngất muốn rụng luôn con c...!Vài hôm sau, ông Đ. điện thoại xin lỗi, anh trả lời:Ông xài dùm, tôi khỏi xài...tiền mất đi đâu mà lỗi với phải!
Tiếng xích lô máy chạy ngoài đường, có lẽ giờ nầy đã quá nửa đêm về sáng. Anh tặc lưỡi nhiều lần khi nhắc đến cuốn Tiểu thuyết ''Cọp Ba Móng'' bởi, anh thai nghén nó từ hồi còn mặc áo chiến sĩ Chi đội 10 ở Đồng Nai.
Người bạn thân thiết anh, Văn Lương góp ý thẳng thắn ''Cọp Ba Móng'' lúc còn bản thảo. Đến khi tác phẩm ra đời, tên anh biến thành Sơn Linh(!?) vì, người bạn- một Soạn giả kiêm Ký giả- nhảy xỏm vào và anh mất luôn bản quyền!
Cậu em thốt lên:
- Nghe sao buồn quá!
4.
Thời cuộc chuyển nhanh, khó lường. Hỏa châu đỏ trời Đô thành đêm và bom đạn cày nát phố phường. Tết Mậu Thân!
Hoàng Sơn thắt tha thắt thõm, trông đứng trông ngồi Đình Tư. Kinh nghiệm người lính chiến trường, anh bình tĩnh và phán đoán hướng đi của làn đạn chính xác. Anh lo cho Đình Tư vì nghe nói khu Hàng Xanh bom đạn đã san bằng. Mấy lần anh dọm lấy xe đạp, đạp ra ngoài đó coi sự thể. Vợ can ngăn:
- Mình đau yếu thế nầy, đạn bom rần trời...Em không cho mình đi.
Anh trăn trở, thao thức theo tiếng bom rơi!
*
Đình Tư bặt tăm. Chắc là, đã chết trong loạn lạc!
Tòa Soạn báo Dân Kêu bị Cảnh sát nhiều lần sách nhiễu, lập biên bản tịch thu báo, bị bắt buộc gỡ bỏ áp-phích quảng cáo:Ai thiếu gạo, đọc Dân Kêu! Báo càng bị tịch thu, nguy cơ sập tiệm càng gần. Sức anh kiệt dần...Tờ báo Dân Kêu tắt tiếng khi Tổng Thống Thiệu ban hành Sắc luật 007/72 ký ngày 5.8.1972, buộc mỗi tờ nhật báo muốn hoạt động phải kí quỹ 20 triệu đồng. Chủ bút nào không nộp tiền kí quỹ đủ, đương nhiên bị rút giấy phép.
''Dân Kêu'' tự đóng cửa. Đêm anh ho nhiều, con chó thay chị truyền hơi ấm cho anh. Chị không thể sưởi ấm anh vì, trong cơ thể của chị như có hàng triệu con kiến, con bọ dòi bò lúc nhúc...da thịt chị đụng vào bất cứ đâu, nó cũng đau và giật nẫy mình lên. Anh quơ tay vuốt tóc chị:
- Tội nghiệp mình!Tui chết mình ở đâu?
Anh thấy nụ cười của vợ qua ánh đèn đường hắt lên căn gác.
- Anh không thể chết. Chết bỏ vợ lại cho ai?
Vợ chồng nhìn nhau cười như đuổi thần chết đi chơi chỗ khác. Con chó cũng đồng tình, dúi đầu vào ngực chủ mấy cái. Ngoài trời, mưa đêm lâm thâm!
Hai ngày sau, anh bảo vợ gối đầu lên cánh tay chồng, tay anh xoa đôi gò má chị. Đột nhiên anh hôn chị.
- Mình còn thiếu tiền thuê nhà 2 tháng, anh giao em chiếc nhẫn ngày đó thay lễ cưới và số tiền để hộc bàn tài liệu của anh. Mai nầy hữu sự, em thanh toán nợ nần.
Chị cố phá tan cái điềm gỡ:
- Có gì thận trọng lo toan vậy, phu tướng của em?
Nói thì nói cứng, chớ trong lòng chị đâm lo.
Giọng anh khàn khàn, đục đục; hơi thở mong manh như làn khói.
- Anh chết, thiêu xác rồi mang nắm tro tàn về gửi chùa Tân Hiệp, để hồn anh được nghe kinh kệ. Còn em, rời Sài Gòn trở lại nơi đã sinh.
Anh ngưng nói để thở, tay mân mê tóc vợ:
- Em ơi!Mình từ hố thẳm mà ra, rồi quay về hố thẳm...thương tiếc cũng chẳng được gì em, chỉ tội cho nhau. Chuyện vô thường mà !
Chị ngồi bật dậy, bụm miệng chồng:
- Mình đừng làm em sợ!
*
Ngày 29 tháng 3 năm Qúy Sửu, tức ngày 1.5.1973, Hoàng Sơn trút hơi thở cuối cùng trên tay người vợ yêu quý. Anh bất động, lắng nghe tiếng thời gian!
TRẦN BẢO ĐỊNH
Tân An, đêm 23. 10.2015.
*
(1)Bút danh của Trần Bạch Đằng, nguyên Bí thư Khu ủy Sài Gòn-Gia Định
(2)Nguyễn Miên Thảo, nhà báo, nhà thơ
*
Ảnh:Từ trái
1. Bùi Giáng 2. Thanh Tâm Tuyền. 3. Mai Thảo. 4. Nguyễn Xuân Hoàng.
tại Tòa soạn Văn, 38. Phạm Ngũ Lão Saigon (1973)

Chép lại từ FB Trần Bảo Định
Top of Form

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Chân dung 13 vị vua triều Nguyễn


– Vua Gia Long (1762 – 1820) là vị Hoàng đế đã thành lập nhà Nguyễn, vương triều phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Ánh (thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh), trị vì từ năm 1802 đến khi qua đời năm 1820.
vua_gia_long_chan_dung
Chân dung vua Gia Long
 Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh (1791 – 1841), tức Nguyễn Thánh Tổ, là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, Được xem là một ông vua năng động và quyết đoán, Minh Mạng đã đề xuất hàng loạt cải cách từ nội trị đến ngoại giao, trong đó có việc ngăn chặn quyết liệt ảnh hưởng phương Tây đến Việt Nam.
Chân dung vua Minh Mạng
Chân dung vua Minh Mạng
– Vua Thiệu Trị (1807 – 1847) là vị Hoàng đế thứ ba của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1841 đến 1847. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa.
Chân dung vua Thiệu Trị
Chân dung vua Thiệu Trị
– Vua Tự Đức (1829 – 1883), là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm hay còn có tên Nguyễn Phúc Thì, là con trai thứ hai của vị hoàng đế thứ 3 triều Nguyễn, Thiệu Trị. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Trong thời gian trị vì của ông, nước Đại Nam dần rơi vào tay quân Pháp.
Chân dung vua Tự Đức
Chân dung vua Tự Đức
– Vua Hiệp Hòa (1847 – 1883) là vị vua thứ sáu của vương triều nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Tên thật của ông là Nguyễn Phúc Hồng Dật, còn có tên là Nguyễn Phúc Thăng, là con thứ 29 và là con út của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận. Ông lên ngôi tháng 7/1883, nhưng bị phế truất và qua đời vào tháng 10 cùng năm.
Chân dung vua Hiệp Hòa
Chân dung vua Hiệp Hòa
– Vua Kiến Phúc (1869 – 1884), tên húy là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, thường được gọi là Dưỡng Thiện, là vị vua thứ bảy của vương triều nhà Nguyễn. Ông là con thứ ba của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi. Kiến Phúc lên ngôi năm 1883, tại vị được 8 tháng thì qua đời khi mới 15 tuổi.
Chân dung vua Kiến Phúc
Chân dung vua Kiến Phúc
– Vua Hàm Nghi (1871 – 1943) là vị Hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn, là em trai của vua Kiến Phúc. Năm 1884, Hàm Nghi được đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra ngoài và phát hịch Cần Vương chống thực dân Pháp. Phong trào Cần Vương kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt. Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie).
Chân dung vua Hàm Nghi
Chân dung vua Hàm Nghi
– Vua Đồng Khánh (1864 – 1889), miếu hiệu Nguyễn Cảnh Tông, là vị Hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1885 đến 1889. Tên húy của nhà vua các tài liệu ghi khác nhau, nơi thì ghi là Nguyễn Phúc Ưng Kỷ, Nguyễn Phúc Ưng Thị, Nguyễn Phúc Ưng Biện, Nguyễn Phúc Chánh Mông, ngoài ra còn có tên Nguyễn Phúc Đường. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, được vua Tự Đức nhận làm con nuôi năm 1865.
Chân dung vua Đồng Khánh
Chân dung vua Đồng Khánh
 Vua Thành Thái (1879 – 1954) là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Bửu Lân, còn có tên là Nguyễn Phúc Chiêu. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu (Phan Thị Điểu). Do chống Pháp nên ông bị đi đày tại ngoại quốc.
Chân dung vua Thành Thái
Chân dung vua Thành Thái
– Vua Duy Tân (1900 – 1945) là vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn (ở ngôi từ 1907 tới 1916), sau vua Thành Thái. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên ông bất hợp tác với Pháp và bí mật liên lạc với các lãnh tụ khởi nghĩa Việt Nam. Vì lý do này, ông bị người Pháp đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Chân dung vua Duy Tân
Chân dung vua Duy Tân
– Vua Khải Định (1885 – 1925), hay Nguyễn Hoằng Tông là vị Hoàng đế thứ 12 nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ 1916 đến 1925. Ông có tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn, con trưởng của vua Đồng Khánh và bà Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục.
Chân dung vua Khải Định
Chân dung vua Khải Định
– Vua Bảo Đại (1913 – 1997) là vị Hoàng đế thứ 13 và cuối cùng của triều Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam. Tên húy của ông là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên là Nguyễn Phúc Thiển , tục danh “mệ Vững” là con của vua Khải Định và Từ Cung Hoàng thái hậu. Đúng ra “Bảo Đại” chỉ là niên hiệu nhà vua nhưng tục lệ vua nhà Nguyễn chỉ giữ một niên hiệu nên nay thường dùng như là tên nhà vua.
Chân dung vua Bảo Đại
Chân dung vua Bảo Đại
(Sưu tầm)
 http://webdulichhue.com/anh-dep/chan-dung-13-vi-vua-trieu-nguyen.html

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

THÁNG MƯỜI Ở SÀI GÒN



Tháng mười ở Sài Gòn
Sáng nào cũng ngồi ở café 27 với NQT
Không làm gì không nói gì
Hình như cười cũng ít
Có vài bạn ngồi chung
Cũng không buồn nói
Họ làm gì
Với mấy cái máy điện thoại thông minh
Vật vã với công nghệ hiện đại vì chúng ta vốn là người của thế kỷ trước

Tháng mười ở Sài Gòn
Mưa không nhiều như mọi năm
Nhưng lại ngập lụt và tắc đường triền miên
Đi làm cũng mệt
Người về hưu cững không biết đi đâu mỗi buổi chiều vắng vẻ
Vì mưa cũng khác
Cơn mưa kéo dài (như  mưa dầm ở Huế)
Không phải mưa Sài Gòn cũ
Thật khó chịu khi ngồi lâu hay đợi lâu
Trên vỉa hè chật chội

Tháng mười ở Sài Gòn
Gặp nhau vào mỗi sáng
Không có gì để phải âu lo
Những năm tàn của các vị “trưởng lão”
Tháng mười của nước Nga xa xưa
Tháng mười của thời Trung hoa phong kiến
Của những cuộc cách mạng không còn để lại dấu vết
Như những năm tàn của các vị “trưởng lão”
Trong quán bụi thời gian
Tro tàn quá khứ
Chiêu hồn kẻ vô danh
Quanh quất báo oán

Tháng mười ở Sài Gòn
Nỗi ngậm ngùi cũng già nua
Như cuộc sống

TỪ HOÀI TẤN