Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Giới thiệu tác giả TRẦN BẢO ĐỊNH

Tuần này, tác giả Trần Bảo Định gởi tặng 4 tác phẩm do NXB Văn hóa Văn Nghệ xuất bản:
- Ngao du sơn thủy - Thơ
- Vợ tôi - Thơ
- Làng tôi - Thơ
- Kiếp ba khía - Tập truyện ngằn

Trân trọng cám ơn tác giả và xin giới thiệu với quý độc giả


ĐỌC TẬP THƠ ''Vợ tôi'' CỦA NHÀ THƠ TRẦN BẢO ĐỊNH


MỘT GIỌNG THƠ HỒN HẬU CỦA NGƯỜI ĐẤT PHƯƠNG NAM

 Nhà thơ Đoàn Thạch Hãn


          Nếu thơ Trần Bảo Định không đủ sức gợi cho tôi những cảm xúc tuyệt vời trong tâp thơ ''Vợ tôi'', thì chắc chắn tôi không bao giờ viết những dòng chữ nầy, dẫu cho có thân tình đến mấy. Bởi lẽ, trước hết rằng, tôi viết bằng tất cả sự rung động của trái tim và cho chính mình đọc, như một người đi tìm cái thú thưởng  ngoạn trong trò chơi chữ
nghĩa. Xếp lại tập thơ ''Vợ tôi'' sau khi đọc xong, lòng tôi thẫn thờ và tràn  đầy cảm  xúc, một thứ cảm xúc chân  thực mà từ lâu lắm  rồi, tôi  tưởng  đã  mất. Thật ra, tập thơ ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định đã thuyết phục được tôi và buộc tôi phải viết.
               Một điều rất thú vị, trong suốt dòng chảy  sinh động của thi ca Việt Nam  khi viết về vợ, thì ngày xưa cụ Tú Xương  cũng từng có  bài thơ ca ngợi sự tần tảo ngược xuôi của người vợ hiền yêu dấu, Đến thời thi sĩ Đông Hồ, ông được người đời biết đến với bài thơ ''Khóc vợ''.Rồi trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nhà thơ Yên Thao
nổi tiếng với bài thơ ''Nhà tôi'', với những câu nói về người vợ trẻ hết sức tuyệt vời ...
Và, còn nhiều những người làm thơ, thuộc nhiều thế hệ cũng đã viết về người bạn đời đầu ấp tay gối của mình,bằng tất cả thương yêu một cách trân trọng và tài hoa.Nhưng, tựu trung chỉ có năm ba câu hoặc giả vài ba bài  mà  thôi.  Còn như cả tập thơ chỉ viết về một con người - Người vợ - với 78 bài  và lấy  luôn  cái tựa đề ''Vợ tôi'', thì xưa nay 
chỉ duy nhất có nhà thơ Trần Bảo Định.
         Sẽ không ít người cho rằng, tình yêu đối với một nàng thơ kiều diễm nào đó mới thực sự là chất liệu mộng mơ, làm thăng hoa chữ nghĩa đến vô tận. Còn như ''vợ'' nhà cũ rích - xưa như trái đất - có gì hứng thú, mà sáng tác đến  78 bài thơ?  Ắt hẳn, Trần Bảo Định là một tay khéo''nịnh vợ''và như thế, sẽ không tránh khỏi gượng ép sáo mòn
Nghi vấn đó,chắc chắn sẽ được xóa tan nếu ai có trên tay tập thơ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định và chỉ cần chịu khó đọc một số bài, sẽ bị cuốn hút ngay - một thứ cuốn hút say say và kỳ lạ - không thể từ chối.
       Cái hay của tác giả là rất khéo bố cục một tập thơ với những bài thơ riêng lẻ được sáng  tác ở những  khoãng thời gian và  không gian  khác nhau, theo  trình tự một câu chuyện tình có trước có sau, để rồi từ đó, gửi gắm hết những yêu thương, trăn trở bên người bạn đời thủy chung, lúc son trẻ đến buổi bạc đầu.
        Hồn cốt câu chuyện được xâu chuỗi xuyên suốt qua diễn tả từng bài, đã làm cho ''Vợ tôi'' trở nên hấp dẫn,  không gây sự  nhàm  chán ở  người đọc, đó là chưa tính đến chất giọng thơ hồn hậu,  đặc thù âm điệu và  nguồn cảm hướng phương Nam, làm cho nó càng thêm độc đáo và đắc giá.
         Giờ thì, chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ Trần Bảo Định bắt đầu tập thơ ''Vợ tôi'' với bài thơ ''Gặp em''. Ở đây, chúng ta dễ nhìn thấy rất đời thường, hai vợ chồng trong tuổi về chiều, ngồi bên nhau trìu mến, nhắc lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy:
                                        '' Ngập ngừng anh ngỏ ý thương
                                          Rụt rè, em rút tay buông, thẹn thùng
                                          Kể từ hôm ấy nhớ nhung
                                          Bóng hình anh chạm tận cùng cõi yêu ''
             Ba câu đầu chân quê lắm, nhưng đến câu thứ tư thì không - lời thơ bóng bẩy và  sâu sắc. Khi hình  bóng đã  chạm -  tác giả dùng chữ ''chạm'' ở đây,  rất đắc địa - đến''tận cùng cõi yêu'' rồi, thì xin thưa, không còn chữ nghĩa nào đủ để diễn đạt nữa.
                   Bài ''Nhận lời cầu hôn'', Trần Bảo Định tỏ ra một chút ''lém lĩnh'' đáng yêu của người lính trong thời binh đao khói lửa,  đem sự sống chết nay còn  mai mất làm lợi thế với người mình yêu:
                                         ''  Chiến tranh vui ít, lo nhiều
                                            Biết còn sống sót mà chìu chuộng nhau
                                            Thôi thì, năm miếng trầu cau
                                            Một chai rượu lễ có nhau trọn đời''
      Thế rồi, ''Tiệc cưới'' cũng được tổ chức, đã có tiệc cười thì phải có ''Đêm tân hôn'' Một đêm tân hôn thời chiến nơi chốn bưng biền nào đó,không có pháo đỏ rượu nồng, không ánh đèn màu hoa chúc,chỉ có ngàn sao trời lấp lánh cùng ánh lửa bập bùng, đủ để nhìn khuôn mặt khốn khó quê hương, nhìn  khuôn mặt tinh khôi vào độ xuân thì
vừa nở, với bao hẹn thề son sắt.  Có lẽ,  đó là chất liệu , thôi thúc  Trần Bảo Định viết lên những câu thơ xuất khởi tiếng lòng:
                                           '' Gối đầu, mình gối chung lòng
                                              Màn trời chiếu đất động phòng tân hôn''
        Rồi cũng chính tình yêu, đã gia cố thêm cho niềm tin vững mạnh ở ngày mai.
                                             '' Bên anh, em nở hoa cười
                                               Tin ngày mai xán lạn trời bình yên''
                                                                    ( Đêm tân hôn )
        Cứ thế, Trần Bảo Định trong tập thơ ''Vợ tôi'' trở thành một người  dẫn  chuyện khá nhuần nhuyễn, rất thực và chân thành.Càng đọc và đi sâu, người đọc càng thấy anh khai thác chất hồn hậu rất tự nhiên như vốn có sẵn trong máu,  mà anh không thể làm khác đi cái tính chất của mình.
         Điều thành công lớn của tác giả là, đã bồi đắp cho cái hồn hậu đó những ý tứ thơ vượt qua rào cản lý tính. để hoàn toàn đến với cảm tính tâm hồn:
                                            '' Trời mù chưa kịp bình minh
                                               Tôi còn quanh quẩn bờ kinh, vạt rừng
                                               Bấm tay, đếm đốt áng chừng
                                               Bây giờ có lẽ vợ mừng sinh con ''
                                                                  ( Vợ sinh con đầu lòng )
        Có thể nói rằng, thông qua những bài thơ trong tập thơ ''Vợ tôi'', tác giả là một người chồng mẫu mực, sống có thủy có chung và hẳn nhiên rất thương vợ. Nhưng, nói đi thì cũng cần nói lại, tác giả cũng là người đàn ông hạnh phúc vì được trời ban cho một nửa đời mình quá tuyệt. Không hết mình yêu thương và ngợi ca  mới là lạ!
        Điểm đáng nói thêm ở tập thơ, ngoài thơ lục bát, thơ bảy chữ, một số  bài thơ năm chữ của Trần Bảo Định cũng đạt đến độ chín mùi và điêu luyện trong  câu chữ vần điệu. Theo tôi, nếu không lầm, Trần Bảo Định đã làm thơ  từ rất sớm  và có tay nghề, nên mới gặt hái kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay. Vẫn chất giọng mộc mạc không cần trau chuốt, khoe chữ hay làm dáng, Trần Bảo Định rất dung dị đi vào thơ.
                                              ''  Mình ôm con sưởi ấm
                                                 Trong vòng tay mẹ hiền
                                                  Nơi đất trời sâu thẳm
                                                  Có lòng mẹ vô biên ''
                                                            ( Đêm bịnh viện )
        Dường như ở thơ năm chữ, thơ tự do, Trần bảo Định  mới hé mình bộc lộ cái chất triết lý của người có nền tảng sở học và nhiều trăn trở:
                                            ''  Con đi tìm hạnh phúc
                                                Hạnh phúc đâu con tìm
                                                Hạnh phúc từ trái tim
                                                Từ nơi con đang sống ''
                                                            ( Nói với con trai )
       Hoặc khi nói với con gái, nhà thơ như tự sự với chính mình:
                                               '' Tiếng mẹ ru đầu đời
                                                  Dưỡng hồn con sáng tươi
                                                   Cho con tình mẫu tử
                                                   Yêu đất nước, yêu người

                                                   Lớn lên con sẽ hiểu
                                                   Vì sao mẹ yếu gầy
                                                    Ngày qua ngày túng thiếu
                                                    Dìu con vào tương lai!
                                                               ( Nói với con gái )
        Ở một số bài khác, tác giả viết với một tâm thế đầy ẩn dụ, như:
                                                 '' Nắng tự do
                                                   Sau buổi chiều gió bụi
                                                   Ngày về.
                                                   Mình đơm khuy nút
                                                   Buộc ràng nhau
                                                  Thống thuộc
                                                     ............
                                                     Con đường thẳng thớm
                                                     Không tương lai
                                                     Vô nghĩa
                                                     Lầu son gác tía
                           Không đổi được cái bàn máy may tay mình 
                                                     Hạnh phúc!
                                                                         ( Nói với vợ )
        Thời chiến, chồng ở chốn sa trường, vợ ở quê nhà vò võ nhớ thương, lắm lúc:''Chiều xa thăm thẳm nhớ người / Cò bay lạc xứ tôi thời lạc anh'',hoặc có khi người vợ ngồi tựa cửa:''Nhâm nhi lệ mặn tình yêu/Lăn dài trên má bóngchiều mênhmông''mà tác giả đã thố lộ trong bài thơ ''Bến xưa''.Chiến tranh đã làm bao chinh phụ chết lần mòn trong đợi chờ thương nhớ? Nhà thơ Trần Bảo Định đã nói thay nỗi đợi chờ thương nhớ ấy, bằng những câu thơ xuất thần, rất thơ và rất cảm.
      Đọc tập thơ ''Vợ tôi'' của Trần Bảo Định, tôi đọc nhiều lần nhiều lượt và tôi cũng dừng lại suy ngẫm nhiều lượt nhiều lần.Tôi chẳng hiểu vì sao? Có lẽ,sau những câu thơ, bài thơ Trần Bảo Định viết về vợ, là cả cái phong nền lồ lộ một thời của sự hiện thực xã hội từ chiến tranh chuyển sang hòa bình muôn vàn khốn khổ trong thiên tai, địch họa, bao cấp và nhiều thứ ..mà tôi đã sống và chắc tất cả chúng ta cũng đã sống.
 Thơ Trần Bảo Định mang chỉ dấu và chứa nội hàm tính nhân văn rất cao, rất dày đặc. Anh là ngừơi có tấm lòng. Đọc kỹ, mới nhận ra thơ anh bình dị chứ không  bình dân.
                  Rất thiếu sót, nếu không nói về anh. Năm nay, anh đã bước vào tuổi 70, cái tuổi ''thất thập cổ lai hy''.Lẽ ra nghĩ ngơi,thì anh lại bắt đầu viết.Bằng hữu hỏi anh tại sao đợi đến bây giờ mới viết?Anh nói rằng chưa bao giờ anh có ý định viết, nhưng bây giờ anh phải viết những gì cần viết, vì '' bất bình tắc minh''.
              Thương anh tuổi cao,sức yếu và đang mang căn bịnh hiểm nghèo, anh viếtnhư một nhu cầu bài tiết, viết như  liệu pháp trị bịnh  và  làm giảm những cơn đau. Tuyệt nhiên, anh không có ý định tham dự vào ''trường văn trận bút''.
            Từ cuối năm 2012 đến nay, anh đã cho những người thân và bằng hữu đọc những tác phẩm đã in và xuất bản : Ngao du sơn thủy (2012) Mẹ.Tiếng lòng(2013)Thầy tôi (2013) Thơ lục bát (in chung Hoàng Yên Dy 2013) Vợ tôi(2014) Làng tôi (2014).
              Tôi không cầm được nước mắt, khi đọc những câu thơ trong bài thơ cuối của tập thơ ''Vợ tôi'', bài ''Dặn vợ''  sau khi anh vĩnh biệt trần gian:
                                  ''  Đừng báo tin buồn, đừng tiếc thương
                                     Ngủ yên, mình ngủ giấc vô thường
                                     Chiều trăng tiễn biệt anh về đất
                                      Một cõi nhân gian thế đã xong! ''
         Rồi anh dặn vợ mình không điếu tang, không nhận vòng hoa, không kèn trống, tử là táng, đưa anh về nơi chôn nhau cắt rốn, đắp mộ đất, trồng cỏ và hoa, để:
                                    '' Sáng rạch Bà Tàu nghe gió hát
                                       Chiều sông Bảo Định sóng tình ca

                                       Vĩnh biệt mình, vĩnh biệt các con
                                       Khói sương giăng kín phố Sài Gòn
                                       Thân tâm thanh thản rời dương thế
                                        Rũ sạch việc đời, việc nước non!
                                                                   ( Dặn vợ )

                                        
                   Nhưng thôi, Trần Bảo Định là Trần Bảo Định. Bạn trẻ gọi anh là '' ông lão yêu thơ,làm thơ''. Còn tôi, anh là đứa con miền châu thổ, là hạt phù sa bồi lắng - bồi lắng - và bồi lắng mãi cho ruộng đồng màu mỡ. Anh là chiếc xuồng ba lá, bơi qua từng con kinh  cái rạch  chằng chịt, nghe  câu  vọng cổ  mà ai đó  ngẫu hứng hát giữa  đêm trăng ở chốn quê nhà.Thơ anh buồn, một cái buồn chưa đủ độ quặn sâu, nhưng cũng đủ men làm cho người đọc chạnh lòng bâng khuâng, man mác. Chất thơ như hương  hoa đồng cỏ nội, thở bằng hơi thở vừa tha thiết ân tình, vừa ngang tàng khí phách còn sót lại từ thời ông cha đi mở cõi.
                 Tập thơ ''Vợ tôi'' của nhà thơ Trần Bảo Định, biểu tượng cho dòng thơ rặc Nam Bộ, không vay mượn mà chính là nguyên chất, dám làm cái chuyện mà xưa nay chưa ai dám làm: Thể hiện sự yêu thương vợ qua 78 bài thơ thành tập thơ ''Vợ tôi'',
rất dễ thương, rất ''xịn'', và đặc biệt rất hồn hậu Theo tôi, Trần Bảo Định dũng cảm - cái dũng cảm vốn có của người lính - dứt khoát mở cánh cửa riêng - rất riêng - chững chạc bước vào thi ca Nam Bộ bằng chính sự độc đáo của mình.
            Tôi tin tập thơ ''Vợ tôi'' của anh, sẽ sống mãi với thời gian trong sự độc đáo ấy !

ĐOÀN THẠCH HÃN
Giồng Ông Tố, tháng 7.2014                                   
Bài do tác giả Trần Bảo Định gởi

Không có nhận xét nào: