Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Trường Hàm Nghi ở Huế và Nhà Văn Túy Hồng


Tịnh Tâm

Để tặng cô Nguyễn Thị Túy Hồng và nhớ một thời vang bóng ở Hàm Nghi


Năm 1961 tôi thi đậu vào lớp đệ thất (lớp 6) trường trung học đệ nhất cấp Hàm Nghi ở Huế. Từ cửa Thượng Tứ đi vào Thành Nội, trường nằm về phía bên tay trái ẩn dưới những tàng cây thấp lè tè. Hồi xưa đó là trường Quốc Tử Giám để dạy con quan lại làm ở triều đình Nguyễn. Cũng nhìn từ cửa Thượng Tứ, phía bên phải của trường là Tòa Án Huế. Và đối diện mé bên phải của tòa án là trường tiểu học Trần Quốc Toản nơi mà tôi đã theo học năm năm. Trên một thềm đá cao ở giữa trường là một ngôi nhà trệt làm bằng gỗ lim đen bóng với những cánh cửa mở ra xếp vào như quạt giấy. Cổng trường quay ra phía bờ thành và nằm đối diện với căn nhà trệt này. Tượng bán thân vua Hàm Nghi trước cổng trường hồi đó chưa có. Giữa bờ thành và con đường nho nhỏ che đậy bởi hàng cây mù u sát trước cổng trường là một con đường khá lớn xe buýt đi Tây Lộc và cửa An Hòa có thể chạy qua lại được. Con đường này dẫn tới cửa Ngọ Môn của Đại Nội và cửa Ngăn của Thành Nội. Phía bên trái của trường là đường Đoàn Thị Điểm dẫn tới cửa Hiển Nhơn của Đại Nội. Ở mỗi cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn đều có 6 súng đồng lớn gấp ba gấp bốn cơ thể những thằng bé 11, 12 tuổi chúng tôi. Những súng này ở trong những gian nhà không có tường vách nhưng có mái che bằng ngói gạch và nềm đá. Mỗi gian đựng 3 súng. Và trước những khẩu súng đồng ở cửa Thượng Tứ là một bãi cỏ rộng lớn thường để làm sân đá banh riêng của bọn lớp đệ thất 3 của chúng tôi.

Ngoại trừ cái trống treo lũng lẵng bên mé phải của ngôi nhà trệt giữa trường dùng để đánh cho học trò biết giờ vào học, nghĩ trưa, và giờ bãi học, ngôi nhà này không biết để làm gì vì ít khi thấy cửa trước được mở. Không biết đó có phải là ngôi xa luân đường hay không?. Nhiệm vụ đánh trống là ông cai trường. Gia đình ông cai ở cái nhà nho nhỏ ở góc phải từ phía cổng trường quẹo phải vào. Nhà của ông cai có bán kẹo bánh nước ngọt cho học trò trong những giờ nghĩ. Lạ một điều là nhà ông cai không bán vở tập hay bút mực. Học trò ở những lớp lớn đệ ngũ (lớp 8) đệ tứ (lớp 9), lớp cao nhất của trường hồi bấy giờ, rất thường ra nhà ông cai nghĩ ngơi trong giờ học. Hồi đó những ông học trò này thấy đời buồn thiu là đi đăng lính nên coi chuyện đi học là việc miễn cưỡng.

Trường Hàm Nghi không lớn lắm và có bốn bờ thành sơn màu vàng đất sét. Thành không cao nên học trò đôi lúc nhảy thành trốn học. Dãy lớp học đệ thất nằm phía bên trái của trường, gồm chừng bốn năm lớp. Ở phía góc bên trái gần bờ tường sau là văn phòng của trường. Tất cả các cô, thầy đều tụ tập tại đó. Phía bên tay phải của trường là dãy nhà của những lớp cao, phần lớn cho các lớp đệ ngũ đệ tứ và một ít cho đệ lục (lớp 7). Nằm ngang phía sau dãy nhà này là một dãy nhà hơi ngắn, để dành cho các lớp đệ lục. Đứng trước hai dãy nhà bên trái và bên phải của trường là vài tượng đá tạc quan văn quan võ đứng chầu với vài con ngựa bằng đá. Tượng quan nào cũng đội mũ cánh chuồn chuồn, mang hia mũi quắn.

Hiệu trưởng trường lúc đó là thầy Hồ Văn Lê. Chúng tôi rất ít gặp thầy và lúc nào gặp thầy thì lom khom chào thầy rồi chạy trốn. Có lẽ là vì thầy trông bệ vệ oai nghi trong bộ com-lê. Trường có tục lệ phát phần thưởng vào mỗi cuối niên học cho những học trò xuất sắt nhất của mỗi lớp. Các lớp sắp hàng thành đội ngũ hẳng hoi ở bãi sân trước dãy nhà của các lớp đệ ngũ đệ tứ. Thầy hiệu trưởng và các thầy cô đứng trên thềm ngôi nhà trệt giữa trường. Học sinh được thưởng được xướng tên rồi leo lên mấy bực thang đá đến nơi thầy hiệu trưởng đứng và nhận quà. Xong rồi trở lại hàng đứng của mình. Phần thưởng thường là sách giáo khoa cho niên học tới, vở tập, bút mực và viết chì màu. Thầy hiệu trưởng tự tay trao giải thưởng cho những học sinh tối uy. Sau đó, giáo sư hướng dẫn (cố vấn) của lớp và một hai thầy cô dạy trong lớp trao giải thưởng cho những học sinh ưu tú hạng dưới. Giáo sư chỉ dẫn của lớp đệ thất 3 của tôi là cô Nguyễn thị Minh Lệ. Cô dạy toán cho lớp chúng tôi và vừa hướng dẫn lớp theo kỷ luật của trường. Chúng tôi sợ nhất là thầy giám thị Lê hiếu Kính. Thầy Kính thường đi kiểm soát quanh trường coi có học sinh nào áo quần không nề nếp, đánh lộn, đi ra nhà ông cai trong giờ học, không chào hỏi thầy cô trong trường v.v.. Khi thầy bắt gặp học trò nào vi phạm lỗi thì thầy phạt ngay tại chỗ hay chỉ thị giáo sư hướng dẫn sửa lỗi của học sinh. Vì chưa hiểu sinh hoạt của trường nên tôi hồi đó thấy cô Minh Lệ rất là nghiêm khắc. Nhưng khi cô dạy toán chúng tôi cô dạy rất dễ hiểu. Từ đó tôi có cảm nghĩ tốt về cô. Bởi vì tôi học ở trường chỉ có 3 năm nên sau đó tôi không biết cô ra sao. Bây giờ tôi an tâm được biết rằng cô đang sống bình an ở Mỹ.

Thầy Nguyễn cửu Triệp dạy chúng tôi môn vạn vật. Thầy hiền hòa và dễ dãi nên không đáng sợ lắm. Tôi không nhớ tên thầy dạy sử ký và pháp văn những năm đệ thất đệ lục. Tôi chỉ nhớ thầy Vĩnh Lữ dạy pháp văn và cũng vừa là giáo sư hướng dẫn lớp đệ ngũ chúng tôi. Mùa nghĩ hè thầy dẫn lớp tôi đi cắm trại đêm ở biển Thuận An. Chúng tôi mang tăng, mền, lò, trách, chén, dĩa, đũa theo thầy. Sau khi dựng trại xong chúng tôi đi mua cá ở những bà bán cá tươi vừa đánh được dưới biển rồi chia phe đánh bóng chuyền (volley) và tắm biển. Tối nấu ăn quanh bếp lửa hồng xong thì thầy trò đem viết và giấy ra đánh nhau tiếng pháp. Học trò nào cũng có thể là đối tượng của thầy. Trò chơi bắt đầu khi thầy viết một chữ, bất cứ chữ gì, xuống giấy. Đối thủ của thầy phải viết thêm một chữ sau đó. Hai bên thay phiên nhau gép chữ vào cho đến khi thành một tiếng pháp có ý nghĩa và ai không điền được thêm chữ nào thì bị thua. Bọn học trò chúng tôi thua thầy xiễng liễng mặc dầu bọn chúng tôi cố gắng đánh với những chữ pháp bắt đầu với vần q, u, v, z, y. Để gỡ gạc bọn học trò chúng tôi đề nghị thầy cho chơi đánh chữ ngược. Thay vì mỗi tiếng pháp phải đánh bằng cách lắp chữ theo thứ tự bắt đầu, tiếng pháp sẽ được bắt đầu bằng chữ cuối cùng và hoàn tất với chữ đầu tiên. Lần này thầy thắng ít nên thầy bãi bỏ trò chơi và tất cả đi ngủ. Sau khi thôi học ở trường Hàm Nghi tôi được biết rằng thầy có liên hệ gia tộc với ông Vĩnh Phan, thầy dạy trường trung học nông lâm súc ở gần hồ Tịnh Tâm. Ông Vĩnh Phan với ông hiệu trưởng du học Pháp về của trường này là đám người thân và ũng hộ Việt cọng ở Huế. Sau này thầy Vĩnh Lữ tham gia dữ dội trong cuộc tranh đấu phật giáo chống chế độ Diệm và Mỹ do thầy Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm dẫn đạo trong những năm 1963 đến 1966. Bạn bè cũ còn ở Huế không ai biết tình trạng của thầy Vĩnh Lữ như thế nào bây giờ.

Lên lớp đệ lục cô Trần Thị Kim Tiêu dạy toán và cô Kiều My dạy quốc văn. Cô Kim Tiêu dạy rất hấp dẫn và học sinh ai cũng thích giờ toán của cô. Tôi nghe cô xin đổi lên dạy ở Đà Lạt sau khi dạy ở Hàm Nghi vài năm. Cô Kiều My thì lúc nào cũng thấy cô mang thai nên tôi chỉ thấy cô ngồi đọc những bài quốc văn soạn sẳng cho chúng tôi chép. Cô chỉ đứng dậy khi trống trường báo giờ quốc văn của cô đã hết. Sau này tôi được biết rằng cô là một người đẹp nổi tiếng hồi đó. Có lẽ vì Huế là thành phố nhỏ nên cô nào đẹp thì cả thành phố đều biết ngay. Thời của tôi, người đẹp ở Huế là Liên Hoa, nhà ở sau chùa Diệu Đế. Đáng mừng là cô Kiều My hiện giờ đang ở trên đường Mai Thúc Loan, trong Thành Nội, và vẫn mạnh khỏe. Tôi vẫn còn nhớ cô Hoàng Hoa dạy hóa học. Có lẽ bởi vì giờ cô quá khô khan không vui nên bọn học trò chúng tôi hay chia phe đánh đắm tàu thủy trong giờ học. Trò chơi đánh đắm tàu thủy có thể chơi giữa 2 hay 3 người. Mỗi người kẻ một hình vuông gồm 10 khoảng nhỏ mỗi chiều. Một chiều đặt tên A đến K và một chiều đặt tên số 1 đến 10. Mỗi người chỉ có được 3 tàu và vị trí mỗi tàu được định bởi tọa độ, ví dụ B4, Đ7, I9. Người bên kia sẽ kêu tên số tàu và nếu trùng với số tàu chỉ định của người bên này thì tàu đó coi như bị đánh chìm. Có lần cô Hoàng Hoa viết một phản ứng hóa học trên bảng đen rồi cô hỏi có ai đọc được tên hóa chất sản phẩm không. Ba đứa chúng tôi mãi đánh tàu thủy nên không nghe câu hỏi của cô. Tình cờ một đứa trong bọn tôi hô tên tàu, cô liền kêu tên đó (Đặng văn Thiết, sau này là đại úy địa phương quân ở Thừa Thiên Huế) đứng dậy rồi hỏi tên những đứa đánh tàu chung. Ba đứa chúng tôi bị cô phạt đứng như vậy cho đến lúc hết giờ dạy học của cô. Mới đây nghe bạn bè nói rằng cô đang sống mạnh khỏe trong Thành Nội. Tôi vẫn còn nhớ tên cô Hoàng Thị Sa Đa, và nếu không lầm thì cô dạy hóa học cho lớp đệ ngũ chúng tôi. Cô có tặng tiền để xây lại trường Hàm Nghi hồi 2005. Tôi tin rằng cô vẫn còn sống mạnh khỏe ở Huế.

Với số tuổi 11, 12 bọn trẻ con chúng tôi không có khái niệm nào về âm nhạc và hội họa. Nhưng chúng tôi đã có thầy nhạc sĩ Văn Giảng đảm nhận giờ âm nhạc và thầy họa sĩ Hiếu Đệ dạy giờ hội họa. Hai thầy này chỉ dạy khoảng hai giờ một tháng, hai tuần một giờ, và đây là những môn phụ, khác với những môn chính như toán, hóa học, quốc văn v.v., nên bọn chúng tôi không coi trọng hai môn này lắm. Tuy vậy thầy nhạc sĩ Văn Giảng và thầy họa sĩ Hiếu Đệ đã mở mắt cho tôi thấy những khung trời mới về nghệ thuật. Thầy nhạc sĩ Văn Giảng dạy cho chúng tôi những căn bản về âm nhạc như làm thế nào để biết cung nốt một bài nhạc, những ý nghĩa của dấu thăng (#) dấu trầm (b mol), rồi thầy ra bài tập (homework) là sáng tác một âm điệu ngắn không cần lời. Từ những hiểu biết thô sơ này, sau này tôi tìm đến những âm điệu mới ở jazz, nhạc cổ điển và opera của những cột trụ âm nhạc thế kỷ 18, 19 như Vivaldi, Dvorak, Chopin, Litz, Beethoven, Mozart, Stravinsky v.v.

Thầy họa sĩ Hiếu Đệ thì ít dạy. Mỗi khi vào lớp thì thầy như bận với chuyện riêng ở trên bàn giáo sư của thầy. Đôi lúc thầy nói về những trường phái ấn tượng, siêu hình, trừu trượng v.v. Chúng tôi chẳng hiểu thầy dạy cái gì. Đến khi xa Huế và có dịp đi coi triển lãm tranh của Trịnh Cung, Đinh Cường v.v. ở Trung Tâm Đồng Minh Hội (Centre d’Alliance Française), nằm giữa bịnh viện Grall và Thư Viện Quốc Gia, ở Sài gòn, tôi mới biết ơn thầy. Ở giờ vẽ của thầy, thầy để chúng tôi chuyện trò chơi dỡn trong lớp và tự do vẽ. Khi giờ hội họa hết thì thầy thu bài vẽ mang về và trả lại cho chúng tôi giờ dạy tới. Thường thường thì thầy ít bình luận những bảng vẽ của chúng tôi và thầy ghi điểm trên bảng vẽ luôn. Có lần thầy ra đề tài vẽ mặt nạ. Bởi vì tôi thích hát bội Huế hồi đó, tôi đã vẽ bốn cái mặt nạ dựa vào mặt của những ông Trương Phi, Quan Công, Tôn Ngộ Không, Lương Anh Bạt v.v. mà tôi được mạ tôi cho đi coi ở nhà hát bội từ cửa Đông Ba đi ra và nằm đối diện với nhà hàng mè xửng Long Hỷ. Ngày thầy họa sĩ Hiếu Đệ trả lại bảng vẽ mặt nạ, tôi đang chơi bi-da 3 trái (khác với pool) ngoài cửa Thượng Tứ. Sáng đó khi điểm mặt buổi sáng thì tôi hiện diện, nhưng đến giờ hội họa lúc 11 giờ thì tôi vắng mặt. Không may cho tôi, thầy để ý đến tranh mặt nạ của tôi nên đã kêu tên tôi ra. Thế là sau đó tôi bị thầy giám thị Lê hiếu Kính kêu lên văn phòng trường phạt quỳ quay mặt vào tường rồi bị khiển trách kỹ luật trong sổ học bạ. Đó là năm tôi học đệ ngũ và cũng là năm học cuối cùng của tôi ở trường Hàm Nghi.

Cùng lớp với tôi còn khoảng 59 người nửa. Tôi ngồi ở ngoài cùng bàn thứ ba dãy bên phải. Mỗi bàn có 5 đứa và mỗi dãy có 6 bàn. Ở bàn đầu dãy phía tôi có Lê văn Hòe, rất được cô Túy Hồng cưng vì nó biết nhiều thơ ca Việt nam và những từ ngữ mà bọn chậm lớn chúng tôi hồi đó không hiểu ý nghĩa như “hồi xuân” v.v. Cô Túy Hồng dạy quốc văn lớp đệ thất của chúng tôi. Cùng bàn đó còn có Ngô Quang Ẩn, học hành cũng thường nhưng sau 1975 làm giám đốc đài truyền hình Huế. Nghe Ẩn nói rằng hồi Mậu Thân 1968, Ẩn được đưa ra Hà nội học ở Đại học Bách Khoa ngành truyền thông. Sau tháng 4 năm 1975 Ẩn được đưa về Huế làm ở đài truyền hình và sau đó là con đường phát triển sáng lọi của Ẩn. Hồi 2005 Ẩn đóng góp tiền để giúp xây dựng lại trường. Năm ngoái Ẩn đem tiền hưu giúp cho Đặng văn Thiết. Ngồi đầu bàn thứ hai là Hà Thúc Trí, giỏi tiếng Pháp, người mập và được thầy cô trong trường kính nể mặc dù học lực của Trí cũng không xuất sắc lắm. Sau đảo chính 1963 tôi mới được biết rằng cha của Trí là đảng trưởng đảng Đại Việt và được tự do sống lại ở miền Nam. Ngồi đầu bàn tôi là Lâm, người nổi tiếng trong trường về khả năng toán rất cao. Bây giờ Lâm đã về hưu sau khi làm thầy dạy một trường trung học phổ thông ở Huế. Sau bàn của tôi có Phạm Phú Quốc, Hoàng Đình Dũng. Quốc nhà ở tận trên chùa Thiên Mụ. Bạn bè chẳng ai có tin tức gì về Quốc. Còn Đình Dũng thì đi lính cọng hòa và bây giờ sống như người thoát tục không muốn gặp ai cả kể cả bạn học cũ ở xa về thăm. Những bàn thứ năm thứ sáu thường dành cho những ai có học lực thấp. Có ngoại lệ là anh trưởng lớp tên Nhuận ngồi bàn sau cùng ở dãy bên kia. Nhuận cũng đi lính cọng hòa cấp bực thiếu úy và hiện sống ở Kim Long trồng cây sinh trái. Hồi đó đối thủ của tôi là Lâm, Hòe và Trí. Và bạn bè thân của tôi là Phạm Phù Tang (thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến, hiện sống ở Mỹ), Võ Đức Hiền (kiến trúc sư đang thất nghiệp ở Huế), Nguyễn văn Thắng (bỏ học nữa chừng rồi đi lính, không ai có tin tức gì), Đình Dũng (sống nhờ họ hàng). Bọn tôi thường chơi đá banh ở bãi cỏ trước cửa Thượng Tứ và bóng chuyền trong sân trường. Lưới bóng chuyền chỉ là sợi dây thép căng giữa hai cành cây và banh bóng chuyền cũng là banh dùng để đá. Những chiều mùa hè về Bao Vinh đi tắm sông và chơi bắt chân. Ai lặn mà bắt chân người khác được thì thắng. Trò chơi kéo dài đến lúc chỉ có một người thắng. Mùa đông khi có những giờ nghĩ bất thường vì thầy cô có những lý do không dạy được thì bọn chúng tôi đi đò qua sông Hương và đi bộ đến quán bán pâté chaud ở gần An Cựu, cách không xa cầu Lòn mấy, để mua những bánh meat pie nóng hổi rồi ra lại bờ sông Hương cạnh đường Lê Lợi ngồi ăn và táng gẫu. Có một lần có một anh sinh viên đại học Huế đến bắt chuyện với chúng tôi rồi ngồi nói say sưa về vua Nã Phá Luân của Pháp, nào là ông vua này đã chinh phục chiếm đất đai của Đức, Phổ bành trướng thế lực Pháp, nào là ông vua này đã từ một tên lính vô danh trở thành một ông vua lừng danh trên thế giới. Anh sinh viên đó cũng nói rằng con người cũng như dòng nước sông Hương này, chỉ bè rát là nổi lềnh bềnh trên mặt nước còn đồ nặng trong sạch thì lắng ở đáy sông. Sau những năm sóng gió 1963-1966 ở Huế tôi mới suy nghiệm ra ý nghĩa câu nói này và nghĩ rằng chắc anh đó đã ra bưng.

Năm 1991 tôi có cơ hội về lại Sài gòn và đã tìm gặp được Võ Đức Hiền. Sau đó tụ tập thêm được Phạm Phù Tang và Nguyễn Văn Lợi, nhà ở gần trường. Lợi cho biết rằng sau tháng tư 1975 Bộ Giáo Dục ở Hà Nội ra thông báo phá hủy trường Hàm Nghi và dựng thay vào đó một viện bảo tàng quân đội trang đựng quanh sân trường sống ống thời chiến tranh, và ngôi nhà trệt giữa trường là văn phòng của bảo tàng viện. (Việt nam bây giờ có nhiều bảo tàng viện về chiến tranh hơn bảo tàng viện về hòa bình hay bảo tàng nghệ thuật !). Học sinh cũ của trường bị trưng dụng không công đi phá tường lớp học của trường. Lợi nói rất đau lòng khi phải mang búa đập vỡ thành và lớp của trường cũ của mình. Ở trong đền thờ đức Khổng Tử ở Văn Miếu ngoài Hà Nội có một khoảng dành giới thiệu tất cả các trường Quốc Tử Giám toàn nước. Trong danh sách đó không có tên trường Quốc Tử Giám ở Huế. Cùng với sự xóa bỏ trường, những súng đồng ở cửa Thượng Tứ và cửa Ngăn cũng biến mất luôn. Tôi không hiểu có ông/bà (người Huế ?) làm lớn nào đó ở Bộ Giáo Dục vì một hận thù cá nhân đối với trường Hàm Nghi mà đã cố tình xóa bỏ hiện hữu của trường lẫn với tiền thân của nó. Từ đó tôi không ngạc nhiên khi thấy mãi cho đến bây giờ Bộ Giáo Dục đã làm nền giáo dục hậu 1975 thành một cái mess. Năm 2003 một số cựu học sinh vận động xin xây lại trường Hàm Nghi và năm 2005 trường mới được xây ở ngoài Tây Lộc nhưng bị hạ xuống cấp hai từ cấp ba hồi trước.

Tết ta năm này tôi về Huế ăn tết sau hơn bốn mươi năm xa Huế. Chỉ nhớ phảng phất vị trí nhà của Võ Đức Hiền ở Gia Hội, tôi đi tìm và may mắn được gặp Hiền lại. Chúng tôi ra hồ Tịnh Tâm và trên đường đi có ghé lại nhà Huỳnh Trọng Tấn để tôi có dịp gặp lại bạn cũ. Nhưng Tấn đi chợ hoa tết ở cửa Ngăn. Tấn là bà con của Phạm Phù Tang, được cha của Tang mang từ nhà quê lên Huế vừa làm giúp việc gia đình Tang và vừa đi học. Tấn học cùng chung lớp với tôi và Tang. Bởi vì cha của Tang là thiếu tá lính cọng hòa nên thường xa Huế. Bởi vậy có sự lục đục giữa bọn anh em Tang và Tấn. Thấy tội nghiệp tôi xin cha mạ tôi cho Tấn dạy kèm bọn em tôi để có điều kiện tiếp tục đi học. Sau này tôi biết rằng Tấn là Việt cọng nằm vùng lúc Tấn học ban khoa học ở đại học Huế và đã bị bắt đầy ra Côn đảo trước 1975. Sau 1975, Tấn về lại Huế theo học y khoa rồi dạy luôn tại đó. Nhờ được đi tu nghiệp ở Pháp ba lần Tấn để dành một số tiền nhỏ để đủ xây một ngôi nhà hai tầng. Hồi 1975 mạ tôi viết thư nói rằng Tấn có ghé nhà thăm và yêu cầu cha mạ tôi bắt buộc tôi bỏ học để về nước.

Hiền, Tấn và Chầm có nhã ý kêu gọi được 12 bạn học cũ đến gặp tôi. Có những người tôi không nhớ mặt hay tên. Thời gian và hoàn cảnh đã thay đổi hình dạng và ký ức mỗi người. Gần phân nữa số 12 người là lính cọng hòa cũ bây giờ lêu bêu không nghề nghiệp và phải làm vườn trồng cây hay đi thồ bằng xe đạp để sống qua ngày. Những người này ăn nói nhỏ nhẹ và áo quần trông cũ hơn những người theo chế độ mới. Thế nhưng họ vẫn ngồi chung với nhau và góp tiền cứu trợ lẫn nhau khi cần thiết. Tôi thấy ấm lòng khi gặp được gặp những bạn cũ như vậy. Hồi còn học ở Hàm Nghi Chầm sống ở trại mồ côi ở đường Đặng Dung, bây giờ là khách sạn Thành Nội của Tỉnh Thừa Thiên. Tết Mậu Thân 1968 Chầm vác súng AK47 đi tuần ở miền biển của Huế. Sau này Chầm làm thư ký cho ông Tỉnh Trưởng Thừa Thiên, người vừa được Đảng Cọng Sản Việt Nam trao giải thưởng nhất trong phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh đầu năm này. Cả Chầm và ông Tỉnh Trưởng đó về hưu. Hiện tại cha con ông cựu Tỉnh Trưởng đó đang tiến hành dự án lập đại học “Xanh” (Green) ở Huế và Chầm đang lo tìm giáo sư và người đầu tư vào kế hoạch này. Tôi nhận thấy bọn bạn học cũ có vẻ nghe lời của Chầm. Từ dữ kiện này và những nhận xét khi đi ăn chung với Chầm, tôi biết rằng Chầm có đời đảng thâm niên nhất và cũng là kẻ kiểm soát tư tưởng chính trị của nhóm bạn bè học ở Hàm Nghi. Tôi đã thẳng thừng yêu cầu Chầm đừng mời tôi về dạy ở đại học Xanh của Chầm.

Trong buổi gặp mặt đầu năm nói trên rất nhiều người hỏi thăm cô Túy Hồng. Họ muốn biết bây giờ cô sống ở đâu, mấy tuổi, làm gì. Tôi cố gắng trả lời với những gì tôi biết như rằng cô sinh năm 1938, chỉ hơn bọn tôi không quá một giáp, di tản ra khỏi Việt Nam hồi tháng tư 1975, có con có chồng và hiện sống ở Oregon nhưng chồng cô đã mất. Không ai biết Oregon ở đâu nên tôi lại giải thích đó là tiểu bang nằm ở phía tây nước Mỹ bên bờ Thái Bình Dương và ở đó cũng có mưa dầm dề đến thúi đất như ở Huế. Tôi ngạc nhiên sao họ không hỏi tin tức thầy cô khác mà chỉ hỏi về cô Túy Hồng. Tấn nhắc đến chồng của cô, nhà văn Thanh Nam, làm tôi nhớ lại cái cảm giác tiếc nuối khi tôi nghe bạn bè cho biết tin cô lấy chồng lúc tôi theo học ở Sài Gòn. Có lẽ bởi vì lúc đó tôi chỉ biết một Thanh Nam như một người viết truyện tình không thua kém bà Tùng Long hồi 1970. Tôi nghĩ một nữ văn sĩ tài năng như cô tại sao lại đi lấy một văn sĩ như Thanh Nam. Lúc đó tôi chưa hề biết Thanh Nam như một thi sĩ mà cô đã tả trong Gió O sau này. Qua những lời cô viết tôi tin rằng cô đã hạnh phúc (dù có phần đau đớn) trong những tháng năm bên cạnh Thanh Nam. Như vậy là quá đủ. Đọc thơ Thanh Nam mà cô gợi lại trong Gió O tôi thay đổi lối suy nghĩ và mến thích Thanh Nam như một thi sĩ tài hoa. Đáng tiếc là tôi không thể có tập thơ “Đất Khách”. Chỉ mượn ở đây những câu :

“Ơi hỡi quê hương bè bạn cũ
Những ai còn mất giữa sa mù”

hay “Ôi bạn ôi ta, chiều đã xế
Phù sinh thương mình ly rượu xuông ”

để diễn tả tâm trạng viết về những ngày vang bóng ở Hàm Nghi của tôi.

Lúc còn học ở Hàm Nghi tôi không biết cô đã là văn sĩ. Tôi nhớ mặt cô hình chữ điền và lối trang điểm không được sâu sắt của cô. Tôi không biết người con gái Huế có khuôn mặt chữ điền cho đến khi Hàn Mặc Tử nói ra như vậy. Như thế cả gái Vỹ Dạ của Hàn Mặc Tử và gái An Cựu (cô Túy Hồng) đều có khuôn mặt chữ điền. Người cô mảnh khảnh trông như gió bão có thể cuốn cô khi nào cũng được. Cô ngồi ở bàn giáo sư hay đứng trên bục gỗ để viết trên bảng đen cũng không dấu được thân hình nhỏ bé của cô. Tôi khâm phục cô như những cô giáo khác dạy ở Hàm Nghi. Trẻ, giỏi và là người lớn trong khi bọn học trò chúng tôi chỉ là lũ con nít ngu ngơ chỉ lo biết chơi và học. Từ những lớp vỡ lòng học công dân đức dục, tính cọng tính trừ và dictée ở tiểu học, bỗng dưng nhảy vọt lên gặp những Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan do cô Túy Hồng dạy ở lớp đệ thất. Thật là một khoảng cách to lớn làm tôi chới với. Tôi mới bắt đầu cuộc đời nhưng đã phải học những cay đắng mà Tú Xương đã trải qua như vì quá nghèo :

“Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười : thằng bé nó hay chơi”

hay đi thi nhưng không có tự tin :

“Tấp tểnh người đi tớ cũng đi
Cũng lều cũng chõng cũng vào thi”

hoặc châm biến những kẻ thi đậu nhưng đi làm cho kẻ thống trị Pháp :

“Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngoi đít vit
Dưới sân ông cử ngóng đầu rồng”

Khi cô dạy thơ của Hồ Xuân Hương, tôi lại càng mù mịt những gì cô nói. Đôi lúc trong lớp có những người cười theo lời giảng của cô nhưng tôi chẳng hiểu vì sao; như ở “Cái quạt giấy bài 1”

“Một lỗ sâu sâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dáng tự ngàn xưa
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”

hay ở bài “Cảnh làm lẽ” :

“Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”

Sau này lớn lên bạn bè dạy thêm cho biết thế nào là libido, thế nào là thuyết tình dục của Freud tôi mới hiểu những gì cô muốn nói. Ngòai ra, lời dạy của cô chua hơn khế, cay hơn ớt và khó nuốt hơn mít con (tiếng Huế gọi là mít đái). Những đoạn văn của cô mà họa sĩ Tạ Tỵ trích trong “Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay” (nhà xuất bản Lá Bối, 1972) diễn tả đầy đủ phong thái cay đắng tiếng Huế này. Hồi dạy bọn tôi cô còn trẻ, chắc là vừa tốt nghiệp đại học sư phạm Huế, nhưng không biết sao cô cay đắng với đời như rứa. Nói cách khác cô trưởng thành trước tuổi. Và bạn bè trong lớp hồi đó hiểu cô là bởi vì những người đó cũng đã lớn tuổi nhưng để tránh quân dịch nên sửa giấy khai sinh làm nhỏ tuổi lại.

Với cái đầu nhỏ bé và chật hẹp tôi không thể nào thông cảm được tình cảnh của một người vợ chờ chồng đi chinh chiến do bà Đoàn Thị Điểm diễn tả trong “Chinh Phụ Ngâm”. Tôi chỉ biết Đoàn Thị Điểm là tên con đường ở bên trái của trường và giữa đường có một trường nữ tiểu học tên Đoàn Thị Điểm. Tương tự như vậy, tôi chưa có dịp du lịch thăm thắng cảnh hồi đó. Thế giới của tôi là trường Hàm Nghi với bọn bạn bè vừa quen được, là con đường Phan Bội Châu, Trần Hưng Đạo, những con phố chính của Huế, và một Đại Nội meo mốc. Bởi vậy tôi cũng chẵng hiểu nổi tâm tình của bà Huyện Thanh Quan khi bà ghé qua đèo Ngan, thăm chùa Trấn Bắc hay nhớ lại thành Thăng Long. Cho nên khi cô dạy thơ của của bà Đoàn Thị Điểm hay bà Huyện Thanh Quan, tôi chỉ biết chép lại những gì cô đọc rồi sau đó học thuột lòng để như cô có kêu lên trước lớp trả bài thì cũng được điểm cao. Thế là đủ cho môn quốc văn của thời đệ thất của tôi.

Bây giờ nhìn lại thời con nít ở trường Hàm Nghi tôi thấy những hiểu biết đầu tiên trong đời, dù trừu tượng khó hiểu, ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần sau này của tôi. Bởi vậy tôi đã thấy lòng đau đớn xót ruột xót gan hồi sinh viên khi thấy đất nước ở trong tình trạng nội chiến mà không biết làm gì cho quê hương ngoài chuyện đi đọc sách về triết học châu Âu, đạo Phật, Lão Tử v.v. ở bất cứ thư viện nào ở Sài gòn có thể vào được. Tôi ứa nước mắt và thầm cám ơn những cô thầy, trong đó có cô Túy Hồng, đã mở mắt cho tôi thấy những vẻ đẹp của quê hương qua văn chương, âm nhạc hay hội họa. Tôi, cá nhân, và tôi tin rằng cả luôn những bạn bè còn sống lãi rác ở Huế, thành thật cầu chúc cô một quãng đời còn lại đầy đủ sức khỏe, với lời lẽ ngọt ngào hơn bớt cay chua hơn hồi dạy ở Hàm Nghi, và với một tấm lòng quảng độ để tha thứ những lầm lẫn của cuộc đời.

Tịnh Tâm
Đầu mùa đông năm 2010


nguồn: internet

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Thơ Phạm Tấn Hầu

CHỜ ĐỢI SỰ IM LẶNG


Để nhớ TNS

“tiếng thét trong bóng đêm mới mẻ, chỉ cần hát và chỉ cần khóc” J.BRODSKY


Bây giờ là tháng bảy, triền miên mưa
ngày gián đoạn và giông bão
làm rối loạn con đường, chúng ta đã tìm
trong bóng tối
trong khao khát và say mê.
Đầu để trần, mặc cho những ý nghĩ thách thức
và vang dội những mưa, bão
cố lấp đầy khoảng trống
của một thế giới đang thét gào
vì chẳng như mong ước
thế giới ta đã hát và đã khóc
mong manh tựa đám mây màu tro
thường vướng lại trên hàng cây muối
nơi góc cửa Hiển Nhơn
chỗ chúng ta thường ngồi lại
xé cho nhau

lòng thương xót
khi nói về những người bạn
với nỗi cô đơn và vực thẳm họ để lại
đang úp ngược
lên cuộc đời chúng ta rồi sẽ tự vỗ về
bằng lãng quên những cái tên
đã viết ra từ đau đớn
những cái tên còn nghe được âm vang từ
dấn thân, khát vọng
Có lẽ, như đám mây nặng nề kia tự tan đi
không hát nữa
cũng không còn biết khóc
chúng ta già đi như chẳng còn yêu
chẳng còn cảm xúc
để dâng tặng

Anh thấy không,
đó là điều có thể dẫn dắt
một người mù
đi vòng qua bên kia rào chắn
dựng lên như sự thách đố hiển nhiên
đêm của họ dài quá
và những con đường luôn khép lại
cây cũng tụm lại
tắt luôn tiếng rì rào
tựa như đang chờ đợi
để nuốt chững thêm sự im lặng
của chúng ta.

PHẠM TẤN HẦU

Thơ Vũ Trọng Quang


CUỐI ĐƯỜNG


Xin lỗi vầng trăng khuyết vẫn đợi hai ta ở cuối đường về
cả khu vườn tơi tả những cành hoa trộm hái
cả lời thề khắc trên cây cao hơn tầm tay với

Xin lỗi chim quyên chậu cá lia thia
cái tát tai câu ca dao đứt khúc
ly tách âm vang
chỗ nằm động đất
bao lâu rồi giấc ngủ ngược đầu nhau
bao lâu rồi giấc ngủ bạc đầu nhau

Xin lỗi cánh cửa căn phòng có lời xa lạ với ban mai
mất lá thư đầu bày tỏ
đôi đũa nhiều buổi sau đơn lẻ
mâm cơm lạnh những màu

Xin lỗi cốc rượu va mạnh cuối ngày chủ nhật
thứ hai sẽ vỡ
lẽ nào kéo dài tuổi thọ tình yêu
bằng trái tim thực vật
thưa quí toà
tôi đánh mất một điều không có.


VŨ TRỌNG QUANG

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Ba bài thơ

Phơi áo

Những ngày đông tàn rồi sẽ đi qua
Nắng Xuân vừa trở lại
Em cởi chiếc áo len ủ kín hơi ấm suốt mấy tháng dài
Phơi trước làn gió
Đừng để tình anh bay theo
Đừng để tháng ngày của chúng ta bay đi
Cùng với làn gió ấy



Phố mùa xuân

Ngồi một mình dưới phố
Sống âm thầm biển khơi
Dạ thầm reo khúc nhạc
Mây thấp thoáng ngang trời

Phố tháng Giêng quê nhà
Lòng vui như mới lớn
Dâng con nước về xa
Qua những ngày bão động

Người từ xa trở về
Có mang theo nỗi nhớ
Em từ xa trở về
Tình ấm nồng sớm tối

Phố ngày xuân như mới
Nhung mướt với lụa là
Yêu người trần gian mở
Cõi tình Xuân bao la


Khúc ngày thường

Mỗi ngày tôi thường đi qua đây
Dưới con đường những hàng cây cụt đầu
Đến cùng cuộc hẹn
Ai thì thầm đâu đó nghe vẳng bài tự tình
Nhớ một người đã xa một người đã khuất
Bạn thân mến tôi cũng có một mối tình
Để vỗ về ru cùng năm tháng
Để mỗi ngày tôi vui với lời nói ấy từ đôi môi ấy
Để mỗi ngày tôi chìm trong đôi mắt ấy
Để quên và nhớ từng ngày
Như mùa xuân vẫn thường hằng quay về đúng hẹn
Cho cuộc đời trang mới tinh khôi

TỪ HOÀI TẤN

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Lần đầu tiên đấu giá tranh của vua Hàm Nghi





(TT&VH) - Vào lúc 14h15 ngày 24/11/2010, giờ Paris, tại khách sạn Drouot (9 rue Drouot 75009 Paris, M Richelieu Drouot), tác phẩm Chiều tà (Déclin du jour, 35x46cm, sơn dầu, 1915), mã số 41, của vua Hàm Nghi (1871 - 1944) sẽ được đưa ra đấu giá, với mức khởi điểm từ 800 đến 1.200 euro.
1. Tác phẩm này đã được trưng bày tại số 5 Avenue d’Eylau, Paris 16e kể từ ngày 8/11; vào ngày 23/11, tác phẩm sẽ được dời về trưng bày ở nơi đấu giá. Theo giới nghiên cứu mỹ thuật tại Pháp, thì đây là lần đầu tiên một tác phẩm của vua Hàm Nghi lên sàn đấu, nên mức giá còn khá thấp là điều dễ hiểu. Người ra giá là văn phòng SVV Millon & Associés. Cũng xin nói thêm, vua Hàm Nghi được nhà nghiên cứu người Nga là N.L.Nikulin nhận định là một trong những họa sĩ đầu tiên của Việt Nam vẽ tranh sơn dầu theo kỹ thuật phối cảnh của châu Âu. Không chỉ vẽ tranh mà ông còn làm điêu khắc, những năm cuối đời, khi sống tại Alger (Algérie), ông hoạt động mỹ thuật một cách chuyên nghiệp. Triển lãm tranh - tượng lần đầu tiên và hình như duy nhất của ông diễn ra tại Paris tháng 11/1926 tại phòng tranh Mantelet (rue de la Boétie, Paris 8).Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Giao, hiện chưa rõ tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông thuộc sưu tập của ai, ngoài gia đình ba người cháu ngoại (con của công chúa Như Lý và chồng là bá tước Francois Barthomivat de La Besse).
2. Theo chính sử, vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871 mất ngày 4/1/1943. Ngày 17/8/1884 ông lên nối ngôi lúc đó mới 14 tuổi. Sau cuộc phản công ở Kinh thành Huế thất bại, Tôn Thất Thuyết đưa vua ra Tân Sở, làm Hịch Cần Vương kêu gọi mọi người nổi lên chống Pháp. Ngày 30/10/1888, vua bị bắt và bị Pháp đưa đi an trí tại Algérie. Tại nơi lưu đày này, ông sống ở biệt thự Gia Long bên trên khu đồi El Biar cách thủ đô Alger 12 cây số. Trong biệt thự có nhiều miếu thờ tổ tiên. Tại nơi tha hương ông vẫn giữ phong tục của Việt Nam từ cách ăn mặc cho đến những nghi thức khác. Ông còn theo học nhạc và có nhiều tác phẩm hội họa. Ngài sống tại đây cho đến lúc mất. Ông có lấy vợ người Pháp là con gái của viên chức Trương Chánh Lalauer sinh được 1 con trai và hai con gái.
Văn Bảy

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

Thơ lục bát

THƠ VIÊN LINH

KIM XUYÊN

Mưa trời nhỏ hạt trên vai
Mình tôi đứng đợi nghe dài tiếng than
Cây yên bóng xế thu vàng
Cột chon von nối đôi hàng điện thưa

Em ơi vui một đêm bù
Mai xa thành phố bây giờ thức trông
Máu đi rời rạc thân buồn
Vi vu trong tóc một hồn tử sinh

Đời đi quằn quại trong mình
Thôi em mai chịu hai ngành héo hon
Trong mưa trời đất hao mòn
Vào đây ghế trống khói hun mặt người

Em ngồi đây nốt đêm vui
Ủ ê tâm sự những đời thanh niên.

 
THƠ TRẦN DẠ TỪ

BÀI RU

mi sầu thôi khép đi em

hồn anh rộng đã trăm miền không gian

ngày vơi cửa trống thu tàn

lá thưa cành nặng cây dàn quạnh hiu

lối đi vừa chớm tiêu điều

màu nghiên bóng nhỏ ngày xiêu cột dài

phố chiều gió vọng bàn tay

ru anh về với đôi ngày lãng quên.

 
THƠ TRẦN THY NHÃ CA

DỌC ĐƯỜNG

Ngày đi nắng muộn phai rồi

Buồn sao vẫn một môi cười tủi thân

Lá rừng động gió phân vân

Trời sa thấp đã mang gần bóng anh

Khép mi mộng vỡ tan tành

Sầu gieo nặng một vai mình quạnh hiu

Xe đi hút lũng than đèo

Đời xưa cũng lụn như chiều thoáng qua

Nửa tầm hạnh phúc còn xa

Thôi, anh nhìn lại bao giờ cho nguôi .

 
Trích Tạp Chí Văn số 44( ngày 15/10/1965)

Thứ Ba, 2 tháng 11, 2010

Phê bình văn học

BUỒN QUÁ! - HÔM NAY XEM TIỂU THUYẾT!

(Nhân đọc 4 tiểu thuyết đoạt giải Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 4 năm 2010 do Hội nhà văn TP. HCM, báo Tuổi trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức.)

Nguyễn Trọng Bình

1. Mở đầu

Tôi vốn rất có thiện cảm với các kì vận động sáng tác văn học tuổi 20 do Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, báo tuổi Trẻ và Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Theo tôi thì so với khá nhiều cuộc thi văn chương trên cả nước, tuy đây là cuộc thi chỉ mới trải qua 4 lần phát động (lần 1 năm 1995) nhưng đã gây được tiếng vang và uy tín trong lòng người đọc vì tính nghiêm túc trong cách làm việc của ban tổ chức cũng như thành phần ban giám khảo. Có thể nói, đây là cuộc thi mà sau mỗi lần tổng kết trao giải hiếm khi nghe dư luận lên tiếng về những chuyện “lùm xùm” kiện tụng đại loại như ban giám khảo (BGK) thiếu công tâm, thiên vị; trao giải theo kiểu “phân biệt vùng, miền” để rồi “quy hoạch giải thưởng” trước… như ở rất nhiều cuộc thi văn chương khác. Chính cách làm việc công tâm và trên hết là vì mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn chương nước nhà của đơn vị tổ chức cũng như BGK, cho đến nay (sau mỗi lần phát động cuộc thi) đã cung cấp cho văn chương nước nhà những cây bút ít nhiều đã gây được tiếng vang trên văn đàn, tiêu biểu như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Dương Thụy, Phan Việt, Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Phan Triều Hải…
Với niềm tin như thế thật lòng tôi cảm thấy háo hức khi ban tổ chức cuộc vận động sáng tác tuổi 20 lần 4 công bố giải thưởng năm nay (2/9/2010). Sau khi biết giải thưởng năm nay được trao cho nhiều cây bút trẻ ở thể loại tiểu thuyết như: Trương Anh Quốc (giải Nhất với tác phẩm Biển), Mai Anh Tuấn (giải Ba với tác phẩm Giảng đường yêu dấu, Thiên Di (giải Tư với tác phẩm Những giao diện ẩn) và Nguyễn Thiên Ngân (giải Tư với tác phẩm Những chuyển điệu) thật sự tôi rất lấy làm vui vì nghĩ rằng mình sắp được thưởng thức những “bữa tiệc văn chương” tuyệt vời và thú vị đây. Ấy vậy mà, sau một thời gian mệt nhoài “vật lộn” với hàng mấy trăm trang tiểu thuyết của các tác giả vừa kể ở trên trong hơn 10 ngày không hiểu sao khi buông trang cuối cùng của quyển “Giảng đường yêu dấu” (Mai Anh Tuấn) thì tự dưng câu thơ của nữ thi sĩ T.T.Kh trong bài Hai sắc hoa Tigôn ở đâu lại hiện về trong óc làm tôi phải thốt lên rằng:“Buồn quá, hôm nay xem tiểu thuyết!”.
Thật sự thì câu thơ của T.T.Kh vốn có ý nghĩa khác, ở đây đơn giản chỉ là một sự tình cờ, một sự trùng hợp tôi muốn lấy riêng câu thơ này ra để nhằm bày tỏ cho nỗi buồn và hụt hẫng của mình sau khi đọc những quyển tiểu thuyết ấy mà thôi. Sau đây tôi xin mạn phép được nói rõ hơn vì sao tôi lại buồn và hụt hẫng. Tôi xin được trình lần lượt theo thứ tự giảm dần (nghĩa là tác giả và tác phẩm nào làm tôi buồn và hụt hẫng nhất tôi sẽ đề cập trước).

2. Thiên Di và Những giao diện ẩn

Thoạt đầu có hai quyển làm tôi buồn và hụt hẫng nhất mà tôi rất phân vân không biết nên trình bày tác phẩm nào trước. Đó là cuốn Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn và cuốn Những giao diện ẩn của Thiên Di. Sau một giờ “cân, đong, đo, đếm” rất khổ sở cuối cùng tôi quyết định “ưu tiên” trình bày sự thất vọng của mình về quyển Những giao diện ẩn của Thiên Di trước. Vì dù sao theo tôi cuốn Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn có một ưu điểm rất đáng biểu dương so với tất cả cuốn còn lại là đó là tinh thần tìm tòi sáng tạo rất đáng trân trọng của tác giả. Tôi sẽ nói chuyện này sau bây giờ tôi xin trở lại với Thiên Di.
Đọc Những giao diện ẩn với Thiên Di xong tôi có tâm sự với một người bạn rằng tôi vốn rất thích, rất quý nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên; lẽ ra theo tôi, ông là một nhà phê bình văn học xuất sắc nếu đừng viết lời giới thiệu quá dài dòng về Thiên Di và Những giao diện ẩn. Thật ra, nếu ai có theo dõi trào lưu văn học trẻ (nhất là văn học mạng) của Trung Quốc hơn 10 năm trở lại đây cũng như một vài cây bút 8X của Việt Nam trên văn đàn hiện nay sẽ dễ dàng nhận ra Những giao diện ẩn là sự lặp lại không hơn không kém cách viết (cả về kết cấu, cách kể chuyện cho đến lối đặt tên nhân vật) của các cây bút Trung Quốc như: Vệ Tuệ, Dương Thụ, Trương Duyệt Nhiên, Bì Bì… Thú thật tôi vốn không có thiện cảm lắm với một số nhà văn trong dòng văn học này của cả Trung Quốc và Việt Nam. Bản thân tôi trước đây và bây giờ vẫn nghĩ rằng dòng văn học này sớm muộn cũng không trụ được lâu và những tác giả của nó sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng (hình như bây giờ đã bắt đầu có dấu hiệu ấy). Vì thế, khi đọc Những giao diện ẩn thấy Thiên Di rập khuôn theo họ làm tôi thấy lòng buồn vô hạn. Cái lối đặt tên nhân vật theo kiểu “tùy hứng lý qua cầu” của Thiên Di mà nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho là “khác lạ” thật ra chỉ là bản sao của không ít nhà văn Trung Quốc vừa kể ở trên. Nếu như Vệ Tuệ có các nhân vật như: Chó Điên, Cá Con (trong Tiếng kêu của bươm bướm) hay Chó Đen, Mắt Đẹp (trong Điên cuồng như Vệ Tuệ; ở Trương Duyệt Nhiên có Lụi Tàn (trong Lụi tàn)… thì trong Những giao diện ẩn của Thiên Di ta bắt gặp những Ngổ Ngáo, Cục Đất, Tử Tế, Cỏ Hoang, Bướng Bỉnh, Thiên Thần Kiến Cận, Nhóc Không Cười, Mặt Bẹt, Tham Vọng, Chị Gái FaShion, Chị Da Bánh Mật… Vẫn biết việc đặt tên nhân vật như thế nào là quyền của tác giả thế nhưng cách đặt tên như thế này tôi nghĩ Thiên Di đừng mong gì đến chuyện nhân vật của mình sống mãi tròng lòng người đọc.
Không dừng lại ở đó, đi vào tác phẩm dù phải công nhận là Thiên Di ngoài việc cố gắng tạo ra một bối cảnh, một không gian, không khí thuần Việt Nam để thuật lại câu chuyện của các nhân vật; tuy vậy toàn bộ tác phẩm vẫn là cái lối mòn nhàn nhạt về những “chuyện không đâu” phản ánh những suy nghĩ của “lớp người mới” thường thấy ở các nhà văn 7X, 8X, 9X cả Việt Nam và Trung Quốc đã và đang thể hiện. Có thể nói, đó là tiếng nói của “một lớp người trẻ” (nhất là những người trẻ đang sống ở những đô thị lớn) đang “tự đóng khung mình” để “tự khám phá bản thân” trước những biến chuyển của cuộc sống hiện đại mà không màng đến những người xung quanh nghĩ về mình như thế nào. Vẫn là cái giọng văn có vẻ bất cần đời của những “người trẻ” muốn được sống theo ý thích riêng của mình, muốn được tự do làm những điều mình nghĩ bằng mọi cách; vẫn là cái tâm lý chán trường học, ghét cuộc sống gò bó, giáo điều… Và ở đây dù nhà phà phê bình Phạm Xuân Nguyên có “thiện ý” bào chữa cho Thiên Di là “thành thực” trong cách viết đi nữa vẫn không thể nào cứu nỗi chị vì những “thể nghiệm” của chị (qua nhân vật Ngổ Ngáo) mà hậu quả của nó là một sai lầm chết người. Phạm Xuân Nguyên viết: “Cái chết của nhân vật Ngổ Ngáo bề ngoài là do chích thuốc và đua xe, nhưng đấy không phải do cô gái này đua đòi ăn chơi, mà thực ra là cô muốn hiểu rõ hơn cái cảm giác khi phê thuốc và nổi loạn của kẻ ăn chơi,“đi bụi”. Để làm gì cái hiểu ấy? Để không trở thành kẻ viết văn salon. Đó là một lựa chọn sống, một xác quyết, một thái độ văn, có thể là liều lĩnh, nhưng là thành thực(…) Nhân vật Ngổ Ngáo có thể coi là một thành công của người viết”
[1].
Chỗ này cho phép tôi dừng lại trao đổi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên một chút. Theo thiển ý của tôi, nếu ông còn “cổ vũ” cho các nhà văn trẻ bằng cách chơi ma túy và đua xe để hiểu cảm giác thật của kẻ chơi ma túy và đua xe là như thế nào (như nhân vật Ngổ Ngáo trong tác phẩm này) và nhất là để không trở thành “nhà văn salon”, tôi e là xã hội này sẽ loạn đi mất. Tới đây tôi chợt nhớ đến trường hợp tương tự của nhân vật cô gái trong truyện ngắn Cô con gái ngỗ ngược của tác giả Võ Diệu Thanh (người đoạt giải Nhì với tập truyện cùng tên cũng trong cuộc thi lần này) vì cũng muốn “thấu hiểu” cảm giác và thân phận của những cô gái “bán hoa” đã quyết tâm chuẩn bị một hành trình cho một cuộc “trải nghiệm” thật (rất may cô gái trong truyện này phút cuối cùng đã kịp dừng lại). Chao ôi, thật là khủng khiếp quá, chẳng lẽ giới trẻ bây giờ muốn hiểu thế nào là cảm giác “thành thật” trong cuộc đời hay không muốn bị mang tiếng là “nhà văn salon” thì phải chơi ma túy, phải đua xe và thậm chí là… làm đĩ (xin lỗi bạn đọc) hết sao? Ôi thôi, cứ cái đà này – với cái cách “lựa chọn sống” kiểu này đến một lúc nào đó các bạn trẻ “nổi hứng” lên muốn “trải nghiệm” để hiểu rõ hơn cái cảm giác thật của những kẻ khủng bố và giết người hàng loạt trên thế giới hiện nay thì liệu không biết lúc ấy xã hội sẽ như thế nào nữa! Tôi cho rằng dù đây là một lối nghĩ “thành thật” hay “một lựa chọn sống, một xác quyết, một thái độ văn…” gì đi nữa cũng là rất ấu trĩ và hoàn toàn sai lầm. Người ta có rất nhiều cách hay để trải nghiệm cuộc sống phục vụ cho việc viết văn. Các nhà văn trẻ muốn hiểu điều này theo tôi nên đọc lại thiên tài Vũ Trọng Phụng vì trước năm 1945 nhà văn của chúng ta khi ấy cũng còn rất trẻ đã viết một tiểu thuyết có tên là “Làm đĩ”. Tôi chắc rằng để viết tác phẩm này nhà văn của chúng ta không phải “bán mình” để “trải nghiệm” qua cái “cảm giác thật” mà viết đâu.
Trong Những giao diện ẩn ta còn bắt gặp cách Thiên Di đặt vào miệng các nhân vật (vốn có tuổi đời còn rất trẻ) những lời thoại mang tính “triết lý” và “khái quát” một cách rất gượng gạo như thể họ đã trải, đã hiểu, đã rành cuộc sống này, cuộc đời này như lòng bàn tay mình vậy. Đây có thể nói là điều không chỉ mình Thiên Di mà nhiều cây bút 8X, 9X… hiện nay cũng rất hay vướng phải; cứ nghĩ mình sắp lên hàng… “triết gia” hết rồi. Tôi liệt kê ra đây một vài trường hợp để mọi người cùng đọc và suy ngẫm:
- “Một lần, đọc một cuốn sách về “luân hồi”, tôi cứ ngờ ngợ mãi không biết kiếp trước tôi có tham gia vào vụ án “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” hay không mà kiếp này lại dính vào nghiệp viết”. (trang 28)
- “Tao không biết mày nghĩ gì, chứ tao, tao chỉ nghĩ con người cứ tưởng các mối quan hệ xung quanh đang ràng buột mình nhưng thực ra là tự bản thân họ buộc mình với những mối quan hệ”. (trang 32)
- “Tao không phải đá sỏi. Hơn nữa, người ta không nhìn thấy đá sỏi khóc nên tưởng nó không biết khóc thôi”. (trang 35)
- “Thời buổi này, con trai con gái thấy nhau thì hút lấy nhau. Ngủ với nhau một đêm cũng đã không còn gì là to tát”. (trang 47)
Không biết bạn đọc nghĩ gì về những câu mang tính “khái quát” cuộc sống mang màu sắc “triết lý” ở trên chứ riêng tôi, tôi không có cảm tình lắm. Cho phép tôi được bình luận trường hợp Thiên Di “triết lý” về chuyện “luân hồi” mà cô đã “khái quát” rằng “không biết kiếp trước tôi có tham gia vào vụ án “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” hay không mà kiếp này lại dính vào nghiệp viết”. Ơ hay, văn chương chữ nghĩa vốn là chuyện rất Thiêng Liêng và Cao Quý; người viết văn vốn cũng đang làm công việc rất Thiêng Liêng và Cao Quý; còn chuyện“đốt di cảo của Nguyễn Trãi” là một tội ác tày đình vì Nguyễn Trãi đã được minh oan sau vụ “Lệ Chi viên”; là danh nhân văn hóa của dân tộc và thế giới. Tôi nghĩ nếu thật sự có chuyện “luân hồi” và “nghiệp báo” thì những ai phạm tội “đốt di cảo của Nguyễn Trãi” có khi phải bị đày xuống 18 tầng địa ngục chứ làm gì có chuyện cho đầu thay trở lại làm người mà viết văn, viết sách! Thiên Di và các bạn nhà văn trẻ ơi xin tỉnh táo lại một chút đi. Văn chương là chuyện không thể đùa giỡn được đâu. Đừng có ảo tưởng!
Nhân đây tôi cũng xin nói thật là khi bắt đầu đọc những dòng đầu tiên của Những giao diện ẩn tôi đã phát hiện ra tất cả những điều trên nhưng tôi vẫn cố gắng đọc trọn vẹn tác phẩm để nhằm kiểm chứng lại những dự đoán ban đầu này của mình cũng như thầm hi vọng tác giả có mở ra một “giao diện” nào mới không? Và nhất là chúng ta phải đọc trọn vẹn tác phẩm để thể hiện sự tri ân người viết vì dù sao họ cũng đã cố gắng hoàn thành phận sự của một người sáng tác, tạo ra tác phẩm chia sẻ với người đọc những điều họ nghĩ, họ trăn trở. Phải chăng nhờ tôi kiên trì mà Những giao diện ẩn cuối cùng cũng đã hiện ra một vài chỗ ít nhiều để lại cho tôi một ấn tượng dù là rất… “bình dị”. Thứ nhất, Những giao diện ẩn đã không rơi vào miêu tả sex như kiểu chúng ta vẫn thường thấy ở những tác phẩm viết theo lối này của các nhà văn Trung Quốc lẫn Việt Nam. Thiên Di theo tôi đã biết tiết chế và dừng lại đúng lúc, điều này thể hiện bản lĩnh văn hóa của một cây bút trẻ. Dù cho tác phẩm ta thế nào đi nữa chứ quyết không “PR”, không lôi kéo độc giả bằng sex như không ít các cây bút trên văn đàn đã và đang làm. Thứ nữa, phải kể đến sự cố gắng của tác giả ở khả năng sáng tạo và tưởng tượng về một “thế giới bên kia” của những linh hồn chết trẻ đang vật vờ tại “giao lộ” Trung Gian để nhìn về (chính xác hơn là “nhìn lại”) cuộc sống sôi động và giả tạo của con người trong cõi nhân gian hiện hữu mà chính họ đã từng một lần rong chơi. Những giao diện ẩn của Thiên Di phải chăng là ở những điểm này? Nếu đúng như vậy thì thật là tiếc cho Thiên Di, phải chi chị đừng chọn lối viết rập khuôn theo các cây bút Trung Quốc và nhất là đừng cố tỏ ra mình “sành đời” và nắm rõ quy luật cuộc sống như lòng bàn tay như phần đông các nhà văn trẻ hiện nay thì hay biết dường nào.
Thôi thì, trước khi kết thúc phần nói về Thiên Di và Những giao diện ẩn, tôi xin phép được đính chính lại nhận xét ban đầu của tôi về nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mà tôi đã đề cập ở trên. Thật lòng tôi vẫn thấy ông là một trong những nhà phê bình xuất sắc nhất hiện nay. Trong lời giới thiệu của ông về tiểu thuyết Những giao diện ẩn của Thiên Di có câu kết rằng: “Tôi có niềm tin mong manh là tác giả này sẽ còn đi tiếp trên con đường văn chương đã mở ra từ sách này…”. Tôi thật sự thích cách nói “niềm tin mong manh…” của ông, nói như thế kể ra cũng tinh tế và khéo léo.

3. Mai Anh Tuấn và Giảng đường yêu dấu

Phần nói về Thiên Di trên kia tôi có đề cập đến sự “giằng co” của tôi về Thiên Di và Mai Anh Tuấn. Và sở dĩ tôi trình bày nỗi buồn và sự hụt hẫng của mình về Giảng đường yêu dấu sau Những giao diện ẩn là vì tôi đồng tình với tiến sĩ Nguyễn Thành Thi (trong lời giới thiệu tác phẩm này) đã nhận xét: “Đọc tác phẩm, độc giả dễ dàng nhận thấy việc lồng “phim” vào tiểu thuyết là một thể nghiệm táo bạo và khá chắc tay của tác giả tiểu thuyết này”
[2].
Ở điểm này chúng ta phải nói lời khen Mai Anh Tuấn thôi. Cách thể nghiệm này tuy là làm người đọc có hơi mệt nhưng thật sự rất lôi cuốn và hấp dẫn. Đúng là một sự táo bạo và rất có bản lĩnh của người viết, xin chúc mừng Mai Anh Tuấn ở điểm này vậy.
Nhưng mà đáng tiếc là chỉ có điểm này là đáng biểu dương thôi Mai Anh Tuấn ơi. Bởi dù sao theo tôi thì viết tiểu thuyết mà chỉ đăm đăm chú ý đến “kỹ thuật”, đến cái vỏ “hình thức” đơn thuần mà không quan tâm đến việc sẽ cho người đọc thấy cái chiều sâu tư tưởng của người viết thì cũng hỏng. Cái tham vọng “truyện lồng phim” của người viết, sự tham lam muốn “vừa làm giảng viên vừa làm nhà biên kịch” của nhân vật chính ít nhiều đã làm cho tác giả Giảng đường yêu dấu bị… rối, đưa đến hệ quả là làm cho người đọc bị… mệt. Ngẫm kĩ lại Giảng đường yêu dấu không có gì nổi bật ngoài những dòng cảm xúc lan man không đầu không cuối của một anh giáo viên đang chuẩn bị cho giờ lên lớp đầu tiên ở giảng đường đại học. Tâm lý thông thường trong thời khắc này của người thầy giáo lẽ ra, nên nghĩ về những tri thức và phương pháp mà mình sắp truyền đạt lại cho học trò với tư cách là một giảng viên trẻ thì sẽ hợp lý hơn. Đằng này trước cái ngưỡng cửa chuẩn bị làm “thầy thiên hạ” anh giảng viên trẻ lại lan man suy nghĩ những chuyện… tầm phào. Logic tâm lý này thật không ổn cho lắm. Đó là chưa kể những dòng hồi ức, những dòng kỉ niệm về những người bạn của nhân vật chính tuy là có đẹp thật nhưng sao mà giống với suy nghĩ của các em học sinh trên báo… “Áo trắng” hay “Mực tím” quá. Với những dòng này xem ra tác giả Giảng đường yêu dấu còn nặng về “sách vở”. Trong khi đó những dòng hồi ức về quá trình lăn lộn dạy học của nhân vật chính khi còn ở vùng núi xa xôi nào đó trong Giảng đường yêu dấu lại cho thấy tác giả có vẻ rất “chăm đọc” Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp quá hay, quá nổi tiếng rồi chăm đọc là đúng thôi. Nhưng mà đọc để học hỏi, để rút kinh nghiệm; đọc để xem người ta đã viết những chuyện gì rồi để tránh chứ không phải đọc để rồi bị cuốn vào và không thoát ra được. Cho nên nhìn kỹ lại những chỗ này giọng điệu của Giảng đường yêu dấu sao mà giống với“Những người muôn năm cũ” hay “Sống dễ lắm” của Nguyễn Huy Thiệp quá.
Mà thôi, những chuyện như thế dù sao cũng thông cảm được bởi lý do là người viết còn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống như lời của tiến sĩ Nguyễn Thành Thi đã nhận xét trong bài giới thiệu. Thế nhưng, để văn chương nghệ thuật bị “vấy bẩn” bởi những ngôn từ thô tục thiếu kiểm soát như các câu văn dưới đây thì khó mà chấp nhận được. Xin dẫn ra đây vài ví dụ tiêu biểu sau:
- “Từ mà giáo sư Dân nói, khi đưa vào kịch bản của Phan sau này, Phan đã sửa chữa cho ngắn lại nhưng vẫn giữ nguyên ý: em có thể mút buồi anh được không?” (trang 29)
- “Tháng thứ hai họ viết thư tỏ tình thầy giáo Phẩm. Con gái Ô Hóa thì ngực em tuyết lê, bồng đảo thậm chí là núi đôi tên một bài thơ nổi tiếng thay vì chuẩn chung là vú. Con trai Ô hóa thì chim cò cu buồi dái thay vì quy định đúng là dương vật”. (trang 65)
Thú thật, tôi trích dẫn lại những dòng ở trên mà tay cứ run run vì tuy là lặp lại câu văn của tác giả nhưng thực tế thì tay tôi đã phải trực tiếp gõ trên bàn phím từng từ, từng chữ thô thiển ấy. Thật lòng tôi thấy ngượng lắm nhưng không biết tác giả khi viết những dòng ấy có ngượng như tôi không? Chi vậy Mai Anh Tuấn? Tôi nghĩ nếu cắt bỏ những dòng văn trên không những không ảnh hưởng gì đến ý đồ nghệ thuật của tác giả mà còn làm cho tác phẩm thêm phần trong sáng và “nghệ thuật” hơn.
Nếu tôi nhớ không lầm trong giới phê bình ta hiện nay thì nhà phê bình Nguyễn Hòa đã không ít lần lên tiếng cảnh báo các nhà văn, nhà thơ (nhất là những người trẻ) là ông vốn rất “dị ứng” với thứ “ngôn từ bẩn” như thế trong văn chương. Chỗ này thú thật là tôi cũng có cùng suy nghĩ với nhà phê bình Nguyễn Hòa, vì thế đọc Giảng đường yêu dấu và biết tác giả cũng là một giáo viên mà lại đưa những câu văn, những hình ảnh bẩn thỉu như thế (dù là để minh họa hay phản ánh thực tế trần trụi mà tác giả đã từng chứng kiến đi chăng nữa) tôi thấy quả là đáng tiếc lắm thay. Ai lại đi (và nỡ lòng nào) hành xử một cách “trần trụi” và xúc phạm văn chương nghệ thuật như thế? Đó là chưa nói nhiều chỗ khi viết tác giả còn “pha” ngôn ngữ mạng vào làm cho ngôn ngữ toàn tác phẩm đôi khi bị “sọc dưa” rất khó coi nữa.
Cho nên mới nói, với Giảng đường yêu dấu, tôi đành phải nói rằng Mai Anh Tuấn mới chỉ là anh học trò vừa hết tuổi “áo trắng” đang bước những bước đi đầy rụt rè vào cái ngưỡng chuẩn bị làm thầy những cô cậu “áo trắng” khác mà thôi. Mà xem ra giảng viên trẻ này cũng bị tâm lý dữ lắm. Vì trước giờ lên lớp mà đầu óc cứ để ở đâu đâu, không tập trung suy nghĩ cho thật rõ ràng, cụ thể, thấu đáo, cho có lớp lang, bài bản một vấn đề gì hết. Lại thêm, việc làm thầy chưa biết thế nào mà còn định kiêm thêm làm nhà biên kịch nữa; và dù là chuẩn bị làm “thầy thiên hạ” rồi mà vẫn chưa thấy “lớn” chút nào trong xưng hô và nói năng. Phải chăng vì thế mà dù Giảng đường yêu dấu có ưu điểm là “kỹ thuật viết” tiểu thuyết khá hấp dẫn nhưng lại thiếu một chiều sâu và “độ chín” trong suy nghĩ; sự khát khao, sẵn sàng dấn thân để chinh phục mục tiêu lớn lao, cụ thể nào đó của những người trẻ.

4. Nguyễn Thiên Ngân và Những chuyển điệu

Bây giờ tôi sẽ tiếp tục trình bày nỗi buồn và sự hụt hẫng của mình về 2 quyển tiểu thuyết còn lại đó là: Biển của Trương Anh Quốc và Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân. Biển đoạt giải Nhất, Những chuyển điệu đoạt giải Tư điều này cũng có nghĩa theo BGK Biển xuất sắc hơn. Tôi đồng ý với BGK cuộc thi về đánh giá này. Vậy nên, tôi sẽ nói về Những chuyển điệu trước.
So với Những giao diện ẩn của Thiên Di, Những chuyển điệu không bị sa vào lối mòn trong cách viết, cách kể chuyện hay đặt tên nhân vật kiểu “vô tội vạ” của các cây bút 7X, 8X, 9X… hiện nay. Tuy vậy, cũng giống như Thiên Di trong Những giao diện ẩn, Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân cũng là câu chuyện về “thế giới riêng” của những bạn trẻ đang vật vã chống chọi với cuộc sống hiện đại bằng cách cố dựng lên những “thành trì” để “tự đóng khung” mình lại với thế giới bên ngoài. Nếu như Thiên Di trong Những giao diện ẩn chọn cách giải quyết để cho nhân vật của mình “về thế giới bên kia” để nhìn lại “thế giới bên này” mà mình từng tồn tại để lý giải cho những nỗi cô đơn của lớp trẻ thì Nguyễn Thiên Ngân lại bắt các nhân vật chới với, hụt hẫng, cô đơn trong một tình yêu tuyệt vọng; hay thậm chí là sẵn sàng phiêu lưu vào cả tình yêu đồng giới. Ở khía cạnh nào đó có thể nói, các nhân vật trong Những chuyển điệu của Nguyễn Thiên Ngân ít nhiều cũng cho thấy một cá tính và bản lĩnh khi âm thầm chịu đựng những nỗi bất hạnh bất ngờ ập xuống đời họ. Tình yêu trong Những chuyển điệu cũng được Nguyễn Thiên Ngân thể hiện khá đẹp và lãng mạn. Tuy vậy, vì lãng mạn quá nên nhiều khi tình yêu trong Những chuyển điệu có nhiều chỗ giống như trong những bộ phim Hàn Quốc đang chiếu nhan nhãn trên ti vi. Ấy là chưa kể đến sự “sắp đặt” và “dàn dựng” có phần gượng gạo của tác giả khi cố tình tạo ra một gã đàn ông ngoại quốc mang “bản chất quỷ quyệt trong sự cao thượng”. Chi tiết gã đàn ông ngoại quốc - với tư cách một người chồng cố tình “tạo điều kiện thuận lợi” để vợ và người tình của vợ có những chuyến phiêu lưu tình ái sao mà… “tiểu thuyết” quá, không “đời” chút nào. Để sỉ nhục và hành hạ tinh thần vợ và người tình của vợ thì tưởng tượng ra cảnh huống này kể cũng “có đầu tư suy nghĩ” nhưng mà đáng tiếc là Thiên Ngân không thật chắc tay khi đặt vào miệng các nhân vật những lời thoại quá “hoa mĩ” và “trí thức” khi cả 3 gặp nhau ở khách sạn – nơi vợ và người tình của vợ hẹn hò. Một cú đấm như trời giáng của người chồng, một cuộc vật lộn giữa hai người đàn ông đến đổ máu trong khi cô gái vì không cản được nên đã nhảy lầu tự tử, hay bỏ chạy mất hút; hai gã đàn ông sau cuộc “quần thảo” buông nhau ra, cả hai nhìn nhau vừa chua xót, vừa bực tức, vừa nghẹn ngào, vừa hối hận vì đã để người mình yêu ra nông nỗi ấy… có lẽ sẽ hợp tình, hợp cảnh hơn chăng? Mô típ này xem ra cũng sáo mòn nhưng mà vẫn đỡ hơn là nghe gã đàn ông nói lời “hoa mĩ” trong hoàn cảnh không thể nào “dịu dàng” cho được!
Có thể thấy cách Nguyễn Thiên Ngân để cho các nhân vật của mình trong Những chuyển điệu phiêu lưu vào những cuộc tình vô vọng để rồi cuối cùng ôm lấy khổ đau cho thấy tác giả có suy nghĩ và cách nhìn khá rối rắm, luẩn quẩn, chưa thật chững chạc, chưa thật “người lớn”. Một cuốn tiểu thuyết có đến 168 trang giấy mà tác giả của nó chỉ quanh quẩn kể lại nỗi khổ đau vì không được yêu của hai người bạn trẻ rồi cuối cùng cũng không khái quát thành vấn đề gì kể ra là… quá hoang phí giấy in và chữ nghĩa. Đồng ý là bây giờ tuy có một bộ phận nào đó các bạn trẻ rơi vào trạng thái “khủng hoảng” vì nhịp điệu của cuộc sống hiện đại đầy bất trắc nhưng cũng còn rất nhiều người rất năng động, rất thông minh, rất bản lĩnh và tự tin khi đương đầu với những vấp ngã, những khó khăn trên đường đời. Để cho những bạn trẻ “tự đóng khung”, “tự gặm nhấm” nỗi buồn và cho rằng “thế giới người lớn” bây giờ hoàn toàn không hiểu gì về “thế giới người trẻ” rồi muốn làm gì thì làm kiểu như Thiên Di là một cách nghĩ sai lầm. Còn để cho các bạn trẻ suốt ngày vẩn vơ đau khổ vì mãi chạy theo những mối tình vô vọng như kiểu Nguyễn Thiên Ngân là cách nghĩ vừa phiến diện vừa mang đậm màu “cải lương”. Tóm lại, muốn thay mặt những người trẻ nói lên “tiếng nói của thế hệ”, tôi cho rằng cả Thiên Di và Nguyễn Thiên Ngân cần thiết phải mở to và phóng tầm mắt xa hơn nữa để quan sát cuộc sống này cho thật kỹ, khi ấy mới hi vọng có thể khái quát lên một vài điều gì đó có ý nghĩa. Ai cũng cũng biết đời người vốn rất ngắn ngủi vì thế, đừng nên phung phí thời gian vào những suy nghĩ và việc làm không đâu.

5. Trương Anh Quốc và Biển

Trương Anh Quốc là người đoạt giải nhất với tác phẩm Biển mọi người đã biết rồi vì giải thưởng cũng đã trao rồi. Trong tương quan giữa những tiểu thuyết trong cuộc thi này thì việc trao giải nhất cho Biển là chính xác. Thế nhưng với cá nhân tôi, khi đọc xong Biển - quyển tiểu thuyết dày nhất so với 3 quyển còn lại (273 trang) thú thật tôi có cảm giác mình bị Trương Anh Quốc “chơi” một vố khá đau. Tôi không phủ nhận so với 3 cây bút tiểu thuyết đoạt giải còn lại Trương Anh Quốc là người trải đời, kinh nghiệm và già dặn hơn cả. Bởi dù sao Trương Anh Quốc cũng là một người quen năm cũ, nghe đâu đã từng đoạt giải nhì trong cuộc thi lần 3. Trước khi lang thang trên biển cùng Trương Anh Quốc tôi có hơi e dè vì độ dày của Biển. Càng e dè hơn khi đọc lời giới thiệu như thể vừa “cảnh báo” vừa “mời mọc” của nhà văn Nguyên Ngọc – một trong những thành viên BGK. Nhà văn Nguyên Ngọc có nói đại khái là đọc những trang đầu của Biển rất dễ làm người ta chán nhưng càng đi sâu vào càng bị cuốn hút. Tin sự “cuốn hút” ấy nên sau những lần chán nãn ban đầu tôi phải “vật vã” trong 5 ngày mới hoàn thành “cuộc phiêu lưu” trên biển vừa xa xôi, vừa mông lung với Trương Anh Quốc. Ngày cuối cùng khi tàu của Trương Anh Quốc cập cảng để đưa tôi trở lại đất liền lúc ấy, tôi mới thực sự “hoàng hồn”; tôi vừa thầm cảm ơn vừa thầm trách nhà văn Nguyên Ngọc đã “xúi” tôi “đi biển” với Trương Anh Quốc. Cảm ơn là vì chuyến đi biển ấy tôi được Trương Anh Quốc cung cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa và tôn giáo của khá nhiều nước trên thế giới rất hay và bổ ích. Con trách là vì nhà văn Nguyên Ngọc không báo trước cho tôi biết Biển của Trương Anh Quốc có nhiều chỗ tuy lạ mà quen, tuy xa mà gần. Cái “không gian hẹp kín và khắc nghiệt” (chữ dùng của nhà văn Nguyên Ngọc) trên tàu là cái lạ, cái sáng tạo của Biển để qua đó Trương Anh Quốc bộc lộ “ý đồ” (được che đậy rất khéo léo bởi lớp áo văn hóa và tôn giáo của nhiều quốc gia mà tác giả đã rất kỳ công tìm hiểu) nghệ thuật của mình. Thế nhưng, cũng chính vì không gian quá “hẹp kín” cũng như vì quá kì công cho cuộc “khảo sát” văn hóa và tôn giáo các nước trên thế giới nên “ý đồ” của tác giả vô tình đã bị lộ. Hơn nữa cái “ý đồ” ấy ngẫm kĩ cũng không có gì là mới. Những chuyện xung đột, mâu thuẫn theo kiểu bằng mặt không bằng lòng giữa “cấp dưới” và “cấp trên”; “cấp trên” bất tài vô dụng nhưng thường ngồi vững vàng trên “ghế cao”; “cấp trên” không biết nhìn người, không biết quản lý chỉ biết ngồi chỉ tay năm ngón nhưng lại đầy quyền uy lẫn quyền lợi; còn “cấp dưới” có năng lực nhưng bộc trực, thẳng thắng quá nên bị trù dập; hay cũng có “cấp dưới” tuy cũng bất tài nhưng khéo xu nịnh, bợ đỡ để được thăng tiến v.v và v.v.. thực ra là điều quá xá là quen, quá xá là cũ. Có thể nói, “cái không gian hẹp kín” giờ đây vô tình đã hại Trương Anh Quốc. Vì “hẹp” và “kín” quá nên tác giả cũng không nhìn thấy gì nhiều. Cho nên với Biển tôi cho rằng Trương Anh Quốc đã làm người đọc mất thời gian quá. Lẽ ra anh nên chuyên tâm chọn một trong hai, hoặc là khám phá văn hóa và tôn giáo các nước trên thế giới, hoặc là khám phá những điều bí mật ngàn năm của biển xanh mênh mông khôn cùng thì chắc là thú vị hơn. Thêm nữa, suốt hàng mấy trăm trang sách nhưng tác giả không hề để lại một ấn tượng gì về tính cách riêng độc đáo của bất cứ nhân vật nào. Ngay cả cách đặt tên nhân vật sao cho thật ấn tượng cũng không thấy. Máy Hai, Máy Ba, Máy Tư… là gì? Ừ thì là tên nhân vật nhưng đọc xong rồi người đọc sẽ quên ngay thôi vì không biết Máy Hai, Máy Ba, Máy Tư… gì gì đó có số phận và tính cách cụ thể như thế nào. Không khắc họa rõ nét ai cả mà cứ kể chuyện đều đều nhưng toàn những chuyện “đấu đá” quen thuộc trên đất liền làm cho người đọc càng thêm mệt nhoài. Bảo rằng biển mình đẹp, biển mình hấp dẫn nhưng chỉ sau một lần ra thăm biển người ta không còn tha thiết, không còn hứng thú trở lại nữa, vì thế, nhất thiết phải xem lại “cái sự đẹp” của mình thôi.
Nói tóm lại, sau 5 ngày phiêu lưu trên biển cùng Trương Anh Quốc tôi phải thừa nhận Biển ít nhiều đã đem đến cho tôi những điều thú vị. Tuy nhiên, cũng như các quyển tiểu thuyết trước, tôi vẫn cho rằng Biển của Trương Anh Quốc vẫn còn thiếu một tầm nhìn khái quát về cuộc sống; càng không cho thấy một tư tưởng mới mẻ hay độc đáo gì nơi người viết. Viết văn (nhất là viết tiểu thuyết) mà không có tư tưởng chỉ tổ làm mất thời gian và mệt óc người đọc.

6. Thay lời kết

Thật tình là sau khi đọc xong các tác phẩm trên lúc đầu tôi cũng có ý buồn và trách BGK sao lại trao thưởng cho những tác phẩm “thường thường bậc trung” như thế; văn chương tầm này làm tôi phải tự hỏi liệu có thể đại diện cho văn học nước nhà những năm đầu thế kỷ XXI bước ra giao lưu với thế giới được không? Thế nhưng, khi bình tĩnh lại tôi thấy mình cũng không phải. Có khi tôi đã trách lầm BGK rồi chăng vì thực tế cuộc thi lần này chất lượng tác phẩm cao nhất cũng chỉ có thế! Đến đây thì tôi không còn buồn BGK nữa (họa chăng nếu còn thì chỉ một chút thôi ấy là vì các vị trong BGK đã viết lời “tiếp thị” ở mỗi tác phẩm đoạt giải có hơi bị quá dài và… quá lời làm cho tôi và có lẽ không ít bạn đọc khác nữa bị lừa?) mà bỗng dưng thấy buồn cho văn học nước nhà. Chao ôi, một câu hỏi rất cũ:“Văn học Việt Nam đến bao giờ mới có tác phẩm lớn?” của cha ông đặt ra khá lâu rồi mà đến năm 2010 này con cháu vẫn chưa có lời giải đáp. Và đáng buồn hơn nữa là con cháu đến giờ không những không giải đáp nổi mà ngày càng có xu hướng thụt lùi hơn so với cha ông trước đó. Sở dĩ tôi nói điều này là vì tôi cho rằng (cũng như nhiều nhà phê bình đã từng nói) nếu tính từ năm 1986 – cột mốc đánh dấu sự đổi mới của văn học nước nhà, chúng ta đã có những tác phẩm rất xuất sắc như: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp… có thể xem là những tác phẩm có thể đại diện cho văn học nước nhà bước đầu có thể “đi ra thế giới”. Thế nhưng, nếu tính từ năm 2000 đến nay (2010) văn học nước nhà may lắm có thêm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (2005) là đạt tới trình độ ấy.

***
Tôi vốn rất trân trọng các cây bút trẻ bởi qua các tác phẩm họ viết ít nhiều đã cho thấy lòng nhiệt thành và niềm đam mê sáng tạo văn chương nghệ thuật rất đáng quý. Tuy nhiên, viết văn nhất là viết tiểu thuyết mà chỉ có lòng nhiệt thành và đam mê thôi vẫn là chưa đủ. Còn một trong nhiều yếu tố nữa mà theo tôi là rất quan trọng đó là tầm nhìn, vốn sống - vốn văn hóa của bản thân người viết. Nếu như chúng ta sinh ra không phải là một thiên tài văn chương thì nhất thiết phải không ngừng trau dồi vốn sống – vốn văn hóa của bản thân để từ đó kết hợp với lòng nhiệt thành, sự đam mê thì mới mong, mới hi vọng có thể viết được vài ba trang văn nào đó có ý nghĩa để lại cho đời. Thế thì vấn đề đặt ra là vốn sống – vốn văn hóa làm sao mà có được? Điều này rõ ràng phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm chỉ lao động của bản thân mỗi người trên cánh đồng nghệ thuật của mình. Tuy vậy, thiết nghĩ cũng nên biết một kinh nghiệm là “chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” – nhà thơ Chế Lan Viên đã từng chỉ cách trau dồi vốn sống rất hay như thế. Cho nên, theo tôi các bạn nhà văn trẻ nên học tập điều này; phải biết trải lòng ra để sống với mọi người, phải phóng tầm mắt xa hơn nữa để quan sát cuộc đời bằng một trái tim luôn hướng về điều thiện thì khi đó may ra mới có thể theo nghiệp văn chương vốn rất Thiêng Liêng và Cao Cả này.
Kết lại bài viết này, thật lòng muốn nói rằng, không phải tôi không có niềm tin vào những người viết văn trẻ hiện nay nhưng tôi cho rằng để có thể làm được điều mà thế hệ cha anh kì vọng, các cây bút trẻ trước hết cần phải hết sức “tỉnh táo” trước bất cứ một giải thưởng nào đó để không tự huyễn hoặc mình. Kế nữa là phải có cái nhìn thật rộng, thật sâu và thật xa hơn nữa những vấn đề về hiện thực cuộc sống và con người đang hàng ngày hàng giờ đầy sôi động và biến chuyển ngoài kia (công bằng mà nói Biển của Trương Anh Quốc và Giảng đường yêu dấu của Mai Anh Tuấn hoàn toàn có thể trở thành những “tác phẩm lớn” nếu hai tác giả này chăm chút đầu tư kỹ hơn nữa để có những đột phá trong cách tư duy về cuộc sống để tránh rơi vào lối mòn; cũng như đừng quá tham lam đưa đưa tất cả những gì mình thấy vào trong tác phẩm mà phải biết chọn lọc và tập trung xoáy sâu vào một hay một vài vấn đề hiện thực tiêu biểu, điển hình nhất…). Anh cứ thoải mái viết về bất cứ đề tài nào anh thích, cứ thoải mái thể nghiệm bất cứ “kỹ thuật” viết nào anh thấy cần nhưng với điều kiện là cuối cùng phải khái quát lên cho người đọc thấy được anh muốn trình bày vấn đề gì, tư tưởng gì mới mẻ và độc đáo khi kết thúc tác phẩm của mình.

Vĩnh Long, 12/10/2010

[1] Phạm Xuân Nguyên trong bài Có một giao diện văn chương (lời giới thiệu tiểu thuyết Những giao diện ẩn).

[2] Nguyễn Thành Thi trong bài Một nghệ thuật viết táo bạo (lời giới thiệu tiểu thuyết Giảng đường yêu dấu).

http://www.viet-studies.info/

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Thơ Từ Hoài Tấn

BẤC NON
Gửi Một Người Ở Huế

Buổi sớm mai ra đường
Nhớ mang thêm áo khoác
Ngày nhẹ và gió nhẹ
Vẫn làm se se lòng

Đến rồi tháng mười âm
Mùa đông ở ngoài ấy
Không nhớ buổi ân cần
Con đường ven sông đấy
Con đường chúng ta đi
Qua một thời niên thiếu
Nàng e ấp áo dài
Chiều bờ sông đưa đẩy

Ngôi trường tím thương ai
Mái tóc dài lưng lửng
Mơ ước mộng đêm dài
Ngày thơ ngây mắt mọng

Hôm nay nơi xứ xa
Mùa thu vừa qua hết
Bấc lại đến đầu ngày
Tấm lòng ta tha thiết
Thương nhớ buổi Hoàng Thành
Cầm tay nơi Đại Nội
Nàng dạo ấy xuân xanh
Đẫm tình ta sớm tối

Biết giờ ai có nhớ
Lòng ai có đợi chờ
Tình đi không hò hẹn
Cách bến đã xa bờ

Hôm nay ngày thu hết
Bấc non chớm se lòng
Đường đời ta nhẹ bước
Tình xưa ấy sắc son


TỪ HOÀI TẤN