Thứ Năm, 15 tháng 10, 2009

Hương Vị Món Huế

Ẩm Thực Cung Đình Huế

Nói đến ăn uống xứ Huế, người ta thường nghĩ đến lối ăn cung đình, một phong cách ẩm thực được hình thành để phục vụ triều đình nhà Nguyễn trong hơn một thế kỷ đóng đô ở đây. Có thể nói đó là đỉnh cao của nghệ thuật ăn uống Việt Nam nhưng chưa hẳn đã tiêu biểu cho phong cách ăn uống của dân tộc.
Theo số liệu thống kê gần đây, Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn, trong đó riên vùng đất Thừa Thiên Huế có tới 1.300 món. Điều đó cho thấy ẩm thực Thừa Thiên Huế nói chung và ẩm thực cung đình nói riêng rất đa dạng và phong phú. Các món ăn cung đình không những phong phú chất dinh dưỡng, ngon miệng mà còn được trình bày rất cầu kỳ, đẹp mắt. Từ thời Minh Mạng trở đi, vấn đề ẩm thực trong hoàn cung bắt đầu được tổ chức quy mô và chặt chẽ. Mỗi bữa cơm vua có tới 50 món ăn, một món ăn do một đầu bếp trong đội ngự viện phụ trách (khoảng 50 người chuyên lo nấu ăn cho vua mỗi ngày). Đối với các yến tiệc cung đình, vào những dịp hưng quốc, đại khách, lễ đăng quang, lễ sinh nhật nhà vua (hoặc hoàng thái hậu, hoàng hậu, hoàn tử, công chúa…), thiết đãi tân khoa, tiếp thần sứ nước ngoài…, các vua triều Nguyễn thường tổ chức yến tiệc tại điện Cần Chánh. Từ thời vua Khải Định trở đi, yến tiệc được tổ chức tại điện Kiến Trung, sau này có lúc vua Khải Định tổ chức ở cung An Định – cung riêng của vua nằm bên bờ sông An Cựu.
Theo sách Đại Nam hội điển sự lệ biên soạn dưới thời nhà Nguyễn, thì Quang Lộc Tự là cơ quan lo việc cỗ bàn của triều đình, gồm cỗ cúng trong những ngày lễ trọng đại, cỗ yến cho các quan hay tiếp sứ thần Trung Hoa, và ban yến các cho các vị tân khoa đỗ tiến sĩ. Cỗ bàn thường được chia thành các loại: Cỗ hạng lớn gồm 161 phẩm vị, Cỗ ngọc soạn có 30 đĩa, Cỗ quý có 50 phẩm vị, Cỗ điểm tâm có 12 vị. Ngoài ra còn có cỗ chay để cúng ở các chùa, hạng nhất có 25 món, hạng hai có 20 món... Các món ăn được quy định cụ thể và định giá tiền từng loại cỗ, vì vậy ta có thể thống kê qua tên gọi các món ăn. Nếu như vua chúa phương Tây và Trung Hoa thường lấy săn bắn làm thú giải trí vương giả, và sự xuất hiện của thịt thú rừng trên bàn tiệc của các lãnh chúa vương công là chuyện thường xuyên, thì ta thấy nổi lên một điều khác biệt là vua chúa Việt Nam ít ăn thịt thú rừng. Thịt dã thú chỉ thấy trong cỗ cúng với số lượng rất hạn chế: hươu, lợn rừng, công, tê tê, vịt nước, đuôi cá sấu... Hàng năm, trước ngày giỗ 12 hôm, các đội lính săn gồm 300 người và 100 con chó săn được bủa đi săn thú rừng, tối thiểu mỗi kỳ phải săn được từ 10-20 con. Quả là một con số khiêm tốn.
Ta còn có thể biết cách ăn uống ở cung đình qua những sản phẩm mà triều đình quy định cho các địa phương cúng tiến hàng năm theo mùa. Điểm lại các sản vật cung tiến được ghi trong sách xưa, ta thấy hầu hết chỉ là những hoa quả thông thường được trồng ở các địa phương như: dừa ở Vĩnh Long, Định Tường, xoài Phú Yên, bòng bong Quảng Nam, cam đường Thanh Hoá, Hải Dương, vải Hà Nội, mắm rươi Ninh Bình, Nam Định, lê Cao Bằng, Tuyên Quang. Tỉnh phải nộp nhiều thứ nhất là Quảng Bình thì cũng chỉ là dưa hấu, bột hoàng tinh, tương đậu, rượu dâu, thịt cửu khổng khô (ruột một thứ sò lớn ở biển). Chẳng qua đấy là những đặc sản địa phương, có thể thu hoạch một cách dễ dàng, không phải mất công khó nhọc lên rừng xuống biển tìm kiếm như xưa kia người Việt phải làm để cung tiến cho triều đình Trung Hoa.
Nói như vậy không phải trong hoàng cung không có những món ăn cầu kỳ. Theo lời người già trong hoàng tộc kể lại thì có một món ăn lạ là "sâu mây". Đây là một loại ấu trùng sống trong thân cây mây mọc trên rừng. Người ta chặt mây, lấy những con sâu đó về, đem thả vào ngọn cây mía trồng trong vườn. Con nhộng đục thân mía để ăn. Chờ đúng ngày nhộng vừa lớn mới chẻ cây mía ra, lấy nhộng làm thức ăn. Ngoài ra còn có một loại thức ăn được vua chúa nhà Nguyễn ưa thích, đó là con đuông, một loại ấu trùng sống trên ngọn cây dừa, vì vậy mang vị ngọt của cùi dừa. Muốn lấy con đuông phải chặt cả cây dừa, chỉ những vùng trồng dừa ở miền Nam mới lấy được. Đuông hẳn là một món ăn quý, chẳng thế mà hình ảnh và tên của nó đã được khắc trên Cửu đỉnh trước Thái Miếu của kinh thành Huế với cái tên "hồ da tử". Còn theo những người già kể lại thì các bữa ăn hàng ngày của ông hoàng bà chúa trong cung không khác những bữa ăn của dân thường là bao. Món ăn được ưa thích của mẹ vua Bảo Đại vẫn chỉ là cá bống kho, canh cá óc mó, canh rau dại nấu với tôm...
Vào đầu thế kỷ này, một vị phu nhân trong hoàng tộc đã ghi lại những món bà thường ăn để truyền lại cho con cháu học theo. Tập sách mỏng có tên là Thực phổ bách thiện giới thiệu 100 món ăn theo thể văn vần. Điều khiến ta ngạc nhiên là những món ăn đó không khác mấy so với món ăn dân dã. Tạm làm một thống kê thì thấy thịt thú rừng chỉ chiếm 4%, trong khi đó thịt nói chung chiếm 17%, gia cầm chiếm 9%, tôm cá 28% chiếm tỷ lệ cao nhất. Nếu tìm những món lạ và đắt tiền như vi cá, hải sâm, yến sào... thì chỉ có 5%. Ngược lại những món ăn bình thường như rau dưa chiếm tỷ lệ cao là 28% và các thứ mắm chiếm 14%.
Tuy nhiên, cái khác cơ bản ở đây chính là cách nấu nướng sạch sẽ, thực phẩm có chọn lọc hơn và đặc biệt là cách trình bày đẹp và tinh xảo. Nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận xét rằng người Huế ăn bằng mắt, bằng mũi trước khi ăn bằng miệng. Tỷ dụ như các thứ rau, dưa được tỉa thành những bông hoa, rau muống ăn sống phải chẻ nhỏ như sợi bún, bánh đậu xanh được nặn thành hình trái cây với màu sắc như thật, chả thịt lợn kết hợp với rau củ xếp thành hình công, phượng với tên gọi "nem công, chả phượng".
Phong cách ẩm thực cung đình ngày nay đang được tái hiện trong những thực đơn của khách sạn và nhà hàng ở Huế. Du khách có thể tới nhà hàng Tịnh Gia Viên của nghệ nhân Tôn Nữ Hà để tìm lại hình ảnh của những bữa ăn cầu kỳ trong khung cảnh vườn cây của các dinh thự xưa. Đến 15 Tống Duy Tân để chiêm ngưỡng những bông hoa hồng, hoa cúc sống động như thật do nghệ nhân Hương Trà làm từ bột đậu xanh. Nhưng để thưởng thức không khí đích thực của chốn hoàng cung thì hãy tìm đến phủ đệ xưa của cung An Định. Nơi đây, hình ảnh buổi dạ yến xưa được làm sống lại, khiến du khách như được sống trong khung cảnh thực của một đêm mùa thu xứ Huế, nhưng lại mang không khí hư ảo của một thời xa xưa.
-------------------------------------------------

Cơm Trái Dừa Món Ăn Cung Đình Huế

Muốn làm thứ cơm này phải dùng loại gạo ngon nấu với nước dừa nạo. Cơm sau khi nấu chín được trộn với thập cẩm như lạp xường, tôm, đậu petit-pois, thịt heo và chả Huế.
Trước khi ăn dùng trái dừa xiêm (dừa nạo) vạt miệng đổ nước ra (nước dùng để nấu cơm), cho cơm thập cẩm trộn sẵn vào trái dừa. Sau đó đem hấp cách thủy, cho nóng lên, khói bốc nghi ngút. Khi ăn dùng nĩa, xúc trực tiếp vào trái dừa, ăn với nước chấm tương ớt. Khi hấp cách thủy, cơm dừa vẫn để nguyên trong trái dừa, nhằm làm tăng độ thơm và cả chất béo của cơm.
Trong cung đình, cơm trái dừa được hấp cách thủy bằng loại dừa xiêm có trái thật nhỏ, chứa khoảng 1 bát cơm nhỏ. Khi món ăn này ra khỏi cung đình, trở thành phổ biến, người ta chọn trái dừa xiêm lớn hơn vì ngoài mục đích thưởng thức ra, còn dùng để ăn cho đủ no.
Cơm trái dừa được nêm nếm vừa ăn trước khi đem đi hấp, do đó khi ăn không phải dùng thêm nước chấm. Ngoài ra nếu khách không muốn ăn cơm dừa thập cẩm, có thể yêu cầu tiệm cho vào cơm những món ăn mà mình ưa thích như lạp xường, tôm, thịt heo hoặc chả Huế.
Ăn từng muỗng nhỏ, nhai chậm rãi để thưởng thức được mùi vị của món ăn cung đình này. Nó có mùi thơm của nước dừa xiêm, ngọt, béo, hạt cơm bóng mượt. Cái thú khi ăn cơm trái dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.
-------------------------------------------------

Bát Trân Trong Ẩm Thực Cung Đình Xưa

Miếng ăn, thức uống của vua chúa không những phải ngon, đẹp, tinh, giàu chất dinh dưỡng mà còn
mang tính chất y lý trong từng nguyên liệu sử dụng để đạt được sự trường thọ cho người ăn.
Bát trân là 8 món ăn quý hiếm mà xưa kia chỉ dành cho giới vua quan. Bao gồm:
1 - Nem công: Nem là món ăn đặc biệt của người Việt được chế biến không qua nấu nướng. Thực phẩm tự chín bằng sự lên men vi sinh do tác động của các gia vị có tính nóng (riềng, tỏi, tiêu...) phối hợp vào nguyên liệu chính là thịt đùi công được giã mịn.
Công là một loài chim có bộ lông đẹp, thường sống ở các cây cao hoặc gò cao. Đến mùa giao tình thường xòe cánh múa vũ điệu để gọi bạn. Con người rất thích thưởng ngoạn các vũ điệu ấy. Việc săn bắt công để cung cấp thịt hàng ngày phục vụ chế biến thức ăn không phải dễ dàng. Thịt công có tính giải độc. Khi ăn nem công, thịt công hấp thụ vào máu có khả năng giải các thứ độc tố mà người lỡ ăn phải. Chính đây là điều then chốt để hiểu vì sao nem công lại là món ăn quý.
Như trên đã nói, tính mạng của các bậc đế vương luôn được đặt hàng đầu. Việc tranh giành ngôi báu khiến con người cố sát, đầu độc nhau trong lịch sử của nhiều triều đại không phải là không có. Do đó, món ăn này được xem như "thần hộ mạng".
2 - Chả phượng: Chim phượng là chim đực. Chim cái được gọi là hoàng. Loài chim phượng chỉ sống ở núi cao, ít người trông thấy. Thịt phượng được giã mịn, nêm gia vị, gói vào lá chuối thật kín rồi hấp chín. Cũng như chim công, thịt chim phụng vừa có chất dinh dưỡng, vừa có tác dụng dược tính nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe.
3 - Da tây ngưu: Loại thú tây ngưu hay còn gọi là tê ngưu chỉ sống ở trong các rừng sâu, ăn toàn loại cây cỏ có gai. Hình dạng tây ngưu rất xấu xí. Người xưa kể rằng, mỗi khi ra suối uống nước, tây ngưu nhìn xuống suối, thấy bộ dạng mình xấu xí quá, con vật hổ thẹn quậy cho nước thật đục rồi mới uống. Da tây ngưu cứng, dày, duy nhất ở nách có một đám da rất mỏng. Nếu biết bắn hay đâm vào điểm ấy mới làm con vật chết. Phần da nách ấy, ngâm nước cho mềm, nấu thành món ăn rất ngon và bổ dưỡng.
4 - Bàn tay gấu: Gấu đực gọi là bi, gấu cái gọi là hùng. Thú vật này có cổ dài, chân cao, đi được bằng hai chân. Gấu có sức mạnh, có thể dùng hai chân trước khuân cả tảng đá lớn. Chúng rất giỏi leo cây, thích ăn mật ong ở các tổ trên cành cao. Lúc đói hoặc lúc trú đông, gấu có thể ở trong hang không ra ngoài, không có thực phẩm thì chỉ liếm bàn tay (hai chân trước) để sống. Bàn tay gấu là một món ăn rất ngon và bổ dưỡng.
5 - Gân nai: Loài nai lớn hơn loài hươu. Giống nai đực có gạc. Nai ưa sống ở núi. Vào tiết hạ chí, nai đực thường rụng sừng. Sừng non của nai gọi là lộc nhung, là một vị thuốc tráng dương, bổ thận, tăng sinh lực, nhưng phải biết cách bào chế và sử dụng. Gân nai lại được dùng để chế biến món ăn, rất ngon.
Khi làm thịt, dùng lửa thui đùi nai, cạo sạch lông. Cho giò vào nước luộc mềm. Dùng dao nhọn xẻ tách gân ra khỏi phần bắp thịt. Cho gân nai vào phiêu trong nước có ít muối và dấm cho trắng. Khi gân đã mềm, cắt khúc, hầm chung gân nai với các nguyên liệu: tôm khô, măng củ đậu, chả lụa... trong nước hầm gà đã lọc trong veo. Nêm gia vị vừa ăn khi các nguyên liệu đã chín mềm.
6 - Môi đười ươi: Đười ươi là một giống khỉ lớn, có thể đi bằng hai chân như người. Theo sách An Nam chí thì đười ươi chỉ ưa sống trong hang núi, không bao giờ đi theo một đường nhất định. Muốn bắt được đười ươi, con người phải lừa đặt be rượu và các đôi dép da trên đường chúng đi qua. Giống đười ươi hay bắt chước nên uống rượu rồi mang dép như loài người mà nó đã từng thấy. Lúc này chúng vừa say vừa đi xiêu vẹo, người săn thú mới dễ dàng bắt được.
Môi đười ươi ngon, dùng chế biến các món sơn hào dâng vua chúa. Ngày nay, giống thú này rất quý hiếm, cần phải ra sức bảo vệ.
7 - Thịt chân voi: Voi là loài vật to nhất trong loài thú bốn chân. Nó rất thông minh, lanh lợi. Thịt voi rất nhạt nhẽo, người đời vẫn thường nói "mười voi không được bát nước xáo". Khi voi chết, người ta thường chỉ lấy ngà voi. Ở bàn chân voi có một lớp thịt gân mềm, chế biến thành món ăn rất ngon. Nó là một thực phẩm rất khó kiếm nên chỉ dành dâng vua chúa thưởng thức.
8 - Yến sào: Là tổ của loài chim hải yến (én biển) là một thực phẩm cao cấp vô cùng quý giá: Việt Nam là một trong 8 quốc gia trên thế giới có yến sào.
Yến sào có nhiều loại: yến huyết, quan địa, bài... mỗi loại đều có giá trị chất lượng khác nhau, nhưng tất cả đều có giá trị dinh dưỡng cũng như giá trị kinh tế lớn.
Bản thân yến sào không phải là một món ăn ngon, mùi yến sào tanh tanh, vị nhạt nhạt nhưng ăn nó sẽ được bồi bổ thần kinh, gân cốt, chữa bệnh kiết, chống suy nhược và kéo dài tuổi thọ.
Yến sào có thể chế biến nhiều món ăn:
- Chè yến.
- Chè yến sào hạt sen.
- Yến thả.
- Bồ câu tiềm yến sào.
Ngày nay, trong 8 loại thực phẩm quý hiếm trên chỉ còn yến sào là vẫn dễ dàng tìm kiếm và được phép sử dụng. 7 thứ còn lại, một số loài đã tuyệt chủng hoặc nếu còn, đều thuộc danh mục các thú vật quý hiếm phải hết sức bảo vệ và gìn giữ. Nhưng chúng ta vẫn còn có thể tái hiện các tiệc cung đình bằng chính những nguyên liệu cao cấp mà nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam có thể cung cấp: yến sào, vi cá, bóng cá, hải sâm, cua gạch, tôm hùm, sò huyết, bào ngư để thu hút nguồn khách quốc tế khi họ đến với Việt Nam.
-------------------------------------------------

Ẩm Thực Dân Gian Huế

Qua lời kể của các bà phục vụ trong Đại nội gần gũi Đoan Huy Hoàng Thái hậu (mẹ vua Bảo Đại) thì những bửa ăn trong cung không khác bữa ăn của người dân thường là bao nhiêu. Những món được ưa thích nhất vẫn là cá bống thệ kho khô, canh cá ốc mó, canh rau muống tươi, thậm chí cả canh rau tập tàng gồm nhiều thứ rau dại. Còn cơm thì dùng gạo de An Cựu, thứ gạo ngon trồng ngay cạnh kinh thành chứ không phải là đưa từ đâu xa. Hàng ngày mặc dù là phu nhân các quan trong triều cung tiến những món ăn đặc biệt do tự mình nấu vào cung, nhưng đấy cũng chỉ là nghi thức, chứ người trong cung không chuộng những món ăn đó lắm. Lại nghe có những món ăn nghe tên thì cầu kỳ nhưng vật liệu dùng chế biến thì thật đơn giản. Ví như món cháo ngũ sắc. Muốn nấu một tô cháo thì phải dùng nươc luộc mười lăm con gà, nấu các thứ gạo và đậu riêng biệt, mỗi thứ một màu khác nhau, như đậu đen, đậu đỏ, hạt kê vàng, hạt gạo trắng... khi đổ vào bát, dùng lá chuối ngăn các thứ màu sắc khác nhau, không để lẫn lộn, nhấc lá chuối ra sẽ có một bát cháo năm màu trông rất đẹp mắt.
Thật ra ẩm thực dân gian với ẩm thực cung đình Huế là một. Ngay cả bữa ăn bình thường hàng ngày, tuy các món ăn rất đơn giản, nhưng đều được chế biến do các bàn tay nội trợ khéo léo. Bữa ăn đãi khách tiệc tùng thì công phu hơn, Nghệ thuật biểu hiện ở chỗ sử lý sản phẩm, điều tiết gia vị, và tổ chức bày dọn. Người phụ nữ Huế dù thế nào chăng nữa cũng đặt “công” lên hàng đầu, sau đó mới đến “dung”, “ngôn” và “hạnh”. Việc bếp núc được chú ý, thường truyền thụ trong gia đình từ thế hệ trước đến sau, qua kinh nghiệm thực tiễn hơn là sách vở, khi môn “gia chánh” chưa và đã được đưa vào nội dung giáo dục trong nhà trường, nhất là giới trung lưu và thượng lưu.
Nhìn chung, ngoài những đặc trưng tổng quát của ẩm thực Việt Nam ẩm thực dân gian Huế mang một số đặc trưng riêng nổi bật. Một là tính đa dạng, trên mâm một bữa ăn thông thường ít ra cũng có ba bốn món, đủ các chất, như tôm cá, thịt, rau quả.. Hai là tính mỹ thuật dù giàu nghèo mâm cơm bao giờ cũng được dọn tươm tất trên bàn, trên phản, trên chõng... Lễ tiệc cần phải chú ý bày biện phối hợp màu sắc của thực đơn. Ba là tính tập thể, tất cả các món cần dùng đều được bày ra hết nhất là trong các ngày kỵ giỗ, thậm chí chồng chất lên nhau và mỗi mâm dành cho nhiều người ăn chung. Chúng ta có thể kể ra thêm nhiều đặc trưng khác nữa, nhưng nổi trội hơn hết là tính tinh tế và ngon lành, kể cả món “mặn” lẫn món “chay”. Và để thu hút thực khách, người ta còn đặt tên các món ăn rất “kêu” ghi vào thực đơn, dù nó khá đơn giản, nhất là trong tiệc hỏi tiệc cưới... Bởi thế, trong Tuần văn hoá Huế tổ chức tại Hà Nội từ ngày 8 đến ngày 12 tháng 4 năm 1999, chính gian hàng ẩm thực đã thu hút nhiều khách nhất, vượt cả khả năng phục vụ của nhân viên...
------------------------------------------------

Bánh Nậm Huế

Đặc điểm bánh Nậm: Bánh được làm từ bột gạo trắng trong, gói trong lá chuối, nhuỵ tôm vàng rực, trông chiếc bánh nậm như một bông hoa cúc trắng tinh khiết e ấp nép mình trong chiếc lá xanh. Khi làm bánh nậm,việc chọn tôm và sơ chế cũng là cả một nghệ thuật. Người làm phải chọn những con tôm sống trong môi trường nước lợ tự nhiên, vỏ không dầy có hương vị thơm ngọt, rất đặc biệt. Một chiếc bánh nậm được gói khéo là bột phải được dàn đều trên lá tôm chấy được phết mỏng hơn, nằm gọn trong phần bột trắng. Hai mép lá được vuốt mạnh, thẳng nếp, gói gọn thành hình chữ nhật. Cũng bởi bánh nậm mỏng mảnh mà chẳng cần tới dây buộc, chiếc bánh vẫn giữ nguyên được hình dáng ban đầu sau khi hấp chín
-Nước chấm Bánh nậm: Bánh Nậm được ăn cùng với nước mắm ngọt, cay cay, rất Huế mà không giống với bất kỳ 1 loại nước chấm nào
-Bảo quản: Bánh nậm phải được ăn ngay trong ngày hoặc muộn nhất là ngày hôm sau.
-------------------------------------------------

Bánh Canh Xứ Huế

Mấy năm gần đây, ở Huế người ăn bánh canh đông hẳn lên, từ học sinh, sinh viên, cán bộ... cho đến khách du lịch và nhất là Việt kiều về thăm quê.
Các quán bánh canh lần lượt mọc lên ở những công viên, cổng trường học, nhà máy... quán mở cửa từ sớm tinh mơ cho đến nửa đêm.
Bánh canh ở đây nấu bằng bột mì với cá và da heo, hoặc với thịt băm nhỏ vo viên... Công đoạn chế biến đơn giản và nhanh chóng: nước dùng đun sôi trong nồi, bột nhào xong cán thật mỏng quanh một ống nhôm tròn làm thớt. Dùng dao xắt thành từng con nhỏ, rơi vào nồi nước nóng. Khi bột vừa chín tới, vớt ra tô, chế nước dùng có thịt heo, cá và hành thái nhỏ, chêm gia vị vào rồi ăn nóng.
Ở Huế từ lâu lắm rồi, dưới làng Nam Phổ xã Phú Thượng, Phú Vang cách trung tâm thành phố Huế chừng 6km, đã có nghề bán cháo bánh canh truyền thống. Tuy cũng là cháo bánh canh, nhưng nó hoàn toàn khác với bánh canh đời mới. Vì thế, nếu không quen biết thì du khách dễ nhầm lẫn...
Bánh canh Nam Phổ bắt đầu bán từ buổi chiều khoảng 13 giờ trở đi, hàng bánh canh do một phụ nữ gánh đi bán dạo (ngày trước người bán trẻ hay già đều đội nón Huế, mặc áo dài). Xuất phát từ Nam Phổ, lên Vỹ Dạ, qua chợ Ðông Ba, vào Thành Nội... Trong hàng bánh canh, còn bán cả bánh lọc, bánh ít, bánh nậm v.v... là những thứ bánh đặc sản Huế.
Bánh canh truyền thống Nam Phổ làm bằng bột gạo (xưa không có bột mì), lại chỉ dùng tôm giã nhuyễn trộn trứng. Tô bánh canh hình dẹt, nước dùng trong và sền sệt, thơm phức...
Bánh canh Huế được nhiều người ưa. Giá bình dân, hợp khẩu vị những ai thích ăn cay và nóng. ở Huế nếu có cơ sở chế biến đóng gói, không chừng bánh canh sẽ trở thành một thứ "mì ăn liền" bán chạy cũng nên.
-------------------------------------------------

Bánh Ướt Thịt Nướng

Vùng đất Kim Long của Huế vốn nổi tiếng có nhiều nhà vườn. Nhưng nhiều người lại biết đến Kim Long nhờ có món ăn hấp dẫn: đó là bánh ướt thịt nướng.
Bánh ướt là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc, tráng mỏng hơn và dùng liền (nên gọi là bánh ướt chứ không phơi khô như bánh tráng). Thịt để nướng thường là thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm, ngũ vị hương, mè (vừng). Thịt ướp sau vài giờ thì đem kẹp, nướng trên bếp than đỏ hồng cho đến khi đủ độ chín, dậy mùi thơm. Lấy thịt nướng này kẹp với rau thơm, giá, xà lách làm nhân để cuốn bánh ướt.
Bánh ướt thịt nướng Kim Long ngon, hấp dẫn là nhờ chấm với loại nước chấm hết sức đặc biệt, được các chủ hàng chế biến từ nước mắm nguyên chất, đường, chanh, tỏi, ớt... như một bí quyết được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chính nhờ hương vị nước chấm rất đặc trưng mà món ăn bình dân này của Kim Long được nhiều du khách biết đến, tạo thêm nét chấm phá trong bức tranh ẩm thực đa sắc màu của Huế.
Với hương vị đặc trưng như thế, nếu có dịp đến Huế, trên đường đi thăm chùa Linh Mụ bằng ô tô hay du thuyền, bạn đừng quên ghé lại Kim Long để thưởng thức món ăn đậm đà hương vị quê hương này.
-------------------------------------------------

Bánh Chưng Nhật Lệ

Đây là món ăn nổi tiếng ở Huế và có xuất xứ từ con phố Nhật Lệ trong thành Nội, nơi tập trung hàng chục lò làm bánh. Bánh thơm dẻo, ăn rất khoái khẩu do sự kết hợp nhuần nhuyễn mùi vị giữa nhân đậu, thịt (mỡ và nạc) với gạo nếp và các loại gia vị như tiêu, hành. Người ăn quen lâu ngày thành nghiện, thành thèm.
Ăn bánh chưng Nhật Lệ khi nguội ngon hơn khi nóng. Bóc lớp lá chuối ra, màu bánh xanh thơm nhức mắt. Cắn một miếng, nhân đậu thịt mỡ màu nâu trắng béo bùi ngập chân răng. Một chuyên gia gói bánh của phố Nhật Lệ cho biết: "Nếp là phải nếp tốt, không lẫn tẻ, hạt phải tròn đều. Thịt là loại tươi nóng mới mổ ra. Nấu thì phải nấu cho bánh chín đúng độ, không nhão nát, không sống...". Du khách đến Huế ai cũng tìm ăn bánh chưng Nhật Lệ, để thấm cái hương vị đặc trưng của Lang Liêu ngàn đời "danh bất hư truyền"...
Bánh càng nhỏ gói càng khó vì nó cũng tỉ mẩn đủ thao tác thịt, đậu xanh đánh thành nhân, gạo nếp, lá dong lớp trong, lớp ngoài. Bánh chưng Nhật Lệ có loại tới 30.000 đồng/cặp, có khi tới 50.000 đồng. Nhưng loại lớn này chỉ gói theo đơn đặt hàng, thường là vào dịp giỗ chạp, cưới hỏi hoặc tết.
Cứ sáng sớm tinh mơ là hàng chục người đổ về phố Nhật Lệ lấy bánh chưng đi bỏ cho các điểm bán lẻ. Tính ra mỗi ngày, các lò bánh chưng Nhật Lệ cung ứng ra thị trường năm, bảy nghìn chiếc bánh chưng.
-------------------------------------------------

Bánh Tét Làng Chuồn

Ngoài tranh trướng liễn dân gian, làng Chuồn còn có một thành tựu trong việc gói bánh tét truyền thống của Huế. Kỹ thuật gói và nấu bánh tét phổ biến khắp các làng quê xứ Huế, ở làng Chuồn cũng không có gì khác lạ. Nhưng bánh tét làng Chuồn lại đặc biệt về vật liệu. Tại làng này từ xưa đã khoanh vùng khoảng 20 mẫu ruộng để cấy nếp ngon. Đó là loại nếp thơm, gọi tên là nếp Tây. Tài khéo làm bánh tét làng Chuồn thể hiện trong mọi khâu.
Trước hết là chọn nếp: nếp ngon đều hạt, giã trắng, sàng kỹ tấm cám, không lẫn gạo hay bông cỏ, hạt cát. Nếp được ngâm kỹ, vút thật sạch, để ráo nước (để bảo đảm giữ bánh được chừng nửa tháng). Lá gói bánh là lá chuối sứ không già lắm, có mặt rộng độ bền chắc. Lạt giang vót mỏng dễ cột chặt làm cho bánh ổn định hình thể, và không thấm nước nhiều làm nhão bánh. Nhụy đậu xanh cũng chọn loại đậu xanh mỡ (loại hạt đậu lớn đều), ngâm vút làm nhụy sống. Mỡ lợn là loại mỡ giấy xắt thỏi dài vuông vức góc cạnh. Tiêu, hành, muối nêm vừa ướp đều trong mỡ, thêm một ít muối trộn đều trong nếp.
Khi gói thao tác khéo, để nhụy bánh nằm đúng trung tâm. Đòn bánh gói đẹp giữ vững hình trụ tròn đều, các nuộc lạt buộc khéo đều nhau. Để bánh có màu xanh tự nhiên còn phải bỏ một lượng lá “mật lục” (lá hoang ở bờ bụi có hình thùy, chót lá tóp nhỏ, thân và cành có gai thưa) vào nồi trước khi nấu. Trong quá trình nấu bánh, phải thay nước ít nhất hai lần để khỏi úa màu lá. Giữ lửa đều 12 tiếng làm cho bánh nhừ, giữ được lâu mà hạt nếp vẫn không "sống" trở lại.
Tét bánh bằng chỉ hay sợi gấc làm mặt bánh mịn màng phẳng đẹp, sắp khéo vào dĩa trông như những vầng trăng tròn tươi sáng tỏa hương. Khi ăn, ta cảm nhận vị mềm dẻo của bánh, hương thơm dịu của bánh, vị béo bùi của nhụy bánh và vị cay của tiêu hành, thành một vị tổng hòa thơm ngon, hấp dẫn
-------------------------------------------------

Bánh Khoái

Du khách đến Huế, ai cũng thích một lần được thưởng thức bánh khoái Thượng Tứ. Thượng Tứ hiện có ba quán bánh khoái là Lạc Thiện, Lạc Thạnh và Bạch Yến. Tiệm bánh khoái Lạc Thiện có từ trước giải phóng...Tiệm chỉ có bốn bàn tầng trệt và ba bàn trên gác cho khách ngồi.
Bánh khoái đổ bằng bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, hành, mắm, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò (hoặc chim) nướng thái lát, mỡ thái lát nhỏ, giá sống. Khuôn bánh khoái làm bằng gang hình tròn, to bằng hai bàn tay trẻ con có cán cầm. Khi nào có khách ăn, nhà hàng mới bắc khuôn lên lò đổ bánh. Múc một muôi bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo bốc lên quyến rũ, bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò nướng, lát mỡ nhỏ, một vài con tôm, ít giá bỏ vào một nửa phần bánh, dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt lật bánh cho vàng đều hai bên, xong bày ra đĩa.
Bánh ngon một phần nhờ nước lèo, thứ nước chấm chỉ các đầu bếp giỏi mới chế được. Ðây là bí quyết gia truyền, quyết định chất lượng, tạo nên hương vị thượng hạng của bánh khoái. Nước lèo Huế được chế biến rất cầu kỳ với hàng chục nguyên liệu như bột báng, gan lợn, mè (vừng), lạc rang... Quán bánh khoái Thượng Tứ tồn tại gần ba bốn chục năm nay, đã trở thành văn hoá ẩm thực Huế, làm say lòng du khách, thân thuộc với người Cố Ðô chẳng khác gì cơm hến, tiếng chuông chùa Thiên Mụ, con đò sông Hương. Vâng, đó chính là một phần văn hóa Huế.
-------------------------------------------------

Bánh Tết

Phụ nữ Huế ngay từ thuở còn thơ đã được bà, mẹ… dạy cho nữ công gia chánh, trong gia đình từ thế hệ này sang thế hệ khác, thường truyền bí quyết, kinh nghiệm riêng về bếp núc cho nhau nên Huế luôn nổi tiếng là mảnh đất có nhiều phụ nữ khéo tay hay làm. Đặc biệt vào dịp Tết đến Xuân sang, bàn tay tài hoa của các chị tha hồ bày biện, đây là niềm vui, là hạnh phúc đầu năm cho mọi nhà: bánh mứt ngọn, màu sắc đẹp, đầy hương vị quê nhà.
Ở Huế, bánh mứt ngày Tết ngoài ý nghĩa thiêng liêng là để cúng bái tổ tiên ông bà – đất trời, chiêu đãi bạn bè khách khứa nhân năm mới, còn là dịp tốt nhất để các bà các cô thi thố tài năng.
Bánh ngày Tết ngày phong phú và đa dạng nhưng người ta chuộng nhất là bánh ngũ sắc, bánh thuẩn, bánh tét.
Bánh ngũ sắc hay còn gọi là bánh in, họ nhà bánh này rất nhiều chủng loại: bánh măng, bánh bột nếp, bánh bột huỳnh tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán… mỗi loại bánh mang đúng loại bột như tên gọi của nó. Bánh được gói bằng giấy gương đủ màu sắc nhưng có quy định cụ thể, ví như màu xanh hy vọng là bánh đậu xanh, màu tím hoàng là bánh bột nếp… Ngày xuân các cô gái Huế lãng mạn thường chọn bánh theo tình yêu sắc màu hơn là hương vị bánh, bởi yêu màu tím nên ăn mãi bành huỳnh tinh dù bánh đậu xanh dòn tan thơm phức, cũng mặc!.
Cứ vào khoảng 25 Tết, trong gió Huế đã thoang thoảng mùi thơm của bánh thuẩn, những chiếc bánh xinh xắn mang đủ hình dáng của loại vật đáng yêu và loài hoa mỹ miều theo khuôn mẫu có sẵn. Bánh được làm bằng bột huỳnh tinh hay bột mì tùy vào sở thích của mỗi nhà, phải đánh bột, đường, trứng thật mạnh và đều tay bánh mới rở ngon mắt. Có điều thú vị là các bà các cô thường thích thử thời vận năm mới qua việc làm bánh thuẩn, nếu bánh nở đẹp thì thời gian đến sẽ vô cùng may mắn, tràn đầy niềm vui và ngược lại… Các cô cậu đang mùa thi cũng thích thú với loại bánh này, dù bận rộn với bài vở nhưng cũng tranh thủ xuống bếp xin mẹ thử quẻ – chỉ là để cho vui thôi – như là một hình thức thư giãn sau bao bận bịu, chứ thực ra bánh đẹp hay không tùy thuộc vào nhiều kỹ thuật, nghệ thuật và một vài bí quyết nhỏ của người làm.
Chiều cuối năm, bên bếp lửa hồng, hương thơm của bánh và đôi má ửng hồng của cô gái trông thật đáng yêu, ta như cảm nhận được mùa xuân đã đến! Dĩa bánh ngũ sắc rực rỡ luôn chiếm vị trí trang trọng trên bàn thời ngày Tết nghi ngút khói hương.
Hiện nay, ở Huế có hai tiệm bán bánh in ngon nổi tiếng là tiệm Hồng Phúc ở đường Phan Đăng Lưu, tiệm Bà Bốn ở đường Nguyễn Thiện Thuật, đặc biệt vào các ngày rằm, mồng một tiệm bánh Bảo Thạnh ở đường Trần Hưng Đạo cũng có bán loại bánh này.
Bánh tét là món bánh không thể thiếu trong thực đơn ngày Tết của mọi nhà – dù giàu sang phú quý hay bình dân nghèo nàn đều có – mức độ nhiều hay ít, chất lượng ngon dở tùy vào hoàn cảnh kinh tế và quan niệm sống của mỗi gia đình: người hay căn cơ, kể thích hào phóng sẽ có sự khác biệt. Thật muôn vàn tiện lợi, Tết – đi chơi về lỡ bữa hay bận rộn tiếp khách – vài ba lát bánh tét ăn vội vàng cũng đủ yên bụng để thù tạc với bạn bè đến tận chiều tối. Ngon nhất Huế là bánh tét làng Chuồn – nếp vừa dẻo vừa thơm, đòn bánh hình trụ tròn thon thon, nhân đậu xanh vàng ươm thơm phức, lát thịt mỡ chínht tâm béo ngậy ngon lành. Người Huế thường dùng sợi lạt buộc bánh để thái thành từng lát mỏng rất láng lẩy khi bày trên đĩa trông rất đẹp như một đóa hoa. Bánh được gói bằng lá chuối – thứ lá to bản – mặt nhẵn, để bánh được giữ lâu ngày thì lúc gói phải có nhiều lớp lá, nếu tiết kiệm lá sẽ rất mau thiu – dùng lạt mềm buộc thật chặt nấu chín kỹ. Để có một đòn bánh tét ngon, người phụ nữ phải chăm chút nhiều đến từng chi tiết: nếp, đậu… rất công phu, quy luật của cuộc sống có bù trừ - trong đau khổ vẫn có hạnh phúc – nên đêm gia thừa, ngồi canh nồi bánh tét, nhìn lửa cháy bập bùng mà nhớ nhung, hồi tưởng, mơ mộng, thật thú vị!.
Gần đây, ở Huế có xuất hiện thêm bánh chưng, nguyên vật liệu và cách làm như bánh tét vậy, chỉ khác về hình thể, bánh chưng có hình vuông, gói bằng lá dong, không để lâu ngày được như bánh tét. Bánh chưng Nhật Lệ ở Thành Nội không nơi đâu hơn tài, rất ngon và bán rất chạy, ngày Tết muốn có bánh chưng ở tiệm này thì phải nhanh chân đặt trước từ trung tuần tháng 12 âm lịch, chậm chân là phải ăn bánh chợ hoặc tự gói lấy.
Ngày nay, phụ nữ Huế có điều kiện tiếp thu thêm nhiều nền văn hóa các miền nên ngoài những món truyền thống trên, Tết Huế còn có nhiều loại bánh đẹp, lạ miệng và hợp khẩu vị như bánh trái cây, bánh kem, bánh bông lan… và đã được nhiều chị em hưởng ứng tích cực.
Dù giàu hay nghèo, ngon, dở… bánh Tết Huế vẫn hấp dẫn mọi người bởi hương vị độc đáo, màu sắc hấp dẫn mang nét riêng đặc sắc của Huế.
-------------------------------------------------

Trái Vả và Chuối Chát Chua Ngọt

Tết là rộn ràng bánh bứt và bao của ngon vật lạ… với bàn tay khéo léo tài hoa của phụ nữ Huế, tất cả các thức ấy đều rất ngon, đẹp và vô cùng hấp dẫn, bởi thói thường người ta thưởng thức món ăn bằng cả khứu giác, thị giác và thính giác mà. Nếu hoa hoa là phải có màu sắc và hương thơm, bánh mứt luôn có vị ngọt để uống với trà ngon thì rượ cay cần phải có đồ nhắm. Vào ngày Tết, ở Huế ngoài những món sang trọng như nem, chả, tré… cũng có một vài món dân dã để nhâm nhi cùng rượu rất tuyệt vời, đó là trái vả và chuối chát chua chua ngọt, tuy là món bình dân, rẻ tiền nhưng lắm người giàu rất mê, món nhậu này luôn hiện hữu và chiếm vị trí không kém phần quan trọng trong thực đơn ngày Tết của mọi nhà.
Đây là một loại kim chi mà thời gian sử dụng và bảo quản được khá lâu, ta vẫn có thể dùng được trong tròn một tháng giêng. Cứ vào khoảng từ 25 tháng Chạp, trong mỗi gia đình đều bắt đầu làm món đặc biệt này. Vơi các tiệm chuyên kinh doanh thực phẩm Tết, họ đã lùng sực khắp các chợ, có khi phải đến tận các vườn ở Kim Long, Nguyệt Biều, Long Thọ để mua trái vả, trái chuối chát, do vậy mà giá cả các mặt hàng này đến gần ngày Tết thường tăng lên vùn vụt, bởi năm mới có một lần, đắt mấy cũng phải theo, chẳng ai kêu ca than vãn, cứ thê mà chen nhau chọn mua. Món này rất dễ làm, trước tiên là chọn trái vả thật tươi, vỏ xanh biếc, ruột đỏ hồng, gọt sạch vỏ, dầm nước muối cho bớt vị chát và giữ được màu trắng xanh, khứa từng lát mỏng theo hình tròn của trái vả trông cho đẹp mắt và cũng để dễ ăn, dấm và đường đun sôi để nguội, xếp trái vả vào thẩu, trộn thêm ít ớt đỏ tươi, một vài múi tỏi để có vị cay, lưu ý là phải có gừng để có được mùi thơm và để ăn vào bụng cho ấm. Màu đỏ của ớt, màu trắng của tỏi, màu vàng của gừng tạo thêm hương sắc hấp dẫn.
Chuối chát chua ngọt còn gọi là sùng bởi nói được tạo hình dáng như một con sùng, chọn trái chuối đừng non mà sẽ bị mềm, nhưng nếu quá già thì sẽ bị cứng và chát, với những trái ở độ tuổi dậy thì là ngon nhất, cách làm giống như trái vả vậy, càng nhiều ớt tỏi gừng càng ngon. Có lẽ điều thu hút mọi người nhất là trái cả và chuối chát không những ngon mà còn vừa túi tiền của mọi thành phần trong xã hội. Thường người ta xếp vả và chuối chát trong cùng một thẩu, vừa đẹp mắt vừa đủ chủng loại. Ngày Tết, ai cũng ngán thịt mỡ, bánh mứt ngọt lịm, được ăn một miếng vả hoặc sùng chua ngọt thay đổi khẩu vị thật là khoái khẩu. Đây cũng là một món nhậu tiện lợi cho nan giới khi phụ nữ vắng nhà; có khách đến thăm chơi, đàn ông khỏi bị phiền hà với bếp núc, tất cả đã sẵn sàng trong thẩu, chỉ cần bày ra, tha hồ thù tạc, và bảo đảm là càng uống càng không say vì đây là món giã rượu tốt nhất. Các tiệm bán buôn quà Tết của Huế không bao giờ thiếu mặt hàng này, đây cũng là món quà xuân thanh lịch, đầy ý nghĩa cho bạn bè và người thân nhân dịp Tết đến.
-------------------------------------------------

Cá chình um Huế

Món này nên dọn ăn trong lẩu để giữ nóng. Xếp một đĩa rau cải non, bắp chuối bào và một đĩa bún để ăn kèm.
Nguyên liệu:
- Cá chình suối 300 gr
- Dưa hường chua 100 gr
- Măng chua 200 gr
- Rau răm, ngò gai, cải non, chuối chát, bắp chuối, cây me đất mỗi thứ một ít
- Hành tím 2 củ
- Ruốc Huế 1 muỗng cà phê
- Bột nghệ 1/2 muỗng cà phê
- Đường 1 muỗng cà phê
- Hạt nêm, ớt bột Huế, tiêu mỗi thứ một ít
Thực hiện:
- Cá chình cắt miếng nhỏ vừa ăn rửa sạch, ướp với ruốc Huế, đường, nước mắm, bột nghệ, hành tím giã nhỏ và bột nêm để 10 phút cho thấm.
- Đun nóng dầu, cho hành tím vào phi thơm, hạ nhỏ lửa. Cho tiếp ớt bột Huế và cá vào xào cho săn lại.
- Nêm một chút ruốc Huế đã đánh tan với nước vào nồi rồi cho măng chua, dưa hường chua và chuối chát cắt lát vào đảo đều, chờ sôi lại vài dạo. Nêm ngò gai, rau răm, cây me đất vào là được.
-------------------------------------------------

Cuốn ram Huế

Món ăn này sẽ giúp bạn có thể cải thiện bữa ăn gia đình. Chỉ cần bỏ chút thời gian chế biến là bạn sẽ được thưởng thức văn hoá ẩm thực cung đình.
Nguyên liệu:
- 100 gam thịt nạc
- 1 cái bánh tráng gạo mè
- 5 tai nấm mèo
- 2 tép hành lá
- 2 vắt bún Tàu
- 1/3 củ cà rốt
- 1/3 củ cải trắng
- Rau sống các loại
- Muối, hạt nêm, hành tỏi, tiêu, đường, dấm
Thực hiện:
- Bằm nhỏ thịt nạc, nấm mèo, hành lá, bún Tàu ướp gia vị vừa ăn và trộn đều.
- Bánh tráng cắt làm 6, cho hỗn hợp đã trộn vào miếng bánh và gói lại theo hình tam giác.
- Cà rốt và củ cải trắng cắt sợi nhỏ ngâm với dấm đường làm món chua ngọt.
- Những miếng bánh gói xong cho vào dầu nóng chiên giòn, sắp xếp ra đĩa và dùng với rau sống kèm nước nắm chua ngọt.
-------------------------------------------------

Bún Huế

Từ lâu món ăn này đã nổi tiếng khắp đất nước, nó sánh ngang với phở của người Hà Nội, hủ tiếu của Sài Gòn. Để tạo ra hương vị cho bún Huế, nồi nước xáo phải có vài ba củ sả gồm cả lá ninh cùng với giò heo được chặt thành từng khoanh và chỉ ninh mềm vừa phải để có vị ngọt nhưng chỉ béo tương đối.
Muốn tạo ra hương vị đặc trưng cho bún Huế nhất thiết phải có ruốc ngon. Người nấu phải nêm ruốc sao cho chỉ giữ lại mùi thơm mà người ăn lại không thấy có ruốc xuất hiện ở trong bún. Đế tạo màu sắc cho nước, người ta phi loại ớt bột ít cay trong mỡ rồi đổ vào nước dùng, làm cho tộ bún luôn có lớp váng mỡ đỏ lóng lánh.
Thịt bò dùng cho bún cũng cần thật tươi, lại được thái lát to, và mỏng. Mỗi tô bún một khoanh giò, thêm gân, thêm chả, bò tái hay bò chín tuỳ theo yêu cầu của khách. Sợi bún phải vừa mềm, vừa dai, vừa giòn. Tô bún khi ăn được rắc thêm một ít tiêu bột, một nhúm hành thái nhỏ, ăn ghém cùng giá sống có kèm sợi bắp chuối và rau thơm. Ngoài ra còn có một đĩa nhỏ đựng ớt trái và mấy lát chanh nhỏ cho khách tuỳ nghi sử dụng.
Sự hòa quyện giữa vị ngọt của nước hầm, mùi thơm của ruốc, của sả, vị cay và thơm của ớt tươi, hành lá, chanh... đã tạo nên một hương vị đâm đà khó quên và rất riêng của bún Huế.
-------------------------------------------------

Cơm hến

Là món ăn đặc sản của người dân xứ Huế với hai nguyên liệu chính là cơm và hến luộc.
Nguyên liệu:
Thịt con hến 100g, cơm trắng 2 chén nhỏ, hoa chuối 20g, khế 1 trái nhỏ, rau má 20g, đậu phộng 20g, mè 20g, rau thơm các loại, cây bạc hà, cây chuối non. Ruốc Huế, muối rang.
Thực hiện:
Con hến rửa thật sạch, cho vào luộc, sau đó gạn lấy nước để ra chén nhỏ, nhặt lấy thịt hến. Cho tỏi vào chảo dầu nóng phi thơm rồi cho thịt hến vào xào đều, nêm mắm ruốc và muối rang, xào khoảng 5 phút là được. Đậu phộng và mè rang chín. Các loại rau thơm hoa chuối, khế, cây bạc hà, rau má rửa sạch để ráo nước và thái nhuyễn. Tất cả cho vào tô, ăn kèm cùng mắm ruốc Huế.
Thưởng thức
Cơm hến phải là cơm trắng để nguội, trộn đều trước khi ăn.
-------------------------------------------------

Cuốn ruốc tôm chua

Lá món ăn không gây ngán, phù hợp với ăn nhẹ và thích hợp với người ăn kiêng.
Nguyên liệu:
Tôm chua 100g, thịt ba chỉ 100g, khoai lang ngọt 100g, rau muống, rau thơm các loại. Bún, bánh tráng, mắm ruốc Huế, ớt.
Thực hiện:
Thịt ba chỉ rửa sạch, luộc chín và thái miếng mỏng. Khoai lang luộc chín, bỏ vỏ, thái miếng. Các loại rau thơm, rau muống rửa sạch, để ráo nước. Cuốn bánh tráng với khoai lang, bún, rau thơm, cuốn phải thật chặt. Sau đó bày ra đĩa, tôm và thịt luộc xếp xen kẽ với các gỏi cuốn. Cuối cùng trang trí thêm với các lát ớt và chấm với nước ruốc pha chế đặc biệt.
Thưởng thức:
Vị chua của tôm hoà quyện với độ ngọt của thịt, khoai, vị cay của ớt sẽ mang lại cho bạn cảm giác thật tuyệt.
-------------------------------------------------

Diếp cuốn

Diếp cuốn là món ăn có nhiều rau nên không bị ngán khi thưởng thức. Đây là món ăn quen thuộc của người dân xứ Huế.
Nguyên liệu:
Tôm 150g, thịt ba chỉ 100g, bún hoặc bánh hỏi 100g, hành lá, rau diếp, ớt, vừng, đậu phộng, mắm ruốc Huế.
Thực hiện:
Tôm, thịt rửa sạch, luộc chín. Tôm lột vỏ, bỏ đầu, thịt thái miếng mỏng. Hành lá chần qua nước sôi. Rau diếp rửa sạch, để ráo nước. Trải rau diếp ra đặt tôm đã lột vỏ, thịt ba chỉ, bún (hoặc bánh hỏi) lên trên cuộn lại và buộc bằng hành lá đã chần qua nước sôi. Món chấm cùng nước tương đậu phộng.
Thưởng thức:
Nếu không thích cuốn cùng lá rau diếp, bạn có thể thay thế bằng lá cải xanh.
-------------------------------------------------

Thanh Trà Xứ Huế

Huế vốn nổi tiếng là miền đất nhiều hoa trái tươi ngon ý vị, nào thơm, mít, dâu… chua chua ngọt ngọt… song ấn tượng nhất vẫn là thanh trà – chỉ riêng cái tên gọi mỹ miều này thôi đã làm cho bao người háo hức. Đây là một loại quả mà người Huế rất thích, họ luôn muốn ăn cho bằng được, ăn đến khi trên cành không còn một quả nào, ăn đến tận cuối mùa… mà lòng vẫn còn thòm thèm tiếc rẻ!
Hàng năm, cứ vào độ tháng 7, 8 là mùa thanh trà chín đẹp, quả thanh trà tươi xanh tròn trĩnh, múi thanh trà mọng nước gợi cho ta bao nhiêu cảm hứng về điều ăn sự uống. Người sành ăn thường chọn thanh trà Nguyệt Biều, họ cho rằng cái ăn cốt để cho thơm miệng, ngọt lưỡi, mát họng mới gọi là đúng gu thưởng thức hương vị cây trái, đặc biệt với quả thanh trà Nguyệt Biều hội đủ các yếu tố tuyệt hảo ấy.
Phong cách ẩm thực mỗi người mỗi kiểu – với thanh trà, người năng nổ nhiệt tình sẽ nhanh nhẹn gọt vỏ, xẻ làm tư hoặc sáu tùy vào độ lớn bé của quả, lột vỏ, bỏ hột và cho vào miệng nhai ngấu nghiến – thao tác ăn như vậy mới khoái khẩu, người khác nhẹ nhàng hơn dù lòng rạo rực nhưng cứ thủng tha thủng thỉnh, lột từng múi nhỏ, tách ra những tép nguyên, đủng đỉnh cho vào miệng nhỏ nhẻ nhai thong thả, ăn thật chậm rãi dường như sợ hương vị sớm tan đi, thú vui nhâm nhi sẽ chóng qua vậy.
Đặc sắc nhất là món thanh trà trộn mực khô, còn gọi là gỏi thanh trà, cách làm đơn giản, chế biến gọn nhẹ nhưng vị ngon thì rất độc đáo khiến người đã ăn, biết ăn muốn được ăn thêm nhiều lần nữa… Này nhé: nướng mực khô trên bếp than hồng chỉ vừa chín để có được vị ngọt thơm và độ mềm, nếu mực chưa chín thì xem như hỏng mà quá lửa thì thịt mực sẽ bị khô cứng và không còn vị ngọt, xé mực ra thành từng sợi nhỏ, thanh trà bóc ra từng múi, tách múi ra thành tép nhỏ, giã ớt, tỏi càng cay càng ngon, pha nước mắm, đường, bột ngọt, tất cả hòa tan và trộn chung vào một dĩa, trang trí trên mặt dĩa một cành hoa ớt, hoa hành vô cùng đẹp mắt và ngon lành đáo để.
Món này ăn với cơm cũng ngon song độc chiêu hơn cả vẫn là để làm mồi uống với rượu làng Chuồn, thật là “ấm dậm”, với bia Huda thì càng thích thú.
Đến mùa thanh trà, trong thực đơn của các khách sạn sang trọng, các tiệm ăn và cả những quán ven đường bình dân đều có món thanh trà trộn mực khô, độ ngon tùy vào giá tiền, cụ thể là tiền nào của nấy. Tuyệt vời nhất là thanh trà loại 1, mực khô loại 1, nước mắm loại 1… và cứ thế thế, với thanh trà, mực, nước mắm loại 2 thì ít ngon hơn, rẻ tiền hơn. Giá cả của mỗi dĩa thanh trà trộn mực khô, còn tùy thuộc vào độ sang hèn của nơi ăn chốn ở, tại khách sạn và quán bình dân – là cả một sự chênh lệch đáng kể.
Thanh trà là món ăn ngon ngày hè – là món tráng miệng của mỗi gia đình, sau bữa cơm đầm ấm, cả nhà cùng nhau ăn một vài múi thanh trà nhiều vitamin bồi bổ cơ thể thì không còn gì sung sướng hơn – quả là đôi khi hạnh phúc không ở đâu xa và cũng chỉ là điều đơn giản nếu con người biết tận hưởng.
-------------------------------------------------

Chè Huế

Ở Huế có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.
Có những loại chè thanh cao mà cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau... Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é...
Có loại chè cầu kỳ như chè thịt quay. Chè thịt quay được chế biến từ những miếng thịt heo quay, cắt vuông bằng quân súc sắc nhỏ (có cả bì lợn, cả thịt) bọc ngoài là màng bột nếp, rồi cho vào nước đường đun thành chè. Chè này có lẫn cả vị ngọt và mặn nên ăn không ngấy. Chè hạt sen và chè nhãn bọc hột sen là loại chè thanh cao, được chế biến từ hột sen hồ Tịnh Tâm. Chè bắp nấu từ bắp ngô non ở Cồn Hến, chè bắp ngọt thanh, tinh khiết. Chè thập cẩm tổng hợp của nhiều loại chè như chè đậu xanh dừa, chè đậu đỏ, chè bột lọc... Mỗi thứ múc một tý cho vào ly, thêm nước đá, thêm tý cốt dừa. Chè Huế có loại phụ gia quan trọng nhất là bột đao (để làm các loại chè cần độ dẻo như chè đậu ván, chè bắp), đậu phộng rang giã nhỏ và nước dừa. Nước cốt dừa cho vào sau cùng làm tăng vị béo cho ly chè, đậu phụng rang phảng phất hương thơm, tăng thêm độ béo ngậy.
Huế có đến hàng chục quán chè, hàng trăm gánh chè. Nổi tiếng nhất là chè Hẻm ở đường Hùng Vương, chè Tý ở đường Trần Phú, các quán chè ở đường Trương Định. Quán chè trong hẻm sâu thế mà đông khách suốt ngày đêm. Chè ở Huế rất rẻ, chỉ cần hai nghìn đồng là bạn đã có một cốc chè ngon. Chè cũng là một phần của văn hoá Huế, nếu mỗi tối nếm thử một vài loại chè, bạn cũng phải ở Huế cả tuần mới thưởng thức hết vị ngon của chè cố đô Huế.
-------------------------------------------------

Chè Hạt Sen

Món chè sen bọc nhãn lồng xứ Huế đã nổi danh khắp chốn xưa nay. Chè có vị thơm dịu mát của sen, vị ngọt thanh của cùi nhãn, ăn một lần không thể nào quên. Hột sen nấu chè theo kiểu Huế thường là hột sen tươi, vẫn còn nhựa và thơm mùi lá mới.
Nếu là hột sen khô thì thường được rửa và ngâm với nước lạnh, rất ít người đem ngâm nước tro hay một chất khác pha vào. Có lẽ vì người Huế sợ sen bị mất đi vị thơm nguyên chất vì "Sen không hương như cá ươn ngoài chợ, như trai ế vợ, như gái góa lỡ thời..."
Hột sen nấu chè theo kiểu Huế được đem hấp chín, sau đó nấu chung với nước đường cát trắng hay đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ. Vị ngọt của đường đủ thấm vào hột sen là bắc ra ngoài bếp. Để được nồi chè ngon, người nấu phải túc trực canh chừng để lửa cháy vừa phải, tay khuấy, trộn thật nhẹ nhàng, thời gian cũng chỉ vừa đủ để hạt sen "không già, không non". Nấu già, hột sen sẽ mất hương thơm tự nhiên. Nấu non, hương sen sẽ không tỏa ngát. Hương sen dịu mát tự nhiên là thứ "bùa mê" của chè sen xứ Huế mà không hương liệu nhân tạo nào thay thế được.
Hình thức thăng hoa nhất của chè sen là chè hột sen bọc nhãn lồng. Hột sen màu trắng ngà, kết hợp với màu trắng trong của thịt nhãn (còn gọi là nhãn nhục) tạo ra một màu sắc rất dịu, hài hòa và thanh khiết. Hột sen chín bở được gói trong nhãn nhục mềm mại, giòn tan, hợp với sở thích và khẩu vị của nhiều lứa tuổi.
Chè sen bọc nhãn lồng xứ Huế ngon nhất là chè sen hồ Tịnh Tâm bọc nhãn lồng Thành Nội. Hồ Tịnh Tâm nằm phía Đông Bắc Hoàng Thành. Cách đây hàng trăm năm đã nổi tiếng là nơi trồng sen nhiều nhất, hoa sen đẹp nhất và hạt sen thơm ngon đậm đà nhất của kinh thành Huế. Hạt sen hồ Tịnh, cùng với nhiều món ăn nổi tiếng khác của xứ Huế, đã trở thành những món quà quê hương, đại diện cho vùng đất luôn bàng bạc thơ văn và nhạc họa này, giống như chè Thái Nguyên, trà Đà Lạt, cà-phê Buôn Ma Thuột, mè sửng Song Hỷ, mực thước Tư Hiền, tôm khô Rạch Giá... Nhãn lồng được trồng bên những con đường chung quanh Đại Nội, đến mùa kết trái được lồng trong mo cau và gói lài cẩn thận. Có hai loại là nhãn ướt và nhãn ráo. Nhãn ướt mọng nước và thịt mềm. Nhãn ráo giòn nhưng thịt dày và hột nhỏ. Nhãn dùng bọc hạt sen ngon nhất là nhãn ráo. Hột nhãn lồng Thành Nội nhỏ nhắn và vừa vặn với hột sen hồ Tịnh. Do vậy, một người khéo tay với mỗi trái nhãn lồng Đại Nội vừa lột vỏ, có thể lấy hạt ra và thay bằng một hột sen hồ Tịnh, lành lặn và tự nhiên như thuở chưa "thay chàng đổi thiếp”.
Nhãn lồng bọc trong hột sen hấp chín sẽ được đổ vào chung với nước đường cát trắng hay đường phèn để nguội. Quả nhãn đã ra đời, lớn lên rồi già và chín từ trong trái nên chẳng cần gia cố gì thêm. Và thế là, mùi thơm ngọt dịu mát của sen, của nhãn lồng, của đường phèn hòa chung nước mát đã hòa lẫn, thăng hoa để làm nên một cốc chè đầy sức hấp dẫn. Ai một lần đến Huế cũng nên một lần thưởng thức, và chắc chắn sẽ không thể lãng quên.


Netcodo sưu tầm (www.hue.vnn.vn)

Không có nhận xét nào: