Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Bùi ngùi nhớ tới Kim Phượng

 
Không thể nào nhớ chính xác, nhưng chắc vào khoảng năm 1959 thì tôi có duyên quen biết với chị Ba, thân thương thì gọi vậy, tên thật của chị là Đoàn Thị Kim Cúc, ở làng An truyền, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, Huế.
Theo lời chị kể, xưa kia chị theo kháng chiến, bị bắt vào tù, anh lãnh chị ra rồi cưới chị, trước đó anh đã có gia đình, chị Ái Liên là con của đời vợ trước, ngoài ra còn có chị Thu, anh Luyện và hai người em trai nữa.
Trước khi chị định cư ở Sàigòn, anh từng làm việc ở Phan Thiết, có nhà cửa tại đó, rồi đổi về Tân An làm Phó Tỉnh Trưởng Hành chánh, anh mất vì bệnh phổi, chôn cất ở Nghĩa trang Trung Việt, gần khu ngã ba Ông Tạ, Tân Sơn Nhất, chị và các con được lãnh tiền cô nhi quả phụ.
Khi các em, con chị đi sinh hoạt ở Gia Đình Phật Tử Giác Minh, anh Trúc Hải Phan Văn Bưởi vừa là người Huế quê ở Dương Biều vừa là Đoàn Trưởng Nam Oanh Vũ, nên anh đến nhà thăm viếng phụ huynh, rồi thân thiết gia đình chị với tình đồng hương, anh kéo theo Nguyễn Khánh Thuận, Lê Xuân Thiệu, Nguyễn Văn Chức và tôi, chị nhận chúng tôi là những đứa em nuôi, vài năm sau có thêm Hồng Loan và vài chục năm sau có thêm Yến Như, vợ cũ của Bạch Hoa Mai, khi chị định cư ở Virginia.
Dạo đó, chị thuê một căn nhà ở trong hẽm đường Trương Tấn Bửu, gần giáp ranh với quận Phú Nhuận thuộc tỉnh Gia Định và cũng không xa chùa Kim Cương.
Căn nhà thuê này ngang chừng 3 thước, dài chừng 10 thước, phía sau có cái chái nhỏ làm bếp, cạnh nhà chị là cái sân, lùi vào trong 5, 7 thước là căn nhà của chị Cả là chị ruột của chị Cúc. Chị Cả có con gái lớn chừng bằng tuổi Phú, cũng tên là Trâm, con trai kế tên Nam, kế nữa tên Đăng.
Năm con của chị Cúc là Hồ Văn Phú, Hồ Thị Kim Quỳ, Hồ Thị Kim Trâm, Hồ Thị Kim Phượng và Hồ Văn Phước. Tôi đến nhà chị Cúc thường xuyên hơn các anh kia, để kèm cho Phú và Quỳ học Toán, Luận văn để Phú thi vào Đệ Thất. Quỳ hay Trâm, Phượng thỉnh thoảng cắt tóc cho các em. Các em tóc cắt ngắn chấm vai phía sau, và phía trước cắt ngang chân mày cho khỏi che mắt, giản dị thế thôi.
Phú đã học lớp nhất nên có thể chơi đùa được, mấy em kia còn nhỏ, thậm chí có lúc Phước chơi đùa rồi khóc, còn phải dỗ dành, nhưng trong mấy anh em chỉ có Phước là có cặp mắt trong sáng tinh anh.
Nhà chị Cúc có mượn một người làm, cô gái này người miền Trung, về sau cô theo cách mạng, nên có lúc người em thứ mười của chị Cúc vào giúp nấu ăn, giặt gỵa.
Có một lúc nào đó, chị Ái Liên ở nhà chị Cúc một thời gian đi học, lúc đó chị Ái Liên còn trẻ, nhưng tuyệt đối không thấy có bạn trai hay bạn gái đến chơi.
Chị Cúc có người em gái thứ Tám*  ở Pleiku buôn bán, gửi con ở nhà chị đi học, đó là Hồ Văn Hiền, tôi không gặp chị này, nhưng gặp chồng chị là anh Diên thỉnh thoảng xuống thăm con, nay Hiền sống ở Sàigòn là nhà thơ Từ Hoài Tấn.
Khoảng năm 1961, 1962 chị Cúc bán nhà ở Phan Thiết, cất một căn nhà ở đường Bạch Đằng, Gia Định, cạnh chùa Bồ Đề, nằm trong đất của một trại cưa cây. Nhà hai gian rộng rải, thoáng mát nhờ bên cạnh con rạch.
Gia cảnh mẹ góa con côi, nên chị dạy cho các con rất nề nếp, từ việc bếp núc cho đến dọn dẹp nhà cửa, mọi thứ đều ngăn nắp. Từ Quỳ cho đến Trâm, Phượng đều có thể nấu ăn cho cả nhà dùng bữa.
Trong những anh em đến nhà chị Cúc, chị không cho ai tiền bạc hay vật chi hết, trừ có tôi khi thầy Thiên Ân du học ở Nhật về, chị đi thăm Thầy, khi về chị cho tôi một bộ nút machete và một cà-vạt. Phú đã lớn có nhận xét, một hôm hỏi chị, có tôi ở đó:
- Tại sao mẹ thương anh Tông hơn các anh chị đến nhà mình vậy mẹ ?
Chị Cúc trả lời dứt khoát không suy nghĩ:
 - Tại vì mẹ đẻ anh ấy được !
Thời gian này, chị Cúc có người em họ là anh Thuyên, sĩ quan không quân, thỉnh thoảng ra trại Tân Sơn Nhất tới chơi, nay anh ở Florida.
Tôi đi dạy và lập gia đình, thỉnh thoảng mới ghé thăm chị, các em lớn dần theo thời gian.
Rồi sau khi Tổng Vụ Thanh Niên cất, Thầy Thiện Minh cho chị Cúc cất ngôi nhà trệt phía sau Tổng Vụ, ngang chừng 3 thước nhưng dài khoảng 20 thước.
Thời gian này, thỉnh thoảng tôi mới ghé thăm chị, các em đã trưởng thành, Phú học Trường Hàng Hải Phú Thọ rồi đi Sĩ Quan, Quỳ học Mỹ Thuật Gia Định. Quỳ hay Trâm vẫn trò chuyện cùng tôi, nhưng Phượng hay Phước thì ít, có thể do từ khi các em còn nhỏ vẫn còn giữ khoảng cách với tôi, khi nói chuyện với tôi, Phượng vẫn cười vui, nhưng luôn trên mặt bao giờ cũng phảng phất nét buồn.
Nay các em đều đã lập gia đình, Phú đã có cháu nội, ngoại, nhưng tôi nhớ chỉ có dự đám cưới của Quỳ, tiệc cưới đãi ở nhà hàng Continental sau năm 1975.
Phượng lập gia đình tôi không nhớ lúc nào, nhưng gia đình bên chồng Phượng, ở góc đường Hai Bà Trưng – Lê Thánh Tôn, tôi nhớ có lần tôi ghé đó để nhắn Phượng việc chi đó vì sở làm của tôi trước kia ở địa điểm cư xá Brink nay là khách sạn Hyatt, không xa nhà bên chồng của Phượng.
Khi tôi đi định cư ở Mỹ rồi, nghe nói chồng của Phượng làm ăn khá, có cho con gái lớn du học ở Mỹ, rồi nghe Phượng và con trai sang Canada, Phượng học chi đó – tin không rõ, tôi nghĩ Phượng cho con du học rồi đi theo con, sẵn đó học thêm.

Phú, chồng của Kim Trâm, Kim Trâm, Phước, Kim Phượng
Năm 2010, sang Virginia dự đám cưới con gái lớn của Phú, cũng đã có trên 20 năm mới gặp lại Phượng, hỏi chồng con, Phượng trả lời đã ly dị lâu rồi. Trông em có vẻ buồn chuyện gia đình tôi không hỏi thêm, chỉ đi xem nhà Phượng vừa mới mua đang sửa sang lại.

Kim Trâm, Phước, Kim Phượng, Tông
Ngày 14 – 7- 2014, check mail, tôi không ngờ được tin buồn từ Hồ Văn Phú
Kính anh Tông,

Hồ Thị Kim Phượng, em của em vừa mới qua đời chiều tối hôm qua sau gần 18 tháng cầm cự với ung thư phổi và cuối cùng đã thua rồi. 

Em và chị Hồ Thị Ái Liên sẽ đáp chuyến bay trưa nay qua Calgary, Canada để tham dự tang lễ. Các em Hồ Thị Kim Trâm và Hồ Văn Phước đã đáp chuyến bay sáng nay rồi. 

Sau đây là nội dung email thông báo vào khuya hôm qua của Nguyễn Hồ Hương Trà, con gái đầu của Kim Phượng:

====================================
Dear all,
My mother has passed away today at 5:37pm. The monk just came to the hospital to pray for her. Her body will remain in the hospital till 2:00 am and the funeral home will come to pick her up.
=====================================
Vài hàng ngắn gọn thông báo đến anh trước khi tắt máy để chuẩn bị lên đường. Chủ Nhật 20 tháng 7 em và chị Ái Liên sẽ về lại Virginia.

Đọc xong tôi thật xúc động, vì luôn luôn nghĩ tới Phượng như ngày nào, khi các em còn nhỏ ở trong căn nhà đường Trương Tấn Bửu hay ở đường Bạch Đằng, nhìn tấm ảnh của anh Thuyên chụp lại, trông Phượng và mái tóc vẫn như xưa, như mới đó, còn đó vậy mà đã đi xa, không bao giờ quay lại, trông mong gì gặp nữa.

22-7-2014
HUỲNH ÁI TÔNG

Chép lại từ Email của : Phu Ho :
phu.v.ho@gmail.com

Ghi chú của blogger: 
Mẹ tôi thứ Bảy theo thứ tự sinh của Ông bà Ngoại ở Thừa Thiên Huế, trong Miền Nam là thứ Tám. Gia đình tôi lúc đó đi lập nghiệp ở Khu Dinh Điền Quận Tánh Linh Tỉnh Bình Tuy, sau dời lên Địa Điểm MéPu - Võ Xu Võ Đắt cũng thuộc Tỉnh. Thời gian tôi ở nhà Dì (136/33 Trần Quang Diệu (Trương Tấn Bửu (?) - Sài Gòn) Tôi theo học lớp Nhì và Lớp Nhất ở Trường tiểu học Trương Minh Giảng, thi rớt Đệ Thất rồi mới trở về Huế học tiếp. Tôi cũng có sinh hoạt Nam Oanh Vũ ở Chùa Giác Minh với các anh chị con Dì Ba.
Có lẽ anh Tông nhớ nhầm, đến năm 1962 gia đình tôi mới lên Kontum lập nghiệp lại. Không phải Pleiku






Nhớ Bạn - Bùi Thị Lợi
 alt


Sáng nay trong giờ nghỉ giải lao ở Câu Lạc Bộ Vũ Cầu, như thường lệ tôi tranh thủ khoảng thời gian chưa đến lượt mình ra sân chơi. Thay vì ngồi uống nước tán gẫu với bạn bè, tôi mở điện thoại di động check mail. Tôi lướt nhanh qua những diễn đàn thơ văn vớ vẩn, tìm xem có mail nào đặc biệt, mong thấy những cái tên quen thuộc mà mình vẫn nhớ và chờ đợi. Tôi dừng lại ở Tin Buồn của anh Trần Văn Hảo khóa 14 CĐ NN: “Hồ Thị Kim Phượng đã ra đi”. Tôi hết sức bàng hoàng thảng thốt nghĩ rằng. Trời ơi, mới tháng trước đây, lúc tôi còn đang lang thang bên nước Úc, Kim Phượng có mail cho tôi hỏi thăm: “Bùi Lợi khỏe không? Sao lâu quá không thấy viết bài trên nls.net?” Và tôi đã trả lời bạn vắn tắt rằng mình đang đi du lịch, hẹn khi về lại Sài Gòn sẽ mail cho Kim Phượng. Vậy mà tôi đã về nhà được hơn tháng rồi nhưng vẫn loay hoay chưa thực hiện lời hứa.
Tôi hết sức hối hận về sự vô tâm của mình. Biết làm gì bây giờ. Kim Phượng mất bên Canada, anh Vương Thế Đức chắc là đã hay tin nhưng tôi cứ tiện tay FW cái mail của anh Hảo cho anh Đức và những người bạn thân cùng khóa. Tôi còn đang bấm máy thì điện thoại reo, tiếng của Hùng Charlot gọi từ Vũng Tàu hỏi xem tôi đã hay tin Kim Phượng mất chưa. Tôi hỏi lại Hùng nghe tin ở đâu mà nhanh vậy, Hùng nói đọc trên mạng nls.net. Tôi thẫn thờ hồi lâu. Nhóm bạn gọi vào sân chơi tiếp trận cầu dang dở. Tôi xin lỗi, còn tâm trí đâu mà chơi. Bạn tôi đã ra đi rồi.

Nhớ lại tháng 8 năm 2012, tôi gặp Kim Phượng trong buổi họp mặt Đại Hội 7. Lần đó Thái Tốt và tôi ở chung với Kim Trâm tại nhà chị Cao Xuân Liễu. Kim Phượng ở nhà người quen nên chúng tôi không có cơ hội tiếp xúc nhiều. Qua lời kể vắn tắt của Kim Trâm tôi cũng chỉ biết rõ hơn được một chút về gia cảnh hiện tại của Kim Phượng. Biết bạn đang ở Canada với con gái. Ngày xưa lúc còn ở chung trong Lưu Xá E tôi cũng không chơi thân với Kim Phượng lắm vì học khác lớp, chỉ thỉnh thoảng chào hỏi Kim Trâm vì Kim Trâm vui tính cởi mở hơn. Kim Phượng ít nói, có vẻ kiêu kỳ. Mà cũng đúng thôi, vì hồi đó Kim Phượng nổi tiếng hát hay lại đàn giỏi. Tôi nhớ trong kỳ Hội Diễn Văn Nghệ năm lớp 10. Thầy Nghiêm Xuân Thịnh đã tặng thưởng cho Kim Phượng một chiếc kèn Harmonica xinh xắn. Hồi đó lớp Mục Súc chỉ có Nguyễn Thị Nga biết hát, còn bên lớp Canh Nông có Kim Trâm, Kim Phượng, Trần Lài. Đôi lúc tôi còn cảm thấy ganh tỵ vì mình chẳng có khiếu gì về âm nhạc.

Sau năm 75, tôi tình cờ quen biết chị Kim Quỳ là chị của Kim Trâm, Kim Phượng trong một lần sinh hoạt văn nghệ phong trào Thanh Niên Bộ Nông Nghiệp. Chị Kim Quỳ cũng hát rất hay. Nghe nói chị còn là họa sỹ. Tôi thật hết sức ngưỡng mộ tài hoa của chị em nhà họ Hồ Kim. Một  thời gian rất lâu tôi không có dịp liên lạc với chị Kim Quỳ. Năm 2004 hay tin Phạm Kiều Loan đau nặng. Kim Trâm và Kim Phượng gởi tiền về nhờ chị Kim Quỳ chuyển tặng cho Kiều Loan. Chị Kim Quỳ gọi hẹn tôi đón và đưa chị đi thăm Kiều Loan. Hơn 20 năm mới gặp lại, chị vẫn duyên dáng, thân thiện như xưa. Kim Trâm giống chị hơn.

Tôi nhớ khoảng năm 90, tình cờ khi dạo phố Lê Lợi, tôi bất chợt nhìn thấy một khuôn mặt quen quen trong cửa hàng Mỹ Phẩm, tôi suýt không nhận ra Kim Trâm nếu như bạn không gọi tên tôi. Sau đó nhiều năm liền tôi gởi thư mời Kim Trâm, Kim Phượng đi họp mặt ngày 1 tháng 1. Và hai bạn cũng chỉ đi họp được 1 lần duy nhất. Sau đó nghe tin Kim Phượng đi định cư nước ngoài, rồi Kim Trâm cũng đi định cư. Tình cờ tôi biết Kim Phượng là chị dâu của vợ một người bạn làm cùng sở tôi nên thỉnh thoảng tôi cũng có nghe tin về bạn. Khi Mẹ của bạn mất tôi cũng có hay tin và gởi lời chia buồn.

Mấy năm trước trên nls.net đăng tin “Tiếng hát còn mãi …” với hình ảnh Kim Phượng gặp gỡ nhóm bạn NLS tại Cali. Tiếc là cái máy vi tinh của tôi cổ lỗ sĩ nên âm thanh nghe không rõ lắm giọng ca hiện tại của bạn. Cho đến khi tận mắt nhìn thấy bạn đứng trên sân khấu trong đêm Đại Hội 7, sau lưng là bức màn phông in hình Đại Thính Đường. Tiếng hát của bạn thật sự đã cho tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm. Tôi ước gì Kim Phượng vừa đàn vừa hát như ngày xưa. Thật là cầu được ước thấy. Ngày hôm sau trong buổi tiệc Hậu Đại Hội tại nhà hai bạn Định Hà, Kim Phượng đã ôm đàn guitar hát bài Thuyền và Biển. Tất cả những người hiện diện đều chăm chú say sưa lắng nghe, không biết có ai nhìn thấy như tôi và Thái Tốt đã nhìn thấy những giọt lệ long lanh chực trào ra khóe mắt người ca sĩ. Thái Tốt và tôi thì thầm với nhau, chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không hiểu bạn có tâm sự gì muốn gởi vào lời ca tiếng nhạc. Chỉ thấy một Kim Phượng khác hẳn, tuy vẫn còn đâu đó nét kiêu sa thời con gái, nhưng trông bạn tôi giờ thật thương và thật gần gũi. Tôi không kịp nói với bạn cảm nghĩ của mình vì hát xong Kim Phượng vội từ giã để đi kịp chuyến bay đến San Jose thăm bạn bè.
altKim Phượng - Đại Hội 7
Mãi cho đến ngày 1 tháng 1 năm 2013. Tôi nghe Kim Phượng báo tin sẽ về Saigon và sẽ tham dự buổi họp mặt NLS. Tôi rất muốn đi đón bạn nhưng Kim Phượng hỏi địa điểm và tự đi taxi đến. Buổi họp mặt hôm đó tiếng hát của Kim Phượng một lần nữa được cất lên để đáp lại lòng ái mộ của Thầy Cô và Bạn Bè, tôi bận rộn trong ban tổ chức nhưng cũng cố thu xếp đến chụp chung với Kim Phượng và các bạn cùng khóa mấy bức ảnh kỷ niệm. Không ngờ đó là lần gặp mặt cuối cùng. Khi Kim Phượng trở về lại Canada thì phát hiện mình bị bệnh nan y. Lúc đầu bạn dấu kín nỗi buồn lo riêng. Chỉ một vài người thân được biết. Về sau bạn bè thương mến lo lắng cho bạn nên lén chuyền tin cho nhau. Rồi thì bạn cũng nhận ra đó không còn là niềm đau riêng nữa. Bạn dần cởi mở hơn, tâm sự với bạn bè nhiều hơn và đón nhận niềm cảm thông chân thành từ khắp nơi dành cho bạn. Thời gian gần đây nghe tin sức khỏe của bạn ổn định bạn bè cũng an tâm. Không ngờ đó chỉ là hiện tượng ánh sáng của ngọn đèn dầu lóe lên trước khi vụt tắt. Và hôm nay thì bạn đã từ giã cõi đời nầy. Từ bây giờ, mỗi đêm khi thắp hương cầu kinh siêu độ cho những người thân yêu đã mất, tôi sẽ đọc thêm tên của bạn Hồ Thị Kim Phượng. Cầu nguyện cho bạn tôi siêu thăng tịnh độ.

Tháng 7 năm 2014
Bùi Thị Lợi
 
Lời Góp Ý  

+1 #1 Hồ Văn Phú 22/07/2014 14:15
Bài viết giản dị nhưng rất thật. Kỷ niệm một thời xa xưa của những tháng ngày học trò thân ái ấy lần lượt hiện về qua từng đoạn văn, nhắc lại tình bạn thuở hoa niên. Lời phát biểu của Nguyễn Mộng Hiền: "Hồ Thị Kim Phượng, một đời tài hoa, một đời bạc mệnh" rất phù hợp với nội dung bài viết của Bùi Thị Lợi.

Đọc bài viết này của Bùi Thị Lợi, người anh cả của Hồ Thị Kim Phượng lại nhớ đến một đoạn cảm động trong điện thư của một người cậu ở Florida: "Nhờ Phú gởi hình trong email đầu tiên, cậu đã in ra lớn hơn một chút và thắp hương cho Phượng, nhìn tấm hình rất lâu, lòng tự hỏi: mau như vậy sao con? Thấm thía, khi một phần máu xương da thịt không còn!"

Cám ơn Quỳ đã chuyển bài viết đong đầy kỷ niệm này. Người anh cả của Hồ Thị Kim Phượng chân thành cám ơn bạn Bùi Thị Lợi.

--
Regards
Phu V. Ho, Ph.D.


Hoa Mùa Hạ - Con Đại Thử

altHồ Kim Phượng
Sống, trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi... để gió cuốn đi...” (TCS)

Tôi không biết nhiều về em, người em gái mang tên một loài hoa vào những ngày tháng Hạ.

Thầy Cô và các bạn biết đến em, tất cả đều quý mến em vì giọng hát thánh thót cùng với tiếng đàn guitar dìu dặt. Khi em vào trường thì tôi đã học xong, nghe tiếng em đã lâu, nhưng lần đầu tiên được nhìn thấy em tận mắt bằng xương bằng thịt, là chính vào kỳ Đại Hội lần thứ 7 được tổ chức tại Cali vào tháng 8 năm 2012. Hình ảnh em dịu dàng trong bài hát “Sài Gòn Sáng Nắng Chiều Mưa” đã in sâu vào tâm trí tôi. Em đứng đó, nhẹ nhàng cất lên những lời thật giản dị nhưng đong đầy cảm xúc khiến tôi lặng người: “Nắng vẫn thường về sáng, và mưa vẫn rơi về chiều, vẫn thế muôn đời ta nhớ nhau… Nơi xứ lạ, thương nhớ về người tình… không thấy con đường đôi ta cùng bước… nước mắt em làm anh xót xa…”
Rồi hôm Hậu Đại Hội tại nhà Đình Hà, một lần nữa, tôi cùng bè bạn lại được thưởng thức làn hơi em ngân vang trong căn phòng nhỏ. Tôi thật cảm mến giọng ca cao vút, mạnh mẽ trôi theo phím đàn từ bàn tay thuôn gầy của em. Đứng cúi đầu im lặng nơi góc xa xa, khuất tầm mắt mọi người, tôi thầm nghĩ: “Phải chăng những tâm hồn đa cảm thường dễ gần gũi với nhau?”

Năm nay, mùa Phượng Vĩ lại một lần nữa trở về trên vùng đất Cali cùng với tiếng ve sầu kêu vang vang trong những buổi chiều êm ả. Những tưởng sẽ được gặp lại em trong lần Đại Hội kỳ 8 này, sẽ lại được bềnh bồng bay cùng giọng hát em lên cao, lên vút cao theo cánh chim Phượng.

Nào ngờ căn bệnh quái ác đã nhẫn tâm cướp mất em ra khỏi vòng tay của những người thân thương trong gia đình em, đã tàn bạo giật em ra khỏi vòng tay của bè bạn cùng trường. Em đã âm thầm dũng cảm chiến đấu cùng căn bệnh, nhưng rồi, em đã xuôi tay chịu thua, lặng lẽ từ giã thế giới này.

Khi biết không thể chiến thắng được, em đã về lại Sài Gòn với tấm lòng cố nhân, một “Sài Gòn Sáng Nắng Chiều Mưa” vào năm 2013, nơi “bao năm rồi không thấy mặt…”, để đặt lại dấu chân trên “những con đường đôi ta cùng bước…” gom nhặt lại từng kỷ niệm mà gió đã cuốn đi. Nhưng em về lại Sài Gòn cũng để gởi gấm lòng em vào cơn gió, nhờ cuốn theo lời rao truyền Vĩnh Biệt.

Để gió... cuốn đi...để gió... cuốn đi...”  Gió từ đâu đến, gió sẽ đi về đâu? Nào ai biết được, có điều chắc chắn là gió sẽ cuốn đi tất cả những gì trên con đường gió thoảng qua, không lưu lại dấu vết. Tuy nhiên, gió không thể xóa nhòa được những kỷ niệm mà chúng ta đã khắc dấu trong lòng, vì vậy hình ảnh của em cũng sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Từ nay trở đi, hàng năm, vào những độ Xuân tàn, khi từng cơn gió nóng và khô bắt đầu thổi vào thành phố, khi tiếng ve sầu bắt đầu cất tiếng nỉ non, khi những hoa Phượng đỏ bắt đầu nở tung rực rỡ…, bạn bè sẽ nhớ tới hình bóng em, người em gái mang tên một loài hoa vào những ngày tháng Hạ.
Con Đại Thử
Chiều trống vắng

 Chép lại từ trang http://nlsbaoloc.net










Không có nhận xét nào: