Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

TRẦN BẢO ĐỊNH : MIỄU SÁO TRÂU!

1.
- Chào ông!
Thầy cai giật mình, ngước mắt thấy lồng chim sáo trâu treo xiên nhà. Thầy chưa kịp phản ứng.
- Con c...(!?)
Cô hai quần ống thấp ống cao, từ dưới bếp chạy hớt hơ hớt hãi ra thềm hàng ba ngạch cửa.
- Thôi chết rồi!Chết rồi...Thầy cai bỏ qua cho em!Con sáo mắc dịch, m...ắ...c...
Cô thở hổn hển, thở đứt hơi, rớt tiếng... bộ ngực căng cứng phồng lên xẹp xuống theo nhịp hổn hển!
Thầy cai đứng như trời trồng, mắt ngó chết trân bộ ngực cô hai thiếu điều rớt răng... quên giận!
*
- Bộ em giỡn mặt qua hả?Lần nào cũng ''bị'' là ''bị'' mần sao?
Thầy cai nổi thầu lậu, mặt quạu giống mặt thợ thiến trâu.
Tiếng sáo trâu nói liên tục:
- Hôi lắm!Tanh lắm!Gớm...
Mà thiệt, cô hai lúc nào cũng cố tình mần mình mẩy hôi hám, mùi lợm giọng khiến ai ngửi đều muốn nôn...Sống thời buổi làng xóm bất ổn, lòng người bất an...đành mượn giả che thật.
Thầy cai cầm cây gậy, dọm đứng dậy ra hàng ba nhà đập con sáo. Cô hai kịp thời ấn vai thầy cai ngồi xuống ghế.
- Chấp nhất chi thú vật nói tiếng người. Thầy quá bộ tới thăm, em sướng lắm!Chuyện xui xẻo, thầy tưởng em không buồn sao?
Nắng ban trưa liếm chưn thầy cai khi nhảy qua vách trống trơn đầu song.
- Về đi cha nội!Về đi cha nội! Về...
Sáo trâu nhả tiếng khàn và đục như lời thúc giục từ cõi âm. Da thầy cai nổi ốc!
Mấy canh giờ chìm trong thời khắc õm ờ bỡn cợt, cô hai thấy đã đủ và đến lúc đuổi thầy cai. Như thể thiệt thà và ngây thơ, cô hai trật dây lưng, kéo quần xệ mí cho thầy cai ngó cái ''bị'' đỡ hậm hực. Thấy mới tin, thầy cai thấy ''cục đỏ lòm'' nên vui trong bụng:''Tưởng con hai nó trát, nào dè nó thiệt!'.
Thầy cai đứng dậy phủi đít, nắm tay cô hai thay lời từ giã.
- Chào ông!Chào ông...
Tiếng sáo trâu đu theo lỗ tai thầy cai ra tới ngõ. Bực cái mình, thầy chẳng thèm giữ ý giữ tứ:
- Ông! Ông... cái con c...!?
Cô hai tủm tỉm cười nhìn con sáo trâu, rồi quày quả xuống bếp cất gói bông gòn, đổ chén nước bông mồng gà đỏ ối!
2.
Ông ba Thịnh tía cô hai cùng một vài người anh em bạn, ngắm nghía đám chim sáo vừa bẫy bắt ở cù lao An Hóa; họ muốn lựa trong số chim sáo rừng nầy, chọn một con tập nói tiếng người.
Người bạn trung niên nói với ông ba:
- Bẫy chim sáo dù sáo đen(sáo trâu), sáo nâu, sáo sậu (cà cưỡng) bẫy lúc con nước ươn, bữa nay con nước nhảy, tui thấy nên dẹp bẫy và chọn số chim sáo mình đang nắm trong tay.
- Được đó chú ba!
Chàng trai trẻ Tân Thạch lên tiếng.
Ông ba hiểu cái khó không phải dạy chim sáo nói tiếng người mà cái khó là chọn ra được con sáo ưng ý. Chọn con có đủ yếu tố bộ óc tiếp thu nhanh và thích lập đi lập lại theo phản xạ bắt chước có điều kiện. Việc nầy, không ai qua nổi lão Minh. Trong đám chim sáo xây lố cố, lão Minh chọn ra con sáo trâu chưa tàn điếu thuốc. Nó đầu to, mỏ, móng cực đẹp; chưn cẳng bự, lông đuôi ngắn, cuống lông đuôi to, dáng linh hoạt ...anh em hôm đó, ai nhìn cũng thích.
Chàng trai trẻ Tân Thạch nhận luyện tập sáu trâu nói được tiếng người trong một thời gian sớm nhất, trước khi ông ba dời vợ con lánh qua xứ khác và anh em gia nhập nghĩa binh Thủ Khoa Huân.
Lão Minh nói với chàng trai trẻ:
- Người xưa truyền rằng:''Cha mỏ vàng chưn vàng, mẹ mỏ vàng chưn cước''. Cái vàng là màu của ‘’Thổ’’trong ngũ hành. ‘’Thổ’’đây chịu sự nhẫn nhục và bao dung như lòng đất mẹ. Một khi đất mẹ bị xâm lấn thì, cái ‘’dũng’’ xuất đầu lộ diện. Cái dũng mãnh ở cha, cái thông minh ở mẹ khi kết hợp khác chi song kiếm hợp bích, lo chi chẳng thành!
- Ông nói vậy, sao ông chọn sáo trâu nầy mỏ trắng?
Chàng trai trẻ thắc mắc.
- Ta không theo lời người xưa vì tình hình hiện nay ta chưa cần sự dũng mãnh và thông minh. Cái ta cần kíp bây giờ là sáo trâu nhanh chóng nói được tiếng người. Việc nầy, sáo trâu mỏ trắng vượt trội hơn sáo trâu mỏ vàng vì, mỏ trắng thuộc hành ‘’Kim’’. Trong ngủ hành, Kim khắc Mộc. Mộc sinh từ Thủy nên Kim thừa sức chống đỡ những kẻ mạnh bên ngoài đến bằng con đường thủy…
Lão Minh không muốn nói thêm sự suy nghĩ của mình nữa, người trung niên chêm vô:
- Lý sao lão không chọn sáu sậu?Tui thấy sáo sậu nhạy nói hơn sáo trâu, nó huých gió tài tình dù chưa biết nói!
Ông ba rót chén trà mời lão Minh. Hoa dừa rụng trắng đất cù lao, hơi mát phả từ những bóng râm của vườn cây ăn trái dịu lòng người.
Lão Minh nói chậm rãi:
- Ta không chọn sáo nâu vì, sáo nâu ăn no thích nằm, tính làm biếng và hung dữ. Còn cà cưỡng tức sáo sậu hay nói chớ không nói hay, miệng tía lia suốt ngày, bắt chước tiếng động...nghe vui tai và ngắm nghía đã con mắt, dùng nó thì hỏng việc chẳng đặng tích sự gì!
Có tiếng người chen vô, hỏi:
- Mần sao biết nó là cà cưỡng để chọn không lầm?
Lão Minh ngoái cổ ra sau, cười:
- Tưởng ai, té ra thím ba vợ ba Thịnh. Thím hỏi đố chơi, chớ cha sanh mẹ đẻ thím ở cái cù lao nầy, sao thím không biết?Cà cưỡng có miếng da màu vàng ở đuôi mắt, nếu miếng da dài, to là con trống;ngược lại, miếng da vừa, nhỏ là con mái. Mái, trống gì rồi cũng không giúp được thím lúc gặp nguy nan!
Lão nói chắc nịch:
- Trong ba sáo đó, sáo trâu hợp tình cảnh bây giờ và hơn hẳn kể cả nhồng, vẹt chẳng thể bường!
*
Chàng trai trẻ mang sáo trâu về quê Tân Thạch, lão Minh bí mật chỉ riêng chàng tập luyện thành công sáo trâu nói tiếng người trong vòng năm, sáu tháng. Lúc xuống ghe, lão còn chạy ra bến sông căn dặn :
- Nhớ chọc tức nó xù mào, khi sáo trâu xù mào nó sẽ nói lời người dạy vì thấy kẻ lạ nó phát ghét!
3.
Nửa đêm, má con cô hai ôm sáo trâu sang sông Tiền, bỏ xứ Trúc giang tới tá túc đất An Khương. Mấy tháng đầu yên ổn, từ lúc thầy cai lui tới thả dê tuy có phiền nhưng chưa phức tạp và hiểm nguy. Dù sao thì con sáu trâu cũng đủ sức nói lời người can ngăn sự trân tráo, sàm sỡ của thầy cai đối với cô chủ.
Sau ngày nghĩa binh Thủ Khoa Huân san bằng đồn giặc Tây ở Bình Cách thành bình địa. Bọn vong nô làm chỉ điểm sùng sục tối ngày, truy tìm người theo ông Thủ khoa. Gia đình má bị chúng chấm điểm và điều tra. Thầy cai bị tên tri huyện Chợ Gạo lột chức và thải hồi. Má không liên lạc được tía và bạn tía. Nghe thiên hạ phông phanh ông Thủ khoa cùng nghĩa binh đã rút về miệt Thuộc Nhiêu và có lẽ, xuống An giang. Má con cô hai và sáo trâu quyết định trốn khỏi An Khương.
- Má!Chị hai!Giặc...giặc...c...h...ạ..y...
Sáo trâu bay phía trước dò đường, cảnh giới nó la bài hãi!
Đương lòn qua đám rừng trâm bầu chạy cặp hướng Tịnh Hà, má con cô hai khựng lại khi nghe tiếng la của sáo trâu. Muộn rồi, lũ người Việt theo Tây ập đến bắt trói thúc ké và lôi kéo má con cô hai như lôi kéo súc vật.
Trời chưa sáng tỏ, thằng sếp chỉ huy phùng mang trợn mắt ra lịnh đám lính tiếp tục hành hạ thân xác má con cô hai. Bất thần, từ cành mận trắng sáo trâu vỗ cánh lao vút tựa mũi tên bay thẳng mặt kẻ thù, móng chưn sắt của đôi chưn dũng mãnh đâm mù hai mắt thằng sếp, máu trào xối xả và đôi chưn nó dính tòn teng!
- M...á!C..hị...
Chúng bứt đứt đầu và xé sáo trâu từng mảnh!
Về sau, nghe nói xác má con cô hai lũ giặc liệng xuống sông Bảo Định chỗ giáp nước.
*
Đoạn đường từ chợ Hòa Tịnh đến chợ An Khương, nơi ngã ba quẹo về làng Trung Hòa huyện Chợ Gạo xưa kia, người sở tại lập miếu thờ sáo trâu, tục gọi ''miếu sáo trâu''. Trải qua mấy trăm năm, bao lần nhiều lượt đường mở rộng, người làm đường không biết hoặc vô tình ủi sập... Dấu mất, tích còn!Có lẽ, nhờ miệng đời truyền miệng?
Người thạo chuyện, ngửa mặt than:
- Thú nói tiếng người. Người thì ngược lại!?
*
Trần Bảo Định

Không có nhận xét nào: