Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Trần Duy Phiên : Ý Thức và Tôi


Khác với các anh ấy - thành phần chủ đạo và rường cột, tôi là khách của Ý Thức. Bây giờ nhớ lại khó mà xác định thời điểm nào nhưng không thể sau 1960, lần đầu tiên tôi được mời đến sinh hoạt với Gió Mai - tên gọi ban đầu của Ý Thức. Cũng không nhớ nỗi nơi đến và hôm ấy có những ai, chỉ biết đó là một địa điểm tại Huế và người ân cần tiếp tôi là Trần Hữu Ngũ (bút hiệu Thuỳ Linh - Ngy Hữu). Hình thức sinh hoạt như hội nghị bàn tròn văn nghệ. Hôm ấy, Ngũ đặt vấn đề viết cho ai? viết thế nào? Tôi hăng say phát biểu.

Thời ấy ở Huế, lớp trẻ chúng tôi thường thành lập những nhóm sinh hoạt văn nghệ nhỏ (Có phải do ảnh hưởng của Tự Lực Văn Đoàn?). Trước khi đến với Gió Mai, tôi đã có dịp đọc một số sáng tác của nhóm ấy đăng ở báo Công Dân và ở một tạp chí viết tay - truyện ngắn của Lữ Quỳnh, kịch thính phòng của Lữ Kiều... và thầm mến phục.

Lúc ấy tôi cũng có nhóm riêng - nhóm Văn Nghệ Mới, và học chưa qua bậc trung học. Văn Nghệ Mới là nguyệt san chép tay, ra tới 28 số thì tan đàn rẻ nghé. Tôi vào đại hoc. Rồi sau đó, chiến tranh leo thang, những biến động chính trị dồn dập, những cuộc xuống đường của phong trào học sinh ở Huế, ở Sài Gòn lan dần đến các đô thị miền Nam. Năm 1964, tôi cùng Bảo Cự và Trần Đình Vỹ thành lập nhóm Hồng Sơn thu hút những sinh viên của năm trường đại học ở Huế (Sư Phạm - Văn Khoa - Luật Khoa - Khoa Học và Y khoa) đáp ứng ba sinh hoạt của nhóm: Văn hoá - Xã Hội - Kinh tế. Phong trào đấu tranh năm 1966, nghiền nát những ước mơ của chúng tôi từ trong trứng nước. Bốn năm tôi ngồi ghế đại học là bốn năm sôi sục đấu tranh. Ai chiến thắng còn tôi thì chiến bại - ra trường bị đẩy lên dạy học tít tận Kontum - một tỉnh biên cương cận kề trận địa. Nhưng không thể dập tắt trong tôi ham muốn viết lách.

Tết Mậu Thân tôi từ Kontum về Huế. Nói là về quê ăn Tết nghỉ Tết nhưng có ăn nghỉ được gì! Khuya mồng một Tết, chiến trận ập vào thành phố. Sáng mồng hai, tôi từ nhà ở đường Chu Văn An đưa chị và các cháu chạy lánh bom đạn ở Tiểu Khu. Đất hẹp người đông, người ta đục thủng tường rào và chuyển dân qua khu trường Đại Học Sư Phạm. Trong lây lất đói khát, tình cờ tôi gặp Trần Hữu Lục từ Vân Dương băng qua Đập Đá chạy lên. Rồi sau đó, Nguỵ Ngữ, Từ Hoài Tấn, Thân Trọng Minh(bút hiệu Lữ Kiều - Nàng Lai)...Người ta phát chẩn gạo theo sổ gia đình, tôi thành lập một tờ khai và đứng tên chủ gia đình. Gia đình gì mà toàn cả văn thi sỹ! - Khi kiểm tra, người phụ trách thắc mắc nhưng rồi cũng phát!

Mùa hè năm 1969, tôi lại từ Kontum về Huế cùng với Tần Hoài Dạ Vũ làm tờ Việt - báo bất hợp pháp, in rô-nê-ô. Chính quyền thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh và khe khắc với mọi sinh hoạt của giới trẻ. Báo Việt chỉ tồn tại chừng một năm. Sau đó di cư vào Sài Gòn xin đất của Đối Diện để sinh hoạt, gánh nặng bây giờ ở trên vai của Trần Hữu Lục và Trần Minh Thảo. Cũng trong khoảng thời gian ấy, tôi được biết Gió Mai cũng tha phương, nghe đâu tạm cư ở Phan Rang và cho ra tờ Ý Thức, bất hợp pháp, in rô-nê-ô. Từ Kontum, tôi sửng sốt và hân hoan đón nhận Ý Thức. Tiếp đó, tôi gởi tác phẩm của mình về tham gia.

Một hôm, đang trong giờ dạy, tôi được văn phòng báo có khách. Huỳnh Ngọc Sơn - đồng nghiệp và cũng là thành viên của Việt - cùng với một người lạ đang chờ tôi ở hành lang. Gặp nhau mới biết anh ta là Nguyên Minh - thành viên cốt cán của Ý Thức. Tôi xin nghỉ hai giờ sau, chúng tôi đưa Nguyên Minh đến Câu Lạc Bộ Thanh Niên đầu cầu Dakbla. Minh cho hay anh từ Sài Gòn bay lên đây với mục đích thương lượng để xuất bản truyện dài ĐỐT LỬA SAU MÂY của tôi đã đăng mấy kỳ trong tờ Việt. Chúng tôi nhâm nhi và nói chuyện văn nghệ cho đến ba giờ chiều, tôi đưa Nguyên Minh lên phi trường và anh về lại Sài Gòn trong ngày.

Chiến cuộc năm 1972, Kontum bị bao vây, chỉ thoát ra bằng máy bay. Gia đình tôi phải xé lẻ để di tản. Tôi là người thoát sau cùng. Chạy qua bốn tỉnh về tới Phan Rang tôi mới gặp lại vợ con và các em. Những ngày hè vô công rỗi nghề, tôi ngồi viết trong nắng nóng. Rồi tôi đi tìm Trần Hữu Ngũ. Vợ chồng Ngũ vừa lấy nhau và đang tá túc ở một căn phòng nhỏ của hội quán Hướng Đạo(?). Thiếu cơm thiếu áo thiếu nhà, gặp nhau chúng tôi lại say sưa nói chuyện văn nghệ. Tôi sống ở Phan Rang chừng bốn tháng. Sau đó về lại Kontum, tiếp tục dạy học. Tôi vẫn lai rai gởi bài cho Ý Thức. Và tôi có dịp đọc thêm sáng tác của Trần Hữu Ngũ, Đỗ Nghê, Nguyên Minh, Lê Ký Thương, Châu Văn Thuận, Hồ Thanh Ngạn...

Chiến cuộc năm 1975 - mùa xuân đại thắng, hoà bình lập lại, cuộc sống cơ cực tối mắt tắt đèn. Đâu không rõ, lúc bấy giờ ở địa phương tôi đi ra khỏi tỉnh phải xin giấy phép. Rắc rối như thế nhưng năm 1978, tôi có việc phải về Phan Rang. Và tôi lại tìm thăm Trần Hữu Ngũ. Chúng tôi gặp nhau mà lòng đứa nào cũng nặng trĩu gánh cơm áo và thế sự. Tôi cho Ngũ hay mình đã xin thôi dạy, hiện đang miễn cưỡng làm cán bộ phường với trợ cấp 12 đồng mỗi tháng. Ngũ cho tôi hay anh không đến nỗi bức bách cỡ ấy. Với cái máy quay Rô-nê-ô tao hái ra tiền lẻ dài dài - Ngũ tâm sự - Tao cũng không muốn đi dạy nhưng vợ tao không đồng ý, khuyên tao cố bám công nhân viên nhà nước để khỏi phải đi kinh tế mới. Gần ba ngày chuyện vãn với nhau, chúng tôi không bao giờ nghĩ tới và nói tới văn nghệ! Cũng không đứa nào nhắc tới bạn bè trong nhóm. Tôi về lại Kontum, mỗi khi nhớ Ngũ vẫn cảm thấy thiếu vắng một cái gì trong cuộc tao ngộ.

Sau năm 1985, nhân đọc Nghị Quyết 5 của Trung Ương nói về Văn Hóa Văn Nghệ, tôi thực sự phấn khởi, mày mò cầm bút trở lại và sinh hoạt trong một câu lạc bộ nhỏ ở thị xã Kontum.

Năm 1989, trên đường trở về từ Sài Gòn, tôi ghé lại Nha Trang thăm bạn bè. Tôi đi với Ngô Văn Ban, Thế Vũ đến chơi nhà Lê Ký Thương. Trong cuộc vui, Thương cho hay anh giã từ cầm bút chuyển sang cầm cọ. Rồi anh trưng ra một số tư liệu hội họa và mấy bức tranh anh vừa hoàn tất. Tôi là người viết văn làm thơ, gặp một bạn viết văn làm thơ lại đem chuyện hội họa ra kháo nhau! Ý Thức chết rồi ư? Tôi thương mình ế độ. Tôi thương Ý Thức mệnh yểu. Đã thế, khi chia tay, Lê Ký Thương giao cho tôi bản thảo TIẾNG VẠC KÊU SƯƠNG - một bộ tiểu thuyết ba tập, viết rất công phu - mà không một ký thác nào! Tháo bỏ cái cục nợ bằng cách này? Rõ ràng Ý Thức chết rồi! Thôi đừng nói nữa mà nghe đau.

Mãi cho đến đầu hè năm 2000, tình cờ tôi tiếp một cú điện thoại mà tưởng mình mơ. Phiên đấy ư? Minh đây. Thân Trọng Minh, Phiên còn nhớ không? - Giọng Huế, rất gần gũi. Minh ư? Nhớ chứ - Tôi thật sự xúc động. Mình đang ở Pleiku, sẽ qua Kontum ngay bây giờ. Mình đi cùng vợ và Lê Ký Thương - Minh nói. Vậy nhớ ghé và ở lại nhà mình - Tôi nói - Nhà mình chẳng là gì nhưng được cái rộng rãi. Tôi cúp máy và báo ngay tin vui cho nhà tôi hay. Cả hai vợ chồng gấp rút sửa soạn. Hơn một giờ sau, các bạn đã có mặt. Ba mươi hai năm dâu bể, một cái bắt tay! Vợ Minh là Hằng - một phụ nữ xinh đẹp khả ái, dám gởi con cho mẹ theo chồng điền dã cao nguyên để tìm đề tài hội họa. Lê Ký Thương tôi biết cầm cọ từ lâu, còn Thân Trọng Minh cũng không muốn cầm bút viết văn nữa sao? Không hẳn thế. Ngay sau đó, vợ chồng Minh tặng tôi một số bức ảnh chụp các hoạ phẩm của mình, kèm theo hai tác phẩm vừa mới xuất bản : KẺ PHÁ CẦU - tập kịch của Lữ Kiều. Và CUỘC ĐI DẠO TÌNH CẢM - tập truyện của nhiều tác giả. Lê Ký Thương cũng tặng tôi hai tập do anh dịch đã xuất bản: MỘT NỖI ĐAU RIÊNG - tiểu thuyết của KENZABURO OE. Và PHÙ THUỶ XỨ OZ - tiểu thuyết của L. FRANKBAUM

Khoảng cuối năm 2001, tình cờ tôi lại nhận một cú điện thoại của Thân Trọng Minh nữa. Vợ chồng mình vừa đi du lịch ở Mỹ về - Minh nói. Vui quá phải không? - Tôi cười và thầm nghĩ cái số anh ta sướng có khác - ngày xưa qua Pháp tu nghiệp nay lại qua Mỹ rong chơi. Phiên có biết ai lo liệu in tác phẩm KIẾN VÀ NGƯỜI của ông ở Mỹ không? - Minh đố. Không - Tôi nói. Hoàng Khởi Phong đấy! - Minh nói to, rõ từng tiếng nhưng tôi không tin tai mình. Hoàng Khởi Phong là bạn văn chương của tôi cách nay 28 năm. Thuở ấy anh là sỹ quan, làm thơ. Anh từ Pleiku đổi sang Đà Lạt, sau biến cố 75, thì tít mù chẳng biết sống chết nơi đâu. Chúng tôi tìm nhau mà chơi vì duyên nợ văn chương. Người xưa tương kính vì tài đức. Chúng tôi không dám sánh, chỉ biết chúng tôi ăn ở với nhau vì tình nghĩa như đạm thủy. Cái giọt nước trong không gợn chút cặn bã lợi danh vinh hoa quyền thế ấy gắn kết chúng tôi nghìn trùng xa cách.

Hôm qua mở hộp thư điện tử. You have 01 unread message. Tôi vọi check mail. Thư của Nguyên Minh hối thúc tôi viết một hồi ký về Ý Thức và gởi ngay. Báo cho Phiên hay trước năm 1975 Hoàng Khởi Phong là một trong số anh em chủ trương tạp chí Ý Thức - Cuối thư Nguyên Minh cước chú. Thế ư? - Tôi ngẩn cả người! Bao nhiêu năm chơi với nhau có nghe anh ấy nói đâu! Nhưng tôi tin Nguyên Minh.

Thì ra, trước sau xa gần, tôi không thể không là bạn của anh em Ý Thức. Tiền định ư?./.
Trần Duy Phiên

Không có nhận xét nào: