Trưa ấy, giữa cái nắng gắt cuối hạ bên thượng nguồn sông Côn trong chuyến lang thang đất Tây Sơn hạ đạo, người bạn trẻ đi cùng bất ngờ chỉ tay ngang sông: “Anh có nhớ “Tuấn - chàng trai nước Việt”của Nguyễn Vỹ không? Bên kia có nhà máy rượu An Thái của Pháp, thời xưa Tuấn từng làm ở đấy…”.   
Tôi nhìn sang, chỉ còn thấy những mái nhà nâu đỏ lúp xúp ẩn dưới màu xanh mát hiền lành. Bên này, bờ phù sa cạn nước, dưới gốc keo già trăm tuổi thấp thoáng bóng phụ nữ đội nắng phơi bún. Bún Song Thằn đặc sản vùng An Thái này, những vỉ bún rộng dài như chiếc chiếu, đem phơi trên những miếng phên tre trắng lóa cả bờ sông. Bà Năm, hơn 50 năm làm bún, bánh trong làng. Phụ cùng bà là ông Hai Tân, người em trong xóm. “Xưa nơi đây có nhà máy rượu SICA của Pháp, có thôn Tiệm Rượu. Nay nghề rượu chuyển xuống Bàu Đá hết rồi”, ông Hai Tân cho biết.
Cuối niên khóa 1926-1927, Trần Anh Tuấn - nhân vật chính trong “Tuấn - chàng trai nước Việt” bị đuổi khỏi trường Cao đẳng Tiểu học Qui Nhơn vì cầm đầu cuộc  bãi khóa chống Tây. Đó là lần đầu tiên học sinh An Nam cả nước vận động tổ chức bãi khóa chống lại chính phủ thuộc địa Pháp. Nên bị “xử” thẳng tay. Cậu học trò lớp đệ tam đang tuổi 16 không dám về lại quê nhà Quảng Ngãi sợ cha mẹ buồn. Cũng không dám xin tiền cha mẹ ra Huế học tiếp, vì nhà nghèo, nhất là khi Trần Anh Tuấn (người anh ruột trùng tên) làm thông phán Tòa sứ Quảng Ngãi đã bị bắt đi tù trên Ban Mê Thuột vì tham gia hội kín đánh Tây. 
Vỹ, chàng trai xứ Quảng - ảnh 1Tranh: Nguyễn Văn Hổ.
Sau rồi có người giới thiệu hãng nấu rượu ở An Thái  (An Nhơn, Bình Định) đang cần một thư ký, lương tháng 100 đồng. Giấu thân phận bị đuổi học, Tuấn lên An Thái làm cho Công ty nấu rượu Đông Dương, tại một “hương thôn có con sông lớn”. Nhưng chàng vẫn nuôi hoài vọng dành dụm tiền bạc để sẽ ra Hà Nội hoặc vào Sài Gòn tiếp tục học. Chàng cạo trọc đầu, mặc quần áo bằng vải nội hóa, sống một cuộc sống khắc khổ. Những đồng lương đầu tiên, chàng trai đặt mua dài hạn các tờ như “Tiếng Dân” đang lừng lẫy của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Một hôm bị mấy tay chủ Tây sỉ nhục gọi là “thằng An-na- mít bẩn thỉu”, Tuấn đánh lại rồi bỏ hãng rượu bắt xe lửa ra Huế bắt đầu dấn thân vào gió bụi cuộc đời…
Dù tác giả khẳng định trong lời Tựa sách, rằng “Tuấn, chàng trai nước Việt” /“không phải là một ký ức cá nhân”, nhưng dễ dàng nhận ra đây như một cuốn tự truyện, với mọi thăng trầm xảy ra với Nguyễn Vỹ.
Toát lên từ toàn bộ cuộc đời con người ấy là cái khí chất “quá khích”, như nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy. Trong hồi ký, kể về chuỗi ngày niên thiếu theo gánh cải lương Đức  Huy - Charlot Miều đi hát rong xuyên Việt, ngang qua miền đất Quảng Ngãi, Phạm Duy cảm nhận: “Điều chắc chắn người ở đây là những người có tính tình quá khích…Nhưng ta đừng quên rằng nơi đào tạo ra những con người quá khích và đảm đang này còn là nơi sinh trưởng của những nhà thơ lớn của chúng ta như Nguyễn Vỹ, Bích Khê, Tế Hanh với những vần thơ tuyệt vời. Tân tiến như Nguyễn Vỹ, siêu thực như Bích Khê, cổ điển như Tế Hanh…” (Hồi ký Phạm Duy, tập 1 )
Với tư cách nhà báo, Nguyễn Vỹ có lẽ lập kỷ lục trong báo giới nước nhà từ xưa đến nay về việc lập ra nhiều tờ báo nhất, và cũng bị đóng cửa nhiều nhất.
Năm 1936, ông lập tờ Le Cygne (Bạch Nga) song ngữ Việt Pháp tại Hà Nội. Do chỉ trích đường lối cai trị của Pháp nên chỉ sau 6 số báo đã bị đóng cửa, rút giấy phép vĩnh viễn, chủ bút Nguyễn Vỹ bị 6 tháng tù cùng 2.000 quan tiền phạt. Năm 1945, sau khi bị Nhật bắt đi tù (tù lần 2) vì tuyên truyền chống Nhật, Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn sáng lập tiếp tờ Tổ Quốc. Nhưng cũng do công kích chính quyền đương thời nên báo bị đóng cửa ngay sau đó. Ngay sau đấy, ông ra tiếp tờ Dân Chủ ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Rồi báo cũng bị đình bản. Năm 1952, ông ra thêm một tờ báo nữa, nhưng cũng bị đóng cửa. Năm 1958, Nguyễn Vỹ chủ trương tờ tạp chí Phổ Thông có nhiều uy tín ở miền Nam (khác với Phổ Thông bán nguyệt san giai đoạn 1936-1945 của Vũ Đình Long - nhà in Tân Dân ở Hà Nội-NV). Cùng lúc ra thêm 2 tờ tuần báo Bông Lúa và Thằng Bờm (dành cho thiếu nhi). Từ sau năm 1956, Nguyễn Vỹ cho tái bản bộ mới của nhật báo Dân Ta,  nhưng đến 1965 cũng lại bị đóng cửa. Như vậy sau này ở miền Nam, Nguyễn Vỹ hầu như chỉ còn duy trì tạp chíPhổ Thông - một tạp chí tên tuổi trong đời sống báo chí, văn chương miền Nam, lúc bán chạy nhất lên đến 25 ngàn bản.
“Tuấn, chàng trai nước Việt” có đoạn kể về cuộc tranh luận giữa Tuấn và mấy đồng nghiệp tại tòa soạn báo Tương Lai ở Hà Nội, khoảng năm 1939. “Câu chuyện dần dần đến Phan Bội Châu, Tuấn bảo: “Thằng nào viết bài phỉ báng cụ Phan Bội Châu thằng đó tôi mà gặp nó, tôi đánh nó bể mặt”. Kính (một đồng nghiệp) cười gằn, khiêu khích: “Thằng này viết đây, thưa anh ạ”. Tuấn không thèm trả lời, vớ ngay điếu thuốc lào ở trên bàn ném vào mặt Kính. Kính né sang một bên, chiếc điếu cày bay đụng vào thành ghế, dội lại Kính, làm đổ cả điếu vào áo chàng”. 
Vỹ, chàng trai xứ Quảng - ảnh 2Nhà văn Nguyễn Vỹ cùng con gái Nguyễn Thị Diệu Hạnh (Ảnh do NSNA Bạch Ngọc Danh, cháu rể nhà văn, cung cấp cho Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp hội thảo).
Khí chất quyết liệt, yêu ghét rõ ràng của những chàng trai xứ Quảng là có thể hiểu được. Dòng máu như của Nguyễn Vỹ - có người cha khảng khái từ chức quan huyện để chống Pháp. Có bác ruột bị Pháp đày ra Côn Đảo suốt 9 năm, người anh con bác ruột là Nguyễn Nghiêm - chiến sĩ cộng sản, Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi cũng bị địch chém đầu tại bến Tam Thương (Trà Khúc) năm 1931 khi mới tròn 27 tuổi ... 
Nguyễn Vỹ đã viết về quê hương mình: hiền dịu, đa tình nhưng cũng đầy kiệt phách: “Quảng Ngãi - quê hương tôi/ Nhiệm màu guồng xe nước/ Tha thướt chập chùng/ Lên men đồng lúa mướt/… Quảng Ngãi - quê hương tôi/ Dân tình bất ly/ Dân trí bất nhược/ Dân đức bất suy/ Dân tâm bất khuất/ Khí thiêng nung đúc/ Văn chương kiệt phách hào hoa/ Bất chấp cường quyền, uy vũ” (Quảng Ngãi - quê hương tôi).
*   *   *

Thi ca bây giờ ít ai còn nặng nề về “chất tây/chất ta” như buổi giao thời giữa thơ truyền thống và thơ Mới những năm đầu 1930 của thế kỷ trước. Tuy vậy, cho đến tận hôm nay, từ những cuộc “xung đột” giữa thơ cách tân (tân hình thức, hậu hiện đại…) với loại thơ truyền thống đang diễn ra, lại càng hiểu, thông cảm và trân trọng sự bền bỉ, quyết liệt của Nguyễn Vỹ khi từ bỏ cái CŨ, hướng về cái MỚI trong thi ca. Nên cái nhìn đầy “khó chịu, miệt thị” của nhiều người trước sự cách tân thơ ca một cách mới lạ, táo bạo thời ấy của Nguyễn Vỹ không có gì khó hiểu.
Sa Giang Trần Tuấn Kiệt - một trong những thi sĩ nổi bật ở miền Nam, đã nhận định xác đáng về chủ soái “Tao đàn Bạch Nga” Nguyễn Vỹ: “Phong cách Âu châu, tư tưởng cấp tiến của ông thời đó đã làm xốn con mắt của nhiều người đương thời nhất là Hoài Chân, Hoài Thanh trong khi quyển Thi nhân Việt Nam của Hoài Chân - Hoài Thanh tái bản luôn mà không sửa đổi gì cả. Thế ra cái án văn chương này vẫn còn tiền lệ tạo ra sự coi thường nhà thơ Nguyễn Vỹ bất công đến bao giờ” (bài Tao đàn Bạch Nga của Nguyễn Vỹ).
Trong “Tuấn, chàng trai nước Việt”, Nguyễn Vỹ cũng chỉ rõ: “Năm 1934 “Trường thơ Bạch Nga” xuất hiện đề xướng một quy luật cho thơ mới.
Vỹ, chàng trai xứ Quảng - ảnh 3Nhà văn Nguyễn Vỹ tại Sài Gòn, 1965 (Ảnh do NSNA Bạch Ngọc Danh, cháu rể nhà văn, cung cấp cho Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi nhân dịp hội thảo).
Trong lúc thơ mới Việt Nam ra đời (năm 1932), thoát được khuôn khổ cũ, nhưng vẫn còn mò mẫm trong các cuộc thí nghiệm của mỗi nhà thơ, thì thơ Bạch Nga xuất hiện với mục đích rõ rệt là tạo cho thơ mới một nguyên tắc cụ thể về hình thức: dung hòa với cú pháp của thơ Tây, qui chế của thơ Tây, vừa phản ảnh được tinh thần dân tộc Việt Nam để diễn đạt tư tưởng Việt Nam mới. Khác với André Chénier, trong thơ Pháp đầu thế kỷ XIX, thơ Bạch Nga chủ trương: “Với những ý tưởng mới, hãy làm những câu thơ mới” (Sur des pensées nouvelles, faisons des vers nouveaux). ?
Đọc lại, thấy những bài thơ theo kiểu Bạch Nga “12 chân”, hoặc được xếp đặt dưới dạng hình học (tam giác, tứ giác, hình thoi…), đối xứng, và cách gieo sử dụng một vần, thì cũng là một lối làm thơ “tân hình thức”, dù loại thơ Tân hình thức hiện thời “phá phách” về mặt hình thức một cách triệt để, quyết liệt hơn. Bây giờ, các loại thơ hậu hiện đại, tân hình thức, thơ phụ âm, thơ một vần… vẫn làm “xốn con mắt” nhiều người đấy thôi !  
Dẫu hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng Nguyễn Vỹ vẫn kiên trì theo đuổi ý hướng đổi mới thơ của mình với trường thơ Bạch Nga. Từ năm 1934 đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí Tiểu thuyết thứ Năm ở Hà Nội, đến tận những năm 1960 ở Sài Gòn, với “Tao đàn Bạch Nga” trên tạp chí Phổ Thông.
Đổi mới văn chương thường rất ít thành công nhưng sẽ có nhiều thất bại. Đó là quy luật cũng luôn đúng với mọi kẻ đi đầu. Nhưng lịch sử luôn không quên những dấu chân tiên phong ấy. Nói như Lê Tràng Kiều, một chủ bút, nhà phê bình văn học nổi bật thời đầu thế kỷ 20 - “bà đỡ văn chương” cho hàng loạt các tài năng Vũ Trọng Phụng, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Sanh, Lưu Trọng Lư…, rằng “Người ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống”.
Có thể nói, tinh thần “quá khích” của Vỹ- chàng trai xứ Quảng đã góp phần làm nên một dung diện “độc/lạ” trong dòng chảy lịch sử văn chương, báo chí nước nhà.
Mà cho đến tận hôm nay, với Hội thảo lần đầu tiên về “Nguyễn Vỹ - Cuộc đời và sự nghiệp” (Hội VHNT Quảng Ngãi phối hợp với trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh) tổ chức, chân dung con người dấn thân kỳ lạ ấy mới có dịp được nhìn nhận lại trọn vẹn. 
Nguyễn Vỹ (1912-1971) quê ở làng Tân Hội, nay là xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Ông là tác giả của hơn 20 đầu sách, gồm thơ, tiểu thuyết, biên khảo, luận đề chính trị-tôn giáo…, với những tác phẩm tiêu biểu: “Tập thơ đầu” (thơ song ngữ Việt Pháp, 1934), “Hoang vu” (thơ, 1962), “Buồn muốn khóc lên” (thơ, 1970), các tiểu thuyết “Đứa con hoang”(1936), “Thi sĩ Kì Phong” (1938), “Mồ hôi nước mắt” (1965), “Tuấn, chàng trai nước Việt” (hai tập, in lần đầu năm 1970, sau 1975 nhiều lần tái bản)…, cùng các biên khảo có giá trị “Văn thi sĩ tiền chiến” (1970), “Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử” (1970)… Năm 1971, ông mất trong một tai nạn xe hơi tại tỉnh Long An.