2. THƠ THIỀN HIỆN ĐẠI
Ở trên tôi có nháy qua cái ý ngầm có thể có bạn đọc cho người viết quá câu nệ trong việc nhấn mạnh vị trí và ảnh hưởng Kệ trong thơ Thiền và xác định các khái niệm (thiền, thơ thiền, thiền giả – tạm chỉ tu sĩ và…) không rõ. Thứ nhất, không thể võ đoán; “chatting” mà tranh cãi mất vui. Thứ hai, chưa dám định nghĩa chi hay lên tiếng ủng hộ ai cả. Tạm thời tôi liệt kê ít thứ lôi thôi, có khi chính bạn đọc xác định hộ (lưu ý người viết ắt cầm nhầm cả ý ai đó, đâu đó nói mất rồi!). Gì thì gì, Thơ – như một thể loại nghệ thuật – nghe đồn không thể định nghĩa nổi nhưng cũng dễ có cái nhìn chung chung chấp nhận được, thì nghĩa của Thiền lại khó nhất trí. Người cho thơ tu sĩ làm mới là thơ thiền và tu sĩ làm được thơ thiền là đúng thiền thi sĩ (chuẩn hơi gay go nhưng lý tưởng quá đi mất), người cho ai có tâm thiền (tiêu chí này e không dễ kiểm tra như kiểu công an giao thông kiểm tra nồng độ rượu của tài xế) và làm được đề tài thiền thì nên xác nhận là thơ thiền và nhà thơ thiền luôn thể (!). Ngược lại, hẳn có nhà sư làm thơ, nhưng không phải thơ thiền (tất nhiên, thậm chí có thứ thơ mà không cấm người ta phải đặt câu hỏi là thơ nội dung rứa thì “sư” còn là sư nữa không!). Thế còn một người làm đủ loại thơ, trong đó có mảng thơ thiền thì có nên xưng hay nhận là nhà thơ thiền, và không tránh được màn kiêm nhiệm, đại khái nhà thơ tình kiêm nhà thơ thiền nghe có ổn không? Cuối cùng – chắc chi đã cuối cùng! – có dòng thơ thiền vào một giai đoạn hay một, hai triều đại, nhưng khi đời sau không có ai tiếp tục sự nghiệp thì gọi thế nào – dòng thơ bị đứt đoạn và được nối lại hay cáo chung vào năm này, năm nọ…? Đã trên dưới chục câu hỏi, chưa tính còn tạm lờ khái niệm Thiền!
Nếu khái niệm thơ thiền đại khái liên quan thơ Không Lộ, Trần Nhân Tông, Vạn Hạnh… một thời, chúng ta hầu như dễ chia sẻ – thực tế không hẳn do một tri thức có luận lý mà trước hết do quen tai với cách dùng của một số nhà nghiên cứu và gợi ý từ sách giáo khoa –, thì ta cần mạnh dạn nhận rằng chúng ta đều khá tơ lơ mơ về khái niệm “thơ thiền” thời kỳ hiện đại gắn với các ông Vũ Hoàng Chương, Trụ Vũ, Thi Vũ, Phạm Thiên Thư, Quách Tấn, Bùi Giáng… chẳng hạn. Tôi tin rằng nếu tôi phỏng vấn trực tiếp quý thi sĩ này – tất nhiên với các vị còn tại thế – với câu hỏi “Theo lão thi sĩ thì thế nào là thơ thiền nói chung và hiểu lối thơ thiền các nhà thơ như lão thi sĩ đây vẫn làm như thế nào?” thì rất thú vị, đồng thời tôi không tin tất cả chúng ta đều đồng ý với chư vị. Sự không đồng ý này cũng thú vị nốt, kể cả với quý lão tiền bối. Những tranh luận trong lĩnh vực nghệ thuật thường tránh cái đáng ghét của chính trị, trước hết chính trị ở những nước độc tài, ở chỗ nó không quyết lý lẽ của ta đương nhiên đúng đắn 100% và một thi sĩ sở hữu mớ lý luận hở sườn cho đối tác phản biện nhưng vẫn làm thơ hay trong một nước mà nghệ sĩ còn lòng tự trọng, vẫn được “địch thủ” thắng cuộc ái mộ, mà không bên nào bị báo cáo công an văn hoá hay hửi thấy mùi tù ngục vì đi theo trường phái nghịch với thi xã do đức vua bảo trợ, chuyên ngâm nga thơ của hoạn quan và các cung tần mỹ nữ. Nếu tôi tiếp tục đặt câu hỏi tương tự với tu sĩ – thi sĩ Thích Nhất Hạnh và Tuệ Sĩ thì cho tôi trả lời… “ẩu” là hai ông sẽ mỉm cười, cáo bận Phật sự và không hứa, dù được yêu cầu trả lời bằng e-mail. Và do đó người viết có khi không có dữ liệu chi để bàn nhảm cả. Cũng nhân đây mà bình rằng thơ của Thích Nhất Hạnh (chúng tôi xin phép không dùng các chức danh hoà thượng, thượng toạ hay linh mục trước tên các thi sĩ) từng tạo ấn tượng thực sự những năm 60, 70 và một đặc điểm trong thơ ông là kết hợp thành công từ yếu tố kể chuyện, có lúc thu hút bằng chi tiết chọn lọc, tới một ý tưởng, chiêm nghiệm có tính khái quát mà vẫn cảm động, tự nhiên. Chưa tính sự nhạy bén với yếu tố thời sự và xin lỗi cả yếu tố thời thượng. Trong khi điệu thơ có phần cổ điển đẫm âm hưởng tài hoa và hào hoa vận vào thi ca miền Nam một thời (theo thiển ý dù có dị biệt – dị biệt quá đi chứ, ví dụ sắc thái trang nhã và phóng túng – thì Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng và cả Sao Trên Rừng đều cùng một bộ lạc Môhican cả thôi!), thậm chí ít thay đổi và đặc biệt không có dấu hiệu dụng ý cấu tứ phức tạp – điều hẳn không khó khan gì với nhà thơ của chúng ta –, thì Tuệ Sĩ vẫn chứng minh một tài thơ quyến rũ và tôi tin nếu dù bị phần nào che lấp bởi tiếng tăm nhà Phật học của chính mình (và tất nhiên cả tư cách công dân Phật tử sáng láng trong hoạt động xã hội), ông có chỗ đứng trong văn học sử Việt Nam, không nhất thiết là văn học sử Phật giáo.
Chúng ta có khi đành tạm vui vẻ không kết luận, hay cho câu trả lời vì e kết luận nào cũng dễ bị đối tác cho là chủ quan và dễ gây tranh cãi kéo dài. Thì giờ có khi để tiếp tục đọc và trước tác hay hơn chăng.
Riêng quý bạn nào chịu nghe cái chi bộc bạch, chủ quan hơn nhưng ít dè dặt hơn thì tiếp tục khề khà với tôi mươi phút nữa.
Trong từ “thơ thiền” có hai khái niệm “thơ” và “thiền”. Nghề văn là nghề của chữ nghĩa, của “Ngôi Lời”, sao dám xem thường nghĩa lý của nghề, của thể loại cũng là hành vi nghiệp – thi nghiệp – được. Nói “Thơ” là chạm khái niệm Đẹp, khái niệm Nghệ Thuật và Sáng Tạo. Vậy một cái gọi là bài thơ tất nhiên phải lấy tiêu chuẩn “hay”, “đẹp” mà phấn đấu. Đây là thứ thể loại vốn nghiệt ngã với người mon men thử bút. Đến một dấu phẩy, dấu chấm trong thi ca cũng phải có chức năng thẩm mỹ, nói chi tới từ và tứ. Không có sáng tạo trong từ ngữ, gộp một đống từ đại khái như “vô ngã”, “vô thường”, “trầm luân”, “đại ngộ”, “bản lai diện mục”, “bất khả tư nghị”, “tự tại”, “khổ nghiệp”… được vần hoá có thiệt là thơ (thiền) không. Câu trả lời là: “Thưa không”. Sự sưu tầm thuật ngữ, dù là thuật ngữ hoá học, chính trị, địa chất hay thuật ngữ Phật học, triết học… chỉ với mục đích và thao tác cơ học là cố nhét cho vừa một bài thơ chỉ là một điều kiện cần cho một bài thơ dở – tiếc thay cái nhận xét quá tầm thường này không ít người bỏ qua, mãi đắc ý và yên tâm vì có dăm từ có trong từ điển Phật học. Một khía cạnh khác, bất cứ một từ nào để làm tròn nhiệm vụ trong bài thơ, có hương vị thơ, đều xuất hiện đúng vị trí thẩm mỹ của nó, tuỳ ở đẳng cấp lịch duyệt của mình mà nhận vai trò, chứ không phải mặc cái váy may từ bìa cuốn từ điển cao giá nào đó là chường mặt lên sân khấu. Tất nhiên sự lạm dụng thuật ngữ Phật giáo nhằm nhắc người đọc biết đây là thơ thiền – thật ấu trĩ! – của những thi sĩ không hiểu rõ nghề ngỗng không có nghĩa là tránh dùng nó. Xin miễn cưỡng nhắc lại nếu một bài thơ – bất kể xếp nó là thơ loại gì – mà không có yếu tố sáng tạo (một nét độc đáo liên quan ngôn ngữ, tứ, nhạc tính, hình tượng, giọng điệu…) thì hỏi có là thơ nữa không. Vậy “thơ thiền” không thể là ngoại lệ. Khi sức khoẻ của thi sĩ chỉ ở mức và chỉ đủ sức lo sưu tầm, bưng bê khối thuật ngữ (Phật giáo) một cách vất vả dường đó thì còn nghệ thuật, thi pháp chi nữa mà rán gọi là thơ. Nói thêm không thừa, cái kị nhất với khu vực sáng tạo là sự lặp lại, là thuốc gây mê với độc giả. Từ “bâng khuâng” trong tiếng Việt có tính gợi cảm, khá “phê”, nhưng nếu miêu tả kiểu “Lan bâng khuâng nói”, “Điệp bâng khuâng trả lời”, rồi “Lan lại bâng khuâng hỏi” và “Điệp bâng khuâng im lặng” thì sách in xong may ra chỉ bán được hai cuốn cho… Lan và Điệp! Và tác giả cũng nên bỏ nghề, đừng bâng khuâng (băn khoăn) chi nữa. Nếu có một cuộc triển lãm các tập thơ thiền của thi sĩ xứ ta, xếp thơ các thiền thi sĩ sát nhau có khi độc giả ngỡ quầy sách đang đợt giới thiệu Kinh Phổ Môn và Kinh A Di Đà và các thi hữu chợt đại ngộ rằng thơ bạn và thơ ta hoá ra không khác nhau chi lắm, đặc biệt ở sức chứa thuật ngữ Phật học!
Xin phép bàn nốt khái niệm “thiền” trong từ “thơ thiền”. Khái niệm này lớn quá, phải viện tên tuổi hiện đại cỡ Suzuki, thầy trò Ajah Chang và Ajah Brahm (thầy người châu Á, trò người châu Âu), đặt biệt lùi lại lịch sử thiền tông có cỡ Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Lâm Tế… Trong nước chớ quên hoà thượng Thích Thanh Từ. Cũng nên tham khảo các vị có tiếng nói riêng trong ngoài nước như ông Thi Vũ, ông Như Hạnh, hoà thượng Tuệ Sĩ. Và ý kiến quan trọng đệ nhất khỏi bàn cãi là lời dạy của chính Đức Phật (qua Kinh Bộ và Kinh A Hàm), vốn được không ít những tên tuổi lớn trong lịch sử Phật giáo đời sau cho là “quá giản đơn”, “dành cho phàm phu và bậc căn cơ thấp”, “cần phát triển và hiện đại hoá” để thay vào những định nghĩa Thiền và loại Thiền hoá ra lại hợp cho bậc căn cơ thấp thiệt và thay bằng những phép thiền không rõ tác giả, thậm chí không ai rõ người sáng tạo thiền pháp cao diệu hơn cả phép thiền của Đấng Giáo Chủ đó đã thực hiện thành công không và hiện ở cõi giới nào. Thật mỉa mai! Chưa nói lẫy lừng như Suzuki một thời nay uy danh đã giảm sút vì quan niệm (thiên lệch) về Thiền của ông có người muốn đánh giá lại. Các nhà bình luận Thiền tông ở An Nam ta đặc biệt khoái màn được đại sư Lâm Tế nện bằng thiền trượng mà đại ngộ, nhưng ví dụ Ngài Lâm Tế còn sống và “Nam du” (kí) không rõ có thiền thi sĩ nào đủ tín lực mà thò đầu ra thử hay không. Không muốn có giọng bất kính, nhưng có thể lờ mờ đoán rằng sau một phát thiền trượng của đại thiền sư, khả năng đệ tử vào Chợ Rẫy ắt lớn hơn vào Tây phương Cực lạc là cái chắc. Chưa nói có khi căn cơ chúng sinh không còn như cũ, thiền trượng nện thẳng đầu e không phù hợp, bởi ngay ở đất Trung Hoa nghe nói thiền pháp này không còn được hoan nghênh và thậm chí trong giới tăng sĩ, nghiên cứu có người tỏ ý hoài nghi. Có thể bàn khối chuyện quanh quanh nhưng xin dành một kỳ khác với những chủ đề liên quan tới Thiền, Thiền tông vì nên thừa nhận rằng một đề tài thích thú, thường cao đàm từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, lôi kéo hàng triệu con người không chắc là đủ, lại càng không nhất thiết là được hiểu đúng. Tốt nhất nên khoanh lại, trong những cách hiểu cụ thể liên quan khái niệm “thơ thiền” ta đang bàn.
Phải hiểu “thiền” trong “thơ thiền” như thế nào cho ổn. Thật tình luận cho tường tận các thuật ngữ cùng khái niệm thiền rồi thiền chỉ, thiền quán, thiền môn, zen cùng jhāna và nói cùng là luận về Phật pháp, Phật học, Phật giáo thì đời mô cho hết, mà e thiếu trước hụt sau mất thì giờ của nhau. Nhưng lý do chính ở chỗ không phải bàn sâu, khơi kỹ mà hiểu đúng nghĩa “thơ thiền”. Tôi cho rằng ‘thơ thiền” chẳng qua là cách nói “bình dân”, khá ngẫu nhiên ban đầu của ai đó cho dễ hiểu rồi dùng luôn mà thành tên, thành thuật ngữ. Đặt vấn đề đại khái như thiền tông khác khái niệm thiền, thiền không phải là toàn bộ Phật pháp… do đó có khi không đúng chỗ, e có mùi dùng dao mổ trâu mà mổ gà. Từ ngữ “thơ thiền” có khi chỉ biểu cảm cái ý chung là thơ có chủ đề Phật pháp. Tuy nhiên từ chủ đề được hiểu có phần lỏng lẻo dần, để chỉ dạng thơ có hơi hướm tán đồng một tư tưởng nhà Phật nào đó hoặc có khi dùng một thuật ngữ Phật giáo cốt gây chút khí vị triết học hoặc âm hưởng cổ kính trang điểm cho bài thơ.
Chất thiền ở đây nhạt, và đặc biệt đi quá xa cốt cách của kệ trong truyền thống Phật giáo ban sơ – nếu ta còn lấy nó làm tiêu chí so sánh, thật ra khá hay hoàn toàn miễn cưỡng. Xin nhắc lại Kệ là tiếng nói cảm hứng và khẳng định – giải thoát khỏi quan hệ với hình thức, nghệ thuật thế gian – của người tự chứng bước đạt thánh quả của mình. Nói rõ hơn tiền bối trực tiếp của các nhà thơ thiền hiện đại – nếu ta chấp nhận gọi như thế – phải là khuôn mẫu thơ đời Lý Trần cộng phần thi ca nhận ảnh hưởng Phật giáo của các nhà thơ Trung Hoa, và tiếng vọng của thi ca Nhật Bản, đặc biệt ở tham vọng kết hợp tinh yếu thiền môn và lẽ tận mỹ với hơi hướm duy mỹ đặc trưng Nhật Bản.
Tuy nhiên nhận xét vừa nói nhắm vào thơ ca của những nhà thơ có tâm ý nhiều – có thể gọi là nặng nhu cầu tâm linh được không! – với Phật vị, Phật pháp như các nhà thơ vừa nhắc ở trên và ít liên quan với một đội ngủ đông hơn hẳn, mà lối thơ ta đang bàn chỉ là để thử bút, bay bổng dăm phút hoặc thông tục hơn chứng minh ta cũng làm được thơ thiền như ai khác. Thậm chí đối với thi sĩ làng nhàng cả tư tưởng lẫn chữ nghĩa có khi chỉ nhằm chứng minh khả năng nhét được vài thuật ngữ tôn giáo vào thơ. Ta không loại bỏ hai trường hợp, không có thành tựu thi ca, mà thay vào lô an ủi di dưỡng tinh thần mang hương vị Phật giáo hoặc thực có thành công thi ca, nhưng là việc đạt chất lượng chữ nghĩa, nghệ thuật nên gọi là bài thơ hay, không phải lên gân thành bài thơ thiền làm chi (mình thiền mình biết, tự tu tự chứng là điều Đức Phật và các đại thiền sư thường căn dặn đệ tử; ngồi lim dim được một, hai tiếng đã chép thành đại tự dán tường giữa phố đông mần chi!). Tất nhiên, cả hai trường hợp vừa nhắc qua đều đáng hoan nghênh và xét ra còn lành mạnh chán.
Lâu nay nhiều vị trong và ngoài nước quan tâm đến thơ và chất lượng thơ nhân có sự máy móc của truyền thống “văn dĩ tải đạo” và tình trạng minh hoạ tư tưởng lãnh đạo – vốn chẳng thẩm mỹ gì – bèn rủ nhau mỉa mai phần tạm gọi là “nội dung” trong thi ca và chủ trương nói tới thơ là nói hình thức, sang cả hơn là nói tới nghệ thuật. Nói thuần tuý nghệ thuật là đủ và để loại được nội dung (chính trị) áp đặt, độc tài rồi và cũng là cách mạng, là nổi loạn như ai. Xin góp ý nhỏ – tránh lọt tai công an văn hoá – vậy thì thà chọn con đường lập thuyết, lập đảng chính trị đấu tranh công khai với người ta, với địch, có khi thương và đừng bắt thơ ca làm con tin làm chi. Không cần nhắc lại cách hiểu nội dung và hình thức là một, “thống nhất hoá” trong nghệ thuật, mà tiện thử trao đổi rằng khái niệm “tứ” của các cụ Việt và Hoa xưa không phải là “nội dung”, hay quan hệ nội dung thì là gì. Các cụ xem trọng nghệ thuật mà vẫn luận bàn tới “tứ” (tứ thơ!) và vẫn có Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tố Như, Cao Bá Quát đó thôi. Tội nghiệp không rõ hiểu đúng ý các nhà lý luận cấp tiến không mà có nhà thơ xứ ta hễ làm thơ mà còn tâm dan díu với “nội dung” thì ngay ngáy lo cho thi tài của mình. Khẩu hiệu thi ca cấp tiến là “Hình thức là tất cả”.
Quá lo cho thi ca bị thứ vè tuyên huấn làm quên nghệ thuật thơ, hỏng chuẩn “đẹp”, “hay”, “sáng tạo” là việc làm có trách nhiệm đã rõ. Cưỡng chế cả hứng khởi tư tưởng của thi sĩ – tư tưởng tất nhiên thuộc phạm trù “tứ”, không phải “nghệ thuật” thì phải, kềm hãm lòng “cô phẫn” của thi nhân. (Rất tiếc lịch sử thi ca chứng minh không ít nhà thơ có độc giả một phần ở giọng thơ và cả “khẩu hiệu thời đại” họ khám phá – ngay cả thứ ngỡ đối nghịch với ý niệm nghệ thuật như “khẩu hiệu” cũng không hề tuyệt đối tách khỏi khái niệm sáng tạo. Thơ Sándor Petőfi là một ví dụ – hơi nóng của ý tưởng/tứ thơ trước cả nghệ thuật, ngôn ngữ không phải quá độc đáo đã đốt tim người nghe thơ: “Tự do và Ái tình – Vì các ngươi ta sống…”). Những nhà lý luận xuất sắc – thường hiếm hơn cả văn tài – là Thầy của người sáng tác ai cũng rõ, nhưng phần lớn các thầy không trực tiếp sáng tác nên có lúc không khỏi có chỗ lù mù. Ví dụ sự tưởng tượng kỹ thuật làm thơ bằng cách liệt hàng chục từ tương đương nghĩa rồi hì hục chọn từ “lấp lánh” nhất. Trên thực tế chuyện này có nhưng rất hiếm, tác phẩm dù ở dạng âm hao, mơ màng thường vẫn hiện lên – với riêng thi sĩ – như một chỉnh thể – và không chỉ ý đồ nghệ thuật, sự hoạt động của cảm hứng, mà cả từ ngữ trong văn cảnh tự tương tác, tự tạo không gian thích hợp cho một từ “riêng” phải xuất hiện đúng lúc, đúng vị trí mà không phải lúc nào cũng vã mồ hôi như sự mô tả cường điệu của lắm tác giả và thầy dạy văn. Đại khái như chuyện trang điểm của quý bà, cái nốt ruồi giả nằm đâu tuỳ khuôn mặt, cái váy xanh đi với áo cánh màu và kiểu dáng chi, chưa tính sáng tạo đột xuất thành model, thời trang. Giờ làm đẹp mà còn ôm từ điển thời trang và cẩm nang thẩm mỹ thì thiệt quá quắt. Có Lê Đạt nhưng còn Nguyễn Bính kia mà! Về cái chuẩn sinh tử – chuẩn nghệ thuật – đối với giới sáng tạo cũng tránh máy móc. Đâu phải làm thơ là ngồi thừ ra lao lung với kiến thức, kỹ thuật, đầu óc chỉ vang lên một tiếng “Đổi mới hay là chết!”. Sự thực, tia chớp sáng tạo đến không hề hẹn hướng tới, giờ giấc, điện thoại hay mail trước gì cả. Sáng tạo và cách tân nghệ thuật và đổi mới hình thức có thể đột xuất đến khi tác giả đang ở tâm thế lơ mơ, bất quyết, có khi thực tế vì một “cơn điên” dấy lên vì một tư tưởng nào đó –, khái niệm thường được máy móc xếp đối nghịch với hình thức. Thậm chí trước khi được chú ý, phong thánh, phát kiến đổi mới hình thức có thể đến như một “tác dụng phụ” (side effect) là đàng khác. Hệ quả là cần thấy không thể đi tìm nghệ thuật toàn hảo qua sự giễu cợt ý đồ, ý tưởng và cần nhớ cái “idée” trong văn chương nghệ thuật cũng là “idée” đã nghệ thuật hoá, rất ít liên quan với các “idée” bác học của giới nghiên cứu. Nói thêm thì cái gọi là cách tân hay hình thức mới cũng hiện ra không tách rời tứ văn, “nội dung” và chỉ trong tưởng tượng và những thí nghiệm văn chương không thành công cho lắm, ngoài yếu tố lạ lẫm là thông điệp cảnh cáo các cụ thi pháp đã hoá lão ông lão bà, mới có gene nghệ thuật chiết riêng trong lọ thuỷ tinh ở phòng thí nghiệm.
Nói thêm, thơ không tính tới “tứ” – còn hiểu thế nào là “tứ” cần viết một cuốn sách – thì gợi ta nhớ tới những nốt do, ré, mi… trong một ngành nghệ thuật khác. Trong văn chương mà chữ là công cụ, tất nhiên không thể gõ chữ thành những nốt do, ré, mi… đơn giản vì chữ đi kèm với nghĩa – chữ nghĩa cơ mà – và bên cạnh nỗ lực tìm hình ảnh, nhạc tính… để giảm sự chuyên chế của chữ và cả nghĩa/nội dung rất đáng hoan nghênh, đừng quên những tác giả sáng tác vì thôi thúc của “nội dung”, của “nghĩa” trước chữ. Và hiệu quả nghệ thuật cùng sự chia sẻ của người đọc quan trọng kém chi “Giải của ban giám khảo”! Nói thêm một tí để tránh hiểu lầm, không có nội dung thiền thì gọi là “thơ thiền” sao đặng, nhưng thuật ngữ thiền tự nó không phải là tứ thiền, và có khi là quan trọng nhất rằng có “tứ thiền” đấy mà trong thơ không có hiệu ứng thẫm mỹ thì hoá ra nhầm nghề – ở đây Napoléon cũng đáng nhắc với cái ý trong các thứ thiếu lương thiện thì đứng đầu là việc làm cái nghề mình không rành.
Cái “lõi” thiền có vấn đề tất làm cho liên doanh “thơ + thiền” khó hoạt động, gợi món chay có dạng đùi gà rô ti và sườn nướng. Nước bọt ứa ra có lợi cho tiêu hoá, ăn thấy ngon miệng thiệt, nhưng dù không có vấn đề gì với pháp luật nhưng cho là chay thiền, tâm Phật thuần thì quả khó nghe, khó thuyết phục. Phân tích lòng thòng một tí, cái sự ngon có thiệt không ai phản đối, tay nghề cooking không vừa này đi với khái niệm “thơ” (trong từ ngữ “thơ thiền”), đọc thơ thấy hay nhờ tay nghề “thi gia”; nhưng cái tâm thơ không đạt thiền – mà chỉ đạt hay chỉ chạm tới thuật ngữ thiền – thì đó vẫn là thơ “thiền mặn”. Trừ khi áp dụng chủ trương “ngủ mặn như ngủ chay” trong thơ thì kẻ tản mạn tào lao này chịu nhận tội vô duyên, nghĩa là thua tuyệt đối, tới mức… liểng xiểng.
Thua cũng mong được mấy lời – đại khái như người nhận án nặng nhất cũng được phép được nói lời cuối cùng – chưa nói có chi mà thua hơn với kẻ ngay từ cái tít bài đã nhận vai “mua vui cũng được nửa giờ đã may”. Vậy thơ thiền hiện đại chưa vang lên trong tâm tưởng bạn đọc ấn tượng như “thơ Đường”, “thơ Tự do”, “thơ Mới”, “thơ Haiku”, “thơ Siêu Thực”… phải chăng vì quá ít thơ hay?
Trong trường hợp thơ thiền, nói ít là vẫn có, nhưng ít. Chỉ cái nguyên nhân sâu xa cái sự ít ắt có tranh cãi và mất thời gian. Nếu có một hội thảo loại này, đề tài tôi đăng ký có nội dung rằng vì có hiện tượng đa số các nhà thơ thiền ta không có tâm thế thi sĩ khi làm thơ (thiền). Một nửa tâm thế – tạm dùng từ lóng ngóng như thế – ngay ngáy chỉnh tâm mình cho được “thiền” như trong sách báo tham khảo hướng dẫn, một phần loay hoay sắp xếp vụ thuật ngữ Phật giáo, và tất nhiên còn có “phần dành cho thơ”. Ngẫu nhiên thôi mà trùng cách nói của ông Tố Hữu (Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ – Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều – Phần cho thơ và phần để em yêu) và có khi trùng luôn không phải lối tư duy thì cũng phép làm thơ “cắt”, “chặt”. Đáng lẽ nên có người khuyên Tố Hữu thử tham khảo cách nói tinh tế và đúng mực thi sĩ về Trái tim người mẹ của đại thi hào người Pháp Victor Hugo (được phe xã hội chủ nghĩa mê lắm) là trái tim của người mẹ (có đặc điểm kì diệu là) dù chia ra cho cả đám con đông, mỗi đứa đều nhận đủ trọn trái tim của mẹ, mô phải thứ tình cảm “số học” mỗi đối tượng một miếng tim –không thể yêu bằng nửa trái tim nói chi bằng một miếng mà ai cũng biết đã chia với cắt thì không chỉ tươi đỏ, mà còn tránh sao được chuyện máu me. Ông Tố Hữu đi xa lâu rồi, ta cũng như người vốn hèn, không có được nửa lời khi người ta còn hét ra khói ra lửa, nay lên giọng phê với phán không khỏi ngượng ngùng, nhưng trong khi có người một đời vì thi ca mà chết – một số dưới tay thi hữu Tố Hữu – thì ông Tố Hữu tiết lộ chỉ dành một miếng tim dành cho thi ca mà thành được “ngọn cờ đầu thi ca (xã hội chủ nghĩa) thì gan ông cũng lớn thiệt. Phần thiền thi sĩ có khi cần nhớ cả thơ và thiền đều không cho phép phân tâm. Kinh nghiệm làm thơ người cầm bút đều nắm, người viết không dám ba hoa. Còn trong thiền pháp ít người không biết khái niệm “niệm” và “chánh niệm” và “thất niệm” thành… ma! Vậy đã tương đối rõ, có khi ngỡ nắm bắt cả thi lẫn thiền lại tuột mất cả thiền lẫn thi. Cứ đọc phần lớn thơ “thiền” có khi có đôi bạn đồng ý với người viết chăng.
Tóm lại, dù ai kết luận thế nào dạng thơ gọi là thơ thiền sẽ còn ra đời, các nhà thơ gọi nhau là nhà thơ thiền, và họ có độc giả của họ dù chắc khá hẻo. Thành công của vị nào thành tựu cả mặt ngôn ngữ lẫn chiêm nghiệm Phật pháp, tâm linh sẽ được yêu mến. Và nói thiệt ở góc độ giải trí, ngày nay cái làm bạn đọc dừng lại ở một số tác giả gắn với thơ thiền chưa chắc để tìm khí vị tâm linh cao thượng mà tìm tí cảm giác xả hơi, và được chiều thói quen do một số thiền thi sĩ tập cho: tìm chút trò chơi chữ tinh nghịch có hương vị “tâm linh”. Không thể nói là đây là sự không đáng buồn.
Ít khi nghe nhà thơ nào than thở đã thất bại trong khu vực thơ thiền. Thiệt tình đó là sự thất bại không gây sốc, phần vì lượng thơ thiền của các nhà chiếm tỉ lệ thấp, làm không đều và căn bản nhà thơ thường lẫy đời chứ không thực tâm chán đời và thì giờ làm thơ thiền có khi là thời kỳ kéo dài sau một mối tình tan vỡ cho tới lúc một mối tình khác bắt đầu. Trải nghiệm giá trị tâm linh trước hết theo nghĩa nghiêm nhặt của nhà chùa không dành cho người cưỡi ngựa xem hoa. Và quan trọng là thông thường ngay một chúng sinh thi sĩ có căn cơ tới mức lờ mờ hiểu đạo, thì theo thiển ý ít ai định ra một tập thơ, hay quyết làm thơ chuyên nghiệp. Tỉ lệ ít có “thơ thiền” hay do đó đi với tỉ lệ “nhà thơ thiền” tuyệt vọng về mình cũng rất thấp, điều hiển nhiên may mắn cho xã hội lẫn thân nhân các nhà thơ. Và nếu không đến độ bị hiểu lầm – ví dụ tôi cũng tự biết mình từng là nhà thơ thiền (cũng là tự công nhận bừa chứ có ai công nhận) và là nhà thơ thiền thất bại – nó cũng là điều may mắn cho chính các nhà thơ!
Ý kiến cuối cần hiểu không hề thiếu tích cực với các nhà thơ. Với việc làm thơ có hương vị tâm linh, chạm ngóc ngách mới trong cuộc sống đa dạng đang càng ngày càng khó thở, nhà thơ bày tỏ khát vọng của cả đồng loại của mình trong tìm tòi về mặt thẩm mỹ lẫn tuệ trí. Và rồi chỉ trong cô đơn người cầm bút vượt lên thách thức, trong đó còn để bù cho những phút dễ dãi trên trang viết để tìm cũng ngay trên trang viết đó những vần thơ đem lại cảm hứng lớn cho người đọc và chính mình. Tôi hy vọng như thế. Các đồng bào yêu thơ thiền của tôi chắc cũng thế. Thơ thiền hiện đại chưa khám phá ra hết mình và còn thênh thang đường đi, dù nó không đi với thẩm mỹ và tiêu chí (đạo lý) cũ, hoặc như cũ được nữa; vậy ngay cả khi nó sẽ đi theo hấp lực của nghệ thuật và của gu thơ (thiền) thời đại như một thứ quán tính, và nhẹ phần thiền – làm thương tổn cái tên thật ra cũng bán chính thức của nó – thì cũng là quy luật cả thôi. Các fan của các nhà thơ thiền hiện đại sẽ hoặc quyết tiếp tục theo idol của mình như kiểu fan cuồng của Hồ Ngọc Hà hay Mỹ Tâm, hoặc biết đâu chừng nhớ câu tan hợp, vô thường mà đành mừng vì có thêm thời gian đọc sách Phật và ngồi thiền thay vì đọc… thơ thiền hiện đại vậy!
* Người viết dừng ở đây dù bản thảo còn non 10 trang nữa. Lý do tự thấy vẫn còn chỗ bất cập mà hơn nữa cũng nên dừng đúng lúc, khỏi mệt tai, mệt mắt bạn đọc. Một khi trở lại đề tài, tôi thích được điểm lại các bài viết và ý kiến bốn phương chư vị cũng về đề tài đang bàn – thú vị, mạnh dạn và đầy gợi ý! Nếu kèm nhời bàn theo mô đen “điếc không sợ súng” của người viết hy vọng không đến nỗi tẻ nhạt!
https://vandoanviet.blogspot.com/2017/10/tan-man-van-hoa-van-nghe-va-van-gung-11.html#more
https://vandoanviet.blogspot.com/2017/10/tan-man-van-hoa-van-nghe-va-van-gung-11.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét