Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Dịch giả Trần Thiện Đạo vừa qua đời tại Paris

Kết quả hình ảnh cho tran thien dao

FB Nguyễn Đình Thành
Xin có lời chia buồn với thân quyến của ông. Người yêu văn học ở Sài Gòn trước 1975 vẫn nhớ tới ông như một trong những người chủ chốt của Tạp chí Văn danh tiếng thời ấy.
Ông đã dịch các tác phẩm : Cậu Hoàng Con (Le petit prince) của Saint Exupéry, Giao Cảm (Noces) của Albert Camus, Bề Trái Và Bề Mặt (L'envers et l'endroit) của Albert Camus, Sa Ðọa (La chute) của Albert Camus, Kín Cửa (Huis Clos) của Jean Paul Sartre, Phấn Ðấu Cho Một Nền Tiểu Thuyết Mới (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe Grillet, Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) của Jean Bruller Vercors, Zadig của Voltaire, Ao Qủy (La mare au diable) của George Sand,... và thường xuyên viết báo. Trước năm 75 công việc của ông nhiều khi gặp rắc rối vì chính quyền SG coi ông là Cộng Sản. Sau năm 75 ông không về ngay VN được vì bị coi là Nguỵ quyền. Ông bị kẹt giữa hai làn đạn như vậy. Sau Mở cửa, ông thỉnh thoảng về Việt Nam với công việc dạy Bảo hiểm và viết báo gửi về Việt Nam. Ông đặc biệt dị ứng với việc bị biên tập bài nếu ông viết theo cách nói của người miền Nam mà bị biên tập lại theo cách nói phổ thông. Ông có một con trai duy nhất tên là Gilles Trần Kim Lân và vợ của anh là nhà nghiên cứu, biên dịch Nguyễn Thụy Phương. Ông tâm sự, đã bỏ cơ hội phát triển thành một cán bộ cao cấp về bảo hiểm để có thời gian cho việc dịch, việc viết.

Tôi có may mắn được biết đến ông năm 2005 khi còn học tại Pháp. Tôi cũng có may mắn được ông chỉ bảo về cách dịch và nghề dịch. 1 tháng trời nằm trên ghế đi văng nhà ông để đọc sách và trao đổi những câu chuyện về văn học, về cuộc đời. Sau này mới biết tôi không phải là người duy nhất làm điều ấy. Rất nhiều nhà văn, người dịch, nhà nghiên cứu ở Việt Nam qua Paris đều ở lại nhà bác và ngủ trên chiếc ghế đi văng này. Có người thậm chí còn đang làm chức gần to nhất tại Việt Nam. Nhà bác cơ man nào là sách nhưng rất ngăn nắp. Cần cuốn nào là ông cụ tìm được ngay. Ở Pháp có 3 bác Đạo nổi tiếng mà người ta hay gọi đùa là ông Đạo Văn (ông Đạo làm văn học), ông Đạo Nhạc (Nguyễn Thiện Đạo) và ông Đạo Khoa học (nhà nghiên cứu khoa học).
Xin post lại lời bạt của ông viết cho cuốn Nửa kia của Hitler của tôi, mời các bạn quan tâm cùng đọc.
Một lần nữa xin chia buồn với thân quyến của ông.
LỜI BẠT CHO CUỐN Nửa kia của Hitler:
Chúng tôi xin được nói ngắn và gọn, không quá vài trăm chữ. Một là vì không muốn lạm dụng thời giờ quí báu của bạn đọc - time is money. Hai là vì biết chắc bạn đọc sẽ lấy làm chán ngấy phải nghe lại những điều đã được dịch giả trình bày ở đầu sách - res, non verba. Vậy, dưới đây, sẽ chỉ nêu lên hai điều chưa được bàn tới trong mấy trang giới thiệu.
¤ Tác giả và tác phẩm
Trong cuộc họp báo vừa rồi, trả lời câu hỏi của chúng tôi : « Xin ông cho biết vài nét chủ yếu trong cung cách xử thế của ông ở ngoài đời như thế nào ? », Éric-Emmanuel Schmitt không chút do dự : « Hết sức gần gũi với mọi người. Tôi dễ thông cảm với họ, luôn luôn đứng bên cạnh họ, trong hoàn cảnh của họ để hiểu họ. Hiểu, nhưng không nhứt thiết là phải đồng tình. Đây cũng là đức tánh đã mặc nhiên khiến tôi trở thành nhà văn. »
Khỏi cần viện dẫn dài dòng, chúng ta cũng đà nghiệm thấy qua lời giải đáp trên đây sắc thái đặc thù đậm nét trong sự nghiệp của đương sự và, nói riêng, trong tác phẩm Nửa kia của Hitler : nhơn vật Hitler hư cấu (Adolf H.= nửa kia) và nhơn vật Hitler lịch sử (Adolf Hitler) đều được tác giả hình tượng theo mỗi một thể cách, chính vì là hai con người khác nhau. Cả hai đều được ông phác họa qua thứ năng khiếu biết đặt mình vào vị trí của một nhơn vật phân tán. Nhờ vậy mà cả hai mặt, Adolf H. hư cấu và Adolf Hitler lịch sử, đều đồng lượt đề xuất một sự thật riêng lẻ - một sự thật trơn tru, không bịa đặt, không cường điệu, ăn khớp với tâm tánh đặc dị của mình.
Thành công của thiên truyện nằm chính ở chỗ đó, ở chỗ tác giả biết đặt mình vào vị trí thích hạp để thể hiện một nhơn vật nước đôi. Chớ không đơn thuần ở thông điệp, xét cho cùng cũng không mấy độc đáo, mà ông muốn gởi tới người đọc, đòi y phải chú tâm soi vào phần tăm tối còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta.
¤ Dịch giả và dịch phẩm
Một trong những nguyên cớ làm cho sách dịch tồi, đầy ngập hiện nay trên thị trường chữ nghĩa ở nước ta, mà ông Hoàng Hưng vạch ra là dịch ẩu. (*) Nhơn chứng trong thời gian dịch giả thực hiện công trình chuyển ngữ tập sách, chúng tôi xin đoan chắc rằng đương sự không mắc phải lỗi đó - đã bao nhiêu lần khôn thôi nghe ông trăn trở về một chữ, một câu, một đoạn, săn tìm cái mà giới dịch thuật Pháp gọi là le mot juste (dùng chữ cho đúng - không nô lệ từ điển) cho hạp với mạch văn, với tình huống, với hoạt cảnh, với nhơn vật và với nhiều thứ khác nữa. Năm dài kinh nghiệm cho phép chúng tôi khẳng định đây là tác phong hàng đầu mà người dịch phải tuân thủ, không thôi thì bản dịch sẽ mang vẻ ngô nghê thế nào, tây chẳng ra tây mà ta cũng chẳng ra ta – tất nhiên là đồng thời cũng phải thông thạo ngoại ngữ mà mình muốn chuyển dịch và tiếng nước nhà.
Những trăn trở nói trên của ông biểu hiện một thái độ khiêm nhường : cố công phục vụ tác giả chớ không phục vụ chính mình. Và biết rõ trình độ của mình, không bị những lời tâng bốc xu thời đánh lạc phán đoán. Khiêm nhường là đức tánh dịch giả nào cũng cần có. (**) Bằng không thì, trong hình trạng tốt đẹp nhứt, dịch phẩm có cơ biến thành cái mà ngày xưa giới phê bình Pháp gọi mỉa là les belles infidèles (những tình lang bội bạc), chỉ các bản dịch rằng hay thì thật là hay nhưng không chánh xác của Charles Baudelaire (1821-1867) - hệt như sách dịch của Bùi Giáng (1926-1998) ở bên ta một thế kỉ sau.
Bản dịch hiện nằm trên tay bạn đọc không thuộc loại này.
Chúng tôi tin rằng với bản dịch đầu tay Nửa kia của Hitler, với thái độ khiêm nhường mà ông chứng tỏ, Nguyễn Đình Thành sẽ lần hồi cống hiến cho chúng ta nhìều công trình ngày càng khởi sắc.
---------------------------
(*) Xem : Hoàng Hưng, Năm nguyên cớ của sách dịch tồi (Quân đội nhân dân, ngày 27/04/2007). Năm nguyên cớ tác giả vạch ra là : Dốt, Ẩu, ‘’Thằng chột làm vua xứ mù ‘’ (cậy tình trang kém cõi về ngoại ngữ chung của xã hội để dịch ẩu), Tiền nào của nấy (tiền công trả cho dịch giả rất thấp) và Tham (các nhà xuất bản cần có sản phẩm ăn khách tung ra thị trường để kiếm chác, bất cần chất lượng).
(**) Xem : Found in translation : a life’s passion ( Dịch thuật : một khối tình khôn dứt) - talks with Bạch Liên ( phỏng vấn do Bạch Liên thực hiện). Việt Nam News, số 5555 & 5562, ngày 4 & 11, tháng 02/2007.
TRẦN THIỆN - ĐẠO (Paris, 10/07/2007)

Không có nhận xét nào: