Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thiền tông và Thiền học Trung Quốc trong liên quan với Phật giáo Việt (1)

Nguyễn Thanh Văn

Tạm đặt tên cho phần bài mới xong, giờ xin có đôi lời phân trần trước. Chỉ một góc của chủ đề đã mang mang thiên địa, tốn giấy bút các bậc tiền bối có thực học và thâm tu xưa nay, những nhân vật mà thiếu họ những tay mơ như người viết khó lòng có tư liệu để đọc, học và múa may đôi tí. Cũng giải thích thêm rằng nói chuyện một truyền thống Phật giáo lớn có ảnh hưởng tới Phật giáo Việt Nam, nhưng thực ra chỉ giới hạn trong các tiểu mục mà tôi chủ quan dành ưu tiên (dù thực tế với góc độ tư liệu và trọng lượng vấn đề, mỗi tiểu mục cần phát triển thành một bài viết đầy đủ). Giới hạn đến mức độ đó vẫn tiếp tục quá sức vóc người viết và số trang giới hạn, nên lại thưa tiếp bài chỉ có ước mong khiêm tốn bàn qua, bàn sơ vài chỗ, ráng né điểm phức tạp, khi tự thấy rành rành quá sức mình, nên chọn cách đặt câu hỏi có khi lại học được nhiều hơn chăng. Riêng chút hương vị hý luận trong bài viết thì rõ quá rồi, chối sao đặng – bởi bản thân “tản mạn” đã là hý luận rồi! Có người khuyên dù bể học mênh mông chóng cả mặt, cứ chân thật mà viết, nếu nhân sự tào lao mình bày biện ra mà có bậc thức giả có thêm một tới hai gợi ý cũng thoả mãn. Hy vọng của tôi cũng chỉ tới đó.

Cái thứ hai cũng cần thưa là nếu đúng ý ban đầu của người viết thì khái niệm Thiền học (Trung Hoa) phải hạn chế trong nghĩa lý lẽ, giáo pháp làm cơ sở cho Thiền và Thiền tông, hiểu như một bộ phận của Phật giáo. Tuy nhiên, xét ra từ bao thế kỷ rồi từ thời Thiền tông nở rộ ở quê xứ Trung Hoa và đất Phù Tang, người ta đã dùng khái niệm Thiền học để chỉ Phật học, đại khái như nói Thiền môn là chỉ chùa chiền, nên lướt qua sự “cố chấp” – và cũng có cớ mà lập luận như ý đồ trước đó – để đi nhanh vào câu chuyện có khi dễ nghe hơn chăng! Dù thực tế làm chúng ta phải loay hoay, khó yên tâm: tình hình tông phái ở Trung Quốc không phải có ngay từ đầu, thậm chí suốt thời gian dài dễ đoán ra cả giới tu sĩ lẫn tín đồ còn chưa rõ ý nghĩa khu biệt giữa “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa” và cá biệt các luận sư còn xác định sai gốc tông phái của một số Kinh nhất định – các từ “Tiểu Thừa”, “Đại Thừa” bỏ vào dấu kép vì cũng như nhiều người, người viết không tán thành cách gọi này. Và ngay trong lịch sử tông phái không phải Thiền tông có ngay vị trí lừng lẫy một cách quá dễ dàng (chưa tính tới nay, Thiền tông ngay trên đất Trung Hoa đâu còn vị trí ngày nào). Nói một cách thẳng thắn, ngay khi một tông phái thắng thế thì không có nghĩa Lý Nghĩa, Giáo Pháp thuyết phục được “đối thủ” và cũng không phải thu phục hết lòng người. Có thể mạnh dạn bàn thêm sự xuất hiện của tông phái, Pháp chủ, các Ôn, các Tổ không phải bao giờ cũng là điềm lành của Chánh Pháp, nếu không cũng có khi ngược lại. Vậy tạm tiếp cận linh động y như thực tế vốn đã như vậy: Thiền tông là Thiền tông, nhưng Thiền học vừa là cơ sở giáo pháp của Thiền tông vừa có nghĩa là Phật học nói chung.
Người Việt và nói riêng Phật tử Việt không thể tìm hiểu Phật giáo Việt Nam và lịch sử truyền Phật pháp ở Việt Nam mà không nghiên cứu chủ đề tương đương trên đất Trung Quốc. Chỗ cho rằng ta đã tiếp nhận Phật pháp qua các vị sư Thiên Trúc trước khi nhận từ nguồn Trung Hoa và việc nhấn mạnh Trung tâm Luy Lâu như một bằng chứng về thế mạnh của Phật giáo Việt trước Phật giáo Hoa xin có dịp bàn sau – và nếu còn dịp lạm bàn, người viết ngờ rằng nên tiếp cận đúng khách quan lịch sử và bản chất phi quốc tịch của Phật pháp và Phật giáo thì hợp lý hơn âm hưởng yêu nước yêu nòi, e không thích hợp (âm hưởng ở góc độ công-dân-Phật-tử, chứ không phải đáng hoan nghênh hơn là ở tư cách Phật tử hay tu sĩ). Nhìn chung tư liệu và cách nhận định của chúng ta về Phật giáo Trung Quốc xưa nay chủ yếu đều từ nguồn của giới nghiên cứu Trung Quốc, nếu không nói thêm là tư liệu ta có được cũng không đầy đủ, ít hệ thống và khi có chỗ mâu thuẫn nhau thì né tránh thảo luận và kết luận. Truyền thống người ta có tập quán lưu trữ tư liệu nghiêm túc – đạo cũng như đời –, có hệ thống, có văn bản nên việc học hỏi và dịch thuật các công trình của người là đương nhiên. Diện mạo của Phật giáo và lịch sử truyền bá Phật pháp ở đất Trung Hoa hình thành trước hết là tựa vào công lao to lớn, kỳ vĩ của giới dịch thuật với các tên tuổi quá quen thuộc: An Thế Cao, Cưu La Ma Thập, Trúc Pháp Hộ, Huyền Trang… Ở nước ta, từ ngày các dịch phẩm của Cư sĩ Lê Đình Thám, quý Thầy Thích Minh Châu, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Quang, Thích Nữ Diệu Không, Thích Thiện Hoa, Thích Quảng Độ, Thích Thanh Từ… ra mắt cho tới các nguồn kinh luận gần đây hơn qua công phu dịch thuật của các tên tuổi quý Thầy Thích Tuệ Sĩ, Thích Đức Thắng, nhóm của Thầy Thích Hạnh Bình…, chúng ta đang chứng kiến hiện tượng có khí vị hứng khởi tương tự và tôi đoán rằng tình hình dịch thuật ở Việt Nam sẽ có cao trào và còn hưng phấn nhiều thập kỷ nữa.
Đã biết có sự đồng hoá hai khái niệm Thiền học và Phật học nói chung, nhưng để sát với chủ đề bài viết xin bắt đầu từ thời kỳ được cho là xuất hiện bộ mặt độc đáo của Thiền tông Trung Quốc với hai nhân vật gây chú ý không thể không nhắc: Bồ Đề Đạt Ma và Huệ Năng. Tôi trình bày theo cách riêng của mình: điểm qua các thông tin đã quen thuộc ở xứ ta kèm vài nhận xét vắn tắt.
– Ngài Bồ Đề Đạt Ma tới Trung Quốc là chuyện có thực. Cuộc gặp gỡ với Lương Vũ Đế có thêu dệt thêm chi tiết là cái chắc, nhưng giới nghiên cứu thống nhất là chuyện có thực. Cũng được chấp nhận “có thực” luôn là một loạt các chi tiết có tính huyền thoại được chứng minh đã được thêm thắt dần dà về sau, không tính tới vài chuyện kết luận ngay được là giả mà việc có người gặp Ngài ngồi trên chiếc giày xuôi – hay ngược – về Thiên Trúc là một ví dụ.
Tiểu sử không được xác nhận trong hồ sơ lưu trữ của Công an Ấn Độ của Bồ Đề Đạt Ma xét ra không quan trọng, chẳng ảnh hưởng chi uy danh của Ngài vì bậc tu hành phiêu bạt cứu đời, độ tha sá chi trò hộ khẩu và KT3 kiểu chính quyền Hà Nội. Nhưng lý lịch gắn với vụ truyền thừa từ thời Đức Phật và Ngài Ca Diếp thì không ít nhà nghiên cứu Phật học Trung Hoa đặt vấn đề. Trong bộ sách công phu về Thiền học Trung Quốc (Lịch sử Thiền tông Trung Quốc, NXB Phương Đông 2016 – Việt dịch: Thích Hạnh Bình và nhóm học viên), Ngài Ấn Thuận lý giải rất rõ, các bạn quan tâm đề tài nên đọc. Sau đây tiện tôi nêu vài thắc mắc và nhận xét liên quan.
LIÊN QUAN CHUYỆN BÌNH BÁT – CÀ SA VÀ VIỆC TRUYỀN THỪA
*Chủ trương Trung Hoa hoá Phật giáo của người Trung Quốc nhiều người biết, nhưng đừng quên do những mặc cảm riêng, các luận sư và tu sĩ nội địa vẫn cố nối kết gốc gác với Đất Phật xa xôi để “dợt l’air” với hai đạo nhà: Lão và Khổng và mượn Ấn Độ cái mà tâm thức sử sách rạch ròi kiểu Chinois thiếu và khao khát bù trừ: vị huyền hoặc tâm linh. Khi có cảm giác chạm sĩ diện thì có huyền thoại khác lấp vào: Phật tổ chính là Lão Tử ta vân du Tây Phương (chỉ Ấn Độ) hoá thành, còn ai vô đó!
*Tầm cho ra máu mủ hoàng gia với Đức Giáo chủ là để hợp pháp hoá, ngán chi các đời sau và đám chi thứ và cũng là cách hoá giải mặc cảm của con cháu – xin lỗi, của cụ Tổ – của một người quen của văn hào Lỗ Tấn: đồng chí AQ.

*Cho tận giờ nhập diệt, Đức Phật vẫn xác định Đạo của Ngài không có Giáo hoàng và Ngài không có ý giao “binh quyền” cho ai cả. Ngài tự xem là một thành viên của Thánh Chúng mà uy tín có được là nhờ Đức Độ, Phạm Hạnh và Tuệ Trí, khó có chuyện giao ấn tín, chiếu nhường ngôi như thế đạo – hay các tôn giáo khác – quan niệm. Đã có chủ ý và với viễn kiến của một Bậc Giác Ngộ, tại sao Ngài lại chọn nhập Niết Bàn khi “hoàng thái tử” Ca Diếp đang ở xa? Kinh sách nguyên thuỷ vốn chơn chất, trung thực chép rõ Đức Ca Diếp ở xa hiện trường và nhờ tình cờ mà hoảng hốt biết tin Thầy nhập diệt.
*Đức Phật dạy đệ tử phá chấp, dạy pháp xả và chỉ ra tính chất duyên khởi của Vạn Pháp sao lại phú Sự Nghiệp Hộ Pháp vĩ đại qua cái bằng chứng bình bát và tấm cà sa được! Giá trị Bất Tử – khái niệm Ngài dùng để chỉ Chánh Pháp – lại bảo hiểm bằng một thứ dễ bể – bình bát – và một thứ dễ rách – tấm cà sa – nếu không nói mất cắp như chơi, không thuyết phục tí nào. Nói chi tiết hơn, việc suy luận Đức Phật từng bí mật trao hai vật dụng cá nhân cho Ca Diếp mà không ai biết hoàn toàn không phù hợp phong độ, chủ trương quang minh chính đại của một Đấng Giáo chủ có “bàn tay mở rộng”, mà phù hợp lối truyền thừa giấu giếm, nửa khuya nửa hôm theo mô đen Thiền tông Trung Quốc, thậm chí truyền đến vài người (Thầy) vừa dặn dò (trò) trốn ngay, không được hé miệng kẻo chết dưới tay… đồng môn, đạo hữu của mình! Sắc thái thơm thơm hương háo sát – hoàn toàn xa lạ với chốn Thiền môn và ít phù hợp tính cách Ấn Độ – ở đây thiệt tình đậm đà hơn các xen giật ấn ở các chùa đền Giao Chỉ sau này xa.
*Có thể tham mưu cho Thiên tử Tập Cận Bình phát huy thắng lợi Đại hội Đảng phát lệnh tìm ngay Bình Bát và Áo Cà Sa của Đức Thích Ca. Không phải để thờ – chuyện không tưởng đối với lãnh tụ Cộng sản – mà nhằm nghiên cứu độ bền của hàng gốm (!) và vải Ấn Độ thời cổ đại cho thủ công nghiệp Trung Hoa, mà không bị tố cáo ăn cắp bản quyền và mẫu mã!
*Cuối cùng một hình tượng như Bồ Đề Đạt Ma – dũng mãnh, vô uý, quái dị là khác – mượn cách nói của người Trung Quốc xem thế gian, thế quyền “nhẹ như lông hồng” mà trên đường vân du muôn trùng lại loay hoay, phân tâm vì cái bình bát đã rạn và tấm cà sa sắp rách nghe bất ổn lạ thường. Chuyến Ngài quy cố hương trên chiếc giày sau khi đã trao bình bát cho Huệ Khả rõ rồi, còn theo thiển ý hình tượng Bồ Đề Đạt Ma trên đường tới Trung Hoa nhất định phải thêm chi tiết tay cầm bình bát, tay cầm cà sa mới đúng lịch sử.
Xin kết huyền thoại Bình Bát và Cà Sa ở đây: toàn chuyện bịa đặt! Nếu có bình và bát sản xuất ngay tại Trung Hoa và việc truyền cho nhau giữa hai đời thầy trò người Hoa thì là chuyện khác và lúc đó thì không còn huyền thoại hấp dẫn để bàn nữa!
VẤN ĐỀ BẤT LẬP VĂN TỰ
– Về quan điểm “bất lập văn tự” của Ngài Huệ Năng và cách hiểu quan điểm này ở xứ ta – nói “xứ ta” vì ở xứ người, giới nghiên cứu họ giải quyết từ khuya rồi (chính xác có người ở xứ ta từng lưu ý, nhưng tính cách Việt chỉ tin cái chi thích lỗ tai mình mà thôi!) – xin có vài nhận xét sau:
*Ngài Huệ Năng cho biết đã “ngộ” khi nghe câu kinh từ chánh điện vọng ra tận chỗ Ngài đang cắm cúi giã gạo “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm”. Như vậy sờ sờ Ngài đã “ngộ” nhờ nghe Kinh, không phải tự ngộ. Lời Kinh được tụng lên cũng là VĂN TỰ. Người “ngộ” phủ định nhờ duyên văn tự mà “ngộ” hoá ra vô ơn và sự quảng bá thuyết “bất cầu văn tự” của công luận và một số đệ tử là chuyện hoang đường. Câu kinh từ Kinh Kim Cương và việc Ngài thường dặn đệ tử xem trọng Kinh Kim Cương xoá hoàn toàn huyền thoại Thiền Huệ Năng khinh thường Kinh Văn nhà Phật. Chỉ cần giữ chút Tâm thơ ngây, không ưa trò tư biện, cũng hỏi được rằng nếu không theo lời dạy nào đó của Đức Phật thì xin hỏi sao lại xưng được là Tông phái Nhà Phật nhỉ! Và đã ra mặt khinh thị nhà Phật – và văn tự nói chung – quyết liệt tới mức đó thì giữ cái đuôi “Buddhist” làm chi và có nghĩa lý gì nào! Nói chi tiết hơn, truyền thuyết rằng Ngài Hoằng Nhẫn biết đệ tử Huệ Năng có căn cơ, nên cố ý giữ khoảng cách kẻo không hay cho việc truyền thừa tương lai, giao Ngài Huệ Năng ở chỗ bếp núc, chuyên giã gạo, đun củi. Là người đang tầm đạo ắt Ngài phải nóng lòng nghe ngóng, tò mò việc học đạo của đồng môn chung quanh. Bằng cớ ngay trong truyền thuyết: nếu không tập trung nghe Kinh sao nghe được câu “ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” và nghe được Kinh thì vị trí bếp chùa phải không xa chánh điện và hẳn con người ham học đã nghe lõm đâu chỉ một câu Kinh Kim Cương! Ngài Huệ Năng có tìm cách quan hệ, hỏi han giáo pháp với đồng đạo đồng môn không? Theo thiển ý là chắc chắn có. Một lần nữa chứng cớ có ngay trong truyền thuyết: Ai kể lại cho Ngài Huệ Năng biết nội dung bài kệ của Ngài Thần Tú và việc Ngài Huệ Năng nhờ người trong chùa ghi giúp bài kệ của mình không đủ chứng minh có đối thoại và quan hệ tốt tương đối giữa người trong chùa với nhau ư? Vậy lời nói pháp, trao đổi về chủ đề giáo pháp, thuyết phục đồng đạo mình đủ sức “chiến đấu với đối thủ có thanh vọng Thần Tú và cuối cùng bản thân bài Kệ của Huệ Năng nhờ bạn chép là gì nếu không phải là “văn tự”?!
Xin kết ở đây rằng thực ra trong Đàn Kinh – nội dung được cho là do Ngài Huệ Năng giảng – đã xác định cách hiểu đúng của khái niệm “bất lập văn tự” là không cố chấp vào văn tự, theo tinh thần Đức Phật dạy “Chánh Pháp còn phải bỏ, nói chi tà pháp”, không cần bàn dài dòng. Vậy chỗ trao đổi thực ra hướng vào những vị đến tận bây giờ vẫn sính cách giải thích Đạo không cần Kinh, Tu không cần Ngôn ngữ và gán cho cụ Huệ Năng mà nói theo một số nhà nghiên cứu là một “Huệ Năng của Thần Hội” – còn thực hư thế nào ngoài tầm bình luận của tôi. Có nói thêm là ở chỗ này: tin một huyền thoại là sự thực là một chuyện, gán “nhầm” huyền thoại cho ai đó là một chuyện, bản chất nội dung của huyền thoại vô giá trị lại thêm một chuyện nữa, nhưng chưa hết: khi một huyền thoại có phần giá trị tự thân mà ta gọi là giá trị văn chương hay triết học thì việc thưởng thức nó không phải là sự lạ hay nói hơi khó nghe, không thể “cấm đoán” được. Nếu không, phải rút toàn bộ tác phẩm văn chương ra khỏi chương trình ở nhà trường; đơn giản vì từ thầy đến trò đều biết tỏng văn chương toàn là chuyện bịa đặt cả thôi. Tôi ngờ rằng ví như có bằng cớ mười mươi Huệ Năng là nhân vật hư cấu hay Ngài là nhân vật lịch sử nhưng không phải tác giả Đàn Kinh hay tác giả vô danh mà nội dung Đàn Kinh có thú vị và giá trị thực sự, tự thân nó sẽ sống mà không cần huyền thoại và đóng góp cho nhân sinh theo cách của nó.
*Còn nói truyền thống “bất lập văn tự”, “giáo ngoại biệt truyền” có từ thời Bồ Đề Đạt Ma cũng chẳng ổn nếu không quên lời dạy của Ngài với các đệ tử người Trung Hoa rằng căn cơ họ hợp với Kinh Lăng Già. Chỉ có tí tiểu tâm – hiểu tiểu tâm theo nghĩa gốc Trung Hoa – là hiểu nếu có căn cơ khác thì có thể hợp với Kinh Sách khác, nghĩa là đằng nào không thể có chuyện không có Giáo pháp mà “ngộ” được. Đã giải vụ hiểu nhầm nghĩa lý “bất lập văn tự” – qua tham khảo tài liệu của các bậc thức giả, nghiên cứu trong và ngoài nước – có khi cho tôi chêm một nhận xét mới nghe tếu táo, nhưng quả thật không dám thiếu nghiêm túc. Khi còn ở Trung học, có phong trào biểu tình, bãi khoá chống tham nhũng, can thiệp của nước ngoài, tôi thấy không ít bạn hân hoan hưởng ứng chỉ vì có dịp rong chơi, hoặc thích chí vì đúng dịp không ôn bài. Không có thái độ chính chị chính em chi cả. Tôi ngờ có không ít người giải thích, hưởng ứng thuyết tu tập cần chi kinh kệ, giáo pháp hay tư duy triết lý trừu tượng xuất phát một phần từ sự lười nhác và lòng sợ hãi bẩm sinh với chữ nghĩa, học thuật, thường có ở các vùng miền, quốc độ có mặt bằng văn hoá thấp và hợp với phương tiện hoằng hoá mang nặng khí vị tâm linh, tôn giáo hơn Kinh Văn, Triết học. Có pháp môn cho người không có căn cơ đa văn và một tôn giáo đặt trọng tâm – hay trước hết – ở tu tâm, chuyển tâm tất nhiên không o ép tín đồ học cùng sách, chất chứa thuật ngữ Phật học như nhau, nhưng thái độ khinh miệt tri thức, kinh kệ hoàn toàn xa lạ với Đạo của Tuệ Trí và chỉ có thể xếp vào chủ trương mị tín đồ, nếu không nói là kéo thấp tiêu chí tu tập mà thôi.
*Có sự mâu thuẫn giữa tiểu sử không biết chữ của Ngài Huệ Năng và nội dung có mùi bác học, kinh viện khá rõ của Đàn Kinhđược cho là lời giảng của Ngài. Việc một số nhà nghiên cứu Phật học hiện đại không chấp nhận Đàn Kinh là tác phẩm – nói chính xác là lời giảng được ghi lại – của Ngài Huệ Năng là chuyện không khó hiểu. Các nghiên cứu tiểu sử, đối chiếu niên kỷ, sự kiện cũng cho thấy sau khi Ngài mất vài thập kỷ, uy tín của Ngài còn hạn chế và mang quy mô địa phương. Uy danh Huệ Năng có vẻ như thành đình đám qua cuộc vận động cho Thiền tông phương Nam do một Thần Hội năng nổ, sắc sảo xướng lên – ít ra đó là ý kiến của một số nhà nghiên cứu Phật học. Cũng qua công phu tìm hiểu của các học giả mà tôi hiểu hoá ra chính Thần Tú mà các ủng hộ viên của Huệ Năng nặng lời chê bai lại có lượng quần chúng tín đồ áp đảo và giới cung đình trọng vọng. Cảm giác khá rõ là ứng cử viên vô sản Huệ Năng được hưởng lợi vì có tài vận động xuất chúng của Thần Hội, đáp ứng ý thức phản kháng lối kinh pháp rườm rà, tầm chương trích cú của quần chúng có trình độ chữ nghĩa bằng hoặc hơn Ngài chút đỉnh và không thể không xác định dù “bản thảo” và “tinh thần” Đàn Kinh – Thánh Kinh của Thiền tông Phương Nam – có tỉ lệ sáng tạo bao nhiêu giữa Giáo chủ và Thiên sứ của Ngài thì đấy vẫn là một thành công lịch sử thật sự và Tin Mừng được cả đám bình dân đương thời nhiệt liệt ủng hộ lẫn giới tinh hoa nhà Phật cổ kim xác định giá trị và không tiếc lời khen. Trung Quốc cũng như toàn bộ các quốc độ khác không có vinh dự có một vị Phật ra đời như quê hương Ấn Độ, nhưng quyết tâm Trung Quốc hoá Phật giáo cuối cùng cũng mang lại trái ngọt, họ đã cải tiến, loay hoay dựng cho được một phái Thiền mà chắc họ cho là thuần dân tộc, đã Hán hoá và dựng tiếp một khuôn mặt lớn mang tên Huệ Năng bên cạnh khuôn mặt lẫy lừng mang tên Bồ Đề Đạt Ma từng phủ bóng lên cả Rừng Thiền Trung Quốc.
*Về vai trò của Ngài Bồ Đề Đạt Ma đương nhiên rất hấp dẫn mà nhân dạng, hành trạng cơ hồ khó xác định. Trong khi các ý kiến xưa nay lại thống nhất ngôi Tiên chỉ Làng Thiền tông Trung Hoa cho Ngài, dần dà mới có người muốn xác lập địa vị này cho Ngài Huệ Năng – tôi thực không rõ có liên quan lý do quốc tịch thuần tuý hay không, điều mà hai Ngài, hai đại thiền sư, hẳn không lấy làm trọng.
Xin ghi lại cho các bạn tham khảo một ý kiến súc tích và cũng là một nhận định sắc sảo của Ngài Lữ Trừng để thấy những chỗ còn u u minh minh trong các chương liên quan một truyền thống Phật giáo phát triển vào cỡ nhất nhì trên thế giới: “…lĩnh vực kiến thức của Đạt Ma rất rộng lớn, không chỉ giới hạn như những người thuộc phái Lăng Già Sư truyền thừa [ý Ngài Lữ Trừng muốn nói tuỳ duyên mà Bồ Đề Đạt Ma lộ pháp môn thích hợp chứ không có chủ ý đề cao pháp môn, kinh sách cụ thể chi – NTV], nhưng về sau những người thuộc phái này đã chuyển phái này thành Thiền tông, điều đó đã làm đảo lộn lịch sử trong quá khứ, cuối cùng Thiền pháp vốn có của Đạt Ma như thế nào cũng không rõ ràng” (Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc – tác giả: Lữ Trừng – Việt dịch: Thích Hạnh Bình và nhóm học viên – NXB Phương Đông, 2013). Như ý cuối này, một lần nữa theo cụ Lữ Trừng thì xét theo các tư liệu tin cậy được xử lý và phân tích, khó nói Ngài Bồ Đề Đạt Ma có xác định những gì tương truyền Ngài y chỉ – như chọn Kinh, tán thán Kinh nào, chọn phép Thiền nào và thật ngạc nhiên cả ngụ ý đồng hoá phái Lăng Già và Thiền tông cũng bị đặt vấn đề! – hay không. Kiến văn gà mờ của tôi tất không có ý kiến chi được, chỉ thấy tầm cỡ nghiên cứu hiếm có như bậc Thầy họ Lữ còn trình bày ý riêng dưới dạng câu hỏi thì việc các “luận sư” nghiệp dư An Nam ta ở các bàn cà phê và bàn nhậu thao thao về Bồ Đề Đạt Ma như lên đồng kể cũng gan thật. Thêm một nhận xét ngắn hơn của Lữ Tiên sinh: “Lý do về sau đệ tử của Hoằng Nhẫn là Huệ Năng dần dần có thế mạnh. Họ lại đề cao Kinh Kim Cang, cho rằng Đạt Ma từ Ấn mang kinh qua Đông Độ chính là kinh này, không phải là Lăng Già” (sách đã dẫn). Đến phần trích dẫn này thì hỡi ơi, dù không có khả năng thẩm định cũng kết được rằng chớ dại nghe những gì bà con cả Hoa lẫn Việt ta đồn, mà nên dò xem tin cuối ngày của giới nghiên cứu Phật học đã tới mô rồi! Và dù có cảm giác chóng mặt do thông tin, kết luận có khi thay đổi xoành xoạch của giới học thuật, không thể không nói phân biệt giả thật, đúng sai phi cánh (học thuật) này không ai đủ kiên nhẫn tìm tòi cho ra lẽ được.
HAI MẶT CỦA PHẬT GIÁO TRUNG HOA
Không thể hiểu lịch sử Phật giáo Trung Quốc mà không biết chủ trương Trung Quốc hoá Phật giáo công khai của họ. Phải nhìn hai mặt của vấn đề. Và mặt đầu tiên là mặt hoàn toàn tự nhiên và bản lĩnh của họ. Một truyền thống văn hoá thiên về thế sự mà giáo lý có ảnh hưởng sâu xa, đi vào mọi ngóc ngách xã hội – tôi muốn nói Khổng giáo – lại phát hiện một nguồn triết lý với lý tưởng tâm linh và quan niệm về đạo đức xã hội gần như nghịch hẳn với mình, lại – tất nhiên sau không ít trăn trở – công khai lòng ngưỡng mộ, ôm giá trị viễn phương – thật ra cũng là giá trị nhân loại – vào lòng, ứng xử như Đạo Pháp, Đạo Lý của nhà thì lạ và đáng nể và có tinh thần khát khao tri thức, ham học, ham chân lý dường nào. Càng đáng khâm phục hơn khi rõ cách học tới mức xả thân của cả một dân tộc, những thế kỷ miệt mài dịch thuật Kinh Sách, những chuyến đi thỉnh Kinh Kệ, Tri Thức đầy gian nan, thách đố, nức lòng cả nước, hàng triệu trái tim thiết tha tầm Đạo, học Đạo… Và trên tất cả là nhiệt huyết quảng đại mang quy mô dân tộc đã giữ lại cho nhân loại di sản Kinh Sách Phật pháp khổng lồ mà một bộ phận bị xoá hẳn dấu vết ngay trên quê hương của Đấng Giáo chủ.
Các bạn sẽ nói có một phần đất đã được cày bừa, một thế giới tâm thức đã được chuẩn bị sẵn mang tên Lão giáo và triết lý sâu xa của bậc Thánh nhân Trung Quốc mà tên tuổi nhân loại còn nhớ và kính ngưỡng. Đúng mà không đúng hẳn. Tâm thức Trung Hoa vượt ra khỏi trật tự nhà Khổng, từng bay lên cùng với Lão và Trang và sự thật chính gia tài triết học nhà Lão, tư duy bay bổng, thuật ngữ súc tích… dẫn tới lối học và giảng Kinh Phật theo lối “cách nghĩa” ban đầu – dù kèm cả chỗ bất cập – đã mở đường cho Phật pháp tồn tại, phát triển ở một trong những lục địa lớn nhất hành tinh, đặc biệt ở thời kỳ Giáo pháp đang từng bước hấp hối ngay trên quê hương mình. Nhưng chưa thuyết phục, bởi nếu Lão giáo đáp ứng được nhu cầu tâm linh và khát khao tri thức của nhân dân và tín đồ Trung Hoa thì đã không có cơ hội cho Phật giáo. Và nếu đạo sĩ nhà Lão tự thân đủ hấp dẫn, họ đã không ở tư thế yếu so với người đồng bào họ Khổng – điều không thể phủ nhận là Phật giáo đã làm tốt. Việc có tư tưởng của Lão Đam thuận lợi cho sự nghiệp hoằng pháp của nhà Phật trên đất Trung Hoa đã rõ, nhưng sao không nhận xét ngược lại rằng Huyền học Trung Quốc đã phục sinh một phần nhờ tầm gởi vào hay nói khác đi cộng sinh với Phật pháp. Ai dám xem thường giá trị của Lão Tử và Đạo Đức Kinh và gộp thêm giá trị của Khổng giáo; điều này có thể nhắc để kết ý đang bàn rằng việc một dân tộc không tự thoả mãn với cái mình có – dù toàn hàng xịn – để học người, hiểu cái mới, không ngừng dừng lại đáng gọi là bản lĩnh Trung Quốc. Xin nói qua mà không bình luận thêm: chưa bàn đề tài Phật giáo tràn vào Trung Hoa và Phật pháp được thỉnh và chào đón ở đấy là Phật giáo và Phật pháp gì, bỏ sót mặt nào bản ý của Giáo chủ vì vấn đề này quá lớn và không thể đề cập theo kiểu nhân tiện được.
– Nhưng mặt khác, tính thực dụng và hiếu danh à la mode Chinois, khuynh hướng chiều tín đồ và người cúng dường vốn phổ biến với mọi tôn giáo, truyền thống tu không xong thì ta cứ cao đàm hý luận của giới trí thức mọi thời đại, cộng cách tiếp cận cao đạo “đặc sản Trung Quốc” của chính giới nghiên cứu Phật học – Khổng và Lão của ta là đỉnh điểm của loài người và nhiệm vụ thiêng liêng của kẻ sĩ Trung Quốc ắt là Trung Quốc hoá cả thế giới – với không ít nhầm lẫn chết người vào cỡ “sai một ly, đi một dặm”, và mặt khác còn phải tính đến lực mê tín về phía tín đồ và cả trò chính trị lợi dụng tôn giáo của các vương quyền xưa nay đã tụ hội, phát huy để lại một mớ bòng bong với không ít hậu quả hết sức đáng tiếc. Để tránh hiểu nhầm dại dột hạ thấp uy tín vĩ đại của Phật giáo Trung Quốc, tưởng phải nói thêm cho rõ rằng việc liệt kê loạt nhược điểm có khi có âm hưởng bất nhã này sự thực – dù trên có gọi là đặc sản Trung Quốc – có thể áp dụng với bất cứ quốc độ và dân tộc nào không mặt này thì mặt khác, kể cả quốc độ xứ ta, nếu không nói đặc biệt xứ ta vì ảnh hưởng, sự tương cận đậm đà qua lịch sử nhiều thế kỷ. Bên dưới tôi sơ lược điểm qua kèm ít nhận xét tối thiểu liên quan vài chủ điểm khó bỏ qua. Thứ tự nhấn mạnh theo chủ quan người viết.
LIÊN QUAN KINH A HÀM
*Trước hết cần lưu ý một điểm hầu như trước đây không hề được phân tích: việc các luận sư và tu sĩ Trung Quốc đã đánh giá sai lệch giá trị của Kinh A Hàm vốn được dịch ra tiếng Hán rất sớm. Sự thực, KINH GỐC của KINH GỐC – tôi chỉ Kinh A Hàm – bị xem thường và bị lờ tịt suốt gần hai ngàn năm lịch sử Phật giáo và Phật pháp Trung Quốc, điều để lại những hệ quả hết sức nghiêm trọng, khó đo lường cho cả Phật tử Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Tôi mong không bị các bạn gán oan cho tội thiếu khiêm tốn vì lời kể thiệt tình sau. Khi ở tuổi 33, 34 – khoảng 1987-1988 – lần đầu cầm trong tay tập 1, Kinh Trường Bộ (bản Ngài Thích Minh Châu dịch, in trước 1975) tôi rùng mình với cái idée vừa vụt qua đầu – và nằm lại mãi mãi – là “Cánh Cửa Lớn đây rồi!”. Cái ấn tượng và duyên này cùng sự chuyên chú 30 năm đọc Nikāya không dám ngừng nghỉ nên tự thắc mắc hiện tượng ngàn năm hơn Phật giáo Trung Quốc lạnh lùng nhắc cái tên Agāma/A Hàm như chỉ để có mặt khi lập danh sách Kinh và dịch Kinh là duyên do gì. Thắc mắc này kèm cả chút “lẫy” đại sư Huyền Trang chuyện không nhắc tới A Hàm (?) và câu hỏi vì sao Ngài thất vọng về chuyện người nói xuôi, kẻ nói ngược rồi phát tâm Tây du thỉnh kinh – tất nhiên là một quyết định sáng suốt vô cùng! – mà để sót một khả năng là trong A Hàm vĩ đại (đã được dịch qua chữ Hán) có đủ câu trả lời hay không! Khi tự biết còn chỗ chủ quan, nhìn chưa hết vấn đề, lại tính được ngày rời Trung Quốc của Ngài Huyền Trang ở độ tuổi hai mươi, với những ý đồ vĩ đại của Ngài, lòng có phần nguôi ngoai. Nhưng ngoài lòng kính ngưỡng khó phai với bậc Đại Sư và có “nguôi ngoai” như tôi vừa thưa, thú thật tôi vẫn âm thầm ấm ức về thái độ và cung cách đánh giá “chưa đúng chuẩn” của Đường Tam Tạng của tôi lẫn đất nước Trung Hoa của Ngài đối với Kinh Nguyên Thuỷ: đại di sản của Phật giáo thế giới.
Đấy là lý do khi đọc một dòng ngắn liên quan vấn đề trong một tập sách nghiên cứu Phật học, lòng chợt cảm khái vô cùng. Tôi cứ yên trí chi tiết này nằm trong một cuốn sách của thầy Viên Trí, nhưng kiểm tra lại không đúng. Theo tôi nhớ tài liệu này nêu rõ tên một vị danh tăng có tên lót là “Đạo” – Đạo Sinh hay Đạo An? – đã có nhận xét hàm ý đánh giá thấp giá trị Kinh A Hàm và trong trường hợp này uy tín của Ngài lại đâm ra có hại cho Phật giáo Trung Quốc. May mắn cho tôi lại đọc được một ghi nhận quý giá của thầy Tuệ Sĩ trong tập Tổng Mục Lục kèm bộ Tạp A Hàm (NXB Phương Đông – 2010). Tôi chép lại để các bạn có thể theo dõi: “…mặc dù các kinh đơn bản thuộc các bộ A Hàm được truyền dịch rất sớm, trong đó đáng kể là những kinh thuộc Tạp A Hàm. Nhưng do xu hướng Đại Thừa Phật giáo Trung Quốc, Thánh Điển A Hàm được phán định là kinh điển Tiểu Thừa, được xem là DÀNH CHO HẠNG CĂN CƠ THẤP KÉM [tôi nhấn mạnh – NTV], nên không có nghiên cứu đáng kể nào về bộ phận Thánh Điển này. Điều này khiến các nhà nghiên cứu Phật giáo Trung Quốc LẤY LÀM ÂN HẬN [tôi nhấn mạnh – NTV]”. Như vậy đã rõ, thật vô vàn cảm kích!
Ý kiến chưa thông do lỗi tôi trình bày không đạt ý, nhưng nếu cùng thành tâm tiếp cận cụ thể Kinh sách, đọc được Lời Dạy trực tiếp, hiểu phần nào Bản Ý của Đức Phật có khi chúng ta không khỏi giật mình về “điểm mù” mang tính cộng nghiệp của cả một thời đại và suốt nhiều thế hệ đối với việc thuộc loại sinh tử, sinh mệnh là định giá di sản của Đấng Giáo chủ một nền Giáo Lý mà tự mình xếp là tín đồ và là thành viên tăng lữ.
Tôi chia sẻ tiếp một vài ý linh tinh sau:
– Dù các dạng, bộ phận Kinh và Luận các thời đại có đóng góp giá trị riêng của mình, kinh nghiệm người đọc và nghe Kinh là chỉ có Kinh Nguyên Thuỷ – tập trung ở A Hàm và Kinh Bộ – mới giữ được hơi ấm và âm sắc từ bi đặc thù của vị Từ Phụ và bậc Lương Y đang khuyên lơn, bày tỏ, hướng dẫn, lo lắng cho người nghe, người bệnh. Được ghi lại chậm vài thế kỷ nhưng qua ký ức và truyền khẩu đầy chân chất, tôn kính của những thế hệ tu sĩ đang còn sống trong không khí sinh động, xúc cảm dưới hình bóng vĩ đại, gương mẫu của bậc Thầy, với lòng tận tính, kính ngưỡng không chớm cái ý hướng chỉnh sửa, vẽ vời Kinh Pháp, tự hình ảnh và lời dạy của Đấng Giáo chủ đã có sức cảm hoá và nội lực lớn lao. Điều mà những luận lý, biện chứng, tư biện, giáo lý… sáng chế bên án thư đời sau đánh mất hay không có được. Đạo có lõi triết học, triết lý nhưng vắng hương vị tâm linh, không còn dấu ấn đặc thù của Bậc Khai Tâm và Đức Giáo chủ sẽ đánh mất cái khí vị sâu xa của tôn giáo – cái căn bản làm Đạo là Đạo và Tôn giáo thành Tôn giáo. Nói thẳng thắn, đến những bậc tôi có lòng quy ngưỡng như Ngài Buddhaghosa với tác phẩm kinh điển Thanh Tịnh Đạo hay với Đại Tỳ Bà Sa Luận vĩ đại của cả một tập thể danh tăng mà tôi vô cùng tán thán không so được về độ tâm can hưng phấn, tâm trạng tôn kính, trống ngực phập phồng khi tôi đọc dù một chương, một trang, một đoạn A Hàm. Chủ nghĩa tín đồ ư? “Chủ nghĩa” thì không, nhưng “tín đồ” thì tại sao không? Tín đồ tín thành thì tâm có khai, nhưng trí không mở nên tâm loay hoay trong khung trời thoang thoảng mùi mê tín chưa tan; nhưng trí ôm thiên kinh vạn quyển mà khuyết cái tín thành của tín đồ thì chỉ là một bọn huyền đàm, cao đàm vô tích sự cho sự nghiệp chuyển tâm, chuyển nghiệp, chuyển cõi xứ mà Đức Thích Ca bỏ công giáo hoá – và xin lỗi, chính xu hướng huyền đàm và cực đoan Trung Hoa đã dẫn tới sự chối bỏ A Hàm và tinh thần Nikāya để những người biết phản tỉnh, sáng suốt nhất trong số họ – nói như Thầy Thích Tuệ Sĩ trong bài viết nhắc trên – đã tỏ lời ân hận, chính xác là sám hối.
Cùng gọi là Kinh cả, nhưng đọc hay nghe một bộ Kinh dày, cũng “như thị ngã văn”, lời Đức Phật thao thao bất tuyệt, không biết cơ man nào là thuật ngữ, phân tích – một số thuật ngữ của đời sau gán vào lời của Phật –, nghe sâu xa đấy, lôgic đấy nhưng có thể biết là dạng kinh được chế, có dạng hệ thống lại, hay pha chế với chính tư tưởng, bản ý của Giáo Cchủ đi nữa. Đó không phải là sắc giọng của Ngài, ngay cả khi nội dung không xa Chánh Pháp. Như tôi nhắc qua ở trên, dù không thiếu Kinh đạt nhiều mặt về tri thức, công phu nghiên cứu nhưng không thể có hay đánh mất đặc chất nồng ấm, hương vị chân phương quyến rũ lòng người của Đấng Giác Ngộ. Một đặc điểm của A Hàm theo tôi là dạng Kinh nghe để “tu tại chỗ”, độ thường ngắn hoặc không quá dài tập trung một đề mục rất rõ. Vì sao Kinh ngắn mà thiết tha, sâu xa mà giản dị, vị Giải Thoát thậm thâm mà mát rượi tâm can người nghe Đạo? Vì đấy là ngôn ngữ của Vị Thầy Thuốc, Người Cha Hiền, Bậc Đạo Sư kết hợp giảng dạy và chữa bệnh, uốn nắn và an ủi bằng Suối Ngọt Từ Bi và Ánh Sáng Trí Tuệ thực tế, rỡ ràng mà không chói mắt, thương yêu mà không mị dân, kẻ cả. Người không làm triết học, không tổ chức bầy đàn, không định giành phần thắng với ai, không nô lệ cho những bài tụng ca và những vòng hoa từng làm tê liệt bao nhiêu đời Giáo chủ và Pháp Vương! Đấy là người Dẫn Đạo vĩ đại của những sinh mệnh cô đơn khát khao đối thoại, khát khao Chân Lý và đấy cũng là tinh thần và thông điệp chân chính của A Hàm.
Lịch sử cho thấy Kinh Sách của đủ tông phái sớm truyền vào Trung Quốc và vào thời kỳ đầu không có tình trạng đối đầu, thậm chí như nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc nhận xét suốt một thời gian dài các tu sĩ, luận sư người Hoa có người còn không phân biệt được sự khác biệt giữa các luận điểm “Tiểu Thừa” và “Đại Thừa”. Đến đây rõ thêm chỗ phân liệt và chống báng giữa hai đại tông phái mệnh danh “Tiểu Thừa”, “Đại Thừa” vốn có hiện trường từ đất Ấn và là món quà made in India chuyển giao cho Phật giáo Trung Quốc “tiếp tục sử dụng”. Vấn đề là khí chất cực đoan Trung Hoa, thiếu những tố chất cho Trung Đạo đã đổ thêm lửa vào màn phân liệt đã có sẵn kịch bản từ Thiên Trúc. Phân tích vấn đề này lớn quá, đành để lại. Chỉ tò mò đặt thêm vài câu hỏi: Việc Phật giáo Trung Quốc ngả về Đại Thừa nói lên điều gì? Có dính líu tới khuynh hướng thần hoá Phật tổ, sáng tạo Thần Thánh vốn hợp gu Ngọc Hoàng nội địa? Do khuynh hướng học thuật lành mạnh, ham triết học, kinh luận – đặc biệt phần Luận, Sớ, Thích – cùng một căn bệnh kèm theo, bệnh cao đàm khoát luận, hợp tình thế và hợp tạng người thiên hý luận, ham nói về Giải Thoát hơn là bắt đầu tự giải thoát và có đam mê giải thoát cho người, cho đời hơn giải thoát chính mình? Hay với tinh thần tự do đại thừa chủ nghĩa dễ cho chủ trương Trung Quốc hoá Phật giáo? Từ chỗ đứng hiện tại, lại bị vây bủa bởi huyền thoại, thành kiến, uy danh thật khó nghĩ bàn. Và không nghi ngờ gì, ngay các bậc chân tăng, trí thức Phật giáo Trung Quốc các thế kỷ trước cũng không phải không có vấn đề khi “nhận đường” từ những tấm bản đồ vốn đã mâu thuẫn, rườm rà, chưa nói không thể loại trừ có cả bản đồ giả đến từ Thiên Trúc.
*Sự nhận định sai lệch từ “trên” (giới danh tăng, luận sư) bị “dưới” (cả tu sĩ lẫn tín đồ) đẩy đi quá xa có phương hại tới sự đoàn kết trong giáo đoàn, cổ vũ lối tư duy, ngôn ngữ khiêu khích hiện tài liệu lưu trữ không thiếu, hoàn toàn nghịch lại tinh thần, phong hoá Phật giáo và tiêu cực nhất là gây hoang mang, đau lòng cho tín đồ. Khí vị khai phóng, cách mạng, tích cực sơ kỳ “Đại Thừa” sớm biến thành trò công kích, xúc siểm thông tục và thiếu mã thượng. Tiếng vọng của trào lưu ‘Ấn-Trung” này không nhiều thì ít ảnh hưởng qua Phật giáo Việt ta nhiều người còn nhớ, dù không rõ do xu hướng bao dung hay có sự ngờ vực mà tu sĩ và Phật tử Việt Nam lại ít gay gắt và công khai.
LIÊN QUAN VẤN ĐỀ “TIỂU THỪA”, “ĐẠI THỪA”
Đã “khó nghĩ bàn” thì không bàn sâu nữa. Các nhà nghiên cứu Phật học tri thức, công phu đầy mình chạm vấn đề này đều luận hàng trăm, nghìn trang chưa hết vấn đề. Vậy ngoài chuyện cùng nhau nhắc lại cách nói “Tiểu Thừa”, “Đại Thừa” không được hoan nghênh – từng được Đại hội Phật giáo Thế giới chỉnh lại là “Phật giáo Nguyên Thuỷ” và “Phật giáo Phát Triển” thì chỉ nêu một nhận xét sát với chủ đề bài viết: Ngày nay nội dung phê phán Phật giáo Phát Triển dành cho Phật giáo Nguyên Thuỷ có thể nhận định là cực đoan, chủ quan do chủ nghĩa tông phái, có gốc từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam – và Trung Quốc nhập hàng từ Ấn Độ như nêu ở trước – đã thuộc về lịch sử. Lập luận “Tiểu Thừa” ích kỷ, “Đại Thừa” quảng đại, vị tha hơn khó lọt tai, dù khía cạnh giáo pháp hay thực tế sinh hoạt trong lịch sử. Nói cho chi tiết hẳn phải có hiện tượng tiêu cực khép chặt cổng chùa, mơ màng kinh kệ trong số tì kheo sau Đức Phật nhập diệt vài thế kỷ gây phản ứng của quần chúng Phật tử và tu sĩ, nhưng theo tôi biết có sự kiện chính giới tu sĩ nguyên thuỷ đã lên tiếng phủ nhận quan hệ của giáo phái mình với đối tượng gọi là “Tiểu Thừa” này, nghĩa là sự chia rẽ không tới độ rành mạch và thành đúng, sai hay tích cực, tiêu cực gán hẳn cho phía nào như các lập luận tông phái. Cũng nhận xét thêm các học giả còn cách nhìn khác nhau, người xem Theravada là Phật giáo Nguyên Thuỷ, người không, nói khác đi có người xếp Phật giáo Nguyên Thuỷ, Phật giáo Tiểu Thừa, rồi tiếp là Phật giáo Đại Thừa. Có người đồng hoá thời trước giai đoạn Đại Thừa là giai đoạn Tiểu Thừa. Không nói việc không chấp nhận ngay cái tên “Tiểu Thừa”, “Đại Thừa” hay thực tế các bộ phái cùng tồn tại – kể cả hình thức Nguyên Thuỷ tối sơ – mà không nhất thiết kế tiếp nhau. Điều đáng mừng cho Đạo Pháp Phật giáo Phát Triển cơ bản không còn tuyên truyền chống Kinh Sách Nguyên Thuỷ và Phật giáo Thế giới xác định Kinh Bộ và Kinh A Hàm là Kinh gốc và Kinh làm y chỉ cho tất cả Kinh Sách Phật giáo. Đây hoàn toàn không phải là chuyện thiên về tông phái nào, mà chỉ là chuyện cái gì của Caesar thì trả cho Caesar và cái gì của Chúa thì trả lại cho Chúa. Bản ý của Bậc Giáo chủ mà không phải là chỗ y chỉ thì dựa vào Giáo chủ của tôn giáo bạn hay sao? Tất nhiên đòi cách ly toàn bộ Kinh Sách đời sau với A Hàm và Kinh Bộ lại rơi vào chủ nghĩa kinh viện, cố chấp.
Để dễ phân tích, tôi mạn phép dẫn Kinh Kim Cương, được nhắc tới như một Kinh Đại Thừa, nói là Kinh quan trọng mà nói thêm là niềm tự hào của Kinh “Đại Thừa” không ngoa. Nhưng với giới đa văn không ai không rõ 100% nội dung chính của Kim Cương đều là tư tưởng A Hàm dù là tinh thần không bám hiện tượng, “ưng vô sở trụ”, “nói A La Hán mà không phải là A La Hán”, ngay cả cách nói nổi tiếng “ngón tay chỉ mặt trăng không phải là mặt trăng”. “Ngón tay không phải là mặt trăng” là cách láy lời dạy qua bờ bỏ bè của Đức Phật trong A Hàm đó thôi. Truyền thống các Kinh của các tông phái đều thác cho Đức Phật là người giảng Kinh, người kể, người chép thuần một giọng “như thị ngã văn” dù “nói dzậy mà không phải dzậy” nên việc phân tích, xếp loại không đơn giản tí nào. Có điều cầm chắc yêu Kim Cương tới mô cũng chớ cho là hàng độc của “Đại Thừa” mềnh mà bậc thức giả người ta mỉm cười. Mà phủ nhận việc Kinh Kim Cương vốn dùng bản ý Giáo chủ mà khai kinh thì tự phủ nhận giá trị giáo pháp của mình là “Phật pháp” hay chăng. Ngược lại, ai đó cho Kim Cương có tiếng “Đại Thừa” mà phủ nhận dòng Nhà Phật, xếp là phi-Agāma và phi-Nikāya, thì lộ ra sự thiếu nghiên cứu tường tận, gốc gác. Và phủ định tư tưởng Kim Cương để bảo vệ A Hàm lại thành ra phủ định chính tinh thần A Hàm trong Kim Cương!
Kết chỗ vừa bàn và nên láy cái ý rằng cái gì ta nhận từ Phật giáo Trung Quốc hay cả Phật giáo Ấn Độ và Nhật Bản cũng thế thôi mà không hợp lý, hợp thời – chưa nói những chỗ bạn đã tự phê, tự chỉnh lâu rồi – thì cần điều chỉnh – tất nhiên! Trong những cái cần dứt khoát điều chỉnh là từ bỏ nội dung hoằng pháp cho rằng Giáo pháp Đại Thừa ta cao thượng hơn, giá trị hơn, đúng bản ý Đức Phật hơn hay ngược lại bài bác tất cả “Kinh Sách” đời sau. Phê đúng thứ nguỵ kinh có hại cho Chánh Pháp không nói làm gì, chê bai chính nội dung và tinh thần Phật tổ răn dạy hàm chứa trong các trước tác lành mạnh, tích cực thì ngỡ đang bảo vệ Ngài có khi bị Ngài quở trách cho!
Để các bạn tham khảo, tôi trích nguyên văn một nhắn nhủ của Ngài Thích Minh Châu trong Lời Tựa cho bản dịch Kinh Bộ, bản in trước 1975 (Tu thư Đại học Vạn Hạnh) – lưu ý trong các bản in sau 1975 không đăng lại, không rõ lý do.
“Thật sự chúng tôi chỉ mong rằng quý vị hãy đọc thiệt kỹ và suy tư thật chín chắn… rồi quý vị hãy tự hỏi, những đoạn ấy có phải là những đoạn “Tiểu Thừa” dành riêng cho những vị có tiểu tâm [theo ngữ cảnh ta hiểu Hoà Thượng dùng từ “tiểu tâm” với nghĩa “nhỏ nhen”, “thiển cận”, không phải nghĩa “ cẩn thận”, “cẩn trọng” – NTV], chỉ biết tự lợi không biết lợi tha, chỉ biết tự giác, không biết giác tha… chúng ta đừng có mắc bẫy các vị Bà La Môn Ấn Độ giáo đã tìm cách gán cho chữ “Tiểu Thừa” để loại ra ngoài những lời Phật dạy căn bản như một số lớn Phật tử Đại Thừa đã bị mê hoặc, không dám đọc những lời Phật dạy, vì bị dán nhãn hiệu Tiểu Thừa. Bên phái Nam Tông, tuy tôn thờ Tam Tạng Pali, nhưng một số Phật tử cũng rơi vào một nạn tương tự, là chỉ học Luật Tạng và A Tỳ Đàm Tạng [Hoà thượng chỉ Luận Tạng – NTV], bỏ rơi Kinh Tạng Pali… Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm, vì A Tỳ Đàm Tạng phát xuất từ Kinh Tạng, và bỏ gốc để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây mà chỉ mang về cành lá”.
Có biết thành kiến sâu nặng khi phân biệt tông phái chưa phai những thập niên 50, 60, đầu những năm 70 ở Miền Nam mới thấy sự sang suốt, dũng cảm và tinh thần trách nhiệm với Đạo Pháp của Ngài – và không nghi ngờ gì nữa đấy cũng là trái chín đến từ mùa Chấn Hưng Phật giáo từ những thập kỷ trước nữa. Cũng cần lưu ý giọng kiềm chế, độ nén trong những lời của bậc chân tu để chiêm nghiệm thêm, miễn là không từ ngữ cảnh này nhảy qua ngữ cảnh khác: triết lý Vệ Đà với tinh thần Upanishad cũng như triết lý Tây Phương vẫn là những ngọn nguồn văn hoá vĩ đại của nhân loại. Và nếu bỏ qua đòn độc và hèn “lén lút” vào tôn giáo người ta – đại khái như dạng “sư quốc doanh” Phật tử ta thán hiện nay – thì xét cho cùng người ta đang cố giành phần thắng cho Đạo mềnh cũng không tới nổi khó hiểu lắm, cái lý do cần làm rõ là chỗ tự đầu hàng, tự xếp Kinh Sách nhà, vồ vập Kinh Sách người ta ngay trong nội bộ tu sĩ Phật giáo một thời. Tiên trách kỷ, hậu trách nhơn!
*Nhân đây xin nhận xét dù chậm, Phật giáo Việt đã có sự quật cường đúng lúc và đầy dũng cảm. Ví dụ hùng hồn nhất là bất chấp truyền thống “Đại Thừa” ăn sâu gần hai thiên kỷ với không ít thiên kiến, Ngài Thích Minh Châu du học Ấn với một kế hoạch vĩ đại: chuẩn bị dịch toàn bộ Kinh “Tiểu Thừa” Nikāya/Bộ Kinh ra tiếng Việt. Điều đáng nói là công việc này được sự tán thán của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết và cánh tay mặt của Ngài là Hoà Thượng Thích Trí Quang. Chính Ngài Trí Quang – một tu sĩ “đại thừa” – chấp bút giới thiệu, cổ vũ sự nghiệp của tu sĩ “tiểu thừa” Thích Minh Châu. Có gì đẹp hơn, hương vị đoàn kết nào trong sáng hơn và chứng minh được chủ trương, tầm nhìn của các bậc chức sắc Phật giáo Việt Nam một thời sáng láng, đáng kiêu hãnh. Thực tế dù ở quy mô khiêm tốn hơn công trình của Hoà Thượng Thích Minh Châu (Toàn tập Kinh Bộ) hay quý Thầy Tuệ Sĩ và Thích Đức Thắng (Toàn tập Kinh A Hàm), nhưng một tu sĩ “đại thừa” khác – Ngài Thích Thiện Siêu với tên tác giả là “Trí Đức” – đã dịch và cho in một tập tuyển các kinh trong Trường A Hàm, ra mắt ngay từ khoảng năm 1961, 1962, như vậy theo thiển ý có lẽ là tập (tuyển) kinh A Hàm đầu tiên bằng Việt ngữ chính thức ra mắt ở xứ ta chăng! Và chúng ta, những người có tâm tìm hiểu Phật pháp, đang là những người may mắn vì tác động nặng nề của một thời phân liệt đã qua, có thể thưởng thức mọi nguồn kinh kệ mà không phân biệt, có thiên kiến, bản vị. Đặc biệt, việc tìm hiểu Kinh Gốc giúp ta phân tích, hiểu và tôn trọng phần giá trị của kinh đời sau, trong đó có cả kinh mang tên “Đại Thừa”.
Ký ức về thái độ tạm gọi là “khinh mạn” Phật giáo Nguyên Thuỷ/“Tiểu Thừa” thì ai ở Miền Nam trước 75 đều biết rõ. Thực chất như tôi nói qua, một bộ phận tu sĩ và tín đồ Việt suốt hàng trăm năm đã tự Trung Quốc hoá trong cách nhìn và đánh giá Kinh A Hàm và cái gọi là “Tiểu Thừa”. Dưới góc độ lịch sử, không khó hiểu và không khó thông cảm dù chỗ mỉa mai là duyên do gì không tự hỏi liệu có nên kết luận một vấn đề lớn liên quan giá trị Kinh Kệ khi bản thân chỉ “nghe nói”, “nghe đồn” và vốn liếng Phật pháp dừng ở số Kinh Tụng và Nghi Thức Tôn Giáo. Có khi không phải mỉa mai mà đau xót việc vẫn còn không ít tu sĩ và phần lớn Phật tử không phân biệt được Kinh Đức Phật trực tiếp giảng và Kinh Sách giảng giải, tóm tắt, khai triển và tán thêm về sau – kể cả giảng và tán đúng hoặc sai lệch! Hệ thống Phật học Cao Cấp, Cao Đẳng, Trung Cấp hiện nay đang muốn xoá lỗ hổng này là chủ trương đúng đắn hoàn toàn.
https://vandoanviet.blogspot.com/2017/11/tan-man-van-hoa-van-nghe-va-van-gung-14.html#more

Không có nhận xét nào: