Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Một vài điều cần minh xác với Ông Mường Mán (Trần văn Quảng) từ bài văn “Ký Ức Xanh” trong tập san Quán Văn 54 số tháng 4 năm 2018


Phần 1: Bài viết của Từ Hoài Tấn
Quán Văn số 54 tháng 4 năm 2018 chủ đề “Hình sương bóng khói” trong đó phần “Chân dung văn học : nhà văn Mường Mán” từ trang 106 đến 204.
Trang 117 có đăng bài “Ký Ức Xanh” của ông Mường Mán (từ đây xin viết là MM), viết về thời trai trẻ những năm 60 của thế kỷ trước và hoạt động bút nhóm thi văn đoàn ở Thừa Thiên Huế.
Chúng tôi cần làm rõ lại và nói cho đúng với sự thật vì những nhân vật chính đề cập trong bài này đều còn sống và cùng ngụ cư tại TP Hồ Chí Minh hiện nay,
Không hiểu ông MM ngụy tạo nhân vật và các sự kiện trong bài với ý đồ gì. Tốt hay xấu chúng tôi không quan tâm nhưng đã là ký ức hay quá khứ có liên quan người khác thì cần viết cho chính xác và tôn trọng sự thật vì đây không phải là tiểu thuyết hư cấu hay một truyện ngắn sáng tác.
Những việc cần làm rõ và nói lại cho đúng như sau:
1.      Sinh hoạt bút nhóm thi văn đoàn thời gian nói trên là có thật, xảy ra ở Huế những năm 1960. Một vài thi văn đoàn bút nhóm tương đối nổi do có những thành viên có bài đăng ở các báo Sài Gòn dạo ấy.
2.      Bút nhóm Cuồng Biển là có thưc. Sinh hoạt thơ văn của nhóm khỏi phát từ làng An Truyền (tên gọi khác: Làng Chuồn) là quê của Ông MM và tôi : Từ Hoài Tấn (ngoài là đồng hương tôi và ông MM có liên quan họ hàng bên ngoại là họ Đoàn ở làng) thuộc huyên Phú Vang Tỉnh Thừa Thiên. Không có gì phải dấu giếm cả.
3.      Các thành viên sáng lập đúng là “bút nhóm gồm ba mống” như trong bài và tên gọi là Cuồng Biển do MM đưa ra và cả nhóm đồng ý.
4.      Các thành viên hiện còn sống tại Sài Gòn, ngoài MM là Nguyễn Miên Thảo (rất tiếc bài văn không đề cập) và tôi là Từ Hoài Tấn. Không hề có nhân vật nữ là Trần thị Sim hay Sim Trần nào cả (có chăng là bút hiệu Trần thị Gioan của MM lúc đăng bài thơ đầu tiên trên bán nguyệt san Văn của anh Trần Phong Giao hồi đó).
5.      Không rõ MM có ý gì khi thay đổi giới tính và ngụy tạo tên Sim Trần cho tôi. Bỗng nhiên tôi trở thành con gái không hiểu vì cớ gì? Tôi cho rằng điều này đã xúc phạm tới nhân cách của tôi.“ba mống” không có ai là nữ cả ! Tôi cũng không là sếp nhóm. Chỉ đúng là “tỏ ra là người có trách nhiệm, chịu khó vận động các bạn văn bạn thơ trong làng ngoài xóm đóng góp bài vở cho Cuồng Biển, chịu khó thức đêm để hoàn thành các số tạp chí của nhóm bằng cách chép tay, đóng thành tập …” và phổ biến bằng cách chuyền tay nhau đọc chứ chẳng “lo lót” ai cả.  Những người cộng tác lúc đó tôi còn nhớ được vài người như anh Hồ Hữu Kha (bút hiệu của anh Hồ văn Kham con bác ruột tôi ở làng, đã mât hồi Mậu Thân Huế 1968) là cây bút chuyên dịch văn chương nước ngoài – tôi có viết đăng 1 truyện dịch của nhà văn John Steinbeck …, như chị Trần thị Lan (bút danh Lan Trần) người bà con của tôi cùng làng, ở Đập Đá, làm thơ.
6.      Tất cả mọi việc của tập san Cuồng Biển do một tay tôi làm, viết tay, trình bày v..v.., MM đưa bài và có vẽ một vài minh họa. Nguyễn Miên Thảo cũng vậy, chỉ đóng góp bài vở. Thỉnh thoảng cả ba tên cùng đi giao lưu gặp gỡ với các bút nhóm TVĐ khác ở Huế, gây ra những cuộc tranh luận sôi nổi. Thi văn Đoàn “Mây Ngàn” của Trần Dzạ Lữ cũng hoạt động trong thời kỳ này, cũng có tập san viết tay, đóng đô ở thôn Ngọc Anh, có qua lại với Cuồng Biển.
7.      Một chi tiết đúng là tôi lúc đó học ở trường Bồ Đề Hữu Ngạn, gần trường Nguyễn Tri Phương của MM (…Năm hôm sau Sim đến trước cổng trường Nguyễn Tri Phương chờ tôi. Từ trường Bồ Đề của nó sang trường tôi gần xịch, lại thuộc lòng thời khóa biểu của nhau…)  nhưng không hề có nhưng tình tiết như bài văn MM viết.
Chúng tôi đã không còn qua lại với MM từ nhiều năm nay, nhưng như thế không phải để MM ngụy tạo quá khứ, phủ nhận sự thật cho mục đích riêng nào đó.
Thời trai trẻ của mỗi người luôn đẹp đẽ, như thời còn đi học cắp sách đến trường. Làng tôi cách thành phố Huế gần 10 cây số đi học bằng xe đạp trên đường rải đá lởm chởm, những mùa mưa bão lụt lội đến trường mang tơi đội nón che không kín ướt sũng, nhưng không thể và không bao giờ quên được những năm tháng ấy.
Nếu “văn chương là mối tình đầu của tôi, Cuồng Biển là vuông cỏ hẹn thứ nhất, nơi ấy đã cho tôi những rung động câu cú, chữ nghĩa, vần điệu, ý tưởng, thi tứ …đầu đời thực nhất, đẹp nhất và khó nguôi quên nhất .” như ông MM viết trong “Ký ức xanh” thì MM cũng nên tôn trọng và giữ sự thật cùa mối tình đầu ấy.
Cũng như trong lời NGÕ ở trang 108, lời dạy của người mẹ ở làng quê cũ “không nên con à, rằng con dám mang chữ nghĩa thánh hiền đi bán ? Tội chết ! Bỏ đi đừng viết nữa, lo học hành thì tốt hơn”
Sự dối trá, ngụy tạo sự thật, phủ nhận quá khứ và tình bạn của thời thơ trẻ ấy là tội lỗi cho bất cứ ai.

Phần 2: Bài viết của Nguyễn Miên Thảo
“Ngày xưa mẹ tôi là gà
Sinh con đẻ trứng thiệt thà siêng năng
Hôm kia lên núi nhìn trăng
Cha tôi bủa lưới mới chăn được người
Cả hai tình tự một hồi
Đẻ tôi với chin mặt trời hiển linh
Bây giờ đất mới khai sinh
Và nhân loại mới tượng hình trong em”
Đây là bài thơ của ông Mường Mán đăng trong Cuồng Biền ký tên Trần thị Gioan. Sở dĩ tôi nhắc lại bài thơ này là để nhớ về … một kỷ niệm của một thời Cuồng Biển với những “ký ức xanh” như nhà thơ Từ Hoài Tấn nhắc lại một cách chính xác ở phần trên. Rất tiếc ký ức xanh đã trở thành vàng úa qua bài ghi chép của ông Mường Mán.
Nhắc lại “ký ức xanh”  tôi lại nhớ da diết những ngày cuối tuần “ba mống” đạp xe đạp trên con đường đá lởm chởm cả gần 10 cây số về nghỉ cuối tuần ở làng Chuồn, làng của ông Mường Mán và nhà thơ Từ Hoài Tấn (hai người hình như có bà con bạn dì gì đó). Chúng tôi được những bữa cơm ngon, được ở trong căn nhà ấm cúng, được sự chăm sóc thương yêu của một người mẹ hiền lành. Có tuần ở đến chiều chủ nhật, có tuần đến sang thứ hai mới về phố.
Tôi cũng nhắc thêm cho nhà thơ Từ Hoài Tấn nhớ tờ Cuồng Biển sau đó đổi tên Mặt Trời Đêm được 1, 2 số gì đó và cuối cùng đổi tên là Nội Dung vừa là nhà xuất bản. Lúc này nhóm không còn “ba mống” mà phát triển thêm như Thái Ngọc San, Ngụy Ngữ, Lê Ngọc Thuận (Nguyệt Nhật), Hồ Trọng Thuyên, Phạm Trần Nguyên (Phạm Tấn Hầu), Đoàn Phạm Túy Linh, Huỳnh Trường Cung …Có nhờ tạp chí Văn đăng quảng cáo (Văn số 110 ngày 15/7/1968)
Trong bài “ký ức xanh”  của ông Mường Mán chỉ còn lại đúng danh xưng hai chữ “CUỒNG BIỀN” nơi ông cho là “ vuông cỏ hẹn thứ nhất, nơi ấy đã cho tôi những rung động câu cú, chữ nghĩa, vần điệu, ý tưởng, thi tứ …đầu đời thực nhất, đẹp nhất và khó nguôi quên nhất .” Và ông lên giọng: “không ít anh chị em cầm bút sau này khi đã thành danh có tên tuổi trên văn đàn có người đã cố quên nó đi, riêng tôi thì luôn trân trọng, dành cho cái chiếu văn đầu tiên đã ghi dấu những bước chập chững ngây dại của mình một góc thật xanh trong ký ức.”
Tiếc rằng người chăm sóc, có công lao nhất ở tờ Cuồng Biển lại không hề được nhắc đến là nhà thơ Từ Hoài Tấn.
Đúng ra thì không nên có bài viết này vì mấy lẽ:
-         Ông Mường Mán là “nhà văn lớn”, có số má, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam; Dính đến ông thì phiền lắm vì mang tiếng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”
-         Hai là nhắc đến ông Mường Mán thì cực chẳng đã vì thật sự chả đáng quan tâm.
Tôi viết những dòng này là vì bạn tôi, nhà thơ Từ Hoài Tấn, và mong không phải nhắc lại việc này một lần nào nữa.

Phần 3: Viết chung
1.      Bài viết này không có mục đích vinh danh hay mưu cầu tên tuổi bất cứ cá nhân nào liên quan. Đó chỉ là sự thật của những tháng năm đẹp nhất đời người, của một thời hoa niên đáng nhớ.
2.      Bài viết này được công bố trên các phương tiện thông tin kể cả online.
3.      Bài viết này như là lần cuối cùng nhắc đến tên ông Mường Mán và những vụ việc liên quan.
4.      Bài viết này cũng sẽ được gởi đến ông Nguyên Minh, chủ biên tập san Quán Văn đề nghị cho đăng vào số gần nhất để độc giả của Quán Văn hiểu biết thêm về sự thật về bài văn “ký ức xanh” của ông Mường Mán trên tập san Quán Văn số 54 tháng 4 năm 2018.

Tháng 5 năm 2018
TỪ HOÀI TẤN – NGUYỄN MIÊN THẢO
Ghi chú: Những chữ in nghiêng là của ông Mường Mán trích trong bài “Ký ức xanh”

Ảnh chụp từ Tạp chí Văn số 110 ngày 15/7/1968


Không có nhận xét nào: