Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Tiếu ngạo giang hồ

Những năm 90, xóm tôi chỉ có duy nhất một nhà có đầu video, nơi lũ trẻ con hay trốn ba mẹ ngồi xem những Anh hùng xạ điêu hay Hiệp khách hành. Những hàng rào bằng nứa ở xóm cũng phải thay liên tục, bởi lũ trẻ con nghịch dại thường ăn trộm để luyện Độc cô cửu kiếm và Tịch tà kiếm phổ.
Có lẽ ít ai thuộc thế hệ tôi mà không dính vài trận giao đấu sứt sẹo tay chân bởi muốn biến thành “võ lâm minh chủ” như trong phim chưởng. Bây giờ nhớ lại những năm tháng đó, trong đầu tôi vẫn hiện lên những mảng màu sắc sặc sỡ, nhòe nhoẹt vì chất lượng thấp, những đoạn băng nhiễu sóng, và giọng lồng tiếng miền Nam nhả từng chữ rành rọt.
Tôi chỉ biết đó là những câu chuyện nguyên tác từ Kim Dung khi lớn hơn một chút, biết dành mấy trăm đồng ăn sáng để thuê truyện kiếm hiệp. Thế giới mơ mộng của những giang hồ nghĩa hiệp, lãng tử không biết hồi đầu, những giai nhân tuyệt sắc, bang hội đầy mưu mô, với biết bao câu chuyện kì bí dễ dàng hấp dẫn những đứa trẻ mới lớn mơ mộng giải cứu thế giới. Với người lớn, trong một thực tại đầy khó nhọc và vất vả mưu sinh, thế giới của Kim Dung gần như đưa ra một sự giải thoát. 
Nhưng “sự giải thoát” đó không đồng nghĩa với phi thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà những Tiếu ngạo giang hồ hay Thiên Long bát bộ thu hút được đông đảo thế hệ độc giả đến từ mọi độ tuổi. Có thể chính độc giả không nhận thấy: ẩn chứa trong những tác phẩm của ông không chỉ là các màn luyện chưởng võ biền, mà là thông điệp về cuộc sống, xã hội, nhân sinh. Bằng những hình ảnh các vị anh hùng, độc giả “cảm” được những ý niệm xã hội của Kim Dung, trước khi biết gọi tên chúng.
Thập kỷ 70, giữa giai đoạn Trung Quốc đang trải qua Cách mạng văn hóa, Kim Dung đứng ra và nói thẳng rằng các tác phẩm của ông tấn công chủ nghĩa sùng bái cá nhân. Thật vậy, những nhân vật nào được tôn lên mây xanh làm “võ lâm minh chủ” như Đông Phương Bất bại hay Nhạc Bất Quần rốt cuộc là những kẻ “lòng lang dạ sói”, đầy mưu mô hiểm độc. Đi cùng với đó tất yếu là sự phê phán quyền lực tuyệt đối, không từ thủ đoạn để thành công: cả Đông Phương Bất bại và Nhạc Bất Quần đều “tự cung” để luyện Quỳ hoa bảo điển và Tịch tà kiếm phổ, lên đến đỉnh cao của thiên hạ, rồi cùng có kết cục bi thảm.
Trong bài phỏng vấn, có lẽ là cuối cùng, của ông với New Yorker vào tháng 4 vừa rồi, Kim Dung còn khẳng định Hồng giáo chủ và Thần Long giáo - một giáo phái cuồng tín trong Lộc Đỉnh ký - là phép hoán dụ của ông với các phái chính trị trong giai đoạn đó.
Tác giả của những câu chuyện kiếm hiệp, nơi mà trong mắt nhiều độc giả khó tính, chỉ biết uống rượu, lang bạt, múa kiếm và tung chưởng, năm 1967 từng phải trốn sang Singapore khi bị liệt vào danh sách ám sát của một nhóm cực tả tại Hong Kong.
Những câu chuyện của ông còn là sự lựa chọn khó khăn giữa chính và tà, giữa lòng yêu nước và lợi ích của bản thân, giữa thuận theo cường quyền hay đi theo tiếng gọi của lương tri: Quách Tĩnh - một nhân vật người Hán sinh ra ở Mông Cổ - phải lựa chọn đi theo sức mạnh không thể cưỡng nổi của Thành Cát Tư Hãn hoặc đứng về phía dân tộc mình, hay Kiều Phong - một người Khiết Đan nhưng trưởng thành ở Trung Nguyên - nghe theo lệnh nhà vua hay đứng về phía anh em thân hữu của mình.
Những hình tượng đó là to tát, nhưng nếu quán chiếu lại, nó có thể đúng cho không chỉ là nhà nước, mà còn là với những cộng đồng nhỏ hơn ở các mức độ khác nhau. Những lựa chọn chính nghĩa, như trong truyện Kim Dung, nhiều khả năng mang lại thiệt thòi. Kiều Phong tự sát ở Nhạn Môn Quan, Quách Tĩnh - thay vì trở thành một ông vua dưới trướng Đại Hãn - phải chống lại kẻ chinh phục vĩ đại nhất. Với chủ nghĩa lãng mạn của mình, Kim Dung không cho phép các nhân vật chính, những người vô cùng lương thiện và có tâm hồn trong sáng, chịu đựng suốt đời.
Lớn lên, nhìn ra xã hội, soi chiếu tinh thần ấy vào những cuộc đấu tranh trong xã hội, tôi kịp nhận ra rằng duy trì tinh thần của Kim Dung khó khăn vô cùng; những anh hùng bảo vệ thành Tương Dương hiếm hoi ra sao; những Nhạc Bất Quần và Đông Phương Bất Bại dễ xuất hiện đến thế nào. Và chính lúc đó, tôi hiểu rằng việc nuôi dưỡng niềm tin trong sáng vào chính nghĩa, qua những tác phẩm chân phương in trong giấy màu nâu đã mủn năm xưa, quan trọng với đời người.
Trong “giang hồ” của Kim Dung, hay là trong xã hội thực của những mưu cầu chính trị và lợi ích, tác giả ấy đã tìm được cách truyền tải rất bình dị đến cho nhiều tầng lớp, về niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi sau cùng của chính nghĩa và lương tri.
Những đứa trẻ chúng tôi, đã rút trộm hàng rào để đuổi theo những ý niệm ấy, từ trước khi biết chúng thực sự là gì. Kim Dung nuôi dưỡng các thế hệ người đọc bằng việc thắp sáng hy vọng, rằng cứ sống tử tế, không vụ lợi, thì cuối cùng bạn sẽ được đền đáp. Mọi xã hội đều cần có niềm tin và hy vọng vào điều thiện, và có lẽ vì thế di sản của Kim Dung sẽ còn rất lớn dù ông đã đi về thế giới của riêng mình.
Nguyễn Khắc Giang
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/tieu-ngao-giang-ho

Không có nhận xét nào: