Lão Thi sĩ
NGUYỄN ĐỨC SƠN
Hư vô một cõi phiêu bồng
NGUYỄN MIÊN THẢO
Trước năm 1975,giới văn học miền Nam xếp thi sĩ Nguyễn Đức Sơn là một trong 4 quái kiệt của làng văn thời đó: Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn,Thế Phong, Phạm Công Thiện, vừa tài năng vừa ...quậy. Xin hiểu quậy ở đây có nghĩa là khác người đại để như N Đ Sơn ra biển nằm vọc c..., Bùi Giáng chui xuống gầm cầu Trương Minh Giảng (sát bên Viện Đại học Vạn Hạnh, nay là trường Đại học Sư phạm) để ngửi ...
Cũng có một sắp xếp khác thuần văn học hơn mà thi sĩ Nguyễn Đức Sơn cũng là một trong tứ trụ thi ca của miền Nam : Bùi Giáng, Nguỵễn Đức Sơn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên. Với sư sắp xếp của làng văn miền Nam thời đó hoàn toàn vô tư, trong sáng, không dựa trên quyền uy, chức tước, bè phái, điếu đóm như bây giờ mới thấy chỗ ngồi của Nguyễn Đức Sơn trên chiếu văn sáng như Sao Trên Rừng.
Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, bút hiệu Sao Trên Rừng, gốc Thừa Thiên Huế. Sinh năm 1937 tại Ninh Chữ, Ninh Thuận (Phan Rang). Ông từng theo học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn nhưng nửa chừng bỏ học. Trong lý lịch trích ngang trong tập thơ Những Bài Tình Đầu, ông viết :Sống vô gia cư, chết vô địa táng, và tuyên bố: Nếu trường Đại học Văn khoa Sài Gòn sản sinh ra được một nhà văn nhà thơ nổi tiếng tôi xin chịu chặt đầu.
Trước năm 1975, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm thơ, truyện ngắn nổi tiếng: Những Bài Tình Đầu, Đêm Nguyệt Động, Mộng Du, Cái Chuồng Khỉ, Cát Bụi Mệt Mỏi...Các tác phẩm của ông đều do Nhà xuất bản An Tiêm (Tỳ kheo Thích Thanh Tuệ) in ấn và phát hành.
Ông ở nhiều nơi Phan Rang, Sài Gòn, Bình Dương-Thủ Dầu Một, Blao-Lâm Đồng và sinh sống bằng nghề dạy học.
Sau năm 1975, ông về ở hẳn tại Phương Bối Am, Blao-Lâm Đồng, cách ly với sinh hoạt văn học. Ông nổi tiếng là lão thi sĩ vạn thông (vì ông trồng một vạn cây thông) với biệt danh Sơn Núi.
Nhà văn Võ Phiến, một nhà văn nổi tiếng đứng đắn và cực đoan đã có nhận xét độc đáo và thú vị về Nguyễn Đức Sơn:
"Hầu hết những ai bắt đầu xun xoe vào làng văn đều muốn tỏ ra khác người, nghĩa là ngông nghênh. Để có thể tha thứ những bậy bạ hư hỏng ở một kẻ nào, ta tắc lưỡi kêu: hắn trót có tí "máu văn nghệ" trong người. Trong đám văn nghệ với nhau thì nhố nhăng nhất phải thú thật là những chàng thi sĩ. Một nhà nho như ông Tản Đà mà để xứng danh thi sĩ ông cũng làm trò con nít: gửi thư lên chị Hằng, gánh thơ đi bán chợ trời v.v..Còn Chế Lan Viên thì thấy trăng sáng vội kêu: "Ta cởi truồng ra, ta cởi truồng ra " Nguyễn Đức Sơn không cần phải làm như thế. Hãy xem cốt cách của ông: điềm nhiên giản dị hơn biết bao:
đầu tiên tôi thở cái phào
bao nhiêu phiền não như trào ra theo
nín hơi tôi thở cái phèo
bao nhiêu mộng ảo bay vèo hư không...
(Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển )
Cứ thế ông thở "đủ kiểu. Rồi qua một bài thơ khác ông lại "khoái trí nằm thở nữa". Một đằng cố gắng làm ra lạ đời nên phải cởi truồng, phải chọc trời ghẹo trăng cho to chuyện; một đằng vốn có bản lĩnh tự nhiên, nên chỉ nằm mà thở thong thả cũng đủ độc đáo chán. Trong thơ, ta đã mấy ai nghe những tiếng thở cái phào cái phèo ngang tàng như vậy? (Nhất là đọc cho đến hết bài "thở đủ kiểu" ta giật mình thấy không phải đó là cái ngông vô cớ, ta không ngờ những hơi thở ấy lại đưa ta đi xa đến thế.) Khi Chế lan Viên muốn cho khác thường, ông đòi: "Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh", còn Nguyễn Đức Sơn thì chẳng xin một tinh cầu nào, cứ việc nằm ngay trên bờ biển mà vọc c... Khi Chế Lan Viên muốn tỏ ra ngông, ông đòi cởi truồng để tắm trăng; còn Nguyễn đức Sơn thì lại lăn cù trên bờ biển, rồi ngủ quên trên bờ biển, nửa khuya bị mưa ướt, thức dậy tự hỏi mình: "đã đời chưa con?” (Trích "Văn học miền Nam" của Võ Phiến.)
GIỚI THIỆU LAI RAI Thơ Nguyễn Đức Sơn
HÀNH ĐỘNG
các em hãy cùng công kênh trái đất
dang chân dài lấy thế trước hư vô
anh núp rình sợ thần thánh về xô
dành tác phẩm muôn đời to lớn nhất.
BẮT ĐẦU THỞ
bắt đầu thở là bắt đầu hạnh phúc
không bao giờ anh nói dối em đâu
ôi bất động ngàn năm thân gỗ mục
cửa tồn sinh em hãy mở cho lâu.
THI SĨ
khi ý thức mặt đất này dang dở
ta vội chìm trong bóng nguyệt mang mang
khi chấp nhận một ngàn lần đổ vỡ
ta một hồn đắm đuối giữa tan hoang.
TÔI THẤY MÂY RỪNG
một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi
thôi nhé ngàn năm em đã qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa
QUÊ HƯƠNG
tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ruộng xưa cò bay thẳng cánh
gặt hái vừa độ trăng liềm
mười mấy năm rồi dì nhỉ
lạc loài xa mãi cố hương
giờ đây ngồi mà suy nghĩ
lòng dạ ai người không thương
quê mình ai còn ai mất
đi rồi gươm súng mùa thu
khóc mãi từng đêm lưu lạc
nói ra thêm oán thêm thù
ngỏ về làm sao ngài ngại
xe cộ có dễ dàng không
kháng chiến người đi chưa lại
lúa khô héo cả ruộng đồng
ông ngoại chắc già ghê lắm
mấy người dì nữa nhưng thôi
đất cằn quê hương nứt rạn
kể thêm đau lòng dì ơi
dù sao cũng là xứ sở
đói nghèo đừng lạt tình thương
mười năm không cúng không giỗ
dì về ấm lại khói hương
tháng bảy dì về đơm nhãn
nhớ mang ra ít giạ chiêm
ở đây làm gì có bán
thấy người ta ăn bắt thèm.
MAI KIA
Mai kia tan biến hận thù
Giữa đêm sao chiếu mịt mù phương đông
Cha về ôm cả biển sông
Duỗi chân duỗi cẳng nằm không một đời
Cho con cha hứa một lời
Đuổi mây thiên cổ rong chơi suốt ngày
Thu nào tóc bạc òa bay
Có con chỉ trỏ mới hay tuổi già
Cúi hôn trời đất đậm đà
Cha tan theo bóng trăng tà vạn niên
ĐỐT CỎ NGOÀI RỪNG
Xem cha đốt cỏ ngoài rừng
Nâng niu mẹ ẵm theo mừng không con
Có vài chiếc lá còn non
Gió xua lửa khói nổ giòn trên không
Nắng tà trãi xuống mênh mông
Bước theo chân mẹ cha bồng hư vô
NHÌN CON LẬP TẬT
Nắm tay lật úp đi con
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn
Muốn cho đời sống không cằn
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây
TRÊN BỜ HƯ KHÔNG
một đêm sao ở trên rừng
đua nhau rụng xuống chào mừng nhân gian
hồn tôi cây cối liên hoan
rưng rưng tôi thấy trăm ngàn ước mơ
tuổi vàng suối mộng trời thơ
lớn lên tôi chết trên bờ hư không.
ĐÊM KHƠI
lênh đênh thuyền giạt xa miền
nửa đêm bừng tỉnh man thiên một trời
trông lên thượng đế đi rồi
hỏi mây thái cổ con người vân vi
lối mòn cỏ mộ xanh rì
ngoài ra kìa chẳng có gì nữa sao
đảo buồn thổi gió lao xao
ngàn xưa còn tiếng thì thào biển khuya
NGHE TIẾNG GÀ RỪNG GÁY
chợt nghe tiếng gáy rụng rơi
khóc lên tang hải giữa trời tha ma
từ sương mai đến ác tà
khuất trong thiên cổ dấu gà hiển linh.
MỘT TÂM ẢO TƯỢNG
xe chênh bánh giữa luân hồi
ưu bi chở ngập bên trời bao la
ngày chưa sụp bóng ta bà
đã nghe chừng Hội Long Hoa đến rồi
một ngài Di Lặc xa xôi
một tâm ảo tượng tôi ngồi thâu đêm.
NGÀN SAU
về đây say với trăng ngàn
phiêu diêu hồn ngập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi
mai kia tắt lửa mặt trời
chuyện linh hồn với luân hồi có không
thái hư chừng sắp chuyển vòng
đại dương tràn kéo núi đồng tan đi
chúng ta chờ ước mong gì
văn minh gửi cát bụi về mai sau..
(Từ bài Trên Bờ Hư Không đến bài Ngàn Sau
trích trong Những Bài Tình Đầu, tập 3: Lời Ru).
Thơ Nguyễn Đức Sơn
(Đăng trên Tạp chí ĐỐI DIỆN,tháng 5.1971)
NHỮNG BUỔI TRƯA CÂM
từ hôm lính trói anh về
chuông tù réo gọi não nề thân tâm
bịt bùng những buổi trưa câm
anh thường náo nức được đâm mặt trời
(kỷ niệm Tổng nha,trại B phòng 17,ngày 28.5.1968)
CHÚT LỜI THỞ THAN
mỗi ngày cúi xuống hạt cơm
anh nghe thấu một mùi thơm lạ lùng
cắn đôi hạt muối thường dùng
biết ơn trời đất vô cùng em ơi
trăm năm ta sống một đời
ngàn năm gửi lại chút lời thơ than
(kỷ niệm Tổng nha,trại c,phòng 36,5.6.1968)
NÓI VỚI QUÁN THẾ ÂM
Kính gửi hương linh Sư Bác,nhà sư Việt Nam đầu tiên
Đi Tây Tạng về và là một trong những nhà sư
kháng chiến nổi danh của miền Nam
cho con xin một chút trăng
đêm nay mười bốn phải chăng khởi đầu
trên cao toả sáng nhiệm mầu
sao con chỉ thấy địa cầu tối om
bốn bên súng chĩa đen ngòm
thiết tha tâm Phật con dòm vô trong
(kỷ niệm trại c quên phòng quên ngày)
SỰ THẬT
năm thằng ngột thở trong phòng
năm thằng tù nữa muốn thòng cổ ra
căn phòng thước sáu nhân ba
thầy chú bắt được chết cha chúng mày
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng17,26.5.1968)
KỶ NIỆM BÌNH DƯƠNG
những chiều sẩm tối anh về
em ra lớp dạy đi kề vai anh
một thân áo cánh mong manh
hôn nhau lệ nhỏ trung thành cho nhau
cầm tay ta bước đi mau
hình như bố ráp đằng sau xóm này
nhìn nhau bụng trống một ngày
mà sao hạnh phúc giăng đầy nhà thôi
nửa khuya sao chiếu xa vời
ở trong thiên cổ anh ngồi bên em
(Kỷ niệm Tổng nha,trạiB,phòng 17,24.5.1968)
LẠI CHUYỆN THẬT
người tù thổ huyết chết tươi
tên y tá đến đứng cười nhe răng
một mình y nói rất hăng
mười lăm phút nữa có băng ca rồi
(kỷ niêm Tổng nha trại B,phòng 17,26.5.1968)
CHUYỆN NGÀY XƯA
nửa đêm thức dậy nấu chè
lim dim hai mắt ai dè rất ngon
gọi em giấc mộng vuông tròn
trăm năm bếp lửa chưa bòn đâu em
(kỷ niệm Tổng nha trại B , phòng 17,24.5.1968)
BẦU TRỜI NGÀY MAI
trời sinh ta có tay chân
đẹp hơn đôi cánh thiên thần biết bao
phi thuyền tăm tắp trăng sao
ta cùng đứng dậy nghiêm chào hư không
bơi trong thế giới đại đồng
tay ôm trời rộng tay bồng thân em
(kỷ niệm Tổng nha trại C ,phòng 36,5.6.1968)
NHỚ CHÙA XƯA
Thân kính tặng cô Sáu,Tây Tạng Tự Bình Dương,
một trong những người đàn bà hiếm hoi và lạ lùng nhất
tôi đã gặp trên cõi ta bà này
bao giờ trở lại chùa xưa
viếng thăm cây cỏ cho vừa lòng nhau
trưa nằm nghe chút thương đau
tan theo mây trắng phau phau trên đồi
(Kỷ niêm Tổng nha,trại B,phòng 17,28.5.1968)
Thơ Nguyễn Đức Sơn
(Đăng trên Tạp chí TRÌNH BẦY số 18,ngày 22.4.1971)
CÁM ƠN TÙ
(tặng Võ Sỹ Khải,quen nhau ở trại C)
cám ơn ghẻ mọc đầy mình
cám ơn bệnh hoạn chung tình với ta
cám ơn dái tróc đầy da
cám ơn tù dẫn tôi ra khỏi đời
cám ơn tất cả xa rồi
hôm nay tôi thấy tôi ngồi bên tôi
(kỷ niệm Tổng nha,trạiC,quên phòng,quên ngày)
CHÒM XÓM CŨ
có ai về được Bình Dương
hỏi thăm hàng xóm có thường hay không
đêm đêm bom tưới đầy đồng
những oan hồn cụ bế bồng đi đâu
(kỷ niệm Tông nha ,trai B,phòng 17,27.5.1968)
NẰM MỘNG TRONG TÙ
bên trong khung cửa sắt này
anh ngồi đếm lại từng ngày xót xa
đêm qua mơ trốn về nhà
ôm em ngủ suốt canh tà với trăng
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng 17,22.5.1968)
HOÀI CẢM
những ngày anh sống bên em
những trưa tóc ngủ êm đềm biết bao
những lần em ốm xanh xao
những oan khiên dẫn anh vào đau thương
những đêm hạnh phúc vô lường
đố em cây cỏ bên đường biết không
(kỷ niệm Tổng nha,trại B,phòng 17,22.5.1968)
SAU KHI TẮM
sáu mươi thằng đứng tồng ngồng
xoay qua trở lại đừng hòng nghe con
chúc cho thân thể chết mòn
để xem thần trí mày còn hay không
(kỷ niệm Tổng nha,trại C,quên phòng ,quên ngày)
Thơ Nguyễn Đức Sơn chép theo trí nhớ
1
Thở hổn hển là bắt đầu sướng nhất
Cỏ cây nằm im bẹp giữa hôn mê
Giường tre cũng rung rinh như trái đất
Nên suốt đời tôi thích ở nhà quê
2
Năm mười sáu có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong anh vừa thức dậy
Suốt bầu trời ướt mượt cả lông măng
3
Mai sau bé lớn làm chi
Trăm năm đừng có lo đi lấy chồng
Nhớ lời ta dặn nghe không
Vạn năm đừng có lấy chồng lam chi
Làm chi trên thế gian ni
Triệu năm đừng có lo đi lấy chồng
Rủi ro tay bế tay bồng
Sao bằng ôm cả trời hồng đi chơi
ĐÁM CƯỚI
THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN
Nguyễn Miên Thảo
(Viết theo trí nhớ)
Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.
Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.
Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”
Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.
Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không nghĩ ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!
Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .
N.M.T
Chú thích ảnh: Đặng Phú Phong, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đức Sơn
NGƯỜI ĐÀN BÀ TRÊN ĐỒI CỎ
(về gia đình thi sĩ Nguyễn Đức Sơn)
Bút ký Đào Hiếu
Năm đó Phượng mười bảy tuổi.
Năm đó chùa Tây Tạng ờ Bình Dương có một vị Phật tên gọi là Tỳ Lô Giá Na và một cô tiên nhỏ tên là Annie Phượng. Buổi tối khi các tín hữu đã xong lễ về nhà, khi thầy trụ trì và các sư sãi đã tụng xong bài kinh Kim Cang Đảnh, khi rừng cây đã im lặng, mái chùa đã chìm khuất trong màn đêm… thì ánh sáng của hai vầng hào quang tỏa ra, ôm lấy ngôi chùa. Một vầng sáng màu tím nhạt, ấm áp của đức Phật và một vầng sáng trắng tinh khiết của Phượng.
Hào quang của Phượng tươi mới, rực rỡ như một khóm hoa lung linh trong sân chùa. Annie Phượng không phải là ni cô, không đi tu, nhưng hai mươi năm sau, khi theo Nguyễn Đức Sơn lên rừng, nàng đã hóa thân thành Bồ tát.
Tôi chưa từng gặp Phượng thời con gái. Cũng chưa từng gặp Phượng năm nàng hai mươi tám tuổi dắt con theo chàng thi sĩ ngông cuồng lên rừng. Tôi chỉ gặp nàng khi nàng đã vượt qua chín tầng địa ngục, qua những cái chết, những cơn bệnh, những đám cháy rừng và những cơn đói.
Nhưng tôi vẫn biết nàng rất đẹp.
Trịnh Công Sơn cũng biết nàng rất đẹp.
Nguyễn Đức Sơn thì chửi bới, nguyền rủa mọi thứ. Tôi nói:
-Tôi đến đây để tìm một Nguyễn Đức Sơn “vĩ đại” nhưng tôi chỉ gặp một Phượng vĩ đại. Nếu không có người đàn bà này, ông đã chết rồi Sơn ạ.
Sơn chửi thề. Và Phượng im lặng. Luôn luôn im lặng. Một cái bóng mảnh mai ngồi bất động trong hoàng hôn, trên mặt đất đầy lá khô và cỏ. Một khuôn mặt đầy nếp nhăn và một đôi mắt đẹp đầy những dấu chân chim.
&
Năm 1972 Nguyễn Đức Sơn trốn lính, về tá túc ở Bình Dương, dạy Anh văn tại một tư thục. Nếu không gặp Phượng hắn sẽ chẳng có tác phẩm nào ra hồn. Phượng rọi hào quang của nàng vào cái đầu mê gái tơi bời của hắn và hắn được cô “độ” cho thành…thi sĩ. Tác phẩm “Đêm Nguyệt Động” ra đời từ dòng nước cam lồ róc rách tuôn ra từ nhục thể của “thánh cô” Annie Phượng.
Và huyền thoại đã bắt đầu:
Năm mười bốn có lần anh ngó thấy
Em cởi truồng ngoe nguẩy cuối vườn trăng
Hồn thảo dã trong đêm vừa thức dậy
Khắp bầu trời ướt mượt cả lông măng
Từ dạo đó xác hồn anh mất hết
Một đêm nào trở lại cõi vô biên
Đời anh đó đâu có bằng hạt cát
Đã vô tình vương dưới gót chân em
Từ đó chàng thi sĩ luôn trộn lẫn trần tục với bồng lai nên khi cô nữ sinh “tụt quần xuống đái” thì hào quang cũng rực sáng muôn trùng.
Trên rừng vắng một mình anh hái trái
Bỗng mơ hồ trông thấy quá nhiều chim
Bên mương vắng em tụt quần xuống đái
Anh thấy càn khôn rụng xuống trong tim
Nhưng những vần thơ mê gái thượng thừa ấy cũng không lay động được Annie Phượng. Chàng khóc lóc, rên siết, quỳ lạy…cũng chẳng ăn thua, bèn dùng “khổ nhục kế”. Nếu như ngày nay thì chàng thi sĩ sẽ quấn chất nổ quanh mình rồi lao vào “đánh bom tự sát”, nhưng Nguyễn Đức Sơn thời đó đã trèo lên thành giếng và kêu lên: “Bớ Chúc Anh Đài! Ta chết đây!” làm Phượng hoảng hốt.
Cuộc hôn nhân đã bắt đầu như vậy.
&
Cuối đời nhà Thương, Vũ Vương cử binh đi đánh Trụ. Bá Di, Thúc Tề cản lại mà rằng: “ Bầy tôi đánh vua để cướp nước, thế có gọi là nhân được không?”
Khi vua Vũ diệt được Trụ, dựng nên nhà Chu, thiên hạ ai cũng tôn phù. Bá Di, Thúc Tề chê là bất nghĩa, không thèm ăn thóc nhà Chu, cùng nhau lên núi Thú Dương, hái rau vi mà độ nhật.
Sau có người đến bảo rằng : “Nhà Chu đã trị thiên hạ, thì nơi nào lại chẳng phải của nhà Chu, ăn rau núi này chẳng phải ăn rau nhà Chu ư?” Hai ông nghe nói, bèn nhịn đói cho đến chết.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đức Sơn bỏ đời, đưa vợ con lên núi. Tuy ông không đến nỗi “dở hơi” như Bá Di và Thúc Tề nhưng ông cũng cực đoan đến nỗi cấm không cho các con học chữ.
Lúc ấy hình như Phượng mới có ba đứa con: Nguyễn Đức Thạch, Nguyễn Đức Thảo và Nguyễn Đức Vân. Hàng ngày hai vợ chồng phải vô rừng bẻ măng, hái rau rừng, đào củ mài về ăn thay cơm. Sau đó họ trồng rau lang vừa để ăn vừa để bán.
Buổi sáng Phượng thường dậy rất sớm. Chiều hôm trước mấy mẹ con đã cắt rau lang bó thành từng bó lớn để sẵn trong sân. Nguyễn Đức Vân giúp mẹ cột các bó rau lên chiếc xe đạp rồi vịn xe cho mẹ ngồi. Phượng đạp xe qua những lối mòn trong rừng để ra chợ. Nguyễn Đức Vân chạy yểm trợ phía sau. Mỗi lần lên giốc Vân đẩy phụ xe cho mẹ. Khi xuống giốc Vân phải rị xe lại, nếu không xe sẽ lao đi, ném Phượng xuống triền giốc.
Hai mẹ con ra đến chợ lúc bốn giờ sáng. Trời còn tối mù, có hôm sương xuống dày đặc nhưng mồ hôi toát ra ướt áo. Vân trải tấm ny-lông xuống đất ngay trước cổng nhà thờ cho mẹ nằm. Phượng, nằm nghiêng, bó gối, thiếp đi một lúc.
Khi tiếng chuông nhà thờ vang lên, hai mẹ con thức giấc. Lác đác đã có tiếng người và tiếng bước chân xôn xao quanh khu chợ nhỏ.
Hai mẹ con đẩy xe rau đến đó.
&
Ba anh em tìm được một vạt rau rừng tươi tốt. Hôm nay không có măng và củ mài cũng cạn kiệt, những con nhím đã đến trước và lấy đi hết. Ba anh em trở về với một gùi rau.
Phượng đem rửa ngoài chái nhà và bắc nồi nước.
Trong vò chỉ còn một lon gạo.
Cả nhà xúm quanh nồi rau rừng.
Mớ rau ấy mang những độc tố gì? Sau bữa ăn mọi người đều chìm vào một cơn mê ngủ. Hai vợ chồng và ba đứa con trai, tất cả năm người nhưng chỉ có 4 người thức dậy. Nguyễn Đức Thảo đã ngưng thở. Bệnh viện cũng không cứu được. Thảo chết có lẽ vì sau bữa ăn em còn uống thêm một bát nước rau luộc. Năm ấy em mười ba tuổi.
Em nằm trên chiếc giường tre nhỏ, chiếc áo đang mặc trên người đã rách tả tơi, xơ xác đến nỗi không thể vá được nữa. Phượng ngồi bên giường. Giọt nước mắt mệt mỏi vừa ứa ra đã nhòe trên gò má nhăn nheo.
Mấy anh em không ai có được chiếc áo lành để mặc cho đứa em bất hạnh. Phượng lục tìm trong mớ áo xống của mình, chọn được một chiếc tương đối lành lặn. Bà lấy kim chỉ, ngồi bên giường của đứa con trai vừa vá lại những chỗ sờn rách vừa khóc:
-Con ơi! Mẹ xin lỗi vì đã không có được một chiếc áo lành để chen thân cho con lúc con ra đi. Hãy mặc tạm chiếc áo của mẹ.
Nguyễn Đức Sơn thì bất động như một gốc thông già, lặng thinh như hòn đá nám khói.
Ông chôn con mình trên đồi thông rồi ném cái cuốc xuống triền giốc. Ông ôm lấy nấm đất đen và khóc ngất.
&
Cũng từ đó Phượng im lặng. Nguyễn Đức Sơn thắp ngọn đèn dầu, viết những gì ông nghĩ. Bôi xóa. La hét. Vò nát bản thảo, vứt bừa bãi trong xó tối, trên nền đất đen ẩm ướt.
Phượng đi lại trong túp lều như cái bóng. Bà gom những tờ bản thảo bị vò nát, vuốt cho chúng thẳng ra, xếp lại theo thứ tự rồi ngồi lại cái bàn gỗ ọp ẹp, trước cái máy chữ. Bà đánh máy lại những tác phẩm của chồng.
Xong việc, bọc theo mấy củ khoai và vác cuốc vô rừng. Bà gom lá khô lại, đốt thành tro rồi đem bón cho những gốc thông mà Sơn đã trồng mấy tuần trước đó. Bà dọn cỏ cho những luống mì, luống khoai. Lưỡi cuốc miệt mài. Hai bàn tay sạm đen, khô cứng.
Mỗi ngày bà làm việc trong rừng tới khi tắt nắng mới về. Cơm nguội buổi sáng vẫn còn. Mấy con cá kho nhỏ như ngón tay. Trong bữa ăn không ai nói gì, cũng không ai than thở.
Đời sống vật vã như cơn gió đang mắc kẹt trong rừng thông. Hoàng hôn che khuất dần mảng trời trước khung cửa.
Hôm sau Phượng lại vác cuốc vô rừng. Buổi trưa, Phượng ngồi trên đồi thông, hát một mình những ca khúc thời con gái. Gió rì rào từ dưới lũng thấp thổi tới.
Phượng vừa chợp mắt đã nghe nóng rát mặt. Gió hừng hực. Nó ập tới mạnh mẽ khác thường. Nó mang theo tiếng răng rắc của củi cháy.
Phượng đứng dậy, dùng cuốc xúc đất vãi vào lửa. Nhưng lửa sỗ sàng. Khói cuộn lên như đám mây lớn. Những nắm đất nhỏ nhoi của bà trở nên vô nghĩa. Hơi nóng táp vào mặt. Lửa rừng rực, xồng xộc tới như bầy tê giác điên.
Phượng sợ hãi nhưng không bỏ chạy. Bà cầm cây cuốc. Hai tay run bần bật. Lửa đã trùm lên cả một mảng rừng, Lửa đỏ trời, che khuất những đám mây.
Phượng sợ quá nhưng không chạy được. Bà quỵ xuống, gãy gập như cây bắp khô.
Vừa lúc Nguyễn Đức Vân chạy tới. Phượng đã bất tỉnh.
&
Nguyễn Đức Sơn lấy cái mền, cột túm hai đầu, luồng một cành cây vào giữa. Cùng với Nguyễn Đức Vân, hai cha con cáng mẹ băng rừng ra phố. Vừa chạy vừa khóc. Gai tre và cành cây cào xước mặt. Máu lẫn với nước mắt.
Nhưng trời vẫn còn thương cha con chàng thi sĩ ngông cuồng.
Phượng đã tỉnh lại.
Ba hôm sau Trịnh Công Sơn từ Sàigòn lên, ghé bệnh viện Bảo Lộc.
Sơn Núi hỏi:
-Mày lên đây làm gì?
Sơn nhạc sĩ đáp:
-Thăm Phượng. Sao nỡ hành hạ người ta đến vậy?
Sơn Núi bỏ đi.
Trịnh Công Sơn ở lại với các con của Phượng. Có lẽ hôm đó là một ngày của năm 1982. Tôi không biết, và các con của Phượng cũng không biết chính xác là ngày và tháng nào. Trịnh Công Sơn đã tặng cho gia đình Nguyễn Đức Sơn 60 triệu đồng. Thời điểm đó số tiền ấy rất lớn.
Nó đã cứu Phượng, đã giành giựt Phượng khỏi tay tử thần.
&
Cuộc rượu cũng tàn theo nắng xế. Nhưng những lời vung vít của chàng cuồng sĩ thì vẫn còn sôi nổi. Bóng tối đã tràn ngập rừng cây, đồi cỏ và những lối mòn. Phượng và mấy cô con gái tiễn chúng tôi về. Khi xuống tới cuối ngọn đồi, Phương Bối – cô con gái lớn của Sơn và Phượng – nói:
-Chú ạ, ba con chửi đời và tỏ vẻ bất cần đời nhưng đó chỉ là để che giấu nỗi buồn, che giấu sự cô đơn của ông. Và trong thâm tâm ông cũng biết là ông đã sai lầm khi đưa tụi con lên đây và cấm tụi con đi học.
Đó là bi kịch của ông. Bi kịch của Sơn Núi. Bi kịch của Nguyễn Đức Sơn thi sĩ.
Ngày 24.11.2008
(Bài này đã đăng trên báo Xuân DOANH NHÂN SÀIGÒN với bút hiệu Hà Danh)
1 nhận xét:
Đào Hiếu bịa chuyện ghê quá, Sơn núi ăn chay từ đời nào, thế mà lại dám viết : "Mấy con cá kho nhỏ như ngón tay. Trong bữa ăn không ai nói gì, cũng không ai than thở."
Còn chuyện Trịnh Công sơn cho Sơn núi 60triệu thời điểm 1982 thì đúng là bịa kinh người. Năm 1982 có mà bán cả SG đi may ra mới có được 60triệu
Đăng nhận xét