Dòng chảy cổ nhạc từng đạt dấu mốc huy hoàng với hàng trăm đoàn hát và nhiều tượng đài nghệ sĩ vào thập niên 1950-1960.
Năm 2017 - 2018 đánh dấu chặng đường một thế kỷ phát triển của cải lương
- bộ môn nghệ thuật "đặc sản" của Việt Nam, nhất là với người dân Nam
bộ. Trong khoảng 100 năm phát triển, cải lương trải qua nhiều giai đoạn
thăng trầm. Cải lương hình thành giữa phong trào canh tân đầu thế kỷ
trước, phát triển hưng thịnh vào thập niên 1950 - 1960, rồi dần tụt dốc
vào đầu những năm 1990.
Cải lương ra đời khi nào?
Độ chính xác về năm ra đời bộ môn nghệ truyền thống Nam bộ còn là điều
gây tranh luận. Năm 1966, giới văn học Sài Gòn tổ chức chương trình Kỷ
niệm 50 năm cải lương tại trường Quốc gia Âm nhạc (Nhạc viện TP HCM ngày
nay), hội tụ đông đảo trí thức Sài Gòn đương thời. Điều này đồng nghĩa nhiều văn nghệ sĩ lúc đó mặc định sân khấu cải lương ra đời vào năm 1916. Tuy nhiên, theo cuốn Nghệ thuật sân khấu Việt Nam
của tác giả Trần Văn Khải - xuất bản cuối năm 1970, cải lương ra đời
vào năm 1917. Cố Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê nêu cải lương chào đời
năm 1918 trong luận án tiến sĩ của ông tại Văn khoa (môn Nhạc học) của
Đại học Sorbonne, Pháp. Còn trong cuốn hồi ký 50 năm mê hát của
học giả Vương Hồng Sển bày tỏ sự bối rối về gốc tích và thời gian khai
sinh cải lương. Theo học giả, mốc thời gian này có thể dao động trong
khoảng 1918 - 1919 đến năm 1922. "Cải lương là đứa con không cha nên
mạnh ai muốn khai tên cha mẹ và khai năm sanh tháng đẻ làm sao cũng
được", Vương Hồng Sển từng ví von.
Thầy Năm Tú - người lập ra một trong những gánh cải lương đầu tiên ở
miền Nam vào đầu thập niên 1920 và phổ biến cải lương nhờ phát hành đĩa
hát. Ảnh tư liệu.
|
Cải lương là loại hình phát triển, cách tân từ bộ môn đàn ca tài tử và hát bội. Trong quyển Bước đường của cải lương (NXB
Tổng hợp TP HCM, 2018), tác giả Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, sau bảy năm
tìm hiểu và đúc kết nhiều nguồn tư liệu, ông nhận thấy cải lương hình
thành từ ca ra bộ (ca thay phiên) - biến thể của đờn ca tài tử. Công đầu
đưa cải lương bước ra sân khấu thuộc về các văn sĩ Hồ Biểu Chánh, Đặng
Thúc Liêng, theo học giả Vương Hồng Sển. Hồ Biểu Chánh khi ấy đã cùng
nhiều bạn bè là các đốc phủ lập ra gánh hát dạo, lưu diễn từ Sài Gòn đến
lục tỉnh miền Tây. Đặc trưng các tuồng thời kỳ này là hát nửa bội, nửa
kịch, mặc xiêm y áo giáp thời xưa nhưng hát, nói suông, diễn tả một cách
tân thời cho dễ nhớ, dễ nghe.
Theo sách Nghệ thuật sân khấu Nam bộ (NXB Tổng hợp TP HCM) của
tác giả Thiện Mộc Lan, từ "cải lương" mang ý nghĩa là sự kết hợp của hai
thể loại ca và kịch. Phần ca xuất phát từ giai đoạn cổ nhạc phát triển
cao trào từ năm 1909 đến năm 1914. Phần kịch ra đời dựa trên khởi xướng
của nhiều giáo sư người Pháp - nhằm đưa môn kịch nghệ sang Việt Nam phục
vụ cho quân đội. Soạn giả cải lương đầu tiên - ông Trương Duy Toản, với
các vở như Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều, Lưu Bình Dương Lễ... - cũng là dân Tây học. Vở tuồng Kim Vân Kiều của Trương Duy Toản biểu diễn tại rạp thầy Năm Tú đã được xem là một trong những vở khai sinh nghệ thuật cải lương.
Phát triển rực rỡ
Hàng loạt gánh hát ra đời chuẩn bị nền tảng cho bộ môn nghệ thuật thuở
sơ khai như: gánh Thầy Thận Sa Đéc, Thầy Năm Tú, gánh hát kim thời "Đồng
bào Nam" Mỹ Tho... Tiếp đó, những gánh đầu tiên của thập niên 1920 -
1930 được ra mắt như Nam Đồng bang, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Hồng Nhựt,
Nghĩa Hiệp bang... Trong đó, hai bang Phước Cương và Trần Đắc nổi lên
với các tuồng đa thể loại, từ tuồng tích của Trung Quốc, loại xã hội đến
các tuồng phóng tác như Tơ vương đến thác, Giá trị và danh dự...
Sang thập niên 1930 - 1940, nhiều gánh mới tiếp tục được thành lập, tạo
nên bức tranh sống động, đa diện của cải lương đương thời, với các gánh
hát Phi Phụng, Phụng Hảo, Thái Bình... Loạt gương mặt nghệ sĩ xuất sắc
thời kỳ này như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nam, Bảy Nhiêu, Ba Vân,
Út Trà Ôn... đánh dấu mốc son rực rỡ mới của cải lương.
Vở "Xử án Bàng Quý Phi" do các nghệ sĩ Năm Phỉ, Bảy Nhiêu... biểu diễn
tại Paris năm 1931. Ảnh trong bộ sưu tập của Clemens Radauer - một nhà
sưu tập người Áo.
|
Trải qua vài năm chững lại vì khủng hoảng kinh tế, sau năm 1945, cải
lương tiếp tục đi lên với hàng loạt gánh hát như Con Tằm, Hậu Tấn Năm
Nghĩa, Hậu Tấn Bảy Cao, Minh Tơ... cùng các bang được tái lập như Phụng
Hảo, Sao Mai... Hai gánh hát Thanh Minh, Hoa Sen ra đời, thay thế cho
hai đoàn Năm Nghĩa và Bảy Cao và đều trở thành những đoàn cải lương đại
bang sau này.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thiện
Mộc Lan, từ năm 1955 đến đầu thập niên 1960, cải lương đạt mốc phát
triển thịnh vượng nhất ở miền Nam. Nhiều đoàn hát trỗi
dậy và tạo được tên tuổi như Kim Thanh, Kim Chung, Thanh Minh (sau đổi
thành Thanh Minh - Thanh Nga), Kim Chưởng, Song Kiều, Út Bạch Lan -
Thành Được, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu... Mỗi gánh hát lớn lại mạnh về
một thể loại riêng. Chẳng hạn, đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân thiên
về tuồng đời sống hiện đại, với cảnh vũ trường, quán bia ôm... trên sân
khấu; đoàn Kim Chung của ông bầu Long chuyên về tuồng kiếm hiệp, diễm
tình, đoàn Thanh Minh của bà bầu Thơ khai thác mảng tâm lý xã hội, đoàn
Minh Tơ, Huỳnh Long chuộng cải lương hồ quảng...
Mỗi đoàn một vẻ, tựu trung lại thành một giai đoạn đầy màu sắc của sân
khấu cải lương thời hoàng kim. Thời điểm này, cải lương có khoảng 100
đoàn hoạt động từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, được miêu tả là giai đoạn
"trăm hoa đua nở". Riêng Sài Gòn có khoảng 40 đoàn cải lương với 20 "lò"
luyện cổ nhạc...
NSND Phùng Há - một trong những tên tuổi đại diện cho thời vàng son của cải lương. Ảnh tư liệu.
|
Nhiều nghệ sĩ trở thành thần tượng của giới mộ điệu, đánh dấu "thời kỳ
vàng" như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Dũng
Thanh Lâm, Minh Cảnh, Minh Phụng, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Minh Vương, Lệ
Thủy, Út Bạch Lan, Thanh Sang... Các suất hát cải lương ở Sài Gòn đều
đông kín khán giả đến xem. Cuộc sống các nghệ sĩ - soạn giả ngày một
sung túc. Cùng đó, một giải thưởng cho lĩnh vực cổ nhạc là Thanh Tâm -
lấy tên của một ký giả nổi tiếng đương thời, được tổ chức từ năm 1958
đến 1967. Người nhận giải đầu tiên là cố NSƯT Thanh Nga -
cũng là nghệ sĩ được mệnh danh "nữ hoàng sân khấu" sau này. Sự phát
triển của cải lương còn lấn át cả tân nhạc, khiến nhiều nghệ sĩ - tiêu
biểu là Hùng Cường - chuyển lĩnh vực và đạt được nhiều thành công.
Trong một bài phỏng vấn với VnExpress,
NSND Lệ Thủy miêu tả vào thời vàng son của cải lương, mỗi đêm diễn,
người xem phải sắp hàng mua vé chợ đen. "Hồi xưa đi hát, khoảng 200 vé
là diễn viên chê. Phải cả nghìn vé trở lên thì đêm hát mới diễn ra. Từ
sáng sớm, các xe đi phát tờ bướm đông vui, rôm rả. Còn nhiều vùng quê
chưa có đèn điện, phải chạy điện bình. Mỗi lần ghe hát về đến ngã tư
sông, người ta kéo đến đông như ngày hội", Lệ Thủy hồi tưởng.
Lúc này, sân khấu đón nhận hàng loạt gương mặt soạn giả được yêu thích
như Điêu Huyền, Viễn Châu, Hà Triều - Hoa Phượng, kết hợp với lớp soạn
giả đàn anh như Năm Châu, Trần Hữu Trang, Lê Hoài Nở... tạo nên một hệ
thống kịch mục đồ sộ cho cải lương Nam bộ. Dấu ấn trong thời kỳ này là
việc ra đời thể loại tân cổ giao duyên, đưa cải lương, vọng cổ lên một
nấc thang mới. Người đi đầu trong những tác phẩm thể loại này là "vua vọng cổ" - NSND Viễn Châu. Nhiều bản tân cổ của ông chiếm lĩnh sân khấu, tiêu biểu là Câu chuyện đầu năm (Minh Vương - Thanh Kim Huệ), Thương về miền Trung (Thanh Tuấn), Nỗi buồn hoa phượng (Minh Phụng - Hương Lan), Trương Chi - Mỵ Nương (Mỹ Châu - Thanh Tuấn)...
Cuối thập niên 1960, sự xâm lấn của phim ảnh Mỹ, Hong Kong, Ấn Độ...
khiến công chúng không còn đoái hoài nhiều đến cải lương. Tại Sài Gòn,
nhiều gánh gượng gạo hoạt động để cầm hơi. Cuối năm 1972, đại bang Bạch
Tuyết - Hùng Cường ra đời, hoạt động chưa đầy một năm thì giải tán. Tuy
nhiên, giai đoạn này, cải lương được miêu tả chỉ "chết lâm sàng".
Bước sang thập niên 1980, với sự góp mặt của loạt tên tuổi mới, cải
lương trỗi dậy. Lúc này, đoàn cải lương Nam Bộ - tiền thân của Nhà hát
cải lương Trần Hữu Trang hiện tại - từ Bắc trở về Nam, thổi luồng gió
mới vào sân khấu đương đại với lối dàn dựng, diễn xuất sáng tạo, mới mẻ
từ phương Bắc. Cải lương sống dậy với nhiều nghệ sĩ được hâm mộ qua tài
ca hay, diễn giỏi, tiêu biểu như Thanh Thanh Tâm, Vũ Linh, Tài Linh,
Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền, Linh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Tô
Châu...
Các tác phẩm như Đời cô Lựu, Tấm lòng của biển... được phục dựng và chỉnh sửa, đi kèm với những kịch mục mới, phản ánh sát sao đời sống lúc bấy giờ như Tìm lại cuộc đời, Ánh lửa giữa rừng khuya, Cây sầu riêng trổ bông... Chặng
đường huy hoàng của cải lương kết thúc vào cuối thập niên 1980, đánh
dấu khoảng 30 năm đỉnh cao của cổ nhạc, trước khi dần bị xâm chiếm bởi
nhiều loại hình giải trí khác vào đầu thập niên 1990.
Kỳ sau: Sân khấu cải lương dần xuống dốc ba thập kỷ qua
Mai Nhật
https://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/san-khau-my-thuat/dau-an-vang-son-cua-cai-luong-chang-duong-100-nam-3815310.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét