Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

NHẬT KÝ Ở MỘT ĐỘNG ĐĨ XỨ THỔ

Philip Ó Ceallaigh, sinh ngày 23-03-1968, nhà văn người Ireland, từng sống tại nhiều nước (Tây-ban-nha, Nga, Mỹ, Romania, Kosovo, Georgia và Hy-lạp). Truyện ngắn đầu tay của ông đoạt giải Hennessy Award năm 1998, và sau đó ông lại đoạt giải Hennessy Award năm 2001 về thơ. Năm 2004, ông vào chung kết giải Davy Byrnes Short Story Award. Tập truyện ngắn đầu tay, Notes from a Turkish Whorehouse, xuất bản năm 2006, đoạt giải Rooney Prize for Irish Literature. Năm 2009, tập truyện The Pleasant Light of Day của ông vào chung kết giải Frank O'Connor International Short Story Award.
________
NHẬT KÝ Ở MỘT ĐỘNG ĐĨ XỨ THỔ
Tôi mang nàng về phòng mình. Em thơm. Tôi chỉ muốn mần ngay thôi.
“Bốn mươi triệu.”
“Ba mươi.”
“Chơi được. Ngay bây giờ nhé.”
“Lát nữa đi.”
“Ngay giờ.”
Trong phim chúng nó luôn trả sau. Đó là chuyện trong phim. Tôi đưa nàng hai mươi đô-la, chừng ba mươi triệu lia tiền Thổ. Nàng tính toán, rồi ra dấu rằng nàng phải đi một lát để kiểm tra xem tiền có thiệt không, kiểm tra xem tôi có vừa ra đời hôm qua hay không.
Tôi nói:
“Được, nếu em không thích nó thì trả lại đây.”
Nàng quyết định rằng nàng thích.
Tất cả vụ này là một màn kịch câm - từ tiếng Anh duy nhất của nàng là ‘tiền’ - cho tới khi tôi nói tên của cái thành phố mà chúng tôi đang ở và chỉ vào nàng.
Nàng nói:
“Azerbaijan.”
Rồi chúng tôi nói tiếng Nga. Tôi nói được bảy thứ tiếng. Sáu thứ dở ẹt. Bạn học được thứ này thứ nọ khi sống xa quê nhà. Tiếng Nga vồ được bạn với những ả điếm ở Thổ. Các em đến từ các quốc gia cựu Xô-viết. Cung và cầu.
“Em phải đưa hết tiền cho thằng ma cô của em,” nàng nói, “Hãy cho em năm triệu riêng đi.”
“Được mà. Nếu em làm anh khoái.”
“Sẽ khoái mà. Đưa tiền đi.”
“Lát nữa.”
“Bây giờ đi.”
Tôi đưa nàng năm tì.
Hôm trước tôi gặp nàng trên đường. Nàng trông giống như một em Hi-lạp. Da ngăm, và mắt hơi xếch, thân hình nhỏ nhắn chắc nịch. Nàng chào tình với tôi làm một bắp thịt động cỡn bên dưới xương ức tôi co thắt như con mèo co rùn lại trước khi bung mình phóng đi, nhưng tôi đớ lưỡi với tiếng Thổ và sợ lặng người khi mấy gã trông tiệm ngó chừng chúng tôi trong ánh nắng rạng rỡ. Nàng hất đầu và bỏ đi. Chỉ tổ phí thì giờ với tôi. Tôi trở về phòng và bước tới bước lui. Cho nàng bao nhiêu đây chứ? Những dãy số không trên giấy bạc làm tôi hoang mang quá. Nàng là thịt còn đây là giấy. Nàng có thể lấy sạch hết. Tôi đánh răng và đi ị. Khi tôi kéo quần lên thì hột nút trên cùng văng mất. Tôi không có dây nịt nên rành rành là tôi đang chạy theo gái với cái quần tuột.
Tôi tìm nàng suốt ngày đêm, thọc tay vô túi quần để giữ cho khỏi tuột khi dạo quanh thành phố. Vào cuối đêm thì rốt cuộc tôi chui vào một bar em út, nói tiếng Nga với các em đến từ Georgia và Azerbaijan và Moldova và Ukraine. Lúc đó thì tôi xỉn và hết xí quách và tán dóc là chuyện duy nhất mà tôi có thể làm.
“Thời gian đang trôi qua đó nghen,” nàng nói.
Nàng cởi đồ và leo lên giường và dang hai chân ra như thể mong tôi đâm thẳng vào cái ọt.
Lẽ ra trông nó phải bự và dơ dáy và tan nát bèo nhèo. Nó lại săn chắc và gọn gàng. Lông mu nàng ngắn, chỉ che phủ tí thôi. Hết chỗ chê. Tín đồ Hồi giáo là người rất sạch sẽ. Nàng nằm, hơi ưỡn lên, dòng tóc đen nhánh xoả ra phủ lên chiếc gối trắng. Tôi mặc quần đùi đứng đó thấy mình bảnh như một tay vua Thổ.
“Em làm anh nhớ tới ai đó.”
“Mần đi,” nàng đáp.
Tôi nằm xuống bên nàng.
“Xin lỗi nghen,” tôi nói, “anh quen chơi màn dạo đầu trước cưng à.”
Nàng mềm mại và thơm tho. Những cánh hồng. Trong tất cả những đoá hoa lừng hương ở hậu cung của ta, ta chọn lấy em đêm nay. Tôi tròng bao cao-su vào. Nàng kêu rên như tôi là một con ngựa giống hách xì xằng nhưng khi thấy rằng tôi rỉ rả tà tà thì nàng bắt đầu phàn nàn.
“Kết thúc đi! Thời gian đang trôi qua đó nghen!”
Tôi có nhiều điều để học về chuyện kèo nài. Nàng đang ăn nho khô khi kích thích tôi và tôi vói tay vào cái túi giấy nâu bụm một nạm và dồn hết vào miệng nàng. Cú đó làm nàng câm miệng. Trong một lát.
“Thời gian đang trôi qua đó nghen!”
Triều đại của tôi đã hết. Tôi kết thúc cho xong.
Nàng chạy vào phòng tắm. Tôi nghe tiếng vòi nước xối. Nàng trở ra, lau giữa hai đùi, rồi ném cái khăn tắm ướt mèm lên giường. Nàng giật điếu thuốc trên tay tôi và rít trong lúc chải mái tóc tuyệt đẹp trước gương, chuẩn bị sẵn sàng lên đường để làm ăn cú tiếp. Tôi ngắm nàng từ sau lưng. Tôi trao cho nàng vài điếu thuốc và nàng để lại cho tôi một nhúm nho khô trên cái bàn ngủ.
Đó là lần đầu tiên tôi hưởng Sabila.
Gái Hi-lạp, hồi ở Saloniki, luôn luôn toả ra mùi Thổ. Giờ thì tôi ở Hắc Hải trong một động em út và Atatürk[*] thì ngự trên tường. Người ta nói rằng trong phố chẳng có khỉ gì để xem nên tôi đi lang thang và các xưởng cá thì thối hoăng nhưng chẳng có ma nào cố bán cho tôi một tấm thảm. Nhìn từ ngoài vào, cái ổ em út này trông cũng tương đối bình thường. Xem nào, có vẻ hơi nghèo nàn, ánh đèn thắp tù mù, vài cha nội ngồi quanh trông chán đời quá thể. Các em ngồi sau cái cửa sổ bị che kín bằng mành chớp với ngoài đường. Người ta có thể đi ngang qua mà không thể nhận ra nó. Tôi bước vào và ngồi ngay dưới Ataturk. Mustafa Kemal là cha già của mọi người. Ông có lời khuyên dành cho mọi chuyện trên đời.
Nếu ông bảo người ta rửa tay trước khi ăn thì người ta làm một khẩu hiệu về vụ đó rồi tương nó lên với bức hình.
Tôi kết bạn với Yakup, tay bồi. Vào mùa hè ông đã làm cho một cái bar ở bờ biển Aegean. Nhiều du khách lắm. Bọn gái Anh và Đức chơi chùa người Thổ, ngấm ngầm phá hoại lĩnh vực kinh tế.
“Nhưng chúng bảo tôi, ‘Cha nội già rồi! Cút đi!’”
Ba mươi bảy tuổi, li dị, hói đầu, nhỏ con, không đủ tiền để chi cho các em-hai-mươi-đô-la ngon lành trong động đàng hoàng. Ông chỉ chi nổi một cú tàu nhanh bẩn thỉu hai-đô-la trong hẻm.
Một hôm nọ, tôi nói: “Yakup này, khi nào tôi tới cũng thấy ông đang viết, viết cái mốc xì gì vậy?”
Ông đưa tôi xem mấy cuốn vở. Ông đang viết cái mà ông gọi là ‘những chuyện hài’.
“Tao quan sát,” ông nói, chỉ quanh. “Tao nghe ngóng, tao ghi lại.”
Nhật ký ở một động đĩ xứ Thổ! Tôi nghĩ. Cái nhan đề hay quá. Cà tửng mà có mùi Dostoievsky lắm. Đáng công viết một truyện chỉ vì cái tựa như vậy. Mình có thể xài nó lắm chứ.
Ông cà rỡn về chuyện làm giàu, chuyện đoạt giải Nobel, chuyện đưa em út đi du hí trên du thuyền. Tuy nhiên, tôi tôn trọng ông. Ổng hiện diện ngay chỗ của ông và ông đang ghi nó xuống. Khi nào ế ẩm thì ông viết, ném một món gì mới vô chảo và xào lên.
Và tôi cũng làm y như vậy. Những khúc xương lãng mạn thì khó mà chôn đi nên tôi hầm xương của mình liu riu. Cuốn tiểu thuyết của tôi.
Mùa đông tới và mưa đổ vào từ Hắc Hải, thuyền bè cột lại và ngư phủ ngồi sau những cửa sổ nước nhỏ ròng ròng và giật râu mép và chơi cờ thỏ cáo (backgammon) và phì phà thuốc và nhấm nháp chút trà cho qua giờ và tôi ở nơi đó trong căn phòng trọ có sàn lát gỗ, thức dậy mỗi sáng và sáng tác áng văn tươi đẹp rộn ràng, uống bình trà, dạo bước loanh quanh trong khi cái trần gian trong đầu trở nên rạng rỡ, bừng sáng, loé chớp tưng bừng - rồi lại ngồi xuống viết những dòng cuồn cuộn tuôn chảy và làm cho chính tôi, kẻ sáng tạo, phải bàng hoàng kinh ngạc. Nhưng đó là niềm vui về nó, tôi không phải là kẻ làm ra. Không phải là tôi nghĩ ra được nó, đục đẽo vào cái nguyên liệu trơ lỳ. Tôi là đường dây cáp truyền một thứ năng lượng huyền bí. Tôi bị nó ám ảnh, để trao truyền nó, trao truyền chính mình về nó. Kẻ trao truyền. Tôi hân hoan và khiêm nhường. Thật là một thời khắc linh thiêng.
Tôi cũng được hành lạc tưng bừng và vụ này phóng thả tôi cho những điều cao xa hơn. Tôi rà bắt bò lạc, gái điếm say xỉn, các em đứng đường rạc rài về khuya, bọn đĩ gù, các em út thơm tho. Chúng trẻ trung và sạch sẽ và cũng khá là có giá.
Tôi chẳng thể nào hưởng Sabila cho đủ. Đó là sự giống nhau với gái Hi-lạp về mặt thân xác, và điều gì đó trong tính cách của nàng, hài hước và sôi động, sự rắn rỏi không thể hiểu được đó nằm ngay bên dưới làn da, nó vồ ngay trứng dái tôi. Trong những giấc mơ của tôi, Sabila và Hi-lạp trở nên lẫn lộn hỗn độn. Lẽ ra tôi có thể gỡ rối được, hiểu được, thôi thức giấc và khóc lóc, nhưng gượm đã. Cuốn tiểu thuyết sắp xong. Tôi biết rằng tôi chơi bời nhiều quá và tiền thì chẳng mấy chốc sẽ cạn nhưng tôi không muốn làm đứt nhịp đời. Mỗi sáng tôi dậy và pha ly cà-phê và xả và chữ chỉ việc tuôn ra. Thậm chí tôi gom được cả chồng những bài thơ.
Tôi phát triển một phương pháp mà nhờ đó tôi nhận lấy được phần hay ho nhất từ Sabila và nàng thì tận dụng tôi. Tôi trả cho nàng một đô-la cho mỗi hai phút. Chúng tôi đổi vai lẫn nhau. Nàng cứ kiểm giờ bằng cái đồng hồ đầu giường.
“Chậm lại nào!” Nàng thì thào.
“Chúa ơi!” Tôi nói, “thấy anh mần được gì rồi nào. Thời gian đang trôi qua đó nghen!”
Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ cho tới khi trở nên trật lất hết đường gỡ.
Chuyện là như thế này. Nàng đang chải tóc bên tấm gương, nói huyên thuyên như mọi khi trước đây và sau này, chuyện vớ vẩn gì đó về việc làm thế nào chồng nàng có được chiếc xe hơi to đùng và chở nàng về nhà bất kỳ ngày nào, và tôi đi tới chỗ cất tiền để lấy khoản tiền cho bốn mươi phút của nàng và chẳng có xu nào ở đó. Một trong những cô chị em hàng xén của nàng đã chôm sạch tiền của tôi. Cho dù bạn xỉn tới cỡ nào, thì cũng đừng ngủ khò trước khi nàng bỏ đi. Hãy luôn luôn tiễn nàng ra khỏi cửa. Vậy đó, tôi muốn vui vẻ và giờ thì tôi đã được điều đó. Trong một thoáng linh hiển thuở xa xưa tôi đã lo ngại rằng việc đụng độ với nhiều em út thì thật là MỘT ĐIỀU TỒI TỆ và Chúa đang trừng phạt tôi. Tôi cảm thấy tội lỗi quá xá. Đó là cú choáng của sự vụ hết xu. Tôi có một ít trong ngân hàng, chỉ vừa đủ để tôi chuồn ra khỏi nước. Chỉ vậy thôi. Tôi trở lại phòng. Nàng vẫn đang líu lo huyên thuyên. Về chuyện nàng rất khoái món quả óc chó tẩm mật.
“Sabila, ngày mai anh sẽ trả cho em nhé.”
Nàng ngưng tay chải tóc nửa chừng. Nụ cười rơi xuống từ đôi mắt và rồi từ miệng nàng.
“YahachoomoydyengiseeCHAS! (EmmuốnlấytiềnNGAYBIGIỜ!)”
Tôi giải thích tình huống. Nàng bước lên và rít qua kẽ răng. Rồi vô số ngôn từ hoa mỹ. Tôi thấy thật buồn cười cho tới khi nàng nhìn tôi chằm chằm, giờ thì mắt nàng hí hơn mọi khi, đen nhánh như than ướt, và từ từ vạch ngón tay trỏ từ háng tôi lên tới xương ức.
“Thằng bồ của tui sẽ xẻ cha nội rách toang như một con cá!”
Tôi không biết tí gì về thằng bồ của nàng hay thằng chồng của nàng hay thằng ma cô của nàng hay chúng là ba trong một như tam vị linh thánh nhưng tôi phải thừa nhận rằng cú này làm tôi sợ vãi cứt.
“Anh nghĩ rằng chúng mình là bạn mà! Tấm lòng vàng của em đâu rồi?”
Nàng thật sự siết chặt hai nắm đấm và giậm thình thịch đôi chân nhỏ nhắn xuống sàn nhà.
“Hổng có màn chơi chùa đâu!”
Câu nói lẽ ra là tếu lắm nhưng nó không tếu chút nào. Tôi cố giải thích nhưng bộ não tính toán hơn thiệt bé tí của nàng không chịu hiểu từ “sau” là gì. Nàng sẵn sàng chơi tôi những trò tệ hại và quả không sai chút nào.
“Em sẽ có tiền của em mà. Anh chỉ không có nó ngay ở đây thôi.”
“ĐƯA! TIỀN! CHO! TUI! NGAY! BI! GIỜ!”
“Nghe này,” tôi nói, run run mở ví ra. “Nhìn cái này nè. Nó chỉ trông giống như một miếng nhựa. Nhưng đây là nền kỹ thuật Tây phương. Kỳ diệu tuyệt vời. Anh nhét cái thẻ này vào cái lỗ trên tường thì tiền chạy ra. Vậy nên em không cần nói chuyện thô bạo vậy đâu. Nếu em không thể chờ cho tới ngày mai thì mình đi lấy tiền cho em ngay bây giờ.”
Câu này làm nàng dịu lại một chút.
“Thời gian đang trôi qua đó nghen!” Nàng lầm bầm trong lúc mặc áo khoác vào.
Tôi đã không nghe câu đó khá lâu rồi.
Chúng tôi đi xuống các cầu thang gỗ, rẽ trái, rồi rẽ phải vào Ataturk Caddesi rồi thẳng xuống khu bờ biển và cái mùi nồng nàn muối mặn và phèo ruột cá của nó, và những hình dáng đen ngòm của những cần trục đưa tàu vào cảng in trên nền trời.
Tôi nhét tấm thẻ vào bức tường.
“Thời gian đang trôi qua đó nghen!”
Tôi bấm số và yêu cầu rút hết số tiền mình có. Không làm thế thì con oắt đĩ thúi sẽ chẳng thể mở mang trí tuệ thêm được chút nào. Hãy dạy cho nó biết đối xử với khách hàng như thế nào cho phải phép.
Trời lạnh. Tôi xoa xoa hai tay. Cái máy chạy kêu ro ro rồi lách cách và tin nhắn bay ngang chín tầng mây từ hệ thống máy tính này đến hệ thống máy tính khác, niềm vinh quang của hệ thống ngân hàng và kỹ thuật thông tin toàn cầu đang phục vụ tôi, trong giờ phút ngặt nghèo này.
NGÂN HÀNG CỦA BẠN TỪ CHỐI YÊU CẦU
VUI LÒNG LẤY THẺ RA.
Tôi lại nhét thẻ vào và yêu cầu rút một số tiền khiêm nhường hơn. Vẫn vậy, y như hạch.
“Em thấy không, Sabila, cái hệ thống này tùy thuộc vào sự liên lạc giữa một số hệ thống máy tính với nhau, kết nối một số hệ thống ngân hàng, và em biết máy tính là thế nào rồi đấy, nhiều khi mạng tạm thời bị down. Việc này không có nghĩa là anh không có tiền. Nó chỉ có nghĩa là anh không thể truy cập được ngay trong phút giây này, đúng ngay trong thời điểm hiện tại này. Làm ơn thông cảm nghen.”
Thân hình nàng vặn vẹo và co giật lên trong cơn giận, lên cực điểm với cái giậm chân nhỏ nhắn thình thịch. Thêm nhiều lời tục tĩu về việc phèo phổi của tôi sẽ trào xuống đất.
“Thôi được, thôi được. Vậy là đủ rồi nghen. Nếu em không tin tưởng anh chỉ vì hai mươi tì hôi thối đó thì hãy về nhà nào, và anh sẽ đưa em món gì đó.”
“Thời gian đang trôi qua đó nghen!”
Tôi biết điều đó chứ. Mỗi khi tôi nhìn vào gương. Và tôi vẫn chưa in sách.
Chúng tôi trở về nhà nhưng tôi chẳng có món gì ngoài cứt. Thậm chí cái đồng hồ báo thức cũng là một cục cứt. Tôi đề nghị trao nàng cái ra-đi-ô cũ của tay chủ nhà. Thậm chí tôi đề nghị cái quần của mình.
“A ha! Bọn em út gọi cha nội là tay chơi quần tuột!”
Thiệt tình thì tôi đã mong một đứa nào đó trong bọn chúng khâu lại giùm.
“Mấy cái mà cha nội thường hí hoáy viết là thứ quỷ gì vậy?” Nàng hỏi, nhặt những cuốn vở vô giá của tôi để trên bàn lên.
“Để yên đó. Nó chẳng có giá trị gì đâu.”
Nàng dúi cuốn tiểu thuyết và những bài thơ của tôi vào cái túi xách và không thể kéo dây kéo lại được. Nàng vừa làm vừa càu nhàu.
“Không có chuyện chơi chùa đâu! Không có chuyện chơi chùa đâu!”
“Vì sao em lấy cái món đó?”
“Vì cha nội không muốn tôi lấy nó! A ha!”
Rồi nàng bỏ đi mang theo các thứ tôi viết được từ khi tôi tới thành phố này. Chẳng có bản nào khác.
Tôi khui một chai vodka để làm mình nguôi ngoai nhưng khi đã êm thì tôi lại sẵn sàng cho một trận chơi dao tay bo với thằng ma-cô-chồng-bồ của nàng. Rủi thay tôi trượt chân trên thảm và đập mũi vào cái bàn viết. Tôi lấy giấy vệ sinh nhét nó lại và ngửa đầu ra sau. Rồi tôi ngủ khò trên ghế luôn.
Tôi thức thật sớm rồi đi tới máy rút tiền. Tôi thấy mình như thằng bù nhìn được ai đó thổi cho một cái linh hồn rồi đẩy vào vùng đất cằn khô của trái đất mà lang thang. Chẳng có ai thức cả ngoài một người phu quét đường bị viêm khớp, quét với từng động tác chậm, và mọi thứ buồn bã và chán ngắt. Một cơn gió lạnh thốc lên khỏi Hắc Hải và châm vào mắt tôi làm chảy nước mắt. Có lẽ cảnh tượng này trông hay ho trên chương trình National Geographic - Bình minh trải trên vùng bờ biển Hắc Hải hẻo lánh của Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến những thống kê về cá mòi - nhưng nó xấu như cứt với tôi. Và những con chim mòng biển ngu độn chẳng giúp được gì. Trong lúc tôi gõ xuống con số của mình thì một đám bọn chúng tấn công một cái bìa bằng nhựa. Chúng to như ngỗng. Một vài con hợp lại có thể giết một gã đàn ông. May thay chúng đang mò xuống mớ cá.
Sau đó là một tiếng ro ro thân thuộc từ máy rút tiền, tiếng nhạc làm yên lòng của những tờ bạc mới cứng đang được đếm ra. Tôi hít vào cơn gió thoảng mùi rong biển, nồng nàn mùi phân chim và những thứ đã chết từ lâu.
VUI LÒNG LẤY THẺ CỦA BẠN
Tôi lấy.
VUI LÒNG LẤY TIỀN
Tôi mỉm cười với mấy con mòng biển.
Vị tu sĩ Hồi giáo báo trời đã rạng đông. Tiếng ông vang vọng rền rĩ qua những chiếc loa từ đỉnh tháp. Tôi thường nguyền rủa khi âm thanh này khi nó đánh thức tôi dậy, và giờ đây nó lại ngân nga thật tuyệt trong giây phút cứu rỗi mình. Tôi dừng chân trước những bậc thềm ngôi giáo đường. Ánh đèn màu đỏ ấm áp sáng lập loè bên trong. Vài người đàn ông quỳ trên thảm, bắt đầu một ngày mới với việc mở lòng ra cám ơn Thượng đế đã trao họ đời sống. Tôi cởi dây, tuột đôi giày ủng ra. Tôi vào bên trong, quỳ xuống, khấu đầu trên thảm. Đúng vậy đó! Cúi xuống thật sát! Người Công giáo quý vị không hiểu được đâu! Nó là sự ngầy ngật, tiền bạc, cái bình minh cũ rích vô vọng đang bị vầng thái dương đang lên xua đi, hai má tôi đẫm nước mắt. Hãy để linh hồn khốn khổ của con thú nhận rằng con được lòng khoan dung của người nâng dậy lần nữa! Hạ mình xuống trước chúa tể của vũ trụ và cùng lúc tôn vinh rằng người cùng phe của con, Ôi kẻ phục sinh của sự phục sinh của con - sự tái-cương (re-erection) của con - Ôi kẻ bảo đảm cho khả năng cương mãnh của con, Ôi kẻ đặt xương vào thịt của con! Thật là tuyệt trong lúc đó nhưng rồi nhiều tín đồ liếc nhìn tôi. Họ thì rất thành kính còn tôi thì chỉ nhào xuống, đầu để trần. Và tôi bốc mùi nhậu nhẹt và có da quy đầu còn nguyên. Tôi hồi tỉnh và thấy xấu hổ về hành vi của mình. Tôi chuồn thôi. Họ không hiểu những cảm xúc của tôi đâu.
Do đó tôi về nhà, xả nước vào bồn tắm rồi bước vào. Nước nóng ve vuốt dái tôi thật là tuyệt và tôi kiểm soát được mọi chuyện. Tôi cảm thấy tự chủ trước những rắc rối của con người. Và tôi tiết kiệm được tiền.
Tuy vậy, đến chiều thì tôi lại nổi khùng lên. Tôi không tìm được Sabila đâu cả. Niềm vui về tiền bạc lúc ban đầu đã tan theo mây khói và tôi lo cho tác phẩm của mình quá. Tôi biết quá nàng là một con điếm oắt hám lợi và sẽ moi tiền tới bến nếu đánh hơi được mấy cuốn vở là thứ quan trọng. Nàng sẽ bán lại từng tờ một và tôi đành phải chịu thua thôi.
Khi vị tu sĩ báo tới giờ cầu nguyện cho buổi chiều tôi vẫn không làm được chuyện gì khả quan hơn.
Tôi đi xuống bar ngồi với Yakup, nhưng vẫn còn quá sớm với bất cứ em út nào và ông ta chưa thấy Sabila. Tôi kể với ông chuyện mấy cuốn vở. Ông nhìn tôi thông cảm.
“Tôi nghĩ là cậu đã phạm sai lầm rồi, bạn ơi.”
Những lời đơn giản đó ư! Nó là cái kiểu hiện diện như tác giả của ông, cái giọng kể chuyện của ông. Nếu chính lời sấm truyền của thánh Amun đã phán thì nó cũng không thể rõ ràng hơn rằng tôi đã tiêu rồi. Tôi không có tâm trí nào để bắt đầu viết lại cuốn tiểu thuyết. Cái cách mà nó trôi chảy qua tôi, làm tôi kinh ngạc và biến tôi thành một tên đầy tớ, tươi sống và bung mở và khiêm nhường trong việc viết vội viết vàng, không thể nào được tái diễn lần nữa. Chuyện đó sẽ giống như việc ngồi xuống và buộc mình phải nuốt một muỗng đầy cháo thiu của hôm qua. Việc tự an ủi rằng nó thơm ngon bổ dưỡng lắm cũng không làm tôi nuốt xuống trôi. Không ra cơm ra cháo gì rồi. Và có lẽ tôi chẳng bao giờ lại có được ý tưởng hay ho nào nữa. Tôi sẽ có hứng nhưng không viết nổi nữa đâu. Sabila đã chôm đi niềm hứng khởi của tôi rồi, bỏ tôi lại bất lực và khốn khổ. Tôi bị kết liễu vai một nhà văn và một thằng người luôn nếu tôi không lấy lại được mấy cuốn vở này.
Gần nửa khuya thì tôi tìm được nàng, trên Ataturk Caddesi nơi mà tôi đã gặp nàng lần đầu tiên vào mùa thu. Tôi cố giữ bình tĩnh. Tôi không muốn tỏ ra có vẻ quan tâm đến mấy cuốn vở. Tôi không đủ tiền trả cho chúng. Số tiền cuối cùng tôi có đang nằm trong túi tôi. Chỉ còn chừng đó thôi.
“Anh có tiền trả em rồi này, đưa mấy cuốn vở lại cho anh nào.”
“Em không có vở ở đây. Ngày mai em sẽ đưa cho anh.”
“Anh muốn lấy bây giờ.”
“Được rồi. Đưa tiền đây.”
“Đưa tiền sau.”
“Ngay bây giờ!”
Cũng kiểu đối thoại cũ. Nàng bắt thóp được tôi. Tôi đưa tiền cho nàng.
“Không đủ. Thời gian buổi tối vừa qua đang trôi đi. Nói nhiều quá.”
Tôi xì ra thêm một tờ bạc nữa. Lần này thì nàng thấy được nắm tiền và mỉm cười. Tôi lại trở nên khả kính.
Nàng nói, nắm lấy cánh tay tôi.
“Đi làm tình nào.”
“Anh không muốn làm tình, Sabila. Anh muốn lấy lại bản thảo. Ngay bây giờ.”
“Em vất chúng rồi.”
Một âm thanh lạ vọt ra khỏi cổ họng tôi. Ngẫu nhiên, một kẻ bị người lạ bóp cổ.
Nàng nói, ve vẩy ngón tay.
“Tối qua em giận anh quá xá. Anh tệ lắm!”
“Em có thể tìm lại chúng không?”
“Thời gian đang trôi qua đó nghen! Anh phải trả tiền à.”
“Trả sau.”
“Bây giờ!”
Bị con điếm bắt chẹt.
Nàng nắm lấy cánh tay tôi và dẫn tôi xuống một con hẻm tối om. Nàng dừng lại rồi chỉ vào một cái bô rác.
“Cái gì? Em ném mấy cuốn vở của anh vào đó à?”
Nàng gật đầu.
Tôi nhảy ào xuống mà không cần ngó. Trong thoáng chốc tôi nghĩ rằng tôi nhảy vào giữa một đống chuột nhưng thật ra chúng là mèo, chắc là phân nửa số mèo trong thành phố, và chúng chạy tán loạn ngay. Ủng tôi ngập vào một lớp cá chết, giấy bồi, xác phân huỷ, lá bắp cải, giấy báo ướt sũng nước và các thứ thối hoăng khác. Thật ra tôi không biết nó là cái gì nhưng hàm lượng hữu cơ lại cao một cách khác thường. Tôi oẹ khan và không thấy gì cả. Tôi mò cái bật lửa. Ngay cả khi có ánh sáng thì cũng chẳng thấy được gì nhiều. Có vài tờ giấy nhưng chúng không phải của tôi. Tôi khốn khổ lội bì bõm tìm dấu vết của nghệ thuật. Nó mất tiêu rồi. Bị chôn vùi trong cứt. Hay chưa từng có ở đó.
“Sabila. Anh van em. Nói cho anh biết là cuốn tiểu thuyết vẫn còn nguyên trong phòng em đi. Anh tha em tội làm hỏng đôi giầy của anh. Anh van em. Nó là cuốn tiểu thuyết về đứa con gái làm tan vỡ trái tim anh và anh chỉ có câu chuyện này mà thôi. Đó là điều duy nhất làm nó có chút giá trị. Con nhỏ đó giống em lắm, thật đó. Đó là lý do duy nhất mà em moi được của anh hơn năm trăm đô cho tới thời điểm này. Nói với anh rằng nghệ thuật và tình yêu không bị vùi chôn trong cứt mèo và mớ đầu cá. Thời gian đang trôi đi, anh biết vậy như bất cứ ai. Nói với anh nào! Sabila!?”
Cái bật lửa trở nên nóng bỏng và đốt ngón tay cái của tôi nên tôi thả nó xuống. Trên bầu trời có nhiều sao và tôi càng nhìn lâu thì càng có nhiều sao và thật là cô đơn khi nhận ra rằng tôi đang trò chuyện với chúng và rằng Sabila đã bỏ đi rồi. Có lẽ tôi làm được một bài thơ ngắn từ cái cảnh này. Tôi trèo ra khỏi thùng rác. Rồi đi xuống bar rượu nói chuyện với Yakup.
“Bồ ơi, cậu thối hoăng à!”
Tôi nhìn xuống đôi ủng. Chúng tôi đi ra ngoài nói chuyện.
“Tôi thất vọng với mối tình lãng mạn, Yakup à, và viết một cuốn tiểu thuyết về nó. Nhưng tôi lại không chuẩn bị với mấy con đĩ này. Bọn chúng hoàn toàn không ra cái giống gì cả.”
“Đây là một chuyện hài độc đây. Tôi xài nó nghen?”
“Xài đi. Tôi không viết lách gì nữa đâu.”
“Không đâu, cũng giống như đàn bà vậy mà, khát vọng luôn quay trở lại. Và khi nó đến thì cậu chào đón nó, bởi vì nó nói con tim vẫn luôn đập phập phồng.”
“Nghe giống một câu cách ngôn lắm, Yakup à.”
“Cậu có thể thoả mãn cơn đói một mình. Nhưng lòng khao khát về đàn bà luôn luôn cần thêm một người khác. Nó chẳng bao giờ đơn giản đâu.”
“Cái này phải là đoạn cuối của câu chuyện.”
“Chỉ chút xíu nữa thôi, bồ ơi. Dọn dẹp lại cho ngăn nắp. Trừ phi chúng ta cho sự hỗn độn này một hình thái mà chúng ta chịu đựng sự rối loạn, trầm cảm, và những thứ còn tệ hại hơn.”
Đêm hôm sau tôi lên xe buýt đi Istanbul. Trò cờ bạc không làm ra tiền và giờ đây tôi phải trở lại một nơi nào đó mà bán thời gian của mình thôi. Trên đường đến trạm thì tôi thấy Sabila. Nàng đi phía bên kia đường đến một cuộc hẹn. Những bước chân nhỏ cà tưng của nàng. Tôi biết nàng đang đi làm ăn bởi vì nàng bước rất nhanh, rất dứt khoát. Vì một lý do nào đó tôi cảm thấy không giận hờn gì nàng. Thật ra tôi còn khâm phục nàng nữa.
Một số hành động không có ý nghĩa gì nhiều nhưng nếu không thực hiện chúng thì còn tệ hơn nữa và đó là lúc bạn bị kẹt, ca cẩm hát hò giữa những chấn song. Khi chiếc xe buýt lăn bánh thì tôi nghĩ đến Yakup. Tôi viết cái nhan đề trên đầu trang giấy. Và rồi chữ bắt đầu tuôn ra.

________________________
Chú thích của người dịch:
[*]Mustafa Kemal Atatürk (1881-1938) là một sĩ quan quân đội, nhà cách mạng, và là quốc phụ cũng như vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ. Atatürk được biết đến với khả năng chỉ huy quân sự đặc biệt xuất sắc trong Thế chiến I. Sau khi Đế quốc Ottoman thất bại trong Thế chiến I, ông đã lãnh đạo Phong trào Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ giành lại độc lập cho quốc gia. Sau khi thành lập chính phủ lâm thời tại Ankara, ông đã đánh bại lực lượng Đồng Minh. Cuộc kháng chiến này đã thành công và dẫn đến kết quả là nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ ra đời. Sau chiến tranh, Atatürk đã tiến hành một công cuộc cải cách chính trị, kinh tế và văn hoá nhằm biến cựu đế quốc Ottoman thành một nhà nước hiện đại và tách rời khỏi giáo quyền. Những nguyên tắc của cuộc Cải cách Atatürk, mà từ đó nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại ra đời, được biết đến với cái tên Chủ nghĩa Kemal. (Theo Wikipedia)

--------------------
Bản dịch của Thận Nhiên từ nguyên tác “Notes from a Turkisk Whorehouse”, trong Philip Ó Ceallaigh, Notes from a Turkisk Whorehouse (Penguin Books, 2007).

Không có nhận xét nào: