Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2019

41 năm làm báo qua hồi ký Hồ Hữu Tường

Nếu Vũ Bằng ghi dấu với hồi ký "40 năm nói láo", Hồ Hữu Tường có hồi ký tiếng tăm không kém mang tên "41 năm làm báo".

Cuốn hồi ký 41 năm làm báo của Hồ Hữu Tường in lần đầu tại Sài Gòn năm 1972, vừa được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Nhã Nam xuất bản, đã ghi lại chi tiết quãng đời làm báo, viết văn của nhân vật nổi tiếng này.
Một đời hoạt động sôi nổi khắp trong Nam, ngoài Bắc, rồi ở Pháp, Bỉ, châu Âu, bên cạnh những hoạt động chính trị, Hồ Hữu Tường có trên 40 năm lăn lộn trong nghề, trải qua hàng chục tờ báo bí mật lẫn công khai, trong nước và ngoài nước, từ Tháng Mười, L'Opinion, La Lutte, Thường trực cách mạng... đến Tia sáng, Thế giới, Sanh hoạt, Sài Gòn Mới, Tiếng nói dân tộc, Điện tín, Bách khoa, Văn...
Bìa sách 41 năm làm báo.
Bìa sách "41 năm làm báo".
Sinh năm 1910 tại Cái Răng, Cần Thơ, bắt đầu viết báo bài Tây từ khi còn học trung học đến nỗi bị đuổi học, Hồ Hữu Tường phải tìm cách sang Pháp du học, rồi học ngành Toán tại Đại học Marseille. Ông từng tham dự nhiều bước ngoặt lịch sử của dân tộc, từ đấu tranh, ra báo bí mật chống thực dân Pháp tại Paris cùng các nhà cách mạng Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, hay ra báo La Lutte công khai ngay tại Sài Gòn cùng những người cộng sản.
Hồ Hữu Tường còn can dự vào lịch sử trong sự kiện "những người đánh điện", khi ông cùng các trí thức nổi tiếng gồm Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Xiển từ Hà Nội đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại từ chức tháng 8/1945. Ngoài các lần bị đi tù thời Pháp, năm 1955, ông từng là cố vấn cho các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên chống lại Ngô Đình Diệm và bị chính quyền nhà Ngô kết án tử hình, may chưa thi hành án nhưng bị giam tại nhà ngục Côn Đảo từ năm 1957 đến tận khi nhà Ngô sụp đổ. Sau khi được tự do, ông viết quyển Trầm tư của một tên tội tử hình gây xôn xao dư luận.
Bên cạnh những hoạt động chính trị, Hồ Hữu Tường là một cây bút chống chính quyền thực dân Pháp, từng phụ trách những tờ báo Tiền Quân, Tháng Mười... hay viết cho báo La Vérites ở Pháp. Bị tù lần thứ nhất (năm 1932) do viết báo cộng sản, ra tù, ông viết cho các tờ Đồng Nai, Công Luận.
Sự nghiệp báo chí của ông ghi dấu trong một sự kiện lịch sử trong làng báo cách mạng Việt Nam: Đó là tham gia xuất bản tờ báo tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản công khai in bằng tiếng Pháp La Lutte (Tranh đấu) ngay tại Sài Gòn, trong các năm 1934-1935, cùng với các ông Nguyễn Văn Tạo, Lê Văn Thử, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Tạ Thu Thâu... là tập hợp hai khuynh hướng Đệ Tam và Đệ Tứ cộng sản.
Ông cũng là người mở ra một tiền lệ đầu tiên cho làng báo Việt Nam, đó là cùng ông Đoàn Văn Trương tự xuất bản một tờ báo tiếng Pháp do người Việt Nam làm quản lý mà không cần xin phép chính quyền thực dân, tờ Le Militant(Chiến sĩ), năm 1936. Trước đó, chỉ người mang quốc tịch Pháp mới được quyền tự do ra báo. Khi xuất bản tờ báo này, ông tách ra khỏi nhóm La Lutte.
Cuốn hồi ký cũng cho biết vì sao tại Paris năm 1952, Hồ Hữu Tường có thể ra tập san Cảo Thơm ở Paris, tạp chí Phương Đông ở Sài Gòn, đặc biệt là ông lấy tiền từ đâu để ra cuốn tạp chí song ngữ (tiếng Anh và Pháp) mang tên Pacific xuất bản tại Paris, in rất đẹp, hình ảnh lộng lẫy, tập hợp bài viết chất lượng của nhiều cây viết tên tuổi lừng danh khắp từ Ấn Độ, Miến Điện, Indonesia, Thái Lan...
Trong thời gian Hội nghị Geneve về Việt Nam, ông chủ trương thuyết "trung lập chế", thể hiện qua số đặc biệt của tạp chí Phương Đông, có cả bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp, in đến 20.000 tờ, gửi qua đường bưu điện tới tận tay 6.000 nhân sĩ, trí thức nổi tiếng trên thế giới. Số tiền ông chi cho sự kiện này lên tới bốn triệu quan Pháp, khiến cả thế giới nghi ngờ.
Thậm chí "Điệp viên Mỹ thì nghi ngờ tôi lấy tiền của Nga. Điệp viên Nga lại nghi tôi lấy tiền của phòng Nhì Pháp. Phòng Nhì Pháp nghi tôi lấy tiền của Việt Minh. Điệp viên của Việt Minh lại nghi tôi lấy tiền của tình báo Anh. Và điệp viên Anh lại nghi tôi xài tiền của Mao Trạch Đông. Họ cứ nghi nhau lung tung", ông hài hước viết. Câu trả lời sẽ gây bất ngờ cho độc giả: Ông "bán" kế sách cho vua Bảo Đại, lấy năm triệu quan Pháp.
Theo Hồ Hữu Tường, nhờ tên tuổi của tờ tạp chí Pacific, mà đến năm 1957, khi ông bị chế độ Ngô Đình Diệm kết án tử hình ở Sài Gòn, các trí thức là độc giả của tạp chí đã hưởng ứng lời kêu gọi của nhà văn lừng danh Albert Camus ký tên yêu cầu đình chỉ án tử hình cho ông, khiến chế độ Ngô Đình Diệm không dám thi hành bản án.
Bên cạnh việc viết báo, Hồ Hữu Tường còn từng làm công việc cai thầu biên tập báo hay viết tiểu thuyết dài kỳ đăng báo. Qua cuốn hồi ký, ông kể lại việc thầu báo Sanh hoạt, viết tiểu thuyết Phi Lạc sang Tàu, bộ truyện Gái nước Nam làm gì gồm các truyện Thu Hương, Chị Tập đăng báo Sài Gòn Mới... Người Mỹ ưu tư đăng báo Sống...
Hồ Hữu Tường làm Phó Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh năm 1965 và tham gia ban biên tập tuần báo Hòa đồng Tôn giáo. Năm 1967, ông trúng cử dân biểu đối lập trong Hạ viện Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, và tiếp tục viết bài cho các tờ báo: Tiếng nói dân tộc, Đuốc Nhà Nam, Tin sáng, Sài Gòn Mới, Điện Tín...
Ông mất năm 1980 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lê Tiên Long
https://vnexpress.net/giai-tri/

Không có nhận xét nào: