“Khắc
khoải sầu tuôn lòng tợ bể,
Bồi
hồi dạ nhớ tháng như năm”
(Vô
danh)
Bìa thi phẩm “Đạp Xe Ra Ngoại Ô” của Từ Hoài
Tấn.
Thi tập “Đạp Xe Ra
Ngoại Ô” của Từ Hoài Tấn là một chuyến xe đời chở đầy nỗi nhớ! Ở đó là một
tập họp những suy tư và hồi ức về những năm tháng thời ấu thơ với Huế, có lúc
xa Huế, rồi lại về thăm lại Huế và dường như cái tình ở người con trai xứ Huế
ấy không bao giờ quên được nơi mình được sanh ra và lớn lên nơi Huế thân yêu!
Nào là Về Huế (trang 28), Ở Huế (trang 31), Rời Huế (trang 36, Xa Huế (trang
31), Gởi về một mùa Hè Ở Huế (trang 77), Tháng 7, Mưa Huế (trang 80), Chào Huế
(trang 82)… Điều đó cũng dễ hiểu bởi vì có ai trong cõi đời này có lần xa
cố hương mà lại không nhớ cố hương?!?
Rồi Từ Hoài Tấn đang ở
Sài Gòn nhưng anh lại muốn “đạp xe ra ngoại ô” để miên man nhớ về Sài
Gòn với Sài Gòn mùa Xuân (trang 46), Tháng Tư, Sài Gòn nắng (trang 49), Sài
Gòn mưa tháng Sáu (trang 79), Tháng Mười ở Sài Gòn (trang 86), Chút mùa Đông ở
Sài Gòn giữa tháng Chạp (trang 88), Những ngày tháng Chạp ở Sài Gòn (trang
119).
Nhưng ở đây, tôi vốn là
một người đọc nhà quê già, qua dòng đời trôi theo ngày tháng, tôi cũng có nhiều
năm tháng sống ở ruộng đồng bạt ngàn vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) từ những
ngày còn lúa mùa mỗi năm một vụ mùa vào những năm 1950-1960 và sau này tới
những thời kỳ chuyển đổi làm ruộng với giống lúa Thần nông, mỗi năm làm hai
mùa, mỗi mùa ba tháng mưới ngày và năm nào ở vùng quê tôi cũng có mùa nước lên
ngập lụt khắp các cánh đồng! Hồi mấy chục năm của những ngày dãi nắng dầm mưa,
tay lắm chưn bùn ấy, tôi đã từng làm nghề nhổ bông súng, bắt óc mò cua, giăng
lưới, giăng câu, đặt trúm, đặt lờ, đặt lọp, và mỗi ngày mùa khi có được cá tôm
thường mang ra chợ bán kiếm chút tiền mua dầu lửa, mua chút đường, chút muối
sống đấp đổi qua ngày nên tôi rất thấu cảm với những vần thơ của Từ Hoài Tấn
khi anh viết về “những tháng năm ở bưng Đồng Tháp Mười” với năm tháng dài
có tới 15 năm!
Vâng, 15 năm quả là quá dài ấy, gần một phần tư cuộc đời rồi chứ ít ỏi gì,
nếu nói như cuộc đời chỉ có sáu mươi năm, như nhạc phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ Y
Vân về “sáu mươi năm cuộc đời”! Mười lăm năm, tôi tự nhủ, với Từ Hoài
Tấn dù tác giả chưa “đứt ruột” nhưng nỗi trằn trọc trong lòng anh thì
dường như chưa thể một sớm một chiều mà quên đi được mặc dù có lần anh đã viết“những
năm tháng đã qua rồi không cần phải nhớ”; nhưng trong thơ anh nỗi nhớ, nỗi
băn khoăn, nỗi khắc khoải trong lòng lại chập chùng với những câu hỏi tự hỏi
lòng mình dường như chỉ để hỏi và chưa bao giờ có lời giải đáp: “Sao ta lại
đến chốn này ?”, “Sao ta lại về đây”:
(“Mùa nước năm 78
Sao ta lại đến chốn này
?)
“Năm 78 trở về từ rừng
núi Tây Ninh
Lại về đồng bưng Đồng
Tháp
Những năm tháng đã qua
rồi không cần phải
nhớ
Sự khốc liệt xa lạ và
đau đớn
Qua những khu rừng cũ
cuộc chiến tranh vừa qua
“Sao ta lại về đây
Con nước lũ từ Biền Hồ về
Tháng tám vừa mới bắt đầu
Dòng nước vừa mới bắt đầu
Ngập rừng bàng phía trước
Mỗi ngày ta chống xuồng qua mấy vùng trảng trắng
xóa
Bứt những ngọn bàng non vươn lên trong ánh nước
lấp lánh
Cùng vợ ta
Nhủ thầm
Chỉ là kế sinh nhai thôi mà
Chờ cho qua ba tháng nước ngập
Nước phân đồng…”
(Những tháng năm ở Bưng Đồng Tháp Mười, Đạp
Xe Ra Ngoại Ô, trang 111)
Và:
“Sao ta lại về đây
Đêm đêm nhìn ở phía chân trời mút mắt
Vừng sáng của thành phố xa
Của quá khứ”
Quên đi
Và hãy quen đi
Những tháng ngày bưng biền và cuộc sống
Gia đình ta
Như những kẻ lưu dân
Hay không phải là những kẻ lưu dân
Cũng thế
Trên đồng bưng mênh mông nước
Hoa bàng tím đã nở
Và lòng ta
Cũng vui cũng buồn theo dòng nước
Ba tháng nữa sẽ phân đồng
Cuộc sống sẽ tiếp tục như thế
Quanh năm
Và hằng năm
Chờ con nước
Mùa nước nổi quê hương
(Tưởng nhớ mười lăm năm lang thang vùng
Đồng Tháp Long An 1978 - 1993)
Nhưng bạn có còn nhớ “nước
phân đồng” trong câu thơ của Từ Hoài Tấn vào ngày nào, tháng nào của mùa
nước ngập lụt vùng đồng bằng miền Tây không?
Thì đây, tôi xin nhắc lại với bạn một chút mùa
nước lên để bạn hồi tưởng lại những ngày mùa nước lên, nước giựt ấy, đặc biệt
là mùa nước lên năm 1978, là năm mà Từ Hoài Tấn đã bắt đầu về nhổ bàng ở Đồng
Tháp Mười trong mười lăm năm qua “Những tháng năm ở bưng Đồng Tháp
Mười.”
Theo sự luân chuyển của
thiên nhiên và dòng nước của con sông Tiền Giang và Hậu Giang thì nước phân
đồng đúng vào 25 tháng Chín âm lịch; lúc bấy giờ mực nước cứ cầm cự
không lên không xuống, án binh bất động như vậy hoài cho tới cuối tháng Chín và
đầu tháng Mười âm lịch, dù những ngày đầu tháng Mười này có nước rong nhưng mực
nước trên đồng không lên cao bao nhiêu; cho tới đúng ngày mùng 10 tháng 10 âm
lịch, tức là ngày nước chánh kém giữa tháng Mười, nước bắt đầu giựt nhiều,
người ta thấy rõ mực nước trên đồng chảy ra các kinh rạch rất mạnh và mực nước
trên các kinh rạch cũng giựt nhanh ngó thấy…
Theo kinh nghiệm nhà quê thì dấu hiệu trước tiên
để biết nước sắp sửa giựt là những đàn cò trắng bắt đầu ra đậu dọc theo các bờ
rạch bờ kinh ngay chỗ các cựa gà (tức ngã ba của hai dòng nước trong kinh rạch
gặp nhau) là chỗ nước rút xuống kinh rạch để chờ cá ra. Dân quê gọi hiện tượng
này với cái tên rất quen là “cò ra mương hoặc cò ra rạch”.Thành
ra, nước đang lên mà cò ra mương, ra kinh, ra rạch là nước sắp giựt.
Hợp cùng hiện tượng nước giựt nhanh này các loài
cá trên đồng ào ào lội theo dòng nước tràn ra sông, và dân quê gọi mùa này là“mùa
cá ra sông”. Đặc biệt khởi đầu cho dấu hiệu mùa cá ra chính là giống cá
linh như trong thơ Từ Hoài Tấn có nhắc, rồi sau đó mới tới cá mè dinh, cá dãnh,
cá trèn, cá thác lác các loại ào ạt trở về sông rạch; rồi mới tới hai loài cá
ra gần chót báo hiệu nước trên đồng gần cạn đó là cá rô biển và cá rằm.
Kinh nghiệm cho
thấy khi nào mình giăng lưới mà dính rặt hai giống cá rô biển và cá rằm thì coi
như cá trắng trên đồng sắp ra sông hết rồi! Dĩ nhiên các loại cá đen như cá
trê, cá lóc, cá rô thì một số ra sông sớm, nhưng một số cũng nấn ná ở lại các
lung vũng đìa mương nên mới có mùa làm lóng, tát mương, tát đìa làm mắm sau này
vào mùa nắng tháng Hai, tháng Ba âm lịch.
Thế rồi, cuộc sống với
những cánh đồng bàng vào những mùa nước ngập “trắng xóa” ấy lại lập lại
như những chu kỳ không thay đổi của trời đất, Từ Hoài Tấn hồi tưởng:
“Sẽ trở lại cuộc sống cũ
Chèo ghe
Gom bàng lợp bàng đương
Ra bến chợ Bàu Trai
Đổi mấy bao gạo mới
Vài ký thịt
Một bao rau xanh (ở trong bưng không trồng được
vì đất phèn)
(Những tháng năm ở Bưng Đồng Tháp Mười, Đạp
Xe Ra Ngoại Ô, trang 111)
Cảnh sống của Từ Hoài Tấn như anh vừa nhắc, nhớ
ở quê tôi những năm tháng nước ngập 1978 đồng lúa giống thần nông không vượt
kịp theo mực nước lên nhanh được như các giống lúa mùa ngày xưa nên đồng lúa bị
nước nhận chìm và nghề câu lưới là công việc chính kiếm cá thay gạo trong những
bữa ăn; và lúc bấy giờ cuộc sống mỗi ngày của Từ Hoài Tấn được anh kể tiếp:
“Mùa nước năm nào chẳng vậy
Nồi cá linh kho, rổ rau chạy
Gia đình ta sống thiên nhiên và giản dị như cánh
đồng bàng bên kia con kinh
Sống mạnh mẽ như cuộc đời vốn cho ta sự chịu
đựng và hòa nhập cùng hoàn cảnh vậy
Như bầy cá linh theo mùa nước nổi trở về từng
đàn
Được thu gom từng giạ
Năm nào nước lớn
Cá về nhiều
Xóm kinh vui rộn rã
Mấy xị rượu buổi chiều hôm
Ấm tình thôn ấp.”
(Những tháng năm ở Bưng Đồng Tháp Mười, Đạp
Xe Ra Ngoại Ô, trang 112)
Đúng vậy, năm nào tới
mùa cá linh ở Đồng Tháp hay ở các vùng Châu Đốc, Long Xuyên, Cao Lãnh, Sa Đéc…
cá linh nhiều lắm, người ta mua bán cá linh phải đong từng giạ, từng giạ (40
lít), chứ không có cân ký như đời bây giờ, cá nhiều lắm, nhiều lúc ngoài làm
mắm, ủ nước mắm, vào mấy năm 1950 người ta còn lấy cá linh ủ làm phân trồng
thuốc lá, trồng dưa hấu, và các loại hoa màu khác nữa!
Nỗi khắc khoải ở Từ Hoài
Tấn không dồn dập nhưng triền miên như những điệp khúc của một bản nhạc buồn
làm tê tái lòng người qua những câu hỏi không có lời đáp lại ấy và rồi anh lại
nhớ “Lau lách Bình Thành”, một bài thơ khác như một hồi ức về những năm
tháng gian truân sống với đồng cỏ hoang vu mọc đầy lau sậy cùng bầy con nheo
nhóc ở trần quanh năm trên những trảng bàng ngập nước:
“Ta về đây phất ngọn cờ lau
Dẫn bầy lâu la là đám con nhỏ
Tập trận trên những luống khoai mì
Trồng bờ đắp mới xong hôm qua
Bên dòng nước phèn tanh tưởi
Những luống khoai của một trận địa nghèo khó
Với bầy con ở trần quanh năm
Bên mụ vợ ở nhà quê đụng giường thì đẻ.”
Vâng, ở nhà quê, dường
như trẻ con chào đời nhiều hơn ở các nơi thành thị. Phần lớn gia đình nào cũng
có anh em rất đông, có khi lên tới năm sáu bảy người; có gia đình có tới mười
một, mười hai đứa con, hết út mười, tới út mười một, út mười hai vì trẻ con
được sanh ra đông lắm! Nguyên nhân của việc đông con như Từ Hoài Tấn nhận xét “đụng
giường thì đẻ” , còn gọi “đẻ năm một” hoặc “đứa thôi nôi lôi đầy
tháng” có lẽ rất đúng trong trường hợp này chăng?
Thế rồi, cuộc sống bất
đắc dĩ như tác giả kể là phải che chòi bên bờ kinh xáng đất bùn vừa mới múc, và
nhận ra rằng “những năm ấy như là chìm đắm êm ái với sự vô vọng”:
“Ta về đây với bông hoa tràm đồng nội
Rừng bạt ngàn lau lách
Đất bưng biền
Nước trong xanh chỉ để soi mặt mình, không uống
được
Những trảng bàng mênh mông nối tiếp tận chân
trời
Chỉ để thấy sự cô độc của kẻ không nơi nương náu
Về dựng chòi trên bờ kinh xáng múc
Những nhát cuốc xuống vùng đất mùn
Khơi tìm mạch sống
Những năm ấy như là
Kẻ thất phu
Mang nỗi đau ngày lưu lạc
Kẻ thất phu tự an ủi mình bằng vinh quang của sự
hèn nhát cam chịu cuộc đời
Bên người vợ quê suốt ngày ca sáu câu vọng cổ
Những năm ấy như là
Chìm đắm êm ái với sự vô vọng”
(Xã Bình Thành Huyện Đức Huệ Tỉnh Long An - Biên
giới Việt Miên những năm 1980s
Viết lại Sài Gòn tháng 2/2017)
Mười lăm năm lưu lạc đã
qua rồi, mà chừng như tiếng vọng lại từ những miền hồi ức xa thẳm vẫn triền
miên gợi nhớ về thân phận của một đoạn đời và có lẽ trong chừng mực nào đó, nỗi
khắc khoải trong hồn người nghệ sĩ nhiều cảm xúc như Từ Hoài Tấn, nỗi nhớ ấy
càng trở nên tha thiết hơn:
“Rừng ở đây và đất cũng ở đây
Từng ngày rồi từng năm tháng
Mười lăm năm không nghĩ sẽ qua
Dòng kinh xáng nước lớn ròng đôi bận
Nằm chờ biền sông dưới bóng cây gừa
Xuôi con nước thuận dòng về bến chợ”
(Xã Bình Thành Huyện Đức Huệ Tỉnh Long An - Biên
giới Việt Miên những năm 1980s
Viết lại Sài Gòn tháng 2/2017)
Dù dòng đời trôi và
những chuyến xuồng chở khẩm với bàng là bàng vừa mới nhổ xong và ghé về bến
sông nơi chợ quận với biết bao cực nhọc, mệt mỏi nhưng có lúc Từ Hoài Tấn cũng
bắt gặp được chút an ủi như “giấc mộng đầu hôm” vào những ngày lưu lạc
ấy!
“Hàng đã lên bờ rượu đã bày ra
Vài con khô cá sặt
Chung ly rượu bằng hữu thương hồ
Ngất trời sảng khoái
Bèn cất tiếng ca rằng
Ta về đây về đây
Phấp phới ngọn cờ lau
Lãng tử hay tráng sĩ hề
Dửng dưng lòng nguội lạnh
Quê hương hay đất nước hề
Có còn không một cõi
Để
Những tháng năm tràn qua
Chỉ là giấc mộng đầu hôm”
(Xã Bình Thành Huyện Đức Huệ Tỉnh Long An - Biên
giới Việt Miên những năm 1980s
Viết lại Sài Gòn tháng 2/2017)
Vâng, với khoảng đời nhổ bàng vùng bưng biền
Đồng tháp dài có tới mười lăm năm, với người bình thường như dân quê tụi tôi
còn không quên được những dãi dầu mưa nắng ấy đã đành nhưng với một người đa
cảm như Từ Hoài Tấn, thì hồn thơ ở anh lại càng chất ngất nỗi băn khoăn:
“những buổi chiều chèo
xuồng qua rạch Cần Giè
đi tắt ra sông Vàm Cỏ
bìm bịp kêu bên sông
con nước lớn
xuôi về vùng ánh sáng xa kia
nơi đô hội
xuồng nặng những bó bàng
với niềm hy vọng
sự bươi chải của sinh kế
mười lăm năm sống với cây cỏ bưng biền
yêu những loài hoa dại
trong những ngày miệt mài nhổ những cọng bàng no
tròn ở vùng trũng nước
miếng ăn từ những giọt mồ hôi
từ những vắt cơm giữa trưa vội vã trên gò đất
nổi mùa nước ngập”
(Sông Nước Miền Tây, trong thi tập “Đạp Xe Ra
Ngoại Ô”, trang 20-22)
Người đọc nếu để ý, sẽ thấy Từ Hoài Tấn lúc nào
cũng nhắc đến người vợ và các con bên cạnh vào những năm tháng cơ cực này, dù
vợ không sang và con không giỏi nhưng với anh đó là mái ấm gia đình, là chiếc
phao cứu độ, là niềm an ủi vào những ngày gian khổ của một đoạn đời mà anh đã
phải thường trực phấn đấu với chính mình, với sông nước, với đồng cỏ, với thiên
nhiên, với nghịch cảnh để sống còn:
“người vợ đồng quê tối sớm nụ cười cam phận
người vợ hiền như củ khoai
đám con nhỏ lớn dần như cây cỏ
năm tháng vui đùa cơm gạo đầy vơi
nghĩ đến cuộc đời như đám rừng tràm tự nhiên sau
nhà không ai vạch đường mở lối
sống từng ngày như loài chim thiên di
luôn luôn chuẩn bị dời tổ trú ẩn
ba bốn ngày có một chuyến ghe xuôi về đất giồng
mang đầy sản vật của đồng nội”
(Sông Nước Miền Tây, trong thi tập “Đạp Xe Ra
Ngoại Ô”, trang 20-22)
Thế rồi, với chừng ấy những sản vật chắc
mót được qua bàn tay của chồng và của vợ, Từ Hoài Tấn không khỏi “nghẹn
lời trong cổ”:
“băng qua sông
nương theo sóng xô bờ
vào bến chợ
tóc râu ta dài và buồn như sông nước mặt trời
chiều
bên bến đò chờ con nước
lại về rồi lại đi
mỗi tháng năm lần bảy lượt
những đêm trăng tròn trên sông
hay những khuya neo ghe cùng trăng khuyết
bình minh xa lạ những nẻo đời
khúc hát trầm cho tương lai
nghẹn lời trong cổ”
(Sông Nước Miền Tây, trong thi tập “Đạp Xe
Ra Ngoại Ô”, trang 20-22)
Dù cơ cực đến tận cùng là vậy và dù nay thời
gian vài ba chục năm đã qua lâu rồi, nhưng từ sâu thẳm trong lòng mình, Từ Hoài
Tấn vẫn không quên gia đình ngoài miền Trung xa xôi và những ngày lặn lội vùng
bưng biền Đức Huệ:
“gia đình thân yêu ở miền Trung xa xôi
nhiều năm qua không còn tin tức
lời kể lại ngày xưa thương nhớ thuở thiếu thời
đã mất dần cùng quá khứ
và tuổi trẻ đã đem cho
anh em ơi uống bữa rượu này
bưng biền say sóng nước kênh xanh
những ngày tôi thơ dại cùng cỏ lau
là những ngày tôi chất ngất tuyệt vọng
tìm ra sông lớn băng qua rạch gần
chiếc xuồng trôi cùng nỗi tự do
thênh thang vùng sông nước
tôi vừa ra khỏi cuộc xoay vần
tìm niềm cô đơn vui cùng lau lách
tôi sống xa cách những ngày tháng vết hằn đau
quá vãng
thời tuổi trẻ sương mù
cùng em bơi trong bể cạn
tôi sống đùa vui sông nước miền Tây
kỷ niệm ghi dấu cùng năm tháng
khi bước qua cuộc đời này
sẽ còn ai để kể lại
mười lăm năm chìm đắm ở miền Tây
(Sông Nước Miền Tây, Tưởng nhớ và gởi lại
những năm tháng sống ở vùng bưng biền Đức Huệ biên giới Campuchia)
(Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013)
Từ Hoài Tấn chẳng những anh không quên mà còn
muốn “đạp xe ra ngoại ô” để tìm lại chính mình bởi ở đó, theo tác giả,
không có sự phân biệt giữa giàu và nghèo, giữa sang và hèn vì “đây khu ngoại
ô /đàn bà và đàn ông cùng một bộ đồng phục” và có lẽ ở đó, nơi ngoại ô ấy,
theo anh, mình sẽ có dịp quay về với chính mình một cách dễ dàng hơn chăng?
Vâng, tập thơ “Đạp Xe Ra Ngoại Ô” của Từ
Hoài Tấn dày 158 trang với phần Phụ lục gồm các bài nhận định của các tác giả
Khổng Đức, Cao Thoại Châu, Du Tử Lê, Thận Nhiên, Viêm Tịnh đã dày 32 trang, nên
phần thơ còn lại vừa đúng 125 trang, nhưng theo tôi đây mới chính là những
trang sách được rút ra từ ruột gan của một người làm thơ luôn trăn trở về phận
mình, luôn suy tư về cuộc đời và luôn khắc khoải về “những tháng năm ở
Bưng Đồng Tháp Mười”.
Dù không cố ý so sánh, nhưng đọc những dòng thơ
viết về mười lăm năm nhổ bàng ở Đồng Tháp Mười của Từ Hoài Tấn tôi lại nhớ ngày
xưa Tô Đông Pha cũng có những lúc che chòi, cất nhà, làm ruộng và bị đói khi bị
đày xuống Huệ Châu, sống ở đó một năm rưỡi, mà có lần ông viết thơ cho Trần
Thảo, bạn thân của ông: “Khổng Tử bảo có thể sống ở những nơi quê mùa được.
Lời đó đúng…” (*); rồi có khi Tô Đông Pha bị đày ra đảo Hải Nam nhưng nhờ
tinh thần “thuận thiên an mệnh- nghĩa là biết thich ứng với hoàn cảnh, không
phàn nàn, lo lắng về những điều không thể tránh được- mà lần lần quen với cảnh
ngộ”…“Người như ông, không ở đâu mà cô độc. Thân mật và giản dị, ông quen với
mọi người”(**).
Và qua mấy dòng cảm tưởng vừa rồi sau khi đọc
thi tập “Đạp Xe Ra Ngoại Ô” của Từ Hoài Tấn, tôi nghĩ Từ Hoài Tấn cũng
nhờ biết khế hợp với hoàn cảnh của chính mình với cảnh đồng bưng hoang vu mọc
đầy những trảng bàng trắng xóa vùng Đồng Tháp Mười và anh đã viết cho mình và
cho người đọc những vần thơ chan chứa một đoạn đời đầy bất trắc nhưng cũng đầy
cảm xúc từ đáy lòng tác giả vậy!
“Khắc khoải sầu tuôn lòng tợ bể,
Bồi hồi dạ nhớ tháng như năm”
(Vô danh)
Hai Trầu
Houston, ngày 26.9.2021
Chú thích:
(*) & (**) Từ sách
Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê, Sài Gòn, ngày 3.9.1969, trang 262, trang 272.
Phụ Lục: I.Sơ lược tiểu sử & tác phẩm của nhà thơ
Từ Hoài Tấn: |
·
Sinh năm Dần (1950) tại làng An Truyền (Chuồn ), quận Phú Vang,
Tỉnh Thừa Thiên - Huế · Hiện sống và làm việc tại Sài Gòn · Sáng tác từ 1964 · Thời niên thiếu cùng vài người bạn chủ trương
các tập san thơ văn “Cuồng Biển”, nhà xuất bản “Nội Dung” ở Huế. · Thơ văn đã xuât hiện từ những năm 1960, 1970
trên các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Vấn Đề, Trình Bày, Khởi Hành, Ý Thức, Tuổi
Ngọc …(trước 1975) và Văn, Thanh Niên, Văn Nghệ, Sông Hương, …và
một số diễn đàn mạng (sau 1975) · Mười lăm năm giang hồ vùng sông nước và bưng
biền của vùng Đức Hòa Đức Huệ Tỉnh Long An trước khi định cư cùng gia đinh
tại Sài Gòn năm 1994 Tác phẩm đã xuất bản: · Hành Tinh Phiêu Lạc (thơ, 2003 – NXB Thuận
Hóa) · Đi, Đứng Và Chạy (nhà xuất bản Hội Nhà văn,
2012) · Phục Hưng Tôi Và Em (2013) · Mấy Khúc Đoạn Giang Hồ (Thơ lục bát, Cuồng
Biển bản thảo, 2016) · Bản Tình Ca Của Gió Bụi (Cuồng Biển bản thảo, 2018) · Đạp Xe Ra Ngoại Ô (thơ, nhà xuất bản Hội Nhà
văn, 2018) Các tuyên tập thơ in chung: · Tự tình với Huế (NXB Trẻ 2004) · 1000 Nhà thơ Huế đương thời (NXB Hội Nhà Văn
2006) · 700 năm thơ Huế (NXB 2006) · Những dòng sông đêm (cùng Viêm Tịnh, Nguyễn
Miên Thảo, Lê Ngọc Thuận – NXB Thuận Hóa 2007) · Bông và Giấy – 30 tác giả hôm nay (NXB Lao
Động 2010) · Thơ trên Sông hương 2003-2013 (Nhà xuất bản
Thuận Hóa) II.Vài hình ảnh kỷ
niệm dịp nhà thơ Từ Hoài Tấn ghé thăm Houston và gặp gỡ các văn nghệ sĩ từ
các nơi khác đến vào ngày 25-05-2019:
·
Tại tiệm cà phê Nguyễn Ngọ Từ trái: anh Lê Minh Giang, Hai Trầu, anh Từ
Hoài Tấn, anh Nguyễn Hàn Chung, anh Nguyễn Đình Thuần, anh chị Phan Xuân Sinh
– Thiên Nga.
·
Tại nhà anh chị Phan Xuân Sinh Từ trái:Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, anh Phạm Văn
Nhàn, anh Tô Thẩm Huy, anh Từ Hoài Tấn. Từ trái: anh Trần Hoài Thư, anh Nguyễn Đình
Thuần, anh Tô Thẩm Huy, anh Phạm Văn Nhàn, anh Từ Hoài Tấn. Từ trái: anh Trần Hoài Thư, anh Nguyễn Đình
Thuần, anh Phạm Văn Nhàn, anh Tô Thẩm Huy, anh Từ Hoài Tấn, anh Cái Trọng Ty,
anh Dương Phước Tấn.
Từ trái: anh Trần Hoài Thư, anh Từ Hoài Tấn. Từ trái: Anh Phạm Văn Nhàn, anh Trần Doãn Nho,
anh Từ Hoài Tấn, anh Nguyễn Đình Thuần, anh Trần Hoài Thư. Từ trái: anh Phạm Văn Nhàn, anh Trần Doãn Nho,
anh Từ Hoài Tấn, anh Nguyễn Đình Thuần, anh Tô Thẩm Huy, anh Trần Hoài Thư. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét