Đầm Chuồn không xa lắm, bởi chỉ mười cây số đi xe máy từ trung tâm thành phố Huế là đến nơi. Trên đường đi, tiện thể ghé qua làng Chuồn (xã Phú An, Phú Vang, Huế) đong vài xị “đệ nhất danh tửu”, chọn một vài đòn bánh tét đặc sản lúc nào cũng có ở chợ làng này.
Ra đến bến đò Đồng Miệu, mấy anh bạn lái thuyền cặp đôi hai chiếc ghe nan, đủ chỗ cho tám người, gắn máy đuôi tôm hẵn hòi. Khuôn mặt khách háo hức, bởi trừ hai anh bạn thuyền “thổ địa”, những người còn lại đều lần đầu được rong chơi giữa vùng đầm phá bao la này.
Con thuyền phăng phăng lướt sóng. Anh bạn lái thuyền khéo léo điều khiển thuyền luồn lách giữa đám “nò” sáo ken dày như bàn cờ trên mặt phá, lúc rẽ phải, lúc rẽ trái, chuyển hướng điệu nghệ như một tay lái “lụa” điều khiển xe hơi giữa thành phố đông đúc với nhiều ngã ba, ngã tư...
Nửa giờ sau, thuyền đến nơi và cặp vào một nhà “chồ” (nhà tạm trên sông). Hai ông thổ địa bảo, việc đầu tiên thú vị nhất là đi giở nò (đổ nò). Chiếc nò hình trụ, được làm bằng tre đan, đặt ở đầu chóp hình chữ V của các tấm sáo trên mặt phá với độ sâu chừng hai mét. Anh bạn thuyền khỏe mạnh, bặm môi kéo nò lên, tôm cá thi nhau quẫy đạp. Mọi người háo hức, lăng xăng chuẩn bị cho bữa tiệc đầy hứa hẹn.
Rượu làng Chuồn được rót ra, mùi ngất ngây của loại “đệ nhất danh tửu” này quyện với mùi cá tươi thoang thoảng hình như đã kích thích bụng dạ mọi người đói cồn cào. Vừa nhấm nháp thưởng thức, vừa xuýt xoa khen ngon, anh bạn quả quyết rằng, ăn con cá trên suốt dọc chiều dài đất nước, không ở đâu ngon bằng cá trên phá Tam Giang, bởi nó có mùi... đầm phá. Một anh khác giải thích thêm, đó là nhờ mùi rong tảo đặc trưng, chỉ có ở vùng nước lợ... Mùi của biển, mùi rong tảo đầm phá vừa quen vừa lạ, phảng phất đâu đây. Đêm khuya, nước trời lồng lộng, không còn xác định được phương hướng nữa.
“Trăng lên!”. Ai đó reo. Mảnh trăng thượng tuần được mắc sẵn trên bầu trời, ánh bạc lấp lóa trên mặt nước. Phong cảnh đẹp lạ lùng. Không khí loãng ra. Mấy xị rượu và bánh tét làng Chuồn đã đưa mọi người vào trạng thái lâng lâng rồi nhanh chóng rơi vào giấc ngủ sâu.
Gió biển mơn man nhè nhẹ, mang theo cảm giác se lạnh, tưởng chừng như mùa hè oi bức đã rời xa. Giữa vùng đầm phá mênh mông bốn bề sóng nước, đêm trên nhà chồ thoáng mát, hư ảo trong một khung cảnh khá lạ lùng, bỗng quên mùa hè hanh hao miền Trung.
Người Huế gọi đêm ngủ nhà chồ trên phá Tam Giang là đi ngủ “khách sạn nghìn sao”. Ranh giới giữa trời và nước không còn. Chỉ tiếng sóng vỗ về mạn thuyền nghe rì rào, và thi thoảng có tiếng quẫy của con cá hanh, cá kình.
Tam Giang nay đã hòa vào dòng chảy của đời người...
Vũ Hào (Phụ Nữ Online)
http://www.hue.vnn.vn/dulich/diemthamquan/2008/11/302279/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét