Thứ Bảy, 19 tháng 5, 2012

Cao Huy Khanh VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 – 2012: NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ

Kỳ 113 – 17.5.2012

  Tưởng niệm
Trần Đình Trường
ĐẠI GIA KHÁCH SẠN MỸ
Doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1932 tại Hà Tĩnh – Mất tháng 5. 2012 ở Mỹ (81 tuổi).
Ông chủ bên cạnh một khách sạn thuộc quyền sở hữu ở New York
     Trước 75 là chủ đội tàu biển lớn nhất miền Nam, làm giàu nhờ chuyên chở vũ khí, trang bị cho quân đội Mỹ vào miền Nam đánh Cộng sản.
     Đến biến cố 30.4.75 đã cùng vợ con (1 con trai, 2 con gái) di tản qua Mỹ. Trong cuộc biến động lịch sử này tự nhận đã dùng đội tàu biển 24 chiếc của mình để chở người di tản – cả dân Việt lẫn Mỹ – qua Mỹ, đến hơn 8.500 người. Tuy nhiên sau đó có người phản bác nói thực sự không phải như vậy mà ông chỉ nhân đó đem theo cả một “núi” vàng qua Mỹ!
     Trên đất Mỹ chuyển qua kinh doanh khách sạn tại New York và nhanh chóng trở thành một trùm khách sạn tên tuổi, chuyên mua những khách sạn cũ xuống cấp giá rẻ để tân trang lại phát triển cả một chuỗi khách sạn. Còn xây một trung tâm thương mại VN tại Philadelphia. Trở thành một trong số ít Việt kiều giàu nhất Mỹ với tài sản ước tính khoảng hơn 1 tỉ USD.
Nhưng trong việc làm ăn này cũng từng mắc tai tiếng là sử dụng khách sạn để chứa chấp tệ nạn xã hội như bọn buôn ma túy, gái mại dâm. Từ đó thỉnh thoảng lại bị cảnh sát nhòm ngó, kiểm tra, thậm chí còn đưa ra tòa nữa.
Dù vậy ra tòa lần nào cũng thoát nạn, có lần bị tuyên án 20 ngày tù song kháng án được chấp nhận vô tội. Lý lẽ biện minh là do mình có cho một số dân nghèo không nơi cư trú ở khách sạn không lấy tiền nên bị hiểu lầm, rằng mình bị cảnh sát Mỹ kỳ thị chủng tộc…
Năm 2001 sau vụ khủng bố 11.9 đã tặng Hội Chữ thập đỏ Mỹ 2 triệu USD đồng thời còn cho các tình nguyện viên làm công tác dọn dẹp đống đổ nát  2 tòa tháp bị máy bay khủng bố đâm sập ở khách sạn miễn phí. Những khi người Việt tụ tập về New York họp hành, gặp mặt hội hè đều sẵn lòng tiếp đón, hỗ trợ. Năm 2004 được nhận giải thưởng vinh danh trong cộng đồng Việt kiều Mỹ.
Bí quyết thành công trong sự nghiệp kinh doanh từ VN đến Mỹ: “Tất cả chỉ tập trung vào 2 chữ cố gắng. Cố gắng làm việc thì tất yếu dẫn tới thành công. Tầng lớp nào, nghề nghệp nào cũng vậy thôi. Vừa cố gắng làm việc vừa học hỏi tiến bộ…” Ap dụng thực tế với nhà tỉ phú Việt kiều này ấy còn là sự khôn ngoan, nhạy bén biết “nhập gia tùy tục” đặc biệt là phải nắm luật (Mỹ) để có thể “lách” luật.
Cuối đời bệnh tuổi già bị đột quỵ nằm liệt mấy năm trước khi mất.

1.131 - Đặng Thị Cừ
80 TUỔI BÁN HÀNG RONG NUÔI CON TÂM THẦN
Lao động nghèo sinh 1931 tại Hà Nam. Sống ở Hà Nam (2012).
     Lấy chồng cùng quê sinh được 3 con (2 gái 1 trai) thì chồng nhập ngũ vào Nam chiến đấu.
     Năm 1968 nhận được tin báo tử chồng đã hy sinh không tìm thấy mộ. Còn lại một mình vất vả chạy vạy tứ phương mưu sinh nuôi con.
     Con cái lớn lên, 2 con gái đầu đi lấy chồng xa hoàn cảnh cũng khó khăn chẳng giúp đỡ gì mẹ già. Con trai út năm 1983 vào bộ đội nhờ thời bình nên năm 1986 được cho xuất ngũ.
     Không ngờ về nhà, anh con trai bắt đầu có dấu hiệu tâm thần phá nhà phá cửa, bỏ đi lang thang điên điên khùng khùng. Mẹ già chạy đôn chạy đáo nhờ người chữa bệnh vẫn không khỏi.
     May sao nhờ thời gian qua đi, đến năm 2000 bệnh con trai đỡ dần, có khi cũng thấy tỉnh trí lại. Từ đó lấy được vợ cùng xã cũng là người thuộc dạng trí óc chậm phát triển, sinh được 1 trai 1 gái.
     Nhưng sau khi có đứa con thứ hai năm 2011, bệnh cũ tái phát đánh đập vợ con, tới mức có lần suýt đốt nhà! Vợ sợ quá ôm con về bên ngoại.
     Thế là chỉ còn mẹ già lại nai lưng ra nuôi đứa con trai 46 tuổi tâm thần bất định nhưng bà đã hơn 80 tuổi biết làm gì kiếm tiền trong khi trợ cấp Nhà nước chẳng đủ chút nào. Đành bán nhà rồi dắt con dở người lang thang lên Hà Nội bán rong hàng lặt vặt ngoài chợ nhỏ kiếm sống qua ngày, tối về 2 mẹ con ngủ đầu đường xó chợ.
     Vậy mà mẹ già cứ canh cánh bên lòng nỗi lo mình mất đi thì thằng con dại khờ biết sống cậy nhờ ai đây?!

1.132 - Thiênna Hồ
KỶ LỤC GIA THẾ GIỚI “THỤT DẦU”
Tiến sĩ, doanh nhân Việt kiều Mỹ sinh 1968 tại VN. Sống ở Mỹ (2012).
     Năm 1978 lúc 10 tuổi cùng gia đình vượt biên đường biển, bị hải tặc tấn công 5 lần may mà sống sót cập bến Indonesia rồi được Mỹ tiếp nhận.
     Lớn lên tốt nghiệp đại học nhiều ngành kinh tế, thương mại, sinh hóa lẫn dinh dưỡng ra lập công ty thành đạt từ năm 27 tuổi.
Vốn đa năng nên cùng lúc còn siêng năng tập luyện thể dục để giữ gìn sức khỏe qua đó mê say tập bài phạt “thụt dầu” (Sumo squats - thường áp dụng trong quân trường rèn luyện tân binh) với động tác đứng lên cúi xuống nhiều lần liên tục trong tư thế chuẩn là phải đứng tấn 2 chân mở rộng rồi co đầu gối cúi cong lưng xuống rồi đứng lên vươn thẳng người. Ban đầu do người bố vốn là một võ sĩ đai đen hướng dẫn.
Chuyên cần rèn luyện như vậy 3 lần mỗi tuần (500-1.000 lần trong 30-45 phút) từ năm trên 20 tuổi, nhờ đó đã đạt tới thành tích thực hiện được 5.384 lần Sumo squats trong vòng 1 tiếng đồng hồ đáng kể là chưa ai làm được. Kể cả nhà Vô địch Thế giới môn này Attila Hovarth vận động viên đẩy tạ 2 lần dự Olympic 1992 – 1996 của Hungary với kỷ lục 4.656 lần/giờ.
Để chính thức hóa việc phá kỷ lục của mình, ngày 16.12.2007 bà đã biểu diễn tài nghệ này trước sự chứng kiến của đông đảo người hâm mộ và cả Ban Biên tập Kỷ lục Guinness Quốc tế tại sân vận động của ĐH San Francisco ở California: Hoàn tất 5.135 lần “thụt dầu” đúng quy cách trong chỉ 1 tiếng đồng hồ (kém thành tích cao nhất của mình phần nào do lúc này đã gần 40 tuổi).

1.133 - Thích Minh Châu
CẦU NỐI PHẬT GIÁO HÒA HỢP CỘNG SẢN
Tu sĩ Phật giáo sinh 1920 tại Quảng Nam. Sống ở TPHCM (2012).
    
Tu sĩ Phật giáo xuất gia ở Huế rồi du học An Độ đậu tiến sĩ. Năm 1964 trở về Sài Gòn làm viện trưởng Viện ĐH Vạn Hạnh trực thuộc Giáo hội PG VN Thống nhất, là tu sĩ PG hiếm hoi đạt bằng cấp đại học nước ngoài cao nhất thời này nên rất có uy tín trong và ngoài nước.
ĐH Vạn Hạnh đương nhiên truyền bá tinh hoa tư tưởng PG tập trung nhiều giáo sư và sinh viên gốc miền Trung theo đạo Phật mang sẵn tinh thần dân tộc, từ đó dễ chuyển dần qua khuynh hướng thiên tả, thân Cộng chống chế độ Thiệu – Kỳ. Vì thế không lạ sau 30.4.1975 được chính quyền Cộng sản khá ưu ái.
Từ đó vị viện trưởng cũ tỏ rõ theo phái chủ trương “sống chung” hợp tác với Cộng sản do các hòa thượng lãnh đạo PG miền Nam lúc đó Thích Trí Thủ, Thích Trí Tịnh dẫn đầu đối lập với phái PG chống đối Cộng sản của hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ.
Bản thân nhờ trình độ trí thức cao, khả năng ngoại giao linh hoạt được cử làm đại diện làm việc trực tiếp với chính quyền Cộng sản. Tích cực tham gia vận động thành lập giáo hội PG mới thiên Cộng là Giáo hội PG VN  (giữ chức vụ tổng thư ký) đối lập với giáo hội cũ là Giáo hội PG VN Thống nhất chưa chịu chấp nhận Cộng sản (xem như bị cấm hoạt động, sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang qua đời hầu như đã “hoàn thành nhiệm vụ lịch sử”!).
     Nhờ đó được chính quyền cho chuyển ĐH Vạn Hạnh thành Viện Phật học Vạn Hạnh rồi lập thêm trường Cao cấp Phật học VN, Viện Nghiên cứu Phật học VN.
     Sau khi đã làm được một số việc nhằm bảo vệ và hoằng dương đạo pháp (nổi trội về mặt giáo dục) như trên trong tình thế thời cuộc rất khó khăn, đến cuối đời lặng lẽ rút lui về ở ẩn chuyên lo tiếp tục biên soạn, dịch thuật kinh sách với hơn 30 tác phẩm đã hoàn thành. 

1.134 - Thích Quảng Độ
PHẬT GIÁO CHỐNG CỘNG QUYẾT LIỆT NHẤT
Tu sĩ Phật giáo tên thật Đặng Phúc Tuệ sinh 1927 tại Thái Bình. Sống ở TPHCM (2012).
    
Trước 1975 từng làm Tổng Thư ký Viện Hóa đạo của Giáo hội PGVN Thống nhất (tuơng đương cơ quan “hành pháp” của Giáo hội), sau đó là Phó Tăng thống của Viện Tăng thống (tương đương cơ quan “lập pháp” của Giáo hội).
     Sau 1975 cùng hòa thương Thích Huyền Quang viện trưởng Viện Tăng thống đối lập với chính quyền Cộng sản, đòi quyền tự do tôn giáo thực sự.
     Vì thế đã nhiều lần bị chính quyết bắt giam, thậm chí đưa ra tòa lãnh án tù: Năm 1977 bị bắt giam ở TPHCM rồi đưa ra tòa nhưng do sức ép công luận quốc tế nên không kết án; năm 1982 lại bị bắt đưa về quản thúc tại quê nhà Thái Bình; năm 1992 được cho về lại TPHCM song qua năm 1994 viết tài liệu cáo buộc chính quyền đàn áp PG (cả gửi thư lên Tổng Bí thư Đỗ Mười lúc đó) nên 1995 bị bắt lần nữa đưa ra tòa chịu án 5 năm tù; đến 1998 được trả tự do trước thời hạn; tuy nhiên 1999 ra Quảng Ngãi vận động Phật tử đấu tranh liền bị bắt áp tải về TPHCM, từ đó xem như bị quản thúc tại chỗ ở nơi mình trụ trì là Thanh Minh Thiền viện.
     Năm 2008 sau khi hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch, được cử làm quyền Tăng thống. Đến cuối năm 2011 trong Đại hội PGVN Thống nhất tổ chức ở Mỹ mới chính thức được suy tôn làm Tăng thống Giáo hội PGVN Thống nhất (đệ ngũ Tăng thống) trên danh nghĩa vì giáo hội này từ lâu không được chính quyền hiện tại công nhận. Hơn nữa, do tuổi già nên cũng không còn phát triển hoạt động mạnh mẽ như trước kia.
     Vì các hoạt động tranh đấu cho quyền dân chủ và tự do tôn giáo nên được một số tổ chức nhân quyền quốc tế trao giải nhà vận động dân chủ như tổ chức Thorolf Rafto của Na Uy năm 2006, tạp chí A Different View ở Châu Au năm 2008 nhưng đều từ chối đi nhận giải vì ngại sẽ không được phép trở về nước nữa.

1.135 - Thích Trí Thủ
DẪN ĐẦU PHẬT GIÁO HÒA HỢP CỘNG SẢN
Tu sĩ Phật giáo tên thật Nguyễn Văn Kính sinh 1909 tại Quảng Trị – Mất 1984 ở TPHCM (76 tuổi).
    
Tu học tại Huế, năm 1963 dẫn đầu Phật giáo miền Trung chống chế độ Ngô Đình Diệm.
Sau khi chế độ này bị lật đổ, vào Sài Gòn làm viện trưởng Viện Hóa đạo được xem như cơ quan “hành pháp” của Giáo hội PGVN Thống nhất (bên trên còn Viện Tăng thống đóng vai trò tương đương cơ quan “lập pháp” của Giáo hội).
Sau ngày Công sản toàn thắng, bản thân theo chủ trương chấp nhận hòa hợp tôn giáo với chính quyền mới khác với Viện Tăng thống do hòa thượng Thích Huyền Quang dẫn đầu đấu tranh đòi PG độc lập với chính quyền, thậm chí đi đến chỗ chống đối mà đại diện hiện nay là hòa thượng Thích Quảng Độ.
Từ đó năm 1977 từ bỏ giáo hội cũ là Giáo hội PGVN Thống nhất để tham gia vận động thành lập Giáo hội PG mới là Giáo hội PGVN và nhận chức Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội (giống Viện Hóa đạo trước kia).   
Trong giai đoạn khó khăn PG phải đối đầu với chế độ Cộng sản “vô thần”, đã đóng vai trò trung gian quan trọng mà tế nhị bảo vệ đạo pháp vẹn toàn theo chính kiến riêng của mình tương tự cố Tổng Giám mục Sài Gòn – Nguyễn Văn Bình bên Thiên Chúa giáo.

1.136 - Tô Kiều Ngân
KHÔNG ĐI H.O
Nghệ sĩ ngâm thơ tên thật Lê Mộng Ngân sinh 1926 tại Thừa Thiên – Huế. Sống ở TPHCM (2012).
    
Lớn lên vào Sài Gòn hoạt động văn nghệ, là một nghệ sĩ đa tài viết văn, làm thơ, dịch thơ Đường, chơi đàn tranh đàn bầu nhưng nổi bật nhất là nghệ thuạt ngâm thơ truyền cảm (kèm thổi sáo, thổi harmonica điêu luyện) qua chương trình thơ Tao Đàn hàng tuần trên Đài Phát thanh Sài Gòn chế độ cũ (phụ trách luôn sau khi nhà thơ Đinh Hùng sáng lập qua đời).
     Bị gọi đi lính, ra trường sĩ quan chuyển về ngành tâm lý chiến.
     Từ đó sau 75 mang lon trung tá phải đi cải tạo dài ngày.
     Nhưng sau khi được trả tự do đã chấp nhận ở lại cùng gia đình không đi Mỹ theo diện H.O.
     Trở lại đời thường sống đời thanh thản tìm vui qua những hoạt động văn nghệ thầm lặng như ngâm thơ ghi đĩa, ngâm thơ phổ biến trên mạng, làm thơ nhắc nhớ kỷ niệm quê nhà Huế, nghiên cứu ca Huế, viết báo, viết sách dạy học thổi sáo, ngâm thơ, thổi kèn harmonica…

1.137 - Tô Thùy Yên
BÀI THƠ LỚN TÙ CẢI TẠO
Nhà thơ tên thật Đinh Thành Tiên sinh 1938 tại Gò Vấp, TPHCM. Sống ở Mỹ (2012).
  
   Di cư 1954 vào Nam.
     Học ĐH Văn khoa Sài Gòn, làm thơ từ đó gia nhập nhóm Sáng Tạo gồm đa số nhà văn miền Bắc di cư thành lập tạp chí văn nghệ cùng tên vận động mở đường cho trào lưu xây dựng nền VHNT mới cho miền Nam tự do dân chủ.
Trong đó phần mình có đóng góp đáng kể cho thể loại thơ tự do, cùng với Thanh Tâm Tuyền được xem là hai nhà thơ tiên phong của trào lưu này. Tác phẩm thơ thường làm những bài dài mang tính tự sự triết lý sâu xa.
Năm 1963 bị gọi nhập ngũ, ra trường làm sĩ quan tâm lý chiến.
Vì vậy sau 30.4.75 mang hàm thiếu tá phải đi cải tạo hơn 10 năm.
Tuy nhiên sau khi được thả ra còn bị bắt thêm 2 lần nữa vì tình nghi chống đối chế độ cộng sản song mỗi lần chỉ giam giữ khoảng một năm thôi.
Trong thời gian trở về từ trại cải tạo đã sáng tác bài thơ dài “Ta về” 124 câu đáng kể là khúc trường ca thơ bi tráng về chủ đề tù cải tạo có chất luợng, giá trị nhất của các nhà thơ VNCH cũ. Bài thơ đã sớm được chuyển qua Mỹ phổ biến, được nhạc sĩ Cung Tiến bạn thân thiết phổ nhạc năm 1992. Nguyên văn:

Ta về

“Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ.

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu.

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi.

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa.

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi.

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời.

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can.

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta.

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa.

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi .


Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu.

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên.

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm.

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa.

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi.

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen.

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đa khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa.

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao.

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh.

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi.

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta.”
Năm 1993 cùng vợ con qua Mỹ định cư theo diện H.O, để lại người vợ sau – một nhà văn có tên tuổi - cùng một con gái mắc bệnh dộng kinh trầm kha.
Trên đất Mỹ tiếp tục làm thơ, xuất bản 2 tập “Tuyển tập thơ Tô Thùy Yên” 1995 và “Thắp tạ” 2004.

 1.138 - Tô Tiến Hòa
3 ĐỜI NHIỄM CHẤT ĐỘC DA CAM
Nông dân sinh 1948 tại Hà Nội. Sống ở Hà Nội (2007).
     Bộ đội trên chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, bị thuơng nên được đưa ra Bắc an dưỡng năm 1972 rồi xuất ngũ về quê làm ruộng.
     Lấy vợ sinh con bị dị tật, teo cơ, da lỡ loét do nhiễm CĐDC. Con lớn lên lấy vợ sinh con cũng bị khuyết tật không có chân, các ngón tay dính vào nhau…
     Bản thân ông về già cũng phát tác di chứng về CĐDC gây đau đầu, da lỡ lói, mắt mờ, tai điếc. Nhưng vì thương cháu quá ham học nên hàng ngày phải chịu khó cõng cháu đến trường xin học… 

1.139 - Tô Văn Khải
MỘT ĐỜI CÕNG CHA MẸ
Lao động nghèo sinh 1971 tại Tây Ninh. Sống ở TPHCM (2007).
     Trong thời chiến tranh chống Mỹ, gia đình sống trong vùng chiến khu Tây Ninh nên cha mẹ bị nhiễm CĐDC lúc nào không hay (còn 4 ông bác ông chú đều là liệt sĩ). Cha bị phù thủng, suy nhược toàn thân; còn mẹ bị trúng miểng bom trong một trận bom Mỹ làm 2 chân co rút lại bại liệt và thần kinh bất ổn nhiều khi mê mê tỉnh tỉnh như người mất trí.
     Ngoài ra còn thêm 2 em gái cũng mắc bệnh bại não cứ gặp trời nóng lên là lên cơn động kinh phá phách, cấu xé cả bản thân mình.
Vì thế từ nhỏ đã phải đi bòn mót khoai sắn ngoài đồng, thậm chí còn lượm phân bò đem bán cho nông dân giúp cả nhà thêm miếng cơm cầm hơi.
Năm 1989 gia đình chuyển về sống ở Củ Chi mong “đổi đời” thoát khỏi ám ảnh chiến tranh u ám. Nhưng cảnh nhà vẫn không khá hơn được chút nào do chỉ có một mình mình còn sức khỏe đi ra ngoài làm thuê, tối về cặm cụi đan rổ rá kiếm thêm chút tiền nuôi cha mẹ và 2 em gái. Khi cha mẹ và 2 em lên cơn đau vẫn chỉ một mình lo cõng chạy băng đồng lên trạm xá, chữa trị qua loa về nhà nếu có ai còn lên cơn thì lại cõng đi vòng vòng quanh sân để cho… dịu bớt cơn đau!
Riết rồi chịu không thấu, đến lượt mình bệnh nằm dài cả tháng, thế là cả nhà… đói! Đẩy vào chỗ tuyệt vọng tới mức có lần định cùng cả nhà… uống thuốc trừ sâu chết đi cho xong, may mà cuối cùng kịp tỉnh lại đem giấu chai thuốc trừ sâu không cho ai biết.
Hoàn cảnh bi đát tận cùng như thế mà lại còn phải làm thêm một nhiệm vụ báo hiếu nữa theo yêu cầu của cha là… lấy vợ để dòng họ khỏi bị tuyệt tự!
Cũng lấy được vợ nghèo như mình rồi cũng sinh được bé gái đầu lòng. Đến đó mới nảy ra mối lo nữa không biết cháu có bị ảnh hưởng hậu quả CĐDC hay không khi đến hơn 2 tuổi vẫn chưa biết nói. Ông bà, cha mẹ lo lắng như ngồi trên lửa, may mà đến 3 tuổi thì bé nói được ai cũng mừng không kể xiết.
Tuy nhiên vui mừng chưa được bao lâu thì đại tang kéo đến, đầu tiên một em gái lên cơn động kinh nặng không qua khỏi rồi kéo theo bà mẹ đau lòng quá cũng ra đi theo chân con. Với lời trăng trối để lại cho con trai duy nhất ráng lo tiếp cho cha và em gái được lúc nào hay lúc đó.
Thế là bây giờ lại tiếp tục cõng cha cõng em đi cho hết quảng đời còn lại.
Dù sao nay cũng còn được niềm an ủi là có đứa con gái nhỏ chạy lẫm chẫm theo sau cha cõng ông bà bi bô gọi “ba ba” trong khi lẽ ra em mới là người được cha cõng trên vai! 

1.140 - Tod Adamson – Jennifer Arias
QUÊ VIỆT NỐI NHỊP CẦU TÌNH YÊU
Cặp vợ chồng Mỹ sinh tại Việt Nam. Sống ở Mỹ (2012).
     Chồng là con lai Mỹ bị cha Mỹ bỏ rơi, sinh ra lại bị bại liệt nên mẹ Việt đem cho trại mồ côi ở Đà Nẵng trước 1975, được trại đặt tên Việt là Trường Thắng. Tháng 4.1975 được máy bay Mỹ đưa qua Mỹ trong chiến dịch “giải thoát” trẻ mồ côi mang tên Babylift (khoảng 2.000 em qua Mỹ và 1.300 em qua Canada, Uc, Châu Au).
     Vợ cũng là con lai Mỹ bị mẹ đem bỏ rơi trước Viện Cô nhi ở Sài Gòn, được các bà xơ nuôi nấng đặt tên Việt là Phương Hồng Lan. Cũng qua Mỹ trong chiến dịch Babylift.
     Năm 2000 cả hai đều tìm về thăm lại quê mẹ sau bao năm xa cách, gặp nhau trên cùng chuyến bay từ đó nảy sinh tình yêu. Trở về Mỹ làm đám cưới năm 2001.
                 (Còn tiếp)

 http://sites.google.com/site/vanvietloc4/home/ho-so-hau-chien/hosohauchienky113

Không có nhận xét nào: