Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Nguyễn Văn Nho : CA KHÚC CAO HỮU ĐIỀN...



Những ca khúc có mùi vị sũng nước mùa mưa của hai hàng cây ôm hôn nhau dọc đường Lê Lợi trong những ngày thành phố Huế về đêm hoặc không có, hoặc chỉ có một vài ngọn đèn đường vàng vọt.
Những ca khúc có mùi vị của chuyến tàu về muộn trên sân ga, có người em trở về mệt mỏi, có người bán hàng vừa tất bật vừa sợ hãi, những cô cậu sinh viên áo quần ướp mùi oi nồng ngai ngái của những toa tàu đầy ăm ắp người và hàng hoá, chạy lây lất lúc nhanh lúc dừng gần như là hên xui, mà hành khách cứ thở phào bởi con tàu chỉ trễ vài ba tiếng chứ chẳng phải bốn năm ngày.
Những ca khúc ấy còn đượm hương nồng của mùi rượu sắn chở ra từ Quảng Ngãi, của tình huynh đệ buổi chiều đạp xe hoặc đi bộ tìm nhau rồi gặp nhau bên chân cầu Gia Hội, những đêm trăng nghiêng ngả nằm cùng nhau, gối đầu trên xe đạp bên lề cầu mới, nằm nghêu ngao đọc thơ hay khoe nhạc đề của bài hát đang viết, rồi nói như sanh như sứa chuyện triết Đông triết Tây, chuyện Bài giảng trên Núi hay chuyện lắng nghe âm thanh tiếng vỗ của một bàn tay.
Những ca khúc ấy có ân tình của những người con gái cô đơn mà đôi mắt ngây nồng màu ước nguyện, bên những công việc lam lũ ban ngày kiếm sống, đêm đêm về ngồi hát với chúng tôi, chịu khó ngồi nghe chúng tôi lảm nhảm bên tách trà như những kẻ vĩ đại một cách đê hèn, những con người kiêu hãnh một cách nhát gan, thấy ông công an, thấy ngài văn nghệ nhà nước thì nép mình tránh né như loài gián thấy ban ngày.
Nhưng Ca khúc Cao Hữu Điền, mặc dù được viết ra nhiều trong khoảng thời gian đó, sau năm 1975, lẫn bên trong những mùi vị kia hãy còn đọng lại một chiều sâu tâm thức vô bờ của người lữ hành luôn vén lộ giữa nhân gian cho riêng mình từng con đường nguyệt bạch, từng lối cỏ trong sương.
Anh đã đi từ tuổi thơ u buồn, trong vòng tay khắt khe của người mẹ kính yêu nhưng không là mẹ đẻ, đã trầm uất điên khùng rồi từ bỏ Y khoa Đại học.
Anh trở thành thầy giáo sau đó. Rồi Quảng Trị, rồi Sài Gòn, Đà Nẵng, dạy học, đánh đàn, viết báo, đi Tây, vấn thuốc lá dỏm, bán hàng rong, rong chơi cùng trí thức, bè bạn với cả chú bé đánh giày, người dán áo mưa, chia rượu cùng những gã xích lô nhốt cả bầu trời thơ mộng dưới gầm xe trên dặm đường gió bụi.
Rồi anh dẫn Tây đi dọc đường Nam Bắc, đến cả những buôn làng miền Bắc xa xôi hay những cánh rừng tràm cuối miền Nam bộ, miệng nói như nhu cầu phải nói, nhưng thầm lặng sững sờ trước hoàng hôn bên vạt cỏ chiều, cô đơn nhả khói thuốc vào đầu sông sương bạc, lòng rưng rưng nghe giọng hót sau cùng của một cánh chim khản giọng bên cánh rừng rỉ máu. Đi như một sinh kế, hay đi như một người không muốn đến? Đi để ngắm nhìn hay đi để chiêm nghiệm? Đi để thấy những chiều phai tóc trắng, hay đi để lưng chừng trong giọt máu phiêu lưu?
Và giờ đây, anh không còn đi lại xa xôi nữa khi bàn chân đã yếu, nhưng anh vẫn tiếp tục lộ trình kia trong tâm tưởng. Bởi đi là sống, và đến là chết, nên anh trở về thành phố Huế thân yêu, ngắm vệt nắng cuối ngày bên đám cỏ úa vàng ở góc đường hàng me cũ, tiếp tục mộng du, tiếp tục đi và thở như kẻ lãng mạn sau cùng suốt cuộc đời thèm đi và thèm thở. Thỉnh thoảng, anh mỉm cười vì nhớ rằng mình đã từng là người này hay kẻ nọ trong đôi mắt ai kia.
Anh là nhạc sĩ ư? Không! Anh có là thi sĩ, là triết gia? Cũng không! Dường như, đối với những tâm hồn sung mãn, bất cứ sự đóng khung vào danh hiệu nào cũng chính là không còn đi nữa, và cũng chính là khi họ tự trói mình trong hạn cuộc khô cứng của ý niệm khen chê đầy chết chóc…
Và tôi, tôi hát những bài hát của anh, một vài người bạn cất lên bài hát của anh ở một góc buồn nào đó giữa mặt đất quạnh hiu này. Những sắp xếp hoán vị của 7 nốt nhạc theo tự tình kia có thể không hài lòng ai đó, nhưng nó ý nghĩa làm sao cho những người đã yêu anh và từng được anh yêu mến. Và họ, và những người như tôi, hãnh diện cất lên từng giai điệu bỗng trầm kia như cất lên bài ca chan chứa của kẻ yêu trần gian mà chẳng dám cầm tay.
Anh Cao Hữu Điền thân yêu ơi, anh nghe không, ở một nơi đó, có người trở về…
Về để làm gì hở anh? Quy hà, quy hà vi?...

Nguồn : art2all.net

Không có nhận xét nào: