Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Diễm tình Sài Gòn tào lao ngoài lề ngôn tự

Cả một bức tranh minh họa đời sống văn chương bề nổi của cả miền Nam xưa cũ: náo nhiệt tào lao nhưng rôm rả thật thà. Tất cả, từng dấu tích thăng trầm thượng hạ, từng bức thơ, chiếc hình bất ngờ rơi ra từ những trang sách đã hàng chục năm khép chặt, những dòng thủ bút lưu niệm, cho đến những lớp bồi nhằng nhịt chữ số của những khúc hẩm hiu cũng đủ để món vật vượt ngoài tầm văn chương...
Những từ-ghép-có-dấu-gạch-ngang
Tình cờ tôi tìm được một cuốn sách đã rất cũ rồi, ghi tựa là Yêu trong mùa ly loạn của tác giả Thương Hoài Phương. Bìa họa một cô gái mái tóc dày uốn lượn cầu kỳ, đôi mắt tô thật đậm. Nàng mặc một chiếc váy cổ có đính ren đủ để gợi ý về kiểu áo ngủ huê tình của đàn bà Sài Gòn hồi xưa.
Người ta có thể bất chợt nhìn thấy lối minh họa vẽ bìa như vậy rất phổ biến với những cuốn sách xuất bản trước 1975. Lối vẽ chịu ảnh hưởng pop art ngô nghê của hoạt hình Siêu nữ Hoa Kỳ, tung hê mọi nguyên tắc cơ bản về anatomy với những cái đầu quá to, những đôi bàn tay quá bé, những đôi mắt tô quá đậm và rèm mi quá dài - như những phiên bản nảy nở hồi xuân của nhân vật Betty Boobs. Lối minh họa cartoon và áp phích cine này được các họa sĩ thời đó áp dụng cho bìa sách, những cuốn kiểu giựt gân, diễm tình, hay những tập báo định kỳ dành cho tuổi thiếu nhi.
ViVi tự họa


Tôi lớn lên vào những năm 1980 của Sài Gòn, với những ngày thứ Bảy nôn nóng chờ hít mùi giấy tái chế từ những tờ Nhi Đồng, Khăn Quàng Đỏ mới ra lò bán ở thư viện trường, hay chờ Chủ nhật đi hiệu sách mua truyện cổ tích, sách thiếu nhi, hồi hộp lần dở trầm trồ coi những tranh minh họa ký tên Văn Minh và Đức Lâm trong trẻo và lãng mạn theo kiểu… nhi đồng. Hồi đó, một tuần sao mà dài thế! Ba sắm cho hai chị em một cái tủ con bằng sắt để làm kho sách riêng, và chúng tôi cùng hào hứng chờ nó đầy dần lên từng tuần, từng tháng. Sâu trong “kho” sách báo luôn được chắt chiu góp đầy thêm mỗi tháng của chị em tôi khi đó là một bộ Tuổi Hoa đóng tập - một “di vật” của người con gái chủ nhà trước để lại. Những tờ tạp chí chữ nhật khổ ngang, những truyện ngắn về gia đình, chị em, về tụi giang hồ con nít có thể gây mủi lòng muốn khóc. Tôi bắt đầu học về những từ ghép có gạch nối từ đó, và lờ mờ nhận biết một sự tương quan giữa nét vẽ ViVi với những trang minh họa ký tên Văn Minh, Đức Lâm thời sau này.
Họa danh ViVi là từ ghép của Việt Nam và Vĩnh Long - quê hương họa sĩ công giáo nổi danh thời bấy giờ Võ Hùng Kiệt. Nếu không phải là người khai sinh thì cũng là bậc tiên phong của trường phái minh họa bìa sách Sài Gòn lúc bấy giờ, tạo ảnh hưởng sâu sắc lên phong cách họa hình trang trí cho rất nhiều năm về sau, mà huyền thoại tới nay đã được tái bản là Tủ sách Tuổi Hoa. Những dòng Hoa Tím, Hoa Xanh, Hoa Đỏ không thể toàn vẹn nếu thiếu món quà “đặc sản” là những trang bìa minh họa thần sắc mộng mơ trong vắt ký tên ViVi. Thời ấy, lối vẽ minh họa “phản anatomy” này quyến rũ tới mức chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi, trên những bức áp phích trước cổng rạp hát vẽ tuồng tích cải lương, chân dung đào kép đội mão cài trâm, đường sống mũi kiêu vọi với làn môi dày sáp và những đôi mắt tô thật đậm theo phong cách mà tôi gọi nôm na là “pin-up Hồ Quảng”, cho đến những nét bút điện trang trí hộp bút bằng gỗ thông, cô gái tóc mây móng tay sơn đỏ cầm ly trên mấy xe nước mía ngoài Sở Thú.
Cũng tinh thần đó, mặn mòi và gợi cảm hơn rất nhiều, chính là những mẫu bìa trên những cuốn sách mẹ mướn từ mấy sạp cho thuê sách gần nhà về coi giải trí. Trong hồi ức của tôi, màu giấy ố vàng và những vệt bong nứt trên bề mặt giấy đã gắn liền với những cuốn tiểu thuyết diễm tình Sài Gòn này như thể chúng đã sinh ra cùng nhau, như vậy, như thể cô gái non nhan sắc bậc trung thốt trở nên giai nhân với nét sầu đời mùi mẫn lúc về chiều. Thời đó, mấy cuốn kiểu này sống sót một cách tài tình sau những đợt dịch “thiêu hủy văn hóa phẩm đồi trụy”, được đổ bán tống tháo cho các gánh ve chai, vựa sách.
Nói là “tài tình” ở đây là bởi trong các hạng mục văn chương thời ấy, những cuốn diễm tình kiểu này được liệt vào hàng tiểu thuyết “ba xu” chuyên phục vụ nhu cầu lãng mạn không rủi ro của mấy chị sen dân tỉnh lẻ, được giấu trong xắc tay, ngăn kéo các cô nữ công chức nhà nước tỉ phú thời gian, trong chiếc giỏ đầy nhóc ve lọ của bà thím làm móng trong xóm, hay chỏng chơ úp mở hớ hênh trên chiếc ghế bố nghỉ trưa của bà tiểu thương sạp vải Tạ Thu Thâu. Nó đắp đổi và cung ứng cho họ vừa đủ liều lượng kịch tính và cảm giác phiêu lưu buông thả trong phạm vi an toàn của con chữ và trí tưởng tượng đàn bà.
Về sau, ngay trong thời cực thịnh của Võ Tắc Thiên, phim Quỳnh Dao và cine “mì ăn liền” nội hóa, những cuốn tiểu thuyết diễm tình Sài Gòn cũng dần thay hình chuyển dạng. Những đầu sách của bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân được tái bản nhờ mấy nhà xuất bản tỉnh, nhưng những trang minh họa bìa đã thay đổi theo thẩm mỹ “cine ăn liền”, với những hình đào kép Lý Hùng - Diễm Hương được cắt ghép thô sơ, những đuôi mắt vén cao tới tận thái dương và mái tóc hỉ nhi hàng rào, bông tai toòng teng chà bá chuẩn thẩm mỹ hậu disco.
Tôi cũng lớn lên để không còn đọc đi đọc lại bộ Tuổi Hoa đóng tập “gia truyền” nữa. Nhưng có những buổi chiều bất chợt dạo qua quảng trường Đức Bà, chọn vu vơ một tấm thiệp trang trí bằng tay còn rung ngân ít nhiều âm hưởng ViVi, chợt xốn xang nhớ nhung những bìa sách cũ, mùi giấy ố vàng và những từ ghép có-dấu-gạch-ngang.
Những trầm luân làm nên nhan sắc
“Chương vừa bực mình vừa thích thú trước lối đùa dai của các cô. Chương rút một điếu thuốc gài lên môi ngã đầu sau thành ghế lơ đãng nhìn những vòng khói trắng loãng dần trước mặt. Khi Chương cúi xuống hai cô bạn đều nhìn chàng bằng đôi mắt thiện cảm vì họ đều tưởng rằng Chương đã lịch sự không nhả khói vào mặt họ…”.
Cảnh đầu của cuốn sách mỏng diễn ra như vậy, và họ cùng ăn kem, đi cine, phải lòng, chia tay, hiểu lầm và biệt ly vĩnh viễn. Vậy thôi, vỏn vẹn trong lối sáu chục trang sách nhỏ. Vài trang sau cuối nhà xuất bản quảng cáo rầm rộ thêm cho một lượt sách sắp xuất bản, nào là Thân gái giang hồ của tác giả Người Áo Đen, Yêu nhau có vạn lần sầu của Vương Mộng Linh...

Cả một bức tranh minh họa đời sống văn chương bề nổi của cả miền Nam xưa cũ: náo nhiệt, tào lao nhưng rôm rả thật thà. Câu chuyện “mỏng dính” theo cả hai nghĩa không đủ sức làm độc giả muộn màng bỏ cuộc. Tôi đã đọc điều mà Thương Hoài Phương - dù đó là ai, tình cờ vẽ nên, ẩn giữa những dòng văn tự.
Tôi “đọc” cho đến cả những “mã số” kỳ bí chi chít trên mặt bìa lót - thứ dấu tích điển hình của những tiệm cho mướn sách ghi lại ngày tháng và những món tiền thế chân, giá trị chỉ bằng số bạc lẻ còn lại sau buổi chợ, tự hỏi chủ nhân đầu tiên của cuốn sách là ai. Phần nhiều tôi muốn tin rằng đó đã là một cô gái, một cô nàng hippy Sài Gòn mê Mai Lệ Huyền và cúp cua vô cine coi phim chưởng.
Nàng về sau có lẽ đã dạt phận về kinh tế mới hay trên đảo tạm cư, nép mình chờ từng thùng hàng viện trợ và chờ bảo lãnh. May mắn hơn có lẽ đã uốn tóc sư tử, nghe nhạc Linda Trang Đài, học nói tiếng Mỹ giọng quận Cam, hay đã nằm lại vĩnh viễn dưới tầng nước sâu một vùng đại dương nào đó…
Bao thập niên đã trôi qua, những sản phẩm văn chương chỉ đáng ví như những món mỹ ký bên cạnh các tuyệt phẩm nở rộ thời kỳ này bỗng mang riêng cho mình một giá trị, một câu chuyện nằm bên ngoài khuôn khổ của ý tứ, ngôn từ.
Ngày đó, trước cặp mắt chứng kiến của tôi, những thị dân bán tống tháo của nả ra chợ trời để gom bạc: những chiếc dame màu olive, những radio, TV cửa lùa, những cuốn từ điển và những cuốn tiểu thuyết ba xu, những tập Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc may mắn chưa bị tiêu hủy.
Những ly loạn và trầm luân, những kiêu kỳ, cả thẹn và những lịch duyệt ân cần, một bầu không khí lâm li ướt át được tô chuốt tỉ mỉ cầu kỳ. Những lối bỏ thanh, bỏ dấu từ thời tân văn Nam kỳ của cụ Vương Hồng Sển đã đổi khác phần nào sau làn sóng di cư cho phù hợp với khẩu ngữ chung của dân Sài Gòn đa chủng khi ấy. Tôi thường không dõi quá sát theo tình tiết, mà thả mình vào cái không gian hào hoa được tô vẽ lộng lẫy, phục sinh từ những trang giấy đã ngả nâu với gáy bìa đã chớm tơi sờn sau bao bận sang tay đổi chủ.
Bao nhiêu năm trôi qua không rõ, người ta bắt đầu mạnh dạn hơn trong việc nhặt nhạnh những cuốn tàng thư đa chủng, trong đó có tiểu thuyết diễm tình - giờ đây đã mang dày giá trị thời cuộc, như một món đồ sưu tầm vượt khỏi giá trị văn chương của chính nó. Trong khi các tuyệt phẩm “đời đầu” như Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu một thời mang án “dâm thư” mà bị chính quyền Pháp ra lệnh tiêu hủy giờ chỉ nghe nói tới một ấn bản còn được nhìn thấy ở… Thư viện Quốc gia Pháp, thì những cuốn thời hoàng kim cực thịnh thập niên 60 và cuối 80 đầu 90 được gom giữ và sưu tầm bởi những người yêu sách.
Vậy là hình thành, dù còn lờ mờ một thú chơi vừa rẻ tiền, lại ngẫu hứng chớ không khiến người ta cay cú khi săn lùng hay đắc thắng phô trương bởi giá trị đắt đỏ của món đồ. Tôi cũng bon chen tùy cơn mà lượm lặt lại cho mình vài cuốn của bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, cùng những cuốn cẩm nang gia chánh đàn bà, giọng văn nữ sĩ “beauty tân cổ” thủ thỉ mánh khóe nữ nhi nửa điệu đà, nửa chất phác.
Bao thập niên đã trôi qua, những sản phẩm văn chương chỉ đáng ví như những món mỹ ký bên cạnh các tuyệt phẩm nở rộ thời kỳ này bỗng mang riêng cho mình một giá trị, một câu chuyện nằm bên ngoài khuôn khổ của ý tứ, ngôn từ. Tất cả, từng dấu tích thăng trầm thượng hạ, từng bức thơ, chiếc hình bất ngờ rơi ra từ những trang sách đã hàng chục năm khép chặt, những dòng thủ bút lưu niệm, cho đến những lớp bồi nhằng nhịt chữ số của những khúc hẩm hiu cũng đủ để món vật vượt ngoài tầm văn chương mà thành một món kỷ vật được trang trí diêm dúa u sầu, với đầy đủ biến cố của cuộc đời một người đàn bà đẹp mặn mòi qua cuộc trầm luân.
Trác Thúy Miêu

nguồn : nguoidothi.vn

Không có nhận xét nào: