Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn

Tết 2006 là một cột mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê. Lần đầu tiên được ăn Tết tại “nhà của mình” trên chính đất nước mình, cảm giác trong ông xao xuyến, bồi hồi rất lạ... Đến nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn, nếu may mắn gặp chủ nhà khách có thể sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị. Như là câu chuyện sau đây mà nếu muốn, khách có thể lục lọi trong Thư viện Trần Văn Khê (đặt tại nhà ông hiện nay) để biết...
GS.TS Trần Văn Khê trong một cuộc trò chuyện về âm nhạc dân gian gần đây. Ảnh: TL


1. Tết 2006 là một cột mốc thời gian đáng nhớ trong cuộc đời Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê. Lần đầu tiên được ăn Tết tại “nhà của mình” trên chính đất nước mình, cảm giác trong ông xao xuyến, bồi hồi rất lạ. Lúc khai đàn đầu xuân, tập quán mà ông giữ được bao năm qua, cuốn phim ký ức bỗng đưa ông về những năm đầu thập niên năm mươi ở nước Pháp, khi ông vừa theo học ở Khoa giao dịch quốc tế Trường Chính trị Paris vừa đi đánh đàn thuê ở tiệm ăn La Paillote do ông Từ Bá Hòa làm chủ. Đánh đàn để kiếm sống, nhưng ông đã chỉ sử dụng các nhạc cụ truyền thống Việt Nam và chơi các bản nhạc truyền thống Việt Nam, vậy mà thực khách ưa thích. Đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ mà ông vẫn đeo đuổi chỉ một công việc: nghiên cứu, giảng dạy, quảng bá giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và góp phần vinh danh giá trị đó ở khắp nơi trên thế giới: 15 đại học ở nước ngoài, 200 hội nghị quốc tế về âm nhạc tại 67 quốc gia, 20 liên hoan âm nhạc thế giới…
2. Tháng 8 năm 2006, tại một nhà hát ở Torino (Italia) trong tuần lễ “Di sản âm nhạc Việt Nam” do các bạn Ý tổ chức, mỗi khi các nghệ sĩ Hải Phượng, Huỳnh Khải, Nhứt Dũng biểu diễn dứt một tiết mục nhạc tài tử và nhạc lễ Nam Bộ, Trần Văn Khê lại lên sân khấu giới thiệu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về ý nghĩa, về những điểm chung và riêng của các loại hình âm nhạc này. Rồi, thật là bất ngờ, ông cầm lấy cái trống bồng đánh lên để khán giả có thể nhận ra những âm thanh khác biệt của nó với các loại trống khác. Tay trống của ông mềm mại và dứt khoát, tiếng trống lúc nhặt lúc khoan, không ai còn nhớ ra người chơi trống đã tám mươi lăm tuổi…Tiếng vỗ tay dành cho ông rền vang khán phòng. Khoảnh khắc xúc động ấy người viết bài này may mắn chứng kiến…  Chả trách, các đồng nghiệp quốc tế của Trần Văn Khê vẫn gọi ông là người đa tài: giỏi nghiên cứu, giỏi truyền giảng, giỏi ngoại ngữ và giỏi kỹ năng biểu diễn. Họ thành tâm thú nhận đã bị mê hoặc vì sự tài tình và vẻ say sưa của ông khi truyền đến họ nét đặc sắc của nền âm nhạc dân tộc mà ông đã đắm mình từ tấm bé....
Buổi thuyết trình của TS Trần Quang Hải
Buổi thuyết trình của TS Trần Quang Hải. Ảnh: Tuổi trẻ
3. Trở về Việt Nam sau chặng đường bôn ba hơn nửa thế kỷ ở xứ người, Trần Văn Khê đã mang theo về 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quí giá mà ông thu thập, gìn giữ trong suốt những năm dài nghiên cứu, giảng dạy và nay tặng lại nhà nước Việt Nam để phục vụ cộng đồng. Nhưng, có lẽ biệt tài giới thiệu âm nhạc dân tộc của ông mới chính là thứ tài sản quí giá hơn cả mà cộng đồng được ông trao tặng. Với sự giúp sức của các cơ quan nhà nước và bạn bè thân hữu, ngôi nhà ông ở những năm cuối đời tại đường Huỳnh Đình Hai (Bình Thạnh) thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa sống động. Tại ngôi nhà này, từ tuổi tám mươi lăm đến nay, Trần Văn Khê vẫn kết nối các mối quan hệ âm nhạc trong và ngoài nước, vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy và giới thiệu âm nhạc dân tộc và đặc biệt nhất vẫn tham gia biểu diễn trong các buổi sinh hoạt định kỳ và ngoại kỳ. Một đêm tháng 2 năm 2007, khi ca nương Phạm Thị Huệ chuyển từ đàn đáy phụ họa với nhóm ca trù thành phố Hồ Chí Minh sang phần độc tấu đàn tỳ bà theo phong cách Huế, Trần Văn Khê đã bất ngờ nhập cuộc, kéo Phạm Thị Huệ ứng tác ứng tấu với ông một đoạn chỉ có trống và tỳ bà. Tiếng tỳ bà của Phạm Thị Huệ đi theo tiết tấu trống của Trần Văn Khê say sưa và thần tình một cách lạ lùng. Đoạn nhạc hòa tấu đầy ngẫu hứng và hào hứng sáng tạo đó khó gặp ở thời nay đã lay động hết thảy những người tham dự chương trình sinh hoạt định kỳ hôm ấy. Ngoài vẻ say sưa, không ai còn nhận thấy nét già nua, đau ốm nào trên gương mặt Trần Văn Khê. Ông đã luôn cháy lên như thế mỗi khi đắm mình với nghệ thuật dân tộc, bằng lời và bằng nhạc.    
4. Đến thăm giáo sư Trần Văn Khê một ngày cuối năm 2012, câu chuyện giữa chủ khách đã theo các sổ ghi chép và hình ảnh mà lần trở lại những kỷ niệm xa gần liên quan đến sự nghiệp của ông. Ông lướt qua rất nhanh, thậm chí bỏ qua những gì ông cho là không còn quan trọng nữa. Tỷ như những giải thưởng, những danh hiệu của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và cả chính phủ Việt Nam nữa đã trao cho ông trong hơn nửa thế kỷ qua. Chúng rất nhiều và không phải không có ý nghĩa. Nhưng giờ đây, với tư cách là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, quan trọng nhất với ông vẫn là những ngày cuối đời này làm sao góp phần nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu, giảng dạy và quảng bá để âm nhạc dân tộc thực sự làm rung động và đi vào tâm cảm của người đương thời, nhất là người trẻ. Ông sợ cách làm cẩu thả, chiếu lệ, thiếu cảm xúc và thiếu cả kỹ năng sẽ làm cho âm nhạc dân tộc mất đi khả năng lay động khán giả đương thời, cho dù di sản ấy thực sự quý giá và đặc sắc. Ông muốn những Thúy Hoan, Đỗ Lộc, Trần Quang Hải, Phạm Thị Huệ, Huỳnh Khải, Hải Phượng, Đức Dũng, Anh Tấn, Nhứt Dũng, Văn Môn, Lê Tứ, Đinh Linh, Tuyết Mai…và những điểm sáng khác trong hoạt động âm nhạc dân tộc được nhân ra nhanh hơn, nhiều hơn thay vì còn ít như hiện nay.

Buổi sinh hoạt âm nhạc định kỳ tại nhà giáo sư Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á/TTO
Và trong khi mọi sự chưa phải đã được nhiều như mong muốn, Trần Văn Khê vẫn tự mình tham gia các chương trình giảng dạy và giới thiệu âm nhạc dân tộc cho người trẻ. Thực hiện dự án “Dạy âm nhạc dân tộc trong bậc tiểu học” ở Trường tiểu học Trần Hưng Đạo. Lên truyền hình biểu diễn các bài dân ca Bắc, Trung, Nam cùng các cháu bé ở Nhà Thiếu nhi quận I. Nhìn ông mặc áo dài khăn đóng, mái tóc bạc phơ say sưa hát tung hứng với các diễn viên nhí, ai mà biết được mắt ông đã mờ đi nhiều lắm và đi lại đã rất khó khăn. Gần đây nhất, ông nhận lời làm diễn giả trong chương trình “Đi tìm tiếng nói thế hệ” do PACE tổ chức. Với đề tài “Người trẻ và âm nhạc dân tộc”, ông không nói với hơn 600 bạn trẻ về khả năng dâng hiến, về khát vọng thành công, về tính độc lập trong tư duy. Đó là phần luận bàn của các chuyên gia khác. Ông đi xe lăn đến diễn đàn này để trò chuyện với những người trẻ về cảm xúc mà mỗi con người cần phải có, phải giữ để làm nên độ mặn nhạt trong lối sống của mình. Nguồn cội văn hóa sẽ cho người ta một phần rất quan trọng của cảm xúc đó. Ông giải thích một cách giản dị cho cử tọa trẻ nghe về sự khác biệt của ca trù, ca Huế, chầu văn, nhã nhạc, nhạc tài tử…, về sự tinh tế của dòng nhạc dân gian và sự thâm trầm của dòng nhạc bác học trong âm nhạc dân tộc. Và, bằng chất giọng còn rất trầm ấm nhưng hơi lực chẳng còn như ý, ông đã cất tiếng hát cho các bạn trẻ nghe những điệu ru của miền nam, miền trung và miền bắc. “Ví dầu con cá nấu canh/Bỏ tiêu cho ngọt bỏ hành cho thơm”. Nỗ lực ngân nga của ông, nét biểu cảm của bài ru trên gương mặt của một người đã đi qua chín mươi hai năm cuộc đời đã làm xúc động thế hệ 7X, 8X, 9X. Tiếng vỗ tay nhiều lần và kéo dài trong khán phòng như thay cho sự chia sẻ và lời tri ân dành cho ông - người mà cả đời tự gánh lấy trách nhiệm giữ gìn và truyền đến mọi người ngọn lửa tình yêu với âm nhạc dân tộc. Vượt qua sự thông thường, câu chuyện về âm nhạc truyền thống Việt Nam có phần nỗ lực minh họa sống động của ông trở thành bức thông điệp về một giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông để lại cho con cháu.
GS.NS Vĩnh Bảo, tác giả và GS.TS Trần Văn Khê, ThS. Huỳnh Khải biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ dịp 20.11.2014.  Ảnh Vĩnh Nguyên
5. Đến nhà Trần Văn Khê ở Sài Gòn, nếu may mắn gặp chủ nhà khách có thể sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị. Như là câu chuyện sau đây mà nếu muốn, khách có thể lục lọi trong Thư viện Trần Văn Khê (đặt tại nhà ông hiện nay) để biết. Đó là chuyện ông – với tư cách là người Việt Nam đầu tiên được Đại học Sorbonne Paris trao bằng Tiến sĩ âm nhạc học với đề tài “Âm nhạc truyền thống Việt Nam” (La Musique vietnammienne traditionnelle) đã may mắn có cơ hội được giao soạn thảo 9 trang về lịch sử âm nhạc Việt Nam trong Encyclopedie de la Pleiade vào cuối năm 1958. Đó là lần đầu tiên âm nhạc Việt Nam được góp mặt vào hệ thống công cụ tra cứu tri thức thế giới. Đó cũng là một điểm tựa tinh thần, “danh chính ngôn thuận” để Trần Văn Khê thêm tự tin dấn thân vào sự nghiệp quảng bá miệt mài các giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp, ở Hội đồng quốc tế âm nhạc Unesco và nhiều trung tâm nghiên cứu quan trọng khác. Nhờ đó và cùng với sự góp sức từ nhiều bạn bè, đồng nghiệp của Trần Văn Khê mà nhiều năm sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù…được Unesco vinh danh là Kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại.
Cũng có thể khách sẽ được nghe câu chuyện ca trù nhiều năm bị quên lãng ở miền bắc Việt Nam đã “sống lại” như thế nào. Đó là năm 1976, Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê lần đầu về thăm đất nước theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều cơ quan ở Hà Nội đã mời ông đến nói chuyện: Hội nhạc sĩ Việt Nam, Trường Âm nhạc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Đài Tiếng nói Việt Nam…Ở đâu ông cũng nói về giá trị đặc sắc của âm nhạc truyền thống Việt Nam và tầm quan trọng của việc giảng dạy, quảng bá, khai thác đúng nguyên tắc để bảo tồn và phát huy vốn cổ. Sau đó ít lâu, thính giả rất ngạc nhiên nghe trên sóng phát thanh quốc gia tiếng tom chát của ca trù, cả tiếng giới thiệu vang vang của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát. Với lần xuất hiện đó, Ca trù đã đàng hoàng góp mặt vào đời sống âm nhạc đương đại. Nguyễn Xuân Khoát đã viết cho Trần Văn Khê bức thư vẻn vẹn một dòng “Sự kiện anh về nước đã động viên tôi rất nhiều. Cảm ơn anh”. Lời cảm ơn ấy không mảy may xã giao mà từ đáy lòng một người hằng thiết tha với nghệ thuật ca trù.

Giáo sư Trần Văn Khê và ca nương Phạm Thị Huệ - Ảnh: T.T.D/TTO
6. Khê nghĩa là suối. Trần Văn Khê một đời qua ví như dòng suối chảy ra biển cả rồi lại ngược về nguồn, đã đậm đà vị mặn nhưng không hề bớt trong mát. Những điều ích lợi mà ông đã làm cho dân tộc mình theo cách riêng của ông đã được quê hương xứ sở ghi nhận sau những năm dài. Tết Quý Tỵ năm nay, theo cách tính của ông bà, Trần Văn Khê bước vào tuổi 93. Trong lời kết cuốn sách sắp xuất bản dịp đầu năm tới ông viết về Phạm Duy – người bạn sinh cùng tuổi con gà, tình thân quyện chặt với nhau già nửa thế kỷ, mỗi câu đều thấm đẫm tâm sự của một người đã nghiền ngẫu trải nghiệm tri hành nghề nghiệp cùng thời cuộc:
“Chúng ta đã đến, đã đi và đã về, đã làm và đã sống, đã yêu và đã mơ, đã thăng và đã trầm, đã cười và đã khóc … qua hai thế kỷ nay. Nhưng Duy ơi, một kiếp nhân sinh với bao năm tháng trôi chảy không ngừng nghỉ, có lúc này cũng có lúc khác, những câu chuyện cứ tiếp nối nhau không dứt, thì Khê cũng như Duy, Duy cũng như Khê, đều mỉm cười và mong rằng:
“Nhưng cuối bước đi trăm năm một lần
Đầu cành khô bỗng hoa nở tràn” (*)”
Nguyễn Thế Thanh
_______________________
(*). Lời trong một ca khúc của Phạm Duy.
Bài viết đã đăng trên báo Tuổi trẻ tết Quý Tỵ 2013
» Hát nuôi phần hồn
» Lo toàn bộ chi phí điều trị cho GS-TS Trần Văn Khê
» Lời tri âm cho một tri kỷ

Nguồn :Người Đô Thị online

Không có nhận xét nào: