Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Độc giả lạc trong ma trận “mạo danh”, “cáo buộc” văn chương

(LĐ) - Số 230 MINH THI

Có hai vụ việc gần đây cho thấy, độc giả hiện nay rất dễ sa vào “ma trận” văn chương, mà nếu không có kiến văn sâu rộng, ý thức tự luận giải, thì rất có thể họ sẽ bị lừa, hoặc bị lạc vào đó không tìm thấy lối ra. Hiện nay, ở ma trận này, có rất nhiều vụ mạo danh, “vơ bài thơ, bài văn của người nổi tiếng thành tác phẩm của mình”, và mắng chửi chính tác giả bằng những từ “xơi xơi, khó nghe”. Hay ngược lại, cho rằng tác phẩm của người nổi tiếng này nọ là do nhiều người viết thuê...

Tay không đi... đòi thơ
Vụ thứ nhất, có một người tên là Ngô Xuân Phúc lên mạng cá nhân viết thư ngỏ cho tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, rằng chị hãy mau mau cho ông ta đồng đứng tên bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình”, hay ít nhất “vui vẻ trả lại bài thơ đó cho chủ nhân đích thực”!
Mà nói chơi vậy thôi, chứ ông Phúc đó không có bất cứ giấy tờ nào liên quan đến bài thơ “Tổ quốc gọi tên”! Ông cũng thừa nhận trong thư ngỏ, là “chuyển công tác từ Hà Nội về Vinh nên sách vở, giấy tờ thất lạc nhiều, bài này có cả bản viết tay nhưng không biết đã mất ở đâu…, còn các bản lưu máy vi tính thì máy hỏng đã mất hết”.
Vậy thì, tay không đi đòi thơ làm gì? Có người nói, chẳng qua ông Phúc muốn nổi tiếng, mà mau nổi chỉ còn cách… đòi đứng tên chung với ai đó, xui rủi đúng chị Nguyễn Phan Quế Mai vậy. Chẳng hơi đâu mà nhà thơ Quế Mai lại đi kiện ông Phúc vì tội vu khống, nếu đã hiểu sự việc. Một phóng viên tìm tới gặp ông Phúc, và tác giả “tự nhận” này còn kể, ông chẳng thuộc một dòng nào trong bài. Đó chẳng phải là sự trêu đùa công luận sao?
Cũng có người nói, lý do, rằng bài thơ “Tổ quốc gọi tên mình” không hẳn là do một nhà thơ “chuyên nghiệp” viết ra, mà có vẻ như nhiều người (nghiệp dư) cũng có thể viết được như thế. Bằng chứng là giọng thơ ít trau chuốt, cảm xúc cứ thế bung ra ít dồn nén, ít độ nặng của câu chữ, và chỉ khi bài thơ được phổ nhạc, được người ta hát ở khắp nơi thì bài thơ này mới mặc nhiên được nhiều người biết đến.
Đó cũng là ý nên ngẫm nghĩ. Phải chăng, người mạo thơ kia cũng cảm thấy ý tứ bài thơ cũng như “nằm trong lòng mình”, cũng “thân thuộc” thế kia, chả trách chính ông cũng “nhầm lẫn” chăng chớ. Nhưng nhầm một mình thì được, lại còn đăng đàn trên mạng để đòi quyền tác giả - chuyện hoàn toàn sai.
Tiến sĩ toán chê tác phẩm văn
Còn một vụ nữa cũng đáng suy xét. Đó là bài nói gây ấn tượng đến mức bị “ném đá” tập thể của GS-TS toán học Nguyễn Hữu Việt Hưng. Tham dự hội thảo về nhà văn best-seller Nguyễn Nhật Ánh, ai ngờ, vị giáo sư đáng kính nhận xét “xanh rờn”: “Tôi đã nghe rất nhiều tham luận khẳng định rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất hay, cực kỳ ăn khách. Tôi chờ đợi được nghe các chuyên gia cắt nghĩa truyện của Nguyễn Nhật Ánh hay ở chỗ nào? Vì sao nó hay? Nó hay bằng cách nào? Nó mới thế nào? Mới so với cái gì? Và không mới so với cái gì? Cũng có thể các chuyên gia văn học bảo, giả định thôi, rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng như ca từ của Trịnh Công Sơn ấy, nó cứ hay thôi, không thể phân tích vì sao nó hay. Tôi chấp nhận đó cũng là một lý giải. Nhưng hôm nay, từ sáng đến giờ, tôi vẫn lắng nghe, mà chưa được cắt nghĩa những câu hỏi ấy. Cũng có thể, do kiến văn hạn hẹp, tôi nghe mà không hiểu chăng”.
Sở dĩ nói như vậy, là vì, với cách biện luận theo logic toán học, ông Hưng cho rằng, những tác phẩm best-seller thì thường không phải văn học hàng đầu và không chịu được thử thách của thời gian. Từ góc độ như thế, một câu hỏi được đặt ra là: Văn chương của Nguyễn Nhật Ánh có phải best-seller không? Nó có đi được cùng năm tháng hay không?
Người “duy nhất trong hội thảo không hát với giọng ngợi ca” như GS Hưng đã bị chỉ trích, “quăng gạch”, đến mức, ông rút bài viết khỏi mạng xã hội.
Tuy nhiên, đúng như GS Hưng nói, nên chăng, hãy phân tích cái hay của văn chương Nguyễn Nhật Ánh để biết rõ đẳng cấp thực của nó, không phải cứ tung hô ai là tác phẩm họ đều hay cả. Vì cách viết đều tay như thế, nếu không có điểm nhấn cũng như phong cách văn chương tài hoa, rất dễ nhầm là có một nhóm người thay nhau viết những truyện dài kiểu như trên. Và thực thế, chỉ khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khai thác kịch bản từ tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh thành công ngoài tưởng tượng, thì người lớn, thay vì trẻ con, bắt đầu chú ý đến tác phẩm của ông.
Đó cũng là một cách phản biện lại cái hay, dở của tác phẩm theo chủ kiến riêng, không nên vì cách nói khác mà “ném đá” hàng loạt như vậy.
Một tác giả đã nói: Kiến văn là những điều mình trông thấy và nghe thấy, tức là sự hiểu biết nhờ kinh nghiệm thực tế mà có. Kiến văn cần phải có thời gian và sự từng trải ở đời mới trau giồi tới nơi tới chốn được. Nó bao gồm tất cả tài trí của con người. Độc giả thời nay chớ tin vội ở một ai đó mạnh miệng tố kẻ khác “đạo” văn thơ của họ, cũng đừng vội chê trách ai đó nói ngược với đám đông. Bởi lẽ, phải hiểu rõ bối cảnh và bản thân tác giả, cũng như uy tín và sáng tác của họ, thì mới có thể kiến giải ai “đạo” của ai, ai nói sự thật dù chấp nhận bị ném đá…

laodong.com.vn

Xem them : http://cand.com.vn/Tieu-diem-van-hoa/Tiet-lo-dong-troi-cua-mot-nu-nha-tho-

Không có nhận xét nào: