Bài số 36
SƯƠNG MÙ Ở NGOẠI THÀNH
Tôi đi dưới hai hàng cây vừa qua mùa tàn phai
Của một ngày tháng chạp
Hoa lá lại đâm chồi
Chờ Xuân mới
Con đường mờ trong sương sớm
Tiếng hát ban mai của bầy chim đồng bằng
Gọi nhau bay về một chân trời khác
Từ biệt nơi trú ẩn mùa đông
Tìm thiên đường xứ lạ
Những con đường mới ở ngoại thành
Xe và người
Cuộc sống vẫn vội vàng
Ai cũng muốn tiến về phía trước
Vượt qua người khác
Dù con đường thênh thang rộng 6 làn xe
Cuộc đời mà
Ai cũng sợ mình không kịp một việc gì đó
Tôi chỉ biết đi bên lề
Tôi đã qua những tháng năm vật vã cùng cuộc sống
Tôi trở thành kẻ già đối với xã hội
Và sẽ được quên lãng
Chỉ còn tôi nhớ đến tôi
Chỉ còn tôi
Buổi sáng sương mù ở ngoại thành
Một ngày tháng chạp
Cuối một năm
Sắp bắt đầu một năm khác
Nhưng sương mù vẫn chưa tan trên cuộc đời tôi
Vẫn mù sương năm tháng
Như sớm mai này
Bài số 37
SÁNG THÁNG CHẠP NGỒI MỘT MÌNH TRONG QUÁN NHÌN RA ĐƯỜNG
Tháng chạp ở đây có chút lạnh của phương Bắc
Khiến lòng ta bâng khuâng
Nhớ những ngày đi học
Cơn mưa dầm cùng giá băng
Đạp xe qua cánh đồng trống
Gió nhọn sắc cứa rát mặt
Đường mùa đông âm u
Bàn chân tê cóng
Tôi đi qua thanh xuân tôi
Nơi xứ sở của những người Eskimo
Nỗi cô đơn từ ngày mở mắt
Tháng chạp ở đây thường có những cuộc trò chuyện với quá khứ
Tình yêu
Không phải với nhiều người
Mà chỉ một người
Một người của một đời
Là tình yêu tôi bất diệt cùng năm tháng
Như thời gian bay qua suốt cõi nhân gian
Lá và hoa nội cỏ thiên đường
Tháng chạp có những khi ngồi một mình trong quán nhìn ra đường
Cuộc đời vẫn trôi qua
Bình thường và dửng dưng
Không có gì là lạ
Bởi sự sống luôn tiếp tục một cách tự nhiên
Mỗi người một cách
Hiện hữu và tồn tại với thế giới
Dẫu biết rằng thế giới này vốn vô thuỷ vô chung
Như sáng nay một ngày tháng chạp ngồi trong quán nhìn ra đường
Cho dù thấy gì hay không thấy gì
Đã xảy ra hay đang xảy ra và sẽ xảy ra
Tất cả sự vật đều đang âm thầm chuyển động
Tháng chạp cũng vậy
Bài số 38
KHÔNG MÙA
Tôi đi tới chốn không mùa
Có trời và đất vui đùa nguyên sơ
Tôi đi không kể bến bờ
Có sông và nước dật dờ bè lau
Tôi đi nào kể ngàn sau
Bóng chim tăm cá về đâu giữa dòng
Tôi đi mộng đã về không
Tịch dương cổ khúc bên lòng như nhiên
Bài số 39
VỀ CON ĐƯỜNG TỰ DO
Khi bước đi trên một con đường
Ta biết nó sẽ về đâu
Nếu không biết về đâu thì ta không cần bước
Vì con đường khi được xây dựng nên nó đã có điểm khởi đầu và điểm kết thúc
Con đường của tự do
Có hay không là do ý thức của mỗi con người
Từ đó phân biệt ranh giới của thật và giả
Tốt và xấu
Của chính thực và lừa dối
Như bản thể của cái gọi là tự ngã
Con đường của tự do
Không có khởi đầu không có kết thúc
Cũng giống như con đường
Chỉ là ngôn từ được nhiều người nói mà thành
Được nhiều người tôn vinh mà có
Được nhiều người mơ mộng mà trở nên ước vọng
Con đường của tự ngã
Đức Phật dạy:
“Đối với người muốn tìm cầu tự ngã trong năm uẩn (Năm uẩn là năm nhóm kết hợp lại tạo thành con người. Nói cách khác, con người là một hợp thể của năm yếu tố: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) thì cũng giống như tìm cầu lõi cây trong thân cây chuối vậy. Để tìm lõi của thân cây chuối thì ta sẽ không bao giờ thấy được, từ cây nhỏ cho đến cây lớn.“
Bài số 40
VÌ SAO ĐÊM GIÁNG SINH
Năm ấy trời cao nguyên
Một ngày không có nắng
Vì mặt trời là em
Đã ngập tràn ánh sáng
Khi ta bước lên đổi
Vùng bình nguyên phía dưới
Em ở trong lòng tôi
Trăm năm đừng qua vội
Để tôi kịp lời yêu
Ngày xưa chưa nói được
Để em dáng yêu kiều
Tuổi thanh xuân năm trước
Em là em mười sáu
Trăng không tròn như đôi mắt em
Em là em của muôn ngàn kiếp
Mối tình chung trong suốt dặm xanh
Giáng sinh Chúa đã đến trần gian
Mùa vọng vang lời rằng
Tình yêu không biên giới
Sao ngời trong giá băng
Năm ấy có một tình yêu ra đời
Con đường vô tận của niềm vui
Giáng sinh em người nữ của định mệnh
Có một loài hoa không bao giờ phai hương sắc
Có một tình yêu không bao giờ là ga cuối
Từ khi bắt đầu nơi ấy buổi đầu đời
Giáng sinh đã đến khắp trần gian
Nhưng chỉ riêng tôi
Giáng sinh là của một người
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét