Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

TRẦN BẢO ĐỊNH cà khịa chuyện đời cuối năm

NGƯỜI ĐỘI TRƯỞNG
ĐỘI XE BA GÁC ĐẠP Ở HẬU NGHĨA
gửi nhà thơ Từ Hoài Tấn.
1.
Hiền đậu ghe ngoài vàm chờ con nước. Trăng đầu hôm, đầu tháng còn rất non, không đủ sáng soi mặt sông. Nằm hút thuốc ở mui ghe, anh nhớ lại quãng đời mình về tá túc quê vợ ngót nghét cũng gần năm năm. Cái xứ Bình Thành sống từ nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông đã, cho anh ăn nhờ ở đậu để nuôi vợ nuôi con. 
Bằng đôi cánh tay, anh đã nổ lực hết sức mình, kiếm miếng cơm manh áo từ đôi cánh tay gân guốc:Chèo ghe!Một cái nghề-chưa biết phải là cái nghiệp hay không-đời anh, chưa bao giờ nghĩ tới. Rừng tràm bạt ngàn xuyên qua những cánh đồng năng, sậy, lát...mênh mông. Mùa nước nổi như biển, mùa khô phèn dậy tróc da. Đêm uống rượu một mình trên ghe, nghe tiếng chim từ quy lẻ bạn gọi vọng về, anh nhớ làng quê khôn xiết:Cái làng Chuồn, tên chữ An Truyền yêu dấu, nhớ phá Tam Giang, nhớ ngày lễ hội Thu Tế, nhớ giọng hát Thài, nhớ hương men rượu làng Chuồn, nhớ những khoanh bánh tét mùi nếp thơm lừng vùng đất sáu tháng khô, sáu tháng ngập...Nhiều lúc, anh bật khóc giữa khuya xứ vợ, khi nhớ hình ảnh mạ mặc áo tơi, triêng giống oằn vai gánh cá chạy chợ lúp xúp dưới trời sương, trên con đường đá xanh mà mỗi lần, chưn dẫm phải viên đá cuội đau thốn óc.
Chàng thanh niên họ Hồ làng Chuồn lên kinh thành Huế học chữ, làm thơ... Vì là, Hồ Văn nên không đường khoa bảng như họ Hồ Đắc. Người đời thường bảo:Mộng là thực!Với anh, mộng không là thực. Bởi, anh mộng một đường mà thực đi một nẻo. Anh xa Huế vô Nam giữa năm thàng cuộc chiến bước vào giai đoạn tàn khốc nhất. Và, anh gặp những người đồng hương trên đất Sài Gòn nửa hòa bình nửa chiến tranh nhưng, khó có thể gặp những người khói!Khác chi, người nòi tình không thể tìm ra người đồng điệu.
Rồi, sau ngày dứt can qua, anh không quay về nơi chôn nhau cắt rún. Đời anh, đã là chim liền cánh cây liền cành với nàng thôn nữ đất Bình Thành thuộc khu chiến Đông Thành do tướng Nguyễn Bình xây dựng. Vì, vùng sông nước cuối dải miền đất miền Đông Nam Bộ, cuộc sống ở đây là cuộc sống thương hồ. Không biết bơi, biết chèo...sao biết chống?Bên vợ, tập anh bơi, tập anh chèo...tập anh chống. Nghĩa là, từ rày đôi cánh tay anh trở nên đôi cánh chủ lực gia đình!
Năm năm luồn lạch sông hồ, nước ngược nước xuôi, thuận buồm nghịch gió...anh chơi ráo. Tiếng Huế trộn lẫn giọng Nam...bà con quê vợ nghe thương đáo để. Hết mùa chở bàng, tới mùa chở củi, chữ nghĩa trôi theo từng giọt mồ hôi, thơ văn chín mũn theo từng cơn sôi nước mắt. Làng Chuồn thiếu ăn trong ngày giáp hat của những năm bao cấp, anh bàn với vợ rước ba và 2 em gái sống cùng. Vợ anh vui ra mặt, vì được sum hợp với nhà chồng.
*
Đêm hôm, anh chèo ghe một mình trên sông nước mờ sương khói. Những tiếng hò ai đó văng vẳng vang xa, khiến lòng anh buồn rười rượi. Ngày mai, anh rùng mình không biết vì trời khuya lạnh hay vì, nghĩ đến ngày mai!?Gặp lúc, gió ngược, nước ngược...mọi thứ đều ngược;anh cột bánh lái ghe, chuyển tay chèo ra phía mũi...kiểu dắt ghe dập dềnh nhảy sóng nước! Thương con cảnh ngộ sơn trường, ba anh đòi theo ghe. Anh bấm bụng, chìu ba. Người thợ máy sửa ô tô ngày xưa, giờ cùng tắc biến lão đi ghe trên vùng sông rạch Đức Huệ. Ba ngồi mũi ghe rọi đèn, đôi khi ngủ gục xém rớt sông. Những dòng nước mắt của anh lặng lẽ chảy trong đêm tối!
Vợ chồng anh đưa ba và hai đứa em gái ra chợ Bàu Trai, Thị Trấn Hậu Nghĩa ở đậu nhà người bà con tốt bụng bên nhà vợ. Ba chuyển nghề sửa ô tô qua sửa xe đạp, xe gắn máy nuôi hai đứa em ăn học. Nằm đêm trên cái ghe cần câu cơm, anh nghĩ:Trời vẫn còn thương anh và gia đình.
Thời gian sau nầy, việc sống bằng nghề ghe không còn thuận lợi như trước. Vợ kêu anh bán ghe, nhảy lên bờ, mua xe ba gác đạp, chuyển nghề. Bỏ đôi mái chèo ở lại bến sông!
2.
Mùa khô năm 1984, ngày tháng cụ thể không nhớ rõ, tôi cùng đi với Thiếu Tướng Huỳnh Công Thân kiểm tra quân số Trung Đoàn 4 của Thượng Tá Ba Đông, Trung Đoàn 2 của Thượng Tá Tám Giáp thuộc Ban Chỉ Đạo Đồng Tháp Mười, đang làm nhiệm vụ ở Đức Hòa-Hậu Nghĩa. Tính tôi thích cà khịa chuyện đời mà, cà khịa chuyện đời chỉ có nơi người''cần lao đói khổ''và giới ''nghèo mạt hạng'' trong xã hội. Vì vậy, thường khi hết giờ mần việc, tôi hay lân la uống rượu với những người anh em bất kể nguồn gốc, xuất xứ. Thiệt tình, tôi thích nghe chửi hơn nghe khen. Khoái bị chỉ trích hơn lời khen có cánh. Bởi, mỗi lời chửi, lời chỉ trích dù ác độc cũng chở theo mầm mống đáng trân trọng của nó, giúp người nghe sửa mình. Còn chửi, còn chỉ trích là, còn tin và hy vọng!Trong lời khen dù lời khen có cánh cũng có mầm độc hại hư người, bất luận đó là lời khen chân thật nhất. Má tôi, hồi còn sống trong bom đạn đã dạy tôi như vậy. Phải yêu thương và gìn giữ sự sống của con người dù, kẻ đó có thể giết chết con. Xin bạn đọc đừng bịt tai, hãy cho phép tôi nổ về cái thằng tôi một chút xíu cho rõ sự đời gặp thoáng qua anh Hồ Văn Hiền, Đội trưởng Đội xe ba gác đạp Thị Trấn Hậu Nghĩa. 
Tôi biết anh Hai Chung, cựu Trung úy sĩ quan chế độ Sài Gòn, thông qua các anh Sáu X. và anh Út T...Những người thời bấy giờ lãnh đạo huyện Đức Hòa-Hậu Nghĩa. Được biết, anh Hai Chung là bạn học thời trung học của các anh. Một khi tôi ''đã chịu đèn''-xin lỗi, không phải ''khớp đèn''-với ai, tôi liệng áo mũ vào ngăn tủ cơ quan khóa lại, để tôi chơi d9ich21 thực cái thằng tôi ruột ở ngoài da. Dân quê tôi gọi là, hết mình!
Tôi gặp anh Hiền, cũng là một cựu sĩ quan chế độ Sài Gòn từ anh Chung. Khi anh Chung nghỉ đạp xe và sang xe ba gác thì, anh Hiền nhận nhiệm vụ Đội Trưởng. Thiệt ra mà nói, tôi chẳng để ý gì về anh, bởi anh ít lời và ít bộc lộ tình cảm, giữ mình theo tâm tính Huế. Tôi không biết anh từng làm thơ, in thơ...và thi sĩ!
Anh lọt sổ trong tàng thư lưu trữ bộ nhớ của tôi. Tôi quên anh!
*
Anh bỏ nghề sống bằng đôi tay, chuyển sang sống bằng nghề đôi chưn:Đạp!
Những con đường quê trải nhựa hay đất đỏ đến Hốc Môn hoặc tới Trảng Bàng, đôi chưn anh đạp tới đạp lui mòn sênh mòn xích. Đạp đến đổi muốn rụng đầu gối, run cặp giò...Đêm nằm nhớ câu ''An cư tư nguy'' Thủ Đức, lật đật ôm mùng, mền, chiếu, gối... ra sân ngủ cùng xe ba gác. Vợ cự nự, hỏi:
- Có nhà sao không ngủ. Ngủ ngoài sân?
Anh đành cắn răng, nói ẩu:
- Ngủ giữ xe!
Vợ nghe chí phải, mất xe là mất cần câu cơm. Chớ thiệt lòng, anh sợ lúc nửa đêm về sáng vợ dựng dậy bắt trả bài thì, ''rục tùng''. Bài rớt từng trang dọc đường gió bụi áo cơm, còn sức thuộc bài đâu mà trả!?
Nhiều hôm đuối, thân kiệt nước, mình mẩy không lấm tấm mồ hôi...đôi mắt mờ vì mệt và đói. Tưởng chừng anh quỵ xuống nhưng, hình như có luồng sinh khí mới vực anh đứng dậy. Theo anh, đó là luồng sinh khí của hồn thơ từ cái thuở ''Cuồng Biển'' chốn quê nhà.
Khoảng giữa năm 2015, tôi đến 27.Nguyễn Thị Diệu uống cà phê cùng anh Lê Đình Trung và Bùi Việt Dân. Tại đây, anh Bùi Việt Dân giới thiệu anh với tôi, rằng:
- Đây là, nhà thơ Từ Hoài Tấn!
Tôi ngờ ngợ quen quen, có cảm giác đã gặp anh đâu đó. Một hôm, chắc là ngẫu hứng, anh tặng tôi cùng lúc ba tập thơ:Hành trình phiêu lạc(2003), Đi, Đứng và Chạy với thời gian(2012), Phục Hưng tôi và em(2013). Tôi hỏi thăm gia cảnh anh...Thì ra, anh chính là người Đội trưởng Đội xe ba gác đạp Hồ Văn Hiền ở Thị Trấn Hậu Nghĩa mấy mươi năm về trước.
*
Sau nầy, có anh bạn nhà thơ nói với tôi:
- Nhà thơ Từ Hoài Tấn thuộc lớp người sinh bất phùng thời!
Tôi cười, nói vui cùng anh bạn.
- Chính lớp người như Từ Hoài Tấn, như tôi...sinh ra rất phùng thời chớ không phải bất. Cái thời chúng tôi đã sống, đang sống có muôn vàn điều th trăn trở, thổn thức để mà viết. Mai kia, yên bình kiếm đâu ra? Chỉ sợ mình chưa đủ cái tâm, cái tầm...cái bản lĩnh người cầm bút, chưa viết tròn câu thì, đã sợ vãi ra rồi!
Tôi chợt nhớ lời Nguyễn Bá Học:''Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông!''. Câu văn nghị luận từ thời học trung học đệ nhất cấp!
trần bảo định
2016.
*Ảnh Từ Hoài Tấn và tác giả.

Không có nhận xét nào: