Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

TƯỞNG NIỆM HỌA SĨ ĐINH CƯỜNG

Văn Bảy

Họa sĩ Đinh Cường qua đời: Một tâm tình trừu tượng giờ mới tỏ lộ

Chủ Nhật, 10/01/2016 08:18
(Thethaovanhoa.vn) - Đinh Cường là một trong số ít họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam tại hải ngoại, ông vừa qua đời lúc 9h40 ngày 8/1/2016 (tương đương 21h40 ngày 7/1, giờ Virginia, Hoa Kỳ), sau một thời gian dài lâm bệnh.  
Đinh Cường sinh năm 1939 tại Thủ Dầu Một - Bình Dương, đương thời ông đã thực hiện hơn 30 triển lãm cá nhân tại Việt Nam và quốc tế. Từ trước 1975, ông đã có tranh tham dự các sự kiện nghệ thuật lớn như The Sao Paulo Biennal (năm 1967, 1969), The Tokyo Biennal (1966), The Tunis Biennal (1964), The Paris Biennal (1963)…
Nguyên là giáo sư hội họa trường nữ trung hoc Đồng Khánh, nữ trung học Thành Nội (Huế, 1963 - 1967), là giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1967 -1978).

Họa sĩ Đinh Cường. Ảnh: Văn Bảy
Những năm cuối đời, Đinh Cường trở về thực hiện nhiều triển lãm chung và riêng tại Việt Nam. Theo kế hoạch thì tháng 2/2016 sẽ là một triển lãm cá nhân và ra mắt sách tại TP.HCM, nhưng bệnh tật đã ngăn trở ông thực hiện.
Trong những họa sĩ Việt Nam sinh từ cuối thập niên 1930 trở về sau này, Đinh Cường thuộc số ít có cốt cách của một danh họa. Đầu tiên, ông làm việc chuyên tâm và chuyên nghiệp, sáng tác nhiều phong cách, có hệ thống lý luận tương đối rõ ràng. Bên cạnh thể loại biểu hình, ông vẽ rất mượt mà, lãng mạn, có cái gì đó hoài nhớ xa xăm, thì thể loại trừu tượng cũng được ông theo đuổi từ nửa thế kỷ nay.
Tiếp đến, tác phẩm của ông được thị trường chào đón, nên gần như triển lãm nào ông cũng bán được nhiều tác phẩm.
Thậm chí có ý kiến nói vui, nếu một gia đình người Việt nào đó ở hải ngoại có ý tưởng mua tranh Việt về treo, thì y như rằng trong số ấy có tranh Đinh Cường.

Họa sĩ Đinh Cường, ký họa của Trần Trung Lĩnh, vẽ ngày 9/1/2016. Sinh thời Đinh Cường có rất nhiều ký họa từ bạn bè, nhưng ông rất yêu thích cách vẽ của Trần Trung Lĩnh
"... Xin ghi nhớ một góc hành lang, nơi tôi đã đặt giá vẽ, đêm nào mưa bão thổi qua hay cơn nóng của một mùa hạ sắp tàn. Nơi đó tôi đã mài nhẵn ý thức, ném từng vô vọng, đổ từng hơi thở xuống những khung vải vốn hiền từ. Mỗi bức tranh là một hơi thở. Và nó thành hình tức là tôi đã chết. Tôi trở lại cùng người làm kẻ thưởng ngoạn. Nhìn sự mới lạ như lần đầu tiên mới đến. Xin hãy cảm, nhớ đừng bao giờ tìm hiểu", Đinh Cường quan niệm.

Dưới đây, báo Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu vài tâm sự riêng của Đinh Cường về tranh trừu tượng, một thể loại mà ông dành nhiều ưu ái, với rất nhiều tác phẩm thành công.
Đọc những suy tư mà ông gởi từ ngày 6/4/2010, giờ mới tỏ lộ, chúng ta có thể hiểu thêm một phần thế giới hội họa phong phú của con người tài hoa này.
Đinh Cường viết:
1. Tôi đến với kỹ thuật vẽ trừu tượng từ năm 1960, có thể duyên cớ là từ tờ báo Paris Match mua ở nhà sách Albert Portail (nay là nhà sách Xuân Thu, TP.HCM), nhằm số đặc biệt về đám tang của họa sĩ trừu tượng Jean Atlan. Số báo có nhiều khuôn mặt họa sĩ trừu tượng đến dự lễ tang mà tôi yêu thích như: Soulages, Hartung, Manessier, Mathieu, Vierra Da Silva, rồi cả Tàpies và Zao Wou-Ki…
Hai năm sau đó, tôi có tranh tham dự Đệ nhất triển lãm mỹ thuật quốc tế tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn (ngày 16/10 đến 15/11/1962), bị lôi cuốn bởi tác phẩm gốc của Soulages và vài họa sĩ trừu tượng của  Mỹ, Đức, Hà Lan, Á Căn Đình… nên muốn vẽ trừu tượng.

Tác phẩm Vàng chanh, sơn dầu trên bố, 61 x 61 cm, tháng 7/2015
Triển lãm đầu tiên tôi có tranh trừu tượng là Triển lãm hội họa mùa Xuân 1963, bức Miền lệ xanh (âm hưởng thơ Thanh tâm Tuyền: “… em biết không, lệ là những viên đá xanh, tim rũ rượi..."). Nó cũng được chọn tham dự Triển lãm quốc tế lưỡng niên tại Paris từ ngày 28/9 đến 3/11/1963. Năm này tôi cũng nhận được huy chương bạc với bức trừu tượng Chứng tích.
Năm 1965, triển lãm cá nhân đầu tiên tại Huế với nhiều bức trừu tượng ưng ý, đã được Dr. Erich Wulff, giáo sư người Đức dạy Đại học Y khoa Huế sưu tập (vẫn còn lưu giữ tại Đức cho đến nay, ông vừa mất tại Paris ngày 31/1/2010).
2. Theo tôi, nên hiểu hội họa trừu tượng Việt Nam trong bối cảnh của một đất nước còn chậm tiến, nghệ thuật mới còn non trẻ. Trong khi các nước Tây phương đã có những quan niệm mới có thể kể dấu mốc từ Phần tinh thần trong nghệ thuật (Du Spirituel dans l’Art) xuất bản năm 1912 của Kandinsky, cho tới sau đại chiến thế giới thứ hai 1945 với nhiều nhóm trừu tượng khác. Họ muốn hoàn toàn tự do, không mô phỏng tạo vật, chỉ căn cứ vào bản ngã, vào cá tính để sáng tác.

Tác phẩm Đi đâu về đâu, sơn dầu trên bố, 140 x 140 cm, 2005
Kể cả nhóm Tachisme ở Mỹ lúc ấy mà Pollock (1912-1956) nổi tiếng với việc vẽ bằng những lon sơn đục lỗ vung chảy đầy trên tấm toan lớn để nằm trên sàn nhà, theo cao hứng của nội tâm và nhịp tay, action painting cũng có từ đó.
Paul Klee trong Journal 1915 đã viết: “… thế giới này càng đáng ghê sợ, thì nghệ thuật càng lánh sâu vào trừu tượng”. Nửa thế kỷ sau, năm 1965, Đỗ Long Vân viết: “... Song, trừu tượng ngày nay là gì, nếu chẳng phải là sự vắng bóng một cõi đời đổ nát trong lòng mình, và để khỏi rơi vào mê sảng, mỗi cá nhân phải dụng tâm chế biến sự vắng bóng kia bằng quyền lực cuả nó”. (theo catalogue Triển lãm Đinh Cường, Alliance Francaise de Dalat, 1965).

Tác phẩm Paris xám 1, sơn dầu trên bố, 61 x 76 cm, 2006
Cái quyền lực trừu tượng ấy của các họa sĩ Việt Nam thường bị chi phối bởi quá nhiều nguyên do: đời sống gia đình, đời sống văn hóa và xã hội, giáo dục mỹ thuật còn ở mức thấp nhất, người xem tranh chưa quen và tìm hiểu nhiều về thẩm mỹ mới trong nghệ thuât trừu tượng.
Các viện bảo tàng mỹ thuật hình như cũng chưa có những khu vưc dành riêng cho những tác phẩm trừu tượng, dù là trừu tượng của các họa sĩ bậc thầy như Nguyễn Gia Trí, Bùi xuân Phái…

Tác phẩm Rừng câm, sơn dầu trên bố, 102 x 102 cm, 2003

Tại sao đa số các họa sĩ Việt Nam không đi hết con đường trừu tượng mà thường vẽ song song? Có thể mượn lời phát biểu này của Nguyễn Trung không: “Đối với người Việt dù là ở trong nước hay hải ngoại, những người từng yêu tranh figurative (tranh tượng hình) của tôi đều vẫn còn giữ tình cảm với loại tranh này. Chính vì cái ơn tri ngộ này mà tôi chưa thể dứt khoát với figurative…” (California, 2006).
3. Nếu có về bày tranh ở quê nhà trong thời gian sắp tới, thì tôi cũng chỉ dám bày tranh nào mà bản thân cảm thấy ưng ý, dù trừu tượng hay có hình cũng đem về thôi.
Chỉ sợ vẽ chưa tới, hay nói như Répine: “Ý tưởng đẹp mà vẽ không tới chỉ để người ta ghê sợ và coi rẻ ý tưởng mà thôi”.
Virginia, 6 April, 2010
Đinh Cường

Vĩnh biệt họa sĩ Đinh Cường: Một tấm lòng vô hạn (*)

10/01/2016 09:42 GMT+7
TT - Trong thư phòng của ông, họa sĩ Đinh Cường viết một câu của Samuel Beckett “Nghệ thuật là phản đề của nỗi cô đơn”.
Họa sĩ Đinh Cường (ảnh chụp năm 2008). - Ảnh: Nguyệt Cầm
Họa sĩ Đinh Cường (ảnh chụp năm 2008). - Ảnh: Nguyệt Cầm
 Trong nỗi cô đơn, trong niềm hoài nhớ cùng những kỷ niệm về quê nhà và bè bạn ông đã vẽ được thật nhiều. 
Tranh ông bày khắp studio và thư phòng của ông trong ngôi nhà ở quận Burke (bang Virginia, Hoa Kỳ) mà vào mùa thu cảnh sắc thiên nhiên thật tuyệt mỹ.
Họa sĩ Đinh Cường đã trút hơi thở cuối cùng tại một bệnh viện ở bang Virginia, Hoa Kỳ vào 21g40 ngày 7-1 giờ Virginia, Hoa Kỳ (tức 9g40 ngày 8-1 giờ VN).
Mới đây thôi, trong bữa ăn chia tay với chủ nhân gallery Tự Do, tôi vẫn còn tự tin nói về triển lãm tranh của họa sĩ Đinh Cường mà một nhóm thân hữu chúng tôi dự tính tổ chức khoảng cuối tháng 2 tới đây, có thể khai mạc vào đúng kỷ niệm sinh nhật (28-2) của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người bạn thân thiết của đời ông. 
Mọi việc đã được sắp xếp, lo liệu: đã liên hệ để có một không gian trưng bày vào cỡ đẹp nhất Sài Gòn hôm nay, các khoản chi phí để lo vé máy bay, chỗ ở cho tác giả những ngày triển lãm cũng đã được tính toán khá chu đáo, một vựng tập triển lãm sẽ in thật đẹp...
Chúng tôi hiểu đây sẽ là triển lãm cuối đời của Đinh Cường, bởi sức khỏe của ông như ngọn đèn dầu đang cạn dần.
Giữa tháng 10-2015, khi mọi việc đã ổn, tôi mới báo tin cho Đinh Cường về triển lãm ấy và nhận được email trả lời của ông: “Cuối tháng 2-2016 có thể được... Tôi vui và nghe rộn ràng trong người, biết đâu sẽ khỏe...”. 
Nhưng đến trung tuần tháng 12-2015, khi gửi email lần nữa để trao đổi cụ thể về triển lãm và cả dự định in lại tập sách Đi vào cõi tạo hình của ông trong nước, tôi không nhận được hồi âm, điều chưa từng thấy nơi một người hết sức cẩn trọng và chu đáo với bằng hữu, anh em. 
Cầm xanh - tranh sơn dầu
Cầm xanh - tranh sơn dầu
Rồi Đinh Trường Chinh, con trai ông, cho biết ông rất khó khăn để có thể ngồi vào máy tính đọc thư và lo ngại ông sẽ khó lòng về nước làm triển lãm. Chúng tôi vẫn chưa hết hi vọng “biết đâu sẽ khỏe” như lời ông.
Vậy mà cuộc triển lãm ấy đã không thành sự thật nữa rồi. Tin Đinh Cường qua đời đêm thứ năm 7-1-2016 được loan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và được chia sẻ rộng rãi với bao nỗi tiếc thương một nghệ sĩ tài hoa, một nhân cách đáng ngưỡng mộ.
Họa sĩ Đỗ Quang Em không giấu được xúc động khi được báo tin dữ: “Theo tôi, trong giới mỹ thuật anh Đinh Cường là người được thương mến nhiều nhất”.
Năm 2007, khi triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần tại California, Đinh Cường có trả lời phỏng vấn một tờ báo người Việt tại Mỹ, qua đó ông cho biết thời trai trẻ mình đã “phải lòng” với hội họa như thế nào:
“Thời trung học, trong khi bạn mình đọc những Camus, những Sartre, tôi lại đi tìm những Bernard Buffet, những Modigliani. Đi ra những nhà sách Nhựt Bằng, nhà sách Albert Porte, nhìn những bức tranh mà mê. Mê những cô gái cổ dài của Modigliani, những tranh thơ mộng của Chagall, của Klee”.
Và ông đã tìm thấy “chân lý hội họa” sau nhiều thập niên gắn bó với sắc màu, đó là “sự kết hợp giữa kỹ thuật phương Tây với triết lý và tâm hồn sâu ẩn của Á Đông. Hai cái đó kết hợp lại để tạo ra một không khí hội họa phù hợp với mình. Và đi theo khuynh hướng hiện đại hóa”.
Nhận định về người bạn thân của mình, nhà giáo - nhà phê bình Đặng Tiến (Paris) tổng kết: “Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy cho nghiệp hội họa, không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa. Anh triển lãm nhiều, không nhất thiết để bán tranh mà để gặp gỡ, làm quen.
Vẽ tranh là tìm đến với cuộc đời và bày tranh là đi trọn dặm trường hạnh ngộ. Nói khác đi, làm khác đi, là chưa hết lòng với chính mình và chưa tận tình với nghệ thuật” (*).
Không chỉ vẽ và vẽ suốt đời, Đinh Cường còn làm thơ và viết báo, viết sách về hội họa. Bài viết của ông về các họa sĩ nhiều thế hệ được đăng trên nhiều báo, tạp chí trong và ngoài nước. Ông ra đi khi đang bắt tay thực hiện tập 2 của Đi vào cõi tạo hình.
Tập 1 được xuất bản tại Mỹ tháng 5-2015, với những bài viết về các bậc thầy xuất thân từ Trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Gia Trí, Tôn Thất Đào, Nguyễn Đỗ Cung... và những tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Bùi Xuân Phái, Điềm Phùng Thị, Thái Tuấn, Văn Đen, Tạ Tỵ... với cách viết không nặng hàn lâm mà như kể chuyện thủ thỉ, thân tình, gần gũi về những người ông hằng yêu mến. Ở Đinh Cường, cả hội họa lẫn văn chương chính là người vậy.
__________
(*) Mượn tựa bài viết của Đặng Tiến giới thiệu triển lãm tranh Đinh Cường tại Paris tháng 10-2010.
NGUYỆT CẦM
tuoitre.vn

 



TIỄN ANH VỀ XỨ MẸ
                                                                       gởi linh hồn anh Đinh Cường (1939-2016)

đêm  hoàng hôn rụng
giữa cõi đời mênh mông
anh. lặng lẽ chiều hôm
trên con đường anh thường đi lại
những đoá hoa vàng trong tay gầy yêu dấu
nơi em. dưới bóng tà huy với chim xanh
của một đà lạt chiều sương rừng lá đỏ
với những bạn bè có trước về sau
là những sắc màu tuyệt diệu mớm trong tay
anh . sẽ gặp lại những gì xưa cũ bên những ngọn đồi
cỏ mướt xanh um . từng điệu ru nước mắt một thời
để đưa em vào những con đường đại nội thành thơ
con đường tình ái . yêu em cho đến bây giờ
cùng bè bạn ở một chốn mù khơi . nơi anh sẽ hẹn

tiễn anh về xứ mẹ
nơi ngát hương trầm một thủ dầu một xa ơi
đường cọ đó của năn nào là cỏ mật tình yêu
tiễn anh về xứ mẹ
những thân thương mà anh lỗi hẹn câu thề
giờ là mộng thực với sắc màu quyến luyến
anh . nhoẽn nụ nhiệm mầu
trong vòng tay yêu dấu

đêm rủ xuống
với tâm độ lượng
cả một trời lưu luyến nhớ như nhiên

anh
là mộng với trăng sao

tôi
là kỵ sĩ không đầu

trên bước đường tùng lộ ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc. đêm 8/1/2015)



Không có nhận xét nào: