Nguyên Ngọc cho rằng Viện Hàn lâm Thụy Điển làm cuộc cách mạng khi trao Nobel Văn chương cho Svetlana Alexievich, bởi họ đánh đổ thành kiến "chỉ văn học hư cấu mới giá trị".
Gần 20 năm trước khi Svetlana Alexievich (nhà báo, nhà văn người Belarus) dành giải Nobel Văn chương năm 2015, Nguyên Ngọc đã biết và dịch tác phẩm của bà ra tiếng Việt.
Không chỉ là nhịp cầu đưa Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ đến với bạn đọc Việt, Nguyên Ngọc với con mắt của một nhà văn có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.
- Từ đâu ông biết tới cuốn “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ” và dịch nó vào những năm 1980?
- Tôi dịch cuốn sách này lần đầu là vào năm 1987, sau khi đọc được tác phẩm in trên tạp chí Văn học Xô viết - một xuất bản phẩm của Hội Nhà văn Liên xô chuyên giới thiệu văn học Xô viết ra nước ngoài, bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha… Tôi dịch qua bản tiếng Pháp. Khi đó, sách in ở nhà xuất bản Đà Nẵng.
Đến năm 1989, tôi có gặp tác giả khi bà sang thăm Việt Nam. Bà bảo bản dịch ra tiếng Việt của tôi mới chỉ là một phần cuốn sách của bà. Vì in trên tạp chí vốn có khuôn khổ hẹp nên tác phẩm đã bị lược bớt đi. Về sau tôi còn được biết, ngoài ra, ngay trong nguyên bản tiếng Nga, sách còn bị kiểm duyệt bỏ đi nhiều đoạn. Và hồi đó chính tác giả cũng tự kiểm duyệt cuốn sách của mình.
Lý do tôi dịch cuốn sách này vì muốn chia sẻ với mọi người một tác phẩm hay mà mình ưa thích. Và cũng muốn giới thiệu, gợi ý với các đồng nghiệp của tôi ở trong nước một cách nhìn và viết về chiến tranh mới mẻ, độc đáo. Chiến tranh đã và còn là một đề tài lớn của văn học Việt Nam. Hẳn các cây bút người Việt có thể tìm được từ Svetlana Alexievich không ít bài học bổ ích.
Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: TĐ |
- Vì sao tới 2016, ông lại quyết định dịch mới hoàn toàn tác phẩm này?
- Sau khi Svetlana Alexiévitch được giải Nobel về văn học năm 2015, có nhà sách đề nghị tôi dịch toàn bộ Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Lúc đầu tôi nghĩ tôi chỉ cần làm nốt những phần chưa dịch 20 năm trước. Hóa ra không hề như vậy.
Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ là tác phẩm đầu tay của Svetlana, Và ngay từ tác phẩm đầu tiên của mình, nhà văn mấy mươi năm sau sẽ được vinh danh bằng giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới, đã gặp không ít khó khăn. Cuốn sách được viết xong từ năm 1982, nhưng bị tất cả các nhà xuất bản ở Liên Xô bấy giờ từ chối. Vì nó viết quá thực về chiến tranh.
Cho đến 1985, sách mới được in, và ngay từ đầu, số lượng phát hành đã lên đến hai triệu bản! Tác giả nổi tiếng khắp Liên bang.
- Cuốn sách ông dịch năm 2016 khác gì so với cuốn sách ông đã dịch 20 năm trước?
- Tác phẩm tôi dịch của Svetlana lần này là một cuốn sách gần như hoàn toàn khác cuốn sách tôi đã dịch trước đây. Tất nhiên, có một số câu chuyện cụ thể giống nhau, nhưng tác giả đã viết lại toàn bộ. Sách dài hơn, trước chưa đến 200 trang, nay là gần 500 trang. Phong phú hơn, thực hơn, dữ dội và sâu sắc hơn.
Giữa cuốn sách trước và cuốn sách này là 17 năm đầy ắp trải nghiệm của tác giả trong một nước Nga biến động như chưa từng có, biến động lịch sử lớn nhất của thế kỷ XX. Lần này Svetlana còn cho in lại một số đoạn đã bị kiểm duyệt cắt bỏ trước đây, những đối thoại của bà, lúc bấy giờ còn rất trẻ, với nhân viên sở kiểm duyệt. Lại còn có những đoạn chính tác giả tự kiểm duyệt hồi bây giờ.
Tóm lại, tôi đứng trước một tác phẩm hoàn toàn mới. Việc dịch do vậy cũng thích thú hơn. Và người đọc, nếu đã từng đọc cuốn sách cùng tên mấy mươi năm trước, lần này sẽ được đọc một tác phẩm mới, trong đó, tinh ý, sẽ có thể nhận ra, bên dưới những câu chuyện về chiến tranh được kể một cắch độc đáo, cả một dòng ngầm dấu ấn những biến động dữ dội của một thế kỷ mà nhà sử học nổi tiếng Hobsbaum gọi là “Thời của những cực đoan”, hay là “Lịch sử của thế kỷ XX ngắn”.
- Vì sao ông dịch từ bản tiếng Pháp chứ không phải nguyên gốc tiếng Nga? Liệu việc dịch qua một ngôn ngữ trung gian có làm mất đi cái hay trong ngôn ngữ gốc?
- Đơn giản thôi, vì tôi không thạo tiếng Nga. Tôi đã cố gắng đạt mức “tín” tối đa có thể, bằng cách đối chiếu với bản dịch tiếng Anh, và với bản nguyên gốc tiếng Nga khi cần thiết, qua sự giúp đỡ của một số người bạn thông thạo tiếng Nga.
- Tại sao bản sách năm 1987 có tên “Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ”, tới bản 2016 lại thành “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ”? Từ “một” ở đây có ý nghĩa như thế nào?
- Bản tiếng Pháp của tạp chí Văn học Xô viết năm 1987 có tên là La guerre n’a pas visage de femme - Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ. Bản tiếng Pháp của nhà xuất bản Acte Sud – Paris năm 2015 có tên là La Guerre n’a pas un visage de femme, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.
Tôi có chú ý sự khác biệt này, theo tôi là rất có ý nghĩa. Chiến tranh có thể có nhiều khuôn mặt, nhưng trong rất nhiều khuôn mặt khả dĩ đó, không có một khuôn mặt nào là của người phụ nữ cả. Chiến tranh, ngay về bản chất của nó, là đối kháng tuyệt đối với người phụ nữ. Người phụ nữ, ngay về bản chất tự nhiên của họ, tuyệt đối không thể chấp nhận chiến tranh… Vậy mà họ đã phải làm chiến tranh. Nếu chiến tranh là phi nhân, thì nó càng vô cùng phi nhân khi người phụ nữ phải tự tay mình làm chiến tranh... Cuốn sách của Alexievich, về cơ bản, là một cuốn sách phản chiến, đến tuyệt đối.
Sách Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ mới được phát hành tại Việt Nam. Ảnh: TĐ |
- Trong quá trình dịch, ông ấn tượng với điều gì ở cuốn sách?
- Về chiến tranh, về cuộc chiến tranh chống phát xít Đức của Liên Xô 1941-1945, ta đã biết rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, của Simonov, Cholokhov, Bykov, Raspoutine, Grossman… và hàng trăm tác giả khác. Đến Svetlana Alexievich, vẫn là về cuộc chiến tranh đó, nhưng ta bỗng gặp môt cuộc chiến tranh hoàn toàn khác: cuộc chiến tranh dưới cái nhìn của người phụ nữ, trong cảm nhận của người phụ nữ. Trong cảm nhận đàn bà của họ.
Chiến tranh, dẫu muốn nói gì thì nói, là hủy diệt con người, hủy diệt sự sống. Trong khi bản chất của người phụ nữ, chức năng của họ, là sinh ra sự sống, sinh ra con người. Bằng công việc của mình, cách nhìn và khám phá của mình, tác phẩm của mình, lần đầu tiên trong văn học thế giới, Svetlana đã buộc chiến tranh đối mặt với cái đối nghịch tuyệt đối của nó, vạch trần toàn bộ tính chất phi lý, phi nhân của nó. Theo tôi đó là một khám phá, một sáng tạo, một cống hiến hết sức to lớn.
Trong chiến tranh chống phát xít Đức, 800.000 phụ nữ Liên xô đã ra trận, và họ có mặt trong tất cả các quân bịnh chủng, từ là y tá, bác sĩ, cứu thương, chiến sĩ thông tin liên lạc …, cho đến chiến sĩ trinh sát, xạ thủ bắn tỉa, công binh, phi công, lái xe tăng … Và những binh chủng khó ai ngờ nhưng lại thiết yếu trong chiến tranh: những binh đoàn chuyên nấu ăn, làm bánh mỳ, giặt hàng núi quần ấo đẫm máu hằng ngày cho lính… Một cuộc chiến tranh trong sự thật tầm thường và sống còn của nó…
Do từ bản chất tự nhiên của họ, người phụ nữ cảm nhận chiến tranh rất khác đàn ông. Đàn ông cảm nhận và nói về chiến tranh bằng lý trí, bằng lý lẽ, bằng cái đầu. Người phụ nữ thì bằng cảm xúc, bằng cả cơ thể nhạy cảm của họ. Bằng toàn bộ cơ thể của họ. Cho nên ký ức của họ về chiến tranh bao giờ cũng cụ thể, vô cùng sinh động. Là đời sống thực, nguyên sơ…
- Theo ông, giá trị lớn nhất mà cuốn sách mang lại là gì?
- Tôi có cảm giác, với Svetlana Alexievich, chúng ta từ bỏ loại văn học của những thứ to tát, lên gân giả tạo về chiến tranh (và về cuộc sống nói chung), để đến với văn học của cuộc sống thực, trần trụi. Và nhân bản.
- Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng Svetlana Alexievich được ưu ái khi đoạt Nobel văn chương, bởi tác phẩm của bà thuộc thể loại phi hư cấu?
- Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Bằng việc trao giải Nobel văn học năm 2015 cho Svetlana Alexievich, viện Hàn lâm Thụy Điển đã làm một cuộc cách mạng: họ đánh đổ một thành kiến tồn tại hàng nhiều trăm năm rằng chỉ có văn học hư cấu mới có giá trị. Tôi cũng không hiểu tại sao lại quan niệm chỉ hư cấu thì mới ra “văn chương”?
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ chỉ là tác phẩm đầu tay của Svetlana Alexievich. Có người gọi bà là “một Dostoïevski không hư cấu”.
- Ông đánh giá như thế nào về cách hành văn của Svetlana Alexievich?
- Một trong những sáng tạo của Svetlana Alexievich là phát hiện ra tầm quan trọng của lời nói (hay tiếng nói – la voix) của con người trong đời sống. Bà bảo trước nay văn học đã bỏ quên môt khu vực mênh mông vô cùng sinh động và quan trọng của đời sống con người, là tiếng/lời nói của con người.
Dịch Svetlana Alexievich do vậy phải rất chú ý đến văn phong-lời nói đặc biệt ở bà. Phải cố tìm được tương ứng về hiệu quả trong tiếng Việt.
- Trong sách có những đọan miêu tả cảnh giết chóc, thảm sát ghê rợn. Ông có phải giảm nhẹ mức độ ghê rợn mà Svetlana đưa ra khi chuyển ngữ sang tiếng Việt?
- Không hề. Tôi không muốn lại làm người kiểm duyệt Svetlana Alexievich! Không được đánh lừa người đọc về sự thật của chiến tranh, và của đời sống. Đó là một bài học lớn từ Svetlana Alexievich.
- Ở tuổi 84, việc dịch sách với ông có gặp khó khăn trở ngại gì không? Nếu có ông vượt qua trở ngại đó như thế nào?
- Khi thích thú thì sẽ thấy công việc không đến nỗi nặng nề. Tôi thường thay đổi xen kẽ các công việc khác nhau, như một cách thư giãn tương đối.
- Hiện tại ông có đang sáng tác hoặc dịch cuốn sách nào khác?
- Tôi vừa dịch xong một tác phẩm khác của Svetlana Alexievich. Rất mong sách có thể đến sớm với người đọc.
Svetlana Alexievich: Sinh năm 1948, là người Belarus nhưng viết văn, viết báo bằng tiếng Nga, đoạt giải Nobel Văn chương năm 2015. Bà viết nhiều sách về chiến tranh dựa trên những dữ liệu có thực do mình thu thập được: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ (viết về những người phụ nữ Nga tham gia chiến tranh Thế giới thứ hai), Quan tài kẽm (mặt trái chiến tranh Afghanistan), Tiếng vọng từ Chernobyl (nỗi kinh hoàng của người dọn dẹp phóng xạ sau thảm họa hạt nhân)...
Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ: Là tập hợp lời kể của những phụ nữ từng tham gia chiến tranh Thế giới thứ hai. Cuốn sách không chỉ phản ánh sự thật khốc liệt về người phụ nữ trong chiến tranh, mà còn cho thấy sự phi nhân tính, nghiệt ngã của chiến tranh.
VIỆT HÀ
ZING.VN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét