Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Thị trường có phải là “thước đo” của văn học?



Việc xem nhẹ tác phẩm văn học là hàng hóa đặc biệt và đánh đồng tác phẩm văn học với hàng hóa thông thường khác để kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận,… có thể tác động tiêu cực đến đời sống văn học. Đáng tiếc, gần đây xu hướng này dường như trở nên nổi trội, khiến không khỏi liên tưởng đến quan niệm thị trường là “thước đo” của văn học?!
Sách văn học chính thức gia nhập thị trường hàng hóa khi kinh tế bao cấp nhường chỗ cho kinh tế thị trường nhiều thành phần. Trong cơ chế mới của hoạt động kinh doanh, in ấn và phát hành sách không còn là “đặc quyền, đặc lợi” của nhà xuất bản nào, mà thật sự vận hành theo phương thức “trăm người bán, vạn người mua”. Chính vì thế, bên cạnh các nhà xuất bản truyền thống, đã xuất hiện nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực in ấn và xuất bản. Có thể kể đến như Nhã Nam, Alphabook, Trí Việt, Bách Việt, Đông A, Dân Trí, Phương Đông, Liên Việt, Limbook…
Giờ đây, cơ hội xuất bản sách đã mở rộng cho người viết, ngay cả với các tác giả trẻ mới lần đầu xuất hiện. Đây là một trong những điểm khác biệt so với trước đây, khi thường chỉ tác giả đã khẳng định được tên tuổi với tác phẩm được người đọc biết tới, được giới phê bình quan tâm mới có cơ hội được xuất bản và phát hành rộng rãi trên toàn quốc với số lượng in ấn có khi lên tới hàng trăm nghìn bản. Còn hiện nay, đối tượng xuất bản được mở rộng nhưng đồng thời các đơn vị xuất bản lại phải thận trọng hơn, vì nếu mỗi đầu sách in với số lượng lớn mà không tiêu thụ được sẽ đồng nghĩa với việc làm ăn thua lỗ. Do đó, số lượng xuất bản sách văn học thường dao động ở mức 1.000 đến 2.000 bản/cuốn. Sách bán hết sẽ tiếp tục tái bản. Chỉ với những cuốn sách dự báo sẽ “gây sốt” thì số bản sách mới được mạnh dạn đẩy lên cao hơn. Các đơn vị xuất bản cũng ràng buộc tác giả bằng hợp đồng kinh tế. Hết thời hạn hợp đồng, họ có quyền gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng với tác giả dựa trên hiệu quả thực tế.
Khi sách văn học trở thành hàng hóa, việc kinh doanh phụ thuộc nhiều vào chất lượng, sự phù hợp cũng như tính hấp dẫn của tác phẩm với thị trường. Vì vậy, các đơn vị kinh doanh buộc phải xây dựng cho mình chiến lược phù hợp để cạnh tranh, chiếm thị phần. Có công ty chọn cho mình những tác phẩm văn học thuộc hàng best seller (sách bán chạy) ở nước ngoài như một dạng “đóng nhãn mác” về chất lượng sản phẩm. Có công ty lại chuyên về một dòng văn học nào đó (như kỳ ảo, giả tưởng, lịch sử…) hoặc văn học của một quốc gia nào đó (như Nhật Bản, Trung Quốc…). Có đơn vị lại có hướng đi khác là chọn các tác giả trong nước được cộng đồng mạng xã hội ưa chuộng, theo đó những tác phẩm đã được đăng tải trên internet được nhiều người thích và chia sẻ, sẽ được chọn lọc, khai thác, biên tập, xuất bản. Có người hóm hỉnh gọi đây là quy trình “xuất bản ngược”, bởi thông thường sách phải được in ấn theo phương thức truyền thống (bản cứng) sau đó mới đưa lên mạng (bản mềm), nhưng với trường hợp kể trên thì quy trình này đã đảo ngược. Điều này là hoàn toàn bình thường trong kinh tế thị trường, vì “cung” đã đáp ứng “cầu”. Và thị trường cũng phải tuân theo quy luật sàng lọc khắt khe: chỉ đơn vị nào tạo dựng được uy tín, kinh doanh có hiệu quả bền vững thì mới có thể tồn tại. Vì vậy cứ sau một thời gian ngắn, thị trường xuất bản sách lại chứng kiến hiện tượng đơn vị xuất bản nào đó ra đi “không kèn không trống”. Thậm chí một ông chủ nhà sách từng đăng đàn bày tỏ tình yêu với văn học, tinh thần cống hiến cho văn học bằng việc tự bỏ tiền túi ra làm sách, song khi hiệu quả kinh tế không đạt được, vốn không thể thu hồi thì tình yêu tha thiết kia khó có thể tiếp tục duy trì. Do đó, sau khi tổ chức in ấn vài ba đầu sách văn học, nhà sách này cũng biến mất trên thị trường.
Bỏ vốn đầu tư và thu về lợi nhuận là bài toán kinh tế mà bất kỳ người nào hoạt động kinh doanh đều phải thuộc nằm lòng. Đối với lĩnh vực xuất bản cũng vậy. Để đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian qua nhiều chiêu thức đã được giới xuất bản áp dụng, như: mở cuộc thi để tạo dựng thương hiệu cho đơn vị, đồng thời thu hút bản thảo; tăng giá sách rồi sau đó lại giảm giá sâu, khiến người đọc có cảm giác mua được sách giá rẻ; mở các hội chợ khuyến mãi, giảm giá; tổ chức truyền thông, tiếp thị nhằm quảng bá sản phẩm; gia tăng các giá trị cho sản phẩm bằng các hình thức: giao lưu với tác giả, bán sách kèm chữ ký của tác giả, phát hành CD kèm theo tác phẩm, bán sách bộ kèm quà tặng… Trong kinh doanh truyền thống, thường thì đơn vị xuất bản bỏ vốn, tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành, và chỉ khi nào sách được tiêu thụ vượt qua điểm hòa vốn thì đơn vị kinh doanh mới hết… run, cuốn sách kinh doanh có hiệu quả là sách đã được bán hết, hoặc tiếp tục tái bản. Gần đây thị trường xuất bản nổi lên một phương thức kinh doanh mới là gây quỹ cộng đồng. Với hình thức này, lúc đầu tác phẩm được tác giả hoặc đơn vị xuất bản đem ra rao bán (giới thiệu trích đoạn, tóm tắt nội dung…) và trên cơ sở đó, người quan tâm sẽ bỏ tiền góp vốn. Khi số tiền góp vốn đạt và vượt mức đơn vị kinh doanh đề ra thì tác phẩm mới chính thức xuất bản, ra mắt độc giả. Những sản phẩm không đạt mục tiêu về vốn như ban đầu, thương vụ sẽ bị hủy bỏ, số tiền nhận từ độc giả sẽ được hoàn trả. Bằng hình thức gây quỹ cộng đồng, hiệu quả kinh doanh có thể tính toán được ngay, gần đây một số tác phẩm đã được xuất bản theo hình thức này như: Truyện cực ngắn (Đào Quang Huy), Thành kỳ ý (tiểu thuyết), hoặc các truyện tranh: Long thần tướng, Mật ngọt chết mèo, Project Icon, Nhóm máu O…
Một hình thức xuất bản “ăn chắc mặc bền” khác, tuy hoạt động âm thầm, mang tính nhỏ lẻ, hầu như ít được công khai, nhưng vẫn đang được một số đơn vị xuất bản tận dụng, đó là tổ chức in sách văn học cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Theo cách thức này, người muốn xuất bản sách chỉ cần bỏ tiền, nộp bản thảo, đơn vị làm sách sẽ tổ chức xin giấy phép và in ấn theo yêu cầu. Một cuốn sách, vì vậy, có thể chỉ in một hai trăm cuốn, hay cả nghìn cuốn tùy theo “đơn đặt hàng”, đơn vị xuất bản chỉ việc đứng ra thu tiền và… làm dịch vụ, miễn sao bản thảo cuốn sách không vi phạm các điều cấm trong Luật Xuất bản. Có người gọi vui đây là “dòng sách câu lạc bộ”! Thị trường là vậy, có mua thì có bán, có cung thì có cầu. Cho nên sẽ không lạ khi biết trên thực tế, có nhà xuất bản lại ở trong tình trạng: sách tự tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành chỉ chiếm khoảng 20%, số còn lại là sách bán giấy phép, hoặc liên kết xuất bản!
Nhằm thu hút công chúng quan tâm đến sản phẩm của đơn vị mình, khâu truyền thông được các công ty xuất bản sách quan tâm hơn bao giờ hết. Không thể trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương”, giữa cả rừng sách, độc giả dễ lúng túng, họ cần các “chỉ dấu” để chọn lựa, do đó hầu hết các đơn vị xuất bản đều có bộ phận truyền thông. Hiểu một cách đơn giản, nhiệm vụ của bộ phận này là quảng bá, giới thiệu sách. Các cách thức truyền thông phổ biến hiện nay là tổ chức ra mắt sách, tọa đàm giao lưu tác giả - bạn đọc, viết bài giới thiệu sách… Vì thế hằng tháng, thậm chí hằng tuần trên thị trường luôn xuất hiện hoạt động quảng cáo sách mới, tác giả mới. Có nhà văn, nhà báo thậm chí còn ăn lương của đơn vị xuất bản để chuyên “sản xuất” bài review (giới thiệu) sách. Một số nhà phê bình, nhà văn có tên tuổi cũng thường được mời tham dự vào những sự kiện này. Ai cũng hiểu tiếng nói của họ có trọng lượng nhất định với công chúng, do đó sự xuất hiện của họ, các nhận xét, đánh giá của họ giúp khẳng định giá trị của tác phẩm và đương nhiên sẽ tác động tích cực tới việc bán sách trên thị trường. Giữa thời buổi mà mạng xã hội đang phát huy ưu thế vượt trội so với nhiều loại hình nghe nhìn khác, các đơn vị xuất bản sách cũng lập tức nắm bắt “địa bàn online” bằng cách lập các fanpage, tạo sự kiện trên facebook nhằm quảng bá hình ảnh, tương tác với độc giả và… bán sách! Thậm chí nhằm “triệt hạ” đối thủ, có đơn vị còn tổ chức diễn đàn trên mạng để nói xấu sản phẩm của đối thủ như sách thuê sinh viên dịch cho nên chất lượng kém, sách in xấu, nhiều lỗi,…?
Tuy nhiên, kinh doanh trong bất kỳ lĩnh vực nào thì lợi ích trước mắt, lợi ích lâu dài đều luôn rất cần được tính đến. Khách hàng là người bỏ tiền, do đó họ có quyền đòi hỏi về chất lượng sản phẩm mà mình mua. Gần đây, một cuốn sách được báo chí phản ánh có nhiều sai sót, đó là cuốn Xứ Đông Dương. Dù tuyên bố sẽ cho thu hồi để in lại có hiệu đính, nhưng trên thực tế đơn vị xuất bản cuốn sách vẫn đưa bản sách lỗi ra bán trên thị trường kèm theo mẩu đính chính bé xíu, khiến nhiều độc giả bất bình. Trên thực tế còn có hiện tượng một cuốn sách được nhà văn A, nhà phê bình B hết lời khen ngợi, thậm chí còn khẳng định “nếu giải thưởng của Hội Nhà văn không trao tặng cho cuốn này thì đó là một sai lầm”, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, tác phẩm này gần như “mất tích” trên thị trường, chưa nói không ít độc giả vì tò mò tìm đọc đã phải bày tỏ niềm kinh hãi vì sự rối rắm, tối nghĩa, đánh đố của tác phẩm! Rõ ràng truyền thông quá mức có thể khiến cuốn sách nào đó thành hiện tượng best seller ở một thời điểm nhất định, nhưng sau đó lại khiến công chúng nghi hoặc, thậm chí mất niềm tin. Thậm chí truyền thông còn có thể biến một cuốn sách thành “thảm họa”, như với một cuốn thơ cho thiếu nhi xuất bản gần đây.
Có một thực tế là không phải sách văn học nào được coi là bán chạy cũng là cuốn sách có giá trị về tư tưởng - nghệ thuật. Điều đó giúp lý giải vì sao có những cuốn sách đoạt giải Nobel văn chương cũng chỉ được xuất bản với lượng khiêm tốn, còn đôi khi có cuốn sách chỉ viết về tình yêu lại có thể xuất bản lên tới cả chục nghìn bản. Tuy nhiên, những đơn vị làm sách biết nhìn xa trông rộng luôn có ý thức cân đối, phân biệt giữa sách kiếm lời với sách để tạo dựng thương hiệu. Gần đây giám đốc một nhà xuất bản được coi là “ăn nên làm ra” và hiện đang xếp nhóm đầu trong lĩnh vực xuất bản, đã thẳng thắn bày tỏ: “Tôi chỉ muốn làm người bán sách tử tế, xuất bản những cuốn sách tử tế để gửi tới độc giả”. Hai chữ “tử tế” mà vị giám đốc chia sẻ đã xác quyết hướng đi đúng đắn của đơn vị xuất bản này, đồng thời giúp lý giải uy tín đã được gây dựng thành công của nhà xuất bản với thị trường và độc giả.
Rõ ràng thị trường là một thước đo với nhiều loại hàng hóa, nhưng trong lĩnh vực văn học, những giá trị văn chương đích thực lại dẫn dắt thị trường, tạo nên thương hiệu cho đơn vị xuất bản, và tạo niềm tin nơi công chúng.
HÒA PHONG


http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/binh-luan-phe-phan/item/30167802-thi-truong-co-phai-la-%E2%80%9Cthuoc-do%E2%80%9D-cua-van-hoc.html

Không có nhận xét nào: