Phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, về “Ảnh hưởng của trường Cao đẳng Mỹ thuật trong 20 năm nghệ thuật miền Nam.”
Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần
LNĐ: Nói tới sinh hoạt của 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam, từ 1955 tới 1975, chúng tôi nghĩ, ta không thể không nói tới vai trò hay, ảnh hưởng của các trường Cao đẳng Mỹ thuật ở thời điểm đó. Vì thế, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, tốt nghiệp khóa 14 (1974) trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Ông hiện đang cự ngụ tại miền nam tiểu bang California, Hoa Kỳ.Trân trọng kính mời quý bạn đọc, theo dõi cuộc nói chuyện của chúng tôi.
Du Tử Lê (DTL): Thưa
anh Nguyễn Đình Thuần, nếu không kể trường Mỹ Thuật Đông Dương thành
lập tại Hà Nội năm 1925 bởi một họa sĩ người Pháp, tên Victor Tardieu
thì, sự thành hình của những trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ở miền
Nam ra đời trong những hoàn cảnh và thời điểm nào? Học trình bao nhiêu
năm?
Nguyễn Đình Thuần (NĐT):
Thưa anh, như tôi biết, sau khi đất nước bị chia đôi bởi Hiệp định
Genève năm 1954 thì Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật (QG / CĐMT) được
thành lập tại tỉnh Gia Định, thuộc miền Nam tự do. Vài năm sau, trường
QG / CĐMT Huế cũng được thành lập. Đó là năm 1957. Trường này được đặt
trực thuộc Viện Đại học Huế. Về sau, trườngCĐMT Huế lại tách rời Viện
Đại học Huế để trực thuộc Nha Mỹ thuật – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn
hóa. Đây là 2 trường Cao đẳng Mỹ thuật của miền Nam VN thời trước tháng
4-1975; với học trình kéo dài 4 năm.
DTL: Để
được theo học một trong 2 trường QG / CĐMT như anh mới cho biết, sinh
viên có phải trải qua một kỳ thi văn hóa nào không? Nếu có thì điều kiện
văn hóa đòi hỏi trước khi được nhận cho thi tuyển là gì?
NĐT: Theo cuốn Kỷ Yếu của trường CĐMT Huế thì chúng ta có thể tóm tắt một số điều lệ liên quan tới điều kiện thi tuyển như sau:
a- Giai đoạn từ 1957 tới 1970:
Muốn được nhận đơn thi tuyển vào trường CĐMT, thí sinh phải có bằng Trung học Đệ nhất cấp, hoặc chứng chỉ tương đương. (Chứng chỉ đã học hết lớp Đệ Tứ.)
b- Giai đoạn từ 1970 đến 1975:
Căn cứ
theo Nghị định số 273 / QVK/ VH / NĐ đề ngày 3 tháng 8 năm 1971 về việc
tổ chức các trường cao đẳng Mỹ thuật thì: Để được thi nhập học năm thứ
nhất, thí sinh phải có văn bằng Tú tài một, hoặc chứng chỉ tương đương,
kèm theo Học Bạ lớp 11 hay lớp 12.
Về tuổi tác, Nam thí sinh phải hạn tuổi từ 18 tuổi (tính đến ngày 31 tháng 12 của năm nhập học,) trở xuống.
DTL: Xin anh cho một ví dụ?
NĐT:
Tôi thí dụ Niên khóa 1974-1975, trường chỉ thu nhận đơn của những thí
sinh nào có năm sinh từ 1956 trở xuống. Hạn tuổi này do Bộ Quốc Phòng ấn
định. Ngoài ra, nam thí sinh còn phải có:
- Giấy chứng chỉ hợp lệ tình trạng quân dịch.
- Giấy thỏa thuận cho phép của phụ huynh, nếu thí sinh dưới 21 tuổi.
Vẫn
theo nghị định tôi vừa kể trên thì các trường CĐMT Huế và Saigon còn
được mở thêm CĐMT Cấp 2. Học trình kéo dài 3 năm. Tổng cộng học trình là
7 năm cho cả hai cấp. Chương trình CĐMT cấp 2 bắt đầu có từ niên khóa
1970 -1971.
Đồng thời, trường CĐMT cũng mở thêm ngành Sư phạm Mỹ Thuật Trung cấp và Cao cấp nữa.
DTL: Mục đích của ngành sư phạm mỹ thuật là gì? Ai được phép ghi tên học?
NĐT:
Thưa anh, mục đích cung cấp giáo sư Hội Họa cho các trường trung học.
Để có thể tham dự những khóa Sư phạm Hội Họa này, học viên phải là các
Họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật.
DTL: Với những điều kiện thi tuyển như anh kể, mỗi khóa của các trường CĐMT có nhiều sinh viên không anh?
NĐT:
Theo lời kể của họa sĩ Nguyễn Thị Thịnh, người tốt nghiệp thủ khoa khóa
1 CĐMT Gia Định thì, trung bình trường CĐMT Gia Định tuyển khoảng từ 20
tới 30 sinh viên. Riêng trường CĐMT Huế là trường mà tôi theo học khóa
14, ra trường năm 1974 thì, tương đối ít hơn. Do đó, căn cứ vào cuốn Kỷ
Yếu của trường, tôi thấy số sinh viên ra trường không nhiều!
Tôi xin
đưa một ví dụ như khóa 1 của trường CĐMT Huế, chỉ có 9 người. Khóa 2,
có được 13 người, v.v… Ở đây, tôi cũng xin mở một dấu ngoặc rằng khóa 2
CĐMT Huế, chỉ có 1 sinh viên theo học ban Điêu khắc, đó là cố điêu khắc
gia Mai Chửng.
DTL: Trải qua 20 năm, thời gian học của các trường CĐMT của chúng ta có thay đổi gì không anh?
NĐT:
Thưa anh không. Căn bản vẫn là 4 năm như tôi đã nói. Nhưng tôi nghĩ, có
lẽ cũng nên thêm rằng, riêng giai đoạn từ 1957 tới 1970, sinh viên phải
học qua lớp Dự Bị trước khi thi tuyển chính thức vào năm thứ nhất. Tuy
nhiên, những sinh viên theo học lớp dự bị không chính thức (chỉ dự
thính) cũng được phép thi vào năm thứ nhất. Tất nhiên, những sinh viên
này ít có hy vọng thi đậu vì không nắm vững căn bản kỹ thuật!
Ví dụ
trong các bài thi vào năm thứ nhất, có bài thi vẽ Khỏa Thân. Bài thi này
có hệ số 10. Bỏi thế, nếu không biết cách đo đạc tỷ lệ về Anatomie thì
rất khó được điểm cao. Tóm lại thưa anh, chương trình học chính thức khi
ấy, chỉ còn có 3 năm mà thôi. Nhưng sau năm 1970 thì chương trình học
không còn lớp dự bị nữa mà, vào năm thứ nhất ngay.
DTL: Với bốn năm học chính thức, chương trình được chia ra làm sao, thưa anh?
NĐT:
Thưa anh, chúng tôi phải học khá nhiều môn khác nhau. Kể ra và nếu đi
vào chi tiết thì rất dài dòng. Tôi chỉ xin tóm lược học trình đó như
sau:
A - Về phương diện chuyên môn:
- Năm
Thứ I và năm thứ II: Học Hội họa, Điêu khắc (vẽ khỏa thân là chính),
Khảo cổ họa, Tốc họa, Thủy mặc, Cơ thể học, Phối cảnh học, Trang trí
Tổng quát, Trang trí Nội ốc.
- Từ năm thứ II đến năm thứ IV có thêm môn Kiến trúc.
B- Về phương diện văn hóa:
Về
phương diện văn hóa, ngay từ đầu khóa học, sinh viên phải chọn lấy cho
mình một trong hai sinh ngữ chính là Anh văn hoặc Pháp văn. Kế tiếp
chương trình học văn hóa của từng năm, được phân chia như sau:
- Năm
thứ I: Gồm những môn như Triết học đại cương, Sử Việt Nam và thế giới,
Đại cương văn minh Việt Nam. Riêng môn Lịch sử Mỹ thuật thì năm nào cũng
có trong chương trình học của chúng tôi. Nói cách khác là kéo dài từ
năm thứ I tới năm thứ IV.
- Năm
thứ II: Sinh viên bắt đầu được học môn Thẩm mỹ học. Môn học này cũng kéo
dài tới hết năm thứ IV. Đồng thời, chúng tôi cũng bắt đầu được học môn
Văn học Nghệ thuật VN và, môn này cũng được dạy cho tới hết năm thứ IV.
- Qua năm thứ III: Sinh viên được chọn ban (chuyên môn.) Trường CĐMT có tất cả 4 ban là: Điêu khắc, Sơn dầu, Sơn mài, và Lụa.
DTL: Ban nào ít sinh viên theo học nhất thưa anh?
NĐT: Đó là ban Điêu khắc.
DTL: Còn ban được sinh viên chọn nhiều nhất?
NĐT: Là ban Sơn dầu.
DTL: Như vậy, phải chăng ở hai năm chót, sinh viên chỉ tập chú vào về ngành hay ban mà mình đã chọn?
NĐT:
Vâng. Đúng vậy. Ở hai năm cuối, chúng tôi thực tập sáng tác theo thể
loại mà mình đã chọn. Thí dụ, tôi chọn học ban Sơn dầu thì tôi chỉ học
chuyên về tranh sơn dầu mà thôi
DTL: Có sinh viên nào bị loại khi đang học nửa chừng?
NĐT:
Như tôi biết thì không thưa anh. Tuy nhiên, đôi khi cũng có một hai sinh
viên xin nghỉ học vì lý do đau ốm, hoặc tới hạn tuổi phải thi hành quân
dịch…
DTL: Còn lúc thi ra trường thì sao? Tôi muốn hỏi có ai bị đánh rớt?
NĐT:
Cũng có chứ anh. Có người rớt vì lý do hạnh kiểm. Có người rớt vì học
lực kém. Nghĩa là số anh em đó không có đủ điểm trong các học kỳ.
DTL: Họ có thể xin học lại?
NĐT: Thưa có. Nếu sinh viên ấy vẫn còn trong tình trạng hợp lệ quân dịch.
DTL: Thưa
anh Nguyễn Đình Thuần, khi chúng ta gọi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật thì,
tôi có thể hiểu là chúng ta cũng có trường … Trung đẳng hay Trung cấp Mỹ
thuật?
NĐT:
Đúng vậy thưa anh. Miền Nam của chúng ta cũng có trường Trung Cấp Mỹ
Thuật. Tôi thí dụ như Trường Trung Cấp Mỹ Thuật Gia Định. Theo tác phẩm “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”
của tác giả Huỳnh Hữu Ủy thì trường Trung Cấp Mỹ Thuật Gia Định được
thành lập từ năm 1913. Trường này cũng còn được gọi là trường Mỹ Thuật
Trang Trí Gia Định. (1)
Vẫn theo tác giả Huỳnh Hữu Ủy trong tác phẩm vừa kể thì, thoạt tiên, trường đó có tên là Trường Nghệ Thuật Bản Xứ Gia Định (École d’Art Indigènes de Gia Định). Cứ sau mỗi lần cải tổ, tên trường lại thay đổi. Trường lần lượt có những tên khác như trường Hình Họa Chạm Khắc và Đồ Họa (École de Dessins et de Gravures.) Rồi trường Nghệ Thuật Thực Hành (École d’ Arts Appliqués). Và sau cùng thì trường mang tên là trường Nghệ Thuật Trang Trí và Đồ Họa Gia Định (École d’Arts Decoratif et de Gravures de Gia Định).
DTL: Nhân
tiện, nếu được, xin anh cho biết số năm học và chương trình học, tất
nhiên, tổng quát thôi, của trường Trung cấp Mỹ Thuật Gia Định?
NĐT:
Vâng thưa anh. Học trình của Trường Mỹ Thuật Trang Trí Gia Định kéo dài
4 năm. Sau khi tốt nghiệp trung cấp, nếu muốn tiếp tục, họ sẽ phải thi
để lên Cao Đẳng Mỹ Thuật. Điển hình cho trường hợp này là Điêu khắc gia
Dương Văn Hùng. Ông hiện cư ngụ tại quận hạt Orange County.
Điêu
khắc gia Dương Văn Hùng kể rằng, riêng ông, ông chỉ học có 3 năm trung
cấp và đã thi đậu vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
DTL: Ngoài ra, tôi cũng được biết, dường như chúng ta còn có một trường gọi là trường Mỹ nghệ Thực Hành ở Bình Dương, phải không anh?
NĐT:
Vâng. Chúng ta có đến hai trường Mỹ Nghệ đầu tiên được thành lập tại
miền Nam Việt Nam. Đó là trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một, và trường Mỹ Nghệ
Biên Hòa.
Theo cuốn “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”
của Huỳnh Hữu Ủy, cũng như căn cứ theo lời kể của điêu khắc gia Dương
Văn Hùng thì năm 1901, trường Mỹ Nghệ ở Thủ Dầu Một được thành lập.
Trường chuyên tâm vào việc tạo dựng những đồ trang trí bằng gỗ, như
giường, tủ, bàn, ghế…
Ngay
khi trường mới mở đã có 40 học viên ghi tên học và làm viêc. Một số ít
đã có tay nghề trước đấy. Chương trình học gồm các môn như Gỗ (Ébénisterie), Điêu khắc (Sculture), Khảm xà cừ (Incrustation,) Đúc đồng (Fonderie de Bronze).
Còn
trường Mỹ Nghệ Biên Hòa thì ra đời năm 1907. Khởi đầu có khoảng từ 40
đến 50 học viên. Trường đào tạo những nghệ nhân chuyên làm gốm, sứ, theo
kỹ thuật và phương pháp giảng dạy cũ của lò Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây,
Trung Hoa.
DTL: Nếu tính đến tháng 4-1975, anh có biết hai trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Saigon và Huế, mỗi nơi có được bao nhiêu khóa?
NĐT: Như tôi biết thì Gia Định có 17 khóa. (Riêng khóa 18 thuộc niên khóa 1974-1975, thì chỉ mới bắt đầu.) Huế có 14 khóa (và khóa 15 dang dở…)
DTL: Một cách chủ quan, xin anh cho biết tại sao số sinh viên tốt nghiệp CĐMT thì nhiều mà trở thành họa sĩ thì lại rất ít?
NĐT:
Theo tôi thì trường CĐMT là nơi trang bị cho các họa sĩ những kiến thức
căn bản về kỹ thuật và lý thuyết, để từ đó họ đi vào sáng tác. Nhưng
khi tốt nghiệp rồi, một số không theo đuổi nghề nghiệp, hay phải bỏ cuộc
vì nhiều lý do lắm!
Chẳng
hạn như không còn đủ điều kiện miễn dịch. Họ phải gia nhập quân đội vì
đất nước chiến tranh. Có người gặp hoàn cảnh gia đình không thuận lợi.
Có người không còn hay giảm thiểu đam mê hội họa… Riêng phái nữ thì phải
lo gia đình, con cái…
Nói
chung, những người đó không có đủ thời giờ để ôn tập, chắt lọc, suy
nghiệm về ngành nghệ thuật mà họ đã theo đuổi, nên đành buông xuôi.
DTL: Anh có thể cho biết một số tên tuổi họa sĩ tốt nghiệp ở cả hai trường CĐMT Saigon và Huế?
NĐT: Tôi xin kể một số tên tuổi mà tôi nhớ ra được ngay lúc này. Như họa sĩ Trương Thị Thịnh (tốt nghiệp thủ khoa khóa 1, Saigon 1954-1958).
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Đỗ Quang Em. Họa sĩ Nguyên Khai, học
khóa 3, CĐMT Huế, nhưng tốt nghiệp CĐMT Gia Định. Điêu khắc gia Trương
Đình Quế cũng vậy. Ông học khóa 1 ở Huế rồi chuyển vào Saigon và tốt
nghiệp trường CĐMT Gia Định. Họa sĩ Hồ Hoàng Đài tốt nghiệp khóa 1 Gia
Định, sau trở thành giáo sư CĐMT Huế. Các họa sĩ Tôn nữ Liên Tâm, Hồ thị
Kim Quỳ đều tốt nghiệp trường CĐMT Gia Định. Tôi cũng chợt nhớ tới cố
họa sĩ Hiếu Đệ (Nguyễn Tánh Đệ) tốt nghiệp khóa 1, CĐMT Gia Định…
Về
những họa sĩ nổi tiếng, từng tốt nghiệp trường CĐMT Huế thì tôi xin tạm
kể có các họa sĩ như họa sĩ Tôn Thất Văn, thủ khoa khóa 1 (1957-1961), họa sĩ Nguyễn Thanh Trí, tốt nghiệp ưu hạng, cũng khóa 1. Họa sĩ Trịnh Cung (Nguyễn văn Liễu) tốt nghiệp khóa 2, cố điêu khắc gia Mai Chửng tốt nghiệp khóa 2 (1961-1962). Họa sĩ Đinh Cường, tốt nghiệp khóa 3 (1962-1963). Họa sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh) tốt nghiệp khóa 4 (1963-1964)….
DTL: Thưa
anh, tôi muốn được biết anh nghĩ gì về một vài sinh viên bỏ ngang
chương trình học, nhưng họ lại rất nổi tiếng sau này. Thí dụ, họa sĩ
Nguyễn Trung. Có người còn cho rằng, có thể chúng ta đã có một Nguyễn
Trung khác, nếu ông theo học một cách nghiêm chỉnh, cho tới khi tốt
nghiệp!
NĐT:
Theo tôi, cũng có vài trường hợp sinh viên đã không thể tiếp tục theo
đuổi việc học, vì hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Nhưng nếu họ nắm
vững được phần nào căn bản về kỹ thuật, cộng thêm khả năng thiên phú và,
vẫn theo đuổi việc sáng tác rồi gây được tiếng vang hay nổi tiếng, thì
cũng hiếm lắm anh ạ.
Trường
hợp họa sĩ Nguyễn Trung, theo tôi là do tài năng hiếm có. Thêm nữa, anh
ấy đã đoạt giải thưởng hội họa Quốc Gia trong lúc vẫn còn theo học tại
trường CĐMT Gia Định.
Tôi
nghĩ có lẽ tôi cũng nên nói thêm rằng, có một điều không thành luật lệ
rõ ràng ở trường CĐMT là: Sinh viên đang theo học ở trường không được
gửi họa phẩm của mình tham dự trong bất kỳ một cuộc triển lãm nào ngoài
công chúng!
Có thể họa sĩ Nguyễn Trung bực bội về điều này, nên sau khi được trao giải thưởng, anh đã bỏ ngang, không tiếp tục việc học nữa?
DTL: Nhân
nói về những họa sĩ bỏ ngang việc học ở các trường CĐMT, tôi muốn hỏi ý
kiến của anh về những họa sĩ nổi tiếng, nhưng họ không theo học, không
tốt nghiệp một trường CĐMT nào? Tôi thí dụ trường hợp của Cao Bá Minh.
NĐT:
Thưa anh theo tôi, đó là những họa sĩ tự học bằng cách tìm hiểu hội họa
qua sách vở, qua bạn bè. Họ tự tìm tòi bằng vào niềm đam mê hội họa của
họ. Họ nghiên cứu kỹ thuật kèm theo năng khiếu thiên bẩm. Nhưng những
người này có thể phải trải nghiệm một thời gian dài hơn, vì kiến thức,
chuyên môn không được hệ thống hóa, thiếu phương pháp từ trường ốc. Bù
lại, vẫn theo tôi, họ được tự do, không bị ràng buộc bởi những ước lệ
của trường ốc trong sáng tác.
Khi nói
điều này, cũng là lúc tôi nghĩ tới một số họa sĩ được huấn luyện chính
quy ở các trường ốc. Nhưng sáng tác của họ cho thấy, họ chỉ lập lại
những gì đã học được. Với những người không may rơi vào trường hợp đó,
thì có phải rõ ràng rằng, sự học lại là một rào cản khiến cho họ không
thoát ra được?
Trở lại
với những họa sĩ nổi tiếng dù không theo học một trường lớp nào, ngoài
Cao Bá Minh, hiện cư ngụ tại Orange County, tôi còn biết một số họa sĩ
nổi tiếng khác như cố họa sĩ Bửu Chỉ, Trịnh Công Sơn. Như các họa sĩ
Hoàng Đăng Nhuận, hiện ở Huế. Như họa sĩ Lê Thánh Thư, hiện ở Saigon
v.v…
DTL: Một cách thẳng thắn và công bình, theo anh thì đâu là những điểm được của các trường CĐMT?
NĐT: Thưa anh, câu hỏi của anh khiến tôi chợt nhớ tới câu châm ngôn: “Không thầy đố mày làm nên.”
Ai cũng phải học cả. Theo tôi, như đã nói lúc nãy, trường là nơi nhằm
đào tạo, trang bị cho ta kiến thức. Tôi nghĩ, chúng tôi may mắn có
trường để học, tích lũy kiến thức, biết được căn bản để phát triển mọi
mặt. Thử nhìn xem thưa anh, nếu không có trường Mỹ Thuật thì nền hội họa
Việt Nam đến hôm nay sẽ như thế nào? Những thế hệ đi sau sẽ được đào
tạo theo phương pháp nào?
Những
họa sĩ tự học, họ chỉ lo vấn đề sáng tác của họ một “cách khác.” Nhưng
muốn họ truyền đạt, hướng dẫn cho lớp đi sau thì bằng phương pháp nào?
Có được hệ thống hóa không? Và như vậy, chúng ta đã thấy được trường ốc
quan trọng như thế nào rồi!
DTL: Hội
họa Việt Nam hiện đại là một bộ môn nghệ thuật tương đối trẻ so với một
số bộ môn nghệ thuật khác. Nó được hình thành theo cung cách huấn luyện
kỹ thuật Tây phương. Do đó, cho ta có thói quen chia trường phái. Tôi
thí dụ như trường phái ấn tượng, trừu tượng, siêu thực, lập thể v.v… Câu
hỏi của tôi là, anh có thấy sự phân chia đó là hợp lý? Chính xác? Thích
ứng với hoàn cảnh thực tế của hội họa Việt Nam?
Không biết câu hỏi của tôi có rõ ràng không, anh Nguyễn Đình Thuần?
NĐT: Câu hỏi của anh rõ lắm. Tôi xin trả lời tóm tắt thế này:
Dựa
theo quan điểm học thuật về kỹ thuật của Tây phương, tôi nghĩ có lẽ
chúng ta khó tách rời sự phân loại các khuynh hướng hội họa của chúng ta
khỏi những trường phái hội họa vốn đã thành hình lâu đời ở phương Tây.
Như anh nói, nền hội họa đương đại của chúng ta sinh sau, đẻ muộn nên
rất khó phủ nhận rằng chúng ta không bị ảnh hưởng. Vì vậy, sáng tác nào
cũng mang hơi hướm của các trường phái ở Tây phương.
Tuy
nhiên, họa sĩ Việt Nam thường biểu đạt tâm cảm, rung động của nội tâm
Đông phương bằng kỹ thuật của Tây phương. Tôi muốn nói, dù bằng hay,
dưới hình thức nào, thì các họa sĩ Việt Nam vẫn diễn đạt tình cảm, sự
vật, con người qua tranh của họ một cách trung thực tính chất Việt Nam
thưa anh.
DTL: Câu
hỏi chót, thưa anh, theo tôi, vì các họa sĩ Việt Nam tự căn bản đã được
trang bị kỹ thuật cũng như lý thuyết về hội họa của Tây phương, cho
nên, có người cho rằng, các họa sĩ Việt Nam, ít hay nhiều đều bị ảnh
hưởng bởi một hay nhiều họa sĩ Tây phương, trải qua từng thời kỳ hay
từng giai đoạn sáng tác của mỗi họa sĩ. Cái nhìn riêng của anh về nhận
xét này, như thế nào?
NĐT:
Thưa anh, như tôi đã trả lời ở câu hỏi trên, tôi vẫn nghĩ không một họa
sĩ nào của chúng ta mà không bị ảnh hưởng bởi những họa sĩ, họa phái
của Tây phương một cách tự nhiên, dọc theo từng thời kỳ sáng tác của họ.
Tuy nhiên, sau những giai đoạn này, nếu người họa sĩ có tài năng thực
sự, thì họ sẽ tách rời được, khỏi cái cũ để tự tìm cho mình một đường
hướng mới mẻ hơn.
DTL: Trong
tình thần của câu trả lời vừa xong của anh, tôi xin cầu chúc anh, cũng
như các họa sĩ Việt Nam ngoài hay trong nước, tiếp tục tìm được cho mình
những đường hướng sáng tác mới mẻ hơn, cho nền hội họa của chúng ta
thêm phần rạng rỡ...
NĐT: Cám ơn anh về lời chúc đẹp đẽ ấy.
(California, tháng 2-2011.)
Du Tử Lê ghi, thuật
(từ: hocxa)
(từ: hocxa)
Chú thích:
(1) Tác phẩm này do Hội Vaala, California, xuất bản, năm 2008.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét