Thứ Năm, 11 tháng 1, 2018

Trong giấc mơ tôi (kỳ 3)

Nguyễn Tuyết Lộc
*THỜI CỦA BIẾN CỐ
Ai cũng biết từ năm 1954 đến 1960 dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Huế nói riêng cũng như cả miền Nam nói chung tưởng chừng như hưởng một nền hòa bình yên ả. Và ai cũng phải công nhận ông Diệm thành công rõ rệt trong những năm đầu. Để được như thế, thật ra ông không có một ngày được ngủ yên. Ông quyết lật đổ vua Bảo Đại – nói cách khác với sự góp ý và OK của người Mỹ, gạt bỏ mọi thành phần chống đối, trấn áp các phe đối lập, từ nhóm Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các đảng Đại Việt, Quốc Dân đảng, xây dựng một bộ máy chính quyền có tổ chức chặt chẽ, lại có thêm ông em là Ngô Đình Nhu làm cố vấn, lập đảng Cần Lao để phục vụ chế độ. Nhiều trường đại học khác được thành lập ở các thành phố lớn, dân chúng nhìn chung đã tạm yên ổn làm ăn. Nhưng càng về sau, chính sách của ông ngày càng áp bức, không tin dùng ngay cả những người có công đưa ông về nước, chỗ nào cũng có mật vụ, nạn tham nhũng làm lũng đoạn cả guồng máy nhà nước dân sự cũng như quân sự. Nhất là chính sách kỳ thị tôn giáo rõ rệt. Ngày lễ Noel trường học được nghỉ, trong lúc ngày lễ Phật Đản bị huỷ bỏ trong học đường cũng như trong chính quyền và quân đội… Tôi nghe người ta nói mỗi người – ngay cả những bậc thông minh, kỳ tài – đều có một “điểm mù”. Có khi đây chính là “điểm mù” của toàn bộ thành viên họ Ngô Đình chăng?
Sự chống đối chính quyền gia đình trị họ Ngô cứ âm ỉ, ngày càng mạnh mẽ và căng thẳng hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này là vụ tự tử của nhà cách mạng, nhà văn nổi tiếng Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam để lại nhiều bùi ngùi thương tiếc. Những thiện cảm mà quần chúng dành cho ông Ngô Đình Diệm trong những năm đầu ông vể nước giờ đã tiêu tan. Không thể chịu nổi tình trạng này, một số đơn vị quân đội đã nổi dậy chống đối.
Mở đầu là cuộc đảo chánh của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Nguyễn Chánh Thi là Tư lệnh đầu tiên của Lữ đoàn Nhảy dù. Ông là sĩ quan rất được Tổng thống tin dùng, từng có lần tháp tùng Tổng thống viếng thăm Trung Hoa Dân Quốc trong chức vụ Tùy viên quân sự. Tuy vậy ông vẫn ngấm ngầm bất mãn với chính quyền mà ông cho là gia đình trị và tham nhũng. Tháng 11 năm 1960, ông cùng Trung tá Vương Văn Đông tham gia nhóm các sĩ quan mưu toan đảo chính, lật đổ Chính phủ, bao vây Dinh Độc Lập nhưng bị phản công, cả hai cướp máy bay đào thoát sang Campuchia tị nạn.


Cuộc đảo chánh thứ hai là Trung uý Phạm Phú Quốc, ông từng tốt nghiệp trường Huấn luyện sĩ quan Không quân Pháp tại Marrakech thuộc Vương quốc Maroc, miền Bắc Châu Phi, là Trưởng phòng Hành quân của Phi đoàn 514 Khu trục cơ, trực thuộc Căn cứ 2 Trợ lực Không quân ở Biên Hòa. Ông cùng đồng đội là Trung úy Nguyễn Văn Cừ vì bất đồng chính kiến với chính phủ, ngày 27 tháng 2 năm 1962 nhân một chuyến hành quân cả hai không thi hành nhiệm vụ mà quay ngược về lại Sài Gòn oanh tạc dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất), đánh sập một góc Dinh nhằm ám sát anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu. Tổng thống thoát chết, máy bay ông bị hỏa lực phòng không của Hải quân ở bến Bạch Đằng bắn trúng phải đáp xuống sông Sài Gòn, bị bắt và bị giam cầm tại nhà lao Chí Hòa, đến ngày 1 tháng 11 năm 1963 chế độ nhà Ngô sụp đổ, ông mới được giải cứu. Một chế độ giết người không gớm tay lại không tuyên án tử cho Phạm Phú Quốc cũng là sự lạ. Theo thiển ý của tôi, có thể cấp bậc thấp của viên sĩ quan trẻ trung uý cho thấy còn những bàn tay quan trọng hơn nhiều đứng sau lưng, cần phải tiếp tục điều tra. Cũng có thể những biến cố quá lớn, bất ngờ này đã làm rúng động anh em Ngô Đình và buộc họ phải có một cách nhìn “chính trị” hơn chăng?
Tuy những cuộc đảo chính trên không thành vì tổ chức không chặt chẽ nhưng cũng đánh dấu một thời kỳ báo hiệu sự suy sụp của chính quyền Ngô Đình Diệm, khi họ không chỉ có kẻ thù là những người Cộng sản mà còn có những người được xem là đồng minh trong cuộc chiến chống lại những người Cộng sản.
Phải nói 1963 – năm tôi học đệ nhất Quốc Học và sau khi anh Hai đi Pháp học – là năm đầy rẫy những sự kiện nóng hổi ở miền Nam, nói riêng thành phố Huế với phong trào học sinh, sinh viên rất sôi động.
Những vụ xáo trộn và bạo động bắt đầu vào đúng ngày lễ Phật Đản 8 tháng 5. 1963 tại Huế, ông Ngô Đình Diệm nghe lời anh là Tổng Giám mục Ngô Đình Thục ra lệnh cho nhà cầm quyền địa phương không cho treo cờ Phật giáo, ai treo cờ thì bị cảnh sát địa phương triệt hạ, trong lúc trước đó lễ Ngân Khánh của Giám Mục Ngô Đình Thục thì được treo cờ Vatican, lại không cho đài phát thanh phát những bài thuyết pháp và tường thuật buổi lễ. Sự kỳ thị tôn giáo từ lâu nay nhân cơ hội này gây căm phẫn cao độ trong giới Phật tử. Hậu quả của “điểm mù” tôi nhắc trên đang tới gần và anh em Ngô Đình Diệm một lần nữa – và rất tiếc là lần cuối cùng – đã quên những bài học năm 1960 và tiếp đó.
Tối ngày 7.5.1963, sau khi thi viết tú tài toàn phần xong, tôi và Trần Công Tín, bạn cùng lớp với tôi, rủ nhau đi xem lễ Phật Đản. Qua hôm sau, Phật tử tụ tập theo đoàn xe hoa đến Đài Phát thanh Huế, gần cầu Trường Tiền. Tại đây, bên trong đài lãnh đạo Phật Giáo đang họp bàn với Tỉnh trưởng tỉnh Thừa Thiên, có mặt ông Ngô Ganh, Giám đốc Đài Phát thanh, một người bạn thân của ba mẹ tôi. Bên ngoài quân đội đem xe đến đàn áp, phun nước vào đám đông, lựu đạn nổ, binh lính bắn loạn xạ, người chết, người bị thương, người ta đạp lên nhau mà chạy. Họ chạy vòng sau lưng đài phát thanh, theo đường Hàng Đoác dọc bờ sông Hương, ngược lên đường Lê Đình Dương trước nhà tôi, ra Lê Lợi.
Những ngày sau đó Huế lên cơn sốt. Sinh viên khoa này nghỉ học, kéo theo khoa khác phải nghỉ. Học sinh trung học cũng theo anh chị lớp trên mà nghỉ. Thầy cô giáo không đến trường. Tất cả trường học trong thành phố đều bãi khoá. Linh mục Cao Văn Luận – Viện trưởng Viện Đại học Huế – bị cách chức vì ủng hộ Phật giáo. Công ty, xí nghiệp, chợ búa đình công bãi thị. Giáo sư Lê Hữu Mục bị sinh viên “tẩy chay” vì tội “làm gián điệp” cho chính quyền Ngô đình Diệm phải “chạy” vào Sài Gòn. Còn chuyện thực hư thế nào không rõ. Anh Thạch tôi cũng vội vã vào Sài Gòn vì tội… là con chiên của Chúa! Những ai thân cận chính quyền của Diệm đều bị sinh viên quá khích gây hấn, hăm dọa. Một số giáo sư Đại học bị bắt được Tổng Lãnh sự Anh quốc can thiệp mới được thả ra. Một lần đang đứng ở hành lang nhà, tôi mục kích một nhóm sinh viên kéo lê Giáo sư Bác sĩ Đặng Hóa Long trên đường Lê Lợi, trông bác sĩ thật thiểu não.
Khắp nơi xuống đường hô hào chống chế độ độc tài gia đình trị Ngô đình Diệm và sự chống đối này nhanh chóng lan đến Sài Gòn và các thành phố khác.
Từ tháng 6. 63 trở đi, nhiều tăng ni tuyệt thực, tự thiêu, mở đầu là Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ở Sài Gòn. Chính phủ Ngô Đình Diệm huy động cảnh sát, quân đội và lực lượng đặc biệt đồng loạt tấn công các chùa trung tâm ở Sài Gòn, Huế và các thành phố khác, bắt bớ giam cầm tăng ni, cô lập chùa chiền bằng hàng rào dây thép gai. Chính quyền còn ra thông cáo cảnh sát có quyền bắn bất cứ đám đông nào tụ tập mà không xin phép. Đến lúc này thì tất cả các lực lượng bất mãn đều không thể chấp nhận sự độc tài, kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm nữa.
Vụ việc xảy ra trong lễ Phật Đản năm đó đã làm chấn động cả thế giới, thúc đẩy quyết định điều tra của Liên Hiệp Quốc.
Phái đoàn Liên Hiệp Quốc qua, chưa kịp điều tra thì chính quyền Ngô Đình Diệm bị quân đội đảo chính.
Báo chí Mỹ viết nhiều về vai trò lãnh đạo Phật tử Huế của thượng tọa Trí Quang, tờ Time đăng hình Thượng tọa lên trang bìa.
clip_image002
Huế được xem là trung tâm điểm của những trận cuồng phong chính trị, cơn lốc đã kéo đến tận Sài Gòn, cuốn phăng nền Đệ Nhất Cộng Hòa với chín năm cầm quyền gia đình trị họ Ngô. Huế thật sự đi vào cuộc bể dâu của lịch sử cùng những thăng trầm và những cơn sốt chính trị. Huế trầm lặng, Huế nghèo, còn vô số khó khăn, nhưng vẫn không thiếu những tham vọng từ phía những người hoạt động tôn giáo, chính trị.
Kể từ đó, đất nước bị lôi cuốn vào những nhóm tranh giành chính trị, không một ngày được yên, Huế liên tục biểu tình tháng này qua năm khác. Biểu tình và bị đàn áp bằng lựu đạn cay. Khói của lựu đạn cay phủ mờ thành phố Huế, từ đường phố chính Trần Hưng Đạo đến chợ Đông Ba, qua Hàng Bè, Chi Lăng, Diệu Đế, Gia Hội, Bãi Dâu, bên kia sông Hương dọc theo Lê Lợi, từ Đập Đá đến cầu Ga.
Thay ông Diệm là một nhóm tướng lãnh thiếu ý thức cũng như thiếu kinh nghiệm chính trị, lại bị bọn bè nhóm phân hoá. Chính phủ tạm thời của quân đội thì bất lực, chỉnh lý rồi đảo chánh, bầu cử rồi bầu cử lại, sân khấu chính trị thay đổi liên tục. Chỉ trong vòng ba năm mà có đến bảy lần thay đổi nội các.
Và 1966 là năm dữ dội nhất. Miền Trung (Đà Nẵng, Huế) hầu như muốn ly khai khỏi chính quyền Trung ương. Đầu tháng 6.1966 thượng tọa Thích Trí Quang từ Sài Gòn về lại chùa Từ Đàm Huế phát động tranh đấu lật đổ chính quyền quân sự Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ, yêu cầu soạn hiến pháp mới. Nhóm học sinh sinh viên quyết tử mang băng đỏ chiếm giữ Đài Phát thanh Huế, chiếm luôn hai kho vũ khí đạn dược của hai Ty cảnh sát. Đi xa hơn nữa họ tấn công đốt phá tài sản của ngoại kiều, bao vây tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Huế, đốt cháy thư viện và phòng Thông tin Hoa Kỳ ở đường Lý Thường Kiệt. Và khi nghe tin chính quyền sẽ cho quân đội ra Huế đàn áp, dân chúng Huế được lệnh của giới lãnh đạo Phật giáo – sự thực cấp nào, ai chủ trương và trực tiếp chỉ đạo vụ việc này vẫn chưa rõ – đem bàn thờ xuống đường ngăn chặn quân đội chính phủ vào thành phố Huế. Từ hữu ngạn qua tả ngạn sông Hương, Thành Nội, dọc theo An Cựu, Bến Ngự, Nam Giao, Nông, Truồi, Sịa, Cầu Hai, Nước Ngọt… đâu đâu cũng có bàn thờ đặt ngay giữa đường bít hết lối đi, xe cộ từ Đà Nẵng, Quảng Trị không thể vào thành phố. Mọi sinh hoạt ngưng trệ, phố xá, chợ búa, trường học, công sở đều đóng cửa. Dân chúng lo sợ một cuộc đụng độ đẫm máu sẽ xảy ra. Nhưng rồi đêm 17.6. 1966, Đại tá Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh hành quân dẹp loạn miền Trung đã ra lệnh dẹp bàn thờ một cách êm thắm không ngờ. Có lẽ vì tâm trạng mỏi mòn và cuộc sống làm ăn bị xáo trộn, kéo dài, vô định của quần chúng. Thượng toạ Thích Trí Quang tuyên bố tuyệt thực 90 ngày, nhưng bị Đại tá Loan ra lệnh bắt giữ và đưa vào Sài Gòn ở tại bệnh viện bác sĩ Nguyễn Duy Tài. Mãi đến cuối tháng 7 an ninh trật tự tại Thừa Thiên Huế được tái lập. Từ đây Huế tạm yên, ít xuống đường, bãi công, đình thị. Kỳ thi vào Đại học năm đó trễ hai tháng.
Tôi lớn lên trong bầu không khí đó của Huế và dần dần ý thức được rằng dưới bộ mặt nên thơ phẳng lặng của Huế là những đợt sóng ngầm đang chuyển động.
Không ai còn tin tưởng là miền Nam có thể có một chính quyền vững vàng và đủ uy tín để ổn định tình thế. Những tranh chấp quyền lợi chính trị dẫn đến sự suy yếu Trong khi đó Việt Cộng ngày càng mạnh hơn, chiếm giữ rộng lớn vùng nông thôn. Mậu Thân và mùa hè đỏ lửa năm 72 làm cho người dân chết chóc điêu đứng.
*1968: MÙA XUÂN BẤT HẠNH
Đêm 30 Tết năm Mậu Thân, nhằm ngày 29 tháng 12. 1968, tiếng pháo nổ đì đùng kéo dài hơn những năm trước. Về khuya, tiếng đì đùng của pháo chuyển thành tiếng ầm ầm, càng lúc càng dày đặc, liên tục. Pháo hạng nặng nghe rất gần. Xa xa trên bầu trời Tây Lộc, Mang Cá, những tia chớp sáng ngoằn ngoèo trước tiếng đạn nổ rền. Cả nhà bắt đầu lo lắng, sốt ruột, nhưng không ai dám nói ra, chỉ mong đêm qua thật mau.
Sáng Mồng Một, sau khi dự lễ chào cờ đầu năm về, anh Hai đưa cả gia đình lên chùa Bảo Quốc hái lộc. Mỗi người được Ôn trụ trì Thích Trí Thủ trao một phong bì đỏ, lì xì, không phải tiền, mà là lời chúc mừng đầu năm.
Khuya Mồng Một, Mậu Thân tức ngày 30 tháng 1 dương lịch, người dân không còn phân biệt được tiếng pháo Tết hay tiếng súng đạn nữa. Điện bỗng tắt ngấm, cả thành phố Huế chìm trong bóng tối. Tiếng đạn pháo dồn dập còn nhiều hơn cả đêm Giao thừa.
Sáng thức dậy, nghe anh Hai nói nhỏ, giọng nghiêm trọng:
- Việt Cộng chiếm thành phố rồi. Mọi người trong nhà không được nhốn nháo. Nhớ giữ im lặng.
Đến trưa, Anh Hai mở radio chạy bằng pin, nghe đài BBC, đài VOA, mới hay hôm qua phía bên kia đã pháo kích Bộ Tổng Tư lệnh Sư đoàn 1, tiến vào sân bay Tây Lộc.
Sáng Mồng Hai Tết, họ đã chiếm gần hết thành phố. Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa, họ treo cờ Mặt trận Giải phóng, nửa trên màu xanh biển, nửa dưới đỏ, giữa sao vàng, trên kỳ đài Ngọ Môn. Họ chiếm Thành Nội, chợ Đông Ba cửa Thượng Tứ, cửa Chánh Tây và cửa An Hòa.
Chú Diệu, Giám đốc Ty Công chánh, em rể họ của tôi, ở đối diện, tay xách một túi lớn hớt hơ hớt hải theo sau là vợ con, chạy qua trước cổng nhà tôi, gọi:
- Anh Hai ơi, không xong rồi. Chạy mau. Chạy mau. Việt Cộng tràn ngập bên kia sông rồi.
Anh Hai nghe tiếng chú Diệu gọi gấp rút không kịp lấy gì hết, chỉ khoác vội chiếc áo ấm, hối thúc mọi người trong nhà:
- Bỏ hết. Chạy mau!
Người nào cũng chụp vội vàng những thứ cần thiết. Anh Hai nhanh chóng khóa cửa. Cả nhà chạy ngược đường Lê Lợi định lên phía Cầu Ga, mới vừa được một trăm mét gần Trung tâm Văn hóa Pháp và Cercle thì thấy đoàn người từ đâu lũ lượt chạy trối chết, từ Cầu Ga ngược về cầu Tràng Tiền. Người thì tay xách nách mang con trẻ khóc ré lên, người thì cõng ông bà già bước xiêu bước vẹo… Chú Diệu thất kinh, hỏi:
- Mấy bác ơi, mấy bác chạy đi mô rứa?
Có người vừa thở hổn hển, không ngoảnh mặt lại, vừa trả lời:
- Lo chạy đi! Việt Cộng chiếm Tòa Hành chính tỉnh Thừa Thiên, cả Viện Đại học, mô cũng mất rồi. Chết đến nơi rồi hỏi chi mà hỏi.
Thế là chúng tôi tức tốc nhập theo họ, chạy về hướng Đài Phát thanh, cách nhà tôi chỉ hơn hai trăm mét.
Chú Diệu bàn với anh Hai:
- Mình vô Đài Phát thanh đi anh.
- Không được. Không được. Đó là nơi dễ pháo kích trước. Thôi cứ chạy đã, ai đi mô, mình đi đó.
Cuối cùng, thấy trường Kiểu Mẫu rất đông người tụ tập, cả hai gia đình tấp vào. Thì ra, họ đã tới đây từ sáng tinh mơ. Trừ vài địa điểm như Đài Phát thanh, Cầu tàu Hải quân… Còn từ Đập Đá trở xuống vùng Vỹ Dạ, nghe nói quân đội miền Bắc đã kiểm soát hoàn toàn. Chúng tôi vào một góc lớp học của trường. Người trong phòng nằm ngồi ngổn ngang, không có chỗ qua lại.
Trời Tết lạnh buốt xương. Tối đến mấy o cháu nằm ôm nhau ngủ cho ấm. Nhiều sinh viên nhường mền chiếu và thức ăn cho anh Hai. Không biết họ lấy gạo từ đâu, nấu trong lon Guigoz còn nóng hổi. Chú Diệu cũng kiếm được đâu đó một bao gạo nhỏ với mấy hộp cá, hộp bơ, phô mai về cho hai gia đình. Anh Hai và chú Diệu đi tìm bạn bè bàn tán tình hình đang diễn ra trong thành phố. Có người mang được radio chạy bằng pin, tối nào cũng xúm nhau, gọi nhau ơi ới đến nghe đài nước ngoài bình luận về những trận pháo kích ở Huế. Vài ngày sau, một sinh viên báo cho anh Hai biết Việt Cộng đã tràn vào trường Quốc Học, Đồng Khánh, cả Bệnh viện Trung ương Huế. Một tuần sau, đài AFP nói: “Sau một đêm đánh nhau, Việt Cộng đã kiểm soát 90% thành phố Huế”.
Ngày cũng như đêm, hai bên bắn pháo ầm ầm. Nghe nói quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa tiến đánh nhiều lần các cứ điểm đã bị đối phương chiếm trước đó nhưng không được, vì vấp phải hỏa lực rất mạnh của Việt Cộng.
Khuya Mồng Chín Tết, khi phần lớn mọi người trong trường Kiểu Mẫu đang ngủ, số còn lại ngồi cầu nguyện thì đột nhiên một tiếng “ầm” long trời lở đất vang lên, ai cũng tưởng đạn pháo rơi trúng trường Kiểu Mẫu. Hơn một tiếng đồng hồ sau, vài sinh viên bạo dạn nhất chạy về la lớn:
- Cầu Tràng Tiền bị giựt sập rồi bà con ơi.
Cầu Tràng Tiền ở gần trường Kiểu Mẫu. Nghe vậy, dân tị nạn trong trường người lên lầu, người ùa ra cổng đứng xem cảnh khói bụi mù trời, vài giữa của cầu đâm xuống lòng sông.
Khi nghe tin lực lượng Hoa Kỳ chiếm lại Tòa Đại biểu, rồi một chiếc tàu thủy xuất hiện, cập bến trước trường Đại học Sư phạm, Morin cũ, tiếp tế lương thực cho Tiểu khu Thừa Thiên, anh Hai bàn với chú Diệu:
- Từ Kiểu Mẫu, về đến nhà mình có xa chi mô, hay là tụi mình về lại nhà?
- Dạ, em cũng nghĩ rứa. Nhưng về lại khu Công Chánh, em sợ họ vô “mần thịt” em. Nét mặt lo lắng, chú Diệu trả lời.
- Không. Chú về bên nớ, anh chị về nhà cũng buồn. Hay là nhà Ba Mẹ anh đi vắng, chỉ có Tuyết Lộc, o chú cứ ở nhà ba mẹ anh cho anh yên tâm. Sống thì sống với nhau, chết thì cùng chết hết.
Trong lúc Mỹ và lực lượng Việt Nam Cộng hòa bắt đầu tiếp cứu phản kích ào ạt bằng trực thăng, máy bay dội bom, hỏa tiễn bắn vào Thành Nội và những nơi có quân đối phương, thì nhiều gia đình khăn gói, sống chết quyết trở về nhà, vì nơi ở thiếu thốn mọi bề, vệ sinh không đảm bảo, dân chúng bắt đầu nhốn nháo, không giữ kỷ luật, trật tự như những ngày đầu.
Dưới làn đạn pháo liên hồi, chúng tôi lại trở về nhà. Chỉ một đoạn đường rất ngắn, khoảng hai trăm mét, mà tưởng như mấy chục cây số. Cứ nghe bom nổ, đạn bay veo véo, ai cũng cúi đầu “tránh đạn”. Hình như nghĩ đến chuyện được về lại nhà, mọi người không còn thấy sợ hãi nữa, mặc dù chưa biết chết khi nào. Anh Hai lúc này còn nói đùa:
- Hễ nghe tiếng véo véo bay qua đầu là đạn, pháo không đụng mình. Mà đụng mình, thì không nghe véo véo nữa, là chết.
Còn tôi, lẩm bẩm: Uở, chạy giặc chi mà lạ rứa hè. Chỉ trên một con đường Lê Lợi, chạy lui chạy tới, rồi chạy về nhà. Mà ai là giặc đây?
Những ngày tiếp sau lính Mỹ bắt đầu xuất hiện trên đường Lê Lợi. Cá biệt có gã ở trần, mình xâm đủ loại hình thù, trên đầu cài mấy tấm bài tây in hình phụ nữ trần truồng, quanh mình trang bị súng ống, đạn dược, máy truyền tin trông giống người từ hành tinh khác đến. Chúng vừa đi vừa hát nghêu ngao. Lính Mỹ vào lùng sục từng nhà khả nghi có Việt Cộng ẩn nấp, từ nổi lo này đến nổi sợ khác, từng ngày phập phồng, hoảng hốt mỗi khi nghe tiếng súng nổ.
Gần chiều tối hôm đó o Thí, người giúp việc, từ ngoài cổng hớt hải chạy vào, mặt o tái không còn chút máu, lấp bấp, vừa khóc vừa kể với tôi:
- Chị Lộc ơi, ông dược sĩ Lê Đình Phòng bị Mỹ bắn chết rồi.
Tôi há hốc miệng:
- Há? Cái chi? O nói cho rõ. O đi mô mà biết hả?
- Dạ em đau bụng hai ngày ni, em lén thầy cô chạy đến nhà ông dược sĩ mua thuốc đi chảy, thấy bà Lê Đình Phòng đang ôm đứa con mới sinh ngồi bên xác mấy người nằm ngay cửa. Em sợ quá, run lẩy bẩy, bà Phòng nhìn lên gọi em đến, giao em bé cho em bồng, rồi chạy vô lấy chiếc chiếu ra đắp cho ông. Bà đi không nổi, cứ khuỵu xuống hoài. Em cũng khóc. Bà nói, hôm qua khi cả nhà nghe tiếng đấm cửa rầm rầm, bà Phòng mới sinh dậy không ra mở cửa được nên ông Phòng vội chạy ra, o giúp việc theo liền sau lưng ông, hai đứa nhỏ con ông cũng theo sau o. Cửa mới hé, mấy thằng Mỹ la lên “Vi xi! Vi xi!” rồi xả súng bắn liên tục. Bà Phòng bồng em bé ra đến nơi, thì lính Mỹ rút hết. Ngay cửa nhà là xác ông Phòng, người giúp việc và hai đứa con của ông bà nằm trên vũng máu tươi. O Thí nói tiếp:
- Em về đây để xin thầy cô cho em đến đào lỗ chôn bốn người đó, chứ chừ em thấy bà Phòng kiệt sức, không dậy nổi nữa.
O Thí đào đất ngay trong góc vườn phía trước biệt thự, kéo lê từng xác xuống, lấy chiếu đắp cả bốn người, rồi qua loa lấp đất lại.
Đã ba tuần lễ trôi qua từ đêm Mồng Hai Tết, điện vẫn chưa có, mặc dù quân đội Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã chiếm lại các cơ quan hành chính bên này sông Hương. Còn bên kia sông, phía Việt Cộng vẫn còn cầm cự trong Thành Nội, trực thăng Mỹ bay vòng vòng trên bầu trời, dùng loa kêu gọi họ ra đầu hàng, cho đến khi quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chiếm được cửa Thượng Tứ, rồi cầu Tràng Tiền thì quân Việt Cộng mới rút đi.
Tòa Tỉnh trưởng bắt đầu hoạt động trở lại, ra thông cáo thiết quân luật 24/24. Nhưng dân chúng bắt đầu đổ xô về nhà, bất chấp lệnh cấm. Dân chúng từ Vỹ Dạ từng đoàn đi bộ, gồng gánh qua Đập Đá lên tụ tập ở Ty Thuế vụ Nhà Nước.
Bà bác họ của tôi kể, Vỹ Dạ đêm ba mươi giao thừa vẫn yên tĩnh, nhưng sáng Mồng Một Tết ngủ dậy cả nhà ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người mặc áo quần bộ đội, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép quai chéo bằng cao su, vai đeo súng dài đi vào sân nhà của bác. Họ đi từng cặp ba hay bốn người, vào chào mẹ chào chị. Có người mời nước, mời cơm ăn, họ lắc đầu.
Tối đến, mất điện, pháo kích dữ dội, không biết phía nào. Mọi người chui vào hầm. Một nhóm vũ trang ăn mặc thường phục, không phải bộ đội, tay cầm súng, gọi mọi người ra sân, sắp hàng. Họ hỏi tên tuổi từng người, làm gì, ở đâu về ăn Tết. Bác trai khai mình làm quan thuế, nhưng đã về hưu. Họ nói ông đem áo quần theo, đi học tập vài ngày còn đàn bà trẻ em cho ở lại. Gia đình hai bác giàu có, vườn tược rộng lớn, nên rất sợ. Bác gái kể tiếp, hai ông bà bỏ hết vàng vào bao cát, rồi trà trộn vào những bao cát khác chất làm hầm. Mấy hôm sau, đêm nào cũng có người vào lùng sục. Xóm dưới, một trung úy Biệt động Việt Nam Cộng hòa về ăn Tết với vợ con, bị họ đem ra chợ Vỹ Dạ bắn. Liên tục có nhiều vụ trả thù cá nhân xử bắn một số người ở địa phương với lý do “ác ôn”. Bác nghe nói những nhóm vũ trang bắt nhiều người dẫn đi, và xử bắn ở làng Dưỡng Mong, hoặc đang dẫn dân đi thì bom Mỹ dội xuống. Dân chúng chết dưới hai làn đạn. Hơn hai mươi ngày sau, thấy lính Mỹ tràn về Vỹ Dạ, hối thúc mọi người di tản nhanh để họ kiểm soát làng xóm, thế là dân chúng bỏ nhà cửa kéo nhau đi bộ từ dưới Thuận An và Vỹ Dạ lên. Có người đi qua làng Dưỡng Mong, thấy hố chôn tập thể, những bàn tay, cánh tay thò ra như cầu cứu.
Tôi lên Dòng Chúa Cứu Thế, đây là trại tị nạn thứ hai ngoài trường Kiểu Mẫu, tìm anh Bửu Châu, vì nghe tin anh về đây khám bệnh cho dân.
Không khó lắm, khi từ xa, tôi đã nhận ra dáng dong dỏng cao, chiếc kiếng cận, mái tóc bồng bềnh của anh. Anh đang phát thuốc cho từng người. Không có thời gian cho chúng tôi nói chuyện riêng tư, bởi rất đông bệnh nhân đang sắp hàng chờ đến lượt. Anh hỏi thăm tôi rồi nói nhanh:
- Em còn nhớ chị Quỳ, dược sĩ, ở cửa Thượng Tứ không?
- Có chứ. Bạn thân của anh mà, đi ăn bánh ướt thịt nướng với mình một lần ở Kim Long đó. Mà răng anh?
- Ừ. Chị Quỳ và gia đình vừa chết cách đây hai hôm. Mấy em sinh viên Y khoa nói cho anh biết, trong khi lực lượng Hoa Kỳ và lính Việt Nam Cộng hòa tiến vào cửa Thượng Tứ, hai vợ chồng chị và bốn đứa con trên đường trở về nhà, gần đến nơi thì bị trúng pháo chết hết. Bao tời chứa vàng rơi tung tóe trên đường. Dân chạy ra dành nhau lượm vàng cũng bị trúng pháo mà chết.
Một tháng sau ngày Tết thảm khốc đã đi vào lịch sử đó, tôi lên Bến Ngự tìm thăm bạn cũ, không ngờ gặp cô Lê Đình Phòng. Cô thuê đúng ngôi nhà ngôi nhà của bạn tôi. Hình ảnh trước mắt tôi, không phải là cô giáo dạy văn hay nhất ở Đồng Khánh, ăn mặc rất đơn giản luôn với chiếc áo dài lụa vàng tơ, phong cách sang trọng từ tốn. Thân hình cô vốn đã gầy, nay lại gầy guộc, tiều tụy bội phần. Cô ngồi nhặt thóc, sàng lúa. Bên cạnh cô là chiếc nôi bằng gỗ. Cô vừa đẩy con, vừa sàng gạo.
- Thưa cô.
Cô không trả lời. Tôi đến sát cạnh:
- Thưa cô, em là Tuyết Lộc.
Cô im lặng ngước lên. Khuôn mặt cô xanh xao. Đôi mắt cô trõm lơ, mất thần. Ánh mắt của một người mất trí. Cô không nhận ra tôi. Cô cũng không nói câu nào với tôi. Tiếp tục cúi xuống, sàng sàng, lượm lượm gạo bỏ ra ngoài rồi nhặt bỏ vào lại.
Một bà khoảng sáu mươi tuổi, đi chợ về, dừng lại:
- Chị ơi, cô Phòng không biết chi mô. Cô mất trí từ khi ông và các con của cô bị Mỹ bắn chết trong mấy ngày Tết rồi. Tui ở bên Kim Long, chồng con tui cũng bị pháo chết. Đợi êm tiếng súng, tui chạy ngay lên cô Phòng, tui là bà con xa lắm với cô Phòng, định qua xin chút tiền, ai ngờ thấy hoàn cảnh cô như ri, tui ở lại luôn. Mà lúc đó, cô còn chút tỉnh táo, bồng con đi thuê nhà, nhất định không ở nhà cũ nữa. Càng ngày cô càng như rứa đó.
Bà chắt lưỡi tiếp:
- Chi lạ thiệt, mới ngày mô đó mỗi bước khỏi nhà xe hơi đưa đón, ở biệt thự đẹp đẽ, chồng con hạnh phúc. Chỉ qua mấy ngày Tết thôi, mà ra thân thè ri. Ai ngờ cô hí.
Không ai có mặt ở Huế vào thời điểm Tết Mậu Thân mà không thấy cảnh máy bay Mỹ đổ không biết bao nhiêu là bom ngay trên khu Thành Nội bé nhỏ và các đơn vị quân đội Mỹ khi phản công nhìn dân thường ra “VC” – như vụ ông dược sĩ Lê Đình Phòng tôi nhắc ở trên – liền bắn chết tại chỗ là chuyện bình thường, sinh động như trong phim hành động. Dọc con đường bên kia cầu Kim Long, rẽ phải về chợ Kẻ Vạn có một đoạn rừng hai cây số bị bom thả, cứ hai ba vườn lãnh một quả bom đào rộng bằng một cái ao sâu hoắm. Tang thương nhất là gia đình một ông công chức nghe đồn trúng số độc đắc quốc tế (!) xây một ngôi nhà lớn cốt thép vững vàng nên bà con hàng xóm xin vào núp, kết quả chết ba mươi hai người.
Mậu Thân vừa qua đi, nỗi đau hằn sâu trong lòng người dân Huế chưa vơi dịu được thì mùa hè đỏ lửa 72 tới, lại đẫm máu, lại hoảng hốt, bấn loạn, cuống cuồng bỏ Huế vượt đèo Hải Vân chạy trối chết vào Đà Nẵng. Xe tăng thiết giáp Việt Cộng tràn qua sông Bến Hải như vào chỗ không người. Mất Quảng Trị, con đường quốc lộ giữa Huế và Quảng Trị, nơi người dân đang bồng bế, gánh gồng chạy dưới những làn pháo của Việt Cộng, đã biến thành đại lộ kinh hoàng.
Huế thật đoạn trường!
Khi nhìn lại những gì đất nước và riêng quê Huế tôi đã trải qua, đã chịu đựng, không khỏi tự hỏi vì sao mảnh đất ấy, những con người ấy đã làm nên tội gì mà nhận chừng đó số phận cay nghiệt, tang thương. Phải chăng đó là cái giá của cơn điên tìm thuộc địa, thị trường của một châu Âu đang khát khao lợi nhuận, thống trị thế giới một thời. Hay cái giá mà con cháu phải trả cho việc lấy đất đai của các vương quốc Champa và Khmer với khẩu hiệu thật hồn nhiên “Nam tiến!” của tổ tiên ta? Hay sự thiển cận và thiếu cải cách kịp thời của một Tự Đức không so sánh được với một Minh Trị Thiên Hoàng sáng dạ, tầm viễn kiến hơn người? Hay lại ngậm ngùi quay về với thuyết cộng nghiệp nhân quả của mỗi sinh linh trong đó có mình? Dù sao đi nữa, cũng không có chính kiến riêng tư chi, tôi cho những tuyên truyền “thắng lợi”, ngợi ca tài ba lãnh đạo mùa xuân Mậu Thân của chính quyền trên kỷ niệm chết chóc của hàng nghìn dân địa phương là vô cảm, võ biền và thiếu tinh tế.
Tôi dám chắc là có cả chục cách nhận định về một biến cố lớn như sự kiện Mậu Thân… và do đó chút nhận định có tính tâm tình cá nhân của tôi không nhằm để thuyết phục ai cả. Đừng quên khái niệm “Tet” không chỉ gắn với mùa xuân 1968 mà bắt đầu phổ biến với nghĩa “Spring holiday” ở phương Tây là “nhờ” vụ Mậu Thân đẫm máu. Để tránh hiểu nhầm không nhất thiết phải có, và dù là một người theo chủ nghĩa phi-chiến-tranh, tôi cho những vụ chết chóc, tổn thất trên chiến trường là “C’est la guerre!”, không tránh khỏi. Trên thực tế, cả phía Cộng sản và liên quân Mỹ - Việt Nam Cộng hoà (trong liên quân thì nguồn hoả lực, đặc biệt từ máy bay của người Mỹ, đóng vai trò chính), đều là tác giả của hàng trăm tới hàng nghìn cái chết của những đồng hương vô tội quê tôi và việc phân trần đôi lời về họ – dù đã quá trễ – nhưng một nén hương tưởng niệm hy vọng không phải là chuyện quá đáng! Vấn đề là một khi nỗi tang thương không nói thành lời của một mùa xuân bất hạnh – xin lưu ý đối với lê dân thì việc trúng tên bay, đạn lạc đều gộp chung là “chạy giặc” và xin lỗi các nhà tuyên huấn chính uỷ và tâm lý chiến hai bên rằng trúng “tên bay” của chính nghĩa hay “đạn lạc” của phi nghĩa đều là bi kịch như nhau, không khác – vẫn còn hiện diện trên bàn thờ của không biết bao nhiêu gia đình Huế còn chưa được giải mã, minh oan và những oan hồn năm xưa còn đi về đêm đêm dọc những con đường phủ bóng mù u dọc theo thành cổ đất Cố đô, thì những bài tụng ca chiến thắng, thắng lợi vẻ vang vô tình, vô cảm chỉ là một thông điệp xúc phạm, nhức nhối đối với người dân Huế nhạy cảm và tâm thức tôn giáo sâu kín của họ.
Tôi nhớ một nhà thơ Xô Viết, ông Konstantin Mikhailovich Simonov, từng nói đại ý một nhà văn cầm bút viết về chiến tranh mà trong mỗi phút mỗi giây không nhớ rằng chiến tranh, trong bản chất của nó, dù là chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, đều là bi kịch, thì tốt nhất hãy quẳng bút đi. Ngay ông Hồ Chí Minh, người cổ vũ chính cho một bên tham chiến, nghe nói từng chỉnh câu của thư ký mô tả trận đánh trong đó “địch quân” chết số lượng lớn là ta đã giải quyết chiến trường rất đẹp, bằng việc gạch bỏ từ “đẹp” với ý “chết chóc không thể gọi là đẹp”. Không thể không công nhận ông Hồ tỏ ra lịch duyệt và “nhân bản” hơn đám đệ tử say máu của mình. Ai đã từng nhìn những xác chết Nam có, Bắc có thối rữa dọc đường, vắt vẻo bên bờ sông Hương vô tội, những cái chết tức tưởi, già có, trẻ có, tóc xanh có, tóc bạc có ở một góc vườn hoa mai vẫn nở vàng rực rỡ mới biết chiến tranh không nên là hội hè, không nên là festival và cái mà con cháu nên học cha ông là văn tế phải khóc cho tất cả người chết, cầu siêu cho mọi sinh linh trong cuộc hơn thua, thắng bại vô thường. Và con người chỉ thắng một cuộc chiến nếu phục hồi được tình thương huynh đệ, đồng loại, lòng từ mẫn, đức sám hối và sẽ là kẻ thua cuộc toàn diện nếu tiếp tục nuôi hận thù, tính háo sát, tâm hơn thua, sát phạt với con người, với đồng bào – đặc biệt là một tội ác với những hương hồn chịu oan ức.
Một điểm đặc biệt không nên bỏ sót, trận đánh năm Mậu Thân không phải là một trận đánh trên chiến trường quy ước, nơi những người có mặt đều là chiến binh và trang bị vũ khí với mục đích duy nhất: hạ sát nhau càng nhiều càng tốt để đảm bảo chiến thắng cho phía mình. Tính chất “terrible” và “phi nhân” của nó có thể hiểu được. Vụ Mậu Thân có bối cảnh của một thành phố, cơ bản là một cộng đồng dân sự – trừ đồn Mang Cá ở phía Bắc thành phố và cơ sở quân sự Phú Bài xa thành phố cả mười cây số. Đấy không phải là chiến trường, hơn thua bằng súng đạn và người dân không thể là “địch” được. Không thể không nhớ lời nói công khai “ban ngày ban mặt” của một công dân châu Ô, châu Rí trên một thước phim truyền hình và được trích dẫn lại trên TV rằng “Chúng tôi chủ trương ai đầu hàng thì chúng tôi không giết… những người chết chỉ là những thành phần rắn độc”. Vấn đề là câu nói có thể minh hoạ cho cách tư duy đánh lận trong cách tuyên truyền của người chiến thắng. Thành phố là đất dân cư, dân sự, và dân chúng không cần đầu hàng ai cả. Và cái hàm ý trong câu nói “dân chúng không đầu hàng thì chúng tôi sẽ giết” quá rõ. Và đó là một diễn ngôn, một message phi đạo lý và hiển nhiên vi phạm dân quyền, nhân quyền. Cái gì đã xảy ra – mà phân tích của người viết cũng quá muộn màng – chứng minh cho một nhận định lệch lạc, một phương pháp tư duy vô bằng, vô nguyên tắc, tiếc thay là của một trí thức, vốn phải chịu ơn Huế của tôi, chịu ơn người dân từ tế, chịu thương chịu khó, chưa từng chủ trương lường gạt hiếp đáp ai, một số trong họ là những người mà bậc trí thức tài hoa có thừa đã nhầm là “rắn độc”. Tất cả sai lầm bắt đầu từ tư thế “xưng hô” đó thôi, “chúng tôi chủ trương”. Thưa rằng đó là cái sai tập thể của những trí thức tả khuynh (một số họ là bạn và vẫn là bạn của tôi: ai cho đám tiểu tư sản thành phố “chủ trương”, người ta đón các anh chỉ để “tuân lệnh”, làm “chiến sĩ” dù “trên mặt trận văn hóa”. Người hiểu sớm thì thấm thía, ngậm ngùi, người cương cường thì lên tiếng, hành động – tích cực hay tiêu cực. Còn là những thân phận tôi đòi, cứ ngỡ đang cùng “chủ trương”. “Chúng tôi chủ trương” mà! Các ông chủ lớn toàn có bàn tay sắt bọc nhung của mình!
*CÁ TÍNH CỦA ANH HAI TÔI – MỘT SỐ GÓC NHÌN
Qua những biến cố kinh hoàng 68 rồi 72 như thế, giới trí thức một số lần lượt tìm cách ra đi, số khác vì yêu Huế mà bám trụ tuy biết là không mấy an toàn.
Huế là miền đất nhỏ bé, nhưng nhiều đảng phái, xu hướng cực đoan chống đối nhau, đặc biệt là học sinh, sinh viên miền Trung có truyền thống dễ bức xúc về chính trị, đây là miền đất của biểu tình. Điều hành Viện Đại học Huế bấy giờ là ông Lê Thanh Minh Châu và anh Nguyễn Văn Hai, vô cùng khó khăn và tế nhị, phải chịu nhiều làn đạn từ các phía để giữ được không khí học tập ổn định cho sinh viên, giữ được chân các vị trí thức đã bỏ tất cả tiện nghi từ các phương trời Âu Tây về với Huế vì chí hướng muốn hoàn thành đại sự là góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên xây dựng đất nước và cho cả những ngày hòa bình, biến Đại học Huế trở thành cơ sở khoa học giáo dục có tầm cỡ quốc tế. Cả hai người – ông Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu và ông Viện Phó Nguyễn Văn Hai – như một cặp bài trùng, tuy tâm tính khác nhau nhưng vì sự nghiệp chung nên làm việc rất “ăn ý”. Ông Viện trưởng lịch duyệt, nhã nhặn, khéo léo về mặt ngoại giao, còn ông Phó tuy nóng tính dễ làm mất lòng người, nhưng kiên nghị, có tính nguyên tắc, giỏi tổ chức, quản lý.
Nhiều người biết anh Hai là Giám đốc Nha Học chánh Trung Nguyên Trung Phần, Khoa trưởng Khoa học, sau này là Viện phó Viện Đại học Huế, với tính cách nhiệt huyết mà nghiêm khắc, nóng nảy, nhưng ít ai biết anh Hai tôi là người rất tình cảm.
Anh có thói quen sau giờ làm việc, bước xuống xe hơi, xách cặp vào nhà, tắm rửa xong ra phòng khách hoặc hành lang ngồi, vừa nghe nhạc cổ điển vừa đọc sách, luôn có cây viết chì trên tay. Hai chị em tôi và các cháu Minh Hà, Minh Phương, Việt Sơn, Việt Châu thấy vậy, đang chơi cũng bỏ hết chạy tới bàn lấy sách đọc, không học cũng phải ngồi vào bàn làm gì thì làm, không được ồn ào, im lặng cho đến giờ cơm. 7 giờ tối những chiếc ghế quanh bàn không được trống chỗ. Cuối tháng học bạ đem về cho anh kiểm tra. Anh luôn nhắc nhở: Đừng bao giờ để ai ngồi trên đầu mình mà… ị!
Anh Hai thương yêu gia đình, lo cho em út, muốn các em ai cũng học giỏi nên người, nhưng cũng là mẫu anh Cả truyền thống rất nghiêm khắc, gần như độc đoán. Đối với gia đình và cả đại gia đình chúng tôi anh Hai có vị trí đặc biệt. Do chị đầu Vy Diệu đi tu đã mất nên anh Hai giữ nhiệm vụ con cả. Có địa vị xã hội và trình độ học vấn cao, anh Hai tôi vẫn là một người con chí hiếu, mẫu mực. Anh rất kính nể tầm hiểu biết và phân tích xã hội nhạy bén của Mẹ, coi trọng những lời răn thẳng thắn của bà. Đối với Mẹ, Nguyễn Văn Hai với những thành công, thành đạt về mặt xã hội vẫn là “thằng Hai” thông minh, trực tánh thương yêu của mình. Với con cái, anh nghiêm khắc như với học trò của anh, luôn muốn ghép các cháu vào khuôn khổ, kỷ luật vì sự nghiệp học tập và thành đạt xã hội. Nói anh là mẫu người cha gia trưởng không quá đáng. Nhưng tôi tin rằng các cháu của tôi biết rõ mọi thành công, vị trí đạt được hôm nay của mình đều dựa vào vai trò bệ phóng của người cha, nói đúng cách nói của văn hoá Á Đông là đấng nghiêm phụ của mình với ý nghĩa nghiêm khắc và đáng tôn kính nhất.
Cả nhà chúng tôi đều xem chị Hà Lãnh, chị dâu tôi, là cặp bài trùng không thể thiếu được trong cuộc đời của anh Hai. Có thể nói chị sinh ra dường như để thương yêu và phục vụ chồng. Một mặt, chị là hình ảnh tự làm mình nhỏ bé, thua thiệt một tí cho sự nghiệp của người chồng đa tài, đầy cá tính, nhưng mặt khác chị có thể tự hào về tình nghĩa anh tôi dành cho chị, người mà anh xem là không thể thiếu cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Chỉ cuộc hôn nhân hơn bảy mươi năm đã nói lên tất cả. Ngay cả anh Thạch, em Tịnh (đã mất) và tôi coi anh chị Hai là tấm gương ở nhiều mặt, bất chấp sự khác biệt tuổi tác và cả cá tính.
Điều lạ là khi gặp chuyện khó xử, anh có thói quen đóng cửa phòng khóc một mình. Tôi nhớ chuyện anh Thạch lúc còn học ở Pháp gửi về cho ba mẹ tấm hình anh chụp trên bãi biển Nice, hai tay ôm hai cô gái nước ngoài, chuyện bình thường ở các nước phương Tây. Mẹ bảo anh Hai gọi ngay anh Thạch về nước không học hành gì nữa. Anh Hai nói với tôi: “- Em văn hay chữ tốt, viết cho chú Thạch một lá thư giống như hồi chuông cảnh tỉnh”. Nói xong anh vào phòng riêng đóng cửa, khóc.
Hoặc có lần anh Thạch xin phép anh Hai và Ba Mẹ tôi được rửa tội theo Công giáo. Điều đáng ngạc nhiên là Mẹ tu tại gia và thường đi hoằng pháp ở các chùa, vậy mà chính Mẹ là người đầu tiên đồng ý. Mẹ nghĩ tôn giáo nào cũng dạy con người hướng thiện, cũng có cái hay riêng. Nhưng anh Hai khi nghe anh Thạch rửa tội thì không nhìn mặt, không nói chuyện với anh Thạch nữa, anh cho như vậy là anh Thạch không còn nghe lời anh nữa, anh vào phòng, đóng cửa rồi… khóc. Anh Thạch sợ anh Hai giận nên nhờ Mẹ giải thích cho anh Hai hiểu. Sau một thời gian anh Hai nghe Mẹ phân tích nói đi nói lại mãi có hơi xiêu lòng, anh Thạch mới dám gặp anh Hai.
Bản thân tôi dù thuộc týp phi tôn giáo (ma giáo chăng?) nhưng vẫn có thiên hướng thích Phật pháp như Mẹ. Tuy nhiên, cách ứng xử văn minh của Mẹ gây ấn tượng sâu sắc với tôi. Không ai không biết có sự xung khắc giữa tín đồ Phật giáo và tín đồ Công giáo ở Huế thời đó cũng như thái độ còn “giữ kẽ” giữa họ với nhau cho đến tận hôm nay. Phải nói đó là một sự thật không vui tí nào. Càng nghĩ tôi càng tâm phục Mẹ với tư cách xử lý bằng trái tim người mẹ, vừa với tư cách một trí thức có tư tưởng bao dung tôn giáo rất sớm, đi trước thành kiến khá phổ biến ở địa phương.
Cá tính có phần nóng nảy của anh Hai tôi vẫn còn theo anh đến đất Mỹ. Anh kể sở dĩ đến tuổi này anh còn được mời dạy vì bộ môn của anh khó, ít người dạy, sinh viên lại rất thích giờ của anh nhưng không vì thế mà để chúng muốn làm gì thì làm. Anh từng đuổi con của ông Viện trưởng vì nó vào học mà miệng nhai kẹo cao su, ngồi gác chân lên bàn. Không được. Phải dạy cho chúng biết lễ độ với người đang đứng trên bục cao hơn chúng. Giữa cái bục ông thầy đứng và cái bàn chúng ngồi học có một khoảng cách, đó là khoảng cách Thầy và Trò. Sau chuyện này, ông Viện trưởng cám ơn anh rối rít vì sinh viên đó là con ông. Ông còn nói, chưa có giáo sư nào như anh Hai vừa dạy học vừa dạy tư cách làm người giữa một đất nước nổi tiếng tự do như nước Mỹ.
Không nói gì xa xôi, gần đây, vào chiều 2.7. 2015 tại Hội trường tòa soạn báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, Sài Gòn) đã diễn ra buổi giới thiệu công trình nghiên cứu mới của anh Hai, sách với nhan đề Tư tưởng Phật giáo trong triết học Gilles Deleuze. Sự kiện do Ban Văn hóa Trung ương Gia1o hội Phật giáo Việt Nam tổ chức. Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban, đã phát biểu chào mừng, đồng thời bày tỏ sự hân hạnh được tác giả tín nhiệm giao phó việc tổ chức ra mắt tại Sài Gòn sau khi sách được xuất bản và in tại Huế. Giới thiệu cho buổi ra mắt sách là Giáo sư Tiến sĩ Triết học Thái Kim Lan, một trong những người được xem thuộc thế hệ môn sinh của Giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, từ Đức về. Chị chia sẻ: “Một người nhỏ bé như tôi lại có vinh d được thầy Hai giao phó nhiệm vụ viết bài gii thiệu cho sách. Tôi đã viết li gii thiệu rất khái quát. Tôi mong muốn sau này sẽ có nhng buổi học tập về công trình khảo cu công phu của tác giả Hồng Dương Nguyễn Văn Hai và tôi nghĩ điều này cũng nằm trong ý hướng của tác giả”. Chị vui vẻ kể: Những ai biết thầy Hai đều biết thầy là người rất nóng tính. Muốn làm gì thì làm ngay. Cho nên khi giao cuốn sách này cho tôi, thầy dặn lui dặn tới làm sao hoàn tất với thời gian nhanh nhất nếu có thểChị tiếp: “Khi tôi còn là một nữ sinh lớp đệ lục trường nữ trung học Đồng Khánh, Giáo sư Nguyễn Văn Hai đã là Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, nổi tiếng là một vị hiệu trưởng nghiêm khắc và chuẩn mực, nam sinh ai cũng sợ, nghe nói Thầy có đôi mắt sáng quắc, nhìn học trò là những đứa nhất quỉ nhì ma nhất trường cũng phải lấm lét cúi đầu. Nghe thôi mà đã “sợ” rồi! Đến bây giờ tuổi đã nghiêng, vẫn còn đứng từ xa nhìn, vì tôi chưa có dịp qua kỳ sát hạch môn Toán nào của Thầy trong khoảng thời gian trung học, và cũng chưa có lần được diện kiến với Thầy sau này lần nào, thế mà vẫn còn nghe run – cái run sợ cố hữu của một đứa học trò nhỏ bị kêu tên – khi nghe tiếng của Thầy một buổi sáng bất ngờ báo tin Thầy đã hoàn thành cuốn khảo luận “Tư tưởng Phật giáo trong triết học Deleuze” và yêu cầu tôi đọc. Cái “sợ” hoang mang vẫn còn rất nội tại cụ thể nơi từng nhịp hoài niệm, nó thâm nhập vô thức đến thế.
Anh Bùi Văn Nam Sơn, có thể nói là cây cổ thụ nghiên cứu triết học hiện nay tại Việt Nam đã lên phát biểu một câu làm mọi người trong khán phòng cười ròn rã: “Tôi không phải là học trò thầy Hai, anh tôi mới là người làm dưới trướng thầy, nhưng mỗi khi nghe anh tôi về kể chuyện thầy là tôi đã sợ, cho đến bây giờ ngồi đây, thú thiệt khi nghe nhắc đến tên thầy tim tôi còn đập rầm rầm vì… sợ!”.
Năm ngoái nghe Sư chùa Thiên Quang nhắn tin cho tôi biết anh Cao Huy Thuần ở nước ngoài về ghé thăm chùa, tôi định lên để nghe anh kể chuyện “hồi xưa” ở Huế nhưng rồi không đi được, thật tiếc!
Anh Cao Huy Thuần tốt nghiệp Đại học Luật ở Sài Gòn năm 1960 và về dạy Đại học Huế (1962-1964), xuất bản báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp học tiến sĩ tại Đại học Paris và giảng dạy Đại học Picardie Pháp. Anh là tác giả nhiều công trình Phật pháp.
Vừa rồi, bạn tôi gửi cho tôi một bức thư, trong đó anh Thuần kể cho bạn anh nghe chuyện năm xưa 1955 anh thi tú tài toàn phần. (Tuyết Lộc xin anh Thuần cho phép được trích bức thư “bí mật’ của anh nhé, vì thú vị quá muốn chép hết luôn đó).
“…Đầy tự tín, mình bước vào phòng, bắt tay các cậu như vào chỗ không người, đến khi ngước mắt nhìn sâu vào giữa lớp, gần cửa sổ, thì ôi thôi, thầy Hai đang uy nghi trấn ngự thiên đình. Chết mẹ tôi rồi! Mình tái mặt, lấm lét đến nộp thẻ thí sinh, ngồi chờ, tim đập, linh tính tới tấp báo động bất thường. Đến phiên mình, thầy nổ một câu ba chữ: "Điện là gì?" Đâu có trong chương trình! Ông nội ông ngoại ơi, tôi học điện hồi nào đâu mà biết nó là gì? Biết nó làm sáng bóng đèn, biết nó xẹt lửa cơndông, nhưng nó là gì, có chữ nào trong giáo trình năm đệ nhị đâu mà bảo tôi biết! … Có nghĩa là cái thằng tôi đã đi đời nhà ma”. Phần thi viết anh đạt điểm cao, nhưng vào vấn đáp thì bị môn Lý Hoá zéro. Ông thầy cho anh zéro là anh Nguyễn Văn Hai. Vào thời đó, nếu đậu phần thi viết rồi mà khi vào vấn đáp chỉ hỏng một môn thôi coi như “đi đời”, phải học lại chương trình đệ nhất để thi lại toàn bộ. “Giáo dục cái kiểu gì mà mọi hơn cả cà lơ. Một môn zéro, tất cả đều vô hiệu. Tỷ như trên trời, chỉ cần một ngôi sao băng là cả đêm tối không saoAnh kêu trời như bộng: Tri sinh tôi sao còn sinh chi cái môn Lý Hóa! Tri sinh tôi sao còn sinh chi thầy Hai!” y như Chu Du trong Tam Quốc. Anh viết tiếp: “Cho đến bây giờ, nói nhỏ ông nghe, thỉnh thoảng tôi vẫn còn nằm mơ thấy mình vô thi môn Lý Hóa. Thót ruột thức dậy, mừng húm.
…Nhưng lạ thật, sau này, mình không giận thầy Hai. Mình vi thầy Hai hình như có cái nghiệp gì đó bắt mình… thương thầy. Thầy Hai là ông thầy duy nhất để lại ấn tượng sâu đậm nơi mình. Ông thầy có liên quan nhất đến quan niệm làm người của tôi. Chỉ nói đến hai lĩnh vc thôi, chính trị và giáo dục, dư âm của thầy Hai đè nặng trên thái độ, trên s la chọn, trên cách đối x của mình. Tận gan ruột, mình khám phá ra bất công. Trong xương tủy, mình dị ng vi áp bc.
Thầy dạy: muốn thương bạn thì đng để cho bạn đi vào con đường độc quyền. Thầy dạy: bất c trong chính thể nào, hãy đng về phía kẻ bại, kẻ yếu, kẻ thất thế, kẻ chết đưối v bóng cây. Đó là chỗ đng của người trí thc.
Trong lĩnh vc giáo dục, thầy Hai dạy mình hỏi câu này một chỗ, câu kia chỗ khác, câu kia na chỗ khác na. Ai cũng có thể trúng số, không độc đắc thì an ủi.
Mình mang cái nghiệp thương thầy Hai còn vì lý do khác na. Có một cái gì đó nơi thầy khiến mình không giận thầy được. Thấy có cặp mắt sắc như dao vi các học trò dốt, nhưng thầy lại có cái cười rất thân vi lũ học trò giỏi. Học trò giỏi, chẳng đa nào ghét thầy. Thầy là ông thầy đầy năng động, sáng kiến, thông minh, nhạy bén. Vi thầy Hai, mình thường có linh cảm. Ngày trước thì linh cảm sét đánh ngang tai, sau này thì linh cảm cùng đi một đường. Và đúng là một đường cùng đi, một gió cùng thổi, vì thầy vi mình đã tng có nhiều sư phụ để cùng học cùng hành. T quan hệ thầy trò, thầy vi mình bắt qua quan hệ bạn, bạn đạo, đạo hu. Và trên hết, thầy là tác giả nhiều pho sách đồ sộ về ch "Không", còn mình thì cũng có đôi chút t hào đã bước được ít nhất một chân vào cái chốn "Không" đó. Thầy cũng không, trò cũng không, thì cái chuyện tú tài kia cũng không. Chỉ bài học làm người là vẫn tươi rói  cõi vĩnh hằng.
Sau này tôi mới được biết nhiều ý kiến ngược nhau ở Huế về anh Hai tôi khá phức tạp. Là quan hệ anh em nhưng tuổi tác lại rất xa, vả lại tôi là người có thiên hướng mơ mộng văn chương, triết học, tôi không để tâm đến chính trị. Tôi có một nhận xét riêng có thể là chủ quan, mối quan tâm bậc nhất của anh Hai tôi là tình yêu với khoa học, tri thức, và hoài bão đem khoa học, tri thức đóng góp cho đất nước, đặc biệt thông qua giáo dục bồi dưỡng cho các thế hệ trí thức trẻ. Và rất có thể tâm nguyện này giải thích vì sao khi ra nước ngoài, anh tập trung cho việc giảng dạy tại Đại học Kentucky, không phe phái chính trị, khi về hưu thì dồn toàn tâm toàn ý nghiên cứu Phật pháp. Anh chính là Hồng Dương, tác giả các tác phẩm Luận giải trung luận: Tánh khi và duyên khi (Nhà xuất bản Tôn giáo, 2003), Nhân quả đồng thi (Nguyệt san Phật học 2007), Tìm hiểu trung luận: Nhận thc và Không tánh và Tư tưởng Phật giáo trong Triết học Gilles Deleuze khi anh gần tuổi 92. Anh được thừa nhận là một nhà nghiên cứu Phật học có uy tín.
*LOUISVILLE – ĐÊM CUỐI CÙNG
Một tháng trôi qua rất nhanh đối với ba anh em tôi sau 27 năm xa cách. Cuộc hội ngộ này như một phép mầu, làm sống lại quãng đời đẹp, thơ mộng và bình an nhất của tôi dưới sự đùm bọc thương yêu của Ba Mẹ và hai anh trong một mái nhà. Tôi cảm thấy mình vẫn còn bé bỏng, được nũng nịu, yêu chiều.
Từ ngôi nhà ấm cúng 6 & 8 Lê Đình Dương Huế, Ba Mẹ, anh em quấn quít sum họp mỗi ngày, chỉ trong nháy mắt Ba Mẹ, anh Hòa rồi Tịnh về phương trời khác, ba anh em còn lại mỗi người lưu lạc mỗi nơi, nhớ thương nhau đành thông qua con đường ảo của máy móc điện tử. Đường xa vạn dặm, tuy biết có tiền là mười mấy tiếng đồng hồ sẽ nhìn thấy nhau nhưng sao khó khăn quá để thực hiện một giấc mơ khi càng ngày lực càng bất tòng tâm! Từ ước mơ ngày nào đó gặp lại các anh cùng dưới một mái nhà, giấc mơ đã thành hiện thực và giờ đây hiện thực như mơ đó chỉ còn… trong giấc mơ tôi!
 https://vandoanviet.blogspot.com/2018/01/trong-giac-mo-toi-ky-3.html#more

Không có nhận xét nào: