Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Gặp lại những nhà văn Tuổi ngọc

 0 THANH NIÊN
Trước 1975, song song với việc ra báo dành cho tuổi mới lớn thì nhiều nơi còn chủ trương thực hiện các tủ sách viết về học trò, trong số ấy, đình đám nhất vẫn là Tuổi ngọc.
6 tác phẩm mới xuất bản của các cây bút Tuổi ngọc  /// Ảnh: Quỳnh Trân
6 tác phẩm mới xuất bản của các cây bút Tuổi ngọc
ẢNH: QUỲNH TRÂN
Việc NXB Văn hóa Văn nghệ (TP.HCM) quyết định làm “bà đỡ” cho một số tác giả của “thiên đường không tuổi” này trở lại đã mang đến bất ngờ thú vị cho độc giả.
Các nhà văn Tuổi ngọc có sách xuất bản vừa ra mắt là Đinh Tiến Luyện với Anh Chi yêu dấu, Từ Kế Tường ngọt ngào Tình yêu có màu gì, Mường Mán say sưa Cạn chén tình, Hoàng Ngọc Tuấn tít tận Ở một nơi ai cũng quen nhau, Nguyễn Thị Minh Ngọc hoài niệm Tuổi ngọc ngày chưa xưa cùng Đoàn Thạch Biền hồn nhiên với Đâu phải cái gì cũng mong manh. Đây là những cây bút góp mặt thường xuyên trên tuần báo Tuổi ngọc mà những trang viết của họ từng tạo thành hiện tượng của dòng văn học “tươi xanh”, hay còn gọi bằng một cái tên quen thuộc “Tuổi của những tháng năm đẹp nhất đời người”.

Tuần báo của yêu thương



“Theo tôi dòng sách văn học viết về tuổi mới lớn vẫn là dòng sách hấp dẫn, bởi tuổi ngọc là những tháng năm đẹp nhất của đời người.  Ai cũng có giai đoạn này, sống, trải qua với tâm trạng của mình và luôn được hồi tưởng trong suốt các giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Nhưng hiện nay rất ít nhà văn viết chuyên về lĩnh vực này một cách bền bỉ và tâm huyết. Việc chủ trương ra lại tủ sách là việc làm thích hợp và mang nhiều ý nghĩa tích cực, khơi dậy một dòng văn học có thời đã bị lãng quên”.
Nhà thơ Từ Kế Tường

Suốt cả cuộc đời miệt mài sáng tác, nhà thơ Từ Kế Tường vẫn không bao giờ quên giai đoạn này, ông kể: “Thời đó, sách báo dành cho lứa tuổi học trò chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về báo có: Thiếu nhi, Ngàn thông, Tuổi ngọc. Nhu cầu của thị trường không chỉ đòi hỏi về báo, nên song song với việc ra báo, những người thực hiện tờ Ngàn thông đã chủ trương mở thêm tủ sách Tuổi hoa gồm ba loại: Hoa xanh, Hoa tím và Hoa đỏ. Còn NXB Đời Mới có tủ sách Trăm hoa dành cho lứa tuổi mới lớn và tủ sách Tay ngà dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Vì vậy những người làm tờ báo Tuổi ngọc mới có chủ trương ra tủ sách Tuổi ngọc để làm đa dạng thị trường”.
Tờ báo Tuổi ngọc do chủ nhiệm, chủ bút là nhà văn, nhà thơ Duyên Anh - Vũ Mộng Long điều hành, thư ký: Từ Kế Tường - Anh Chi (Đinh Tiến Luyện) cùng đặc phái viên Phạm Chu Sa và quản lý Đặng Xuân Côn, đặt trụ sở tại địa chỉ 38 Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Tuổi ngọc xuất bản thứ năm hằng tuần với slogan: “Tuần báo của yêu thương”. Ngoài văn, thơ, nhạc, mục thường xuyên… phần còn lại dành nhiều đất để đăng truyện dài. Thời đó, có rất nhiều cây bút trẻ được phát hiện và thành danh sau này từ Tuổi ngọc như: Từ Kế Tường, Từ Hoài Tấn, Phương Tấn, Đoàn Thạch Biền (Nguyễn Thanh Trịnh), Mường Mán, Hạc Thành Hoa, Hoàng Đình Huy Quan, Huỳnh Hữu Võ, Mang Viên Long, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh, Tôn Nữ Thu Dung, Nguyễn Nguy Anh, Trần Anh, Khuê Việt Trường, Nguyễn Man Nhiên, Phạm Sỹ Sáu, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Vân Thiên, Nguyễn Ngọc Nghĩa, Nguyễn Tấn Sĩ, Tạ Văn Sỹ, Nguyễn Thái Dương (Nguyễn Mặt Trời), Trần Viết Dũng, Lê Minh Quốc (Thiên Bất Hủ), Tôn Nữ Thu Nga, Văn Công Mỹ, Hồ Việt Khuê, Mai Việt, Nguyễn Như Mây, Phạm Khánh Vũ, Hoàng Trần, Đỗ Thị Hồng Liên, Bùi Hữu Miên (Nguyễn Liên Châu), Nguyễn Tấn Cứ, Chu Ngạn Thư, Phạm Thanh Chương…

Một thời đã sống trọn vẹn

Khi có thông tin tên mình nằm ở một trong 6 cuốn sách của những tác giả Tuổi ngọc được xuất bản, nhà văn Đinh Tiến Luyện nhận được nhiều lời chúc yêu thương của độc giả dành cho. Mọi người như sống lại cả thời hoa niên ngày xưa. Nhà văn Đinh Tiến Luyện viết trên trang cá nhân: “Chẳng tiếc gì khi một thời mình đã sống trọn. Tuổi ngọc một thời là góc kỷ niệm của chung chúng ta. Lật lại những trang báo cũ đã quên thật trong tôi tự lâu, tất cả mọi số báo, từng góc trang một, tôi vẫn chẳng quên được, vì nó đều qua tay tôi sắp xếp... Như người đầu bếp, thế thôi. Giờ thì bàn tiệc tuổi mộng mơ đã tàn tự lâu lắm rồi, chỉ còn thoáng hương vị quyện trong khói tàn lại làm tôi nhớ khi khéo léo trộn lại hình ảnh những ấn phẩm mới và cũ để nhận ra Tuổi ngọc”.
Bà Đinh Thị Phương Thảo, Tổng biên tập - Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ, cho biết: “Nhu cầu tìm đọc những tác giả Tuổi ngọc ngày xưa là rất lớn, vì vậy chúng tôi quyết định tuyển chọn làm tủ sách Thiên đường không tuổi. Hạnh phúc là nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc. Các thầy cô giáo ở các trường học từng một thời say mê với Tuổi ngọc thì nay cũng tình nguyện làm những sứ giả văn hóa, mọi người cùng vận động mua sách để tặng lại học sinh, giúp các em tiếp cận được với dòng văn học về tình bạn, tình yêu hết sức trong sáng một thời. Hy vọng nhiều tác giả Tuổi ngọc sắp tới được tiếp tục giới thiệu trong tủ sách này sẽ lan tỏa những yêu thương đến với cuộc đời”.
Nhà văn Từ Kế Tường bộc bạch: “Đây là đề tài muôn thuở, tác giả nào viết hay, được giới trẻ chấp nhận sẽ tạo được tên tuổi và có dấu ấn. Tôi hy vọng tủ sách này sẽ lớn mạnh, phát triển, không chỉ quy tụ, tập hợp được những tác giả tên tuổi như 6 tác giả và các tác phẩm vừa rồi mà sẽ là sự nối tiếp bởi những tác giả trẻ”.
https://thanhnien.vn/van-hoa/que-huong-qua-ong-kinh-nhiep-anh-nu-tphcm-1056118.html

Không có nhận xét nào: